We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ạng sáng ngày 20 tháng 12, một nhóm người đã đột nhập vào biệt thự số 14 của “đại tá dù” Nguyễn Quốc Lưu. Nhóm này đã dùng súng giảm thanh giết hại toàn bộ gia đình ông Lưu, gồm năm người. Ba tiếng sau cảnh sát Bang mới được thông báo. Khi đến nơi, họ thấy trên ngực “đại tá” Lưu được găm một mẩu giấy có dòng chữ “Trừng trị tên bán nước, hại dân”. Và ở dưới hàng chữ đó có ghi một dòng nhỏ khác: “Nhân danh những người cộng sản Việt Nam”.
Đó là đoạn trích trong bản tin của một tờ báo của những người Việt tị nạn. Ngay tối hôm sau, một cuộc biểu tình lên án những tên “cộng sản” tàn bạo đã giết hại “người anh hùng” chống cộng Nguyễn Quốc Lưu. Trong cuộc mít tinh biểu tình đó, Thoại đã đọc diễn văn: “Cho đến lúc này, chúng ta phải lên tiếng báo động với những người Việt Nam và cả những người Mỹ rằng: nguy cơ của sự xâm lược của cộng sản quốc tế đã đang ngày một đến gần. Nếu chúng ta không thức tỉnh, thì nay mai, trong một tương lai rất gần, cộng sản sẽ tràn đến biên giới Mehico, Canada... và nước Mỹ. Chúng đã xâm lược Tổ quốc chúng ta, làm cho hàng vạn người Việt Nam phải rời bỏ Tổ quốc yêu quý của mình. Rồi chúng lại âm mưu tiêu diệt chúng ta ở mọi nơi trên trái đất này. Hôm nay, chúng sát hại gia đình đại tá Nguyễn Quốc Lưu, và ngày mai, rồi những ngày tiếp theo, chúng sẽ giết hại đến những người đang ở đây, những người luôn luôn hướng nhịp đập trái tim mình về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Chúng ta cúi đầu tưởng nhớ đại tá Nguyễn Quốc Lưu và gia quyến đại tá. Chúng ta hãy trả thù cho đại tá và gia đình...”.
Sau bài diễn văn của Thoại, những người đi dự mít tinh hò hét. Rồi một đội quân ăn mặc theo kiểu du kích Việt Nam bước lên sân khấu tuyên thệ.
- Sao Phụng buồn thế?
Nghe tiếng hỏi, tôi quay lại và nhận ra người hỏi tôi là Biền.
- Anh có biết cụ thể vụ thảm sát gia đình ông Lưu không?
- Tôi cũng chỉ biết qua báo chí và những lời đồn đại.
- Liệu cảnh sát có tìm ra được vụ này không?
- Có thể là rất khó.
- Vì sao?
- Bọn khủng bố không để lại dấu vết gì cả. Mãi ba tiếng sau cảnh sát mới đến.
- Theo lời bình luận trên báo Tiếng Việt thì cộng sản đang ở ngay trong lòng chúng ta. Nhưng tôi đọc báo ngày của Bang, họ cho việc thảm sát vừa rồi là việc thanh toán nội bộ của người Việt. Anh thấy thế nào?
Tôi hỏi và nhìn thẳng vào mắt Biền. Hắn lúng túng một lúc rồi nhún vai:
- Họ không muốn tìm ra thủ phạm và không muốn bị ảnh hưởng nên họ nói vậy. Mọi điều xảy ra đều theo đúng quy luật của nó.
- Điều này thì tôi đồng ý với anh.
Gương mặt hắn nở ra, đỏ như tiết. Hắn nghĩ tôi nói vậy là khen hắn.
Tôi biết chính Thoại đã đạo diễn bọn tay chân của tổ chức y để tiêu diệt Lưu. Vừa là triệt đi một đối thủ lợi hại, vừa đe dọa ngầm những tên chống đối khác. Rồi hắn tổ chức biểu tình để tranh thủ sự ủng hộ của những người Việt Nam tị nạn, đồng thời gây nên trong lòng họ sự căm thù cộng sản.
Ngày hôm sau Thoại gọi điện mời tôi đến nhà có công việc. Tại nhà Thoại, hắn đề nghị tôi viết một bài báo về vụ gia đình “đại tá” Lưu. Tôi đồng ý, nói thêm rằng nếu điều đó cần thiết cho hắn. Hắn im lặng không nói gì. Bởi vì báo Mỹ cũng đã nói đến vụ này bằng tài liệu viết của Kenđơ. Đó là một bài viết có ý xuyên tạc sự thật và đầy tính kích động. Tôi nói với Thoại là bài viết của Kenđơ rất được. Tôi có viết cũng không hay hơn, vả lại để một người Mỹ viết thì tính khách quan của vấn đề cao hơn.
Một tuần sau đó Thoại lại gọi điện cho tôi:
- Tôi muốn mời cô đi Băng Cốc - Thoại nói - Cô có thể thu xếp được không?
- Trước hết là xem tôi có việc gì phải làm ở đó không - Tôi nói với giọng băn khoăn.
- Có chứ, tôi không dám mời Phụng đi chơi.
- Việc cụ thể như thế nào? Tôi phải chuẩn bị ra sao?
- Chúng ta sẽ gặp nhau vào tối nay ở khách sạn Joint.
Buổi tối, tôi tự lái xe đến khách sạn. Biền đã chờ sẵn ở cửa và đưa tôi lên phòng 704. Thoại tiếp tôi ở đó. Thoại nói:
- Tôi vừa làm việc với một số nhân vật người Mỹ quan trọng cho chuyến đi Băng Cốc của chúng ta.
- Tôi lại quan trọng đến thế cơ ư? - Tôi ngắt lời.
- Tất nhiên. Chúng ta sẽ có một cuộc họp báo ở đó với các chiến sĩ trở về giải phóng quê hương.
- Thế ư? - Tôi kêu lên vẻ xúc động. Đó chính là điều tôi quan tâm.
Thấy thái độ của tôi như vậy, Thoại nghĩ khác, hắn tỏ vẻ huênh hoang:
- Tôi đã nói là làm. Có người chưa tin tôi, nhưng rồi họ sẽ phải tin vào nhiệt huyết của thằng Thoại này.
- Bao giờ tôi sẽ đi?
- Ba ngày nữa. Các chiến sĩ của chúng ta đã đến đó. Tôi đã cho họ đi các nước khác từ hai tuần trước và từ các nước đó họ sẽ đến Thái Lan từng nhóm một như những người du lịch, thương gia, vân vân... Còn một nhóm đã về Việt Nam công khai với danh nghĩa Việt kiều yêu nước để nắm tình hình trong nước.
- Việc tổ chức họp báo như thế có ảnh hưởng đến việc giữ bí mật của chúng ta không?
- Tất nhiên là có. Nhưng chúng ta công khai sự nghiệp chống cộng cho thế giới biết, và cho những người ủng hộ chúng ta ở Việt Nam biết, từ đó tạo nên làn sóng ngầm ủng hộ chúng ta và cần thiết cho việc xây dựng “hậu phương” của chúng ta sau này. Đồng thời cũng là để báo cho dân Việt tị nạn ở các nước, họ sẽ ủng hộ cả tinh thần lẫn Mỹ kim cho chúng ta.
- Công việc cụ thể của tôi ở đó?
- Công việc của một nhà báo. Tất nhiên tuyên truyền như thế nào sau này tôi sẽ làm việc cụ thể với Phụng.
Trở về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự việc “đột xuất” nói trên. Đây có phải là thực tế Thoại tin dùng tôi (với sự gợi ý của Kenđơ) hay đó là một cái bẫy. Tôi rà soát lại những hoạt động của tôi trước đó, đặc biệt là những lần chuyển giao tài liệu qua K70. Không có điều gì đáng ngại.
Ngay chiều hôm đó tôi gọi điện cho K70, chúng tôi nói chuyện về gia đình và công việc. Trong câu chuyện đó là ám hiệu hẹn gặp.
Chúng tôi gặp nhau ở khu chợ của người Việt Nam. Tôi thông báo cho K70 biết chuyến đi Băng Cốc của tôi có liên quan đến công việc của tổ chức do Thoại cầm đầu.
Hai hôm sau, tôi và Thoại bay đi Băng Cốc. Biền đưa chúng tôi ra sân bay. Mặt hắn lạnh ngắt.
Suốt tuần đầu tiên trước buổi họp báo, Thoại hầu như vắng nhà. Mật độ ở và đi lại của những người Việt ở khách sạn tăng lên. Tôi cảm thấy nó như một sự nhăng nhít, nghĩ thế tôi bật cười. Thời gian suốt tuần đó, tôi được tự do. Tôi đi chơi chợ và các khu di tích chùa, đền ở Băng Cốc. Hai lần tôi thuê taxi đi qua cổng Sứ quán Việt Nam. Nhìn thấy dòng chữ ghi tên nước ở đó, tôi tưởng òa khóc vì xúc động. Tôi muốn chạy ra khỏi xe, lao vào Sứ quán mà ôm lấy từng người của mình trong đó. Bạn bè tôi, đồng đội tôi, nhân dân tôi đang ở trước mắt tôi kia mà sao tôi không đến được. Đêm về nằm ở khách sạn, tôi không ngủ được. Tổ quốc đang ở rất gần tôi. Chỉ chưa đầy hai tiếng bay là có thể đặt chân lên Tổ quốc mình. Tôi nghe thấy rất gần trong đêm hơi thở của những cánh đồng ngoại ô. Tôi đứng rất lâu bên cửa sổ nhìn về xa. Tôi cứ tin rằng những vùng sáng ở phía xa đó là ánh điện Hà Nội trong đêm. Trong vùng sáng mơ hồ ấy có mẹ tôi, có Hùng, có bao bạn bè và cả những người tôi chưa từng quen biết. Trong vùng sáng ấy có những đường phố cổ kính, mơ mộng với những chiếc xích lô và những quán phở đêm. Nước mắt tôi cứ ròng ròng chảy trong nỗi nhớ mụ mẫm.
Một tuần sau cuộc ra mắt của những chiến sĩ trở về Tổ quốc được tiến hành. Địa điểm của buổi ra mắt không phải ở Băng Cốc mà ở một tỉnh biên giới Thái Lan - Lào. Đó là điều mà tôi không ngờ. Lễ ra mắt được tiến hành rầm rộ. Những “chiến sĩ” trở về giải phóng quê hương ăn mặc quần áo rằn ri, mũ mềm và đeo ba lô. Chúng tươi cười. Tôi đã chụp những bức ảnh đó. Chúng sẽ xuyên qua những cánh rừng Lào để về Việt Nam, kết hợp với số tàn quân phỉ Vàng Pao và số Fulro ở vùng núi Tây Nguyên - Việt Nam. Chúng sẽ tiến hành xây dựng những khu căn cứ kháng chiến, mở rộng phạm vi hoạt động, chuẩn bị lương thực và các điều kiện khác cho các nhóm đông hơn sau này trở về.
- Đây là những người tiên phong. Cô ghi lấy hình ảnh của họ và chuẩn bị viết bài. Khi trở về Mỹ, chúng ta sẽ tổ chức một chiến dịch tuyên truyền. Việc tổ chức các đội quân này và hình thức hoạt động của nó cô biết tôi học của ai không? - Thoại hỏi tôi đầy tự hào.
Tôi nhún vai lắc đầu.
- Tôi không học các tổng thống Mỹ đâu - Hắn cười - Tôi học ông Hồ Chí Minh. Về chiến thuật “du kích” này thì cả thế giới đều phải học ông Hồ Chí Minh.
Nói xong hắn cười khoái chí.
Tôi trở về Mỹ trước. Thoại còn bay đi Úc, Tây Đức, Pháp và một số nước khác. Hắn được CIA đứng bảo hộ đằng sau nên đầy vẻ hung hăng và tự tin. Tôi cố tìm hiểu xem số lượng quân “kháng chiến” của Thoại có được bao nhiêu? Ai cung cấp nguồn tài chính chủ yếu cho đội quân này?
Biền đón tôi ở sân bay. Hắn hỏi tôi:
- Vui vẻ chứ Phụng?
- Anh nghĩ thế à? - Tôi hỏi lại.
- Tôi nghĩ các cô gái đi với ông Thoại đều được vui vẻ.
- Anh làm sao thế? Ốm à, mà mắt đỏ vết lên rồi.
Hắn không nói gì, xách va li của tôi bỏ vào cốp xe.
- Lần này thì anh chuẩn bị tiệc chiêu đãi chúc mừng ông Thoại đi nhé. Công việc khá tốt. Ông Thoại đứng giữa đội quân kháng chiến ở một vùng rừng núi biên giới Việt Nam, đấy là bức hình tôi chụp. Nó sẽ được đăng báo với những lời bình luận tuyệt vời. Dân chúng sẽ quàng lên cổ ông Thoại vòng nguyệt quế kim cương.
- Bây giờ ông Thoại đang luồn rừng về Việt Nam cùng với các chiến sĩ của chúng ta chứ? - Biền hỏi giọng mỉa mai.
Tôi mỉm cười và nói với giọng rất nghiêm:
- Không. Thủ lĩnh của chúng ta đang đi Úc và một số nước khác để gặp gỡ các tổ chức ở đó, bàn kế hoạch chiến lược.
Biền bỗng cười rú lên. Cười mãi. Nước dãi chảy ra hai bên mép hắn.
- Sao anh lại cười nhỉ?
- Tôi không biết nữa. Mà tôi cũng sắp đi Thái Lan rồi. Đó là sự nghiệp của tôi. Tôi phải đi.
- Thế chứ. Anh không làm mất lòng tin của tôi - Tôi kích hắn. - Chúng ta phải gạt bỏ mọi chuyện cá nhân đi để làm nghĩa lớn. Mục đích của chúng ta là Tổ quốc.
Trong suốt thời gian sau đó, một loạt bài của tôi được đăng trên báo chí của Mỹ và của cộng đồng người Việt. Dân tị nạn xôn xao bàn luận. Không ít những lời mỉa mai Thoại, tuy thế ngân sách do quyên góp của tổ chức này cũng được nâng lên đáng kể. Kenđơ điện thoại chúc mừng tôi và mời tôi đến ăn tiệc ở một nhà hàng người Việt.
Ăn xong chúng tôi lên lầu hai dự khiêu vũ. Đến giữa chương trình thì một gã đàn ông trắng nõn nà, thắt nơ theo kiểu những người hầu Trung Hoa bước ra.
- Thưa quý vị, bây giờ là tiết mục thoát y vũ của nghệ sĩ Minh Thúy, một nghệ sĩ trẻ đầy tài năng của chúng ta vừa mới từ Miami đến, và bây giờ xin mời, xin mời.
Trên vũ trường xuất hiện một cô gái trong bộ váy mỏng kiều diễm bước ra. Tôi cảm thấy gương mặt của cô ta quen quen. Hình như tôi đã gặp ở đâu thì phải.
Khi cơ thể cô không còn mảnh vải nào trên người nữa thì trái tim tôi như có ai bóp mạnh. Tôi bậm môi đau đớn. Người đàn bà kia đã mang tất cả những bí ẩn thiêng liêng của da thịt mình ra phơi bày trước thiên hạ. Những tiếng huýt sáo, vỗ tay và cả tiếng rú vang lên. Tôi cúi mặt xuống. Người tôi bừng nóng. Tôi cảm giác như chính tôi đang ngồi trước mọi người, không quần, không áo.
Người vũ nữ bước từ trên vũ trường xuống, vừa đi vừa nhảy điệu nghệ qua các bàn khách. Cô đến bên bàn tôi. Tôi vẫn cúi mặt xuống.
- Xin lỗi, cô có thể đi nơi khác được không? - Kenđơ nói - Bạn tôi đang mệt.
Cô gái không nói gì. Cô im lặng một lát rồi khẽ kêu lên:
- Chị Phụng!
Nghe tiếng gọi, tôi giật mình ngước lên và trong khoảnh khắc tôi nhận ra đó là Thủy, cô gái sống sót trong vụ thảm sát gia đình bác sĩ.
- Trời ơi! - Tôi run rẩy kêu lên - Chị không ngờ... Nhưng em vẫn còn sống là may rồi.
- May ư chị? Em tiếc rằng... em không chết được... Còn mẹ em ở Việt Nam...
Nói xong cô òa khóc và bỏ chạy. Tôi nhìn theo, cố ghìm nước mắt.
- Chúng ta ra khỏi đây đi - Kenđơ nói và cầm tay tôi dắt ra ngoài.
Khoảng một giờ sáng, chuông điện thoại nhà tôi réo lên. Tôi quờ tay cầm ống nghe.
- Xin lỗi, ai đấy? - Tôi hỏi.
- Em đây, chị Phụng phải không? - Thúy đây mà.
- Em đấy hả? - Tôi hỏi và ngồi dậy. - Em đang ở đâu đấy?
- Em ở khách sạn. Em muốn đến thăm nhà chị, chị cho phép em nhé.
- Chị đợi em.
Tôi đặt ống nghe xuống và đi vào buồng tắm. Tôi vỗ nước lạnh lên mặt. Tôi nhận ra những nếp nhăn mờ đuôi mắt tôi. Tôi hoảng hốt nhận ra tôi đang già đi rất nhanh. Tôi run rẩy cởi khuy áo. Bầu ngực tôi cũng như một nỗi buồn. Tôi nhớ đến Hùng. Tôi biết không bao giờ còn anh nữa. Tôi cứ đứng trước gương mê dại cho tới khi có tiếng chuông gọi cửa. Tôi vội vã cài khuy áo ra mở cửa.
Thủy lao vào ôm lấy tôi. Cô khóc nấc lên. Tôi lặng im để cô khóc. Khi cô thôi khóc, tôi dắt cô lại ghế.
- Sao em không gọi điện hoặc viết thư cho chị? - Tôi hỏi và chăm chú nhìn cô. Sao lúc này gương mặt cô khác khi ở vũ trường như thế? Một gương mặt buồn bã, già dặn.
- Em từ Miami đến thành phố này được mấy tháng rồi. Nhưng em không dám gọi điện cho chị. Chị ơi, em nhục lắm. Nhiều lúc em muốn chết. Nhưng em chết thì mẹ em đau khổ biết chừng nào. Em cố sống để mong ngày trở về với mẹ em.
Nghe Thủy nói, tôi ứa lệ. Tôi cũng có một người mẹ như em. Tôi cũng có mong ước về với mẹ như em.
- Chị có khinh em không?
- Chị hiểu em. Chị thương em.
- Nhưng em dơ dáy quá chị ạ.
- Em nên tìm một việc khác để làm.
- Chị giúp em nhé!
- Chị sẽ giúp em.
- Sao chị vẫn ở một mình mãi thế này?
- Người yêu chị mắc lại ở Sài Gòn. Chị yêu anh ấy. Chị chờ anh ấy. Chị không thể yêu ai được nữa.
- Nhưng lâu quá rồi, chị có tin tức gì của anh ấy không?
- Không em ạ.
- Ngộ nhỡ anh ấy đã... thì sao?
- Có thể anh ấy đã có vợ. Lỗi không phải tại anh ấy. Nhưng sao chị vẫn tin rằng chị sẽ gặp lại anh, và...
Nói đến đó tôi muốn khóc. Tôi có thể yêu một người khác. Tôi có thể xây dựng gia đình ở đây. Nhưng công việc của tôi chẳng may vô tình bị lộ, chồng con tôi sẽ phải chịu đựng những gì. Và còn hơn thế nữa, là tôi không thể quên anh.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến gần sáng. Tôi giục Thủy đi ngủ. Tôi tắt đèn. Nhưng cả hai chúng tôi nằm im không ngủ.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn