Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Little rain
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 13523 / 37
Cập nhật: 2015-07-22 16:13:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
9
Những ngày tiếp theo tôi trở về với cuộc sống bình lặng, nhưng không còn chán chường nữa. Chẳng có việc gì làm, tôi đem hết thời gian rảnh rỗi vào việc chăm sóc Trường Duy. Tôi muốn đền bù cho anh những nỗi buồn mà tôi đã gây ra, dù chả biết mình đã làm gì cho anh buồn, nhưng Trường Duy đã bảo buồn tôi, thì là tôi có làm điều gì đó tệ hại lắm.
Sáng nay đi chợ, tôi mua đầy giỏ củ cải muối, những lúc trước tôi cấm anh nên anh chẳng hề muốn ăn nữa. Tội nghiệp anh quá, ý thích có gì cao siêu đâu mà cũng bị cấm, sao lúc trước tôi độc đoán thế nhỉ?
Suốt cả buổi sáng tôi cứ loay hoay trong bếp, bận tíu tít với mấy món ăn mà Trường Duy thích, mỗi thứ tôi đều làm một ít, nhà chẳng có ai ngoài hai chúng tôi. Tôi làm với tất cả say mê, như trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn ý thích của anh.
Đến trưa thì nấu nướng cũng xong, nhưng có một điều làm tôi băn khoăn sao ấy, hình như những thứ tôi làm đều vụng về như đồ chơi con nít. Tôi mang máng nhớ lại những thứ mà mẹ chồng tôi nấu, mỗi lần bà ấy luộc rau thì chúng vẫn còn xanh nõn nhìn thật thích mắt. Còn đĩa rau của tôi thì có màu sậm, cọng và lá đều tơi tả, ỉu xìu, thấy như khổ sở lắm và món bông cải xào thì mặn tê lưỡi, món thịt kho lại ngọt lịm, không hiểu sao kỳ vậy. Tôi bối rối nhìn bàn ăn, có nhiều thứ cần sửa lại lắm, nhưng có trời mới biết sửa bằng cách nào.
Tôi đi luẩn quẩn trong bếp, rối tung cả đầu chẳng biết phải làm sao. Một món thì tôi có thể tập trung suy nghĩ được, chứ còn nhiều thứ quá tôi biết sửa thế nào cho ổn đây, chẳng lẽ bây giờ chạy về hỏi mẹ. Tôi định gọi điện hỏi mẹ, nhưng nhớ ra nhà tôi chẳng có điện thoại, thôi thì hỏi mẹ Trường Duy vậy.
Tôi thở dài đến bên điện thoại, bên kia đầu dây, giọng mẹ chồng tôi thật ngọt ngào tự nhiên, tôi thấy yên tâm, tôi thì thầm:
- Mẹ này, thí dụ mình xào một món gì đó lỡ mặn quá thì phải làm sao hả mẹ?
- Con nói gì? Nói lớn lên.
Trời ơi, làm sao mà nói lớn chứ. Nhưng nhớ ra nhà không có ai, tôi lại thấy yên tâm la to hơn, bên kia đầu dây tôi nghe bà bật cười:
- Không sao đâu, con cứ thêm bột ngọt cho bớt mặn.
Ôi có vậy mà tôi không nghĩ ra. Chuyện dễ ợt.
Mẹ chồng tôi lại hỏi:
- Con còn làm hư món gì nữa không?
- Vậy nếu thịt kho mà ngọt thì cứ cho muối vào hả mẹ? Thêm như vậy không sao hết chứ mẹ nhỉ?
- Ừ.
-...
- Con còn hỏi gì nữa không?
- Dạ hết rồi.
Tôi gác máy, chạy ào vào bếp cho một muỗng bột ngọt vào dĩa cải xào, một muỗng muối vào đĩa thịt kho. Thế là xong. Lát nữa Trường Duy về sẽ lé mắt cho coi.
- Gì mà cười hăm hở một mình vậy cưng?
Tôi giật thót người, quay lại nhìn Trường Duy đang đứng phía sau, chưa kịp trả lời thì thấy anh nhìn nhìn bàn ăn:
- Ở đâu ra nhiều món quá vậy, em mua đó hả?
- Đâu có mua, em tự nấu hết đấy.
- Thật hả?
- Thật chứ, bộ em nói láo lắm hả?
- Ờ... Anh hơi ngạc nhiên, trời ơi, em giỏi quá - Và anh hôn lên mặt tôi.
Tôi cười ríu rít đi theo anh vào phòng, giúp anh thay đồ. Khi ngồi vào bàn ăn, tôi thấy Trường Duy nhìn nhìn đĩa rau, nhưng không nói gì. Nhìn cái cách ăn của anh tôi có cảm tưởng anh phải huy động toàn bộ tinh thần để làm nhiệm vụ, anh ăn như có bổn phận phải cho thức ăn vào miệng, vì nếu không làm vậy thì bị đói, tôi chưa thấy ai ăn có vẻ khổ sở như thế bao giờ. Tôi hoang mang:
- Bộ em nấu dở lắm hả anh?
- Không, không dở, cũng hơi ngon ngon.
- Anh có thích mấy món này không?
- Thích chứ.
- Em nhớ lúc trước anh hay đòi mẹ làm cải xào, em bèn làm nó đó trước đấy.
- Vậy hả cưng? - Trường Duy nhìn chăm chăm đĩa bông cải, rồi ngập ngừng - Hình như bột ngọt chưa tan hết... Em mới bỏ bột ngọt vô sau hả?
- Dạ, vì em thấy nó mặn quá.
Sao nụ cười anh có vẻ thiểu não thế nhỉ. Tôi cắn thử một miếng, ờ... Nó có vị gắt, kỳ quá. Tôi đẩy đĩa cài xào ra xa.
- Thôi anh đừng ăn thứ này nữa, em làm hư rồi.
Tôi kéo đĩa cá chiên lại gần anh, gắp một miếng, sao bên trong có màu đỏ đỏ vậy nhỉ? Chẳng lẽ cá chưa chín hết? Nhưng làm sao chưa chín được, tôi thấy da nó vàng gần như chuyển sang màu đen rồi. Chiên như thế dứt khoát phải chín thôi. Tôi ngồi yên nhìn đĩa cá, nghĩ mãi mà không ra vì sao nó lại như vậy.
Vậy là công trình cả buổi sáng của tôi hoàn toàn bị hỏng hết rồi, không có cái nào ăn được cả, tôi buồn quá. Tôi chống tay lên bàn rầu rĩ:
- Em đã ráng hết sức mình rồi, thật không hiểu sao không món nào ngon hết, chắc là em không có khiếu nấu ăn, làm sao bây giờ hả anh?
Trường Duy an ủi:
- Nếu lần này nấu dở thì mai mốt sửa lại, đừng buồn nữa cưng.
Không hiểu nghĩ thế nào đấy anh lại nói:
- Nhưng mà nấu cũng khéo đó chứ, anh thích ăn lắm.
- Thật không anh?
- Thật mà, em nấu thế nào anh ăn cũng được hết. Nếu ăn không nổi thì anh sẽ ráng, em đừng buồn nữa nghe cưng.
Tôi không nghe anh nói, nhỉn đăm đăm góc phòng:
- Anh biết không, em muốn làm toàn những món anh thích, em nghĩ trưa nay về anh sẽ vui lắm, em mua củ cải về ngâm muối cho anh nữa kìa, vậy mà...
Tôi thấy Trường Duy quay phắt lại nhìn thau củ cải, hình như anh hơi hoảng:
- Thôi khỏi khỏi, em đừng làm mệt lắm, anh hết thích nó rồi.
- Sao vậy?
- À...Ừ, ăn món đó nóng lắm, anh không thích ăn nữa, ngán lắm.
- Vậy anh thích ăn gì, ngày mai em làm món đó.
Trường Duy lúng túng:
- Anh cũng không nhớ nữa. Thôi, em cứ nấu những món bình thường thôi, đừng làm rườm rà nữa, mệt em lắm.
Tôi hăm hở:
- Nấu ăn chứ có gì đâu mà mệt, em muốn làm cho anh vui mà.
Trường Duy có vẻ cảm động, nhưng hình như điều đó không xua nổi ấn tượng hãi hùng về bữa ăn hôm nay, anh cười sao chẳng tươi chút nào:
- Em lo như vậy là anh vui lắm rồi. Đừng làm nhiều nữa cưng à, thôi thế này nghe, ngày mai em cứ mua tép về và bông cải mấy món đó nấu nhanh lắm, cho nên em chờ trưa anh về rồi mình cùng nấu, em chịu không.
- Cũng được.
o O o
Hôm sau đi chợ về, tôi chỉ mua những thứ Trường Duy dặn, buổi sáng tôi ra vào thơ thẩn trong nhà và nghĩ về Trường Duy. Tôi loay hoay với những ý nghĩ làm cách nào cho anh vui, vì tôi đã làm anh buồn nhiều quá rồi.
Ờ, nếu trưa Trường Duy về rồi lại phải nấu nướng chắc sẽ mệt lắm. Thương anh quá đi, thôi thì tôi sẽ làm lấy một mình vậy.
Tôi lại hăm hở lao vào bếp, bắt đầu rửa tép. Hình như tôi mua nhằm tép không tươi lắm, chúng có mùi nồng nặc khó chịu. Tôi kiên nhẫn rửa sạch, ba lần bốn lần... Vẫn còn tanh quá. Tôi hí hoáy pha xà bông, trút tất cả tép vào đấy rửa thật kỹ... Cuối cùng thì cũng tẩy được cái mùi khó chịu ấy, dù sao thì mùi xà bông cũng dễ chịu hơn.
Trường Duy về, anh nhìn tô canh bốc khói nghi ngút hài lòng, tôi thích vô cùng và hãnh diện nhìn anh, chờ một lời đồng tình.
Không hiểu sao Trường Duy cứ ngậm muỗng canh trong miệng, vẻ mặt anh phân vân không biết nên nuốt hay nhổ bỏ đi, tôi nhìn anh chăm chú, không hiểu nổi vì sao. Cuối cùng, Trường Duy khẽ nhăn mặt nuốt hết muỗng canh, môi anh mím lại:
- Hình như canh có mùi xà bông vậy Phượng?
- Chắc vậy, tại em rửa tép bằng xà bông mà.
Trường Duy nhìn tôi kinh ngạc:
- Cái gì? Em rửa tép bằng gì?
- Bằng xà bông.
- Trời ơi... sao em lại làm vậy?
Tôi nhăn mặt:
- Vì nó tanh quá, em không chịu nổi mùi đó.
Vẻ mặt Trường Duy như dở khóc dở cười:
- Hôm qua anh dặn để trưa về anh nấu, sao em làm chi vậy?
- Vì em sợ anh mệt.
Anh kéo tôi vào lòng nói dịu dàng:
- Em không biết làm gì đâu, để từ từ anh dạy cho, bây giờ em thay đồ đi.
- Chi vậy?
- Mình đi kiếm một cái gì đó ăn đỡ, anh đói lắm.
Tôi buồn bã đi thay đồ, vậy là tôi chẳng làm được trò trống gì cả. Lúc trước tôi hay bảo Mai Lan, nhưng xem ra tôi có hơn gì nó đâu, chỉ có đỡ hơn là tôi không bê bối như nó, còn khoản nấu nướng thì...
o O o
Tôi lại nhận hợp đồng đạo diễn cho bộ phim mới. Tôi tự tin hơn và hoàn toàn bị cuốn hút vào kịch bản. Đây là đề tài mà tôi rất thích khi còn đi học. Cốt truyện thật đơn giản, nó kể về quãng đời của một cô gái giang hồ, một cô gái phóng đãng dữ dội, bất cần đời nhưng lại giấu trái tim yếu đuối lãng mạn, dễ vỡ. Rồi cô ta gặp người con trai cũng có tính cách giống như thế, thế là họ yêu nhau cũng dữ dội và dày vò nhau cũng điên cuồng. Cuối cùng họ phải dẹp bỏ tính kiêu ngạo và khuất phục trước tình yêu chân chính, họ vượt qua mọi bi kịch trong cuộc sống để đến với nhau.
Tôi không cố ý đưa kịch bản lên đỉnh cao để lấy nước mắt người xem, mà chỉ khai thác những điều nhỏ nhặt, bình dị trong cuộc sống để qua đó bộc lộ một cách tinh tế nội tâm nhân vật... Tất cả những chi tiết tưởng như bình thường ấy lại nói lên một chủ đề, một triết lý sâu sắc: rằng tình yêu có sức mạnh kỳ diệu, có thể làm lung lay đến tận ngõ ngách sâu kín của tâm hồn con người. Và trên đời này không hề có con người hoàn toàn xấu xa, chỉ có tính cách đẹp đẽ bị vùi lấp vì hoàn cảnh xã hội mà thôi.
Chú Duy An có vẻ tâm đắc với ý kiến của tôi. Trưa nay chúng tôi ngồi thật kâu trong quán cà phê, chỉ để trao đổi quan điểm nghệ thuật. Hình như phấn khởi quá, chú Duy An vỗ lên vai tôi thật mạnh, như thể tôi là con trai, đau muốn chết nhưng tôi lại không giận, ngược lại tôi lấy làm thích thú với quan hệ bạn bè hơn là đồng nghiệp này.
Chú Duy An cưởi tít mắt:
- Từ đó giờ chú cộng tác với nhiều người, nhưng chưa có ai hợp ý chú như Phượng cả. Nhỏ này còn con nít mà sâu sắc quá chứ.
Tôi nhìn chú Duy An tự nhiên tôi thấy chú ấy cũng còn con nít, đúng hơn là trẻ trung hơn cả Vĩnh Tuyên nữa. Vĩnh Tuyên thì lúc nào cũng trầm ngâm nghĩ ngợi như ông cụ. Trưa nay đi quay ở công ty liên hợp của chú Quang, chúng tôi mượn phòng khách của công ty để dựng cảnh một buổi tiệc tùng trác táng của nhân vật chính. Tất cả đã chuẩn bị xong, chỉ thiếu diễn viên chính, chờ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy chị ta xuất hiện, bực mình đến chết được.
Mọi người tụ tập nói chuyện phiếm, tôi ngồi phịch xuống ghế mặt lầm lì. Vĩnh Tuyên đến bên tôi với một nắm kẹo trên tay, giọng anh ta thật bình thản:
- Ăn kẹo cho đỡ buồn Phượng.
Tôi phẩy tay:
- Tôi cóc cần kẹo.
- Dù muốn dù không gì Phượng cũng phải chờ, thế thì hơi đâu mà giận.
- Nhưng không giận không được, Phượng tức lắm anh biết không.
- Biết.
- Biết thì anh đừng có nói.
Vĩnh Tuyên hơi cúi xuống tôi, giọng như dỗ dành:
- Nhưng Phượng đừng cau có như vậy, trẻ con lắm, người ta nhìn Phượng kìa.
- Mặc họ.
Tôi ngồi im nhìn ra cửa, ngay lúc ấy tôi thấy Phúc Thanh đứng ở ngoài, đôi mắt hướng về chúng tôi, nhìn chằm chằm. Tôi miễn cưỡng gật đầu chào hắn, còn nụ cười của hắn chỉ làm tôi bực mình.
Một lát sau thì nàng đại diễn viên tới, nét mặt nhớn nhác, đầu tóc rối tung, nhìn mà lại càng bực. Dáng điệu xớn xác thế kia thì diễn gì mà diễn, lại còn chờ hóa trang nữa, chắc đến tối mới xong quá. Tôi không hay mình nhìn chị ấy gườm gườm, Vĩnh Tuyên nói khẽ:
- Đừng trẻ con thế Phượng.
Tôi lại gườm Vĩnh Tuyên một cái, muốn trút hết cơn giận vào anh. Vĩnh Tuyên chỉ cười ẩn nhẫn.
Cuối cùng thì diễn viên cũng đã chuẩn bị xong và bắt đầu diễn. Phải công nhận chị ấy diễn rất tuyệt, giữa những người đàn ông say sưa, thô bạo, chị ấy hóa thân thành một cô gái giang hồ thật sự. Từ cái lả lơi đến cái dáng điệu ngả ngớn, bất cần rồi buông thả... mọi nét đều thể hiện một bản lĩnh cứng cỏi, thật là tuyệt. Tôi quên cơn giận lúc nãy và thật hài lòng, thích thú. Không kềm được, tôi thốt lên:
- Hay lắm, tuyệt lắm, chị diễn đoạn này thật là xuất sắc.
Chị Phi Yến cười cười:
- Bây giờ Phượng hết giận chị rồi chứ?
Tôi hơi quê:
- Giận đâu mà giận. Nhưng sao chị đến trễ vậy?
- Xe hư, chị phải chờ sửa.
- Vậy hả?
Rồi mọi người ra về, tôi quay lên lầu tìm chú Quang nhưng không gặp. Khi tôi xuống sân thì Vĩnh Tuyên còn ngồi ở đấy, dáng điệu trầm ngâm nhìn trời mây non nước, giống ông cụ ghê, tôi lên tiếng:
- Sao anh Tuyên chưa về?
- Tôi chờ Phượng.
- Vậy hả, có chuyện gì vậy?
- Không phải chuyện của tôi mà là của Phượng.
- Quan trọng không?
- Không, không có gì quan trọng hết, nhưng tôi muốn nói ngay, vì tính Phượng mau quên.
Tôi ngồi xuống bên Vĩnh Tuyên nhướng mắt ngó anh. Vĩnh tuyên thận trọng:
- Chuyện cũng không có gì lớn, nhưng tôi thấy Phượng nên kềm chế cảm xúc của mình lại, như lúc nãy chẳng hạn.
- Lúc nãy làm sao?
- Ban đầu giận chị Phi Yến thì Phượng lầm lì không thèm nói đến, nhưng vài phút sau thì lại nói chuyện tíu tít, làm vậy người ta sẽ không sợ Phượng.
- Vậy hả? Ôi ai nghĩ gì thì mặc họ, Phượng cũng chả thích ai phải sợ mình.
- Nhưng ở cương vị của Phượng, điều đó cũng đáng quan tâm lắm chứ, ý tôi muốn nói là... ờ.. nếu Phượng biết kềm chế thì Phượng sẽ hoàn mỹ hơn.
Tôi chưa kịp trả lời thì Phúc Thanh đi đến, đôi mắt hắn nhìn chúng tôi không có vẻ gì lịch sự cả, ánh mắt như loé lên một sự phán đoán chẳng lành mạnh. Mặc kệ hắn.
Tôi và Vĩnh Tuyên nói thêm dăm ba câu, rồi ra về. Đến cổng thì gặp chú Duy An, chú ngạc nhiên:
- Sao về sớm vậy, quay xong rồi à?
- Dạ xong rồi.
- Vậy mà chú định đến xem Phượng làm việc đó chứ. Thôi vậy thì đi uống cà phê.
Vĩnh Tuyên ý tứ:
- Chiều rồi Phượng có cần về nhà không?
- Còn sớm mà, về nhà cũng đâu có làm gì, đi chú An.
Thế là chúng tôi kéo nhau vào quán cà phê mà tôi đã gặp lại Vĩnh Tuyên vào buổi trưa đi chơi một mình.
Vì Sao Rơi Trong Đêm Vì Sao Rơi Trong Đêm - Hoàng Thu Dung Vì Sao Rơi Trong Đêm