A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: F. M. Dostoievski
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3297 / 53
Cập nhật: 2015-07-03 17:09:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - P1
a! Ha! Ha! Mà làm gì có dục vọng mới chứ!” - Quý vị ngắt lời tôi và cười - “Khoa học ngày nay đã thành công quá sức tưởng tượng trong công trình mổ xẻ con người đến nỗi ta biết rằng dục vọng và cái mà người ta gọi là tự do ý chí đó từ nay sẽ chẳng qua là…”
- Xin quý vị khoan hẵng cười! Bởi chính tôi cũng sắp nói tới điều đó. Thú thực là tôi cũng hơi sờ sợ: tôi đang nói rằng chỉ có quỷ thần họa chăng mới biết được dục vọng phụ thuộc vào cái gì, và có lẽ như vậy lại tốt, tôi sực nghĩ đến khoa học và tôi chột dạ, thì vừa đúng luc quý vị ngắt lời tôi. Thực thế, nếu người ta khám phá ra được cái định thức cho tất cả mọi dục vọng, mọi biến tính bất thường của ta, nghĩa là chúng do đâu mà ra, chúng phát triển theo quy luật nào, tái hiện ra sao, hướng tới mục đích nào, vân vân, thì có lẽ lúc đó con người sẽ thôi ham muốn ngay - không phải là có lẽ, mà chắc chắn như thế. Ham muốn phù hợp theo những bảng con số thì còn thú vị ở chỗ nào? Hơn nữa: nếu vậy con người sẽ lập tức rơi xuống hàng một cái đinh ốc hay một cái gì đại loại như thế, bởi một con người mất hết cả dục vọng, ý chí, thì còn là gì nếu không là một cái đinh ốc? Quý vị nghĩ sao? Ta thử xét những xác suất xem: liệu điều đó có thể xảy ra được hay không?
- A hèm! - Quý vị nói - dục vọng của ta dễ bị nhầm lẫn nhất, bởi vì chính chúng ta đã nhầm lẫn trong khi đánh giá những tư lợi của ta. Nhiều khi ta ham muốn những cái vớ vẩn đâu đâu, bởi vì ta ngu dại tưởng rằng như vậy là đã tới được cái mà ta cho là có lợi nhiều nhất. Nhưng khi có người đã giải nghĩa cho ta, khi mọi sự đã được xếp đặt đâu vào đó và được ghi đàng hoàng vào sách vở (một điều rất có thể làm được chứ, bởi vì có kẻ nào ngu si, lố bịch, mới tin rằng có một vài quy luật thiên nhiên không bao giờ cắt nghĩa được nổi), lúc đó cố nhiên sẽ chẳng còn những gì gọi là dục vọng nữa. Nếu có một xung đột giữa dục vọng và lí trí ta, thì ta sẽ chỉ có thể lí luận chứ không thể ham muốn, bởi vì một người đã biết lí luận thì không thể nào lại ham muốn những cái vớ vẩn vô lí, hay cố tình đi ngược lại lí trí và tự ý làm điều quấy… Và bởi lẽ mọi dục vọng và lí trí có thể tính trước được (vì chắc chắn người ta sẽ khám phá ra được những quy luật của cái gọi là ý chí tự do của ta), cho nên một ngày kia (tôi không pha trò đâu) ta sẽ thiết lập được một loại bảng nào đó, và rồi ta sẽ ham muốn theo đó. Thí dụ một ngày kia có người chứng minh cho tôi rằng khi tôi giơ nắm đấm vào mặt ai thì như vậy tức là tôi đã không thể làm khác được, và tôi cũng không thể nắm tay lại một cách nào khác hơn nữa; tôi đâu có còn tự do nữa, nhất là nếu tôi cũng lại là một nhà thông thái và nếu tôi có một bằng cấp? Vậy tôi có thể tính trước được cuộc đời của tôi đến ba mươi năm. Nói vắn tắt, nếu quả là như vậy, thì ta còn biết làm gì khác hơn là chấp nhận. Và nói chung ta phải luôn luôn tự nhủ rằng vào lúc nào đó, trong đúng cái hoàn cảnh đó, thiên nhiên chẳng hề cần biết gì đến ta hết, và vì vậy ta phải chấp nhận thiên nhiên như thế chứ không được đòi hỏi nó phải theo cái thị hiếu của ta, và nếu quả thực ta muốn có những định thức, những bảng mục lục, những bình hóa học, thì biết làm cách nào khác, ta phải chấp nhận hết ráo, bởi không thế thì chúng ta vẫn cứ được chấp nhận mà đâu cần sự cho phép của ta.
- Vâng, nhưng đến đây tôi mới thấy cái khó khăn. Nhưng quý vị phải tha lỗi cho tôi cái tính hay nói triết lí: đó là kết quả bốn mươi năm sống dưới hầm của tôi. Cho phép tôi được thả cửa nói ngông một lát. Thưa quý vị, lí trí là một cái rất hay, không ai phủ nhận hết; nhưng lí trí là lí trí, và chỉ thỏa mãn cái bản năng lí luận của con người mà thôi, trong khi dục vọng mới là cái biểu lộ toàn diện cuộc đời, nghĩa là cuộc đời con người toàn vẹn, kể cả lí trí lẫn những thúc giục của bản năng. Và cuộc đời chúng ta, mặc dù trong cách biểu hiện ấy, nhiều khi có những kẻ vô cùng khốn nạn, nhưng nó vẫn là đời sống chứ không phải là sự lấy căn một bình phương!
Thí dụ tôi đây chẳng hạn! Tôi muốn sống, dĩ nhiên, sống để thỏa mãn cái bản năng sống toàn diện của tôi chứ không phải chỉ để thỏa mãn cái bản năng lí luận, một bản năng dù sao cũng chỉ tượng trưng cho một phần hai mươi cái năng lực sống của tôi. Lí trí biết những gì? Lí trí chỉ biết những gì nó đã học (có thể nó sẽ chẳng biết gì khác hơn - đây không phải là một niềm an ủi, nhưng tại sao không nói thẳng ra như thế?) trong khi bản tính con người hành động với tất cả sức mạnh của nó, với tất cả những gì có trong nó, vô tình hay cố tình; đôi khi nó có làm bậy, nhưng nó sống.
Tôi ngờ rằng quý vị đang nhìn tôi với vẻ khinh bỉ: quý vị sẽ nhắc lại một lần nữa cho tôi biết rằng con người được soi sáng và có văn hóa, nghĩa là con người của tương lai, sẽ không thể nào cố ý muốn cái gì bất lợi cho hắn, và điều này hiển nhiên như toán học. Tôi hoàn toàn đồng ý, vâng, nó đúng là toán học. Nhưng tôi xin nhắc lại lần thứ một trăm: có một trường hợp, một trường hợp duy nhất, con người có thể cố ý, dụng tâm đi tìm một cái gì bất lợi cho hắn, một cái hết sức ngu xuẩn - như vậy chỉ cốt để thoát khỏi sự bắt buộc phải chọn cái có lợi, cái có lí. Bởi vì cái ngu xuẩn đó, cái caprice[1] đó, thưa quý vị, có khi trong thực tế lại là cái lợi hơn tất cả mọi thứ trên đời này cũng nên, nhất là trong một vài trường hợp: có khi cái lợi đó lại cao hơn cả mọi cái lợi khác mặc dù có thể nó rõ ràng có hại cho ta và đi ngược hẳn lại những kết luận vững vàng nhất - đó là nhân tính, cái cá thể của ta. Có một vài người quả quyết rằng đó là cái quý giá nhất của con người. Dục vọng - cố nhiên, khi nó muốn, có thể đồng ý với lí trí, nhất là nếu ta đừng lạm dụng sự đồng ý đó và giữ nó trong giới hạn. Như vậy có thể rất hữu ích và đáng hoan hô. Nhưng rất nhiều khi (có thể nói là phần lớn trường hợp) dục vọng nhất định không chịu đồng ý với lí trí, và rồi thì… rồi thì… Nhưng quý vị có biết rằng điều đó cũng rất hữu ích và đáng hoan hô không?
Thưa quý vị, cứ giả thử rằng con người không ngu đi. (cũng không thể nói được rằng con người ngu, bởi lẽ nếu hắn ngu thì ai khôn bây giờ?) Nhưng nếu hắn không ngu thì ít ra hắn cũng vô ơn một cách quái đản, vô ơn một cách lạ kỳ. Tôi còn tin rằng đó là định nghĩa hay nhất về con người: một sinh vật hai chân và vô ơn. Nhưng trước hết đó không phải là khiếm khuyết chính của hắn. Khiếm khuyết chính là cái tính vô đạo đức vĩnh cửu của hắn, từ thời Đại Hồng Thủy cho tới thời Scheswig Holstein trong lịch sử chúng ta ngày nay. Vô đạo đức, và do đó cư xử một cách xốc nổi, bởi xưa nay ta vẫn biết rằng xốc nổi là do vô đạo đức mà ra. Quý vị cứ thử ngó vào lịch sử nhân loại mà xem! Quý vị thấy gì? Vĩ đại phải không? Vâng, có thể. Gì chứ pho tượng ở Rhodes[2] cũng đã đủ vĩ đại rồi. Đâu phải chuyện phù phiếm khi ngài Anaevsky thuật lại cho ta biết rằng theo một số người thì pho tượng đó do con người tạc nên, theo một số người khác thì đó lại là công trình của tạo hóa. Quý vị có thấy cái biến hóa trong lịch sử con người chứ? Vâng, có biến hóa: cứ việc nhìn vào những bộ lễ phục, cả dân sự lẫn quân sự, thì đủ biết, và nếu thêm vào những bộ thường phục hay tiện phục nữa thì quý vị sẽ không biết đường nào mà mò, không một sử gia nào có thể làm xuể. Quý vị cho là tẻ nhạt, cũng có thể nữa. Quả vậy, chỉ đánh nhau là đánh nhau. Hôm nay người ta đánh nhau, hôm qua người ta đánh nhau, và ngày mai còn đánh nhau nữa. Quá tẻ nhạt ấy chứ lại!
Tóm lại, ta có thể nói bất cứ gì về lịch sử thế giới - nghĩa là bất cứ gì có thể hiện ra trong trí tưởng tượng của một kẻ điên loạn nhất. Điều duy nhất ta không thể nói được là nó khôn ngoan: vừa cất tiếng định nói là chữ đó tắc ngay trong cổ họng. Và, hơn nữa, chuyện này luôn luôn xảy ra: trên đời thường hay có những kẻ khôn ngoan và đạo đức, những bậc hiền triết và những nhà nhân ái, mà mục tiêu là sống một cuộc sống theo lẽ phải và đạo đức để làm gương cho đồng loại mình và chứng minh cho họ biết rằng người ta có thể sống theo lẽ phải và đạo đức được. Nhưng rồi quý vị có biết sao không? Chẳng sớm thì muộn, rồi các nhà hiền triết tài tử này cũng lại phản bội lí tưởng của họ và sống thỏa hiệp trong những vụ vô luân thường nhất.
Vậy, tôi xin hỏi quý vị ta có thể mong gì ở con người như một sinh vật được thiên phú nhiều đặc chất lạ lùng ấy? Quý vị hãy tưới đổ tràn trề tất cả những tài sản trên trái đất này cho hắn; quý vị hãy xô đẩy hắn xuống biển hạnh phúc cho chìm sâu đến nỗi chỉ còn thấy trên mặt nước những bọt tăm lạc thú sủi lên; quý vị hãy thỏa mãn những nhu cầu kinh tế của hắn cho đến độ hắn sẽ chẳng còn làm gì ngoài việc ngủ, ăn bánh ngọt và nghĩ đến việc kéo dài chủng loại hắn, - ấy thế mà con người chỉ vì lòng vô ơn đơn thuần, chỉ vì nhu cầu muốn tự làm ô uế mình, sẽ cảm ơn quý vị bằng một vài đòn đê tiện nhất. Hắn còn dám liều vứt bánh ngọt của hắn đi để cố tình đi tìm những chuyện vớ vẩn nguy hiểm nhất, những điều phi lí bất lợi nhất,chỉ cốt để ném vào trong cái khôn ngoan quá thực chứng đó một yếu tố ngông cuồng, giết người. Chính những giấc mơ ngông cuồng ghê tởm đó, chính cái ngu dại tầm thường nhất đó, là cái hắn muốn giữ lại, chỉ là để chứng tỏ cho hắn (làm như thể cần thiết lắm!) rằng con người là con người chứ không phải là phím dương cầm mà những qui luật thiên nhiên dám nắm trọn quyền điều khiển, thậm chí rồi đây ta sẽ không còn ham muốn bất cứ gì mà không phải dựa vào quyển lịch. Đâu đã hết: cho dù con người có thật là một phím dương cầm chăng nữa, cho dù khoa học tự nhiên và toán học đã chứng minh như vậy đi chăng nữa, hắn cũng vẫn không thèm khôn ngoan làm gì, hắn cũng vẫn cố tình làm một vài việc vô lối, cốt chỉ để biểu tỏ cái vô ơn, cốt chỉ để chứng tỏ caprice[3] của hắn. Và trong trường hợp không tìm được phương tiện, hắn sẽ lao mình vào phá phách, vào hỗn mang: hắn sẽ gây ra mọi niềm đau khổ, cốt để tỏ cho mọi người biết là hắn đúng. Hắn sẽ ném cái nguyền rủa đó vào thế giới, và bởi lẽ chỉ con người mới có thể nguyền rủa (đây là đặc quyền của hắn, cái khác biệt căn bản giữa hắn và các loài vật khác), hắn sẽ đạt tới đích cuối cùng, nghĩa là chứng minh được cho mình rằng hắn là một con người chứ không phải một phím dương cầm.
Nếu bây giờ quý vị bảo rằng những hỗn mang, bóng tối, nguyền rủa, tất cả những cái đó cũng có thể tính trước được hết, và chính cái sự có thể tính trước được đó sẽ làm tê liệt cái ngông cuồng của con người, và như thế lý trí một lần nữa lại thắng - thì tôi xin thú nhận với quý vị rằng con người chỉ còn mỗi một cách để làm theo ý mình, đó là cố tình đánh mất lý trí để hóa điên hoàn toàn.
Tôi tin chắc như thế. Tôi dám cam đoan với quý vị như thế, bởi xưa nay cái ám ảnh lớn lao của con người là không ngớt tự chứng minh với mình rằng hắn là một con người chứ không phải là một bộ máy. Có thể hắn chết, nhưng hắn vẫn sẽ chứng minh như thế; có thể hắn sống như một kẻ mọi rợ, nhưng hắn vẫn sẽ chứng minh như thế. Và sau đó thì tại sao không mừng là ta chưa tới chỗ đó, là dục vọng của ta còn tùy thuộc vào một cái gì ta chưa hề biết?
Quý vị sẽ la vào mặt tôi (nghĩa là nếu quý vị hãy còn dành cho tôi cái vinh dự ấy) rằng đâu có ai tước đi cái ý chí của tôi, rằng người ta chỉ muốn làm sao để cho cái ý chí của tôi sẽ tự nó, theo ý riêng của nó, trùng hợp với những sở thích bình thường của tôi, trùng hợp với những qui luật tự nhiên, với toán học mà thôi.
Trời ơi, quý vị! Còn gì là ý chí nữa nếu ta nói đến bảng số học, nếu đâu đâu cũng chỉ “hai lần hai là bốn”. Hai lần hai là bốn không cần đến ý chí của tôi vẫn sẽ là hai lần hai là bốn, còn ý chí là chuyện khác hẳn!
Chú thích:
[1] Nguyên văn tiếng Pháp: Tính khí thất thường, hay thay đổi. (ND).
[2] Tượng đồng Apollon ở vịnh Rhodes, Hy Lạp. Một trong bảy kỳ quan thế giới, hiện không còn nữa (bị lật đổ sau một trận động đất) (ND).
[3] Xem chú thích 11
Bút Ký Dưới Hầm Bút Ký Dưới Hầm - F. M. Dostoievski  Bút Ký Dưới Hầm