Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Tác giả: Ransom Rigg
Thể loại: Kinh Dị
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 766 / 22
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hi những ngôi nhà cuối cùng đã khuất hẳn sau lưng, chúng tôi lặng lẽ tuột xuống khỏi chiếc xe, sau đó đi bộ leo qua ngọn đồi về phía khu rừng. Emma đi bên cạnh tôi im lặng và trầm ngâm, chưa lúc nào buông rời cánh tay tôi, trong khi Millard đi bên kia, vừa ngân nga khe khẽ một mình vừa đá vào những hòn đá. Tôi cảm thấy vừa bồn chồn, vừa bối rối lại vừa kích động đến mức buồn nôn váng vất. Phần nào trong tôi có cảm giác một chuyện hệ trọng sắp xảy ra. Phần khác trong tôi chờ đợi sẽ tỉnh giấc bất cứ lúc nào, ra khỏi tình trạng hiện tại, dù đó là cơn mê sảng, cơn căng thẳng hay bất cứ cái gì khác, rồi tỉnh dậy có thể với khuôn mặt ngập giữa một vũng nước dãi trên bàn phòng nghỉ tại Smart Aid và nghĩ, Uầy, thật lạ lùng, rồi trở lại với công việc buồn tẻ trước đây - làm chính mình.
Nhưng tôi không tỉnh dậy. Chúng tôi chỉ tiếp tục bước đi, cô gái có thể tạo ra lửa bằng hai bàn tay, anh chàng vô hình và tôi. Chúng tôi băng qua khu rừng, con đường mòn ở đó rộng và quang đãng như bất cứ lối đi nào trong một công viên quốc gia, sau đó tới một bãi cỏ trải rộng đầy hoa với những dải vườn gọn ghẽ chạy xen giữa. Chúng tôi đã tới trại trẻ.
Tôi ngỡ ngàng tròn mắt nhìn - không phải vì nó quá xấu xí, mà vì nó quá đẹp. Không hề có một tấm ván lợp mái lệch chỗ hay một cửa sổ vỡ kính nào. Những tòa tháp và ống khói đờ đẫn nằm sụp xuống ngôi nhà tôi vẫn còn nhớ giờ đây chĩa thẳng lên bầu trời đầy kiêu hãnh. Khu rừng lúc trước có vẻ đang nuốt chửng những bức tường của ngôi nhà lúc này lùi ra tận ngoài xa.
Tôi được dẫn đi xuống một lối đi lát đá, rồi lên một dãy bậc cấp mới sơn dẫn tới vòm cổng. Emma có vẻ không còn coi tôi là một mối đe dọa như lúc trước, song trước khi vào nhà cô trói quặt hai tay tôi ra sau lưng - tôi nghĩ chắc cô muốn thể hiện thôi. Cô đang diễn vai người thợ săn trở về, còn tôi là con mồi bị tóm. Cô đang định lôi tôi vào trong thì bị Millard ngăn lại.
“Giày của cậu ta dính đầy bùn đất”, cậu ta nói. “Không thể để cậu ta tha bùn vào trong. Chim sẽ lên cơn đau tim mất.” Vậy là trong khi hai người áp giải chờ đợi, tôi cởi giày và cả đôi tất vốn cũng bết bùn ra. Sau đó, Millard gợi ý rằng tôi nên xắn hai bên ống quần jean lên để chúng không quệt xuống thảm, tôi liền làm theo, và Emma sốt ruột túm lấy tôi, rồi lôi phắt tôi qua cửa.
Chúng tôi đi xuống một hành lang mà tôi nhớ rằng vốn bị bít lại tới mức gần như không qua nổi bởi những món đồ đạc vỡ, rồi lên cầu thang, lúc này được quét véc ni sáng bóng, những khuôn mặt đầy vẻ tò mò trong phòng ăn nhìn tôi qua lan can. Chỗ bụi vôi vữa trong như tuyết rơi đã biến mất, thế chỗ nó là một cái bàn gỗ dài được kê ghế tựa vòng xung quanh. Vẫn là chính trại trẻ tôi từng thám hiểm, nhưng mọi thứ đã được khôi phục lại đúng trật tự. Vị trí tôi nhớ là có đám rêu xanh bây giờ được thay bằng giấy dán tường, ván gỗ ốp chân tường và đủ loại màu sơn vui mắt. Hoa được cắm trong các bình. Những đống gỗ mục và vải bọc mủn nát đã tự dựng lại thành hình những chiếc xô pha và ghế bành êm ái, và ánh nắng chiếu qua những khung cửa sổ cao lắp kính từng có lúc cáu đầy bụi bẩn đến mức tôi đã nghĩ chúng bị bịt giấy đen che lại.
Cuối cùng, chúng tôi tới một căn phòng nhỏ nhìn ra sau nhà. “Canh chừng nó trong khi tớ báo cô phụ trách”, Emma nói với Millard, và tôi cảm thấy bàn tay cậu ta nắm lấy vai mình. Khi cô gái rời khỏi, bàn tay cậu ta cũng buông ra.
“Cậu không sợ tôi sẽ ăn óc cậu hay làm gì đó đại loại thế hay sao?” tôi hỏi cậu ta.
“Không sợ lắm.”
Tôi quay sang cửa sổ và ngỡ ngàng mở to mắt nhìn ra ngoài. Ngoài sân có rất nhiều trẻ con, gần như tôi có thể nhận ra tất cả từ những bức ảnh ố vàng. Vài người lười nhác thơ thẩn dưới các bóng cây; số khác tranh giành một quả bóng và đuổi nhau qua các luống hoa rực rỡ đầy màu sắc. Đây chính xác là thiên đường ông nội tôi đã mô tả. Đây là hòn đảo được phù phép; đây là những đứa trẻ có phép thuật. Nếu quả thực đang mơ, tôi không còn muốn thức dậy nữa. Hay ít nhất cũng là không phải thức dậy lập tức.
Ngoài sân cỏ, ai đó vừa đá quá mạnh vào một quả bóng, làm nó bay vút lên một lùm cây được xén tỉa thành hình một con vật khổng lồ và mắc kẹt lại. Có một hàng gồm mấy lùm cây được xén tỉa thành hình con vật như thế - những sinh vật kỳ vĩ cao ngang tòa nhà, đứng gác đối diện với khu rừng - gồm một con quái vật mình sư tử đầu chim có cánh, một con nhân mã đang đứng trên hai chân sau, và một người cá. Truy tìm quả bóng bị thất lạc của mình, hai cậu thiếu niên chạy tới chân lùm cây hình nhân mã, theo sau là một cô gái trẻ. Tôi lập tức nhận ra đây chính là cô gái bay lên trong tập ảnh của ông, chỉ có điều lúc này cô không phải đang bay. Cô bước đi chậm rãi, mỗi bước đều nặng nề khó nhọc, cả người cứ chúi xuống đất như thể phải chịu thêm một trọng lực bổ sung.
Khi tới chỗ hai cậu con trai, cô giơ hai cánh tay lên còn hai cậu kia buộc một vòng dây thừng quanh eo cô gái. Cô gái cẩn thận rút chân ra khỏi đôi giày của mình rồi bay lên như một quả khí cầu. Thật đáng kinh ngạc. Cô bay lên cao mãi cho tới khi sợi dây buộc quanh eo cô căng ra, sau đó cứ thế lơ lửng cách mặt đất ba mét, được hai cậu con trai níu lại.
Cô nói gì đó, hai cậu con trai gật đầu và từ từ thả dây ra. Cô từ từ bay lên cao hơn men theo sườn con nhân mã; khi lên cao ngang ngực con vật, cô đưa tay luồn vào đám cành cây để lấy quả bóng, song nó đã bị mắc kẹt rất sâu bên trong. Cô nhìn xuống và lắc đầu, hai cậu con trai bèn kéo cô xuống mặt đất, xuống đến nơi cô lại xỏ chân vào đôi giày trọng lực và tháo dây ra.
“Thích màn trình diễn chứ?” Millard hỏi. Tôi im lặng gật đầu. “Có những cách dễ hơn nhiều để lấy quả bóng đó”, cậu ta nói, “nhưng bọn họ biết đang có khán giả.”
Bên ngoài, một cô gái nữa đang lại gần con nhân mã. Cô gái đã sắp thành niên và có vẻ ngoài hoang dã, mái tóc bù xù như tổ chim của cô đang trên đường trở thành những món tóc cuốn lọn dài. Cô gái cúi người xuống, nắm lấy cái đuôi dài đầy lá của con vật tỉa từ tán cây rồi quấn nó quanh cánh tay mình, sau đó nhắm mắt lại như thể đang tập trung. Giây lát sau, tôi thấy bàn tay con nhân mã cử động. Tôi tròn mắt nhìn chằm chằm qua lớp kính cửa, chăm chú nhìn vào bàn tay màu xanh lục đó, thầm nghĩ chắc chắn nguyên nhân là cơn gió đang thổi, nhưng rồi từng ngón tay của nó bắt đầu động đậy như thể cảm giác đang chậm chạp trở lại với chúng. Tôi kinh ngạc theo dõi trong khi cánh tay khổng lồ của con nhân mã gập lại, rồi nó thò tay vào chính lồng ngực của mình, moi quả bóng ra, rồi ném trở lại cho mấy đứa trẻ đang reo hò. Trong khi trận bóng tiếp tục trở lại, cô gái có mái tóc rối bù buông đuôi con nhân mã ra, và nó một lần nữa trở lại bất động.
Hơi thở của Millard làm mờ lớp kính cửa sổ ngay cạnh tôi. Tôi kinh ngạc quay sang cậu ta. “Tôi không có ý bất lịch sự đâu”, tôi nói, “nhưng các cậu là loại người gì vậy?”
“Chúng tôi đặc biệt”, cậu ta đáp, nghe có vẻ hơi lúng túng. “Chẳng lẽ cậu không phải?”
“Tôi không biết. Tôi không nghĩ vậy.”
“Tiếc quá nhỉ.”
“Sao cậu lại bỏ nó ra?” một giọng nói cất lên sau lưng chúng tôi, tôi bèn quay lại thì thấy Emma đang đứng trên ngưỡng cửa. “Mà thôi, kệ đi”, cô vừa nói vừa bước tới nắm lấy sợi dây trói. “Đi nào. Bây giờ cô phụ trách sẽ gặp mày.”
o O o
Chúng tôi vào bên trong trại trẻ, diễu qua trước nhiều đôi mắt tò mò nữa đang theo dõi từ các khe cửa và đằng sau những chiếc ghế xô pha, vào một phòng khách tràn ngập ánh nắng, một người phụ nữ có vẻ ngoài nổi bật đang ngồi đan trong một chiếc ghế có lưng dựa cao, kê trên một tấm thảm Ba Tư tinh xảo. Bà mặc toàn một màu đen từ đầu tới chân, mái tóc được búi tròn hoàn hảo trên đỉnh đầu, bà đeo găng tay có viền đăng ten, và cổ áo cánh hồ bột được cài cao khít - cả con người bà cũng chỉn chu hệt như trại trẻ. Tôi đã có thể đoán ra bà là ai dù trước đó không hề nhớ tới bức ảnh của bà trong chỗ ảnh tôi tìm thấy từ cái rương bị vỡ nát. Đây chính là bà Peregrine.
Emma dẫn tôi bước lên tấm thảm rồi đằng hắng, và nhịp đưa đều đặn của đôi que đan bà Peregrine đang cầm liền ngừng lại.
“Chúc buổi chiều tốt lành”, người phụ nữ ngước nhìn lên và nói. “Cậu hẳn là Jacob.”
Emma há hốc miệng nhìn bà. “Làm thế nào cô biết được.”
“Ta là cô phụ trách Peregrine”, bà nói, đồng thời giơ ngón trỏ lên ra dấu bảo Emma im lặng, “hoặc cô Peregrine, nếu cậu muốn gọi như thế hơn, vì hiện tại cậu không phải do ta coi sóc. Rất vui vì cuối cùng cũng gặp cậu.”
Bà Peregrine đưa một bàn tay đi găng chìa về phía tôi, và khi thấy tôi không thể đón lấy, bà nhận ra sợi dây trói quanh cổ tay tôi.
“Cô Bloom!” bà la lên. “Chuyện này là thế nào? Đây là cách đối xử với khách sao? Cói trói cho cậu ấy ngay!”
“Nhưng thưa cô phụ trách! Nó là một tên ăn cắp, một kẻ dối trá và em không rõ là còn những gì nữa!” Ném một cái nhìn đầy nghi ngờ về phía tôi, Emma thì thầm gì đó vào tai bà Peregrine.
“Sao chứ, cô Bloom”, bà Peregrine vừa nói vừa cười phá lên. “Thật vớ vẩn! Nếu anh chàng này là một xác sống, cô lúc này hẳn đang bị nấu trong nồi xúp của cậu ấy rồi. Tất nhiên cậu ấy là cháu của Abraham Portman. Cứ nhìn cậu ấy xem!”
Tôi cảm thấy nhẹ cả người; có thể cuối cùng tôi sẽ không phải tự biện minh cho mình. Bà đã chờ gặp tôi!
Emma dợm giọng phản đối, nhưng bà Peregrine chặn đứng cô lại bằng một cái nhìn khiến người ta bối rối. “Vâng, được thôi”, Emma thở dài, “nhưng cô đừng nói là em đã không cảnh báo trước.” Và sau vài cú giật mạnh vào nút buộc, sợi dây rơi xuống.
“Mong cậu thứ lỗi cho cô Bloom”, bà Peregrine nói trong khi tôi xoa xoa hai cổ tay trầy trụa của mình. “Cô bé ít nhiều có tố chất sân khấu.”
“Cháu cũng đã nhận thấy thế.”
Emma quắc mắt lên tức tối. “Nếu nó đúng là người nó tự xưng, vậy tại sao nó không hề biết gì về các vòng - thậm chí nó còn chả biết giờ là năm nào? Nào, cô hãy hỏi nó đi!”
“Tại sao cậu ấy lại chưa biết”, bà Peregrine chỉnh lại. Và người duy nhất ta sẽ đặt câu hỏi là cô, vào chiều mai, về vấn đề sử dụng ngữ pháp cho chính xác!”
Emma rên lên.
“Còn bây giờ, nếu cô không phiền”, bà Peregrine nói, “ta cần nói vài lời riêng tư với cậu Portman.”
Cô gái biết tranh luận chỉ vô ích. Cô thở dài và đi ra cửa, nhưng trước khi rời đi còn ngoái lại nhìn tôi lần cuối cùng. Trên khuôn mặt cô là một biểu cảm tôi chưa hề thấy trước đó: lo lắng.
“Cả cậu nữa, cậu Nullings”, bà Peregrine gọi với ra. “Người lịch sự thì không nghe lén những cuộc trò chuyện của người khác!”
“Em chỉ nán lại để hỏi xem cô có muốn dùng trà không thôi mà”, Millard lên tiếng, tôi có cảm giác cậu ta hơi nịnh đầm.
“Chúng tôi không muốn, cảm ơn cậu”, bà Peregrine trả lời ngắn gọn. Tôi nghe thấy tiếng đôi chân trần của Millard bước đi xa dần trên ván lát sàn, và cánh cửa đóng sập lại đằng sau cậu ta.
“Đáng lẽ ta phải mời cậu ngồi”, bà Peregrine vừa nói vừa ra hiệu về phía một chiếc ghế tựa có vẻ êm ái đằng sau lưng tôi, “nhưng xem ra cậu đang lấm lem khắp người.” Thay vì ngồi, tôi quỳ gối trên sàn nhà, cảm thấy mình như một người hành hương cầu xin lời khuyên từ một nhà tiên tri thông thái.
“Cậu đã ở trên hòn đảo được vài ngày rồi”, bà Peregrine nói. “Sao cậu để lãng phí nhiều thời gian đến thế rồi mới tới thăm chúng ta?”
“Cháu không biết mọi người ở đây”, tôi nói. “Làm thế nào bà biết được cháu đã ở đây vài ngày rồi?”
“Ta đã quan sát cậu. Mà cậu cũng đã thấy ta rồi, cho dù có lẽ cậu không nhận ra điều đó. Ta đã dùng hình dạng khác của mình.” Bà với tay lên và rút từ tóc ra một cái lông vũ dài màu xám. “Sẽ hay hơn nhiều nếu sử dụng hình dạng một con chim khi quan sát loài người”, bà giải thích.
Tôi há hốc miệng.
“Vậy ra chính bà đã ở trong phòng cháu sáng nay?” tôi thốt lên. “Chính là con diều hâu đó?”
“Chim ưng”, bà chỉnh lại. “Một con chim ưng Peregrine, tất nhiên rồi.”
“Vậy là đúng rồi!” tôi nói. “Bà chính là Chim!”
“Đó là một biệt danh ta chấp nhận nhưng không cổ súy”, bà đáp. “Còn bây giờ, đến lượt câu hỏi của ta”, bà Peregrine nói tiếp. “Cậu muốn tìm kiếm gì trong cái xác nhà đổ nát đó vậy?”
“Bà”, tôi trả lời, và đôi mắt người phụ nữ mở to ra thêm một chút. “Cháu không biết phải tìm bà như thế nào. Mãi đến hôm qua cháu mới biết được là tất cả mọi người ở đây...”
Rồi sau đó tôi ngừng lại, nhận ra những lời mình nói tiếp theo nghe sẽ lạ lùng đến thế nào. “Trước đó cháu không nhận ra là mọi người ở đây đã chết.”
Bà mím môi cười khẽ với tôi. “Chúa lòng lành. Chẳng lẽ ông nội cậu không kể bất cứ điều gì về các bạn cũ của cậu ta sao?”
“Vài chuyện. Nhưng suốt một thời gian dài cháu vẫn nghĩ chúng chỉ là chuyện cổ tích.”
“Ta hiểu rồi”, bà nói.
“Cháu hy vọng điều đó không làm bà phật lòng.”
“Chỉ hơi ngạc nhiên thôi. Nhưng nói chung chúng ta thích người khác nghĩ về mình như thế hơn, vì điều đó có thể giúp ngăn lại những kẻ không mời mà tới. Ngày nay càng lúc càng có ít người tin vào những chuyện này - các nàng tiên, xác sống, và tất cả những thứ vớ vẩn đó - và như vậy những người bình thường không còn bỏ công ra tìm kiếm chúng ta nữa. Điều đó làm chúng ta dễ sống hơn một chút. Những câu chuyện ma và những ngôi nhà cũ ghê rợn cũng có ích cho chúng ta - cho dù trong trường hợp của cậu thì có vẻ không phải thế.” Bà mỉm cười. “Hẳn gia đình cậu luôn có những trái tim sư tử.”
“Vâng, cháu đoán là vậy”, tôi vừa nói vừa nở nụ cười dè dặt, cho dù kỳ thực tôi cảm thấy mình có thể xỉu bất cứ lúc nào.
“Dù thế nào đi nữa, về nơi này”, người phụ nữ vừa nói vừa khoát tay thật rộng ra xung quanh. “Khi còn bé, cậu đã tin ông nội cậu đang ‘dựng lên tất cả’, như người ta vẫn nói đúng không nhỉ? Nhồi nhét vào cậu một mớ dối trá to tướng. Phải vậy không?”
“Không hẳn là những lời dối trá, nhưng...”
“Hư cấu, bốc phét, diễu võ giương oai - bất cứ cách nói nào cậu thích. Từ lúc nào cậu nhận ra những gì Abraham đã kể là sự thật?”
“À”, tôi nói, nhìn chằm chằm vào mê cung các họa tiết quyện vào nhau được dệt trên tấm thảm, “cháu đoán mình vừa mới nhận ra ngay lúc này đây.”
Bà Peregrine, lúc trước vốn rất hào hứng, dường như có phần hơi xịu xuống một chút. “Ôi Chúa ơi, ta hiểu rồi.” Rồi sau đó vẻ mặt của bà trở nên dữ tợn, như thể trong khoảng thời gian im lặng ngắn ngủi giữa hai chúng tôi, bà đã trực cảm được điều khủng khiếp tôi sắp nói với bà. Dẫu thế, tôi vẫn phải tìm một cách để nói ra thành lời.
“Cháu nghĩ ông muốn giải thích mọi thứ”, tôi nói, “Nhưng ông đã đợi quá lâu. Vì thế, ông cử cháu tới đây thay mình để tìm bà.” Tôi lấy lá thư nhàu nhĩ từ trong túi áo khoác ra. “Đây là thư bà gửi. Chính nó đã đưa cháu tới đây.”
Bà cẩn thận vuốt phẳng lá thư trên tay vịn chiếc ghế đang ngồi rồi cầm nó lên, mấp máy đọc. “Thật vô ơn làm sao! Trong khi trên thực tế ta đã cầu xin cậu ấy hồi đáp.” Bà lắc đầu, ngồi đăm chiêu trong giây lát. “Chúng ta luôn mong mỏi tin tức của Abe biết chừng nào. Ta từng hỏi cậu ấy liệu có phải muốn làm ta lo đến chết hay không mà cứ khăng khăng sống công khai như vậy. Cậu ấy có thể cứng đầu đến bất trị thế đấy!”
Bà gập lá thư lại cho vào phong bì, và dường như một đám mây đen vừa lướt qua trên đầu bà. “Cậu ấy qua đời rồi phải không?”
Tôi gật đầu. Rồi tôi ngắc ngứ kể với bà những gì đã xảy ra - nghĩa là kể với bà câu chuyện cảnh sát đã dựng lên và tôi cũng đi tới chỗ tin vào nó sau vô số buổi tư vấn tâm lý. Để khỏi bật khóc, tôi chỉ kể với bà những nét chung chung: ông sống ở vùng ngoại ô thị trấn; chúng tôi vừa mới trải qua một đợt hạn hán và khu rừng đầy ắp những con thú hoang tuyệt vọng đang sắp chết đói; ông đã ở không đúng chỗ, không đúng thời điểm. “Đáng lẽ ông cháu không nên sống một mình”, tôi giải thích, “nhưng như bà nói đấy, ông rất bưởng bỉnh.”
“Ta đã e sợ chuyện này”, bà nói. “Ta đã cảnh báo cậu ấy đừng rời khỏi đây.” Hai nắm tay bà siết chặt lấy đôi que đan đang để trong lòng, như thể cân nhắc xem nên dùng chúng để đâm ai. “Và rồi để cháu cậu ấy mang tin xấu trở lại báo cho chúng ta.”
Tôi có thể hiểu cơn giận dữ của bà. Chính tôi cũng từng trải qua nó. Tôi cố an ủi bà, viện ra tất cả những sự thật nửa vời nhằm mục đích trấn an mà bố mẹ tôi cùng bác sĩ Golan đã nói tới trong những khoảnh khắc đen tối nhất tôi trải qua mùa thu vừa rồi, “Đã đến lúc để ông ra đi. Ông rất cô đơn. Bà nội cháu đã mất nhiều năm rồi, và đầu óc ông cũng không còn sáng suốt nữa. Ông luôn quên cái này cái kia, lẫn lộn mọi thứ với nhau. Đó là lý do vì sao ban đầu ông lại có mặt trong rừng.”
Bà Peregrine buồn bã gật đầu. “Cậu ấy cứ thế để cho mình già đi.”
“Theo khía cạnh nào đó, ông cháu đã gặp may. Cái chết không kéo dài và dai dẳng. Không phải nằm viện nhiều tháng trời, bị gắn vào đủ thứ máy móc.” Những lời này thật lố bịch, tất nhiên rồi - cái chết của ông hoàn toàn vô nghĩa, ghê rợn - nhưng tôi nghĩ nói thế thì cả hai chúng tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một chút.
Bỏ mớ đồ đan sang bên, bà Peregrine đứng dậy và khó nhọc bước tới cửa sổ. Dáng đi của bà cứng nhắc và vụng về, như thể một chân bà ngắn hơn chân bên kia.
Bà nhìn ra ngoài sân, về phía những đứa trẻ đang chơi đùa. “Bọn trẻ không được phép biết chuyện này”, bà nói. “Ít nhất là chưa phải bây giờ. Điều đó sẽ chỉ làm chúng phiền muộn.”
“Vâng. Tùy theo ý bà thôi.”
Bà lặng lẽ đứng một hồi bên khung cửa kính, đôi vai run rẩy. Cuối cùng, khi quay lại đối diện với tôi, bà đã hoàn toàn bình tĩnh và lý trí: “Được rồi, cậu Portman”, bà hỏi nhanh, “ta nghĩ cậu đã bị cật vấn đủ rồi. Hẳn cậu cũng có những chuyện muốn hỏi.”
“Một nghìn lẻ một câu thôi ạ.”
Bà lấy một cái đồng hồ từ trong túi áo ra và xem giờ. “Chúng ta hãy còn ít thời gian trước giờ ăn tối. Ta hy vọng chừng đó là đủ để khai sáng cho cậu.”
Bà Peregrine ngừng lời và ngẩng đầu lên. Đột nhiên, bà hối hả bước tới cửa phòng khách, mở toang nó ra và thấy Emma đang phủ phục ở phía bên kia, khuôn mặt đỏ bừng đầy vệt nước mắt. Cô đã nghe thấy tất cả.
“Cô Bloom! Cô đã nghe trộm phải không?”
Emma loạng choạng đứng dậy, bật ra tiếng nức nở.
“Người lịch sự thì không nghe trộm những cuộc nói chuyện không dành cho...” Nhưng Emma đã vùng chạy khỏi phòng, và bà Peregrine bèn chấm dứt câu nói bằng một tiếng thở dài chán nản. “Thật không may. Ta e rằng cô bé khá nhạy cảm với chuyện ông nội cậu.”
“Cháu thấy rồi”, tôi nói. “Tại sao vậy? Có phải họ...?”
“Khi Abraham rời đi để chiến đấu trong chiến tranh, cậu ấy đã mang theo trái tim của tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là cô Bloom. Phải, hai người họ ngưỡng mộ nhau, là người tình, người yêu của nhau.”
Tôi bắt đầu hiểu vì sao Emma lại gò ép bản thân không được tin tôi đến thế, bởi điều đó sẽ có nghĩa, gần như chắc chắn, là tôi có mặt ở đây để báo tin xấu về ông.
Bà Peregrine vỗ vỗ tay như để phá vỡ một thứ bùa mê. “À, vậy đấy”, bà nói, “biết làm sao được.”
Tôi theo bà rời phòng đi ra cầu thang. Bà Peregrine leo lên cầu thang với vẻ cương quyết mạnh mẽ, hai tay giữ chặt lấy tay vịn để kéo mình lên từng bậc một, từ chối bất cứ sự giúp đỡ nào. Khi chúng tôi lên tới chiếu nghỉ, bà dẫn tôi theo hành lang tới thư viện. Giờ thì trong nơi này đúng như một phòng học thực sự, bàn học được kê thành một hàng, có một tấm bảng viết phấn trong góc và những cuốn sách phủ bụi được xếp ngay ngắn trên các giá. Bà Peregrine chỉ vào một cái bàn học và nói, “Ngồi xuống đi”, vậy là tôi bèn thu người ngồi xuống đó. Bà đi tới phía đầu phòng và đối diện với tôi.
“Cho phép ta dành cho cậu một bài giới thiệu ngắn. Ta nghĩ cậu sẽ tìm thấy câu trả lời cho phần lớn câu hỏi của cậu ở trong nó.”
“Vâng.”
“Các hợp phần tạo nên loài người thực ra đa dạng hơn rất nhiều so với những gì phần lớn con người có thể ngờ tới”, bà bắt đầu. “Cách phân loại thực sự của người Homo sapiens là một bí mật chỉ một số ít người biết, và cậu giờ sẽ là một trong số đó. Về cơ bản, nó là sự phân đôi đơn giản thành hai nhánh: những người năng lực chuẩn, hay số đông bình thường tạo nên đa số nhân loại, và một nhánh ẩn - giống người bí mật, cậu có thể coi là vậy - những cá thể được gọi là dị nhân, hay ‘linh hồn đặc biệt’ trong ngôn ngữ thiêng liêng của tổ tiên ta. Và như cậu hẳn cũng đã nhận ra, chúng ta ở đây thuộc về nhóm người thứ hai.”
Tôi gật đầu như thể đã hiểu, mặc dù bà làm tôi hoàn toàn lạc hướng. Hy vọng bà nói chậm lại một chút, tôi đưa ra một câu hỏi.
“Nhưng tại sao người ta không biết tới những người như bà? Liệu những người ở đây cùng bà có phải là nhóm duy nhất không?”
“Có những người đặc biệt ở khắp nơi trên thế giới”, bà nói, “cho dù số lượng của chúng ta đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Những ai còn sống đều ẩn mình, giống như chúng ta đang làm.” Giọng bà chuyển sang một âm điệu nuối tiếc dịu dàng. “Đã từng có thời chúng ta có thể công khai hòa nhập cùng những người bình thường. Ở một số nơi trên thế giới, chúng ta được nhìn nhận như các pháp sư và người có phép thần thông, được nhờ trợ giúp vào những thời điểm khó khăn. Một số nền văn hóa đã lưu giữ lại được mối quan hệ hài hòa này với cộng đồng chúng ta, cho dù chỉ tại những nơi mà cả đời sống hiện đại lẫn các tôn giáo chính không thể tạo dựng được chỗ đứng như tại hòn đảo pháp thuật huyền bí Ambrym tại New Hebrides. Song phần lớn thế giới đã quay ra chống lại chúng ta từ lâu rồi. Người Hồi giáo xua đuổi chúng ta. Người Cơ Đốc giáo thiêu sống chúng ta như phù thủy. Thậm chí cả những người tà giáo tại xứ Wales và Ireland rốt cuộc cũng đi tới kết luận tất cả chúng ta đều là những pháp sư độc ác và do ma quỷ đội lốt.”
“Vậy sao những người như bà lại... cháu không biết nữa... lại không tự lập quốc gia cho mình ở đâu đó? Tới đó và sống tự tại?”
“Giá như chuyện này được đơn giản như thế”, bà Peregrine nói. “Những nét dị năng thường bị gián đoạn qua một thế hệ, hay có khi là mười. Những đứa trẻ đặc biệt không phải luôn luôn, hay thậm chí là thường xuyên, được sinh ra từ những ông bố bà mẹ đặc biệt, và các bậc phụ mẫu đặc biệt không phải luôn luôn, hay thậm chí thường xuyên, sinh ra những đứa con đặc biệt. Cậu có thể hình dung vì sao điều này lại là một mối nguy hiểm cho tất cả những người có dị năng trong một thế giới luôn sợ hãi sự khác biệt đến thế hay không?”
“Vì những ông bố bà mẹ bình thường sẽ phát khiếp nếu con cái họ bắt đầu... phóng ra lửa chẳng hạn, phải thế không ạ?”
“Chính xác là vậy, cậu Portman. Những đứa con đặc biệt của những cặp bố mẹ bình thường rất hay bị ngược đãi và bỏ mặc theo những cách ghê rợn nhất. Chỉ mới vài thế kỷ trước đây thôi, bố mẹ của những đứa trẻ đặc biệt vẫn còn đơn giản cho rằng những đứa con trai hay con gái ‘thực sự’ của họ đã bị đánh cắp và tráo đổi bằng các thế thân nghĩa là những tạo vật giống hệt nhưng bị phù phép và xấu xa, nếu không muốn nói là hoàn toàn giả tạo - điều này, vào những thời kỳ tăm tối, được coi như điều kiện cho phép bỏ mặc những đứa trẻ tội nghiệp, nếu họ không thẳng tay loại trừ chúng.”
“Thật kinh khủng.”
“Rất kinh khủng. Cần phải làm điều gì đó, vậy là những người giống như ta tạo nên những địa điểm mà những đứa trẻ đặc biệt có thể sống tách biệt khỏi những người bình thường - những nơi ẩn náu được tách riêng về không gian và thời gian như nơi này, một điều ta vô cùng tự hào.”
“Những người giống như bà?”
“Người đặc biệt chúng ta được phú cho những năng lực người thường không có được, những kỹ năng cũng vô hạn về sự kết hợp và đa dạng không kém gì màu da hay gương mặt của những người khác. Có nghĩa là một số năng lực khá thông dụng, chẳng hạn như đọc ý nghĩ, trong khi có những cái lại hiếm gặp hơn, như năng lực kiểm soát thời gian của ta.”
“Thời gian ư? Cháu tưởng bà biến thành một con chim.”
“Chắc chắn rồi, và trong đó ẩn chứa chìa khóa cho năng lực của ta. Chỉ có chim mới kiểm soát được thời gian. Vì thế, tất cả những người kiểm soát thời gian phải có khả năng hóa thành hình dạng một con chim.”
Bà Peregrine nói ra những lời này một cách nghiêm túc, bình thản tới mức tôi phải mất một khoảnh khắc mới tiêu hóa nổi nó. “Chim... là những người du hành vượt thời gian sao?” Tôi có thể cảm thấy mình đang nở một nụ cười ngờ nghệch.
Bà Peregrine nghiêm nghị gật đầu. “Tuy nhiên, phần lớn chúng chỉ có thể thỉnh thoảng xuyên qua thời gian một cách tình cờ. Chúng ta, những người có thể kiểm soát trường thời gian một cách có ý thức - và không chỉ cho bản thân chúng ta, mà cho cả những người khác - được gọi là các Chủ Vòng Thời Gian. Chúng ta tạo nên những vòng thời gian, trong đó những người đặc biệt có thể sống vô thời hạn.”
“Một cái vòng”, tôi nhắc lại, nhớ tới yêu cầu của ông: tìm con chim, trong cái vòng. “Và nơi này là một cái vòng?”
“Phải. Mặc dù đúng hơn cậu có thể gọi nó là mồng ba tháng Chín năm 1940.”
Tôi nhô người qua cái bàn học nhỏ về phía bà. “Ý bà muốn nói sao? Nó chỉ là một ngày thôi ư? Nó lặp lại sao?”
“Hết lần này tới lần khác, dù vậy chúng ta vẫn tiếp tục trải nghiệm nó. Nếu không chúng ta đã không có chút ký ức nào về, à phải, bảy mươi năm vừa qua chúng ta đã sống ở đây.”
“Thật đáng kinh ngạc”, tôi nói.
“Tất nhiên, chúng ta đã ở đây, tại Cairnholm, chừng hơn một thập kỷ, trước mồng ba tháng Chín năm 1940 - cô lập về không gian, nhờ vị trí địa lý có một không hai của hòn đảo - nhưng phải bắt đầu từ thời điểm đó chúng ta mới cần phải cô lập cả về thời gian.”
“Sao lại thế?”
“Vì nếu khác đi tất cả chúng ta đã bị giết rồi.”
“Bởi quả bom.”
“Chắc chắn là vậy.”
Tôi nhìn chằm chằm xuống mặt bàn. Tất cả bắt đầu sáng tỏ - cho dù mới chỉ mơ hồ. “Vậy còn vòng nào khác ngoài vòng này không ạ?”
“Rất nhiều”, bà Peregrine nói, “và gần như tất cả các Chủ Vòng Thời Gian quản lý chúng đều là bạn bè của ta. Để ta xem nào: có cô Gannet ở Ireland, vào tháng Sáu năm 1770; cô Nightjar ở Swansea vào mồng ba tháng Tư năm 1901; cô Avocet và cô Bunting cùng tại Derbyshire vào ngày Thánh Swithin năm 1867; cô Treecreeper ta không nhớ chính xác ở đâu nữa - à, và cô Finch[17] đáng mến. Ta có một bức ảnh rất đáng yêu của cô ấy ở đâu đó.”
Bà Peregrine vất vả lôi một album ảnh to tướng từ một cái giá xuống và đặt lên bàn học trước mặt tôi. Bà cúi xuống phía trên vai tôi trong lúc lật những trang album cứng đơ, tìm kiếm một bức ảnh nào đó nhưng nấn ná dừng lại ở những bức ảnh khác, giọng đượm vẻ hoài cổ mơ màng. Trong khi chúng diễu qua, tôi nhận ra những bức ảnh từ chiếc rương bị vỡ nát dưới tầng hầm và từ hộp đựng xì gà của ông. Bà Peregrine đã sưu tập tất cả chúng. Thật lạ khi nghĩ rằng bà đã cho ông nội tôi xem cũng chính những bức ảnh này bao nhiêu năm trước, khi ông còn ở vào tuổi tôi - rất có thể ngay ở đây, trong căn phòng này, tại chiếc bàn này - và giờ đây bà đang cho tôi xem tất cả chúng, như thể bằng cách nào đó tôi đã đặt chân vào quá khứ của ông.
Cuối cùng, bà giở tới bức ảnh chụp một phụ nữ với dáng vẻ thoát tục và một con chim nhỏ tròn trịa đậu trên bàn tay, và nói, “Đây là cô Finch và bà cô của cô ấy, bà Finch.” Người phụ nữ và con chim có vẻ đang giao tiếp với nhau.
“Làm sao bà có thể phân biệt được họ với nhau?” tôi hỏi.
“Bà Finch già hầu như lúc nào cũng thích giữ hình dạng chim sẻ. Mà như thế cũng tốt, thật vậy. Bà ấy chẳng bao giờ thích trò chuyện nhiều.”
Bà Peregrine lật thêm vài trang nữa, lần này dừng lại ở một bức ảnh chụp một nhóm phụ nữ và trẻ con trông chẳng vui vẻ gì tập hợp lại quanh một mặt trăng bằng giấy.
“À, phải rồi! Ta đã gần như quên mất bức ảnh này.” Bà lấy bức ảnh ra khỏi chỗ gài và kính cẩn cầm nó lên. “Người phụ nữ đứng đằng trước kia là cô Avocet. Đến với những người đặc biệt chúng ta cô ấy cũng như một nhân vật trong hoàng tộc vậy. Suốt năm mươi năm người ta đã cố gắng để bầu cô ấy làm chủ tịch Hội đồng Các Chủ Vòng Thời Gian, nhưng cô ấy không bao giờ có thể từ bỏ việc dạy học tại ngôi trường do cô ấy và cô Bunting thành lập. Ngày nay, chẳng có một Chủ Vòng Thời Gian nào xứng đáng với danh xưng này lại chưa từng nhận được sự dạy dỗ của cô Avocet, kể cả ta! Kỳ thực, nếu nhìn thật kỹ: có thể cậu sẽ nhận ra cô bé đeo kính kia.”
Tôi nheo mắt. Khuôn mặt bà chỉ vào rất tối và hơi nhòe. “Là bà sao?”
“Ta là học viên trẻ nhất cô Avocet từng dạy dỗ”, bà Peregrine nói đầy tự hào.
“Thế còn những cậu con trai trong ảnh thì sao?” tôi hỏi. “Trông họ thậm chí còn trẻ hơn cả bà.”
Khuôn mặt bà Peregrine tối sầm lại. “Cậu đang nhắc tới những đứa em trai lầm lạc của ta. Thay vì tách riêng ra, bọn họ cùng tới trường học ta. Bọn họ được nuông chiều thái quá như hai hoàng tử vậy. Ta dám nói chính điều đó đã làm hỏng họ.”
“Họ không phải là những Chủ VòngThời Gian sao?”
“Ồ, không”, bà gắt gỏng. “Chỉ có phụ nữ là được sinh ra để trở thành Chủ Vòng Thời Gian, và ơn trời vì điều đó! Nam giới thiếu sự nghiêm túc, phẩm chất cần thiết ở những người phải gánh vác trách nhiệm lớn lao như vậy. Các Chủ Vòng Thời Gian chúng ta phải đi lùng khắp mọi miền để tìm kiếm những đứa trẻ đặc biệt đang cần giúp đỡ, đưa bọn chúng tránh xa những kẻ muốn gây hại cho chúng ta, rồi cung cấp cái ăn cái mặc, nơi trú ẩn cho những đứa trẻ chúng ta phụ trách, và truyền dạy cho chúng những hiểu biết của tộc người chúng ta. Và thế vẫn chưa đủ đâu, chúng ta còn phải đảm bảo để vòng của mình được khởi động lại mỗi ngày như đồng hồ vậy.”
“Nếu chúng không được khởi động lại thì chuyện gì sẽ xảy ra?”
Bà Peregrine giơ một bàn tay run rẩy lên ngang mày và loạng choạng lùi lại, làm bộ kinh hoàng. “Tai ương, chấn động, thảm họa! Thậm chí ta còn không dám nghĩ tới chuyện đó. Thật may, cơ chế để khởi động lại các vòng rất đơn giản: hằng ngày một trong số chúng ta cần phải đi xuyên qua lối vào. Hành động này giúp nó thông suốt cậu thấy đấy. Lối vào vòng cũng ít nhiều giống như một cái lỗ trên bột nhào còn ướt; nếu thỉnh thoảng cậu không lấy ngón tay chọc vào nó, cái lỗ đó có thể tự động bị bít lại. Và nếu không có lối vào hay lối ra - không có cái van giảm áp nào để có thể qua đó xả bớt, nhiều thứ áp lực tự nhiên sẽ tích tụ lại trong một hệ thống thời gian khép kín...” Bà đưa hai tay ra dấu nổ bùm, như thể đang mình họa lại một vụ nổ pháo. “Vậy đấy, cả hệ thống sẽ trở nên bất ổn.”
Bà Peregrine lại cúi người xuống album ảnh và tỉ mẩn lần qua các trang. “Nhắc mới nhớ, có lẽ ta có một bức ảnh của... à, nó đây rồi. Một lối vào là thế này đây!” Bà lấy một bức ảnh nữa ra khỏi vỉ cài. “Đây là cô Finch và một trong những học trò của cô trong lối vào huy hoàng dẫn tới vòng của cô ấy, tọa lạc tại một khu hiếm khi được sử dụng của hệ thống tàu điện ngầm London. Khi nó được khởi động, cả đường hầm chìm trong một quầng sáng chói chang khủng khiếp. Ta luôn nghĩ lối vào vòng của chúng ta so với nó có lẽ khá khiêm tốn”, bà nói, một chút ghen tị thoáng lộ ra.
“Cháu hỏi cho rõ thôi nhé”, tôi nói. “Nếu hôm nay là mồng ba tháng Chín năm 1940, vậy thì ngày mai... cũng là mồng ba tháng Chín sao?”
“À, một phần nhỏ trong số hai mươi bốn giờ của vòng thuộc về mồng hai tháng Chín, nhưng, đúng vậy, ngày mai vẫn là mồng ba.”
“Vậy là ngày mai không bao giờ tới.”
“Có thể nói là vậy.”
Bên ngoài, một tiếng ầm ầm xa xa nghe như tiếng sấm vẳng lại, và cửa sổ tối sầm lại rung lên lạch cạch. Bà Peregrine ngước nhìn lên và một lần nữa lấy đồng hồ ra.
“Ta e rằng ta chỉ có thể dành ra chừng đó thời gian vào lúc này. Ta hy vọng cậu sẽ ở lại dùng bữa tối.”
Tôi nói tôi sẽ ở lại dùng bữa; hầu như không bận tâm đến việc bố có thể băn khoăn xem tôi đang ở đâu. Tôi loay hoay bước ra từ đằng sau cái bàn học và bắt đầu đi theo bà Peregrine ra cửa, nhưng rồi một câu hỏi nữa lại hiện lên trong đầu tôi, câu hỏi đã đeo đẳng tôi một thời gian dài.
“Ông nội cháu tới đây có phải để chạy trốn bọn Quốc Xã thật không?”
“Đúng thế”, bà nói. “Một số đứa trẻ tới với chúng ta trong những năm kinh khủng ngay trước khi chiến tranh bùng nổ. Có rất nhiều biến động.” Trong bà có vẻ đau khổ, như thể ký ức vẫn còn tươi mới. “Ta tìm thấy Abraham trong một khu trại dành cho người tị nạn trên đất liền. Cậu ấy là một cậu bé tội nghiệp, bị giày vò, nhưng thật mạnh mẽ. Ta lập tức nhận ra cậu ấy thuộc về cộng đồng chúng ta.”
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm; ít nhất phần đời đó của ông cũng đúng như tôi từng hiểu. Song vẫn còn một điều nữa tôi thắc mắc, mà không biết nên đặt câu hỏi như thế nào.
“Ông nội cháu... ông có giống như...?”
“Như chúng ta không chứ gì?”
Tôi gật đầu.
Bà Peregrine mỉm cười thật lạ lùng. “Cậu ấy giống cậu, Jacob.” Rồi bà quay đi, tập tễnh bước về phía cầu thang.
o O o
Bà Peregrine nhất thiết yêu cầu tôi phải rửa sạch bùn đất trước khi ngồi vào bàn ăn, và yêu cầu Emma đưa tôi đi tắm. Tôi nghĩ bà hy vọng bằng cách nói chuyện một chút với tôi, Emma sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng cô thậm chí còn chẳng nhìn tôi. Tôi dõi theo trong lúc cô vặn nước lạnh vào bồn tắm rồi làm ấm nước bằng hai bàn tay trần của mình, khỏa đi khỏa lại cho tới khi hơi nước bốc lên.
“Hay quá”, tôi nói. Nhưng cô gái rời đi mà không đáp lại một lời nào.
Sau khi đã biến nước trong bồn thành màu nâu khá sẫm, tôi choàng khăn tắm lên người, ra khỏi bồn và tìm thấy một bộ đồ để thay treo sau cánh cửa - một cái quần vải tuýt rộng thùng thình, một cái áo sơ mi có khuy cài cổ, một đôi dây đai đeo quần quá ngắn song tôi không tìm ra nổi cách chỉnh thế nào cho vừa. Vậy là tôi có hai lựa chọn cho việc mặc quần, hoặc là để nó tụt quanh mắt cá, hoặc là phải kéo quần tít lên tận rốn. Tôi quyết định rằng phương án hai là lựa chọn đỡ tệ hại hơn, rồi xuống dưới nhà để dùng bữa ăn có lẽ là kỳ lạ nhất trong đời mình với trang phục chẳng khác gì một anh hề chưa hóa trang.
Bữa tối là một đám nhòe nhoẹt quay cuồng chóng mặt của những khuôn mặt và cái tên, rất nhiều trong đó tôi mơ hồ hồi tưởng lại được từ những bức ảnh và những lời mô tả đã từ lâu lắm của ông. Khi tôi vào phòng ăn, đám thiếu niên, vốn trước đó đang la hét ầm ĩ để tranh chỗ ngồi quanh bàn, đều đứng sững cả lại và nhìn tôi chằm chằm. Tôi có cảm giác họ không mấy khi có khách tới ăn tới. Bà Peregrine, đã ngồi chỉnh tề ở đầu bàn, đứng dậy và dùng khoảng im lặng đột ngột này như cơ hội để giới thiệu tôi.
“Với những ai trong các cô cậu chưa có vinh hạnh gặp cậu ấy”, bà nói, “đây là cháu nội của Abraham, Jacob. Cậu ấy là khách danh dự của chúng ta, và đã vượt qua một quãng đường dài để có mặt tại đây. Ta hy vọng các cô cậu sẽ cư xử với cậu ấy đúng mực.” Sau đó, bà chỉ vào từng người trong phòng và giới thiệu tên, phần lớn những cái tên đó tôi lập tức quên ngay, như chuyện thường xảy ra khi tôi bối rối. Sau màn giới thiệu là cả một cơn mưa câu hỏi, nhưng đã được bà Peregrine đánh bạt đi một cách cực kỳ hiệu quả.
“Jacob sẽ ở lại chỗ chúng ta chứ ạ?”
“Theo như ta biết thì không.”
“Abe đâu rồi?”
“Abe đang bận việc ở Mỹ.”
“Tại sao Jacob lại mặc quần của Victor?”
“Victor không cần tới nó nữa, còn cậu Portman cần tắm rửa.”
“Abe đang làm gì ở Mỹ vậy?”
Đến câu hỏi này tôi đưa mắt nhìn Emma, lúc ấy vẫn đang trừng mắt nhìn từ trong góc phòng, và cô liền đứng vụt dậy khỏi ghế, kiêu hãnh bước ra khỏi phòng. Những người khác, có vẻ đã quá quen với tính khí bốc đồng của cô gái, không hề tỏ vẻ bận tâm.
“Đừng bận tâm Abe đang làm gì”, bà Peregrine gắt lên.
“Khi nào cậu ấy quay lại ạ?”
“Đừng bận tâm tới chuyện đó. Chúng ta dùng bữa nào!”
Tất cả mọi người đồng loạt ngồi xuống ghế. Tưởng mình đã tìm thấy một cái ghế còn trống, tôi tới đó ngồi xuống và cảm thấy một cái nĩa chọc vào đùi mình. “Thứ lỗi nhé!” Millard la lên. Nhưng bà Peregrine buộc cậu ta phải từ bỏ trò đùa của mình, yêu cầu cậu ta ra khỏi phòng về mặc quần áo.
“Ta còn phải bảo cậu bao nhiêu lần nữa”, bà nói với theo sau cậu ta, “những người lịch sự không ở trần đi ăn tối!”
Các cô cậu thiếu niên làm việc ở nhà bếp xuất hiện mang lên các khay thức ăn, tất cả đều đậy nắp bạc sáng bóng khiến thực khách không thể nhìn thấy những gì ở trong, bèn tha hồ tung ra những phỏng đoán hoang đường về thực đơn bữa tối.
“Ủng da rái cá!” một cậu con trai hét to.
“Mèo con muối và gan chuột chù!” một người khác nói, phỏng đoán này được những đứa trẻ ít tuổi hơn đáp lại bằng những tiếng cười khúc khích. Nhưng khi những cái nắp cuối cùng cũng được nhấc lên, một bữa tiệc vương giả lộ diện: một con ngỗng quay, lớp da ngả màu vàng cánh gián hoàn hảo; nguyên một con cá hồi và một con cá tuyết, mỗi con đều được bày kèm với chanh, thì là tươi và rưới bơ đun chảy; một bát đựng trai hấp; những đĩa đựng rau củ nướng; những ổ bánh mì nóng hổi mới ra lò; và đủ các loại thạch và xốt mặc dù tôi không nhận ra được là gì nhưng trong có vẻ rất ngon. Tất cả đều lộng lẫy mời gọi dưới ánh sáng lung linh của đèn khí đốt, cách xa cả một thế giới so với những món hầm nhừ béo ngậy không thể luận ra nguồn gốc tôi đã phải cố nuốt vào tại Priest Hole. Chưa có gì vào bụng kể từ bữa sáng, tôi liền lao vào ăn ngấu nghiến chẳng để ý tới gì khác nữa.
Đáng lẽ tôi không nên thấy ngạc nhiên vì những đứa trẻ đặc biệt có cách ăn đặc biệt, nhưng giữa những lần đưa nĩa lấy thức ăn, tôi nhận ra mình đang lén liếc mắt nhìn quanh phòng. Olive, cô gái có thể bay lên được cài đai buộc vào một cái ghế được vít chặt xuống sàn để cô không lơ lửng bay lên tận trần nhà. Để những người còn lại không bị lũ côn trùng quấy rầy, Hugh, cậu con trai nuôi ong trong bụng, ngồi ăn trong một cái màn chống muỗi lớn, ở một cái bàn ai đó kê trong góc. Claire, cô gái trông như búp bê với những lọn tóc vàng óng hoàn hảo, ngồi ngay cạnh bà Peregrine nhưng không ăn miếng nào.
“Bạn không đói sao?” tôi hỏi cô.
“Claire không ăn cùng với chúng ta”, Hugh lên tiếng, một con ong thoát ra khỏi miệng cậu ta. “Bạn ấy ngượng.”
“Tôi không ngượng!” cô gái vừa đáp vừa trừng mắt nhìn cậu ta.
“Thế à? Vậy thì ăn gì đó đi!”
“Không ai ở đây phải ngượng về năng lực của họ cả”, bà Peregrine nói. “Chỉ đơn giản là cô Densmore thích ăn một mình. Phải vậy không, cô Densmore?”
Cô gái nhìn chằm chằm vào mặt bàn trống trước mặt mình, rõ ràng ước gì mọi sự chú ý hãy tan biến đi.
“Claire có miệng ở sau gáy”, Millard giải thích, lúc này cậu ta đang ngồi cạnh tôi, mặc trên người một chiếc áo vest dạ tiệc (ngoài ra không còn gì khác).
“Cái gì cơ?”
“Nào, hãy cho cậu ấy thấy đi!” ai đó lên tiếng. Chẳng mấy chốc, tất cả mọi người quanh bàn đều hối thúc Claire ăn chút gì đó. Và cuối cùng, chỉ để làm bọn họ im lặng, cô gái làm theo.
Một cái đùi ngỗng được để xuống trước mặt cô. Cô xoay người ra sau, và vừa bám lấy tay vịn ghế, cô vừa ngả người về phía lưng, chạm gáy xuống đĩa. Tôi nghe thấy tiếng cắn nhai vang lên rất rõ, và khi cô gái ngẩng gáy lên trở lại cái đùi ngỗng đã hụt đi một miếng lớn. Bên dưới mái tóc vàng óng của cô gái là hai hàm răng sắc lẹm. Đột nhiên tôi chợt hiểu bức ảnh lạ lùng chụp Claire tôi đã thấy trong cuốn album ảnh của bà Peregrine, người thợ ảnh đã dành cho nó hai khuôn hình: một bức chụp khuôn mặt xinh đẹp kiêu hãnh của cô gái, bức kia chụp những lọn tóc đã che khuất hoàn toàn phần gáy cô.
Claire quay người lại như trước, khoanh hai tay, bực bội vì đã để mình bị thúc giục đến chỗ thực hiện một màn trình diễn mất mặt như thế. Cô gái ngồi im lặng trong khi những người khác dồn dập đặt câu hỏi với tôi. Sau khi bà Peregrine đã gạt đi thêm vài câu hỏi về ông nội tôi, đám thiếu niên quay sang các chủ đề khác. Họ có vẻ đặc biệt quan tâm tới cuộc sống diễn ra vào thế kỷ hai mươi mốt.
“Có mô tô bay không?” một cậu con trai mới dậy thì có tên Horace hỏi, bộ vest sẫm màu cậu ta mặc khiến chủ nhân của nó trong giống như một anh chàng học việc.
“Không”, tôi nói. “Ít nhất là chưa có.”
“Người ta đã xây các thành phố trên mặt trăng chưa?” một cậu con trai khác hỏi đầy hy vọng.
“Hồi thập niên sáu mươi, chúng tôi đã để lại trên đó ít rác và một lá cờ, nhưng cũng chỉ có thế thôi.”
“Nước Anh vẫn thống trị thế giới chứ?”
“À... không hẳn là thế.”
Họ có vẻ thất vọng. Chớp thời cơ, bà Peregrine liền nói, “Các em thấy chưa? Nói cho cùng tương lai cũng không có gì ghê gớm cả. Chẳng có gì không ổn với hiện tại cũ kỹ tốt đẹp ở đây lúc này!” Tôi có cảm giác đây là điều bà thường cố in vào đầu đám trẻ, mà không mấy thành công. Nhưng nó làm tôi tự hỏi: họ đã ở đây, trong “hiện tại cũ kỹ tốt đẹp lúc này”, được bao lâu rồi?
“Các bạn có phiền nếu mình hỏi các bạn bao nhiêu tuổi rồi không?” tôi hỏi.
“Mình tám mươi ba tuổi”, Horace nói.
Olive giơ tay lên đầy phấn khích. “Tuần tới là tớ bảy mươi lăm tuổi rưỡi!” Tôi tự hỏi làm cách nào họ theo dõi được tháng và năm nếu ngày không bao giờ thay đổi.
“Tớ một trăm mười bảy hay một trăm mười tám tuổi gì đấy”, một cậu con trai mắt lờ đờ tên là Enoch nói. Trong cậu ta chỉ chưa quá mười ba. “Tớ từng sống trong một vòng khác trước khi tới vòng này”, cậu ta giải thích.
“Tớ gần tám mươi bảy tuổi rồi”, Millard nói trong khi mỡ ngỗng chảy nhỏ giọt từ miệng, và khi cậu ta nói, chỗ thịt ngỗng đang nhai dở không ngừng chuyển động bên trong bộ hàm vô hình của cậu ta để tất cả cùng thấy. Mọi người rên lên che mắt và nhìn đi chỗ khác.
Sau đó đến lượt tôi. Tôi nói với họ mình mười sáu tuổi. Tôi thấy một số người mở to mắt. Olive phá lên cười ngạc nhiên. Với tất cả họ, thật kỳ lạ khi tôi còn trẻ đến thế, nhưng điều lạ lùng với tôi là không hiểu sao họ dường như trông đều còn trẻ đến vậy. Tôi biết vô số người tám mươi tuổi ở Florida, và những đứa trẻ này xử sự chẳng giống gì với họ cả. Có vẻ như sự bất biến của cuộc sống họ trải qua tại đây, những ngày trôi qua không hề thay đổi - trong mùa hè bất tận này - đã làm ngưng lại cả cảm xúc lẫn cơ thể họ, gói gọn họ lại trong tuổi trẻ của mỗi người như Peter Pan và những Cậu Bé Thất Lạc của cậu ta.
Một tiếng bùm đột ngột vọng vào từ bên ngoài, lần thứ hai trong tối hôm nay, nhưng to hơn và gần hơn lần thứ nhất, làm tất cả đĩa và đồ bạc rung lên cành cạch.
“Tất cả, khẩn trương kết thúc bữa ăn đi!” bà Peregrine ra lệnh, và bà vừa cất lời thì một cơn chấn động nữa rung chuyển ngôi nhà, khiến một bức ảnh lồng khung bật rơi khỏi bức tường đằng sau tôi.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Lại là đám Jerry mắc dịch đó!” Olive càu nhàu, đấm nắm tay nhỏ nhắn của cô xuống bàn, rõ ràng là bắt chước một người lớn nóng tính nào đó. Thế rồi tôi nghe thấy âm thanh gì đó giống như tiếng còi hụ ngoài xa, và đột nhiên tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đây là tối mồng ba tháng Chín năm 1940, và chỉ lát nữa một quả bom sẽ rơi xuống từ trên trời và phá bung ra một cái hố khổng lồ trong nhà. Tiếng còi kia là còi báo động phòng không, vọng lại từ đỉnh đồi.
“Chúng ta phải rời khỏi đây”, tôi nói, cơn hoảng hốt trào lên tận cổ. “Chúng ta cần rời đi trước khi quả bom rơi trúng!”
“Cậu ta chẳng biết gì kìa!” Olive cười khúc khích. “Cậu ta nghĩ chúng ta sắp chết cơ đấy!”
“Chỉ là thời điểm chuyển đổi thôi”, Millard nói, kèm theo một cái nhún vai chiếc áo vest dạ tiệc của cậu ta. “Chẳng việc gì phải cuống cuồng lên thế đâu.”
“Tối nào cũng thế này sao?”
Bà Peregrine gật đầu. “Tối nào cũng vậy”, bà nói. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hoàn toàn an tâm.
“Chúng em có thể ra ngoài và chỉ cho Jacob thấy không ạ?” Hugh hỏi. “Vâng, chúng em có thể ra không ạ?” Claire nài nỉ, đột nhiên trở nên hào hứng sau hai mươi phút hờn dỗi. “Thời điểm chuyển đổi lúc nào cũng tuyệt đẹp!”
Bà Peregrine do dự, chỉ ra rằng đám trẻ vẫn chưa ăn xong bữa tối, nhưng họ nài nỉ bà cho tới khi bà mềm lòng. “Được rồi, miễn là tất cả các em đều đeo mặt nạ”, bà nói.
Đám trẻ bật dậy khỏi ghế và ùa ra khỏi phòng, để cô bé Olive tội nghiệp lại sau cho tới khi ai đó thấy ái ngại và tới cởi cái đai buộc cô vào ghế. Tôi chạy theo sau họ qua ngôi nhà vào một căn phòng nghỉ ốp ván gỗ, tại đây mỗi người trong số họ đều vơ lấy thứ gì đó từ trong một cái tủ trước khi lao ra ngoài cửa. Bà Peregrine cũng đưa cho tôi một cái như thế, và tôi đứng xoay xoay món đồ đó trên tay. Trông nó giống như một khuôn mặt đàn hồi làm bằng cao su đen, có hai cái lỗ rộng lắp kính hệt như những con mắt đông cứng lại vì kinh hoảng, còn cái mũi thòng ra thành một ống trụ tròn, đáy có đục lỗ.
“Tiến lên”, bà Peregrine nói. “Đeo nó vào.” Và rồi tôi nhận ra vật đó là gì: một cái mặt nạ phòng khí độc.
Tôi chụp nó lên mặt và đi theo bà ra bãi cỏ, đám trẻ đã đứng đó rải rác như những quân cờ trên một bàn cờ không kẻ ô, chẳng biết ai là ai đằng sau những chiếc mặt nạ, tất cả đều đang ngước lên, theo dõi những cuộn khói đen cuộn trên bầu trời. Những ngọn cây đang cháy đùng đùng trong màn khói mù mịt ngoài xa. Tiếng ì ầm của những chiếc máy bay không thể trong thấy dường như vọng tới từ mọi hướng.
Thỉnh thoảng lại vọng tới một tiếng nổ ập ùng, tôi có thể cảm nhận nó dội lên trong lồng ngực mình như tiếng đập của một trái tim nữa, kéo theo là những làn hơi bỏng rát, như thể ai đó vừa mở rồi đóng một cái lò ngay trước mặt tôi. Tôi nằm phục xuống theo mỗi cơn chấn động, nhưng đám trẻ thì chẳng hề nao núng lấy một giây. Thay vì thế họ hát, lời hát của họ được căn chính xác với nhịp nổ của những quả bom.
Chạy đi, thỏ, chạy đi, thỏ, chạy, chạy, CHẠY ĐI!
Bùm, bùm, BÙM, súng người nông dân nổ
Ông ta sẽ vẫn ổn dù không có món bánh nhân thỏ, vậy nên
Chạy đi, thỏ, chạy đi, thỏ, chạy, chạy, CHẠY ĐI!
Loạt đạn vạch những đường sáng chói lên nền trời đúng lúc bài hát kết thúc. Đám trẻ vỗ tay hoan hô như những khán giả chứng kiến một màn pháo hoa, những ánh chớp dữ dội đủ màu lóe sáng như những vết rạch trên mặt nạ họ đeo. Cuộc không kích ban đêm này đã trở thành một phần thường trực trong cuộc sống của họ, tới mức họ không còn nghĩ về nó như một điều gì đó khủng khiếp - kỳ thực, bức ảnh chụp cảnh tượng này tôi từng thấy trong cuốn album của bà Peregrine được chú thích là Màn trình diễn tuyệt đẹp của chúng tôi. Và tôi cho rằng cảnh tượng này đúng là thế, theo cách thức chết chóc riêng của nó.
Trời bắt đầu lất phất mưa phùn, như thể những mảnh kim loại bay lượn trên không trung đã chọc thủng các đám mây. Những cơn rung chấn giảm dần. Cuộc không kích dường như đang đến hồi kết.
Những đứa trẻ bắt đầu rời đi. Tôi tưởng chúng tôi sẽ trở vào trong, nhưng họ đi qua cửa trước tới một phần khác của sân nhà.
“Chúng ta đi đâu đây?” tôi hỏi hai đứa trẻ đeo mặt nạ.
Họ không nói gì, nhưng có vẻ như cảm nhận được sự lo lắng của tôi, họ nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi và dẫn tôi đi cùng những người khác. Chúng tôi đi vòng quanh nhà ra góc đằng sau, tất cả mọi người đang tập trung lại đó quanh một cái cây to được xén tỉa. Song cái cây này không được tạo hình thành một sinh vật thần thoại mà thành một người đang nằm trên bãi cỏ, một khuỷu tay chống xuống đỡ lấy thân mình, tay còn lại chỉ lên trời. Phải mất một lát tôi mới nhận ra đây là một bản sao bằng cành lá phần bích họa vẽ Adam của Michelangelo trên tường nhà nguyện Sistine. Tác phẩm này quả rất ấn tượng, nếu tính đến việc nó được tạo thành từ các tán cây. Người ta gần như có thể nhận ra vẻ điềm tĩnh trên khuôn mặt của Adam, hai khóm dành dành đang nở kia chính là đôi mắt.
Tôi nhìn thấy cô gái có mái tóc rối bù hoang dại đang đứng ngay gần. Cô mặc một chiếc váy vải hoa đã vá víu nhiều lần đến nỗi trông chẳng khác gì một cái mền khâu chần. Tôi tới chỗ cô gái, chỉ về phía Adam và hỏi, “Có phải cậu đã tỉa nên cái này không?”
Cô gái gật đầu.
“Bằng cách nào vậy?”
Cô gái cúi xuống, giữ một lòng bàn tay phía trên mặt cỏ. Vài giây sau, một mảng cỏ hình bàn tay uốn éo vươn dài ra, mọc lên cho tới khi chúng chạm đến lòng bàn tay cô.
“Điên rồ quá”, tôi nói. Rõ ràng, đầu óc tôi lúc này không phải đang ở trạng thái phân định mọi chuyện được rõ ràng nhất.
Ai đó bảo tôi im lặng. Tất cả đám trẻ đang đứng im lặng, nghển cổ nhìn về phía một vùng trời. Tôi ngước nhìn lên nhưng chỉ thấy những đám khói cùng ánh chớp lửa đạn màu cam phản chiếu lên chúng.
Rồi tôi nghe thấy tiếng động cơ của đúng một chiếc máy bay vang lên giữa những tiếng động khác. Nó rất gần, và ngày một gần hơn. Cơn hoảng loạn tràn ngập trong tôi. Đây chính là buổi tối họ bị giết. Không chỉ là buổi tối đó, mà chính là khoảnh khắc này. Tôi tự hỏi có lẽ nào những đứa trẻ này chết đi vào mỗi buổi tối chỉ để rồi được vòng thời gian làm sống lại, như một giáo phái tôn thờ tự sát, buộc mình cứ vĩnh viễn bị nổ tung rồi lại được ghép lại nguyên hình?
Một vật nhỏ màu xám tách ra khỏi các đám mây và rít lên lao về phía chúng tôi. Một tảng đá, tôi nghĩ thầm, nhưng những tảng đá không rít lên khi rơi xuống như thế.
Chạy đi, thỏ, chạy đi, thỏ, chạy đi. Tôi hẳn đã làm thế nhưng giờ không còn thời gian nữa; tất cả những gì tôi có thể làm là hét toáng lên và nhào xuống đất tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng chẳng có chỗ nào để ẩn nấp cả, vì vậy tôi nằm bẹp xuống cỏ, đưa hai cánh tay lên ôm lấy đầu như thể bằng cách nào hành động này sẽ giữ cho cái đầu gắn chặt vào cơ thể tôi.
Tôi nghiến chặt hàm và nhắm nghiền mắt lại, nín thở nhưng thay vì tiếng nổ đinh tai tôi chờ đợi, mọi thứ trở nên tĩnh lặng hoàn toàn, triệt để. Đột nhiên chẳng còn tiếng động cơ gầm rú, không còn tiếng bom vèo vèo, không còn tiếng súng nổ tung loạt ngoài xa. Cứ như thể ai đó đã làm cả thế giới câm lặng.
Tôi chết rồi sao?
Tôi bỏ hai tay ra khỏi đầu và chậm chạp nhìn ra đằng sau mình. Những lùm cây bị gió thổi uốn cong đang đông cứng tại chỗ. Bầu trời là một bức ảnh chụp những quầng lửa bất động vờn quanh một dải mây. Những giọt mưa treo lơ lửng ngay trước mắt tôi. Và ở giữa đám trẻ đang đứng thành vòng, trông giống như vật thờ trong một nghi lễ huyền bí nào đó, một quả bom đang lơ lửng, phần đầu mũi hướng xuống dưới của nó dường như đang thăng bằng trên ngón tay chìa ra của Adam.
Sau đó, như một bộ phim bị cháy trong máy chiếu khi bạn đang xem dở dang, một quầng sáng tuyền một màu trắng lóa nóng bỏng trải rộng ra trước mắt tôi, nuốt chửng tất cả.
o O o
Thứ đầu tiên tôi nghe thấy khi có thể nghe được trở lại là tiếng cười. Sau đó, màu trắng nhạt dần đi và tôi thấy tất cả chúng tôi đang ở quanh Adam đúng như trước đó, song lúc này quả bom đã biến mất, màn đêm trở lại yên tĩnh và thứ ánh sáng duy nhất trên bầu trời không một gợn mây là ánh trăng tròn. Bà Peregrine xuất hiện phía trên tôi và chìa tay ra. Tôi nắm lấy tay bà, loạng choạng đứng dậy, đầu óc quay cuồng.
“Cho ta xin lỗi”, bà nói. “Đáng lẽ ta phải chuẩn bị cho cậu sẵn sàng hơn.”
Dẫu vậy, bà không giấu nổi nụ cười, và cả những đứa trẻ khác cũng vậy khi họ cởi bỏ mặt nạ ra. Tôi tin chắc mình vừa bị xỉu đi.
Tôi cảm thấy đầu óc quay cuồng, mệt mỏi. “Có lẽ đêm nay cháu nên quay về nhà ngủ”, tôi nói với bà Peregrine. “Bố cháu sẽ lo lắng.” Rồi tôi nhanh chóng nói tiếp, “Cháu có thể về nhà chứ, phải không?”
“Tất nhiên cậu có thể”, bà đáp, và lớn tiếng hỏi xem ai tình nguyện đưa tôi về chỗ ngôi mộ đá. Tôi ngạc nhiên thấy Emma bước tới. Bà Peregrine có vẻ hài lòng.
“Bà có chắc về bạn ấy không?” tôi thì thầm hỏi cô phụ trách. “Mới vài tiếng trước bạn ấy còn sẵn sàng cắt cổ cháu đấy.”
“Cô Bloom có thể nóng tính, nhưng cô bé là một trong những học viên ta tin tưởng nhất”, bà đáp. “Vả lại ta nghĩ cậu và cô bé có thể có vài điều để trao đổi riêng, tránh khỏi những đôi tai tò mò.”
Năm phút sau, hai chúng tôi đã lên đường, chỉ có điều lần này hai tay tôi không bị trói và cô gái không còn kề dao vào sườn tôi. Vài thành viên ít tuổi hơn trong đám trẻ đi theo chúng tôi tới tận rìa sân nhà. Họ muốn biết liệu ngày mai tôi có quay lại hay không. Tôi đưa ra những lời cam đoan mơ hồ, nhưng quả thực tôi khó lòng để tâm vào những gì đang diễn ra ngay trong lúc này, chứ chưa nói gì tới tương lai.
Chỉ còn hai chúng tôi đi vào khu rừng tối tăm. Khi trại trẻ đã khuất hẳn sau lưng chúng tôi, Emma ngửa một bàn tay ra, lắc cổ tay, và một quả cầu lửa nhỏ xíu bùng lên ngay phía trên các ngón tay cô. Cô giơ nó ra phía trước mình như một người bồi bàn bưng khay, ánh lửa soi sáng con đường và hắt hai cái bóng của chúng tôi lên các thân cây.
“Tớ đã nói với cậu là chuyện đó thật tuyệt chưa nhỉ?” tôi lên tiếng, cố phá vỡ sự im lặng càng lúc càng thêm khó xử.
“Nó chẳng mát[18] tí nào cả”, cô đáp lại, chìa quầng lửa lại đủ gần để tôi có thể cảm thấy hơi nóng nó phả ra. Tôi né người tránh và lùi lại vài bước.
“Ý tớ không phải là... Ý tớ là cậu làm được như vậy thật tuyệt.”
“À, cậu phải nói năng cho rành rọt tôi mới hiểu được chứ”, cô gái gắt gỏng, rồi dừng bước.
Chúng tôi đứng đối diện nhau, giữ một khoảng cách thận trọng. “Cậu không phải sợ tôi”, cô nói.
“À, thế ư? Làm sao tớ biết cậu không nghĩ tớ là một sinh vật xấu xa, còn đây không phải chỉ là một cái bẫy nhằm dụ tớ ra một mình để rốt cuộc cậu cũng có thể giết tớ?”
“Đừng có ngốc thế”, cô nói. “Cậu đến chẳng hề báo trước, cậu là một kẻ lạ mặt tôi không hề biết, rồi lại đuổi theo tôi như một gã điên. Tôi phải nghĩ gì đây?”
“Được, tớ hiểu rồi”, tôi nói, mặc dù chẳng hiểu gì.
Cô gái đưa mắt nhìn xuống đất và bắt đầu dùng mũi ủng di di vào đất thành một cái lỗ nhỏ. Quả cầu lửa trên tay cô đã đổi màu từ da cam sang chàm dịu. “Những điều tôi đã nói không đúng. Tôi có nhận ra cậu.” Cô ngước mắt lên nhìn tôi. “Cậu trông rất giống ông nội mình.”
“Thỉnh thoảng người ta cũng nói với tớ như thế.”
“Tôi xin lỗi lúc trước đã nói tất cả những điều kinh khủng đó. Tôi không muốn tin rằng cậu đúng là người cậu nói. Tôi biết điều đó có nghĩa là gì.”
“Được rồi”, tôi đáp. “Khi còn bé hơn, tớ từng rất mong muốn được gặp tất cả mọi người. Bây giờ, chuyện đó cuối cùng đã diễn ra...” Tôi lắc đầu. “Thì tớ chỉ lấy làm tiếc là lại vì thế.”
Rồi sau đó cô gái lao tới chỗ tôi, dang hai cánh tay ôm vòng quanh cổ tôi, ngọn lửa trên bàn tay cô đã tắt phụt ngay trước khi cô chạm vào tôi, làn da nơi cô đỡ lấy ngọn lửa vẫn còn nóng hổi. Chúng tôi cứ đứng như thế trong bóng tối một hồi, tôi và người phụ nữ cao tuổi với vẻ ngoài vị thành niên, hay đúng hơn là cô gái xinh đẹp từng yêu ông nội tôi khi ông bằng tuổi tôi bây giờ. Tôi chẳng thể làm gì ngoài việc cũng đưa hai cánh tay ôm lấy cô, vậy là tôi làm thế, và sau một hồi tôi đoán cả hai chúng tôi cùng khóc.
Tôi nghe thấy Emma hít một hơi thật sâu trong bóng tối, rồi buông tôi ra. Ngọn lửa bùng sáng trở lại trên bàn tay cô.
“Xin lỗi”, cô nói. “Tôi không hay...”
“Đừng lo về chuyện đó.”
“Chúng ta nên đi tiếp.”
“Dẫn đường đi”, tôi nói.
Chúng tôi đi bộ qua rừng trong sự im lặng dễ chịu. Khi tới chỗ đầm lầy, Emma nói, “Chỉ được đặt chân lên đúng chỗ tôi đặt chân thôi đấy”, và tôi làm theo, đặt chân lên đúng vết chân của cô. Khí đầm lầy cháy lập lòe thành những đốm lửa màu xanh lục ở phía xa, như thể đồng điệu với nguồn sáng của Emma.
Chúng tôi tới được chỗ ngôi mộ đá và chui vào trong, bám theo nhau tới căn phòng đằng trong rồi quay trở ra, bước vào một thế giới chìm trong sương mù. Emma dẫn tôi trở lại lối mòn, và khi chúng tôi tới đó, cô đan tay lại với tay tôi và siết chặt. Chúng tôi lặng im trong giây lát. Sau đó, cô quay người trở lại, màn sương mù nuốt chửng lấy cô nhanh tới mức trong một khoảnh khắc tôi tự hỏi liệu có thực cô đã từng ở đó hay không.
o O o
Quay trở về thị trấn, tôi có phần trông đợi sẽ thấy những chiếc xe ngựa lăn bánh trên các con phố. Thay vì thế, tôi được chào đón bằng tiếng rù rù của máy phát điện và ánh sáng tỏa ra từ màn hình ti vi đằng sau cửa sổ các ngôi nhà. Tôi đã trở về nơi của mình, đúng như nó vốn thế.
Vẫn là Kev đang phục vụ ở quầy bar, ông ta giơ một chiếc cốc lên về phía tôi khi tôi bước vào. Không vị khách nào trong quán rượu đề xuất nện tôi một trận nhừ tử. Mọi thứ trên đời có vẻ đều ổn cả.
Tôi lên lầu thì thấy bố đang ngủ gật trước laptop bên cái bàn nhỏ xíu của chúng tôi. Khi tôi đóng cửa, ông giật mình bừng tỉnh.
“À! Chào con! Con ra ngoài muộn đấy. Đúng thế không nhỉ? Mấy giờ rồi?”
“Con không biết nữa”, tôi nói. “Con nghĩ là chưa đến chín giờ. Đám khách uống rượu vẫn còn ngồi lại.”
Bố vươn vai rồi dụi mắt. “Con đã làm gì hôm nay vậy? Bố đã hy vọng sẽ gặp con vào bữa tối.”
“Con chỉ tìm hiểu thêm một chút ở chỗ trại trẻ cũ thôi.”
“Có tìm thấy gì hay không?”
“À... thực ra thì không hẳn”, tôi nói, nhận thấy có lẽ đáng ra tôi phải để tâm nghĩ ra một câu chuyện thuyết phục hơn làm bình phong.
Bố nhìn tôi rất lạ. “Con lấy mấy thứ này ở đâu ra vậy?”
“Lấy cái gì cơ ạ?”
“Quần áo con đang mặc”, bố tôi nói.
Tôi nhìn xuống và nhận ra mình đã quên khuấy mất bộ đồ áo sơ mi quần vải tuýt có đai đeo tôi đang mặc. “Con nhặt được chúng trong trại trẻ”, tôi đáp, vì không có thời gian để nghĩ ra một câu trả lời ít kỳ quái hơn. “Trong oách chứ ạ?”
Bố tôi nhăn mặt. “Con mặc quần áo nhặt được lên người sao? Jake, như thế thật mất vệ sinh. Mà chuyện gì đã xảy ra với quần jean và áo khoác của con rồi hả?”
Tôi cần phải thay đổi chủ đề. “Chúng bẩn kinh khủng quá rồi, thế nên con, ừm...” tôi ngừng lời, làm ra vẻ vừa nhận ra tài liệu đang mở trên màn hình máy tính của bố. “Ái chà, đó là cuốn sách của bố phải không? Nó thế nào rồi ạ?”
Bố tôi đóng sập màn hình laptop xuống. “Ngay lúc này thì cuốn sách của bố không phải là chuyện cần quan tâm tới. Điều quan trọng trong thời gian chúng ta ở đây là trị liệu cho con. Bố không rõ việc dành cả ngày một mình trong trại trẻ cũ đó có thực sự là điều bác sĩ Golan nghĩ đến hay không. Khi ông ấy bật đèn xanh cho chuyến đi này ấy.”
“À, con nghĩ bố vừa lập kỷ lục đấy”, tôi nói.
“Cái gì?”
“Khoảng thời gian dài nhất từng trôi qua mà bố không nhắc tới bác sĩ tâm lý của con”, tôi giả bộ đang nhìn xuống một cái đồng hồ đeo tay tưởng tượng. “Bốn ngày, năm giờ và hai mươi sáu phút.” Tôi thở dài. “Khoảng thời gian đó thật quý báu.”
“Ông ấy đã giúp ích cho con rất nhiều”, bố tôi nói. “Chỉ Chúa mới biết nếu chúng ta không tìm được ông ấy thì bây giờ con đã đang ở trong tình trạng nào rồi.”
“Bố nói đúng. Bác sĩ Golan đã giúp con. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta nhất thiết phải kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của con. Ý con là, lạy Chúa, như thế có khác gì bố mẹ mua cho con một cái lắc tay khắc dòng chữ Golan Sẽ Làm Gì Nhỉ? Như thế con có thể tự vấn bản thân trước khi làm bất cứ cái gì. Trước khi con đi vệ sinh. Bác sĩ Golan sẽ muốn con tống bãi phân đó xuống bên rìa hay đi ngay xuống giữa? Đâu là bãi phân hữu ích nhất về mặt tâm lý con có thể thải ra?”
Bố tôi không nói gì trong vài giây, và khi ông lên tiếng, giọng ông rất khẽ, khàn khàn. Ông nói với tôi là ngày mai tôi sẽ đi quan sát chim với ông dù tôi có thích hay không. Khi tôi trả lời là bố đã nhầm lẫn một cách đáng buồn, ông đứng dậy đi xuống quán rượu. Tôi nghĩ ông đi uống hay làm gì đó, vì thế tôi quay sang thay quần áo, nhưng vài phút sau bố tôi lại tới gõ cửa phòng ngủ của tôi và nói có người nào đó đang chờ tôi ở đầu dây điện thoại.
Tôi đoán người đó là mẹ, vậy là tôi nghiến chặt hai hàm răng và đi theo bố xuống nhà tới chỗ buồng điện thoại ở tận cái góc đằng xa của quán rượu. Ông đưa ống nghe cho tôi rồi tới ngồi xuống bên một cái bàn. Tôi đóng cửa buồng lại.
“A lô?”
“Tôi vừa nói chuyện với bố cậu”, một người đàn ông nói. “Ông ấy có vẻ hơi lo lắng.”
Đó là bác sĩ Golan.
Tôi muốn nói rằng cả ông ta và bố tôi đều cuốn xéo đi được rồi, nhưng tôi biết tình thế lúc này đòi hỏi một chút khéo léo. Nếu tôi làm Golan mếch lòng lúc này, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chuyến đi sẽ chấm hết. Tôi chưa thể rời đi, chưa thể đi trong khi còn quá nhiều điều cần tìm hiểu về những đứa trẻ đặc biệt. Vậy là tôi diễn kịch và thuật lại những gì tôi đã trải qua - tất cả ngoại trừ phần những đứa trẻ trong một vòng thời gian - và cố làm ra vẻ tôi đang đi dần tới quan điểm là chẳng có gì đặc biệt về hòn đảo hay ông nội tôi. Màn đối thoại này cũng giống như một buổi trị liệu nhỏ qua điện thoại vậy.
“Tôi hy vọng không phải cậu chỉ đang nói với tôi những gì tôi muốn nghe”, ông ta nói. Đây đã trở thành một câu thông dụng của ông bác sĩ. “Có lẽ tôi nên tới đó và kiểm tra trực tiếp cậu. Tôi có thể tận dụng vài ngày nghỉ. Cậu thấy thế nào?”
Làm ơn hãy nói ông đang đùa đi, tôi thầm cầu khẩn.
“Cháu không sao. Thật đấy”, tôi nói.
“Thư giãn nào, Jacob, tôi chỉ đang đùa thôi, dù có Chúa làm chứng, tôi hoàn toàn có thể dành ra chút thời gian rời khỏi phòng khám. Và tôi thực sự tin cậu. Đúng là cậu nghe có vẻ ổn. Thực ra, vừa nãy tôi mới nói với bố cậu rằng có lẽ điều tốt nhất ông có thể làm là dành cho cậu một chút không gian tự do và để cậu tự mình giải quyết mọi thứ.”
“Thật thế sao?”
“Cậu đã phải chịu đựng sự giám sát của bố mẹ cậu và tôi quá lâu rồi. Đến một mức nào đó, chuyện này thành ra phản tác dụng.”
“À, cháu thực sự đánh giá cao điều đó.”
Ông bác sĩ còn nói thêm gì đó nữa mà tôi hầu như không nghe được; có rất nhiều tiếng ồn từ phía đầu dây của ông ta. “Khó nghe chú nói quá”, tôi nói. “Chú đang ở trung tâm thương mại hay sao vậy?”
“Sân bay”, ông ta trả lời. “Tôi ra đón em gái. Dù sao đi nữa, tất cả những gì tôi muốn nói là hãy tận hưởng kỳ nghỉ đi. Khám phá và đừng lo lắng quá nhiều. Tôi sẽ sớm gặp lại cậu, được chứ?”
“Một lần nữa xin cảm ơn chú, bác sĩ G.”
Khi gác máy, tôi cảm thấy áy náy vì lúc trước đã nói năng thật tệ về ông bác sĩ. Đến lúc này đã hai lần ông ta đứng ra bênh vực ủng hộ tôi trong khi chính bố mẹ tôi không hề làm thế.
Ở phía bên kia phòng, bố tôi đang đánh bạn với một vại bia. Tôi dừng lại chỗ bàn ông trên đường lên lầu. “Ngày mai thì...” tôi nói.
“Cứ làm những gì con muốn, bố cho là vậy.”
“Bố chắc chứ?”
Bố tôi cau có nhún vai. “Lệnh của bác sĩ mà.”
“Con sẽ quay về ăn tối. Con hứa đấy.”
Bố tôi chỉ gật đầu. Tôi để ông ngồi lại dưới quầy bar và lên phòng đi ngủ.
Trong khi chìm vào giấc ngủ, dòng suy nghĩ của tôi lại tìm tới những đứa trẻ đặc biệt và câu đầu tiên họ hỏi sau khi bà Peregrine giới thiệu tôi: Jacob có ở lại với chúng ta không? Vào lúc ấy tôi đã nghĩ, Tất nhiên là không. Nhưng sao lại
không chứ? Nếu tôi không bao giờ quay về nhà, chính xác ra tôi sẽ thấy thiếu vắng cái gì chứ? Tôi hình dung ra ngôi nhà trống rỗng lạnh lẽo của mình, tới thị trấn không bạn bè đầy ắp những ký ức tệ hại, tới cuộc sống hoàn toàn chẳng có gì đáng chú ý đã được vạch sẵn ra cho tôi. Và tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chối bỏ nó.
Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine - Ransom Rigg Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine