Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hi tiễn Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va về công tác ở trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca đồng thời ở hẳn tại đấy, Mác-tư-nốp khuyên chị một điều như sau:
- Khi ra đồng gặp anh em lái máy kéo và các nông trang viên, dù là đi xe hay đi bộ, chị nên giữ ý, phải biết e sợ họ mới được.
- Can gì phải sợ họ kia chứ?
- Nên hiểu tôi cho đúng. Có lẽ tôi nói chưa rõ ý. Tôi không chọn được lời lẽ thích hợp... Không, phải là sợ họ, mà sợ chính bản thân mình. Đừng rụt rè, nhưng dẫu sao trong lòng cũng phải biết lo lắng: liệu ta có biết nói chuyện với nhân dân, sao cho lời nói của ta không phải là vô ích.., và để lại dấu vết lâu dài trong tâm trí họ không? Chị hiểu tôi chứ?
- Cũng tạm gọi là hiểu...
- Nhiệm vụ của các cán bộ Đảng chúng ta dường như không có phức tạp. Chúng ta không phải là thầy thuốc, không phải là kỹ sư nông nghiệp, không phải là kỹ sư, không phải là cán bộ chuyên môn nói chung. Ở bàn làm việc của chúng ta không có một dụng cụ nào hết, ngoài cái bút và lọ mực, và khi ra đồng, tay ta không mang thước cuộn, không có cơ-lê, không có máy kinh vĩ. Vậy ta làm việc bằng gì? Chúng ta chỉ có một dụng cụ là lời nói. Nói một cách đơn sơ, chúng ta làm việc bằng lưỡi. Nhưng làm việc bằng lưỡi cũng có ba bảy đường! Cả viên thầy tế cũng làm việc bằng lưỡi... Lời nói là một thứ không thể sờ mó được. Nó không phải là kim loại, không phải là gỗ, không phải là ngũ cốc. Nhưng lời nói của chúng ta có thể trở thành kim loại và ngũ cốc! Tùy theo lời nói, chị hiểu đấy... Nó có thể trở thành ngũ cốc và kim loại, nhưng cũng có thể trở thành tấm bình phong che chắn cho những kẻ ăn không ngồi rồi. Triệu tập nhân dân lại, đọc một bản báo cáo: đối với người biết chữ, nhìn vào giấy đọc một đoạn chép đúng nguyên văn trong “Sổ tay người cán bộ tuyên truyền”, đấy là việc không lấy gì làm khó - tính số những người đã phát biểu thì làm việc như thế là khá tích cực rồi đấy. Người cán bộ Đảng bèn đánh dấu vào kế hoạch công tác: “Biện pháp đã được tiến hành”. Nhưng cái biện pháp ấy có thúc đẩy cuộc sống tiến lên được một xăng-ti-mét hay không?
- Đôi khi tôi còn nảy ra ý nghĩ thế này nữa, - Mác-tư-nốp nói tiếp. - vẫn về chuyện gặp gỡ với nhân dân... Hãy nói người bí thư tỉnh ủy chẳng hạn. Tỉnh thì lớn, suốt đời đồng chí bí thư cũng không đủ thì giờ đến thăm tất cả các đội sản xuất trong các nông trang lớn được. Chỉ có làm cách này thì được: đến chào hỏi mấy câu rồi đi luôn. Nhưng làm như thế thật là vô ích! Thà không đến gặp nông trang viên còn hơn. Nhưng đồng chí bí thư cần biết cách đến thăm một đội sản xuất sao cho ba năm trời, người ta vẫn nhớ tới cuộc đến thăm ấy và kể lại với tất cả mọi người: đồng chí bí thư đã nói chuyện với họ ra sao, đã làm gì ở đội của họ, đã giúp đỡ họ được gì. Cái chính là đã làm được gì. Phải làm sao cho người ta không chỉ nhớ tới những lời bông đùa của đồng chí bí thư, nhớ tới câu trả lời vô vị của đồng chí ấy để đáp lại một câu hóm hỉnh của địa phương, mà nhớ tới tác phong công tác của đồng chí bí thư! Đồng chí ấy, phải là tấm gương cho các cán bộ lãnh đạo lớn nhỏ khác... Mỗi cuộc gặp gỡ của chúng ta với nhân dân phải là một lời nói nhất thiết được biến thành hành động. Phải có ý thức trách nhiệm về những cuộc gặp gỡ đó! Phải biết sợ sự cằn cỗi sự trống rỗng!..
- Hồi tôi còn lái máy kéo, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nói, - tôi đã thấy những người lãnh đạo thực sự sợ mọi người. Một thủ trưởng ở huyện về, đi qua chỗ toa xe dùng làm trạm nghỉ lưu động cho công nhân ở ngoài đồng, đi cách toa xe một quãng khá xa, hái bông lúa, sờ nắn hạt thóc, gọi người chấm công đến, ghi năng suất ngày công, xem xét lưỡi cày, máy xới suốt một giờ, coi bộ thích thú như thể lần đầu tiên được thấy những thứ đó. Còn thợ lái máy kéo chúng tôi bực tức: tại sao ông ta lại lẩn tránh chúng tôi, những con người bằng xương bằng thịt, mà cứ quấn lấy sắt thép vô tri như thế?..
- Kỹ sư tâm hồn..!
- Anh nói về ai thế? - Boóc-dô-va hỏi.
- Nói về tôi với chị. Các cán bộ Đảng là những kỹ sư tâm hồn.
- Theo tôi nhớ, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na bắt bẻ; - đấy là câu nói về các nhà văn.
- Không sao. Nhà văn không mếch lòng đâu, họ sẵn lòng cho chúng ta dùng danh hiệu ấy, danh hiệu ấy cũng thích hợp với chúng ta. Dù sao đi nữa, cán bộ Đảng, phải là những kỹ sư tâm hồn!.. Còn về cán bộ thì cả ở trạm máy kéo cũng như ở các nông trang, phải tìm kiếm kỹ hơn nữa. Không phải bao giờ họ cũng ở trước mắt ta. Nếu như cán bộ sẽ đi diễu trên đường phố dưới cửa sổ nhà chúng ta, từng tốp một, thì còn gì đơn giản hơn nữa: cứ việc mời họ vào, lựa chọn người nào vừa ý ta hơn và phái đi làm bất cứ công việc gì. Khốn nỗi, người tốt không bao giờ tự đến với chúng ta và nói: “Tôi là người tốt. Hãy giao cho tôi một công tác quan trọng”. Cần phải tìm kiếm cán bộ. Nếu như tìm kiếm cán bộ là việc hết sức dễ dàng và không có khó khăn gì về cán bộ thì nói chung, chúng ta không còn có khó khăn gì nữa!..
Một tuần sau khi gặp Mác-tư-nốp, tại phiên họp Xô-viết huyện Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nói với anh:
- Chúng ta có một con người rất hay ở làng Ma-ri-nô! Tên ông ta là Đô-rô-khốp. Đồng chí có nghe nói đến con người ấy không? Trước kia ông ta là chủ tịch nông trang “Tổ quốc”. Nghe nói ông ta làm việc rất tốt. Hồi ông ta làm chủ tịch, nông trang này rất nổi tiếng. Từ năm 1940, ông ta đã học hàm thụ hết chương trình kỹ thuật nông nghiệp trung cấp. Sau chiến tranh ông ta trở về với quân hàm thiếu tá.
- Hiện giờ ông ta ở đâu?
- Ở khu lâm nghiệp Ma-ri-nô. Ông ta gác rừng. Tại sao sau chiến tranh ông ta không trở về nông trang “Tổ quốc” làm chủ tịch, nếu đồng chí mời ông ta đến, ông ta sẽ kể cho đồng chí nghe. Cả một câu chuyện dài! Ông ta bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị kết án tù. Đâu như là mười năm. Xô-viết tối cao đã ân xá. Nhưng ở nông trang, người ta vẫn nhớ ông ta lắm, vẫn quý ông ta như bố đẻ.
- Thôi được, Mác-tư-nốp nói, - sáng mai tôi sẽ đến Ma-ri-nô. Từ Ma-ri-nô vào rừng ba ki-lô-mét. Đi bằng xe “com-măng-ca” được không? Tiện đường, tôi sẽ tạt vào Xê-mi-đu-bốp-ca, đưa chị hoặc Glô-tốp cùng đi. Ta sẽ xem xem Đô-rô-khốp là người thế nào. Ông ta bị kết án về tội gì?
- Tội đấu súng.
- Sao?..
- Tôi cũng nghe người ta nói thế thôi, không biết đích xác. Nói chung, cần tìm hiểu tỉ mỉ về mọi mặt.
- Thôi được, ta cứ đi rồi sẽ biết.
Chiếc “com-măng-ca” chạy trên đường rừng, tấm chắn bảo hiểm trước mũi xe ủi tung lớp tuyết dày mới xuống. Xe tới gần ngôi nhà ở đơn độc của người gác rừng, dừng lại trước cánh cổng cao làm bằng gỗ ván. Người lái xe bấm còi hai lần và tắt máy.
Khu rừng già âm u và vắng lặng. Những cây sồi mùa đông nom trang nghiêm, lá đã tàn héo nhưng chưa rụng, ngọn cây khẽ lay động, nghe có tiếng xạc xào mơ hồ. Cạnh nhà là một cây vân sam khổng lồ, cành trĩu nặng tuyết lòa xòa lá xuống mái nhà.
Cửa ngôi nhà gỗ xúc hé mở, người đàn bà quàng vội chiếc khăn vuông, đứng trên ngưỡng cửa, chăm chú nhìn, lớn tiếng nói vọng qua sân, gọi một người nào không rõ:
- Va-xi-li! Có người đi săn đến tìm mình đấy!
Một người đàn ông cao lớn, trạc bốn mươi lăm, mặc chiếc áo bông trần, đội mũ có tai, tay cầm chĩa từ trong nhà kho đi ra. ông ta mở cổng cho chiếc xe hơi vào cái sân có rào bao quanh, và khi chiếc xe đã dừng lại bên ngưỡng cửa nhà, ông ta mới nhìn vào xe xem ai đến tìm mình.
- À, đồng chí Mác-tư-nốp - ông ta mỉm cười dè dặt. - Đồng chí Glô-tốp. Vợ tôi nhầm. Thì ra không phải là cánh đi săn.
- Đồng chí biết tôi à? - Mác-tư-nốp vừa hỏi, vừa ra khỏi xe, chìa tay ra.
- Tôi biết. Tôi đã nhìn thấy đồng chí ở thành phố, trong cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười.
- Còn tôi lại chưa biết đồng chí. Tôi đến làm quen với đồng chí đây. Đồng chí là Đô-rô-khốp phải không?
- Vâng, tôi là Đô-rô-khốp. Xin mời các đồng chí quá bộ vào nhà.
Căn phòng sạch sẽ, sàn mới cọ rửa, trên tường có treo những bức tranh phiên bản của Rê-pin và Lê-vi-tan cắt trong tạp chí “Đốm lửa nhỏ”. Ở đây ấm cúng, thoải mái, nhưng hơi tối, vì những cành vân sam màu đen lòa xòa ở cửa sổ. Trên bàn một cây đèn dầu hỏa cháy sáng. Từ chiếc ấm xa-mô-va tỏa ra mùi thơm thơm của quả vân sam nướng quá lửa. Mác-tư-nốp, Glô-tốp, người lái xe và Đô-rô-khốp ngồi vào bàn. Đô-rô-khốp dáng vẻ nghiêm nghị, lông mày màu nâu nhạt, và ria cũng màu nâu nhạt như thế. Vợ Đô-rô-khốp ở phòng bên kia, đang dùng con dao của lính thái bí trong cái chậu bằng gỗ, làm thức ăn cho lợn.
Đô-rô-khốp cầm lấy cái chai nửa lít, trong còn một ít vốt-ca soi ra ánh sáng xem.
- Còn một ít. Ta uống nốt đi.
Ông rót rượu vào mấy cái cốc nhỏ.
- Mời các đồng chí nhắm thử món nấm. Còn món này nữa: mận ngâm... Sống ở rừng cũng có cái hay: gì chứ những của này - nấm và các thứ hoa quả - thì vô khối! Ở đây có một con sông nhỏ sẵn cá, chịu khó thì ngày nào cũng được ăn cá tươi. Rừng này săn bắn cũng tốt, đặc biệt trong mùa chim di trú, ở khu vực hồ Chi-xtôi-ê. Ngoài ra tôi còn biết chỗ có chó sói, hai con sói già và hai con sói con. Có thể vây lùng được. Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, nếu đồng chí thích thì đem súng đến, chúng ta sẽ tổ chức vây lùng.
- Phải thu xếp công việc, đến đây nghỉ ngơi chơi bời với đồng chí một ngày mới được.
- Ở đây yên tĩnh thật - Glô-tốp nói.
- Không phải lúc nào cũng yên tĩnh đâu. Khi có bão rừng gào thét khiếp lắm! Đất rên rỉ! Còn cây vân sam kia chỉ chực đổ. Nó mà đổ thì một góc nhà đi tong, nhưng chặt đi thì tiếc. Cái cây đẹp quá!..
Đô-rô-khốp rót trà cho tất cả mọi người, đẩy cái đĩa đựng mật ong nguyên tầng ra giữa bàn:
- Các đồng chí nếm thử. Đây cũng là của nhà làm ra.
Mác-tư-nốp uống hai chén trà một cách ngon lành, ngả người lên lưng tấm đi-văng bằng gỗ sơn, xem ra có dáng mệt mỏi.
- Đồng chí Đô-rô-khốp ạ, tôi nghe nói đồng chí bị can án về tội đấu súng phải không?
- Đấu súng quái gì đâu! - Đô-rô-khốp cười khẩy. Cớ gì tôi lại đi phục hồi cái tục lệ cổ lỗ của giới sĩ quan kia chứ? Vả chăng, vụ ấy cũng không phải vụ thách đấu súng. Chẳng qua là một vụ giết người, một vụ giết người thực sự. Ngay cả khi ra tòa, tôi vẫn nói: “Hãy xử vụ án của tôi như một vụ giết người, nếu như nhờ vận may mà hắn còn sống sót, thì đó không phải là một cớ để gỡ tội cho tôi. Giá như người đàn bà ấy không xô vào tay tôi, thì tôi đã bắn hắn chết tươi! Bằng khẩu súng tốt, ở khoảng cách mười lăm mét như thế, tôi bắn một đồng xu cũng không trượt”.
- Người đàn bà nào? Vợ đồng chí ư?
- Không...
- Thế thì kể cho chúng tôi rõ đầu đuôi, ngọn ngành đi, - Glô-tốp nói, - Kẻ đã va chạm với anh là người thế nào? Vì cớ gì xảy ra vụ đụng độ như thế?
- Vâng, có lẽ đành phải kể cho các đồng chí nghe vậy...
Đô-rô-khốp xé một góc tờ báo phủ trên tấm khăn bàn, vấn một điếu thuốc lá thật to, ghé vào ngọn đèn, châm lửa hút:
- Tôi gặp hắn trên một chuyến xe lửa, tôi đáp tầu về nhà, sau khi phục viên. Họ hắn là Can-mư-cốp, cầu vai đính bốn sao, quân hàm đại úy. Qua cuộc chuyện trò mới vỡ lẽ ra rằng chúng tôi cùng phục vụ trong một sư đoàn, cùng nằm một quân y viện, song ở những khoa khác nhau. Và chúng tôi đi cùng đường, tôi về Ma-ri-nô, gã về huyện Xô-lô-men-xki, đi xa hơn tôi hai mươi ki-lô-mét... Từ ga chúng tôi đi bộ về làng... Cả hai đều mệt nhoài, cứ nhằm thẳng hướng mà đi, không cần biết đâu là đường, tuyết ngập đến gối. Lúc ấy mới khoảng hai giờ, về mùa đông mặt trời đã gần xế bóng. Hôm nay hắn không thể về đến nhà được?.. Ồ, thế thì chúng tôi nghỉ đêm ở nhà ai trong làng này đây?
- Thế ra anh không còn họ hàng thân thích gì ở Ma-ri-nô ư? - Glô-tốp hỏi.
Đô-rô-khốp im lặng một lát:
- Trước thì có, tôi có vợ ở đây. Không phải người này đâu, vợ trước kia. Nhưng tôi không về với cô ta? Tại sao, đấy là một câu chuyện riêng. Ngoài ra: tôi không còn họ hàng thân thích nào nữa... Ở Ma-ri-nô, qua khỏi cây cầu, là đến nhà một nữ nông trang viên của chúng tôi, Ghê-rơ-nô-u-xô-va Pô-li-na Ê-gô-rốp-na. Chúng tôi vẫn gọi chị ấy là thím Pô-li-na. Trước chiến tranh, chị ấy làm cấp dưỡng cho đội máy kéo. Chị ấy làm công việc này khá lâu, chừng bảy năm. Sau khi vùng này được giải phóng, chúng ta khôi phục xong trạm máy kéo, chị ấy làm đội trưởng đội máy kéo khoảng chừng hai năm, đến khi chiến tranh kết thúc. Hẳn đồng chí biết chị ấy, đồng chí trưởng trạm ạ.
- Không, tôi không biết, tôi chưa hề nghe nói tới người đàn bà ấy.
- À đúng, mãi sau này đồng chí mới đến đây... Thế rồi, tôi cùng gã đại úy ấy tạt vào nhà Pô-li-na, chị ấy mừng rỡ vỗ tay reo lên! Trước chiến tranh, tôi là chủ tịch nông trang ở đây mà. Chị ấy nhóm bếp lò, bắt một con gà mái ở phòng ngoài. “Chị còn mỗi một con gà mái, tôi có phải là bọn phát-xít đâu mà đi ăn cướp của chị”, Chúng tôi không cho chị ấy giết gà. Nhà chị nghèo xác nghèo xơ, năm ấy là năm 1944. Mấy chiếc giường ván trải những bao tải đựng cỏ của bọn Đức, bàn làm bằng gỗ đựng đạn pháo, vỏ đồ hộp dùng thay cho đĩa. Cảnh nghèo khổ ấy làm tôi buốt ruột, buốt gan! Trước kia gia đình chị ta sống dư dật, hai con trai chị làm việc trong các đội sản xuất, một năm cả gia đình làm được đến một nghìn ngày công, chỉ riêng về lúa mì họ cũng được chia đến năm tấn... Chị ấy nấu xúp bắp cải, luộc khoai, đem rượu nhà làm đến cho chúng tôi, chúng tôi có cồn, đồ hộp. Chúng tôi ngồi vào ăn. Chị ấy kể với chúng tôi: dân làng đã sống như thế nào dưới chính quyền bọn phát-xít, những ai hoạt động du kích, ai bị treo cổ, ai bị xử bắn, giặc đã tàn phá nông trang ra sao, sau ngày giải phóng, dân làng đã bắt đầu làm lại cuộc sống như thế nào. Lúc đầu chỉ có hai con nghẽo cà là khổ chiếm được của địch, họ đã lắp mấy chiếc máy kéo bằng những bộ phận hỏng thu nhặt được, chị đã theo lớp huấn luyện một tháng, rồi tự mình lái máy kéo, không còn ai để khôi phục nông trang, trong làng chỉ còn toàn ông già và trẻ con... Tôi hỏi chị về vợ tôi. Thì ra những điều người ta viết thư ra mặt trận cho tôi biết đều là sự thực. Tôi nói: “Thôi được, thím Pô-li-na ạ, chúng tôi nghỉ nhờ đêm nay ở nhà thím. Rồi ngày mai tôi sẽ nghĩ xem tôi nên ở đâu, sống như thế nào...”
Người bạn đường của tôi, đại úy Can-mư-cốp đã mệt lử, gã nằm trên chiếc ghế dài, nhưng rõ ràng gã không ngủ, gã nghe thấy hết. Đột nhiên gã nhỏm dậy, cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Thực ra, tôi hoàn toàn không biết gã là thứ người như thế nào. Tình cờ gặp nhau ở dọc đường thôi. Ngôi sao đỏ trên mũ, tấm áo ca-pốt xám, nhưng dưới tấm áo ca-pốt ấy là cái gì? Gã nốc thêm nửa cốc rượu cồn nữa và tuôn ra những lời nhảm nhí! Gã nói: “Tôi vẫn nghe cuộc nói chuyện giữa hai người và tôi thấy rằng sau khi bị tàn phá như thế, với hai con ngựa, sẽ phải mất hai mươi năm mới xây dựng lại được cơ nghiệp. Nhưng biết cách thì có thể làm thật nhanh”! - “Làm thế nào cho nhanh?” - tôi hỏi gã. “Thế này này. Số ruộng đất hiện đang bỏ mặc cho cỏ dại mọc lan tràn, đem chia cho các cá nhân được quyền sở hữu, sức cày được bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, thế thì người nào cũng sẽ ra sức làm việc!” Thím Pô-li-na nhìn tôi: “Anh dẫn một tên quái quỷ nào đến nhà tôi thế? Gã là một sĩ quan của chúng ta, mà gã ăn nói thế đấy!.. Nhưng lấy gì mà làm mới được chứ? - thím Pô-li-na hỏi. - Chỉ bằng hai bàn tay trắng thôi ư?” - “Cái khó chính là ở chỗ các người chỉ còn hai bàn tay trắng... Máy kéo cũng không phải của các người, của thiên hạ. Thế ngựa đâu? Nếu là ngựa của mình, thì người ta sẽ giữ gìn cẩn thận!. Người ta sẽ giấu trong rừng, trong khe sâu, chờ cho qua cơn khói lửa! Nó là của riêng, là lợi ích thiết thân của mình mà... Chà, giá như tôi có quyền làm theo ý tôi, tôi sẽ tự tay gieo trồng một trăm héc-ta. Đấy là bước mở đầu!” Tôi bảo gã: “Đại úy này, chắc anh có ruộng vườn ở Xô-lô-men-xki đấy nhỉ?” - “Nhà cửa ruộng vườn ư, đây này!” - Gã lấy cái túi đựng đồ để lên đùi, bắt đầu lục tìm trong túi. Gã đặt lên bàn một chiếc đồng hồ vàng, một hộp thuốc lá bằng vàng, mấy thứ đồ nữ trang. Gã nói: “Đây là vốn để bắt đầu gây dựng!.. Tôi sẽ đổi chiếc đồng hồ này lấy một đôi bò đực; có thể được thêm cả chiếc xe tải nữa cũng nên. Còn cái này có thể đổi lấy máy gieo, máy quạt lúa cùng toàn bộ thiết bị kèm theo! Còn đây là những đồ trang sức của phụ nữ, các bạn hãy chú ý đến cách mài giũa tinh xảo, đấy không phải là thứ đá thường đâu! Bán vật này đi thì sẽ có một bị tiền!” - Hắn cười hô hố. “Thế nào, thiếu tá? Đi bước đầu như thế được đấy chứ?” - “Ổn quá rồi, - tôi nói, - có thể gây dựng cơ nghiệp lớn đấy!” - “Đúng thế!.. Nên dùng những thứ này để sắm các công cụ làm ăn. Chứ tiền là cái quái gì. Tiền ấy ăn chơi phung phí cũng hết!” - “Có phải người nào cũng giàu có như thế đâu, - thím Pô-li-na nói. - Chứ như tôi thì lấy gì làm vốn để gây dựng bước đầu, ngay đến một con bò cái cũng không có!”. - “Đến với tôi. Tôi sẽ chu cấp đầy đủ! Tôi sẽ nuôi nhiều người như chị, không phải chỉ một mình chị! Ở với các ông chủ có thế lực, bản thân các chị cũng không bao giờ bị khốn khó cả”. Tôi nhìn thím Pô-li-na: chị đứng cạnh bếp lò, tựa lưng vào tường, mặt trắng hơn vôi. Còn hắn vẫn lục lọi cái túi đồ. Hắn nói: “Đây là khẩu “van-te”, chiến lợi phẩm... đồng chí thiếu tá, ta ra sân bắn bia chơi chứ?” - “Tôi đã trả khẩu “TT” của tôi ở quân y viện rồi”. - “Ta sẽ bắn bằng khẩu súng này”. Hắn rút ổ đạn đếm xem còn mấy viên. “Bốn viên. Đủ”. - “Được, - tôi nói. - Ra bắn mấy phát chơi”. Hắn vơ lấy chiếc đồng hồ và những đồ trang sức trên bàn, cho vào chiếc túi, mặc áo ca-pốt đi ra, chân bước lảo đảo. “Ta lấy gì làm đích ngắm bắn bây giờ?” - tôi hỏi. “Lấy một cái vỏ đồ hộp”. Cả thím Pô-li-na cũng choàng tấm khăn san đi theo chúng tôi... tôi đặt cái hộp ở một vị trí vững chắc, giữa các cành cây, ở phía đối diện với hướng mặt trời lặn, rồi đếm hai mươi nhăm bước. Hắn đứng vào vạch. Ban nãy tưởng chừng như hắn say, thế mà vừa cầm lấy khẩu súng trong tay, tự dưng hắn linh lợi hẳn lên, toàn thân hắn mềm dẻo như một chiếc lò xo, thậm chí hắn bước không còn chuệch choạng nữa. Phát thứ nhất, hắn bắn trúng vào giữa đáy hộp, phát thứ hai, bắn trúng vào chỗ cũ, khoét rộng lỗ thủng thêm một chút. “Đại úy bắn trúng lắm!” - tôi nói, - “Không đến nỗi kém. Đến lượt anh bắn đi”. Tôi cầm lấy khẩu súng lục của hắn, lui ra một quãng và nói: “Được, mày bắn trúng cái hộp, còn tao sẽ bắn trúng cái cúc áo của mày, cái cúc ở phía bên trái kia kìa”. Thím Pô-li-na kêu toáng lên, từ trên ngưỡng cửa đâm bổ vào tôi. Tôi nói: “Những người này bảo vệ nông trang như một cái gì thiêng liêng nhất, vậy mà mày... mày muốn biến chị ấy thành cố nông ư? Thằng khốn kiếp kia, tao sẽ bắn chết mày, để cho tiệt cái giống chúng mày đi!” Còn thím Pô-li-na vẫn đánh đu lấy tay tôi. Tôi nổ súng, trúng vào chỗ này, dưới xương quai xanh. Vết thương rất to, chảy nhiều máu, thành thử thím Pô-li-na phải chạy đến bệnh viện tìm bác sĩ. Người ta dùng cáng khiêng hắn đến bệnh viện... Đúng, tôi đã bắn hai phát, chúng tôi có bốn viên đạn mà. Chị ấy lại làm cho tôi không bắn trúng đích được, viên đạn thứ hai hất tung cầu vai trên áo ca-pốt của hắn.
Câu chuyện giữa chúng tôi chỉ có thế. Buổi sáng tôi bị bắt. Tôi bị giam cho đến ngày ra tòa. Tôi phải trả lại thẻ đảng, trả lại huân chương, rồi tôi ra tòa, bị kết án mười năm tù, Tôi chống án lên Xô-viết tối cao. Tôi thuật lại khúc nhôi sự tình. Chê-rơ-nô-u-xô-va là nhân chứng, cũng đã khai rõ trước tòa. Trên đòi hồ sơ của tôi. Một tháng sau, có lệnh ân xá. Tôi cố tìm cách khôi phục đảng tịch, nhưng ở huyện ta, trước khi Boóc-dốp về, bí thư huyện là đồng chí Xlếp-tsen-cô. Đồng chí ấy chúa ghét thói chơi bời nhậu nhẹt. Nếu một kẻ thường hay làm hỏng việc, nhưng tính tình hiền lành, không uống rượu thì không sao. Đồng chí ấy tha thứ được. Tổ chức Đảng ở đây không khôi phục đảng tịch cho tôi, tôi viết đơn khiếu nại về Mát-xcơ-va. Có giấy gọi tôi hai lần, nhưng tôi ốm rất nặng, sau khi ở mặt trận về, nằm liệt giường nửa năm trời. Chính Na-xchi-a đây đã chăm sóc cho tôi bình phục, bón cho tôi ăn bằng thìa. Tôi không thể đi Mát-xcơ-va được. Việc của tôi thế là bị xếp xó, vì để lâu ngày quá... Người ta tìm cho tôi công việc này, thế là tôi đi làm gác rừng... Ở nông trang “Tổ quốc”, công việc bê trễ do ban lãnh đạo mới không biết cách làm ăn, nông trang viên lại bầu vắng mặt tôi làm chủ tịch. Nhưng khi báo cáo lên huyện ủy thì huyện gạt đi. Để củng cố tổ chức Đảng, một đảng viên đã được phái về đây, thế là tôi đành chết khô ở đây... Ta làm mỗi người một chén trà nữa chứ? Na-xchi-a! Ấm xa-mô-va nguội rồi.
Vợ Đô-rô-khốp vóc người thấp lùn, đẫy đà, mặt không đẹp, lấm tấm vết rỗ hoa, mang ấm xa-mô-va xuống bếp.
- Thế đồng chí có biết gã Can-mư-cốp ấy hiện giờ ở đâu không? - Mác-tư-nốp hỏi.
- Biết chứ. Hắn ở huyện Xô-lô-men-xki, xã Gri-si-nô. Vợ thứ nhất của tôi người làng ấy..., Đã thế thì tôi sẽ kể hết cho các đồng chí nghe, - Đô-rô-khốp lại nói, sau một lúc im lặng, - để các đồng chí biết do đâu có tin đồn rằng tuồng như vì ghen tuông mà tôi muốn bắn gã... Hồi tôi chiến đấu ở mặt trận, Ôn-ga vợ thứ nhất của tôi ở trong đội du kích đóng cứ ở vùng rừng Ca-men-xki. Ở đấy, cô ta đã dan díu với một anh chàng ngang tàng tên là Gri-gô-ri Xô-bô-lép. Gã đẹp trai. Trước gã là chủ tịch Xô-viết xã Mi-khai-lốp-ca. Gã xứng đôi với cô ta, cô ta cũng là một phụ nữ xinh đẹp. - Đô-rô-khốp đưa mắt nhìn lên tường, ở đó xen giữa những tấm tranh phiên bản cắt trong tạp chí “Đốm lửa nhỏ” có treo những tấm ảnh chụp. - Tôi muốn cho các đồng chí xem ảnh cô ta. Không còn một tấm nào, Na-xchi-a đã đốt hết... Ở mặt trận, tôi nhận được thư cho biết về Ôn-ga. Cô ấy ăn ở với gã kia không lâu, Gã đã làm cho cô ấy mê mẩn tâm thần, nhưng rút cuộc chính cô ấy đã hiểu được tâm địa của gã và bỏ gã. Ở đấy gã còn tằng tịu với những người đàn bà khác, còn cái ngang tàng của gã chỉ là cái ngang tàng ngu xuẩn, cốt để lòe đời. Còn về tôi thì có tin đồn tôi đã chết ở gần Ki-ép. Một người lính ở đơn vị chúng tôi về thăm nhà trong những tháng đầu chiến tranh đã kể với Ôn-ga rằng: chính mắt anh trông thấy người ta đem tôi đi chôn. Chuyện ấy có thật, đúng thế. Tôi đã được khiêng đến cái huyệt tập thể, nhưng đến phút chót, người ta nhận ra rằng tôi vẫn còn sống, còn thở. Đáng lẽ phải xuống mồ, tôi được đưa về đơn vị quân y, rồi được đưa về vùng hậu phương ở bên kia sông Vôn-ga. Sau đó tôi lại ra mặt trận...
- Đồng chí Đô-rô-khốp ạ, - người lái xe nói xen vào, - như vậy, nếu xét cho kỹ thì người vợ trước của đồng chí cũng không có lỗi phải không?
- Cũng có thể là như thế... Còn Xô-bô-lép đã bị bọn Đức treo cổ. Anh em du kích đã kể cho tôi nghe: anh ta cùng một tay cũng liều mạng như mình đột kích vào nhà máy rượu Khri-xtô-phô-rốp-ca. Lẽ ra họ có thể thành công hoàn toàn và rút về. Một phần của đơn vị bảo vệ đã bị họ bắn chết, phần còn lại đã bị dồn vào căn nhà của lính bảo vệ và họ đã cảnh cáo cho chúng biết là cứ phải ở yên trong đó cho đến sáng, không được bước chân ra đến ngoài: tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đã gài mìn hết. Khốn nỗi, bản thân họ lại đi nốc rượu lu bù. Sáng ra bọn Đức tóm được họ ở nhà một ả gái giang hồ, cả hai đều mềm rũ ra như cái xác còn ấm hơi... Vào cái đêm xảy ra câu chuyện rắc rối giữa tôi và Can-mư-cốp, Ôn-ga đến gặp tôi. Thím Pô-li-na đã chạy đến tìm cô ấy, cho biết tôi đã về... Tôi ngồi một mình bên chiếc bàn trong căn nhà không người, Pô-li-na đi đến bệnh viện. Sàn nhà bê bết máu, người ta đã băng bó cho gã kia trong nhà, khẩu “van-te” đặt trên bàn. Dường như bấy giờ đột nhiên tôi mới ngấm hơi men, tôi gục đầu xuống hai cánh tay và ngủ thiếp đi. Tôi cảm thấy chân lành lạnh, gió lùa từ cửa vào: tôi ngẩng đầu lên, Ôn-ga đứng trên ngưỡng cửa. “Va-xi-li, anh thân yêu, - cô ta nói, - tha thứ cho em”. Cô ta không hề có lấy một lời trách móc nào đại loại như: “Anh làm cái trò điên gì ở đây thế?” Hẳn là thím Pô-li-na đã kể cho cô ta nghe mọi khúc nhôi sự tình, cô ta lấy giẻ lau sạch máu trên sàn. “Bây giờ, cho dù anh có phải vào tù, em cũng sẽ theo anh!” - Tôi đáp: “Tôi không cần cô, dù là ở đây hay ở trong nhà tù”. Khi tôi được tha, cô ấy vẫn còn đến nhiều lần, van tôi về nhà. Cô ta van nài tôi nghe cô ta giãi bày cho hết nhẽ. Chuyện gì đã xảy đến với cô ấy, đầu đuôi ra sao? Tôi không buồn nghe cô ấy nói, tim tôi dường như đã hóa đá rồi. Cô ấy còn có cả một đứa con trai với Gri-gô-ri Xô-bô-lép. Thằng bé đã chết trong rừng. Cô ấy bỏ về ở với họ hàng nhà mình ở huyện Xô-lô-men-xki. Nhà thì cô ấy khóa lại, gửi chìa khóa cho tôi. Về sau, khi đã vào làm gác rừng ở đây, căn nhà ấy tôi cho thuê... Còn về cô ta, ở huyện Xô-bô-men-xki, cô ta lại đánh bạn với Can-mư-cốp. Làm sao họ quen nhau, tôi không biết. Ở đấy, thoạt đầu, gã kia làm việc ở một kho lâm nghiệp, gã thường xuyên ăn cắp của công nhưng khéo xoay xở nên vẫn không can gì. Còn hiện giờ, đối với mọi người, hắn chỉ là một thương binh, một cán bộ về hưu, hắn đã xây được một tòa nhà gạch, lợn ngỗng đầy sân, lại cả vườn rau nữa. Gã đã tậu được chiếc ô-tô “Mát-xcơ-vích”. Cô ta là một nữ du kích, làm sao cô ta có thể ăn ở với tên súc sinh ấy được?.. Hay có lẽ cô ta hờn giận, đau buồn vì tôi không tha thứ cho cô ta chăng? Phẫn chí nên đành nhắm mắt đưa chân! Nếu vậy thì ra tôi giết chết cuộc đời cô ấy sao?.. Hay cô ấy cố tình chọc tức tôi: “thì đây, anh định giết anh ấy, nhưng không giết được, và bây giờ anh ấy là chồng tôi!”
Đô-rô-khốp lại rót rượu cho cả ba người, và vẫn rót cho mình nhiều hơn. Mác-tư-nốp lắc đầu, đẩy cái cốc ra xa.
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, bởi thế thiên hạ mới đồn đại rằng tôi với Can-mư-cốp đấu súng vì tranh cướp vợ. Người ta nghe thấy tiếng chuông, nhưng không biết tiếng chuông từ đâu ra. Thôi thì đủ điều đơm đặt. Người ta biết rằng suýt nữa tôi giết chết gã, người ta cũng biết rằng hiện giờ gã sống với người vợ cũ của tôi... Ra tòa, gã dựng chuyện lên, làm như tôi lóa mắt vì vàng bạc châu báu của gã. Gã bảo chủ nhà là đồng lõa của tôi. Gã nói: “Đây là những chiến lợi phẩm tôi kiếm được một cách chính đáng. Tôi không ăn cướp của các công dân Liên Xô, tôi lấy của một tên phát-xít do chính tay tôi giết chết”. Còn những lời gã nói về các phụ nữ nông dân làm thuê cho gã thì gã chối bai bải... Bây giờ tôi sống như thế này đây. Vì cái thằng nham hiểm ấy, tôi đã làm hỏng cuộc đời của tôi!
- Đồng chí Đô-rô-khốp ạ, ở nông trang “Tổ quốc”, bà con bảo rằng trước chiến tranh hầu như không bao giờ đồng chí uống rượu, - Mác-tư-nốp bắt nọn: anh chưa hề nói chuyện với các nông trang viên của nông trang “Tổ quốc” về ông chủ tịch cũ của họ. - Có phải chỉ vì buồn bực mà đồng chí quá đam mê cái chất thuốc độc này chăng?
- Phải, anh ấy đâm ra nát rượu quá lắm, quá lắm! - Na-xchi-a ở dưới bếp lên, nói một cách tức giận. - Đồng chí Mác-tư-nốp, đồng chí mắng cho anh ấy một trận nên thân vào. Chỉ có đồng chí mới nói được thôi. Không mấy ngày anh ấy không say khướt đến tận chiều tối. Có lẽ anh ấy không thể quên được cô nàng Ôn-ga xinh đẹp của mình chăng? Hay anh ấy khao khát muốn về làng sống với mọi người?
- Tôi có thể chừa được, - Đô-rô-khốp nói một cách quả quyết và cũng gạt cái cốc ra xa. - Nếu công việc đòi hỏi phải chừa rượu thì tôi sẽ chừa hẳn!
- Đúng, - Glô-tốp gật đầu, - nếu trong nông trang, ta đấu tranh chống việc dùng cái chất độc ấy, thì ông chủ tịch phải là người trước tiên chừa rượu. Anh sẽ không thể ngửi thấy mùi vốt-ca tỏa ra từ miệng kẻ nào trong giờ làm việc, nếu chính anh đã uống dù chỉ một trăm gam.
- Ông chủ tịch phải chừa rượu ư? - Đô-rô-khốp nhìn vào mắt Glô-tốp và Mác-tư-nốp. - Thế này nhé... Đồng chí đến đây nhằm mục đích ấy phải không, đồng chí Mác-tư-nốp?
- Vậy thì thế nào, đồng chí có muốn không?
- Trở lại nông trang ư?.. Thôi được, tôi xin nói thẳng là tôi bằng lòng. Nếu các đồng chí cho rằng tôi bị trừng phạt như thế là đủ rồi... Tôi sẽ về bất cứ nông trang nào! Hãy giao cho tôi một nông trang lệt bệt nhất! Tôi thèm được hoạt động sôi nổi, không tôi buồn lắm...
Mác-tư-nốp im lặng một lát.
- Chúng tôi sẽ cân nhắc, đồng chí Đô-rô-khốp ạ.
- Thế còn cái thím Pô-li-na đã xô vào tay anh, chị ấy là người thế nào? - Glô-tốp hỏi, - Anh bảo trước kia chị ấy là đội trưởng đội máy kéo phải không? Hiện giờ chị ấy ở đâu? Trước đây làm việc ra sao? Chị ấy là người thế nào? Anh hãy nói kỹ về chị ấy đi.
- Hiện giờ chị ấy ở làng Ma-ri-nô. Nhà chị ấy bán rồi. Sau một trận ném bom, nhà của chị ấy gần như sụp đổ, sửa chữa thì không đủ khả năng. Hiện giờ chị ấy ở căn nhà của hợp tác xã cung tiêu, chị ấy là người quét dọn của hợp tác xã. Trước đây, lúc khó khăn nhất, chị ấy làm đội trưởng đội máy kéo. Rồi sau đó, ông trưởng trạm trước đồng chí là Khri-xtít cùng với kỹ sư trưởng cơ khí đã làm chị ấy rất oán giận. Khi lắp máy, thợ lái máy kéo đã bỏ quên chiếc chìa khóa trong các-te. Khi mở động cơ, chiếc chìa khóa rơi xuống dưới thanh truyền, làm vỡ pít-tông, gẫy trục khuỷu. Người ta đã bắt chị ấy bồi thường một khoản khá lớn, trừ vào lương. Người ta quy kết cho chị ấy cái tội gần như là phá hoại. Chị ấy bỏ trạm máy kéo, vào làm ở hợp tác xã cung tiêu... Một người phụ nữ đáng quý vô ngần, tôi xin nói với đồng chí như thế, đồng chí Glô-tốp ạ! Cả về tính tình cũng như sự khéo tay! Ngay từ trước chiến tranh, hồi chị ấy còn làm nấu bếp cho thợ lái máy kéo, tôi đã nhận thấy chị ấy có khả năng kỹ thuật. Chị ấy gọt khoai tây, nhưng nhìn thấy hết, nghe thấy hết: thợ máy kéo tháo máy như thế nào, chi tiết nào tên là gì, dùng để làm gì. Chị ấy đã qua lớp huấn luyện và trở thành thợ lái máy kéo.
Đột nhiên Đô-rô-khốp cười phá lên.
- Có lần tôi đến đội máy kéo, xem mức độ cơ khí hóa như thế nào. Thím Pô-li-na ném vào xi-lanh mấy nắm bột nhão, anh em lấy pít-tông cho vào xi-lanh, ấn xuống, thế là ở phía dưới mì sợi tuôn ra. Thì ra cách làm đó là sáng kiến của Pô-li-na. Dùng dao cắt nhỏ mì đã cán mỏng để phục vụ cho một tập thể đông đảo như thế không phải là chuyện dễ. Chị ấy chọn một thân xi-lanh cũ, chỉ vẽ cho anh em cách sửa vá ở dưới xi-lanh như thế nào. Khoan bao nhiêu lỗ dưới đáy, đặt xi-lanh lên máy ra sao, Chị ấy rửa một chiếc pít-tông cũ và chế tạo một chiếc máy nén. Thế là làm một giờ, đủ mì ăn cho cả một tuần!..
- Được, chúng ta sẽ tìm cả thím Pô-li-na nữa. Thôi, cảm ơn ông bà chủ đã thết đãi chúng tôi - Mác-tư-nốp nói lúc chia tay. - Hẳn là bà chủ cũng đã chán cái nơi hoang vắng này rồi, phải không?
- Ôi chao, còn phải nói! - Na-xchi-a phác một cử chỉ bằng tay. - Tôi chẳng thích những thứ nấm và hoa quả này. Tôi đã quen lối làm ăn quy mô lớn, quen chăm lo đến công việc xã hội, chứ không phải chăm lo cho cái tài sản nhỏ mọn của mình. Hơn nữa, ở đây chẳng có rạp chiếu bóng, cũng chẳng có hội họp gì hết. Ở nông trang “Tổ quốc”, tôi là người vắt sữa. Năm 1941, tôi đã được đề nghị tặng huân chương, được chọn đi dự triển lãm. Tôi sửa soạn đi Mát-xcơ-va, nhưng chiến tranh nổ ra, thế là đình lại hết.
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, muốn tìm người thay tôi thì dễ hơn hết là tìm một người nào yêu thiên nhiên, thích đi săn, - Đô-rô-khốp nói. - Đối với một người như thế, nơi này là thiên đường trên trái đất!
- Trên thiên đường làm gì có chó sói gào rú, - Na-xchi-a bật cười. - Còn ở đây thì chó sói thường hòa nhạc tưng bừng ở Cri-vôi Lốc! Phải nói chúng gào hay tuyệt trần, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! Lên bổng xuống trầm, đủ các thứ giọng. Đúng là chúng ca hát!..
Đô-rô-khốp không đội mũ và không mặc áo bông, còn vợ anh choàng chiếc khăn, đưa tiễn khách ra cổng. Hai vợ chồng nhìn theo chiếc xe mãi, cho đến khi nó khuất sau khúc ngoặt của con đường rừng, mất hút trong đám cây sồi rậm rạp.
Dọc đường Mác-tư-nốp bảo Glô-tốp:
- Hãy kể lại hết cho Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nghe, bảo chị ấy tìm cho được thím Pô-li-na. Hai đồng chí thử suy nghĩ xem: có lẽ nên vận động chị ấy trở lại trạm máy kéo chăng? Còn tôi sẽ đến nông trang “Tổ quốc” tìm hiểu về Đô-rô-khốp, xem trước đây đồng chí ấy làm việc như thế nào... Nếu quả thực đồng chí ấy là một cán bộ tổ chức giỏi, một người chính trực thì chúng ta sẽ đưa đồng chí ấy trở lại nông trang, vận động nhân dân bầu đồng chí ấy lên làm chủ tịch. Phải làm cho nông trang vươn lên. Cu-tsen-cô không đảm đương nổi nhiệm vụ. Hơn nữa, theo kết quả kiểm tra gần đây nhất, ông ta có tham ô tiền quỹ... Chúng ta sẽ nghĩ cả về việc đưa Đô-rô-khốp trở lại Đảng. Khôi phục đảng tịch thì khó đấy, lâu quá rồi. Có lẽ nên bảo đồng chí ấy làm đơn xin kết nạp lại chăng? Còn về việc Ôn-ga thì chúng ta không thể giúp gì cho đồng chí ấy được...
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na không phải mất nhiều thì giờ tìm thím Pô-li-na trong làng. Người đàn bà đầu tiên chị hỏi thăm về nơi ở của Pô-li-na, nhân viên quét dọn của hợp tác xã cung tiêu, té ra lại chính là Pô-li-na (lúc ấy bà ta đang ngồi trong chiếc xe trượt tuyết cạnh phòng quản lý của hợp tác xã cung tiêu). Nghe hỏi, bà ta liền đứng lên.
- Chị ở trạm máy kéo đến ư? Gặp tôi à?.. Tôi đang định ra bưu điện nhận bưu kiện của con gái tôi gửi về. Thôi được, mời chị vào nhà.
Pô-li-na đã ngót năm mươi tuổi. Vóc người cao lớn, đẫy đà vừa phải, dáng đi nhanh nhẹn, cử động khéo léo, bà ta thuộc loại người mà người ta thường nói rằng: “Làm gì cũng mát tay”. Bà ta ở trong gian nhà phụ bằng gỗ nhỏ kế ngay cửa hàng của hợp tác xã: chỉ có một phòng.
Hai người đàn bà nói chuyện một cách khá thoải mái và giản dị khi Pô-li-na được biết khách của bà trước kia cũng là thợ lái máy kéo nổi tiếng Ma-ri-a Grô-mô-va.
- Đã lâu tôi không đến Xê-mi-đu-bốp-ca, - Pô-li-na vừa nói vừa thu dọn trong phòng, kéo lại những tấm rèm cửa sổ cho phẳng phiu. - Ba năm nay tôi không hề bước chân tới đó, chẳng có việc gì mà đến... Thế bây giờ có trưởng trạm mới, tình hình ở đây thế nào?..
- Chúng tôi cần người, chị Pô-li-na ạ, - Boóc-dô-va bắt đầu đi thẳng vào việc, - Đến mùa xuân, chúng tôi muốn tổ chức một đội phụ nữ lái máy kéo. Tôi đã tìm hiểu kỹ: trong các nông trang có nhiều chị em trước kia đã từng lái máy kéo. Nghe nói chị em làm việc giỏi lắm... Một số chị em lái máy kéo đã nhiều năm. Còn chị trước kia là đội trưởng, sau chị bỏ trạm máy kéo. Ở đây chị thấy thích hơn ư?.. Chúng tôi sắp nhận được mười hai chiếc máy kéo mới, nhãn hiệu “ĐT”, loại bánh xe vòng xích. Chị chưa biết loại máy nhãn hiệu ấy ư, máy tốt lắm. Sẽ phải đưa thợ mới học nghề lên ngồi tay lái, biết làm thế nào được. Cho thợ học nghề lái chiếc máy cũ ọc ạch, hay dở chứng thì họ không thể nào sử dụng nổi. Nhưng dù lái máy mới thì thợ mới cũng không thể phát huy nổi ngay đến một nửa công suất mà người lái máy kéo giầu kinh nghiệm có thể khai thác được!
- Tôi ngần này tuổi rồi, lên ngồi máy kéo sao được! - Pô-li-na nói. - Để làm một chuyện lạ đời chăng? Cả tỉnh mới có một người như thế, bàn dân thiên hạ phải ngạc nhiên. Bà già lái máy kéo!
- Ôi dào! Già gì mà già! Mấy chị em trước kia lái máy kéo có kể với tôi: “Nếu thím Pô-li-na dùng một tay không xoay nổi tay quay thì như thế là ổ trục xiết chặt quá”.
Hai người đàn bà bật cười. Pô-li-na ngồi xuống bên bàn, im lặng giây lát, mấy ngón tay vân vê tua viền của chiếc khăn thêu trải bàn.
- Chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ạ, làm công việc hiện nay của tôi thì thích thú cái nỗi gì đâu? Tôi cọ rửa sàn trong văn phòng, và nói chị thứ lỗi, cả trong chuồng xí nữa, quét tước dọn dẹp cho sạch sẽ, nhóm bếp lò. Tôi sống cho qua ngày đoạn tháng, miễn là có nơi ăn chốn ở, một khi đã không biết làm gì khác!.. Có lẽ tôi bỏ việc ở trạm máy kéo là không đúng, nhưng tôi xin nói để chị rõ, người ta đối xử với tôi cũng chẳng đúng đắn gì!.. Tôi hết sức hết lòng vì công việc chung, vậy mà người ta đền đáp cho tôi như thế! Những khúc gỗ có mắt, lòng lim dạ đá! Chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu gian khó trong mùa xuân đầu tiên sau khi địch rút đi! Vất vả lắm chúng tôi mới thu thập được hai mươi cỗ máy. Chất đốt thì thiếu. Trong số các đội trưởng cũ, chỉ có hai người trở về. Họ bị thương, về nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thế là chúng tôi liền xin phòng quân vụ cho họ ở lại hẳn, đặc cách miễn nghĩa vụ quân sự cho họ. Không có họ chúng tôi không làm ăn gì được. Toàn là những người không có kinh nghiệm, phụ nữ và trẻ em. Trong đội tôi có một cậu tên là Mi-sa Bra-ghin, hiện giờ cậu ta ở trong quân đội. Kể về tuổi thì không còn bé bỏng gì nữa, mười sáu tuổi rồi, nhưng nom còn con nít lắm. Loại trẻ ranh như thế ngồi lái máy kéo thì quả là chuyện xưa nay chưa từng thấy. Hôm nào đến lượt chú ta phải làm kíp đêm, chính tôi cũng không rời khỏi máy. Tôi thương thằng bé đứt ruột. Mùa xuân trời lạnh, gió rét, áo quần của thằng bé thì mỏng mảnh, chẳng ra cái hồn gì. Tôi ngồi một chỗ dưới đống rơm và quan sát. Động cơ ù ù, đốm sáng chuyển động, nghĩa là Mi-sa đang cày. Hễ thấy đốm sáng dừng lại, động cơ bặt tiếng tức là Mi-sa đã ngủ thiếp đi. Tôi đến gần thấy máy kéo dừng lại, đèn vẫn sáng, chú bé cùng với tay phụ chui xuống gầm xe, chỗ mô-tơ còn ấm để sưởi và ngủ thiếp đi. Tôi lay gọi, thế là nó làm việc thêm được chút ít nữa. Khổ thân! Tôi bắt thằng bé vào toa xe nghỉ, còn tôi lên ngồi tay lái. Tảng sáng, tôi đánh thức thằng bé dậy, trời lạnh, gió mạnh lay động cả toa xe, thằng bé quấn chiếc áo da rách nát, trùm kín cả đầu, cưỡng lại: “Mẹ ơi! Mẹ! Đừng đánh thức, để con ngủ thêm chút nữa”. Nào tôi có phải là mẹ nó đâu, mẹ nó bị bọn Đức bắn chết rồi. Nếu cứ thương hại tất cả mọi người thì rồi sự thể sẽ ra sao? Đến bao giờ chúng tôi mới cày xong, gieo xong?.. ấy thế mà tôi vẫn thương thằng bé. Tôi làm hộ cho nó thêm một vài tiếng nữa. Chính nhờ những con đại bàng như thế, chúng tôi đã gây dựng lại được cơ nghiệp. Tôi làm đội trưởng hai mùa hè và thêm một mùa xuân nữa. Cho đến khi ta giành được thắng lợi hoàn toàn và những người đi chiến đấu bắt đầu trở về... Thế rồi, một việc rủi ro đã xảy đến với chúng tôi... Chúng tôi làm vỡ động cơ. Duyên do vì bỏ quên chiếc chìa khóa trong cac-te. Người ta xỉ vả tôi không tiếc lời, nào là kẻ phá hoại vụ mùa, nào là kẻ thù của nhân dân! Họ không đặt mình vào địa vị tôi mà xem. Trước khi chúng tôi lắp chiếc máy ấy, ba đêm liền tôi không ngủ. Như thế thì đừng nói gì đến chiếc chìa khóa, ngay đến cái đầu tôi, tôi cũng có thể bỏ quên trong cac-te! Người ta bắt tôi bồi thường phí tổn sửa chữa, khấu gần hết công điểm của tôi trong vụ xuân. Vì thế, tôi xin vào làm việc ở đây, ở hợp tác xã cung tiêu. Cần có cách gì kiếm sống chứ. Hồi ấy, con gái tôi còn nhỏ, đang đi học. Ở trạm máy kéo chẳng có việc gì làm, tìm việc ở nông trang cũng không được nữa, đã quá nửa mùa hè rồi. Mà hồi ấy làm ở đây thì ít ra cũng mua được bánh mì không phải xếp hàng ở cửa hiệu.
- Ồ không, thím Pô-li-na, xin hãy tin tôi: bây giờ chúng tôi sẽ không đối xử với chị em như thế đâu! - Boóc-dô-va vươn tay qua bàn, chạm vào khuỷu tay Pô-li-na. - Bí thư huyện ủy của chúng ta bây giờ là người khác, còn trưởng trạm máy kéo là đồng chí Glô-tốp. Ông già cố nhiên cũng có những khuyết điểm, nhưng không xử tệ với thợ lái máy kéo đâu... Chiếc khăn trải bàn này chị thêu lấy đấy à?
- Tôi thêu lấy đấy... Công việc của tôi là thế này: dậy trước khi trời sáng, quét tước, và rửa ngưỡng cửa, nhóm bếp lò, xong cả rồi thì phải làm cái gì chứ?.. Chị thích chiếc khăn này ư? Ở vùng ta không bán loại chỉ này. Con gái tôi ở Lê-nin-grát gửi về cho tôi đây. Nó là sinh viên, hiện đang học ở đấy.
- Hình thêu đẹp thật.
- Thế chị có hay thêu thùa không?
- Biết nói thế nào được... Tôi không có thời giờ làm việc ấy. Hồi làm chủ nhiệm “Phòng giống rau”, tôi có học đan, công tác tĩnh tại, khách thì ít. Tôi đóng cửa phòng làm việc ngồi đan với chị kế toán.
Thím Pô-li-na chăm chú nhìn vị khách của mình:
- Này, tôi đã gặp chị ở đâu thì phải, chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na, hình như trong ban quản trị của hợp tác xã cung tiêu. Chị đến đây lấy những loại hạt giống gì đó... Chị có phải vợ đồng chí Boóc-dốp không?
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na đành phải kể với thím Pô-li-na cả về chuyện đời tư của mình, vì sao Boóc-dốp sang huyện khác mà chị vẫn ở lại đây.
...Hai người đàn bà chuyện trò mãi tới tận tối, rút cuộc thím Pô-li-na bằng lòng làm việc thêm hai năm nữa ở trạm máy kéo.
- Chị nghĩ ra việc đưa chị em lên lái máy là đúng. Cần làm cho chị em quen với công việc ấy! Nếu chẳng may, những tên khát máu hiện đang đe dọa chiến tranh lại đi theo gót Hít-le, gây nên cảnh đầu rơi máu chẩy, thì đàn ông sẽ lại lên ngựa, có thế họ mới là đàn ông chứ. Còn chị em ta thì chăm lo công việc nhà... Nhưng ở tuổi tôi, làm công việc ấy không thích hợp nữa rồi. Chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ạ, sức lực không còn như trước nữa, lại mắc bệnh khó thở. Tôi sẽ làm việc một thời gian, cho đến khi đào tạo được lớp người thay thế. Tôi sẽ kèm cặp cho một cô gái thành thạo tay nghề, rồi sẽ dẫn đến giới thiệu với chị: “Đây là đội trưởng của chị, tôi xin chịu trách nhiệm về cô ta như chịu trách nhiệm về chính bản thân tôi”. Khi ấy tôi sẽ về hưu chăng? Hay sẽ lại đi nấu ăn cho thợ lái máy kéo?..
Trưởng trạm máy kéo Glô-tốp và bí thư huyện ủy tán thành sáng kiến của Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na: tổ chức ở trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca một đội phụ nữ lái máy kéo.
Chủ nhật, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na và Glô-tốp đến nông trang “Tổ quốc”. Ở câu lạc bộ của nông trang đã triệu tập được khoảng hai mươi chị em, trước kia là thợ lái máy kéo. Họ là người làng Ma-ri-nô và mấy làng lân cận. Trong bọn họ có cả những thiếu phụ, cả những người đứng tuổi, cả các cô gái.
Họ bỏ nghề lái máy kéo vì những nguyên nhân khác nhau: người thì đi lấy chồng, chồng không bằng lòng về việc vợ ít khi có mặt ở nhà. Người thì đẻ con nên phải bỏ việc; người thì oán giận nông trang làm cho mình bị thiệt thòi: người ta trả công bằng thóc mục, bán không được, xay bột ăn không được, chỉ có thể đem nuôi gia súc thôi; người thì phải nhận chiếc máy kéo quá cũ, tàng lắm rồi, vậy mà trưởng trạm không chiếu cố đến điều đó, không tăng mức chất đốt, vì vậy, chị ta phải bồi thường ba trăm rúp vì tiêu thụ chất đốt quá mức quy định; người thì sợ thái độ thô lỗ, hay quát mắng của đội trưởng; người thì lẽ ra vẫn tiếp tục làm việc nếu như đội chỉ toàn bạn gái, nhưng đội lại gồm cả nam lẫn nữ, một số gã trai trâng tráo cứ ám họ, làm việc ở đấy một năm thì sau khó lấy được chồng...
Một điều bất ngờ đối với Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na, tại cuộc họp đó, người vốn tính phớt đời như Glô-tốp bỗng thốt lên những lời hào hứng về tính chất thi vị của lao động cơ khí hóa.
- Các cô gái của tôi ơi, đối với các cô, lấy chồng cố nhiên là việc trọng đại, không nên làm cho chồng chưa cưới của các cô đâm hoảng, bỏ rơi các cô. Vì thế chúng tôi chiều theo ý muốn của các cô và thành lập một đội toàn nữ. Có lẽ chỉ có người chở nước là đàn ông thôi. Một ông già như tôi đây này. Thế thì chẳng có gì nguy hiểm. Chồng chưa cưới của các cô sẽ không ghen với một ông già như thế. Cả đội trưởng, chúng tôi cũng sẽ chọn một người nữ: Pô-li-na Ê-gô-rốp-na có mặt tại đây, chúng tôi sẽ cử thím ấy làm đội trưởng. Như vậy là không lo bị mắng chửi nữa. Với thím ấy, các cô sẽ không phải nghe nhưng lời thô tục. Thế nào, thím Pô-li-na Ê-gô-rốp-na? Hay thím cũng biết quát tháo không kém gì đàn ông?
- Sao đồng chí lại nói thế, đồng chí trưởng trạm! - Thím Pô-li-na đỏ mặt.
- Như vậy là chị em sẽ tập hợp được một đội nữ của mình. Sẽ yên tĩnh và hòa thuận như ở chợ ấy thôi... Còn công việc của chị em cũng nhẹ nhàng hơn. Máy của chúng ta hiện nay là máy tốt. Hầu hết đã được đổi mới. Không còn loại máy cồng kềnh, chỉ ngốn nhiên liệu. Bây giờ chúng tôi theo dõi chặt chẽ việc trả công cho thợ lái máy kéo, và huyện ủy cũng giúp đỡ chúng tôi. Tôi cam đoan với chị em rằng chúng tôi sẽ không để ai oán thán gì về việc trả công. Thêm nữa xin nói thêm với chị em điều này: công việc ở đây, ở nông trang “Tổ quốc”, nhất định sẽ chuyển biến tốt. Chủ nhật sau, nông trang ta sẽ có hội nghị tổng kết cuối năm bầu ban quản trị mới. Huyện ủy sẽ giới thiệu một người ra ứng cử chủ tịch: đồng chí Đô-rô-khốp trước kia là chủ tịch nông trang của các đồng chí.
Chị em nông trang viên làng Ma-ri-nô xôn xao:
- Lâu nay chúng tôi vẫn khẩn khoản xin cho Đô-rô-khốp về đây,
- Đồng chí ấy đã làm việc năm năm ở nông trang chúng tôi, làm cho nông trang tiến vọt hẳn lên!
- Một người thông thạo, có học vấn, biết cách làm ăn!
- Không thô lỗ, luôn luôn hỏi ý kiến nhân dân.
- Hồi đồng chí ấy làm chủ tịch, thợ lái máy kéo có toa xe tốt để nghỉ ngơi, được cho ăn tử tế.
- Chị em ạ, về toa xe làm chỗ nghỉ ngơi thì tôi xin nói thế này, - Glô-tốp nói tiếp. - Sự chăm sóc của chúng tôi đối với thợ máy kéo không phải chỉ đến mức ấy là tột bực đâu. Ban nãy, những chị em có chồng vừa nói: chị em ít khi có mặt ở nhà, chồng không bằng lòng. Thì người đàn ông lái máy kéo phải xa gia đình suốt mùa hè, cũng bực không kém. Toa xe tốt dùng làm chỗ nghỉ ngơi ở ngoài đồng là chuyện thuộc về dĩ vãng rồi. Hiện nay, với phương tiện vận chuyển của chúng ta, chúng ta có khả năng dùng ô-tô chở kíp làm việc về nhà, nếu máy kéo làm việc ở xa làng, rồi lại đưa thợ máy kéo trở lại nơi sản xuất. Vấn đề đó chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ!
Vậy thưa chị em, còn những trở ngại gì nữa? Điều duy nhất còn lại có lẽ là nguyện vọng của chị em muốn nắm vững kỹ thuật mới. Làm sao chị em có thể bỏ một nghề chuyên môn vinh dự như thế? Chẳng lẽ chị em thích nhìn vào những cái hũ hơn là ngắm nhìn hàng nghìn héc-ta chăng? Thợ lái máy kéo có cương vị quan trọng nhất trong xã. Thợ lái máy kéo là người khổng lồ, là dũng sĩ, trong nông trang ngày nay thợ lái máy kéo là người như thế đấy! Cày một nghìn, một nghìn rưởi héc-ta, biến nó thành đất cày tơi, đấy là một việc làm như thế nào? Một công trình vĩ đại! Một con người có thể làm được như thế đấy, khi người đó có máy móc trong tay! Một nghìn héc-ta! Đấy không phải là chuyện đan bít tất hay giặt quần cho chồng!
- Dù sao cũng không tránh được việc giặt quần cho chồng, đồng chí trưởng trạm ạ! - một chị bắt bẻ, - Cũng vẫn thế thôi: khi trời mưa hay được thay ca, chạy về nhà nghỉ một ngày là bắt tay vào giặt quần cho chồng!
- Hai việc khác nhau, - Glô-tốp nói tiếp một cách hào hứng, - một đằng thì quần của chồng là cái chủ yếu trong đời chị, nếu có thể nói như vậy, đằng này thì khác hẳn, ngoài quần của chồng còn có... - Glô-tốp ấp úng, tìm lời.
Một phụ nữ khác đã giúp ông nói nốt câu, chị ta đã đứng tuổi, góa chồng, và trong lúc cả phòng cười rộ lên, chị ta che mặt bằng chiếc khăn san nấp sau đôi vai lực lưỡng của Pô-li-na Ê-gô-rốp-na.
- Đúng. - Glô-tốp nói tiếp, không bối rối chút nào. - Không thể cử cho các chị một người đàn ông làm đội trưởng được. Không phải các chị sẽ chối tai vì phải nghe những lời lẽ thô tục của anh ta, chính là ngược lại...
- Sao đồng chí lại đưa những hũ với chậu và quần đàn ông ra để nhiếc chúng tôi, đồng chí trưởng trạm, - các bà các chị nhao nhao lên. - Làm như chúng tôi đã biến thành những con gián ru rú xó nhà. Chúng tôi vẫn đang làm việc trong nông trang kia mà!
- Đấy không phải là làm việc, mà là tội lỗi! Cũng chẳng khác nào mắc cày hai thân của máy “Phơ-rô-giôn” vào máy chạy động cơ đi-ê-den và cho máy chạy không tải. Nhưng máy đi-ê-den có thể kéo mười hai thân cày kia chứ! Người thì đi làm cô giữ trẻ ở nhà trẻ, người thì vào tổ làm đồng, người thì dùng lưỡi xới nhỏ xới đất trong các ô trồng thí nghiệm, người thì làm nhân viên điện thoại ở bưu điện. Nghe nói ở nông trang “Tổ quốc” này, thậm chí có một chị nhận giữ chân bắt chuột, chuyên đánh bả những con vật gậm nhấm ấy trong các kho thóc. Thợ lái máy kéo mà đi làm cái việc như thế, đẹp mặt đấy chứ! Mà sao các chị không cảm thấy ngao ngán nhỉ? Lẽ nào trong thâm tâm, các chị không khao khát một khoảng trời bao la ư? “Vai ơi, hãy vươn rộng, tay ơi, làm sao mi ngứa ngáy” - như nhà thơ Nga Côn-tsốp đã viết! Không cảm thấy ngứa ngáy chân tay ư? Cả thảo nguyên rộng lớn của nông trang, chứ không phải khu đất thí nghiệm, không phải cái ống điện thoại. Cuộc sống của các chị phải có quy mô như thế!..
Trong số hai mươi chị em có mặt trong câu lạc bộ, - trước kia họ đều là thợ lái máy kéo, - có tám người (mấy cô gái và mấy người đàn bà) tỏ ý muốn trở lại lái máy kéo. Ngay tại chỗ, trước mặt họ, ông trưởng trạm ký lệnh tổ chức một đội lái máy kéo mới ở trạm Xê-mi-đu-bốp-ca, mang tên là đội thứ mười bảy; nhận vào biên chế thợ lái máy kéo tất cả những người đã tuyên bố muốn trở lại trạm máy kéo, và cử Chê-rơ-nô-u-xô-va Pô-li-na Ê-gô-rốp-na làm đội trưởng đội này.
Tới mùa xuân, tất cả mọi người phải ôn lại kiến thức kỹ thuật qua lớp đào tạo lại và thực tập ở các xưởng sửa chữa.
Buổi tối có cuộc họp thường vụ. Trong cuộc họp, ngoài những vấn đề khác, Glô-tốp và Boóc-dô-va thông báo về việc tổ chức đội phụ nữ lái máy kéo ở trạm Xê-mi-đu-bốp-ca và đề nghị các trưởng trạm khác cũng nghĩ tới việc vận động các chị em trước kia lái máy kéo trở lại lái máy. Họp xong, Mác-tư-nốp giữ Glô-tốp ở lại trong phòng làm việc của mình.
- Ở tỉnh ủy tôi đã gặp một đồng chí trước kia là bí thư huyện Cru-gi-lin. Trước chiến tranh, chính đồng chí là trưởng trạm máy kéo ở huyện đó, - Mác-tư-nốp nói. - Đồng chí ấy hết lời khen ngợi đồng chí. Đồng chí ấy bảo: hồi đó trạm máy kéo của Glô-tốp là trạm máy kéo giỏi nhất tỉnh... Thế thì tại sao hiện nay trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca chúng ta chỉ là một trạm loại trung bình? Tại sao trong mấy năm gần đây, đồng chí bắt đầu làm việc kém đi? Xin hỏi thẳng, tại sao lại ngã lòng, thoái chí như thế?
- Tôi không thoái chí, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! - Glô-tốp đáp một cách cả quyết. - Chính tôi đã thành lập các nông trang, đã tổ chức các đội máy kéo đầu tiên! Tôi đã thấy hàng trăm nông trang mà ở đó đời sống đã là một khu vườn nở hoa, trước kia những người cách mạng đi tù khổ sai dưới chế độ Sa hoàng chỉ có thể mơ ước đến một đời sống như thế!.. Cũng như Đô-rô-khốp, tôi sẵn sàng nhả đạn vào kẻ nào có ý định phá hoại chế độ nông trang!.. Khốn nỗi, bên cạnh chế độ nông trang của chúng ta, đã nảy nòi ra quá nhiều tên quan liêu!
- Đồng chí mệt mỏi, không muốn đấu tranh với chúng nữa ư?
- Cứ như thế này thì không thể triệt được chúng! Tôi không đủ sức.
- Lẽ nào lại như thế?..
- Thế này nhé, trên tỉnh sẽ đưa ra một kế hoạch gì đó, khiến cho mọi dự định của đồng chí đều tiêu ma thì tôi làm gì nổi nào?.. Hay một đại diện nào đó của cấp trên đến đây. Ở đây anh đã cân nhắc kỹ tất cả, bố trí, phối hợp chu đáo mọi công việc để tránh mọi thiệt hại, để chúng ta có đủ lúa mì cả cho sang năm. Nhưng vị đại diện đó không muốn nghe gì hết! Ông ta chỉ đòi cái mà cấp trên muốn có khi phái ông ta về đây. Ông ta chỉ cốt làm tròn nhiệm vụ, miễn sao được ghi nhận thành tích trong chuyến đi công tác để mau mau trở về nhà, tắm táp cho khoan khoái, về với vợ. Ông ta ra lệnh, hăm dọa! Thế thì cóc cần gì trưởng trạm máy kéo, cần cóc gì tôi ở đây nữa! Xin ngồi vào chiếc ghế của tôi và thay tôi chỉ huy đi.
- Sao mà dễ nhượng bộ thế! Chịu nhường ngay cái ghế của mình cho kẻ mới thoạt gặp! Đồng chí được Ban chấp hành trung ương Đảng đặt vào ngồi chiếc ghế ấy!.. Thế đồng chí chưa bao giờ khiếu nại ông cán bộ đi kinh lý như thế ư? Viết đơn lên tỉnh ủy, lên Ban chấp hành trung ương chẳng hạn.
- Đất thấp trời cao, kêu vua không thấu.
- Đồng chí mà còn dùng câu phương ngôn ấy thì đáng bị khiển trách đấy.
- Thì cứ khiển trách thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Tôi đã năm lần bị khiển trách rồi. Mấy lần ấy là do Boóc-dốp, Xlép-tsen-cô. Còn đồng chí thì chưa khiển trách tôi lần nào... Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, không được cho bọn ngu ngốc mon men đến gần kinh tế nông nghiệp, dù là cách xa một tầm đại bác! Đối với người lao động, không có sự xúc phạm, không có cách lăng nhục nào tệ hại hơn là làm cho công sức của người đó biến thành công toi! Vậy mà chúng ta lại thường làm như thế, Mùa xuân năm kia, Boóc-dốp cùng với một đặc phái viên của tỉnh ủy bắt tôi gieo hạt cải củ xuống đất bùn. Trời mưa, đất nhão nhoét, lẽ ra nên chờ một vài ngày, may ra trời có hửng nắng, có tí gió thì cũng còn được, đằng này không: “Gieo đi, không thì chúng tôi sẽ lôi anh lên thường vụ, xin anh trả lại thẻ Đảng”. Đồng chí hiểu chứ, bất kể thế nào, tới ngày hai mươi lăm họ cũng phải có con số diện tích đất gieo củ cải đưa vào báo cáo thống kê. Tôi là một nhà nông kỳ cựu, cày ruộng mười năm nay rồi, làm sao các đồng chí lại nhạo báng đất, nhạo báng tôi? Ở đấy sẽ không thu hoạch được gì hết!.. Thôi được, chúng tôi sẽ gieo hai trăm héc-ta. Chúng tôi lội bì bõm trong bùn, gieo cho hết diện tích, mưa xong là lập tức nắng gắt, đất đóng một lớp vỏ cứng, cứ như cánh đồng bị láng xi-măng! Không một hạt nào nảy mầm. Phải gieo lại. Rồi ở đấy, mỗi héc-ta thu hoạch được bốn mươi tạ củ cải, mà đáng lẽ theo kế hoạch là hai trăm tạ. Thu hoạch như thế thì thật là nát lòng người. Ở nông thôn, trao quyền hành vào tay một kẻ không hiểu gì về nông nghiệp và không muốn hiểu thì cũng như trao vũ khí vào tay kẻ điên. Hắn sẽ làm vô số việc tai hại mà anh phải gánh chịu!..
- Có những trường hợp còn tệ hơn nữa kia, - Mác-tư-nốp nói, - đôi khi, có người hiểu biết về nông nghiệp, hiểu rất rõ mình làm không đúng, nhưng vẫn cứ làm trái với lương tâm.
- Thế cái gì buộc người đó làm trái với lương tâm?
- Cái gì à? Đây là một vấn đề lớn... Như người ta thường nói: “Vì sợ bọn Giu-đa”, phải thế không?
- Nhưng duyên do vì đâu người ta sợ? Anh không chịu nói ư?
- Tôi không nói. Chính tôi đang suy nghĩ về vấn đề ấy: vì sao người ta sợ... Nhưng dù thế nào đi nữa, không có cái gì ngăn cản đồng chí cùng với người của đồng chí làm việc tốt hơn ở trạm máy kéo.
- Thì tôi đã từng làm việc tốt,.. Trước kia, ở trạm tôi cũng có phong trào thi đua, cờ luân lưu, chúng tôi đã lập những kỷ lục. Tôi cố gắng hết sức mình, thuyết phục anh em làm việc tốt hơn: “Lao động gương mẫu của các đồng chí sẽ được đánh giá xứng đáng, công sức của các đồng chí không uổng phí đâu!”. Thế rồi vì một vài kẻ độc đoán nào đó, nông trang thu hoạch chẳng được gì, và thợ lái máy kéo của tôi cũng chỉ kiếm được mức công tối thiểu. Phần thưởng cho thợ lái máy kéo ưu tú chỉ là mấy tấm bằng khen...
- Đồng chí bảo trước chiến tranh tôi làm việc tốt phải không? - sau một lúc im lặng, Glô-tốp nói tiếp. - Trước chiến tranh thì nói làm gì. Hoàn cảnh lúc ấy khác. Cả chúng ta cũng khác. Trước chiến tranh, ngay cả tôi cũng nuôi được hai con trai khôn lớn. Gia đình nào cũng vui sướng, sung túc... Nhưng bây giờ chúng ta đến mảnh đất đẫm máu này, đến những làng xã bị đốt cháy, toàn mẹ góa con côi thì đối với nhân dân cần có thái độ đặc biệt, chí tình! Ở đây, đối với chúng ta, mỗi tên quan liêu, mỗi tên tự tư tự lợi đều đáng sợ gấp mười lần!..
- Những điều đó đều đúng cả! - Mác-tư-nốp nói, - Đồng chí nói thật là chí lý. Nhưng dẫu sao đồng chí vẫn là một người chỉ biết than vãn, I-van Trô-phi-mô-vích ạ! Lại còn gieo rắc hoang mang nữa! “Những tên quan liêu, những tên quan liêu”! Thậm chí đồng chí không hề có ý định đấu tranh với chúng. Đồng chí nhường chiếc ghế của mình cho chúng!.. Này, đồng chí đã đấu tranh với chúng như thế nào? Lẩm bẩm chửi vụng chúng chứ gì? Cho tay vào túi, lén lút làm điệu bộ phỉ báng chúng chứ gì?..
- Đồng chí đừng lăng nhục tôi, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích! - Glô-tốp đứng dậy, mặt đỏ tía tai, rõ ràng là xúc động mạnh, thậm chí mắt long lanh giọt lệ. - Tôi là một đảng viên lâu năm. “Kẻ hay than vãn”! “Kẻ gieo hoang mang”! Có lẽ đồng chí còn gọi tôi là kẻ cơ hội nữa chăng?.. Đồng chí vừa hỏi tôi: tại sao tôi làm việc kém đi, mệt mỏi rồi chăng? Tôi xin thú thực với đồng chí: tôi mệt mỏi. Mệt mỏi vì tất cả những điều tôi vừa kể với đồng chí, tôi mệt mỏi. Mệt mỏi vì thói làm ăn lộn ẩu. Vì thói quan liêu giấy tờ nữa! Tôi thấy tình hình không ổn, cần thay đổi cung cách làm ăn! Tại sao chúng ta lại quên thời kỳ còn có những phòng chính trị? Hồi ấy, chúng ta hầu như không viết giấy tờ và không hội họp, thế mà chúng ta làm việc với dân vẫn tốt. Tôi còn mệt mỏi vì không được huyện ủy giúp đỡ gì cả. Gọi người ta lên thường vụ chỉ để la mắng về một việc nào đó “làm lỡ kế hoạch”, đây không phải là một cách giúp đỡ. Còn tại sao hỏng việc, duyên cớ vì đâu thì không ai muốn hiểu!.. Tôi mệt mỏi, đúng thế. Tôi đã trả lời câu hỏi đầu tiên của đồng chí. Nhưng đồng chí không hỏi tôi: thế rồi đây anh sẽ làm việc như thế nào? Nếu đồng chí hỏi thì tôi sẽ trả lời cả câu hỏi ấy nữa... Tôi sẽ làm việc với đồng chí, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ. Từ khi đồng chí lên làm bí thư thứ nhất trong huyện đã có một luồng gió mới... Tôi nói với đồng chí điều ấy không có ý nịnh nọt đâu. Duy có điều này, tất cả chúng tôi vẫn lo cho đồng chí: không khéo thì con ngựa kiệt sức vì phải leo dốc núi quá cheo leo!..
- Khi chia tay với Boóc-dốp tôi đã được nghe những lời ấy, và bây giờ tôi lại được nghe đồng chí nói, - Mác-tư-nốp chau mày. - Dốc núi nào kia chứ? Đồng chí còn hỏi vì sao người ta sợ? - Thì chính các đồng chí tự mình nát mình. Các đồng chí đâm ra sợ cái bóng của mình.
- Phải, khi anh bị cảnh cáo ghi lý lịch thì đấy không phải là cái bóng đâu...
Glô-tốp mỉm cười dịu dàng, nụ cười hơi khác thường trên khuôn mặt đã phị ra, nặng nề, thản nhiên của ông, ông chạm tay vào vai Mác-tư-nốp:
- Thôi đừng giận, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ! Tôi nói dớ dẩn thế thôi... Và cũng đừng vội xếp tôi vào kho lưu trữ. Mệt mỏi không có nghĩa là sức tàn lực kiệt, mệt thì nghỉ ngơi cho khỏe rồi lại đi tiếp!..
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện