Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Chương 8
S
au khi từ Thái Lan trở về, Thoại tiến hành cuộc thương lượng lần thứ năm với Nguyễn Quốc Lưu, lãnh đạo “Mặt trận thống nhất dân tộc giải phóng Việt Nam”. Khi biết Thoại vừa công du một chuyến về Thái Lan cùng một nhân vật người Mỹ nào đấy thì Lưu càng căm tức Thoại. Lưu rà soát và lên danh sách tất cả những tay chân thân tín của Thoại. Trong đó có cả tôi. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tôi, Lưu quyết định tiến hành một cuộc gặp gỡ bất ngờ với tôi ở nơi xa. Tay chân Lưu đưa tôi đến một khách sạn nhỏ. Ở trong một căn phòng khách sang trọng, Lưu chờ sẵn. Sau khi tự giới thiệu mình, hắn đi thẳng vào vấn đề:
- Chúng tôi cần sự giúp đỡ bí mật của cô.
Lúc đó tôi không hiểu được ý định của Lưu.
- Tôi chưa hiểu - Tôi nói - Tôi nghe tên ông, nhưng chưa gặp ông lần nào. Tôi nghĩ, là phận gái, tôi khó có thể giúp được điều ông yêu cầu.
- Cô đừng lo - Lưu cười - Tôi có thể nói thẳng như thế này, chúng tôi muốn qua cô để hiểu về ông Thoại.
- Tôi với ông Thoại quan hệ chưa có gì sâu sắc cả. Tôi nghĩ những hiểu biết của tôi về ông ấy cũng như của những người Việt khác ở đây mà thôi.
- Có thể hôm nay như thế, nhưng ngày mai cô sẽ biết nhiều hơn. Ông Thoại vừa đi Băng Cốc về, cô có biết không?
- Ông ấy không nói gì cả. Tôi chỉ nghe vợ ông ta nói ông ta đi Canada.
- Hừ - Lưu cười khẩy - Nhưng đến lúc ông ta sẽ dùng cô như một cố vấn đặc biệt.
- Tôi được nghe một chuyện vui, xin cảm ơn ông - Tôi nói và cười.
- Chúng tôi cần cô giúp đỡ chúng tôi. Hàng tháng chúng tôi giúp cô 3000 đô la và có nhiệm vụ bảo vệ cô. Cô hãy yên tâm về đội bảo vệ của tôi.
Ý cuối cùng Lưu nhấn mạnh. Tôi hiểu hắn muốn đe dọa tôi. Một lát sau tôi nói:
- Tôi không biết tôi sẽ giúp ông được việc gì. Ông để cho tôi suy nghĩ câu trả lời.
Sau khi trở về nhà tôi gọi điện cho Kenđơ. Chúng tôi gặp nhau ở trụ sở tờ báo của Kenđơ. Tôi nói lại cho Kenđơ cuộc gặp với Lưu. Tôi thấy việc đó cần thiết cho tôi hơn là im lặng.
- Giữa các tổ chức này có sự tranh giành vị trí chính trị và lợi ích kinh tế - Kenđơ nói - Tôi thấy cô nên giữ quan hệ tốt với Lưu. Mọi việc cô có thể trao đổi với tôi. Đây là việc hết sức khó. Tôi luôn luôn quan tâm đến tính mạng của cô đấy.
- Xin cám ơn Kenđơ.
- Theo tôi - Kenđơ nói tiếp - Chúng ta nên trao đổi với ông Thoại. Điều đó có lợi cho cô hơn.
- Tôi cũng thấy như thế. Vì tôi tin ông Thoại có thể làm được gì đó cho người Việt tị nạn.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với Phụng. Bây giờ tôi gọi điện cho ông Thoại và chúng ta cùng đến đó.
Thoại tiếp chúng tôi vẫn vẻ lịch lãm và cởi mở. Sau khi nghe Kenđơ trình bày vấn đề, Thoại nói:
- Tôi biết Lưu luôn chống đối tôi. Tôi đã gặp gỡ ông ta để thương lượng một vấn đề trong sự nghiệp chống cộng của chúng ta. Nhưng việc không thành. Chúng tôi sẽ có những biện pháp đối với ông ta để ngăn chặn những điều ảnh hưởng đến phong trào chung. Tôi muốn cô Phụng dọn đến ở gần đây. Cô ở đó tôi thật ái ngại.
- Nếu họ định thanh toán tôi thì tôi ở đâu cũng vậy - Tôi nói - Tôi là nhà báo, tôi hay đi.
- Chúng tôi sẽ có kế hoạch bảo vệ cô Phụng.
- Khỏi phải làm như thế. Tôi là cái gì mà cần phải bảo vệ.
- Cô là bạn của chúng tôi. Cô là chiến hữu của chúng tôi.
- Là bạn thì tôi biết. Nhưng hôm nay tôi mới được nghe tôi là chiến hữu của các ông, thật là hân hạnh, tôi không nghe nhầm chứ?
- Xin thành thật với cô Phụng là, chúng tôi cần phải có thời gian tìm hiểu cô. Và bây giờ tôi tin cô là người phụng sự chúng tôi.
- Tôi không phụng sự các ông đâu. Tôi phụng sự sự nghiệp của chúng ta thôi.
Tôi nói và cười to.
- Về chữ nghĩa thì cô giỏi hơn tôi, cô là nhà báo. Hơn nữa, người Bắc giỏi văn lắm.
- Ông cũng là người Bắc đấy chứ.
- Nhưng tôi là một người Bắc mất gốc - Nói rồi Thoại quay sang phía Kenđơ - Tôi phải cảm ơn ông Kenđơ rất nhiều vì ông đã giới thiệu cô Phụng cho tôi.
Một lát sau, Kenđơ cáo có việc về trước. Thoại bắt đầu một cuộc nói chuyện với tôi về chuyến đi Băng Cốc. Hắn nói về tương lai phát triển đội quân chống cộng ở biên giới Việt Nam. Hắn nói cho tôi nghe tình hình nội bộ của Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam. Hắn trao đổi với tôi những gì tôi có thể làm tin cho tổ chức của Lưu. Hắn trình bày kế hoạch trừng phạt Lưu trong thời gian tới.
Hai ngày tiếp sau, tôi tổng kết tình hình và phân tích, đánh giá. Rồi tôi viết báo cáo gửi trung tâm. Tôi thấy vui mừng vì bước đầu tôi đã chính thức lọt vào tổ chức cao nhất của các mặt trận chống cộng. Tôi đã ở giữa mối liên lạc giữa CIA và tổ chức này. Nhiệm vụ chính của tôi mới có thể bắt đầu, sau nhiều năm đi vòng. Tôi đã xây dựng được mối quan hệ với những nhân vật quan trọng, từ đó có thể thu thập được những nguồn tin tốt cho phân tích, đánh giá tình hình.
o O o
Vào 01 giờ 37 phút sáng chủ nhật, tôi giật mình thấy kênh truyền hình thời sự của NBC đưa tin vụ giết hại nhà sư Thích Nhất Hạnh. Trên người nhà sư găm gần 30 viên đạn. Ông chết trên tay vẫn cầm một cuốn sách Phật đang đọc dở. Vắt ngang xác ông là một tấm băng bằng hai thứ tiếng Anh - Việt: “Đây là tên cộng sản nằm vùng đội lốt nhà sư. Thay mặt những người kháng chiến trừng phạt Thích Nhất Hạnh vì tội chống lại cộng đồng người Việt”.
Tôi lặng người, nước mắt trào ra. Tôi vừa gặp nhà sư được một lần, đó là con người tôi rất yêu quý. Tôi chạy xuống phòng Giôn. Anh đang khóc. Giôn ôm lấy tôi. Vuốt mái tóc tôi và an ủi tôi. Rồi Giôn gọi điện cho Giêm. Gia đình Giêm cũng đang thức. Giêm nói anh vừa nói chuyện với Cục Điều tra Liên bang gay gắt yêu cầu họ tìm ra thủ phạm.
Trở về phòng, tôi gọi điện cho Biền. Chuông điện thoại réo rất lâu nhưng không có ai trả lời. Tôi gọi điện cho Thoại.
- Tôi cũng vừa biết tin - Thoại nói, giọng không hề xúc động - Tôi có quen biết ông ta - Vợ tôi thường đến lễ ở đó.
- Ông ấy là một nhà sư trong sáng, tôi có quen ông ấy. Tôi biết - Tôi nói với Thoại.
- Tôi cũng tin như Phụng. Phụng đi nghỉ đi. Phụng làm việc quá nhiều đấy, sẽ ốm mất.
- Cám ơn ông.
Tôi cúp máy nhưng vẫn giữ nguyên ống nghe ở tai. Tiếng “Tút... tút... tút” đều đều vọng đến, như âm thanh từ thế giới âm vọng về. Tôi cảm thấy điên lên vì bất lực. Lúc đó tôi muốn có một khẩu M16, lái xe đến nhà những tên cầm đầu các tổ chức phản động kia mà bóp cò. Lúc đó tôi nhớ đến cô Thủy, cô gái sống sót qua vụ thảm sát ở nhà bác sĩ. Cô đã đi Miami sống với một người họ hàng. Lâu lắm tôi không biết tin tức gì của cô. Tôi cầu mong cho cô được hạnh phúc.
Sáng sau tôi cùng Giôn lái xe đến ngôi chùa của Thích Nhất Hạnh. Chúng tôi đi viếng nhà sư. Tôi đốt nén hương trước mộ ông và chắp tay cầu nguyện cho linh hồn ông được thanh thản. Chúng tôi gặp cả gia đình Giêm ngồi trước ngôi mộ nhà sư rất lâu. Đôi mắt anh không hề chớp. Tôi nhận ra trong đám tang nhà sư có cả Biền. Tôi nhìn vào mắt hắn rất lâu. Hắn không chịu nổi cái nhìn của tôi vội cúi mặt xuống.
Thi hài của nhà sư được chôn cất ngay trong vườn chùa. Trước khi ra về, chúng tôi bước vào phòng nhà sư ở thắp hương. Trên chiếc bàn thờ nho nhỏ của nhà sư có treo ảnh sư tổ, ảnh Bác Hồ và Tổng thống Mỹ Linhcôn. Lúc này Giêm mới khóc. Anh ngước nhìn những tấm ảnh và nói:
- Linh hồn của những người vĩ đại kia phải đau khổ biết chừng nào vì những hành động tàn ác của chúng ta trong bao nhiêu năm nay.