If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1057 / 20
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hế là xong. Tôi lầm bầm nghĩ tới gia đình, tới Nhiệm, tới con Thúy, tới ngôi trường mà tôi sắp dời khỏi, tới ngọn đồi gió, nơi mà tôi đã tưởng những giây phút hạnh phúc nhất của đời mình. Tất cả trộn trạo trong trí tôi, tạo nên một thứ tình cảm hoang mang, bầy nhầy, không rõ.
- Chừng nào mày trở lại đây? Thúy hỏi trong khi bỏ chiếc khăn mặt và bánh xà phòng thơm vào cái bao ny-lông cho tôi.
- Cũng phải hết hè. Hy vọng thế. Trở lại sớm hơn cũng vô ích. Phải rồi thật vô ích. Không ai muốn quay về một nơi mà mình không chút cảm tình. Còn mày bao giờ đi. Tôi hỏi Thúy. Nó ngừng tay nhìn tôi. Đôi mắt nó lơ đãng, như lạc về một thế giới nào đó. Nó trả lời ngập ngùng:
- Cũng còn tùy. Tao phải gặp Phụng cái đã. Nhưng dẫu sao thì cũng về qua gia đình.
Tôi cười thầm, nhớ lại câu trả lời của mình, lúc Thúy hỏi đi đâu, tôi đã đáp gọn " về gia đình". Sự thật thì tôi đã dàn xếp xong mọi chuyện. Vé máy bay mà tôi bỏ sẵn trong sắc đây, là vé máy bay về Sài-gòn. Về nơi mà người tình chung kiếp của tôi đang chờ đợi. Nơi mà cha của đứa bé ( tôi hy vọng nó là con trai) trong bụng tôi đang ở. Tôi chắc chàng sẽ sung sướng vô cùng khi nghe tôi báo tin mừng này. Bởi sau những lần gần gũi với chàng, không lần nào chàng không nói đại khái anh muốn có được một đứa con với em. Nó sẽ là sợi dây ràng buộc, một thứ cử chỉ, giữ vững cho cuộc tình mình. Nó cũng là thứ tối hậu thư dành cho mẹ anh, nếu bà phản đối cuộc tình chúng mình. Phải rồi. Các cụ dẫu không thương dâu chăng nữa, cũng phải thương cháu. Nó là một giọt máu cuả con trai cụ cơ mà. Và cái tối hậu thư đó, tôi đang mang trong bụng tôi đây. Nó sắp được ba tháng rồi, có khi nó đã được hơn ba tháng rồi cũng nên. Bởi nó bắt đầu "máy" mạnh. Cái "ghen" mà tôi quấn ngang bụng, cách đây một tháng đâu có chặt và tức như giờ đây. Giờ thì nó quá chặt đôi lúc tôi nghẹn thở, tức tức. Nếu đã làm hôn thú với nhau, nếu không sợ điều tiếng, chắc tôi đã bỏ cái " ghen" ra. Tôi thầm thương "thằng nhỏ" vô cùng. Chưa chi mà nó phải chịu bó, cột như vậy. Không biết cái "ghen" tôi đang mang đây, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự lớn mạnh của cái thai chăng? Dầu sao tôi cũng cảm thấy mình bất nhẫn khi phải quấn nó quanh bụng. Lý do mà tôi nói với gia đình và được ông cụ chấp thuận cho đi Sài-gòn là một "cuộc du lịch do nhà trường tổ chức". Cái gì mà dính đến nhà trường là ba tôi chịu ngay. Dù đa nghi mấy, ông cụ cũng yên lòng khi nghe nhà trường tổ chức. Hơn nữa, điều gia đình tôi mong thấy nơi tôi, đó là sự đỗ đạt, ra làm cô giáo. Tôi đã thõa mãn mong mỏi đó của gia đình một cách khá vẻ vang. Tôi thi ra trường đậu thứ hai mươi chín, trong số năm trăm bốn mươi sáu người đậu. Với hạng đó, chắc chắn tôi sẽ được bộ QGGD, bổ đi dạy ngay, trong niên khóa sắp tới đây. Khi nhà trường bắt các giáo sinh ghi tên ba nơi mà mình muốn bổ nhiệm, tôi đã ghi ngay Sài-gòn, Đà-lạt và Huế. Dầu không bắt được về Sài-gòn, nhưng tôi vẫn ghi với hi vọng mong manh, biết đâu, biết đâu, tôi chẳng được về nơi lý tưởng đó. Nếu không được ở Sài-gòn thì Đà-lạt cũng được. Mặc dù gia đình tôi, đã dời khỏi Đà-lạt ra Huế lập nghiệp, nhưng tôi vẫn thích ở Đà-lạt hơn Huế. Chàng cũng bảo rằng chàng mê cái không khí ở Đà-lạt lắm. Nếu tôi được bổ về dạy ở Đà-lạt, chàng sẽ xin đổi lên đấy, cùng với tôi. Về việc này, tôi giấu nhẹm gia đình, không cho ai biết. Ngay cả vụ tôi yêu Nhiệm và đã có thai với chàng, cho đến giờ phút này, gia đình tôi vẫn chưa ai hay.
Tôi nhắc thử chiếc va-li.
- Nặng lắm không? Thúy hỏi.
Tôi cười:
- Cũng khá. Nhưng không sao. Ra đi xe mà, lo gì.
- Hay để tao đưa mày ra phi trường.
- Thôi. Cám ơn mày. Mình còn gặp lại nhau mà. Tao sợ cảnh tiễn đưa lắm.
Tôi phải gạt đi như vậy, và lấy lý do sợ tiễn đưa cho con Thúy khỏi nghi ngờ. Chứ nếu để nó đưa đi, âm mưu của tôi bị bại lộ hết còn gì. Thế chẳng hóa ra giấu đầu hở đuôi sao.
- Mấy giờ rồi Thúy?
- Chín giờ năm phút. Mấy giờ thì máy bay cất cánh.
- Mười giờ bốn mươi lăm. Nhưng chắc tao phải ra sớm còn cân hành lý, với lại ra sớm cho chắc ăn. Trễ một cái là phiền ghê lắm. A, Thúy này.
- Gì.
- Mày gửi lời chào lão Hiển dùm tao nghe. Nói rằng vì gấp quá, nên tao không kịp chào và cám ơn lão. Tôi vừa nói vừa cười. Thúy cũng cười theo.
- Thằng cha thế mà ngó bộ ngu mày ạ.
- Sao lại ngu?
- Thì không là gì. Lo từng điểm thi cho mày, để mày đậu cao, rồi cuối cùng cũng công cốc. Lại chẳng được một lời cám ơn nữa.
- Tự lão chứ. Tao đâu có nhờ.
- Ừ, thế mới dại gái.
- Thôi mày. Nói vậy phụ lòng người ta không được mày. Nếu mày có bạo mồm thì mày nói với lão rằng, tao hứa kiếp sao sẽ yêu lão.
Chúng tôi cùng phá lên cười lớn. Chính tôi cũng không ngờ, lúc chia tay nhau mà bọn tôi lại có được cái không khí vui vẻ như thế này. Thúy cười nghiêng ngả cả tấm thân đã bắt đầu nẩy nở, đẫy đà. Có hơi đàn ông... có khác. Ý tưởng nhảm nhí của tôi bị cắt đứt ngang ngay, khi cái thai "máy" mạnh quá. Tôi nhăn mặt và lo lắng nhìn Thúy. Sợ nó đoán được.
- Thôi tao đi nghe mày.
- Ừ. Để tao xách cái va-li cho. Thúy xách va-li xăm xăm bước ra khỏi phòng. Tôi lật đật cầm chiếc sắc tay vài chiếc túi vải theo sau. Trước khi ra khỏi phòng, tôi dừng lại ở bậc cửa, nhìn lần cuối, nơi đã ở. Dù lòng không một chút xót xa, luyến tiếc, dù đã bao nhiêu đêm tôi mong được thoát khỏi bốn bức tường tù hãm này, nhưng lúc này, tôi cũng cảm thấy lòng bâng khuâng xao xuyến. Một cảm xúc nhẹ nhàng, dâng cao rồi tỏa lan khắp tâm hồn tôi. Tôi muốn nói một tiếng gì đó. Một tiếng gì, nghĩa ngang như một vĩnh biệt. Một vĩnh biệt, đúng thế. Bởi không còn mấy ngày nữa, những người con gái khác, sẽ tiếp chân chúng tôi. Họ sẽ lên đây. Họ sẽ ở lại đây, tiếp tục sống lại cái quãng đời mà tôi đã sống. Họ sẽ là những vai kịch mới, đóng lại một vỡ kịch cũ, trên một sân khấu cũng cũ. Họ cũng sẽ rơi vào trường hợp tôi ao ước được ra đi, được sớm thoát khỏi. Và được phép ra đi thì lòng lại bùi ngùi. Một bùi ngùi không đâu, vơ vẩn.
Thúy đứng đợi tôi ở đầu cầu thang. Tôi vội rảo cẳng lại phía nó. Lúc qua những phòng ngủ bên cạnh. Qua tấm kính, tôi nhìn thấy khung cảnh bên trong, cũng bàn, ra, hệt như trong phòng tôi. Nghĩa là cũng những chiếc giường sắt đôi, chỉ còn trơ lại những tấm nệm cũ loang lổ chiều vết bẩn. Mầu drap trắng toát với những chiếc màn cũng trắng toát, đã được tháo gỡ, trả vào kho từ bao giờ. Chỉ còn một hai chiếc, trong trường hợp con Thúy. Hoặc còn kẹt bồ bịch ở đây. Hoặc gia đình xa quá, chưa kịp gởi tiền ra mua vé máy bay trở về.
Những bậc thang gợi lại cho tôi câu chuyện đã cũ. Chuyện Hiển tỏ tình ở nhà xe báo hại tôi chạy về đến đây thì ngất xỉu. Chuyện những sớm tôi lần mò từ thị trấn về đây sau một đêm ngủ ở khách sạn với chàng. Tất cả đều mới xảy ra thôi. Nhưng tôi có cảm tưởng như đã từ lâu. Từ lâu lắm rồi. Làm như nó đã lùi hằn vào một khoảng tối tăm nào đó, của dĩ vãng. Làm như nó hoàn toàn xa lạ và dửng dưng đối với tôi. Phải chăng tại tôi đang sửa soạn hay đang bắt đầu bước vào một cuộc đời mới. Một cuộc đời mà tôi sẽ phải cũng như sẽ được hoàn toàn trách nhiệm về đời mình, về những ngày sẽ tới, về những gì sẽ xẩy đến cho đời tôi. Nhưng với tôi lúc này, tương lai chỉ còn là một màu hồng thắm thiết của vẻ vang, đắc thắng hay một màu xanh của hy vọng của hạnh phúc, của những khát khao âm thầm, tưởng không bao giờ đạt được. Nay một phút một chốc, tôi đã có cả, tôi đã được cả.
Thúy bước đến bên tôi. Chúng tôi cùng lặng lẽ. Đầu Thúy cúi thấp. Thân nó đổ về đằng trước. Chiếc va-li trong tay nó, rung rinh theo nhịp bước. Tôi có cảm tưởng như nó muốn nói với tôi, một điều gì đó. Một điều gì mà tôi cũng linh cảm thấy. Nhưng chỉ linh cảm mà thôi, không thể nói ra, hay giải thích bằng lời nói được.
Chúng tôi bước vào hành lang mở vào khu vườn hoa. Khu vườn mà đêm đêm tôi thường đứng trên ban-công cao nhìn xuống. Chiếc hành lang này, cũng là nơi mà tôi đã đi qua lại không biết bao nhiêu lần. Tôi đi và mắt nhìn không rời bất cứ một sự vật nào, hiện ra trong tầm thấy. Chúng vẫn ở nguyên vị trí cũ. Chúng vẫn là chúng. Thản nhiên và lạnh nhạt. Chỉ riêng tôi là cảm thấy xa lạ với chúng, như chưa từng trông ngắm. Chỉ riêng tôi cảm thấy quạnh hiu, như sắp mất đi một cái gì vừa thấy mất đi và không bao giờ còn trông mong tìm lại được. Bỗng nhiện, tôi buột miệng, nói với Thúy:
- Khi tao đi, còn có mày ở bên cạnh. Không biết rồi lúc may đi, ai sẽ là người đưa chân mày, Thúy nhỉ. Câu nói của tôi, hoàn toàn không ăn nhập gì tới điều tôi nghĩ trong óc. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại buột mồm nói thế. Để làm gì? Nó có ăn nhập gì đâu?
Thúy thở dài. Nó nói giọng trầm, như cho chính nó.
- Tao cũng nghĩ thế. Rồi ai sẽ xách va-li cho tao. Từ chiếc phòng đó. Rồi ai sẽ đợi tao ở đầu cầu thang, ai sẽ đi bên tao, khi ngang qua khu vườn này. Và quan trọng hơn nữa, có ai chờ đợi tao không, nơi tao sẽ đến.
Nơi đi và chốn đến.Ừ, đời sống chúng ta, chỉ có thực trong trạng thái vật vờ trong khoảng giữa của hai đầu mâu thuẫn đó. Đi và đến. Đến và đi. Chúng ta sống, phải chăng chỉ để làm chừng đó công việc một cách thụ động, máy móc. Không thể còn gì khác hơn nữa sao? Không thể còn gì? Tôi nghĩ rằng ít nhất, thì cũng phải có một cái gì khác hơn, quy định bất thành văn đó. Dù cho là một cái gì khác hơn đó, chỉ là một bịa đặt, một giả tạo, bịp lừa chính mình. Cụ thể nhất là nơi mà tôi sẽ tới đây. Nơi mà tôi sẽ đến để rồi sẽ ở lại, nó không chỉ có nghĩa là một chốn đến. Nó cũng không chỉ có nghĩa là một ở lại, thụ đông, thản nhiên. Nó là chốn mơ ước. Nó là cõi mơ tưởng. Nó là thiên đàng. Là hạnh phúc. Là đau khổ, dẫu có là đau khổ? Thì nó vẫn có nghĩa của nó. Nó chính là cái mối, đánh dấu một giai đoạn, một chặng đường mà tôi có mặt, mà tôi đã sống. Là một cái gì mà chúng ta không thể chối cãi, cưỡng chống. Nó là một khúc quanh. Một đoạn đường ngắn, trên con lộ định mệnh.
Tôi đứng đón xe, trong tầm mắt nhìn tra hỏi của những người chui ra từ dãy nhà tôn thấp ở vệ đường.
Mắt Thù Mắt Thù - Du Tử Lê Mắt Thù