Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Tác giả: Yoko Ogawa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3506 / 125
Cập nhật: 2017-11-22 20:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
gày mồng 7 tháng Bảy, Tigers bại trận 0- 1 trước Taiyo, vậy là đã bảy trận thua liên tiếp. Mặc dù bẵng đi một tháng nhưng nhịp độ công việc đã sớm trở lại như cũ. Những tổn thương ở não là một điều bất hạnh, song mất đi ký ức liên quan đến những chuyện rối rắm kể cũng may. Trận to tiếng giữa tôi với bà quả phụ chẳng để lại dấu vết nào nơi giáo sư.
Tôi dán giấy nhớ sang bộ com lê mùa hè của giáo sư. Tôi cố gắng giữ nguyên vị trí của chúng và viết lại những mẩu giấy nhớ bị rách hoặc mờ chữ.
"Trong chiếc phong bì ở ngăn kéo bàn thứ hai từ dưới lên"
"Trang 315- 372 và Tiết 17, Chương 1, Phần IV, Giải thích hàm số hyperbol, Lý thuyết hàm số (in lần thứ 2)"
"Thuốc trong hộp trà nằm ở góc trái cánh cửa chạn, uống hàng ngày sau ăn"
"Dao cạo nằm ở cạnh gương bồn rửa mặt’
"Cảm ơn về chiếc bánh ngọt!"
Có cả mẩu giấy nhớ đã kết thúc sứ mệnh (Căn mang về chiếc bánh tự tay mình làm trong giờ thực hành nấu ăn cho giáo sư vào tháng trước) nhưng tôi không vứt đi. Tôi đối xử bình đẳng với tất cả.
Đọc những mẩu giấy nhớ, tôi hiểu rằng, trong cuộc sống hằng ngày giáo sư cẩn trọng hơn vẻ bề ngoài nhiều lần. Tôi cũng biết ông không muốn để lộ ra sự cẩn trọng ấy. Vì thế tôi không nhìn ngắm chúng một cách tò mò mà cố gắng kết thúc thật sớm. Sau khi đã dán xong toàn bộ chỗ giấy nhớ, bộ com lê mùa hè đã ở vào trạng thái sẵn sàng, trông nó thật sống động.
Giáo sư đang bắt tay vào một đề toán hóc búa chưa từng có. Hình như là một đề toán kèm theo khoản tiền thưởng lớn nhất kể từ khi tạp chí "JOURNAL of MATHEMATICS" ra đời. Song có vẻ ông chẳng màng chuyện tiền bạc mà chỉ thuần túy quan tâm tới sự thú vị của bài toán. Những chiếc phong bì đựng phiếu chuyển tiền từ tòa soạn tạp chí bị bỏ mặc trên ngưỡng cửa, hoặc trên kệ điện thoại hoặc trên bàn ăn mà chưa hề bị xé. Hỏi ông sao không ra bưu điện lĩnh tiền thì ông chỉ ậm ừ nên tôi đành chuyển chúng cho bà quả phụ thông qua nghiệp đoàn.
Chỉ cần nhìn dáng vẻ giáo sư đó là đủ biết đề toán lần này hóc búa ra sao. Mật độ trạng thái suy nghĩ của ông tựa hồ như đã đạt tới điểm bão hòa. Chẳng tiếng động nhỏ nào lọt ra mỗi khi ông bước vào thư phòng tới mức tôi sợ rằng cơ thể ông đã tan ra vì chìm quá sâu vào suy nghĩ. Thế rồi đột nhiên có tiếng gọt bút chì vang lên giữa ắng lặng. Âm thanh ấy làm tôi yên tâm. Vì đó là bằng chứng khẳng định giáo sư còn sống và việc chứng minh vẫn tiến triển dù chậm chạp.
Đôi khi tôi lấy làm lạ là, tại sao giáo sư có thể suy nghĩ liên tục về một vấn đề trong khi mỗi buổi sáng thức dậy đều phải bắt đầu bằng việc cố hiểu xem căn bệnh quái ác nào đang đe dọa mình. Tuy nhiên, từ trước năm 1975 đến nay, hoạt động duy nhất của giáo sư là nghiên cứu toán học, vì thế, bản năng đã khiến ông ngồi vào trước bàn và tập trung vào đề toán trên đó. Một cuốn vở ghi chép bình dị và những mẩu giấy nhớ viết vội giống như đám lông tơ phủ kín người là sự bù đắp cho những khoảng trống tư duy mà ông đã tích lũy được cho tới hôm trước đó.
Thế rồi, trong một lần tôi đang chuẩn bị bữa tối, giáo sư bất đồ xuất hiện trước mặt tôi. Ông hiếm khi tiếp xúc với tôi và bình thường còn chẳng thèm nhìn tôi lúc đang ở trạng thái suy nghĩ. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi không hề nghe thấy tiếng của thư phòng kẹt mở hay tiếng bước chân ông.
Tôi không biết ông có nổi cáu khi tôi cất tiếng hay không nên vừa tách bỏ hạt ớt và bóc vỏ hành tây vừa len lén dò xét đối phương trong im lặng. Giáo sư khoanh tay, tựa người vào quầy bar ngăn bếp với buồng ăn, chăm chú nhìn tay tôi. Tôi không sao làm được việc vì một cảm giác căng thẳng khó tả. Tôi mở tủ lạnh lấy trứng để chuẩn bị cho món rán.
- Thưa giáo sư… có việc gì không ạ?
Không chịu được nữa tôi đành lên tiếng.
- Cô cứ tiếp tục đi.
Tôi thở phào vì giọng giáo sư dịu dàng đến không ngờ.
- Tôi thích nhìn cô làm bếp.
Ông nói.
Tôi đập trứng vào liễn, khuấy đều bằng đũa nấu. Tiếng thích ngân lên trong tai tôi. Tôi cố gắng xóa đi mọi ý nghĩ, tập trung vào liễn trứng hòng dập tắt tiếng ngân ấy.Tôi vẫn tiếp tục khoắng đũa ngay cả khi những cục gia vị đã tan hết. Tôi không hiểu tại sao giáo sư lại nói ra điều ấy. Chỉ dám đoán mò rằng đề toán quá khó đã khiến đầu ông bị đoản mạch. Cuối cùng tôi cũng dừng đũa vì bàn tay mỏi nhừ.
- Cô sẽ làm gì tiếp?
Giọng giáo sư nhỏ nhẹ.
- À… dạ, tiếp theo là… à… vâng, tôi sẽ làm món phi lê lợn rán.
Sự xuất hiện của giáo sư khiến các thao tác chuẩn bị trở nên lúng túng.
- Cô không rán trứng sao?
- Dạ. Để thêm chút nữa cho gia vị ngấm hơn ạ.
Căn vắng nhà vì đã ra ngoài công viên chơi. Ánh nắng chiều chia những bụi cây trong vườn thành các khoảng sáng tối. Không có gió, tấm rèm nơi khung cửa sổ mở toang chẳng hề lay động. Giáo sư nhìn tôi với ánh mắt giống như lúc đang suy nghĩ. Màu đen của đồng tử đậm tới độ gần như trong suốt, mỗi lần thở, những sợi lông mi lại rung lên. Đôi mắt tựa hồ như đang nhìn xa xăm trong khi tiêu điểm thì lại ở rất gần. Tôi rắc bột lên thịt phi lê rồi xếp vào chảo.
- Tại sao cô cứ phải dịch chuyển vị trí của các miếng thịt như thế?
- Vì độ nóng ở giữa chảo và mép chảo không đều nhau nên thỉnh thoảng phải đảo vị trí như thế này để cho thịt chín đều.
- Ra thế,mọi người phải nhường nhau để không ai độc chiếm mãi chỗ tốt nhất.
So với tính phức tạp của bài toán giáo sư đang giải, việc rán thịt chẳng thấm vào đâu, vậy mà ông cứ gật gù như thể vừa phát hiện ra điều gì độc đáo lắm. Mùi thơm lơ lửng giữa chúng tôi.
Sau đó, tôi thái ớt và hành tây đề làm sa lát, chế nước rưới bằng dầu ô liu rồi rán trứng. Tôi định bụng sẽ lén trộn cà rốt vào nước tưới nhưng đành bỏ cuộc vì giáo sư không chịu rời mắt. Ông không nói gì nữa. Ông nín thở khi tôi tỉa những lát chanh thành hình bông hoa, rướn người ra trước khi dấm và dầu ăn trộn với nhau chuyển sang màu trắng đục và buông một tiếng thở dài khi tôi xếp món trứng rán còn bốc hơi lên mặt bàn.
- Thưa giáo sư…
Tôi lại buột miệng hỏi.
- Có điều gì thú vị thế ạ? Chỉ là công việc nội trợ thôi mà.
- Tôi thích nhìn cô nấu ăn.
Giáo sư trả lời hệt như lúc nãy. Rồi ông buông tay xuống, đưa ánh mắt ra ngoài cửa sổ, xác định vị trí sao Hôm, sau đó trở về thư phòng. Ông chẳng để lại chút cảm giác nào về sự hiện diện của mình,y như khi xuất hiện. Nắng chiều hắt trên lưng áo.
Tôi hết nhìn mâm cơm đã hoàn tất rồi lại nhìn sang tay mình. Mòn thịt rán được trang trí bằng mấy lát chanh, món rau trộn và món trứng rán vàng ươm mềm mại.Tôi ngắm nghía từng món một. Những món ăn chẳng có gì đặc biệt nhưng sao mà ngon mắt. Những món ăn đã đem lại niềm hạnh phúc khi một ngày sắp hết. tôi nhìn xuống lòng bàn tay mình thêm một lần nữa. Và chìm trong cảm giác thỏa mãn tựa như đã hoàn tất cái công trình vĩ đại là chứng minh được định lý cuối cùng của Fermat.
Qua mùa mưa phùn, trường tiểu học bước vào kì nghỉ hè, Olympic đã khai mạc ở Barcelona rồi mà cuộc chiến của giáo sư vẫn chưa kết thúc.Tôi háo hức chờ đợi cái ngày giáo sư nhờ tôi ra bưu điện gửi bài chứng minh đã hoàn tất cho tạp chí "JOURNAL of MATHEMATICS" vậy mà ngày ấy mãi chưa tới.
Những ngày nóng bức kéo dài. Nhà ngang vừa bí vừa không có máy lạnh, nhưng chúng tôi không kêu ca, chỉ chịu đựng. Chẳng hạn như vào những ngày nhiệt độ vượt quá 35oC, ông vẫn ngồi trước bàn làm việc với cánh cửa thư phòng khép kín và chẳng có ý định cởi bỏ com lê. Dường như ông sợ nếu cởi ra, có thể tất cả những chứng minh gom góp được sẽ rối tung lên mất. Cuốn vở biến dạng vì mồ hôi, rôm sảy nổi khắp người, ngứa ngáy. Ấy vậy mà khi tôi mang quạt điện vào thư phòng hay bảo ông đi tắm hay khuyên ông nên uống thêm trà đại mạch lạnh thì ông phát cáu và tống cổ tôi ra ngoài.
Căn bắt đầu tới nhà giáo sư luôn từ sáng cùng với tôi sau khi trường học bước vào kỳ nghỉ. Tôi biết là chẳng hay ho gì khi để Căn ở nhà quá lâu,phần cũng vì vụ việc to tiếng hôm trước, nhưng giáo sư không chịu nhân nhượng. Tôi cứ đinh ninh ông chẳng biết gì ngoài toán học, vậy mà ông lại khá tường tận về việc trường tiểu học có một kì nghỉ hè rất dài và vẫn khăng khăng cái lý lẽ từ trước tới nay của mình là con cái phải luôn luôn ở trong tầm mắt mẹ. Tuy nhiên, Căn hầu như chẳng chịu ngồi yên, nó chơi bóng chày với bạn ở công viên suốt buổi sáng rồi tới bơi ở bể của trường vào buổi chiều mà không động gì tới bài tập.
Giáo sư hoàn thành bài chứng minh vào thứ Sáu, ngày 31 tháng Bảy. Ông chẳng hề tỏ ra hưng phấn hay mệt mỏi, chỉ bình thản giao chiếc phong bì cho tôi. Vì mai là thứ Bảy nên tôi vội chạy thẳng ra bưu điện cho kịp chuyển thư hôm nay. Sau khi chờ cho dấu bưu điện đóng xuống để chắc chắn rằng họ đã nhận bưu phẩm của mình, tôi bỗng nhiên cảm thấy thật vui. Trên đường về, tôi rẽ vào một vài chỗ, mua cho giáo sư bộ quần áo lót để thay, mua một bánh xà phòng thơm, mua kem, thạch rau câu và thạch nước.
Khi tôi về đến nhà, giáo sư đã trở lại trạng thái cũ. Ông không còn biết tôi là ai. Tôi nhìn đồng hồ. Đã một tiếng mười phút trôi qua kể từ lúc tôi ra ngoài.
Cái trí nhớ dài tám mươi phút của giáo sư chưa một lần sai lệch. Não bộ ông đo đếm tám mươi phút ấy còn chính xác và lạnh lùng hơn cả đồng hồ.
Tôi lắc chiếc đồng hồ đeo tay rồi áp vào tay xem nó còn chạy không.
Lúc chào đời cô nặng mấy cân.
Giáo sư hỏi.
Đầu tháng Tám, Căn tham gia chuyến cắm trại năm ngày bốn đêm dành cho học sinh trên mười tuổi của trường. Thằng bé đã háo hức đợi chuyến cắm trại này từ lâu. Lần đầu tiên trong đời nó phải rời xa mẹ, vậy mà chẳng tỏ một chút buồn rầu. Ở bến xe buýt nơi tập trung, có không ít mẹ con đang lưu luyến chia tay,các bà mẹ sốt sắng đang tranh thủ dặn dò con những điều cần chú ý trước lúc lên đường. Tôi cũng không phải ngoại lệ, cũng có bao điều muốn căn dặn như phải mặc áo gió khi trời lạnh hay không được làm mất thẻ bảo hiểm song Căn chẳng còn tay nào mà nghe, nó là người đầu tiên leo lên chiếc xe buýt vừa tới bến. Cuối cùng, để cho phải phép, nó chỉ vẫy tay chào tạm biệt tôi từ cửa sổ.
Đêm nay Căn vắng nhà tôi thấy ngại phải trở về căn hộ chỉ có một mình nên sau khi dọn xong bữa tối rồi mà tôi vẫn nấn ná.
- Để tôi cắt hoa quả cho giáo sư nhé.
Vẫn ngả người trên ghế, giáo sư ngoảnh lại khi tôi cất tiếng.
- Phiền cô quá.
Đáng lẽ ra phải một lúc nữa nắng mới tắt, nhưng chẳng biết tự khi nào mây đã độn dày thêm, khoảng sân sau được pha quyện bởi bóng tối và ráng chiều, trông tựa như có một lớp bóng kính màu tím nhạt bao phủ. Gió cũng bắt đầu khe khẽ nổi lên. Tôi cắt dưa hấu, đưa cho giáo sư và ngồi xuống cạnh chiếc ghế bành.
- Cô cũng ăn đi.
- Cảm ơn giáo sư. Xin giáo sư đừng bận tâm.
Giáo sư dầm dưa bằng sống dĩa rồi vừa ăn vừa làm nước bắn tung tóe.
Không có Căn, chẳng ai buồn bật máy thu thanh, mọi thứ tĩnh lặng. Cũng chẳng có tiếng động nào vọng xuống từ nhà trên. Tưởng như có tiếng ve đâu đây, không gian đã lại chìm vào im ắng.
- Cô thử ăn một chút xem sao.
Giáo sư sắp chìa miếng dưa hấu cuối cùng về phía tôi.
- Ồ không. Giáo sư cứ ăn đi ạ.
Tôi lấy khăn tay lau khóe miệng nhớp nháp của ông:
- Hôm nay cũng nóng giáo sư nhỉ.
- Quả đúng thế.
- Giáo sư nhớ phải bôi thuốc rôm tôi để trong nhà tắm đấy.
- Nếu tôi không quên…
- Hình như ngày mai còn nóng hơn nữa.
- Nóng bức mấy rồi hè cũng qua đi thôi.
Bụi cây trong vườn bất ngờ xao động, cả một vùng trước mắt tôi tối sầm. Khoảng ráng chiều nhỏ nhoi còn sót lại nơi đỉnh núi đằng xa ban nãy đã bị bóng tối nuốt chửng. Có tiếng sấm từ đâu vọng lại.
- Ồ, sấm.
Cả tôi và giáo sư cùng cất tiếng.
Thế rồi mưa bất thần trút xuống. Mưa lớn tới nổi có thể nhìn thấy hình dạng của từng hạt một. Tiếng mưa gõ trên mái vang khắp căn nhà. Tôi định ra khép cửa thì giáo sư bảo:
- Thôi khỏi. Để cửa mở như vậy sảng khoái hơn.
Mỗi lần cánh rèm bị hất tung lên, mưa lại hắt vào phòng rơi xuống đôi chân trần của chúng tôi. Đúng như giáo sư nói, mưa mát lạnh và sảng khoái. Đã không còn dấu vết của mặt trời ở đâu nữa, chỉ có ánh đèn chỗ bồn rửa bát tôi quên chưa tắt mờ tỏ chiếu xuống khoảng sân. Lũ chim nhỏ nấp mình giữa những thân cây bay vút lên, đám cành lá đan chéo vào nhau rũ xuống, chẳng mấy chốc mọi thứ trong tầm mắt đều chìm đắm giữa màn mưa. Tôi ngửi thấy mùi đất ải. Tiếng sấm mỗi lúc một gần.
Tôi nghĩ đến Căn. Liệu nó có biết chỗ cất áo mưa không? Đáng lẽ tôi phải bắt nó mang thêm một đôi giày thể thao dự phòng. Liệu nó có hưng phấn mà ăn nhiều quá không? Mong sao nó đừng để nguyên tóc ướt đi ngủ, không thì lại cảm lạnh mất...
- Ở trên núi liệu có mưa không giáo sư nhỉ?
Tôi hỏi.
- Núi tối quá, không nhìn thấy gì. - Giáo sư nheo mắt. - Có lẽ phải làm lại kính lão thôi.
- Sấm kia có phải trên núi không?
- Sao cô lo lắng chuyện trên núi thế?
- Vì con trai tôi đang cắm trại ở đó.
- Con trai?
- Vâng. Cháu mười tuổi. Một thằng bé nghịch ngợm và hâm mộ bóng chày. Chính giáo sư đã đặt biệt danh cho cháu là Căn. Vì đỉnh đầu cháu bị bẹt.
Tôi giải thích cho ông cái điều mà tôi đã phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi đã giao hẹn với Căn rằng, dù có bị hỏi bao nhiêu lần một câu hỏi và phải trả lời bao nhiêu lần một câu trả lời, chúng tôi cũng sẽ không tỏ ra ngán ngẩm.
- Ồ, vậy sao? Cô có con à? Điều đó thật tốt.
Lần nào cũng vậy, hễ cứ chuyển sang chủ đề về Căn là gương mặt ông lại rạng lên.
- Trẻ con đến hè thì phải đi cắm trại. Thật tuyệt vời. Đó là biểu tượng của sức khỏe và hòa bình.
Giáo sư tựa lưng vào đệm ghế, vươn vai ngáp. Hơi thở của ông vẫn còn mùi dưa hấu.
Một tia chớp lóe lên, tiếng sấm rõ ràng đã lớn hơn trước. Ánh sáng của nó là thứ duy nhất chạy ngang bầu trời bất chấp mưa và bóng tối. Một thứ ánh chớp mà dù đã tắt đi rồi, người ta vẫn phải bần thần nhìn theo.
- Trận sấm vừa rồi chắc là ở trên núi, giáo sư có nghĩ thế không?
Tôi nói. Nhưng giáo sư chỉ ậm ừ, chứ chẳng trả lời. Mưa bắn cả vào sàn nhà. Tôi xắn gấu quần ông lên cho khỏi ướt. Ông rụt chân lại vì buồn.
- Sấm thường đánh xuống những chỗ cao, vì vậy trên núi nguy hiểm hơn đồng bằng, phải thế không ạ?
Tôi tin rằng toán học cũng là môn khoa học tự nhiên nên kiến thức về sấm sét của ông chắc chắn phải hơn tôi, nhưng phỏng đoán của tôi trật khấc.
- Những ngày sao Hôm mờ như hôm nay thời tiết thường hay thay đổi.
Câu trả lời của giáo sư khác xa với sự chính xác của toán học.
Trong lúc ấy, mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, những tia chớp nổ ra liên tiếp không cách gì ngăn được, tiếng sấm làm những ô kính rung lên.
- Tôi lo cho Căn.
- Có ai đó đã viết trong một cuốn sách rằng, lo lắng cho con là thử thách lớn nhất đối với người mẹ.
- Không biết chừng cháu đang hoang mang vì đồ đạc mang theo đã ướt hết. Trong khi chuyến cắm trại còn những bốn ngày nữa.
- Mưa rào ấy mà. Ngày mai, khi nắng lên, mọi thứ sẽ lại khô ráo thôi.
- Ngộ nhỡ Căn bị sét đánh trúng thì sao?
- Xác suất đó rất thấp.
- Nếu chẳng may sét đánh thẳng vào chiếc mũ Tigers… Vì, giáo sư biết đấy, thằng bé có một cái đầu rất đặc biệt mà. Nó giống hệt ký hiệu căn bậc hai. Đó là cái đầu dành riêng cho thằng bé mà không ai có thể bắt chước được. Nên nếu sấm sét có phải lòng nó thì cũng không có gì là lạ.
- Ồ không, một cái đầu nhọn hoắt sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Vì nó dễ bị nhầm với cột thu lôi.
Giáo sư vốn lo lắng cho Căn là thế, song lần này đã trở thành người an ủi tôi. Một trận gió mạnh thổi tới, cây cối vặn mình. Cơn dông càng dữ dội căn nhà ngang càng chìm trong yên ắng. Một trong những căn phòng tầng hai trên nhà chính sáng đèn.
- Không có Căn, tôi cảm thấy lòng mình trống rỗng.
Tôi nói.
- Trống rỗng có nghĩa là bằng 0?
Giáo sư lẩm bẩm một mình, chứ không hẳn là đang hỏi tôi.
- Nghĩa là lúc này, trong cô đang tồn tại số 0.
- Vâng, có lẽ là thế.
Tôi gật đầu không thật quả quyết lắm.
- Cô không thấy người đã phát hiện ra số 0 thật vĩ đại sao?
- Chẳng phải số 0 đã có từ ngày xưa rồi sao?
- Ngày xưa là bao giờ?
- Chà, có lẽ chúng đã có ở khắp nơi từ khi con người sinh ra. Số 0 chứ có gì đâu.
- Vậy cô cho rằng số 0 đã ở ngay trước mắt con người lúc họ sinh ra giống như những bông hoa và các vì sao ư? Cô nghĩ rằng người ta có thể sở hữu vẻ đẹp ấy mà không phải vất vả gì sao? Ồ, thật là lầm lẫn. Cô phải biết ơn sự tiến bộ vĩ đại của nhân loại. Biết ơn bao nhiêu cũng không thừa. Thượng đế chẳng bắt tội cô về chuyện đó.
Giáo sư ngồi thẳng dậy trên chiếc ghế bành, vò đầu. Có vẻ như giáo sư vô cùng buồn bã. Tôi sợ gàu rơi vào đĩa dưa hấu nên cất vội nó xuống gầm ghế.
- Vậy ai đã phát hiện ra số 0?
- Những nhà toán học vô danh Ấn Độ. Điều đó đã cứu sống nền toán học Hy Lạp cổ đại vốn đang bị sự lộng hành của lũ dị giáo ném vào lò nấu nước của nhà tắm tập thể, làm hồi sinh những định lý đã mất và hơn nữa cho ra đời những chân lý mới. Mọi nhà toán học Hy Lạp thời cổ đại đều cho rằng không cần phải đếm cái chẳng có gì. Và vì không có gì nên cũng không thể biểu diễn được bằng con số. Đã có những người lật lại cái logic hiển nhiên đó. Họ biểu diễn cái không có bằng con số. Họ khiến cái không tồn tại trở thành tồn tại. Điều đó chẳng phải tuyệt vời sao?
- Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.
Tôi đồng ý, tuy không hiểu bằng cách nào nhà toán học người Ấn kia đã thế cho nỗi lo lắng về Căn. Từ kinh nghiệm của mình tôi học được rằng, phàm là những điều giáo sư nhiệt tình giảng giải thì thảy đều tuyệt vời.
- Nghĩa là nhờ nhà toán học vĩ đại người Ấn Độ đã phát hiện ra số 0 được ghi trong cuốn sổ của Thượng đế mà rất nhiều bí ẩn còn khép kín đã đồng loạt mở ra, phải vậy không ạ?
- Đúng như vậy. Hoàn toàn đúng như vậy. Cô rất am hiểu. Tuy thiếu lòng biết ơn song có đủ lòng quả cảm để khám phá mọi ngóc ngách của toán học. Còn bây giờ, cô hãy xem cái này.
Giáo sư lấy từ trong túi ngực ra bút chì và giấy nhớ. Cử chỉ ấy tôi đã bắt gặp nhiều lần. Đó cũng là khoảnh khắc trông ông bảnh nhất.
- Ta có thể phân biệt được hai con số sau là nhờ số 0.
Giáo sư kê giấy lên tay ghế viết số 38 và 308, rồi gạch hai đường dưới chân số 0.
- 38 là ba lần 10 và tám lần 1. 308 là ba lần 100, không lần 10 và tám lần 1. Thiếu hàng chục. Và số 0 là ký hiệu biểu diễn giùm ta sự thiếu vắng đó. Cô hiểu chứ?
- Vâng.
- Tốt. Vậy ta giả sử ta có một cây thước kẻ. Một cây thước kẻ dài ba mươi phân, làm bằng gỗ và được chia đến milimet. Cứ mỗi centimet và năm centimet lại được đánh dấu bằng một vạch đậm. Vậy thì theo cô, tận cùng bên trái của chiếc thước sẽ là gì?
- Là 0.
- Đúng thế. Cô bắt đầu nắm được vấn đề rồi đó. Vạch ngoài cùng bên trái là 0. Chiếc thước bắt đầu từ số 0. Khi dóng 0 vào điểm đầu tiên của vật muốn đo, ta sẽ lập tức biết được độ dài. Còn nếu thước bắt đầu từ số 1, mọi chuyện sẽ rất rắc rối. Thành thử, chính nhờ số 0 mà ta có thể sử dụng được thước đo dễ dàng như ngày nay.
Mưa vẫn tiếp tục rơi. Tiếng còi hiệu từ đâu vọng tới, rồi chẳng mấy chốc đã lẫn vào tiếng sấm.
- Tuy nhiên, sự phi thường của số 0 không chỉ được tạo nên bởi ký hiệu hay vai trò là chuẩn mực thước đo của nó, mà ở chỗ đó là một con số thực thụ. Một con số nhỏ hơn 1 - số tự nhiên nhỏ nhất - chỉ vỏn vẹn một đơn vị. Sự xuất hiện của số 0 chẳng những không làm đảo lộn sự thống nhất trong quy tắc tính toán mà ngày càng khẳng định tính không mâu thuẫn và củng cố các trật tự của toán học. Bây giờ cô hãy tưởng tượng. Có một con chim nhỏ đang đậu trên ngọn cây cao. Giọng hót của nó cất lên trong trẻo. Cái mỏ đáng yêu và bộ lông vũ có những hình thù tuyệt đẹp. Thế rồi, một tiếng thở bất chợt cất lên của cô trong lúc mê mẩn ngắm nhìn khiến nó bay đi mất. Chẳng để lại một bóng hình trên ngọn cây. Chỉ có những chiếc lá khô lay động.
Giáo sư chỉ tay ra màn đêm ngoài khoảng sân tựa như có một con chim nhỏ vừa bay đi thật. Bóng tối mỗi lúc một dày đặc vì mưa.
- 1 - 1 = 0, cô không thấy đẹp sao?
Giáo sư ngoảnh lại phía tôi. Một tiếng sấm lớn hơn nhiều vọng đến, mặt đất rung chuyển. Ánh đèn ở nhà trên giật giật, rồi chẳng thấy gì trong chốc lát. Tôi nắm chặt cổ tay áo com lê của ông.
- Không sao. Cô cứ yên tâm. Căn là một ký hiệu vững chãi. Nó che chở cho mọi con số.
Nói rồi giáo sư vuốt nhẹ tay tôi.
Căn trở về đúng hẹn. Quà tặng cho giáo sư là một chú thỏ ngủ gật làm bằng nhành cây và hạt dẻ. Giáo sư bày nó trên bàn làm việc cùng với một mẩu giấy nhớ dán dưới chân:
"Quà tặng của Căn (con trai cô giúp việc)."
Tôi hỏi Căn về cơn dông trong ngày đầu tiên song thằng bé bảo chẳng thấy có một hạt mưa nào. Nhưng nghe đâu đã có một cây bạch quả ở ngôi đền gần đó bị sét đánh trúng. Cái nóng và tiếng ve trở lại với ngôi nhà ngang, những tấm rèm và sàn nhà bị ướt đều đã khô ráo.
Mối quan tâm lớn nhất của Căn là Tigers. Thằng bé hy vọng Tigers sẽ vươn lên ngôi đầu trong lúc nó vắng nhà nhưng mọi chuyện lại không may mắn như thế, Tigers tiếp tục thua đội dẫn đầu Yakutt- Swallows và tụt xuống vị trí thứ tư.
- Trong lúc cháu đi vắng, giáo sư vẫn cổ vũ cho Tigers đấy chứ?
- Tất nhiên rồi.
Giáo sư đáp. Căn nghi ngờ rằng chính vì giáo sư sao nhãng việc cổ vũ nên Tigers giảm sút phong độ.
- Nhưng giáo sư có biết bật đài đâu.
- Mẹ cháu dạy bác.
- Thật không ạ?
- Thật chứ. Bác nhờ mẹ cháu vặn cái nút thế là bác nghe rõ cả trận đấu.
- Nhưng chỉ nghe không thôi thì làm sao thắng được.
- Bác biết. Bác đã ra sức cổ vũ đấy chứ. Bác còn chắp tay trước máy thu thanh cầu xin cho Enatsu giành cú ăn ba nữa cơ.
Giáo sư bịa chuyện quanh co nhằm giải tỏa nỗi nghi ngờ của Căn.
Cứ như thế, cuộc sống cùng với tiếng máy thu thanh trong phòng ăn mỗi khi chiều về đã quay trở lại.
Chiếc đài được đặt trên nóc tủ bếp trong phòng ăn. Nó vẫn kêu tốt kể từ dạo được đem đi sửa để làm phần thưởng cho Căn. Mặc dù đôi lúc có những nhiễu âm khá tệ, nhưng tôi cho rằng không phải tại máy mà chắc hẳn là vì địa hình của ngôi nhà ngang không thuận lợi cho việc bắt sóng.
Cho tới lúc buổi tường thuật trận đấu đêm bắt đầu, âm lượng được để ở mức nhỏ. Âm thanh ấy lẫn vào giữa những tiếng động trong bếp khi tôi chuẩn bị bữa cơm chiều, tiếng động cơ xe máy chạy qua trước cửa nhà, tiếng lẩm bẩm của giáo sư hoặc tiếng hắt hơi của Căn, tới mức không thể xác định được là nó đang bật hay tắt. Chỉ những khoảnh khắc ngắn ngủi khi mọi vật chìm vào yên lặng, tiếng nhạc mới vang lên. Rất nhiều ca khúc được phát nhưng sao tôi không thể nhớ ra tên, chỉ mang máng trong cái ký ức từ xa xưa rằng mình đã từng nghe chúng ở đâu đó.
Giáo sư đang đọc sách trên ghế bành - chỗ ngồi quy định của ông bên cửa sổ. Còn Căn mở vở trên bàn ăn và sột soạt làm gì đó. Dòng chữ Tam thức hệ số nguyên số 11 ngoài bìa bị gạch ngang bởi hai đường kẻ, thay vào đó là dòng chữ do Căn viết ở bên dưới: Sổ tay Tigers. Giáo sư đã nhường lại cho thằng bé cuốn vở không dùng đến để nó tổng hợp thông tin về Tigers theo cách riêng của mình. Thành ra, ba trang đầu tiên toàn là những công thức toán khó hiểu, còn các trang tiếp theo thì dày đặc số liệu về hiệu suất phòng ngự của Nakada và tỷ lệ vụt trúng bóng của Shinjo.
Tôi đang nhào bột bánh mì. Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất bữa tối sẽ là món bánh mì mà lâu rồi chúng tôi chưa ăn. Chúng tôi sẽ quết phô mai, kẹp giò, rau và những thứ mình thích vào chiếc bánh mì nóng hổi.
Mặt trời sắp lặn vậy mà cái nóng vẫn chưa diu bớt. Thổi vào qua ô cửa sổ mở toang không phải là gió mà chỉ toàn hơi nóng, chắc tại những tán lá đã hấp thụ ánh mặt trời lúc ban ngày đang tỏa nhiệt. Chậu bìm bìm Căn mang từ trường về đã khép chặt cánh hoa để chuẩn bị đi ngủ. Ngoài sân, dưới bóng lá của thân cây ngô đồng cao nhất, có mấy con ve sầu đang nghỉ cánh.
Chỗ bột mì vừa kết thúc quá trình lên men thật mềm. Tôi cứ muốn nhúng mãi những ngón tay mình trong đó. Bột mì khiến cả bàn bếp lẫn sàn nhà đều trắng xóa. Mỗi lần đưa tay quệt mồ hôi trán, bột lại bám đầy mặt tôi.
- Giáo sư ơi!
Căn cất tiếng gọi trong khi tay vẫn nắm cây bút chì và mắt không rời quyển vở. Không chịu được cái nóng thành ra thằng bé chỉ đánh mỗi một chiếc áo may ô với quần soóc. Vừa từ bể bơi về nên tóc vẫn còn ẩm.
- Gì vậy cháu?
Giáo sư ngẩng lên. Kính lão tuột xuống tận cánh mũi.
- Ăn chốt là gì ạ?
- Nghĩa là số chốt giành được sau khi đánh trúng bóng. Single- hit là 1, ăn chốt hai là 2, ăn chốt ba là 3, home- run là…
- Là 4.
- Chính xác.
Giáo sư vui sướng ra mặt.
- Con không được quấy rầy khi giáo sư đang làm việc.
Tôi véo bột mì rồi nặn thành những hình tròn bằng nhau.
- Con biết rồi.
Căn đáp.
Bầu trời không một bóng mây, cây cối sáng lóa, dưới mặt đất, những chùm nắng lọt qua tán lá rung rinh. Căn đang bấm ngón tay đếm số chốt giành được. Tôi bật lò nướng. Tiếng nhạc phát ra từ máy thu thanh gián đoạn trong chốc lát vì tạp âm rồi lại trở về như cũ.
- Này, này.
Căn lại mở miệng.
- Gì thế?
Tôi hỏi.
- Con có gọi mẹ đâu.
Nó bảo.
- Làm thế nào để tính số lần ra sân tối thiểu để được tính điểm xếp hạng của cầu thủ đánh bóng?
- Chỉ cần nhân số trận đấu của đội đầu quân với 3,1 là được. Sau đó, bỏ đi hàng đơn vị đằng sau dấu phẩy.
- Thế không cần làm tròn ạ?
- Ừ nhỉ. Đâu, cho bác xem nào…
Giáo sư gấp sách, đặt xuống ghế rồi đến bên Căn. Đám giấy nhớ xôn xao. Giáo sư chống một tay lên bàn ăn, tay còn lại đặt trên vai Căn. Bóng hai người lẫn vào nhau. Căn đung đưa chân dưới ghế. Tôi đút bánh mì vào lò.
Chẳng mấy chốc tiếng nhạc hiệu thông báo bắt đầu buổi tường thuật trực tiếp vang lên. Căn đưa tay vặn lớn âm lượng.
- Hôm nay nhất định không thể thua được.
Ngày nào Căn cũng nói vậy.
- Chà, người ném đầu tiên có phải là Enatsu không đây?
Giáo sư gỡ kính, nói.
Chúng tôi hình dung ra mặt sân mới tinh chưa ai giẫm lên. Nền đất ẩm đen nhẫy được cào cẩn thận, chắc là mát lạnh.
- Cầu thủ ném bóng của Hanshin, đội chơi phòng ngự, là…
Tiếng thông báo trên sân và tiếng reo hò của khán giả bị những tạp âm át mất. Chúng tôi tưởng tượng ra vết giày đinh của cầu thủ ném bóng đầu tiên đang hướng ra sân. Mùi bánh mì nướng đầy ắp phòng ăn.
Giáo Sư Và Công Thức Toán Giáo Sư Và Công Thức Toán - Yoko Ogawa Giáo Sư Và Công Thức Toán