Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Tự Tay Ta Làm Nên - Chương 1
huyện của Mác-tư-nốp có ba mươi nông trang.
Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô họp tháng Chín năm 1953 đã làm cho cả nước chú ý đến nông thôn. Nhưng đương nhiên, những nghị quyết của hội nghị toàn thể chưa thể lập tức có ảnh hưởng đến mùa màng, đến kinh tế nông trang, bởi vì vào lúc đó năm nông nghiệp đã gần kết thúc.
Tình hình trong huyện vẫn còn hết sức phức tạp: thu nhập và giá trị ngày công trong các nông trang khác nhau rất xa.
Trong huyện có năm nông trang giàu có thực sự là những nông trang tiền tiến: nông trang “Chính quyền của các Xô-viết” chủ tịch là Đê-mi-an Va-xi-li-ê-vích Ô-pi-ôn-kin, nông trang “Tháng Mười đỏ” “Bình minh”, “Người bôn-sê-vích”, “Xpác-ta-cút”, chủ tịch cửa các nông trang đó cũng là những cán bộ làm công tác nông nghiệp lâu năm, giàu kinh nghiệm, tha thiết với công việc của nông trang. Nông trang “Tổ quốc” tiến vượt bực, huyện ủy đã điều Đô-rô-khốp trước đó là gác rừng về nông trang này (thực ra Đô-rô-khốp được trả về vị trí cũ là theo yêu cầu của các nông trang viên). Còn một nông trang nữa cũng đã vươn lên thành nông trang tiền tiến: hai năm trước vì nhớ ruộng đất, Ri-a-gian-txép một cán bộ chỉ đạo của huyện, nguyên là kỹ sư nông nghiệp, đã trở về đấy làm việc.
Có chừng mười lăm nông trang vào loại trung bình, chủ tịch của các nông trang đó là những người chính trực, không nghiện rượu, chỉ cần giúp đỡ họ nhiều hơn nữa, dạy cho họ tất cả những cái mới, có ích trong sản xuất nông trang.
Theo lời kêu gọi của Đảng, từ các thành phố có những người về công tác ở huyện, trong đó có cả những cán bộ chuyên môn nông nghiệp và những người không chuyên môn.
Kỹ sư Đôn-gu-sin, đảng viên từ năm 1925, ở Bộ luyện kim đen tại Mát-xcơ-va về nhận chức trưởng trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca thay cho ông già Glô-tốp. Ở vụ tổ chức cán bộ của Bộ, có người nào tình cờ xem lý lịch của Glô-tốp, đọc đến mục “học vấn”, bèn quyết định phải lập tức đưa một kỹ sư về thay thế ông. Thậm chí không thèm hỏi xem hiện nay ông làm việc thế nào. Mặc-tư-nốp đã bênh vực được Glô-tốp (anh nói chuyện bằng điện thoại với bí thư tỉnh ủy, thậm chí cả với thứ trưởng Bộ nông nghiệp). Trong nghị quyết của Hội nghị tháng Chín toàn thể Trung ương Đảng có nói rằng cần thay thế các trưởng trạm máy kéo không có trình độ đại học, trước nay giữ chức vụ đó chỉ do có kinh nghiệm, và chỉ trong trường hợp ngoại lệ mới có thể để cho những người như thế tiếp tục làm trưởng trạm. Song theo ý Mác-tư-nốp, Glô-tốp chính là trường hợp ngoại lệ ấy. Trong mùa hè vừa qua, Mác-tư-nốp đã thấy rõ Glô-tốp có thể và muốn làm việc tốt hơn, ông già dường như trẻ lại mười tuổi, trạm máy kéo của ông giải quyết công việc nhanh hơn và tốt hơn tất cả các trạm máy kéo khác, tạo được năng suất mùa màng cao nhất huyện, thực hiện vượt mức kế hoạch gieo vụ thu. Ngoài ra, trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca còn có thêm hai người mới được điều về làm kỹ sư trưởng và trưởng xưởng sửa chữa, hai người hoàn toàn không biết gì về nông nghiệp: một người ở ngành đường sắt, một người ở nhà máy liên hợp làm cao-su.
Đôn-gu-sin được điều về trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca, trưởng trạm máy kéo ở đấy quả thực không đảm đương nổi công việc.
Có hai cán bộ chuyên môn được đưa từ ty nông nghiệp về. Một người được đưa về trạm máy kéo Ô-lê-si-nô làm kỹ sư trưởng nông nghiệp, người kia được cử đi làm chủ tịch nông trang. Các cơ quan huyện được tinh giản, lấy ra được mấy kỹ sư nông nghiệp, mấy kỹ sư chăn nuôi, tất cả đều được về công tác hẳn ở các nông trang.
Tuy nhiên trong huyện vẫn còn bảy nông trang cần củng cố bộ phận lãnh đạo, cần thay thế chủ tịch ngay tức thời, không một chút chậm trễ. Bảy nông trang - một vùng diện tích và dân số không nhỏ của huyện - vẫn còn sống vất vưởng với năng suất bốn - năm tạ một héc-ta, tiền nong không có, nợ ngập đầu ngập cổ. Cần có những biện pháp mạnh mẽ để vực những nông trang ấy lên.
Trong đợt giá rét đầu tiên, Mác-tư-nốp đến một trong những nông trang như thế, đấy là nông trang “Đấu tranh”, một nông trang xa nhất huyện. Nếu thời tiết không rét đến mức làm cho nước đóng băng thì không thể đến nông trang đó bằng bất cứ phương tiện nào, qua những nơi không có đường, qua những đầm lầy và những rừng cây trăn ngập nước. Trong thời gian công tác ở huyện, Mác-tư-nốp đã nhiều lần đến tất cả các nông trang, cũng có lần anh đến cả nông trang “Đấu tranh”, nhưng vẫn chỉ ghé qua thôi. Lần này, anh giao hết mọi việc ở huyện ủy cho Mét-vê-đép, đến ở đấy ba ngày đêm. Anh không ngủ ở nhà ông chủ tịch, mà ở nhà các nông trang viên, xem xét kỹ mọi việc làm ăn, nói chuyện với hàng chục người, gọi cán bộ thanh tra ở trạm máy kéo đến, có thể nói anh mở cuộc điều tra về nguyên nhân tình trạng nghiêm trọng ở nông trang, không coi nhẹ cả việc thu thập các đơn từ và các cuộc đối chất nhằm giúp cho công việc của kiểm sát trưởng được dễ dàng hơn.
Rời khỏi nông trang “Đấu tranh”, anh bàng hoàng, phẫn uất, đau lòng vì những điều mắt thấy tai nghe.
...Biết bao nhiêu lần Mác-tư-nốp phải nghe các nông trang viên bình thường nói những lời như thế này:
- Các đồng chí lãnh đạo ơi, không phải tất cả các đồng chí đều biết tình hình ở nông trang của chúng tôi như thế nào!..
- Chỉ xem báo cáo thống kê thôi thì không thể biết được đời sống của chúng tôi!
- Phải ăn với chúng tôi một pút muối thì mới biết hết được!..
Một nhóm tên bất lương đã biến nông trang “Đấu tranh” thành đất thế tập của chúng. Những tên đã trở nên đồi bại, nghiện rượu và quen thói ăn cắp, không thiết gì đến việc làm ăn của nông trang.
Bất kể trên đồng ruộng có mọc lên cái gì không, năng suất tám tạ hay bốn tạ, đối với các ủy viên ban quản trị, kế toán, chủ tịch ban kiểm tra, những thứ còn lại trong các vựa thóc và các nhà kho vẫn đủ dùng làm “quỹ”. Mùa đông năm ngoái, khi ở các trại chăn nuôi, gia súc chết hàng loạt vì không có thức ăn, và các nông trang viên không được phát lấy một nắm rơm cho bò của mình ăn, thì trong sân nhà ông chủ tịch và sân của các ủy viên quản trị vẫn lù lù hàng đống cỏ ba lá. Bao nhiêu ngỗng và cừu, gà bị giết thịt trong các buổi chè chén, người ta đổ lỗi cả cho cáo và chó sói. Các ủy viên quản trị lấy mỗi tên năm - bảy ngàn rúp để chi vào các khoản “sẽ thanh toán sau”, đấy là không kể những thứ đã lấy ở quỹ và các kho mà không vào sổ và thanh toán gì hết. Đây là vụ ăn cắp của công mà ngay cả tên kế toán đồng mưu cũng không thể che giấu nổi.
Mác-tư-nốp sửng sốt về việc các nông trang viên không hề viết đơn gửi đến bất cứ nơi nào, không hề khiếu tố về tình trạng lộn bậy ở nông trang. Rồi sau anh hiểu tại sao họ không khiếu tố.
Phê-đu-lốp, phó chủ tịch Ban chấp hành Xô-viết huyện, một tay rất thích đi săn và câu cá, thường xuyên đến nông trang “Đấu tranh” với tư cách là đặc phái viên đôn đốc các đợt vận động này khác. Mỗi lần y trở về nhà, chủ tịch nông trang là Ma-rơ-kin lại tổ chức đánh cá ở ao của nông trang, mở tiệc rượu canh cá, và khi chia tay thì nhét vào ca-bin xe hơi của Xô-viết huyện một cái sọt lớn đan bằng cành liễu, trong sọt đầy ắp cá chép và cá giếc tươi. Thấy cán bộ huyện thân với ông chủ tịch, nông trang viên không dám khiếu nại lên huyện. Mấy lá thư gửi lên báo tỉnh lại được trao cho chính tên Phê-đu-lốp ấy để tiến hành điều tra. Nhưng làm sao hắn có thể để cho những đơn khiếu tố ấy tiếp tục được cứu xét, một khi các thợ mộc ở nông trang “Đấu tranh” theo lệnh điều động của Ma-rơ-kin, đã làm không công cho hắn để hắn xây một tòa nhà mới ở thành phố. Họ làm cho hắn những cửa lớn, khung cửa sổ bằng gỗ của nông trang, và chạm trổ những hình trang trí ở bậc tam cấp... Mác-tư-nốp phải mất nhiều thời gian, gạn hỏi các nông trang viên từng ly từng tí, cho đến khi rút cuộc họ tin chắc rằng đồng chí bí thư huyện ủy thực tâm muốn truy tìm cho ra nguyên nhân làm nông trang lụn bại và sẽ không tiết lộ những điều họ nói, khiến cho Ma-rơ-kin và những kẻ vẫn chè chén với hắn truy trù họ.
Thậm chí Mác-tư-nốp không hình dung hết được những thủ đoạn thiên hình vạn trạng, được đem ra dùng ở đấy, một nơi hẻo lánh bị thượng đế và các cán bộ lãnh đạo huyện quên lãng như thế này, để bóp nghẹt phê bình và làm cho các nông trang viên khiếp sợ. Trong lúc việc điều tra còn kéo dài, người ta còn đang cứu xét đơn khiếu tố của anh về những tên ăn cắp của công (mà chưa chắc đã cứu xét một cách công tâm), thì ở đấy chủ tịch nông trang hay đội trưởng sản xuất cùng với tay nhân viên giữ sổ sách sẽ o ép anh, làm anh khốn khổ trăm bề. Họ sẽ phân cho anh những việc bất lợi nhất về công điểm. Biểu chấm công sẽ bị làm cho rối tinh rối mù lên, đến nỗi cuối năm tính ra không được đến nửa số công điểm và anh không có cách nào minh chứng được rằng anh đã làm được ngần ấy, rồi người ta còn nhớ lại lỗi lầm cũ, phạt nặng gấp năm lần về chiếc bánh xe anh đánh gãy năm ngoái, khi con ngựa sợ ô-tô làm đổ chiếc xe tải.
Các nông trang viên thuật lại rằng: có khi chủ tịch nông trang, chủ nhiệm kinh tế, các đội trưởng sản xuất ngây ngây dại dại vì nốc rượu quá nhiều, đến ngồi trên bậc thềm đất gần nhà một người nào đó và nghĩ cách làm thế nào xoay ra rượu uống nữa cho giã cơn say. Họ thấy một con bò cái đến gần đống cỏ của nông trang, dũi sừng làm cỏ khô vung vãi. Có cớ gây sự rồi! Họ lùa con bò vào sân nhà đội trưởng, phái người đi tìm bà chủ: “Này thím Na-chi-a, nộp phạt năm mươi rúp về tội làm hư hại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Rồi họ dùng số tiền ấy mua rượu, cùng uống ngay tại đấy. Xong lại ngồi rình xem có con bê hay con bò cái nào đến gần đống cỏ không!
Ấy thế mà muốn xin rơm lợp nhà, mượn con ngựa kéo xe ra chợ thì đừng có đến gặp đội trưởng, nếu không có chai rượu mang theo, ở đấy điều đó đã thành cái lệ. Có phải là đút lót gì đâu? Chỉ là một chầu khao theo tục lệ cũ của nông dân. Bán cỏ chưa hái cho các nhân viên và công nhân - khao, chia vườn cho các nông trang viên - khao, nhận người vào nông trang - khao, và mỗi lần bầu lại chủ tịch nông trang cũng lại khao. Có điều, trong trường hợp bầu lại chủ tịch, người bỏ tiền ra không phải là các nông trang viên, mà là ban quản trị. Hai lần Ma-rơ-kin được bầu làm chủ tịch nông trang “Đấu tranh” và lần nào cũng thế, sau khi bế mạc cuộc họp, viên kế toán lên có lời với bà con. Y bước ra, tay cắp cái cặp căng phồng và tất cả những người có quyền bầu cử, vừa bầu Ma-rơ-kin, đều được y phát cho mười rúp đủ mua hai trăm gam rượu.
Mác-tư-nốp không tin ở tai mình nữa. Lòng anh đau như cắt, nỗi hổ thẹn nung nấu ruột gan anh. Anh thấy rõ mình có lỗi nặng với các nông trang viên. Đâu phải không có những “dấu hiệu báo động” phát đi từ nông trang?.. Các nông trang viên thậm chí không còn muốn khiếu nại lên bất cứ cấp nào nữa, đó chính là lỗi ở anh. Các cán bộ chỉ đạo của huyện đã đến đây nhiều lần, nhưng hẳn là ngoài việc hướng dẫn cách trình bày biên bản các cuộc họp Đảng sao cho đúng thể thức, họ không quan tâm đến việc gì khác nữa.
Ở nông trang “Đấu tranh” có mười hai đảng viên, một tổ chức đảng không phải là nhỏ. Bí thư là Mô-gút-nưi, ông ta cũng là đội trưởng đội chữa cháy của xã. Ông ta không thể tích cực đấu tranh chống nạn nghiện rượu, bởi vì về điểm này, chính ông ta cũng là kẻ tội lỗi. Có lần, vào ngày chủ nhật, ông ta đã phóng xe ngựa không có bánh xe rong trong làng: trong lúc ông ta uống rượu ở nhà một người đàn bà góa quen biết, bọn trẻ con trai đã tháo hết đai ốc trên các trục bánh xe.
Chủ tịch Ma-rơ-kin, chủ nhiệm kinh tế Sa-ra-pốp là đảng viên, cả hai đều vào Đảng từ năm 1947. Mô-gút-nưi than phiền với Mác-tư-nốp về kiểm sát trưởng của huyện:
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, tôi đã thử tìm cách trị một tên nào đó. Tôi thu thập tài liệu đưa cho kiểm sát trưởng.
Thì tên Sa-ra-pốp đấy, hắn lạm tiêu sáu vạn rúp và lạm thu đủ mọi khoản nữa. Thế mà kiểm sát trưởng bảo tôi: “Tôi không thể truy tố hắn, chừng nào hắn chưa bị khai trừ ra khỏi Đảng. Lệ thường là như thế. Hãy khai trừ hắn ra khỏi Đảng, khi ấy chúng tôi sẽ xét xử”. Nhưng làm thế nào khai trừ được? Anh hãy giúp cho chúng tôi có lý do làm việc đó, hãy vạch rõ rằng hắn phạm pháp đang bị khép vào một điều luật xử phạt nghiêm khắc đến nỗi những bạn chí thiết của hắn cũng không dám bênh vực hắn! Thế là chúng tôi mặc cả với nhau. Tôi bảo: “Hãy truy tố hắn đi đã, rồi chúng tôi sẽ khai trừ”. Còn kiểm sát trưởng nói: “Hãy khai trừ đi đã, rồi chúng tôi sẽ trị hắn”. Ở ta vẫn có hiện tượng ông chẳng bà chuộc như thế đấy, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Người ngoài Đảng mà phạm tội như thế thì truy tố. Còn nếu là đảng viên thì chúng ta cứ kéo rê ra, viện thủ tục này, thủ tục khác, xét đi xét lại vụ án. Tuy thực ra, kẻ phạm tội không có cách gì biện bạch được.
Trong số mười hai đảng viên ở nông trang “Đấu tranh”, có chưa đến một nửa là nông trang viên thực sự. Tất cả những người còn lại chỉ là nông trang viên “danh nghĩa”, người thì đứng cân ở nhà máy xay, người thì đảm nhiệm công việc thu mua ở hợp tác xã cung tiêu, người thì là nhân viên tài vụ. Vợ họ được ít ngày công nhất, không một người nào làm được mức công tối thiểu.
Trong nông trang cũng có những đảng viên khá: hai nông trang viên bình thường là anh em Mắc-xi-mốp, đội trưởng đội xây dựng Cun-cốp, tổ trưởng tổ làm đồng Phê- đô-tô-va, thú y sĩ Su-mi-lốp, đảng viên từ năm 1924, khóa Lê-nin. Trong cuộc bầu ban quản trị gần đây nhất, họ chống lại việc bầu những ứng cử viên do Phê-đu-lốp giới thiệu, họ ra sức chứng minh rằng nếu giao phó nông trang cho những tên bịp bợm thêm một năm nữa thì chúng sẽ làm cho nông trang hoàn toàn phá sản. Phê-đu-lốp coi những lời phát biểu của họ trong buổi họp là hành động động phá hoại cuộc bầu cử, còn ông già Su-mi-lốp được báo trước rằng ông có thể bị thu hồi thẻ đảng vì tổ chức “nhóm chống Đảng” trong nông trang...
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện