Số lần đọc/download: 5867 / 65
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Chương 8
H
ai hôm liền tôi không ăn được cơm. Khuôn mặt chị Hồng khủng khiếp quá. Cứ nhớ tới là tôi lợm giọng. Mái tóc chị bị át-xít liếm hết không còn một sợi. Ôi, khuôn mặt duyên dáng, dịu hiền ngày xưa, nay sần sùi, lồi lõm như vỏ cam sành. Không, thê thảm hơn, như một tảng đá tổ ong. Phải, đầu chị chính là một tảng đá tổ ong tròn. Hai tai chị còn nguyên. Và mỉa mai thay, đôi mắt chị vẫn còn nguyên. Chỉ bị cháy xém lông mày. Thượng đế độc ác hay hình phạt độc ác. Hay Thượng đế muốn đôi mắt của kẻ khốn nạn được nhìn rõ người thù của mình. Ôi, Thượng đế, nếu ngài trông thấy tảng đá tổ ong tròn là khuôn mặt chị Hồng bây giờ, con tin rằng Ngài đã bắt chị Hồng chết đi. Thà chị Hồng chết đi để kẻ thù của chị sung sướng còn hơn để chị sống lất lây với hình thù quái đản và kẻ thù của chị không yên ổn lương tâm nếu nó còn chút xíu lương tâm hoặc lương tâm của nó sống dậy khi nhìn khuôn mặt chị Hồng bị át-xít tàn phá. Báo chí đăng hình chị Hồng trước và sau ngày bị tạt át-xít. Dưới những bức hình lời chú thích đọc nghe mủi lòng. Dư luận sôi sục công phẫn. Nhà văn Thái Anh đã viết một bài dài về khuôn mặt bị tàn phá của chị Hồng. Không phải là một bài báo nữa. Đó là một bài văn. Không, một bản án buộc tội của công tố viện.
Nhưng, một bài báo chứ trăm ngàn bài báo cũng chẳng ích lợi gì cho chị Hồng. Chị Hồng ngồi trên giường bệnh, trước mắt tôi. Chị không khóc nữa. Hai hôm chị em gặp nhau, chỉ có tôi khóc. Còn chị đôi mắt lờ đờ mà tôi tưởng chừng đục ngầu thù hận. Câu đầu tiên chị hỏi tôi là “Em vẫn đi học đều đấy chứ?” Tôi mơ hồ nghe tiếng Sơ Joséphine trả lời “Vâng, em Châu vẫn đi học”. Tội nghiệp Sơ Joséphine, tối về chắc Sơ phải xưng tội với Chúa. Hôm nay một mình tôi ngồi trong phòng chị. Các nhà báo được bác sĩ cho phép phỏng vấn và chụp hình chị Hồng. Tôi chờ đợi những câu hỏi ác nghiệt của nhà báo, chờ đợi những lời thăm hỏi, an ủi của đồng nghiệp chị Hồng, chờ đợi vị luật sư tình nguyện bênh vực chị tiếp xúc với chị khá lâu. Rồi mới tâm sự cùng chị. Chị Hồng ít nói. Chị không nhắc tới giấc mơ của chị nữa. Nhưng chị bảo tôi rằng “Em không sợ bơ vơ đâu. Sẽ có tiền cho em học đến khi em làm cô giáo”.
Nỗi buồn kéo dài, kéo dài như những ngày mưa bão rớt. Cho đến ngày tòa án xử xong vụ này. Chị Hồng được bồi thường món tiền khá. Bọn chủ mưu và đồng lõa vào tù. Ông Trần Thức Thời không sao cả.
Thế là chấm dứt. Trên cửa miệng của người đời, chỉ còn lưu lại một bài học ghen tuông “Coi chừng, kẻo bị át xít tạt vào mặt”. Và chỉ có thế. Lòng thương, sự xúc động bị cuốn theo nhịp quay cuồng của cuộc sống. Chị Hồng về ở căn phòng cũ tại bin-đinh Núi Trắng. Vào một ngày cuối thu, chị Hồng đưa cho tôi món tiền bồi thường vụ hủy diệt nhan sắc của chị. Tôi từ chối. Chị Hồng không ép buộc tôi. Ngay đêm đó, không dặn dò, không giăng dối, chị Hồng cắt mạch máu, tự tử. Báo chí lại có dịp làm rùm beng. Không ai biết trước khi quyết đinh dùng lưỡi dao cạo cắt đứt mạch máu ở cổ tay trái mình, người vũ nữ khốn nạn đó có soi hình mình trong gương có tương tư vũ trường với sàn nhảy, đèn màu và nhạc dậm dật? Và không ai biết, nàng có nhớ những vòng tay đã dìu mình trong điệu nhạc “blues” có nhớ những mối tình phù phiếm? Đó là những câu hỏi các ông nhà báo. Tôi thì tôi biết chị Hồng tiếc thương những gì quý giá hơn, dù chị chết rồi, tôi chẳng hiểu thêm cuộc đời riêng của chị. Chôn cất chị xong, tôi xin rời nội trú. Mẹ Bề Trên hỏi tôi:
- Con đi đâu?
- Con chưa biết đi đâu cả.
- Vậy con cứ ở đây.
- Con không dám làm phiền Mẹ.
Mẹ Bề Trên khẽ lắc đầu. Đôi mắt Mẹ sao mà to thế. To thế để thu nhận mọi nỗi khốn khó của người đời và ban phát tình thương.
- Con chưa làm phiền Mẹ đâu.
Không muốn tôi phân trần, Mẹ nói tiếp:
- Chị Hồng gửi nội trú một món tiền, em ở đây cả đời cũng được.
Chị Hồng ơi! Chị chu tất quá. Nước mắt tôi ứa ra. Con gái dễ khóc mà. Tôi đã hứa tôi không khóc. Chị Hồng chết rồi, chị vẫn làm tôi phải khóc.
Giọng Mẹ Bề Trên êm ái và ngầm khuyên tôi nhớ lời chị Hồng:
- Con phải ở đây.
- Rồi con đi đâu?
- Rồi con đi dạy học, con có gia đình, có hạnh phúc.
- Chị con bị người ta giết chết?
- Lỗi tại cuộc đời nhiều oán hờn, con ạ!
- Con hưởng hạnh phúc trên nấm mộ chị con trên cái chết thê thảm của chị con ư?
- Nhiều người chết đi cho người còn sống tìm thấy hạnh phúc.
Mẹ Bề Trên nâng cây thánh giá có hình Chúa bị đóng đinh máu chảy ở tay, ở chân và đầu rũ về phía trước. Cây thánh giá treo trước ngực Mẹ:
- Như Chúa chẳng hạn. Chúa đã tình nguyện chết khổ sở, đau đớn cho nhân loại sống hạnh phúc.
Cứ nghe Mẹ Bề Trên nói là tôi hết muốn rời nội trú. Tiếng “Chúa” từ đôi môi mẹ nở ra nghe kỳ diệu lạ lùng. “Chu...u... a... uá”. Mẹ Bề Trên đã nhắc tới Chúa bằng âm thanh đó mà tôi đoán chắc, trên thế giới, những con chiên của Chúa và ngay cả Đức Giáo Hoàng, đấng thay mặt Chúa chăn bầy chiên của ngài cũng không thể có tiếng “Chu...u...a...úa” thiên thần như tiếng “Chúa” của Mẹ Bề Trên.
Tôi ở tại nội trú Hòa Hưng. Người bạn tâm sự của tôi, luôn luôn là Sơ Joséphine. Nhưng lòng tôi không yên ổn nữa. Nỗi vui hôm nghe kết quả thi tú tài một chẳng bao giờ xảy ra kể từ đây. Chị Hồng đã chết. Còn ai mắt đẫm lệ bóp chặt tay tôi “Em đậu rồi, em đậu rồi...”? Khuôn mặt đá tổ ong của chị Hồng, những kẻ chủ mưu vụ tạt át-xít, ông Trần Thức Thời. Cha dượng tôi, Dũng. Đó là những kẻ phá vỡ tuổi con gái, phá vỡ hạnh phúc của chị Hồng và tôi. Họ là kẻ thù của tôi. Chúa ơi, lạy Ngài thương xót con. Con không phải là Ngài, không bằng cái móng tay của Ngài. Tôi phải trả thù bọn đàn ông khốn kiếp bằng mọi giá. Giữa mùa đông năm ấy, chờ dịp Mẹ Bề Trên qua La Mã, tôi xin thoát ly nội trú. Sơ Joséphine không nói được tiếng “Chúa” kỳ diệu như Mẹ Bề Trên. Nên đã không giữ được tôi. Sơ bảo tôi.
- Em ra ngoài bơ vơ, cần có tiền, nội trú trao món tiền cho em.
Tôi lắc đầu:
- Em không nhận cả đâu. Em lấy chút xíu thôi. Còn gửi lại nội trú. Khi nào cần, em sẽ về xin.
Sơ Joséphine vuốt má tôi:
- Em nhớ đấy nhé! Cổng nội trú vẫn mở rộng chờ em. Chừng nào bên ngoài làm em buồn khổ em cứ trở về. À nhớ đọc kinh trước khi ngủ để ngủ khỏi giật mình, nhớ hát thánh ca mỗi lần buồn cho nỗi buồn tan biến...
Tôi nắm chặt tay Sơ Joséphine:
- Em sẽ nhớ.
Sơ Joséphine tặng tôi một cây Thánh giá nhỏ và rất nhiều hình Chúa. Sơ xách giùm tôi chiếc va-li ra cổng. Tôi gọi tắc xi. Xe đi được một quãng ngoái lại, tôi còn thấy Sơ Joséphine nhìn theo vẫy khẽ bàn tay xinh xắn.
Giã từ nội trú. Giã từ căn nhà đầy tình thương. Giã từ bóng mát cây dừa trong sa mạc cát cháy. Tôi bùi ngùi, đau xót. Nhưng nước mắt không còn ứa ra nữa. Tôi bảo người tài xế chạy tới bin-đinh Núi Trắng. Căn phòng chị Hồng chưa ai dám mướn. Người quản lý quen tôi. Ông ta hỏi tôi.
- Bây giờ đến lượt cô ở đây?
Câu hỏi có nhiều ý nghĩa. Tôi đáp:
- Vâng đến lượt tôi.
Người quản lý xách chiếc va-li của tôi. Tôi theo ông ta lên phòng chị Hồng đã sống cô độc, đã chết đau tủi ở đó. Bước chân qua những bậc thang tôi nghĩ tới bài văn của Chế Lan Viên mà tưởng như đang bước xuống cái tam cấp ở cửa lớp học. Hôm nay tôi mới thực sự bước xuống cuộc đời.