This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bảy
ột sợi tóc phụ nữ có thể kéo hơn trăm cặp bò.
JAMES HOWELL
Tôi đánh võng chiếc Kawasaki dọc đê Victoria chẳng để làm gì. Chỉ để thông ống xả của nó và của tôi.
Tôi đã không nói với bố con Woolf về cuộc điện thoại gọi tới căn hộ của tôi và cái giọng Mỹ khó chịu ở đầu dây bên kia. “Nghiên cứu sau đại học” có thể có bất cứ nghĩa gì - thậm chí là nghiên cứu sau đại học - và người gọi tới có thể là bất cứ ai. Khi anh đang giao dịch với những nhà lý luận về âm mưu - và, dù hôn hay không hôn, chắc chắn đó là thứ tôi đang giao dịch - thì chẳng có lợi gì khi cung cấp thêm cho họ những sự trùng hợp đặc biệt để cho họ được dịp phấn khích.
Chúng tôi rời nhà hàng trong trạng thái đình chiến hòa nhã. Ra ngoài vỉa hè, Woolf siết cánh tay tôi và bảo tôi đêm nay hãy nằm vắt tay lên trán mà nghĩ kỹ về điều đó, làm tôi thấy gai cả người bởi vì tôi đang ngắm mông Sarah trong khi ông ta nói. Nhưng ngay khi nhận ra ý ông ta là gì, tôi liền hứa sẽ nghĩ kỹ, và lịch sự hỏi nơi có thể liên lạc với ông ta khi cần. Ông ta nháy mắt và nói sẽ tìm tôi, điều này tôi chẳng ưa cho lắm.
Tất nhiên, có một lý do cực chính đáng để tôi đứng về phía lẽ phải của Woolf. Có thể ông ta là một người không đáng tin và lập dị, còn con gái của ông ta thì hình như không làm được gì hơn ngoài đóng vai một chiếc giá treo áo cực đẹp từ trước ra sau, nhưng tôi không thể chối bỏ rằng cả hai người đều có nét quyến rũ riêng.
Điều tôi đang cố nói là họ đã đi rồi và để lại một lượng lớn sự quyến rũ ấy trong tài khoản ngân hàng của tôi.
Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không quan tâm đến tiền bạc lắm, đó là một nguyên tắc. Ý tôi là, tôi không phải một trong những người làm không công hay gì. Tôi làm gì cũng lấy phí dịch vụ hẳn hoi, âu cũng hợp lý thôi, và tôi bực bội khi bị ai đó nợ tiền. Nhưng cùng lúc tôi có thể thẳng thắn nói tôi chưa bao giờ thực sự chạy theo đồng tiền. Chưa từng làm việc gì mà tôi không thấy hứng thú, ít nhất là có chút hứng thú, chỉ để kiếm thêm vài đồng bạc. Những người như Paulie chẳng hạn - và chính anh ta đã nói với tôi điều này nhiều lần - dành hầu hết thời gian thức của mình hoặc để cầm lấy tiền hoặc nghĩ cách để cầm được tiền. Paulie có thể làm những việc không tốt đẹp gì - thậm chí vô đạo đức - và nếu như có một tấm séc nặng tay đang chờ, anh ta sẽ làm mà chẳng chút bận tâm. Mang tới đây, Paulie sẽ nói thế.
Nhưng tôi, tôi không như thế. Chúng tôi được đúc từ những khuôn khác nhau. Điều duy nhất mà tôi nhận thấy ở tiền, mặt tích cực duy nhất của một thứ hàng hóa khá thô bỉ, là anh có thể dùng nó để mua các thứ.
Và các thứ thì tôi khá thích, nhìn chung là vậy.
Năm mươi ngàn đô la của Woolf không phải là chìa khóa mở ra hạnh phúc trường tồn, tôi biết. Với số tiền đó thì không thể mua biệt thự ở Antibes, hay thậm chí chỉ là thuê trong một ngày rưỡi. Nhưng dù sao thì tiền cũng thật tiện lợi. Dễ chịu. Nó mang thuốc lá tới đặt trên bàn tôi.
Và nếu như để có được mấy thứ tiện nghi đó tôi phải sống thêm vài tối trong những chương tiểu thuyết của Robert Ludlum, thỉnh thoảng lại bị một phụ nữ đẹp hôn thì, chà, tôi sẽ chịu đựng được.
Lúc đó đã quá nửa đêm và không có nhiều xe cộ đi lại trên đê. Con đường khô ráo và chiếc ZZR cần phi nước đại, bởi thế tôi tăng tốc sang số ba và nhẩm lại vài dòng của thuyền trưởng Kirk với ngài Chekhov trong đầu trong khi vũ trụ tự nó sắp xếp lại quanh bánh sau xe tôi. Có lẽ tôi đã chạm tới vận tốc một trăm mười dặm một giờ khi cầu Westminster nằm trong tầm mắt, thế là tôi nhấn nhẹ phanh và khẽ dồn người lên, sẵn sàng ngoặt xe sang phải. Ánh sáng từ Quảng trường Nghị viện chuyển sang màu xanh lá và một chiếc Ford xanh đậm bắt đầu đi ra, vì vậy tôi vặn ga, tăng tốc thêm một chút và chuẩn bị vượt qua nó khi vào đoạn cua. Khi tôi lên được ngang hàng nó, đầu gối phải của tôi vừa hướng xuống nền đá răm rải nhựa thì chiếc Ford bắt đầu rê về bên trái, tôi bèn thẳng người dậy để giành phần đường rộng hơn.
Vào lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là anh ta không nhìn thấy tôi. Tôi nghĩ anh ta chỉ là một tài xế hạng xoàng.
Thời gian là một thứ buồn cười.
Có lần tôi gặp một phi công RAF, anh ta nói với tôi rằng anh ta và hoa tiêu của mình đã phải nhảy khỏi chiếc Tornado GR1 đắt giá từ hơn chín mươi mét phía trên thung lũng Yorkshire, vì một thứ mà anh ta gọi là “chim tấn công”. (Nói thế nghe không công bằng theo quan điểm của tôi, bởi vì nghe cứ như là con chim có lỗi ấy; như thể anh chàng lông vũ nhỏ bé đó đã chủ tâm đâm đầu vào hai mươi tấn kim loại di chuyển ngược chiều với vận tốc gần vận tốc âm thanh.)
Dù sao, mấu chốt chuyện này là ở chỗ, sau vụ tai nạn, phi công và hoa tiêu đã ngồi trong phòng tường trình mà nói cho những người điều tra, suốt một giờ mười lăm phút không ngừng nghỉ, về những gì họ đã nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, và làm, tại thời điểm va chạm.
Một giờ mười lăm phút.
Chưa hết, cuối cùng khi hộp đen theo dõi hành trình được lôi ra khỏi đống sắt vụn, nó cho thấy khoảng thời gian từ khi chú chim đâm vào lỗ gió động cơ và thời điểm phi hành đoàn thoát ra ngoài chỉ nhỏ hơn bốn giây một chút.
Bốn giây. Ấy là bùm, một, hai, ba, không khí.
Khi nghe chuyện này thực tình tôi không tin một chút nào. Ngoại trừ những thứ khác, tay phi công đó là một anh chàng nhỏ người, chắc nịch, với đôi mắt màu xanh biển dễ sợ mà những người ưu trội về mặt thể chất thường có. Và bên cạnh đó, tôi không thể ngăn mình đứng về phía chú chim trong câu chuyện này.
Nhưng giờ thì tôi tin.
Tôi tin bởi vì tài xế của chiếc Ford không bao giờ rẽ phải. Và tôi đã sống một vài cuộc đời, không phải tất cả đều dễ chịu và hoàn hảo, trong khi anh ta ép tôi ra khỏi đường vào sát sạt hàng rào chắn chạy dọc Nhà Quốc hội. Khi tôi phanh, anh ta cũng phanh. Khi tôi tăng tốc, anh ta cũng tăng tốc. Khi tôi nghiêng xe để rẽ, anh ta vẫn tiếp tục tiến lên, bám sát phía hàng rào, thúc kính chiếu hậu bên ghế hành khách vào vai tôi.
Vâng, hiển nhiên tôi có thể nói hàng giờ về cái hàng rào đó. Và còn có thể nói dài hơn về khoảnh khắc tôi nhận ra rằng tài xế xe Ford là một tay chẳng tầm thường chút nào. Thực ra anh ta rất lão luyện.
Đó không phải là chiếc Rover, điều này có ý nghĩa gì đó. Hẳn phải có một bộ đàm để giúp anh ta vào vị trí, bởi vì không có ai vượt qua tôi khi tôi đi trên đê. Người ngồi trên ghế khách đã nhìn tôi lúc tôi đi song song, và rõ ràng người đó không nói “chú ý tay lái mô tô đó” khi chiếc xe rê về phía tôi. Xe có gương chiếu hậu kép, đó không phải là thiết bị chuẩn thường có trên xe Ford. Và hai hòn dái tôi đau. Điều đó làm tôi tỉnh lại.
Chắc khi đi trên đường anh cũng nhận ra rằng việc người lái mô tô không thắt dây an toàn là vừa hay lại vừa dở. Hay bởi vì không ai muốn bị cột chặt vào một khối kim loại cực nóng nặng khoảng hai trăm năm mươi ký khi nó trượt lê trên đường. Dở bởi vì khi nhấn phanh mạnh, đột ngột, xe sẽ dừng lại nhưng người lái thì không. Anh ta tiếp tục lao về hướng Bắc cho tới khi bộ phận sinh dục của anh ta đập vào bình xăng và nước mắt anh ta trào ra, không cho anh ta nhìn thấy chính cái mà anh ta đã đạp phanh để tránh.
Hàng rào.
Những cái hàng rào chắc khỏe, không hề vô nghĩa, được mài bóng. Những cái hàng rào xứng đáng với nhiệm vụ bao bọc cái nôi của nghị trường. Những cái hàng rào mà, vào năm 1940, người ta dỡ xuống để làm nên những Spitfire, Hurricane, Wellington và Lancaster, và còn một loại máy bay nữa có cánh phụ ở đuôi, là gì nhỉ? Có phải Blenheim không?
Tất nhiên ngoại trừ một điều là vào năm 1940 chưa có các hàng rào. Chúng chỉ được dựng lên từ năm 1987 để ngăn không cho những kẻ điên khùng người Libya làm gián đoạn công việc của Nghị viện bằng một phần tư tấn thuốc nổ loại mạnh nhét trong thùng sau một chiếc Peugeot gia đình.
Những hàng rào này, những hàng rào của tôi, đã ở đó để làm một việc. Chúng ở đó để bảo vệ nền dân chủ. Chúng đã được dựng thủ công bởi những người thợ tên là Ted hoặc Ned, hoặc có thể là Bill.
Chúng là những hàng rào rất hợp cho những anh hùng.
Tôi lịm đi.
Một khuôn mặt. Một khuôn mặt rất lớn. Một khuôn mặt rất lớn chỉ có đủ da để che phủ một khuôn mặt rất nhỏ, bởi thế mọi thứ trên đó trông đều căng. Cái cằm căng, cái mũi căng, đôi mắt căng. Tất cả các cơ và gân trên mặt đều phồng lên và gợn sóng. Nhìn như một thang máy đông người. Tôi chớp mắt, khuôn mặt liền biến mất.
Hoặc có lẽ tôi đã ngủ một giờ và khuôn mặt kia đã ở đó năm mươi chín phút. Tôi không thể nào biết được. Thay vào chỗ khuôn mặt là một cái trần nhà. Có nghĩa là một căn phòng. Có nghĩa là tôi đã được chuyển đi. Tôi bắt đầu nghĩ về bệnh viện Middlesex, nhưng ngay lập tức biết rằng nó là một cái xoong kho cá khác.
Tôi cố cựa người một chút. Thật nhẹ nhàng, không dám dịch chuyển đầu vì nhỡ đâu cổ tôi đã bị gãy. Hai chân có vẻ vẫn ngon lành, hình như hơi xa nhau một chút. Miễn là chúng đừng có xa nhau nhiều hơn mét chín thì tôi không có gì phải phàn nàn. Đầu gối trái trả lời bức thư của tôi bằng một lá thư gửi qua đường bưu điện, nói rằng nó ổn, nhưng gối bên phải thì có vẻ không ổn. Nặng và nóng. Quay lại cái đó nào. Hai đùi. Bên trái bình thường, bên phải không tốt lắm. Khung xương chậu có vẻ không sao, nhưng chỉ khi nào có thể đặt trọng lượng của mình lên đó thì tôi mới dám chắc được. Hai hòn dái. À, vấn đề này thì hoàn toàn khác đây. Không cần đặt trọng lượng lên đó tôi vẫn biết rằng chúng đang trong tình trạng tồi tệ. Dái quá nhiều và dái quá đau. Bụng và ngực nhận điểm B trừ, còn tay phải thì hỏng toàn tập. Không động đậy gì. Cả bên trái cũng vậy, mặc dù tôi di chuyển được bàn tay, điều đó cho tôi biết không phải tôi đang ở trong khu William Hoyle. Ở bệnh viện công ngày nay người ta có thể phũ phàng tùy tiện, nhưng dù vậy họ cũng sẽ không buộc tay anh vào thành giường nếu không có lý do chính đáng. Tôi để dành cổ và đầu lại cho ngày khác, rồi rơi vào một giấc ngủ sâu nhất có thể với bảy hòn dái.
Gương mặt đã quay lại, căng hơn bất cứ lúc nào. Lần này anh ta đang nhai cái gì đó, những bó cơ ở hai má và cổ nổi lên hệt hình vẽ trong sách Giải phẫu của Gray. Có vụn bánh mì quanh môi anh ta và thi thoảng cái lưỡi màu hồng lại thò ra để cuốn một mẩu vụn vào trong cái hang là miệng anh ta.
“Lang?” Cái lưỡi giờ đang làm việc phía trong miệng anh ta, rà quanh lợi và làm đôi môi chúm lại nên trong khoảnh khắc tôi cứ nghĩ anh ta sắp sửa hôn tôi. Tôi mặc cho anh ta chờ.
“Tôi đang ở đâu đây?” Tôi rất vui khi nghe thấy giọng mình rền rĩ, khó nghe vô cùng.
“Ừ,” khuôn mặt nói. Nếu như có đủ da thì chắc nó đã cười rồi. Thay vào đó, nó di chuyển ra xa cái giường hay gì đó nơi tôi đang nằm, và tôi nghe tiếng cửa mở. Nhưng cửa không đóng lại.
“Hắn tỉnh rồi,” vẫn giọng đó, khá lớn, và cánh cửa vẫn chưa đóng lại. Có nghĩa là người nào đó điều khiển căn phòng cũng điều khiển cả hành lang luôn. Nếu như nó là một cái hành lang. Nó có thể là một giàn cẩu đưa tới tàu vũ trụ lắm. Hoặc ra khỏi tàu vũ trụ. Hoặc là có thể tôi đã ở trong tàu, và chuẩn bị để thế giới lại xa tít phía sau.
Những tiếng bước chân. Hai cặp. Một cao su, một da thuộc. Nền cứng. Những bước chân da thuộc chậm hơn. Da thuộc là sếp. Cao su là kẻ lăng xăng, giữ cửa, dẹp đường cho da. Cao su là cái mặt. Mặt Cao su. Thế cho dễ nhớ.
“Ông Lang?” Da dừng lại bên cạnh giường. Nếu như nó là một cái giường. Tôi vẫn nhắm mắt, giữ vẻ mặt nhăn nhó vì hơi đau đớn.
“Ông cảm thấy thế nào?” Người Mỹ. Vào lúc này có quá nhiều người Mỹ trong đời tôi. Hẳn là do tỷ giá hối đoái.
Anh ta bắt đầu đi vòng quanh giường, và tôi nghe thấy tiếng lạo xạo của cát dưới gót giày anh ta. Và mùi nước dưỡng ẩm sau khi cạo râu. Quá nồng. Nếu như chúng tôi là bạn, tôi sẽ nói cho anh ta biết. Nhưng không phải lúc này.
“Hồi còn bé lúc nào tôi cũng thích đi xe máy,” giọng đó nói. “Xe Harley. Bố tôi bảo xe ấy nguy hiểm lắm. Bởi vậy tôi học lái ô tô và ngay năm đầu đã tông xe bốn lần để đáp lại ông ta. Ông ta là một tay đểu cáng, bố tôi ấy.”
Thời gian trôi qua. Đó là điều tôi không thể làm gì được.
“Chắc là cổ tôi bị gãy rồi,” tôi nói. Tôi vẫn nhắm mắt và giọng rên rỉ đi kèm rất ngọt.
“Thế à? Rất tiếc. Giờ hãy nói với tôi về bản thân ông, ông Lang. Ông là ai? Ông làm gì? Ông có thích xem phim hay đọc sách không? Đã bao giờ được uống trà với Nữ hoàng chưa? Hãy nói với tôi những điều đó.”
Chờ cho tới khi đôi giày quay đi, tôi mới từ từ mở mắt ra.
Anh ta đã đứng ngoài tầm nhìn của tôi, bởi vậy tôi dán mắt lên trần nhà.
“Ông là bác sĩ à?”
“Tôi không phải bác sĩ, Lang, không phải đâu,” anh ta nói. “Chắc chắn tôi không phải là bác sĩ. Tôi là một thằng chó đẻ.” Có một tiếng cười thầm đâu đó trong phòng, tôi đoán rằng Mặt Cao su vẫn còn đang đứng cạnh cửa.
“Xin lỗi, ông nói gì?”
“Một-thằng-chó-đẻ. Tôi là thế đấy. Đó là công việc của tôi, đó là cuộc sống của tôi. Nhưng này, hãy nói về ông đi.”
“Tôi cần bác sĩ,” tôi nói. “Cổ tôi...” Nước mắt bắt đầu trào ra trong mắt tôi, và tôi cứ để kệ. Tôi sụt sịt một chút, nghẹn ngào một chút, làm cho trò diễn được ngon lành, nếu như tôi có tự nói ra như vậy.
“Nếu ông muốn biết sự thật,” người đó tiếp tục, “thì tôi chả quan tâm đếch gì đến cái cổ của ông đâu.”
Tôi đã quyết định sẽ không nói với hắn về mùi nước sau khi cạo râu. Không bao giờ.
“Tôi muốn biết những thứ khác,” người đó lại nói. “Rất nhiều, rất nhiều những thứ khác.”
Nước mắt vẫn cứ trào ra.
“Này, tôi không biết ông là ai, hay tôi đang ở đâu...”, Tôi ấp a ấp úng, gắng sức để nhấc đầu khỏi gối.
“Biến đi, Richie,” người đó quát lên. “Ra ngoài hít thở khí trời đi.”
Có một tiếng lầm bầm từ phía cửa, và hai cái giày rời khỏi căn phòng. Tôi chắc rằng Richie đang ở phía trên chúng.
“Thấy không, đại loại ý tưởng là như thế, Lang. Ông không cần biết tôi là ai, cũng không cần biết ông đang ở đâu. Quan điểm ở đây là ông nói với tôi mọi chuyện, chứ tôi không nói gì với ông cả.”
“Nhưng cái...”
“Ông có nghe tôi vừa nói gì không đấy?” Đột nhiên lại có một khuôn mặt khác lù lù trước mặt tôi. Nhẵn nhụi, cọ rửa cẩn thận, tóc tai như Paulie. Sạch sẽ lông tơ, được chải hoàn hảo đến là lố bịch. Hắn khoảng chừng bốn mươi, có lẽ đã tập hai giờ một ngày trên xe đạp tập. Chỉ có một từ dành cho hắn. Chải chuốt. Hắn xem xét tôi kỹ càng, và từ cái kiểu hắn ta nhìn chòng chọc vào cằm tôi, tôi đoán rằng có một vết thương ra trò ở đó, điều đó làm cho tôi phấn khích một chút. Sẹo luôn làm cho người ta dễ bắt chuyện với nhau hơn.
Cuối cùng thì mắt hắn gặp mắt tôi, và bốn con mắt không thân thiện với nhau tẹo nào. “Tốt,” hắn ta nói, và đi ra xa.
Hẳn lúc đó là sáng sớm. Nguyên do duy nhất để tôi đoán thế là độ nồng của mùi nước hoa mà hắn ta dùng sau khi cạo râu.
“Ông đã gặp Woolf,” Chải Chuốt nói. “Và đứa con gái ngu ngốc của ông ta.”
“Đúng.”
Có một khoảng lặng và tôi dám nói rằng tôi đã làm hắn hài lòng, bởi vì nụ cười đã làm thay đổi tiếng hắn thở. Nếu tôi chối bỏ điều đó, nhầm số rồi, không lo-ói tiêng-iếng A-anh, thế nào hắn cũng biết tôi là một tay chơi. Nếu tôi trung thực thừa nhận, hắn sẽ cho tôi là một thằng đần. Mà dù sao thì tất cả các chứng cớ đều cho thấy điều đó cơ mà.
“Tốt. Giờ. Ông có thể cho tôi biết các người đã nói với nhau những gì không?”
“Ồ,” tôi nói, nhăn mặt tập trung, “ông ta hỏi tôi về quá trình quân ngũ của tôi. Nhân tiện xin nói là tôi đã ở trong quân đội.”
“Gớm nhỉ. Ông ta biết điều đó, hay là ông nói với ông ta?”
Một suy nghĩ vĩ đại nữa từ thằng đần.
“Tôi không chắc. Giờ ông nhắc tới điều này, tôi nghĩ hẳn ông ta đã biết trước rồi.”
“Cô con gái cũng biết chứ?”
“Ồ, làm sao tôi dám chắc, phải không nào. Tôi không chú ý nhiều lắm tới cô ta.” Thật may là lúc đó tôi không bị gắn vào một cái máy nói dối. Cái kim hẳn đã đi sang phòng bên cạnh nằm nghỉ từ trước rồi. “Ông ta hỏi về kế hoạch của tôi, xem tôi định làm công việc kiểu gì. Thực ra thì cũng đâu có gì nhiều nhặn để nói.”
“Ông từng làm trong tình báo phải không?”
“Gì cơ?”
Cách tôi nói điều đó đáng ra phải được hiểu là đã trả lời câu hỏi của anh ta, nhưng anh ta vẫn tiếp tục.
“Trong quân đội. Ông đánh khủng bố ở Ireland. Ông có liên quan tới tình báo không?”
“Ôi Chúa, không.” Tôi mỉm cười, như thể là đang hãnh diện vì điều đó.
“Có gì mà buồn cười?” Tôi thôi cười.
“Không có gì, chỉ là... ông biết đấy.”
“Không, tôi không biết. Cái đó có liên quan nhiều tới việc tại sao tôi đang hỏi ông. Ông có ở trong tình báo quân đội không?”
Tôi hít một hơi đầy đau đớn trước khi trả lời.
“Ulster là một hệ thống,” tôi nói. “Thế thôi. Tất cả mọi việc diễn ra ở đó đều xảy ra hàng trăm lần rồi. Hệ thống là tất cả. Những người như tôi, ông biết đấy, chỉ có đó cho đông thôi. Tôi đi lòng vòng. Chơi quần vợt. Cười đùa một chút. Thực tình cũng khá vui.” Tôi nghĩ mình đã nói hơi quá, nhưng xem ra anh ta không để tâm. “Này, cổ tôi... tôi không biết nữa, có cái gì đó không ổn. Tôi cần gặp bác sĩ thật mà.”
“Ông ta là người xấu, Tom à.”
“Ai cơ?” Tôi hỏi.
“Woolf. Thực sự xấu. Tôi không biết ông ta đã nói với ông những gì về bản thân ông ta. Tôi đoán chừng ông ta không nói với ông về ba mươi sáu tấn côcain ông ta đã mang vào châu Âu trong bốn tháng vừa rồi. Ông ta có nói chuyện đó với ông không?” Tôi cố lắc đầu. “Chà, tôi cho là ông ta đã quên không nhắc tới điều đó. Nhưng đó là chuyện xấu với chữ X viết hoa, phải thế không Tom? Tôi thì tôi nói thế đấy. Ông ta là Quỷ sống trần gian, và ông ta bán côcain tổng hợp. Đúng thế. Nghe như một bài hát. Cái gì vần với côcain nhỉ?”
“Đau” tôi nói.
“Đúng thế,” Chải Chuốt nói. Hắn thích thú lắm. “Đau.” Hai chiếc giày da đi dạo lòng vòng một chút. “Có bao giờ ông nhận ra làm thế nào những gã xấu xa lại hòa hợp với những gã xấu xa không, Tom? Tôi thì nhận ra điều đó. Nó xảy ra suốt ấy mà. Tôi không biết nữa, bọn chúng thích có cảm giác như ở nhà, chia sẻ những sở thích, kiểu như cùng một ký hiệu ngôi sao, hay gì gì đó. Tôi thấy hàng nghìn lần. Hàng nghìn lần.” Hai chiếc giày dừng lại. “Bởi thế khi một người như ông bắt đầu bắt tay với một người như Woolf, tôi phải nói rằng nó làm cho tôi không thích ông cho lắm.”
“Này, kết thúc nhé,” tôi nói, vẻ hờn dỗi. “Tôi sẽ không nói thêm một lời nào nữa chừng nào tôi chưa nhìn thấy bác sĩ. Tôi không hề hiểu tí ti gì những điều ông nói. Tôi biết về Woolf cũng như biết về ông, nghĩa là chẳng biết gì sất, và tôi nghĩ rằng có khả năng cổtôi đã bị gãy.” Không có câu trả lời. “Tôi yêu cầu được gặp bác sĩ,” tôi nhắc lại, cố hết sức mình sao cho giọng mình nghe như một du khách người Anh ở trong một khu bán hàng của người Pháp.
“Không, Tom. Theo tôi chúng ta không nên làm lãng phí thời giờ của bác sĩ.” Giọng hắn đều đều, nhưng tôi có thể nói rằng hắn ta đang phấn khích. Tiếng da lạo xạo, và cánh cửa mở ra. “Ở đó với nó. Mỗi giây mỗi phút. Nếu mày phải đi nhà vệ sinh thì gọi tao.”
“Chờ một phút,” tôi nói. “Ý ông nói lãng phí thời gian là sao? Tôi đang bị thương. Tôi đang đau lắm, lạy Chúa.”
Đôi giày quay về phía tôi.
“Điều đó có thể, Tom. Điều đó rất có thể. Nhưng có kẻ rồ nào đi rửa đĩa giấy không?”
Chẳng có gì hay ho để nói hay để cảm nhận về tình trạng của tôi. Chẳng nhiều một chút nào. Nhưng quy luật là sau bất cứ một trận đụng đầu nào, thắng hay bại, anh phải chiếu lại đoạn phim trong đầu mình để xem anh học được những gì. Bởi thế đó là việc tôi làm, trong khi Richie huỵch vào bức tường cạnh cửa.
Đầu tiên, Chải Chuốt biết nhiều điều và hắn biết rất nhanh. Vậy hắn là người có quyền lực, hoặc có nguồn thông tin tốt, hoặc cả hai. Thứ hai, hắn đã không bảo hãy gọi Igor hay gọi thằng nào khác. Hắn nói “gọi tao”. Từ đó có thể suy ra rằng chỉ có Chải Chuốt và Richie ở trên tàu không gian này.
Thứ ba, và là điểm quan trọng nhất vào lúc đó: tôi là người duy nhất biết chắc chắn rằng cổ tôi không bị gãy.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm