Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8385 / 21
Cập nhật: 2016-04-24 14:23:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 -
iễn ngợ ngờ nhìn người thiếu phụ đứng trước nhà mình. Anh đã gặp bà ta nhưng không nhớ là ai... Lúc Viễn còn đang lục lọi trí nhớ của mình thì người phụ nữ bước về phía anh, giọng thân thiện:
- Chào cháu Viễn.
Viễn vội vàng gật đầu đáp lễ:
- Dạ, chào cô.
- Cô tên Cẩm. Chúng ta đà gặp nhau một lần trong quán cơm chay Hạnh Duyên.
Viễn kêu lên:
- À cháu nhớ ra rồi.
Bà Cẩm vào vấn đề:
- Cô có chút chuyện muốn được cháu giúp.
Viễn sốt sắng:
- Cháu rất sẵn lòng nếu chuyện đó không vượt khỏi khả năng của cháu. Mời cô vào nhà...
Bà Cẩm lắc đầu:
- Có lẽ cô cháu mình đến một quán nước nào đó để trao đổi thì hay hơn. Cô ngại phiền đến bà nội của cháu.
Viễn khẽ nhíu mày. Anh lơ mơ đoán được chuyện bà Cẩm muốn nhờ mình nên có hơi ngần ngừ, nhưng sự tò mò đã khiến anh gật đầu.
Bà Cẩm chỉ về hướng chiếc xe bốn chỗ đời mới đậu bên lề rồi bước tới đó, Viễn bước theo sau. Xe chạy tới một quán cà phê sang trọng ở quận nhất và ngưng lại. Viễn xuống trước và mở cửa cho bà Cẩm. Vào quán, ngồi riêng một mình một phòng, bà Cẩm chủ động gọi thức uống và nói:
- Để không mất thời gian của cháu, cô xin được ngắn gọn. Trước sự việc xảy ra hôm đó ở quán cơm Hạnh Duyên, chắc cháu cũng ít nhiều hiểu chuyện cô sắp nói?
Hít vào một hơi để bình tâm, bà Cẩm nói tiếp:
- Trước đây, gia đình anh chị tôi ở dưới quê có được hai cậu con trai, thằng nhóc con nếu sống chắc bằng tuổi cháu bây giờ. Từ lúc thằng nhỏ chẳng may vắn số, chị tôi gần như bị tâm thần, chị Nhẫn không chấp nhận sự thật khủng khiếp ấy mà luôn luôn tin rằng thằng Triều còn sống. Suốt hai mươi năm hơn, chị ấy cứ mê mê tỉnh tỉnh khiến chồng con hết sức khổ sở. Dạo gần đây, chị Nhẫn luôn luôn chiêm bao thấy thằng Triều, chị ấy nói như đinh đóng cột rằng, thằng bé đang rất cực nhọc vì phải sống bằng nghề chạy xe ba gác. Thế là chị ấy bắt thằng con lớn đi tìm em trai cho mẹ. Nó đâu có chịu chuyện hoang đường đó, thế là chị Nhẫn bị rơi vào trạng thái trầm uất rất nặng. Suốt ngày chị ấy giam mình trong phòng, không màng ăn uống.
Ngừng lại ít giây, bà Cẩm nói:
- Hôm đó, cô dụ mãi mới đưa chị Nhẫn đi ăn cơm chay được. Cô bảo là "Nếu tin bé Triều còn sống thì phải ra ngoài tìm nó, chớ giam mình trong phòng, bỏ ăn bỏ uống phỏng ích lợi gì?". Vậy mà chị ấy nghe lời. Cô đưa vào quán, không ngờ lại gặp cháu...
Viễn thắc mắc:
- Tại sao giữa bao nhiêu người, cô Nhẫn lại nghĩ cháu là bé Triều của cổ?
Bà Cẩm mỉm cười:
- Cái này cô không giải thích được, chỉ có một điều cô cũng có đồng cảm giác với chị Nhẫn. Có lẽ vì cháu rất giống ba của cô, tức là ông nội của bé Triều.
Viễn nói nhanh:
- Thế gian này người giống người rất nhiều.
- Cô biết. Gia đình cháu có gốc gác, có tiếng tăm. Chuyện xảy ra ở quán Hạnh Duyên hẳn làm bà Bảy Diệu Linh phiền lòng, cô rất tiếc. Nhưng xin cháu hãy giúp cô Nhẫn lấy lại thăng bằng. Từ hôm gặp nhau tới nay, cô Nhẫn trở bệnh rất nặng. Cháu có thể... có thể...
Thấy bà Cẩm ngập ngừng, Viễn nói:
- Cô muốn cháu đến thăm cô Nhẫn?
Bà Cẩm nhẹ gật đầu:
- Vâng. Cô đã đòi hỏi điều quá vô lý...
Viễn ngã người ra lưng ghế:
- Cháu không ngại chuyện đó đâu. Nhưng cháu đâu thể đóng vai Triều được.
- Tạm thời trước mắt cháu giúp cô trấn tỉnh tinh thần cô Nhẫn rồi sau đó sẽ tùy cơ ứng biến.
Thấy Viễn ngần ngừ, suy nghĩ, bà Cẩm xuống nước:
- Cô xin cháu đấy Viễn. Gia đình cháu có truyền thống giúp người, lẽ nào cháu không thương xót một người mẹ mòn mỏi đau khổ vì con?
Viễn nghĩ ngay tới Lĩnh, anh nói:
- Cháu sợ phản ứng của những người trong gia đình như chồng con cô Nhẫn chẳng hạn.
- Chuyện này cháu không phải lo. Cô sẽ nói với Lĩnh, là con trai lớn của chị Nhẫn, nó rất thương mẹ nên chắc chắn sẽ mang ơn cháu.
Viễn mỉm cười:
- Cháu sẽ cố gắng hết mình vậy.
Bà Cẩm mừng rỡ:
- Cô cám ơn cháu, cám ơn cháu rất nhiều. Thế chừng nào chúng ta bắt đầu?
Viễn trả lời:
- Hiện tại cháu đang đi làm, chỉ rảnh ngoài giờ hành chánh. Nếu được chắc cũng phải tới chủ nhật này.
- Vậy thì chủ nhật này. Đây là số điện thoại của cô.
Viễn trầm giọng:
- Thật ra cháu vẫn chưa biết gì về gia đình, về cô Nhẫn, anh Lĩnh, bác Tuân, nên sợ khi gặp cô ấy, cháu chả biết sẽ nói gì.
Bà Cẩm chặc lưỡi:
- Cháu chu đáo lắm. Rồi cô sẽ cung cấp cho cháu những gì liên quan đến mọi người trong gia đình, về cái chết khác thường của bé Triều.
Viễn tò mò:
- Như thế nào gọi là cái chết khác thường ạ?
Bà Cẩm thở dài:
- Thằng bé lúc ấy độ khoảng hai ba tuổi. Năm đó dưới quê của cô nước lên rất lớn, nước ngập trắng sân, ngập đến sát mép ngôi nhà cao nhất vùng của gia đình chị Nhẫn. Thằng Triều được mẹ cẩn thận đặt ngủ trong một cái cũi bằng cây vừa nặng vừa cao so với nó. Ấy vậy mà khi nấu xong bữa cơm trưa, chị Nhẫn trở lên thì không thấy thằng nhỏ đâu mà chỉ thấy cái cũi ngã chỏng chơ. Chị Nhẫn hô hoán lên, mọi người đổ xô tìm nhưng thằng bé đã biến mất như chưa bao giờ xuất hiện trên đời. Đối với một người mẹ, điều đó thật không có gì kinh khủng hơn.
Viễn buột miệng:
- Đúng là kinh khủng. Và cô Nhẫn đã ngã bệnh kể từ đó?
Bà Cẩm gật đầu. Một lát sau, bà ngập ngừng hỏi:
- Gia đình cháu và bà Hồng Loan chắc là chỗ bà con thân thích?
Viễn trả lời:
- Dạ không. Bà Loan chỉ là chỗ quen biết bình thường với bà nội cháu.
- Nhưng chắc đã quen rất lâu?
Viễn ngập ngừng:
- Cháu không rõ lắm. Dường như cô biết nhiều về bà Loan?
Bà Cẩm nhếch môi:
- Chuyện về bà ta nói đến mai vẫn chưa hết. Cô chỉ ngắn gọn thế này. Đó là người chúng ta cần phải dè chừng.
- Điều đó có nghĩa là bà Hồng Loan không phải người tốt?
Bà Cẩm gật đầu, giọng chắc nịch:
- Đúng là như vậy. Rồi sau này nếu rảnh, cô sẽ kể cho cháu nghe về con người độc ác này.
Nhìn đồng hồ, Viễn nói:
- Có lẽ cháu xin phép về.
Bà Cẩm nhìn anh:
- Cô cũng về. Hôm nay cô trả tiền nước, cháu không được giành đâu.
Viễn mỉm cười:
- Cháu không dám ạ!
Ra khỏi quán, anh từ chối ngồi xe du lịch với bà Cẩm. Đợi bà lên xe xong, Viễn mới ngoắt cho mình một chiếc xe ôm vì anh không thích xe du lịch có máy lạnh chút nào...
Vào tới nhà, Viễn... bị ngay một loạt câu hỏi của bà Bảy:
- Con đi đâu mà thảy cái xe trong sân là biến mất ngay vậy? Làm việc cả ngày không mệt à? Hừ! Qua nhà con Hoàng Diệp cũng không có. Con vừa ở đâu về?
Viễn quanh co:
- Con uống cà phê với mấy đứa bạn ở quán cuối đường, chớ có đi đâu xa. Sao bữa nay nội điều tra con kỹ vậy?
Bà Bảy nạt:
- Không thấy thì hỏi không được hả? Nhỡ mày gặp chuyện gì rồi sao?
Viễn bật cười:
- Chân con là chân đi, từ nhỏ tới giờ con vẫn quen rong rong ngoài đường. Tướng con như vầy ai dám ăn hiếp mà nội lo.
Bà Bảy lừ mắt:
- Hừ! Bọn con gái sẽ xỏ mũi mày. Dạo này có con bé nào hay gọi điện cho con vậy?
Viễn ra vẻ nghiêm nghị:
- Cháu dâu tương lai của nội đấy.
Bà Bảy hỏi tới:
- Nhỏ đó con cái nhà ai? Tên gì?
Viễn vẫn lơ lơ lửng lửng:
- Cô bé con nhà đàng hoàng, thuộc tầng lớp trung lưu nhưng lại thương một tên lái xe ba gác mà không một chút tự ti mặc cảm với bạn bè.
Bà Bảy nhướng mày:
- Con bé đó con nhà giàu, hổng lẽ ba mẹ nó đồng ý cho quen một đứa lái xe ba gác? Chắc mẩm nó biết con là ai rồi, nhưng vẫn giả vờ cho giống tiểu thuyết đó thôi.
- Sao Khuê chưa biết nội à. Và dĩ nhiên con gặp rắc rối từ bố mẹ cô bé.
Bà Bảy khen:
- Sao Khuê hả? Cái tên nghe hay đó.
Viễn hỉnh mũi:
- Vâng. Cô bé trong sáng y như tên mình vậy. Rồi con sẽ đưa Khuê về thăm nội và ba mẹ. Bảo đảm nội gặp là chịu ngay.
Bà Bảy nói:
- Có đưa con bé về thì đưa nhanh nhanh lên chớ bà Hồng Loan bảo sẽ làm mai cho con một cô người mẫu đó.
Viễn kêu lên:
- Người mẫu hả? Chắc không hợp với con và gia đình mình rồi. Mà sao bà Hồng Loan lại mai mối cho con nhỉ? Bà ta có biết gì nhiều về con đâu?
Bà Bảy nhỏ nhẹ:
- Bà Loan rất quý con nên mới nghĩ tới chuyện xa xôi đó. Con phải trân trọng thiện ý.
Viễn nhún vai:
- Con lại chả có chút cảm tình nào với bà ta.
Giọng bà Bảy ngập ngừng:
- Tại sao vậy khi bà Loan đâu làm gì khiến con phật lòng?
Viễn nói:
- Có những người vừa gặp đã thích, cũng có những người mới thấy đã ghét. Bà Loan là người con không hạp, mà chả biết tại sao. Có thật bà Loan là bạn của mẹ con không?
Bà Bảy nhíu mày:
- Sao lại không thật?
- Tại con thấy mẹ cũng như con, không ưa bà ta. Nhắc tới bà Loan là mẹ gạt sang chuyện khác ngay. Thật ra, bà Loan là người như thế nào? Sao con thấy bà ta quen biết nhiều quá. Có mấy lần con chở bọn trẻ ở nhà Mở tới câu lạc bộ Mai Anh con gặp bà Loan, khi thì bà ta ngồi với ông giám đốc này, khi thì uống cà phê với tay trợ lý nọ. Có lần, bà Loan còn nhiệt tình lôi con vào căng tin trong đó, con phải uốn ba tất lưỡi từ chối mãi mới đi được.
Bà Bảy lãng đi:
- Làm sao nội biết những mối quan hệ của bà Loan mà con hỏi.
Viễn gật gù:
- Hôm nào con thử vào câu lạc bộ với bà Loan xem bà ấy giao thiệp rộng cỡ nào.
Bà Bảy bác ra ngay:
- Không thích bà ta thì vào làm gì cho mệt.
Viễn cười tươi:
- Thử xem cô người mẫu quen với bà Loan xinh đẹp cỡ nào.
Lườm anh một cái dài, bà Bảy nói:
- Nội ghét nhất cái tánh tham lam, đa tình, không yêu nhưng vẫn thích có nhiều cô khổ vì mình của bọn đàn ông lắm. Con liệu đi, Hoàng Diệp dạo này rất buồn, nội trông nó mà tội nghiệp.
Viễn chép miệng:
- Khổ quá! Con biết phải làm sao khi chỉ có một trái tim thôi.
Rồi anh lảng đi bằng cách gào lên hát:
- "Một trái tim khô, một trái tim mùa đông. Trái tim đã nhiều lần chạy trốn tình yêu... ".
Bà Bảy khẽ lắc đầu. Nhớ tới những thắc mắc Viễn hỏi về Hồng Loan, lòng bà nặng trĩu một mối lo. Viễn không thích Hồng Loan, nghĩ cũng oan nghiệt, nhưng bà phải làm sao đây cho đúng khi cuộc đời đã sắp xếp như thế? Dầu thế nào đi chăng nữa thì giữa Hồng Loan và Viễn cũng có những ràng buộc hết sức thiêng liêng cơ mà...
Giọng Viễn vang lên ngắt ngang suy nghĩ của bà:
- Nội còn nhớ chuyện xảy ra ở quán cơm chay không?
Bà nhíu mày:
- Nhớ. Mà sao?
Viễn trầm ngâm:
- Con thấy tội nghiệp người phụ nữ đó. Thần kinh bà ấy có vấn đề vì cái chết của đứa con bà hết sức thương yêu. Thế nhưng bà Loan lại không có sự đồng cảm nào với bà mẹ đó hết dù bà Loan cũng là phụ nữ, và cũng từng mất một đứa con.
Bà Bảy ngạc nhiên:
- Sao con biết Hồng Loan từng mất một đứa con?
Viễn kể cho nội mình nghe những lời bà Loan nói sau khi nội đã lên xe taxi. Anh kết luận:
- Bà Hồng Loan có một trái tim chứa toàn hận thù. Gương mặt bà ta chứa toàn những âm mưu, toan tính. Con không hiểu sao tự nhiên bà ta lại xuất hiện trong nhà mình. Rồi tỏ ra quan tâm, thân thiết với nội. Con nghĩ bà Loan có mục đích. Do đó nội nên tránh giao tiếp với bà ta càng nhiều càng tốt. Con sợ bà Loan lợi dụng danh tiếng của gia đình mình cũng như cá nhân nội để làm những chuyện xấu.
Bà Bảy cao giọng:
- Hồng Loan không xấu như con nghĩ đâu. Đừng đa nghi mà có tội.
Viễn vẫn giữ vững ý của mình:
- Cần tắc vô ái náy. Đề phòng người mình không biết nhiều về họ vẫn tốt hơn tin họ hoàn toàn.
Bà Bảy có vẻ buồn:
- Con ác cảm với người ta quá, nên đâm ra đa nghi. Hoàn cảnh riêng của Hồng Loan cũng tội nghiệp lắm. Con chết, chồng bỏ, một thân một mình thui thủi hà.
Viễn chép miệng:
- Nội có vẻ động lòng rồi. Con lại cho là bà ta đóng kịch buồn với nội đấy.
- Hừ! Đóng kịch với nội để làm gì cơ chớ?
Viễn thản nhiên:
- Con sẽ tìm hiểu vấn đề này.
Bà Bảy biến sắc khi nghe Viễn nói thế. Bà xua tay:
- Khỏi tìm hiểu, nội không qua lại với cô ta nữa. Vừa lòng chưa?
Viễn ngạc nhiên trước thái độ của bà nội. Rõ ràng có vấn đề. Nội anh tính khá bướng, dễ gì bà ta thay đổi như thế nếu không bị tác động bởi chuyện bí mật nào đó. Bà khiến anh đã tò mò lại càng tò mò hơn.
Gật đầu cho bà yên tâm, Viễn bảo:
- Không tìm hiểu vấn đề này nữa. Nội chịu chưa?
Bà Bảy phất tay:
- Biến cho rồi!
Viễn cười. Anh vừa lên lầu vừa huýt gió. Chụp cái điện thoại không giây, anh nằm lăn ra giường và nhấn số nhà Sao Khuê.
Xúi quẩy cho anh làm sao khi người nhấc máy là bà Hiệp. Giọng bà ngọt ngào:
- Lại là cháu hả Viễn? Cô đã nói rồi, cháu đừng làm phiền Sao Khuê nhà cô nữa. Con bé đã có nơi có chỗ rồi, hãy để nó yên, nếu không gia đình cô lại mang tai tiếng với bên hôn phu của Khuê.
Viễn khựng lại, dù chắc trăm phần trăm bà Hiệp nói dối, nhưng anh cũng bị bất ngờ. Viễn chưa biết ứng phó ra sao, bà Hiệp đã gằn:
- Cô nhắc lại. Cháu đừng làm Khuê cũng như gia đình cô nữa. Nếu không giám đốc công ty cháu vừa xin vào làm sẽ buộc phải cho cháu thôi việc đấy. Cô và ông ấy cũng là chỗ thân quen mà. Thôi, lo giữ chỗ làm đi, thời buổi này không dễ tìm việc đâu. Thất nghiệp mới chết, chớ thất tình chưa sao hết.
Viễn nhấn nút tắt rồi vứt điện thoại trên giường, lòng cứ tức anh ách vì những lời vừa nghe. Bà Hiệp không cho anh một cơ hội nào dù hết sức nhỏ nhoi, trong khi ông Thông vẫn hé cho anh tý ánh sáng ở cuối đường hầm tăm tối. Nếu Viễn buông xuôi, anh sẽ mất Sao Khuê. Chỉ tưởng tượng gương mặt cô lúc này đang nhạt nhòa nước mắt thôi, Viễn đã không bình thản nổi. Anh nhớ và muốn gặp, muốn nghe cô nói vô cùng.
Tìm trong sổ số điện thoại của Phương Du, anh vừa nhấn số vừa vái trời được gặp con bé.
Lần này thì Viễn gặp may, anh hơi nhăn mặt vì giọng chua lét của Du vang lên:
- Phương Du đâ... ây...
Viễn từ tốn:
- Anh Viễn chào Du.
- Ủa! Nhỏ Khuê có chuyện gì hả?
- Anh không biết vì không liên lạc được với Khuê.
- Anh định nhờ em liên lạc với nó phải không?
Viễn ậm ừ:
- Vâng. Nhờ Du nhắn với Khuê trưa mai anh sẽ chờ Khuê ở cổng trường.
Phương Du thở dài:
- Hổng ăn thua gì rồi nếu anh muốn hẹn hò với nó.
- Tại sai vậy?
- Dạo này nó được ba mẹ đưa đón bằng xe bốn chỗ, Khuê muốn đi siêu thị với em còn không được nữa là...
Viễn rầu rĩ:
- Sao tự nhiên Khuê được bảo vệ kỹ thế?
Phương Du nói một hơi:
- Thì cũng tại hôm trước nó xỉu. Mẹ nó vịn vào cớ đó không cho nó đi xe máy. Nhỏ Khuê y như bị giam lỏng, điện thoại bị mang vào phòng của mẹ nó, bởi vậy anh mà gọi chắc chắn một là không ai bắt máy, hai là gặp cô Hiệp.
- Thì anh vừa gặp cô Hiệp xong.
- Chắc đã nghe cô ấy lên lớp về... sự phân chia giai cấp trong xã hội loài người rồi chứ?
Mặt Viễn nghệch ra:
- Nghĩa là sao?
Giọng Phương Du kéo dài:
- Chời! Vậy mà cũng không hiểu. Là chê anh nghèo, không thuộc tầng lớp xã hội của gia đình cô ấy, nên không thể là người yêu của Sao Khuê được. Em thật bất bình cho anh. Trước đây, em không ủng hộ chuyện nhỏ Khuê quen anh, nhưng bây giờ em nghĩ lại rồi. Hy vọng cô Hiệp cũng vậy để anh và Sao Khuê đỡ khổ.
Viễn lo lắng:
- Em thấy Sao Khuê thế nào?
- Dĩ nhiên là buồn. Rất buồn là khác. Sáng nay lúc ở trường nó có gọi điện thoại về nhà anh, nhưng không gặp. Số ở công ty anh làm lại không có. Nhìn con bé nước mắt lưng tròng mà thương. Nó rất muốn liên lạc với anh.
- Anh nhờ em một việc.
- Anh nói đi.
- Ngày mai, anh chờ em ở cổng trường, anh nhờ em đưa cho Khuê một cái di động. Bọn anh sẽ liên lạc với nhau nhờ nó.
Phương Du reo lên:
- Vậy là tốt quá rồi. Nhưng anh mới đi làm chưa bao lâu mà phải tốn một cái di động. Chà! Hơi bị đau bao tử hén.
Viễn cười nhẹ:
- Có những chuyện mình không thể hà tiện được.
- Em hiểu. Mai em sẽ chờ anh. Thôi nhé! Mẹ em gọi...
Viễn nằm dài ra giường, anh nghĩ tới Sao Khuê mà thương đứt ruột. Giờ này chắc cô bé đang giam mình trong phòng và cũng đang nhớ anh. Bất giác Viễn thở dài, ngay lúc đó điện thoại reo, anh uể oải nhấn nút và ngồi bật dậy khi nghe giọng Sao Khuê. Cô nghẹn ngào tức tưởi:
- Em đang trong quán cà phê Hạ Huyền. Anh đến với em ngay đi.
Viễn vội nói:
- Anh sẽ đến ngay. Em bình tĩnh chờ anh, không được khóc hay đi đâu nhé?
Chạy như bay xuống nhà, anh nói với bà Bảy:
- Con không ăn cơm.
Rồi leo lên xe phóng vội tới quán Hạ Huyền. Suốt thời gian đến đó, Viễn rối bời trong lòng. Anh không biết chuyện gì đã xảy ra với Sao Khuê mà cô dám ra quán cà phê ngồi khi trời đã bắt đầu tối.
Vào quán, Viễn không phải tìm đã thấy cái dáng nhỏ thương yêu đang ngồi đơn độc một mình trong góc quán. Ào tới bên Khuê, anh kêu lên:
- Em làm sao vậy?
Dường như chỉ chờ anh tới để khóc, Khuê chả nói lời nào mà chỉ úp mặt vào vai anh nức nở. Viễn xót xa ôm cô trong tay, giọng Khuê đẫm nước mắt:
- Mẹ bảo gia đình Lĩnh sẽ xin hỏi cưới em trong năm nay. Em nghe mà chỉ muốn chết cho rồi.
Viễn trầm tĩnh:
- Trong năm nay, nhưng cụ thể là chừng nào?
Khuê nói:
- Nghe đâu mẹ Lĩnh đang bệnh, có lẽ đợi bác ấy khoẻ hơn một chút, gia đình bên ấy sẽ sang nhà em...
- Thì ra bác gái bảo em có nơi có chỗ là nói thật.
Sao Khuê nhìn anh chờ đợi:
- Phải làm sao đây Viễn?
Viễn nói:
- Anh sẽ xin hỏi cưới em trước Lĩnh, chớ sao bây giờ...
Khuê nhăn nhó:
- Vậy mà anh còn đùa được. Hay thật!
- Anh không đùa đâu.
- Mẹ em dễ gì chịu.
- Nhưng em chịu là được rồi.
Viễn bỗng nói:
- Thế ba em không có ý kiến sao?
- Ba em bảo đợi em xong đại học đã, nhưng mẹ vẫn khăng khăng ý của mình. Ba giận bỏ vào phòng nằm, em chịu không nổi nên.. nên...
- Chắc ở nhà đang hốt hoảng đi tìm em.
Sao Khuê im lặng. Một lát sau cô nói:
- Em sẽ tìm về Mái Ấm ở với bọn nhóc.
Viễn nheo nheo mắt:
- Và chờ ba mẹ tới năn nỉ đón em về?
Sao Khuê cụt ngủn:
- Em sẽ không về.
- Đã suy nghĩ kỹ chưa nhóc? Đó có phải cách giải quyết tốt nhất không, hay chỉ là phản ứng trước một vấn đề em chịu bó tay?
Sao Khuê nhìn Viễn với vẻ ngỡ ngàng:
- Sao lại hỏi em như vậy? Anh không ủng hộ em à? Anh không nghĩ em làm thế vì anh sao?
Viễn nắm hai tay Khuê, giọng trang trọng:
- Anh yêu em và không muốn vì anh mà em khổ hay mang tai tiếng.Bởi vậy một lát nữa anh sẽ đưa em về tận nhà.
- Nghĩa là anh bỏ mặc em ra sao thì ra?
Viễn điềm tĩnh:
- Lúc nào anh cũng bên cạnh em. Anh tin ba ủng hộ mình, do đó em không có gì phải rối lên hết.
Sao Khuê khổ sở:
- Em không thể bình tĩnh như anh được.
- Chuyện gì cũng phải kiên nhẫn. Bây giờ anh đưa em về.
Sao Khuê nói:
- Mẹ sẽ không yên nếu gặp anh.
Viễn cười:
- Bất quá mẹ sẽ can thiệp để anh bị mất việc thôi chớ gì. Không làm chỗ này, anh làm chỗ khác, miễn sao không mất em thì thôi.
Sao Khuê nghe lòng dịu xuống, những nặng nề, lo âu trong cô nguôi dần. Viễn đã làm cô bình tâm lại nhờ những lời nửa đùa nửa thật của mình. Anh bỗng hỏi một câu thật ngoài đề:
- Có thích nghe anh đọc thơ không? Anh đọc thơ để em thoải mái một tí nhé.
- Thơ của anh làm à?
- Không. Thơ của nhà thơ, anh chỉ biết lái xe ba gác thuê, chớ đâu biết làm thơ.
Sao Khuê nói:
- Anh đọc đi.
Mắt nheo nheo vừa đa tình vừa riễu cợt, Viễn đọc:
"Cô bé ơi, anh nhớ em
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm nhớ đến quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Con anh gáy hết một thời con trai
Tiếng gáy bò lên lỗ tai
Làm em nhột suốt một ngày một đêm
Cô gái ơi, anh nhớ em
Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa?
Như cà chớn nhớ cà chua
Như da em nhớ Ya-Ua ngọt ngào
Cái nhớ nhảy qua hàng rào
Không thèm đăng ký cứ nhào vô anh
Xô ra thì thấy không đành
Nên anh ôm lấy rồi anh giữ hoài
Con kiến còn nhớ củ khoai
Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau... "
Sao Khuê bật cười. Cô thích bài thơ cũng như sự lạc quan của Viễn. Ở bên anh, Khuê luôn thấy vững vàng.
Viễn trầm giọng:
- Bài thơ vui quá phải không? Bởi vậy chả có gì em phải buồn lo khi chúng ta thật lòng yêu thương nhau.
Viễn đứng vậy đưa tay cho Khuê. Cô nắm tay cho anh kéo mình lên. Ngồi sau xe cho anh chở. Khuê cứ muốn con đường dài tới vô tận, cô sợ về nhà, sợ cái nhìn nghiêm khắc, độc đoán của mẹ.
Úp mặt vào lưng Viễn, cô nói:
- Em sợ về nhà lắm Viễn ơi.
- Sợ cũng phải về. Anh bảo này... Anh sẽ thưa chuyện với hai bác, em phải cố gắng chịu đựng một chút.
Khuê ngập ngừng:
- Nếu không được thì sao?
- Sẽ tính cách khác.
- Vâng, em sẽ cố..
Tới nhà, Khuê nhấn chuông, bà Tính ra mở cửa. Thấy Viễn, bà liền bảo:
- Cậu đi ngay, kẻo mẹ Sao Khuê mà trông thấy thì phiền lắm. Nãy giờ bà ấy gọi điện thoại tới nhà cậu làm ầm ĩ lên rồi.
Sao Khuê kêu lên:
- Sao mẹ lại biết số điện thoại nhà anh Viễn?
Bà Tính thở dài:
- Bà hỏi Phương Du.
Khuê ngồi phịch xuống hàng ba:
- Trời ơi! Sao mẹ lại làm thế chứ?
Viễn lễ phép:
- Dì thưa hộ với cô Hiệp là cháu cần gặp cô, chú...
Bà Tính trợn mắt:
- Gặp để nghe mắng hả?
Viễn gãi ót:
- Mắng chắc trước sau gì cũng phải nghe, nhưng cháu vẫn phải gặp cô Hiệp ạ.
Bà Tính nhún vai:
- Vậy thì mời vào phòng khách. Ông bà có mặt đầy đủ trong đó.
Sao Khuê bấu tay anh:
- Em yêu anh.
- Anh cũng vậy. Can đảm lên nhóc.
Viễn bảo Khuê can đảm nhưng thực ra anh cũng tự động viên mình. Anh sẽ nói năng thế nào với bà Hiệp khi bà rất quyết đoán trong chuyện tình cảm của con gái.
Vừa thấy Viễn, bà Hiệp đã ầm ĩ:
- Ai cho phép cậu vào đây? Chị Tính đâu? Mời cậu này ra khỏi nhà cho tôi.
Viễn rất mực ôn tồn:
- Cháu muốn thưa với cô và bác chuyện của cháu với Sao Khuê.
Bà Hiệp gạt ngang:
- Không thưa gởi gì hết. Cậu xéo ngay đi.
Ông Thông nhỏ nhẹ:
- Sao em nóng nảy thế? Cứ để xem cháu Viễn nói gì. Nào! Cháu vào đây.
Sao Khuê lí nhí:
- Thưa ba mẹ, con mới về.
Bà Hiệp hất mặt sang một bên, không thèm ừ hử gì khiến không khí trong phòng hết sức nặng nề. Ông Thông gọi với vào bếp:
- Chị Tính, cho nước trà nghen.
Quay lại nhìn Viễn, ông hất hàm:
- Nào, muốn nói gì thì nói đi.
Viễn thấy miệng khô đắng. Thật ra trong khung cảnh này không dễ mở lời chút nào.
Anh trầm giọng:
- Cháu muốn thưa rằng cháu thương Sao Khuê thật lòng, xin phép cô cho chúng cháu đến với nhau.
Bà Hiệp gạt ngang:
- Tôi đã nói rồi, Sao Khuê đã có nơi xin hỏi cưới. Tôi đâu thể cho phép được.
Viễn nói:
- Nhưng Khuê không có tình cảm với nơi đó, Cháu xin cô nghĩ lại. Một cuộc hôn nhân không tình yêu khác nào tự đào mồ chôn sống mình.
- Ví von nghe... tiểu thuyết lắm, nhưng một cuộc hôn nhân không tiền tài danh vọng sẽ đào mồ chôn cả con cháu đấy. Cậu nghèo quá sao bảo đảm cuộc sống của con gái tôi. Bởi vậy cậu quên nó đi.
Viễn nghiêm nghị:
- Cháu không cho rằng tiền tài, danh vọng làm nên hạnh phúc.
Bà Hiệp cười nửa miệng:
- Vậy cái gì làm nên hạnh phúc? Cái phòng cho thuê ở khu ổ chuột cộng với cái xe ba gác à?
Sao Khuê bật khóc:
- Con xin mẹ đừng nói thế. Con thà chết chứ không ưng anh Lĩnh, cho dù gia đình ảnh giàu nức đố đổ vách.
Ông Thông gắt:
- Chưa chi đã đòi chết, sao dễ dàng chấp nhận kết thúc bi thảm vậy? Tất cả tương lai vẫn còn đang trước mặt con mà. Cha mẹ có sắp xếp con vào một hướng nào đó cũng vì thương con, sợ con khổ vì thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống chớ cuộc đời con do con quyết định, cha mẹ hứa sẽ tôn trọng quyết định của con.
Bà Hiệp sững người rồi ré lên:
- Anh nói vậy là sao?
Ông Thông phát một cử chỉ bảo bà Hiệp im lặng rồi ông nói tiếp:
- Tôi không thích ép uổng con mình. Nó có quyền lựa chọn hạnh phúc cho nó. Sau này sướng vui, buồn khổ cũng do nó, không thể trách ai được.
Bà Hiệp lên tiếng:
- Sinh con ra, nuôi con lớn tới chừng này, biết bao nhiêu cực nhọc, sao lại để nó đi vào con đường đau khổ được. Em nhất quyết hướng con theo ý mình. Bây giờ có thể nó buồn, nhưng sao này nó sẽ không khổ vì thiếu thốn, nghèo đói.
Ông Thông gằn giọng:
- Tôi tin Viễn không để con bé thiếu thốn, nghèo đói vì cậu ấy là người lăn lộn với cuộc sống, những người như thế mới là người đứng mũi chịu sào khi có sóng to gió lớn. Còn các chàng công tử nhà giàu được sinh ra trong nhung lụa chỉ quen sung sướng, nhỡ có biến cố gì sẽ là người gục ngã đầu tiên chớ không phải chỗ dựa vững vàng cho con gái mình đâu. Cuộc đời dài lắm, không ai biết được nó sẽ chảy về đâu.
Viễn nhỏ nhẹ:
- Cháu cám ơn bác đã tin tưởng cháu.
- Đừng cám ơn tôi. Tôi chưa tin tưởng cậu đâu, nhưng tôi là người cha, tôi biết làm sao để con tôi yên lòng vào lúc này. Nó vẫn chưa tốt nghiệp đại học, với cuộc đời nó còn trong veo... Tôi nói thế cậu hiểu chứ?
Viễn gật đầu:
- Vâng, cháu hiểu.
Ông Thông dịu giọng:
- Cậu về được rồi đấy!
Viễn máy móc đứng dậy:
- Cháu xin phép hai bác ạ.
Sao Khuê vội bước theo anh ra sân, giọng cô ríu lại:
- Em mừng quá!
Viễn thở dài:
- Trái lại, anh rất lo...
Khuê ngạc nhiên:
- Sao lại lo? Ba đã nói thế cơ mà?
Viễn trầm ngâm:
- Ba chỉ giao con gái rượu cho anh nếu anh xứng đáng là chỗ dựa vững vàng, là người đứng mũi chịu sào cho cô ta. Với anh, đó là một trọng trách, sao anh không lo cho được.
Âu yếm nhìn Sao Khuê, Viễn nói tiếp:
- Thế mới biết yêu và được yêu là một hạnh phúc và một bổn phận hết sức thiêng liêng.
Sao Khuê chớp mi:
- Hạnh phúc và bổn phận. Có lẽ anh nói đúng. Em cũng nghĩ như vậy.
Viễn mỉm cười:
- Nếu biết nghĩ thế, em đã là người lớn rồi đó nhóc.
Ngàn Năm Đợi Ngàn Năm Đợi - Trần Thị Bảo Châu Ngàn Năm Đợi