Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Airport
Dịch giả: Dghien, Thái Hà
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 17
Cập nhật: 2023-06-22 21:33:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I . 09
eith Bakersfeld, em trai của Mel, đã làm được một phần ba thời gian trong ca làm việc tám tiếng của mình ở phòng radar của Đài KSKL.
Trong phòng radar, cơn bão đêm nay đang ảnh hưởng sâu sắc đến con người, mặc dù người ta không cảm thấy nó. Người ngoài cuộc không hiểu những màn hình radar đó nói lên câu chuyện phức tạp gì, Keith nghĩ, có thể tưởng rằng cơn bão đang ở cách xa đây hàng nghìn dặm, thực ra là đang hoành hành ngay ngoài kia.
Phòng radar nằm ở trên tháp, dưới gian phòng kính một tầng. Từ gian phòng kính người ta cho các máy bay di chuyển trên mặt đất, cho phép chúng cất cánh và hạ cánh. Còn phạm vi kiểm soát của phòng radar trải rộng ra ngoài phạm vi sân bay, họ chịu trách nhiệm đối với chiếc máy bay ở trên không, sau khi nó đã ra khỏi phạm vi của các kiểm soát viên mặt đất hoặc tiếp nhận từ các đài KSKL khu vực lân cận. Những trung tâm KSKL khu vực, thường đặt cách sân bay nhiều dặm, có nhiệm vụ theo dõi những đường hàng không chính và và giao thông đi vào và ra các tuyến đường đó.
Trái ngược với gian phòng kính, phòng radar không có cửa sổ: Ngày cũng như đêm, tại phi trường quốc tế Lincoln, mười kiểm soát viên và các giám sát viên phải làm việc trong cảnh tranh tối tranh sáng vĩnh viễn, dưới ánh sáng mờ mờ như ánh trăng của các màn hình vô tuyến. Bốn bức tường xung quanh họ bầy đủ các loại thiết bị - màn hình radar, các bảng liên đạc vô tuyến điện. Thông thường, các kiểm soát viền chỉ mặc độc sơmi, mùa đông cũng như mùa hè vì nhiệt độ trong phòng được duy trì xấp xỉ hai mươi tám độ để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm.
Thường trong phòng radar mọi người đi lại và nói năng nhẹ nhàng. Song đằng sau cái bề ngoài bình lặng ấy che giấu một sự căng thẳng thường xuyên. Tối nay, sự căng thẳng đã tăng thêm bởi cơn bão, và trong vài phút qua, nó đã tăng cao hơn nữa. Hiệu ứng giống như kéo căng thêm một sợi dây vốn đã căng lắm rồi.
Nguyên nhân của sự căng thẳng thêm ấy là do trên màn hình xuất hiện một tín hiệu mà lập tức kích hoạt đèn đỏ trong phòng nháy liên tục và còi báo động bắt đầu rú lên. Còi đã tắt, nhưng tính hiệu đặc biệt vẫn còn. Trên màn hình mờ sáng xuất hiện một bông hoa kép, giống như một bông hoa cẩm chướng màu xanh run rẩy, nó báo hiệu có chiếc máy bay đang gặp nạn. Trong trường hợp này là chiếc máy bay quân sự KC-135, đang bay rất cao trên sân bay trong cơn bão xoáy và tìm cách hạ cánh khẩn cấp ngay lập tức. Keith đang làm việc bên màn hình vừa xuất hiện tín hiệu tai nạn. Người giám sát lập tức đến phụ thêm với anh. Cả hai bắt đầu nhanh chóng đưa ra những mệnh lệnh khẩn cấp cho các kiểm soát viên có liên quan qua điện thoại nội bộ, và cho các máy bay khác qua radio.
Người chỉ huy đài KSKL ở tầng trên được thông báo ngay lập tức về tín hiệu tai nạn. Đến lượt mình ông ta tuyên bố có tình trạng báo động cấp ba và báo tin đó cho tất cả các bộ phận phục vụ dưới đất của sân bay.
Cái màn hình thu hút chú ý của mọi người lúc này, là một hình tròn bằng kính to bằng vành bánh xe đạp, được lắp vào mặt bàn nghiêng nghiêng. Bề mặt của nó màu xanh sẫm và với những điểm sáng màu xanh lục rực rỡ cho thấy tất cả các máy bay trên không trong bán kính bốn mươi dặm. Những điểm sáng đó di chuyển theo sự chuyển động của các máy bay. Ở mỗi điểm sáng người ta đặt một cái thẻ nhỏ bằng chất dẻo để đánh dấu, và những kiểm soát viên di chuyển bằng tay cái thẻ ấy để theo dõi sự di chuyển của máy bay và sự thay đồi vị trí của nó trên màn hình. Khi một chiếc máy bay mới xuất hiện trong vùng quan sát, nó lập tức báo qua vô tuyến điện thoại về sự xuất hiện của nó và được nhận một cải thẻ đánh dấu riêng. Ở những hệ thống radar mới, các thẻ đánh dấu xuất hiện tự động trên màn hình cùng với số hiệu chuyến bay và độ cao đang bay. Tuy nhiên những hệ thống mới này chưa được ứng dụng rộng rãi, và cũng như tất cả những phát minh mới, chúng có những nhược điểm cần phải khắc phục.
Tối nay trên màn hình xuất hiện nhiều máy bay chưa từng thấy, thậm chí có người nhận xét rằng những chấm sáng màu xanh sinh sản nhanh như đàn kiến.
Keith đang ngồi sát màn hình, dáng người gầy gò, rắn chắc của anh cúi người về phía trước trên một chiếc ghế thép màu xám. Cơ thể anh căng thẳng, chân anh móc cứng vào ghế. Anh đang tập trung, khuôn mặt căng thẳng và hốc hác, như đã nhiều tháng nay. Màu xanh lá của màn hình phản chiếu càng làm nổi bật vẻ hốc hác, sâu trũng của mắt anh. Bất cứ ai biết Keith, nhưng đã không gặp anh trong một năm hoặc lâu hơn, sẽ bị sốc cả về ngoại hình và sự thay đổi của anh. Ngày xưa, anh toát ra bản tính tốt bụng, thoải mái; bây giờ, tất cả các dấu hiệu đó đã biến mất. Keith nhỏ hơn Mel sáu tuổi, nhưng giờ dường như già hơn rất nhiều.
Những đồng nghiệp cùng làm việc ở phòng radar với anh tất nhiên nhận ra sự thay đồi ấy, một số người đang làm việc tối nay tại quý vị trí kiểm soát khác trong phòng radar. Họ cũng biết cả nguyên nhân của nó và thành thực thông cảm với Keith. Tuy nhiên, họ là những người đàn ông thực tế với một công việc chính xác, đó là lý do tại sao giám sát viên radar, Wayne Tevis, hết sức chăm chú theo dõi Keith và nhận thấy vẻ căng thẳng trên nét mặt anh mỗi lúc một tăng. Tevis, một người Texas gầy gò, lôi cuốn, ngồi tập trung trong phòng radar trên một chiếc ghế cao, từ đó anh ta có thể nhìn xuống vai của những kiểm soát viên tại các màn hình của mình. Tevis đã đích thân trang bị chiếc ghế của mình thêm bánh xe, tự đẩy mình bằng đôi ủng Texas đến bất cứ nơi nào anh cần như cưỡi một con ngựa.
Trong một giờ trước đó, Wayne Tevis không hề rời xa Keith. Lý do là Tevis đã sẵn sàng, nếu cần thiết, để giải thoát Keith khỏi màn hình radar, một quyết định mà linh tính báo cho anh biết điều đó rất có thể xảy ra.
Người giám sát là người tốt bụng, mặc dù hơi lòe loẹt. Anh hiểu việc thay thế như vậy có thể tác động mạnh đến Keith, nên không muốn làm việc đó chút nào. Song nếu trường hợp bắt buộc anh vẫn phải làm.
Không rời mắt khỏi chiếc màn hình đặt trước mặt Keith, Tevis nói với anh giọng rất từ tốn, thong thả: “Keith này, chiếc Braniff kia có thể đụng phải chiếc Eastern đấy. Có lẽ cậu phải cho cái Braniff rẽ sang bên phải một chút, thì chiếc Eastern mới có thể đi theo đường cũ được”. Điều đó lẽ ra Keith phải tự nhận thấy, nhưng anh không nhận ra.
Vấn để chính mà cả phòng radar lúc này đang phải tập trung hết sức giải quyết là làm sao dọn đường cho chiếc máy bay quân sự KC-135 đang lao dựa theo máy móc từ độ cao mười nghìn feet xuống. Chuyện đỏ không đơn giản chút nào vì phía dưới chiếc máy bay quân sự khổng lồ đó có năm chuyến bay của các hãng hàng không, lượn tròn lên nhau trong khoảng cách một nghìn feet và quay quanh một không phận hạn chế. Tất cả đang chờ đến lượt hạ cánh. Một vài dặm ở hai bên là những máy bay khác nữa. Tương tự như xếp chồng lên nhau và ở thấp hơn, có ba máy bay chở khách, đã được phép tiếp cận hạ cánh. Giữa những chiếc máy bay này còn lại một hành lang trống để cất cánh mà lúc này cũng đang bận rộn. Và phải làm thế nào đưa chiếc máy bay quân sự đi qua toàn bộ đám máy bay đó mà không xảy ra va chạm. Bình thường, công việc đó đã là một bài toán hóc búa ngay cả đối với những bộ thần kinh vững vàng nhất. Nhưng lúc này hoàn cảnh lại càng phức tạp hơn do radio của chiếc KC-135 bị hỏng, liên lạc với phi công đã bị cắt đứt.
Keith Bakersfeld bấm micro của mình. “Braniff 829, rẽ phải ngay lập tức, hướng 090”. Trong những phút như thế, dù có bị căng thẳng và đang ở trong trạng thái bị kích động đến mấy, giọng nói vẫn phải bình tĩnh. Nhưng giọng của Keith rất cao và để lộ vẻ lo lắng. Anh thấy Wayne Tevis liếc anh một cách sắc bén. Nhưng trên màn hình radar, hai chấm sáng đang xích lại gần nhau, bắt đầu tách ra khi cơ trưởng Braniff tuân theo chính xác chỉ dẫn. Trong những phút quyết định - mà giây phút này chính là giây phút như vậy - các kiểm soát viên không lưu thầm cảm ơn thượng đế vì các phí công chấp hành nhanh chóng và chính xác những mệnh lệnh họ đưa ra. Các phi công có thể tức giận, thậm chí về sau còn chửi rủa chuyện họ phải đổi hướng bay rất mạnh và đột ngột khiến hành khách bị bắn tung. Nhưng khi một kiểm soát viên đưa ra mệnh lệnh “ngay lập tức”, họ đã tuân theo ngay và chuyện tranh cãi rồi tính sau.
Trong một hai phút nữa, chuyến bay Braniff sẽ trở lại hướng cũ, và chiếc Eastern cũng vậy, ở cùng cao độ. Ngay cả trước đó, phải có các hướng bay mới cho hai chiếc TWA - một cao hơn, một thấp hơn - cộng với chiếc Lake Central Convair, chiếc Air Canada Vanguard và chiếc Swissair vừa xuất hiện trên màn hình. Cho đến khi chiếc KC-135 đi qua, những chiếc này và những chiếc khác phải được chỉ dẫn các hướng bay ngoằn ngoèo, mặc dù chỉ trong khoảng cách ngắn, và không chiếc nào phải đi ra khỏi phạm vi kiểm soát của đài KSKL. Nói cách khác, nó giống như một ván cờ phức tạp, ngoại trừ việc tất cả các quân cờ đang ở cao độ khác nhau và di chuyển với tốc độ vài trăm dặm một giờ. Cũng như là một phần của ván cờ, các quân cờ phải được nâng lên hoặc hạ xuống trong khi họ vẫn di chuyển về phía trước, nhưng phải cách nhau ba dặm theo chiều ngang và một nghìn feet theo chiều đứng, và không quân cờ nào phải đi ra khỏi mép của bàn cờ. Và trong khi diễn ra cái trò chơi nguy hiểm đó, thì hàng nghìn hành khách đang ngồi trong những chiếc ghế của mình và sốt ruột đợi chuyến bay sớm kết thúc.
Chỉ cần tình trạng căng thẳng giảm đi giây lát là Keith lập tức nhớ ngay đến người phi công lái chiếc máy bay quân sự - làm sao anh bay qua được cơn bão và cái khoảng không đang đông nghẹt máy bay kia. Có lẽ anh ta thấy cô đơn lắm. Cả Keith cũng thấy cô đơn như thế - tất cả mọi người đều cô đơn, ngay cả khi có những người thân thiết bên cạnh. Bên cạnh người phi công kia có người phi công thứ hai và cả đội bay, và cạnh Keith lúc này cũng có các bạn đồng nghiệp, chỉ cần giơ tay là với tới. Nhưng cái quan trọng không phải ở sự gần gũi ấy. Nó không có ý nghĩa gì khi con người chui kín vào thế giới nội tâm của mình, nơi không ai có thể vào nổi, và nơi anh ta chỉ có một mình với những hồi ức hiểu biết và nhận thức được chuyện xảy ra, với nỗi sợ hãi của mình. Hoàn toàn một mình - kể từ phút anh ta sinh ra đời cho đến tận lúc chết. Luôn luôn và bao giờ cũng một mình.
Keith Bakersfeld biết rõ con người ta có thể cô đơn đến mức nào.
Kế tiếp, Keith lại ra lệnh cho chiếc Swissair, một chiếc TWA, Lake Central, và Eastern đổi hướng. Anh nghe thấy tiếng Tevis ngồi đằng sau anh đang cố liên lạc lần nữa với chiếc KC-135. Vẫn không thấy trả lời, nhưng tín hiệu tai nạn của chiếc KC-135 vẫn tiếp tục nhấp nháy trên màn hình. Vị trí của chấm sáng màu xanh cho thấy phi công đó đã thực hiện đúng các chỉ dẫn mà kiểm soát viên đưa ra cho anh ta trước khi radio bị hỏng. Khi làm như vậy, anh ta sẽ nhận thức được rằng những kiểm soát viên có thể lường trước những hành động của anh ta. Anh ta cũng biết rằng sóng radar mặt đất sẽ xuyên qua vị trí của anh ta, và tin tưởng việc tất cả những máy bay khác sẽ được đưa ra khỏi đường đi của anh ta.
Chiếc máy bay quân sự, theo như Keith biết, xuất phát từ Hawaii, không dừng lại, tiếp thêm nhiên liệu ngay trong không trung trên bờ biển phía Tây, và tiếp tục bay về căn cứ quân sự Andrew, gần Washington. Song, khi ở phía tây đường phân chia lục địa [14], thì một động cơ của nó bị hỏng, sau đó phát hiện thêm trục trặc về hệ thống điện và cơ trưởng quyết định cho máy bay hạ cánh đột xuất xuống Smoky Hill bang Kansas. Nhưng những đường băng trên sân bay Smoky Hill chưa dọn xong tuyết, và máy bay KC-135 được chuyển hướng sang sân bay quốc tế Lincoln. Các kiểm soát viên trên không đã dẫn đường cho chiếc máy bay quân sự về phia đông bắc, qua Missouri và Illinois. Và sau đó, khi còn cách sân bay Lincoln chừng ba mươi dặm, ở hướng tiếp cận phía tây, Keith Bakersfeld bắt đầu tiếp nhận nó. Và ác thay, thêm vào tất cả những tai họa đó, radio của nó lại bị hỏng.
Mọi khi, trong những điều kiện binh thường, các máy bay quân sự phải bay xa các sân bay dân dụng. Nhưng gặp bão tuyết thế này phi công xin giúp đỡ và được chấp thuận ngay tức khắc, không có thắc mắc gì.
Trong phòng radar chật chội, tối tăm, những kiểm soát viên khác, cũng như Keith, đang toát mồ hôi. Nhưng trong giọng nói của những người kiểm soát viên, khi nói chuyện với trên không, không hề có gì để lộ vẻ lo lắng hay căng thẳng. Bởi chưa cần như thế, các phi công đã quá lo âu, bận rộn rồi. Nhất là hôm nay, khi bão tuyết cứ như muốn hất văng máy bay đi, phải bay hoàn toàn dựa vào máy móc, trong tầm nhìn số không, mà tất cả những cái đó đòi hỏi toàn bộ tài nghệ của họ. Không những thế, nhiều phi công đã phải ở trên không lâu hơn dự định vì việc hạ cánh bị chậm trễ, bây giờ thời gian bay của họ, lại càng kéo dài thêm.
Từ mỗi vị trí điều khiển radar, một dòng lệnh vô tuyến nhanh nhẹn, lặng lẽ sẽ được phát ra để giữ nhiều chuyến bay hơn khỏi khu vực nguy hiểm. Các chuyến bay đang chờ đến lượt của họ hạ cánh và cứ sau một hoặc hai phút lại được tham gia bởi những chuyến bay mới đến từ các đường hàng không. Một kiểm soát viên, giọng anh ta nhỏ nhưng khẩn trương, gọi qua vai anh ta. “Chuck, tôi đang rối. Bạn có thể nhận dùm chiếc Delta 73 không?” Đó là cách của người kiểm soát nói rằng anh ta gặp rắc rối và có nhiều máy bay hơn khả năng anh ta có thể xử lý. Một giọng nói khác, “Ôi trời đất! - Tôi cũng đang có cả đống đây... Đợi đã!... Đồng ý, tôi nhận nó”. Một giây dừng lại. “Delta 73, kiểm soát tiếp cận Lincoln đây. Rẽ trái; hướng 120. Duy trì độ cao, 4.000!” Những kiểm soát viên có thể giúp đỡ lẫn nhau khi nào có thể. Một vài phút sau kiểm soát viên thứ hai lại có thể cần được giúp đỡ. “Này xem chiếc Northwest kia, nó đang bay từ phía bên kia tới. Chúa ơi! Giống như cảnh lái ra khỏi thành phố vào giờ cao điểm…” “American 44, giữ hướng cũ, độ cao của anh là bao nhiêu?... Chiếc Lufthansa đã cất cánh hơi chệch hướng. Lôi mẹ cái máy bay ra khỏi vùng tiếp cận đi!” Các chuyến bay đã khởi hành được định hướng tốt xung quanh khu vực rắc rối, nhưng máy bay đang đến bị giữ lại ở trên không, mất đi bao nhiêu thời gian quý báu. Ngay cả sau này, khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, mọi người đều biết rằng sẽ mất một giờ hoặc hơn để giải quyết vấn để kẹt máy bay trên không.
Keith Bakersfeld cố gắng tập trung hết tinh thần để nhớ khu vực của mình và các máy bay nằm trong khu vực ấy. Trong tích tắc anh phải nhớ lại ngay vị trí của tất cả các máy bay, số hiệu của chúng, kiểu loại, tốc độ, độ cao bay, thứ tự hạ cánh - tóm lại, là cả một sơ đồ luôn luôn bị điều chỉnh và thay hình đổi dạng từng giây. Ngay cả những lúc bình thường các kiểm soát viên đã không lúc nào được thảnh thơi, hôm nay trong bão tuyết thế này, thần kinh họ lại càng phải làm việc tới mức giới hạn của nó. Cái đáng sợ nhất là để “mất hình ảnh” mà điều đó cỏ thể xảy ra nếu bộ óc mệt mỏi vùng lên nổi loạn, khi đó mọi thứ trở nên trống rỗng. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện đó - thậm chí cả với những kiểm soát viên giàu kinh nghiệm nhất.
Mà Keith là một trong những kiểm soát viên giỏi nhất. Cách đây một năm, những khi thần kinh quá căng thẳng, các đồng nghiệp của anh phải nhờ đến anh: “Keith này, mình sắp chết đuối rồi. Cậu có thể giúp mình một cặp được không?” Và anh luôn sẵn sàng giúp họ.
Nhưng thời gian gần đây vai trò đã thay đổi. Bây giờ các đồng nghiệp lại phải giúp đỡ anh, mặc dù sự giúp đỡ đó chỉ giới hạn trong khả năng một người có thể giúp người khác mà không ảnh hưởng đến công việc của chính mình.
Thêm nhiều yêu cầu được hướng dẫn qua radio. Lúc này Keith đang phải làm việc một mình; Tevis trên cái ghế của mình đã di chuyển sang bên kia phòng để giám sát các kiểm soát viên khác. Trong óc Keith thoáng nảy ra quyết định. Cho Braniff rẽ sang trái, Air Canada sang phải, Eastern thay đổi một trăm tám mươi độ. Các hướng dẫn lập tức được thi hành ngay: trên màn hình radar những chấm sáng đang đổi hướng. Convair Lake Central di chuyển chậm hơn có thể để lại một phút nữa. Trái lại, Swissair là máy bay phản lực; nó sắp va chạm với chiếc Eastern. Swissair phải chuyển sang hướng khác ngay lập tức, nhưng hướng nào? Nghĩ đi, nhanh lên! Bốn mươi lăm độ bên phải, nhưng chỉ trong một phút, sau đó trở lại hướng cũ. Đừng quên chiếc TWA và Northwest! Lại xuất hiện máy bay mới, từ phía tây đến, tốc độ cao - hãy nhận diện nó, tìm cho nó một vị trí. Tập trung, tập trung!
Keith quyết tâm dứt khoát: Anh sẽ không để mất hình ảnh; không phải tối nay, không phải bây giờ.
Có một lý do để làm như vậy; một bí mật mà anh đã không chia sẻ với ai, kể cả Natalie, vợ anh. Chỉ có Keith Bakersfeld, và một mình Keith, biết rằng đây là lần cuối cùng anh ta phải đối mặt với màn hình radar. Hôm nay là ngày cuối cùng của anh với nhiệm vụ kiểm soát không lưu. Nó sẽ kết thúc sớm thôi.
Đó cũng là ngày cuối cùng của cuộc đời anh.
“Nghỉ một tý đi, Keith”. Đó là giọng của người chỉ huy tháp KSKL.
Keith không thấy người chỉ huy tháp vào lúc nào. Ông vào rất kín đáo và lúc này đang đứng cạnh Tevis, người giám sát radar.
Một lúc trước, Tevis đã lặng lẽ nói với người chỉ huy tháp, “Tôi nghĩ, Keith không sao cả. Trong vài phút, tôi đã lo lắng, nhưng anh ấy dường như vẫn đảm đương được”. Tevis vui mừng vì anh ta đã không phải thực hiện hành động quyết liệt mà như đã dự tính trước đó, nhưng người chỉ huy tháp lẩm bẩm, “Dù sao đi nữa, hãy để anh ta rời khỏi đây một lúc”; và sau khi suy nghĩ lại, “Tôi sẽ nói thẳng với anh ấy”.
Liếc nhìn hai người đàn ông với nhau, Keith biết ngay tại sao anh cảm thấy nhẹ nhõm. Tình trạng khẩn cấp vẫn còn và họ không tin tưởng anh. Nghỉ giải lao là một cái cớ; anh còn không đến một giờ làm việc nữa. Anh có nên phản đối? Đối với một người kiểm soát không lưu cao cấp như mình, đó là một sự bất thường mà rồi những người khác sẽ nhận thấy. Rồi anh nghĩ: Sao phải làm to chuyện? Không đáng. Bên cạnh đó, nghỉ mười phút sẽ có thể giúp anh bình tĩnh lại. Sau đó, khi tình trạng khẩn cấp tồi tệ nhất kết thúc, anh có thể trở lại làm việc cho đến hết ca.
Tevis cúi xuống bảo anh. “Lee sẽ thay cho anh, Keith à”. Anh ta ra hiệu cho người kiểm soát viên vừa trở lại làm việc sau khi nghỉ giải lao theo định kỳ.
Keith im lặng gật đầu, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và tiếp tục hướng dẫn radio cho máy bay trong khi người đàn ông thay thế anh kịp nhớ lại “hình ảnh”. Thường mất vài phút để một kiểm soát viên bàn giao cho kiểm soát viên khác. Người đàn ông được bàn giao phải nghiên cứu màn hình radar, để cho tất cả tình huống xây dựng trong tâm trí ông ta. Ông ta cũng cần phải chuẩn bị tinh thần căng thẳng hơn.
Trở nên căng thẳng - có ý thức và có chủ ý - là một phần của công việc. Những người kiểm soát gọi nó là sắc nét đến mọi góc cạnh, và trong mười lăm năm làm kiểm soát không lưu của Keith, anh đã chứng kiến điều đó xảy ra thường xuyên, với người khác và với chính mình. Bạn đã làm nó, bởi vì bạn phải làm, vì đó là nhiệm vụ. Vào những thời điểm khác, nó trở thành một hành động phản xạ, chẳng hạn như khi các kiểm soát viên lái xe đi làm cùng nhau như đã từng xảy ra. Khi rời khỏi nhà, cuộc trò chuyện sẽ thoải mái và bình thường. Vào thời điểm đó trong cuộc hành trình, một câu hỏi ngẫu nhiên như, “Các bạn có định chơi bóng vào thứ bảy không?” Một câu hỏi sẽ gợi ra một câu trả lời bình thường không kém, “Tôi chắc có”, hay “Không, tôi không chơi được tuần này”. Tuy nhiên, khi gần đến sân bay - cách sân bay một phần tư dặm - cuộc trò chuyện diễn ra căng thẳng, cùng một câu hỏi, có thể trả lời “có” hoặc “không”, và không có gì nữa.
Bên cạnh kỹ năng tinh thần sắc bén căng thẳng là một yêu cầu khác - sự bình tĩnh được kiểm soát, tập trung mọi lúc khi làm nhiệm vụ. Hai yêu cầu - mâu thuẫn về bản chất của con người - đã làm cạn kiệt tinh thần và về lâu dài, đã phải trả giá bằng sức khoẻ. Nhiều kiểm soát viên bị loét dạ dày, nhưng họ thường phải giấu vì sợ mất việc. Do đó họ phải chữa bệnh ở các bác sĩ tư và phải trả tiền túi trong khi đúng ra có thể sử dụng bảo hiểm y tế miễn phí. Họ phải giấu những chai thuốc Maalox - thuốc chống tăng acid dạ dày - trong các tủ đồ riêng và nhấm nháp cái chất lỏng ngòn ngọt màu trắng ấy trong giờ nghỉ giải lao.
Điều đó ảnh hưởng cả đến chuyện khác. Có những kiểm soát viên, Keith biết rõ những người này, về nhà thì buông thả, trở nên nhỏ nhen, cáu bẳn hay nổi cơn thịnh nộ như một phản ứng đối với những cảm xúc bị dồn nén trong công việc. Thêm mội điểm nữa là do phải làm việc theo ca, giờ nghỉ của họ luôn luôn bị thay đổi, gây khó khăn cho cuộc sống gia đình, có thể hình dung hậu quả sẽ ra sao. Trong giới kiểm soát viên không lưu, danh sách những gia đình tan vỡ đã dài, tỷ lệ ly hôn cao.
“OK”, kiểm soát viên thay thế nói, “Tôi đã nắm bắt được hình ảnh rồi”.
Keith rời ghế, tháo tai nghe ra và đồng nghiệp của anh đeo vào. Và chưa kịp ngồi vào ghế, anh ta đã bắt đầu ra các hướng dẫn mới cho chiếc TWA thấp hơn.
Người chỉ huy tháp nói với Keith, “Ông anh của anh nói rằng, có thể lát nữa ông ấy sẽ ghé vào đây”.
Keith gật đầu bước ra khỏi phòng radar. Anh không giận người chỉ huy tháp, ông ta là người chịu trách nhiệm toàn bộ mọi công việc, thậm chí anh còn mừng là đã chấp hành chứ không phản đối lời để nghị anh nghỉ. Hơn bất cứ điều gì khác, lúc này Keith muốn có một điếu thuốc, một ít cà phê và ở một mình. Anh cũng thấy mừng vì quyết định cho anh tránh xa cái tình trạng khẩn cấp. Anh đã tham gia giải quyết quá nhiều tình trạng khẩn cấp, nên không có thêm cái này cũng chẳng tiếc gì.
Tại sân bay quốc tế Lincoln, cũng như trên bất kỳ sân bay lớn nào, mỗi ngày thường xảy ra vài tình trạng báo động khẩn cấp. Và nó có thể xảy ra vào bất cứ thời tiết nào - Không phải chỉ vào những hôm bão tuyết như hôm nay, mà cả vào những hôm trời rất trong. Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp chỉ có một số ít người biết, vì thông thường, các tình trạng khẩn cấp đều kết thúc một cách êm đẹp và thậm chí không phải lúc nào người ta cũng báo cho các phi công đang ở trên không lý do vì sao một máy bay nào đó không được hạ cánh, hay bỗng nhiên phải đổi hướng bay - Thứ nhất là họ không nhất thiết phải biết chuyện đỏ, thứ hai, không có thời gian để giải thích qua radio. Song những cơ quan phục vụ dưới đất - các đội cứu nạn, cứu thương và cảnh sát, cũng như ban giám đốc sân bay - thì được thông bảo ngay để áp dụng những biện pháp cần thiết tùy cấp độ của tình trạng báo động khẩn cấp. Cấp một là nghiêm trọng nhất, đồng thời cũng ít xảy ra nhất, vì tình trạng báo động cấp một có nghĩa là máy bay bị vỡ. Cấp hai là có nguy hiểm đến tính mạng hay có những hư hỏng nặng. Cấp ba, cấp vừa được thông báo, mới chỉ là báo trước để chuẩn bị; các bộ phận có nhiệm vụ của sân bay phải sẵn sàng vì có thể cần đến sự giúp đỡ của họ. Nhưng đối với các kiểm soát viên thì tình trạng báo động cấp nào cũng đều có nghĩa là phải thêm căng thẳng, với tất cả những hậu quả có thể xảy ra từ đó.
Keith bước vào phòng thay quần áo liền kề phòng radar. Lúc này, anh có vài phút để bình tâm suy nghĩ, anh hy vọng, vì lợi ích của mọi người, phi công KC-135 của Không quân, và tất cả những người khác trên không tối nay, sẽ vượt qua cơn bão một cách an toàn.
Phòng thay quần áo, một căn phòng hình vuông, chỉ có một cửa sổ, có một dãy tủ, nhỏ bằng kim loại kê dọc ba bức tường, còn ở giữa phòng có một chiếc ghế băng dài bằng gỗ. Cạnh cửa sồ treo tấm bảng để dán thông báo, trên đó có ghim những bản tin chính thức, và thông báo của các nhóm xã hội trong sân bay. Ánh sáng của ngọn đèn trần có vẻ như quá chói sau khi ở phòng radar tối tăm bước ra. Trong phòng thay quần áo không có ai, Keith tắt đèn đi. Bên ngoài tháp có đèn pha, nên trong phòng vẫn đủ sáng.
Keith châm điếu thuốc. Sau đó anh mở chiếc tủ con của mình lấy ra cái hộp nhựa, trong có phần ăn do Natalie soạn sẵn trước khi anh rời khỏi nhà chiều nay. Vừa rót cà phê từ một chiếc phích, anh tự hỏi liệu Natalie có kèm thêm tin nhắn nào không, hoặc một mẩu báo hay tạp chí. Natalie thường làm như vậy - có khi chỉ là một mẩu thư, có khi cả thư, cả mẩu báo - hy vọng rằng nó có thể cổ vũ anh. Cô đã chăm chỉ làm điều đó, ngay từ khi bắt đầu rắc rối của anh. Lúc đầu cô dùng những biện pháp đơn giản nhất, nhưng sau thấy không kết quả, cô chuyền sang những biện pháp phức tạp hơn. Mặc dù Keith hiểu rõ Natalie làm thế để làm gì, và cô muốn đạt được cái gì, nhưng anh cũng chẳng tỏ ra xúc động hay bực tức về chuyện đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây cả thư lẫn báo ngày càng ít dần đi.
Có lẽ mãi rồi cuối cùng Natalie cũng thất vọng. Gần đây cô ít nói hơn, và anh biết từ đôi mắt đỏ hoe, có những lúc cô đã khóc.
Khi nhận ra điều đó, Keith rất muốn giúp cô. Nhưng làm sao anh giúp được cô trong khi anh không thể giúp được chính mình?
Tấm ảnh của Natalie được dán ở phía trong cánh cửa tủ - tấm ảnh rnàu do chính Keith chụp. Anh mang nó vào đây cách đây ba năm. Bây giờ, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào bức ảnh chỉ lờ mờ, nhưng anh biết nó rất rõ, anh có thể nhìn thấy những gì ở đó, dù được làm nổi bật hay không.
Bức ảnh cho thấy Natalie trong bộ bikini. Cô ngồi trên một tảng đá và đang cười, cánh tay thanh tú giơ lên che mắt cho khỏi nắng. Mớ tóc màu hạt dẻ bồng bềnh phía sau, trên khuôn mặt xinh xắn tinh nghịch lấm tấm những vết tàn hương bao giờ cũng xuất hiện vào mùa hè. Nói chung Natalie giống như cô gái thơ ngây, vụng về, nhưng đồng thời trong con người cô cũng toát ra vẻ nghị lực, và máy ảnh đã bắt được cả hai phẩm chất đó. Cô ngồi trước một hồ nước trong xanh, những phiển đá và rừng thông: Hồi đó, Keith và Natalie cùng du lịch bằng mô tô đến Canada và cắm trại tại vùng hồ Haliburton, lần đầu tiên con của họ, Brian và Theo, bị bỏ lại ở Illinois, gửi cho Mel và Cindy. Kỳ nghỉ đó là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà Keith và Natalie từng biết.
Và có lẽ hôm nay là ngày đáng nhớ lại kỷ niệm đó, Keith nghĩ vậy.
Một tờ giấy gập đôi được nhét vào phía sau tấm ảnh. Đó là một trong những mẩu thư mà thỉnh thoảng Natalie bỏ vào hộp thức ăn của anh. Mẩu thư đó cô gửi cách đây chừng hai, ba tháng, nhưng không hiểu sao anh quyết định giữ lại nó. Mặc dù Keith đã thuộc lòng nội dung mẩu thư, lúc này anh vẫn lấy nó ra và đến gần cửa sổ để đọc lại. Đó là một mẩu tin cắt ra từ tạp chí, dưới là mấy dòng chữ viết tay của Natalie.
Natalie có nhiều loại sở thích, đôi khi rất kỳ quặc và xa lạ, mà cô cố làm cho Keith và mấy đứa trẻ cùng chia sẻ. Mẩu báo đó nói về những thí nghiệm do các nhà di truyền học Hoa Kỳ tiến hành. Trong đó báo cáo rằng có thể làm cấp đông tinh trùng của con người. Ở nhiệt độ thấp nó có thể được bảo quản lâu vô hạn. Sau đó người ta có thể làm cho nó tan băng và sử dụng để làm cho người phụ nữ có thai vào bất cứ lúc nào - cả bây giờ hoặc sau vài thế hệ nữa.
Natalie đã viết dưới mẩu báo đó:
Chieác thuyeàn coù theå beù moät nöûa neáu Noah
Bieát phöông phaùp caáp ñoâng tinh truøng
Hoùa ra muoán coù bao nhieâu con tuøy yù
Baèng caùch môû cöûa tuû laïnh!
Em raát vui vì chuùng ta ñaõ coù nhöõng ñöùa treû.
Vôùi tình yeâu vaø ñam meâ.
Khi đó cô đã cố gắng, vẫn cố gắng một cách tuyệt vọng để làm cho cuộc sống của họ trở lại vui vẻ như lúc đầu… hai người họ; và như một gia đình... theo cách họ đã từng có trước đây. Với tình yêu và đam mê.
Cả Mel cũng tham gia vào cuộc đấu tranh ấy, ông cố gắng với Natalie, để khiến em trai mình chiến đấu thoát khỏi thủy triều của sự thống khổ và trầm cảm đã nhấn chìm anh hoàn toàn.
Và trong lòng Keith có cái gì như muốn đáp lại. Trong đáy sâu tiềm thức anh đã cháy lên ngọn lửa ý chí, anh cố tìm lại trong người mình sức mạnh, để với sự hỗ trợ của những người thân, thoát ra khỏi tâm trạng thẩn thờ, dùng tình yêu được trao tặng đáp lại tình yêu. Nhưng nỗ lực thất bại. Anh biết nó đã thất bại bởi vì không còn cảm xúc hay cảm xúc nào trong anh. Không ấm áp, cũng không yêu, thậm chí không tức giận để được xoa dịu. Chỉ có sự ảm đạm, hối hận và tuyệt vọng bao trùm.
Bây giờ Natalie nhận ra thất bại của họ; anh chắc chắn về điều đó. Anh nghi ngờ đó là lý do rằng cô đã khóc, một nơi nào đó khuất mắt anh.
Còn Mel? Có lẽ Mel cũng vậy, bất lực bỏ cuộc. Mặc dù không hoàn toàn - Keith nhớ những gì người chỉ huy tháp đã nói với anh. “Ông anh của anh nói rằng ông ấy có thể ghé vào...”
Giá Mel đừng đến thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều. Keith cảm thấy lúc này anh không đủ sức để gặp anh trai nữa, mặc dù hai anh em rất thân thiết với nhau. Việc Mel đến có thề làm sự việc rắc rối thêm.
Keith đã quá kiệt sức, quá mệt mỏi, không đủ sức chịu đựng thêm những chuyện phiền phức mới.
Anh lại tự hỏi liệu Natalie có ghi chú vào bữa ăn tối nay không. Anh lấy ra chiếc hộp thức ăn một cách cẩn thận, hy vọng là có.
Có bánh mì thịt nguội, cải xoong, một gói phô mai, một quả lê và giấy gói. Ngoài ra không còn gì nữa.
Bây giờ anh biết không có gì, anh lại ước ao tuyệt vọng là có một số tin nhắn; bất kỳ tin nhắn nào, thậm chí là tầm thường nhất. Rồi anh nhận ra đó là lỗi của chính anh vì không có thời gian. Hôm nay, vì những chuẩn bị cần thiết để thực hiện kế hoạch, anh đã rời khỏi nhà sớm hơn bình thường. Natalie, không được báo trước, đã chuẩn bị bữa ăn vội vàng. Có lúc, anh đã để nghị không mang bữa ăn theo; anh sẽ ăn tại một trong những quán ăn tự phục vụ ở sân bay. Nhưng Natalie, người biết các quán ăn tự phục vụ sẽ đông đúc và ồn ào, điều mà Keith không thích, đã nói không, và chuẩn bị bữa ăn nhanh nhất có thể. Cô không hỏi tại sao anh muốn đi sớm, mặc dù anh biết cô tò mò. Keith cảm thấy nhẹ nhõm vì không có câu hỏi nào. Nếu có, anh sẽ phải bịa ra thứ gì đó, và anh không muốn những lời cuối cùng giữa họ là dối trá.
Anh vẫn có đủ thời gian để làm mọi việc. Anh đã lái xe đến khu vực kinh doanh của sân bay và nhận chìa khóa phòng tại khách sạn O'Hagan, nơi trước đó anh đã đặt phòng qua điện thoại. Anh đã tính toán kỹ lưỡng tất cả từ nhiều tuần trưởc, rồi lại thôi chưa thực hiện kế hoạch vội, nhưng quyết định phải cân nhắc lại thật cẩn thận trước khi thực hiện. Sau khi kiểm tra phòng, anh rời khỏi khách sạn, và đến sân bay đúng lúc bắt đầu ca làm việc.
Khách sạn O'Hagan nằm cách phi trường quốc tế Lincoln vài phút lái xe. Trong vài giờ nữa, khi thời gian nhiệm vụ của Keith kết thúc, anh có thể đến đó nhanh chóng. Chìa khóa phòng đã ở trong túi anh. Anh lấy nó ra kiểm tra.
 Phi Trường  Phi Trường - Arthur Hailey  Phi Trường