Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Chương 8: Miệng Sư Tử
L
ần đầu Corradino chạy trốn đến Murano để giữ lấy mạng sống của mình đã diễn ra như thế này.
Manin là một dòng họ hùng mạnh và giàu có. Họ đã tích lũy được một cơ đồ đáng kể từ các quyền lợi thương mại dọc Biển Đen đến Levant và Constantinople. Đến giữa thế kỷ thứ mười bảy, họ đã đạt được một quyền lực chính trị đáng kể, khó bì kịp.
Chủ gia đình, Corrado Manin, sống với hai em trai sinh đôi của mình là Azolo và Ugolino, trong một palazzo lớn ở Campo Manin, một quảng trường được đặt tên để tỏ lòng kính trọng gia đình. Corrado cưới một người vợ, Maria Bovolo – một phụ nữ có nhân cách tốt và những mối quan hệ còn tốt hơn. Họ có một con trai, cũng tên Corrado, nhưng được mọi người biết là Corradino, hình thức giảm nhẹ phân biệt cậu với cha cậu. Gia đình này quý mến lẫn nhau và ngôi nhà được điều hành như những thương thuyền được trang bị đầy đủ đã làm cho gia đình Manin giàu có. Có nhiều kẻ hầu người hạ, một ông thầy người Pháp cho cậu nhỏ Corradino, và đàn ông nhà Manin được tự do theo đuổi những quan tâm của mình trong lĩnh vực chính trị.
Một mùa hè, khi Corradino lên mười, và trở thành một cậu bé thông minh và khôi ngô, vận may của gia đình Manin đã thay đổi.
Corrado được bầu vào Hội đồng, một cơ quan gắn bó với nhau điều hành Cộng hòa Venice. Azolo cũng được bầu cùng năm ấy. Ugolino bị loại khỏi chức vụ bởi một chỉ dụ xưa nói rằng không được có quá hai thành viên từ một gia đình bất kỳ nhậm chức cùng lúc. Tính nghiêm ngặt này được thiết lập nhằm tránh gia đình trị, nhưng chỉ củng cố nó thêm thôi. Bực dọc vì bị loại, bởi Ugolino thật ra chỉ lớn tuổi hơn em trai sinh đôi của mình nửa giờ đồng hồ, ông tiếp tục tiếp tay anh em mình trong mục đích lén lút của họ - bí mật lôi kéo đồng minh trong số những người khác trong Hội đồng để truất phế Tổng trấn và đưa Corrado lên thay. Corrado và các em trai thích dinh thự của mình, nhưng sẽ hay hơn biết bao nếu sống trong Dinh Tổng trấn, và bảo vệ các quyền lợi gia đình bằng danh vị Công tước xứ Venice. Trong chuyện này Corrado mang tình yêu lớn lao của ngài dành cho gia đình vào kết luận đương nhiên của nó. Ngài muốn tất cả cho họ.
Nhưng Venice luôn là một chốn của trò hai mặt. Như những kẻ truy hoan của mình thành phố cũng mang một mặt nạ. Bên dưới cái đẹp và nghệ thuật trên bề mặt của nó chảy những dòng nước sâu sự dối lừa và phản bội. Mối đe dọa luôn hiện diện này được thể hiện ở Bocca del Leone – miệng Sư tử.
Trong những chốn thâm u nhất của Dinh Tổng trấn có một cái đầu Sư Tử bằng đá nằm chờ, được tạc nổi vào trong bức tường. Như hàng chữ khắc bên dưới khe hở mời gọi, những ai có điều buộc tội một công dân khác của nước Cộng hòa phải ghi lại những nghi ngờ của mình và chuồi tài liệu qua miệng sư tử: "Denontie secrete contro chi occvltera gratie et officii o collvdera per nasconder der la vera rendita d’esso." Maggior Consiglo sẽ giải quyết vụ việc, nhanh gọn và toàn diện. Nhiều hộp thư như thế điểm xuyết những bức tường trong thành. Câu đề trên đó xác định loại tố cáo mà chúng đề cập – trốn thuế, cho vay nặng lãi, hành nghề buôn bán bất hợp pháp. Nhưng ở đây trong Dinh Tổng trấn này, Sư tử phân xử những tội nặng nhất – mưu đồ chính trị phản lại Nhà nước. Và vào ngày Festa del Redentore 1 1 đúng giữa mùa hè, khi những gian phòng lạnh lẽo vắng vẻ và yên tĩnh vì đám đông reo và hò đã xa, một bàn tay đút một lá thư qua miệng Sư tử vào bóng tối hun hút bên trong. Lá thư đề tên Corrado Manin. Sư tử ngoặm lấy nó. Còn bàn tay là của Ugolino Manin.
Ngay khi bàn tay Ugolino thả tờ thư ra, ông muốn lấy lại. Ông thậm chí đã định thò tay vào bóng tối để cố tìm lại nó, nhưng hai mắt hiểm ác của Sư tử đá cảnh cáo ông. Ông cảm thấy là bàn tay mình sẽ bị hàm răng vô hình ngoặm lấy. Ông có thể yêu cầu lấy nó lại, nhưng từ ai? Các tố cáo là bí mật. Ông không biết khe hở dẫn đến đâu, hay đến ai. Bước vào chốn thâm nghiêm bên trong ấy có thể nghĩa là cái chết cho chính ông. Ông chỉ biết rằng mỗi cái tên Sư tử nuốt vào sẽ sớm đến tai Hội đồng, và, như cả châu Âu đều biết, một lời đến Hội đồng là bản án tử hình. Ugolino lảo đảo ra khỏi dinh, xuống cầu thang Hai vị thần khổng lồ, cảm thấy đau đớn tận tâm khảm. Hỏa tinh và Hải vương tinh, những lính canh bằng đá khổng lồ trên những bậc thang, chỉ trích ông bằng cặp mắt trắng vô hồn. Trong khi thị lực của chính ông cũng lòa đi vì ánh sáng ban ngày thì Ugolino chạy, không thấy gì, xuyên qua Quảng trường Thánh Mark. Quảng trường lớn ngày hôm ấy vắng tanh như ông đã biết nó phải như thế. Ông đã tính toán rằng đây là ngày duy nhất mà tội ác của ông sẽ diễn ra không ai hay biết, vì tất cả công dân Venice đều tụ tập bên bờ kênh Giudecca bên kia thành. Ông biết rằng đám đông sẽ xem cảnh cây cầu phao, được bắc ngang qua con kênh đến cửa nhà thờ của Chúa cứu thế. Ugolino hình dung những bước chân thành tâm bước trên nước qua nhà thờ như Đức Chúa Trời của chúng ta đã làm, để tạ ơn cứu chuộc họ khỏi Dịch hạch.
Cứu chuộc. Giờ ông cần nó.
Ông cảm thấy đầu gối mình sụp xuống quỳ ngoài ý muốn, đầu gối ông đập xuống đá cứng, và ông quỳ một lát. Nhưng ông chưa thể cầu nguyện chừng nào ông chưa sửa sai mọi điều. Ông đứng lên và bắt đầu chạy nhanh qua quảng trường ngập nắng, và cả trong những calle hẹp tối tăm, ông cũng không thể thấy gì. Lần này là vì mắt ông mờ lệ. Ông nghĩ về hai anh em trai của mình và chị Maria, và hơn ai hết là Corradino bé bỏng. Giờ ông vừa đem cái chết lại cho họ. Trừ khi… Ông biết mình phải làm gì.
Corradino cảm thấy đôi môi lạnh ghì lên má ấm của mình. Cậu tỉnh giấc thì thấy gương mặt cha được rọi sáng bởi một ngọn nến duy nhất. Mọi thứ còn lại đều là bóng tối. Cha cậu đang mỉm cười nhưng trông căng thẳng. "Dậy đi, Corradino, con yêu. Ta sẽ làm một chuyến phiêu lưu."
Corradino dụi mắt. "Đi đâu, Papà?" cậu hỏi. Cái đầu mười tuổi của cậu thẩm thấu thông tin với sự tò mò đặc trưng.
"Đến Chợ Cá."
Chợ Cá? Corradino lăn ra khỏi giường và bắt đầu thay đồ. Trước đây cậu đã đến Chợ Cá ở Rialto, nhưng luôn là cùng Rafealla, cô hầu. Chưa bao giờ với cha cậu.
Nhưng đúng là mình phải đến sớm – mẻ cá về lúc bình minh.
"Nhanh lên, khỉ con của cha."
Khi họ sắp rời phòng, Corrado nói, "Khoan đã, khỉ con. Con có thể chọn một thứ trong phòng con để mang theo. Nó phải là thứ con thích nhất ấy, Corradino."
Corradino ngơ ngác. "Tại sao?"
"Vì ta có thể sẽ đi xa một thời gian. Nhìn này – cha cũng đã chọn cho mình đây này." Corrado mở áo choàng ra và Corradino thấy lờ mờ hình dạng một cuốn sách.
Chắc là cuốn sách của ông bạn Dante. Cuốn về hài kịch. Cha thích cuốn ấy. Có lẽ nó khiến cha cười?
Corradino bắt đầu tìm trong phòng mình dưới ánh sáng lờ mờ. Corrado đứng chờ, không muốn làm con trai sợ, nhưng biết là họ phải vội. Ugolino đã đến gặp ngài lúc hoàng hôn với tin dữ nhất – ông đã đứng xem Redentore và đã nghe phong thanh có một âm mưu tố giác Corrado với Tổng trấn. Mưu đồ của họ đã bị bại lộ và họ phải đi trốn ngay lập tức.
"Tìm thấy rồi!" Corradino nắm chặt vật sở hữu cậu yêu thích trong tay. Đó là một con ngựa bằng thủy tinh, một bản sao tinh tế mấy con ngựa đồng trên Basilica di San Marco.
Corrado gật đầu và dẫn con trai nhanh chóng ra khỏi phòng và xuống cầu thang. Corradino để ý thấy những hình thù ma quái nến hắt lên tường – những bóng ma đen xa lạ đuổi theo cậu và cha cậu. Chân dung tổ tiên của cậu, thường vẫn thân tình với những vẻ mặt nhà Manin, giờ nhìn xuống với vẻ ghen tị hiểm ác mà người đã khuất từ lâu dành cho người còn sống. Corradino rùng mình, dán mắt lên bức tranh mới treo ở vị trí cao quý dưới chân cầu thang. Đó là hình cả gia đình, được vẽ vào ngày đặt tên thứ mười của cậu, vẽ chính cậu ở giữa cha và hai ông chú của cậu. Sau lưng gia đình là một cảnh biển phúng dụ, trong đó đội tàu được trang bị đầy đủ của gia đình Manin tránh mây going và rắn biển dị thường để về đến cảng an toàn. Cậu nhớ là bộ y phục của cậu xót và cổ áo xếp nếp cọ vào tai cậu. Cậu đã cựa quậy và đã bị cha cậu quở trách. "Hãy đứng yên như tượng nào," Corrado nói. "Như mấy vị Thần trong sân sau của Tổng trấn ấy." Nhưng Corradino không chịu. Trong óc cậu, cậu đã trở thành một trong những con ngựa trên đỉnh Basilica. Cậu, cha cậu và mấy chú đã thành một bộ tứ bằng đồng vĩ đại trong đầu cậu – cao quý, thấy tất cả và rất rất tĩnh lặng. Giờ thì, bên dưới bức tranh họ tưởng như vừa bước ra khỏi tấm khung. Cậu thấy mẹ và các chú đang chờ dưới chân cầu thang, mang mặt nạ, khoác áo choàng, và mang giày ống – cũng sẵn sàng để đi. Nỗi sợ hãi của Corradino lớn dần và cậu ào vào vòng tay mẹ. Điều mà cậu vẫn nghĩ là mình đã lớn quá rồi không làm. Bà Maria ôm chặt cậu và hôn lên tóc cậu.
Ngực mẹ có mùi vani, như mọi khi. Người bán gia vị mỗi năm một lần đến gặp mẹ và bán giúp mẹ những quả cho tinh dầu mà mẹ làm. Chúng nom tựa những viên đạn đen dài co quắp có hạt bên trong. Sao cái gì ấy xấu xí như vậy lại có mùi thơm tho như thế được?
Những mùi hoàn toàn khác chờ họ ở Chợ Cá. Corradino ngửi thấy mùi muối mặn trong bình minh xám xịt khi họ rồi chiếc gondola có mái che của mình tại Rialto. Cây cầu trắng hiện ra từ màn sương muối buổi sớm. Một tên lính canh như ma quỷ lệnh cho họ dừng mà không đi tiếp. Corradino đi sau nắm chặt tay mẹ khi họ len lỏi qua một đám thiếu nữ và lái buôn tới những cổng vòm ở chợ. Cha cậu tức thì khuất dạng sau một cây cột và, nghển cổ nhìn vòng ra sau tòa nhà, Corradino thấy cha đang nói với một dáng người trùm đầu. Khi bóng người đó quay đầu cơ hồ bị săn đuổi. Corradino thấy đó là Ngài Loisy, vị thầy người Pháp của cậu.
Ngài Loisy? Thầy làm gì ở đây?
Cuộc nói chuyện diễn ra một lúc, và Corradino làm xao lãng mình bằng cách nhìn khối cá trải trên những bộ ván ngựa trước mặt cậu. Dường như có vô số loài, những đàn cá bạc láng mịn và loài giáp xác có gai trông nguy hiểm. Có những con bé xíu như một mẩu thủy tinh. Số khác lại to và nặng đến mức có vẻ như một phép lạ khi chúng lại bơi được trên biển. Thường thì Corradino vẫn ngắm cá lạ trong những chuyến đi chơi này, nấp mình dưới những bộ ván ngựa và lạc lối trong sự lạ lùng kỳ hoặc của chợ. Raffealla luôn mất kiên nhẫn và cô hầu tự cho phép mình dùng ít lời lẽ quen thuộc với dân hàng tôm cá, nhưng là thứ bà chủ không muốn Corradino trở nên quen đi. Thế nhưng hôm nay, mắt cá dường như chứa một ánh đe dọa, và Corradino đi trở lui về bên mẹ. Cậu biết câu thành ngữ Venice "khỏe mạnh như cá", nhưng những con cá này thì không. Chúng đã chết.
Cha cậu và Ngài Loisy giờ đã có thêm một người đàn ông thứ ba tham gia. Ông ta không đeo mặt nạ và mặc áo choàng. Và xét theo cái áo và bàn tay cáu bẩn của ông, Corradino biết ông là một người đánh cá. Ba người đàn ông bắt đầu gật và một cái ví da được trao tay.
Corrado vẫy tay ra hiệu và dẫn gia đình vào những ngóc ngách tối của khu chợ có mái che. Ở đó có một thùng đựng cá lớn, và, một cách ngờ vực, Corradine nhìn mẹ cậu nằm trong mớ rơm dính máu.
"Mau lên Corradino," cha cậu giục. "Cha đã bảo con là mình sẽ làm một chuyến phiêu lưu mà."
Corradino nằm xuống trong vòng tay mẹ, và chẳng mấy chốc cảm thấy hai chú và cha của cậu ép nặng bên sườn. Cậu nghĩ đến mấy con cá bị xếp hộp, những hình thù màu bạc của chúng thẳng đuột ra và bị ép lại.
Cả nhà mình cũng là cá nữa.
Corradino nhìn thấy gương mặt thầy qua những thanh gỗ khi cái nắp đậy lại. "Au revoir petit."
Corradino vui lên vì hình thái trong câu nói. Cậu yêu quý thầy của mình và tiếng Pháp của cậu xuất sắc so với tuổi của cậu. Dĩ nhiên nếu Ngài Loisy có ý nói là không bao giờ gặp lại cậu nữa, thầy đã dùng hình thái cuối cùng cả là "adieu", nào phải là, "Thầy sẽ gặp lại con!"
Corradino nằm yên ổn trong vòng tay mẹ và lại ngửi thấy mùi tinh dầu vani. Cậu cảm thấy một cái nhấc lên và một cái lắc lư tựa hồ đang ở trên nước. Rồi cậu ngủ.
Cậu tỉnh dậy với một cái đau buốt bên sườn và cựa quậy thân mình khó khăn. Chẳng bao lâu sau một cú xóc mạnh cho biết là họ đã lên bờ và cái nắp thùng được bẩy ra. Nhếch nhác và hôi hám, Corradino trèo ra, chớp chớp mắt trong ánh nắng ban mai. Cậu nhìn quanh mình về những dãy nhà nhỏ màu đỏ bên dòng kênh, và sau lưng cậu, những cái chop của San Marco từ đâu xa xôi lắm. Cậu chưa hề nhìn thấy Venice từ góc độ ấy trước đây. Mặt nước phá lấm tấm bạc như da cá, mùi của nó vẫn còn trong hốc mũi cậu. Cậu nhìn hai chú Azolo và Ugolino trả tiền cho người chèo thuyền. Chú Ugolino trông có vẻ không khỏe. Có lẽ mùi của cá, Corradino nghĩ. Nhưng giờ thì còn có một mùi nữa – một mùi cay, se, cháy. "Mình đang ở đâu đây?" cậu hỏi mẹ.
"Murano," bà nói. "Nơi người ta làm thủy tinh."
Rồi cậu chợt nhớ ra. Corradino thò tay vào trong áo chẽn da lần chỗ cậu đã cảm thấy cái đau. Cậu lôi con ngựa thủy tinh của mình ra. Nó đã vỡ tan từng mảnh.
Mình chán căn nhà này quá.
Corradino thấy như mình đã ở trong nhà nhiều năm rồi, dù cậu biết là chỉ mới có hai ngày. Căn nhà bé xíu, một túp nhà nhỏ bạc màu vì mưa nắng, chỉ có hai tầng và bốn phòng, không phải là cái mà ông vua con đã quen. Corradino đã hiểu biết hơn hai ngày trước đây. Cậu đã biết ra được rất nhiều. Một số là cậu được cho hay, một số là cậu tự mình biết được.
Mình biết rằng căn nhà thuộc về người đánh cá mà cha đã gặp ở Chợ Cá và ông ta được trả tiền để đưa gia đình mình tới đây trong một cái thùng và giấu gia đình mình và cha mình đang gặp rắc rối với Tổng trấn và chú Ugolino biết được kịp lúc và báo cho cha là gia đình mình phải trốn đi. Ngài Loisy cũng đã giúp gia đình mình nữa. Thầy đã liên lạc ở Chợ Cá và gợi ý là gia đình mình đến Murano vì các chuyến giao hàng thủy tinh đi từ đây đến Pháp và Ngài Loisy có bạn bè bên Pháp có thể giúp gia đình mình và gia đình mình phải trốn trên đảo Murano một thời gian cho đến khi gia đình mình có thể được lén đưa đi. Đến Pháp.
Corradino biết rất ít về nước Pháp, bất chấp sự nhiệt tình của Ngài Loisy dành cho tổ quốc mình. Cậu còn ít mong đến đó hơn.
Cha mình và các chú đã dặn mình không được ra khỏi căn nhà nơi gia đình mình ẩn náu, dù chỉ một giây.
Nhưng khi nhiều ngày trôi qua, tất cả họ thấy an toàn hơn một chút, và Corradino cảm thấy sự tò mò cổ tích của cậu bắt đầu trỗi dậy.
Mình muốn khám phá.
Vậy là, đến ngày thứ ba, Corradino chờ đến lúc mẹ cậu đang trang điểm rồi mở chốt cánh cửa gỗ ọp ẹp. Cậu thấy mình đang đứng trong một con hẻm và đi xuôi xuống phía con kênh mà cậu có thể thấy ở cuối hẻm. Cậu thơ thẩn gần kênh, chỉ định bụng nhìn mấy con thuyền và ném đá vào mấy con mòng biển. Nhưng chẳng mấy chốc cậu bắt đầu ngửi thấy cái mùi thơm mà cậu đã nhận ra khi đến nơi này, và đi theo mũi mình cho đến khi cậu bắt gặp một tòa nhà đỏ, lớn trên bến, nhìn ra phá.
Có những cửa cống dẫn vào tòa nhà, hơi nước bốc lên. Những ô cửa mở ra không khí trong lành và nơi một ô cửa ấy có một người đàn ông đang đứng. Người đàn ông trạc tuổi cha cậu. Ông mặc quần bó và ở trần và đeo một vòng da sống dày nơi mỗi cánh tay. Một tay ông cầm một cái que mà ở đầu của nó dường như là một hòn than đang cháy. Ông nháy mắt với Corradino. "Một ngày tốt lành!"
Corradino không chắc mình có nên nói với người đàn ông không. Ông ấy rõ ràng là một thương nhân. Nhưng cậu thích đôi mắt long lanh của ông.
Corradino cúi chào như đã được dạy dỗ, "rất hân hạnh."
Người đàn ông cười. "À, vâng, thưa quý ông."
Corradino biết mình đang bị giễu cợt, và thấy mình nên bỏ đi, ngẩng cao đầu. Nhưng tính hiếu kỳ của cậu đã thắng. Cậu hết sức muốn biết người đàn ông đang làm gì. Cậu trỏ hòn than. "Cái gì thế?"
"Thủy tinh đấy, thưa ngài."
Corradino nghe thấy câu chòng ghẹo, nhưng giọng lại hiền lành.
"Nhưng thủy tinh thì cứng mà."
"Khi nó lớn lên thì đúng thế. Khi nó chỉ vừa chào đời, nó giống thế này."
Người đàn ông nhúng hòn than của mình vào nước kênh, nơi nó sôi lên sùng sục. Khi ông kéo nó lên thì nó trắng và trong. Corradino nhìn theo hết sức thích thú. Thế rồi, nhớ ra, "Cháu từng có một con ngựa thủy tinh."
Người đàn ông ngước lên. "Nhưng cháu không còn nữa?"
Corradino bỗng thấy mình tựa hồ chực khóc. Con ngựa thủy tinh và sự mất mát nó. Cậu cảm thấy cũng giống như sự mất mát ngôi nhà của cậu, Venice, đời sống cũ của cậu. "Nó vỡ rồi," cậu nói, và giọng cậu cũng vỡ ra.
Mắt người đàn ông dịu đi. "Đến đây với ta." Ông chìa bàn tay ra. Corradino ngần ngại. Người thổi thủy tinh cúi chào kiểu cách, và nói, "Tên tôi là Giacomo del Piero."
Corradino cảm thấy được an ủi vì kiểu cách này. "Corrado Manin. Người ta gọi cháu là Corradino."
Corradino để bàn tay mềm mại nhỏ xíu của mình vào bàn tay thô ráp to bè và được dẫn vào bên trong tòa nhà. Cậu ngỡ ngàng trước cái cậu nhìn thấy.
Lửa khắp nơi, ủ trong những cái hố bằng sắt có cửa. Ở mỗi cửa có ít nhất một người đàn ông đang làm việc, ở trần, cầm que và than như người bạn mới của cậu. Họ để mấy que lên miệng tuồng như uống, nhưng có vẻ như là thổi.
Mình nhớ một bức tranh đã thấy khi mình và cha là khách của Tổng trấn trong dinh của ngài. Nó vẽ bốn phương trời của trái đất với hai má phùng ra khi họ thổi cho một đội tàu Venice cập bến Arsenale 2 an toàn. Mấy người đàn ông này trông giống như thế.
Khi họ thổi, những hòn than thủy tinh cháy rực lớn lên, và biến đổi, thành những hình thù mà Corradino nhận ra – lọ hoa, đế nến, đĩa. Một số người làm việc bằng kéo, số khác cầm những cái vá bằng gỗ. Khắp nơi đều có hơi nước khi những hình thù được làm nguội đi trong nước. Đâu cũng có những cậu bé con chạy, lấy đồ và bưng bê. Những cậu bé không lớn hơn cậu là mấy. Chúng cũng mình trần. Corradino bắt đầu cảm thấy nóng.
Giacomo để ý thấy chuyện đó. "Cháu nên cởi áo khoác ra. Nó trông đắt tiền. Mẹ cháu sẽ rất giận dữ nếu cháu làm cháy nó."
Áo khoác của Corradino đã lôi thôi vì cuộc hành trình của cậu. Nó bẩn và đã bị đứt mất nhiều nút ngọc mắt mèo, có mùi cá. Nhưng phải là một gã ngu mới không thấy ra ngay là nó rất quý giá. Mà Giacomo del Piero không phải là một gã ngu.
Corradino cởi áo khoác ra, rồi cái áo lót bằng lụa của cậu và cả cái cà vạt nữa. Cảm thấy khá hơn nhiều khi cậu ném chúng ra sau một đống xô. Cậu quay lại nhìn ánh lửa hừng hực và cảm thấy lần đầu tiên trong đời mình sức nóng nát xương của một lò thủy tinh. Giacomo dùng que của mình kéo một viên thủy tinh màu cam trong lò ra. Ông lăn nó trên một cái vá bằng gỗ và Corradino đã có thể thấy màu của nó chuyển sang đỏ thẫm. Giacomo chờ một lát. Đoạn cầm một cây kéo sắt nhỏ lên để kẹp và làm việc với chất liệu nóng rực này. Trước mắt Corradino, con ngựa của cậu đã sống lại – cái cổ cong như ngựa xứ Ả Rập, những cái vó thanh tú và cái bờm ren. Sững sờ, cậu nhìn Giacomo để sinh vật nhỏ bé xuống, và nó dần dần nguội lại thành một con ngựa trắng pha lê, trong suốt. "Nhặt lên đi. Nó là của cháu đấy."
Corradino nhặt con ngựa lên. "Cám ơn ông. Cháu thích nó lắm."
Cậu tiếc nuối nhìn ra cửa, vào ánh nắng giữa trưa. "Cháu phải về rồi."
"Tùy cháu," Giacomo nói. "Chắc cháu sẽ lại đến chơi."
Chắc mình sẽ không có dịp. Giờ mình sắp sang Pháp bất kỳ lúc nào.
"Hay cháu ở lại thêm chút nữa được không? Chỉ để xem ông làm?"
Giacomo mỉm cười. "Được chứ. Nhưng với điều kiện cháu không gây cản trở đấy."
Corradino hứa.
Suốt ngày hôm đó Corradino nhìn Giacomo làm cái dường như là phép lạ với thủy tinh. Lấy một khối chất không hình thù rồi biến hóa nó, như một pháp sư hay nhà giả kim, thành những tác phẩm nghệ thuật mà Corradino thấy gần như là ma thuật. Cậu nhìn chăm chú từng lần làm nóng rồi nung lại, mỗi lần quay que, từng hơi thở nhẹ lấp đầy cái bụng thủy tinh đó. Nhiều lần cậu đã không giữ lời hứa khi chen lấn Giacomo, cho đến lúc người đàn ông hiền lành bắt đầu sai vặt cậu. Và chẳng mấy chốc Corradino cũng đã lấm lem như mấy cậu bé khác. Chẳng mấy chốc, rất nhanh, những bóng đen bắt đầu dài ra ở ô cửa, và thật đáng tiếc, Corradino cho là mình phải về. Nhưng đúng lúc cậu sắp sửa nói lên ý nghĩ của mình thì một hình thù kinh khiếp choán kín khung cửa.
Đó là một bóng người cao, áo choàng đen và mũ trùm đầu, đeo mặt nạ đen. Nhưng bóng dáng không có cái vui vẻ của lễ Carnevale. Và khi hắn cất tiếng, giọng lạnh lùng của hắn dường như có thể làm đóng băng chính mấy lò lửa.
"Tôi tìm một cậu bé quý phái. Corrado Manin. Thằng bé có ở đây?"
Một mình Giacomo ngừng tay, vì là người đứng gần cửa nhất. Công việc thủy tinh quá quý giá, quá dễ hỏng chẳng thể dừng và trố mắt nhìn được. Ngay cả là để nhìn người đàn ông này, người rõ ràng là một ai đó quan trọng. Và điều đó đã được chứng minh.
"Tôi là phái viên của Consiglio Maggiore. Tôi có trát tìm thằng bé."
Giacomo kín đáo đứng chắn giữa Corradino và bóng người. Ông gãi gãi đầu và nói, để tạo ấn tượng sai lầm về đầu óc của mình, bằng một giọng điệu xum xoe của một nông dân. "Quý ông khả kính, mấy thằng bé duy nhất chúng tôi có là mấy garzone. Những con khỉ thủy tinh. Chẳng có đứa nào quý phái ở đây cả." Từ bên khóe mắt Giacomo có thể thấy mấy hạt nút đá mắt mèo trên áo choàng của Corradino lấp lánh dưới ánh sáng lò nung, chẳng khác nào tố giác cậu chủ nhỏ của mình cho bóng ma đen. Giacomo đưa mắt khỏi chiếc áo khoác, hy vọng lôi kéo cặp mắt tối sau mặt nạ theo mình.
Không nghi ngờ gì nữa, hai con mắt lạnh băng giữ cái nhìn của ông. "Nếu ông thấy nó, ông có nghĩa vụ trước Nhà nước phải báo cho Hội đồng. Đã rõ chưa?"
"Vâng, thưa Ngài."
"Chỉ thằng bé thôi, ông hiểu. Chúng tôi đã bắt được những kẻ còn lại rồi."
Họ đã bắt gia đình mình?
Giacomo nghe thấy cậu bé thở hổn hển và bước ra khỏi bóng tối chỗ cậu. Tức thì ông quay lại và tát Corradino ngã xuống đất. Một cú đánh trời giáng làm toét môi cậu và cho cậu cái cớ để òa khóc. "Franco, ta bảo lần cuối, đi và lấy ít nước! Thằng khốn!" Giacomo quay lại bóng người. "Mấy thằng bé này, tôi nói ông nghe. Tôi ước gì Hội đồng sẽ gửi cho chúng tôi ít thằng bé quý phái để làm việc ở đây. Có đầu óc hơn, ít ngu đần hơn."
Cặp mắt trên bộ mặt mang mặt nạ nhìn từ Giacomo qua thằng bé dưới sàn. Bẩn thỉu, mình trần, chảy máu, yếu đuối. Chỉ là một con khỉ thủy tinh. Hất áo choàng đen một cái, tên phái viên bỏ đi mất.
Giacommo đỡ cậu bé đầm đìa nước mắt lên và bế cậu trên tay khi cậu khóc. Không chỉ lúc ấy, mà nhiều năm sau, như một cậu học việc của ông, sống trong nhà của ông, khi Corradino thức giấc giữa đêm mà khóc thét.
Trong giấc chiêm bao, mẹ mình có mùi vani và máu.
Giacomo chưa bao giờ cho các thợ cả khác biết gốc gác của garzon mới của ông. Và ông chưa hề kể cho Corradino nghe cái mà hàng xóm đã thuật lại cho ông nghe về ngôi nhà của người đánh cá, nơi gia đình Manin đã bị phát hiện. Nó bị bỏ lại như một lời cảnh cáo – không người, không xác chết, nhưng những mảng tường trắng của nó loang lổ máu từ sàn lên đến trần nhà, như cảnh một lò mổ.
Dĩ nhiên, cuối cùng họ cũng đã tìm ra Corradino. Nhưng mất năm năm. Và đến lúc đó Giacomo, giờ là thợ cả của xưởng, đã có thể cầu xin khoan hồng cho mạng sống cậu học việc của mình trước Hội đồng, tại Sala del Maggior Consiglio trong Dinh Tổng trấn. Ông đứng, bé nhỏ trong những gian phòng sâu thẳm, dưới những bức bích họa lộng lẫy vàng ròng và đỏ, và biện luận trường hợp của Corradino trước Hội đồng. Vì cậu bé, ở tuổi mười lăm, đã gần như là một tài năng phi thường. Cậu đã có thể làm việc với thủy tinh mà Giacomo chưa từng thấy ai như thế trước đây.
Hội đồng sẵn lòng để cho Corradino sống. Dòng họ Manin không còn là mối đe dọa nữa. Nó gần như đã bị nhổ sạch, và Corradino sẽ bị giữ, như mọi thợ cả khác, làm tù nhân ở Murano.
Làm sao ai trong những người nhóm họp hôm ấy, khi Giacomo cầu xin cho mạng sống của Carradino, lại biết là mình đã sai về vận may của gia tộc Manin? Làm sao Corrado Manin quá cố tội nghiệp biết được là dòng họ ông cuối cùng sẽ lên đến tột đỉnh danh vọng, và rằng một trong những hậu duệ của ông sẽ giành được ngai vàng Tổng trấn? Và làm sao ai trong họ lại biết được Lodovico Manin sẽ là vị Tổng trấn cuối cùng của Venice, người sẽ, ngay chính trong gian phòng đó, ký phúc quyết tử hình cho nước Cộng hòa? Rằng khi ông đặt tay lên Hòa ước Campo Formio vào năm 1797 là thành phố sẽ bị bán cho nước Áo, và chữ ký của Manin sẽ nằm bên dưới chữ ký của nhà cai trị mới của Venice, Napoleon Bonaparte?
Nếu Hội đồng biết, có lẽ họ đã không tha mạng cho Corradino Manin. Nhưng họ không biết, và họ đã tha mạng cho cậu.
Không phải vì bản chất của lòng khoan dung, mà là vì những tấm gương cậu làm ra.
Chú thích
1 Ngày lễ được tổ chức vào thứ Bảy và Chủ nhật thứ ba trong tháng Bảy để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu dân thành Venice khỏi trận dịch năm 1576.
2 Xưởng đóng tàu, kho hàng hải quân ở Venice.