Số lần đọc/download: 1981 / 36
Cập nhật: 2016-03-06 21:06:37 +0700
Chương 7: Câu Chuyện Trong Xóm Cầu Kè
C
ậu Lê Khải Chánh và cô Lê thị Phụng Tường là con ông Huyện Lê văn Nho. Trên cậu là hai người chị gái tên Phụng Hiệp, Phụng Hiền. Nhà ông bà Huyện Nho ở Xóm Cầu Kè, thuộc làng Long Đức Đông, ném về miền ngoại ô tỉnh Vĩnh Long, nằm bên tả ngạn sông Long Hồ. Từ giốc cầu Thiềng Đức rẽ qua phía tay mặt, du khách nương theo đường Trần Minh Tại (dưới thời Đệ nhứt Cộng Hòa đổi tên là đường Trương Tấn Bửu), sẽ băng qua xóm Thiềng Đức, xóm Bánh Phồng, qua Xóm Cầu Kè và vô tới làng Long Thanh và vùng đối diện chợ Ngã Tư, bên kia con sông Long Hồ.
Xóm Bánh Phồng trước kia được dân làng gọi xóm Hồng Minh Dậu. Ông Dậu là người Minh Hương, một nghiệp chủ giàu có dư muôn. Cái tiệm Hồng Hoa của ông ngoài chợ Vĩnh Long bán giàn hát máy, dĩa hát máy, đèn măng- sông, máy chụp hình, ống dòm, cùng những chén dĩa, muổng nĩa, dao ăn, soong nhôm, nồi đồng, đồ chơi trẻ con cùng các vật dụng tập thể dục thẩm mỹ, nhưng vật dụng thể thao cùng các nhạc khí nhập cảng từ bên Tây. Nhưng sau năm 1945, khi Tây tái chiếm Nam Kỳ, lính Tây nghi ngờ ông Dậu chứa Việt Minh khi Việt Minh lên nắm chánh quyền nên ra lịnh đốt nhà ông. Sau đó, trong xóm có vài nhà làm món bánh phồng khoai, cho nên dân chúng không gọi xóm bằng cái tên Hồng Minh Dậu nữa mà gọi là xóm Bánh Phồng. Nơi đây là chốn sinh quán của nhà vô địch bơi lội Mai Thành Mười. Anh ta là bạn thơ ấu của nữ sĩ Nguyễn thị Thụy Vũ, nhà văn Hứa Hoành và bút giả Hồ Trường An. Cả bốn ở rải rác dọc con đường Trần Minh Tại và con đường ấy cũng đã băng qua nhà tía má cô Thanh Tùng, một nữ kịch sĩ tiền phong ngành ca kịch cải lương, nổi danh về thinh sắc và nghệ thuật ca diễn.
Bánh phồng của họ hàng anh chàng Mai Thành Muời nổi tiếng ngon nhứt đất Vãng (Vĩnh Long). Bánh nầy không cần nướng, chỉ ăn sống cũng ngon rồi.
Bánh làm bằng khoai mì luộc chín, được quết nhuyễn rồi tra thêm sữa hộp, nước cốt dừa, đường cát trắng, bột vanille trước khi cán mỏng. Bánh màu vàng tươi, vóc bánh mềm mai và mịn mát như lụa, chỉ rờ thôi cũng cảm thấy mát cả tay.
Xóm Thiềng Đức và xóm Bánh Phồng có nhà cửa đông đúc, nhưng xóm Cầu Kè lại vắng vẻ, vườn tược sầm uất. Con rạch Cầu Kè chảy song song với con rạch chùa Bảy Phủ, rạch Cầu Đào bắt nguồn từ vùng Cái Sơn Bé và đổ ra sông Long Hồ.
Nhà ông Huyện Nho ở bên trái con lộ đá Trần Minh Tại. Ở đây, du khách có thể đi sâu vào miệt vườn, miệt rẫy và miệt ruộng, thuộc vùng đất trù phú. Còn phía bên mặt là phần đất giáp với bờ sông Long Hồ, chỉ có thể cất nhà, trồng bông kiểng và vài ba cây ăn trái chút đỉnh, chớ không thể lập vườn lớn.
Ông Huyện Nho cất nhà theo kiểu nửa Tây nửa Việt gồm một căn hai chái. Nhưng căn chái đều rộng. Mái nhà cao lợp ngói móc, có làm trần nhà bằng xi- măng, phết vôi màu trứng sáo. Cột bằng bê-tông, tường cũng bằng bê-tông sơn màu vỏ trứng gà, khoét cửa sổ lá sách sơn màu lục. Hàng hiên rộng, lót gạch bông, xây lan can bằng sắt bắt bông, nơi đây ông bày băng ghế có thành dựa.
Nơi trung đường, ông bày bàn thờ gia tiên ở giữa, tầng trên là cái trang thiệt lớn thờ Đức Quan Thánh Đế Quân. Hai bên chái ông cũng bày bàn thờ ở phía trong sâu, còn ở phía ngoài ông, bày mỗi bên gian một chiếc divan chơn quỳ. Còn ở trung đường, phía ngoài bàn thờ, ông bày bộ bàn ghế xa-lông gồm sáu chiếc ghế bành vây chung quanh chiếc bàn thấp hình hột xoài bằng gỗ nu. Ngoài bức tranh tàu vẽ hình Lăng Ba Tiên Nữ (nữ thần trên sông Lạc) treo trên tường bên trái và bức tranh Hà Tiên Cô cầm bông sen treo trên tường bên mặt, ông chỉ treo thêm những chiếc dĩa quí thiệt lớn tráng men bạch ngọc và vẽ trân cầm thụy thú hoặc vẽ dị thảo kỳ hoa.
Câu chuyện nầy xảy ra vào thập niên đầu thập niên 30, khi ngòi lửa Đệ nhị Thế chiến chưa ngún bên kia trời Âu. Lúc đó vợ chồng ông Huyện Nho đã qua đời. Hai người chị của cậu Khải Chánh đã đi lấy chồng ở miệt Bạc Liêu, Rạch Giá thuộc hạng điền chủ giàu có.
Cậu Khải Chánh có vóc vạc vừa tầm, sinh lực phong phú, mặt mũi dễ coi. Còn cô Phụng Tuờng thập phần kiều diễm, nhưng thân vóc mỏng mảnh. Cô bị chứng thịt dư trong hốc mũi và trong cuống họng nên cứ đau ốm dây dưa. Nhưng vào thập niên 30, ít ai biết được chứng bịnh ấy vì hễ đau ốm là thiên hạ chữa trị bằng thuốc Bắc, thuốc Nam.
Cậu Khải Chánh có người chú họ tên Hai Thành, vốn là em con nhà cô ông
Huyện Nho. Đương sự chỉ lớn hơn cậu Khải Chánh 10 tuổi, hay bịnh hoạn, nhưng giỏi ăn chương thi phú. Chính nhờ ông mà hai anh em cậu Khải Chánh biết làm đủ thẻ loại thơ.Vì tủi phận mình xấu trai, không biết sống nay chết mai nên đương sự không chịu lập gia đình.
Một hôm nọ, hai chú cháu ra chơi vườn sau thấy con chó Mực đang ngoạm con chồn mặt trắng. Con chồn kêu la thảm thiết, đôi mắt van lơn nhìn ông Hai Thành. Động lòng trắc ẩn, ông ta điểm huyệt con chó hả miệng toác hoác và đứng tê liệt. Ông liền giã nhỏ lá hổ thiệt đấp vào vết thương chồn rồi băng bó tử tế. Trước khi phóng sanh nó vào đám cây mua đơm hoa tím, ông nói giỡn:
- Chồn ơi, mai sau nếu mi trở thành mỹ nhơn thì ta qua đời rồi. Nếu mình có duyên chồng vợ trong kiép nầy thì ta phải thay hồn đổi xác thì họa may mới thành tựu cái bổn hoài của mình.
Con chồn gật đầu ba cái rồi lủi mất. Hai Thành giải huyệt cho con chó và đền cho nó miếng thịt heo quay.
Khi Cậu Khải Chánh được 18 tuổi thì ông Hai Thành qua đời. Nhưng vào dịp lễ Đại Tường, cậu được người chú họ kia hiện hồn về báo mộng:
- Cháu ôi, chú chưa tới số chết. Chú sẽ thay hồn đổi xác vì chú còn mối duyên nợ với một cô thiếu nữ trong vùng nầy. Phải đợi 14 năm sau, chuyện chuyển kiếp mới hiện hành.
Trong xóm Cầu Kè, có vợ chồng chú Hai Ích. Hai vợ chồng cất cái lò rèn bên sông Long Hồ, bề sanh sống hơi chật vật. Cả hai có đứa con gái tên Hương, mặt mũi dễ coi. Khi bé Hương lên 4 tuổi, vợ chồng chú Hai Ích bị chứng bịnh thiên thời, cùng chết một lượt. Lối xóm quyên góp tiền bạc mua cho hai vợ chồng hai chiếc hòm chưng nhang để tẫn liệm và chôn cất hai kẻ xấu số ấy. Sau đám tang, có một người đàn bà tuổi ngoài 30 đến xóm, xưng là chị của thím Hai Ích, hiện có chồng trên miệt Tịnh Biên (Châu Đốc), xin đem bé Hương về nuôi.
Mười hai năm sau, bé Hương trở về xóm cũ, đã trở thành cô thiếu nữ có nhan sắc mặn mòi. Cô Phụng Tường cần có một cô tớ gái để bậu bạn nên đề nghị ả về sống chung với cô, giúp việc cho cô và cô sẽ trả tiền công hằng tháng cho ả. Cô ban cho Hương cái tên kép là Giáng Hương. Bởi Giáng Hương lanh lợi, thông minh, giỏi dắn nên được cô chủ tin yêu. Phụng Tường bắt ả gọi mình bằng chị và cô kêu ả bằng em.
Từ khi về giúp việc cho cô Phụng Tường, Giáng Hương ăn mặc sạch sẽ, chơn đi guốc, tai đeo bông hổ phách tra vỏ đồng, cổ đeo xâu chuỗi san hô, cườm tay mặt đeo chiếc đồng chạm bánh ú, cườm tay trái đeo chiếc vòng gồm 5 khúc huyền cẩn trên vỏ đồng, hai ngón tay trỏ đeo cà rá bằng vàng nạm kim sa màu nâu đỏ điểm li ti những chấm vàng lấp lánh. Cô Phụng Tường sắm cho Giáng Hương một cái áo dài bằng xuyến màu tím tươi, một cái cái dài bằng lụa màu huỳnh yến.
Lúc rảnh rang, cô Phụng Tường hỏi han Giáng Hương về những năm ả sống ở Tịnh Biên. Giáng Hương vắn tắt:
- Dì dượng em làm nghề thuốc Nam gặp thời nên sống khá phong lưu. Cả hai cũng chỉ dạy cho em một vài kiến thức về y lý. Nhưng trước khi qua đời, dượng em khuyên vợ bỏ đạo Lão và nên lên núi Thất Sơn để tu theo pháp môn Mật Tông. Dì em trước khi vào núi tu hành, chỉ cho em năm lượng vàng và một ít nữ trang, khuyên em về xóm Cầu Kè nầy. Còn tiền còn lại thì dì đem bố thí cho những người nghèo và cho những kẻ sa cơ lỡ bước.
Cậu Khải Chánh đậu bằng Tú Tài rồi chọn nghề Lục sự ở Tòa Bố (về sau gọi là Phòng Hành Chánh). Cậu cưới cô Ngọc Lợi, trưởng nữ của ông Hội Đồng Võ Thành Thạo. Cô Ngọc Lợi có cô em gái tên Ngọc Lựu, nhỏ hơn cô một tuổi, vốn là bạn thiết của cô Phụng Tường. Hai cô Ngọc đều đậu bằng Thành Chung. Còn cô Phụng Tường chỉ học cuối năm thứ ba ban Thành Chung rồi xoay qua học nữ công và ở nhà đợi chồng đi coi mắt.
Cô Phụng Tường thường nghe mấy bà lối xóm bàn tán về săc vóc của cô nên cô lấy làm buồn. Bà Phủ Tôn văn Trạch chìa môi nhọn mỏ:
- Xời ơi, thằng nào cưới con Phụng Tường, phải mắc công nấu cháo, sắc thuốc cho nó bốn mùa tám tiết.
Bà Cai Tổng Lê văn Khậu đỏng đảnh:
- Con đó mỏng lét như con khô cá hố. Uổng cho nó có mặt ngọc da ngà, miệng hoa, mày nguyệt.
Cô Hai Xuân Đào cười:
- Coi bộ con đó khó lấy chồng. Tướng nó không phải là tướng thọ. Chẳng trự nào dám cưới nó. Họ chỉ sợ ăn ở với nó chưa nát chiếc chiếu là mình phải sắm khăn mu-soa lau nước mắt khóc nó.
Chỉ có Tú Tài Trần Cảnh Hưng, con ông Phủ Trần văn Hừng lại thấy cô Phụng Tường có cái dáng thơ mộng trong thân vóc mỏng mảnh ẻo lả kia. Biết được chuyện đó, mấy mụ thọp thẹp trong vùng chế nhạo. Bà Trưởng Tòa Huỳnh văn Hữu vo vảnh:
- Con trâu nước si tình con khô cá lẹp rồi, bà con ơi!
Thím Năm Lành, chủ tiệm may Ngọc Rạng cười:
- Con bò hống đòi đi cưới con khô mực nướng chớ. Chị Hai Triêm trề môi:
- Anh chàng Tú Tài Cảnh Hưng có khuôn mặt hí hởn trông phát ghét! Đã vậy hình dáng hắn ta ô dề kịch cợm, trông ngứa mắt quá chừng chừng!
Sở dĩ mấy bà mấy thím nầy không ưa cậu Tú Cảnh Hưng là bởi mấy cô con gái của họ bị cậu chê là lu câm, khuôn mặt chầm dầm như bị trai chơi xỏ. Còn hai cô Ngọc Lợi và Ngọc Lựu cũng bị cậu chêm một câu nhức nhối:
- Gái học cao trai nào dám ngó?
o O o
Vào tiết mưa Ngâu tháng bảy, cô Phụng Tường ngã bịnh. Con Giáng Hương mời thầy thuốc Hai Tuân coi mạch và hốt thuốc cho cô. Khi sắc thuốc xong, ả đem hiệp thuốc lên khuê lâu cho cô, ngập ngừng bảo:
- Thưa chị, như bịnh chị đây là bịnh trầm kha. Thuốc Bắc lẫn thuốc Nam chỉ trị ở ngọn, chớ không thể tận gốc. Đêm qua em nằm chiêm bao, thấy hồn tía má em hiện về bảo cho em biết rằng bịnh chị là do thịt thừa ở cuống họng và ở hốc mũi. Chị nên đi lên Sài Gòn tìm Thầy thuốc y học Thái Tây chuyên khoa tai, mắt, mũi, họng để họ lắt mấy cục thịt dư đó thì chị sẽ mập mạnh.
Cô Phụng Tuờng thở dài não nuột:
- Thuốc Bắc, thuốc Nam đều không hiệu nghiệm thì chị phải nhờ Tây y Tây dược trị bịnh, chớ lẽ nào chị chịu bó tay chờ chết mỏi chết mòn hay sao?
Tuần lễ sau, cô Phụng Tường và con Giáng Hương cùng đi Sài Gòn. Cô vào nằm nhà thương Thuận Kiều. Quả thiệt y như rằng: cô mắc hai chứng bịnh ấy, phải điều trị hơn hai tuần lễ. Thịt trong cuống họng và trong hai hốc mũi dẫu được lắt đi, nhưng xương trong hốc mũi nám đen vì mủ và máu bầm tích tụ, y sĩ cần phải nạo xương, tháo mủ và rửa sạch hốc mũi, nên cô phải dưỡng bịnh ở nhà thương Thuận Kiều thêm một tuần nữa.
Nhưng chừng một năm sau, bịnh đau mũi của cô Phụng Tường dường như tái phát. Cô thuờng bị chứng nghẹt mũi đêm đêm nên kém ăn kém ngủ. Con Giáng Hương bảo:
- Không sao đâu. Chị nên tìm lông công mặt nguyệt đốt cháy để xông khói vào lỗ mũi thì bịnh hết tuyệt căn. Bịnh nầy tái phát là do ác nghiệp chị vào thuở tiền kiếp. Chị nên tụng Kinh Sám Hối lẫn Kinh Dược Sư Lư Ly Quang Như Lai thì phương pháp xông khói sẽ hiệu nghiệm.
Cô Phụng Tường làm theo lời dặn của ả tớ gái thân tín. Từ đó bịnh dứt tuyệt căn. Cô trở nên khỏe mạnh, hồng hào, đẹp lộng lẫy. Khi cậu Cảnh Hưng cầu hôn cô thì cô nhận lời liền. Bãy giờ ai cũng cho rằng cả hai tương đối xứng đôi về sắc vóc. Cho nên cả hai vợ chồng yêu đương nhau lai láng, hạnh phước tràn trề. Cả hai dọn về Cù Lao An Thành để coi sóc 50 mẫu ruộng và 2 mẫu vườn do bà ngoại cậu Cảnh Hưng để lại cho cậu. Cậu cất một cái biệt thự gần đình làng. Lẽ dĩ nhiên là con Giáng Hương theo cô Phụng Tường để bậu bạn cùng cô.
Hôm nọ, gặp tiết trời tạnh ráo, vợ chồng cậu Cảnh Hưng và con Giáng Hương qua xóm Cầu Kè rủ cậu Khải Chánh lên gò mả Tào Kê Giang để thả diều. Cô Ngọc Lợi bảo rằng mình đang bị hành kinh, không tiện ra ngoài nhà nên không đi theo.
Gò nầy lớn gần nửa mẫu đất, cao hơn mặt ruộng 20 thước. Nơi đó dành cho hai ngôi mộ của vợ chồng nghiệp chủ người Huê Kiều tên Giang Trừng Ba nằm trên đỉnh gò. Tại đây, họ bặt gặp người ăn mày nằm bất động gần bên nhà mồ, dưới bóng mát cây da xà. Cậu Cảnh Hưng vốn dạn dĩ, liền bước tới đương sự, rờ lên ngực y ta thì thấy y ta đã tắt thở, nhưng ngực hãy còn ấm. Giáng Hương liền kê miệng thổi vào hai lỗ mũi y ta. Người ăn mày dần tỉnh lại ngơ ngác, nhìn mọi người.
Nguyên người ăn mày nầy, tuổi ngoài 30, sống ở gần Đất Thánh An Nam, đui mù từ thuở sơ sanh. Hai con mắt đương sự tuy không có kéo mây hay bị té nổ lọt tròng, nhưng vẫn không nhìn thấy gì cả. Thường ngày, y ta đi ăn xin ở các vùng ngoại ô, tay cầm gậy trúc dò đường.
Người ăn mày cảm tạ ơn cứu tử và cho biết:
- Tui đi lần phía xóm Cái Sơn Bé, nhưng bỗng xây xẩm ngã gục, nhưng chưa ngất xỉu. Tụi chăn trâu khiêng tui lên gò, đặt tui nằm duới bóng mát cây da xà rồi đi báo tin cho thầy Hương Quản Chúc thuộc làng Long Đức Đông biết. Thẩy không có ở nhà, tụi nó bỏ tui luôn ở đây. Nhờ cô em đây (chỉ Giáng Hương) thổi vào mũi tui luồng sanh khí cõi tiên nên tui được cải tử hườn sanh, lại còn hết đui mù nữa;
Mọi người nhìn sững con Giáng Hương. Nó e lệ bảo:
- Đó là phần phước của ông, chớ em đâu có tài cán gì.
Vậy là cuộc thả diều bị bỏ qua một bên. Cô Phụng Tường móc túi lấy một đồng bạc cho người ăn mày trước khi cùng chồng và con Giáng Hương trở về cù lao An Thành. Còn cậu Khải Chánh mời người ăn mày về nhà, bảo y ta tắm rửa, cạo râu, rồi cậu lấy quần áo lành lặn và tươm tất cho y ta mặc trước khi dùng cơm chiều.
Cô Ngọc Lợi bảo tôi tớ trong nhà:
- Bây có thấy không? Không dè người ăn mày nầy khi được ăn mặc tươm tất lại lồ lộ vẻ khôi ngô, mắt thì sáng như sao, dáng dấp khác lạ, giọng nói thanh tao. Dường như trong xác ăn mày có hồn tiên nhập vào vậy.
Đợi không có ai, người ăn mày bảo cậu Khải Chánh:
- Nè cháu, chú là Hai Thành đây. Lời ước hẹn của chú trong giấc chiêm bao của cháu năm nào giờ đây mới thực hiện. Nhưng xin cháu giữ kín để khỏi làm kinh động mọi người. Chú không thuộc về người nhà họ Lê nữa. Cháu nên kêu chú bằng anh để tránh điều dị nghị. Từ đây xin cứ gọi chú bằng cái tên Hồ Thanh Lưu cho tiện.
Cậu Khải Chánh băn khoăn:
- Chú sẽ mưu sanh bằng cách nào? Thanh Lưu không do dự:
- Chú biết chỗ chôn vàng của tía má chú. Chính là ở trong cái vườn tại cuối xóm Rẫy mà bà nội chú tặng cho ban Hương Chức Hội Tề. Vườn tược bây giờ tuy bỏ hoang, nhưng chưa bán cho ai. Chú sẽ tìm cách mua lại. Chỉ có hai mẫu đất chớ chẳng có bao nhiêu.
Cậu Khải Chánh bảo:
- Cháu không thể đổi cách xưng hô. Cháu sẽ bảo mọi người rằng thầy Hai Thanh Lưu sẽ dạy cháu văn chuơng thi phú nên tui kính ông ta như bực chú bực thầy nên gọi ông ta bằng chú cho thân mật hơn.
Xóm Rẫy nằm ở vùng đất bên trái con lộ đá Trần Minh Tại, từ xéo xéo nhà ông Hương Cả Thanh, có con đường đất đưa vào. Nơi đây có những sở vườn làng thuộc ban Hương Chức Hội Tề, những sở rẫy của người Triều Châu và những khe ngòi chằng chịt tuôn nước vào rạch Cầu Kè, rạch Cầu Đào.
Hai tháng sau, nhà của ông Hai Thanh Lưu đuợc cất trong dẻo đất cách rẫy một cái ngòi nước nhỏ có chiếc cầu ván bắc qua. Nếp nhà một căn hai chái nho nhỏ, vách ván, nền đất, mái lợp lá xé, bày biện bàn ghế khá tốt và đuợc chăm sóc ngăn nắp và đuợc quét dọn sạch sẽ. Ông hành nghề coi mạch, hốt thuốc, bào chế thuốc xổ bằng hắc sửu, làm thuốc Phì Anh Tể giúp con nít mạnh khỏe. Rảnh rang, ông viết tiểu thuyết đăng báo và sau đó được in thành sách, được trả tiền nhuận bút và tiền tác quyền khá hậu. Cậu Cảnh Hưng cũng xin thọ giáo ông Thanh Lưu về việc tập luyện văn chuơng thi phú và tỏ ra tương đắc với ông.
Ít lâu, ông Thanh Lưu cất nhà ngói và xây nền lót gạch tàu. Ông mướn thằng Hỉ, tuổi 16 để sai vặt. Ông lãnh phần nấu ăn cho hai thầy tớ, đôi khi ông còn mời khách đến nhà ông ăn cơm với ông.
o O o
Cô Ngọc Lựu buông chiếc bóp đầm xuống mặt bàn đá hoa cương một tiếng xạch, cất giọng eo éo:
- Chị đã biết chuyện gay cấn giữa vợ chồng con Phụng Tường chưa?
Cô Ngọc Lợi nguýt:
- Tao cứ lúc thúc trong cái xóm Cầu Kè khỉ ho cò gáy nầy, đâu có được đi đây đi đó như mầy, nên tao chẳng biết chuyện gia đạo của thiên hạ.
Cô Ngọc Lựu háy:
- Con Tường là chỗ thân tình với chị em mình, lẽ nào chị chẳng biết cuộc sống lứa đôi của nó hay sao?
Cô Ngọc Lợi mắng:
- Mầy đừng có nói đỏng, cứ gán tao cái tội vô tình với em út. Tuy ba đứa tụi mình thân thiết với nhau, nhưng làm sao tao rõ chuyện thâm cung bí sử của vợ chồng nó ở tuốt bên cù lao An Thành? Đèn nhà ai nấy rạng. Bộ mầy ăn cháo lú hay sao mà lại quên câu đó? Tao nghĩ rằng thằng Cảnh Hưng thô tục mà lấy được con Phụng Tường thanh tú cao sang thì thiệt là tam sanh hữu hạnh cho hắn.
Hắn có vẻ cưng chiều con nọ, thiếu điều đặt con nọ lên bàn thờ để chiêm bái vợ mình dài dài. Lẽ nào hắn phản bội con Phụng Tường hay sao?
Cô Ngọc Lựu cười khẩy:
- Đời mà chị. Chuyện mà mình thấy vậy mà có phải vậy đâu? Tên Cảnh Hưng tuy cưng vợ mà vẫn phản bội vợ như thường. Hắn lẹo tẹo với con ở, bơm cho con ở cái bầu bự chình ình, cao như cái mả mới đấp!
Cô Ngọc Lợi kêu trời một tiếng sảng sốt và đau đớn. Thiệt tình, ngay giờ phút nầy, cô ai hoài thương xót cho hoàn cảnh cô Phụng Tường biết bao!
Cô Ngọc Lợi và cô Ngọc Lựu là con của bà kế thất của ông Hội Đồng Võ Thành Thạo. Người vợ trước của ông có 5 người con. Sau khi bà mãn phần được hai năm thì ông tục huyền với người quả phụ của bạn mình. Bà nầy chỉ sanh hai cô Ngọc rồi nín luôn.
Hai cô Ngọc vốn sùng mộ đạo Phật. Tới ngày rằm Vu Lan, hai chị em thường phóng sanh chim cá để cầu phước. Gần kỳ rằm Vu Lan năm đó, hai cô chỉ mới 13 tuổi, theo mẹ đến thăm bà Huyện Nho, tức là mẹ của cậu Khải Chánh và cô Phụng Tuờng. Có người thợ săn loại chồn, sóc, nheng, thỏ rừng hoặc các loại chim như trích, cò, diệc, đỗ quyên, gà rừng... đi ngang qua. Cô Phụng Tường kêu y ta lại để mua những con vật bị sanh cầm để kỳ rằm tới sẽ phóng sanh cầu cho mình hết đau ốm dây dưa. Anh thợ săn đã bán hết cầm thú đã săn được, chỉ còn lại có con chồn mặt trắng. Cô Phụng Tường hỏi mua nó. Anh thợ săn thách một đồng bạc. Cô Phụng Tường than rằng mình chỉ có bốn cắc mà thôi. Vậy là cô Ngọc Lợi và cô Ngọc Lựu, mỗi người bỏ ra 3 cắc giúp cô Phụng Tường mua chồn để phóng sanh. Đêm đó, cô Phụng Tường nằm chiêm bao thấy một mỹ nhơn giồi phấn trắng, thoa son tươi, hiện đến bảo:
- Tui là con chồn tu luyện hơn một trăm năm sắp được biến thành người, nhưng vì lẽ oan oan oan tương báo nên chưa đắc đạo mà phải sa vào lưới bẫy chú thợ săn kia. Ơn cứu mạng của ba cô, tui nguyện báo đáp. Bây giờ, tui phải đi Tịnh Biên để thay hồn đổi xác, rồi sẽ trở về đây gặp lại ba cô.
Hai cô Ngọc tuy có thương yêu nhau, nhưng vẫn không bỏ tật đành hanh với nhau. Ngay từ khi mới lớn, cô Ngọc Lợi đã kỳ kèo với cha:
- Tía không thương yêu con bằng con Lựu. Nó có cái tên Ngọc Lựu đẹp nhức nhối! Còn cái tên Lợi của con nghe phàm tục quá đỗi, dù có lót chữ Ngọc đi nữa. Ngọc Lợi có nghĩa là gì? Coi bộ cái tên nầy không du dương rồi đa.
Ông Hội Đồng Thạo cười hề hề:
- Ngọc Lợi vẫn là tên đẹp đó đa con. Mà con biết Lợi có nghĩa là gì không? Lợi tức là Mạt Lợi, tức là bông lài trắng nuột thơm tho. Ngọc Lợi là bông lài bằng ngọc.
Cô Ngọc Lợi cãi bướng:
- Con thích tên Ngọc Lài hơn.
Bà mẹ rầy:
- Mầy là trứng mà đòi khôn hơn mén. Ai lại đặt tên kép mà chữ đầu là tiếng
Hán, còn chữ sau là tiếng Nôm, nghe trái trắc cái lỗ tai.
Cô Ngọc Lựu cũng có chuyện hơn thua để phàn nàn với tía má của mình. Thiệt tình cô cũng thích cái tên Ngọc Lựu của mình nên không có điều gì gay cấn về vụ phương danh mỹ tánh. Ngọc Lựu chẳng những có nghĩa bông lựu hoặc trái lựu bằng ngọc mà còn là tên của một thứ ngọc màu đỏ thắm dùng để làm món trang sức. Cô chỉ tức tối tại sao nước da chị cô trắng như phấn, mịn như lụa, còn nước da cô lại ngăm đen. Cô kỳ kèo với mẹ:
- Hồi có thai chị Lợi, má uống sữa bò, ăn tào hủ, ăn bánh xùng chan nước cốt dừa nên da chị Lợi trắng như dừa nạo. Còn khi mang thai con, má ăn chè đậu đen, chè mè đen, ăn gà ác tiềm sanh địa, ăn thục địa nấu đường đen. Hèn chi da con không đen như da bọn Chà-và sao đuợc?
Bà Hội Đồng Thạo chưng hửng:
- Ai nói với con vậy?
- Thì bà vú chớ ai trồng khoai đất nầy? Bà mẹ an ủi:
- Da con tuy ngăm đen, nhưng hồng hào ấm áp. Đã vậy con cười có hai lúm đồng tiền thiệt mặn mòi nữa.
Từ khi trở thành thiếu nữ, hai cô Lợi lẫn Lựu đều to xương, vóc mình cứng ngắt. Giáng Hương an ủi:
- Tụi đầm đều lớn vóc, nhưng đâu kém yêu kiều tha thướt. Hai cô nên bắt chuớc cách đi cùng dáng ngồi, điệu đứng của tụi nó. Làm thục nữ Á Châu không được thì làm đào hát bóng Âu Mỹ.
Hai chị em ngạc nhiên quá đỗi. Giáng Hương chỉ biết đọc chữ nghĩa lai rai, vậy mà ả nói ra điều gì cũng luyện đạt nhơn tình thế thái như kẻ trí thức. Hèn chi cô Phụng Tường không cưng ả sao được? Cho nên, hai cô phải tập đi, tập đứng, tập ngồi, tập nằm, tập uốn mình. Đi phải uyển chuyển và mềm mại như rắn trườn, đứng sao cho oai nghi như nữ diễn giả trên diễn đàn, ngồi phải luôn chéo chân và vêu mông bên mặt như nữ thần điện ảnh Greta Garbo ngồi chờ... phá thai trong cuốn phim gì đó mà họ quên mất tựa, còn nằm thì phải thảnh thơi như rồng bay, và khi ngoáy mình từ đàng trước ra đàng sau thì phải ra vẻ duyên dáng như con chồn uốn mình. Giáng Hương hết lòng uốn nắn hai cô Ngọc. Tuy ả nhỏ tuổi hơn họ, trình độ học vấn chẳng biết tới bực nào, nhưng ả nói lời gì cũng khiến cho hai cô răm rắp làm theo như bị lôi kéo bởi một mãnh lực vô hình. Kết quả thiệt mỹ mãn kỳ lạ: chỉ chừng vài tháng, hai cô Ngọc có một cái duyên dáng đặc biệt, một dáng dấp cao sang thanh thoát. Khi đứng giữa đám phụ nữ trẻ đẹp, dù bóng sắc họ không hơn ai, nhưng phong cách của họ giúp họ trội hơn đám quần thoa hương phấn đẹp như trăm hồng ngàn tía kia.
Cô Ngọc Lợi có giọng trong nhưng hơi chát. Giáng Hương khuyên cô phải gò giọng sao cho đừng quá vang lộng, và phải bào thiệt mỏng giọng như lụa the hay hình sương dáng khói thấp thoáng trong giấc chiêm bao. Cô Ngọc Lựu có giọng ồ ề và hơi nghèn nghẹt. Giáng Hương khuyên cô mỗi sáng nên thức dậy sớm để tập hít thở thiệt sâu chừng nửa tiếng đồng hồ là chừng vài tháng sau sẽ có giọng nói thanh tao, làn hơi dài và sắc mặt tươi nhuận. Thiệt vậy, chừng ba tháng sau, giọng nói của cô Ngọc Lựu thiệt độc đáo, tuy khàn đặc mà mịn màng óng chuốt, lại còn sắc vút ẻo lả khi lên cao. Đã vậy, sắc mặt cô rạng như gương và tươi như hải đường buổi sáng.
Cô Ngọc Lựu lấy chồng đẹp trai, chưa có bằng Thành Chung, học lực kém hơn cô một bực. Đó là thầy giáo day lớp nhì Trần Ích Thọ, con ông Bảy Trần Ích Mạnh, có nhà ở Ngả Tư Long Hồ. Từ đó, cô Ngọc Lựu có thể chèo tam bản hoặc bơi xuồng qua Cầu Kè mau lẹ hơn là phải dùng xe mô-tô đến cầu Thiềng Đức, rồi từ cầu Thiềng Đức quẹo về đây. Bởi thầy Ích Thọ có cái mã sáng láng và bóng lộn nên cô Ngọc Lựu không đành hanh với chị. Cô chỉ sợ mình không đẹp đôi với chồng nên tối ngày cứ chăm chút điểm trang, o bế thân vóc. Nhờ vậy mà cô cũng được chồng yêu.
Bởi hưởng hạnh phước tràn trề trong cuộc hôn nhơn nên cô Ngọc Lợi lẫn cô Ngọc Lựu cứ chong cái nhìn thương hại về cô Phụng Tường. Chèn ơi, cô Tường thanh tú từng nét một mà lấy nhằm tên chồng râu hùm, hàm én, mày hình Thanh Long đao. Rõ ràng là Từ Hải tái thế. Nụ cười của cậu nham nhở, tiếng cười của cậu làm người xung quanh phải nhột nhột tê tê. Người như vậy mà cậu Khải Chánh và hai bà chị cậu khen rằng phải thế trượng phu với tấm thân hộ pháp, với dáng dấp oai phuông, kiêu hùng. Riêng đối với hai cô Ngọc thì cậu Cảnh Hưng có vẻ thô tháp, trâng tráo, ương ngạnh, kiêu căng. Đã vậy, khi cậu cổi trần, ngực cậu có một mảng lông đen như lông heo. Râu hùm tức là râu rìa. Râu rìa đi đôi với lông ngực coi bộ... không khá rồi đa! Ông bà mình thường bảo rằng; râu rìa lông ngực là tôi phản thần. Hèn chi Từ Hải không chịu thần phục trào đình nhà Minh dưới thời vua Gia Tĩnh, cứ động binh dấy loạn liên miên. Hai cô Ngọc cho rằng cô Phụng Tường mà lấy cậu Cảnh Hưng khác nào cây bon-sai trồng trong chậu đất sứt mẻ, khác nào viên bửu ngọc bị đựng trong cái hộp bằng gỗ tạp gỗ thô. Đây cũng là trường hợp phẩm tiên bị chuột vọc, trường hợp bông lài cặm bãi cứt trâu.
Cô Ngọc Lợi nói với chồng bằng giọng văn vẻ:
- Mình nghĩ coi, con em nhà mình mà đứng gần tên Cảnh Hưng thì khác nào nét son lộng lẫy thanh tao sắp cạnh giề lọ nghẹ.
Cậu Khải Chánh cười:
- Anh thấy dượng Út sắp nhỏ đường đường một đấng anh hào. Lòng dạ hắn ngay thẳng, tâm địa hắn trong sáng như gương.
Cô Ngọc Lợi nhìn chồng có vẻ ghét bỏ thiếu điều ăn gan uống huyết chồng:
- Nói chuyện với anh chỉ uổng nước miếng mà thôi.
Còn cô Ngọc Lựu thì sao? Đời nào cô tiêu hóa nổi câu trù ẻo của cậu Cảnh Hưng vì cậu cho rằng gái học giỏi như chị em cô khó mà lấy chồng. Bởi đó, suốt hai ba năm trước khi xuất giá, cô sợ nơm nớp mình sẽ cùng chị mình gặp cảnh lỡ thời. Cho nên cô thỏ thẻ với đấng trượng phu của mình:
- Xời ơi, hễ thấy cái bản mặt tên Cảnh Hưng kia, em như thấy cái gai, cái đinh trước mắt, chướng mắt, xốn mắt quá chừng chừng! Nghe hắn nói, hắn cười, em có cảm tưởng như có ai vót nứa, vót tre bên tai, nghe nhột nhột tê tê khắp châu thân.
Thầy giáo Ích Thọ cười khì:
- Em nhột em tê đâu có quan hệ gì. Chắc chắn là cô Phụng Tường chẳng những thích nghe tên Cảnh Hưng cười nói mà biết đâu cổ lại còn tìm thấy khoái lạc đặc biệt ở giọng cười tiếng nói kia. Em ghét những cái thứ đó thì em chịu mệt óc mệt tim, hắn đâu có cần biết. Hì! Hì! Hì!...
Cô Ngọc Lựu háy chồng thiệt bén:
- Nói chuyện với anh thà tui nói chuyện với con chó đỡ tức hơn.
Cả hai cùng chê cô Phụng Tường khờ khạo. Theo họ, sở dĩ cô Tường chịu kết hôn với một kẻ dù có đậu Tú Tài như cậu Cảnh Hưng đi nữa, nhưng đó là kẻ phàm phu tục tử, to lớn và đồ sộ như cái tủ cẩm lai thì đúng là cô ta mê giàu sang và chuộng văn bằng. Cả hai không thể nghĩ ra trong đêm hiệp cẩn, cô Phụng Tường phải đối phó cách nào với con người có cái mặt nham nhở và ăn nói như tát nước lạnh lên mặt kẻ đối thoại như y ta.
o O o
Hôm nay, cô Ngọc Lợi có mời vợ chồng em gái mình qua nhà mình dùng cơm chiều. Cô đã mua sẵn hai ký tôm càng thiệt tươi và lớn cỡ cườm tay, hai con cá chẻm thiêt bự, hai cái đùi heo thiệt ngon.
Cô Ngọc Lựu vừa xế trưa là dắt đứa con gái lên năm, bơi xuồng qua nhà chị và neo xuồng dưới bến con rạch Cầu Kè. Cô cho chị biết rằng cậu Ích Thọ có việc phải đi Cái Cam và sẽ đến sau. Thấy cô em vợ tới, cậu Khải Chánh nói ba điều bốn chuyện với cô rồi cỡi mô- tô qua chợ Vĩnh Long thụt bi-da, hẹn 6 giờ chiều mới về.
Bây giờ nhà vắng đờn ông, hai chị em tha hồ nói giỡn nói trây. Đứa con gái cô Ngọc Lựu được hai thằng anh bạn dì kéo ra vườn bắt cào cào và châu chấu. Gia tài của ông Huyện Nho đã chia làm bốn, mỗi đứa con lãnh 50 mẫu ruộng, riêng cậu Khải Chánh còn có thêm 10 mẫu ruộng và 1 mẫu vườn thuộc phần hương hỏa cộng thêm 30 mẫu ruộng là của hồi môn của cô Ngọc Lợi. Bề sanh nhai của họ thiệt phong lưu dư giả. Đã vậy, cô Ngọc Lợi còn theo em gái đi làm áp- phe, mua đi bán lại cẩm thạch hột xoàn để kiếm thêm lợi tức. Cho nên cô mua sắm thêm bàn ghế bằng gỗ quí cùng các món ngoạn hảo bằng bạc, bằng ngà, bằng pha lê, bằng sứ, mỗi món đều tinh xảo và đẹp hực hỡ.
Cô Ngọc Lợi đẹp vừa phải. Da cô trắng, nhưng tóc cô không đen mun mà lại có ánh hung hung. Mắt cô một mí, nhưng không ti hí, cũng không lớn lắm. Sống mũi cô hơi thô. Bù lại miệng cô cười thiệt tuơi, sắc môi hồng hồng. Còn cậu Khải Chánh không có chút lỗi lầm nào trên nhơn diện và vóc dáng. Nhưng đường nét trên khuôn mặt cậu không có sự kết hợp hài hòa, không có bố cục ngoạn mục. Cậu chỉ được cái vẻ lành mạnh, rắn rỏi, đôn hậu mà thôi.
Còn cô Ngọc Lựu cũng chỉ đẹp nhờ khéo ăn mặc trang điểm. Mặt cô không mấy thanh tú, vừng trán cô hơi vồ nên cô có vẻ bướng bỉnh, đôi bàn tay cô hơi thô. Trong khi đó, thầy giáo Trần Ích Thọ có nước da trắng mịn và sáng hồng, khuôn mặt thanh tú từng nét một, mắt sáng ướt, vóc mình cân đối nở nang. Họ giống cặp chim trĩ, chim công, con trống lộng lẫy hơn con mái.
Hôm nay, cô Ngọc Lợi mặc bộ quần áo bà ba bằng lụa lèo màu hột gà. Cô đeo một sưu bộ cẩm thạch xanh biếc gồm bông tai, xâu chuỗi, đôi vòng tay, cặp cà rá. Tóc cô uốn dợn sóng phía trên trán rồi bới cái bí bo hình bánh tiêu sau ót, giắt trâm cũng nạm cẩm thạch. Còn cô Ngọc Lựu, cuốn tóc tay rế như tóc mấy bà đầm, mặc áo dài bằng xuyến tím và quần dài bằng sa teng tuyết nhung đen. Cô đeo kiềng, vòng tay, cà rá, tất cả đều bằng vàng pha đồng, kiểu tối tân và chạm trổ thập phần tinh xảo. Khi đến nhà chị, cô thay áo dài bằng chiếc áo túi bằng nhiễu màu cánh sen.
Cậu Khải Chánh thuờng bảo người em bạn cột chèo của mình:
- Con vợ của moa cứ ngóng cổ nhìn chuyện vợ chồng của con em moa nên tỏ ra ngứa mắt, phật lòng lắm. Chắc hồi kiếp trước, thằng Cảnh Hưng có gây chuyện oan trái chi đây với nó.
Thầy giáo Ích Thọ cười ngất:
- Chớ còn gì nữa. Không hiểu tại sao con vợ của em cũng ghét đắng ghét cay tên Cảnh Hưng kia. Nó bảo cô Phụng Tường phải can đảm lắm mới dám ăn nằm với con trâu nước Cảnh Hưng. Hì! Hì! Hì!
Cậu Khải Chánh bảo:
- Tại nó lấy được một anh chồng đẹp trai như toa nên nó thấy đờn ông khác trên cõi đời nầy đều xấu xa thô tục. Thiệt ra, thằng Cảnh Hưng có cái độc đáo riêng. Vợ moa và vợ toa cứ eo sèo sau lưng thằng Cảnh Hưng, nhưng khi giáp mặt hắn thì cả hai như chó cụp tai, đâu dám nhìn thẳng hắn. Cặp mắt hắn là cặp mắt của con cọp, con beo làm hai mụ phải bủn rủn bàng hoàng. Ha! Ha! Ha!
Còn con em của moa mê lú chồng như lậm bùa, mặc kệ thiên hạ chót chét nói hành nói tỏi. Hì! Hì! Hì!
Hai chị em mỗi người yêu chồng bằng cách khác nhau. Cô Ngọc Lợi thường nghĩ rằng cô bóng lộn, láng nhuốc, lại có bằng Thành Chung, liệt vào hạng phụ nữ Tân học trong thập niên 30. Cô mà sánh với chồng thì chỉ chênh lệch vài phân về phần trí dục. Vợ mà học thua chồng vài phân thì vẫn xứng đôi vừa lứa với chồng. Cho nên cô không có chút mặc cảm nào đối với chồng. Và chồng cô không có điểm nào để cô phàn nàn về địa vị trong xã hội cũng như về phương diện sắc vóc. Nhưng cậu Khải Chánh không tỏ ra nhiệt thành hay đam mê bất cứ một chuyện gì. Cậu cưới cô do tài làm mai của dì ruột cô. Cậu yêu cô vì bổn phận hơn là bằng mối tình si. Giáng Hương trong một cuộc trao đổi tâm tình với cô Ngọc Lợi, bảo:
- Tại tánh của cậu Hai như vậy, nhưng mà tình yêu vợ của cẩu sâu sắc lắm lắm! Cô không nên đòi hỏi nhiều. Em còn nhớ dì em có cho em hai đạo bùa, có thể dùng để sau nầy nịch ái chồng. Em xin nhường cô một đạo.
Đạo bùa đó được gói trong vuông nhiễu màu hồng điều và may kín. Cô Ngọc Lợi treo bùa ở kèo nhà, trước cửa buồng. Cô nói với chồng đó là bùa dùng để trừ tà. Từ đó, cậu Khải Chánh bỗng sung sức, đòi hỏi chuyện cưng yêu vợ liên miên, cuộc hoan lạc dồi dào như mưa dầm tháng bảy. Tuy nhiên, cuộc vợ chồng chỉ được đằm thắm mà thôi. Dẫu không được chồng yêu đương sôi nổi, nhưng cô vẫn yên chí lớn. Chồng cô ngày tối chỉ thích lúc thúc ở nhà, săn sóc từng chi tiết từ nhà trong ra ngõ ngoài. Cậu không thích gầy cuộc rượu chè, bài bạc với bạn bè, không hề liếc ngang liếc dọc cô nào, mụ nào ngoài vợ nhà. Cho nên dù không nưng niu chiều chuộng vợ, nhưng cậu bám vợ như dơi đực bám dơi cái. Hễ cô Ngọc Lợi vắng nhà chừng một buổi là cậu bất an, khổ sở ra mặt. Cho nên cô không lo chồng san sẻ tình yêu với mụ đờn bà nào khác.
Còn cô Ngọc Lựu, lúc mới đính hôn với cậu Ích Thọ, cô hơi lo lắng vì sắc vóc và học lực hai bên hơi tréo hèo và chênh lệch. Đáng lẽ cậu phải học giỏi hơn cô. Đáng lẽ cô phải là một giai nhơn mỹ nữ để đẹp đôi với cậu. Chu choa ơi, cậu đẹp như kép hát bóng John Gibert thì đáng lẽ cô phải có cái bóng sắc chói lọi như hai nữ minh tinh màn bạc là Greta Garbo hay Norma Shearer, hoặc phải mặn mòi như hai cô đào cải lương Năm Phỉ, Phùng Há thì mới đúng điệu. Đàng nầy cô chỉ là con Tám Ngọc Lựu với vóc mình hơi ô dề, với cái trán vồ, với màu da ngăm đen. Tuy nhiên, cô còn nắm nuối đôi chút tự hào là tía má cô có tiền của, còn riêng cô có ăn học, cô biết tạo nét cao sang riêng biệt. Nhưng rồi đôi lúc cô nghĩ những cái mà cô cho rằng là lợi khí lợi điểm đó vẫn không thể làm cái móc, cái phao để cô bám chặt được. Chèn ơi! phụ nữ trong vùng có vẻ chiêm ngưỡng cậu Ích Thọ một cách trắng trợn lộ liễu, làm cô phát ghen, làm nền mống niềm tin của cô lung lay như cái răng bà già 80 tuổi. Nhưng vào đêm tân hôn, chồng cô say sưa ngắm thân vóc cô. Cô mới biết chiếc áo dài dù có bợ ngực bó eo cô, nhưng vẫn che cái đẹp của đôi vú vun chùn hình mâm xôi và thiệt săn chắc của cô. Nó che luôn cặp mông tròn trặn đẹp tuyệt vời của cô mà vừa khi lớn lên cho tới buổi tối hôm đó cô chưa nhận rõ ràng và sâu sắc như vậy, nếu cặp mông đó không được chồng cô ngắm nghía và cho rằng chúng giống như như trái dưa hấu bổ đôi và úp lên. Đây là thân vóc của thần Vệ Nữ mà chiếc áo dài kiểu Cát Tường từ ngoài Bắc tuột xuống đất Nam Kỳ Lục Tỉnh chưa đủ khả năng khai thác hết cái đẹp của nó. Quỉ ơi, nếu không nhờ con Giáng Hương đốc xúi chỉ biểu cô nên đi bộ cho nhiều, chơi vài phương pháp thể dục và uống thuốc điều hòa kinh nguyệt do ông Hai Thanh Lưu pha chế thì làm sao cô cái lợi khí về thể chất để mê hoặc tên chồng đẹp trai ngó hoài không chán của cô?
Sống an ổn trong cuộc lứa đôi, cô Ngọc Lợi chẳng những chong cặp mắt tò mò của mình về cuộc vợ chồng của cô Phụng Tường mà cô còn xét nét cuộc tình duyên của con em ưa đành hanh của mình. Mức độ học vấn của thằng em rể cô kém hơn mức độ nó, chẳng hiểu tụi nó có gặp hoàn cảnh phu xướng phu tùy hay hoàn cảnh chồng quỳ để nghe vợ chửi đây? Còn thằng em rể cô vốn đẹp trai nhưng biết có đẹp tánh đẹp nết để khỏi liếc dọc liếc ngang bọn tố nữ kiều nga nào khác không? Xời ơi, đờn ông mà có cặp mắt ướt thì lòng da khô ráo sao được?
Còn cô Ngọc Lựu yêu chồng nồng nàn lại được chồng yêu sôi nôi nên cô liếc mắt qua cảnh vợ chồng của chị mình, cho rằng họ tuy có gầy dựng được gia đình, nhưng chắc gì họ biết bắc thang cao để leo lên cõi trời hạnh phước như vợ chồng cô. Cô vụt thương hại những phụ nữ ưa lấy chồng khoa bảng trong số đó có chị cô mà họ quên rằng hạnh phước thường nằm ngoài văn bằng, lại còn có nhiều lúc nó không thèm vói tay rờ mó vuốt ve khoa bảng nữa là khác. Từ mụ chị có tâm địa chặt chịa không đúng chỗ kia, cô ai hoài lây sang cô Phụng Tường. Cô ái ngại cho chị cô chỉ có một, nhưng cô thương xót cho cô Phụng Tường tới mười. Rồi cô tự đắc ở chỗ mình biết sống, biết nhìn sâu vào cuộc đời tình cảm của nhơn loại, biết tìm hiểu thấu suốt hạnh phước lứa đôi. Cô định bụng hễ rảnh rang, cô sẽ viết một cuốn sách khuyên nhủ trai gái nên suy xét trước ngưỡng cửa hôn nhơn để cô Ngọc Lợi và cô Phụng Tường phục lăn cô chơi.
Mới có 3 giờ chiều, hai chị em chưa thể nấu nướng để dọn bữa ăn. Hôm nay, tiết trời hanh nắng, nhưng có gió đồng ruộng thổi về không ngớt. Cô Ngọc Lợi tin rằng vào lúc chiều tối, tiết trời sẽ chớm lạnh. Cô nhứt định nấu món bánh canh cá lóc giò heo, món bún tôm nướng chan mỡ hành và đệm rau xắc ghém. Còn hai con cá chẻm cô sẽ chiên vàng và rưới tương hột để ăn với cơm trắng.
Trước hết, hai chị em nghĩ tới món ăn dậm vào lúc xế trưa. Cô Ngọc Lợi pha hai chén mắm nêm giã tỏi ớt, rồi bày món đầu heo ngâm giấm để cuốn bánh tráng, rau sống, dưa leo và chấm mắm nêm. Sau đó, cả hai sẽ ăn ốc len xào dừa.
Cô Ngọc Lựu đang cấn thai nên cô thèm chua dữ dội. Cô vớt mấy con giấm trong keo, cắt từng miếng nhỏ cỡ ngón tay, kẹp vào món đầu heo xắt mỏng trước khi cuốn bánh tráng và chấm mắm nêm. Thấy con em của mình nhai con giấm ngau ngáu, cô Ngọc Lợi bắt rùng mình mọc óc. Cô Ngọc Lựu cuời hềnh hệch:
- Bộ chị lạ lắm hay sao? Đờn bà chửa còn thèm ăn thịt chồng nữa là.
Ăn quà vặt càng ngon miệng bao nhiêu, cả hai càng xót xa cho cảnh ngộ cô Phụng Tường bấy nhiêu. Cô Ngọc Lựu dù cả tuần nay chưa hề xách đít qua cù lao An Thành, vậy mà hôm qua, cô chỉ nghe bà vú của cậu Cảnh Hưng kể sơ vận sự con Giáng Hương có chửa qua chừng vài câu sơ sịa mà thôi:
- Cô ơi, con Giáng Hương lẹo tẹo với cậu Hai sao đó nên bây giờ nó mang bầu rồi. Mợ Hai đau đớn lắm. Bởi mợ ấy coi nó như em ruột, ai dè nó hiệp với cậu Hai cắm lên đầu mợ ấy một cặp sừng cong vút.
Lập tức, cô Ngọc Lựu liền phác họa một cảnh đoạn trường... tân thanh trong đầu óc mình, mà cô Phụng Tường thay vì là nạn nhơn lỡ sống lỡ chết trong đó, nhưng lại đóng vai đào độc. Câu chuyện thuật lại nếu có gay cấn như vậy thì cô Ngọc Lựu mới dùng làm món quà hấp dẫn tặng cho mụ chị đa sầu đa cảm của mình:
- Xời ơi, chị biết không? Con Phụng Tường vừa khóc vừa nghiến răng nhiếc con đòi phản chủ kia. Rằng tao nuôi mầy như nuôi ong tay áo. Hồi nào mầy trôi sông lạc chợ, tao đã ra tay cứu vớt mầy. Tuy là đứa tớ con đòi, mầy vẫn được ăn cơm trắng cá tươi. Ở trong nhà, mầy được mặc quần áo sạch sẽ tươm tất; còn khi ra ngoài đường mầy diện toàn là sô sa nhiễu lụa. Mầy trả ơn tao bằng cách lấy khín chồng tao, phải không con đĩ ngựa?
Cô Ngọc Lợi tuy ngờ vực con em vốn ưa chót chét lý sự của mình biết đâu hôm nay cao hứng bịa đặt cái pha ghen tuông kia, nhưng lời lẽ thuật lại của cô Ngọc Lựu vẫn phưởng phất cái khẩu khí của cô Phụng Tường chút ít nên cô tin được tới 20%. Nhưng mà có mọc ốc nổi da gà không kìa! Khi thuật chuyện, cô Ngọc Lựu đóng vai mụ Hoạn Thơ tân thời thiệt hay. Mắt cô trợn trạo rồi quắc lên, mày cô nhíu lại, sắc mặt cô hầm hừ. Thuật tới chỗ gay cấn, cô nghiến răng trèo trẹo; còn thuật tới chỗ thương tâm, cô đổi ra giọng than van não nuột nghe mà nao nao tấc dạ chớ không chơi đâu.
Cô Ngọc Lợi chửi:
- Đồ đờn ông dâm dật. Vợ nhà bóng bẩy mỹ miều mà cũng chưa vừa bụng, nỡ bôi tro trét bùn lên mặt vợ bằng cách tò tí với con đòi hạ tiện.
Cô Ngọc Lựu sừng sộ:
- Chị còn binh vực ông Khổng Tử nữa không? Thủ phạm chánh là ổng chớ ai, bởi ổng chủ trương trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.
Ngoài mương vườn sau, có tiếng chim bìm bịp báo hiệu con nước ngoài sông cái đổi chiều sắp dâng cao và tràn vào mương rạch khe ngòi trong cuộc đất nhà.
Hai chị em và con ở tên Gấm hiệp sức nấu nướng. Vào lúc chạng vạng tối, tiệc được dọn ở phòng ăn, trên chiếc bàn hình hột xoài lót đá hoa cương. Vừa lúc đó, cậu Khải Chánh và thầy giáo Trần Ích Thọ cũng vừa về tới. Bóng trăng cận rằm mập tròn vo vừa ló dạng sau rặng cây cau bên hông nhà. Cậu Khải Chánh nhìn vợ và cô em vợ, hỏi:
- Có việc chi mà hai chị em có vẻ hào hứng và phấn khởi vậy?
Cô Ngọc Lợi ngó qua em cười chúm chím:
- Chuyện đờn bà, hơi đâu mà mình để ý. Thầy giáo Trần Ích Thọ sành đời:
- Nếu chuyện đờn bà suông trơn thì lạt nhách như cơm nguội, thì làm sao kích thích chị và vợ của em được? Em tin rằng chuyện đờn bà đó có lồng chuyện đờn ông chớ chẳng không.
Cô Ngọc Lợi cười khì:
- Tía tụi nhỏ và dượng tụi nó tinh ý thiệt! Cô Ngọc Lựu nói hỗn:
- Đờn ông mấy người... thông minh ở chuyện gì đâu á!
Con Gấm dọn một mâm riêng cho lũ trẻ trên chiếc bàn thấp hơn. Cậu Khải Chánh mở tủ buýp-phê, lôi chai rượu ngâm hoài sơn, cam thảo, thục địa và rễ cây nhàu để cụng ly với người em bạn cột chèo của mình.
o O o
Tối hôm đó, cô Ngọc Lợi vừa vào giường, thuật lại những gì cô Ngọc Lựu đã kể lại về tấn thảm kịch của cô Phụng Tuờng. Cô tuy chưa có qua cù lao An Thành để gặp cô Phụng Tường, nhưng cô muốn chồng mình phải xót xa ai hoài hơn nên cô bịa ra nhiều chi tiết thê thảm, gay cấn hơn, như chínhh cô đã gặp cô em chồng của mình từ hôm cái thai của ả Giáng Hương bị phát giác:
- Chèn ơi, trước chuyện đốn mạt thúi hoắc đó, con em Phụng Tường nhà mình chỉ nhỏ nhẹ trách con Giáng Huơng khốn nạn kia sao đành đoạn lấy ơn trả oán như vậy. Tội nghiệp quá, con Út nhà mình khóc thôi trời sầu đất thảm. Mí mắt nó sưng húp nên nó mở mắt không ra, phải xài thuốc nhỏ mắt rồi lấy khăn nhúng nước ấm đấp lên mu mắt. Còn tên Cảnh Hưng dê xồm dâm dật kia ngồi trơ cái mặt chừ bự như giề thịt trâu rồi cho rằng trong cái xã hội Á Đông nầy, đờn ông đi ngang về tắt là chuyện thường tình.
Cô Ngọc Lợi còn bịa đặt thêm một số giai thoại gay go, gai góc nữa để cô Phụng Tường biến thành nàng tiên hiền lành, biến ả Giáng Hương thành con đĩ ngựa mặt trơ trán bóng và biến chàng Cảnh Hưng thành một tên bỉ ổi đê tiện nhứt trần gian. Chẳng dè cậu Khải Chánh ngủ hồi nào mà cô không hay. Tới chừng tiếng ngáy lảnh lót của cậu sôi réo lên, cô vụt tức tối hét:
- Đờn ông gì mà ngủ sớm như vịt như gà! Chán cái thằng cha nầy quá!
Đang lúc đó vía cậu Khải Chánh bám theo con Giáng Hương trong giấc chiêm bao. Thường cậu qua chơi bên nhà em gái, cậu được uống trà ngon do chính tay con Giáng Hương pha và dâng mời một cách trịnh trọng. Cậu thấy nó xinh xắn, dễ thương, ăn nói mềm mỏng ngọt ngào làm lòng cậu nở bông nở nhụy tùm lum tà la. Tuy có sẵn lòng dơi dạ chuột với ả, nhưng cậu dập tắt ngay và rồi cũng quên được ả. Ai dè trong mộng mị quàng xiêng, tà tâm trong tiềm thức cậu trổi dậy, nên vía cậu nắm lấy tay nó, hun hít nó, sờ soạng ngực nó tưng bừng tở bở. Bỗng tiếng hét của vợ cậu làm cậu giựt mình. Trong cơn nửa thức nửa ngủ, cậu la oai oải:
- Chết! Má bầy trẻ mà chém nó thì bị làng bắt giải giao ra bót mã tà ngoài chợ tỉnh.
Cô Ngọc Lợi lay chồng tỉnh dậy, rồi hỏi:
- Trong chiêm bao mình thấy em chém ai? Hay là mình thấy mình đang tò tí với con khốn kiếp nào thì thình lình em cầm dao xuất hiện?
Biết là con vợ lanh lợi như chồn tinh của mình đoán trúng tim đen của mình và vận sự trong giấc mộng, cậu Khải Chánh chống chế:
- Anh có thấy gì đâu?
Rồi cậu tiếp tục ngủ. Cô Ngọc Lợi từ hồi xế tới giờ bị kích thích quá nên cảm thấy mỏi mệt. Cô mở hộc tủ, lôi ra hộp thuốc Cửu Long Hoàn, lấy một viên, lột lớp bọc sáp màu vàng đóng triện tô ngân nhũ, rồi ra phòng ăn, rót trà để uống trôi viên thuốc.
Nhưng ngay trong giây phút nầy, cô chợt nghĩ tới ả Giáng Hương. thường khuyên bảo, xúi giục chị em cô làm toàn những việc có lợi. Dù ít tuổi hơn, nhưng ả tỏ ra lịch duyệt và tiên liệu mọi việc rất tài ba. Đang tin yêu ả, cô không dè lại có ngày hôm nay để chứng kiến thái độ phản trắc của ả.
Riêng cô Ngọc Lựu, khi về tới nhà, tiếp tục thuật thêm vận sự ngoại tình của cậu Cảnh Hưng cho chồng nghe. Hôm qua cô đã thuật khái quát vận sự ấy rồi. Dù cho sáng hôm nay, tuy cô không gặp bà vú ở chợ cá ngoài tỉnh như thưòng lệ, nhưng vì thương xót cô Phụng Tường, cô ngại ngần gì mà không bịa thêm cái đốn mạt của cậu Cảnh Hưng, cái đê tiện của ả Giáng Hương và cái đau thương của cô Phụng Tường để cho câu chuyện thêm nồng nàn gay cấn? Cô đay nghiến:
- Như mình rõ, con Út vốn yếu tim. Bị một vố như vầy, nó nằm liệt giường liệt chiếu. Tía má chồng nó sai tôi tớ rước thầy Chín Phiệt bên Đình Khao qua coi mạch hốt thuốc cho nó. Nhưng thầy Chín bảo rằng tâm bịnh vốn khó trị. Tội nghiệp quá, chỉ có ba ngày mà con Út mỏng lét như tờ giấy quyến và xanh như con mắm chưa chao đường.
Thầy giáo Trần Ích Thọ buồn ngủ rũ ra. Giọng cô Ngọc Lựu rù rì bên tai thầy cho tới khi bóng trăng mập nõn nà treo trên ngọn cây sa-kê ngoài phía xa khung cửa sổ. Mùi hoa nguyệt quới bên hông nhà theo cơn gió mỏng hiu hiu lọt vào buồng. Sau cùng, thầy khuyên vợ:
- Khuya rồi. Sáng mai vợ chồng mình hẳng bàn tiếp. Nếu sáng mai, em không bận việc, anh sẽ đưa em đi cù lao An Thành thăm vợ chồng cô Út.
Cô Ngọc Lựu nguýt chồng một cái bén ngót. Xời ơi! Đờn ông gì mà ham ăn ham ngủ! Mới đầu canh hai chớ có khuya khoắc gì cho cam mà tên giáo làng mắc dịch nầy không chịu thức để chia sẻ nỗi ai hoài cùng cô. Thiệt ra, cô muốn dùng hoàn cảnh cô Phụng Tường để bóng gió cảnh cáo chồng cô. Chồng cô đẹp trai, mắt ướt rượt như ruột trái nhãn thì lòng dạ đương sự đời nào khô khao như vỏ trái ô môi trước bóng sắc mấy con nập nợn lẳng lơ? Còn tấm lòng chung thủy của thầy ta biết đâu dệt toàn bằng mạng nhện bở rệt chớ đời nào được dẻo dai bền chắc như dệt bằng chỉ tơ xe săn? Mà lạ thiệt, thầy Ích Thọ làm gì, nói gì cũng đáng ngờ, đáng ngại, đáng suy nghĩ đối với cô cả. Cho nên cô phải đề phòng chồng, phải ghen trừ hao để dằn mặt chồng cho chắc ăn.
Khi thầy giáo Trần Ích Thọ ngáy pheo pheo thì cô Ngọc Lựu nhạy cảm của chúng ta vẫn còn thao thức. Cô lắng nghe tiếng vạt sành kêu râm ran ngoài bàu nước, tiếng con chồn săn mồi chạy rột rẹt ở trong lùm bụi ngoài cửa sổ. Cô nghĩ tới ngôi biệt thự của vợ chồng cô Phụng Tường bên cù lao An Thành. Vì nhà gần sông Cổ Chiên bát ngát minh mông nên đêm đêm cô Phụng Tưòng trong cơn nửa thức nửa ngủ có cảm tưởng tiếng sóng vây quanh giường cô ta, tiếng thùy dương lọt vào giấc ngủ cô ta. Chèn ơi, cuộc sống cô Út thơ mộng quá đỗi. Vậy mà một biến cố thô bạo chợt xảy ra. Cô ta làm sao chống chỏi nổi đây? Vì dễ bị kích thích, dễ thương xót cảnh ngộ bi đát của tha nhơn nên mãi tới canh tư, cô Ngọc Lựu mới chợp mắt được.
Sáng hôm sau nhằm Chúa nhựt. Cô Ngọc Lựu dù ngủ muộn, nhưng quen dậy sớm. Cô lo dọn mâm điểm tâm thịnh soạn để đãi vộ chồng cô Ngọc Lợi và hai thằng cháu trai cưng của cô. Cô nấu cháo gạo huyết rồng với đậu đỏ để ăn với dưa mắm trộn thịt ba chỉ, với tôm trứng chấy mặn, với thịt nạc kho tiêu và với bắp chuối bóp giấm ớt. Cháo nầy chan thêm nước cốt dừa lại càng ngon béo hơn. Cô cũng không quên món bánh ướt tôm khô làm theo kiểu Triều Châu mỏng hơn để ăn với củ hành xắt nhuyễn chấy vàng và với giá trụng chín điểm lất phất lá rau quế xắt nhuyễn; tất cả được chan xì dầu pha giấm trước khi ăn.
Trong bữa ăn, cậu Khải Chánh bảo mọi người:
- Theo tui, tác giả cái bào thai của con Giáng Hương chưa chắc là thằng em rể tui. Con ở nầy thường lui tới Xóm Rẫy...
Thầy giáo Trần Ích Thọ như chợt nhớ ra:
- Cảnh Hưng thích xuớng họa thơ thất ngôn bát cú với ông Hai Thanh Lưu.
Mỗi khi con Giáng Hương về xóm Bánh Phồng để đóng hụi và bán mắm cá cơm dùm cô Út, thường ghé Xóm Rẫy để giao bài họa hay bài xướng của hắn cho ông Hai. Ổng tuy đứng tuổi nhưng đẹp trai, tóc hãy còn đen, hai hàm răng không có một cái hư, thân vóc vẫn dẻo dai cường tráng. Còn con kia thì láng nhuốc vì đang độ sen ngó đào tơ. Thử hỏi nam như vậy và nữ như vậy, thì chuyện gì mà không xảy ra?
Cô Ngọc Lợi cũng chợt nhớ ra:
- Ừ hén, mỗi khi tới nhà ông Hai, con Giáng Hương quét tướt từ sân trước ra hè sau dùm ổng, rồi nấu nước pha trà. Nó còn lãnh phần chép bản thảo của ổng nữa đó.
Cô Ngọc Lựu liếc xéo chồng:
- Con Giáng Hương mà ở đợ cho cái nhà nầy, nếu chuyện đó mà xãy ra, cũng xin bà con chớ lấy lạ nghe hôn.
o O o
Bốn hôm sau, tại cù lao An Thành, cô Phụng Tường cùng ả Giáng Hương sửa soạn bữa cơm trưa để đãi cặp vợ chồng cậu Khải Chánh và vợ chồng thầy giáo Trần Ích Thọ. Vừa lúc ả Giáng Hương làm món thịt cá kho chung có đệm thêm trứng vịt luộc thì cô Phụng Tuờng vào buồng, cười bảo chồng:
- Dẹp mấy cuốn kiếm hiệp cho em nhờ. Anh hãy ra chợ mua một phần tư cây nước đá và mấy chai nước ngọt về cho em. Hôm nay, em nhứt định đãi khách rượu rhum pha với limonade.
Cậu Cảnh Hưng xếp cuốn Hoàng Giang Nữ Hiệp của Cố Minh Đạo và đặt trên chiếc bàn đêm, mặt lót đá Đại Lý màu hường. Cậu ngáp thiệt dài, nhưng vẫn nằm dài thây thẳng cẳng trên giường. Trời nực, cậu cởi trần, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn bằng vải sọc nâu. Cậu có tấm thân hộ pháp, bắp tay và bắp đùi nở nang. Ngực cậu nở phồng như cánh buồm căng gió, bụng cậu thon và chia làm 6 múi. Cậu kéo đầu vợ gần mặt mình rồi hun vợ ngấu nghiến. Cô Phụng Tường hưởng ứng nụ hun nồng nàn của chồng. Bốn ngày qua, kể từ chiều thứ tư cho tới xế chiều thứ bảy hôm qua cô đã sống trong ác mộng, hay tệ hơn nữa, sống trong địa ngục do cô dựng nên. Con ở cô có chửa hoang. Cô nhục nhã vì sợ bị thiên hạ chê rằng cô đẹp mà vẫn chưa vừa bụng chồng, rằng chồng cô là hạng dâm dật bỉ ổi. Cô lại còn đau đớn hơn khi nghĩ rằng chồng cô san sẻ tình yêu cho kẻ thua sút cô đủ mọi phương diện. Cô đã tra hỏi ả Giáng Hương rằng ả đã lỡ dại với ai khác hơn là thằng chồng ác ôn râu rìa lông ngực của cô. Nhưng ả nhứt định không hài danh hài tánh thủ pham. tức tưởi:
- Thà chị giết em, thà Thiên Lôi đánh em cháy thành than chớ bây giờ em hài danh hài tánh kẻ mà em hết dạ yêu kính sao đành? Chừng nào tụi em đi xứ khác dung thân, em sẽ cho chị biết kẻ đó là ai?
Bà vú thì thào riêng với cô Phụng Tường:
- Mợ phải tra hỏi nó cho thiệt gắt mới được. Tui thường thấy nó xầm xì to nhỏ với cậu Tú nhà mình.
Lúc đó, cô PhụngTường gạt ngang:
- Bà đừng nói vậy. Tui biết bụng dạ chồng tui lắm. Đời nào ảnh làm chuyện tồi bại như vậy.
Tuy có nghi ngờ tấm lòng chung thủy của chồng, nhưng cô Phụng Tường vẫn không muốn sỉ nhục chồng cô và cũng không muốn ai khác chê cười chồng cô. Cô muốn hỏi chồng cho rõ ngay gian, nhưng nghiệt thay, cậu Cảnh Hưng có việc phải đi Châu Đốc nên cô chỉ biết khóc ngấm khóc ngầm. Tới chừng cậu Cảnh Hưng về nhà, cô kéo chồng vào buồng vừa khóc vừa gạn hỏi nguồn cơn tự sự. Cậu ôm chặt vợ vào lòng, lau nước mắt cho cô, cất giọng ngọt như xoát cát mát như sương sa:
- Tội nghiệp cho cục cưng của anh. Chắc hổm rày cưng rầu lung lắm phải không? Chính ông Hai Thanh Lưu tò tí với con Giáng Hương và bơm cho nó cái bầu chớ có phải anh đâu. Con Giáng Hương sợ chuyên kín nọ đổ bể ra thì ổng mất mặt bầu cua với người quen biết nên nó giấu luôn cả với ổng. Nó chỉ thú thiệt với anh và nhờ anh đi Châu Đốc giúp nó. Anh có lên trên miệt ấy để gặp dì nó. Dì nó chỉ đưa cho anh hộp thuốc dưỡng thai nhưng không nói không rằng gì hết. Trưa mai, hai vợ chồng mình đi Xóm Rẫy để hỏi ổng định phân lẽ nào?
Quả thiệt, ông Hai Thanh Lưu không hay biết ả Giáng Hương có thai. Tới chừng nghe cậu Bảy Cảnh Hưng tiết lộ, ông cười xòa:
- Tội nghiệp cho em Giáng Hương bé bỏng của tui. Thiệt tui không dè em mắn con dường ấy. Thú thiệt với cậu Tú mợ Tú, em Giáng Hương thường tới đây trao thi phú và thư từ của cậu Tú cùng các món ngon vật lạ do mợ Tú gởi tặng. Thấy em thông tuệ, dù chỉ học lem nhem chưa hết bực tiểu học, nên tui dạy em đọc sách để trau giồi kiến thức, dạy luôn cách viết văn, mần thơ... Chẳng bao lâu em làm thơ có hồn, viết tùy bút với lối văn diễm lệ thanh tao. Bởi đó nên tui cảm em rồi mê em. Trước kia, tui chỉ là kẻ ăn mày, tuổi tác ngoài 30, lại còn đui mù. Nhờ trời thương Phật độ, tui mới được sáng mắt để làm lại cuộc đời, chớ tui đâu có phải thượng lưu trí thức chi đó. Còn em thì đang độ trăng lên hoa nở, xinh đẹp như người trong tranh. Tui sẵn sàng cưới em làm vợ. Chỉ sợ thiên hạ chê tui không xứng lứa đẹp đôi với em mà thôi.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng cái miệng bà vú không hiền. Bà đem bán rao điều mình nghi ngờ cho mọi người quen biết nghe, trong đó có cô Ngọc Lựu. Cô nầy vốn rất sốt sắng với bất cứ chuyện động trời nào nên đi phao tin tùm lum và để cùng cô Ngọc Lợi than thở cho cảnh ngộ bị chồng cắm sừng của cô Phụng Tường. Nhưng giờ đây, nước cạn đá bày, mây vén trăng hiện. Cô Phụng Tường an ủi ả Giáng Hương:
- Hễ có chửa thì đẻ, hễ đẻ thì nuôi. Thuốc dưỡng thai của dì em cho, chắc là thần hiệu, em nên dùng mỗi ngày. Còn nếu cần, chị mua thuốc dưỡng thai hiệu Nhành Mai ngoài các tiệm thuốc Bắc cho em.
Cậu Cảnh Hưng mặc Âu phục màu xám trân châu, mang giày da vàng, thắt cà vạt đỏ chen xám khói thu, đầu chải bằng dầu sáp Pompéa. Cậu bảo vợ:
- Em muốn mua món chi thì biên vào giấy để anh mua. Luôn tiện anh đến tiệm vàng Võ văn Hưng lấy cặp vòng ngọc thạch mà tuần rồi anh đặt mua, chỉ chờ sau khi họ đem giồi bóng.
Cô Phụng Tường ngã đầu lên vai chồng:
- Lúc nào anh cũng cưng em.
Cậu Bảy Cảnh Hưng ôm vợ hun chùn chụt:
- Anh không cưng em thì cưng ai bây giờ?
Cậu ngồi ghe hầu để đứa tớ trai tên Được chở cậu qua bên chợ tỉnh. Nhà cậu ở đầu ngọn rạch chảy xéo bên hông đình làng. Đây là ngôi biệt thự xây cất theo kiểu kim thời gồm căn phòng khách cất gie bên trái, nếu nhìn từ bên ngoài. Còn mái hiên thì ở bên mặt. Nối tiếp phòng khách là phòng ăn, căn bếp. Còn bên trong mái hiên là hai phòng ngủ liền vách nhau.
Ngôi biệt thự sơn màu xanh trứng sáo, có trồng thùy dương và lệ liễu xung quanh nên có cái tên là Liễu Dương Biệt Thự. Nó nằm giữa khu vườn 2 mẫu trồng cây ăn trái nối liền với dải ruộng 50 mẫu thuộc quyền sỡ hữu của cậu Cảnh Hưng.
Từ bao năm nay, ở chốn cù lao trù phú, giữa cảnh ruộng vườn êm đềm thơ mộng, cô Phụng Tường nhờ bơi lội trong biển hạnh phước bao la nên quên mất ánh sáng thị thành. Cô thừa biết chị dâu cô cùng cô Ngọc Lựu chê chồng cô nham nhở, thô lậu, tục tằn. Cô chỉ cười thầm. Hai cô Ngọc vốn có khiếu thẩm mỹ và nhãn quan hẹp hòi trong việc thẩm định cái quyến rũ của đờn ông. Khi còn là nữ sinh, họ chỉ biết trau giồi học vấn, nếu có rảnh thì đọc tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Họ ít khi coi phim Âu Mỹ, tuy coi đó rồi quên đó, chẳng để ý nhiều các tài tử đóng phim. Bởi đó, họ không cảm nhận được cái đẹp trai lơ điếm đàng của hai chàng kép hát bóng Clark Gable và Errol Flynn. Bởi cậu Cảnh Hưng có cái nhìn chớt nhã, nụ cười đàng điếm, cái nheo mắt ranh mãnh ranh mương, giọng nói châm biếm, tiếng cười hào sảng và cởi mở nên những phụ nữ có nhiều điểm nhột như hai cô Ngọc gai mắt, chối tai, ngứa gan, ứa phổi khi họ giao tiếp với cậu. Họ cho rằng cậu là tên đờn ông dâm dật, ưa dê gái, lúc nào cũng nuôi định tàn hại cuộc đời các cô gái nhe dạ non lòng.
Trong thời kỳ đính hôn của cô Phụng Tường với cậu Cảnh Hưng, cô Ngọc
Lợi lẫn cô Ngọc Lựu ưa tưởng tượng những chuyện dữ dằn, những cơn ác mộng cho cô Út. Làm sao họ tưởng tượng nổi cái đêm huê chúc tràn ngập khoái lạc của đôi vợ chồng son kia và cuộc đời làm vợ ngỏa nguê hạnh phước của cô Út? Làm sao họ tỏ rõ cái ân sủng trong cuộc giao hoan mà cậu Cảnh Hưng đã dưng hiến, phụng sự cho vợ không hề nhàm mỏi, không hề thưa thớt, buông lơi? Cậu Cảnh Hưng đã từng thú thiệt với vợ:
- Lạ quá, em à! Trước khi cưới em, liên tiếp 7 đêm, anh thấy mình giao hiệp với một mụ trung niên mỹ phụ xinh đẹp tuyệt trần. Y thị chẳng những dạy anh thuộc nằm lòng cách phối hiệp âm dương trong cuộc vợ chồng và còn bắt anh thực tập những ngón nghề để cưng yêu mê hoặc vợ. Lúc đầu anh tưởng mình bị bịnh di tinh nên lo rầu lung lắm. Nhung sau đó, khi cưới em rồi, anh càng sung sức khỏe mạnh hơn trước.
Hồi chưa cuới vợ, cậu Cảnh Hưng hơi mập mạp và hơi thô tháp. Nhưng hai năm gần đây, nhờ ham mê đánh quần vợt và chơi bóng rỗ cùng môn bơi lội nên bụng cậu sát rạt, ngực cậu lực lưỡng, eo cậu nhỏ và săn lại. Tóm lại, trên thân vóc cậu, chỗ đáng nở thì nở, chỗ đáng thon thì thon; đã vậy tay chơn cậu cứng cáp và nổi vồng bắp thịt. Trong cậu hùng tráng lẫn cường tráng. Nhưng đời nào hai cô Ngọc chị lẫn Ngọc em vốn ưa chuộng vẻ đẹp thanh tao nho sĩ ở nam phái thèm biết tới? Đã vậy cậu còn cười khinh bạc thói đời, ăn nói xóc óc hai cô. Cho nên cái thù ghét của họ càng lúc càng phát triển rườm rà, không cho họ thấy những uu điểm của cậu.
Khi chủ nhân ông vừa xuống ghe, Giáng Hương bắt đầu tâm sự:
- Thưa chị, bấy lâu nay em được chị yêu thương nên giờ đây em xin thố lộ gốc tích em cho chị rõ. Em vốn là hồn chồn tinh nhập xác của bé Hương, con gái vợ chồng người thợ rèn tên Hai Ích. Chắc chị còn nhớ gần kỳ rằm Vu Lan nọ, chị muốn mua một con chồn để phóng sanh. Chú thợ săn đòi 1 đồng bac, nhưng chị chỉ có 4 cắc bạc. Thời may trước đó có hai cô Ngọc Lợi và Ngọc Lựu đến chơi. Mỗi cô bỏ ra 3 cắc bạc để chị có đủ 1 đồng bạc để phóng sanh cho em. Khi đắc đạo và có nhiều phép thần thông, em liền dùng thuật thay hồn đổi xác. Con Hương vì mồ côi cha lẫn mẹ nên theo dì nó lên ở trên miệt Châu Đốc. Bà nầy tu theo Mật Tông, có nhiều phép thuật, có tha tâm thông lẫn lậu tận thông nên biết lòng dạ nguời khác lẫn chuyện quá khứ vị lai, biết luôn chuyện tiền kiếp, đương kiếp và hậu kiép. Nhưng con Hương vì bị ác nghiệp từ thời tiền kiếp nên nó phải yểu mạng, dì nó không thể cứu nó được. Hồn em liền nhập vào xác nó để trở về đây đền đáp ơn cứu mạng của chị và của hai cô Ngọc, nhứt là hoàn thành lời ước hẹn của ông Hai Thành. Số là trước khi được chị cứu mạng, em đã có lần bị con chó Mực ông Hai Thành bắt được. Em tưởng đâu là mình sắp chôn thây trong bụng chó. May mắn làm sao, ổng cứu được em, cho nên em tâm nguyện phải kết hôn với ổng trong kiếp nầy. Nhưng ổng lại sớm thất lộc nên em giúp ổng thay hồn đổi xác. Sẵn dịp tên ăn mày nằm chết bên mả Tào Kê Giang, em dùng luồng sanh khí thổi vào mũi y ta và đưa hồn ông Hai Thành nhập xác. Sẵn dịp đó, em chữa luôn đôi mắt đui của y ta để ổng sau khi đổi xác được trở nên người lành mạnh, thoát khỏi hoàn cảnh ăn xin.
Cô Phụng Tường chẳng biết nói sao, chỉ biết nhìn sững cô tớ gái. Giáng
Hương bồi thêm một loạt vận sự nữa làm cô bàng hoàng sửng sốt hơn:
- Cảnh giao hiệp trong chiêm bao của anh Cảnh Hưng là chuyện thiệt, nhưng mụ trung niên mỹ phụ cố ý tạo ra chiêm bao để anh Hưng không thắc mắc. Mụ ta là cô ruột thuộc dòng họ chồn của em. Cổ nhận lời yêu cầu của em để huấn luyện anh Hưng trở thành một anh chồng thiện nghệ trong thú giao hoan, cốt là giúp cho chị hạnh phước đó thôi.
Cô Phụng Tường bắt đầu quết nhuyễn tôm để nấu suông và làm món chạo nướng mía. Cô bỗng thắc mắc hỏi ả Giáng Hương:
- Nè Hương, hồi sáng nay đang đi chợ, chị lao đao muốn xỉu. Có phải đó là triệu chứng bịnh máu xâm không em?
Giáng Hương đang róc mía, dừng tay lại, nhìn chủ đăm đăm. Nó vui vẻ bảo:
- Em cũng bị chứng máu xâm như vậy. Chừng tháng sau, em mới biết mình có thai. Hay là chị cũng bị cấn thai như em?
Cô Phụng Tuờng rạng rỡ nét mặt, long lanh khóe mắt:
- Để chị đi Đốc-tưa Quận khám thai coi sao. Hoặc chị rước thầy Chín Thiệt bắt mạch đoán thai.
Giáng Hương chợt nhớ ra:
- Cách đây một tuần, em có đến nhà thím Hương Hào Nghiệp đóng hụi cho chị. Em có gặp thím Hương Thân Nghệ ở đó. Hai thím bảo em rằng lóng rày chị có triệu chứng cấn thai: lông mày chị dựng đứng, còn trái cổ chị nhảy thoi thóp.
o O o
Cỡ 10 giờ, cậu Cảnh Hưng đem trà rượu, bánh trái và một phần tư cây nước đá phủ mạt cưa về tới nhà. Cậu bắt vợ phải đeo đôi vòng ngọc thạch, món quà tặng của cậu dành cho ngày kỷ niệm sau 3 năm hôn lễ của vợ chồng cậu tức là ngày hôm nay. Đang cạo vảy con cá lóc lớn cỡ cườm chơn, cô Phụng Tường phải rửa tay cho sạch sẽ để đeo cặp vòng. Chu choa ơi, nước ngọc đuợc giồi bóng trở nên trong hơn, những phiến vân của ngọc trở nên rõ nét và duyên dáng hơn, màu xanh của ngọc cũng rực rỡ hơn. Cậu Cảnh Hưng hun đi hun lại cườm tay no nưỡng, trắng phau và mịn màng của vợ. Cậu bảo vợ:
- Phen nầy, chị Chánh lẫn chị Thọ sẽ đoán lung tung khi họ trông thấy đôi vòng ngọc của em.
Rồi cậu phàn nàn:
- Bởi có nhiều ác cảm đối với anh nên họ gán cho anh trăm thứ tàn độc, cho rằng anh dùng đũ mọi thủ đoạn ác nghiệt để hành hạ em.
Cô Phụng Tường cười:
- Nhưng lẽ nào họ chẳng thấy tình yêu và hạnh phước của vợ chồng mình? Cậu Cảnh Hưng cười ngất:
- Thì họ cho rằng bởi em ngu si đần độn nên mới yêu một người như anh, bởi em uống thuốc liều mới chịu làm vợ một kẻ ba đá, bán trời không mời Thiên Lôi như anh. Bởi họ thành thiệt thương mến em ở cái tánh hiền hậu nhơn từ nên mới lui tới đây để thăm viếng em. Nhưng điều đó không thể chứng tỏ rằng họ bớt ghét anh. Họ cứ tiếp tục ác cảm với anh dài dài; chẳng biết tới bao giờ họ mới rộng lòng cởi mở đối với anh.
Cô Phụng Tường xỉa ngón tay vào trán chồng:
- Anh cứ châm chọc hai chị ấy hoài thì họ cảm tình với anh sao được? Tại anh ráo trọi!
Cậu Cảnh Hưng đặt bàn ăn, sắp trái cây và hai phong bánh in vào cái dĩa quả tử lớn cỡ cái mâm nhỏ chưng trên bàn thờ ông bà. Cậu chưng bông điệp, bông trang, bông sen trong chiếc bình da rạn cao tới gối. Sau đó, cậu sắp những chai rượu, những chai nước ngọt gồm limonade, nước cam, xá xị, bạc hà cùng những chai xi-rôlựu, xi-rô dâu tây trên chiếc bàn nhỏ lót đá hoa cương đặt gần bàn ăn. Sau hết, cậu chặt nước đá thành những cục lụn vụn và bỏ vào cái bình thủy (người Bắc gọi là cái phích).
Khi món vịt nấu cà-ri Chà vừa xong, cô Phụng Tường lôi trong tủ lưới ra một tảng bánh bò nướng được đựng trong chiếc mâm thau, một ổ bánh gan tẩm nước đường đặc sệt và lóng lánh màu hổ phách đuợc đựng trong chiếc dĩa quả tử tráng men lam. Hai món bánh nầy được sắp chung với hoa quả, trà rượu và những chai nước ngọt trên chiếc bàn nhỏ lót đá hoa cương.
Khách lần lượt tới. Cô Phụng Tường thay chiếc áo túi màu tím sen bằng chiếc áo bà ba bằng gấm màu xanh lông công dệt hoa cúc hoa mai chen lộn bằng kim tuyến lẫn ngân tuyến.
Hôm nay, cô Ngọc Lợi mặc chiếc áo dài bằng nhiễu màu tím tươi, chiếc quần cẩm tự đen. Cổ cô đeo xâu chuỗi trân châu, tai cô đeo đôi bông hình cánh phụng cẩn năm viên hột xoàn nhỏ cỡ 4 ly mỗi chiếc, đôi cuờm tay cô đeo chiếc vòng chạm Tứ Linh (thần long, kỳ lân, linh qui, thoại phụng). Còn cô Ngọc Lựu mặc chiếc áo cẩm vân màu huỳnh yến, quần cẩm nhung đen. Cổ cô đeo sợi dây chuyền vàng, chiếc mề đai cẩn những loại ngọc thường như mã não, san hô, hổ phách, thạch anh, ngọc kim sa, nhưng kiểu nữ trang thập phần tinh xảo. Đôi bông tai cô cẩn hột xoàn lớn trưu trứu trên 5 ly chớ không chơi; chèn ơi, mỗi hột nhả ánh nước trắng tím coi mê quá! Đôi cườm tay cô lồng cặp kim xuyến chạm hình Tứ Thời (xuân đào, hạ liên, thu cúc, đông mai).
Cô Ngọc Lợi đưa cho cô em chồng của mình con vịt quay được bọc bên ngoài bằng lớp giấy dầu và lớp lá chuối. Cô nhìn chăm bẳm cô Phụng Tường rồi ré lên:
- Chèn ơi, em Phụng Tường của chị sao mà tươi rói như trái mận, trái điều mới hái vậy kìa! Có chuyện chi mà em có vẻ lạc quan, hạnh phước quá vậy cưng?
Cô Ngọc Lựu liếc qua chị ruột của mình rồi nheo mắt liếc qua cô Phụng Tường, miệng véo von lảnh lót:
- Xời ơi, lạc quan là bổn tánh của... nàng chớ bộ. Dù có mưa gió sấm sét giáng xuống đây thì nàng vẫn lạc quan, cơm ngày hai bữa, tối ngủ thẳng ót cho tới sáng như thường.
Toàn là những lời đon reng để dò la gia đạo của cô Út. Cô cười tủm tỉm, liếc qua chị dâu rồi qua chị bạn, ánh mắt thiệt tinh quái, nụ cười thiệt hóm hỉnh:
- Mèn ơi, tuy cũng có cơn gió thoảng tới, tuy cũng có cơn mưa thoảng qua, nhưng từ gió lạnh em đổi ra gió mát, từ mưa độc em biến thành mưa lành rồi, hai chị à.
Cô Ngọc Lợi cười gượng gạo:
- Ừ, nếu được vậy thì chị cũng mừng. Chị chỉ sợ em nóng tánh ngang xương, biến gió thành giông, biến mưa thành bão thì cột đồng trụ sắt cũng bị xô ngã hoặc bị gảy đôi gảy ba.
Cô Ngọc Lựu liếc qua ả Giáng Hương, ngập ngừng hỏi cô Phụng Tường:
- Nghe nói... con Hương... đau ốm sao đó. Hôm nay, nó đã đỡ chưa mà coi bộ chủ tớ mấy ngươi... có vẻ... hí hởn như trúng số độc đắc vậy?
Cô Phụng Tường thừa biết rằng hai mụ ôn binh nầy tò mò muốn biết chuyện chửa hoang của người tớ gái thân tính của cô. Cho nên cô muốn hành hạ mụ cho bõ ghét. Cô giả bộ chưng hửng:
- Ủa, nó có đau ốm bao giờ đâu? Nó đau buồn thì có. Nhưng bây giờ thì nó đỡ lắm rồi.
Cô Ngọc Lợi lẫn cô Ngọc Lựu thích thú ra mặt. Mắt họ long lanh, sắc mặt họ hừng hực thích thú. Cô Ngọc Lợi chót chét:
- Tại sao nó đau buồn? Ở đây, nó được ăn chung với chủ, được diện quần hàng áo lụa, guốc vông sơn đen, bông tai hổ phách, vòng đồng chạm bánh ú, cà rá cẩn kim sa.
Cô Ngọc Lựu vo vảnh phụ hoạ:
- Sung sướng quá rồi mà nó còn bày đặt mang tâm sự bừa bộn nữa sao em? Cô Phụng Tườn cười chúm chím:
- Thì hai chị hãy hỏi nó đi.
Cô Ngọc Lựu bất bình:
- Em đã biết tự sự ráo trọi, nhưng em làm bộ giấu tụi chị. Cô Phụng Tường giả bộ ngơ ngác:
- Em có biét gì đâu?
Chịu hết nổi cơn tò mò, cô Ngọc Lợi quắc mắt nhìn cô em chồng của mình:
- Em giả ngộ hay sao chớ? Trong trào ngoài quận đã biết con Hương mang thai rồi.
Cô Phụng Tường cười ngất:
- Kỳ không! Em chưa rõ chuyện đó thì làm sao thiên hạ rõ dược? Cô Ngọc Lựu bực mình:
- Bởi vậy mới nói.Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay. Ông bà mình có nói sai bao giờ?
Mặt hai cô Ngọc bùng thụng bùng thịu coi thiệt tức cười.Tuy tức ấm ách, nhưng họ không đành bỏ qua. Vì là bạn thân của cô Phụng Tường nên Ngọc Lựu thừa biết cô Út cũng là hạng người bộc tuệch, không hề để niềm bí mật lâu lắc trong bụng đâu. Nếu cô Út không tiết lộ những gì chất chưa trong bụng, trong đầu mình thì cô ta sẽ khó chịu như bị gai, đinh bày trước mắt cô ta. Cô Ngọc Lựu nhìn đăm đăm vào bạn. Đồ yêu, đồ quỷ gì đâu á! Con mén nầy muốn hành hạ cho chị em tui khổ sở vì tật tò mò. Được rồi, mầy muốn chơi ác với tụi tao, tụi tao sẽ giả bộ dửng dưng chuyện vợ chồng mầy, để cho mầy khổ sở ôm chuyện bí mật một mình mà không có dịp nào được bật mí để được nghe kẻ khác an ủi. Để rồi coi ai cứng cơm già lửa hơn ai!
Cô Ngọc Lựu liếc mắt qua chị rồi lắc đầu. Cô Ngọc Lợi tuy chưa hội ý của em nhưng không đon reng hỏi han cô Phụng Tường về chuyện ả Giáng Hương nữa. Cô bắt chước em làm mặt tỉnh tuồng và cùng mọi người lo o bế các món ăn.
Hai chị em đổi đề tài câu chuyện làm như chưa hề biết chuyện mang thai của Giáng Hương. Bây giờ tới phiên cô Phụng Tường bứt rứt, nhột nhạt, khó chịu. Quỉ thần ơi, mấy hôm trước cô lỡ sống lỡ chết vì nghi hoặc chồng cô cùng cô ả Giáng Hương thông dâm ám muội với nhau. Giờ đây, biết được cả hai chưa hề phản bội cô, cô cảm thấy niềm hân hoan đang reo phơi phới trong lòng cô, không ngớt tuôn áng sáng vào tâm hồn cô. Nếu cô không thuật tự sự cho chị dâu cô và bạn thân cô biết thì ngặt cho cô quá! Đợi chờ hoài mà không thấy hai cô Ngọc tiếp tục hỏi han về vụ tác giả cái bào thai của ả Giáng Hương nên cô đành tiết lộ chuyện bí mật của ả cho cả hai nghe. Cả hai cảm thấy bụng dạ mình hết căng đầy như chiếc bong bóng xẹp hết hơi.
Cô Ngọc Lợi hoan hỉ:
- Té ra dượng Út sắp nhỏ không đến nỗi nào. Cô Phụng Tường cười đắc chí:
- Phải nól là chồng em tuyệt vời tuyệt diệu chớ bộ!
Trước khi đặt bàn ăn, cô Ngọc Lựu hỏi qua cuộc sống lứa đôi của cô Út. Cô Út nói quanh quanh quẹo quẹo làm hai chị em nổi nóng. Cô Ngọc Lợi nguýt:
- Tụi chị muốn biết vì cớ nào chồng em làm cho em say sưa mê lú. Hắn có bí quyết gì? Có nghệ thuật hay kỹ thuật bí truyền gì?
Cô Ngọc Lựu hí hởn:
- Em có hưởng được nguồn ân ái dồi dào trong trướng phụng không? Có được sống trong cơn khoái lạc gay gắt trên giường rồng không?
Cô Phụng Tường nguýt yêu chị dâu và chị bạn:
- Quỉ yêu tinh ma quái gì đâu á! Hai chị hỏi để làm chi vậy? Cô Ngọc Lợi cười:
- Để rút kinh nghiệm vậy mà. Cô Ngọc Lựu giả bộ nói nịnh:
- Em tuy nhỏ tuổi, tuy ít kinh nghiệm hơn tụi chị. Nhưng đã có tên Cảnh Hưng bày vẽ những cảnh kinh thiên động địa nên tụi chị phải thua em.
Cô Phụng Tường vụt đỏ mặt. Cô kể chuyện bằng giọng thiệt mỏng, thiệt phớt nhẹ. Hai cô Ngọc giảo lỗ tai ra nghe, mặt say sưa như bị chụp thuốc mê. Thỉnh thoảng họ ré lên kêu Trời ơi hoặc kêu quỷ thần thiên địa ơi một cách kinh ngạc, thích thú. Mắt họ sáng còn hơn bóng đèn 60 watts, mồ hôi họ rịn ở mép tóc. Cô Ngọc Lựu cảm thấy nghẹt thở và đinh ninh mình sắp té xĩu. Nhưng cô vẫn tỉnh rụi để lời thuật của cô Út nhập cảng tới tấp vào trí não cô một cách thống khoái. Còn cô Ngọc Lợi trân mình để nghe những lời tường thuật mê tơi ấy xâm lăng một cách kỳ thú tuyệt vời vào đầu óc cô. Máu cô dường như sắp biến thành keo, không thể lưu thông trong huyết quản được nữa. Sau cùng, cô Ngọc Lựu ré lên:
- Chầu xưa, khi chưa lấy chồng, con Út bún thiu nầy tuy có đẹp, nhưng nó gầy gò, mỏng lét và xanh xao chớ đâu có được tươi tốt, mượt mà và đầy đặn như bây giờ. Chèn ơi, lãnh Tân Chân, lụa Hà Đông còn chưa láng mướt và đẹp đẽ như nó. Hưởng bao ân sủng của tên Cảnh Hưng cường tráng kia hèn nào nó không bơi lội trong hạnh phước sao được? Con người mà được hạnh phước và được toại chí phỉ lòng thì phải mập đẹp. Mập đẹp khó kiếm lắm đa.
Cô Ngọc Lợi tức tối bảo cô em chồng:
- Anh Khải Chánh của em chắc già đời cũng chỉ biết bổn cũ soạn lại, chớ đâu có dịp nào học được ngón nghề thiện xảo trong việc gối chăn rồi phát minh thêm những chiêu thức thiên biến vạn hóa như dượng Út sắp nhỏ đâu. Tụi chồn vốn biết rành tài bộ, tánh thông minh của từng người nên nó mới dạy dỗ duợng Út chớ bộ. Còn anh ruột của em hồi nhỏ chỉ biết học hành, lớn lên chỉ biết ruộng vườn và huê lợi mà thôi. Ngoài ra, thằng chả đều bù trất mọi việc khác. Ý hị! Ảnh thương yêu chị được phần nào thì chị nhờ phần nấy, cưng chị được bao nhiêu thì chị hưởng bấy nhiêu, đâu dám đèo bòng thêm.
Cô Phụng Tường cười ngỏn ngoẻn:
- Chị phải nhờ ai chỉ bảo ảnh chớ. Nhưng những bí thuật gối chăn thì chỉ có đờn ông giáo huấn đờn bà, đờn bà dạy đờn ông thực tập mà thôi. Chồng em không giúp đỡ ảnh được đâu. Hay là chị nên nhờ mấy con điếm Huê Kiều ở dọc theo kinh Tàu Hủ trong Chợ Lớn vậy.
Cô Ngọc Lựu gạt ngang:
- Đừng rớ tới lũ bán phấn buôn hương. Rớ tới chúng tức là đùa nghịch với lửa, không nên đâu. Riêng thằng cha thầy giáo Ích Thọ trong mấy tháng đầu cuộc hôn nhơn, hắn cũng biết trổ tài sành sỏi với vài ba ngón thiện nghệ. Tối nay, nếu hắn cứ hùng hục làm theo kiểu xoàng xoàng và không biết tái diễn ngón nghề thuở trước thì chị đạp hắn xuống giường cho hắn ngủ chung với lũ chó.
Cổ Nguyệt Đuờng, Thu Nhâm Ngọ (2002)
Hồ Trường An