Số lần đọc/download: 15124 / 295
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Chương 11 -
T
rò đời thật hay, hết bĩ cực đến thái lai là chuyện có thật đấy các bạn ạ. Sau ba năm nằm thâm nhập thực tế dưới nông thôn đang tập thể hóa. Trong sáu tháng đầu năm 1963, cuốn tiểu thuyết của tôi được in ra và phát hành rộng rãi. Cuốn sách có tựa đề là Lúa reo. Nhờ trời, một lần nữa, tôi lại được báo chí tung hê. Lên voi xuống chó, xuống chó lại lên voi là hành trình viết văn của tôi. Một vị trong ban tuyên huấn trung ương đã viết bài ca ngợi. Rằng tác phầm Lúa reo là cuốn sách phục vụ chính trị kịp thời, sâu sắc và hấp dẫn. Rằng, Lúa reo đã minh họa cho đường lối tập thể hóa nông thôn của đảng ta là vô cùng đứng đắn. Cuốn sách này, vẫn theo nhà phê bình kia nói, rằng nếu nhà văn không biết hòa mình với công nông binh, hóa thành vô sản, thì không thể có tác phẩm lớn. Sau đó, các báo thi nhau viết bài ca ngợi cuốn Lúa reo, đến nỗi có bài đọc xong tôi ngượng đỏ cả mặt vì sự bổc quá đáng, gọi tôi là Sôlôkhốp của Việt Nam. Tôi được cắp trên ban cho ân sủng, được đi thăm hai nước đàn anh vĩ đại là Trung Quốc và Liên Xô.
Số là năm 1961, năm đỉnh cao muôn trượng, năm miền Bắc thiên đường của các con tôi như một vị thi sĩ lãnh đạo từng tuyên bố, tôi sống rất mỏi mệt vì không khí nghi kỵ, rình rập xung quanh. Một hôm Ruộng từ cơ quan về bảo:
- Em đã gặp đồng chí phó ban tuyên huấn trung ương, người đã cứu anh trong cái vụ xét đi xét lại ấy.
- ừ, rồi sao nữa?
- Em thưa là tinh thần nhà em xuống quá. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị quy chụp bắt bớ.
Tôi thở dài:
- Thực ra, cái sợ của anh đã hết cỡ rồi nên không còn sợ nữa. Chỉ có điều buồn quá. Thật phi lý, ai cũng nghi ngờ, ai cũng có khả năng phản động cả hay sao vậy?
Ruộng gạt đi bảo tôi đừng phát biểu vô tổ chức. Cô tiếp tục khoe thành tích với tôi:
Nghe kể về anh, đồng chí phó ban rất thông cảm. Anh ấy còn bảo chồng cô có tài đấy, nhưng chỉ phải cái tội xuất thân từ thành phần trí thức tiểu tư sản. Anh ấy bảo em là vô sản chính cống phải luôn giúp đỡ anh về tư tưởng cách mạng tấn công. Ruộng còn kể con cà con kê nữa mới gút lại:
- Đồng chí phó ban hỏi em có sản lòng để anh đi thâm nhập nông thôn hợp tác hóa dài hạn không? Em suy nghĩ rồi trả lời rằng tuy một nách hai con, ai lại muốn chúng đi xa, nhưng nếu vì nhiệm vụ cách mạng thì em sẵn sàng. Đồng chí ấy nói là ngày mai sẽ làm giấy giới thiệu với đồng chí bí thư tỉnh ủy tỉnh X., nơi anh và em tham gia cải cách ruộng đất ấy, để anh xuống đó ba năm tìm hiểu thực têd viết sách phục vụ giai cấp. Tôi gật đầu:
- Tốt. Nhờ em báo cáo với đồng chí phó ban là anh sẵn sàng đi ngay khi có giấy giới thiệu xuống tỉnh.
Hai hôm sau, tôi lên đường xuống địa phương. Bí thư tỉnh ủy tỉnh X. tiếp tôi như thượng khăch. Họ đã mời tôi tiệc tùng ăn nhậu suốt mấy tuần lễ. Bí thư tỉnh ủy gọi điện cho bí thư huyện tiến tiến nhất tỉnh, dặn dò kỹ lưỡng về việc đón tiếp vị nhà báo kiêm nhà văn về huyện. Bí thư huyện ủy lại tổ chức tiệc lớn tiệc nhỏ, khách một mà chủ nhà có dễ hàng trăm, ăn uống tiệc tùng linh đình cả tuần lễ. Rồi bí thư huyện trực tiếp dẫn tôi xuống xã.
Về sau tôi mới biết vì sao Ruộng trực tiếp gặp ban tuyên huấn đặt vấn đề để tôi đi thực tế nông thôn dài hạn. Vì Ruộng điều tra và biết được Oanh hiện chưa lấy chồng, đang làm bác sĩ ở một bệnh viện thủ đô. Cô đã đến tận cơ quan Oanh, quan sát người yêu sống yêu chết của tôi cho biết mặt. Ruộng sợ tôi ở thủ đô sẽ móc nối lại với Oanh vì nhất cự ly, nhì cường độ mà trời, cái trò yêu đương ai chả biết điều đó.
Xã Thành Công có tám hợp tác xã nông nghiệp, là lá cờ đầu năm tấn của tỉnh X. Tỉnh, huyện đã dặn người có, dặn thư có, dặn miệng có rằng đồng chí Trần Hưng là nhà văn, nhà báo quan trọng của trung ương cử về tỉnh, các đồng chí vinh dự lắm mới được đón tiếp.
Khi xe huyện ủy đưa tôi về tới đầu xã, Tấn bí thư và Thêm cỡ tuổi tôi là chủ tịch, mang cả dàn cán bộ đông đảo ra đón rước có đủ khẩu hiệu, cờ xí, cả trống ếch thiếu nhi nữa mới khiếp chứ. Tôi hoảng hồn, làm như họ đón một vị lãnh đạo cao cấp chứ không phải một thằng nhà văn quèn như tôi. Tấn bí thư đội mũ nồi đen, người thắp, béo híp cả mắt, chân đi đôi dép nhựa Hải Phòng tráng bóc, quần xanh kaki Nam Định, sơ mi trắng lốp, bắt tay tôi rồi ôm hôn tham thiết theo kiểu lãnh tụ đón lãnh tụ.
- Báo cáo bác nhà báo, Thành Công chúng em sẵn sàng. Báo cáo bác bí thư huyện ủy, báo cáo bác phó chủ tịch huyện tất cả đều tốt ạ.
Bí thư xã Tấn, tuy ngót nghét bốn mươi nhưng toàn xưng em với tôi thôi, xưng em với bất cứ anh cán bộ vắt mũi chưa sạch nào từ trên rót xuống. Bữa liên hoan đầu tiên đón tôi và hai căn bộ lớn nhất nhì của huyện làm tại ủy ban xã. Khách ba, kể cả lái xe là bốn, nhưng chủ nhà thì có tới hàng trăm vị. Thôi thì heo gà, vịt cá đủ cả. Rượu quốc lủi có tới hàng trăm chai. Cỗ bàn người ngợm cứ lênh láng một cái nhà ủy ban. Tôi phải làm màn bắt tay đến mỏi rã rời. Ai cũng một giọng báo cáo bác, chúng em sẵn sàng như cách nói của Tấn. Chủ tịch xã Thêm dáng người cao gầy, lông mày sâu róm, mắt sâu hoắm, mũi khoằm khoằm làm bài diễn văn long trọng mừng khách. Tiệc xong thì xe bí thư huyện về. Tôi ở lại với đám đầy tớ của nhân dân vừa no say bí tỉ. Tấn kể:
- Thưa bác nhà báo, xã em có tám hợp tác xã, mỗi hợp tác xã bình quân có sáu đội sản xuất, vị chi có tới bốn mươi tám ông cán bộ đội trưởng rồi. Như vậy, cũng có nghĩa là có bốn mươi tám ông thư ký đội. Em chưa kể hàng ngũ đội phó sản xuất. Bốn mươi tám với bốn mươi tám là bao nhiêu hở đồng chí thống kê. à, thưa bác, riêng dưới hợp tác xã đã có chín mươi sáu cán bộ chủ chốt. Ngoài ra còn các loại cán bộ như thống kê, kế toán, kế hoạch, kỹ thuật, bảo vệ, đội cày, đội cấy, đội bừa, thủ kho, thủ quỹ, tài vụ vân vân, tính ra có cả trăm nữa ạ. Đấy là chưa kể hàng ngũ chủ chốt chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã. Ngoài ra, trên xã, cán bộ các ngành nghề của ủy ban, cán bộ cấp ủy từ đảng ủy đến tổ đảng, vị chi cũng ngót nghét hai trăm đồng chí cốt cán. Bây giờ em xin báo cáo bác nhà báo, con số cán bộ làm tròn là chín mươi sáu cộng một trăm, cộng hai trăm là bao nhiêu rồi ông thống kê? à thưa bác, cán bộ chủ chốt xã cả thảy là ba trăm chín mươi sáu đồng chí ạ. Nếu tính hết hền hệt có tới bảy trăm cán bộ tất cả. Tôi hỏi Tấn:
- Dân số xã là bao nhiêu?
- Báo cáo bác, bao nhiêu vậy ông thống kê, à sáu nghìn dân ạ. Sáu nghìn dân mà có tới bảy trăm ông cán bộ liệu có hơi nhiều không đồng chí Tấn? Tấn cười nịnh híp cả mắt:
- Theo em là số cán bộ còn hơi ít đấy. Chúng em dự tính sẽ đề bạt lên cán bộ vài trăm nữa để có nguồn lãnh đạo dự trữ. Bây giờ nhường lời cho đồng chí chủ tịch xã làm việc với bác. Ông chủ tịch xã, dân bộ đội phục viên có khác, rất bài bản.
- Báo cáo đồng chí Trần Hưng, đại diện cho giai cấp nhà văn nhà báo nước ta. Khi nhân dân xã chúng tôi được chỉ thị của huyện ủy và ủy ban huyện cho biết, chúng tôi được vinh dự hơn các địa phương khác đón rước đồng chí về viết báo, viết văn. Chúng tôi đã ba lần họp đảng ủy, ba lần họp ủy ban xã, các hợp tác xã cũng họp cỡ đó để bàn việc tiếp đón đồng chí. Tất cả bảy trăm đồng chí cán bộ xã đều tự nguyện làm đơn lên đảng ủy và ủy ban, xin được tiếp đãi đồng chí, ít nhất là một ngày, để mời đồng chí ăn bữa cơm dưa muối, cho thắm tình trung ương địa phương. Như vậy, đồng chí phải ở đây với xã chúng tôi hai năm mới thăm viếng được hết cán bộ và gia đình cán bộ xã. Ngoài ra còn bà con nông dân khác, họ cũng đang ùn ùn làm đơn mời đồng chí. Bên cạnh ủy ban xã Thành Công có một vườn cây, một ao cá đầy hoa súng đỏ hình bán nguyệt. Một ngôi nhà ngói ba gian xây đẹp, sân gạch, giếng nước, phòng tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, tịnh không có một con ruồi. Đấy là nhà khách của xã. Tôi được Tấn và Thêm dẫn vào ở tại căn phòng đẹp nhất, giường Hồng Kông, bàn viết đánh véc-ni có bình hoa đẹp, một sa lông nhỏ dùng làm bàn trà với đầy đủ tiện nghi của thời đó. Tôi nghĩ bụng, xã điển hình có khảc, còn hơn ở Hà nội nhiều. Chỉ thiếu mỗi cái điện. Đi thực tế kiểu này khác gì lên thiên đường. Tôi bảo Tấn và Thêm:
- Xin hai đồng chí cứ để tôi được tự nhiên. Mai tôi xin làm ~ việc với các đồng chí một ngày rồi sẽ xuống dân.
Tấn bảo tôi:
- Thưa bác nhà báo, nguyên tắc bảo vệ cán bộ trung ương của tỉnh huyện chúng em rất nghiêm ngặt. Dù không có chuyện gì xảy ra nữa nhưng vẫn cứ phải đề phòng. Thằng địch còn lặn trong dân nhiều lắm, y như lươn trạch lẩn trong bùn. Vì vậy, khi bác nhà báo đi đâu, chúng em sẽ cử ít nhất là một đồng chí trưởng hay phó công an xã đi kèm. Hoặc là chính em hoặc đồng chí Thêm chủ tịch sẽ tháp tùng nhà bác ạ.
Từ đó, suốt hơn hai năm ở xã Thành Công, tôi đi đâu cũng có công an xã đi kèm, làm môi giới để tôi tiếp xúc với dân. Chỗ tôi ở được bảo vệ bằng người canh gác suốt ngày đêm và rào thép gai xung quanh gỡ ở đồn Tây về. Suốt những ngày tôi sống ở đây, bữa nào cũng rượu thịt, cũng cơm gà cá gỏi, hoặc tiết canh heo thịt cầy, că chép ba ba. Mỗi bữa lại một ông cán bộ chủ chốt mời tôi, khách một mà chủ nhà có đến hàng trăm, đủ dàn bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm, công an, xã đội...
Lần nào tôi về Hà nội thăm gia đình, xe huyện, tỉnh cũng đưa rước. Rồi thì quà cáp chật cả xe, chối không được, đành phải lấy tượng trung dăm cặp gà, một tạ gạo nếp đặc sản, mấy đòn chả lụa để gọi là không phụ lòng ưu ái của địa phương. Ngày đầu tiên thâm nhập thực tế của tôi là ngày bí thư Tấn, chủ tịch Thêm cùng gần hết ban ngành xã, các chủ nhiệm hợp tác xã... dẫn tôi đi thăm đồng. Chúng tôi men theo bờ ruộng ra xem bà con cấy cày tập thể. Ôi chao, ai bảo sản xuất tập thể buồn nào, ai bảo kinh để xã hội chủ nghĩa thua kêm kinh tế tư nhân nào? Hãy đến đây chứng kiến cảnh lao động lạ lùng, kỳ vĩ của giai cấp nông dân tập thể xã Thành Công. Năm ấy đã gặt xong lúa, đang cày bừa làm lúa vụ chiêm nhưng trời ắm lạ. Trước mắt tôi và dàn cán bộ thăm đồng có lẽ ngót một trăm các chị, các bà thợ cấy tới xẩp xỉ bằng những người tham quan đang cấy tập thể. Các bà các chị vừa cấy vừa hát tập thể bài quan họ tình bằng có cái trổng cơm ầm vang cả góc trời. Hát xong, bên điệp khúc lại với tiếng vỗ tay giòn giã, khiến bùn bắn tứ tung, bẩn lắm cả mặt mày người hát vì cấy lúa thì phải cắm bàn tay xuống bùn. Có chị thợ cấy sát bờ ruộng, vỗ tay bôm bốp khiến bùn bắn vào áo tôi, làm ông công an xã đứng kề tôi lườm chị có ý bảo vỗ tay thì phải tránh xa xa một tí chứ, khiến chị thợ cấy kia sợ tái cả mặt, cúi xuống hát, hết dám vỗ tay. Chúng tôi tạm biệt những người cấy đang vừa cúi xuống vừa lấy hơi hát tập thể tiếp bài ca ngợi đảng Hừng trời đông ảnh hầng soi sáng bình minh, đàn bồ câu phắp phới.... Tôi có cảm tưởng họ phải rút cả ruột gan để hát trong khi cấy, chứng tỏ phong trào hợp tác hóa vui đến mức nào. Phái đoàn cán bộ xã dẫn nhà báo tham quan đồng, như đàn kiến cỏ kéo sang xem các bác, các cụ thợ cày thợ bừa. Họ, những ông lão, những bác trung niên đang cày bừa tập thể hàng mười con trâu trên một mẫu ruộng. Cả mấy chục con người vừa cày bừa vừa hát tập thể bài kết đoàn, khiến những con trâu sợ quá đứng nghển cổ lên một lúc mới dám bước. Tiếng hát tập thể của phái đàn ông ồ ề, khàn khàn nghe buồn nhiều hơn vui. Tôi thấy có bác vừa nâng cày lên trở xá, vừa hát toát mồ hôi. Trời ơi, nơi sản xuất, nơi cày sâu cuốc bẫm nghìn đời đang được biến thành sân khấu hội diễn văn nghệ. Sau đó là đến tiết mục hò khoan giữa các chị thợ cấy và các bác thợ bừa. Toàn là những câu diễn ca về chủ trương chính sách được hò đối đáp khiến cánh đồng cứ sôi lên. Tấn chỉ tay cho tôi nhìn về phía xa một chết:
- Báo cáo bác nhà báo, bác có nghe rõ tiếng hát chèo tập thể không ạ?
- Có tôi nghe.
- Thưa đấy là đám nam nữ thanh niên đang nhổ mạ đấy. Mặc dù nhổ mạ mệt lắm, nhưng nếu họ không hát tập thể với nhau sẽ không sao chịu được. Hát xướng với bà con nông dân chúng em khi lao động nặng nhọc cũng cần thiết như hơi thở, như ăn uống vậy.
Tôi gật đầu phục lăn bà con nông dân ở đây. Chỉ có thánh mới sánh nổi họ mà thôi. Thêm chợt dìu tôi ra một bên, chỉ tay về phía bờ ruộng cách chừng hai trăm thước. Tôi thấy cỡ bốn chục thanh niên đang gánh phân theo hàng dọc. Họ vừa gánh dập dìu vừa lấy tay vẫy chúng tôi, miệng cười như hoa. Thêm bảo:
- Gánh phân nặng, phải bước dập dình nên họ chỉ vẫy tay cười với nhà báo được thôi. Nếu hứng lắm cũng không hát được, vì nếu hát, phân tro sẽ đổ hết. Nhưng xin nhà báo chờ một lúc nữa khi họ quảy sọt về làng lấy phân tiếp, rồi nhà báo xem, hát xướng điếc cả tai cơ đấy.
Nhất, trưởng công an xã, cỡ nhỏ tuổi hơn tôi, người thấp, chắc như con cua gạch, đầu húi cua, da ngăm đen, môi tái nhợt, đi giày bộ đội, quần tây màu nước dưa, sơ mi xanh bạc, đeo xắc cốt một bên, súng lục một bên, lạch bạch chạy đến chen sát vào tôi nói:
- Anh ạ, còn nhiều tiết mục hay lắm. Biến cánh đồng thành sân khấu, người nông dân thành diễn viên. Thời thế sướng muốn chết. Chả bù cho cái thời cá thể, cứ bì bà bì bõm như con cò con vạc ấy.
Tôi đế vào:
- Đúng. Lao động thế này thì thích thật. Mệt thế quái nào được nhỉ?
Nhất khoe: - Quanh năm ngày nào nông dân ra đồng cũng vui như hội thế này đó anh ạ. Anh biết chỉ còn thiếu tí chút gì nữa thì nông dân ta sẽ hơn thành thị không?
- Một tị điện. - Đúng, có tí điện nữa là dân thành phố chen nhau về đây xin đi gănh phân, đi cày bừa bằng hết.
Tối hôm đó, vẫn một vai đeo xắc cốt, một bên hông xệ khấu súng lục Nhất dẫn tôi đi thăm mấy gia đình xã viên. Chúng tôi đến thăm chừng mươi gia đình. Có đôi ba nhà xây nho nhỏ, còn toàn nhà vách đất mái rạ đen xỉn, mà nhà nào cũng có giường mô-đéc, bàn ghế, tủ, phích nước Trung Quốc, đài Hungari Oriôngtông hay đài Seng Mao Trung Quốc. Tôi đến nhà nào cũng nghe một giọng đài tiếng nói Việt Nam mở hết cỡ, đang phát thanh hoặc ca nhạc. Đèn bão, đèn tọa đăng thắp sáng ngang với điện. Tôi hỏi chuyện bà con ai ai cũng nói y một giọng: rằng nhờ đảng, nhờ ơn chính phủ đời sống sung sướng cả, chỉ thương đồng bào miền Nam đang quằn quại đói khổ dưới áp bức của Mỹ Diệm. Ai cũng khen làm ăn tập thể là tuyệt vời, cơm ăn không hết, gà vịt, lợn chó thịt ăn không thiếu, chè ngon thuốc thơm cũng nhiều khi thoải mái. Nhà nào cũng nằng nặc mời nhà báo ở lại ăn với chúng em bữa cơm dưa muối, khiến trưởng công an xã Nhất cứ phải thay tôi cám ơn và chối đây đẩy. Tôi chưa thấy một ai mặc áo vá, đến nỗi có những cụ già còn diện cả những cái áo hoa xanh đỏ lòe loẹt dài quá khổ vì thợ may vụng. Suốt cả tháng, tôi lội theo đoàn cán bộ xã đi thăm hết cánh đồng hợp tác này đến cánh đồng hqp tác khác. Tất cả không khí lao động, hát hò tập thể đủ bài, từ sẩm soan đến điệu cò lả vang lên có lúc còn sôi nổi hơn cả ngày đầu tôi được chứng kiến. Tối đến, tôi lại theo đồng chí trưởng hoặc phó công an xã dẫn vào thâm nhập quần chúng. Tôi được dẫn đến toàn nhà xã viên ban đêm, còn nhà cán bộ để ban ngày, vì tôi phải ăn cơm dưa muối với mỗi gia đình cán bộ từng ngày một. Tôi phục bà con nông dân xã Thành Công sát đất, nhà nào cũng nhiều đồ đạc và lắm tiện nghi, từ xe đạp đến đài... Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà bé nhỏ và xác xơ cái vỏ bên ngoài, nhưng cái ruột thì phải biết. Tôi ghi vào sổ tay: hợp tác xã ăn rồi, nhất rồi, cứ đà này đến năm 1965 là toàn bộ nông thôn miền Bắc sẽ được điện khí hóa, sẽ biến thành thành phố. Một lần, sau buổi tối rượu đã ngà ngà, Nhất và Phát là trưởng phó công an xã, tiếp tục dẫn tôi đi thâm nhập quần chúng. Tôi hỏi hai đồng chí phụ trách công an xã:
- Xã ta còn hộ nào làm ăn cá thể không? Nhất thưa: Còn anh ạ. Năm tên lý lịch xấu xin mãi mà chúng tôi không duyệt. Cho chúng mày ở ngoài tập thể đến mục xương cho biết thân.
Phát thêm:
- Còn tám hộ nữa chứ anh Nhất. Nhất cười trừ:
- Quên béng nó ba hộ ngoan cố. Tôi đề nghị bắt cha chúng nó nhốt hết nhà báo ạ. Dọa cho các con vài trận vãi đái ra quần là sẽ làm đơn xin vào tập thể tuốt.
Tôi can:
- ấy chết. Phạm chính sách đẩy. Để họ tự nguyện vào chứ.
- Tự nguyện có mà đến đời mục thất. Em xin nói nhỏ với nhà báo nhé, xã này mà không có công an chúng em là chúng nó còn ở ngoài làm ăn cả thể có đến ba phần tư dân số. Dân ở đây ngu lắm anh ơi, lại cứ mê làm ăn cá thể mới khổ chứ. Chỗ sướng muốn chết không ưa, lại ưa dọa đi tù. Em với thằng Phát đây không làm dữ, xã Thành Công muôn năm cũng chẳng được điển hình tiên tiến đâu anh.
Tôi bảo hai ông bạn công an đang đi bên cạnh, trên đường
làng trăng non lờ mờ như sương muối:
- Tôi sợ các đồng chí làm ăn quá tả đấy.
Nhất vỗ vai tôi, phả hơi rượu vào mặt tôi:
- Tả thể chó nào được anh. Nông thôn lạc hậu lắm. Em nói thật, không đe bắt là không trị được dân đâu anh ạ. Thời nào cũng thôi. Nếu cứ như ông bụt cả thì nhà nước sinh ra công an, quân đội, viện kiểm sát, bảo vệ an ninh làm quái gì?
Phát đế vào:
- Em cũng nghĩ vậy anh nhà báo ạ. Chính quyền là cứ phải nghiêm chỉnh. Không có oong đơ gì hết. Phải có uy chứ anh. Nghệ thuật lãnh đạo là người cầm quyền phải học được cách làm cho dân nó sợ. Dân nó sợ rồi là cứ một phép nhá, răm rắp,. bảo sao nghe vậy nhá. Bảo hát là hát, bảo cười là cười, bảo khóc là dân phải khóc, có thế mới lãnh đạo được chứ. Bảo họ lao động hăng đi bà con là họ ào xuống đồng như vịt cả ấy.
Hai ông bạn tôi thở phì phò, ghê vào nhà dân uống nước cho giã rượu. Tôi hỏi sao không dẫn tôi cùng vào mà lại để đứng ngoài đường, thì họ nói nhà này đang có vấn đề, mình vô giả vờ uống nước xem nó làm gì?
Sáng sớm hôm sau, hai anh phụ trách công an xã đến nhà khách ủy ban tìm tôi rất sớm, cười cười xởi lởi:
- Tối qua, hai đứa em say quá phải không anh Hưng?
- Say ít thôi.
- Khi say là đến ông trời cũng cứ thích nói bậy. Anh bỏ quá cho chúng em nhá.
Tôi không biết tối qua họ nói thật hay nói bậy, nhưng cứ xem phép trị dân ở đây thì thấy tổ chức quá tài giỏi.
Tôi lại lội ra đồng thăm bà con lao động sản xuất. Có nhiều người hát xướng hăng quá đến độ giọng khàn như vịt đực. Trời ơi, làm ruộng mà vui sướng, hân hoan đến cỡ này, thì tôi cá trên đời này, đến các nông trang tập thể của Liên Xô, các công xã nhân dân của Trung Quốc cũng Tết ma rốc bằng được. Tôi xúc động thực sự trước đời sống mới tập thể hóa quá hạnh phúc của nông thôn, điển hình là xã Thành Công này, một cái nền của cuốn tiểu thuyết lớn của tôi. Ba tháng đầu ở đây, tôi đã viết được mấy bài báo chững chạc, đầy số liệu thuyểt phục. Tôi gởi đi Hà nội, nửa tháng sau thấy in liền. Xã Thành Công, một điển hình tiên tiến kỳ diệu cả nước biết tiếng, cả nước đòi về học tập. Tỉnh, huyện, đánh xe xuống xã nói mời tôi lên làm việc nhưng kỳ thực là để tiệc tùng chúc tụng và tặng quà cáp. Họ lại thưởng nhiều bằng khen cho Thành Công nữa chứ. Tôi trở thành ân nhân của cả tỉnh.
Dịp Tết Nguyên đán năm 196l, tôi viết hai bài tùy bút về Thành Công, một in báo đảng, một in Văn Nghệ. Hai bài báo đều được phát trên đài phát thanh đêm giao thừa và đêm mùng một Tết. Thành Công trở thành niềm hãnh diện cho tỉnh X., trở thành niềm tự hào cho phong trào hợp tác hóa tuyệt vời của toàn miền Bắc. Khỏi phải nói, dưới con mắt của cán bộ Thành Công, tôi được kính trọng gấp nhiều lần hồi mới tới đây. Tháng ba năm 1962, tôi lại về nằm vùng ở Thành Công. Xã, hợp tác xã thì lao động giỏi, tôi lại tuyên truyền hay, quả xứng đào xứng kép. Tôi lại được ăn uống sung sướng gấp nhiều lần. Đến nỗi, tôi phải than với bí thư xã rằng, ăn uống thế này, thì lợn gà vịt cá tôm sao kịp sinh, kịp lớn để có cái ăn tiếp. Tấn vỗ vai tôi cười hì hì:
- Ôi, bác cứ hay lo xa. ở đây, từ quan chí dân ăn uống sung sướng tất tần tật như vậy đấy bác ơi. Nếu cứ xét lý thuyết và thực tế, thì Thành Công chúng tôi gần tới sát nách chủ nghĩa cộng sản đại đồng rời, tức là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Bác tiếp xúc với cán bộ chúng em rồi đó, thích làm là làm, khi nào thích ăn thì cứ sai người ra trại chăn nuôi bắt gà vịt lợn ngan, xuống ao hợp tác vớt cá, tha hồ ăn, nhiều vô kể. Mình chén, người phụ trách trại chăn nuôi họ càng mừng anh ạ, không chật chỗ, lấy chuồng trại đâu mà thả gia cầm, gia súc.
Tôi phục lăn:
- Khiếp nhỉ. Căc đồng chí tiến nhanh còn hơn gió.
Tấn đế vào:
- Vâng, gió ăn thua gì.
Một lần, Tấn, Thêm, Nhất, bộ ba chủ tịch, bí thư, công an dẫn tôi đi ba ngày lội ruộng đến mệt phờ. Họ giới thiệu với tôi những cánh đồng cao sản, thả dày đặc bèo hoa dâu, lúa tốt bời bời. Tôi xúc động đến cháy lòng. Tiếng của cả cánh đồng lúa xanh đang thì con gái reo lên cùng gió lời tụng ca về hợp tác xã nông thôn. Tôi liền nảy ra tên của cuốn tiểu thuyết. A, Lúa reo. Tên cuốn sách đầy chất thơ, vừa vui, vừa hàm súc. Ba ông cán bộ lớn nhất Thành Công dẫn tôi đi xem ruộng của đám làm ăn riêng lẻ. Thêm chỉ tay xuống từng ruộng lúa:
- Đấy, thực tế chứng minh, không có lại bảo chúng tôi báo cáo láo. Đồng chí nhà báo xem xem có phải lúa của bọn cá thể này vàng vọt hơn cả râu ngô không nào? Đấy, lúa chẳng ra lúa, èo uột chả ra làm sao, hàng lối thì xiêu vẹo. Đúng là cái quân không có lập trường, không có lãnh đạo, có tổ chức nên cấy hái xiên xẹo, lúa má đứng bơ vơ, ông chẳng bà chuộc. Còn ruộng hợp tác xã đồng chí thấy đấy, luôn luôn có lãnh đạo, có tổ chức tới từng cây lúa, nên hàng lối ra hàng lối, chẳng khác gì toàn quân duyệt binh. Chúng tôi cấy chăng dây mà nhà báo. May mắn thay, tôi ghi vội những lời đồng chí chủ tịch xã vào sổ tay làm chủ đề cho cuốn tiểu thuyết Lúa reo của mình. Tấn chờ tôi ghi chêp xong, huơ tay:
- Đấy, bác xem, ruộng cá thể nước cũng cóc có, bờ bụi rò rỉ hết nước rồi. Trong khi lúa tập thể nước non thừa mứa, phân gio bồi dưỡng lia lịa, thuốc trừ sâu trừ xia phun tối ngày. Đảng ta nâng cây lúa như nâng trứng, hứng như hứng hoa ấy chứ. Có vậy mới năm tấn rồi bảy tấn mười tấn. Bọn cá thể đâu có biết làm ăn, bỏ công ra toàn công cốc cả. Đấy bác coi, lối làm ăn nào thắng lối làm ăn nào?
Tôi gọn lỏn:
- Tất nhiên là lối làm ăn tập thể rồi.
Tấn vênh mặt, ra vẻ tự đắc. Nhất thì thì thầm rủa sả:
- Vậy mà cái bọn ngu độn trên thế giới vẫn còn mê làm ăn tư bản. Em mà sang đó á, cứ là bắt hết hền hệt.
Ba chúng tôi phì cười cho cái nói của anh trưởng công an xã phổi bò, chỉ có được cái tài năng bắt bớ. Tháng bảy năm 1962, tôi ngồi tại nhà khách xã Thành Công viết cuốn tiểu thuyết Lúa reo. Đến tết dương lịch năm 1963 thì tôi viết xong. Cuối năm 1963, tiểu thuyết Lúa reo của tôi in xong, tạo ra một sự kiện văn học thời đó. Đầu năm 1964, sau chuyến đi thăm hai nước bạn về, tỉnh ủy tỉnh X. lại đánh xe con lên Hà nội mời tôi xuống thăm các huyện khác. Đồng chí phó bí thư kiêm trưởng ban tuyên huấn tỉnh bảo tôi:
- Anh Trần Hưng ơi, các huyện trong tỉnh đều trách tỉnh ủy nhất bên trọng, nhất bên khinh, có một đồng chí nhà văn nhà báo lớn như vậy, sao chỉ một mình xã Thành Công được hưởng? Họ đòi tỉnh phải mời bằng được anh xuống các huyện cho bà con nông dân tập thể biết mặt người viết Lúa reo, đồng thời được nghe nhà văn nói chuyện về cuốn sách.
Vậy là tôi đồng ý đi tám huyện còn lại của tỉnh X. để nói chuyện và thăm hỏi nhân dân. Một buổi chiều, sau khi ăn xong bữa cơm dưa muổi có yl n sào của tỉnh ủy chiêu đãi, tôi xin phép anh bảo vệ nhà khách đi dạo phố một mình cho thư thái tâm hồn, cũng cốt để tiêu cơm. Tôi đi về phía công viên thị xã, trên con đường Nguyễn Du với hai hàng cây cổ thụ bên đường rợp bóng. Tôi đi chầm chậm, thả hồn trong từng chiếc lá rơi, cám cảnh cho cái sự sinh diệt ở đời. Bỗng có một cậu thanh niên mới lớn, khoảng mười bảy mười tám là cùng, từ phía sau chạy lên trước mặt tôi chào:
- Cháu chào chú nhà văn. Tôi vui vẻ thưởng thức sự nổi tiếng của mình:
- Ô, chào anh bạn. Sao cậu biết tớ?
- Cháu biết rõ chú quá đi chứ lỵ. Chú là nhà văn Trần Hưng vừa viết cuốn Lúa reo nổi như cồn, báo chí ca ngợi hết lời đó thôi.
Tôi sướng rơn. Té ra cái nghề văn bạc bẽo đôi khi cũng có cái thú của nó đấy chứ. Cậu thanh niên vẫn đi bên cạnh tôi, thỉnh thoảng nhìn tôi có vẻ chiêm ngưỡng. Đang buờn buồn, bỗng dưng tôi vui hẳn lên, cảm ơn trời cho một vệ tinh đến bay liệng xung quanh ca ngợi. Tôi hỏi một cách tự mãn:
- Cậu đọc sách của tớ chưa?
- Rồi. Cháu đọc vèo một cái hết liền.
- Cậu thấy Lúa reo thế nào?
- Xin chú để tí nữa cháu nói. Này chú Trần Hưng, nếu chú không chê một độc giả bé con như cháu, thì xin mời chú vào công viên cùng ngồi trên ghế đá, cháu sẽ xin thưa với chú một ít về tác phẩm Lúa reo.
- Tốt. Nào chúng ta cùng vào.
Công viên buổi hoàng hôn còn mấy cái ghế đá bỏ trống. Hoa lá xanh tươi đứng răm răm theo hàng lối. Tàn cây cổ thụ rac lá xuống đầu chúng tôi như những mảnh bản thảo màu vàng nhạt bị xé vứt tứ tung. Chúng tôi ngồi trên băng đá. Tôi hỏi chàng thanh niên:
- Cậu quê ở đâu nhỉ?
- Thưa, cháu dân xã Thành Công, cháu biết chú từ năm 1961.
- Giờ cháu làm gì?
- Học kỹ thuật trên thị xã.
- Cháu tên gì, con ai ở Thành Công?
Bố mẹ cháu là nông dân xã viên quèn, chả ai thèm biết tên tuổi cả. Cán bộ xã và các chú gọi những người xã viên dốt nát, nghèo khổ như bố mẹ cháu là nhân dân. Cho nên cháu là con của nhân dân chú ạ. Tên tuổi cháu cũng chẳng ai cần biết làm gì.
- Thôi, cậu giấu tên với tớ cũng được đi. Cứ tạm gọi cậu là con nhân dân chứ gì.
- Đúng chú nhà văn ạ. Vì nhân dân đối với các chú, đối với tầng lớp lãnh đạo, chỉ là cái đám kiến cỏ vô danh.
- Thôi, ta vào đề nhá. Cậu muốn nói với tớ cái gì về cuốn Lúa reo?
- Nhưng cháu xin chú đừng có giận đấy. Chú thề đi.
- ừ thề.
- Cuốn sách của chú viết chưa hay đâu. - Vì sao? - Vì nó rất giả tạo. Mà văn chương theo cháu, trước hết là phải thành thật. Bà con nông dân ở xã Thành Công đọc cuốn sách của chú xong, nói thầm vào tai nhau: Trần Hưng là cái thằng bốc phét. Đúng là nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu.
- Ô, cậu nhầm hay sao ấy chứ, báo chí cả nước người ta đang ca ngợi cuốn Lúa reo của tớ rầm lên ấy.
- Báo chí họ cũng nói dối nốt chú ạ.
- Ơi hay, cậu lấy bằng chứng ở đâu để bảo chúng tớ bốc phét?
- Xin chú hãy kiên nhẫn nghe cháu nói sự thật nhé. Nhưng xin chú đừng có nổi nóng hay vu cáo cháu là phản động đấy. Nếu trong xã hội mà mỗi người dân chưa được quyền nói thật lòng với nhau, nói thật lòng với nhà nước thì cháu tin xã hội đó chưa tốt, chưa đẹp. Vì khi nhà nước nói dối dân, dân lại phải đối phó lại bằng sự nói dối. Đó là một xã hội giả. Mà giả thì không bao giờ tiến bộ được đâu chú ạ.
- Ôi sao cậu triết lý dữ vậy? Học lớp mẩy rồi hở ông con nhân dân.
- Lớp bảy, giờ học trung cấp kỹ thuật hai năm rồi. Cháu rất mê đọc sách văn học. Cháu có làm cả thơ nữa đấy chú ạ. Thôi để cháu nói chú Trần Hưng nghe nhá. Cán bộ xã Thành Công họ lừa chú đấy. Chú bị bịt mắt bắt dê mà không hay biết. Suốt hai năm rưỡi chú nằm thâm nhập và viết ở Thành Công, đám người đói khổ lam lũ được gọi là nhân dân kia đã bao giờ được tiếp xúc thực sự với chú đâu. Mỗi lần chú đến tìm hiểu thực tế tại nhà dân, đều có trưởng hay phó công an xã đi kèm, hoặc ít ra là chủ tịch bí thư. Thế thì bố bảo nhân dân dám nói thật với chú. Họ phải trả lời những câu hỏi của chú một cách có tổ chức, có lãnh đạo, nghĩa là nhất nhất một lời nói đều có cán bộ sắp đặt trước để dân nói với chú. Lỡ một ai nói sự thật với chú, khi chú đi rồi chỉ có nước chết với họ. Đói thì phải bảo là no lắm, sướng lắm. Rách nát thì phải khoe là lành lặn, xênh xang áo quần. Rau cháo qua ngày thì phải hô lên mỗi lần chú tới là thịt cả ăn thả cửa. Bị trù dập, đàn áp, truy bức đến sợ vãi đái ra quần, khi chú đến thăm thì phải khoe là quá sức tự do, vô cùng dân chủ, phấn khởi tự tin tuyệt vời... Khi chú đến nhà dân đen, mỗi tối đều thấy nhà nào cũng lụp xụp, mái rạ, vách đất xác xơ, nhưng bên trong toàn đồ quý phải không? Chú thấy nhà nào cũng có đài mở oang oang, có giường tây, tủ đứng, bàn ghế choáng lộn, chăn bông phích nước tươm tất chứ gì. Bịp chủ cả đấy thôi. Mỗi tối họ dẫn chú đến bảy tám nhà dân đã định trước, đã bố trí và sắp đặt trước. Họ cho dân khiêng đồ đạc, mượn đài phích, giường tủ từ nhà các ông bà cán bộ đến trang trí, sau khi chú đi rồi, dân lại phải hì hục khiêng vác suốt đêm trả lại nhà cán bộ. Chú thấy nhà các ông cán bộ xem nhà nào chưa xây sân gạch, đồ đạc đủ hết không. Người dân làm ra bao nhiêu họ ăn đầu ăn đuôi hết rồi còn gì. Chú thấy cán bộ và vợ con họ rồi đấy, ông bà nào cũng béo đỏ lên, ăn trắng mặc trơn quen rồi. Còn nông dân, người làm ra lúa gạo như bố mẹ cháu thì đói khổ, rách rưới tàn mạt.
Tôi hoang mang quá, nhưng cũng rán vớt vát lại niềm tin không có cơ sở của mình bằng một câu hỏi:
- Cậu nói làm sao chứ, năm nào Thành Công cũng bảy, tám đến mười tấn một hécta.
- Ôi chú Trần Hưng ơi, thành tích ma thành tích cuội đấy. Họ báo cáo láo cả thôi. Làm chó gì có bảy, tám đến mười tẩn thóc một hécta hả chú? Cháu làm ruộng mãi cháu biết. Họ bốc phét để tuyên truyền đấy chú ơi.
- Này, cứ cho là sự thật như vậy cả đi. Nhưng tớ từng được chứng kiến cảnh nông dân Thành Công lao động trên đồng vui vẻ như tết, hò hát tập thể vang lừng, có ai đau khổ như cậu nói đâu. Vỗ tay hát xướng bằng thích.
- Ôi chú ngây thơ thật ấy. Cái trò hề kia sao chú vẫn còn tin là sự thật ư? Họ bắt bà con ra đồng đông như kiến cỏ, tập dượt hai ba ngày, vừa gò lưng xuống cấy, vừa cày bừa, vừa nhổ mạ, vừa đi gánh phân vừa hát tập đoàn. Chú thử hình dung xem, cúi xuống cấy lúa đã mệt đứt hơi còn phải hát phải hò tập thể, tay chân toàn bùn là bùn vẫn phải vỗ đôm đốp để biểu diễn cho quan khách coi, đến nỗi bùn đất bắn đầy vào mặt nhau cứ như hề cả ấy. Họ bắt tình bắt tội bà con nông dân tập dượt mấy ngày mới đem biểu diễn khoe chú đó. Chả có người nào điên như vậy nếu không bị cán bộ bắt buộc. Sau mỗi lần chú đi, có nhiều bà con phát ốm, phát ho phát hen vì vừa làm vừa phải gào bài hát đến khản cả tiếng. Nhiều người oán chú lắm mà chú không biết. Đảng ủy xã, ủy ban xã bày trò thắt đức này không chỉ cho riêng chú để viết báo viết văn, mà còn để biểu diễn cho các vị lãnh tụ về thăm xã, chứng tỏ rằng đường lối của họ đúng đắn và nông thôn thực sự đã biến thành thiên đàng. Ôi trời, vậy mà trong tiểu thuyết, chú tả những đoạn hát xướng tập đoàn trên đồng ruộng một cách rất say mê, rất chân thành, khiến cháu đọc qua cứ ôm bụng bò ra mà cười. Một đoàn thanh niên nam nữ vừa gánh phân đi hàng dọc vừa hát sẩm soan tập thể, tếu thật chú ơi.
Tôi như kẻ đi buôn bị mắt hết vốn:
- Chả lẽ họ lại lừa tớ đến như vậy sao?
- Ôi sao chú vẫn còn ngây thơ quá.
- Ơi, nhưng tớ thấy lúa hợp tác xã tốt thực sự. Còn lúa của đám cá thể vàng vọt gầy teo.
- Chú có biết không, công an xã đêm đêm cho người bí mật đến các ruộng cá thể, tháo nước ra hết để lúa chết khô. Họ còn phun thuốc trừ sâu liều cực nặng vào lúa cá thể cho cây lúa chết héo, chứng tỏ lối làm ăn tập thể thắng thế theo kiểu ấy đấy chú ơi. Còn lúa hợp tác xã đúng là tốt thật. Nhưng đến mùa gặt về, trả nợ nhà nước đến tám bảy phần rồi: nào tiền cày máy, tiền phân hóa học, tiền thuốc trừ sâu, tiền kỹ thuật, tiền giống, tiền bèo dâu, tiền giao tế chi phí, tiền chi cho liên hoan mừng lãnh đạo, báo chí hay quan khách về thăm. Sau đó, lại còn thóc nộp thuế nữa. Thành thử, trừ đi các khoản chi, có khi người làm ra hạt lúa bị lỗ nữa chú ơi. Lúa thu về không đủ trả nợ. Vậy thì xã viên ăn cái quái gì để sống chú. Nhịn là thượng sách thôi. Phải làm sao kiếm được củ khoai củ từ mà vượt qua ngày ba tháng tám. Chú về xã cháu hai năm rưỡi, thử hỏi ngày nào không ăn uống như vua. Tiền ấy, cái đám nhân dân phải è cổ ra chịu cả đấy chú ạ. Vậy mà trong tiểu thuyết Lúa reo chú mô tả nông dân xã viên còn sung sướng hơn cả tiên nữa. Thử hỏi viết dối trá như thế, bà con nông dân họ đọc, đến hiền như bụt còn phải chưởi nữa huống chi là những người khốn khổ. Chú bị đám cán bộ ma giáo ấy lừa rồi đấy.
Tôi im lặng vì đau đớn, vì xấu hổ, nhưng dù sao lúc ấy, sự thật tệ hại đến vô chừng này khiến tôi chưa đủ sức tin nổi, tôi vẫn cần phải vớt vát sự biện minh cho mình:
- Tôi không hoàn toàn tin hết những điều cậu nói.
- Dạ, chú không tin thì tùy chú. Nhưng tiểu thuyết của chú viết ra là để phục vụ bảy trăm ông bà cán bộ xã Thành Công, chứ không phải vì lợi ích của đám đói rách nhếch nhác là sáu nghìn người vô danh, mà các chú từng phong cho họ cái tên thánh đẹp đẽ là nhân dân.
Tôi đớ người ra, hoang mang như vừa đi lạc vào một thế giới không phải trái đất. Cậu thanh niên đứng lên chào tôi rồi đi thẳng. Dù sao, tôi cũng phải nén lại nỗi đau, niềm tức giận vừa bị hat nước lạnh vào mặt, để làm ra vẻ lịch sự:
- Cám ơn anh bạn trẻ nhé.
Cậu ta quay lại, vẫy tay, mỉm cười:
- Đừng bao giờ viết như vậy nữa nhá chú Trần Hưng.
Tôi im lặng ngồi một mình trên ghế đá. Tôi chợt thấy mình cô đơn đến vô cùng. Tôi như kẻ bị cả và loài người phản bội. Trên đầu tôi, lá cũng không thèm rơi xuống. Gió đã cuốn gói đi khỏi thị xã này. Bóng tối từng cục một từ các xó xỉnh của cuộc đời đang rơi xuống tôi. Đêm đang xuống để lấp dần đi mọi khoảng cách. Tất cả cửa nhà, cây cối, đường xá và tôi cùng được nhúng vào cái bình mực vĩ đại là bầu trời đêm. Thị xã đoạn này không có điện. Tôi sợ hãi đến mức muốn co cẳng chạy khỏi mọi sự dổi trá đang vây bủa xung quanh. Tuy vậy, với cái cảm giác sợ ma, tôi không chạy, mà đi thật chậm để cố gắng cưỡng lại cái cảm giác sợ hãi đang rùng rùng trong tôi. Tôi đi về phía ánh điện của khu dinh thự mà những người gọi là đày tớ nhân dân đang ở. Từ đêm ấy và nhiều đêm sau tôi không sao ngủ được. Tiểu thuyết Lúa reo và cậu thanh niên xã Thành Công cứ xoáy vào tôi bao nhiêu mũi tên trái ngược. Lẽ nào, những điều cậu tả kể đã là sự thật? Nhưng nếu sự thật lại trần trụi, tàn nhẫn và quải gở như vậy thì sao? Tôi tự nhận mình là người có văn hóa cơ mà. Nhưng đâu rồi lương tâm của tôi, cậu bé kia hay cái đám nông dân vừa phải lao động vừa phải gào tập thể những bài hát, cái nào là sự thật? Phải chi tôi đừng gặp cậu ta hôm đó thì sẽ được yên ổn hơn nhiều. Lương tâm, sự thức tlnh, lẽ hướng thiện của chúng ta phải chăng là chính nỗi đau, là niềm ân hận, là sự tự đày ải tâm hồn mình? Lẽ nào niềm vinh quang của Lúa reo mang đến cho tôi lại là thứ vinh quang giả tạo. Niềm vinh quang của người này phải chăng là nỗi nhục nhằn của kẻ khác? Lẽ nào những trang văn viết về hạnh phúc của tôi lại là sự bất hạnh của đám đông? Lẽ nào hàng trăm nam nữ thanh niên xã Thành Công vừa gánh những gánh phân nặng trĩu lại không có khả năng hát chèo tập thể? Hàng trăm câu hỏi như chiếc vòng kim cô của Tôn Ngộ Không cứ thắt chặt lấy đầu tôi. Nó xiết chặt đến nỗi, đầu tôi cứ bé dần bằng quả trứng và cuối cùng chỉ còn bằng cái trứng sâu.
Văn học và cuộc sống, sự thật và sự lừa bịp, tiểu thuyết Lúa reo và cậu thanh niên xã Thành Công tôi vừa gặp ở công viên thị xã. Lương tri và ti tiện, vinh quang và nhục nhã. Từng cặp, từng cặp cứ hành hạ tôi, đến độ ăn không ngon, ngủ không yên. Suốt một tháng sau đó, tôi gầy rạc cả người. Tôi trở về quê thăm mẹ già. Bố tôi đã mất vì đau buồn từ năm 1958. Trước khi tắt thở, nhờ mẹ nói, bố tôi mới tha cho tôi cái tội làm đơn đấu tố ông gởi về từ trên tỉnh. Đó là sự đấu tố lếu láo, a dua, với một ngụy lý vì để tội của cha mình giảm đi mà con phải đấu tố người đẻ ra mình. Ôi, anh lý luận hay nhỉ. Bố tôi bảo tôi như vậy. Đến cha mình mà các anh còn đấu tố, thì thử hỏi trên đời này còn cái gì các anh tha, còn cái gì cho các anh trọng nể?
Mẹ tôi ở với vợ chồng em Chìa, tức thằng chả Chìa hồi nhỏ. Căn nhà đã được xây lại từ năm 1960. Mẹ tôi dành cả buổi kể cho tôi nghe chuyện hợp tác xã quê nhà:
- Hưng ạ, mẹ nói thật con đừng giận nhá, ở đây, có nhiều người đọc cuốn Lúa reo của con, đã bảo thẳng với mẹ là con bác viết văn nịnh, văn bồi. Mẹ buồn lắm. ở đây chỉ có cán bộ là sống sung sướng vì họ ăn chặn hết của dân. Chung nhau vào tập thể là để cho bọn nam quyền nó dễ đục khoét, dễ ăn cắp của dân. Dân đói khổ lắm, nhục nhã lắm, chả được như cái đám dân ăn tráng mặc trơn như con tả trong sách đâu. Mẹ thấy quái lạ thật, sao báo chí, sách vở của chúng mày chỉ ưa nói ngược lại những điều có trong đời thực. Trời ơi, tôi sẽ còn gầy rạc ra nữa vì cái vinh quang của tôi không đi kèm với lương tri. Cuối cùng, cái lý của cậu thanh niên xã Thành Công đã đo ván toàn bộ tác phẩm Lúa reo của dòng văn học tô hồng mà tôi là đại biểu.