Số lần đọc/download: 2300 / 36
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:54 +0700
Một Lối Trả Thù Độc Đáo
T
ôi 1 theo học ở Y-Khoa Đại-Học được bốn năm thì được nghiên-cứu kỹ về bịnh POTT.
POTT là tên của một giáo-sư y-khoa người Anh đã nghiên-cứu bịnh ấy. Đó là chứng bịnh lao của xương sống, nó làm cho người mắc bịnh càng ngày càng khòm lưng, đôi khi xương sống họ lại nẩy ra đàng trước, làm cho cái lưng thật lõm mà cái ngực thì lại lồi ra, thấy mà phát sợ.
Bịnh cũng tương đối trị được nếu đi khám ngay lúc nó mới phát khởi, nhưng để lâu thì vô phương cứu chữa.
Chúng tôi bị ám ảnh nghề-nghiệp, đi đường chỉ tìm con bịnh ngoài phố để mà quan sát, chẳng hạn nhìn một cô gái đẹp, chúng tôi không phải nhìn như các bạn đâu, mà lại thấy cô ấy dấu hiệu đau xương sống mũi, hoặc dấu hiệu "tiên-phuông" rằng, ngày kia, ba năm nữa, cô ta sẽ đau hạch cổ, bằng vào đôi mắt sáng đến độ kinh-dị của cô ta.
Cậu bé ấy là con bịnh đầu tiên mà tôi quan sát trong đời sinh-viên y-khoa của tôi, khiến cho tôi nhớ mãi, như là nhớ một người bạn thân.
Bọn sinh-viên y-khoa chúng tôi, anh nào ham học, thường hay vào các xóm nghèo để trị bịnh, nhứt là trị cho ăn mày, làm việc riêng rẻ cá nhân chớ không lập đoàn lập hội gì cả, không đăng báo, đăng biếc gì hết.
Gặp cậu ấy lần đầu, tôi ngứa tay ghê lắm. Nhưng cậu ấy mặc Âu-phục rất sang, nên tôi không dám đề nghị gì. Nhà giàu ai người ta cần mình, mà rủi ro có gì họ kiện cho thì rủ tù, vì mình là thầy thuốc lậu, chưa có bằng đã làm tài khôn đi trị bịnh thiên hạ.
Hôm ấy, vừa đệ trình luận án xong và được chấm đậu, tôi nghe nhẹ quá, nên đi luôn xuống chợ chó Hàm-Nghi để mua một cây cảnh mà tôi ước ao từ lâu, một cây tòng nhỏ xỉu, cao không quá một gang tay, trồng trong một cái chậu sứ rất xinh, loại cây cảnh để bàn viết cho mát mắt, cho an thần, nhờ màu xanh của nó.
Giờ rảnh rang rồi, tôi mới chơi được cái trò tốn công ấy, vì mỗi tối, phải mang nó ra sân cho nó hứng sương, sáng ra phải phơi nắng nó mấy tiếng đồng hồ, tốn thì giờ vô cùng.
Tôi lại gặp cận bé nầy ở đó, trước dãy hàng chim. Không, xem kỹ lại thì cậu ấy không bé tí nào, vì gương mặt cậu còn già hơn gương mặt tôi nữa, chỉ vì cái xương sống của cậu nó xếp lại như cây đàn ắc-coóc-đê-ông nên cậu lùn, mới trông ngỡ là còn trẻ con.
Anh ấy - xin không gọi cậu ấy bằng cậu nữa - anh ấy tới trước một hàng chim chưa nói gì cả, mà anh bán chim đã hỏi:
- Mấy con, ông?
- Một chục.
Tôi rất ngạc nhiên. Chim đó là chim gì không biết, mà xấu xí lắm. Anh ấy mua chi mà nhiều lắm thề? Và chắc chắn anh ta là một khách hàng rất quen, bằng vào hai câu đối thoại trên đây.
Anh hàng chim mở cửa một cái lồng, chụp lấy một con rồi... ồ nầy lạ, anh ta phóng con chim ấy lên không trung. Mấy giây đầu nó hoảng lắm, đoạn ngơ-ngác, rồi mừng rỡ, nó bay đi luôn, bay thật mau, như sợ bị bắt lại vì nó không tin lắm là kẻ bắt nó lại phóng thích nó.
Anh hàng chim làm lại y như trước, tới con thứ năm thì tôi bỗng hiểu cả. Đây là trò phóng sanh làm phúc mà các cụ thường làm vào những ngày rằm tháng bảy.
Tôi còn hiểu xa hơn thế kia: con người tàn tật nầy đã tuyệt vọng trước khoa học của loài người nên mong mỏi kêu gọi lòng thương của thiêng-liêng nào đây chớ không có gì lạ.
Khi đúng mười con chim được trở về với trời cao, cây xanh, gió lộng, người tàn-tật hỏi:
- Bao nhiêu?
- Dạ một đồng mười con, như thường lệ.
Tôi lại một lần kinh-ngạc nữa. Những người hàng chim, hàng chó, hàng khỉ ở đây bán mắc lắm. Phương chi kẻ làm phúc lại không hỏi giá trước, không mặc cả gì hết, thì mặc sức cho họ đập anh ta, chuyện đã rồi thì cho dẫu họ đòi mười đồng một con, anh ấy cũng phải trả. Tại sao lại có cái giá rẻ mạt này.
Bước tới vỗ vai người mắc bịnh Pott, tôi nói:
- Xin mời anh bước ra ngoài, cho tôi hỏi thăm chút việc.
Chúng tôi băng qua đường để đứng trên một bãi cỏ giữa đại lộ. Bãi cỏ nầy chia đại lộ ra làm nhiều con đường nhỏ. Tôi tự giới thiệu:
- Thưa anh, tôi là bác-sĩ. Tôi có thể thử trị bịnh của anh mà không lấy tiền lấy gạo gì hết. Tôi không dám bảo đảm, vì chắc anh bịnh đã khá lâu rồi, nhưng cứ nên thử xem. Dầu sao cũng hơn là phóng sanh chim. Anh nghĩ thế nào?
Người tàn-tật lùn lắm. Anh phải ngước lên để nhìn tôi rồi giây lâu, anh cười:
- Chào bác-sĩ. Nhưng chắc bác-sĩ mới ra trường?
- Ừ.
- Tôi trông vẻ mặt còn trẻ quá của bác-sĩ là đoán được ngay. Nhưng tôi cho bác-sĩ hay rằng chẳng những tôi đã nhờ bác-sĩ thường điều trị cho, mà tôi lại đã nhờ cả giáo sư y-khoa nữa, họ khám bịnh một lần, lấy đến bốn trăm đồng. Tất cả đều bảo rằng đã trễ quá rồi. Tôi rất ân-hận là buổi đầu, tôi không biết, chỉ uống thuốc ta, không ăn thua gì hết. Dầu sao, tôi cũng cám ơn lòng tốt của bác-sĩ.
Anh ấy nói rồi thở dài, mặt buồn hiu.
- Anh năm nay bao nhiêu tuổi?
- Hăm bốn! Buồn lắm bác-sĩ ơi! Cuộc đời đối với tôi không có mùi vị gì hết.
- Anh bịnh từ năm nào?
- Tử năm tôi lên mười tám. Đó là năm mà tôi bắt đầu mơ yêu. Qua năm mười chín, tôi yêu thật sự và cũng suýt được yêu.
Nhưng năm ấy sao mà bịnh tiến triển mau lẹ quá, mau lẹ hơn bất kỳ năm nào hết, trong vòng sáu năm nay. Trước sau có mấy tháng mà tôi khòm đi trông thấy, không làm sao mà giấu người yêu của tôi được.
Tôi đã tỏ tình, nàng đã nhận lời, nhưng chưa kịp yêu thật sự thì nàng chợt thấy sự tàn-tật vừa bắt đầu của tôi. Nàng khuyên tôi lo điều trị và năm ấy, nàng rất ít tới lui với tôi lắm, có gặp nhau, nàng cũng tỏ ra rất dè dặt. Cuối năm đó, thấy không còn hy vọng gì nữa, nàng dứt luôn...
Anh phóng sinh chim nghẹn ngào. Tôi thấy một cục tròn tròn chạy lên, chạy xuống ở cổ anh.
Té ra giáo sư của tôi cũng đã chịu thua rồi. Tôi biết ông ấy là ai, vì ở Sàigòn nầy chỉ có vị giáo-sư ngoại quốc ấy là chuyên môn về bịnh Pott thôi.
Như vậy, kẻ chơi cờ chưa sạch nước cản là tôi sẽ làm được gì? Nhưng tôi lại kinh nghiệm rằng con người sống bằng hy vọng, nên nói liều:
- Anh cứ thử một lần nữa xem, vì biết đâu. Vả lại ta đã chẳng có câu tục ngữ: "Phước chủ may thầy à?"
Nếu tôi không trị lành anh được thì tôi cũng không thể hại cho anh nặng thêm. Vả, anh cũng khỏi tốn gì hết kia mà.
- Vô ích bác-sĩ à! Tôi có gởi thơ tới Hàn-lâm Y-học bên Pháp nữa. Họ đã trả lời rằng hết hy vọng.
- Họ nói trắng trợn như vậy à? Tôi ngạc nhiên lắm nên hỏi thế, vì truyền-thống của giới y-khoa Pháp là không bao giờ làm cho con người hết hy vọng.
- Không, họ không nói rõ như vậy nhưng tôi đọc được giữa dòng và hiểu như vậy.
- Dầu sao, thử xem cũng hơn la phóng sanh chim.
Người tàn tật ngước lên nhìn tôi rồi cười ha hả. Anh ta cười lâu lắm, cười đến sặc lận, và hơn mười lăm phút sau, anh rút khăn mu-xoa lau nước mắt rồi nói:
- Xin lỗi bác-sĩ. giữa hai chúng ta, kẻ đáng thương hại là bác-sĩ chớ không phải tôi.
- Vậy à?
Tôi không hiểu, nên chỉ mỉm cười. Tôi cũng không bị mích lòng vì tôi biết nỗi đắng cay của người tàn tật, nỗi niềm nầy đôi khi làm cho họ bất lịch sự, có thể còn ác nữa là khác.
- Ừ, chính bác-sĩ là người đáng thương hại đó.
- Tôi không hiểu.
- Bác-sĩ còn trẻ quá. Không, không trẻ hơn tôi bao nhiêu đâu...
- Tôi hăm bốn.
- Vậy thì đâu có trẻ hơn tôi. Nhưng tôi đau khổ nhiều, tức sống nhiều, hóa ra già hơn bác-sĩ. Tôi phóng sanh chim đâu có phải để làm phước như các cụ, đâu có phải mong Trời, Phật làm phép lạ cho tôi lành bịnh đâu.
- Thế à? Thế thì tôi lầm. Vậy ra, chỉ vì nhơn đạo, nói cho đúng, vì tình thương loài vật mà anh...
- Cũng không phải vậy.
- Chớ để làm gì?
- Đố bác-sĩ đó.
- Tôi chịu thôi.
Người tàn tật lại phá lên cười. Lần nầy anh ta còn cười dữ hơn khi nãy nữa và tôi nghe như là trong giọng cười của anh có pha lẫn sự mỉa mai, sự đau đớn.
Lại lau nước mắt một lần nữa, anh ta nói:
- Rồi bác-sĩ sẽ biết đời và có thể bác sĩ sẽ đau đến không còn biết đau nữa vì tê tái lòng. Tôi trả thù đôi đó, chớ không có gì lạ đâu.
- Trả thù?
- Vâng.
- Trả thù bằng cách phóng sanh chim?
- Vâng.
- Thật là không hiểu.
- Tôi bị mặc cảm nặng lắm bác-sĩ à! Mà ai đã làm cho tôi mặc cảm? Chính là lũ nó, cái lũ đã đi đứng ngay ngắn ấy, cái lũ con gái đẹp ấy.
Thế nên tôi phải bắt chúng nó bị mặc-cảm như tôi mới được. Bác-sĩ không thấy rằng bao nhiêu người đứng gần tôi, định mua chim về nhốt trong lồng, thấy tôi làm thế, đều tản ra đi hết, không thằng nào, con nào còn dám mua nữa à?
- Quả đúng như vậy.
- Chúng nó tự nói thầm: "Người ta phóng sanh chim, còn mình thì toan làm mất tự do chim, coi sao được".
- Ừ, quả đúng như vậy.
- Cho đến cái thằng cha bán chim cắt cổ thiên hạ, nó cũng bị mặc cảm, chỉ lấy tiền tượng trưng thôi, một cắc một con, có kỳ chưa?
- Giờ thì tôi mới hiểu tại sao nó bán rẻ thế.
- Lần đầu nó đập tôi sát ván, tính đến mười lăm đồng một con. Tôi chỉ cười rồi bình thản trả tiền.
Đến lần thứ ba, nó đâm sợ, cho giá hạ xuống như tuột dù.
Tôi còn nhiều trò ảo thuật nữa để gây mặc cám cho lũ nó hết thảy, không chừa thằng nào, con nào cả.
- Chừa tôi không?
- Bác-sĩ đã bị mặc cảm rồi, khỏi phải kể đến.
- Tôi bị mặc cảm à?
- Bác-sĩ bị mặc cảm kém cỏi. Đã biết bịnh hết hy vọng mà cứ nài nỉ trị thử, mong làm hơn giáo-sư của bác-sĩ.
Chia tay nhau rồi, tôi lủi thủi đi, đâm lo rằng ngươi tàn tật ấy phê-bình hữu lý về tôi.
Ừ, tại sao tôi lại cứ cố nài-nỉ làm một công việc khó mong thành công?