People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Hướng Về Những Ấp Chiến Lược
hững ý kiến đại sứ Durbrow điện về Washington tháng 9 năm 1960 chỉ là một mặt của sự phát triển - một sự phát triển chiếm phần lớn công việc năm đó - của một kế hoạch tổng thể do các nhà quan liêu giấy tờ hoạch định ra để chống lại cuộc nổi dậy của cộng sản. Kế hoạch dự kiến chỉ phải bàn bạc với Việt Nam một cách tối thiểu và kết quả cuối cùng phải là tổng hợp được những gì mà các cơ quan Mỹ đóng ở Sài Gòn muốn ưu tiên hoặc ưa thích. Nó rất ít dính dáng với một chiến lược tổng hợp và nó hầu như không đếm xỉa đến thực tế những nỗ lực mà cộng sản bỏ ra để tổ chức nông dân và làm xói mòn sự có mặt của chính phủ ở nông thôn, là nơi mà chính phủ yếu nhất.
Phần quân sự của kế hoạch gồm chủ yếu một viện trợ bổ sung cho hai mươi nghìn binh sĩ quân đội Sài Gòn và một sự giúp đỡ quân sự của Mỹ cho ba mươi hai nghìn của số sau mươi tám nghìn người trong lực lượng bảo an, tức là bộ đội địa phương cấp tỉnh. Tôi phải thú nhận là đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được rõ lý do của sự tính toán “tinh tế” đó.
M.A.A.G. đưa ra chiến lược “bủa lưới phóng lao”, tức là phái các đội tuần tiễu đi sâu vào nội địa để phát hiện và định vị được các đơn vị cộng sản, rồi sau đó tung lính cơ động ra để tiêu diệt đối phương - đó là một chiến thuật cổ truyền dùng để xác định, gìn giữ và tấn công đối phương. Một trong những quan tâm của các nhà quân sự Mỹ là sử dụng các lực lượng địa phương vào những nhiệm vụ phòng ngự “tĩnh tại” như bảo vệ cầu, công sở và một số mục tiêu khác, tạo điều kiện cho quân chính quy, được rảnh tay khỏi các công việc đó, có thể làm nhiệm vụ tiến công theo truyền thống mà quân đội Mỹ ưa thích. Quan tâm khác là đặt lực lượng quân địa phương ấy dưới một bộ chỉ huy quân sự duy nhất, tước nó ra khỏi quyền chỉ huy của các tỉnh trưởng mà người ta khẳng định rằng những người này thường bắt phải làm quá nhiều các nhiệm vụ phòng thủ.
Về mặt dân sự, kế hoạch tổng hợp chống nổi dậy được vạch ra theo những kiến nghị trong báo cáo gửi về tháng chín của ông đại sứ: Phải có những thành viên của phe đối lập được đưa vào chính phủ Diệm (chứ không phải chỉ trong quốc hội), quyền lập pháp, theo truyền thống ưu việt của Hoa Kỳ, phải mở một cuộc điều tra vào bên hành pháp để làm sáng tỏ việc quản lý tồi và tham nhũng. Ở nông thôn, quân chính quy được chỉ dẫn là phải có những “hoạt động dân sự” (như phát thực phẩm, xây những công trình công cộng) có thể gây trong dân chúng lòng biết ơn. Nhưng người ta không thấy hết bất cứ ở đâu trong kế hoạch này một điểm nào liên quan đến hoạt động chính trị thuần tuý, như tổ chức dân chúng thành những đoàn thể chính trị, nêu ra một mục tiêu, một sự nghiệp có khả năng lôi kéo được dân chúng tham gia, ủng hộ, phát triển một quyền lực và sự cố kết địa phương ở cấp độ làng xã... Nói một cách khác, là tạo nên một sự đối chiếu trực tiếp với chương trình mà cộng sản tiến hành ở nông thôn. Trong đời sống chính trị, người Mỹ coi những hoạt động ấy là thuộc phạm vi chủ động của cá nhân, của nhóm, chứ không cần phải do chính phủ đứng ra tổ chức. Những biện pháp kiểu đó đã bị loại ra khỏi kế hoạch năm 1961 của Mỹ, trong khi đối với kế hoạch cộng sản thì nó lại nằm ở trung tâm.
Đối với kế hoạch của Mỹ, tôi gợi ý một sự giúp đỡ chủ yếu của C.I.A.: đó là thành lập một tổ chức trung ương tình báo Việt Nam để phối hợp nỗ lực của các tổ chức tình báo chống cộng sản ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, chính phủ Nam Việt Nam đã có những việc họ tiến hành mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ, như những cố gắng vụng về của họ trong âm mưu hạ bệ thái tử Shihanuk, quốc vương của nước láng giềng Campuchia. Khi biết được những hoạt động ấy, tất nhiên người Campuchia đã lên án Mỹ và C.I.A. Họ không thể quan niệm nổi Nam Việt Nam làm một việc gì mà lại không có sự tham gia của Mỹ. Khi những người Việt Nam làm cho Mỹ báo tin cho biết, chúng tôi đã cố gắng ngăn cản Diệm - Nhu, nhưng việc ấy không xong. Sau đó Shihanuk bắt được một trong những người cầm đầu âm mưu, và tìm thấy trong nhà cánh tay phải của người này một chiếc đài mà C.I.A. đưa cho để bí mật thông tin cho chúng tôi những ý đồ của cấp trên anh ta. Như người ta có thể chờ đợi, Shihanuk tin chắc là ông đã nắm được trong tay chứng cớ đích xác là Mỹ đã thông đồng với Diệm - Nhu. Từ đấy ông bắt đầu nói về “Cuộc chiến chống C.I.A của ông”.
Sở C.I.A. ở Sài Gòn cũng có quan hệ với nhiều nguồn riêng là những nhân vật chính trị dân sự, những người không mệt mỏi tìm cách thay đổi những phương pháp cầm quyền của chế độ độc tài Diệm. Họ rất hài lòng khi có được quan hệ tin cậy với một người nắm giữ đất nước. Chúng tôi cũng còn có nhiều nguồn độc lập khác nằm trong và ngoài chính phủ để chúng tôi không phải chỉ duy nhất phụ thuộc vào những thông tin mà chính phủ và các cơ quan của họ muốn cho chúng tôi biết. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi tôi mới về sở, là sở hoàn toàn không có một chương trình nào về hoạt động chính trị hay bán quân sự - tức một cái gì đó, vượt quá công việc đơn giản là thu lượm tin tức tình báo, mà nó đòi hỏi phải sử dụng những kỹ thuật và tài năng của sở để xúc tiến chính sách và các lợi ích của Mỹ. Chính sách ủng hộ Diệm của Mỹ tất nhiên yêu cầu chúng tôi không được ủng hộ những địch thủ của Diệm, nhưng tôi lo ngại rằng ngoài những quan hệ của chúng tôi với các cơ quan tình báo của họ, chúng tôi gần như không làm gì, để giúp cho chế độ đó mạnh lên. Sự ngạc nhiên của tôi một phần là do trước đây khi làm việc ở Ý, tôi thấy ngoài việc cộng tác với các cơ quan tình báo Ý, C.I.A. còn tiến hành những hoạt động quan trọng để ủng hộ các đảng dân chủ phái giữa, chống lại những âm mưu lật đổ chính phủ của những người cộng sản bằng con đường chính trị.
Tôi cũng không kém ngạc nhiên khi thấy C.I.A. ở Sài Gòn thiếu hẳn những thông tin có ích liên quan đến Bắc Việt Nam và cộng sản ở miền Nam, ngoại trừ những tin tức mà các mạng lưới đáng ngờ của tình báo Nam Việt Nam cung cấp. Điều đó có thể giải thích bằng việc thiếu gần như hoàn toàn việc liên lạc giữa Bắc, Nam và những hệ thống an ninh rất nghiêm ngặt của cộng sản cũng như tính chất bí mật của cộng sản miền Nam.
Tuy nhiên từ đầu cuộc chiến ở miền Nam, chúng tôi đã bắt đầu tìm cách cải thiện những mạng lưới của chúng tôi, đồng thời giúp đỡ Nam Việt Nam hiểu biết hơn về cộng sản và tăng cường sức chống đỡ của họ đối với sự xâm nhập và sức ép của kẻ thù. Về phương tiện và phân tích những thông tin do các tổ chức tình báo dân sự cũng như quân sự khác nhau của Nam Việt Nam thu được, bằng cách như ở một số nước khác đã làm, là thành lập một tổ chức tình báo trung ương theo mô hình của C.I.A. Bổ trợ thêm vào đó là các lớp chuyên môn tình báo mà chúng tôi mở cho các sĩ quan Việt Nam.
Chúng tôi cũng bắt đầu nghiên cứu tính chất những nỗ lực của cộng sản và trù tính những cách thức mà chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ có thể sử dụng để chống lại nó tốt hơn. Cá nhân tôi, tôi đã có kinh nghiệm về hoạt động du kích ở Pháp và Nauy trong Đại chiến thế giới thứ hai. C.I.A. đã có nhiều dính líu vào những hoạt động vừa chính trị, vừa bán quân sự nhằm ủng hộ những người nổi dậy chống một chính quyền thù địch (như ở Indonesia và Goatêmala), hoặc ủng hộ một chính phủ chống lại những người nổi dậy (như ở Philippines và Lào). Còn về kinh nghiệm duy nhất trong việc cầm quyền ở Mỹ thì C.I.A. học được sự cần thiết phải tập trung họp, huy động được mọi vũ khí chính trị, hậu cần và bán quân sự để gây được một sức ép chiến lược đối với kẻ thù hay để ủng hộ một ứng cử viên. Chính vì vậy mà trong những cuộc gặp gỡ hàng tuần với Nhu, chúng tôi thường trao đổi nhiều về tính chất “chiến tranh nhân dân” của cộng sản và về những cuộc đấu tranh chính trị của họ ở Châu Âu, Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Chúng tôi cũng quan tâm đến những chương trình người Pháp đã làm ở Việt Nam, hay đã áp dụng trong các nước như ở Malaysia và Angiêri, để thử tìm một chiến lược có khả năng đương đầu với cộng sản Việt Nam ngay trên mảnh đất của họ trong khi xây dựng ở nông thôn một lực lượng có thể chống đỡ với họ. Trong câu chuyện, Nhu đã dần bỏ sự quyến rũ mà kỹ thuật Lêninít về việc kiểm soát bộ máy của đảng (trong trường hợp này là đảng Cần Lao của Nhu) đã gây cho ông, để chấp nhận sự cần thiết là không chỉ lãnh đạo, mà còn phải biết động viên được những người dân bình thường để họ có thể chống cự với những cuộc tấn công của kẻ thù trong khi yên tâm rằng họ sẽ được giúp đỡ và che chở trong nỗ lực của họ.
Những ý kiến đó phù hợp với thái độ khinh miệt của Nhu đối với giới tinh hoa thành thị trong việc họ lãnh đạo Việt Nam và Nhu tin chắc là họ sẽ bảo vệ những giá trị của nước ngoài hơn là những giá trị của Việt Nam. Vậy là một giải pháp đem lại hy vọng về những người lãnh đạo mới và một nền tảng mới cho đất nước Việt Nam đã làm Nhu thú, nhất là nếu nó trực tiếp chiến đấu với những biện pháp trên cùng chiều của những người cộng sản Việt Nam. Nhu cũng đánh giá cao việc chúng tôi đề cập đến những chiến lược chính trị mà không cần tính đến cánh quân sự, những người mà Nhu không mấy tin cậy. Ý tưởng về một chương trình “ấp chiến lược đã nảy sinh ra như vậy đấy, nhưng còn phải mất nhiều thời giờ thảo luận nữa với Nhu để phát triển ý tưởng đó và tin chắc rằng nó là có căn cứ”.
Những vấn đề đó, cũng như số phận của một nước Việt Nam xa xôi, tất nhiên chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong cuộc đấu tranh cực kỳ quan trọng để bàn ra người kế tiếp tổng thống Eisenhower năm 1960. Cuộc tranh luận về việc mở một cái “hố chôn tên lửa” giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, những thách thức của tinh thần trung lập của hội nghị Băngđung1 và của Castro ở Cuba trong những nước đang trên đường phát triển, vấn đề bình quyền, một vấn đề còn xa mới được giải quyết ở Hoa Kỳ, tất cả những cái đó còn đáng kể gấp rất nhiều lần so với vấn đề Việt Nam dưới con mắt một nhà lãnh đạo chính trị mới. Thắng lợi của John Kennedy trước Richard Nixon với một cách biệt không đáng kể, hình ảnh của một nhà lãnh đạo trẻ năng động, cùng vợ ông và gia đình danh tiếng của ông đã trở thành một biểu tượng của niềm hy vọng Hoa Kỳ. Kennedy đã tiến đến Việt Nam trước khi ông được bầu. Ông đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và gặp Diệm là người mà ông nồng nhiệt tán thành. (Diễn văn nhận chức của Kennedy đã gây một tác động ghê gớm đối với Tổng tham mưu tướng Nguyễn Đình Thuần của Diệm, khi Thuần đến ăn ở chỗ tôi để đọc văn bản đầu tiên của sở thông tin Hoa Kỳ U.S.I.S (United States Information Service - Cục thông tin Mỹ) nhận được ở sứ quán). Thế nhưng ở Đông Nam Á, vấn đề chính Kennedy phải đương đầu khi mới nhận chức lại không phải là Việt Nam mà là Lào. Ở đấy, trong khi bộ đội cộng sản Việt và Lào được trang bị cả máy bay Liên Xô thì chống lại họ, phía chính phủ chỉ có một lực lượng bộ đội anh hùng và một số bộ đội Lào đang chiến đấu trên vùng núi với sự ủng hộ của những đơn vị nhỏ thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ và một số nhân viên C.I.A. Đương nhiên là cộng sản thắng thế. Sự sụp đổ của quân đội quốc gia Lào, đảo chính và phản đảo chính là hậu quả của việc mở rộng đều đều những vùng do cộng sản kiểm soát mà người ta thấy trên bản đồ Lào.
Để đương đầu với tình thế, Kennedy công khai kêu gọi phải hành động, dù phải đưa quân đội vào tham chiến nếu cần thiết, nhấn mạnh việc làn sóng cộng sản đang tràn về phía Nam nếu không ngăn chặn nó ở Lào. Nhưng đồng thời ông cũng đề nghị thương lượng về một giải pháp ở Genève trong trường hợp có ngừng bắn. Đang có nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết, như vấn đề Berlin chẳng hạn, nhà lãnh đạo Xô viết Khrusov Nikita cũng chẳng muốn có một cuộc đối đầu trên đất nước Lào xa xôi. Hai nguyên thủ quốc gia gặp nhau ở Viên, tháng Sáu năm 1961. Bất chấp những bất đồng của họ trên một số lĩnh vực khác, hai ông đã thỏa thuận với nhau là để Lào sang một bên những quan tâm chung của họ và tuyên bố trung lập. Các chi tiết sẽ được giải quyết vào tháng Bảy năm 1962 trong hội nghị mười bốn nước họp ở Genève.
Nhưng trái lại, vấn đề Việt Nam thì không thể để sang bên. Bởi ở đây, Liên Xô chỉ là người ủng hộ cho những tham vọng đã được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Bắc Việt xác định, cổ vũ và lãnh đạo: nước Việt Nam cũng như toàn Đông Dương phải được đặt dưới quyền lực của họ. Hiển nhiên Việt Nam sẽ là thử thách cho lời cam kết của tân tổng thống Mỹ khi ông nhận chức: trả bất kỳ giá nào, mang tất cả các gánh nặng, đương đầu với mọi thử thách, ủng hộ tất cả các bạn bè và chiến đấu chống mọi kẻ thù để bảo đảm cho sự tồn vong và thành công của tự do”. Kennedy coi vấn đề Việt Nam như yếu tố chủ yếu của nguy cơ bành trướng cộng sản trên quy mô thế giới. Trong bối cảnh đó, Liên Xô và Trung Quốc duy trì với Bắc Việt Nam một liên minh vững chắc nhằm mở rộng hơn nữa quyền kiểm soát của họ đối với vùng Đông Nam Á. Thực ra đúng vào lúc này liên minh Xô - Trung đang dần tan rã và các nhà phân tích của các cơ quan tình báo cũng đang có những ý kiến trái ngược về tính chất của sự tan rã ấy, người thì cho rằng nó là thực, người lại ngờ đây chỉ là một chiến dịch bóp méo, giả mạo thông tin nhằm để đánh lừa đối phương - Song việc coi Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam là sự mở rộng những mưu đồ của Liên Xô và Trung Quốc chắc chắn là không phản ánh đúng lập trường của Hà Nội, bởi họ đã kiên quyết đòi được độc lập kiểm soát những hành động của họ.
Mặt khác, Kennedy cũng có lý do để tin có sự đe dọa cộng sản ở Việt Nam, đó là lời tuyên bố không úp mở của Khrusov vào tháng Một năm 1961, đúng trước ngày Kennedy nhận chức. Khrusov nhấn mạnh rằng nghĩa vụ của các nước cộng sản là phải ủng hộ những cuộc cách mạng hay “chiến tranh giải phóng dân tộc” ở những nước trước đây hay hiện nay là thuộc địa, bao gồm cả Việt Nam. Nhưng trong lúc đó, Kennedy đang tìm cho Hoa Kỳ một cách thức tốt hơn là cách thức của một cường quốc quân sự duy nhất để chống lại những đe doạ ấy. Đúng lúc khi vừa mới được bầu và đang còn chưa nhận chức, ông đã phái Edward Lansdale, được công nhận là chuyên gia về Việt Nam và lúc này đã lên tướng, sang Việt Nam để xem xét tình hình tại chỗ và trở về báo cáo. Lansdale là nguyên mẫu của tay “người Mỹ xấu xa” trong các cuốn tiểu thuyết1, người đã phát triển được những mối quan hệ thân thiết với những người Châu Á, bằng cánh tìm hiểu văn hoá và những nhu cầu của họ, chứ không chỉ tìm hiểu nội dung của các lời tuyên bố chính trị và những bài viết tuyên truyền của họ. Những gì Lansdale đã làm được cho tổng thống Ramon Magsaysay ở Philippines đã đi vào huyền thoại và những gì ông biết về nguy cơ của cộng sản ở nông thôn sẽ đặc biệt có ích trong bối cảnh Việt Nam. Sự cộng tác hữu hiệu của ông với Diệm trong thời kỳ gay go của những năm 1954 - 1955 đã hiển nhiên làm cho ông trở thành ứng cử viên lý tưởng để làm nhiệm vụ cố vấn và thông tin cho tân tổng thống Mỹ về vấn đề Việt Nam.
Đầu năm 1961, có tin đồn Kennedy dự kiến sẽ cử Lansdale sang làm đại sứ ở Nam Việt Nam, cho nên ông đã được người Mỹ làm việc ở đấy đón tiếp rất trọng thị, đặc biệt những người của C.I.A. ở Sài Gòn, ông đã chăm chú lắng nghe chúng tôi nói về công việc, nhưng chỉ giữ một thái độ bình thản và không bày tỏ một ý kiến nào về những gì ông thực sự nghĩ trong đầu. Không chỉ bằng lòng với những gì chúng tôi thông tin trong các cuộc họp tổ chức theo yêu cầu của ông, ông còn đi về nông thôn để trò chuyện với những người Việt Nam và nghe họ nói. Những kết luận ông mang về Washington không có gì gây động trời lắm (bởi đó là những điều nhiều người đã biết), tình hình đang thực sự xấu đi, những va chạm giữa sứ quán - đặc biệt giữa đại sứ Durbrow - với Diệm đã kìm hãm một công việc lẽ ra đã phải làm, thực tế, Durbrow đã kiên quyết không cho bật đèn xanh về việc tăng quân đội Sài Gòn mà giới quân sụ Mỹ đã yêu cầu, hy vọng qua đó bắt Diệm phải có những nhân nhượng về chính trị mà Durbrow đã khuyên nhủ. Theo Lansdale, cần phải cử sang Việt Nam một đại sứ mới để gây lại lòng tin cho Diệm trong việc hợp tác với người Mỹ.
Trong khi tình hình ở nông thôn ngày càng căng thẳng và sự năng động của Kennedy khuyến khích chúng tôi phải tìm ra những ý tưởng mới để đấu tranh chống lại mối đe dọa cộng sản đang ngày càng trở nên tàn bạo, chúng tôi đã tung người của C.I.A. vào một loạt các chương trình nhằm đương đầu với tình thế một cách cụ thể hơn, thay vì chỉ đơn giản làm cái công việc báo cáo lại những gì đã xảy ra theo như thường lệ. Sở C.I.A. ở Sài Gòn vẫn có một ban còn giữ lại của phái bộ Lansdale từ những năm 1954 - 1955, nay do một chuyên gia về những vấn đề bán quân sự tính hay càu nhàu phụ trách. Một trong những mối tiếp xúc của viên chuyên gia này là một thanh niên Mỹ làm việc cho cơ quan tình nguyện quốc tế (International Voluntary Service) một tổ chức từ thiện tư nhân, tiền thân của Đội hoà bình (Peace Corps) của Kennedy. Anh thanh niên tình nguyện này sống và làm việc giữa một tộc người miền núi, người Rađê. Nhận thấy chính quyền và quân đội Sài Gòn rất ít quan tâm đến dân miền núi - đấy là khi họ không đàn áp dân ở đấy như cách mà người Mỹ đàn áp thổ dân da đỏ - anh thanh niên này cuối cùng phải lo ngại rằng những người dân ấy rất dễ bị cộng sản gây sức ép hay lôi kéo.
Hai người gợi ý tôi là người Rađê có thể tự bảo vệ mình nếu như họ được tổ chức và trang bị vũ khí. Ý tưởng đó rất có lý. Nếu những người dân miền núi có thể tự bảo vệ được thì điều đó sẽ tước đi mất của cộng sản những căn cứ và sự ủng hộ mà cộng sản rất cần và hy vọng vào đó để có thể đứng chân trên vùng núi. Tuy nhiên rõ ràng một kế hoạch như thế cần phải được đề cập một cách rất cẩn trọng để không gây nên sự nghi ngờ cũng như sự chống đối của các quan chức Việt Nam. Đó là lý do mà tại sao chúng tôi không thể áp dụng kế hoạch này bằng con đường thông thường, tức là qua chính phủ Việt Nam, cũng như không thể đưa nó vào chương trình A.I.D. của Mỹ. Nói một cách khác, đây chính là một trường hợp điển hình của cách làm việc của C.I.A. nó đòi hỏi phải có một sự tinh tế về chính trị, những cuộc tiếp xúc với giới thẩm quyền cao nhất của chính quyền, sự mềm dẻo trong điều hành quản lý sự tài trợ về tiền của và hậu cần, và đủ khéo léo để vận dụng kế hoạch cho phù hợp với những yêu cầu khác nhau của địa hình thay vì cứ áp đặt một mẫu thống nhất cho tất cả. Tất nhiên là cũng phải tiến hành kế hoạch đó một cách rất cẩn thận về phía Mỹ, trong phạm vi không để nó có nguy cơ lấn những đặc quyền xét xử của phái đoàn A.I.D. và M.A.A.G.
Cho nên chúng tôi quyết định bắt đầu công việc đó một cách khiêm tốn, bằng cách chứng minh cho ý kiến của chúng tôi bằng một thử nghiệm thành công, hơn là trước khi thử đã vội đi rao bán một môn thuốc bách bệnh một cách rùm beng để rồi gây nên những lời phản đối có thể. Chúng tôi đi kiếm một vài người Việt Nam có khả năng chấp nhận là nên làm một cuộc thí nghiệm và cam đoan với chính phủ rằng họ sẽ kiểm soát việc đó một cách chặt chẽ để công việc không thể quay ra chiều hướng xấu.
Tìm được người rồi, tôi đến báo với Nhu là chúng tôi đã tìm được một cơ hội để giải quyết vấn đề an ninh địa phương ở vùng núi, nơi mà chính quyền và quân đội Sài Gòn có nhiều sơ hở. Vì thấy những quan chức chúng tôi tranh thủ được đã biết rất rõ về công việc này và họ có thể báo cáo lại với Nhu, nên Nhu cho phép tôi hành động. Sau khi dự phòng được mấy cái đó tôi đã dễ dàng được đại sứ đồng ý cho tiến hành chiến dịch, một chiến dịch nhỏ bé và độc lập với các chương trình lớn của A.I.D và quân đội. Cuối cùng, chúng tôi thuyết phục được mấy thành viên của lực lượng đặc biệt Mỹ đồng ý giúp cho việc huấn luyện bán quân sự và cho những lời khuyên bảo cần thiết.
Khi mọi chuẩn bị ban đầu đã xong, chúng tôi có thể thực sự bắt đầu vào làm việc với dân làng Buôn Ênao, một buôn nhỏ cách Buôn Mê Thuộc mười kilômét trên vùng núi Bắc Sài Gòn. Như chúng tôi mong đợi dân làng đã đón tiếp đề nghị của chúng tôi một cách thuận lợi: họ đào hầm hố cho gia đình, xây dựng công sự chiến đấu cho những người phòng thủ, trồng rào nhọn ở những nơi không có người qua lại. Họ nhanh chóng học được cách sử dụng những vũ khí cũ kỹ được chúng tôi trang bị và đặc biệt thích thú chiếc máy bộ đàm, nó giúp họ báo tin về sở chỉ huy mỗi khi họ bị tấn công và yêu cầu giúp đỡ. Tất nhiên, để khỏi đụng chạm đến tính nhạy cảm của người Việt Nam, chúng tôi vẫn để trương cờ Việt Nam và lực lượng đặc biệt người Việt sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm với người Mỹ trong việc huấn luyện và chỉ huy. Do không ai biết sáng kiến thực sự này là của người Mỹ, nên chúng tôi đã tránh được những khó khăn mà điều đó có thể gây nên, bằng cách giải thích cẩn thận rằng những huấn luyện viên người Việt và người Mỹ sẽ tiếp tục làm công việc này ở một làng khác, khi nào Buôn Ênao có thể tự xoay xở được cùng với những người chỉ huy của mình và việc làm của buôn được đưa vào kế hoạch phòng thủ chung của khu vực.
Thí nghiệm được tiến hành suôn sẻ và nhiều trưởng buôn ở các nơi khác đã đến hỏi chúng tôi xem buôn của họ có được tham gia vào chương trình không. Nói thực ra nếu thí nghiệm ở Buôn Ênao thành công, thì một phần cũng do chúng tôi đã biết rằng nó không bị đặc biệt đe dọa, và hiếm có rủi ro là nó bị tấn công và từ đó kéo theo một thất bại cho chương trình đang trong giai đoạn gây lòng tin, một giai đoạn mà chương trình tỏ ra nhạy cảm nhất. Chiến thuật chính trị này đã được thống chế Lyautey của Pháp đưa ra và áp dụng cách đây nửa thế kỷ ở Marốc, thời kỳ ông làm toàn quyền ở đấy từ 1912 đến 1925. Nó dựa trên khái niệm “vết dầu loang”. Ý tưởng của chiến thuật là: việc tăng cường an ninh bằng cách tổ chức và vũ trang cho các làng cần được làm từ những vùng yên tĩnh nhất rồi từ đó lan dần tới các vùng nguy hiểm nhất, tựa như một vết dầu loang dần trên miếng vải.
Ý định tấn công kẻ thù hoàn toàn không có trong khái niệm này. Điều đó vượt quá khả năng khiêm tốn của dân làng. Hơn nữa người ta cũng không có ảo tưởng về tính chất anh hùng hay vị tha của sự tham gia hay hỗ trợ của họ. Thực ra lý do chủ yếu họ tham gia vào chương trình là ở những lợi ích mà việc giúp đỡ y tế, hỗ trợ nông nghiệp và một số lợi ích vật chất khác đem lại cho họ.
Thí nghiệm thành công ở Buôn Ênao được chúng tôi nhân rộng ra các làng khác để tạo thành một vành đai bảo vệ cho Buôn Mê Thuộc. Sau đó, chúng tôi chuẩn bị tiến hành ở các vùng khác, những nơi mà cách làm trên có thể áp dụng được. Nhiều làng công giáo nằm trên danh sách dự kiến của chúng tôi. Dân các làng này có nguyện vọng muốn được thấy lại cấu trúc tự vệ mà họ đã từng làm trong nhiều năm trước đây ở miền Bắc, trước khi họ di cư vào Nam năm 1954. Một trong những làng ấy nằm ở vùng cực Nam của Việt Nam, một vùng đất sình lầy mà sông Cửu Long đã bồi đắp nên sau nhiều thế kỷ. Dưới sự dẫn dắt của vị linh mục năng nổ của họ, dân làng đã rời miền Bắc xuyên dọc qua Lào để tới được mảnh đất tận cùng này, nơi tổng thống Diệm đã dành cho họ với ý định quy hoạch một vùng đất gồm toàn những người dân dễ điều khiển và đáng tin cậy (vậy phải là dân công giáo). Được Diệm hoàn toàn chấp nhận, chúng tôi đã cung cấp cho linh mục số vũ khí cần thiết cho việc bảo vệ cộng đồng. Trong chuyến đi nghiên cứu mà Lansdale tổ chức cho Kennedy trước khi ông nhận chức tổng thống, Thuần, Tổng tham mưu trưởng khôn khéo của Diệm, đã dẫn Lansdale tới thăm một làng hẻo lánh nằm giữa vùng sông nước ấy. Lansdale trở về, rất ấn tượng bởi nhiệt tình và nghị lực của vị linh mục, quyết tâm rõ ràng của Diệm trong việc đi theo hướng ấy và sự giúp đỡ rất hoan nghênh của C.I.A. địa phương.
Biện pháp trên được tiếp tục tiến hành với nhiều làng công giáo và không công giáo ở đồng bằng Cửu Long, trên cao nguyên và dọc ven biển phương bắc C.I.A. còn nhận một nhiệm vụ bổ sung nữa là huấn luyện, trang bị vũ khí và trả thù lao cho một số người của những đơn vị dân vệ ở các thôn ấp để họ có thể thường xuyên trông nom và giúp đỡ một cụm thôn ấp. Bằng cách ấy, người ta có thể yên tâm, là mọi yêu cầu cứu nguy xảy ra giữa lúc nửa đêm vẫn được các ấp xung quanh nghe thấy, trong khi các đơn vị quân đội đóng ở xa thì họ đâu có biết. Nhiệm vụ của các đơn vị ứng chiến ấy chủ yếu vẫn là phòng thủ. Chúng tôi chú ý, hy vọng bằng cách này sẽ xác định rõ mục tiêu cho họ, là gọi họ bằng cái tên “Đội dân quân bảo vệ công dân” (tức “dân vệ” - N.D) tính chất “không chính quy” và “nhiệm vụ bảo vệ dân” đã được xác định rõ cho hoạt động của họ.
Trong giai đoạn trên, nhiều sáng kiến hay đã được chính phủ Việt Nam đề ra qua một số quan chức có đầu óc giàu tưởng tượng và dám nghĩ dám làm. Một hôm tôi dậy sớm từ 4 giờ sáng để đến gặp Nguyễn Văn Thọ, nghị sỹ Quốc hội và tốt nghiệp trường Bowdoin ở Maine. Chúng tôi đi xe đến địa hạt bầu cử của Thọ ở tỉnh Kiến Hoà, phía Nam, trước đây là một căn cứ mạnh của cộng sản trong thời kỳ chống Pháp và nay vẫn là nơi mà cộng sản đang có triệu chứng hoạt động trở lại. Chúng tôi được đại tá tân tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo đón tiếp. Thảo là một giáo dân sùng tín và đã từng đóng một vai trò tích cực trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh. Diệm và Nhu đã cử Thảo làm tỉnh trưởng để ông có thể thí nghiệm kế hoạch tổ chức nông thôn, lấy từ những kinh nghiệm mà ông đã học được trước đây của cộng sản. Sau khi trình bày những cái lợi của việc tập trung những chương trình phát triển kinh tế và xã hội để xây dựng các cộng đồng nông thôn và lợi ích của việc cung cấp cho các cộng đồng có khả năng đứng vững ấy những đội dân binh địa phương để bảo đảm an ninh cho họ, ông dẫn chúng tôi đi một vòng bằng thuyền máy. Chúng tôi đi dọc con kênh để tới một nhánh sông Cửu Long chạy ngoằn ngoèo qua đồng bằng và đổ ra biển, và chúng tôi dừng lại ở một làng nhỏ. Dân ở đây đã đón tiếp đại tá Thảo như đón tiếp một người bạn quen biết cũ và tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy chúng tôi đi như thế mà chẳng cần có một đội hộ tống nào đi theo!
Một lần nữa, tôi trở lại một vùng ở sâu trong đồng bằng Cửu Long, đi cùng với bộ trưởng bộ Hoạt động công dân Ngô Trọng Hựu. Hựu là người tổ chức tích cực và nồng nhiệt của các “đội hoạt động công dân” gồm những thanh niên Việt Nam được cử về làng để giúp dân xây dựng chính quyền sở tại và làm cho họ hiểu được các chương trình chính phủ có khả năng giúp họ. Sau này tôi mới biết các đội thanh niên ấy là sự tái lập của một chương trình do Lansdale khởi xướng trong thời kỳ đầu của chính quyền Diệm để giúp Diệm đưa được chính quyền của mình vào những vùng trước đây do Việt Minh kiểm soát. Mục đích của các đội thanh niên mới thành lập này - những thanh niên mặc bộ bà ba đen truyền thống để dễ thâm nhập vào dân - là nhằm phục hồi lại chương trình lúc ban đầu ấy.
Trong danh mục của mình, C.I.A. ở Sài Gòn cũng chuẩn bị một dị bản khác cho chiến lược phòng thủ ấy. Kế thừa được kinh nghiệm của Cơ quan tình báo chiến lược của quân đội (O.S.S. - Office of Stratefic Service) trong Đại chiến thế giới thứ hai, C.I.A. ở Châu Á đã quen thuộc với cách thâm nhập vào vùng sau lưng địch để gây chiến tranh du kích và kháng chiến. Một nhóm của O.S.S. nhảy dù xuống Việt Bắc năm 1945 để làm việc và giúp Hồ Chí Minh là một trong những ví dụ. Lansdale củng cố để lại ở miền Bắc năm 1954 một vài mạng lưới điệp viên hay trạm liên lạc nhưng tất cả đã bị trừ khử hay đơn giản là biến mất. Khi cộng sản bắt đầu tấn công ở miền Nam thì một điều tất yếu được đặt ra: chúng tôi cũng phải làm ở miền Bắc những gì mà cộng sản đã làm với chúng tôi ở miền Nam.
Chắc chắn là có những người cảm tình họ có thể có ích cho chương trình của chúng tôi. Trong số chín trăm nghìn dân miền Bắc chạy vào Nam năm 1954, chúng tôi có thể dễ dàng tuyển chọn được những người tình nguyện sẵn sàng trở lại hoạt động ở miền Bắc, nơi mà những nguời thân của họ có thể sử dụng làm trạm liên lạc. Ở miền Bắc cũng có những làng công giáo trong đó có một số làng đã từng nổi dậy để chống lại ách thống trị của cộng sản. Cho nên hoàn toàn có thể tính đến việc đưa người thâm nhập trở lại miền Bắc, bằng nhảy dù hay bằng đường biển, đường núi. Quân đội Nam Việt Nam đã xây dựng một đơn vị lực lượng đặc biệt có thể làm nòng cốt cho hoạt động ấy. Chỉ huy đơn vị này giữ liên lạc mật thiết với dinh tổng thống và dinh cũng trực tiếp kiểm soát họ. Vậy là người ta có thể yên tâm trông cậy vào họ và có được sự ủng hộ của dinh. Cùng với lực lượng đặc biệt và không quân, chúng tôi tiến hành kỹ càng việc tuyển mộ, trang bị, đào tạo các điệp viên, xây dựng các mạng lưới điệp báo... để sau này tung họ ra Bắc, nơi họ có nguy cơ bị dân chúng phát hiện.
Đây là một thời kỳ thử nghiệm và đổi mới. Một chỉ huy vùng có ý kiến là nên sử dụng những người miền núi được lựa chọn thật cẩn thận để làm nhiệm vụ dẫn đường cho những đội tuần tiễu trên vùng núi nhằm phát hiện những con đường cộng sản xâm nhập. Nhờ tin tức của họ, quân đội có thể tiến hành phụ trách, tập kích hay phá hoại giao thông của cộng sản. Nhưng công việc này đòi hỏi người ta phải có vũ khí, một trại huấn luyện, máy vô tuyến để liên lạc, và một số hỗ trợ đặc biệt nằm ngoài chương trình viện trợ quân sự thông thường chỉ dành riêng cho quân đội chính quy. Thế là ở đây cũng vậy, để giải quyết những khó khăn trên, tính linh hoạt của công tác hậu cần, tài chính và những mạng lưới vừa mềm dẻo vừa không chính thức của C.I.A. lại tỏ ra rất cần thiết và được việc.
Trong lãnh địa tự trị của Cẩn, em Diệm, chủ yếu là ở trung phần Việt Nam, Cẩn tổ chức ra các “đội áo đen” gồm duy nhất chỉ có thành phần nông dân (bởi Cẩn rất không tin số viên chức và những người thành phố dù bất kể họ ra sao). Sau khi được huấn luyện đặc biệt, các đội này trong bộ áo đen của nông dân được tung về hoạt động ở nông thôn. Tới một làng nào đó, với tinh thần như một người anh em, họ giúp dân làng tổ chức các công việc của cộng đồng và xây dựng hệ thống phòng thủ thôn xã. Công việc làm xong, họ lại đến một làng khác và tiếp tục nhiệm vụ như trên. Và ở đây, lại một lần nữa, tính linh hoạt trong cơ chế vận hành của C.I.A. đã giúp chúng tôi trang bị cho họ đủ các thứ cần thiết, như vũ khí, dụng cụ huấn luyện và thậm chí tới cả bộ bà ba đen, trong khi vẫn làm thế nào đó để toàn bộ công việc này có vẻ như từ lúc đề ra cho đến lúc làm là đều hoàn toàn do Việt Nam. Cẩn đã nhấn mạnh rằng trong công việc này, người Mỹ càng ít có mặt càng tốt.
Trong khi các thí nghiệm ấy đang được tiến hành thì ở bên Mỹ, ở tầm chính phủ, nhiều cuộc thảo luận kéo dài đã diễn ra để bàn xem nên làm thế nào để bảo vệ cho Nam Việt Nam chống lại sức ép cộng sản. Kế hoạch tổng hợp chống nổi dậy lập ra năm 1960, một kế hoạch mà lúc đó, người ta mong đợi nó được mọi người chú ý biết chừng nào, nay được gửi về Washington. Kế hoạch về tới Nhà Trắng gần như cùng lúc tân tổng thống Kennedy lên nhậm chức và ông đã nhanh chóng chấp nhận nó. Tuy nhiên chính phủ mới yêu cầu phải có một chương trình hành động liên bộ vì Việt Nam. Thế là dựa vào những kiến nghị của tướng Lansdale, những kiến nghị mà Nhà Trắng đã đồng ý, một chương trình liên bộ được lập ra, trong đó điểm đầu tiên là phải cử một đại sứ mới. Lansdale đã không được tiến cử, ngay cả khi nếu ông có ý định đề nghị thay đại sứ để thế vào chân ấy thì ông cũng khó được lựa chọn, vì Lầu Năm Góc sẽ phản đối vì cho rằng ông là một thứ “tên lửa không điều khiển” (ý nói một “con ngựa bất kham” - N.D) và ông sẽ làm trái với những đường lối về chỉ huy quân sự mà họ đã công phu lập ra. Vậy là Lansdale đành ngồi ở bàn giấy Washington mà âu sầu chán nản bởi người ta đã từ chối không chấp nhận những ý tưởng có lợi của ông là có chỗ ở Việt Nam.
Thay vào chỗ ông, Kennedy cử Frederick E.Nolting Fr., một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và một dân hào hoa thực sự của bang Virginia, Kennedy yêu cầu Nolting phải làm đảo ngược được chiều hướng cơn sóng gió trong quan hệ với Diệm, nghĩa là không như quan hệ giữa Diệm với Durbrow, người tiền nhiệm của ông trước đây, và cố gắng cộng tác một cách trung thực với chính phủ Nam Việt Nam. Tháng Năm năm 1961, tổng thống Kennedy phê chuẩn “chương trình hành động vì Việt Nam”. Điều chủ yếu, ông dự kiến tăng quân cho quân đội Nam Việt Nam (thêm từ trăm năm mươi nghìn đến trăm bảy mươi nghìn) theo như ý kiến của giới quân sự, bổ dụng thêm một trăm người nữa cho đoàn quân huấn luyện quân sự Mỹ cũng như cho lập những trạm ra đa ở biên giới để theo dõi những chuyến bay cộng sản (trước đây cũng như sau này chúng tôi phát hiện không thấy có), xây dựng một chương trình phát triển kinh tế quy mô lớn và đẩy nhanh chương trình thông tin công cộng của Việt Nam.
Ngay nếu ở cơ quan C.I.A. chúng tôi tin chắc rằng mình đã tiến hành những hoạt động có tính quyết định để tăng cường sức chống đỡ cho Nam Việt Nam chống lại sự xâm lược của cộng sản thì sau này nhìn lại, rõ ràng những hoạt động ấy hoàn toàn mới chỉ là ngoài lề cả trong mục tiêu lẫn hiệu quả của nó, nhất là khi đem so sánh nó với hành động mạnh mẽ của những chương trình Mỹ trong thời kỳ đó. Lấy ví dụ như “chương trình hành động vì Việt Nam” năm 1961: chương trình này chỉ đưa những hoạt động của C.I.A. vào trong một phụ lục chung mà chỉ nêu những điểm chủ yếu, và chỉ dự kiến tăng cho nó một cách khiêm tốn những phương tiện để tiến hành các chiến dịch.
Thế mà trong ý nghĩ của tôi, việc tăng một cách khiêm tốn ấy cũng đủ để giúp tôi tiến xa tới chừng nào tôi dám làm ở thời kỳ đó. Nhìn trở lại quá khứ, cái quan điểm ấy chứng tỏ chúng tôi, các đồng nghiệp và tôi, đã thiếu sáng suốt biết bao và đồng thời nó cũng phản ánh một quan niệm chung lúc đó cho rằng: các hoạt động của C.I.A. có lẽ cũng có cái lợi ngoài lề của nó, nhưng dù sao nó vẫn chỉ là thứ yếu so với một cách tiếp cận tốt về quân sự đối với vấn đề bảo vệ Nam Việt Nam. Tất nhiên, thái độ ấy có nguyên nhân một phần là do thất bại tai hại của Mỹ ở Vịnh Con Lợn, xảy ra đúng vào lúc ấy. Nó gieo rắc sự nghi ngờ đối với khả năng của C.I.A. và thậm chí cả sự tồn tại của cái tổ chức mà Kennedy đã mơ đến chuyện là có thể “tung nó ra khắp năm châu bốn biển”. Ngay cả tướng Lansdale đáng gờm cũng tỏ ra bất lực trong việc lội ngược dòng khi người ta gạt phăng đề nghị của ông là phân tán một số cố vấn Mỹ “dễ thương” xuống nông thôn để tiếp tục hỗ trợ cho mọi hoạt động hẳn là có lợi trong một số tình hình địa phương nào đấy.
Năm 1961, tình hình ở Lào ngày càng xấu đi. Sức tấn công của cộng sản tăng lên trong khi lực lượng những người bảo vệ không cộng sản thì ngày một tan rã. Ở Nam Việt Nam và ở Washington, mối lo ngại cho tương lai Nam Việt Nam càng trầm trọng thêm. Phản ứng với tình hình này, Diệm yêu cầu Mỹ tăng cường cam kết. Đặc biệt quan tâm tới sự giúp đỡ quân sự của Mỹ, Diệm đưa ra ý kiến là phải ký kết một hiệp ước phòng thủ chính thức và bổ sung thêm cố vấn, nhân viên yểm hộ và kỹ thuật. Ông cũng hỏi ý kiến Mỹ về việc ông có nên nhận lời những nhà quốc gia Trung Quốc đề nghị giúp ông một sư đoàn Đài Loan để chống lại cộng sản, với điều kiện là ông chỉ cho họ đóng ở nam đồng bằng Cửu Long, xa với biên giới Bắc Việt Nam (và tất nhiên là xa với biên giới lục địa Trung Hoa). Sư đoàn Đài Loan không sang Việt Nam. Còn ý kiến về việc quân Mỹ vào tham chiến thì Diệm tỏ ra lập lờ khéo nói, nhưng ông ta đồng ý nhận để quân Mỹ vào giúp đỡ cho việc huấn luyện và hỗ trợ cho quân đội Nam Việt Nam.
Tháng Năm năm 1961, cộng đồng Mỹ ở Nam Việt Nam chuẩn bị để đương đầu với một “cơn sóng thần”: Phó tổng thống Lyndon B.Johnson sắp sửa tới Nam Việt Nam. Ông sẽ chứng tỏ sự cam kết của chính phủ Hoa Kỳ đối với sự nghiệp của một Nam Việt Nam tự do và không cộng sản. Trung thành với cung cách không quanh co Texas của ông, ông tung hê tất cả những trò tế nhị mà các quan chức Mỹ làm việc ở Nam Việt Nam cẩn thận rào đón để báo cho ông biết rằng chế độ Diệm là tất cả trừ... dân chủ. Thế là nổi máu lên, ông so sánh Diệm với “một Winston Churchill ở Đông Nam Á”, cần thiết cho đường lối của Mỹ và có khả năng tránh cho Hoa Kỳ khỏi phải chiến đấu trên những “bãi biển ở Hawaii”.
Tôi chỉ có mặt lần ấy trước Johnson, nhưng sau này tôi còn có một số dịp khác gặp ông. Trong một buổi tối nóng trời, Johnson đến họp ở văn phòng đại sứ quán còn chúng tôi thì được triệu tập tới để cung cấp cho ông những thông tin cần thiết chuẩn bị cho cuộc hội đàm với Diệm của ông. Ngồi ở cuối phòng, ông có vẻ thích thú với việc bấm số điện thoại hơn là ngồi nghe một mớ lộn xộn những lời khuyên bảo, kiến nghị đang trút xuống đầu ông. Hẳn là ông đã quyết định rằng lợi ích của Mỹ là phải ủng hộ Diệm, bất kể là Diệm có những khuyết điểm ra sao và ông tới đây là để nói cho Diệm rõ về lập trường đó. Thái độ và lời lẽ của ông tỏ rõ niềm tin không gì lay chuyển nổi của ông là nếu cường quốc hùng mạnh Hoa Kỳ mà ủng hộ Diệm thì chắc chắn chúng tôi sẽ chiến thắng.
Từ chuyến đi thăm của Johnson, Diệm nhận được thông điệp mà Johnson muốn chuyển cho Diệm: Hoa Kỳ ủng hộ tới mức cao nhất và ông không cần phải quan tâm đến sự chống đối của sứ quán và của báo chí.
Tuy nhiên điều đó vẫn không thể loại trừ được hết sự chống đối Diệm của cộng đồng Mỹ. Một bên là cánh quân sự, một bên là dân sự, họ đều công kích Diệm và cho rằng cần phải buộc Diệm thực hiện những “cải cách dân chủ” bằng cách phải để họ chứ không phải Diệm thực hiện sự giúp đỡ của Mỹ. Giới quân sự thì nhấn mạnh vào việc ưu tiên tăng cường quân đội chính quy Nam Việt Nam, việc tổ chức một bộ chỉ huy duy nhất cho lực lượng quân sự Nam Việt Nam. Muốn vậy phải đưa toàn bộ lực lượng không chính quy vào hệ thống quân sự, bằng cách rút nó ra khỏi sự chỉ huy của chính quyền tỉnh và huyện ở các địa phương.
Tháng Mười năm 1961, lại có một cuộc viếng thăm quan trọng khác. Tướng Maxwell D.Taylor, nguyên chỉ huy sư đoàn không vận 101 nhảy dù xuống Normaudie ngày đầu cuộc đổ bộ 1944, rồi Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đã được Tổng thống Kennedy chọn làm cố vấn đặc biệt về các vấn đề quân sự cho ông. Sở dĩ có sự bổ nhiệm này một phần là do trước đây Taylor đã từ chức trong quân đội để phản đối việc chính phủ Eisenhower đã ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân để ảnh hưởng tới sự phát triển của vũ khí thông thường. Tổng thống Kennedy cử ông sang công cán ở Việt Nam để xác định xem phải làm gì ở đây. Cùng đi với Taylor có Walt Rostow, thành viên kiên quyết của Hội đồng an ninh quốc gia và nổi tiếng là người có đầu óc suy nghĩ tự do.
Do việc phải đi dự cuộc họp các phụ trách phân cục C.I.A. ở các nước Viễn Đông để gặp giám đốc mới John Mc Cone, tôi đã lỡ phần lớn chuyến viếng thăm của Taylor, mặc dù biết nó rất quan trọng. Tôi đã trình bày với Mc Cone về một số chương trình an ninh mà chúng tôi đã thử nghiệm ở nông thôn và được ông hoàn toàn tán thành. Trở về Sài Gòn, tôi chỉ còn được gặp Taylor và Rostow một lần ngắn ngủi vào lúc hai ông đã kết thúc chuyến đi. Thời gian quá ngắn không đủ để tôi làm rõ được cách tiếp cận các vấn đề của chúng tôi và để khiến hai ông quan tâm hơn về các tiềm năng của nó.
Bất kỳ thế nào, với tư cách là người mấy tháng trước đây được Kennedy giao cho nhiệm vụ chủ trì hội đồng trọng tài để điều tra về vụ Vịnh Con Lợn, Taylor vẫn có một vài nghi ngờ đối với C.I.A., nhưng nghi ngờ không phải không có căn cứ. Lúc đó Taylor đã kết luận rằng, các thành viên cũng như tổ chức của C.I.A., không một ai cho phép ông có thể tiến hành các hoạt động bán quân sự khác, ngoài các hoạt động có tính chất thuần tuý bí mật, lén lút. Vậy là trở về Washington, Taylor đã viết một báo cáo chủ yếu tập trung vào cách thức cải tiến sự vận hành của các chương trình quân sự, nhất là việc cần phải tăng thêm số lượng các cố vấn Mỹ mà sự có mặt của họ sẽ thúc đẩy hiệu năng của quân đội Sài Gòn.
Ông chỉ đề cập qua về vấn đề chiến lược, tức là việc cần phải thích nghi các cơ cấu cũng như các lực lượng quân sự của Nam Việt Nam với tính chất cuộc chiến đấu do cộng sản tiến hành. Ví dụ tốt nhất cho sự tiếp cận ấy là cái kiến nghị lạ lùng khi ông nêu nên gửi một đơn vị chiến đấu Mỹ tới đồng bằng nam Sài Gòn, dưới cái cớ là để cứu dân trong mùa lũ lụt, để động viên những người Nam Việt Nam là người Mỹ vẫn luôn có mặt ở bên họ. Một sự hoá thân khác của tư tưởng Lầu Năm góc được thể hiện trong một thông tư của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Lyman Lemnitzer, gửi đến Việt Nam, khi Mỹ biết Diệm yêu cầu người Anh cử sang làm cố vấn cho ông, ngài Robert Thompson, nguyên thứ trưởng rồi bộ trưởng Quốc phòng của Liên bang Mã Lai. Sau khi Thompson đã đánh bại được cuộc nổi dậy của Cộng sản ở Mã Lai. Trong thông tư của mình, Lemnitzer đã vạch ra sự khác biệt rõ rệt giữa tình hình Việt Nam và Liên bang Mã Lai và nhấn mạnh vào tầm quan trọng là phải giữ vững cơ cấu quân sự ở Việt Nam và không cho phép áp dụng “giải pháp cảnh sát” mà người Anh khuyên bảo, ngay cả với các lực lượng địa phương.
Tuy nhiên có một người Việt Nam bắt đầu suy nghĩ đến vấn đề chiến lược của chiến tranh Việt Nam, đó là Ngô Đình Nhu. Trong những cuộc gặp gỡ hàng tuần, Nhu và tôi tiến hành phân tích một cách kỹ càng chiến lược của cộng sản, chiến lược mà nhờ nó họ đã xây dựng được một bộ phận quân đội nhân dân, tiến từ du kích lên bộ đội địa phương rồi tiểu đoàn bộ đội chính quy. Rõ ràng là quân đội Nam Việt Nam có đủ pháo binh, trực thăng, máy bay ném bom cũng không thể ngăn cản nổi quá trình phát triển ấy. Nhu cũng tin chắc là các viên chức trong các bộ cũng không thể ngăn chặn được làn sóng cộng sản bằng các kế hoạch được vạch ra tỷ mỷ ở Sài Gòn trước khi đưa xuống cho các địa phương thực hiện. Nhu cũng bắt đầu hiểu rằng bộ máy đảng Cần Lao của ông chẳng có gốc rễ gì trong các cộng đồng nông thôn, là nơi thực sự diễn ra cuộc đối đầu giữa chính phủ với cộng sản.
Chính vì vậy chúng tôi bắt đầu tìm mọi cách để quyết định các làng, dưới sự chỉ huy của các xã trưởng, ấp trưởng, sẽ tổ chức những hệ thống phòng thủ, dù sơ sài, giúp họ chống sự xâm nhập của các đội đi làm công tác tổ chức, tuyên truyền của cộng sản. Tất nhiên trong trường hợp bị du kích hay bộ đội cộng sản tấn công thì cần phải có lực lượng quân sự đóng gần đấy đến cứu nguy. Tôi làm cho Nhu hiểu rằng, rõ ràng chỉ cần với một tổ có vũ trang đầy đủ, cộng sản không những đã có thể thâm nhập mà còn có thể khống chế được dân làng nếu như lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ nó ban đêm cứ chúi đầu vào một lô cốt để cố thủ. Tuy nhiên chỉ cần dân làng có vài người nổ vài phát súng để báo động và uy hiếp địch, thì sẽ làm cho địch không thể thực hiện được mục đích của họ là tập trung dân làng để tuyên truyền, tuyển mộ và điểm mấu chốt nhất là lấy tiền của dân làng.
Khi tôi trình bày với Nhu những gì đã diễn ra ở Buôn Ênao và một số thí nghiệm chúng tôi đã làm ở các nơi khác thì Nhu càng thấy ở đó một tiềm năng để tiến hành phòng thủ chống lại cộng sản. Ông còn dự kiến kinh nghiệm của chúng tôi có thể giúp cho việc xây dựng nền tảng của một cộng đồng chính trị và xã hội mới ở Việt Nam, bắt đầu xây dựng từ các vùng nông thôn để thay thế cho những tinh hoa do kinh nghiệm thực dân của Pháp để lại. Nhưng ông ngại rằng quá trình này sẽ bị người Mỹ làm tổn hại nếu họ nhảy vào đấy đóng một vai trò quan trọng, bởi sẽ có nguy cơ người nông dân sẽ chỉ trông cậy vào những chương trình giúp đỡ kinh tế và các mặt lợi khác mà người Mỹ mang lại trong khi lẽ ra họ phải phát triển sự tự trị và tính tự lực của họ. Tất cả những điều nói trên đều giàu về lý thuyết nhưng nghèo về áp dụng thực tiễn và sự tiến triển trong suy nghĩ của Nhu cũng gây khích lệ cho tôi, khi thấy ông đã dần dần nêu ra được những khái niệm có thể sử dụng để xây dựng một chiến lược cơ bản giúp cho chính phủ đưa ra một chính sách đích thực về quyền lực địa phương ở nông thôn. Và rất có thể từ đấy sẽ phát triển quyền lực của một Nam Việt Nam tự do và xác thực, mà văn hoá và nhân cách con người sẽ chẳng là của cộng sản cũng như của phương Tây.
Cuối cùng tôi đã thuyết phục được Nhu nên ra khỏi dinh để quan sát tận nơi một số thử nghiệm của chúng tôi, và tự mình thẩm tra những báo cáo tích cực mà anh em ông đã nhận được từ những người đã tham gia của chúng tôi. Thuyết phục được Nhu rồi, để dễ dàng cho chuyến đi của ông, tôi gợi ý là nên kết hợp nó với một cuộc đi săn hổ (mà “chiến thuật” săn bắn như thế nào chúng tôi đã bàn bạc kỹ trong buổi thảo luận). Kết quả sau những chuyến đi ấy của Nhu, trong đó những người của C.I.A. và lực lượng đặc biệt đều cho biết rằng họ chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu trong thí nghiệm, ông đã bật đèn xanh để chúng tôi tiếp tục giúp đỡ cho các dự án của chương trình. Cuối 1961 được thuyết phục về tính vững chắc của cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi và những ý nghĩ của ông đã đủ chín, Nhu đã thành công trong việc thuyết phục Diệm tiến hành một chương trình lớn ở quy mô quốc gia: đó là chương trình áp dụng “kỹ thuật” chúng tôi đã làm dưới các tên gọi là chương trình “ấp chiến lược”.
Chương trình này do Nhu đích thân chỉ đạo chính thức và chịu trách nhiệm trong thực hiện. Để đưa nó ra, ông triệu tập các quan chức cao cấp về hành chính và quân sự các cấp đến dự những cuộc hội thảo bất tận, trong đó ông giải thích cho họ về những căn cứ chính trị và trừu tượng của khái niệm. Run sợ với ý nghĩ con đường công danh của mình và phụ thuộc vào thái độ làm hài lòng ông em tổng thống của họ, các quan chức đều cố gắng tìm cho ra trong cái mớ rối rắm những ý tưởng cao siêu của Nhu những gì mà họ cho rằng phải làm đúng để thực hiện được chương trình. Người ta có thể thấy rằng họ tỏ ra bối rối khi phải vượt quá những biện pháp đơn giản thường làm, ví dụ như đào một hố ẩn nấp, dựng một hàng rào kiểm kê số dân một cách chính xác hoặc làm thế nào để kiểm soát được dân một cách thực sự. Nhưng rồi, để chứng tỏ sự hăng hái của họ, trở về lãnh địa nông thôn của mình, họ bắt dân phải dựng những hàng rào phòng thủ, thể hiện quyết tâm kiểm soát dân một cách thực sự bằng sức ép những ai ở quá xa chu vi phòng thủ phải dỡ nhà để dồn vào trong, và gặt phăng tất cả những dự án nào, công cộng hoặc tư nhân, mà không nằm trong ưu tiên đó.
Các nhà chức trách địa phương, những người trước đây đã được một dự án của C.I.A. tài trợ (năm 1962 trong cả Nam Việt Nam) đã có ba mươi nghìn nhân viên võ trang để thực hiện những dự án ấy, là những người đương nhiên được lợi nhất. Đơn giản là họ chỉ việc, và đương nhiên họ đã làm thế, lồng các dự án ấy vào chương trình ấp chiến lược và thế là họ có thể lớn tiếng khoe rằng họ đã thực hiện chương trình một cách mau mắn. Tuy C.I.A. cũng có đôi điều phàn nàn của C.I.A. khi thấy mình mất ảnh hưởng trực tiếp đối với những làng đã được C.I.A. thí nghiệm và vũ trang, nhưng dưới con mắt của tôi, thì dù sao việc đưa những làng ấy vào chương trình ấp chiến lược cũng chứng tỏ rằng một chiến lược cơ bản mà chính quyền Diệm đang cần biết bao để đương đầu với chiến tranh nhân dân của cộng sản. Vậy là tôi rất vui mừng và hoan nghênh tiến triển đó, một tiến triển giúp cho chúng tôi chuyển được từ những khả năng hạn chế của C.I.A. thành một nỗ lực quốc gia.
Nhu đòi hỏi mỗi ngày phải có những tiến bộ nhanh hơn và tới tấp bay về chỗ Nhu những báo cáo tin rằng hệ thống ấp chiến lược đã được thiết lập, dù rằng có thực hay không. Người Mỹ bối rối trước sự bộc phát của một hoạt động to lớn, mà trước đây cả một hệ thống tổ chức phức tạp của họ đã không làm nổi. Các viên chức, cả Mỹ và Việt Nam, đều không chạy theo kịp cái nhịp điệu say mê cuồng nhiệt của Nhu. Trong khi đó thì giới tinh hoa thành thị, tập trung chú ý vào chương trình, đã tìm cách moi móc những chỗ yếu, những khiếm khuyết của nó và chuyển những lời chỉ trích, kêu ca của họ đến các cộng đồng nước ngoài, dân sự và thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc bắt dân dời nhà, một điều mà người dân rất phản ứng vì họ không muốn xa nơi đất cát nhà cửa cha ông để lại và có mồ mả tổ tiên.
Tuy nhiên, mặc dù nhiều trở ngại và những chỗ bất tiện, chương trình vẫn đạt hai mục tiêu chủ yếu: nó cung cấp một chiến lược nền tảng để tiến hành chiến tranh theo mức độ tấn công của đối phương, tức là ở nông thôn, và nó đã thành công trong việc “thông dòng” cho một nỗ lực quốc gia và tập trung vào thực hiện, thay vì cho việc từng bộ từng cơ quan một cứ chúi mũi vào những công việc tủn mủn hàng ngày.
Lần đầu tiên kể từ lúc khởi đầu cuộc chiến, chương trình ấp chiến lược đã nắm quyền chủ động chiến tranh. Với cách phá vụn và gây hỗn loạn, nó bắt đầu làm đảo ngược chiều hướng phát triển của cộng sản ở nông thôn. Và khi chương trình mới bắt đầu được tiến hành, cộng sản đã thấy ở nó một đe doạ nghiêm trọng đối với kế hoạch của họ. Họ yêu cầu phải tập trung đánh phá ấp chiến lược, phá huỷ sự phòng thủ của nó và bãi bỏ việc huy động nông dân. Nhưng chương trình vẫn phát triển đi lên, những khuyết điểm và những trò gian lận hiển nhiên được phát hiện và chỉnh đốn, khắc phục. Đầu năm 1963, nhà báo Úc Wilfred G. Burchett, người tuyên truyền lâu đời cho cộng sản ở Triều Tiên và Việt Nam, đã phản ánh như thường lệ quan điểm của những người được ông che chở, là: “Năm 1962 là thuộc về Sài Gòn”. Lẽ ra ông ta có thể thêm rằng sự cảm phục ấy chủ yếu là nên dành cho Nhu.
Nhiều năm sau, qua một tướng cũ của Nam Việt Nam và cũng là một trong những người đã khởi xướng cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu, tôi được biết một thông tin làm sáng tỏ thêm tầm quan trọng đáng kinh ngạc của chương trình ấp chiến lược. Viên tướng ấy khẳng định đã biết - thậm chí dù ông không có mặt ở đó - rằng năm 1963, giữa Nhu và Phạm Hùng, nhà lãnh đạo cuộc chiến đấu của cộng sản miền Nam, đã có một cuộc gặp gỡ riêng. Cuộc gặp ấy xảy ra vào thời kỳ mà Diệm - Nhu phải đối đầu với những bất đồng sâu sắc với Mỹ, đang tuyệt vọng tìm một lối để thoát ra khỏi cái ngõ cụt mà hai ông đang lâm vào, bị kẹt trong cuộc chiến đấu giữa cộng sản và Mỹ. Theo nguồn tin của tôi, trong cuộc gặp ấy, Phạm Hùng đã thú nhận là ông ta bị ấn tượng khi được gặp tác giả của chương trình ấp chiến lược, chương trình mà đối với những nỗ lực của cộng sản, tác động của nó thật có sức huỷ hoại. Giai đoạn này có lẽ đáng ngờ, nhưng nó không phù hợp với những lời phát biểu của cộng sản trong thời kỳ đó.
Chú thích
1. Năm 1955, đại biểu hai mươi tám nước “Không liên kết” Á, Phi đã họp ở Băngđung để tố cáo chủ nghĩa thực dân và thành lập phong trào trung lập của Thế giới thứ ba.
1. Lansdale đã gợi cho Eugene Burdick và William Lederer xây dựng nên nhân vật đại tá Hillandale trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, The Ugly American, xuất bản năm 1958 và sau đó được dựng thành phim.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ