Số lần đọc/download: 1282 / 9
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:40 +0700
Nữ Giới
V
iết về sự khác biệt giữa hai quan niệm Đông và Tây khi bàn tới ấn tượng của người Việt đang sống ở Tây Phương thấy sự tự do của người phụ nữ nơi đây ít lệ thuộc vào uy quyền người chồng cũng như luật pháp Hoa Kỳ dành rất nhiều quyền cho phụ nữ và trẻ em... và chồng không có toàn quyền đối với vợ..., linh mục Dominici Đỗ Minh Trí, S. J. cho rằng "Những phong tục tập quán trong xã hội Việt Nam bắt nguồn từ Nho Giáo... Lòng hiếu thảo với cha mẹ phải được coi trọng hơn tình yêu vợ chồng... Chính vì vậy mà người vợ bị hy sinh vì địa vị của người mẹ chồng trong gia đình" (Việt Nam Quê Hương Tôi; trang 82). Trong khi đối với Tây Phương, "Xã hội không có giai cấp và đặt nền tảng trên sự bình đẳng. Mọi người đều có một giá trị như nhau, đều bình quyền với nhau bởi vì mọi người đều là con của Thượng Đế" (trang 82-83).
Chính vì quan niệm bình đẳng giữa hai phái, người Tây Phương có luật cấm không được đánh phái nữ. Thực tế mà nói, 60 phần trăm đàn ông Tây Phương vẫn còn đôi khi đánh vợ dẫu luật pháp nghiêm cấm đến nỗi bất cứ vì lý do gì mà thượng cẳng chân hạ cẳng tay với phái nữ, dân râu mày đều bị coi là trái; lý do: đàn bà không đủ năng lực bảo vệ chính mình. Đây chỉ là trên luật pháp theo cái nhìn chung. Thực ra, đâu thiếu gì người đàn bà khỏe hơn đàn ông, hoặc chấp nhận bị đòn, mà nhiều khi còn ngược lại... để rồi cảnh gà mái đá gà cồ chẳng phải là hiếm hoi trong cuộc đời.
Xã hội và tâm não Tây Phương được dựa trên Kinh Thánh: "Thiên Chúa tạo dựng nên người đàn ông để cai quản mọi tạo vật Ngài đã tác thành. Và Ngài đã lấy xương sườn cụt của người đàn ông tạo nên người đàn bà" (K.N. 2: 22-23). Theo các nhà thần học xét về giá trị tương quan của phái nam và phái nữ, câu Kinh Thánh này nói lên sự bình đẳng và giá trị kết hợp của hôn nhân, vợ chồng trở nên một, không ai hơn ai, người nọ bổ túc cho người kia và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung... Hai người đã trở nên một thì không còn gì được coi là của riêng chồng hay riêng vợ mà chính ngay cả thân xác, theo thần học hôn nhân Công Giáo, người này có quyền trên thân xác người kia... Ngoại trừ những trường hợp bất thường thiếu sự hòa hợp hay có những lý do riêng không thể được chấp nhận.
Người đàn bà được nhìn theo giá trị bình đẳng tất nhiên bao gồm bình quyền; do đó người Tây Phương dễ nói lên những đặc tính đáng ca tụng hoặc nhận xét vô tư nơi đối tượng khác giống hơn. Dĩ nhiên, dẫu cho tới ngày nay, nhân loại sắp bước vào thế kỷ 21, đàn ông vẫn còn đang là phái tính dẫn đầu xã hội. Có những bộ lạc theo chế độ mẫu hệ; người đàn bà làm chủ gia đình; của ngoài đồng thuộc về người chồng nhưng khi đã đem về tới nhà thì đương nhiên trở thành của vợ... Con cái theo họ mẹ và chỉ đàn bà mới được chấp nhận làm tộc trưởng (Tôi không nhớ rõ bộ lạc nào thuộc về người Thượng tại Việt Nam, hoặc là Cà Răng Căng Tai, hoặc là Thái trắng); tuy nhiên, chế độ mẫu hệ này không được phổ biến.
Người Tây Phương có nhiều câu nói, nhận xét về phái nữ qua thơ văn, truyện, kịch, khó có thể biết được cho hết. Trong giới hạn nhỏ nhoi, tôi tạm ghi lại một vài lối nhìn, nhận xét... không thể được gọi là mẫu mực, mà chủ đích chỉ để dẫn chứng cho cái nhìn về nữ giới của Tây Phương.
L. F. Cervantes cho rằng "Vai trò căn bản của phụ nữ nơi bất cứ xã hội nào là để thiện toàn chính mình về những phương diện thể lý, tình cảm, tâm não, luân lý và đạo đức cũng như tôn giáo. Nữ giới được mời gọi cùng với nam giới phát triển nhân tính con người tiến tới sự hoàn thiện nhất. Từ sự khác phái tính với nam giới, phụ nữ có những đặc tính và tài năng khác biệt hòa hợp với phái nam, và vì thế vai trò của nữ giới trong xã hội, một cách lý tưởng, bao gồm tính chất sinh động của mọi tài năng để phát triển xã hội tới mức tối đa. Tuy nhiên, khi nói về nữ giới, nhiều vấn đề cần được để ý tới như môi trường xã hội nào được đề cập, người phụ nữ đó ở trong giai cấp nào vì vai trò của họ thay đổi tùy theo tuổi tác, giáo dục, giàu nghèo, độc thân hay trong cuộc sống đôi bạn, có con hay không và nhiều hay ít con, chồng ở nhà hay đi vắng; đồng thời người phụ nữ đi làm hay chỉ chăm sóc nhà cửa, gia đình. Nếu xét về vấn đề xã hội thì lại cần được nói đến loại xã hội nào, thành phố hay thôn quê, trong môi trường nông nghiệp hay kỹ nghệ, số dân đông hoặc ít, nơi thời bình hay thời chiến và có bị ảnh hưởng những xáo trộn, nề nếp của hệ thống gia đình hay không. Xét thế, còn nhiều nguyên nhân và lý do ảnh hưởng tới vai trò một người phụ nữ trong xã hội." (New Catholic Encyclopedia; Vol. 14 Jack Heraty & Associates, Inc. Palatine Ill. U. S. A.; 1981)
Qua tư tưởng của nhà văn nhà báo, lối nhìn phát xuất tự nhiên hơn tùy theo kinh nghiệm cá nhân, để ca tụng hoặc châm biếm. Với lối phát biểu của họ, bất xét người phụ nữ được khuôn mẫu, giáo dục ra sao, cái nhìn ít lý luận đầy cảm nhận này nói lên tính chất đa dạng của phụ nữ. Lẽ đương nhiên không ai có thể tự hào là người có thể biết hết về phụ nữ qua kinh nghiệm sống riêng của mình.
Đã là người, ai cũng có những tính nết hay và dở, do đó cái nhìn của người khác về mình đều có những điểm đúng hoặc khó lọt tai. Đối với kinh nghiệm về phụ nữ cũng thế, những câu nói, cảm nghĩ, hay tư tưởng của mỗi người nói lên một khía cạnh nào đó tùy theo kinh nghiệm của chính họ với một số phụ nữ nào đó. 426 năm trước kỷ nguyên, Euripides trong Andromache viết: "Đối với đàn bà, yêu thương là tất cả." Tâm lý bình thường, câu "Yêu nên tốt, ghét nên xấu" có lẽ bắt nguồn từ kinh nghiệm của nữ giới chăng vì phụ nữ phản ứng theo tình cảm nhiều hơn lý trí nên khi yêu thương ai, dù điều chẳng ra gì của người đó cũng trở thành dễ mến. Jacques Deval nói lên nhận xét này trong mục tổng kết tin tức ngày 10 tháng 5, 1954: "Đàn bà không bao giờ dùng trí thông minh của họ ngoại trừ khi họ tính toán sự chi tiêu." W. Sornerset Maugham (1921) nói lên lòng độ lượng của nữ giới: "Người đàn bà sẽ luôn luôn hy sinh nếu bạn tạo cho nàng cơ hội. Đó là cách thức bày tỏ được ưa chuộng bởi lòng khoan dung độ lượng của họ." Trong khía cạnh tình yêu, "Người đàn bà có thể trở nên bất cứ gì mà người yêu của họ muốn nàng trở thành" (Tommy and Grizel; J. M. Barrie; 1813). Hơn nữa, "Tính chất sinh động biến đổi qua nhiều trạng thái khác nhau là một trong những đức tính của người đàn bà; nó giúp nàng luôn luôn tươi mát và gây cảm giác mới mẻ tránh cho người đàn ông có ham muốn đa thê. Thế nên, khi một người đàn ông có được một người vợ hiền (good), chắc chắn rằng họ sẽ có được tất cả" (The Glory of Grey; G. K. Chesterton; 1910). Xét như thế, "Cả cuộc đời của người đàn bà trở thành diễn tiến của sự quyến rũ lôi cuốn" (The Broken Heart; Washington Irving; 1819) Và để có được sự lôi cuốn, "Đàn bà giống như những giấc mơ, họ không bao giờ giống như những điều bạn ước muốn" (Each in His Own Way; Luigi Piradello; 1924). Một điều khác biệt với đàn ông là "Đàn bà thường suy tính về thành quả trong sự yêu thương nên ít khi họ cảm thấy mích lòng" (Lacon; Charles Caleb; 1825). Nên lắm lúc bạn cảm thấy ngỡ ngàng về phản ứng êm dịu của họ trong khi lại ăn năn bởi thái độ nóng sốt quá đáng của mình. Lawrence Durerell (1957) cho rằng "Đối xử với đàn bà, chỉ có 3 vấn đề được đặt ra, hoặc là bạn yêu nàng, hoặc là bạn chịu khổ vì nàng, hay bạn biến nàng thành văn chương." Sức mạnh của đàn ông được biểu lộ qua ý chí, lòng kiên quyết nhưng ngược lại, "Sức mạnh của nữ giới được biểu lộ khi nàng võ trang bằng những sự yếu ớt của mình" (Letter to Voltaire; Marquise du Deffand; 1759).
Lẽ đương nhiên, đã là người làm sao tránh được những điểm khiếm khuyết. Một người cho dầu tốt lành mấy đi chẳng nữa thế nào cũng có những điều chính họ không thích, không muốn ngay nơi bản thân. Hơn nữa, bình thường mà xét, bản tính con người thì mỏng dòn do đó dễ dàng bị sai lầm, hoặc mang một số tính xấu nào đó được coi như cố tật. Phái nữ dưới con mắt người Tây Phương dầu được coi là ưu tiên nhưng không phải vì thế mà không bị đem ra mổ xẻ thẳng thắn. Như một đặc tính chung, phái nữ đa số ít dùng lý luận mà bị ảnh hưởng phần nhiều bởi cảm tình, cảm giác nhất thời. Emile Gaboriau trong cuốn Monsieur Lecoq (1869) đã viết: "Phái nữ diễu cợt với thực tại. Chỉ cho họ mặt trời và nói cho họ biết bây giờ là ban ngày; ngay lập tức, họ nhắm mắt lại và nói không phải, bây giờ là ban đêm." Chính vì ít khi dùng đến lý luận, nói theo William Hazlitt (1823) "Không bao giờ dùng đến lý luận," nên ít khi họ thấy họ sai lầm. Đặc tính đứng núi này trông núi kia cao rất mạnh mẽ nơi người đàn bà nên rất khó cho họ cảm thấy hài lòng với thực tại. Bởi vậy họ nhìn thấy nhiều sự sai lầm nơi chính gia đình của họ và cứ tưởng các gia đình khác hạnh phúc hơn, "Đối với các bà, còn gì lầm lỗi hơn ngoài gia đình của họ" (Andromache; Euripides). Một cố tật của phụ nữ là chỉ thích nhìn nếu không nói là bới móc những điều thiếu sót nhỏ mọn không đáng để ý trong khi chẳng đếm xỉa gì đến những việc lớn lao hơn bạn làm cho nàng; "Đàn bà không bao giờ thấy điều bạn làm cho họ; họ chỉ thấy những gì bạn không làm" (La Paix Chez Soi; Georges Courteline; 1903). Ngoài ra, "Tất cả phụ nữ còn độc thân đều tốt lành nhưng sẽ trở thành những người tệ hại khi đã là vợ" (Ngạn ngữ Anh). Bởi tham vọng của phụ nữ leo thang cấp lũy tiến: "Thoạt tiên, nàng không ước ao gì ngoài một người bạn đời nhưng vừa ngay khi có chồng, nàng nước muốn tất cả mọi sự trên thế gian" (Country Town Saying; Edgar Watson Howe; 1911). Beautmont và Fletcher có cùng đồng quan điểm trong cuốn The Scornful Lady (1614): "Làm gì có luyện ngục, chỉ có sự khổ ải phát sinh từ đàn bà mà ra." Có lẽ Émile Gaboriau còn cay đắng hơn về kinh nghiệm liên hệ với đàn bà: "Phụ nữ không bao giờ thú nhận, ngay cả khi họ hoàn toàn biết rõ chính họ lầm lỗi. Họ có bao giờ chân thành đâu" (Monsieu Lecoq; 1869). W. S. Gilbeart thậm chí ngậm ngùi hơn: "Trong tất cả những sự đau đớn khổ ải giáng họa trên kiếp người đều có dính líu tới đàn bà" (Fallen Fairies; 1909). Có phải đó là kết quả của sự tham vọng nơi nữ giới chăng như O'Henry bày tỏ: "Điều mà nữ giới muốn là điều mà bạn không có. Nàng càng muốn hơn những gì hiếm hoi." Có lẽ chính vì vậy không lạ gì nữ giới thích đeo kim cương hột xoàn. Vật chất đã thế, những chuyện chẳng ra gì lại là niềm vui của họ: "Hình như phụ nữ cảm thấy vui sướng nói xấu (sick talk) người khác" (The Phoenician Women; Euripides; 411 B. C.). Nói hành nói tỏi thành quen nên đa nghi lời người khác là chuyện bình thường nơi nữ giới. Tuy nhiên điều ngược hẳn với tính chất đa nghi bắt nguồn từ tật xấu rỗi miệng lại là thích người khác khen mình: "Phụ nữ nghi ngờ tất cả những gì bạn nói ngoại trừ những lời bạn khen họ" (The Note Book; Elbert Hubbard). Bởi thích được khen nên phụ nữ rất ít khi khen người khác đẹp, do đó "Nếu một phụ nữ đẹp chấp nhận rằng người đàn bà khác đẹp, chúng ta có thể kết luận người đàn bà đó phải đẹp gấp mấy nàng" (La Bruyère, Characters; Henri Van Laun; 1688). Nhìn vào những điều "chẳng nên" bình thường nơi nữ giới, có lẽ không ai ngỡ ngàng với câu nói quá đáng của Nietzsche "Lầm lỗi thứ nhì của Thượng Đế là đã tạo dựng đàn bà" (The Antichrist; 1888). Không hiểu quí vị râu mày nghĩ gì về sự lầm lỗi này của Tạo Hóa! Có điều, 200 năm trước kỷ nguyên, Plautus đã hô ầm lên rằng: "Này bạn, không thể nào kiếm được người đàn bà tuyệt hảo đâu; có chăng chỉ là vấn đề so sánh giữa những sự khùng điên" (The Pot of God). Âu đó cũng là một câu an ủi lỡ khi có sự phiền hà.
Xét thế, nếu chỉ nhìn vào những điểm tốt lành, nét dịu dàng, lòng khoan dung độ lượng trong sự bày tỏ chân thành theo quan điểm Tây Phương thì các ông chồng đúng là đang sống nơi thiên đàng hạ giới. Ngược lại, chỉ đếm xỉa tới những điều không nên không phải được trắng trợn nói ra, các ông chồng mới thật là đáng thương làm sao, hỡi các đấng mày râu!