A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint.... What I began by reading, I must finish by acting.

Henry David Thoreau

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Ba Lê… Mắt Biếc Môi Hồng - Chương 2: Người Đẹp Chân Dài
rong cả hai xe đều có người ngồi. Xe 204 đỏ do một thiếu phụ lái, chắc nàng là thư ký của Bửu Khoa, bên cạnh nàng có một gã đàn ông. Ghế xe 204 không đến nỗi chật, vậy mà khối thịt của hắn bị nhồi nhét như khúc giò, điều này đủ chứng tỏ hắn to lớn gấp đôi Văn Bình. Tuy nhiên, Văn Bình chưa cần quan tâm đến hắn. Vì xe đậu bên trái, chàng ở phía sau tài xế, hắn muốn trổ tài phải mất thời giờ mở cửa thót xuống đường, và vòng qua mũi xe mới có thể đụng chàng trên lề.
Ngọn độc cước chớp xẹt của chàng được giành cho gã da đen thui, có lẽ là dân Phi Châu nhiệt đới, vừa hùng hổ vọt ra trong khi xe DS chưa dừng lại hẳn. Văn Bình đã xử dụng môn đá là đối phương khó có hy vọng tránh đòn nên bàn chân của chàng vừa tung lên, gã mọi đồ sộ đã chúi đầu vào cửa xe. Hắn chỉ kêu oái được một tiếng ngắn rồi ngã chềnh ềnh trên vĩa hè đầy vỏ giấy bọc kẹo cao-su.
Ngoài gã mọi ra, xe DS còn một tên khác nữa. Hắn là tài xế. Cộng với khối thịt khổng lồ trong xe 204 vị chi là ba. Một tên bị đo ván, còn lại hai. Trong chớp mắt, gã khổng lồ đã rời xe 204, khoa quả đấm to gần bằng quả bưởi Biên Hòa đánh chàng. Người lạ chưa biết tài nghệ của Văn Bình không thể không lo sợ giùm chàng vì trái thôi sơn kếch xù phát ra tiếng gió ào ào, thiết tưởng đánh nhằm những phiến đá lót bờ sông Seine cũng vỡ chứ đừng nói là đánh nhằm mặt chàng nữa.
Gã khổng lồ chửi đổng trước khi vung quyền. Nhưng chỉ mấy giây đồng hồ sau, hắn bỗng đứng yên như bị chôn chân xuống đất. Mặc dầu hắn vừa đấm trúng màng tang Văn Bình.
Chàng có thể né tránh dễ dàng song chàng đã dụng ý chịu đòn hầu trấn áp và lung lạc tinh thần của địch. Chàng đoán không sai, gã khổng lồ thấy chàng lãnh trọn cú đấm trăm cân vào yếu huyệt trên mặt mà vẫn tỉnh khô nên đâm ra hoảng hốt. Trong khi đó, Văn Bình đã chộp được cánh tay của gã tài xế, quay tròn một vòng rồi hất ngược, nạn nhân bị đánh văng vào kiếng chắn gió xe DS. Kiến chắn gió xe DS thuộc loại tốt, nó gồm nhiều lớp chặn lên nhau, đụng mạnh trong tai nạn mới rạn vỡ vậy mà gã tài xế đã chui luôn nửa cái đầu vào bên trong.
Sở dĩ gã tài xế làm tấm kiếng bể nát là do Văn Bình vận kình. Chàng dùng phép phóng kình độc đáo của Thái Cực Quyền biến nạn nhân thành vật cứng với sức mạnh của viên đạn thoát khỏi nòng súng. Đầu đâm qua kiến chắn gió, gã tài xế chết không kịp ngáp, mặt mày đầy máu. Thật ra Văn Bình không chủ tâm giết hắn, chẳng qua hắn mang hết sức bình sinh cưỡng lại nên bị rơi vào tình trạng thê thảm "gậy ông đập lưng ông" tối kỵ của Thái Cực Quyền. Giá hắn ngoan ngoãn chịu đòn thì tệ lắm mình mẩy xây xát hoặc gẫy tay chân. Sự kháng cự đần độn của gã tài xế chứng tỏ hắn chưa phải là dân quyền thuật có hạng. Vì nếu hắn là nhân viên điệp báo hải ngoại thì khó thể là nhân viên Quốc Tế Tình Báo Sở. Vì nhân viên Tình Báo Sở Hoa Lục đều được hấp thụ căn bản của Thái Cực Quyền.
Văn Bình quay lại, gã khổng lồ có quả đấm to gần bằng quả bưởi vẫn chưa hết sảng sốt. Hắn giơ tay lên rồi hạ xuống. Có lẽ trong đời hắn đã choảng ai là người ấy phải sụm. Hắn hoang mang vì đây là lần thứ nhất hắn gặp một đối phương "chì" ngoài sức tưởng tượng.
Cái chết méo mó và lầy lụa của gã tài xế làm hắn bừng tỉnh. Song hắn không có thời giờ lấy lại phong độ thuở xưng hùng xưng bá của kẻ mù trong đám người chột. Vì Văn Bình đã tấn công bằng đầu gối. Cục xương lồi ở đầu bánh chè đâm trúng gồ thịt gần nách, nơi tọa lạc của huyệt nhị tiên truyền đạo. Huyệt này bên ngực nào cũng có, nhưng huyệt bên trái mới là huyệt chết, còn huyệt bên phải chỉ gây ra bại liệt và bất tỉnh. Văn Bình đã tung đòn vào nách hữu, tuy vậy nạn nhân cũng dộng đầu xuống đất kêu rầm một tiếng trước khi nằm lăn như cây gỗ.
Triệt hạ 3 đối thủ xong, Văn Bình vẫn ung dung, nét mặt không hề biến đổi. Chàng mở cửa xe Pờ-dô 204, cô gái mắt biếc môi hồng đang ngồi thu hình như sợ người ngoài nhìn thấy. Da mặt nàng tái mét tuy nàng thoa thật nhiều phấn hồng. Dưới ảnh hưởng của cơn kinh hãi, môi nàng chuyển sang màu đỏ sám. nàng ngước nhìn chàng, giọng run run:
- Ông… ông có bị thương không?
Văn Bình cười:
- Không. Cô đừng sợ. Phiền cô ngồi sang bên, để vô-lăng cho tôi.
Cô gái loay hoay mãi mới lách nổi cặp giò dài lê thê. Khi ấy Văn Bình mới nhận thấy nàng đẹp. Kể ra mặt mũi nàng khá đặc sắc, bộ phận nào cũng đều đặn và tươi mát, không có chỗ nào thô tháp làm đàn ông chán ngán, nhưng chàng không tha thiết lắm. Chàng vốn thích vẻ đẹp thiên nhiên, nghĩa là diện mạo và thân hình phải do tạo hóa nhào nặn trăm phần trăm, chàng không gắn bó với những giai nhân được bàn tay người mổ sửa. Ba Lê là kinh đô của thế giới làm đẹp, thẩm mỹ viện đếm được cả ngàn, đàn bà đẹp nghiêng nước nghiêng thành không hiếm song tỷ lệ đàn bà đẹp không cần đến cao-su, son phấn và lưỡi dao giải phẩu chỉ lên đến 3, 4 phần trăm là cùng…
Cho nên những đường cong cân đối của cô gái mắt biếc môi hồng làm Văn Bình hoài nghi. Trên người nàng, chắc chắn chỉ có cặp giò là thật. Thật chính hiệu. Vì không lẽ nàng nối thêm xương cho nó dài thêm. Dầu sao nó cũng không thể thuôn tròn đến thế. Nàng mất tinh thần khiến khuôn mặt trái xoan xinh xắn của nàng xinh xắn thêm, chàng muốn ôm ghì lấy nàng và hôn hít cho bỏ cơn… đói bụng.
Nhưng chàng phải tự kềm hãm vì sau lưng có tiếng động. Chàng bước trái, nằm rạp vào vè xe hơi. Rầm… thanh sắt tròn được dùng để mở đinh ốc mỗi khi thay vỏ lốp giáng xuống làm cửa xe 204 bị lún xuống. Nếu Văn Bình còn đứng ở chỗ cũ, xương thịt chàng khó thể vẹn toàn. Vì kẻ xử dụng thanh sắt đã nhắm khoảng vai yếu nhất để chém vạt góc. Hung thủ là gã mọi đen bị chàng đạp lăn chiêng hồi nãy. Hắn tưởng Văn Bình không đỡ nổi ngón đòn xuất kỳ bất ý. Hắn xuống tấn, thu thanh sắt về, toan đánh tiếp thì ngọn cước thụt hậu của Văn Bình đã thọc giữa cái miệng cá ngão của hắn.
Văn Bình thả thắng tay, lái chiếc 204 ra khỏi lề. Từ phía sau, xe cộ vẫn chạy tới nườm nượp, nếu chàng điều khiển vô-lăng kém điệu nghệ thì tai nạn đã xảy ra. Tuy vậy, không xe nào ngừng lại. Một phần vì cuộc đụng độ giữa Văn Bình và đám nhân viên lạ được kết thúc trong vài phút đồng hồ ngắn ngủi nên khách qua đường, nhất là khách ngồi trong xe, không kịp nhìn thấy. Phần khác, vì cuộc sống xô bồ ở những đô thị lớn làm con người trở nên ích kỷ, ai chết mặc ai, không muốn mang lụy vào thân nên tài xế càng tống ga xăng.
Chàng toan quẹo trái thì cô gái ngồi bên vội nói:
- Cầu Mới, Cầu Mới.
Cầu Mới, nghĩa là rẽ bên phải. Cũng như nhiều thành phố trên thế giới, Ba Lê có những địa danh kỳ dị. Cầu Mới, Pont Neuf, song lại chẳng mới tý nào. Nó được coi là cây cầu xưa nhất. Và cũng là cây cầu đẹp nhất mặc dầu được hoàn thành từ 3 thế kỷ trước.
Văn Bình bẻ vô-lăng nhưng cô gái nhổm khỏi băng, giọng hoảng hốt:
- Tay trái, tay trái, nhanh lên.
Văn Bình đành trườn mình sang bên trái. Xe cộ Ba Lê lưu thông trên lề phải nên một lần nữa chàng đã gây ra sự lộn xộn. Cũng may không xe hơi nào chạy sau bị tróc sơn hoặc móp tôn. Chàng thở phào nhẹ nhõm khi chiếc 204 đâm vào đại lộ Bờ Sông - cũng là đường một chiều - mang cái tên nên thơ là đường Kim Hoàng (1) . Mắt cô gái ngồi bên vẫn nhớn nhác. Chàng hỏi nàng:
- Cô sợ hả?
Nàng gật đầu:
- Vâng. Dường như có xe rượt theo.
Chàng cười xòa:
- Không phải đâu. Cô nhìn lầm.
Cô gái lấy mù-soa chấm bồ hôi mũi. Phụ nữ làm đỏm Tây phương hay có điệu bộ chấm những giọt bồ hôi tưởng tượng trên mũi. Nhưng ở đây cô gái đã sợ hãi thật sự. Trời lạnh teng teng mà bồ hôi vã đầy trán và dọc sóng mũi thẳng băng và bóng loáng của nàng. Nàng sợ hãi thật sự nên hơi thở gấp gáp, ngực nàng phồng lên xẹp xuống vội vàng. Nhờ phản ứng tự nhiên này của nàng chàng mới có cơ hội nhận xét chính xác hơn về sắc đẹp của nàng. Cặp giò của nàng thuộc loại thật trăm phần trăm, và bộ ngực nở nang của nàng cũng không chịu thua một phần trăm nào.
Chiếc 204 chạy qua khu La-tinh. Đến đường Huy-sét (2) , qua hai ngôi nhà thờ. Đến đại lộ Xanh Giéc-manh, qua bảo tàng viện Cờ-lu-ni (3) . Tiếp tục chạy thẳng nữa sẽ đến đại học Sọt-bon, và xa hơn nữa là đền thờ danh nhân (4) .
Chàng giảm tốc độ và nghiêng về phía nàng:
- Cô hết sợ chưa?
Nàng đáp gọn:
- Chưa. Tim em đang đập thình thịch.
Chàng biết chắc nàng sẽ mời chàng khám phá đôi gò bồng đảo nếu chàng giơ tay ra vịn cớ nghe tim nàng đập. Song chàng lại tiếp tục cuộc đối thoại nhát gừng:
- Giáo sư đang chờ?
- Vâng.
- Cô bị họ chặn lại ở đâu?
- Dọc đường. Họ rình sẵn ở ngã tư. Gặp đèn đỏ, em phải ngừng lại. Một tên trèo lên xe, dí súng dọa giết, em sợ mất hồn, và phải răm rắp tuân lệnh.
- Họ biết cô lái xe đến đón tôi?
- Biết. Họ còn biết rõ gia cảnh của em nữa. Họ nói nếu em lộn xộn, họ sẽ quăng con em xuống sông Sen.
- Cô có mấy cháu?
- Một. Một trai độc nhất. Gần ba tuổi. Ngoan kinh khủng. Nó là nguồn sống của em. Nó chết thì em cũng chết. Ông nghĩ coi… hoàn cảnh em rất khó khăn… em không thể làm giấy khai sinh đàng hoàng cho con… nhưng thôi, em xin lỗi ông, em thật bậy, lẽ ra em không được phép mang chuyện riêng ra kể lại làm bẩn tai ông.
- Cô cứ nói. Phụ nữ có chuyện ấm ức, thổ lộ ra được thì cảm thấy nhẹ nhõm như cất được gánh nặng. Cha đứa bé đã có vợ rồi ư?
- Chưa. Còn độc thân. Độc thân nhưng có nhiều bạn gái và nhiều con riêng.
- Chắc nó giống cha như đúc?
- Đúng thế, ông ạ. Mắt tôi biếc mà mắt nó lại đen láy, da nó lại hơi vàng mới lạ chứ.
- Tôi hiểu rồi. Cha của đứa bé là giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa.
Cô gái tái mặt:
- Ấy chết. Ai bảo ông như vậy?
Chàng nhún vai:
- Một người bạn trong tổng lãnh sự. Chàng chưa tạt qua lãnh sự quán. Chàng đoán mò là Bửu Khoa vì nghe nói ông ta là vua đào hoa, mà vẫn sống đời xê-li-bạt. Vả lại, chàng không đến nổi ngây ngô để không hiểu được rằng nàng cố ý đưa ra những chi tiết độc đáo khiến chàng có thể biết được danh tánh người chồng không cưới xin của nàng. Tại sao nàng cần khoe khoang như vậy? Chàng đang nghĩ cách hỏi nàng thì nàng đã rú lên như cô gái đồng trinh bị tên lưu manh bóp nhũ hoa ngoài công lộ:
- Chết tôi rồi!
Văn Bình thắng lại. Cô gái vội khoác tay:
- Khổ quá, ông đậu lại làm gì? Ông quẹo ra đại lộ Xanh Giéc-manh đi.
- Tại sao cô la chết?
- Vì trong cơn hốt hoảng tôi quên nói lộ trình làm ông lái loanh quanh mất thời giờ. Ông thuộc đường không?
- Thuộc. Nhưng cũng không bằng người bản xứ. Cô muốn tôi lái về đâu?
- Về văn phòng của giáo sư Bửu Khoa. Ông tài quá, ông là người ngoại quốc mà tôi còn thua ông xa mặc dầu tôi sinh trưởng và lớn lên ở đây, nhiều khi tôi lái xe lộn đường một chiều, vậy mà từ nãy đến giờ tôi chưa hề thấy ơng lộn đường nào cả. Đến ngã tư, phiền ông qua cầu Sun-ly.
- Văn phòng của Bửu Khoa ở trong khu đảo thánh Lô-y? (5)
Đảo thánh Lô-y cũng là một hòn đảo nhỏ nằm trên sông Sen, và chỉ cách Thị-đảo, nơi chàng tản bộ hồi nảy, một cây cầu. Nghĩa là chàng chỉ chạy một vòng là đến nơi, chứ không phải chạy xuống tận phía Nam rồi đổ ngược lên theo sự chỉ dẫn của cô gái.
Dường như hiểu được sự thắc mắc của chàng, cô gái xin lỗi:
- Em làm rộn ông nhiều quá, ông đừng mắng em nhé.
Văn Bình nghiêng đầu:
- Tôi đâu dám.
- Giáo sư Khoa thường bảo em là con nít cũng không sai chút nào. Không khéo em mắc bệnh tàng cũng nên.
- Bậy nào. Nếu cô tàng thì trên cõi đời này, ai cũng tàng hết.
- Ha ha… giáo sư Khoa cũng nói như ông. À, em quên, em chưa hỏi tên ông.
- Văn Bình, tôi là Văn Bình.
- Em là Lilian. Giáo sư Khoa đặt tên Việt cho em là Lệ Liên.
Nàng nói hai chữ "Lệ Liên" rõ ràng, có đủ dấu nặng và dấu mũ hẳn hòi, làm chàng sửng sốt:
- Té ra cô biết tiếng Việt?
Lệ Liên - Lilian cười dòn:
- Sơ sơ thôi, ông ơi! Em tập nói tiếng Việt từ hồi còn ở đại học và Bửu Khoa là thầy giáo sinh vật học. Sau ngày tốt nghiệp, em về làm cho Bửu Khoa, em lại cố gắng học thêm. Nhưng nói sõi tiếng Việt để làm gì, hả ông? Cuộc đời chán quá, em chẳng thiết sống nữa.
- Đối với phụ nữ có nhan sắc là hệ trọng. Cô là người đàn bà đẹp, tôi chưa thấy người đàn bà đẹp nào chán đời cả. Hơn nữa, cô lại đã có con. Cô lại nói đứa con trai này là nguồn sống của đời cô.
- Cám ơn ông, ông đã an ủi em, nhưng ông ơi…
Lệ Liên ngưng nói. Chàng thấy hai mắt nàng rưng rưng. Chàng đến Ba Lê để lo việc chung cho Sở, không phải để băng khoăng về số kiếp hẩm hiu của một thiếu phụ khác chủng tộc. Nhưng không hiểu sao, lòng chàng vẫn nao nao. Có lẽ vì trong cơn xúc động Lệ Liên bỗng tăng vẻ đẹp sắc sảo và lôi cuốn. Chàng ngó tròng con mắt ngấn lệ của nàng, giọng ngọt ngào:
- Bửu Khoa bỏ cô để theo người khác?
Lệ Liên lắc đầu:
- Không, không bao giờ. Nhược điểm của Bửu Khoa là đàn bà, tuy vậy ông ta chưa yêu ai bằng em. Em đã nghĩ đến thành hôn, song quá nhiều trở ngại đã xảy ra. Trong thời gian gần đây, em bị đe dọa hoài.
- Ai đe dọa?
- Không biết. Phần nhiều đe dọa bằng điện thoại. Em đang làm việc, người ta gọi dây nói đến văn phòng, ban đêm, em về nhà, người ta cũng biết cả số dây nói riêng của em. Người ta đe dọa là nếu em lăm le kết hôn với Bửu Khoa, em sẽ lãnh trọn một chai acit vào mặt. Chỉ ăn một vài cái tát em cũng sợ hết hồn, phương chi bị tạt cường toan, cho nên…
- Cô có nói cho ông ta biềt không?
- Không, em không dám, em sợ Bửu Khoa buồn. Vả lại, đang còn nhiều trở ngại khác nữa. Vấn đề tôn giáo chẳng hạn. Bửu Khoa theo đạo Phật và là tín đồ thuần thành, hàng tháng ăn chay 6 ngày, còn em là đạo ròng Công giáo.
Chiếc 204 vẫn bon, bon chạy dọc bờ sông. Tuy đây là khu trung tâm thành phố, sự sinh hoạt lại phẳng lặng lại phẳng lặng như ở vùng ngoại ô. Hầu như không thấy bóng xe cộ trên những con đường chỉ chạy một chiều, hai bên toàn là nhà cổ nghiêm trang, trầm mặc soi bóng trên giòng sông Sen lờ lững….
Lệ Liên bỗng nói:
- Đến rồi. Đến trồi.
Nguyễn Phước Bửu Khoa ngụ trong một ngôi nhà đồ sộ, chung quanh có vườn, kiến trúc cổ kính và vững chãi. Ngoài cổng chỉ có một tấm biển đồng đã lu, trên khắc dòng chữ "giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa". Cổng bằng sắt sơn đen ảm đạm, Lệ Liên bóp ba tiếng kèn thì có tiếng giầy đàn ông lộp cộp từ trong sân chạy ra rồi tiếng xích sắt chạm nhau kêu lách cách. Cửa mở hé, một bộ mặt sồm soàm râu ria ló ra. Nhận ra chiếc 204 quen thuộc và Lệ Liên ngồi bên trong, gã đàn ông râu ria vội mở rộng cửa.
Văn Bình cho xe vào sân, và đậu bên cái hồ nước đầy rêu xanh, Lệ Liên hỏi gã râu rìa:
- Giáo sư đâu?
Gã râu rìa đáp:
- Trên lầu. Giáo sư gắt om từ nãy đến giờ.
Lệ Liên quay lại cười với Văn Bình:
- Người này là bồi phòng kiêm hỏa đầu quân cho ông Bửu Khoa. Em quên chưa kể rõ về tính tình của ông ta. Em đã đọc bản dịch Tam Quốc, ai cũng cho Trương Phi là người nóng tính nhất, song theo em nhận xét, Bửu Khoa còn nóng hơn Trương Phi nhiều. Khi sửng cồ lên thì trời cũng coi bằng vung. Ai xớ rớ đến là ông ta cho ăn đòn sụm xương.
- Ông ta có võ?
- Vâng. Chẳng hiểu ông ta học võ ở đâu mà giỏi thật là giỏi. Ông ta có thể đánh ngã 5, 6 người lực lưỡng. Nhưng ông ta không bao giờ cậy giỏi võ để ăn hiếp. Tư cách nhà bác học mà… nóng thì đến lửa cũng chưa nóng bằng, song chỉ nóng một vài phút rồi nguội ngay. Ông đừng phiền lòng nếu Bửu Khoa to tiếng với em nhé!
- Cô yên tâm. Người nóng tính thường tốt bụng. Kẻ nào luôn luôn phẳng lì như đá mài mới đáng sợ. Vả lại, cô về chậm, ông ta nổi cáu là đúng lắm. Trừ phi ông ta biết cô bị quân gian chận lại dọc đường, và tôi gây ra mấy vụ giết chóc thì đó lại là chuyện khác.
- Em đã dặn ông kỹ càng, ông đừng vui miệng thuật lại thì rầy rà to. Ông biết không? Việc gì em cũng giấu diếm… Bửu Khoa là một thiên tài có thể giúp ích nhiều cho nhân loại, ông ta biết rõ tất sẽ bỏ dở công cuộc thí nghiệm để bảo vệ em… em không muốn đề cao hạnh phúc cá nhân… nghĩ đến bản thân là xấu, phải không ông Văn Bình?
- Cũng còn tùy. Dầu sao cô cũng là người đàn bà đáng quý. Vì cô đã chịu hy sinh rất nhiều…
Lệ Liên cúi mặt để che giọt nước mắt vừa rớt xuống má. Gã đàn ông râu ria đã khóa xích cổng, lộp cộp bước vào. Đến gần Lệ Liên, hắn cất tiếng bô bô:
- Chờ mãi không thấy cô về, ông ta đập bàn, đập ghế ầm ầm, bắt tôi lái xe đi tìm cô cho bằng được. Cô Diễm Hà can ngăn thì ông ta đuổi luôn ra khỏi phòng, đến khi cô Diễm Hà tức tưởi khóc, ông ta mới nguôi.
Lệ Liên vừa khóc vừa cười:
- Nghĩa là bây giờ hỏa diệm sơn đã ngừng phun lửa?
Gã râu ria cũng cười:
- Ngừng rồi. Ngừng hẳn cách đây 5 phút. Hồi nãy, tôi vào phòng, nghe ông ta xin lỗi cô Diễm Hà.
Lệ Liên nói nhỏ vào tai Văn Bình:
- Diễm Hà là cô bí thơ người Việt. Đấy, ông ta lạ lùng như thế đấy, cơn nóng bùng lên thì phát ngôn thục mạng, khi hết giận thì xuống nước xin lỗi… Ông ta kỵ nhất nước mắt đàn bà, ông ta đang khoa tay múa chân tưởng như sắp ăn tươi nuốt sống thiên hạ, thế mà em hay Diễm Hà rớt một giọt nước mắt… là hỏa diệm sơn bỗng xìu xuống. Bọn em vẫn gọi đùa ông ta là hỏa diệm sơn… Nào, mời ông lên cầu thang.
Ngôi nhà của giáo sư Bửu Khoa được xây cất theo kiểu cổ lổ sĩ, giống như hai tòa lâu đài thuộc thế kỷ thứ 17 đứng sừng sững gần đó và được nhà cầm quyền liệt vào loại thắng tích hạng nhất. Chẳng hiểu người Pháp dựa vào tiêu chuẩn nào để khen kiến trúc đẹp, chứ thành thật mà nói thì Văn Bình không ngửi nổi. Chàng bực mình nhất khi phải đặt chân lên những bậc thang trơn trượt và dựng ngược. Chàng trèo phát mỏi chân mà chưa lên đến lầu trong khi cặp giò tiên nữ của giai nhân Lệ Liên vẫn ruỗi ra khép vào dẽo như kẹo kéo làm chàng rệu nước miếng. Giáo sư Bửu Khoa phải tu nhân tích đức từ 10 kiếp trước mới vớ phải người đẹp trường túc Lệ Liên. Và tuy chưa gặp Bửu Khoa, cũng như chưa được nhìn hình ảnh Bửu Khoa, Văn Bình đã có thể đoán được ông ta có trái tim thật tốt. Nếu là trái tim hạng trung bình thì Bửu Khoa đã mặc sơ-mi gỗ từ khuya, và giờ này nấm mồ của ông ta đã vàng hết cỏ.
Trời chưa tối song cầu thang và lầu nhất đã bật đèn vì mọi cửa sổ đều đóng im ỉm như nhà có người đau nặng. Lầu nhất được trang hoàng gọn gàng, đó đây lơ thơ mấy chậu sứ trồng hoa và những ngọn đèn chao bằng pha lê. Văn Bình rất sành hoa nhưng chàng đành chào thua, không biết những cây hoa nở hàng chục bông hồng dịu mắt này là hoa gì.
Gã râu ria chỉ trèo lên hết bậc thang rồi dừng lại. Lệ Liên mời Văn Bình đi trước. Nàng gõ nhẹ cánh cửa gổ tếch đánh bóng, phía ngoài không ghi số hay tên. Gõ xong, nàng lùi lại, đứng chờ. Chàng nhận thấy chốc chốc nàng lại ngó trộm chàng bằng đuôi mắt. Cặp mắt ướt át thế này, mỗi lần nhìn đàn ông thì đến tượng đá trong các giáo đường kế cận cũng xụm đầu gối huống hồ Văn Bình lại là một giống đa tình… Tuy nhiên, khi chàng nhìn trả lại thì nàng lại lật đật quay ra chỗ khác.
Bên trong không có tiếng trả lời, Lệ Liên gõ cửa lần thứ nhì, và lần này tay nàng đập mạnh hơn.
Cũng không có tiếng trả lời. Mặt Lệ Liên vụt tái. Nàng đập thình thình, rồi gọi lớn:
- Diễm Hà, Diễm Hà, mở cửa cho khách.
Không khí mỗi lúc một thêm nặng nề. Văn Bình có cảm giác như thân thể chàng thiếu khí ốc-xy khiến buồng phổi bị nghẹt. Lệ Liên gọi lớn hơn nữa:
- Giáo sư Bửu Khoa còn ở trong phòng không? Có khách, có khách.
Gã râu ria đã lộp cộp chạy tới. Hắn dùng hết sức bình sinh xô cánh cửa gỗ tếch. Hắn có tấm thân lớn trên mức trung bình Tây phương, nhưng chắc hắn chưa rành võ thuật nên cánh cửa vẫn không hề chuyển động trong khi hắn thở phù phù, lưng bàn tay đọng máu tím bầm. Hắn nhìn Lệ Liên rồi nhìn Văn Bình, tỏ vẻ sợ hãi rõ rệt:
- Tôi vừa nói chuyện với giáo sư mà… không lẽ giáo sư đi đâu… mà còn cô Diễm Hà nữa… không khéo có chuyện gì rồi đây, trời ơi… trời ơi…
Văn Bình không đợi Lệ Liên yêu cầu chàng nữa. Vả lại, nàng cũng không thể biết rằng chàng có thừa bản lãnh triệt hạ cánh cửa kiên cố này. Chàng không cần lùi lại để lấy trớn. Chàng cũng không cần dùng bờ vai làm đòn bẩy. Thản nhiên, chàng đặt bàn tay vào quả đấm bằng đồng. Kình lực từ đan điền cuồn cuộn dâng lên như thác lũ, truyền ra tay, Văn Bình hích nhẹ một cái, cánh cửa bật tung ổ khóa, mở mạnh vào trong.
Điều chàng hình dung trong óc đã thành sự thật.
Sự thật ghê gớm có thể đảo lộn hết kế hoạch và mưu đồ của chàng… Bửu Khoa, giáo sư khoa học hữu danh Nguyễn Phước Bửu Khoa, người nắm đầu dây mối nhợ trong việc tiếp xúc và thuyết phục thiên tài di truyền học Tôlan của xứ Nam Tư lạp phu, đang quỳ gối trên đất, tay ôm bụng, mặt nhăn nhó trong sự đau đớn vô tả.
Bên cạnh Bửu Khoa là một người đàn bà.
Nàng là người Việt chính cống, căn cứ vào nước da và sống mũi, tuy thân thể nàng to lớn mà nàng mặc đồ đầm. Khỏi cần được giới thiệu, Văn Bình đã biết tên nàng là Diễm Hà, nữ bí thư của giáo sư Bửu Khoa. Nàng nằm sóng sượt, mắt nhắm nghiền, mớ tóc đen dài lòa xòa phủ nửa mặt.
Có lẽ cả Bửu Khoa lẫn Diễm Hà đã chết.
Lẽ ra cử chỉ đầu tiên của chàng phải là bước nhanh lại, bắt cườm tay xem mạch. Nếu họ không bị thương ở não bộ, và tim họ mới ngừng đập, chàng có thể dùng bí thuật kuatsu để cứu sống.
Nhưng Văn Bình chỉ tiến lên một bộ rồi vội vàng nhảy tréo sang trái. Trong thâm tâm chàng, hồi chuông báo nguy của linh tính bỗng ngân vang. Rồi căn phòng đang yên lặng bỗng tràn ngập tiếng động. Tiếng động của bàn ghế đổ lỏng chỏng. Và tiếng động của một khối sắt nặng từ góc phòng ném hụt qua đầu Văn Bình, tông vào giữa cách cửa gỗ tếch dầy cộm.
Chú thích
1. Quai des orfèvres.
2. Huchette.
3. Cluny.
4. Panthéon.
5. L'ile de Saint Louis.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28