Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyễn Tuấn Anh
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15124 / 295
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 -
au ba năm được cử đi thâm nhập thực tế, thực chất là đi cải tạo lao động, sáng nay một số anh em văn nghệ sĩ trí thức chúng tôi được trở về nhà. Tôi ngồi trên xe trên đường về Hà nội mà lòng buồn vui khó tả. Con trai tôi giờ đã hơn ba tuổi rồi. Hồi Ruộng sinh cháu mới được ba tháng thì tôi đi. Chuyện đặt tên cho con đã xảy ra một vụ cãi vã dữ dội của hai vợ chồng tôi. Cuối cùng, cô ấy phải nhượng bộ với cái tên con là Trần Văn Văn, ghi nhớ một kỷ niệm cay đang hồi tôi ngồi viết cuốn Vượt bão. Hồi đó, sau sửa sai, Tràng Giang được điều về ban tuyên huấn trung ương. Tràng Giang đã tìm cách đưa vợ chồng tôi ra công tác ngoài Hà nội. Tôi làm phóng viên báo, còn Ruộng về ban tuyên huấn rồi được cử đi học đào tạo cốt cán sau này. Hôm tiễn tôi lên Tây Bắc, Tràng Giang với tư cách anh kết nghĩa, đã mời tôi lên ăn bữa cơm gia đình. Anh chỉ bảo tôi, hướng dẫn ngòi bút tôi đi về tương lai. Anh dặn:
- Lên đó chú phải tranh thủ viết. Phải viết cuốn tiểu thuyết về kháng chiến chống Pháp. Cứ viết hết sức mình, cốt sao dựng lại được hiện thực của cuộc kháng chiến.
Sự gợi ý của anh thật trúng ý tôi. Tôi đã thề với anh là sau ba năm từ Tây Bắc về, cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành. Hôm tiễn tôi lên tàu, Ruộng bế con im lặng không nói, chỉ dặn dò tôi mấy câu. Thấy cô em dâu, vợ chú Trần Chìa sụt sùi khóc, Ruộng khuyên em:
- Có gì mà thím khóc. Anh ấy đi thực tế dài hạn chứ có phải đi tù đâu. Ba năm lại về Hà nội thôi mà. Chìa hồn nhiên:
- Em phục chị thật. Chị gan lì bình tĩnh quá. Thảo nào người cứng rắn như chị mới làm chính trị được.
- Chú bảo tôi không thương yêu anh ấy à? Hỏi anh chú thì biết. Chả lẽ tôi phải gào lên như con mẹ mất gà ư? Giai cấp vô sản không biết khóc đâu nhé. Khóc nhục rên hèn van yếu đuối.
- Chú có biết câu đó của ai không?
Chìa im lặng. Chú ấy làm sao biết câu thơ này của Tố Hữu.
Tàu sắp chuyển bánh. Tôi ôm lấy mọi người từ biệt, hôn má con trai rồi lên tàu. Tôi không dám nhìn những người đưa tiễn, vội quay mặt đi. Tiếng còi tàu hét lên rùng rợn như tiếng hú dài của con khủng long thời tiền sử. Những con người như cái bóng nhòe nhoẹt, nhập nhằng. Tất cả như không còn nhân dạng, diện mạo. Một bầy đoàn như kiến cỏ, duềnh lên, chìm xuống với triều dâng. Gió thổi như kiếm sắc chém vào thành tàu, ngỡ những bàn tay rơi lả tả.
Trong hàng trăm đội khai hoang từ xuôi lên mở mang Tây Bắc có chúng tôi, những văn nghệ sĩ và trí thức đi cải tạo lao động. Trong số này, chỉ có vài ba anh em là phần tử tả khuynh như tôi.
Người đội trưởng đội lao động của chúng tôi là một cán bộ tuyên huấn, tập hợp anh em bên bờ suối tuyên bố:
- Rừng vàng núi bạc đang chờ các đồng chí khai thác. Chúng ta phải chứng tỏ với công nông binh rằng chúng ta cũng là những người lao động chân chính, không phải suốt đời ăn bám đâu. Chúng ta cũng biết cách làm ra lúa gạo, trâu bò, gà lợn như nông dân. Nào chúng ta hãy bắt tay vào sáng tạo ra của cải vật chất làm cơ sở cho những sáng tạo tinh thần sau này. Chúng tôi lao vào dựng lán và nhận cuốc xẻng. Nhiều anh em coi sự lao động chân tay này là thử thách lớn, nhưng với tôi, đôi tay vốn đã chai từ ngày chống Pháp thì có ăn nhằm gì. Lúc đầu chúng tôi sống chung với nhau kể cũng có những trục trặc. Ví dụ như trường hợp nhạc sĩ V., một người từng nổi tiếng và khá lớn tuổi, có dính dáng đến vụ Nhân văn. Bữa ăn bốn người ngồi một mâm. Nhạc sĩ V. ngồi đâu là anh em khác đứng lên hết. Ông đành ngồi một mình, nhờ anh nuôi sới riêng cho một suất. Tôi hiểu anh em sợ ngồi với ông, một con người bị tổ chức coi là nguy hiểm. Người ta sợ liên lụy, tốt nhất là tránh voi đâu xấu mặt nào. Biết đâu lên rừng rồi, ông ta vẫn còn bày những trò chống đối cấp trên tinh vi đến độ khó mà bắt lỗi.
Một bữa ăn, thấy những người khác bỏ ông, tôi lại ngồi cạnh người nhạc sĩ. Lạ thay, ông nhạc sĩ V. bị tẩy chay lại tẩy chay tôi trời ạ. Ông không thích ngồi ăn chung với tôi, còn sợ tôi hơn người ta sợ ông nữa. Sau này quen thân nhau rồi, ông cho biết, ông chúa ghét bọn tả khuynh.
Những ngày sốt rét suýt chết, thiếu thuốc, tôi đã từng nuốt sống giun đất theo bài học gia truyền của ông nội tôi để lại. Những ngày đó nhiều khi tôi buồn chán kinh khủng. Nhất là ban đêm nghe tiếng con cu li kêu thảm thiết, hoặc sáng ra nghe vượn hót nỉ non nhn những bài kinh cầu hồn của rừng già, đưa tiễn linh hồn suối nguồn về thượng giới. Thỉnh thoảng tôi cũng viết nhật ký cho đỡ tẻ nhạt. Tôi đâm ra mê làm thơ mới khiếp chứ. Tôi nhớ Oanh và đứa con trai đến có khi phải chạy tót vào rừng như bị ma đuổi, nằm lăn ra một tảng đá ủ ớ lên như một thằng điên. Tôi viết những bài thơ nhỏ vào sổ tay, đôi khi đọc cho vài ba anh em ở đội khai hoang nghe trong những đêm rừng lạnh quây quần quanh đống lửa. Tôi xin chép ra cho các bạn vài bài thơ hồi ấy đọc chơi, thứ thơ này ngày đó nếu đăng lên, hay đến tai tổ chức, thế nào tác giả cũng nhừ đòn vì sao buồn quá, mà xã hội chúng ta vốn không có chỗ cho nỗi buồn tồn tại.
Đêm Rừng
Trăng liềm con cá cắn câu
Giật lên đỉnh núi đêm đau trăng tàn
Sương giăng giăng lạnh làm màn
Chiếu chăn rừng thẳm, đêm hàn giường êm
Chim Oanh còn đậu bên thềm
Trái tim một nấm cỏ mềm người ơi
Bão giông thổi nát một thời
Mắt ai lá rụng bên trời lửa thiêu
Đêm rừng cọp rống tình yêu
Cu li khóc kể những điều ngày xua
Rừng ơi đừng có dối lừa
Trái tim anh vốn đong đưa suốt đời.
Một bài thơ khác:
Chúng ta học làm người
Chúng tớ toàn những thang lớ ngớ
Văn chương bị gậy tiến lên rừng
Thời nay học làm người thật khó
Cuốc xẻng chi hồ tay rộp sưng
Học làm nông dân đâu có dễ
Văn nghệ văn gừng thứ các anh
Nghe ho một tiếng run bằng giẻ
Bút giấy lơ mơ đụng mảnh sành.
Trong những năm này, tôi đã tranh thủ viết xong bản thảo cuốn tiểu thuyết về kháng chiến chống Pháp Sống bên những người đã chết. Bằng cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh này, tôi muốn tái dựng hiện thực một cách chân thật. Chính vì vậy, nhiều tình tiết, nhiều mẩu đời bi kịch đã được dựng lên bằng cái chết. Chiến tranh không phải là trò vui chơi, càng không phải là trận đánh giả, mà là những thảm kịch. Nhưng cuộc chiến tranh bên trong của người lính mới là cuộc chiến tranh dữ dội nhất: ấy là cuộc chiến đấu với nỗi hèn nhát, tính ích kỷ của con người. Trong cuộc chiến đấu ấy, không phải bao giờ người lính cũng thắng. Trong cuốn sách của tôi, có người lính đã đánh chín mươi chín trận anh hùng. Nhưng đến trận thứ một trăm, anh không chiến thắng được nỗi hèn nhát của mình, đã đào ngũ chạy sang đầu hàng địch. Ngược lại, có những người lính ngụy chạy sang hàng ngũ kháng chiến, khi lâm trận rất gan dạ, nhưng vẫn không chinh phục được lòng tin của tổ chức, vẫn bị những con mắt hẹp hòi ấu trĩ nghi ngờ. Cuốn truyện có nhiều mạch chảy, nhiều éo le trắc trở bi kịch như chính cuộc chiến tranh tôi đã tham gia. Cuốn truyện không kết thúc có hậu như sách vở đương thời. Và hôm nay, sau ba năm, tôi vui mừng đã có một bản thảo đầy đặn mang về từ Tây Bắc báo cáo anh Tràng Giang. Xuống bến xe Kim Liên, tôi đi bộ như chạy về căn phòng mười mét vuông nơi vợ con đang sống. Tôi leo lên lầu một, tìm số phòng gõ cửa, nhưng Ruộng đi vắng. Một bà già hàng xóm trao chìa khóa phòng cho tôi và giải thích rằng vợ tôi gởi, cô ấy biết chiều nay tôi về nhưng bận họp. Tôi mở cửa vào căn phòng với đồ đạc hết sức nghèo nàn, sơ sài. Tôi tắm giặt, thay quần áo, còn bốn tiếng đồng hồ nữa mẹ con Ruộng mới về. Tôi ôm tập bản thảo tiểu thuyết Sống bên những người đã chết đến nộp cho một nhà xuất bản lớn Hà nội. Xong, tôi đến cơ quan tìm anh Tràng Giang. Anh đã được điều vào công tác tại chiến khu miền đông Nam bộ từ năm 1959. Hai Giỡn đã đi học đại học tại Liên Xô. Tôi về tới nhà thì đã thấy vợ con. Tôi ôm chầm lấy thằng bé Văn, nó sợ quá khóc thét lên. Khi tôi đi, thằng bé còn ẵm ngửa, mà nay đã chạy vun vút như chú gà con. Ruộng đã lục ba lô của tôi rồi xếp thứ nào vào thứ ấy. Thấy cô ấy đang lúi húi làm gì trong bếp, tôi bước vào chào vợ. Cô trả lời nhát gừng vâng cộc lốc. Mặt cô nặng như chì, không một chút thiện cảm.
Tôi hỏi:
- Em làm sao vậy Ruộng?
Ruộng không thèm nhìn tôi, gay gắt:
- Làm sao hả? Anh hỏi cuốn nhật ký của anh thì biết.
Tôi giật thót mình còn hơn bị bò cạp chích. Ruộng đã lục đồ, lấy cuốn nhật ký của tôi ra đọc. Trong cuốn nhật ký này, tôi dành cho Oanh bao nhiêu thương nhớ và ân hận. Tôi bình tĩnh hỏi vợ:
- Tại sao em đọc nhật ký của anh khi chưa được phép?
Ruộng gầm lên:
- Tôi có quyền. Tôi là vợ.
Tôi nổi nóng:
- Cô phải biết tôn trọng tôi chứ.
Vợ tôi điên tiết, nổi cơn tam bành, nghiến răng kèn kẹt, xông thẳng vào tôi, túm lấy ngực áo, gầm lên như một con sư tử Hà Đông chính hiệu:
- Trời ơi là trời, anh lấy tôi mà hồn vía lúc nào cũng ở với nó. Đồ đểu. Đồ lừa dối, bẩn thỉu. Đồ tư sản trí thức thối tha.
Tôi im lặng gỡ tay bà vợ ra, dùng phép nhu thắng cương, nhỏ nhẹ:
- Em bình tĩnh lại đã nào. Để từ từ rồi anh giải thích.
Với bàn tay vững chãi của giai cấp vô sản, hơn nữa với ý chí sat thép của một cán bộ chính trị, bất chợt, Ruộng giơ tay tát thẳng cánh vào má tôi đến nảy đom đóm mắt:
- Đồ phản động. Thằng tả khuynh.
Tôi nổi cáu, toan nện cho con mẹ này một trận ra sao thì ra.
Song le, lỗi này thuộc về tôi. Vả lại, còn một món đồ gần như một thứ quốc cấm là cuốn nhật ký của tôi, Ruộng vẫn còn giữ. Tôi ngồi xuống giường bất lực lặng im. Ruộng ôm con đứng nhìn qua cửa sổ khóc thút thít. Đến nỗi, bà hàng xóm phải sang can gián, khuyên nhủ. Bi kịch này ai tạo ra cho tôi vậy trời? Nếu tổ chức không cấm tôi lấy Oanh thì mọi sự đâu có như vầy. Vâng, bi kịch này cũng chính là do sự hèn nhát của tôi lựa chọn. Tôi là con gián bò trên đời này. Vì không dám đương đầu với số phận, tôi đã từ bỏ Oanh, chấp nhận cuộc hôn nhân với Ruộng do tổ chức sắp đặt. Nhìn Ruộng đứng khóc, tôi tan nát cõi lòng. Ruộng chỉ là nạn nhân của vở bi kịch này. Cô hoàn toàn không có lỗi. Xét về vai trò người vợ, người mẹ, thật khó lòng chê bai được cô. Vả lại, Ruộng đâu có xấu xí gì cho cam. Dáng cô khỏe mạnh, thân hình chắc nịch tương đổi hấp dẫn. Ruộng lại có địa vị xã hội, đang học lớp chính trị trung cao ra làm nghề lãnh đạo. Nhưng tình yêu, một hình ảnh gần gũi nhất của tạo hóa, vốn ít khi chiều theo ý muốn con người. Tổ chức có thể làm được mọi thứ, trừ việc bắt người ta phải yêu nhau. Tình yêu là yếu tố tự thân, tự nguyện, tự híến, tự giác, đôi khi đồng bóng, bí ẩn. Thực lòng, tôi cũng muốn quên Oanh đi cho rồi. Nhưng hình ảnh cô như hồn ma bóng quỷ, càng xua đuổi, càng cố quên đi lại càng tưởng nhớ, kể cả trong giấc mơ. Chính vì vậy, cuộc sống của tôi là cuộc sống của kẻ thất tình, luôn luôn bị đau khổ và dằn vặt. Tôi là kẻ phản bội lớn nhất trên đời Tôi phản bội tất cả mọi người, phản bội Oanh, phản bội Ruộng, phản bội cả tổ chức và gia đình...
Ruộng bỗng quay lại phía tôi, chìa thằng bé đang bấu chặt lấy vai áo mình cho tôi, nói tức tưởi:
- Bố con đấy Văn.
Tôi đỡ lấy thằng bé. Nó vẫn bám chặt lấy mẹ như kẻ leo núi, khiến tôi không sao rứt nó ra được. Ruộng lại bế thằng bé, ngồi xuống cái ghế đẩu hỏi:
- Ai là mẹ thằng bé này anh Hưng?
- Em chứ còn ai.
- Sao anh viết trong nhật ký là con Oanh, cái con quỷ cái ấy sinh ra thằng bé Trần Văn Văn này.
Ơi hay, tôi lại điên đến mức này khi viết ra những chữ ấy trong nhật ký. Oanh ơi, Ruộng ơi, tôi là kẻ sinh ra làm khổ các người. Sao tôi không chết đi, không bị tù tội chung thân cho rảnh? Suốt ba ngày đêm liền sau đó, trừ lúc nào Ruộng đi họp hay đi học thì thôi, còn ở nhà, hai đứa chúng tôi lại cãi nhau như mèo với chó. Tôi đòi lại cuốn nhật ký nhưng cô ấy trả lời đốt rồi. Tôi không tin là cô ấy đã đốt những dòng năm tháng của tôi. Với trái cấm này, người ta rất sợ nhưng lại rất thèm ăn. Vả lại, tôi biết cô ấy mới đọc sơ sơ. Tôi đoán Ruộng đã giấu cuốn nhật ký của tôi ở một nơi nào bí mật. Khi Ruộng đi làm, tôi đã mất công lục mọi xó xỉnh trong nhà nhưng không sao tìm thấy cuốn nhật ký chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Tôi hoảng sợ. Những ý nghĩ thật của mình mà lọt vào tay người thứ ba là nguy hiểm, là bỏ bố. Người ta, một thời đại, chỉ quen nghe những lời mòn sáo, dối trá, mọi người nói năng suy nghĩ giống y như nhau. Cái món chính kiến chính cỏ này, những suy nghĩ thật riêng tư về nhiều vấn đề này, những mảnh đời riêng cần giấu giếm này sẽ là tiếng bom với những lỗ tai quen nghe lời nịnh hót, là độc dược với những cái lưỡi a dua bao giờ cũng chỉ ưa nói lời kẻ khác. Tôi sẽ dùng mọi biện pháp để dụ Ruộng trả lại cuốn nhật ký. Chính vì vậy, tôi phải lộ dần chất đê tiện của một con rệp từ trong người ra. Tôi thay đổi chiến lược và chiến thuật với Ruộng, trở thành người dễ thương, biết chăm sóc vợ con một cách tỉ mỉ, tế nhị. Đồng thời, tôi bắt đầu chiến dịch nịnh hót vợ. Tối đó, từ hơn ba năm, vợ chồng chúng tôi ngồi ăn cơm chung với nhau. Đứa con đã quen, đã gọi tôi bằng bố. Tôi dùng Văn làm cái cớ nói chuyện với Ruộng, gắp thức ăn cho cô trong bữa ăn, pha trò khiến cô ấy đã tủm tỉm cười. Đêm ấy, mặc dù trong bụng tôi vẫn còn giận cô giấu cuốn nhật ký của tôi, đã ghen tuông kiểu hàng tôm hàng cá, nhưng tôi vẫn phải làm màn tán tỉnh yêu đương ăn nằm với cô. Ngay trong lúc chăn gối này, tôi vẫn chỉ nghĩ đến Oanh và cuốn nhật ký bị đánh cắp. Tôi tin là đứa con gái Vương Thi của tôi được hoài thai trong lần ân ái này. Ngay sau chuyện đó, khi hai đứa còn chưa kịp mặc lại quần áo, tôi tranh thủ hỏi Ruộng:
- Em yêu, trả anh cuốn nhật ký đi.
Ruộng bèn ngồi thằng dậy, đùng đùng nổi giận:
- Chỉ vì cái cuốn sổ chết rấp đó mà anh phải ăn nằm với tôi ư? Tôi biết mà, anh đâu có yêu tôi bao giờ đâu. Anh chỉ lợi dụng tôi thôi.
Khi đứa con ngủ, chúng tôi nhất trí là phải làm đơn ly dị. Tôi thảo xong tờ đơn, cô ấy ký liền. Đoạn, tôi bỏ hết đồ đạc vào ba lô, đeo lên vai, hôn con rồi cầm tờ đơn ly dị bỏ vào túi, bước ra cửa.
Đột nhiên, Ruộng kéo tay tôi lại hỏi:
- Anh bỏ mẹ con tôi thật ư?
- Thật, em đã đồng ý để tôi đi rồi còn gì?
Ruộng chổng hai tay vào hông như nữ tướng, truyền:
- Hưng, anh ở lại đây. Anh đừng hòng thoát khỏi mẹ con tôi đâu. Giữa hai cái, xin anh cứ việc mà chọn lấy một: đi tù hay ly dị.
Tôi giật thót người. Rõ là cái thằng sợ tù nhất nước. Một con cáy chứ không phải người đàn ông từng mặc áo lính, từng giương lê lao vào đồn Tây như vào chỗ không người. Tôi dừng lại, vặn cái con người đang đứng thách thức mình, đã là vợ mình:
- Tôi bị tù? Vì sao nào? Tôi giết người phỏng?
- Cuốn nhật ký của anh tôi không bao giờ đôdt đâu. Nếu anh thích ngồi tù thì cứ việc đi, cứ việc bỏ mẹ con tôi mà bám váy cho cái con bò cái biết khám bệnh ấy.
Mắt tôi nhảy lửa. Trời ơi, nếu con mẹ điên này nộp cuốn nhật ký ấy cho tuyên huấn hay công an văn hóa, coi như đời tôi đi đứt. Tôi làm hòa, thay đổi giọng điệu. Phương pháp chính trị, cách sai khiến người của vợ tôi phải chăng là cách trị người của thời đại: chỉ khi nào ta làm cho người sợ thì người mới thuộc về ta?
- Tình nghĩa vợ chồng với nhau, dù sao chúng ta cũng đã có một thằng con trai. Sao em nỡ nói như thế?
Ruộng nắm được cái thóp của tôi rồi, như nhà cai trị nắm đuợc cái thóp của đám đông: nỗi sợ. Từ nay, cô sẽ dễ dàng điều khiến tôi như điều khiến một con rối.
- Anh phải thề quên con mụ tư sản thối tha bác sĩ đó đi.
Tôi nói như máy:
- ừ, quên.
- Anh thề đi.
Tôi tiếp tục như máy:
- Anh thề.
- Anh hứa yêu thương mẹ con em mãi đi.
- Anh hứa.
Từ đó, chúng tôi như thể có thỏa thuận ngầm, không nói về cuốn nhật ký nguy hiểm ấy nữa. Tôi hiểu rằng vợ tôi đã dùng cái bùa này để buộc đời tôi vào chân cô như buộc một con chó. Tôi cũng lờ đi luôn, coi như chưa từng có cuốn nhật ký ghi đầy rẫy chính kiến về mọi chuyện của một thằng ngứa tay, ngứa miệng, ngứa óc. Tôi phải biết cách sống trong khuôn phép của Ruộng, của tổ chức. Tôi trở thành kiểu mẫu cho thứ tình yêu có lãnh đạo, theo kiểu hôn nhân theo chỉ thị.
Nhà xuất bản cho biết cuốn tiểu thuyết Sống bên những người đã chết của tôi vào kế hoạch xuất bản năm 1961. Tôi báo cho vợ là sắp có một món tiền để đón đứa con thứ hai chào đời.
Ruộng đã biết cưng chiều, săn sóc tôi. Bề ngoài, gia đình tôi ai dám bảo là không có hạnh phúc? Thời ấy, người ta chấp nhận cái công thức này: thà một hạnh phúc giả còn hơn một sự tan vỡ thật.
Ly Thân Ly Thân - Trần Mạnh Hảo Ly Thân