Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2067 / 61
Cập nhật: 2015-10-21 20:49:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Y Tá Cũ
Gửi Ts Tụng, Y tá trưởng LĐ81/ BCD
Hòa bình rồi, hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày.
Sau 75, Tổng Y viện ấy mất tên, chỉ còn mang một con số, không khí lạnh lẽo như một trại lính. Thương bệnh binh là những người được đưa từ trong R ra hay mới từ chiến trường K chuyển về. Đám thương binh mới rất trẻ, đa số gốc lao động hay nông dân gầy ốm xanh xao ngơ ngác đến tội nghiệp. Đám tụi nó được kể là thế hệ thứ năm xuất thân từ những gia đình vẻ vang của giai cấp công nông được hy sinh. Ở đây không dễ gì mà tìm được những đứa con của “giai cấp đầy tớ nhân dân”, chiến trường thực sự của bọn ấy nếu không là Liên-xô thì thì ít ra cũng là ở những thành phố hoa lệ của các nước Đông Âu khác. Tụng, người thượng sĩ y tá cũ được kể trong số hiếm hoi những hạ sĩ quan ngụy được lưu dung. Tụng phải chứng kiến những chuyện đổi đời từ ngày được gọi là giải phóng. Mà cũng chẳng có gì lấn cấn ngay từ những ngày đầu mới tiếp thu ấy. Thương bệnh binh cũ chẳng cần chờ đuổi, họ tự động bỏ viện, kể cả những người không nhà. Số bác sĩ và sĩ quan cũ được cho nghỉ đồng loạt để chuẩn bị đi trình diện cải tạo mười ngày hay một tháng. Riêng đám hạ sĩ quan và binh lính thì được mau chóng thanh lọc qua ý kiến tại chỗ của nhân dân, nhân dân đây là những tên lính nằm vùng. Đó cũng là dịp không phải để ơn đền nhưng oán thì phải trả. Chỉ một số ít y tá do có khả năng chuyên môn thì được tạm lưu dung. Tụng được giữ lại phục vụ tại khu liệt, dưới quyền một viên thượng úy gốc Nghệ Tĩnh, nghe nói từng du học ở Đông Đức, trình độ văn hóa lớp bảy trở thành bác sĩ qua diện chuyên tu. Là bác sĩ hồng nhiều hơn chuyên, nhưng với cái “mác” du học nước ngoài cùng gốc gác đảng, Tụng thấy hắn đầy quyền uy khiến đám bác sĩ chính quy phải rất nể vì. Khu Tụng làm việc khá đặc biệt. Cùng một khoa nhưng lại gần như biệt lập hai khu: khu thương bệnh binh cách mạng, còn khu kia như một ốc đảo ảm đạm rất cách biệt lạnh lẽo mùi tử khí với mươi bệnh binh bại liệt cũ. Đa số bọn họ không có gia đình, liệt nặng và mức cao_ liệt cả tứ chi, hay do biến chứng co rút không thể rời khỏi giường. Trước đó, những đứa liệt nhẹ còn chút khả năng di chuyển cũng đã bỏ viện, nếu cần thì ra nằm ngoài lề đường. Tụng làm việc ở cả hai khu, được giao khoán cho cai quản cả khu ngụy, muốn làm gì thì làm chẳng được bác sĩ ngó ngàng tới. Không phải chỉ riêng Tụng, mà với mỗi phái đoàn tới thăm đều bị viên Thượng úy nhân danh đảng ủy nhồi sọ về tính nhân đạo của đảng đã không ném chúng ra đường, không bỏ đói lại cả cho hưởng cùng chế độ dinh dưỡng với thương bệnh binh cách mạng. Vậy mà đa số bọn nó tử vong vẫn rất cao, nếu không không chết vì lở loét nhiễm trùng đường tiểu thì cũng suy kiệt sau một thời gian không chịu ăn uống gì. Riêng y tá Tụng thì hiểu rất rõ là tại sao.
Đã bao lâu rồi, từng làm việc ở trại này, vậy mà sao Tụng vẫn không thể nào cầm được cảm xúc khi chăm sóc những người bệnh liệt trẻ tuổi ấy. Có người đã sống ở đó và được Tụng chăm sóc từ nhiều năm rồi. Họ thuộc đủ binh chủng, đã cầm súng chiến đấu và ngã xuống từ những địa danh khác nhau. Bây giờ tất cả nằm đây, chết khô dần như những con cá mắc cạn. Có nhiều người bị đạn vào cổ, liệt cả tứ chi sự sống chỉ còn chớp mở nơi đôi mắt. Có người chỉ còn da bọc xương và da là từng mảng dày khô đóng vảy bạc trắng như trên xác ướp. Trong nghịch cảnh này, họ còn dai dẳng sống mỗi từng ngày được thêm bao lâu nữa. Riêng thằng Lượng là đứa được Tụng coi như thằng em kết nghĩa không phải chỉ vì cùng quê mà cả do những sự kiện rất đặc biệt của đời nó. Nó gốc là lính mũ xanh, thích phiêu lưu, sửa cạo khai sinh tăng tuổi để sớm được vào lính, can đảm liều lĩnh chẳng biết sợ là gì. Trải bao chiến trận, kể cả những tình huống gian nguy nhất, có khi cả một đại đội tan hàng thì nó vẫn thoát về được và sống phây phây. Ai cũng nghĩ là đạn tránh nó. Bạn đồng đội đồn rầm lên là thằng Lượng có bùa. Không phải chỉ bùa hộ mạng mà cả bùa yêu nữa. Nếu không vậy thì làm sao hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, tới đâu cũng có vô số con gái yêu nó. Kể cả các cô nữ sinh xinh đẹp và có học nữa chứ. “Xanh cỏ hay đỏ ngực” là cái triết lý liều lĩnh của Lượng khi vào lính. Nó được đặc cách thăng cấp hạ sĩ ngoài mặt trận và cả nhiều huy chương. Vậy mà bùa của nó lại hết linh khiến thằng Lượng suýt chết lãng xẹt ở mấy ngày Tết hưu chiến. Lượng bị đứt tủy sống ở mức ngực do một mảnh pháo bắn vào phi trường. Cả đơn vị không ai bị thương trừ nó. Vốn là đứa trẻ năng động và cả bay bướm nữa, làm sao mà nó chịu cho thấu cảnh chết cạn đó. Lượng tự tử nhiều lần nhưng đều được cứu sống. Rồi nó bắt đầu hiểu rằng sống lây lất như vậy đã chẳng dễ dàng gì nhưng chọn cái chết coi bộ còn khó khăn hơn. Nên cho dù ban đầu nó tuyệt vọng giận dữ, chối từ thảm họa đã đến với nó, nhưng rồi nó vẫn phải chấp nhận sống. Lại có thêm đức tin vào Thiên Chúa nên tính tình hắn dần dần đằm trở lại. Cho dù chỉ còn nửa phần trên và hai tay, nó vẫn hăng say tập luyện phục hồi. Đây là đang nói về những ngày trước giải phóng. Ngoài giờ học thêm về văn hóa, Lượng còn vẽ tranh và cả chơi bạo làm thơ nữa. Như bản chất tự nhiên tâm hồn nó, tranh thì đầy ngập ánh sáng và màu sắc tươi sượng khỏe mạnh; thơ thì giản dị nhưng là hơi thở ấm áp của cuộc sống có đức tin, đủ làm xúc động sâu xa cả lòng người. Bài thơ Riêng mỗi từng ngày của nó được các bệnh nhân khác luân phiên truyền tay nhau chép lại: Đường tôi đi, khi phẳng lặng khi gập ghềnh Hôm qua tội lỗi, ngày mai thì bất chắc Thôi, bổn phận sao cho làm đủ mỗi ngày Hôm nay mới thực sự là ngày của chúng tôi Của Chúa cho và của riêng tôi Và hành trình tôi, chỉ là riêng mỗi từng ngày 1 Vì cái gọi là chính sách, đám người có nợ máu như Lượng với chứng tích hai chữ “sát cộng” còn rành rành trên tay, với sự sống còn thoi thóp mà vẫn chưa bị tống ra khỏi viện. Những ngọn đèn cạn dầu ấy chưa biết rụi tắt khi nào. Chẳng bao giờ được bác sĩ ngó ngàng tới, chăm sóc chỉ còn trông vào đám hạ sĩ quan y tá cũ lưu dung với đồng lương chết đói nhưng thủy chung nghĩa tình cho tới giờ phút cuối cùng. Có lẽ suốt cuộc đời còn lại, chẳng bao giờ Tụng có thể quên được những đôi mắt trống vắng lạnh tanh của những người thương binh cũ, còn xa hơn cả sự tuyệt vọng buồn thảm, họ chưa chết hết phần xác nhưng đã chết cả phần hồn. Cuộc sống chỉ là đếm thêm cho riêng mỗi từng ngày. Không phải mới bây giờ, bản chất Tụng lúc nào cũng ít nói nhưng có sức làm việc khoẻ như trâu. Nó gốc gác nông dân, như người cày bám ruộng chỉ biết cặm cụi vun xới thửa đất của mình cho dù thời tiết tốt xấu là thế nào. Tụng vốn hiền lành và ẩn nhẫn nhưng phải tính cộc. Khổ bao nhiêu cũng chịu được nhưng nó không chịu được nhục. Chăm sóc lính bị thương chứ gì đâu mà bảo là có tội, cả ít nhiều có nợ máu nữa._ Tôi tự xét chẳng làm gì nên tội cả. Trong tổ thảo luận, Tụng đã nói hụych toẹt ra như vậy. Tuy buồn bực nhưng Tụng vẫn tận tụy chăm nom những người bệnh của cả hai bên mỗi từng ngày và chưa biết bao giờ là ngày cuối cùng. Nếu Tụng có quan tâm hơn tới mươi người bệnh cũ chỉ tại tụi nó quá khổ, hoàn toàn bị bỏ rơi và chẳng có ai thăm nuôi. Phù thịnh, như nước chảy xuống chỗ trũng là cái lẽ thường chứ ai dại gì mà phù suy bao giờ. Nhưng như giòng nước chảy ngược, Tụng lại là thứ người phù suy ấy. Có lẽ vì vậy mà Ban lãnh đạo và phòng tổ chức bệnh viện không mấy ưa Tụng. Nhưng lại chẳng tìm ra lỗi gì để khiển trách vì Tụng cùi cụi làm việc năng xuất gấp đôi cả chiến sĩ thi đua, nhưng cách mạng vẫn khó chịu về cái nhìn trắng đen không rõ rệt nơi Tụng. Cho học tập cải tạo tại chỗ bao nhiêu Tụng cũng không phân biệt được tính giai cấp với vị trí khác nhau của thương bệnh binh hai phía. Với Tụng thì chỉ có người bệnh mà hắn hết tâm phục vụ. Lãnh đạo nhìn Tụng như một thứ đầu có sạn, dù có nhồi nhét thêm bao nhiêu lý thuyết Mác Lê cũng chẳng thay đổi được gì cái thứ luân lý bà Sơ, nghĩa là nhân đạo một cách chung chung ấy. Không phải chỉ có tận tụy chăm sóc đám bệnh binh mà Tụng còn hết lòng chỉ dẫn đám y tá mới, cái bọn đã nuôi sẵn ác tâm chỉ rình hất Tụng ra khi nắm được đôi chút chuyên môn. Thế rồi cái ngày cuối cùng không thể tránh cũng đã tới. Hoàn toàn không được báo trước, giữa buổi sáng đang bề bộn công việc, tắm rửa cho mấy người bệnh liệt trong đó có thằng Lượng. Tụng bất ngờ được gọi lên Phòng Tổ chức, báo cho nghỉ việc ngay từ hôm nay. Tụng không được phép và cũng chẳng có cơ hội trở lại trại bệnh nói lời từ biệt, nhất là với thằng Lượng. Tụng được cấp một giấy giới thiệu mẫu in sẵn duy chỉ có tên tuổi được viết tay, với yêu cầu chính quyền địa phương giúp đỡ. Bấy lâu xa quê hương nhớ mẹ hiền, Tụng vui mừng được trở về quê với mẹ, trở lại nghề ruộng. Tụng thì quá mộc mạc nghĩ rằng mình chẳng cần thứ giấy tờ như vậy và không hiểu thấu được cái thâm ý báo cho chính quyền địa phương cảnh giác về cái gốc gác của Tụng. Tụng quê Bến Tre, chỉ còn mỗi bà mẹ già sống trong căn nhà ba gian của hương hỏa và mấy sào ruộng bấy lâu gia đình vẫn tự làm lấy. Gốc gác như vậy chẳng được là bần cố nông nhưng bấy nhiêu chắc chưa thể bị coi là tư bản địa chủ bóc lột. Những năm chiến tranh về sau này, do tuổi già neo muộn lại thêm nỗi buồn vì hai trong ba đứa con trai chết trận liên tiếp: một đứa là lính Biệt động quân, còn đứa kia vào lính Nhảy dù mới ra trận cũng đã chết tốt, nên đất đai bị bỏ lây lứt. Nay có Tụng về, còn mỗi thằng con trai là nó, là dịp để cho hai mẹ con trở lại khai khẩn đất làm cho kịp vụ. Không có đại hội không nghị quyết cũng chẳng có kế hoạch thập niên hay ngũ niên nào nhưng hai mẹ con đã vẽ ra trước mắt một tương lai thật rõ ràng: cố sao làm trúng vài vụ, nuôi thêm vài con heo, bỏ ống dành dụm chút đỉnh rồi bà sẽ đi cưới con Bé Tư cho Tụng.
-Nó cứ hỏi thăm mày hoài, nhà đâu có còn ai, chỉ có nó tới lui, má coi nó như con ruột của má vậy đó, mà bộ mày còn trẻ lắm sao, lấy vợ sớm có cháu cho bà nội nựng... Tụng cười hiền lành chấp nhận kế hoạch của mẹ cho dù chưa biết mặt mũi con Bé Tư hồi rày ra sao. Tụng thật thương nói đùa với má:
-Má đã ưng là con chịu, con nhà binh mà, thi hành lệnh má trước có chi khiếu nại sau. Mà chắc con không có chi để khiếu nại đâu mà má sợ... Bây giờ không còn nỗi lo sợ tiếc nuối của những kỳ về phép qua mau. Lần này bà thực sự an tâm sung sướng trước hạnh phúc
lâu dài của hai mẹ con.
-Hòa bình rồi được có con về là má vui, mặc cho họ nói chi thì nói, cái mửng bắt mẹ dẹp khung hình thằng Ba thằng Tư trên bàn thờ là không khi nào má chịu. Lính ngụy hay không lính ngụy tụi nó vẫn là con má. Chòm xóm có gia đình nào mà không có con vô lính rồi chết trận, vẻ vang hay không vẻ vang có cái đau nào bằng cái đau của bà mẹ mất con. Họp tổ phường khóm má nói toáng ra như vậy, chịu hay không chịu thì thôi... Con tổ trưởng phụ nữ thấy mẹ làm dữ quá nên cũng nín khe... Tuy không thật còn trai trẻ nhưng Tụng vẫn còn rất mạnh. Mỗi sáng sớm ra đồng với con trâu kéo, cày lật mấy thửa đất, tới xẩm tối mới về tới nhà đau rêm cả mình mẩy, nhưng bù lại được mẹ già chăm sóc cho từng miếng ăn manh áo chứ không còn cảnh thịt hộp gạo xấy với suốt ngày đêm đôi giày trận hôi rình như hồi nào. Chén cơm lúc nào cũng là cơm nóng ăn với cá kho tộ – món mà Tụng vẫn thích má nấu cho ăn từ hồi còn bé, xì xụp với tô canh rau hái ngay từ vườn sân sau nhà. Bà chăm sóc cho Tụng từng chút, ép con từ miếng ăn như hồi còn bé, cứ vậy mà bà quên là mình đã già. Hạnh phúc bình thường đơn giản vậy mà bao năm sau mẹ con mới tìm lại được.
-Món cá kho tộ má nấu ngon khỏi chê... Bà cười làm bộ mắng nựng con:
-Cứ khen tưới đi mày, đồ con nhà bất hiếu, chưa chi mà đã tâng bốc nó quá vậy. Má nhờ con bé Tư đi chợ rồi nấu luôn cho má đấy. Tụng sung sướng và cười bẽn lẽn. Trong hạnh phúc đó, không hiểu sao Tụng cứ nhớ tới thằng Lượng và mươi người bệnh binh cũ quanh nó. Rồi Tụng kể lể cho má nghe về hoàn cảnh tụi nó như đám con bà Phước.
-Khổ hơn tụi mồ côi con bà Phước nữa má à. Bà nghe mà sụt sùi thương cảm:
-Không sao, để má sắp xếp với con Bé Tư mấy bữa nữa lên thăm đem chút quà vô cho tụi nó. Thì má cũng thương tụi nó như đám con nuôi của má. Chuyện xa gần, chuyện chòm xóm, hai mẹ con thủ thỉ bên ngọn đèn dầu đến tận khuya. Tụng mệt ngủ ngon lành lúc nào không hay, nhưng vẫn nhớ như in là được má kéo tấm mền đắp cho lúc nửa khuya khi trời thật se lạnh. Buổi sáng hôm sau như thói quen Tụng dậy thật sớm, ăn lùa mấy bát cơm kiểu thợ cầy rồi dắt trâu ra ruộng. Đạp chân trên những luống đất vừa cầy vỡ, Tụng miên man nghĩ tới hạnh phúc những ngày được gần bên mẹ, rồi nghĩ tới Bé Tư thấy thương con nhỏ ngay; chẳng vì một lý lẽ nào khác là má rất thương nó. Mặt trời lên cao hơn nửa con sào, gió mát dịu nhẹ vậy mà Tụng bắt đầu thấy nực với cả lưng rướm ướt mồ hôi. Tính rằng đi nốt mươi luống nữa thì nghỉ xả hơi rít điếu thuốc lào say cho đảo điên trời đất. Tụng nghiện thuốc lào từ hồi mới bắt đầu vô lính lựng. Cuộc đời y tá của Tụng không quên được chuyện lính tráng đập đạn làm ống thuốc lào nổ bị thương cả chùm, lại có đứa say thuốc té nhào vô đống lửa cháy rụi cả lông mày phỏng cả mặt mũi... Ruộng bỏ cả mấy mùa, mưa rồi nắng, nắng rồi mưa làm đất ruộng khô keo lại cứng như đất sét. Cả trâu và người bở hơi tai vì thẻo đất bướng bỉnh. Tắc tắc, Tụng vẫn luôn tay nghiêng tách lưỡi cày để bớt sức trâu, cảm giác dịu mát thấm vào lòng bàn chân mỗi bước đạp trên tảng đất mới... Đang miên man giữa cái hạnh phúc của đất và người, bất chợt bàn chân Tụng đạp lên một vật như thép lạnh cứng - chưa kịp rút chân lại thì “ụp” tiếp theo là tiếng kêu “má ơi!” Cảm giác đau như xé khiến Tụng ngã qụy, nhìn xuống thì một bàn chân đã bị đứt rời. Kinh nghiệm chiến trận khiến Tụng nhận ra ngay không phải lựu đạn mà là thứ mìn muỗi chống cá nhân, chẳng biết ai đã ném vô và nằm im trong đám ruộng nhà mình tự bao giờ. Không chỉ đau vì mất chân, Tụng biết mình vẫn còn sống nhưng đau sót hơn chỉ sợ làm mẹ buồn. Tụng xé ngay mảnh áo làm vòng garrot tự cấp cứu cầm máu. Tụng nổi tiếng lì khi còn trong chiến trận, trong đời Tụng chưa từng biết khóc là gì nhưng bây giờ thì đôi mắt mờ lệ nhìn về phía nắng hanh chiếu vàng trên những bụi tre phía xa, thấp thoáng đâu đó là nóc nhà quen thuộc, nơi đó có bà mẹ già và cả con Bé Tư đang lúp chúp lặt mớ rau cho nồi canh chuẩn bị bữa ăn chiều. Tụng không nghĩ tới mình, không màng tới cái đau như xé truyền lên từ mỏm chân cụt mà lại cứ miên man với ý nghĩ là sắp tới đây, phải ăn làm sao nói làm sao với má bây giờ, để cho bả khỏi khổ. Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từngngày
Long Beach 04/94
Chú thích
1 Ý thơ Brady Jackson.
Mặt Trận Ở Sài Gòn Mặt Trận Ở Sài Gòn - Ngô Thế Vinh Mặt Trận Ở Sài Gòn