Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15241 / 304
Cập nhật: 2015-09-12 12:47:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mẹ Đừng Sợ
hông biết thằng Tin đào ở đâu ra một chiếc còi oai thật oai. Chiếc còi bằng đồng, sáng chóe, lại có dây đeo choàng qua cổ, trông hệt như còi trọng tài bóng đá. Mỗi lần nó đưa còi lên miệng thổi "toe" một cái, ai nấy đều giật thót người.
Mẹ tôi bảo:
- Con muốn thổi thì đi chỗ khác mà thổi! Đừng có làm điếc cả tai như thế!
Ba nói:
- Con để yên cho nội ngủ chứ! Con cứ "toe toe" suốt như thế thì ai mà nghỉ ngơi được!
Chị Hai cằn nhằn:
- Em có thôi cái trò đó đi không! Chị mà tóm được chiếc còi chết tiệt đó, chị vứt ngay vào thùng rác cho mà xem!
Trong nhà chỉ có tôi là không rầy Tin. Tôi gạ nó:
- Mày đưa tao thổi một cái coi nào!
Nhưng Tin là một thằng em khốn kiếp. Bất chấp việc tôi đứng về phe nó, nó chẳng động lòng mảy may trước vẻ mặt thèm thuồng của tôi. Nó bỏ tọt chiếc còi vào túi quần:
- Em chả dại gì đưa còi cho anh đâu!
Tôi liếm mép:
- Tao chỉ thổi một cái thôi mà! Thổi xong, tao trả lại liền!
Tin vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Thậm chí nó còn thọc tay vào túi quần như muốn nhấn chiếc còi lún sâu vào các lớp vải. Tôi là anh nó mà nó xem như kẻ cướp không bằng! Thật là một thằng em chẳng ra gì!
Sau khi từ chối tôi, Tin cầm chiếc còi ra đứng trước sân thổi "toe toe". Nghe tiếng còi lanh lảnh và dõng dạc vang lên, tôi tức sôi gan. Nhưng tôi chẳng làm gì được Tin. Tin là út trong nhà, đụng vào nó như đụng vào đồ gia bảo.
Tiếng còi của Tin chẳng mấy chốc đã khiến tụi nó rút trong hẻm bu lại. Nhìn cái cảnh nó đứng oai vệ như một ông tướng giữa một đám nhí nhố đang trầm trồ chỉ trỏ, tôi bắt ngứa con mắt. Tôi đứng trong của sổ nhìn ra, ngoác mồm nói:
- Còi gì mà kêu như thùng thiếc bể!
Tin chẳng buồn đáp lại lời chê bai của tôi. Nó đưa chiếc còi lên miệng thổi "toe" một cái, như để trả lời. Tụi con nít xúm xít chung quanh thấy vậy liền cười rộ.
Tôi nghe máu nóng dồn lên mặt, bèn quắc mắt nhìn bọn nhóc:
- Tụi mày cười gì? Chiếc còi gỉ đó có cho tao cũng chả thèm!
Lần này thì Tin quay lại:
- Lêu lêu! - Vừa nói nó vừa quệt ngón tay vào hai bên má - Mới vừa năn nỉ người ta mà bây giờ lại bảo là không thèm!
- Xì! - Tôi bĩu môi - Khi nãy là tao nói đùa chứ bộ!
Dĩ nhiên Tin biết thừa là tôi chỉ chống chế. Vì vậy lúc nào nó cũng khư khư giữ chiếc còi bên mình, sợ tôi đánh thó.
Mãi đến hôm Tin về quê ăn giỗ, sau một hồi lục lọi đồ đạc của nó, tôi mới tìm thấy chiếc còi nằm trong một hộp giấy nhét dưới đáy cặp.
Không kềm nổi sự mừng rỡ, tôi khoái chí thổi "toe toe" vang nhà. May mà ba mẹ tôi đi vắng. Chỉ có chị Hai ở trong bếp. Nghe inh ỏi, chị tức tốc chạy ra,
tay dứ dứ chiếc que cời than:
- Thật khổ! hết thằng Tin lại tới em! Em có muốn chị gõ cho một cái vào đầu không?
Không kịp nghe đến câu thứ hai, tôi nhét vội chiếc còi vào túi áo và biến ngay ra khỏi nhà. Tôi đứng trước cổng thổi "toe toe" vài tiếng đã thấy bọn trẻ
hôm trước xô đẩy nhau chạy lại.
Chiều đó, tôi đem chiếc còi vào lớp.
Đến giờ chơi, tôi lôi chiếc còi trong cặp ra tròng vào cổ rồi khều thằng Tường ngồi cạnh:
- Xem nè!
- Gì vậy? - Tường quay lại.
Bắt chước thằng Tin, tôi không trả lời mà đưa còi lên miệng thổi "toe" một cái.
Hệt như cảnh ở nhà, nghe tiếng còi hùng dũng đột ngột vang lên, tụi bạn trong lớp lập tức đổ xô lại. Sau một hồi ngắm nghía, đứa nào cũng tò mò đòi
thổi thử.
Tường khoái lắm. Nó thổi một hơi ba tiếng "toe-toe-toe" rồi quay sang tôi:
- Chiếc còi ở đâu ra vậy?
Tôi hếch mặt:
- Chú tao cho tao.
Nó ngập ngừng một lát rồi chớp mắt đề nghị:
- Đổi cho tao đi!
- Đổi cho mày? - Tôi nhún vai - Không đời nào! Một chiếc còi như thế này không ai dại gì đem đổi!
Trước thái độ cương quyết của tôi, Tường chẳng tỏ vẻ gì nhụt chí. Nó ưỡn ngực quảng cáo, giọng tự tin không thua gì các xướng ngôn viên trên truyền hình:
- Đồ chơi của tao tuyệt lắm! Mày thấy là lé mắt liền!
Rồi không đợi tôi giục, Tường thò tay vào ngăn bàn lội ra một... con tắc kè.
Con tắc kè vừa thò đầu ra khỏi ngăn bàn, tôi đã giật bắn người kêu "ối" một tiếng và xanh mặt lùi tuốt ra xa. Thấy tôi nhát cáy, Tường cười hì hì và lấy tay hất con tắc kè bắn về phía tôi.
- Đừng, đừng!
Tôi hốt hoảng kêu lên và co chân phóng vọt ra khỏi bàn.
- Ha, ha! Đây là con tắc kè bằng cao su! Có phải là tắc kè thật đâu!
Nghe Tường nói vậy, tôi mới hoàn hồn và ngạc nhiên quay đầu dòm. Con tắc kè vần nằm trên băng ghế, cổ ngóc cao như sắp sửa phóng lên người tôi. Cái tư
thế sống động và đầy đe dọa của nó khiến tôi dù biết nó là con tắc kè giả vẫn cảm thấy rờn rợn.
Một đứa nói:
- Để tao đem lại thằng kia nhát bọn con gái!
Và nó chồm tới định tóm lấy đuôi con tắc kè nhưng Tường đã cản lại:
- Để yên nào!
Rồi huơ qua huơ lại món đồ chới quyến rũ đó trước mặt tôi, Tường hắng giọng:
- Sao? Đổi chứ?
- Ừ, thì đổi! - Tôi nói, không hề phân vân, mắt vẫn láo liên nhìn theo con tắc kè đang đong đưa trên tay Tường.
Chiều, tôi về tới cổng, chưa kịp bước vào sân, đã gặp ngay bộ mặt mếu máo của thằng Tin.
- Chiếc còi của em đâu? Trả đây! - Nó níu chặt tay tôi, tru tréo.
- Suỵt! - Tôi liếc mắt vào trong nhà và hạ giọng bảo Tin - Mày đừng có làm ầm lên như thế! Để tao cho mày xem cái này hay lắm!
Vừa nói tôi vừa mở cặp lôi con tắc kè ra.
- Ối! con gì vậy? - Tin vốn bạo gan hơn tôi nhưng nó vẫn phải thụt lui một bước và trố mắt nhìn chằm chằm vào tay tôi.
Tôi đắc ý:
- Con tắc kè đấy! Tuyệt không?
Tin có vẻ bị con tắc kè mê hoặc. Nó liếm môi:
- Anh kiếm ở đâu ra vậy?
Tôi đưa tay lên gãi đầu:
- Tao đổi! - Rồi nhìn thoáng qua mặt Tin, tôi ngập ngừng nói thêm - Tao đổi bằng chiếc còi của mày đấy!
Nãy giờ mải chú ý đến con tắc kè, Tin quên bẵng vụ chiếc còi. Bây giờ nghe nhắc tới, nó sực nhớ ra, liền giãy nảy:
- Em không biết! Trả chiếc còi cho em!
- Mầy ngốc quá! - Tôi hừ mũi - Chiếc còi thổi "toe toe" chỉ tổ điếc tai! Con tắc kè này hay hơn nhiều! Chỉ nhìn thấy bộ tịch của nó thôi, mọi người đã phát khiếp! Cứ hệt như con tắc kè sống!
Rồi sợ Tin vẫn nằng nặc đòi chiếc còi, tối xúi:
- Mày thử đem đặt nó vào trong bếp xem! Mẹ và chi Hai mà không hãi đến khóc thét, tao sẽ đi đầu xuống đất ngay!
Tin chớp chớp mắt, vẻ bùi tai. Nó không ngoác mồm đòi chiếc còi nữa. Mà cầm lấy con tắc kè chạy tọt vào nhà.
Tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm và lẽo đẽo đi theo.
Vừa vào đến nhà, chưa kịp cất cặp, tôi đã nghe tiếng chi Hai ở trong bếp thét lên the thé và tiếng chân chạy huỳnh huỵch.
Thoáng một cái, Tin và chi Hai kẻ trước người sau rượt đuổi nhau ra tới phòng ngoài.
Tin vọt trước, tay vẫn nắm chặt con tắc kè, vừa chạy vừa phân bua:
- Đây có phải là con tắc kè thật đâu! Tại chị nhát gan chứ bộ!
- Thậy hay không thật ai mà biết! - Chi Hai hậm hực - Trông thấy nó là muốn sởn tóc gáy lên rồi! May mà hôm nay mẹ đi vắng. Mẹ yếu tim, nếu em nhát mẹ như thế, mẹ ngất sỉu còn gì!
Câu nói của chị Hai khiến Tin cụt hứng. Do đó, khi tôi đuổi theo nó ra tới cửa và hí hửng nói:
- Thấy chưa! Tao đã bảo mà! Nhìn thấy con tắc kè này, mọi người cứ gọi là chết khiếp!
Tin liền nhét con tắc kè vào tay tôi:
- Em trả lại anh nè!
- Sao vậy? - Tôi chưng hửng - Mày không thích nữa hả?
- Ừ, em không thích nữa! Anh đòi chiếc còi lại cho em đi!
- Đòi sao được mà đòi! - Thấy thằng em tự dưng giở quẻ, tôi nổi sùng, gắt - Đồ đã đổi rồi, ai lại đưa trả cho mày bao giờ!
Tôi nói chưa dứt câu, Tin đã bắt đầu sụt sịt. Biết nó sắp sửa ăn vạ, tôi vội vã phóng vù ra cổng và biến mất trong nháy mắt.
Rong chơi ngoài phố mãi tới khi trời chập choạng, tôi mới mò về nhà. Dòm dáo dác không thấy Tin đâu, tôi rón rén bước chân qua cửa. Ba tôi đang lục đục
gì đấy trong phòng. Tôi vào trong bếp, thấy chi Hai đang lau bát đũa chuẩn bị dọn cơm. Mẹ tôi vẫn chưa về, con Tin không biết chạy chơi đâu.
Khi trở ra phòng ngoài, lúc đi ngang qua cành mai ba tôi mới xin về để chưng Tết, tôi chợt nhìn thấy con tắc kè đang nằm ngóc cổ giữa các cành nhánh, giương mắt ngó ra. Lủng lẳng trên cổ nó là một mảnh giấy nhỏ, buộc bằng chỉ mềm.
Trên mảnh giấy nguệch ngoạc một hàng chữ - tôi nhận ngay ra là chữ của Tin: "Mẹ đừng sợ! Đây chỉ là con tắc kè bằng cao su thôi!".
Út Quyên Và Tôi Út Quyên Và Tôi - Nguyễn Nhật Ánh Út Quyên Và Tôi