Số lần đọc/download: 7802 / 99
Cập nhật: 2016-04-17 22:23:33 +0700
Chương 7: Bẽ Bàng
T
rời xanh ngắt. Những đám mây trắng mọc lên sau rặng cây xa vút, như dãy núi tuyết. Ánh nắng xuân vàng làm cho cảnh vật vui tươi.
Nga chờ ở bờ sông, mé Đồn Thủy, thơ thẩn đưa mắt đến tận chân trời. Gió hiu hiu thổi, cỏ cây một màu xanh non, làm êm dịu tâm hồn.
Nga đi đi lại lại, ra ý nóng ruột lắm. Vụt có chiếc xe hay có người đi tới, nàng lại hồi hộp. Thỉnh thoảng nàng giơ cổ tay nhìn đồng hồ.
Đã hai giờ rưỡi, sao Chi không đến. Chi đã không lại nhà ông Tham buổi sáng, thì hẳn Chi y hẹn mà chờ ở đây lúc này. Có lẽ nào thư lại mất?
Hay là Chi giận về những lời cha Nga nói sáng hôm chủ nhật trước? Nga suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng không sao trả lời được câu hỏi nào cả. Vả biết câu nào là đúng.
Nga dằn lòng chờ một lúc nữa, cố ngắm nghía mọi nơi cho quên nỗi sốt ruột. Được đứng ở chỗ quang đãng, thoáng khí, Nga so sánh với cảnh sầm uất, náo nhiệt ở mé phố, nàng được khoan khoái lạ lùng:
"Được đứng đây mới thấy chỗ kia là khó chịu. Vậy như Chi đang ở cảnh ngộ ấy mà được đánh đổi địa vị với Nga này, chắc hẳn lấy làm sung sướng lắm".
Nhưng rồi nàng thở dài:
"Biết đâu là Nga nay ở địa vị giàu sang bó buộc lại không ước ao cái cảnh ngộ của Chi. Tức như ở thành phố đông đúc thì ước ao chỗ nhà quê khoáng đãng".
Chợt đằng xa, một người đội mũ trắng đi đến. Nga trông rõ là Chi, tự nhiên nàng nóng ran cả người. Hai má ửng đỏ.
Chàng cắm đầu đi rất vội vàng.
Trống ngực Nga nổi lên. Nàng luống cuống thẹn thùng, muốn chạy trốn.
Nhưng bỗng Nga nghĩ:
"Ơ hay! Làm gì phải luống cuống, thẹn thùng?"
Rồi nàng lấy hết can đảm để tự trấn tĩnh, thì Chi vừa tới nơi. Trông thấy Nga, Chi ngả mũ chào. Nga run rẩy gật đầu, cố mỉm cười đáp lại.
Chi đến gần. Tự nhiên mặt Nga lại đỏ bừng, mà Chi cũng như bối rối. Lặng yên một phút, Chi nói:
- Thưa cô, cô phải chờ có lâu không?
Nga định thần lại, nói dối:
- Thưa anh, tôi vừa đến được độ năm phút.
- Tại tôi đi bộ từ trên ấy đến đây, nên muộn, xin cô tha lỗi.
Dứt lời, Chi nhìn Nga. Nga đưa hai mắt xuống, bâng khuâng đáp:
- Không dám.
Thì Nga lại thấy Chi giậm đôi giày vàng và trắng.
Nga cố át giọng run, mạnh bạo nói:
- Lần trước, không may cho anh đến ngay vào lúc ấy, có thầy me tôi.
Chi cười kiêu ngạo:
- Cũng được. Vì tôi được lịch duyệt thêm một điều.
Nga thẹn, không nói. Chi hỏi:
- Cô gọi tôi ra đây, có việc gì?
Nga dịu dàng:
- Tôi xin lỗi anh.
- Thưa cô, cô quá khiêm tốn.
- Không, anh ạ! Tôi với anh chỉ là hai người học trò. Tôi lại là một người chịu ơn anh.
- Tôi không dám.
- Tôi vốn đau tim. Nếu bị những phen sợ hãi như hôm ấy, mà không có anh có lẽ tôi ngã lăn ra đấy rồi.
Chi mỉm cười nhìn Nga. Nga sung sướng quay mặt đi. Một lát, nàng nói thêm vì nàng quên hết những câu định nói:
- Tôi nói thực đấy.
Và không hiểu Chi cũng quên như nàng hay sao mà chỉ đáp:
- Vâng.
Sợ câu chuyện mỗi lúc một lạt, Nga nói:
- Anh có thiếu sách dùng, vậy nếu cần thứ gì, anh cứ bảo tôi, tôi có nhiều lắm.
Chi thẳng thắn trả lời:
- Vâng, tôi cảm ơn cô. Tôi mượn quanh các bạn cũng tạm đủ.
- Nhà chú Tham tôi, thỉnh thoảng anh cứ lại chơi. Chú tôi vui tính lại dễ dãi.
Chi cười lạt, không đáp. Nga càng thấy ngượng nghịu:
- Anh có bận việc gì bây giờ không?
- Thưa cô có, tôi phải đi đằng này.
Tưởng chừng như bị hắt hủi, Nga hỏi:
- Anh thấy tôi viết thư cho anh, anh nghĩ thế nào?
- Thưa cô, tôi vẫn nghe lời cô.
- Hay thấy tôi hẹn anh ra đây, anh khinh bụng tôi?
Chi cười, lắc đầu:
- Thưa cô, dạy quá lời.
- Lần sau nếu muốn gặp anh, tôi lại viết thư cho anh có được không?
Ngần ngừ Chi đáp:
- Xin thôi, gần cô thì lúc nào tôi cũng muốn, song tôi sợ quan lớn biết.
Nga cau mặt:
- Sao anh nghĩ thế?
- Vâng, tôi nghĩ vậy, như có ý phụ bụng cô. Nhưng cô là con nhà quan, tôi là con nhà dân, nên tuy đối với cô, tôi không ngại gì, nhưng đối với quan lớn, tôi lấy làm e lệ quá.
- Không, anh nên quên chuyện chủ nhật trước với thầy tôi đi. Anh chỉ biết có tôi mà thôi. Cũng như tôi chỉ biết có anh. Dòng dõi không thể ra giá trị của người ta. Mà dòng dõi của gia không đáng kể bằng dòng dõi của tư tưởng.
Chi cười. Nga lại tiếp:
- Tôi không thích nghe những câu anh vừa nói. Người ta ai chẳng như nhau.
- Nhưng mà...
Bỗng một cái xe đi đến. Nga che dù lấp mặt. Rồi câu chuyện đứt quãng.
Một lúc, Chi nói:
- Cô xem hộ mấy giờ rồi.
- Hơn ba giờ, anh đi đâu?
Chi có ý hằn học:
- Vâng, thế này thì tôi không phải với cô quá. Cô có lòng hạ cố thương người học trò nghèo. Nhưng chỉ vì tôi tự thẹn vì cảnh ngộ, vả tôi sợ những tai vạ xảy ra cho kẻ dân hèn, nên tôi xin cô miễn trách cho.
Nga lặng đi, thở dài.
Chi cúi chào quay gót.
Nga nhìn theo, rồi gọi xe về nhà. Đi đường, Nga ngẫm nghĩ đến câu đối đáp lạt lẽo của Chi mà bẽ bàng. Nàng không hiểu Chi đã mát mẻ hay thú thực rằng vì e ngại điều chẳng hay sẽ xảy ra cho Chi: nàng oán trách số phận mình sinh trưởng nơi quyền quý xa quạnh.
Nhưng vẩn vơ, đếm lại từng thái độ, cử chỉ khó hiểu của Chi, Nga lại bực nàng quá nông nổi. Quá nông nổi thì những người xét lại mình có thể khinh mình được. Chi chưa biết nàng bao giờ. Nay bỗng dưng thấy cô nữ học sinh hơ hớ ấy viết thư mời đến tận nhà, lại hẹn đến chỗ vắng, chắc chàng cho là hạng không đứng đắn. Như vậy, thì bụng tốt của nàng sẵn sàng muốn giúp Chi bằng sách vở, chỉ là một sự giả dối khéo léo nàng bày ra cho hai người có việc với nhau được lâu bền. Nếu quả thế, Nga xấu hổ quá. Nàng săn sóc đến Chi, Chi hờ hững với nàng. Như vậy Chi không thiệp. Vì ít ra đối với một thiếu nữ, người ta phải nhã nhặn hơn kia. Nhất là thiếu nữ ấy lại là Nga, con một ông giầu sang, mà Chi chỉ là con một nhà nghèo túng bán hàng ngay ở phố phủ ấy.
Vừa đi vừa thử dò dẫm tâm lý con người lạ lùng, bỗng nàng thấy lạo xạo dưới chân. Thì ra nàng đã đến bờ hồ, vào con đường rải sỏi. Mặt nước biếc lộn áng mây hồng, in bóng những đình tạ sặc sỡ. Cảnh chiều xuân lặng lẽ gieo vào tâm hồn nàng một chán chường não nùng. Nàng cụp dù, đứng trên bờ cỏ. Sóng lăn tăn, làm giạt chiếc lá vàng bập bềnh. Nàng ngắm lá khô, lại như gợi đến cảnh ngộ hạng người cơ cực. Những người ấy, cũng như chiếc lá hết nhựa, phải xiêu giạt long đong theo chiều gió. Họ vì bó buộc mà thành ra hèn hạ đáng thương.
Rồi nàng thử cân nhắc lại một lần nữa xem Chi đáng giận hơn hay đáng thương hơn. Nàng lại tự suy xét mình xem đáng thương hay đáng giận. Và Chi với nàng, ai đáng giận hơn hay ai đáng thương hơn.
Nàng giương dù, đi thong thả từng bước để nghĩ. Nhưng cứ băn khoăn, nàng không những không rõ bụng Chi, lại không tự dò được bụng nàng thế nào.
Chợt nàng nghĩ đến tình ái.
- "Không khi nào".
Nàng mỉm cười, lắc đầu. Ái tình đâu đã đến chóng thế được.
Nhưng tự nhiên nàng thở dài, và ghê sợ không dám nghĩ hơn nữa. Nàng thề không bận lòng về những chuyện vẩn vơ vô lý.
Nàng thuê xe về nhà.
Rồi đến tối tới trường, bà giám thị đưa nàng một phong thư. Tuy ngoài phong bì đã đề tên người gửi là cha nàng, nhưng thư cũng bị bà Đốc bóc ra để kiêm duyệt.
Nga con.
Mấy lần thầy định viết thư này cho con, nhưng thầy đắn đo mãi.
Song thầy chắc những lời khuyên bảo của thầy dưới đây chỉ làm cho con vui vẻ, vì con vốn rất hiếu thảo ngoan ngoãn, nên tấm lòng yêu mến con của người cha lại giục thầy phải cầm bút.
Con ạ, chủ nhật vừa rồi, có thằng học trò nó đến lấy sách của người bạn con mượn cầm hộ ở nhà chú. Việc cỏn con con giúp đỡ bạn ấy, chắc con đã quên rồi. Nhưng thầy me thì nghĩ ngợi cho đến ngày hôm nay.
Thầy khuyên con từ rày đi tránh những việc làm ấy. Bởi vì con nên nhớ rằng bọn con trai học trò bây giờ xấc láo lắm, mà cái thằng hôm nọ xấc láo hơn nữa. Thầy giận lắm.
Thằng ấy là con một con mẹ bán xôi chè ở phố phủ. Mẹ nó làm đầy tớ nhà ta không đáng.
Như thế mà con định đưa sách tận tay cho nó thì thật con dại dột quá chừng.
Nhưng sự dại dột ấy có thể tha thứ được, bởi vì con không biết. Song me đã cho gọi con mẹ đồ Sơn vào phủ, để mắng nó, cho nó dạy bảo con nó rồi.
Đọc đến đây, nàng thở dài, bỏ thư xuống, thừ mặt ra. Rồi một lát, lại đọc nốt.
Nhà nó là một nhà không có lễ nghĩa thì con tính lễ nghĩa liêm sỉ nào có thể tìm thấy được trong xã hội nghèo nàn.
Nga mỉm cười chua chát:
Những con nhà ấy, vì không ai dạy bảo, nên còn bé thì cấc lấc, ngông nghênh, lớn thì đi ăn trộm ăn cướp, làm cộng sản, khiến cho các quan phải nhọc nhằn về sự trừng trị và sự trông nom chúng nó.
Nhà ta nội ngoại là thế gia vọng tộc, đời đời khoa bảng nối nhau làm quan to, theo một thứ luân lý rất hay của nghìn xưa các cụ để lại, chỉ hơn nhà người ta có một điều là người dưới biết nghe, biết sợ người trên. Ngay như chú Tham, thông thạo tiếng Tây, quen biết nhiều quý quan, giúp thầy bao nhiêu việc công cũng như việc tư, mà chú vẫn phải nghe, phải sợ thầy, thì con đủ biết nếu phúc trạch các cụ không to, sao để lại cho con cháu được sự trên thuận dưới hòa như thế.
Thầy tưởng nghe nói con gái đi học chữ Tây dễ hư. Điều ấy, thầy thấy nghiệm ở những nhà kém giáo dục, chứ thầy chắc con không bao giờ để thầy phải lo ngại, ngờ vực một tí gì.
Nhưng thầy cũng phải khuyên răn con ngay từ lúc đầu, bởi vì biết đâu, nay con cầm sách hộ đứa này, mai con cầm sách hộ đứa kia, rồi những thằng học trò nó không lân la, đưa con vào cạm bẫy lúc nào không biết?
Thôi, vài lời tâm huyết như thế là đủ cho con. Thầy sẽ viết giấy dặn chú từ nay không được cho một đứa nào vào nhà, nhất là phải cấm cửa cái thằng hỗn xược con con mẹ bán xôi chè ở cổng phủ.
Thầy Lê tri phủ
Đọc xong thư, Nga tự nhiên thấy đau lòng lạ. Nàng muốn quên Chi mà không thể quên được. Nàng bỏ vào túi, chứ không xem lại như mọi bận. Mà nghĩ đến bác đồ Sơn bị mắng oan, Chi bị khinh rẻ bất công, nàng thầm oán cha mẹ quá nghiêm khắc và gia đình giáo dục quá hẹp hòi, đến nỗi làm cho người ta sống một đời cô độc. Nàng thấy cái thư ấy nó ác quá. Nó nhắc nàng không lúc nào quên Chi.
Nàng vào lớp học bài, mà không sao thuộc được. Nàng quanh quẩn hết ngồi xuống ghế lại vờ ra tủ sách, cố cho chị em khỏi nhận thấy mình bơ phờ.
Và mỗi khi qua chỗ những bạn nghèo đương cặm cụi xuống sách vở, nàng lại nghĩ đến lời nghiêm huấn của cha và một thứ cảm tưởng vừa xấu hổ, vừa tủi nhục xâm chiếm lấy nàng, khiến nàng tưởng đến số phận Chi mà ngao ngán.