The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ai tuần sau, một chiều nọ tôi đi ra khỏi nhà.
Tôi lại ngồi trong nghĩa trang và viết bài cho một trong những tờ báo. Tôi viết đến mười giờ, trời bắt đầu tối (1), chốc nữa người gác cổng sẽ đóng cửa nghĩa trang. Tôi đang bị giày vò bởi cái đói, cái đói ghê gớm. Mười curon kia, rất tiếc, chẳng kéo dài được bao lâu. Tôi không ăn đã hai, thậm chí ba ngày nay, và đang rất yếu mệt, đến mức cầm bút viết cũng khó. Trong túi tôi có một chiếc dao nhíp gãy và một chùm chìa khoá, nhưng không có một đồng xu nhỏ.
Vì nghĩa trang đóng cửa, tất nhiên tôi phải về nhà. Nhưng trước nỗi sợ vô hình đối với chỗ ở của mình - phòng làm việc bỏ hoang vừa tối, vừa trống của một người thợ gò thùng mà tôi được phép sử dụng ngày nào hay ngày ấy - tôi đã đi lang thang vô định, ngang qua Toà thị chính, tới bờ biển, tới nhà ga, ở đấy cuối cùng tôi ngồi xuống một chiếc ghế trống.
Lập tức các ý nghĩ ảm đạm bỗng biến đâu mất, tôi quên tất cả mọi đau khổ của mình và cảm thấy thanh thản hẳn lên khi được ở bên mặt biển bình lặng và tuyệt đẹp giữa cảnh hoàng hôn. Theo thói quen, tôi muốn đọc lại những gì tôi mới viết. Đầu óc bệnh hoạn của tôi lúc ấy xem nó là một trong những bài hay nhất của tôi từ xưa tới nay. Tôi rút tập bản thảo từ túi ra, gí sát tận mắt để đọc cho rõ, hết trang này đến trang khác. Xung quanh thật yên tĩnh; biển như được quét một lớp sơn sáng màu xanh da trời, chim chóc bay lượn đó đây. Một nhân viên cảnh sát đi đi lại lại phía xa, ngoài ra tôi chẳng thấy người nào. Cả bến cảng đang chìm trong im lặng.
Tôi ngồi kiểm tra lại tài sản của tôi: chiếc dao nhíp bị gãy, chùm chìa khoá, nhưng không một đồng xu nhỏ. Bỗng nhiên tôi túm lấy túi áo và lần nữa rút tập giấy ra. Đây là một động tác có tính chất máy móc, một cơn đột hứng thần kinh vô ý thức. Tôi chọn một tờ giấy trắng chưa viết và rồi - có trời mới biết được lúc ấy tôi muốn gì - tôi cẩn thận cuộn tròn nó lại, gấp hai đầu thành chiếc túi nhỏ như thể đang đựng cái gì bên trong. Sau đó tôi ném lên mặt đường phố. Chiếc túi giấy bay chao chao một chốc rồi rơi xuống nằm yên một chỗ.
Cái đói đã đến mức không thể nào chịu nổi. Tôi nhìn chiếc túi giấy màu trắng căng phồng như đang chứa đầy những đồng xu bạc, và cả bản thân tôi cũng thấy hình như nó không phải hoàn toàn trống rỗng. Tôi vui sướng hẳn lên và thầm đoán đang có bao nhiêu tiền trong đó. Nếu đoán đúng, tất cả số tiền này là của tôi! Tôi hình dung thấy phía dưới là những đồng mười curon to nặng, chững chạc - cả một túi đầy tiền! Tôi nheo mắt nhìn nó và muốn chạy tới nhặt lên.
Bỗng tôi nghe có tiếng ho của người cảnh sát; không hiểu sao tôi cũng lên tiếng ho theo. Tôi đứng dậy, hắng giọng ho to ba lần, cốt để cho anh ta nghe thấy. Khi lại gần thế nào anh ta cũng sẽ vồ lấy chiếc túi giấy! Tôi thích thú với trò đùa này, xoa tay sung sướng và lẩm bẩm nguyền rủa. Ta sẽ xỏ mũi mày dắt đi, đồ chó! Vì cái tội lỗi này, mày sẽ phải xuống địa ngục! Do đói, người tôi lâng lâng, chao đảo như say rượu.
Mấy phút sau, người cảnh sát đi lại, cái giày bằng sắt của anh ta nện lên mặt đường nhựa chan chát. Anh ta không có vẻ bận vì đang có cả một đêm dài trước mặt, và chỉ nhìn thấy chiếc túi bằng giấy của tôi khi đã đến rất gần. Kia, anh ta đứng lại nhìn chiếc túi. Còn chiếc túi thì phơi mình trắng hếu giữa đường như khêu gợi - chắc phải đầy tiền trong đó? Đầy những đồng tiền bằng bạc? Và anh ta đã cúi xuống nhặt lên. Hừm, nhẹ lắm! Hay bên trong là những chiếc lông chim quý dùng để cắm lên mũ?... Bằng đôi bàn tay to khoẻ, anh ta cẩn thận mở chiếc túi, ghé mắt nhìn bên trong. Còn tôi thì phá lên cười, cười như một thằng điên, hai tay vỗ mạnh xuống đùi. Tuy thế vẫn không một tiếng động nào phát ra từ tôi - tôi cười thầm, tiếng cười như tiếng khóc bị nén lại...
Tiếng đế giày lại vang lên trên phố, người cảnh sát đi tiếp dọc bờ biển. Tôi ngồi với đôi mắt rưng rưng, suýt nghẹt thở vì vui mừng một cách bệnh hoạn. Sau đó tôi bắt đầu nói thành tiếng. Tôi kể cho chính tôi nghe về chiếc túi giấy, bắt chước anh chàng cảnh sát tội nghiệp ghé mắt nhìn vào nắm tay, miệng luôn nhắc đi nhắc lại: "Hắn khẽ ho khi ném chiếc túi xuống!". Một chốc sau, tôi thêm vào câu này mấy từ hóm hỉnh khác, và cuối cùng nó trở nên độc đáo hơn nhiều.
Cụ thể là: "Hắn hắng giọng ho một cái - he! he! he!".
Cái trò chơi chữ này làm tôi mệt, vả lại đã quá muộn, tôi không còn thấy vui vẻ nữa. Tôi buồn ngủ, buồn ngủ một cách dễ chịu, và không còn muốn cưỡng lại cảm giác đó. Trời mỗi lúc một tối, gió thổi nhẹ, và mặt biển bằng phẳng đã bắt đầu gợn sóng. Các cột buồm in rõ trên nền trời, còn bản thân các con tàu to lớn đen sẫm thì trông xa như những con quái vật đang nín thở chờ bắt tôi. Sự buồn chán của tôi không còn nữa, thay vào đó là cái đói. Bây giờ tôi cảm thấy trong người tôi là một sự trống rỗng dễ chịu, chẳng có gì làm tôi lo lắng; tôi lấy làm thích với sự cô đơn của mình. Tôi cho hai chân lên ghế và nằm xuống - tận hưởng sự cô đơn của mình bằng cách này dễ chịu hơn nhiều. Không một đám mây nhỏ nào làm u ám tâm hồn tôi, không một ý nghĩ đau buồn nào giày vò tôi, tôi cảm thấy tất cả các ước mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi nằm ngửa, mắt mở to, như tự tách khỏi mình, ý nghĩ bay đâu đấy xa, thật xa, tới những miền cực lạc.
Vẫn như trước, không một tiếng động nào quấy nhiễu sự thanh thản của lòng tôi. Bóng râm nhẹ nhàng che mắt tôi khỏi thế giới bên ngoài, và tôi từ từ chìm sâu vào sự lặng yên tuyệt đối. Khi đêm đến, những con tàu sẫm tối ma quái kia sẽ nuốt tôi vào bụng và đưa tôi đi tới những vùng đất xa lạ, nơi không hề có ai sinh sống. Chúng sẽ đưa tôi đến lâu đài của công chúa Ilaialy, ở đấy tôi sẽ được đón tiếp sang trọng đến mức xưa nay chưa hề có ai được tiếp sang trọng như thế. Còn nàng thì ở trong một gian phòng rực rỡ xây bằng đá cẩm thạch, ngồi trên chiếc ngai gồm toàn những bông hồng vàng. Nàng chìa tay cho tôi khi tôi bước vào, còn khi tôi lại gần cúi chào, nàng nói to âu yếm: "Thưa hiệp sĩ, xin có lời chào đón chàng. Em mừng vì chàng đang ở lâu đài và đất nước của em! Em chờ chàng đã hai mươi năm nay, và trong suốt hai mươi năm ấy, đêm nào em cũng nhắc tên chàng; khi chàng đau khổ, em khóc, và khi chàng ngủ, em gửi đến cho chàng những giấc mơ đẹp nhất...". Rồi nàng cầm tay dẫn tôi đi theo các hành lang dài với hai bên người đứng rất đông hô "Ura!" chào tôi; chúng tôi đi qua những khu vườn đầy ánh sáng, nơi có ba trăm cô gái trẻ đang vui cười nhảy múa, rồi tới một gian phòng lộng lẫy được làm bằng ngọc bích trong suốt. ở đây tất cả đều tắm trong ánh nắng, từ khắp nơi bay ra tiếng nhạc du dương và mùi hương ngào ngạt. Tôi cầm tay nàng trong tay tôi, cảm thấy máu trong tim đang bốc nóng hừng hực vì sự quyến rũ thần kì của nàng. Tôi ôm nàng vào lòng, nhưng nàng khẽ thì thầm: "Không phải ở đây! Ta đi tiếp nữa!". Rồi chúng tôi bước vào một gian phòng màu hồng, nơi tất cả đều được làm bằng đá hồng ngọc - tôi chìm trong những tia sáng tuyệt diệu. Sau đó nàng vòng tay ôm tôi, tôi cảm thấy hơi thở nàng nóng hổi và nghe tiếng nàng khe khẽ: "Chàng yêu quý của em, hôn em đi! Hôn nữa... Hôn nữa đi!...".
Nằm ngửa trên ghế, tôi nhìn thấy cả trời sao, và ý nghĩ tôi bay vút lên cao trên ấy...
Tôi ngủ thiếp, nhưng người cảnh sát đã đánh thức tôi dậy, bắt tôi sống tiếp cuộc sống có thật đói khổ. Cảm giác đầu tiên của tôi là một sự ngạc nhiên mơ hồ, rằng tôi đang nằm ngoài trời, nhưng chẳng bao lâu sau cảm giác đó được thay bằng nỗi buồn cay đắng. Tôi suýt khóc lên vì bất lực, vì tôi vẫn còn sống. Trong khi tôi ngủ, trời mưa, quần áo ướt sũng, làm tôi lạnh buốt người. Đêm rất đen, phải vất vả lắm tôi mới nhìn rõ người cảnh sát.
- Thế đấy... - anh ta nói. - Bây giờ thì đứng dậy!
Tôi lập tức đứng dậy. Nếu anh ta bảo tôi nằm xuống, tôi sẽ làm theo ngay. Tôi đang ở trong trạng thái bị ức chế và hoàn toàn bất lực, vả lại lúc ấy cái đói đã kịp thức dậy, bắt đầu giày vò tôi.
- Anh ngốc kia, gượm đã! - Người cảnh sát nói to theo tôi. - Anh quên mũ kìa! Được, bây giờ thì đi đi!
- Tôi cũng có cảm giác như... như để quên cái gì đó... - tôi ấp úng nói. - Cám ơn ông. Chào ông.
Rồi tôi đi tiếp.
Chao, ước gì bây giờ được ăn một miếng bánh mì! Một miếng bánh mì đen để vừa đi vừa gặm! Và tôi nghĩ trên đời có những loại bánh mì đen đặc biệt ngon, và được ăn chúng, quả không gì bằng. Cái đói làm tôi kiệt sức. Tôi muốn chết, tôi khóc to vì tuyệt vọng. Sự đau đớn của tôi là vô cùng vô tận. Bất chợt tôi đứng lại giữa phố, giẫm mạnh chân xuống đất và bắt đầu nguyền rủa. Hắn gọi tôi là gì nhỉ? Thằng ngốc? Được, tôi sẽ cho cái thằng cảnh sát ấy biết tôi là thằng ngốc thế nào? Rồi tôi quay người chạy ngược trở lại. Tôi bừng bừng tức giận. Tôi vấp ngã, nhưng không hề để ý tới điều ấy, tôi lại lổm ngổm bò dậy chạy tiếp. Đến sân ga, tôi mệt quá, không còn đủ sức chạy tới cảng. Vả lại cơn giận cũng nguôi dần. Cuối cùng, tôi dừng lại thở lấy hơi. Thì đã sao, nếu một anh cảnh sát nào đó nói một điều gì đó? Vâng, nhưng tôi không cho phép anh ta nói như thế! Tất nhiên! - Tôi tự cãi lại mình. - Nhưng bắt đền anh ta được sao?... ừ, mà đúng thế thật. Tôi thầm nhắc lại rằng quả không thể bắt đền anh ta được. Rồi tôi quay trở lại.
"Trời ơi, vì cớ gì tôi bị trừng phạt thế này? - Tôi đau xót tự hỏi. - Sao tôi phải thè lưỡi như con chó để chạy lang thang giữa các đường phố ẩm ướt vào một đêm tối trời như đêm nay?" Cái đói vẫn giày vò, không chịu để tôi yên. Chốc chốc tôi lại nuốt nước bọt để lừa nó, và hình như điều ấy cũng mang lại kết quả. Đã nhiều tuần nay tôi không được ăn no, bây giờ sức khoẻ giảm sút trông thấy. Mỗi lần bằng cách này hay cách khác tôi kiếm được năm curon thì chúng cũng chỉ kéo dài được mấy ngày, không đủ phục hồi sức để đón một cơn đói mới. Tồi tệ nhất là cái lưng và đôi vai. Ngực tôi thường đau nhói, nhưng tôi có thể chống lại được bằng cách cào cho thật nhiều hay cúi gập người về phía trước. Nhưng với lưng và vai thì thật khốn khổ. Tại sao số phận quá tàn nhẫn với tôi như thế? Lẽ nào tôi không có quyền sống như anh chủ hiệu bán sách cũ Pasa hay như ông đại lí tàu biển Henneken? Lẽ nào tôi không có đôi vai và đôi tay lao động khoẻ mạnh? Lẽ nào tôi không sẵn sàng làm một anh bổ củi ở Melergade để kiếm miếng bánh mì ăn? Lẽ nào tôi là một thằng lười? Lẽ nào tôi không chịu đi tìm việc làm, không nghe các bài giảng ở lớp, không viết các bài báo, không đọc, không làm quần quật ngày đêm như một thằng điên? Lẽ nào tôi không biết tiết kiệm, không ăn chút bánh mì và sữa khi có việc làm sung túc, và chỉ ăn một mình bánh mì khi ít tiền hơn và hoàn toàn nhịn đói khi không còn đồng xu nào dính túi? Lẽ nào tôi dám sống trong khách sạn hay trong một căn hộ lớn ở tầng một? Không, tôi sống ở một phòng nhỏ sát mái, sau đó ở phòng xưởng của một người gò thùng mà mùa đông bị bỏ hoang hoàn toàn vì nó bị chìm trong tuyết. Không, tôi không hiểu một chút gì cả.
Tôi vừa đi vừa nghĩ về tất cả những điều này, lòng tôi không hề vấn vương một tí độc ác, ghen tị hay đau buồn nào.
Tôi dừng lại trước một cửa hiệu bán thuốc vẽ, chăm chú nhìn tủ kính. Tôi định đọc những dòng chữ cầu kì trên các hộp đóng kín, nhưng vì tối quá, không đọc được. Cái ý muốn kì quái mới mẻ này làm tôi thêm buồn. Tôi gần như tức giận vì không đọc được để biết loại thuốc vẽ nào đang có trong hộp. Tôi gõ mạnh lên mặt kính, rồi bỏ đi. Đi được một quãng trên phố, tôi thấy một người cảnh sát. Tôi rảo bước đi lại thật gần rồi bỗng nhiên nói:
- Bây giờ là mười giờ!
- Không, chỉ mới hai giờ thôi, - ông kia ngạc nhiên chữa lại.
- Không, mười giờ, - tôi cãi lại. - Bây giờ là mười giờ. - Rên lên vì tức giận, tôi bước thêm mấy bước về phía trước rồi giơ nắm đấm lên nói: - Này, tôi nói để ông biết: bây giờ là mười giờ!
Ông ta trợn tròn mắt nhìn tôi chăm chú và rất lâu, chắc là cố đoán chuyện gì đã xảy ra với tôi. Sau đó ông ta khẽ nói:
- Ít ra thì đã đến lúc ông phải về nhà. Ông có cần tôi tiễn không?
- Không, cảm ơn. Tôi ngồi quên quá lâu ở quán cà phê. Cảm ơn ông.
Khi tôi đi khỏi, ông ta còn giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Vẻ lịch sự ấy của ông ta đã làm tôi hoàn toàn bất lực. Tôi oà lên khóc vì cảm giác xấu hổ rằng tôi không có nổi năm đồng curon để cho ông ta. Tôi đứng lại đưa mắt nhìn theo rất lâu, tự lấy tay đập lên trán mình, giàn giụa nước mắt. Tôi nguyền rủa bản thân tôi cùng sự nghèo đói của tôi. Tôi tìm những tiếng chửi tồi tệ nhất, những cái tên xấu xa nhất để trút lên đầu mình. Cứ thế kéo dài cho gần đến nhà mới thôi. Tới cổng, tôi chợt phát hiện thấy rằng tôi đã để mất chùm chìa khoá.
"Dễ hiểu thôi, - tôi buồn bã thầm nghĩ. - Thế thì làm sao mà chẳng mất được? Mình sống trong sân, cạnh chuồng ngựa. Gác hai là phòng làm việc của ông thợ gò thùng. Ban đêm cổng đóng chặt, không ai, không ai trên đời này có thể mở được nó, thế thì thử hỏi làm sao mình không để mất chìa khóa được. Mình ướt như con chó, lại đói nữa, đói một tí thôi, nhưng cũng đủ để cảm thấy hai đầu gối bủn rủn. Vâng, thế thì làm sao mà không để mất chìa khoá được?..." Rồi tôi phá lên cười, cười một cách hằn học vì đói và yếu mệt.
Tôi nghe có tiếng ngựa giẫm chân trong chuồng, nhìn thấy cửa sổ ở tầng trên, nhưng không mở được cổng để đi vào. Vô cùng mệt mỏi và buồn bực, tôi quyết định quay lại cổng để tìm chìa khoá.
Trời lại mưa, nước mưa chảy xuống bả vai của tôi. Đến Tòa thị chính, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời, nhờ cảnh sát mở cổng hộ. Tôi đến gần một viên cảnh sát và tha thiết nhờ ông ta cùng đi với tôi để nếu có thể thì mở hộ chiếc khóa.
Được thôi, tất nhiên, nếu có thể mở được. Nhưng rất tiếc lại không mở được, vì ông ta không có dụng cụ mở khóa. Những thứ ấy chỉ cảnh sát hình sự mới có.
- Tôi biết làm thế nào bây giờ?
- Có lẽ ông phải ngủ qua đêm ở khách sạn thôi.
- Nhưng tôi không thể vào khách sạn được, vì bây giờ tôi không mang theo tiền. Ông biết đấy, tôi rời nhà chỉ để ra quán cà phê một chốc thôi mà...
Chúng tôi đứng với nhau thêm lúc nữa bên cầu thang của Tòa thị chính. Ông cảnh sát nhìn tôi suy nghĩ, lưỡng lự. Trời vẫn mưa như trút.
- Chỉ còn một cách là ông phải vào phòng trực của đồn cảnh sát báo rằng đêm nay ông không biết ngủ ở đâu, - ông ta nói.
Báo rằng tôi không biết ngủ ở đâu? Tôi chưa hề nghĩ tới điều đó. Ôi, một ý nghĩ thật tuyệt vời! Tôi vội vàng cảm ơn ông cảnh sát vì lời khuyên quý giá này. Nghĩa là tôi chỉ đơn giản bước vào và nói rằng tôi không có chỗ ngủ?
- Vâng, chỉ đơn giản như thế...
- Tên anh là gì? - Người trực ban hỏi.
- Tangen... Andrêas Tangen.
Tôi cũng chẳng biết vì sao tôi nói dối. Các ý nghĩ đang rối tung trong đầu tôi, và trái với ý muốn, chúng bắt tôi tìm mọi cách láu lỉnh. Tôi chỉ cần một giây để nghĩ ra cái tên xa lạ ấy, và lập tức nói ra ngay. Tôi nói dối khi không hề có một lí do nào cần thiết.
- Anh làm nghề gì?
Thế là tôi rơi vào một tình cảnh không lối thoát.
Hừm. Lúc đầu tôi định nói tôi làm nghề gò thùng, nhưng không dám, vì cái tên tôi vừa phịa ra không hợp chút nào với cái nghề ấy, thêm vào đó, tôi lại còn đeo cặp kính trên mũi. Vì vậy tôi lấy hết sức trâng tráo, bước thêm một bước về phía trước và nói một cách đắc thắng, dõng dạc:
- Tôi là nhà báo.
Người trực ban cảnh sát rùng mình, nhưng vẫn ghi tên tôi vào sổ, còn tôi thì đứng một cách quan trọng trước anh ta, như thế tôi là một bộ trưởng gặp hoàn cảnh éo le nhỡ không có chỗ ngủ qua đêm. Việc tôi chần chừ không trả lời ngay cũng không làm anh kia nghi ngờ. Dù sao thì cũng là một trường hợp hiếm có: một nhà báo mà đứng bên Tòa thị chính, không mái nhà che mưa trên đầu!
- Thưa ông Tangen, ông làm việc ở tờ báo nào ạ?
- Tờ "Tin buổi sáng", - tôi đáp. - Rất tiếc là đêm nay tôi đi ra khỏi nhà...
- Thôi, ông không cần giải thích... - Anh ta ngắt lời tôi rồi mỉm cười: - Còn trẻ, ai chả thế, đi ra khỏi nhà... Chúng tôi hiểu chứ. - Rồi anh ta đứng dậy, lịch sự cúi chào tôi và nói với một nhân viên cảnh sát khác: - Dẫn ông đây vào phòng dự trữ. Chúc ông ngủ ngon!
Cảm thấy da nổi gai vì sự trâng tráo của mình, tôi bóp chặt tay, cố tỏ ra bình tĩnh.
- Đèn hơi chỉ sáng mười phút thôi, - người cảnh sát đứng ở cửa nhắc tôi.
- Sau đó thì tắt à?
- Vâng, sau đó thì tắt.
Tôi ngồi xuống giường và nghe tiếng khóa vặn trong ổ. Trong phòng đèn sáng, khá ấm áp. Có mái nhà che đầu, tôi sung sướng lắng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài. Giá gì có được một căn phòng xinh xẻo thế này! Tôi chẳng mong ước gì hơn thế! Tôi cảm thấy trong lòng thanh thản hơn rất nhiều. Ngồi trên giường với chiếc mũ cầm tay, mắt nhìn ngọn đèn trên tường, tôi thầm nhớ lại mọi chi tiết của cuộc đụng chạm đầu tiên này của tôi với cảnh sát. Vâng, đây là lần đầu tôi dính đến họ, và tôi đã lừa họ một cách dễ dàng sao! Nhà báo Tangen, được đấy chứ? Làm cho tờ "Tin buổi sáng"! Bằng cái tờ "Tin buổi sáng" đó, tôi đã đánh đúng tim anh chàng trực ban kia!
"Thôi, ông không cần giải thích!" Giải thích cái gì? Mải vui vẻ bạn bè trong quán cà phê, tôi quên ở nhà chìa khóa và chiếc ví với mấy nghìn curon! "Hãy dẫn ông đây vào phòng dự trữ!"...
Nhưng kia, chiếc đèn hơi đã tắt, tắt đột ngột, không hề báo trước. Tôi ngồi trong bóng tối, không nhìn thấy cả đôi tay mình, cả những bức tường trắng trong phòng - không thấy gì hết. Chỉ còn lại một việc là đi ngủ. Và tôi bắt đầu cởi quần áo.
Nhưng tôi không chợp mắt nổi, giấc ngủ không chịu đến với tôi. Một lúc lâu tôi nằm nhìn trân trân vào bóng tối dày đặc, vô cùng vô tận và thần bí. ý nghĩ tôi không bao quát nổi nó. Tôi nhắm mắt, bắt đầu khe khẽ hát. Tôi trăn trở trên giường để xua đuổi các cảm giác nặng nề, nhưng tất cả đều vô ích. Bóng tối muốn nuốt chửng mọi ý nghĩ của tôi không chịu lùi một giây. Nếu bỗng nhiên tôi tan ra, hòa vào thứ bóng đen này thì sao? Tôi ngồi dậy trên giường, đưa hai tay xua xua trước mặt.
Tôi hoàn toàn bị cơn kích thích thần kinh chi phối và dù cố đến đâu, tôi cũng không thoát được nó. Và rồi tôi ngồi yên, đầu sục sôi những ý nghĩ kì quái nhất. Tôi tự an ủi mình, tự ru mình bằng những bài hát ru, cố gắng đến mức người toát mồ hôi. Tôi nhìn chăm chăm vào bóng tối dầy đặc, dầy đặc đến mức chưa từng thấy. Tôi hoàn toàn không chút nghi ngờ, rằng đây là một thứ bóng tối đặc biệt, một sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên mà xưa nay chưa ai gặp phải. Những ý nghĩ ngu ngốc, khó tin nhất chui vào đầu tôi, mọi cái xung quanh đều làm tôi khiếp sợ. Đây, trên tường, ngay trên giường tôi có một lỗ hổng nhỏ, nó làm tôi rất chú ý. Đó là một lỗ đinh lớn, tôi nghĩ thế, một dấu hiệu để lại trên tường. Tôi đưa tay sờ, thổi thổi vào nó. Tôi cố xác định xem nó sâu bao nhiêu. Không, đây là một lỗ hổng ma quái, huyền bí, cần phải đề phòng nó. Bị thu hút bởi ý nghĩ đó, lại bị chi phối bởi sự tò mò và nỗi sợ, tôi đứng dậy khỏi giường, lần tìm chiếc dao nhíp nhỏ và đo độ sâu của lỗ hổng, để tin chắc rằng nó không xuyên qua phòng bên.
Sau đó tôi lại nằm xuống, lại cố ngủ, nhưng thay cho điều ấy, một lần nữa tôi lại phải vật lộn với bóng tối. Bên ngoài mưa đã tạnh, không còn nghe một tiếng động nào nữa. Hồi lâu tôi nằm im vểnh tai nghe và không thể bình tĩnh trở lại chừng nào chưa nghe có tiếng chân bước ngoài phố - có lẽ đó là người cảnh sát đi ngang. Rồi tôi bắt đầu bật ngón tay và phá lên cười. Ha, ha! Quỷ quái thật! Tôi chợt nghĩ ra một từ mới, hoàn toàn mới. Tôi nhỏm dậy và nói: "cuboa". Trong ngôn ngữ không hề có từ này, tự tôi nghĩ ra nó. Như bất kì từ nào khác, có trời chứng giám, nó cũng được tạo thành từ các chữ cái. Vâng, anh bạn ạ, anh đã sáng tạo ra một từ mới... "Cuboa"... Nó có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với ngữ pháp.
Cái từ ấy hiện lên rất rõ trước mắt tôi trong bóng tối.
Lúc này tôi đang ngồi co ro trên giường, mắt mở to, tự lấy làm ngạc nhiên về sự khám phá của mình, và thả sức cười vì sung sướng. Rồi tôi khẽ bảo mình: Người ta có thể nghe tiếng mình lắm chứ, và mình thì lại muốn giữ bí mật phát minh của mình! Vì đói, tôi cảm thấy điên rồ thật sự: cái đau không còn tác dụng với tôi nữa; còn ý nghĩ thì không gì kìm giữ nổi. Nó hoạt động khá căng thẳng để cố hiểu nghĩa của cái từ tôi vừa tạo ra. Không, nó hoàn toàn không có nghĩa là "Chúa" hay "con thú". Tại sao nó phải có nghĩa là "con thú"? Bóp chặt hai nắm tay, tôi nhắc lại: Sao nó phải có nghĩa là "con thú"? Nếu suy kĩ, nó cũng không thể có nghĩa là "chiếc khóa treo" hay "mặt trời mọc" được. Nhưng thôi, tìm nghĩa cho nó không khó lắm. Tôi sẽ chờ. Rồi thời gian sẽ quyết định. Còn bây giờ cứ ngủ đã.
Tôi nằm xuống giường và mỉm cười một cách lặng lẽ, không suy nghĩ thêm gì nữa. Nhưng mấy phút sau, tôi lại thấy lo lắng. Cái từ tôi mới nghĩ ra kia không để tôi yên, chốc chốc nó lại xuất hiện và cuối cùng chiếm hết mọi ý nghĩ của tôi, làm tôi trở nên rất nghiêm túc. Tôi đã quyết định một cách dứt khoát những gì nó không được phép mang ý nghĩa, nhưng cuối cùng nó là gì thì tôi vẫn chưa xác định nổi. "Điều ấy không quan trọng lắm!" - Tự nói to với mình, rồi tay này nắm tay kia, tôi nhắc lại rằng điều ấy không quan trọng. Nhưng ý nghĩ rằng dù sao nó vẫn phải mang một nghĩa nào đó đã không cho tôi ngủ. Tôi hoàn toàn bất lực trước một từ hiếm có thế này.
Cuối cùng tôi lại ngồi dậy, đưa hai tay bóp chặt đầu và nói: "Không, nó hoàn toàn không có thể có nghĩa là "sự di tản" hay "nhà máy thuốc lá" được! Nếu nó có thể có nghĩa một cái gì đấy tương tự thì từ lâu tôi đã chấp nhận và chẳng còn băn khoăn gì nữa. Không, rõ ràng là cái từ này được tạo ra để chỉ một cái gì đấy thuộc về tinh thần: như tình cảm, trạng thái tâm lí"... ừ, làm sao từ nãy đến giờ ta không nghĩ ra nhỉ? Rồi tôi bới óc tìm ra một khái niệm tinh thần nào đó. Bỗng nhiên tôi có cảm giác như nghe có giọng nói ai đấy, như ai đang xen vào ý nghĩ tôi, và tôi khó chịu nói to: "Lại chuyện gì thế nữa? Đồ ngốc! Cút đi! Sao nó có thể nghĩa là "cuộn sợi" được?". Sao tôi có thể cho phép nó có nghĩa là "cuộn sợi", khi ngay từ đầu tôi đã phản đối điều đó? Không gì thì tôi cũng là người nghĩ ra từ ấy và tôi có toàn quyền được đặt nghĩa cho nó. Mà tôi thì hình như còn chưa đưa ra quyết định của mình...
Đói Đói - Knut Hamsun Đói