Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Chương 9: Thiên Đường Đã Mất
L
eonora tới Cantina Do Mori lúc ba giờ kém mười lăm chiều thứ Bảy. Khi nhìn mặt tiền quán cà phê có những cánh cửa làm bằng chai thuỷ tinh đặc biệt, cô băn khoăn không biết mình có phải nạn nhân của một trò đùa có tính toán không. Có lẽ cảnh sát Bardolino đang cười cợt cô với đồng nghiệp của anh ta. Leonora lắ đầu với chính mình – đây đâu phải trường tiểu học. Cô đã bị tình huống ở chỗ làm tác động đến nỗi những mầm mống lo lắng vô căn cứ đang xâm chiếm cô. Người đàn ông có vẻ sốt sắng. Không nghi ngờ gì, anh ta muốn tìm được một người thuê nhà cho cô em họ mình. Cô sẽ chỉ bước vào và chờ thôi.
Trời đang mưa nên quán cà phê rất đông khách. Dù đông người nhưng Leonora cũng tìm được một cái bàn yên tĩnh ở sau một tấm gương đôi khá to. Cô chiêm ngưỡng tác phẩm thủ công này với cái màu vàng ròng ánh xanh của thuỷ tinh xưa nơi và khung Ba-rốc mạ vàng. Cô thấy độ chênh thật hoàn hảo dù cô biết tác phẩm hẳn đã xưa hàng thế kỷ. Cô gọi một espresso rồi nhìn quanh trong lúc ngồi không. Khách hôm nay rõ ràng là dân Venice. Người phục vụ nói với cô bằng giọng Venice và cô đã khiến chính mình ngạc nhiên vì sự mạnh mẽ trong lời cô đáp lại bằng tiếng Ý lưu loát, vọng lại giọng địa phương của anh ta trong giọng mình. Một lần nữa cô cảm thấy hài lòng là cảnh sát Bardolino đã gợi ý chỗ này. Nó vẫn là một bí mật được giữ kín đối với đám du khách. Rồi cô chợt nảy ra ý nghĩ là anh ta, theo một kiểu nhã nhặn, đã thử mời cô.
Nếu như anh ta xuất hiện.
Nhưng cô đã không phải lo. Đúng ba giờ, với tính hiệu quả đặc thù đã chứng tỏ trong lần phỏng vấn cô, anh ta bước qua cửa. Cô ngạc nhiên là bây giờ anh mặc quần jeans và áo khoác lịch sự hơn lúc cô thấy anh lần đầu ở Santa Maria della Pietà. Leonora đã, không hiểu sao, thật buồn cười, hình dung anh mặc đồng phục đến. Nhưng anh vẫn gợi nhớ một bức tranh – tranh nào nhỉ? – và khiến quý bà đang ăn trưa phải ngoái nhìn. Với một kiểu choáng váng, khi anh vuốt những giọt mưa trên những lọn tóc đen, Leonora đối diện sự thật.
Anh ta là một người đàn ông rất đẹp. Tất cả họ cũng thấy điều đó.
Cô cảm thấy một tiếng thì thầm sợ hãi.
° ° °
Anh chào cô, ngồi xuống, và gọi người phục vụ với một sự thoải mái thành thục. Anh cởi áo khoác, và ngồi thụt vào trong ghế dài một cách thư thả. Có vẻ như anh có một sự thanh lịch nhất định kết hợp với một khả năng cảm thấy dễ chịu tức thì, như một con mèo. Leonora mỉm cười và chờ bài diễn văn của họ bắt đầu. Cô bỗng tự tin. Anh ta đi thẳng vào công việc của ngày hôm nay hay lao vào những câu đùa cợt trước?
"Sao cô lại uống cà phê?"
Leonora cười. Câu hỏi của anh có vẻ vô lý đến mức nó làm cô ngạc nhiên.
"Cô cười tôi à?" anh nói, bị kẹt giữa vui thích và khó chịu.
"Một chút. Sao tôi lại không thể uống cà phê? Tôi đã vi phạm quy ước xã hội nào chăng?"
"Không, không. Tôi chỉ thắc mắc không biết cô có…" anh tìm cái từ, "teetotal" 1/a>. Một từ tiếng Anh lạ lùng. Tôi vẫn tưởng nó có nghĩa là một người chỉ uống trà thôi."
Leonora mỉm cười. "Không, không. Tôi uống rượu chứ. Nhiều lắm. Ừm, không phải lắm. Nhưng tôi sẽ thích phần cho mình đấy."
"Tốt." anh ta cười toét. "Vui lòng cho hai ly rượu đỏ 2." Điều này là nói với người phục vụ quanh quẩn bên vai anh.
"Ombra là gì?"
Cảnh sát Bardolino lại cười toét. "Bóng râm."
"Tôi biết nó nghĩa là gì. Nhưng nó là gì khi lại là một thức uống?"
"Đừng lo. Nó chỉ là một chén nhỏ rượu đỏ thôi mà. Cái tên thì đã xưa hàng thế kỷ rồi. Ở San Marco thời Trung cổ thường có những xe đẩy rượu. Và người bán rượu thường thong thả đẩy mấy cái xe cả ngày để đến ngồi lại trong bóng râm ở Campanile. Để giữ mát rượu."
Người phục vụ đặt xuống mấy chén rượu lên bàn gỗ đen. Leonora nếm rượu và cảm thấy hương vị của nó đậm đà hơn nhờ câu chuyện. "Tôi thích những câu chuyện như thế. Nhưng từ khi đến đây, tôi chưa thể đọc lấy một cuốn sách hướng dẫn. Gần như thể tôi quá bận xem và sống nên không có thời gian mà đọc."
Bạn của cô gật đầu. "Cô nói đúng. Tốt hơn hết là biết được những điều này khi cô đi lại, từ những người sống nơi đây. Sách hướng dẫn đầy những mẩu tin."
Cô mỉm cười khi nghe ý kiến của anh trùng với chính ý của cô. "Kể thêm cho tôi về nơi này đi."
Anh mỉm cười đáp lại. "Bằng một mẩu tin ngắn sao? Casanova thường uống ở đây."
"Có phải đó là lý do anh đưa tôi đến đây không?"
Mình lẽ ra không nên nói thế. Thật quá táo bạo và… vụng về. Mình đang cư xử như một con học trò ấy.
"Cô tưởng đó là một câu," anh nói, với một cảm nhận làm cô ngạc nhiên. "Thật ra tôi đưa cô đến đây vì thuỷ tinh." Anh chỉ tấm gương. "Nó là độc nhất vô nhị. Tấm gương đôi này nổi tiếng vì nó làm tấm gương lớn nhất được làm ra vào thời của nó với những ô kính là những cặp song sinh hoàn hảo. Tôi tưởng nó làm cô quan tâm, vì cô làm việc ở Murano mà."
Mình đã đánh giá sai anh ta. Mình có làm hỏng ngày hôm nay vì khiếm nhã không đây? Mình có nên nói cho anh ta nghe về Corradino không?
"Cảnh sát…"
"Làm ơn, vì Chúa, cứ gọi tôi là Alessandro." Vẻ hài hước đã trở lại, thật may.
"Tôi thích thế ở đây, cảm ơn anh."
Anh lại mỉm cười, rồi lấy lại cái mặt nạ thực tiễn của mình. "Xưởng của cô đã điền vào cuống tờ đơn cho cô chưa?"
"Rồi." Adelino buộc phải làm lại.
"Thế thì hãy mang nó đến vào tuần tới và ta có thể dứt điểm cái giấy phép làm việc này. Thế rồi nếu cô kiếm được một căn hộ nữa, cô có thể có được giấy phép cư trú." Anh xua lời cảm ơn của cô đi.
Im lặng một lát, Leonora nói. "Tôi hỏi anh một câu được không?"
Anh gật đầu.
"Hình như anh mất ít thời gian cho việc đó hơn những người khác. Tại sao thế?"
Alessandro duỗi người. "Tôi ghét mấy việc giấy tờ, nên giải pháp duy nhất của tôi là đi tắt nó càng nhanh càng tốt. Đồng nghiệp của tôi - họ cũng có công việc giấy tờ, nhưng giải pháp của họ là vùi nó dưới nhiều giấy tờ hơn nữa, hy vọng là nó sẽ biến đi. Thấy không," anh lôi trong túi ra ít giấy tờ, "hiệu quả hơn." Anh trải mấy tờ giấy lên bàn cho cô xem. Cô thấy là họ đã sao lại hình chụp mấy ngôi nhà và các chi tiết bên dưới, rất giống thông tin ở một văn phòng môi giới bất động sản. "Em họ tôi, Marta, đã đưa tôi chìa khoá bốn căn này. Mình sẽ đi xem, và nếu cô thích cái nào, cô có thể dọn đến tối nay."
"Tối nay?"
"Cô ngạc nhiên à?"
Leonora lắc đầu, sửng sốt.
"Chỉ vì tôi đã cố xem mấy căn hộ cả tháng nay rồi và luôn có những chậm trễ, hay rắc rối, hay giấy tờ…"Người đàn ông đặc biệt này dường như đi tắt qua tất cả nhịp điệu tĩnh tại Venice.
"À, đó là kết quả của việc quen biết một người địa phương mà." Alessandro mỉm cười. "Đây là cái tôi thấy cô lên xem trước. Nó rất gần đây." Anh chỉ vào một trong bốn căn nhà, hai phòng trong một căn nhà hai tầng đẹp. Cô nhìn theo ngón trỏ của Alessandro. Địa chỉ in rõ ràng – Campo Manin.
Đó là một phòng tầng trên cùng của một ngôi nhà rộng, đã hư hỏng, nhưng ngày sưa đã từng sang trọng. Dù hiện đại về mọi mặt khác, cô cũng phải suy nghĩ khi bước vào bằng cầu thang nguyên thuỷ tạo thành trục cho tất cả các phòng, giờ có những cánh cửa chống cháy hiện đại xấu xí. Cầu thang lớn và được xây duyên dáng. Leonora đưa tay ra sờ lớp sơn màu ngọc lam tróc lở. Khi lớp sơn và lớp mạ vàng còn mới, những bức chân dung gia đình trên những bức tường này có nhìn chăm chăm xuống, để xem tôi tớ và gia chủ đi lên đi xuống không? Như thể bắt được một tiếng vọng, cô thốt lên, "Corradino?"
Alessandro đang đánh vật với cái ổ khoá căn hộ 3C. "Gì cơ?"
"Không có gì." Còn quá sớm để thú thực rằng bạn thân nhất của cô trong cả Venice là một hồn ma. "Tôi chỉ thắc mắc không biết có người dòng họ Manin nào khác đã từng sống ở đây không."
Alessandro nhún vai, tâm trí vẫn còn để ở cánh cửa. "Có thể. Rất có thể. A…" Điều này là khi cánh cửa bật ra và Leonora theo anh vào trong phòng. Nó một màu, bày biện sơ sài, nhưng có hai ô cửa sổ thật lớn trông ra campo, và hay hơn cả, một cái cầu thang xoắn bằng thép rèn lung lay dẫn lên một khoảng sân thượng bằng phẳng, và những nóc nhà cao thấp của Venice khắp xung quanh. Leonora dựa người vào ban lơn đổ nát và nhìn đăm đăm về Campanile xa xa. Cô có thể nghe thấy tiếng chuông.
Mình muốn sống ở đây. Mình biết ngay khi mình bước vào cửa.
Cách Alessandro tiếp cận nghiêm túc và dứt khoát những vấn đề thực tiễn tiếp tục làm Leonora kinh ngạc trong ngày hôm đó. Cô đã đoán chừng là sự chọn lựa của mình sẽ dẫn tới vài tuần thương lượng nữa, theo sau là một giai đoạn chuyển nhà kéo dài. Nhưng Alesandro tức thì gọi điện thoại di động cho cô em họ, nói liến thoắng. Họ hầu như chỉ vừa xem qua một vòng cái phòng tắm thô sơ ("Đừng chờ lúc nào cũng có nước nóng; không đâu, nếu là ở Venice,") thì cô em họ - Marta - xuất hiện. Cô là một phụ nữ thân thiện, tháo vát, đeo kính, tóc ngắn và không có nét đẹp hình thể nào của ông anh họ. Cô ngồi với Leonora bên cái bàn được lau chùi sạch sẽ, trên một trong mấy cái ngế lẻ bộ. Khi Leonora ký tờ hợp đồng thuê mười hai tháng, Alessandro đã liên lạc xong với một công ty lưu kho ở Mestre và dàn xếp một chuyến giao đồ ngày Chủ nhật chưa từng nghe thấy để giao đồ đạc của Leonora vào ngày hôm sau. Cả hai anh em họ ngỏ lời có mặt để giúp vụ đồ đạc. Leonora đã được giao chìa khoá, rồi cô và Alessandro đến khách sạn nơi cô trọ để gói gém đồ đạc và trả phòng.
Anh có vẻ như không vội đi đâu cả. Anh cũng không có vẻ quá thân thiện theo cái cách đáng ghét cô đã nhận thấy ở đồng nghiệp của mình – tình bạn ở những người đàn ông còn muốn nhiều hơn. Họ nói suốt trong khi vừa đi quanh vừa làm việc, chủ yếu là về cái bộ ba thiêng liêng của Ý đó - nghệ thuật, thực phẩm và bóng đá. Khi hành lý của cô đã được sắp đặt vào căn hộ mới cùng với một số cung cấp thiết yếu cho buổi sáng, cô bắt đầu cảm thấy không tin được, là anh đang vui khi được ở cạnh cô. Niềm vui và sự bối rối của cô tăng dần vì khi hoàng hôn xuống, anh nói một cách vội vã, nghiêm túc và dứt khoát mà giờ cô nhận ra như một nét riêng. "Ta đi uống một ly chứ? Ta nên ăn mừng. Tôi biết một chỗ hay."
Leonora ngướng mày. "Hay như Do Mori?"
Anh cười. "Cô không thể có được cái nào hay hơn cái tôi nghĩ ra này đâu. Nó là, hoàn toàn đúng nghĩa đen, Thiên Đường."
Cô nhìn kỹ anh. Mắt anh không có vẻ toan tính, hay thèm muốn. Hai mắt anh nhìn lại cô thẳng thắn. Anh có vẻ khát.
Mình biết mình không nên đi. Mình biết mình sẽ đi.
Thiên Đường tối thứ Bảy là một nơi ồn ào. Leonora, bị ép sát vào Alessandro ở quầy rượu, phải nói to vào tai anh gọi một chai Peroni. Anh xuất hiện từ trong đám đông với bốn chai ("để tiết kiệm thời gian") và dẫn cô đến cuối một trong những cái bàn dài như kiểu ở phòng ăn ngồi kín những người Bô-hê-miêng trẻ sặc sỡ. Alessandro tìm được hai chỗ ngồi đối diện trong một hốc phòng tối được rọi sáng bằng ngọn nến quen thuộc để trong một chai rượu. Những giọt sáp đủ màu phủ kín chai và kể câu chuyện của những ngọn nến đã tan chảy trước đó. Theo thói quen, Leonora bắt đầu ngắt khối sáp đặc. Bên cạnh cô, ngồi gần, một chàng trai trẻ đeo đầy khoen đang nói liếng thoắng giọng Veneto với cô bạn gái cũng đeo khoen như vậy ngồi đối diện. Alessandro nhấp một ngụm dài và Leonora nhìn anh. Tiếng ồn lắng xuống một chút, nhưng cô vẫn phải la to. "Chỗ này là gì vậy?"
Anh mỉm cười. "Tôi đã không nói thật hết với cô. Đây không phải là Thiên Đường, nó là Paradiso Perduto – Thiên Đường Đã Mất. Nó chỉ một quán bar xưa duy nhất ở Venice – luôn đầy cả sinh viên. Nó hơi đông đúc, nhưng ít ra thì cô cũng có thể kiếm được một ly sau nửa đêm."
Leonora cười nhếch mép với ly bia của mình. Thiên Đường Đã Mất.
Phải chăng mình đã đánh mất Thiên Đường của mình? Stephen, và Belmont và St Martin’s có phải là Thiên Đường của mình không? Hay mình đã đến để tìm thấy một Thiên Đường mới nơi đây?
Như thể đoán thấy ý nghĩ của cô Alessandro hỏi, hết sức đột ngột, "Sao chồng cô lại bỏ cô?"
Leonora gần như nghẹn ngụm bia Peroni. Hàng ngày cô đã ngạc nhiên về tính bộc trực của dân Venice. Cô tưởng họ cũng quanh co và dè dặt như những con hẻm bí hiểm trong thành phố của họ, hay cũng lòng vòng như sự quan liêu của họ. Nhưng họ chẳng là gì trong hai điều ấy. Chỉ sáng nay thôi người đàn bà phục vụ trong quán cà phê cô ăn điểm tâm đã hỏi cô có một người tình đặc biệt ở nhà không. Người tiếp tân ở khách sạn, người đàn ông hiền lành, như chú bác ấy, đã xác định được tình trạng hôn nhân của cô và chuyện cô không có con. Và lúc này, ở đây người đàn ông khó hiểu này đang hỏi cô một trong những câu hỏi riêng tư nhất. Có vẻ như dân Venice có khả năng chẻ đến tận mũi cũng êm như mũi thuyền xẻ nước kênh. Cô câu thời gian, nắm trái tim thuỷ tinh nơi cổ để giúp mình vững vàng.
"Sao anh biết anh ấy bỏ tôi?"
Alessandro ngồi lùi ra ghế. "Cô có một lằn trắng ở nơi trước kia là nhẫn cưới. Còn ngón tay cô có phần biến dạng, tụt lùi về phía khớp, nghĩa là cô đã đeo nhẫn trong vài năm, không chỉ là một đính ước ngắn ngủi. Và cô buồn. Và cô ở đây. Tôi nghĩ nếu cô đã chia tay anh ta thì có lẽ cô đã ở nhà?"
Leonora ngước lên từ bàn tay mình và nhìn thấy một ánh cảm thông trong đôi mắt đen thông minh làm lòng cô se thắt. Bám vào một câu trả đũa hạ nhục, câu trả lời làm cô ngạc nhiên.
"Anh ấy đã chọn một hòm vàng."
"Thế nào?"
"Người lái buôn thành Venice? Những kẻ theo đuổi Portia đã phải chọn giữa ba hòm bạc, chì và vàng. Hạnh phúc nằm trong hòm chì, không phải hòm vàng."
Alessandro mỉm cười. "Tôi biết. Tôi sống ở đây mà. Cô nghĩ ta có thể lớn lên trong cái thành phố này mà không biết câu chuyện ấy sao? Ý tôi là, anh ta đã chọn vàng theo nghĩa nào?"
"Tôi nghĩ anh ấy mê tít bề ngoài của cái hòm. Thật tình chỉ có thế."
"Đừng làm thế."
"Sao cơ?"
"Thật tình chỉ có thế. Cô rất đẹp." Anh nói điều đó một cách trầm trọng, không phải như một lời khen mà là một cảm nghiệm.
Cô xoắn lọn tóc vàng quanh bàn tay. "Đã từng, có lẽ. Nhưng nỗi khốn khổ và mất mát dường như đã rút cạn nó rồi. Giờ tôi cảm thấy đen và trắng, không màu." Cô thả lọn tóc xuống. "Khi ấy tôi là một họa sĩ, một người sáng tạo, đầy cảm xúc, hơn là…" cô tìm cụm từ, "mạch tiếp hợp các phản ứng hoá học, thứ tạo ra Stephen. Tôi nghĩ anh ấy mê những thứ trái ngược giữa chúng tôi. Nhưng khi mở hòm ra, anh ấy nhận ra rằng cái anh ấy thật sự muốn lại là cái gì thực tiễn và khoa học, cũng hệt như chính anh ấy."
"Và anh ta có tìm thấy nó không?"
"Có. Nó gọi là Carol."
"À."
Leonora hớp một ngụm bia nữa, và nó bắt đầu làm cô ấm lên. Đúng lúc đó cô biết rằng cô sẽ không đề cập chuyện mình vô sinh với Alessandro. Một giọng nói nguyên sơ bé nhỏ nào đó đã ngăn cô lại. Cô không muốn người đàn ông này biết là cô không hoàn thiện.
Cuối cùng anh nói, nhưng không phải về cô. Từ nay trở đi đã hiển nhiên là ăn miếng trả miếng. "Nhưng cô biết không, giống nhau quá thì cũng có đấy. Cho đến năm ngoái đây, tôi đã có một cô bạn gái khá giống như anh em sinh đôi với tôi. Chúng tôi lớn lên bên nhau. Chúng tôi thích tất cả mọi thứ giống nhau. Cả hai chúng tôi đều tham vọng, thậm chí còn cùng ủng hộ một đội bóng. Nhưng rồi cô ấy được đề bạt lên vị trí cao hơn ở Rome. Cô ấy nhận. Bỏ đi. Chấm dứt. Tham vọng của cô ấy cuối cùng đã chia cắt chúng tôi." Anh uống.
Leonora bối rối. Cô đã không thấy người đàn ông này dễ tổn thương như thế - nhưng cả anh nữa cũng bị bỏ rơi. Cô nói dịu dàng, "Cô ấy cũng cùng trong ngành cảnh sát à?"
"Không. Một nhà báo." Anh có vẻ miễn cưỡng không muốn nói thêm, và Leonora để sự im lặng riêng của họ chìm xuống giữa tiếng chuyện trò chung. Thế nhưng, cuối cùng, anh tiếp.
"Cho đến lúc đó, chúng tôi đã hạnh phúc. Có vẻ như không có vấn đề gì cả. Không có… nguyên nhân bất hoà."
Leonora xúc động vì câu chuyện, đồng thời cả cách phát âm rõ ràng của anh, và thấy một cách để chuyển hướng câu chuyện của họ.
"Anh học được tiếng Anh giỏi như thế ở đâu vậy?"
"London. Tôi đến đấy hai năm sau thời gian phục vụ quân ngũ, trong khi tôi quyết định xem phải làm gì với cuộc đời mình. Tôi làm việc trong một quán ăn - với Niccolò, một em họ khác. Tôi bỏ thời gian ở cả một bếp Soho và Nhà hát London, làm quen với những phụ nữ kinh khủng." Anh cười toét. "Tôi học được tiếng chửi thề đầu tiên đấy."
"Ở đâu?"
"Ở cả hai nơi. Rồi tôi trở về Học viện Cảnh sát ở Milan, rồi về nhà ở Venice khi qua được kỳ thi tuyển."
Alessandro thành thục vỗ ra một điếu thuốc, và mời cô một điếu với cái diễn đạt quốc tế là nhướn mày và một tiếng hỏi ậm ừ. Khi cô xua đi, anh châm điếu rồi rít một hơi dài. Cô nghĩ đến điều anh vừa nói. Quê nhà. Venice.
Giờ đây cũng là nhà của mình nữa.
"Vậy là, anh đã có những quyết định của mình, hồi đó, ở London?" cô hỏi.
"Không hẳn. Chưa bao giờ thật sự là có một chọn lựa cả. Bố mẹ tôi đã nuông chiều tôi hai năm ấy, cho tôi cái ảo tưởng về tự trị. Nhưng tôi sẽ luôn là một cảnh sát. Họ biết điều ấy và tôi cũng biết."
"Tại sao thế?"
Alessandro nhún vai một cách biểu cảm. "Truyền thống nhà Bardolino mà. Cha, các chú, ông nội…"
"Nhưng anh có hạnh phúc không?"
"Tôi sẽ hạnh phúc, nếu tôi được xem là một Điều tra viên. Đó là cái giờ tôi đang được đào tạo."
"Tốt. Bí ẩn Nhẫn cưới Mất tích khá là thuyết phục."
Anh cười, không phải là không vừa ý. "Sherlock Homes, hả? Để xem. Còn tuỳ tôi có qua được kỳ thi không. Nhưng làm một cảnh sát tuần tra ở Venice thì chẳng vui gì mấy. Trừ khi ta có thể nuôi mình chỉ bằng những cảnh đẹp không thôi. Chỉ có mỗi những thứ như máy chụp hình bị cắp và hành lý thất lạc - những vấn đề nhỏ của du khách. Và chúng tôi mang tiếng là ngu đần. Cô đã nghe chuyện tại sao cảnh sát Venice luôn đi quanh hai người một lúc chưa?"
Leonora lắc đầu.
"Một người biết đọc và một người biết viết."
Cô mỉm cười.
"Cô tưởng chuyện ấy tệ. Dịch vụ cứu hoả còn tệ hơn. Họ nói trạm cứu hoả ở Venice có một máy trả lời tự động cho số khẩn cấp của họ và hộp thoại trả lời là họ sẽ có mặt tại vụ hoả hoạn vào sáng hôm sau."
Leonora cười. "Phải, đó là cách các anh đã làm mất Fenice không?" Nhà hát quý giá của Venice đã cháy rụi mười năm trước.
"Không, đó lại là lỗi của thành phố. Con kênh dẫn đến Fenice nghẽn đầy bùn đến nỗi thuyền của đội cứu hoả không thể qua kịp lúc để chặn ngọn lửa. Sự vô trách nhiệm của công dân, tôi e là thế. Chỗ này đang tan rã."
"Và chìm?’
Alessandro lắc đầu. "Không một người địa phương nào thực sự tin là thành phố đang chìm. Nhưng có một thứ mà họ tin là có khối người đang hái được bộn tiền từ chuyện duy trì mãi nỗi sợ là nó đang chìm. Có rất nhiều cái gọi là quỹ đang quyên góp để cứu thành phố, nhưng phần lớn tiền chỉ nhét đầy túi các viên chức thôi. Không, du khách mới là vấn đề hơn là nước."
Leonora ngạc nhiên và hài lòng vì phát biểu của anh có vẻ như không bao gồm cả cô trong định nghĩa đó. "Du khách?" cô dò hỏi. "Chẳng phải họ là máu huyết của thành phó sao?"
Alessandro nhún vai biểu cảm. "Phải. Nhưng nếu huyết áp cao quá thì nó sẽ giết ta, cô biết đấy. Giờ thì cứ một người Venice bản xứ là có khoảng một trăm du khách. Chính vì thế mà dân địa phương đều biết nhau cả. Chúng tôi bám chặt vào nhau. Và thành phố sẽ qua khỏi. Venice đã có mặt ở đây bao thế kỷ rồi, và nàng sẽ ở đây hàng thế kỷ nữa. Có một… sự kế tục nhất định."
Leonora gật đầu, mấy ngón tay cô ngắt sáp. "Tôi hiểu anh muốn nói gì." Rồi, như thể bước một bước tới sự thân mật, cô thú nhận, "Hồi lần đầu tiên gặp anh, tôi nghĩ anh trông giống như trong một bức tranh. Dù tôi không biết bức tranh nào."
"Đúng thế." Anh mỉm cười, nhưng không nói thêm. "Ở đây chuyện đó là bình thường. Cô sẽ thấy đi quanh đây cũng cùng những nét mặt đã ở đây hàng trăm năm rồi. Cũng cùng những bộ mặt. Bộ mặt duy nhất cô sẽ không bao giờ thấy là bộ mặt của Venice. Nàng luôn mang mặt nạ và bên dưới mặt nạ, nàng luôn tham nhũng."
"Thế thì có quá nhiều việc phải làm cho một Điều tra viên rồi, khi mà tham nhũng tràn lan như thế."
Alessandro cười nhếch mép. "Phải, đúng vậy. Trọng tội ở Venice thì thú vị cũng như khinh tội tẻ nhạt vậy thôi. Trộm tranh, gian lận sở hữu, buôn lậu. Những thứ dành riêng cho đàn ông."
Cô có thể cảm thấy là anh không đùa hoàn toàn. "Thế kỳ thi là khi nào?"
"Trong hai tháng nữa. Nếu tôi qua được kỳ thi đó, tôi sẽ vui lắm." Anh uống cạn chai bia và nhìn cô chăm chú qua những chai bia rỗng. "Còn cô? Điều gì sẽ khiến cô hạnh phúc? Cô có đang tìm một hòm chì không? Một Thiên Đường mới?"
Leonora cụp mắt xuống. Một lần nữa những ý nghĩ của anh trùng với những ý nghĩ của cô – lôi ra cốt lõi điều bí mật của cô. Cô nhìn ngọn nến giữa họ và nhận ra mình đã ngắt sạch sáp trên chai giữ nó. Chai xanh và mịn như phút ban đầu nó chứa rượu, thoái khỏi sự cầm tù của sáp. Khi cô nhìn, sáp mới trong trẻo lại tràn ra từ cái hồ bên dưới cái bấc và khoác lấy một trạng thái đặc màu trắng đục khi rơi xuống thuỷ tinh tinh khôi. Cuối cùng cô trả lời. "Không, tôi không đi tìm."
Mình tin vào cái mình nói…thế rồi. Mình tiếp tục tin điều đó cho đến tận khoảnh khắc anh cúi tới và hôn mình. Ria cứng, môi mềm, và một ngọn lửa mình đã quên.
Họ im lặng bước qua những con đường vắng. San Marco đã vắng người. Một không gian trống hoắc như một nhà thờ không mái che. Chỉ có những tinh cầu pha lê đan ngang dọc trên đầu. Đêm lạnh nhưng Leonora bừng cháy. Những con bồ câu giờ đã đậu ngủ nhưng những ý nghĩ của cô bay bổng.
Với một sự thôi thúc không giải thích được cô làm những vòng nhào lộn hoàn hảo qua quảng trường, những vì sao lượn vòng bên trên hai bàn chân cô, tóc cô quét lên những phiến đá. Cô có thể nghe thấy Alessandro cười khi cô quay tròn. Cô không biết ý nghĩa của nụ hôn, nhưng cô biết cái mình đang cảm thấy.
Có cảm giác rất giống niềm vui, niềm vui rồ dại.
Chú thích
1 Tiếng Anh: bài rượu, chống uống rượu.
2 Due ombre, per favore.