Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 27
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cậu Bảy, Cậu Tám, Dì Tư, Dì Năm
hi tôi lên trường quận thì Ngoại tôi mới bắt đầu học chữ. Mà tự học chớ không có ai dạy hết. Cứ lấy vần ra mò rồi thuộc. Vậy mà rồi Ngoại tôi biết chữ và đọc, chép luôn cả cuốn thơ Vân Tiên trên 1000 câu.
Sau này khi lớn lên, Ngoại tôi vẫn còn tại đường, có lần tôi hỏi: Sao Ngoại học chi vậy Ngoại? Ngoại tôi nói: "Tao học để tụi nó (chỉ các cậu tôi) làm tờ bán đất nó biểu tao ký, tao cũng ký sao?" Thực ra Ngoại nói cho vui chớ các cậu tôi có làm thế bao giờ. Nhà Ngoại tôi âm u không đủ người ở nhưng Ngoại vẫn còn cất thêm, để có giỗ quải, đám cưới đám tiệc có chỗ khách ngồi. Ông ngoại tôi làm Hương Bộ, qua đời hồi bà ngoại tôi 38 tuổi. Sau này tôi nghe các cụ thuật lại thì nhiều người có địa vị trong vùng muốn gá nghĩa nhưng Ngoại tôi nhất định sống vậy nuôi con. Ngoại nói: lấy chồng, người ta ăn hết của còn đâu cho con. Và Ngoại tôi thọ đến 80 tuổi.
Ngoại tôi kể lại rằng tôi ra đời nơi ngôi nhà ngói xưa này. Được một hôm thì ông nội tôi ra ẳm tôi ra ngoài sáng hôn tôi và mừng rỡ lắm. Tôi là đứa cháu lớn đích tôn bên Ngoại lẫn bên Nội.
Nhà Ngoại tôi ở chợ Tân Hương, như các bạn thấy đó, tiếng trống hát Sơn Đông đánh thức tuổi thơ. Viết về quê Ngoại thì nhiều quá, biết bắt đầu từ đâu bây giờ. Tôi dành thật nhiều khoảng lớn trong trái tim tôi cho quê ngoại. Nếu quê nội là mảnh đất đã sanh ra hạt giống thì quê ngoại là vườn ương cây.
Má tôi thứ hai, có chồng ở làng bên. Thành ra dì Tư tôi là trưởng nữ trong gia đình Ngoại. Dì có tánh trầm lặng và sầu muộn. Dì đọc tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân chớ không đọc truyện Tàu. Ngược lại dì Năm tôi thì tiếu thuyết cũng đọc mà truyện Tàu cũng thích. Nếu dì Tư có dáng điệu ủ rũ thì dì Năm lại nhanh nhẹn và hoạt động luôn. Dì khéo tay và hay chữ. Ngày nào Dì cũng ra vườn tìm hái ổi chín để đem vô làm mứt ổi hoặc trái đu đủ để tỉa bông đường. Nếu không có hai loại trái đó thì Dì làm bánh khéo. Khi có đám cưới, bà con thường đến nhờ Dì làm vài keo hoặc một quả bánh men, bánh bông lan. Thời đó đường cát trắng và các thứ vật liệu dùng làm bánh rất dễ mua. Tiệm chệt bên chợ đều có đủ. Còn trứng gà thì có sẵn trong nhà. Bà ngoại tôi rất cưng chiều Dì và tự hào về Dì. Ngoài hoa tay làm bánh, Dì còn có hoa tay thêu thùa. Dì đã từng thêu một tấm chấn rực rỡ không kém gì thợ Bắc. Dì phải thêu từng mũi kim một. Cơm sáng xong ngồi rị mọ tới cơm chiều, liên tiếp 6 tháng. Công trình này làm nên danh tiếng của Dì trong khắp vùng. Dì có một cái thùng nướng bánh bằng thiếc, giống như một chiếc xe hơi có cửa mở ra khép lại và có những cửa sổ bằng kiếng để nhìn vào biết những chiếc bánh bên trong chín hay khét để thêm hoặc bớt than trên nóc thùng cho đúng mức. Chiếc thùng này được đặt một nơi trang trọng ở trên nhà trên đề phòng mèo bắt chuột chạy làm bể kiếng. Còn than đước thì luôn luôn có sẵn trong nhà. Lúc nào cần thì có ngay.
Dì Tư và dì Năm ít nói chuyện với nhau. Chỉ khi nào vào bếp thì mới trao đổi về nồi cơm ơ cá, còn ngoài ra thì ai làm việc nấy. Dì Tư thì say mê những trang tiểu thuyết còn dì Năm thì hết làm bánh tới thêu thùa. Những trang sách của Dì là cân lượng đường đậu làm bánh.
Bà ngoại tôi thì lui cui làm vườn. Bà trồng ớt trông cà, nếu bắt gặp trái mít hay buồng chuối chín thì kêu cậu Tám đốn đem vào nhà. Và sẵn sàng cho tiền để dì Năm mua vật liệu làm bánh hoặc kim chỉ thêu thùa.
Nhà không có đàn ông nên cậu Tám được xem như là hoàng tử thời vua Nhân Tôn đời Tống. "Trong triều nội chỉ có nó là trai!" Việc gì bên ngoài bà ngoại tôi cũng giao cho cậu Tám, mặc dầu cậu chỉ hơn tôi vài tuổi. Và cái thú của cậu là chạy rong ngoài vườn để bắn chim.
Bây giờ nhớ lại những ngày thơ ấu, tôi thấy cậu Tám tôi quả là một nhân vật tiểu thuyết rất rõ nét. Cậu hoạt động luôn tay luôn chân và liền miệng. Lúc nào cậu cũng hát, hò, nói lối, ca vọng cổ. Trong nhà có bộn sách vở. Trong ngôi nhà thâm u của ông Cố tôi, tôi chỉ quen biết cái kệ truyện Tàu còn ở nhà bà ngoại tôi thì vật thân mến nhất là bộ ván và chiếc ghế ăn trầu của Ngoại.
Trên ghế có cái bình tích nước sứt vòi, với hai cái quai bằng đồng vàng ánh. Bạn là dân Tiền Giang thì hẳn chưa quên cái vỏ bình làm bằng trái dừa khô cắt rất khéo. Cái gáo dừa bên trong vừa đúng cho bình trà cư trú êm ấm, nước không nguội nhanh. Nó lúc nào cũng ấm ấm, vừa uống. Cái chóp nắp vỏ bình làm bằng pha lê. Đó là cái nút chai alchool de menthe được đem sang đó sau khi chai thuốc đã cạn. Muốn cho nước lâu nguội hơn thì phải dùng một chiếc khăn nhỏ tủ lên bình nước rồi mới đậy nắp vỏ dừa lại. Chỗ này, với ai từng biết cái vỏ bình tích làm bằng trái dừa khô, thì đọc qua hiểu liền, còn viết ra văn thì nó lỉnh kỉnh làm sao ấy, sợ tuổi trẻ ngày nay không hiểu cái "dụng cụ uống trà" của người cao niên hơn nửa thế kỷ trước Bà ngoại tôi không phải là người ghiền trà, nhưng bà ít khi uống nước lạnh, dù là nước mưa bí. Đi ngoài vườn vô nhà, bà rót một tách nước trà âm ấm uống mới khoẻ.
Bên cạnh cái vỏ bình đó còn có cái khay trầu. Đây cũng là một "chi bảo" trong gia đình xưa mà tuổi trẻ bây giờ không thể nào biết được. Viết thành văn chắc còn khó hơn mô tả cái vỏ bình tích trên kia. Phải định nghĩa thế nào cho đúng hai tiếng "khay trầu"? Khay - đó là một vật làm bằng gỗ vuông, lòng nó sâu chừng 5 phân. Bốn thành có chạm khắc hoặc cẩn xà cừ rất tinh vi. Khay dùng để cho chú rể đi cưới vợ gọi là khay trầu rượu. Cái khay này lại càng quan trọng và linh thiêng hơn khi dùng để cho vị Chánh Bái bưng, trên đó đặt tấm sắc thần của vua ban, đem để lên bàn thờ thần trong đình ỉàng. Khay là một vật dụng như vậy đó. Nhưng cũng lắm lúc nó chỉ làm nhiệm vụ bình dân như đựng trầu cau cho những ông cụ bà cụ dùng hằng ngày.
Nói đến khay trầu thì phải nhắc tới trầu cau. Cái không khí trong một gia đình Việt Nam (xưa) ấm cúng thân thuộc là hương khói trên bàn thờ và mùi cau trầu. Nhà Việt Nam nào mà không có bàn thờ? Vườn Việt Nam nào không có cây cau và nọc trầu. Tôi là một kẻ nhà quê nên không bao giờ tôi quên cái bàn thờ dù rực rỡ hay đơn sơ, đặt ở ngay gian chính của ngôi nhà. Người ở ngoài bước vào là đụng ngay bàn thờ ông bà. Người khách dù lạ dù quen cũng lột khăn giở nón xá bàn thờ trước rồi mới nói chuyện với gia chủ sau. Những người còn giữ đạo thánh hiền còn xin phép đốt nhang cắm trên bàn thờ nữa.
Đó là văn hoá, văn minh văn hiến Việt Nam hay Á châu mà ngày nay hình như người phương Tây mới chịu nhìn nhận và đi theo. Vì nếu cứ cái đà tự do của họ hôm nay thì rồi ở nhũng xứ "văn minh" này sẽ trở thành loạn cào cào vào cuối hoặc giữa thế kỷ 21 chớ không lâu! Bởi họ không có văn hoá gốc. Văn hoá của họ là một thứ pha trộn các phương xa mang tới. Chưa nói ở đâu xa, ngay ở Việt Nam bây giờ cứ như lối sống bên ngoài, ta cũng có thể nói văn hoá Việt Nam đã đổi màu, hoặc không còn nữa. Nhưng đó là chuyện của các nhà văn hoá chứ không phải là chuyện của cây bút quèn nầy. Dù sao thì sống giữa một thực trạng không khỏi có ưu tư, ưu tư nhưng không làm gì được!
Bây giờ xin trở lại cái bàn ăn trầu của bà ngoại tôi với chiếc khay trầu. Má tôi năm nay đã 90 tuổi. Nếu bà ngoại tôi còn tại đường thì đã thọ tới 110 tuổi rồi. Và chiếc khay trầu kia hẳn còn đó với cái vỏ dừa bên trong có chiếc bình tích trà ấm. Thật vậy, những món đó tầm thường ấy đã trở thành kỷ vật trong lòng tôi. Để tôi nói về cái khay trầu này thêm chút nữa.
Ở nhà ông nội bà nội tôi cũng có khay trầu. Ông Cố tôi cũng dùng khay trầu nhưng cụ đã dùng tới ống ngoáy. Lại phải mô tả cái dụng cụ này. Nếu không thì tôi đâu có gì để nói. Vì đây là những vật thân mến của tuổi thơ tôi. "Thằng T. bữa nay mày ngoáy trầu cho ông Cố nghe không?" Đó là lời của bà Mười tôi (người con dâu út của ông Cố) và đó là một danh dự. Đứa cháu cưng mới được ngoáy trầu cho cụ Cố. Trong thơ Tú Xương có câu mô tả sự lỉnh kỉnh của tuổi già: "Đi đâu mang những cối cùng chày" thì tôi đoán chắc là cối ngoáy trầu (chớ chẳng lẽ cối giã gạo). Vậy cối ngoáy trầu nó là cái gì? Nếu ta đi tìm trong tự điển Pháp Anh thì chắc không có cái tiếng này.
Khoảng thế kỷ 14-15 chi đó thì bên Pháp đã có máy hơi nước (machine à vapeur) rồi. Bằng chứng là trong Lettres de mon moulin (Những lá thư viết từ cối xay gió) A. Daudet đã mô tả lão già Corniche đáng thương trong truyện ngắn kiệt tác "Bí mật của lão Corniche" (Le secret du maĩtre Corniche). Truyện xảy ra mấy thế kỷ mà người Việt Nam đọc đi đọc lại vẫn còn xúc động bùi ngùi thương cho lão già quê sống với chiếc cối xay gió thiên nhiên của mình. Thì nay mai đây hay chính ngay bây giờ tôi cũng đang hoặc đã trở thành lão Corniche rồi. Có gì đâu. Truyện chỉ như thế này:
Lão ta có cái cối xay gió (moulin à vent) để xay lúa mì mướn cho lối xóm. Lão thích thú với cái dụng cụ khổng lồ dùng sức gió để hoạt động đó. Mỗi cuối tuần, dân trông xóm đánh những chú lừa lưng chở đầy các bao lúa đem đến cho lão xay. Trong lúc chờ đợi cối xay xong, già trẻ trai gái nhảy múa trước sân như ngày hội. Quê hương tôi giàu có và êm đẹp biết bao - Lão Corniche tự hào sống một cuộc đời giản dị như thế.
Cho đến một hôm… những người khách hàng không đến nữa. Lão Corniche buồn rầu. Lão tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra ở gần đó người ta dựng lên một cái nhà máy mới toanh, xay lúa nhanh hơn và sạch hơn cái cối xay thổ tả của lão. Lão không muốn ló mặt ra ngoài đi đâu nữa hết. Lão vào trong thân cối, đóng cửa lại và không làm gì hết, để cho nỗi ưu sầu gậm nhấm tấm thân già. Những khách hàng quen hiểu tâm sự của lão bèn đem lúa đến cho lão xay như xưa. Lão vui vẻ trở lại làm việc và bảo họ: "Đó là đồ ma quỉ! Chúng nó sẽ ăn hết ruột gan của bà con!… Hãy đến với ta. Cái cối này là hơi thở của Chúa! Nó mát mẻ trong lành v.v…" Trong bảy ngày liền lão đi khắp trong xóm la hét mấy câu ấy. Nhưng rồi người ta vẫn đến nhà máy xay, bỏ lại phía sau chiếc cối xay lúa với lão già đáng thương.
…. Rồi hằng ngày lão nhìn dưới sông, những làn hơi bay toả, bốc lên từ những ống khói tàu thuỷ. Chúng chở lúa đến cho nhà máy… Rồi những đàn lừa thưa dần. Những buổi nhảy vui tươi trước kia cũng không còn nữa.
Một ngày kia bỗng nhiên nhìn lên trời, người ta lại thấy những cái cánh chiếc cối xay gió của lão Corniche quay tít. Lão đã hoạt động trở lại chăng? Vài ba người bạn kéo đến thì thấy cửa khoá trái. Họ cạy cửa ra thì thấy lão già nằm queo dưới đất, tắt thở. Bên trong răng cối, mấy bao lúa mì đang xay dở dang. Thì ra lão Corniche muốn nhìn lại chiếc cối của mình hoạt động Lão muốn sống lại cảnh vui tươi nhộn nhịp ngày xưa nhưng không được nữa vì lão đã chết.
Tôi cũng như lão Corniche trong lúc ngồi viết những dòng này. Tôi muốn sống lại cái không khí âm u của ngôi nhà ông Cố tôi. Tôi muốn uống tách trà ấm rót ra từ chiếc bình tích trên bàn nhà bà Ngoại tôi nhưng làm sao, làm sao?
Chiếc khay trầu đã mất tích từ lâu. Cả ngôi nhà mênh mông cũng không còn một tấm ngói. Tất cả đã tan biến. Nhưng nó không bao giờ mất trong lòng tôi. Chiếc khay trầu của bà ngoại tôi không cẩn ốc xa cừ, nó bằng mây đan có nhiều tầng mà tôi thường hay lục lọi ở những ngăn cuối. Đôi khi bắt gặp một đồng nửa xu lẫn trong mớ xác cau khô. Ôi, còn sung sướng hơn Christophe Colomb tìm được châu Mỹ.
Cái khay trầu này (đúng ra phải gọi là quả trầu) có thể đậy kín lại và mang theo nếu Bà phải đi đâu lâu ngày. Ở tầng trên chia ra nhiều ô, một ô thì để bình vôi con tí xíu với chiếc chìa vôi bằng đồng. Còn các ngăn kia thì đựng trầu và cau khô hoặc cau tươi. Cau khô thì đựng trong một chiếc chén nhỏ ngâm nước cho mềm ra còn nếu cau tươi thì để nguyên trái hoặc bửa ra từng miếng nhỏ, gọi là cau dầy.
Tôi thường hay nhìn bà Ngoại tỏi bửa cau dầy với con dao Con Chó. Gọi là dao Con Chó vì ở lưỡi nó bằng ngón tay trỏ có khắc hình con chó. Người Nam kỳ thường dùng nó để xắt những thức ăn mỏng hoặc bỏ trong túi như một vũ khí tự vệ. Bà Cụ Tam (em dâu của ông Cụ tôi) có con dao Con Chó rất nổi tiếng. Bà Cụ đi đám giỗ trong gia tộc thì ai nấy đều phải nhường cho bà xắt chuối chát. Đây là loại chuối hột non dùng để ăn kèm với rau thơm, khế cặp với thịt phay hay chấm mắm kho, đều ngon cả. Tuy chuối chát là loại "đồ bổi" nhưng thiếu nó thì mất ngon. Bà Cụ Tam dùng con dao Con Chó để xắt chuối chát, không ai sánh bằng, lát chuối vừa mỏng lại vừa nguyên, không dày cũng không lãi (lãi nghĩa là không nguyên lát). Nhưng đặc biệt nhất là bà không để trên thớt như người thường mà tay cầm quả chuối tay cầm con dao xắt nhanh, đều như máy và không bao giờ đứt tay.
Bà Ngoại tôi cũng dùng dao Con Chó để bửa cau dày (người Bắc gọi là bổ). Bà bửa khéo lắm. Trái cau nguyên, tiện cái chũm xong bửa ra thành tám miếng nhỏ rất đều, bốn miếng dính vào làm một dây. Mỗi miếng trầu dùng một miếng cau. Không biết bà dùng con dao này từ lúc nào, nhưng khi tôi biết thì lưỡi dao còn nhỏ xíu và eo ở giữa lưỡi như ngón tay bị khuyết ở lóng giữa vậy. Có lẽ bà đã dùng bửa cả vạn trái cau rồi.
Con dao này chỉ dùng để bửa cau, không ai được dùng vào việc gì khác. Bà Ngoại tôi lúc bấy giờ chưa ăn trầu ngoáy nhưng tôi có thể mô tả chiếc cối trầu cũng được. Có hai loại cối: cối bằng đồng và cối bằng gỗ. Cối bằng đồng thì chìa ngoáy cũng bằng đồng Chiếc cối nhỏ bằng ly uống rượu mạnh bây giờ có eo ngang ở gần chân cối. Ở ngang eo này buộc một miếng vải tây đỏ để dành lau chùi cối và chìa ngoáy. Chiếc cối đồng thường dùng để mang theo đi đường còn cối gỗ thì dùng ở tại nhà. Cối gỗ là một mảnh gỗ hình khối có khoét lỗ. Ngoáy trầu xong chỉ chùi lau sơ sịa chứ không bao giờ được rửa sạch sẽ như chén ăn cơm. Cho nên trông thấy gớm ghiếc lắm. Nhìn các cụ cho bã trầu ngoáy nát vào miệng, trẻ con cứ rùng mình, không hiểu tại sao nó mất vệ sinh như thế mà các cụ cho vào mồm được. Nếu bây giờ mà còn ở Việt Nam thì tới phiên tôi cũng ăn trầu như các cụ hồi trước. Tôi hiểu tại sao các cụ lại ăn trầu, hiểu câu tục ngữ "miếng trầu đầu câu chuyện" và rõ thêm ý nghĩa cái lá trầu duyên dáng và thi tứ của Hồ Xuân Hương:
Miếng cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Nhưng nói tới trầu cau phải nói tới mo trầu, cái món này bây giờ chắc không còn hiện hữu ở Việt Nam nữa. Đó là một chiếc mo cau tươi bẻ cóp hai đầu và xếp lại như cái bóp. Nhờ mo cau dày và có lớp lụa mỏng bên trong (như vách nhà có insulation) nên trầu đựng bên trong lâu héo. Bề ngang của nó chừng một gang tay còn bề dài thì gấp đôi. Những ông bà đi làm viêc đồng áng suốt ngày, nhịn cơm thì dễ chớ không thể nhịn trầu, nhịn thuốc. Cho nên phải có cái mo trầu giắt lưng. Phát, cuốc, cấy, gặt, một lúc thấy mệt thì lại bờ ranh mở banh mo trầu ra. Đàn ông thì hút thuốc, đàn bà thì ăn trầu. Có ông ăn trầu và hút thuốc luôn. Bởi thế mới có câu: Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng.
Lá trầu coi vậy mà đắt lắm. Nhứt là trầu vàng xà-lẹc. Ở Gia định ngày xưa có một vùng trồng trầu tục gọi là 18 thôn vườn trầu. Nhưng chiếc ghế của bà Ngoại tôi không những có trầu và nước mà còn nhiều thứ khác cho tôi… dùng.
Hai bên bàn có hai cái hộc, quai kéo bằng nhôm. Trong hộc tủ có đủ thứ trò chơi: giàn thun, đạn đất để bắn chim, đạn đá bắn cu-li, nhợ thả diều, hộp lon, đinh đóng guốc, kềm, búa… Nó như cái kho muốn gì cứ vào đó moi. Còn bên kia thì sách vở: nào là các tập bài ca vọng cổ của Imprimerie (nhà in) Phạm văn Thìn hồi 1911, nào thơ Chàng Nhái, Thạch Sanh, Lý Thông, Trần Minh khố chuối, sách Phần đạo Thiên Chúa, vở cũ, sách cũ.
Tôi không bao giờ giở ra nhưng nghe bà ngoại tôi đọc mà thuộc nhiều đoạn thơ Vân Tiên hoặc nghe câu Tám ca mà nhớ. Chiêu Quân Cống Hồ nói lối:
… Ơn Quân vương đáp lại mảy may
Lộc nhà vua no ấm bấy lâu nay
Gặp nạn nước phải liều thân cho
… Trẫm nay tốt phước
Nên nghe được tiếng ngọc lời vàng
Còn bằng muốn cho nước thịnh nhà an
Thì trẫm phải chịu chia loan rẽ thuý…
Tôi biết nghe vọng cổ là từ giọng ca của cậu tôi. Không ngờ về sau tôi lại mê vọng cổ vô cùng. Cộng vào đó còn các bộ dĩa nhựa Asia, Béka, Pathé tôi được nghe rải rác khấp trong gia tộc từ bên Nội đến bên Ngoại nữa.
Bên cạnh chiếc bàn trầu nước là một chiếc tủ gỗ cũ kỹ có lẽ cao niên hơn tôi. Hai cánh cửa rất nặng nề nhưng không có khoá. Trên nóc tủ chất chồng đủ thứ, nào là vỏ ruột xe máy (xe đạp), nón lá nón nỉ cũ, quạt giấy quạt mo, cái gì không xài nữa nhưng còn tí giá trị có thể xài lại được thì cứ ném vô tội vạ lên đó, không biết đến bao giờ mới được kêu tên để ra "chiến trường đền nợ nước". Đó là chưa kể trường hợp bị các chàng họ Tý khoét thủng hỏng thêm ra và trở thành vô dụng. Còn ở trong tủ thì có lắm đồ quí giá. Mở cửa tủ thấy tối om om như hang đá, nhìn kỹ một chút thì thấy bên trái có những chồng tô kiểu, chén kiểu, đĩa kiểu loại đồ xưa rất hiếm. Mỗi cái ngăn cách cái kia bằng một lớp giấy, sợ rằng khu tộ trên sẽ làm trầy lòng tộ dưới. Bà ngoại đã sửa soạn cưới vợ cho cậu Bảy và cậu Tám tôi từ lúc hai cậu hãy còn trẻ thơ. Ngó qua bên phải thì cũng y như vậy nghĩa là những tô tộ dĩa chén kiểu, rồi sau lưng tủ còn một cái cũi to cũng xếp đầy tô chén. Bà ngoại chuẩn bị đãi hai trăm khách mà không phải mượn đồ ở lối xóm.
Nhung trong tủ đặc biệt ở ngăn giữa lúc nào cũng có mứt, không khi nào vắng. Mứt ổi thường xuyên, mứt bí thỉnh thoảng mới có, rồi mứt chùm ruột, mứt me, dưa me. Hễ mở tủ ra là mùi đường bay nồng lỗ mũi. Đó là tác phẩm của dì Năm tôi. Dì luôn luôn làm bánh mứt.
Tôi thích cái tủ này nhất. Hễ mở tủ ra thì có… ăn liền. Ăn xong quay ra bình trà rót một tách đầy, ực vội rồi chạy đi bắn chim. Cặp giò khoẻ khoắn vô cùng. Trèo ổi cũng nhanh mà tắm mương cũng hăng. Trước nhà có con rạch (Tân Hương) nhưng Ngoại tôi cấm cậu tôi không cho tôi ra sông vì bên nội có noi chết chìm, sợ tôi bị nước rút hụt giò.
Dì Năm tôi làm bánh mứt, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Dì ăn một miếng mứt hay một cái bánh. Tôi cũng không hỏi tại sao. Mãi khi lớn lên tôi mới biết là người nấu bếp thấy khách ăn ngon là đã no rồi, cũng như nhà văn biết sách của mình có người đọc là mãn nguyện rồi.
Dì làm bánh mứt say mê như người ta viết văn vậy. Mỗi khi làm xong một món bánh mới, Dì đem để lên dĩa rồi khoe với Ngoại tôi, xong rót nước trà mời Ngoai dùng thử để được Ngoại khen.
Riêng tôi và cậu Tám thì thích phá. Đúng ra thì cậu lãnh đạo, còn tôi chỉ núp sau lung cậu thôi. Trong lúc dì Năm chăm chú nhìn qua cửa kiếng của thùng nướng bánh để thêm bớt than trên nắp thì cậu đúng xa xa nói to:
- Tui vái cho khét! Tui vái cho khét!
vì bánh có khét thì dì Năm mới "thưởng" cho, chớ bánh ngon đẹp thì Dì xếp vào quả chớ đâu có cho ăn!
Cậu Tám cứ rầm rì như vậy hoài, dì Năm phát khóc. Nhưng cậu vẫn:
- Tui vái cho khét! Tui vái cho khét!
Dì Năm quát:
- Mày có đi chỗ khác chơi không?
Nhưng cậu vẫn cứ:
- Tui vái cho khét! Tui vái…
Dì Năm phải đấu dịu:
- Đi chơi đi rồi chị thưởng cho cái bánh nguyên.
Nhưng Cậu biết Dì đời nào cho cái bánh nguyên.
- Tui vái cho khé…ét!
Dì Năm tức quá rượt hai cậu cháu chạy nhưng sợ bỏ thùng bánh… khét, phải quay lại. Hai cậu cháu tức thì đi theo và cậu hát cải lương:
Thiếp căm tức thay
Cho thằng Mao Diên Thọ
Làm độc mưu đưa thiếp cống Hồ nơi Phiên quốc.
Dì Năm lại đuổi, cậu lại co chân lên vuốt râu theo kiểu hát bội:
Như Quan mỗ đây
Huơi Thanh Long hạ sát tướng Tàu
Giục Xích Thố xông pha ngàn trận.
Dì Năm xách đũa bếp đuổi theo. Hai cậu cháu lại chạy ít bước rồi quay lại, cậu lại hát:
Tôn Tẫn chẳng có thua ai
Chỉ thua bà Chung Vô Diệm
Dì Năm biết đuổi không kịp hai tên tiểu yêu nên quay lại với thùng bánh, thì bánh đã khét thật rồi. Dì oà lên khóc và kêu lên qua dòng nước mắt:
- Má ơi! ra coi thằng Hà (tên Cậu Tám) nó nói con là Chung Vô Diệm nè!
Bà Ngoại đang vá quần áo trên nhà trên, đứng dậy đi xuống nhà bếp. Bà cưng con trai út và thằng cháu nhưng cũng không thể xử ép con gái nên bảo cậu đi chợ mua đường cát. Bà đưa cho một đồng bạc trắng tinh. Thế là hai thằng tiểu yêu xớt ngay dông đi chợ. Gói đường cát có hai cắc rưỡi, còn dư những bảy cắc rưỡi. Tha hồ mà mua giấy mua nhợ thả diều và kẹo dừa nữa. Như vậy là bà đã giải quyết xong trận nội chiến một cách nhanh chóng và cả hai phe đều vui vẻ. Mặc dù bà "Chung Vô Diệm" bị khét bánh nhưng vẫn được yên ổn để nướng những mẻ sau.
Từ đó, việc sai cậu Tám đi chợ trở thành tiền lệ. Dì Năm không thể "mướn" hai tên tiểu yêu bằng bánh khét nữa mà phải bằng xu hẳn hòi.
Cậu Tám luôn luôn là nguyên tố của "chiến tranh" và là kẻ thường có ý kiến ngược lại với mọi người. Ngược lại cậu Bảy là người của Hoà Bình. Cậu lại là người của khoa học.
Sau khi học hết lớp của trường tư thục Nguyền văn Ngữ ở Mỹ Tho, cậu được một vị Linh mục đỡ đầu ra học trường Phú Xuân ở Huế. Thành ra mỗi năm Trí chỉ gặp cậu một lần vào lúc nghỉ hè. Vì ở xa, bãi trường Tết cậu không về nhà.
Mỗi lần gặp, Trí ngán cậu lắm. Cậu cho toán đố bắt làm, đưa sách bắt đọc, và cậu xem lại tỉ mỉ từng bài, hỏi từng nội dung sách.
Khi Trí lên Trung học, cậu bắt đọc sách Pháp, những truyện của Maupassant, của Pierre Loti, Trí đọc vào thời kỳ này. Chẳng ngờ đó lại là những truyện ảnh hưởng sâu sắc trong đời Trí sau này. Mới biết văn hoá là vũ khí lợi hại thật. Nó như nước, ở đâu chảy cũng tới, đá cũng thấm vào được. Mãi đến khi tập tểnh viết phóng sự Trí mới biết ham mê đọc Maupassant và lục lạo moi tìm trong các thúng đồng nát để mua những truyện của ông với giá một hai hào. Đây là nhà văn Pháp mà Trí đọc nhiều nhất. Hầu như tất cả truyện ngắn truyện dài của ông không sót một truyện nào. Lạ lùng thay có truyện chỉ dài hai trang sách mà đọc xong nhớ cả đời. Cậu Bảy chú ý giáo dục nhất. Cậu không lúc nào bỏ lỡ cơ hội để dạy Trí một điều gì dù lớn hay nhỏ.
Mỗi lần về nhà, cậu đều tập thể dục buổi sáng, nhảy xuống sông bơi lội rồi vào nhà ăn một trái chuối, xong vác cuốc ra vườn, cuốc xới trồng cà trồng rau cải. Mỗi bữa cơm sáng, cơm chiều, các dì dọn lên, cậu đều thêm món của cậu, không gì khác hơn cà chua xắt lát, rau càng cua bóp gấm, (thứ rau này mọc đầy quanh thềm nhà, chỉ cần hái đem vô là thành món ăn).
Mỗi lần dọn ra một món, cậu đều giải thích món ấy có vitamine gì, và nếu cơ thể mình thiếu loại vitamine nào, sẽ sanh ra bệnh gì, v.v… Cậu còn bảo nấu cơm đừng chắt nước, nên ăn cơm gạo lức mỗi tuần một, hai lần càng nhiều càng tốt.
Cậu Tám cười:
- Thiếu cơm là thiếu Vitamine c, còn không ăn cà chua thì thiếu Vitamine cc.
Thời bấy giờ ở nông thôn, người dân đâu có đếm xỉa gì tới chất bổ dưỡng, ai cũng chỉ cần ăn no bụng thì thôi. Thầy thuốc của cả làng Minh Đức này là ông thầy Thẹo. Ông là một người Tàu già, nhỏ con như gà tre, có cái thẹo vắt ngang trán nên bà con gọi là Thầy Thẹo. Đó là ông bạn thân mến của Cậu Tám. Không ngày nào cậu không tới tiệm Thầy Thẹo một hai lần. Riết rồi quen mặt và trở thành "bạn" thân. Lần nào gặp cậu Tám, ông cũng hết sức mừng rỡ và bán món gì cho cậu, ông Thầy cũng thêm một ít. Nhất là đường cát thì ông thêm cho đến dĩa cân giác nhổng mới thôi Ông là chủ tiệm tạp hoá vừa là thầy thuốc. Ông bắt mạch cho thân chủ tại quày tính tiền và bốc thuốc từ cái ngăn kéo ở sau lưng gói đưa cho họ ngay đem về nhà sắc uống liền.
Thuốc Tây mấy ai được trông thấy. Còn nói chi loại y tá (infirmier) thì được trọng vọng như thần thánh.
Từ nhỏ tới lớn, tôi sống ở quê ngoại không thấy ai bệnh hoạn gì cả. Như tôi đây, tắm mương lội ruộng giang nắng giầm mưa, đâu có kể gì vệ sinh thường thức như học ở nhà trường, nhưng vẫn mạnh như trâu (cho đến nay 69 tuổi chưa hề nằm nhà thương, cùng lắm chỉ đi bác sĩ rồi về mua thuốc uống)…
Chợ Tân Hương (quê ngoại) không sầm uất bằng chợ Cầu Mống (quê nội) nhưng Tân Hương có một điểm văn minh hơn Cầu Mông. Đó là tiệm chụp hình. Trời ơi! Thời đó ở chợ làng mà có tiệm chụp hình là chuyện ghê gớm lắm. Vậy mà Tân Hương có tiệm chụp hình có bảng hiệu hẳn hoi lấy tên là Photo Mỹ Dung ở đối diện với tiệm Thầy Thẹo. Ở Cầu Mống, ai có cần hình để dán lên giấy tờ gì đó thì phải tốn tiền đi xe lên quận Mỏ Cày để chụp một cái hình đờ-mi. Nhưng ở Tân Hương thì có sẵn Photo Mỹ Dung. Ông chủ tiệm mặc đồ Tây, thắt cà vạt hẳn hoi và có bà vợ mặc đồ mết đánh má hồng thoa môi son.
Đây là một cặp vợ chồng được hàng trăm cặp mắt để ý và hằng ngàn tiếng trầm trồ xiên xỏ. Không biết họ ở đâu tới chớ không phải dân làng này. Nhưng Photo Mỹ Dung chỉ mở cửa được ít lâu rồi đóng cửa luôn. Thời buổi này người ta đi chợ để mua cá tép, nước mắm dầu lửa chớ ai đi chụp hình. Thanh niên trai gái có tình ý với nhau thì ra đồng hò hát rồi nếu phải lòng nhau thì cha mẹ cưới cho. Gặp nhau hằng ngày đâu phải thầm thương nhớ trộm mà phải chụp một tấm hình để tặng nhau?
Ở làng Minh Đức, bà con chỉ mặc áo quần đơn sơ, ít có người mặc quần dài và áo bà ba tay dài, chỉ toàn quần lỡ (quá gối) nhuộm phèn vàng cháy và áo bà ba cụt tay. Xe hơi không tới đây được. Không có chủ đưa xe ngựa. Những chiếc xe ngựa từ ngã tư Tân Trung, từ Cái Quao xuống rồi về. Muốn thuê một cỗ xe ngựa phải cuốc bộ lên ngã ba Tân Trung, ở đó có chủ xe ngựa tên là Ba Đệ. Ông Ba có đến ba con ngựa và hai chiếc xe. Nhà của ông rất lụp xụp, nhưng tên ông luôn được bà con nhắc tới vì không mấy ai không đi xe Ba Đệ ít nhất là một lần trong đời. Tân Trung là một làng giáp ranh với làng Minh Đức, nhưng nó chỉ có ban hội tề, nhà việc chớ không có chợ. Dân Tân Trung phải đi chợ Tân Hương. Nhung ngược lại dân Minh Đức phải đi xe ngựa của Tân Trung.
Ngoài nhà xe Ba Đệ còn có nhà xe Hù-Lê ở ngay phía trước nhà việc Tân Trung. Hù Lê vừa hớt tóc (thầy Hù) vừa đưa xe ngựa. Hai cái nghề này rất không hoà hợp nhau nhưng Hù Lê vẫn làm. Hễ đưa xe thì khỏi hớt tóc cho khách. Nhung nếu khách tới kêu xe mà có hai, ba người khách đến chờ hớt tóc thì Hù Lê mắc kế ngựa và hẹn bữa khác sẽ hớt tóc, vì đưa xe được tiền nhiều hơn. Vả, hớt tóc thì nay không hớt còn ngày mai, đâu có gấp rút gì.. Ở nông thôn mọi công việc từ từ tốn tốn như đi ăn giỗ, không có việc gì gấp rút cả.
Bỗng một hôm có chuyện lạ trong gia đình. Cậu Bảy nói nhỏ với dì Năm rằng cậu muốn cưới một người con gái Huế về làm vợ. Cậu là sinh viên trường Phú Xuân ở ngay đế đô thì có quan hệ tình cảm với một o Huế thì cũng là chuyện thường. Thiếu chi dân Nam kỳ ra Hà nội học, đến lúc về mang theo một nàng nói "trọ trẹ" nghe thiệt rầy tai.
Lâu nay dì Năm để ý thấy cậu Báy thường hay ngồi sững sờ giây lâu và thường hát những bài tình tứ. Ngồi ờ đâu thì dùng ngón tay vẽ chữ "L" ở đó, trên da cây ổi, trên những lát đất mới cuốc xới; thậm chí trên bàn trầu nước của Ngoại, cậu cũng chấm tay trong nước trà mà vẽ chữ "L" trên mặt bàn. Thôi vậy thì lậm bang quá rồi. Vì vậy dì Năm mới thỏ thẻ với Ngoại. Câu chuyện này khi Trí lớn lên mới nghe rõ hơn chớ lúc đó nào biết gì.
Ngoại lo rầu lắm. Chuyện ngăn sông cách biển như vậy làm sao bắc nổi nhịp cầu Ô Thước? Nhưng chiều con thì Ngoại cũng gắng làm vừa lòng con. Cậu Bảy là con trai lớn trong nhà. Nhưng Ngoại bảo là để chờ gả dì Tư xong rồi mới tính được. Ít lâu sau Ngoại gả dì Tư cho một người đang ở Sài gòn, gốc Trà Vinh (quận Cầu Ngan). Đám cưới dì Tư lớn lắm. Cả hai bên gia tộc nội ngoại đều tụ họp để đưa dâu.
Trong nhà Nội của Trí có cái giường hộc đế cất cây súng hai lòng. Đó là nơi bất khả xâm phạm. Chìa khoá giường hộc do bà Nội giữ cùng với xâu chìa khoá tủ sắt.. Bà chỉ đưa cho ông Nội khi cần mở tủ và giường hộc mà thôi. Nhà Ngoại thì không có giường hộc và tủ sắt nhưng có một căn phòng gọi là "buồng gói". Cái buồng này hỏng khỏi mặt đất chừng một thước tây. Ở dưới đít buồng thường để những trái dưa hấu hoặc những củ khoai từ giống lâu đến đổi ngọn khoai mọc lên có lá. Ban ngày muốn vào buồng phải trèo qua một bộ ván gõ lót cao ngang ngạch cửa buồng. Và phải dùng đèn pin soi vào thì mới thấy đường. Trong cái buồng này không có ai ngủ hết, thậm chí cũng không có ai muốn vào vì ở trong đó thiếu dưỡng khí. Đến bộ ván gõ chắn ngang cửa buồng cũng không có ai chịu ngủ.
Trong đám cưới dì Tư khách tới rất đông. Các bà các cô đem đồ hàng áo lụa theo để mai đi đưa dâu sang tận bên Trà Vinh. Những gói quần áo mới đều tập trung lại chất trên bộ ván này và giao cho Trí giữ để khỏi có người ra vào lộn xộn. Trí cực chẳng đã phải làm tên lính gác bất đắc chí. Mà Trí thì có tật "đấm dài", ban ngày chơi giỡn thoả chí tang bồng, ban đêm nằm chiêm bao thấy rõ ràng mình như thế như thế hẳn hoi, nhưng chỉ một lát sau thì nghe lưng… như nằm trên nước nóng. Ván gõ "trời mưa" nước chảy đi đường nào cho được? Mười đêm đủ cả mười. Riết rồi mền ướt hết phơi không kịp khô. Thì bữa nay chàng ta lại tái diễn cái màn ấy trên bộ ván chất đầy hàng chiến lược này. Báo hại sáng hôm sau các bà các cô gặp trở ngại to, vì đêm qua bị "trời mưa" ướt hết đồ "mết" đồ mát, nhưng không ai dám rầy thằng cháu cưng của Ngoại. Kẻ đi hơ lửa, người đem phơi nắng, người lại căng ra và quạt làm gió cho mau khô để kịp giờ mặc đi đưa dâu.
Sau đám cưới dì Tư ít lâu, Ngoại mới tính đến việc đi ra đế-đô lo việc cho cậu Bảy. Phải nói một cách công bình rằng cậu Bảy là một thanh niên tuấn tú, khôi ngô, học giỏi, chỉ thiếu một điều kiện là "con nhà giàu" để muốn cô nào thì cưới được cô nấy.
(Chuyện đã qua trên 50 năm. Cậu Bảy năm nay đã gần 80. Vừa rồi, Trí có nhận được tấm ảnh của cậu. Thật không ngờ năm tháng đã làm cho một thanh niên khôi ngô tuấn tú trở thành một ông già như thế. Nếu không biết trước thì không thể nào nhận ra đó chỉ là một người.)
Đến ngày khởi hành đi Huế, Trí được dì Năm chỉ định đi theo làm hộ vệ cho Ngoại. Nhiệm vụ cụ thể là cầm cái bình thuỷ nước nóng để pha trà cho Ngoại. Ngoài ra mang thêm cái quả trầu.
Mới 8-9 tuổi mà được đi Huế. Mấy ai? Quả là đặc biệt. Dì Năm đưa Ngoại đến Mỹ Tho, dặn dò đủ một trăm chuyện, rồi đợi cho tàu hoả chuyển bánh mới quay về.
Đối với Trí, thật là một chuyện "phiêu lưu" kỳ thú. Từ bé đến lớn chỉ thấy xe ngựa xe hơi chớ đâu có thấy tàu. Nay được thấy tàu thuỷ lẫn tàu hoả (xe lửa) và được thấy bao nhiêu thứ lạ khác. Sông rộng mênh mông và những ngôi nhà lớn nguy nga ở thành phố. Trí rất lấy làm ngạc nhiên về sự lớn rộng của con sông Tiền Giang và thành phố Mỹ Tho được trông thấy lần đầu, dù chỉ lấy mắt ngó cũng đã thú vị. Lại còn các xe nước đá, cà-rem nhởn nhơ khắp trên đường và ở bến xe. Đầu chiếc xe lửa thở khói trắng nằm im như đầu một con quái vật đang nằm ngủ với những toa nối dài ra phía sau trông như con rít có trăm mắt.
Trí hồi hộp, nôn nao chờ tới lúc nó chuyển bánh thử xem làm sao. Bỗng một tiếng còi thét vang dậy xé không gian. Hành khách nhốn nháo hấp tấp chạy đến leo lên xe. Rồi xe lăn bánh nghe ầm ầm. Trí ôm chặt chiếc thermos trong lòng ngồi bên cạnh Ngoại. Thật là một hạnh phúc đầy đủ và quá lớn. Bây giờ nghĩ lại Trí chỉ còn nhớ đầu xe lửa và các toa chớ không nhớ được nhữnq cảm xúc của mình lúc bấy giờ. Vê sau khi lớn lên ra Mỹ Tho học, trông thấy xe tàu hàng ngày rồi tất cả trở thành bình thường, không có gì hấp dẫn nữa.
Những gì trông thấy ở Huế thời đó, Trí cũng không còn nhớ. Chỉ nhớ cái dinh thự Ngoại đến to lớn lắm và trước cổng có lính gác như cổng thành trong truyện Tàu.
Khi về trở lại nhà, Ngoại tôi buồn rầu nói với các dì tôi:
- Người ta là quan quyền, tao làm suôi sao được! Cưới con người ta về đây rồi cho nó ở đâu cho xứng? Nhà cửa người ta như đền vua chớ phải như nhà mình hay sao?
Rồi thôi, câu chuyện cũng mờ đi, Trí không nghe ai trong nhà nhắc tới chuyện đó nữa mà Trí cũng không nhớ rằng cậu Bảy có còn giữ thói quen viết chữ "L" trên khắp mọi nơi như trước nữa không!
Có lẽ cậu nghe Ngoại nói thế rồi cũng… im luôn. Chuyện ở quê Ngoại Trí còn nhiều, nhưng chỉ xin kể hầu độc giả về sự tồn tại của một gánh hát cải lương trụ bộ ở một nơi trên 20 năm - nghĩa là ông bầu gánh hát ớ luôn một chỗ không đi đâu hết và hát những tuồng xưa tích cũ không mấy khi thay đổi. Ngày trước, chủ gánh hát thì được gọi là ông Bầu nếu là đàn bà thì được gọi là bà Bầu. "Bầu gánh". Không hiểu tiếng bầu có nghĩa gì, nhưng nó thông dụng như thế. Và tiếng Bầu được đi kèm với tên người chủ. Thí dụ ông chủ tên Đẩu thì gọi là Bầu Đẩu…
Gánh hát này có tên là gánh Bầu Đê. Nó có ảnh hưởng rất sâu sắc trong cuộc dời thơ ấu của Trí. Thằng bé con này không những mê bắn chim bằng giàn thun, câu cá bống dừa, đá cá lia thia mà còn mê hát Sơn Đông và hát Cải Lương nữa.
Gánh hát này đóng đô trong một khu vườn rậm rạp gần lộ xe. Ngày nào cậu Tám cũng đi coi. Bữa nào Ngoại cho phép cậu dẫn Trí đi coi hát thì ôi thôi bữa chiều đó ăn cơm không no được. Dì Năm xúc cho 3 lon sữa bò gạo (1 lít) đem nạp cho ông Bầu thay vì mua giấy vô cửa giá 1 cắc bạc như các gánh khác đến chợ Tân Hương. Từ nhà lên đến gánh hát phải cuốc bộ ngót 1 tiếng đồng hồ. Nhưng đi coi hát thì không thấy đường xa. Đường chỉ xa lúc xem xong trở về nhà.
Nó có tên là gánh Bầu Đê, nhưng có lẽ kỵ chữ Đ nên bà con gọi nó là gánh Bầu Lúa. Đúng ra nó là gánh Bầu Gạo, vì bán vé vô cửa bàng gạo thay vì tiền. Tiếng gạo có vẻ sang hơn "lúa" chãng? Trí không để ý, chỉ thích đi xem. Bây giờ lớn rồi, xem đủ thứ hát, đủ loại tuồng, nhớ lai gánh Bầu Lúa mới thấy thương các nghệ sĩ thời xưa. Hát nghèo vậy mà cũng hát và cũng có người coi. Đồng bào mình yêu sân khấu thật.
Từ nhà Ngoại đến đó phải qua chợ Tân Hương. Đây chính là trung tâm kỷ niệm của tuổi thơ Trí. Đi chợ là một điều quan trọng, thích thú và hãnh diện với bạn cùng thời:
- Tao mới đi chợ về nè! Mai tao đi chợ. Cái này mua trong chợ! v.v…
Đối với Trí đi chợ là có ăn hàng, ăn bánh. Cậu Tám lúc nào cũng có 5, 7 xu trong túi. Ăn bánh bèo của dì Ba Thơm ngon nhất. Ăn còn một miếng chót thì lấy ra cầm tay, thè lưỡi liếm sạch nước cốt dừa dính trên lá chuối rồi mới nuốt miếng bánh cuối cùng và quăng miếng lá đi.
Còn mua kẹo thì phải suy nghĩ. Khi cầm đồng xu đỏ nhứt bá chi phân của Ngoại cho thì Ngoại đã dặn mua gì, nhưng qua tới chợ trước những thùng bánh kẹo cốm thì Trí thay đổi ý kiến ngay. Kẹo có 3 loại: kẹo dừa bằng hai lóng tay bọc giấy màu xanh đỏ vàng, vặn hai đầu. Bên trong cục đường nấu chảy phơi cứng vo dài cắt ra từng lóng, màu nâu, ngậm béo vì có nước cốt dừa, ít dám nhai vì sợ mau hết. Một xu 6 cục, rẻ thì 8 cục, nửa xu 3 cục. Đây là thứ kẹo bình dân. Kế đến là kẹo cà-rem, hình tròn dẹp như đồng bạc nhưng nhỏ hơn, đôi khi có in hình cọp, sư tử trên mặt. Bên ngoài bọc giấy kiếng màu. Có cán tre bằng cây tăm xỉa răng để cầm mút kẹo, do đó còn có tên là kẹo mút. 1 xu có 2 cây thôi, vì nó sang hơn với chất the the trên lưỡi, nó còn có màu xanh màu vàng coi thấy thèm! (Hồi đó không có tiếng "hấp dẫn" như bây giờ). Thằng học trò nào dám mua 1 xu 2 cây kẹo mút là bảnh rồi đó, kỳ dư thì ăn kẹo dừa.
Kế chót là kẹo rô-be. Có vẻ Tây lắm. Đó là kẹo thẻ vuông dài, hoặc nhiều miếng tròn chồng lên nhau, mở giấy màu, tách ra từng miếng bỏ vào miệng ngậm. The hơn kẹo mút nhiều. Lại còn "chữa được bịnh ho" nữa. Kẹo này ít thằng nào dám mua.
Qua tới chợ, để Trí khỏi nhõng nhẽo kêu mỏi chân dọc đường, cậu Tám thường ghé tiệm Thầy Thẹo mua 2 cây kẹo mút. Cậu hỏi màu gì, tùy Trí chọn. Thế là hai cậu cháu vừa mút kẹo vừa đi lên Tân Trung chỗ đóng đô gánh Bầu Lúa. Đường đá đỏ nhuyển nhừ, không có xe hơi chỉ có xe ngựa nên người ta đi giữa đường không sợ xe cán. Xe ngựa không cán chết ai, vì thấy nó gần tới thì ngủ một giấc thức dậy nó cũng chưa tới mà cán gì!
Đi ngang một chòm mả, cậu bảo:
- Trong mấy cái mả đó có người chết hai lần.
Trí hỏi tại sao vậy. Cậu nói vì ở vùng này có một ông thầy thuốc giỏi, người mới chết, ổng cứu sống dậy trối trăn với con cháu rồi lại chết. Trí ngạc nhiên tưởng như trong truyện PhongThần có thuốc tiên. Bụng nghĩ thế nào nay mai mình cũng sẽ được đi coi ổng chữa bịnh.
Rạp Bầu Lúa ở gần đó. Đào kép toàn là người trong xóm. Không hiểu tại sao người cùng thời lại bảo rằng:
Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư!
Người ta chỉ nhớ tội mà không kể công của hát bội. Ngày xưa không dễ gì đi coi hát đâu. Không phải như bây giờ bấm ti-vi lên là có hát, đủ thứ mà đẹp nữa. Hơi xấu chút là chê. Hồi xưa không có hát gì hết. Nghe lối xóm ca hát hơ hà cũng đã lắng tai nghe rồi.
Bây giờ ngồi giữa thế giới truyền thanh truyền hình văn minh tôi nhớ những buổi xem hát đình, hát Sơn Đông, hát miễu, cả các màn thầy pháp, bà bóng đội sao cúng Dương Căn, đỗ dốt (?) cũng mê coi sáng đêm. Thiệt tình thương các nghệ sĩ bình dân mộc mạc mà yêu nghề vô cùng. Nói về chất nghệ sĩ họ rất giàu. Nghèo đói vất vả trăm bề mà vẫn yêu nghệ thuật. Họ chỉ là những ngươi lam lũ cuốc cày ở nông thôn, vì yêu nghệ thuật mà bước lên sân khấu.
Tôi xin mời độc giả cùng tôi trở lại quê nhà cách đây 40, 50 năm và cùng đi vô rạp "Bầu Lúa" với tôi. Xin nhớ cho đây là rạp Bầu Lúa nửa thế kỷ trước, ở quê ngoại tôi.
Quê Nội Quê Ngoại Quê Nội Quê Ngoại - Xuân Vũ Quê Nội Quê Ngoại