Số lần đọc/download: 1385 / 7
Cập nhật: 2017-05-25 16:43:32 +0700
Chương 8 - Bên Cầu Rêch -Na
M
ấy hôm sau, khi cậu Nam đã khoẻ, đi lại được bình thường duy chỉ cánh tay còn phải băng bó. Đen liền rủ Nam chuẩn bị đi lên thị trấn để tìm mua một tấm bản đồ Đông Dương loại trẻ con học sinh vẫn thường để học, mục đích để xác định và tính toán đường xá để trở về. Đồng thời Đen cũng muốn đi dò hỏi xem tình hình tàu thuyền xe cộ đi lại ra sao, liệu anh có thể đi được một hướng nào không?
Sáng đó, các anh dậy sớm và lên đường từ mờ mờ sáng. Đi được một đoạn, bỗng nghe thấy tiếng súng nổ ran ở phía đằng trước, rồi thấy nhân dân, bà con gồng gánh, trâu bò, xe cộ chạy tất tưởi kéo nhau đi tản cư. Tiếng người kêu la í ới, tiếng trẻ con kêu khóc, người lớn gào thét rên rỉ ầm ĩ. Họ kháo nhau là Tây về càn đông lắm, chúng đang bắn giết, đốt phá bừa bãi ở mấy làng trên, có cả xe tăng, đại bác nhiều lắm, người bảo đến một đại đội, người bảo có lẽ đến một tiểu đoàn.
Máu lính trong người rạo rực lên. Đen kéo Nam chạy nhanh về phía có tiếng súng. Bọn lính Tây và lính dõng Khơ Me đang kéo nhau đi lùng sục trong các làng xóm, hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá... Cũng không khác gì bọn giặc Pháp ở chùa Thôn đi càn ở các xóm làng Việt Nam mà anh đã từng chứng kiến. Nghề nghiệp trinh sát lại kích động Đen, anh kéo Nam len lỏi vào trong các xóm làng mà bọn giặc đang hoành hành. Các anh đã chứng kiến những cảnh đau lòng, một cô gái bị hãm hiếp rồi bị đâm chết, người trần truồng như nhộng và máu me đầy người, mấy cụ già, em bé bị chết cháy trong nhà, trông như những con chó, con lợn bị thui! Một nỗi uất ức trào lên trong lòng Đen, máu căm thù thêm sôi sục. Mình phải làm một cái gì đây để trả thù cho những người dân Khơ Me vô tội này?
Các anh luồn ra rìa làng, về phía đường cái, một chiếc xe tải đậu ở ngoài đường, mà bọn lính đã kéo nhau vào làng lùng sục vơ vét của cải hết chỉ còn lại một tên lái xe, râu xồm mũi lõ, mặt đỏ như gấc đang hút thuốc lá phì phèo, đang nhìn vào làng vẻ sốt ruột, chiếc xe lại đang đậu ở gần một bãi rơm bà con đang phơi. Đen liền bấm tay ra hiệu cho Nam cùng lủi vào một nhà dân gần đó, may quá, các anh lại tìm được một chai dầu hoả của dân. Đen nhanh chóng vòng ra ngoài đường. Thằng lái xe đang vào chia phần hãm hiếp một người đàn bà ở trong xóm, mà tiếng kêu thét và chửi bới ầm ĩ trong ngôi nhà. Chỉ còn một thằng gác đứng ở đầu ngõ cách chiếc xe đến trên chục thước. Đen và Nam liền tưới dầu vào rơm rạ thành một vệt hướng ra chiếc xe, rồi đánh diêm ném vào đống rơm. Đống rơm bắt lửa bùng cháy, lửa bắt theo vệt dầu cháy đến chiếc xe. Khi tên gác phát hiện đường lửa cháy thì chiếc xe bị nổ tung lên, nó liền vội vàng bỏ chạy thật xa.
Đen và Nam lủi nhanh ra khỏi làng. Hàng chục chiếc xe, cả xe "cam nhông" và xe "Háp tờ trắc" đang đỗ ở đầu làng, thỉnh thoảng bắn vu vơ chi viện cho bọn đi càn quét. Đen đã phát hiện ra một chiếc cầu, cách đó không xa, anh liền kéo Nam vòng lối sau làng ra bờ sông, rồi lần ra chiếc cầu. Đó là một chiếc cầu sắt nhỏ dài khoảng hơn chục mét, bắc trên đường cái mà bọn địch vừa đi qua. Nhất định khi trở về chúng cũng phải đi qua chiếc cầu này. Đen suy nghĩ, cần phải làm một cái gì đây, để tiêu hao bọn giặc ở đoạn đường này? Anh cùng Nam bò xuống gầm cầu, lội xuống sông để nghiên cứu địa hình, rồi lùi xa một đoạn, nằm ẩn nấp trong một bụi cây để nghe ngóng tình hình và suy nghĩ kế hoạch.
Chợt Đen nghĩ ra, chiếc cầu này là loại cầu lắp ghép, làm sẵn - mà mãi về sau này anh mới được biết đó là loại cầu kiểu Bailey của Đức liên kết với nhau bằng chốt, nếu ta có thể rút đi một chốt thì chiếc cầu sẽ bị gẫy. Đen vội vàng quay lại cầu nghiên cứu. Quả nhiên có một cái chốt cũ bị hỏng và lại mất đầu ê cu, chỉ còn chốt chẻ mà thôi. Đen liền vẫy Nam lại, rồi cùng nhau hì hục dùng một thanh sắt nhỏ bẩy bằng được cái chốt chẻ ra, chỉ cần rút một chốt ra, nếu cầu có trọng tải đi vào, cầu sẽ bị lệch và bị gẫy. Nhưng nếu rút chốt ngay cầu sẽ bị lệch, địch sẽ phát hiện được ngay. Đen và Nam phải loay hoay đi tìm một cây cột bằng một đoạn gỗ để chống và nguỵ trang cây cột đó bằng những chùm dây leo. Sau đó họ rút chốt rồi bò về vị trí quan sát cách đó không xa.
Đến buổi chiều gần tối, đúng như dự kiến của Đen, bọn lính kéo quân về xe nào xe đó chật ních những người và gà lợn của cải mà chúng vơ vét được, đứa thì bao to, đứa thì bao nhỏ; có xe còn bắt cả con gái đi theo nữa. Các xe đều nặng nề, bò về hướng cầu. Chúng rút về đồn cách đó khoảng hơn chục ki lô mét. Đen và Nam nằm nín thở chờ đợi. Chiếc xe đi đầu là chiếc xe vận tải to nhất và đông nhất, còn mấy chiếc bọc thép, thì đi hộ tống phía sau. Đoàn xe đã tăng tốc độ nhanh dần, bụi đường cuốn mù mịt. Đen mỉm cười nghĩ thầm: xe càng chạy nhanh càng tốt.
Chiếc xe đầu tiên đang lao vào cầu mà không hề giảm tốc độ, bỗng nhiên đến "rầm" một cái, chiếc cầu gẫy gục nghiêng, và hất chiếc xe lật ụp xuống dòng sông. Chiếc thứ hai không kịp phanh cũng bị lao xuống nằm chổng kềnh trong lòng cầu gẫy. Chiếc thứ ba tuy đã phanh kịp, không bị đổ, nhưng đầu chui xuống cầu gẫy, đít chổng lên trời, và chiếc thứ tư thì húc đầu vào đít chiếc thứ ba bẹp dúm. Những chiếc xe sau vội vàng dừng lại chẳng biết chuyện gì xảy ra, cứ bắn súng loạn xạ.
Đen và Nam phấn khởi quá, nhảy chồm lên reo mừng, một tý nữa thì lộ mục tiêu và bị đạn bắn trúng, nếu như Đen không kịp kéo Nam cùng nằm xuống.
Đoàn xe của bọn địch bị tổn thất nặng nề, năm xe bị cháy bị đổ và bị hỏng, ít nhất có vài chục tên chết và bị thương; số xe còn lại bị ùn tắc, kẹt đường không hành quân về được. Tên quan ba đại đội trưởng chỉ huy trận càn đi ở trong một chiếc xe bọc thép cay cú quá chửi bới và quát tháo quân lính nó om sòm, nào là ngu ngốc, nào là vô kỷ luật, chạy bừa bãi...vv Sau khi nghiên cứu sơ qua hiện trường, nó vẫn cho rằng do cầu yếu, tốc độ xe đi quá nhanh và xe quá nặng nên mới bị gẫy cầu, bởi vì lúc sáng chúng đi qua cầu vững an toàn. Chúng không cho là có du kích đối phương hoạt động, vì lẽ thứ nhất là khu vực này chưa hề có du kích hoạt động bao giờ, lẽ thứ hai là không có mìn nổ mà cầu lại gẫy thì chắc chắn là do cầu yếu mà thôi. Ngay cả chiếc cháy, thằng quan ba cũng chỉ cho rằng đó là bọn lính làm bậy, đốt nhà dân gần đó nên chiếc xe bị cháy vạ lây, thằng lái xe sẽ bị tống vào tù về tội bỏ xe đi tìm gái!.
Tên chỉ huy đành phải cho quân lính trụ lại, đóng quân dã ngoại cách cầu một đoạn để sáng ngày mai điện lên trên, xin lực lượng trục vớt xe, sửa chữa cầu và giải quyết thương binh, tử binh được. Tuy nhiên chúng phải tổ chức canh gác chặt chẽ đề phòng những bất trắc xảy ra.
Kết quả trận đánh thất bất ngờ, quá sức tưởng tượng của Đen và Nam, hai anh vui mừng liền kéo nhau về làng chài, nhờ bà mẹ già cho ăn uống no nê rồi rủ nhau đi ngủ.
- Chúng mày có chuyện gì mà vui mừng thế, chắc lại kiếm được một cô gái đẹp nào đưa về đây cưới rồi ở với mẹ cho vui hả? - Bà mẹ cũng vui lây với các anh và đùa hỏi như vậy.
- Dạ, chúng con vớ to rồi, nhiều lắm mẹ ạ, mẹ không thấy người ta đồn bọn Tây càn bị đổ xe cháy xe chết à?
- Có, mẹ có nghe nói chúng nó bị đổ xe ở cầu Rếch-na chết nhiều lắm, nhưng các con chớ có đi vào những chỗ bom đạn ấy làm gì, nguy hiểm lắm, nhỡ ra bị chết mất xác đấy!
- Này thôi, bí mật! Xuỵt! Đen vội nhắc Nam.
- Chúng con đi ngủ đây, chạy Tây cả ngày mệt lắm rồi mẹ ạ!
- ừ các con ngủ đi, để mẹ luộc, ''củ mì'' cho sáng mai mà ăn!
Đen bắt Nam phải đi ngủ ngay, để lấy sức, nửa đêm dậy có việc. Nam vì vết thương ở tay còn đau, nên bị mệt, anh nằm xuống là ngủ liền, còn Đen không làm sao ngủ được. Phần vì quá xúc động vì thắng lợi của những trận đánh trong ngày hôm nay. Phần vì lo tính toán cho trận đánh đêm nay, rồi ngày mai, ngày kia nữa. Bọn địch còn bị kẹt ở đây ít nhất vài ngày. Đây là thời cơ để tiêu diệt chúng, trả thù cho đồng bào đồng chí trên toàn cõi Đông Dương này.
Anh phấn khởi vì không ngờ ở ngay đây, trên bờ biển Khơ Me này, anh cũng đã tìm được vị trí chiến đấu của mình. Trách nhiệm người Đảng viên, người chiến sỹ, người sỹ quan đòi hỏi anh phải hành động. Muốn giành được nhiều thắng lợi, mà thắng lợi muốn to lớn thì không thể làm một mình được, phải có nhiều người, phải có tổ chức và phải dựa vào quần chúng nhân dân, dựa vào cơ sở ở địa phương thì mới làm được. Vì vậy anh cần phải chuẩn bị cho tổ chức đó, dần dần, dù chỉ ít một.
Tình hình ngày hôm nay, chúng không có phản ứng đánh lại hoặc trả thù, có nghĩa là chúng chưa phát hiện được có đối phương đánh chúng, mà cho rằng chúng chỉ bị tai nạn, thế thì càng tốt, càng giữ được hành động kín bao nhiêu, lâu bao nhiêu càng có lợi; địch sẽ chủ quan; sẽ sơ hở càng có thuận lợi cho ta lập công và tổ chức lực lượng. Thằng quan ba chỉ huy đại đội lê dương kia quả là chủ quan, nó không thể ngờ rằng lại có hai chiến sỹ Việt Minh đang đánh cho chúng những đòn thiệt hại nặng nề ngay trên đất KhơMe này.
Đen cứ trằn trọc suy nghĩ và tính toán kế hoạch mãi, không sao ngủ được. Anh vùng lên ra ngoài trời nhìn sao, tua dua đã quá đỉnh đầu, đã quá nửa đêm rồi. Anh vào nhà định đánh thức Nam dậy, nhưng nhìn thấy cậu ấy ngủ ngon và ngáy nhiều, vẻ mệt mỏi, anh tần ngần một lúc rồi lại thôi "Để nó ngủ yên!", anh nhủ thầm vậy, rồi anh âm thầm chuẩn bị cởi quần áo, chỉ mặc một chiếc quần lót, giắt theo con dao găm của cụ MaLi, rồi lẻn ra ngoài.
- Đi đâu mà đêm hôm thế? - Bà mẹ già Khơ Mi thấy động biết là Đen, liền hỏi với giọng ngái ngủ
- Dạ, con đi ra ngoài bến một tý ạ.
- Lại đi với gái phải không?
- Vâng! Đen trả lời bừa cho xong.
- Biết ngay mà, bọn trai trẻ chúng mày là cứ sùng sục suốt đêm mà thôi; hồi tao còn trẻ cũng thế, chẳng ngủ yên được với bọn con trai đâu, cứ phải trốn hết chỗ này chỗ nọ mới ngủ được đấy.
- Mẹ đừng đánh thức thằng Nam nhé, để yên cho nó ngủ.
- Được rồi, thôi đi, kẻo nó chờ - Trời, nửa đêm rồi mà vẫn còn mò mẫm, "Đồ chó dái" ạ!
Đen khép cửa lại, rồi ra ngoài sân cầm một cái vợt xúc cá, mà bọn anh vẫn thường đi kiếm cá hàng ngày, giả làm người đi kiếm cá ban đêm, anh vội vàng đi nhanh về phía cầu Rếch-Na, nơi có chiếc cầu gẫy và những chiếc xe đổ. Anh phải vòng ra bờ sông để đi cho an toàn, thỉnh thoảng lại chạy cho nhanh, anh chạy mãi, chạy mãi, toát cả mồ hôi mà vẫn chưa đến nơi, đường vừa lạ vừa xa, ban ngày sao thấy gần, mà ban đêm sao xa thế.
Làng xóm im lìm dưới ánh sao mờ mờ, sương sa lạnh lẽo, toàn thân Đen ướt như tắm lẫn cả sương và mồ hôi. Những ngôi nhà cháy dở tan hoang từ buổi chiều vẫn còn âm ỉ, đó đây khét lẹt mùi thịt người bị cháy, làm anh xuýt nôn mửa. Anh vẫn chạy, chạy mãi.
Phải đến hai giờ đồng hồ sau, anh mới đến được vị trí "Đài quan sát" buổi chiều của anh và Nam. Bọn lính đóng quân dã ngoại, sau một ngày lùng sục vất vả mệt mỏi nên nằm ngủ như chết dọc đường cái, thằng lính gác cũng chỉ ngồi co ro ở một xó đường. ở một bãi cỏ gần chân cầu, những tên lính bị thương được đặt bên cạnh những xác chết chưa kịp chôn. Thỉnh thoảng có tiếng kêu rên của những người bị thương vì đau quá.
- "Giá như mình có một trung đội!Chỉ cần một trung đội, thì có thể tiêu diệt hết bọn này!" Đen thầm nghĩ như vậy và anh cứ tiếc cho cái thời cơ tiêu diệt địch này, ngon quá, mà chẳng làm gì được. Có lúc anh đã hăng lên định một mình lao vào bãi lính để đâm, để chém, để giết... cho hả nỗi đau đớn vì tra tấn tù đầy, phiêu bạt của cuộc đời anh bấy lâu nay! Nhưng một ý thức cao cả hơn đã ngăn bầu máu nóng của anh lại. một mình, cùng lắm cũng chỉ giết được hơn chục tên, rồi sẽ bị lộ, sẽ bị bao vây, và một sự hy sinh vô ích sẽ xảy ra. Không, mình phải sống, sống để trở về đội ngũ, sống để chiến đấu, để đánh cho chúng những đòn thất bại nặng nề hơn, không thể liều lĩnh như vậy được.
Nhiệm vụ chính trị của anh bây giờ là lấy vũ khí, để trang bị cho đội du kích của anh, càng nhiều càng tốt, nhưng phải hoàn toàn bí mật không để bọn địch phát hiện ra có lực lượng chống đối chúng. Vì vậy anh không được lấy vũ khí của bọn địch còn sống, chúng sẽ biết và sẽ bị lộ, mà phải lấy vũ khí của bọn đã chết, súng đã bị rơi xuống sông, chúng không thể nào biết được.
Thế là một mình anh lặn lội, mò mẫm dưới sông, trong những chiếc ô tô đổ, và bị chìm. Anh phải lật từng xác chết đang bị chìm dưới đáy sông hoặc chết trương nổi phềnh phềnh trên mặt nước. Im lặng và âm thầm. Rùng rợn và ghê sợ. Nặng nề nhưng nhẹ nhàng. Sau hàng tiếng đồng hồ lặn ngụp trong đống xác người, xác xe dưới sông, anh đã lấy được trên hai chục cây súng các loại, cả tiểu liên và trung liên, cả súng trường và một số lựu đạn. Anh phải tự hạn chế mình không được tham lam kẻo bị lộ. Lúc đó vào khoảng hơn bốn giờ sáng, anh quyết định dừng lại, vì anh đã bị ngấm lạnh rét run lên rồi, cũng không có thể cố được nữa. Anh phải đưa số vũ khí đó lên bờ. Rồi lại phải chuyển toàn bộ đó đi xa, anh phải mang vác tới ba bốn chuyến mới hết. Rồi dấu kín tất cả ở dưới lòng sông, mỗi đoạn một ít cách xa cầu Rêch - na khoảng hai, ba cây số, đánh dấu lại cẩn thận. Anh chỉ còn khoác hai cây tiểu liên và một vợt lựu đạn, chạy vội về xóm chài.
Về đến nhà thì trời đã gần sáng, anh dấu số súng, lựu đạn vào một chỗ kín mà anh đã chuẩn bị sẵn từ lúc tối, rồi lại cầm cây vợt cá ra bến. Anh phải kiếm một ít cá để đánh lạc hướng bà mẹ Khơ Mi và nguỵ trang cho hành động của mình.
Buổi sáng sớm dân làng chài đã thấy Đen xách một vợt cá về, ai cũng khen anh chịu khó quá, bắt cá tài quá. Thực ra số cá này anh đã câu và bắt từ mấy hôm trước, chưa mang về hết, mà thả chúng trong một cái khe nước kín đáo, thế mà bây giờ nó lại có tác dụng cho anh.
- ấy à, thằng Đen, sao mày bảo mày đi chơi gái, mà lại bắt được nhiều cá thế hả? - Bà mẹ Khơ Mi vui sướng dậy hỏi.
- Mẹ ơi, con gái nó trốn mất, nên con phải đi bắt cá vậy đấy.
- Thế hả, thằng chó dái bị trượt à? Khổ thân nhỉ. Đứa nào đấy, bảo mẹ để mẹ mắng cho nó một trận mới được, đứa nào mà dám hỗn láo đánh lừa con trai mẹ thế hả?
- Nó ở xa lắm mẹ ạ, mẹ chẳng biết đâu?
- Trời ơi, xung quanh đây thiếu gì gái mà phải đi xa thế thằng chó con?
- ở đây chẳng có ai chịu con đâu mẹ ạ, con xấu trai lắm!
- Bậy nào, đứa nào dám chê thằng chó con của mẹ xấu trai! Để rồi mẹ làm mối cho một đứa.
- Vừa lúc đó Nam cũng đã dậy. Nam chạy ra sân thấy một đống cá, liền reo lên.
- Ôi anh Đen bảo em dậy sớm đi đâu cơ mà, hoá ra lại đi kiếm cá à? Sao không gọi em mấy? Trời cá ngon quá nhỉ. Anh Đen tài kiếm thật đấy, bọn con trai ở đây không anh nào giỏi như anh đâu!
- Thế mà nó còn kêu là con gái chê nó đấy. Khốn khổ, nó bị gái lừa đấy con ạ, nên nó mới phải đi kiếm cá đấy! Bà mẹ lại nói xen vào.
Nam nhìn Đen cười và nghi ngờ dò hỏi. Nhưng Đen đã kịp đánh trống lảng sang chuyện khác và giục Nam xếp cá cho mẹ đi bán lấy tiền đong gạo, chỉ để lại một ít nấu ăn trong ngày mà thôi.
Đen nói với bà mẹ:
- Mẹ đi chợ, trưa về sớm nhé, để chiều chúng con còn đi vắng đấy!
- ừ, mẹ sẽ về sớm, nhưng chúng mày không phải đi đâu cả, thằng Nam thì có con bé hàng xóm rồi, còn mày thì chiều nay cứ ở nhà, mẹ sẽ dẫn con cháu gái nhà ở trên chợ ấy đến đây chơi, cho mày xem mặt, nếu ưng ý, mẹ sẽ làm mối cho, con bé ấy đẹp người đẹp nết lắm. Không được đi đâu cả. Cứ ở nhà chờ mẹ nhé!
Bà mẹ quảy gánh cá lên vai, tong tả bước đi vẻ hồ hởi. Đen và Nam vội vàng lấy củ mì ra ăn sáng. Đen đang bị đói, nên anh ăn rất nhiều và rất ngon lành, ăn xong anh đi tắm rửa sạch sẽ và cảm thấy mình khoẻ khoắn, anh đã thức trọn một đêm trắng, mà vẫn cảm thấy khoan khoái vô cùng. Tuy vậy anh vẫn làm thuốc thay băng ở cánh tay bị thương cho Nam, rồi dặn Nam một số việc. Đi nghe ngóng tình hình bọn Tây càn, rồi Đen đi ngủ.
Đen ngủ một giấc ngon lành, hàng mấy tháng trời nay, chưa bao giờ anh được ngủ ngon như thế.
Cô du kích Khơ Me
Đến trưa thì bà già Khơ Mi đi chợ về, bà về sớm hơn mọi ngày, như lời Đen dặn, và cũng đúng như lời bà hứa với Đen, đi theo bà còn có một cô gái, là cháu họ gì đó của bà, tên là Y-Luông, ở trên chợ về theo. Lúc đó Đen còn ngủ chưa dậy, anh ngủ say như chết làm bà Khơ Mi gọi mãi mới thức.
- Trời ơi, con chó con của mẹ sao ngủ khoẻ thế, có dậy mà xem mặt cháu gái mẹ đây này. Dậy đi! Dậy đi kẻo nó giận nó bỏ về mất bây giờ.
Đen mắt dắm mắt mở, ngồi dậy và bỗng thấy cô gái này trông hơi quen quen, hình như anh đã thấy ở đâu, linh tính báo cho anh phải cảnh giác. Anh vội vàng dậy rửa mặt mũi rồi ăn mặc quần áo chỉnh tề. Vừa lúc đó Nam cũng đi dò la tình hình về. Trông thấy cô gái, Nam cũng sững người lại, vì ngỡ ngàng. Cô gái này chính là cô gái mà hôm qua các anh đã trông thấy, cô bị Tây bắt và thằng lái xe cũng nhảy vào để tranh nhau hãm hiếp cô, vì thế chúng mới bỏ xe và các anh đã tranh thủ được thời cơ đốt cháy chiếc xe đó. Cô gái này, lúc bị Tây bắt đã la hét chửi bới chúng to lắm. Tại sao cô ta lại đến đây. Có phải thật là cô cháu gái họ của bà Khơ Mi không? Tưởng chừng bọn giặc chúng xâu xé và hãm hiếp cô ta đến chết chứ chẳng còn, một lũ quỷ sứ mấy thằng nhâu nhâu kéo nhau vào đấy, thế mà sao cô ta vẫn tỉnh táo thế này, trông cô ta khá xinh đấy, người nhỏ nhắn mảnh mai, đôi mắt đen, đặc biệt nước da lại rất trắng, một nước da hiếm thấy ở các cô gái Khơ Me, nhất là các cô gái vùng biển này; Cô có một búi tóc rất to và đen, chắc tóc cô phải rất dài và dày.
Đen cũng đã nhận ra cô gái đó, cả hai anh đều lấy làm lạ là tại sao cô ta bị một lũ lính Tây hiếp như vậy mà vẫn chịu đựng được và lại vẫn khoẻ, tỉnh táo như vậy sao? Cũng trận càn hôm qua, sau khi Tây rút, nhiều cô gái phải đi cấp cứu hoặc nằm liệt không dậy được nữa. Có một cái gì đó tởm lợm và khinh thường của các anh đối với cô gái này.
Có phải hôm qua cô bị... Nam đang định hỏi thẳng cô gái nhưng liền bị Đen lấy tay bịt mồm Nam lại.
- Không được!
Rồi liếc mắt nhìn Nam ra hiệu, không được nói trắng trợn như thế vừa làm cô ấy xấu hổ vừa làm lộ bí mật của chính mình.
Ngược lại cô gái vào nhà nhìn thấy Đen thì cũng sững người ra, cô đã nhận ra một trong hai người thanh niên hôm qua đã đốt xe của Tây bằng chai dầu, chính mắt cô đã nhìn thấy các anh qua khe cửa, mặc dầu thằng Tây lúc ấy đang vật cô ra và cô chống cự quyết liệt, cô kêu cứu, nhưng hai thanh niên đó hình như không nghe thấy mà lại lủi tránh đi, để mặc cô bị Tây hiếp. Lúc ấy cô thấy căm giận hai người đó lắm, là con trai mà cũng sợ Tây như cọp. Lúc ấy giá có ai chạy đến cầm lấy khẩu súng nó gác ở cột nhà mà bắn thì nhất định thằng Tây chết và cũng cứu được cô, nhưng cô đã thất vọng, càng kêu càng thấy họ bỏ chạy.
Nhưng thật không ngờ, trong lúc bọn Tây đã lột hết quần áo của cô ra rồi, một thằng đang định hiếp cô thì lại có một thằng nữa chạy vào, chúng đang tranh nhau để hiếp cô thì, có tiếng kêu cháy xe, rồi một tiếng nổi rất to, chiếc xe bị nổ tung lên, mảnh bắn cả vào các nhà xung quanh, một nhà gần đó cũng bị cháy theo. Bọn Tây lúc đó cuống cuồng bỏ chạy bỏ lại một mình cô nằm trần truồng trơ trẽn một mình. Thừa lúc bọn Tây chạy toán loạn, cô vội vàng ôm quần áo rồi cắm đầu chạy một mạch ra khỏi làng, đến tận cánh đồng ngô mới kịp dừng lại mặc quần áo rồi lủi chạy đi thoát. Trong khi chạy, cô còn thoáng thấy bóng hai người thanh niên đốt xe cũng chạy về phía cầu Rếch Na.
Đến khi Nam cũng về nhà, thì Y Luông khẳng định chính xác là hai người này rồi. Cô đang muốn hỏi thẳng xem có đúng là hai anh đốt xe hôm qua không, nhưng cô lại xấu hổ vì biết rằng các anh cũng có thể nhận ra mình bị Tây hiếp hôm qua, ngượng ngùng khó nói quá. Cả hai bên đều không ai dám hỏi trước. Cô đang định hỏi xem, tại sao các anh không ai dám vào cứu cô khi cô đã kêu cứu to như thế?
Nhưng cô lại không biết là các anh không nghe rõ tiếng Khơ Me nên cứ bỏ qua, mặt khác cô lại thấy các anh còn bận đi đánh xe của địch, nên không thể vào cứu cô được, mà chính nhờ các anh đốt xe của chúng nên cô mới thoát được bọn chúng, nếu không thì cô đâu còn khoẻ mạnh thảnh thơi như thế này mà theo bà cô về đây chơi nữa. Hôm qua, lúc đó cô đã tin rằng mình sẽ bị chết, mà nếu không bị chúng hiếp chết thì cũng đến phải cắn lưỡi mà chết, không thể sống ê chề nhục nhã như vậy được.
Thấy ba người chỉ nhìn nhau như dè chừng nhau không ai nói gì, bà Khơ Mi liền lên tiếng:
- Chúng mày là bụt cả hay sao mà ngồi tụng kinh niệm phật im lặng thế?
- Tại bà già cứ ngồi cạnh thì bọn trẻ chúng con làm sao dám mở miệng được.
- Thế thì để mẹ đi ra ngoài vậy!
Bà Khơ Mi ra ngoài rồi lại gọi với vào:
- Nam ơi ra mẹ nhờ cái này một tý nào! Để mặc kệ hai đứa với nhau.
Nam định bước ra thật, nhưng Đen kéo Nam ngồi lại. Vì Nam thạo tiếng Khơ Me hơn Đen, anh chỉ mới học được ít ngày nên chưa nghe và nói được nhiều.
Cô gái lúc này đã lấy được bình tĩnh, cô liền chủ động trước:
- Em đến để cảm ơn hai anh đây.
- Cảm ơn vì cái gì cơ?
- Vì hôm qua các anh đã đốt xe của Tây, nên đã cứu được em khỏi bị bọn Tây hãm hiếp.
- Hả, cô nói gì cơ? - Đen và Nam bỗng sững người lại và tái mặt đi, cô này là ai, gián điệp hay chỉ điểm?
Cô gái lại nhắc lại:
- Em cảm ơn các anh vì các anh đã đốt xe của bọn giặc nên đã cứu được em.
- Không phải đâu, chúng tôi có đốt xe nào đâu, cô nhầm đấy thôi.
- Em không nhầm đâu, các anh còn ôm rơm và cầm chai dầu đổ vào rơm để đốt xe nữa kia!
Thấy không thể chối được nữa. Đen liền hỏi luôn:
- Thế cô chính là cô gái bị chúng bắt ở ngôi nhà bên cạnh đó?
Cô gái gật đầu khẽ "vâng" rồi đỏ bừng mặt lên, im lặng một lát cô mới tiếp:
- Nhưng đã được các anh cứu kịp thời nên không việc gì cả.
Rồi cô gái mạnh bạo hẳn lên, cô kể hết tất cả cho hai anh nghe. Lúc này Đen và Nam mới "à" lên một tiếng, trút hơi thở dài vì nghi ngờ và lo sợ. Cuối cùng cô gái lại hỏi:
- Có phải các anh đã đánh sập cầu Rếch Na không?
Đen và Nam lại giật mình, không ai nói gì cả. Cô gái lại tiếp:
- Em còn trông thấy các anh chạy về hướng cầu mà, sau đó, buổi chiều bọn Tây về bị sập cầu, đổ xe chết nhiều lắm em đoán chỉ có các anh thôi.
- Không phải đâu, chúng tôi lấy gì mà đánh sập cầu được?
- Đừng dấu em, con mắt của anh - cô chỉ vào Đen - không biết nói dối đâu - Người nào biết đốt xe thì người ấy cũng biết đánh sập cầu! Dừng một lát cô gái lại hỏi tiếp:
- Các anh đừng sợ, chỉ mình em biết thôi, em chưa hề nói cho ai nghe đâu, các anh đừng sợ!
Đen và Nam ra hiệu cho cô đừng nói to để bà Khơ Mi nghe thấy, cô gái hiểu ý gật đầu rồi nói luôn:
- Các anh đừng ngại, chồng bà Khơ Mi cô em đây là cán bộ cách mạng từ hồi bí mật, bị bắt đày ở Côn Đảo rồi chết ở đó, cô em phải bỏ làng ra đây trốn tránh từ mấy chục năm nay rồi. Chính cô em mách cho em biết có hai anh bộ đội Việt Nam là tù Côn Đảo trốn về ở nhờ nhà cô.
- à ra thế - Cả Đen và Nam cũng thốt lên - Thế mà bà mẹ cứ dấu kỹ chúng con thế. Lúc đó bà Khơ Mi bước vào, các anh đều nói với bà như vậy, làm bà cũng cười cười và nói:
- Ông Khơ Mi trước là tù Côn Đảo, bây giờ hễ mẹ thấy người nào là tù Côn Đảo thì mẹ lại thương.
- Chúng con xin cảm ơn tấm lòng của mẹ, mẹ thật tốt quá!
Bà Khơ Mi vui vẻ, phấn khởi trước sự cởi mở của bọn trẻ. Bà liền đem quà mua ở chợ về cho bọn trẻ ăn. Nào xoài tượng, nào quả thơm, cả bánh, kẹo nữa. Trong lúc đang vui vẻ, bà Khơ Mi liền nhìn Đen và Y Luông nói luôn:
- Thằng Đen có ưng con Y Luông thì mẹ lo liệu cho. Chúng mày cưới nhau rồi ở đây với mẹ thì mẹ vui lắm. Thế nào con Y Luông có ưng không?
- Dạ con không biết ạ, còn tuỳ anh Đen chứ! - Cô liếc Đen một cái sắc như dao, rồi e thẹn mỉm cười cúi xuống. Chỉ sợ anh ấy chê con xấu thôi!
- Nào có ai chê Y Luông đâu. Y Luông đẹp lắm. Nhưng con xin phép mẹ, chuyện ấy bàn sau, bây giờ đang có việc cần nhờ đến Y Luông đây.
- Việc gì? Anh cứ nói đi! - Y Luông giục:
Đen nhìn Y Luông rồi nhìn bà Khơ Mi, đắn đo một lúc rồi mới hỏi:
- Y Luông có sợ Tây không?
- Tây ai mà chả sợ!
- Thế có căm thù Tây không! Có ghét Tây không?
- Tây ai mà chả căm thù, chả ghét!- Chúng đến cướp bóc đốt phá hãm hiếp đồng bào chúng em, nên ai ai cũng ghét.
- Thế có dám đánh Tây không?
- Dám chứ, nhưng đánh thế nào, lấy gì mà đánh. Dân làng chúng em ai cũng ghét Tây, nhiều người muốn đánh Tây lắm, chờ mãi mà chả thấy bộ đội cách mạng Khơ Me về để đánh đuổi Tây cho dân khỏi khổ.
- Đánh như các anh hôm qua ấy! Đánh du kích mà! Cứ đi theo các anh rồi các anh bày cho, ta phải rủ thêm nhiều người nữa để lập đội du kích đánh Tây ngay tại làng xóm mình không cho chúng đến càn quét cướp bóc nữa.
- Ôi thế thì hay quá, đi với các anh thì em xin đi ngay. Nhưng các anh có súng không? Phải có súng mới đánh được nó chứ?
- Hôm qua các anh có cần dùng súng đâu sao cũng đánh được xe cháy xe đổ, rồi chúng ta sẽ có súng, cướp súng giặc giết giặc mà, lo gì em!
- ừ nhỉ, thế thì cho em đi với nhé.
- Không phải đi đâu xa cả. Cứ ở nhà thôi, ai ở nhà nấy, làm ăn bình thường, khi nào Tây đến thì tập trung đi đánh mà thôi!
Thế là đội du kích Rếch Na hình thành từ đấy. Đội lấy tên trận đánh đầu tiên của Đen và Nam làm truyền thống giết giặc lập công. Mới đầu chỉ có ba người Đen, Nam và Y Luông, sau đó thêm năm thanh niên nữa.
Ngay ngày hôm sau, Y Luông đã lập công xuất sắc, cô gái đã một mình làm một mũi nghi binh, đánh lừa bọn giặc chạy đuổi theo để bắt cô, cho Đen chỉ huy đội du kích xông vào đốt cháy thêm ba xe bọc thép và tiêu diệt một trung đội địch trong đó có tên quan ba chỉ huy đại đội lính lê dương. Bọn lính còn lại đều bỏ chạy thục mạng hết. Ta thu được 3 xe ô tô còn nguyên, bắt sống 10 tù bình. Sau đó Y Luông còn chỉ huy tổ du kích của mình đi truy quét tàn binh và bắt sống thêm được hàng chục tên nữa. Đại đội lính lê dương đi càn cùng 10 xe cơ giới của địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Trận đòn bất ngờ đó làm cho bọn chỉ huy Pháp ở Nông Pênh hết sức lo lắng và choáng váng. Hơn một tuần lễ sau mới dám đem quân có đủ thủy lục không quân xuống càn quét và đánh chiếm với quy mô lớn. Chúng tưởng rằng ở đó phải có lực lượng hàng trung đoàn hoặc tiểu đoàn quân đội Khơ Me mới tiêu diệt nhanh gọn đại đội Âu Phi tinh nhuệ của chúng như thế.
Lúc này đội du kích Rếch Na đã có một trung đội, được trang bị khá đầy đủ, có cả đại liên và súng cối. Được Đen và Nam huấn luyện liên tục suốt ngày đêm, được nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm và cổ vũ tinh thần để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.
Trận càn lớn của một trung đoàn quân chính quy của Pháp có đủ tàu chiến, máy bay, rầm rầm rộ rộ đánh vào chỗ không người, bà con nhân dân đã được đội du kích vận động và đưa đi sơ tán, tản cư hết, chỉ còn lại vườn không nhà trống mà thôi, chúng đã bao vây chặt chẽ nhưng cũng chẳng bắt được một bộ đội hay một du kích nào cả. Chúng bực bội đốt cháy hết mấy làng xóm rồi tuyên bố ăn mừng chiến thắng và vội vàng rầm rộ kéo quân về thành phố.
Nhưng chúng rút hết quân về chưa được bao xa thì bị đội du kích Rếch Na chặn đánh suốt dọc đoạn đường dài trên hai chục cây số, bằng mìn, bằng địa lôi, bằng lựu đạn và bằng cả đại liên súng cối nữa, làm cho chúng phải chạy bán sống bán chết, để lại trên đường hàng chục xe bị phá bị cháy và hàng trăm tên bị chết và bị thương.
Sau hai trận chiến đấu lớn làm bọn địch thất bị nặng nề trong hai trận càn khá quy mô. Đến nỗi trên đài phát thành BBC của Anh đã loan tin rằng quân đội Khơ Me có cả quân đội Việt Minh phối hợp hàng trung đoàn đã tiêu diệt hai đại đội xe cơ giới và một tiểu đoàn quân lê dương của Pháp tại vùng Rếch Na!
Tin đó đến tai Bộ tổng tham mưu quân cách mạng Khơ Me, bộ Tổng tham mưu liền điện xuống hỏi chỉ huy Tỉnh đội xem đơn vị nào của Tỉnh đánh? Ngược lại Tỉnh đội lại điện lên hỏi: Bộ Tổng tham mưu xem lực lượng nào của Bộ đánh? Trên trả lời dưới là "không có", dưới trả lời trên cũng "không có". Các đơn vị của Bộ và của Tỉnh đều hoạt động ở hướng khác, khu vực Rếch Na không có đơn vị nào cả.
Thật là vô lý, không lẽ đài địch và đài BBC lại đưa tin sai? Để giải đáp nghi vấn đó, Bộ và Tỉnh đều cử các phái viên xuống tận nơi điều tra.
Khi các phái viên của Tỉnh và của Bộ xuống đến nơi thì mới biết là do một trung đội du kích tự phát ở địa phương đã lập lên những chiến công vang lừng đó. Các phái viên liền hỏi thăm và tìm đến người đội trưởng tài ba đó, thì họ đều bất ngờ và thốt lên:
- Đội trưởng du kích Rếch Na lại là một cô gái trẻ và xinh đẹp đó là Y Luông! ôi kỳ lạ quá!
Còn Đen và Nam đã ra đi rồi. Các anh đang trên đường trở về Tổ quốc, trở về đơn vị chiến đấu cũ của mình.
ít lâu sau, Bộ Tổng tham mưu và đại diện của Chính phủ đưa "Huân chương chiến công" xuống tặng thưởng cho tập thể đội du kích và cá nhân đội trưởng Y Luông. Nhưng Y Luông kiên quyết từ chối không nhận vinh dự riêng cho mình. Mà cô đã kể lại câu chuyện về những người tù binh Côn Đảo đã vượt ngục về đây và xây dựng nên đội du kích này như thế nào. Cuối cùng cô đề nghị cấp trên hãy ghi nhận tinh thần quốc tế cao cả của hai người tù binh Côn Đảo đó. Tinh thần của các anh sống mãi với đội du kích và nhân dân vùng Rếch Na này.
Khi hỏi đến họ tên và địa chỉ quê quán đơn vị của các anh thì mọi người mới ngớ ra rằng không ai biết cả. Chỉ biết tên là Đen và Nam thôi. Y Luông liền tìm đến hỏi bà Khơ Mi, thì bà Khơ Mi lại trả lời rằng:
- Đến mày và thằng Đen yêu nhau là thế mà mày cũng còn không biết nữa là tao.
- Ôi, con thật là đoảng quá, con có lỗi với anh chị em du kích và bà con dân làng, vì đã không hỏi thăm địa chỉ của các anh ấy.
- Một thằng ở miền Bắc, còn một thằng ở miền Nam!
- Điều ấy thì rõ rồi, nhưng quê anh Đen ở đâu, con làm sao có thể biết tin anh ấy được cô ơi!
- Thôi cứ yên tâm, hãy cầu trời khấn Phật phù hộ độ trì cho nó đi đến nơi, về đến chốn. Nếu nó còn sống, nhất định nó sẽ biên thư hoặc trở về đây. Những con người có một tấm lòng quảng đại, không chỉ biết lo cho mình, mà biết lo cho tất cả mọi người, biết thương sót những người cùng khổ, thì không bao giờ quên tình quên nghĩa đâu con ạ.
- Vâng, và chúng ta cũng không bao giờ quên tình quên nghĩa với anh ấy phải không cô ơi. Nhưng cô Khơ Mi ơi, biết bao giờ con mới được gặp lại anh ấy, liệu anh ấy có được an toàn không, con lo cho anh ấy lắm.
- Hãy luôn luôn cầu nguyện cho nó, sự thuỷ chung và lòng trong trắng của tấm lòng con là vòng hào quang bảo vệ cho linh hồn người mà con yêu. Hãy giữ vững những cái gì nó để lại cho con và đội du kích của con, hãy chiến đấu như nó vẫn còn chiến đấu ở đây. Đó là đám mây che cho bước đường hành trình của nó.
- Vâng, con xin cầu nguyện! Đen ơi, em đang cầu nguyện cho anh đây. Giờ này anh ở đâu? Đen ơi!
Y Luông ôm lấy bà Khơ Mi, một già một trẻ, hai người cùng khóc - ôi, những giọt nước mắt nhớ thương, những giọt nước mắt nghĩa tình!