"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Friedrich Hayek
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: The Road To Serfdom
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3827 / 159
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Chủ Nghĩa Cá Nhân Và Chủ Nghĩa Tập Thể
Những người xã hội chủ nghĩa tin vào hai điều hoàn toàn khác nhau, và có lẽ là không thể dung hòa với nhau, tức là tin vào tự do và tổ chức.
Élie Halévy
Trước khi tiếp tục cuộc hành trình, cần phải dỡ bỏ một trở ngại, tức là dỡ bỏ sự ngộ nhận vốn đóng vai trò chính yếu trong việc để xảy ra những sự kiện mà tất cả mọi người đều chẳng thích thú gì. Sự ngộ nhận này liên quan đến chính khái niệm xã hội chủ nghĩa. Từ này thường được sử dụng để mô tả những lí tưởng về công bằng xã hội, về mức độ bình đẳng cao hơn và sự an toàn, tức là các mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Nhưng nó còn có nghĩa là một số biện pháp đặc biệt, phần lớn những người xã hội chủ nghĩa hi vọng sẽ dùng các biện pháp đó cho cuộc đấu tranh vì các mục tiêu nêu trên, và những người có học vấn cao còn cho rằng chỉ có dùng các biện pháp đó thì các mục tiêu nêu trên mới có thể đạt được một cách trọn vẹn và mau chóng. Theo đó, chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc bãi bỏ việc kinh doanh cá thể, bãi bỏ sở hữu tư nhân đối với phương tiện sản xuất và thiết lập nền “kinh tế kế hoạch hóa”, trong đó các cơ quan lập kế hoạch trung ương sẽ thay thế các doanh nhân, những người chỉ làm vì mục tiêu lợi nhuận.
Có nhiều người tự nhận là xã hội chủ nghĩa lại chỉ hiểu nghĩa thứ nhất của thuật ngữ, tức là họ thực sự tin rằng cần phải đạt được những mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, nhưng không để ý hoặc không hiểu phải làm như thế nào; đồng thời còn có những người tin tưởng chắc chắn rằng phải đạt bằng được các mục tiêu như thế bằng bất cứ giá nào. Nhưng đối với phần lớn những người mà chủ nghĩa xã hội không chỉ có nghĩa là niềm hi vọng mà còn là lĩnh vực hoạt động chính trị thì các biện pháp đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cũng quan trọng chẳng kém gì mục tiêu. Mặt khác lại có những người tin vào mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chẳng khác gì các nhà xã hội chủ nghĩa, nhưng lại không ủng hộ chủ nghĩa xã hội vì cho rằng các biện pháp mà các nhà xã hội chủ nghĩa áp dụng đe dọa những giá trị khác của nhân loại. Như vậy nghĩa là cuộc tranh luận trước hết liên quan đến các biện pháp chứ không phải là mục tiêu, mặc dù các mục tiêu có thể đạt được cùng một lúc hay không cũng đáng trở thành đề tài tranh luận.
Chỉ riêng chuyện đó đã đủ gây ra ngộ nhận rồi, nhưng vấn đề còn bị làm cho phức tạp thêm vì những người bác bỏ các phương tiện lại bị quy cho là những kẻ coi thường mục tiêu, vấn đề không chỉ có như thế. Tình hình còn phức tạp hơn vì cùng một phương tiện, thí dụ như “kế hoạch hóa nền kinh tế”, biện pháp chủ yếu trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, có thể được sử dụng cho các mục đích khác nữa. Dĩ nhiên là muốn phân phối thu nhập cho phù hợp với quan điểm hiện nay về công bằng thì chúng ta phải nắm quyền điều khiển các hoạt động kinh tế. Vì vậy tất cả những người đòi hỏi rằng sản xuất phát triển không nhằm mục đích kiếm lời mà vì “nhu cầu sử dụng” nhất định sẽ phải viết trên lá cờ của họ khẩu hiệu “kế hoạch hóa”. Nhưng chính cái kế hoạch hóa như thế, theo quan niệm của chúng tôi hiện nay, lại có thể tạo ra một sự phân phối thu nhập bất công. Nếu chúng ta muốn rằng các thu nhập chủ yếu của thế giới hiện nay được dành cho giới tinh hoa của một chủng tộc nào đó, cho người Nordic hay đảng viên một đảng nào đó hoặc cho giới quý tộc thì nhất định chúng ta phải dùng các biện pháp mà người ta vẫn dùng khi phân phối theo lối cào bằng.
Có lẽ lầm lẫn là ở chỗ đáng lẽ phải sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” để mô tả các biện pháp thì người ta lại dùng thuật ngữ mà đối với nhiều người lại có nghĩa là lí tưởng cao nhất hay mục tiêu hướng đến của chủ nghĩa xã hội. Có lẽ tốt nhất là gọi những biện pháp có thể được dùng cho những mục đích vô cùng khác nhau bằng thuật ngữ chủ nghĩa tập thể và coi chủ nghĩa xã hội là một trong nhiều biến thể của nó. Mặc dù đối với đa số những người theo trường phái xã hội chủ nghĩa chỉ có một kiểu chủ nghĩa tập thể là có thể coi là chủ nghĩa xã hội chân chính mà thôi, nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng chủ nghĩa xã hội là một trường hợp cụ thể của chủ nghĩa tập thể và vì vậy điều gì đúng với chủ nghĩa tập thể thì cũng đúng đối với chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, gần như tất cả các vấn đề gây tranh cãi giữa những người xã hội chủ nghĩa và những người theo trường phái tự do có liên quan đến các biện pháp của chủ nghĩa tập thể nói chung chứ không liên quan đến các mục tiêu của những người xã hội chủ nghĩa. Và tác phẩm này sẽ thảo luận tất cả các vấn đề liên quan đến hậu quả của việc sử dụng các biện pháp của chủ nghĩa tập thể mà không quan tâm đến mục tiêu của các biện pháp đó. Chúng ta cũng không được quên rằng hiện nay chủ nghĩa xã hội không chỉ là hình thức của chủ nghĩa tập thể hay “kế hoạch hóa” có ảnh hưởng nhất, nó còn làm cho nhiều người có tư tưởng tự do quay lại với ý tưởng chế định đời sống kinh tế, vốn đã bị bác bỏ, bởi vì, nói theo lời của Adam Smith, nó đặt chính phủ vào tình trạng “để đứng được nó phải sử dụng các biện pháp áp chế và bạo ngược[1].
o O o
Nhưng ngay cả khi đồng ý dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tập thể” để chỉ tất cả các kiểu “kinh tế kế hoạch hóa”, không phụ thuộc vào mục đích của chúng, thì chúng ta cũng chưa giải quyết được tất cả các khó khăn liên quan đến khái niệm chính trị thường được sử dụng đầy mơ hồ. Ta có thể làm cho chính xác thêm, thí dụ nói rằng chúng ta muốn nói đến loại kế hoạch hóa nhằm để thực hiện một lí tưởng phân phối nào đó. Nhưng vì ý tưởng kế hoạch hóa nền kinh tế tập trung có sức hấp dẫn chủ yếu là do tính mập mờ như thế cho nên cần phải làm rõ ý nghĩa của nó trước khi thảo luận các hậu quả mà nó có thể gây ra.
Ý tưởng “kế hoạch hóa” được nhiều người ủng hộ trước hết là vì mọi người, dĩ nhiên, đều muốn giải quyết các vấn đề chung một cách hợp lí nhất, bằng năng lực viễn kiến mà chúng ta có thể làm chủ được. Theo ý nghĩa này, tất cả những người không hoàn toàn tin vào số phận đều suy tư theo lối “kế hoạch” hết. Và mọi hành động chính trị đều là (hoặc phải là) hành động theo kế hoạch, tốt hay xấu, thông minh hay ngu đần, nhìn xa trông rộng hay thiển cận, nhưng đều là kế hoạch cả. Nhà kinh tế học, người mà trách nhiệm nghề nghiệp là nghiên cứu hoạt động của con người, nghiên cứu cách người ta lập kế hoạch cho những công việc của mình, không bao giờ lại đi phản đối việc lập kế hoạch theo nghĩa này. Nhưng đấy không phải là nghĩa mà những người say mê kế hoạch hóa xã hội sử dụng thuật ngữ này; nó cũng không phải là nghĩa ẩn đằng sau lời khẳng định rằng muốn phân phối thu nhập hoặc lợi ích theo những tiêu chuẩn cụ thể nào đó thì nhất định chúng ta phải áp dụng kế hoạch hóa. Theo các đồ đệ của lí thuyết kế hoạch hóa đương thời cũng như để thực hiện các mục đích của họ thì việc thiết lập một hệ thống pháp chế duy lí, có tính ổn định lâu dài, rồi để cho những người tham gia tự hoạt động theo các kế hoạch của riêng mình là chưa đủ. Họ cho rằng kế hoạch tự do như thế không phải là kế hoạch, và quả thật, đây không phải là kế hoạch nhằm đáp ứng quan niệm rằng người nào thì được phân phối cái gì, cái mà các đồ đệ của lí thuyết kế hoạch hóa yêu cầu là quản lí tập trung toàn bộ các hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất, trong đó có ghi rất rõ các nguồn lực của xã hội được “chủ ý phân bổ” ra sao, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể nào.
Do vậy, cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và phản đối kế hoạch hóa không phải là liệu chúng ta có nên lựa chọn hình thức tổ chức xã hội một cách thông minh hay không, cũng không phải là vấn đề áp dụng các dự báo và tư duy hệ thống vào việc lập các kế hoạch của chúng ta. vấn đề được đem ra thảo luận lại là: lập kế hoạch theo kiểu gì? vấn đề là để đạt được các mục đích như thế thì (i) người nắm quyền lực cưỡng bức [chính phủ -ND] chỉ cần quan tâm đến việc tạo ra các điều kiện trong đó tri thức và sáng kiến của các cá nhân có những cơ hội tốt nhất sao cho họ có thể lập kế hoạch cho các hoạt động của mình, hay (ii) việc sử dụng các nguồn lực của chúng ta một cách hợp lí đòi hỏi phải có sự quản lí tập trung và tổ chức tất cả các hoạt động của chúng ta theo một bản “kế hoạch chi tiết” được lập ra một cách có chủ ý từ trước. Những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái đều coi loại kế hoạch hóa thứ hai mới là “kế hoạch hóa” và hiện nay đấy chính là ý nghĩa được nhiều người chia sẻ hơn cả. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là phương pháp quản lí đời sống kinh tế duy lí kiểu đó là phương pháp duy nhất. Những người ủng hộ kế hoạch hóa và những người theo phái tự do chia rẽ nhau sâu sắc nhất là ở điểm này.
o O o
Điều quan trọng là không được lẫn lộn giữa quan niệm của những người phản đối kiểu kế hoạch hóa này với thái độ laiser-faire giáo điều. Phái tự do không ủng hộ quan điểm bỏ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra; họ ủng hộ việc sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng cạnh tranh, coi đấy là biện pháp phối hợp hữu hiệu nhất các nỗ lực của con người. Nó xuất phát từ niềm tin rằng hệ thống cạnh tranh hiệu quả chính là kim chỉ nam tốt nhất cho các cố gắng của từng cá nhân. Nó không những không phủ nhận mà còn nhấn mạnh rằng để hệ thống cạnh tranh hoạt động hiệu quả thì phải có một khung pháp lí thật rõ ràng và các điều luật, cả trong quá khứ cũng như hiện tại, đều không tránh khỏi những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nó cũng không phủ nhận thực tế rằng trong những lĩnh vực không thể tạo được điều kiện cho cạnh tranh hiệu quả thì phải dùng các biện pháp quản lí kinh tế khác. Chủ nghĩa tự do kinh tế chỉ phản đối việc thay thế hệ thống cạnh tranh bằng những biện pháp quản lí các hoạt động kinh tế thô sơ hơn mà thôi. Chủ nghĩa tự do coi cạnh tranh là ưu việt hơn không chỉ vì trong hầu hết các trường hợp đấy chính là biện pháp hữu hiệu nhất mà còn vì đây là phương pháp không đòi hỏi sự can thiệp có tính cưỡng bức hoặc độc đoán của chính quyền. Nó bác bỏ “sự kiểm soát xã hội một cách có chủ ý” và dành cho cá nhân cơ hội lựa chọn, liệu triển vọng của một công việc cụ thể có bù đắp được những thiệt hại và rủi ro gắn với công việc đó hay không.
Sử dụng một cách hiệu quả cạnh tranh sẽ loại bỏ được những sự can thiệp mang tính cưỡng bức đối với đời sống kinh tế, nhưng lại cho phép những sự can thiệp khác nhằm thúc đẩy cạnh tranh và đôi khi đòi hỏi chính phủ phải có những hành động nhất định. Nhưng phải nhớ rằng có những tình huống mà sự can thiệp mang tính cưỡng bức là không thể chấp nhận được. Trước hết là các bên tham gia thị trường phải có toàn quyền mua và bán hàng hóa với giá bất kì, miễn là tìm được người muốn mua, và mọi người được tự do sản xuất, bán và mua tất cả những gì về nguyên tắc có thể được sản xuất và được bán. Quan trọng là mọi lĩnh vực đều mở rộng cửa, trên cơ sở như nhau, cho tất cả mọi người cùng tham gia và pháp luật phải ngăn chặn mọi hành vi của các cá nhân hoặc các nhóm, dù công khai hay bí mật, cố tình cản trở sự tham gia như thế. Ngoài ra, bất kì sự kiểm soát giá cả hay số lượng hàng hóa nào cũng đều làm cho cạnh tranh mất khả năng điều phối hữu hiệu các nỗ lực của các cá nhân bởi vì sự dao động của giá cả, trong trường hợp đó, sẽ không phản ánh được các thay đổi trong thực tế và không còn là chỉ dẫn đáng tin cậy cho hoạt động của các cá nhân nữa.
Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn một số công nghệ là có thể chấp nhận được, miễn là được áp dụng đồng đều cho tất cả các nhà sản xuất tiềm năng và không phải là các biện pháp quản lí gián tiếp giá cả hoặc sản lượng hàng hóa. Mặc dù việc kiểm soát phương pháp sản xuất như thế thường dẫn đến các chi phí phụ trội (để sản xuất cùng một lượng hàng hóa phải cần nhiều nguồn lực hơn), đây vẫn có thể là việc làm cần thiết. Việc cấm sử dụng các chất độc hại hay yêu cầu áp dụng các biện pháp an toàn, giới hạn thời gian làm việc và các quy tắc vệ sinh, đều không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với cạnh tranh, vấn đề ở đây chỉ là lợi ích thu được có lớn hơn các chi phí xã hội hay không mà thôi. Cạnh tranh có thể đồng hành với một hệ thống các dịch vụ công cộng rộng khắp miễn là hệ thống này không được tổ chức nhằm hạn chế hiệu quả cạnh tranh trong những ngành nghề khác.
Đáng tiếc là, mặc dù có thể hiểu được, trong quá khứ người ta thường chú ý đến các biện pháp cấm đoán hơn là các biện pháp tích cực nhằm khuyến khích sự phát triển cạnh tranh. Quả là cạnh tranh không chỉ đòi hỏi phải tổ chức một cách đúng đắn các thiết chế như tiền tệ, thị trường và các kênh thông tin - trong nhiều trường hợp, về nguyên tắc, doanh nghiệp tư nhân không thể cung ứng được - mà trước hết nó đòi hỏi một hệ thống pháp luật thích hợp. Đấy là hệ thống pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Mới chỉ có luật công nhận tư hữu và tự do kí kết hợp đồng thì chưa đủ. Quan trọng là phải có định nghĩa riêng về quyền tư hữu cho những loại tài sản khác nhau. Đáng buồn là việc nghiên cứu một cách có hệ thống các thiết chế pháp lí nhằm thúc đẩy hệ thống cạnh tranh hoạt động một cách hữu hiệu đã bị bỏ bê, kiến thức trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là trong lĩnh vực luật về công ty và bằng sáng chế; điều này không những làm cho cạnh tranh trở nên kém hiệu quả mà còn có thể đưa đến hủy hoại cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực nữa.
Cuối cùng, không nghi ngờ là có những lĩnh vực mà không một quy định pháp luật nào lại có thể tạo ra được các điều kiện khiến cho việc sử dụng tài sản tư nhân và cạnh tranh trở nên hữu dụng: cụ thể đó là lĩnh vực mà người chủ sở hữu sẽ được hưởng lợi từ mọi dịch vụ gắn với tài sản của anh ta và hoàn toàn gây hại cho người khác khi tài sản đó được đem ra sử dụng. Trong những lĩnh vực, thí dụ, khi mà chất lượng dịch vụ không phụ thuộc vào giá cả của chúng thì cạnh tranh sẽ bất lực. Tương tự như thế, hệ thống giá cả sẽ trở thành vô hiệu nếu không buộc được người chủ sở hữu đền bù những thiệt hại mà anh ta gây ra trong khi sử dụng tài sản của mình. Trong tất cả những trường hợp như thế ta đều thấy có sự sai biệt giữa thông số đưa vào trong các tính toán của cá nhân và các thông số phản ánh phúc lợi của toàn xã hội. Nếu sự sai biệt này quá lớn thì không được sử dụng các biện pháp cạnh tranh mà phải dùng các biện pháp khác để cung cấp dịch vụ mong muốn. Thí dụ, từng người sử dụng không thể trả tiền cho các thiết bị chỉ đường, cũng như không thể trả tiền xây dựng đường sá. Còn thiệt hại do việc phá rừng, thiệt hại do một số cách làm đất, thiệt hại do các chất thải công nghiệp hay tiếng ồn gây ra cũng không thể được đền bù bằng các tính toán trực tiếp giữa người sở hữu tài sản và những người sẵn sàng chịu đựng miễn là được đền bù thỏa đáng. Trong những trường hợp như thế phải tìm được cơ chế điều tiết khác thay thế cho cơ chế giá cả. Nhưng việc sẵn sàng sử dụng điều tiết chính phủ ở những lĩnh vực mà chúng ta không thể tạo được điều kiện cho cạnh tranh hoạt động hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta kêu gọi dẹp bỏ cạnh tranh trong những lĩnh vực mà nó có thể hoạt động một cách hữu hiệu.
Như thế nghĩa là, chính phủ có lãnh địa hoạt động rất rộng lớn. Điều đó tạo điều kiện thúc đẩy cạnh tranh, bổ trợ nó khi nó không thể hoạt động, và phát triển các dịch vụ mà nói theo Adam Smith thì “mặc dù rất hữu ích cho xã hội nói chung, nhưng lại là những dịch vụ mà lợi nhuận không thể bù đắp được chi phí nếu đấy là do một người hay một nhóm nhỏ các nhà doanh nghiệp tự thực hiện”. Không một hệ thống tổ chức hợp lí nào lại để cho nhà nước trở thành thất nghiệp cả. Còn hệ thống dựa trên cạnh tranh lại cần một cơ chế pháp lí được thiết kế một cách thông minh và ngày càng hoàn thiện hơn. Cơ chế pháp lí hiện nay chưa thể được coi là hoàn thiện, ngay cả trong lĩnh vực cực kì quan trọng cho việc vận hành của hệ thống cạnh tranh như ngăn chặn gian lận và lừa đảo, kể cả việc lợi dụng sự kém hiểu biết của đối tác.
o O o
Công việc thiết lập một hệ thống pháp lí góp phần thúc đẩy cạnh tranh mới chỉ bắt đầu thì tại tất cả các nước người ta bỗng quay ngoắt sang một nguyên tắc khác, không thể dung hòa với nguyên tắc cạnh tranh. Vấn đề không phải là kích thích, cũng không phải là bổ sung mà là thay thế hoàn toàn cạnh tranh. Quan trọng là phải làm cho thật rõ: cái phong trào ủng hộ nguyên tắc kế hoạch hóa hiện đại là phong trào bài bác cạnh tranh như đã đề cập ở trên, tất cả những kẻ thù cũ của hệ thống cạnh tranh đều tập hợp dưới ngọn cờ mới này. Nhân dịp này các nhóm khác nhau cố gắng giành lại cho bằng được các đặc quyền đặc lợi mà kỉ nguyên tự do đã bãi bỏ, nhưng chính bộ máy tuyên truyền xã hội chủ nghĩa đã ru ngủ được tinh thần cảnh giác lành mạnh mỗi khi có người muốn bãi bõ hệ thống cạnh tranh và làm cho những người có đầu óc tự do ngả sang quan điểm bài bác cạnh tranh[2]. Lòng căm thù cạnh tranh và ước muốn thay thế nó bằng một nền kinh tế chỉ huy là chất kết nối duy nhất giữa những người xã hội chủ nghĩa cánh Hữu và cánh Tả. Và mặc dù “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội” là những thuật ngữ vẫn thường được sử dụng để mô tả xã hội cũ và xã hội tương lai, các thuật ngữ này chẳng những không làm rõ mà còn cố tình che giấu bản chất của giai đoạn mà chúng ta đang trải qua.
Thế nhưng, mặc dù tất cả những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến đều đi theo hướng quản lí tập trung toàn bộ nền kinh tế, cuộc chiến đấu chống cạnh tranh mang tính toàn cầu hiện nay sẽ chỉ tạo ra một cái gì đó không thể chấp nhận được và làm cho cả những người ủng hộ kế hoạch hóa lẫn những người theo phái tự do bất mãn; đấy sẽ là hình thức tổ chức ngành nghề theo kiểu nghiệp đoàn hoặc “phường hội”, trong đó cạnh tranh sẽ bị ngăn chặn phần nào nhưng việc lập kế hoạch sẽ rơi vào tay các công ty độc quyền độc lập, kiểm soát một số lĩnh vực riêng biệt. Đấy sẽ là kết cục tất yếu dành cho những người liên kết với nhau bởi lòng căm thù cạnh tranh nhưng không đồng ý được với nhau về tất cả các vấn đề khác. Chính sách phá hủy cạnh tranh hết ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác sẽ biến người tiêu dùng thành miếng mồi ngon của những hành động độc quyền của các nhà tư bản và công nhân trong các ngành được tổ chức một cách tốt nhất. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều lĩnh vực kinh tế và mặc dù nhiều người lầm lạc (và đa số những kẻ vụ lợi) đang cổ vũ cho nó; tình trạng này khó mà kéo dài được lâu và cũng chẳng thể nào biện hộ nổi. Các kế hoạch độc lập do các công ty độc quyền thực hiện nhất định sẽ dẫn tới những hậu quả trái ngược hẳn với kết quả mà các đồ đệ của nền kinh tế kế hoạch hóa kì vọng. Một khi giai đoạn này được thực hiện thì, nếu không muốn quay về với cạnh tranh, người ta buộc phải giao cho nhà nước kiểm soát hoạt động của các công ty độc quyền - một sự kiểm soát, để trở nên hữu hiệu, ắt phải càng ngày càng mở rộng và chi tiết hơn. Đấy chính là điều chờ đợi chúng ta trong một tương lai không xa. Ngay trước chiến tranh, một tờ tạp chí đã ghi nhận rằng xét theo toàn bộ tình hình thì các nhà lãnh đạo Anh quốc càng ngày càng hay nói về sự phát triển của đất nước bằng các công ty độc quyền được kiểm soát. Lúc đó đánh giá như thế là hoàn toàn chính xác, chiến tranh đã góp phần thúc đẩy quá trình này và các mối nguy hiểm cũng như khiếm khuyết chết người của nó sẽ trở nên hoàn toàn rõ ràng trong một ngày không xa.
Ý tưởng về việc quản lí tập trung toàn bộ nền kinh tế vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều người không chỉ vì đấy là vấn đề cực kì phức tạp mà còn vì nỗi sợ hãi khi nghĩ đến việc quản lí tất cả mọi thứ từ một trung tâm duy nhất. Và nếu chúng ta, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục lao theo hướng đó thì chỉ là vì nhiều người vẫn nghĩ rằng có thể tìm được một con đường trung dung giữa cạnh tranh “cá thể” và kế hoạch hóa tập trung. Mới nhìn thì đấy là quan điểm hấp dẫn và thông minh. Đúng là có lẽ không nên đòi hỏi phi tập trung hóa và cạnh tranh tuyệt đối, cũng đừng nên tập trung hóa và kế hoạch hóa hết tất cả mọi thứ, mà là sự kết hợp một cách thông minh cả hai phương pháp. Nhưng hóa ra trong trường hợp này lương tri chỉ là một cố vấn tồi. Mặc dù cạnh tranh có thể chấp nhận một sự điều tiết nào đó, nhưng không thể kết hợp nó với kế hoạch hóa mà không làm giảm hiệu quả của nó trong việc dẫn dắt quá trình sản xuất. Đến lượt mình, “kế hoạch hóa” cũng không phải là một thứ thuốc có thể chữa được bệnh bằng liều lượng nhỏ. Sử dụng dưới dạng cắt xén thì cả cạnh tranh lẫn kế hoạch hóa đều sẽ mất hiệu lực vốn có của chúng. Đây là những phương án mà ta có thể lựa chọn để giải quyết cùng một vấn đề, áp dụng cả hai cùng một lúc sẽ dẫn đến thiệt hại, nghĩa là dẫn đến các kết quả đáng buồn hơn là chỉ áp dụng một cách nhất quán một trong hai nguyên tắc nói trên. Nói cách khác, có thể kết hợp giữa kế hoạch hóa và cạnh tranh để lập kế hoạch hỗ trợ cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch chống cạnh tranh.
Xin độc giả luôn luôn nhớ rằng kế hoạch hóa mà chúng ta phê phán trong cuốn sách này trước hết và chỉ là kế hoạch hóa nhằm chống lại cạnh tranh, kế hoạch hóa thay thế cạnh tranh. Điều này càng đặc biệt quan trọng vì chúng ta không thể thảo luận sâu ở đây một vấn đề kế hoạch hóa khác, tức là kế hoạch hóa nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Vì trong giai đoạn hiện nay thuật ngữ “kế hoạch hóa” gần như hoàn toàn được sử dụng theo nghĩa thứ nhất, để cho ngắn gọn chúng ta sẽ nói đơn giản là “kế hoạch hóa” và thậm chí như thế có nghĩa là nhường cho các đối thủ của chúng ta một thuật ngữ rất hay, một từ đáng được hưởng một số phận tốt đẹp hơn.
Chú thích:
[1] Trích từ nhận xét của Adam Smith năm 1755, được Dugald Stewart dẫn lại trong tác phẩm Memoir of Adam Smith.
[2] Sự thật là gần đây một số học giả xã hội chủ nghĩa, vì bị phê phán và lo sợ rằng trong xã hội mà mọi thứ đều theo kế hoạch sẽ không còn tự do, đã đưa ra một luận điểm mới gọi là “chủ nghĩa xã hội cạnh tranh” mà theo họ là sẽ tránh được các mối hiểm nguy của kế hoạch hoá tập trung và kết hợp được bãi bỏ tư hữu với việc bảo vệ tất cả các quyền tự do. Mặc dù trên một vài tờ tạp chí người ta có thảo luận loại hình chủ nghĩa xã hội này, chắc là chẳng có mấy chính khách quan tâm. Mà có quan tâm đi chăng nữa thì cũng dễ dàng chứng minh rằng đây là quan điểm viển vông và chứa đầy mâu thuẫn nội tại (tác giả đã thử làm việc này, xem Economica, 1940). Không xác định được ai sẽ sử dụng các nguồn lực và sử dụng cho ai thì không thể thiết lập được sự kiểm soát toàn bộ các nguồn lực của sản xuất. Và mặc dù trong “chủ nghĩa xã hội cạnh tranh” kế hoạch hoá sẽ được thực hiện một cách lắt léo nhưng kết quả thì vẫn vậy, nhân tố cạnh tranh chỉ là bình phong mà thôi.
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ