If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1385 / 7
Cập nhật: 2017-05-25 16:43:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Cô Gái Malayxia
nh tỉnh dậy giữa một căn lều lụp xụp ở trên bãi biển. Bởi anh nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào và gió thổi qua những kẽ vách, thoang thoảng mùi nước mặn. Anh cựa mình, rồi sờ lại chân tay mình mẩy, không thấy một vết thương tích nào cả, chỉ thấy toàn thân mỏi rời và ê ẩm. Anh nhìn lại căn lều, tuy thấp bé nhưng lại ngăn nắp gọn gàng. Mùi tanh của cá bao trùm lên trong lều làm anh xác định được đây là nhà của những người dân chài trên biển. Những tấm lưới rách, những ghim sợi đang đan dở, ở phía gần cửa, vài sâu cá mực khô treo trên vách, chứng minh cho xác định của anh.
Anh đang nằm ngơ ngác ngắm nhìn từng cái cột, tấm phên của căn lều và những đồ vật trong nhà, thì nghe thấy tiếng người léo nhéo ngoài bãi. Rồi có tiếng chân người chạy lại gần căn lều anh đang nằm. Tiếng cửa liếp mở và một cô gái bước vào, anh vẫn nằm mở mắt và gật đầu chào cô gái, làm cô gái bỗng thốt lên một câu có vẻ mừng rỡ mà anh không hiểu. Anh vẫy tay ra hiệu cho cô gái lại gần. Cô gái đến bên đầu giường sờ trán anh, thấy vẫn còn hâm hấp nóng, cô lấy một lọ dầu xoa lên đầu lên hai thái dương cho anh. Cô vừa làm vừa nói điều gì đó làm anh không hiểu. Nhưng qua thái độ và cử chỉ của cô anh có thể tự phiên dịch và phỏng đoán là:
- "A, anh đã tỉnh lại, hay lắm, nào để tôi xem nào, anh đỡ sốt rồi, nhưng đầu anh vẫn còn nóng đấy, để tôi xoa dầu đánh gió cho anh nhé. Hãy cứ nằm yên đấy cho khỏi, đừng ngồi lên vội, để tôi bưng cháo lên cho anh ăn nhé..."
Cô gái chạy ra khỏi lều, loay hoay ở gian bên cạnh một lát có lẽ là gian bếp rồi bưng vào một bát cháo nóng.
- "Nào mời anh ăn đi, cháo cá đấy, có cả hành nữa, ăn đi cho toát mồ hôi ra thì mới khỏi sốt được. Anh bị cảm lạnh đấy, nào ăn đi!"
Cô gái cầm thìa vừa múc cháo vừa thổi cho nguội và bón vào mồm Đen, anh ăn thìa cháo đầu tiên mới thấy ngon lành làm sao, có lẽ đến suốt đời anh không quên được thìa cháo đó. Một mùi cháo cá vừa tanh vừa ngọt, thơm phức mùi gạo nếp và hành tươi. Anh có cảm giác giống như những bát cháo mà mẹ anh đã bón cho anh khi còn bé mỗi khi anh bị sốt. Cô gái bón cho ăn hết nửa bát, anh thấy cô gái có phép tiên làm người anh tỉnh táo hẳn lên. Anh gượng ngồi dậy và đòi bưng lấy cháo ăn, anh đã biết xấu hổ thấy mình nóng mặt lên, anh không nỡ để cô gái bón cho anh khi mình có thể tự làm lấy được. Cô gái cũng thông cảm và đỡ anh ngồi dậy, dựa vào vách lều, rồi đưa cháo cho anh bưng lấy ăn. Anh ăn ngon lành, chẳng mấy chốc hết bát cháo. Cô lại lấy cho anh một bát nữa, nhưng anh chỉ ăn được nửa bát thì no và ngấy không thể ăn được nữa, mặc cho cô gái ra hiệu van nài cho anh ăn thêm nhưng anh không thể ăn được nữa, vì một cơn sốt lại ập đến, làm người anh nóng ran lên. Anh vội vàng nằm xuống, cô gái lấy một tấm chăn mỏng bằng vải hoa đã cũ nhưng sạch sẽ đắp lên người anh, phủ chùm cả lên đầu anh, anh lại bắt đầu mê man bất tỉnh.
Có lẽ phải đến một giờ hoặc hai giờ sau, anh mới tỉnh lại, thấy mồ hôi ra như tắm, quần áo đầu óc đều ướt đẫm, và thấy người nóng bức, anh vội lật chăn cho mát và mở mắt ra. Cô gái xa lạ vẫn ngồi bên cạnh giường anh, cô lại la lên những lời mừng vui líu lo như chim. Cô gấp chăn lại cho anh và lấy khăn lau mồ hôi trên đầu trên cổ và mặt mũi anh, cô lau cả người và chân tay cho anh. Người mệt mỏi quá, anh để mặc cho cô gái giúp đỡ anh, cô lật bên phải, lại lật bên trái để lau rửa cho anh bằng nước nóng và thay cả quần áo cho anh để đem giặt, cô mặc cho anh một chiếc quần đùi và chiếc áo sơ mi trắng rộng thùng thình nhưng khá sạch sẽ, chắc là của bố cô hoặc của anh trai cô, cô lại đặt anh nằm xuống và bưng chậu nước bẩn và quần áo ra ngoài, chắc là cô đi giặt cho anh.
Anh nằm nghỉ ngơi và thấy người mình nhẹ nhàng khoan khoái hơn, đầu óc anh dần dần tỉnh táo ra. Khi cô gái bưng nước chè pha đường vào cho anh uống, lúc này anh mới có dịp ngắm kỹ cô gái.
Cô còn trẻ quá, chỉ khoảng độ 15 hay 16 tuổi mà sao lại đảm đang tháo vát như một bà nội trợ vậy? Nét mặt bầu bầu và nước da xạm đen, giống những cô gái nông thôn Nam Bộ, đôi mắt to và đen, đôi hàm răng đều và trắng bóng và nhất là nụ cười rất tươi. Khi cô cười, cả mắt cô cũng cười rất duyên, làm át cả khuôn mặt bầu bĩnh và nước da ngăm ngăm của cô, cái bím tóc ngắn và buộc cũn cỡn như một chiếc đuôi mèo, trông đến là ngộ nghĩnh. Cô là ai? Là người gì ở đây? Ai đã cứu anh và đưa anh đến đây. Khi tỉnh táo, nỗi phân vân trong lòng anh lại dâng lên. Và anh phán đoán, có lẽ đây là làng chài ở Nam Bộ, hoặc là dân thiểu số Việt Nam hoặc là dân Cao Miên?
- Đây là đâu? Cô là ai?
Đen bỗng thốt lên hỏi cô gái, nhưng cô gái chỉ lắc đầu cười, tỏ vẻ không biết tiếng. Thế là hai người chỉ nhìn nhau mà thôi. Cô gái lại ra đi một lúc rồi lại khuân về nào dừa nào cam, nào chuối, và cả quả gì đó nữa, mà mãi sau này anh mới biết là quả hồng xiêm, cho anh ăn, anh ăn rất tự nhiên và mời cô cùng ăn, cô cũng ăn rất tự nhiên. Vừa ăn họ vừa hỏi nhau chỉ bằng ánh mắt, nụ cười mà thôi. Anh bỗng nhớ lại cuộc hành trình vượt biển của anh. Theo gió Đông Bắc đi về hướng Tây Nam rồi anh bị bão giữa ngoài khơi. Vậy thì mảng bè chuối của anh chỉ có thể trôi về hướng Nam. Đây có thể là Xanhgapo, Malaxia, hoặc Sumatra? Anh liền hỏi cô gái:
- Xanhgapo?
Nhưng cô gái lắc đầu - Anh lại hỏi:
- Thế có phải Sumatra không?
Cô gái cũng chỉ lắc đầu.
- Malaxia?
- Ây, Malaxia! - Cô gái gật đầu và nhắc lại.
Đen bỗng sung sướng reo lên vì đúng như dự đoán của anh, anh đã trôi đến một làng chài của Malaxia. Anh ngồi dậy cầm lấy hai tay cô gái mà lắc tỏ vẻ cám ơn cô.
- Xin cảm ơn cô! Mécxì ma đam!
Một câu tiếng Pháp bỗng bật ra, vì anh nhớ rằng người vùng này thường có thể nói tiếng Pháp, vì cũng có thể là thuộc địa của Pháp cả.
- Parlevous le FranCaise? - Cô có nói được tiếng Pháp không? Anh hỏi cô gái.
Nhưng cô gái lắc đầu làm anh thất vọng. Mặc dầu anh chưa thật thành thạo lắm, nhưng khả năng giao tiếp mà anh có thể cũng không sử dụng được. Cô gái cứ nhìn ra cửa ngóng đợi ai đó, buộc anh cũng phải nằm xuống và chờ đợi. Chắc sẽ có người nói được với anh, dù chỉ bập bẹ cũng còn hơn.
Quả nhiên, mãi đến chiều, những chiếc thuyền đánh cá trở về bến. Một ông già dáng người hơi thấp nhưng quắc thước và chắc nịch, nước da đen xạm, mái tóc bạc phơ, bộ râu quai nón cũng trắng và ngắn, xoắn lại như râu Rôbixơn Crudô bước về ngôi nhà Đen đang nằm. Cô gái đã ra tận bến đón bố và đang đi cùng ông về. Hai bố con nói cười vui vẻ lắm. Phía sau họ những người đánh cá đang khiêng lưới, khiêng cá tấp nập, ông già bước vào trong nhà, ông đứng lại nơi cửa nhìn một lát, Đen mở mắt ra nhìn thấy ông, đoán là chủ nhà, anh ngồi dậy, gật đầu chào ông, ông già chạy lại phía Đen.
- Bon Soir! Et bien! - Chào buổi chiều, rất tốt!
Ông nói tiếng Pháp giọng trầm và nặng như giọng người xứ đảo Coócxơ, ông nắm chặt lấy tay Đen, rồi sờ trán và xoa đầu anh vẻ bao dung.
- Ôi, chú bé con khoẻ rồi, cầu chúa ban phước lành cho anh!
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Ông già liền ngồi xuống bên cạnh Đen và hỏi tiếp.
- Anh có phải là tù binh Côn Đảo bị thủ tiêu không? Vì sao?
- Không, tôi trốn tù.
- Hả, trốn tù? Nhưng sao lại bị trói chặt vào trên bè chuối?
- Tôi tự trói để khỏi bị rơi xuống biển.
- Quả là liều, tôi chưa bao giờ thấy một người nào mạo hiểm như anh. Cũng may, anh còn tốt số, chúng tôi đã vớt anh khi anh chỉ còn là cái xác chết, nhưng không ngờ tim anh còn thoi thóp nên chúng tôi mới cấp cứu anh. Đã hai ngày đêm nay, anh bất tỉnh không biết gì cả; nhờ có một bà lang đã chạy chữa cho anh...
Sau đó, theo yêu cầu của anh, ông đã kể lại tỷ mỉ cho anh nghe việc cấp cứu anh. Sau khi hết gió mùa Đông Bắc, ông mới cho thuyền ra khơi đánh cá. Trong khi kéo lưới thuyền của ông chạm phải một bè chuối đang lập lờ trôi và một người bị trói chặt vào chiếc bè đó. Họ quyết định kéo anh lên thuyền, làm hô hấp nhân tạo và thấy anh thở lại được họ liền quay thuyền đưa anh về đất liền, rồi nhờ một bà lang trong làng cứu chữa. Bà lang đã đốt lửa sưởi ấm, xoa dầu cho anh, kể cả việc bà phù phép, xua đuổi ma tà để cứu vớt linh hồn anh nữa. Đen rất cảm động trước tấm lòng nhân hậu của ông già, của bà lang và những người dân chài ở đây. Anh tỏ lòng cảm ơn và hứa sẽ không bao giờ quên công ơn của họ.
Đến lượt ông già tra hỏi về tình hình của Đen. Trước những con người hiền từ và trung thực này, anh không thể nói dối họ được, anh đã kể hết với ông già. Quê quán anh ở gần Hà Nội, anh đi bộ đội Việt Minh đã ba năm và bị bắt trong một trận công đồn bị thất bại, bọn giặc Pháp đưa anh đi đầy Côn Đảo cùng với hàng trăm tù binh khác, nhưng anh đã chạy trốn và cuối cùng anh bị tai hoạ giữa biển khơi cho đến khi gặp thuyền của ông già...
Ông già tỏ lòng thương hại và khâm phục anh tuy còn nhỏ tuổi mà đã xung phong đi chiến đấu mấy năm trời và đã dũng cảm trong việc trốn chạy để tìm lại tự do, trở về đội ngũ tham gia chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Ông già cũng kể lại cho Đen nghe, ông cũng đã từng là lính sang Pháp chiến đấu từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất rồi trở về làm dân chài, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, người ta lại huy động ông sang Pháp một lần nữa, lần này ông bị thương, rồi trở về sau chiến tranh. Nhưng gia đình vợ con ông đã chết hết vì đói khát và bom đạn, chỉ còn lại một cô gái út nhỏ tuổi này, ông lại trở về làm dân chài. Nhưng vì nghèo không có vốn, nên ông chỉ đi làm thuê để kiếm sống và nuôi con. Nhà ông nghèo và hiếm con, nên ông rất thương những người cùng khổ.
Ông khuyên Đen hãy yên tâm ở lại đây để khôi phục sức khoẻ, rồi ông sẽ kiếm việc làm cho anh, tạm thời ẩn náu khi chiến tranh, chờ thời cơ bao giờ hoà bình, sẽ trở về đất nước sau. Anh xin đa tạ tấm lòng cưu mang của ông, và trước mắt xin nghe lời khuyên của ông. Vì anh cũng chẳng còn con đường nào khác.
* * *
Vũ hội làng chài
Chỉ ba ngày sau đó, sức khoẻ Đen đã được hồi phục. Nhờ sự chăm sóc nuôi dưỡng của cha con ông già, nhất là của cô gái, nên Đen đã ngồi dậy và đi lại bình thường được. Anh không muốn mình cứ nằm ăn vạ mãi những người có lòng tốt này. Anh cần phải tự mình rèn luyện để rút ngắn thời gian ăn không ngồi rồi nhờ vả mãi người khác. Anh đã đi lại và dọn dẹp được những việc vặt trong nhà, tự mình tắm rửa giặt giũ quần áo và giúp cô gái xách nước quét nhà nhặt rau...
Ngoài việc nội trợ trong nhà, cô gái còn đan lưới vá chài thuê cho chủ cá hoặc dân chài xung quanh. Vùng quê hương Đen làng Mãn vốn có nghề truyền thống là đan lưới bén, để đánh cá trong đồng, trong sông, có tiếng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và con trai làng Mãn cũng là dân có nghề đánh cá bằng lưới bén ở ao hồ và sông ngòi. Cứ đến mùa cá mòi đẻ, vào đầu mùa mưa khoảng tháng hai tháng ba ta, trên khúc sông Hồng ở quê anh, ban ngày trông như mắc cửi, ban đêm trông như sao xa, những chiếc thuyền nan đánh lưới mòi, suốt đêm trên sông như hội đèn, mỗi chiếc thuyền thúng đều có một cây đèn dầu để làm hiệu khỏi va vào nhau.
Những năm được mùa cá mòi, đoạn sông từ Hưng Yên đến Hà Nội suốt ngày đêm hàng tháng trời, người dân vùng xung quanh kéo nhau đi đánh cá như chảy hội. Đánh cá mòi phải có vốn lớn, ít nhất vốn cũng phải tương đương bằng dăm tạ thóc, vì phải mua thuyền thúng, phải sắm lưới, mỗi tấm lưới mòi dài hàng trăm mét, rộng hai đến ba mét, mỗi người đánh lưới phải có ít nhất hai ba tấm, có người đến 5-6 tấm. Nhưng chỉ sau một vụ cá mòi khoảng tháng rưỡi đến hai tháng thì đã có thể thu lại vốn còn được lãi gấp đôi, gấp ba. Cá mòi tuy lắm xương, nhưng lại béo ngậy, đem rán hoặc nướng ăn rất ngon, xương giòn tan. Những nhà giầu thường ướp hàng chum hàng vại cá mòi để dành ăn quanh năm hoặc đến mùa cho thợ thuyền ăn. Có người còn sành ăn, họ mua cá mòi về ướp làm chượp để nấu nước mắm, nước mắm cá mòi trên sông, có một mùi thơm riêng rất hấp dẫn.
ở làng Đen, trẻ con lên năm lên sáu tuổi đã bắt đầu học làm lưới, đến 9-10 tuổi đã kiếm được cơm ăn, tự nuôi mình bằng nghề đan lưới. Vì cái nghề phụ nhẹ nhàng và sạch sẽ này nên làng Mãn không bao giờ có người chết đói, trẻ con và cụ già độc thân 60-70 tuổi vẫn có thể tự nuôi sống mình mà không phải nhờ vả con cái. Cũng vì cái nghề phụ truyền thống đó nên làng Mãn không có mấy người giàu. Cả làng ai ai cũng chỉ đủ sống, sống một cách khiêm tốn tằn tiện mà thôi. Các cụ thời xưa thường lấy đó làm tự hào "Ăn no mặc ấm" là đủ rồi, mặc dầu chỉ có cơm độn ngô khoai và mặc áo bông áo đụp, vải dầy như mo nang, cho nên không mấy khi đi đến đâu, vì việc đan lưới phải chăm chỉ và bận rộn suốt ngày đêm mới đủ ăn, nên chẳng hiểu biết quan hệ với xã hội bên ngoài mấy. Đời xưa đã có câu: "Đi một quãng đàng học một xàng khôn" là thế, dân làng Mãn chỉ ru rú ở nhà, cho thế là thoả mãn rồi, nên từ xưa đến nay ít có người đi xa, chẳng có mấy người buôn to bán lớn, và nhất là việc học hành thì lại càng được tiếng là "Dân ngu cu đen". Chỉ vì mắt lưới mà con cháu lạc hậu hàng mấy đời. Mấy đời nay không có ai làm quan, không có ai đi lính làm đến sỹ quan, không có ai học hành đỗ đạt gì cả. Không có một ai ra đi mà làm nên sự nghiệp, chỉ có những người lính ở cả thời nào cũng thế, chế độ nào cũng thế, ra đi, nếu không chết trận thì cũng trở về với hai bàn tay trắng mà thôi, như cảnh ông già MaLi bố của cô May - May này vậy.
Đen đã vượt lên khỏi bọn trẻ con trong làng trong việc học hành, anh là người đầu tiên vượt lên bậc trung học thời ấy giờ và đại học sau này, nhưng nghề làm lưới anh cũng không kém gì bọn trẻ nhà khác, không kém gì anh chị em trong nhà. Nhiều hôm anh vừa học bài vừa đan lưới để lấy thêm tiền mua sách vở, mua truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết. Có hôm khi đi học anh đem lưới đi thả, đến trưa đi học về anh vớt lưới cũng kiếm được bữa cá cho cả nhà ăn.
- May - May! để anh đan lưới thử xem nào!
Cô gái trố mắt lên nhìn và đưa ghim sợi cho Đen. Anh cầm lấy ghim sợi và cữ, rồi tập đan lại, vì anh đã bỏ lâu ngày không sờ đến lưới te lúc nào, nên mới đầu bị ngượng, nhưng chỉ một lúc sau đã quen dần. Anh không đan theo kiểu của May - May là sỏ ghim từ trên xuống mà đan theo kiểu truyền thống của làng anh, sỏ ghim từ dưới lên, giảm bớt được một động tác và rút ngắn đường vòng kéo dây nên tốc độ nhanh hơn.
May - May cứ trố mắt lên nhìn anh và cười như nắc nẻ, cô không ngờ cái anh chàng "Chết trôi trên biển" này lại đan lưới thành thạo đến thế. Chắc anh ta cũng là dân chài như mình? Mà ở đây chỉ có con gái mới đan lưới, chứ con trai có ai đan lưới đâu, họ chỉ đi biển mà thôi.
May - May vui sướng lạ lùng và cứ reo lên, rồi cô chạy biến sang các nhà hàng xóm. Một lúc sau một số người, rồi hầu hết các cô gái trong xóm chài đều kéo đến xem Đen đan lưới. Họ vừa ngạc nhiên lạ lùng vì con trai cũng biết đan lưới, lại càng khâm phục vì anh đan nhanh không kém gì họ, mà có khi còn nhanh hơn nhiều cô đan chậm nữa. Thế là họ reo vui phấn khởi, họ rủ nhau cùng đan lưới đến đây, ngồi xung quanh Đen, giữa bãi biển trước nhà May - May, vừa đan vừa hát để mừng cho Đen, cầu trời đất và thần linh của biển phù hộ cho Đen được mạnh khoẻ giỏi giang xứng đáng anh tài con trai của biển.
Ngay sau đó, Đen liền bày cho các cô gái đan lưới theo kiểu của anh, anh phân tích cho các cô gái về sự lợi hại của từng động tác một, giảm bớt động tác, không phải vung tay xa nên đỡ mỏi và khi kéo mạnh ít đứt chỉ. Tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng Đen đã làm hiệu để chỉ dẫn nên các cô gái đều hiểu cả và tiếp thu rất nhanh. Lúc đầu các cô chưa quen tay nên bị ngượng ngập, tốc độ có bị chậm đi và năng xuất bị giảm, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau các cô đã quen dân, tốc độ nhanh hơn và đã đuổi kịp năng xuất đan theo kiểu cũ. Những ngày sau các cô đã đan quen và nhanh hơn, nên năng xuất đều vựơt lên gấp rưỡi, có cô gấp đôi mọi ngày.
* * *
Tối hôm sau, dân làng chài kéo đến sân nhà cụ MaLi để lễ mừng và công nhận Đen là con trai làng chài Rêđăng. Có cả già làng và ông trưởng làng đến dự. Già làng là một cụ già trên 80 tuổi, râu dài đến bụng, tóc dài đến lưng, râu tóc đều trắng như bông, bóng như cước, da dẻ cụ hồng hào màu nâu xẫm, trông đẹp như ông tiên "Cụ thọ" trong bộ Tam đa bằng xứ tàu vẫn bày trong tủ kính các nhà quyền quý. Còn ông trưởng làng mới chỉ khoảng ngoài 50 tuổi, nhưng người béo lùn, tròn trùng trục và đen như một cái thùng phi đựng nhựa đường.
Ông trưởng làng đang ngồi xếp bằng tròn uống nước chè bằng bát trên tấm cót trải trên cát làm chiếu, cùng với già làng và cụ MaLi. Ông gọi Đen đến bên cạnh và bảo:
- Đáng lẽ ta báo lên trên quận, cho lính về bắt anh rồi đưa đi trả cho nhà cầm quyền Pháp để trả về nhà tù, nhưng xét thấy anh là người tốt và có cụ MaLi bảo lãnh nên ta đồng ý để anh ở lại với dân làng và anh được kết nạp vào làng chài Rêdăng này. Từ nay nếu muốn đi đâu phải được ta cho phép và cấp giấy mới được đi. Nếu không xảy ra việc gì anh sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và chính quyền ở đây.
Đen chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ và cảm ơn ông trưởng làng và trăm sự nhờ ông làm ơn giúp đỡ và bao che cho.
Trước khi vào buổi lễ "Nhập làng" cụ MaLi bảo Đen:
- Ta không phải tìm việc cho con nữa, mà chính con đã tự tìm lấy việc làm của mình, con hãy giữ lấy vị trí xứng đáng của mình ở làng chài này. Con đã làm thành thạo việc trên bờ của dân chài và đã dậy dân làng này một kiểu đan mới. Thế là con đã có công đóng góp cho dân làng này một việc có ích và giá trị. Dân làng sẽ trả ơn con, kết nạp con vào làng chài và làm lễ cho con ra khơi và cầu chúc cho con mạnh chân khoẻ tay, đủ sức vẫy vùng trên biển. Ngày mai con sẽ đi thuyền với ta. Ta sẽ thay mặt dân làng hướng dẫn con nghề biển, ta hy vọng con sẽ xứng đáng với làng chài đã cứu vớt con, yêu thương và đùm bọc con này! Liệu con có hứa với ta được như thế không?
Đen cúi đầu lắng nghe và bỗng gục đầu vào lòng ông, nước mắt anh trào ra, cảm động khôn xiết, anh nói trong nước mắt nhưng kiên quyết.
- Vâng, con xin hứa!
Cuộc lễ nhập làng bắt đầu.
Già làng cầm một bó đuốc giơ cao lên trời, niệm mấy câu thần chú, rồi cầm đuốc chạy xung quanh người Đen, lúc này đã được cụ MaLi dẫn ra chính giữa sân như thể soi cho mọi người đều nhìn rõ mặt người mới được nhập làng. Vừa đi già làng vừa đọc Kinh, có lúc lại hò lại hét, có lúc chỉ lầm rầm như nói thầm. Sau đó già làng lại cầm đuốc đi soi xung quanh dân làng, để cho Đen nhìn rõ mặt từng người. Từng đoạn già làng lại dừng lại hỏi, và mọi người lại hô theo, có nghĩa như là: "Bà con có đồng ý kết nạp chàng thanh niên kia vào cộng đồng làng chài này không?" - "Chúng con nhất trí!"
- "Dân làng có che chở và cầu nguyện cho chàng trai kia được sống hạnh phúc với dân làng này không."
- "Chúng con xin cầu nguyện"...
Già làng cầm đuốc đi đến đâu, thì Đen và người cha đỡ đầu cũng phải quay theo đến đó. Sau đó già làng giơ cao cây đuốc rồi cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho chàng trai, phù hộ độ trì cho dân làng. Rồi già làng cầm hai tay hai đuốc, múa một bài "Múa đuốc" như múa gậy, xung quanh bãi để trừ ma tà.
Rồi đến người con trai tuyên thệ, Đen quỳ xuống theo cụ MaLi, chấp tay vái trời và lặp lại lời "Xin nguyện", sau mỗi lời của cụ MaLi, giống như quân đội ta đọc 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, hoặc đọc lời thề trước khi vào Đảng vậy.
- Con xin nguyện, cầu chín phương trời, cầu mười phương phật luôn luôn phù hộ độ trì cho cuộc sống của con. Cụ MaLi đọc.
- Xin nguyện! - Đen đọc theo.
- Con xin nguyện, cầu thần biển luôn luôn hướng dẫn và giúp sức con vượt qua mọi sóng to gió lớn, làm ăn thịnh vượng, phát tài phát lộc.
- Xin nguyện!
- Con xin nguyện hết lòng hết sức góp phần công sức tạo dựng và bảo vệ dân làng, ăn ở trung thực thật thà, cưu mang những người khốn khó, tôn trọng người già, yêu quý người trẻ, vui vẻ thuận hoà với tất cả mọi người.
- Xin nguyện!
-...!
Sau lời tuyên thệ của chàng trai, là phần "Vũ hội làng chài" để chúc mừng chàng trai và cầu chúc tốt lành cho dân làng. Các cô gái đua nhau ra tặng vòng hoa cho chàng trai. Những vòng hoa tươi nhiều màu sắc được đeo lên cổ Đen, nhiều quá đến nỗi gần lút cả đầu làm anh xuýt chết ngạt. Cô May - May phải tháo bớt ở cổ anh ra và đeo vào hai cánh tay cho anh.
Tiếp đó là những điệu múa của các cô gái và các chàng trai ăn mặc quần áo dân tộc nhiều màu sắc rực rỡ, trên tay người nào cũng có một bông hoa, hay một cành hoa, hoặc một chiếc khăn tay, một dải lụa màu để múa, âm nhạc nổi lên, đó là những chiêng những trống, những kèn đồng, kèn gỗ và những cây đàn dây có treo nhiều vỏ sò vỏ hến rung lên như những tiếng nhạc ngựa. Khi trống đã nổi lên, thì tất cả già trẻ gái trai đều múa, một điệu múa tập thể như múa xoè của dân tộc Thái, múa lăm vông của dân tộc Lào múa rông chiêng của dân tộc Khơ Me, nhưng động tác mạnh và khoẻ khoắn hơn giống như của những điệu múa Tây Nguyên, hoặc những điệu múa của thổ dân Nam Mỹ.
Rồi những điệu múa đôi uyển chuyển của những đôi trai gái, mềm mại và lả lướt, dung tục và thanh tao. Những điệu hát vui và buồn đều mang theo âm hưởng của biển cả, mênh mang và khôn cùng.
Đen say sưa mê mải ngắm nhìn những điệu múa, lắng nghe những lời ca, giai điệu như thu hút hết cả tâm hồn anh, những giai điệu đó còn in đậm trong những bản nhạc và ca khúc của anh mãi mãi sau này, khi anh đã trở thành một nhạc sỹ có tên tuổi một thời.
Vũ hội làng chài còn kéo dài mãi đến đêm khuya, gần nửa đêm mới chấm dứt, già làng phát lệnh giải tán, cho mọi người về đi ngủ để lấy sức ngày mai còn tiếp tục cuộc sống lao động bình thường, bền bỉ miệt mài. Tuy nhiên cũng vẫn có những đôi trai gái hoặc tụm năm túm ba mãi quá nửa đêm mới về hết.
Buổi lễ nhập làng và chúc phúc cho Đen, nhưng người vui sướng nhất lại là cô May - May. Cô luôn luôn vui cười ca hát suốt ngày hôm nay và chuẩn bị những vòng hoa để tặng Đen cùng các bạn gái. Cô đun nước, pha trà và bưng mời dân làng cứ như một cô dâu sắp cưới - Chả thế mà bọn con gái còn chế cô.
- Thôi, May - May chuẩn bị làm cô dâu đi, đẹp đôi đấy!
- Trời cho May - May cái anh chàng "Chết trôi trên biển" đấy!
Nghe những lời đó May - May chỉ cười thầm và thấy mát lòng mát dạ, tâm hồn cứ nhẹ nhàng lâng lâng.
Và giờ dây, sau khi dân làng đã về hết, cô đã cùng Đen dọn dẹp bàn ghế, chiếu, bát xong. Thấy Đen đang ngồi ngoài bãi nghỉ ngơi và suy tư, cô không muốn để anh ngồi một mình, sẽ buồn. Cô liền rón rén ra ngồi bên cạnh anh, không nói năng gì cả. Họ cứ ngồi như thế một lúc khá lâu, rồi hai người nhìn nhau đắm đuối mà không nói lên lời.
Cụ MaLi thấy hai người còn ngồi ở bãi liền trách khéo cô gái:
- May - May, để cho anh Đen đi ngủ đi, để lấy sức còn ra biển sớm. Người con trai lần đầu tiên ra biển không được đụng đến đàn bà, nếu không Thần Biển sẽ giận và chuyến đi sẽ bị tai nạn đấy.
Cụ MaLi cũng chỉ nhắc Đen: Hãy đi ngủ một lúc, để lấy sức mai đi biển sớm.
Tuy vậy Đen cũng đã đoán ra được lời cụ nhắc May - May cũng có ý là nhắc nhở mình và giữ gìn cho mình. Anh đã được đọc chuyện và nghe kể về những phong tục của dân chài. Ngày đầu tiên ra biển là một ngày hệ trọng phải giữ cho người được trong sạch tinh khiết, thậm chí có nơi như dân chài ấn Độ còn có truyền thuyết, nếu người vợ ở nhà mà không chung thuỷ với chồng thì người chồng ở ngoài khơi sẽ bị chết, và xác người chồng dù ở đâu cũng trôi về bên bãi gần nhà để oán hờn người vợ đã giết hại chồng, để buộc người vợ phải ôm lấy xác chồng mà ân hận và cuối cùng cũng phải chết theo chồng?
Đen đã chủ động đứng dậy cầm tay May - May để tỏ vẻ cảm ơn rồi đi vào nhà trước, trước sự bịn rịn tần ngần của May - May.
* * *
Từ bốn giờ sáng cụ MaLi và Đen đã dậy để chuẩn bị ra khơi, May - May cũng không ngủ được, cô dậy để chuẩn bị cho bố và anh Đen. May - May bày biện các đồ lễ ra một cái bàn ở sân gồm hương nến, và hoa quả mà cô đã chuẩn bị sẵn từ hôm qua, để cụ MaLi làm lễ ra khơi cho Đen. Theo hướng dẫn của Cụ, Đen quỳ xuống vái trời, vái đất, vái thần biển để cầu mong mọi sự tốt lành trên biển. Cụ MaLi đốt nến thắp hương rồi khấn vái, đọc kinh một hồi rồi đem tất cả đồ vật cúng lễ ném xuống biển để cúng thần biển.
Chuyến ra khơi đánh cá đầu tiên trong đời Đen xuất phát vào lúc bốn giờ rưỡi sáng hôm đó. Nhiều bạn chài cũ đều đến chúc mừng Đen và Cụ MaLi. Buổi sáng trên bến xóm chài Rêdăng nhỏ bé thật náo nhiệt. Hàng chục con thuyền ra khơi, hàng mấy chục con người bám biển mà kiếm sống ở góc biển này và còn nuôi hàng trăm con người trên đảo nữa. Ngày đầu tiên ra biển, Đen còn bỡ ngỡ nhiều, nhưng vốn sẵn tinh thần học hỏi quan sát và có trí thông minh nên chẳng mấy chốc anh đã hoà mình được với nhóm thuỷ thủ trên thuyền. Dưới sự chỉ huy và hướng dẫn của cụ MaLi chỉ sau năm ngày anh đã nhanh chóng làm được một số việc của dân chài một cách thành thạo và tháo vát. Cụ MaLi luôn luôn để anh ở bên cạnh cụ và hướng dẫn cho anh công việc của một thuyền trưởng, và từng nhiệm vụ của thuỷ thủ. Những bài học và những kinh nghiệm xử lý trên thuyền khi gặp khó khăn, bão táp...
Thế là lần đầu tiên anh đã kiếm được tiền để nuôi sống mình, ngoài việc nộp cho May - May để lo liệu ăn uống với gia đình, anh còn trích góp, dành dụm ít nhiều để chuẩn bị cho cuộc trở về quê hương xứ sở của anh - Những phần dành dụm đó anh đều gửi cho May - May giữ.
* * *
Điệp khúc ánh trăng
Những năm sau này Đen không bao giờ quên, cuộc sống ấm êm trong cái gia đình bé nhỏ trên đảo Rêdăng này. Có thể nói đó là những ngày anh sống thanh thản và vô tư nhất. Nếu như anh chịu an phận thủ thường, chịu yên trí làm ăn, thì có lẽ đó là những ngày hạnh phúc nhất. Trong ngôi nhà bé nhỏ đó, ông già và cô gái đã dành hết tình cảm yêu thương cho anh. Và anh cũng dành hết sự tôn trọng và quý mến của mình cho họ.
Mấy hôm sau, sau ngày ra biển làm thuỷ thủ đánh cá, khi đã có tiền công của riêng anh mà cụ MaLi lĩnh hộ và trịnh trọng đặt lên bàn tay anh.
- Đây là tiền công của con, con hãy giữ lấy. Hãy biết sử dụng nó một cách hợp lý nhất theo cách của con. Không hoang phí và cũng không quá tằn tiện. Hãy quý trọng nó, vì nó là mồ hôi nước mắt của con. Nó sẽ giúp con những lúc cần thiết khó khăn nhất.
Anh rủ May - May đi chợ, một cái chợ quê cách đó vài cây số. Anh dùng tiền lương của mình mua tặng May-May một tấm vải hoa đẹp nhất mà cô thích để may váy áo, mua biếu cụ MaLi một chiếc áo sơ mi khá chững trạc và mua cho mình một bộ quần áo vải bình thường. Anh còn mua ít kẹo bánh ăn đường và May - May mua sắm thức ăn cho gia đình trong cả tuần.
Ban ngày đi biển về, hôm nào còn sớm anh lại giúp May - May những việc vặt trong nhà, buổi tối anh thường ngồi đan lưới với cô, trong khi cụ MaLi đi chơi với các bạn già quanh xóm.
Một đêm trăng trên biển, biển ở đây thật đẹp; anh đi dạo một mình trên bãi và thả tâm hồn về cõi vô biên. Nhớ lại những đêm trăng quê hương, tuổi trẻ thơ ngây trong đội thiếu niên thôn Trần đang ca hát, sôi động và vô tư làm sao. Đêm trăng trên bờ sông Kim Ngưu, ôi những đêm trăng khờ dại và ngu ngốc bên cạnh những cô gái bạn làng. Và cái đêm trăng dữ dội, khi anh làm chiến sỹ liên lạc đi bảo vệ cho mối tình của đại đội trưởng trên bờ sông Nhuệ, anh đã phải hy sinh tình yêu của mình để làm trọn phận sự canh gác cho tình yêu của đồng đội. Những đêm trăng đau buồn và uất ức nhìn qua song cửa nhà tù với những ước mơ tuyệt vọng. Rồi những đêm trăng luyện tập võ nghệ giữa cánh đồng và trên đồi hoang. Ôi những đêm trăng tàn ác và đau khổ, những đêm tủi nhục cực hình và những đêm trăng mênh mông...
Những bước chân vô định của anh cứ in trên cát và mắt anh dõi về hướng Bắc, ngôi sao Bắc đẩu, hướng đó là quê hương anh, hướng đó là những trận chiến đấu và đồng đội của anh. Những ánh trăng lung linh trên sóng biển cứ cuốn hút tầm nhìn của anh về cuối chân trời xa thẳm mịt mùng, những làn gió hiu hiu thổi đưa tâm hồn anh về cõi mênh mông vô tận. Một sự nuối tiếc nhớ thương, một niềm ước mơ hy vọng đang trào lên trong lòng anh, như những đợt sóng đang vỗ bờ lúc này, tuy êm nhẹ nhưng cứ điệp khúc, điệp khúc mãi trong lòng anh.
Anh ngồi xuống và nằm xoài trên bãi cát để tận hưởng những giai điệu trong lòng anh đang hoà cùng âm vang của sóng biển. Anh nằm đó, lắng nghe tiếng lòng anh đang thổn thức, và gió mơn man đưa anh về cõi mơ màng. Giữa lúc anh đang như muốn lắng chìm xuống khoảng sâu vô tận của ký ức, cơ thể anh như đang mệt mỏi rã rời, anh muốn nhắm mắt để ngủ, cho quên đi những u sầu phiền muộn bởi những nỗi nhớ nhung da diết. Thì bỗng nghe thấy những bước chân trên cát nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến nỗi như người bay trong gió, chỉ khẽ chạm xuống cát một chút thôi. Một linh tính của riêng anh, đã phát hiện ra bước chân đó, chính là của May-May. Anh đã nhìn thấy trong ánh mắt của May-May có bóng hình anh trong đó. Mấy ngày gần đây May - May cứ như quyện lấy người anh, anh đã cố tình lảng tránh mà sao có cái gì cứ như một sợi dây vô hình muốn trói buộc lấy thân thể anh, và cuốn hút lấy tâm hồn anh. Đôi mắt to đen lay láy của em cứ như muốn thiêu đốt con người anh thành tro bụi.
Một cô gái xinh đẹp và đáng yêu làm sao? Cô gái đẹp nhất làng chài lại để một kẻ tử tù xâm chiếm hay sao? Liệu những trai làng ở đây có để yên cho anh không? Rồi những phong tục những tập quán rối răm và nghiệt ngã, làm sao mà biết được. Anh sẽ làm mất lòng tin của những người già và cả dân làng ở đây, một khi anh đã vi phạm vào những luật lệ vô hình đó. Họ sẽ tiêu diệt anh, trừng trị anh bằng những hình phạt ghê gớm hơn cả cái chết, mà anh đã từng nghe từng đọc ở những câu chuyện dân gian của những dân tộc, những bộ lạc hoang sơ.
Nhưng vượt lên tất cả những hoang mang lo lắng và sự trừng phạt và đó kỵ ghen tuông mà anh tự tưởng ra, lúc nỗi ước vọng của anh, còn phải bay cao, bay xa về nơi quê hương xứ sở của anh, về nơi đồng bào anh, Tổ quốc anh đang bị quân thù dầy xéo, về nơi chiến trường của anh đang vẫy gọi, đồng đội của anh đang cần thêm một tay súng để trả nợ máu cho đồng bào đồng chí của anh. Anh không thể an phận thủ thường, trốn tránh trách nhiệm và trách nhiệm của một người lính, để tìm lấy thú vui và hạnh phúc tầm thường của mình. Anh sẽ bị coi là kẻ đảo ngũ, kẻ lưu vong, kẻ trốn chạy và sẽ bị muôn đời nguyền rủa, cả đời con đời cháu anh...
Còn cao hơn tình cảm và nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc là ý chí trả thù của riêng anh, mà anh đã nguyện thề sau khi bị bắt, trong nhà tù Kim Bôi anh đã nung nấu lời nguyền này. Và anh đã và đang thực hiện được một đoạn đường lời nguyền đó. Anh phải sống, phải vươn lên trên những kẻ thù của anh, để chúng phải phủ phục dưới chân anh, phải tự hổ thẹn và tự nguyền rủa mình, đển con cháu chúng cũng phải lên án chúng và nguyền rủa chúng, và chúng hãy tự kết liễu cuộc đời và nhân phẩm của chúng. Mối thù của anh, mối thù của gia đình và Tổ quốc đã quyện vào nhau trong tâm hồn anh, chỉ khi nào chết đi mới thôi, còn hơi thở anh còn nhớ, còn khắc sâu trong tâm can đến hơi thở cuối cùng.
Anh không thể dừng lại đây, cho dù có để một phần trái tim ở đây, anh cũng không yên lòng và không thể cho phép anh. Bởi vậy cho nên anh đã né tránh, né tránh những nụ cười khá dễ dãi của các cô gái làng chài này đối với anh. Né tránh đôi mắt to đen thăm thẳm của May - May cứ như cuốn hút cả hồn phách của anh.
Nhưng đêm nay, ôi lòng anh sao trống trải, tâm hồn anh như rỗng không? Những bước chân cứ lại gần, nhẹ nhàng như bay trong gió. Anh cứ nằm im, lắng nghe và để mặc cho trái tim mình trôi nổi.
Những bước chân cứ lại gần, đến bên cạnh Đen rồi dừng lại vẻ ngập ngừng. May - May khẽ khàng ngồi xuống bên anh và nhìn vào mắt anh, không nói.
"ồ anh đã ngủ ư? Không phải, em vừa thấy anh thức cơ mà? Sao anh có vẻ buồn thế, em biết làm gì cho anh vui đây! Anh vẫn không nói, cũng không thèm mở mắt nhìn em nữa ư? Anh giận em sao? Anh không yêu em nữa à? Em cũng thấy anh nhìn em đắm đuối lắm kia mà. Em muốn gần anh, muốn được yêu anh mà sao anh cứ lảng tránh em hoài là thế nào? Anh sợ ư? Anh sợ em trói buộc anh lại đây với em ư? Không đâu! Qua đôi mắt u buồn của anh, em đã hiểu tâm hồn anh. Anh không muốn ở lại đây với em, anh muốn trở về quê hương anh, chắc ở đó có những cô gái rất đẹp, đẹp hơn em, đang chờ anh phải không? Ôi, giá ước gì em được đi theo anh đến cùng trời cuối đất, anh đi đâu em cũng đi cùng, em sẽ chiều chuộng anh, hầu hạ anh và an ủi anh. Nhưng khốn khổ thân em, từ bé em đã mồi côi mẹ và lạc cả cha, cha tìm mãi mới thấy em. Em chỉ còn mình cha già, em không thể bỏ cha không ai phụng dưỡng mà đi theo anh được. Anh hãy ở lại đây với em đi, anh mãi mãi là niềm vui là hạnh phúc của đời em. Các bạn gái cứ khen em là tốt số, và chúng ghen với em là được của trời cho anh chàng "Chết trôi trên biển" khoẻ mạnh, đẹp trai, đan lưới giỏi, đi biển cũng giỏi... Thế mà em linh cảm thấy, anh sắp tuột khỏi tay em rồi, còn đâu? Ôi, tình yêu của em, anh là người con trai đầu tiên làm trái tim em thổn thức, anh hãy nhận lấy bông hoa biển đầu mùa này, em là của anh đấy. Cho dù sau này có phải xa nhau, thì anh hãy nhớ lấy có một trái tim nhỏ bé ở xóm chài nghèo khó này mãi mãi yêu anh, mãi mãi hướng về anh. Nào hãy yêu em đi, đừng sợ, để em được hạnh phúc cùng anh, dù chỉ trong giây lát, nó sẽ để lại cho em một kỷ niệm không thể quên anh được. Đừng sợ, phong tục của bọn con gái chúng em ở đây là "Hãy trao tình cho người yêu đầu tiên", không có gì phải giàng buộc ai cả. Đó là quyền của em, quyền của người con gái. Nào anh hãy mở mắt ra, hãy tỉnh dậy đi và hãy nhận lấy tình yêu của em, em không muốn anh buồn, nào vui lên đi!..."
Đen vẫn nằm im, để nghe lòng mình thổn thức và trái tim mình đang rạo rực vì hơi thở của nàng. May-May ngồi mãi và nhủ lòng anh lay gọi anh mãi không thấy anh đáp lại, cô liền tinh nghịch ôm chầm lấy anh và cù vào mạng sườn anh, làm cho anh buồn cười uốn người lên, rồi bỗng ôm chặt lấy May - May, hai người lăn lộn trên bãi cát và cười như nắc nẻ. Tiếng cười thật hồn nhiên, thật trẻ trung, thật hạnh phúc.
* * *
Bọn cướp biển
Một hôm, vào buổi chiều, thuyền cá của cụ MaLi đang quay buồm trên đường trở về bến. Bỗng nghe thấy tiếng súng nổ, hình như tiếng súng ngắn, và tiếng kêu cứu trên một con thuyền phía xa xa. Cụ MaLi bỗng kêu lên:
- Bọn cướp biển đấy!
Cụ liền đánh tín hiệu cho thuyền bạn cùng đang trên đường về ở phía sau biết và yêu cầu hiệp đồng. Rồi cụ quyết định quay mũi thuyền lao thẳng đến chiếc thuyền có tiếng súng nổ và tiếng kêu. Thuyền bạn đi đằng sau nhận được tín hiệu của cụ, cũng quay thuyền tiến về phía tiếng kêu đó. Thế là hai con thuyền hình thành hai gọng kìm bao vây và đuổi theo chiếc thuyền kêu cứu đó. Chiếc thuyền bị tai nạn không chạy được nhanh vì hình như trên thuyền đang có cuộc xô sát, có lúc thuyền tròng trành nghiêng ngả như sắp bị lật bị đắm.
Cụ MaLi cho thuyền căng hết buồm no gió, nên con thuyền của cụ phóng đi như những mũi tên. Vừa đi cụ vừa ra lệnh cho Đen và các thuỷ thủ chuẩn bị vũ khí, đó là dao, mác, gậy gộc và những cuộn dây. Trên thuyền đánh cá không được phép mang súng, còn Cụ MaLi chuẩn bị cho mình con dao găm nhỏ chuôi sừng, rất sáng, mà cụ vẫn buộc bên mình làm dụng cụ phòng thân và sử dụng hàng ngày. Đó là con dao kỷ niệm đời lính của cụ từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở bên Pháp. May - May mách với Đen thế, đi đâu cụ cũng mang theo nó bên người. Dân làng kể rằng cụ đã từng dùng con dao đó đâm chết một con cá mập, để thoát thân, khi còn làm lính ở vùng biển Caribé. Và cũng con dao đó, cụ đã giết chết một tên ác ôn ở quê hương cụ đã hãm hại vợ con cụ. Đen nghe kể như một câu chuyện cổ tích, chứ cũng không tin gì lắm vào sức mạnh con dao nhỏ của cụ, chẳng qua đó cũng chỉ là một con dao díp cỡ lớn, bình thường mà thôi. Trên thuyền có 4 người, cụ MaLi, Đen và hai thuỷ thủ nữa. Cụ vừa cầm lái vừa kể vắn tắt cho Đen nghe.
ít lâu nay trên biển có xuất hiện một bọn cướp biển, do bọn lính đảo ngũ và bọn trốn tù hội lại với nhau. Chúng không phải là lũ cướp tàu lớn, mà thường chỉ cướp những tàu nhỏ và thuyền đánh cá "Đó là bọn cướp mạt hạng!" Cụ MaLi nói và phẩy tay vẻ coi khinh chúng. Nhưng chúng cũng gây nên rối ren trên vùng biển này và nỗi lo sợ cho dân đánh cá. Chúng thường thả xuống biển hai ba thằng giả làm người bị đắm tàu hoặc bị cướp biển trói thả trôi trên biển, rồi kêu cứu thuyền đánh cá đến cứu, khi được người ta cứu vớt lên tàu rồi, chúng lựa thời cơ để cướp thuyền, lúc đó chúng mới rút súng dấu kín trong người hoặc trong phao ra để bắt trói thuyền trưởng và thuỷ thủ, rồi khống chế họ, bắt họ phải đưa tàu thuyền theo hướng của chúng về một khu tập trung do tên tướng cướp thường đi trên một chiếc tàu nhỏ cướp được của bọn Nhật trước đây, để chỉ huy. Nếu ai chống lại chúng, chúng sẽ bắn chết, rồi cướp thuyền chạy hoặc chờ cho tàu của chủ tướng đến kéo đi. Và cụ phán đoán, đây chính là một bọn cướp biển như thế. Cụ nhắc Đen và mọi người phải chú ý quan sát, nếu thấy tàu cướp đến thì phải báo ngay để kịp đối phó. Thông thường bọn chúng thường thả bọn cướp xuống biển rồi lởn vởn quanh đâu đây thôi.
Hai chiếc thuyền của làng chài Rêdăng đã lao sát đến nơi và hình thành thế bao vây chiếc thuyền lạ bị nạn. Cuộc vật lộn trên thuyền bị nạn vẫn chưa chấm dứt. Đen trông thấy một người bị trói ở cột buồm, một người bị ngã gục máu chảy đầy ngực, còn hai tên cướp đang đuổi hai người thuỷ thủ, một tên cầm súng ngắn, còn một tên cầm một thanh kiếm Nhật.
Tên cầm súng đang nhảy xuống phía đuôi thuyền để đối phó với chiếc thuyền thứ hai, còn tên cầm kiếm đang định cầm kiếm giơ lên chém vào đầu người thuỷ thủ mà nó vừa bắt được.
Vừa lúc đó mũi dao găm của cụ MaLi vút đi, trúng ngực tên cầm kiếm làm nó ngã ngửa ra, tay rời cây kiếm, Đen chỉ thấy một vết loáng loáng phía bên cạnh, đã thấy tên cướp gục xuống. Anh vội nhảy sang thuyền bị nạn, và chạy về phía tên cầm súng ngắn. Tên cướp đã thấy mối nguy đằng sau, liền quay ngoắt lại nhằm vào ngực Đen bóp cò, nhưng Đen lường trước được thủ đoạn đó, nên đã ngã nhào vào chân tên cướp, viên đạn bắn trượt, Đen uốn cong người lên lấy đà, đá vào tay tên cướp, làm cho khẩu súng bị rời ra, lúc này hai người chỉ còn đấu tay bo. Tên cướp rất to khoẻ, to gấp đôi người Đen và khá hung hăng, nó chịu đòn và lao vào ôm lấy được Đen, nó định nhấc Đen lên ném xuống biển, nhưng Đen đã chủ động kéo nó ngã xuống biển cùng với mình trước. Tên cướp bị cú bất ngờ nên rã rời tay để bơi, thừa lúc đó Đen đã kịp tống cho nó một quả vào thái dương như trời giáng, nó bị ngất đi và từ từ chìm xuống. Anh phải túm lấy tóc nó và ghìm nó lại. Vừa hay một chiếc dây được ném xuống, anh vội vàng quấn vào tên cướp cho các thuỷ thủ thuyền bạn kéo lên, và anh cũng nhảy vội lên thuyền. Cụ MaLi đã sang thuyền bị nạn, kịp thời thu con dao lại và cầm lấy khẩu súng và thanh kiếm của bọn cướp.
Một tên cướp đã chết vì mũi dao của cụ MaLi. Người ta liền hất xác nó xuống biển, tên to béo bị bắt được trói lại thật chặt. Người thuyền trưởng tàu bị nạn đã chết, một thuỷ thủ bị thương, chỉ còn hai thuỷ thủ mệt nhoài vì đánh nhau với bọn cướp. Họ đưa xác thuyền trưởng đặt vào trong khoang che chiếu lại, ông bị một viên đạn vào trúng tim ngay từ phút đầu tiên.
- Khát... nước!
Đen bỗng nghe thấy có tiếng kêu lên bằng tiếng Việt, anh liền quay lại, thì ra đó là người thuỷ thủ bị thương, đang nằm ở dưới sàn thuyền. Anh vội chạy lại xem vết thương và băng bó cho anh ta. Anh ta chỉ bị một viên đạn vào cánh tay trái vào phần mềm, nhưng vì mất nhiều máu và mệt mỏi quá nên ngất đi. Băng bó xong, Đen liền lấy nước cho anh ta uống và lay gọi anh ta một cách rối rít.
- Này cậu gì ơi! Anh bạn ơi! Tỉnh lại đi nào!
Như có phép lạ, đúng như linh tính của Đen, nghe tiếng quê hương, người thuỷ thủ bỗng bừng tỉnh, ngơ ngác nhìn Đen và hỏi:
- Anh là người Việt có phải không?
- Phải.
- Trời ơi, thế là tôi gặp được đồng bào tôi rồi! - Anh ta vùng ngồi dậy và ôm chằm lấy Đen. Hai người mừng mừng tủi tủi như anh em đồng đội đi xa lâu ngày mới gặp nhau.
Những ai từng xa quê hương bản quán, những ai từng phiêu bạt khắp bốn phương trời để tìm đường về Tổ quốc, lúc này mới thấy "Tiếng quê hương" tha thiết làm sao, mới thấy tiếng "Quê hương" thiêng liêng làm sao. Hai người anh em đồng bào cứ ôm nhau mãi mà chẳng nói lên lời. Trước sự ngỡ ngàng của các thuỷ thủ trên ba con thuyền đánh cá.
Mãi sau Đen mới hỏi người bị thương và anh ta cho biết, anh ta tên là Nam, Nguyễn Văn Nam, quê ở Nam Bộ, đi vệ quốc đoàn rồi bị bắt làm tù binh, cũng bị đầy ra Côn Đảo, rồi anh ta được tham gia vào một vụ trốn tù, bằng thuyền nan do tù binh làm lấy. Nhưng giữa đường thuyền bị đắm, trên hai chục người bị chết hết, anh ta vớ được một cái phao nên còn sống, lênh lênh trên biển hai ngày trời rồi được một chiếc thuyền đánh cá của dân chài Khơ Me cứu vớt. Đã hai tháng nay anh ta đi làm thuê theo dân chài để kiếm sống, không may hôm nay bị tai nạn cướp biển. Chiếc thuyền này là của người Hoa sống ở Khơ Me, thuyền trưởng và thuỷ thủ đều là người Hoa, riêng chỉ có anh ta là người Việt đi làm theo. Anh ta đề nghị Đen nói với các chủ thuyền hãy cứu anh ta và chiếc thuyền bị nạn này.
- Thế thì chúng ta đều là những người lính cả, và tôi cũng là tù binh Côn Đảo chạy trốn như anh mà thôi. Hiện nay tôi cũng đang đi làm với những người dân chài Malaxia, những người đã cứu vớt tôi. Đen nói cho Nam biết, Nam mỉm cười thông cảm và một lần nữa lại ôm lấy anh.
- Ôi, hay quá! Chúng ta đều là đồng chí cả! Đồng chí đã đến cứu chúng tôi, xin cảm ơn đồng chí!
Những người đáng cảm ơn chính là những người đã cứu vớt chúng ta những người dân chài MaLaxia, Khơ Me, người Hoa... họ đều là những dân chài tốt bụng.
- Vâng chúng ta không bao giờ quên công ơn những người đó...
Sau khi đánh bại được bọn cướp biển, cứu được thuyền bị nạn. Cụ MaLi dự định dong chiếc thuyền bị nạn về Rêdăng nơi bến gần nhất để chôn cất người chết, cấp cứu người bị thương rồi mới cử thêm người đưa thuyền trả về Khơ Me. Nhưng những thuỷ thủ người Hoa nói rằng, vì có ông thuyền trưởng chết, nên cần phải đưa xác ông về nhà để cho gia đình chôn cất ngay, hơn nữa chủ thuyền và mọi người kể cả các gia đình thuỷ thủ khỏi mong và sốt ruột. Vả lại thuyền này cũng đã đi ba hôm nay rồi, đến hẹn phải về để chủ thuyền khỏi đi tìm và mọi người khỏi lo lắng.
- Nhưng ai có thể làm thay thuyền trưởng đưa con thuyền này về bến an toàn? Lại còn có thể gặp bọn cướp biển nữa? Các thuỷ thủ người Hoa không ai dám đảm nhận được việc thay thuyền trưởng, mà đoạn đường trở về của họ khá xa, trên 100 hải lý chứ có phải ngắn đâu, giữa lúc mọi người đang bàn tán chưa quyết định ra sao được thì Đen lên tiếng:
- Tôi xin đảm nhận thay thuyền trưởng đưa con thuyền này về Khơ Me! Rồi anh quay sang Cụ MaLi, giọng cầu khẩn:
- Cụ ạ, con xin phép cụ cho con được đi theo con thuyền này, con hứa rằng những lời dậy bảo của cụ bao lâu nay sẽ không thừa đối với con lúc này. Đây cũng là thời cơ để con tìm đường về Tổ quốc, để con được trở về đội ngũ chiến đấu của mình, con xin cụ.
Nghe Đen nói làm mọi người ngơ ngác và nhất là cụ MaLi cụ bỗng lặng người đi, bộ mặt cụ ỉu xìu vẻ trầm ngâm, mãi một lúc sau cụ mới thốt lên lời, chậm rãi:
- Phải, chỉ có Đen mới có khả năng thay thuyền trưởng con thuyền này. Ta tin ở con, ta đã là người lính già, ta hiểu tâm hồn người lính đối với vận mệnh Tổ quốc mình, dân tộc mình. Ta không giữ con, ta cũng không được phép giữ con, ta đã hiểu tấm lòng của con gần một tháng trời nay, ta thông cảm với nỗi buồn và mơ ước của con. Ta cho phép con đi. Nhưng không lẽ con không một lời từ biệt với May - May sao? Thiếu con nó sẽ rất đau buồn. Ta thông cảm cho các con.
Lời cụ MaLi trầm trầm, chậm rãi, nghe thống thiết làm sao, Đen bỗng trào nước mắt, anh quỳ xuống dưới chân cụ MaLi.
- Con nguyện suốt đời không bao giờ quên ơn cụ, May-May và dân làng đã cứu vớt và đùm bọc con. Con nhờ cụ gửi lời chào May-May và nói với em ấy hãy hết sức thông cảm cho con. Con xin cầu nguyện cho cụ được sống lâu vững bền như cây đại thụ, con xin cầu nguyện cho May - May được trọn đời hạnh phúc. Nếu sau này khi đất nước con được độc lập tự do, nếu sau này con còn sống, nhất định con sẽ trở về Rêdăng để thăm cụ, thăm May - May và cảm ơn dân làng. Xin cụ hãy nhận lấy lời cầu chúc của con, xin trời phật và thần biển hãy nhận lời cầu nguyện của con...
- Hãy đứng lên Đen, ta không giận con, không trách con đâu, ta chỉ buồn cho số phận của ta, cứu vớt bao người đau khổ, mà cuối cùng đời ta vẫn lận đận cô đơn. Cụ rút con dao găm đưa cho Đen. Đây là kỷ vật thiêng liêng của ta, ta đã giữ gìn nó 50 năm nay và đã dùng nó tiêu diệt nhiều kẻ thù, cứu vớt nhiều sinh mạng, nay ta trao cho con làm kỷ niệm, để cho con luôn luôn nhớ đến ta, và thấy ta bên mình con, hướng dẫn tinh thần con và động viên an ủi con. Ta mong con hãy giữ vững nó và xứng đáng với nó, xứng đáng với ta.
- Còn đây là - Ngừng một lúc cụ MaLi lại tiếp giọng nghẹn ngào - Chiến lợi phẩm của con - Cụ trao thanh kiếm và khẩu súng ngắn cho Đen - Con có quyền được sử dụng và kia là tù binh của con. Cụ chỉ tên cướp đang bị trói dưới sàn - Con có quyền xử theo luật giang hồ của bọn chúng. Thôi con hãy mau chóng lên đường đi, hãy bảo vệ thi hài người thuyền trưởng, linh hồn người chết sẽ dẫn đường cho con. Cầu trời phật và thần biển hãy phù hộ cho con thuận buồm xuôi gió - Thôi, vĩnh biệt con! Vĩnh biệt!
Cụ MaLi ôm lấy Đen vào lòng và vỗ về Đen rồi đột nhiên buông anh ra, như sợ nếu nán lại, cụ sẽ không bao giờ xa anh được nữa, rồi vội vàng cụ nhảy về thuyền mình. Vào vị trí của mình, như để thúc giục Đen mau chóng đứng vào cương vị của anh vậy. Đen cũng nhanh chóng bước vào vị trí thuyền trưởng. Các thuỷ thủ thuyền nào về thuyền ấy sẵn sàng. Cụ MaLi ra hiệu cho thuyền Đen tách ra đi trước.
Đen bẻ ngoặt tay lái quay ngược lại hướng về phía Tây Bắc và hô cho các thuỷ thủ căng dây buồm. Buồm đón gió căng phồng và chiếc thuyền của Đen lao đi. Cụ MaLi và thuỷ thủ trên hai thuyền Rêdăng đều giơ tay vẫy chào tiễn biệt họ. Đen và các thuỷ thủ của anh cũng vẫy chào từ biệt.
Khi hai chiếc thuyền đã quay về hướng Tây Nam, những chiếc thuyền đã cách xa nhau mà tiếng vọng vẫn âm vang trên biển.
- MaLi...i i! A...đi eu...! Vĩnh biệt!
- Đen...en! Ađi eu...! Vĩnh biệt!
* * *
Khi con thuyền đã đi được một chặng, Đen liền cho đánh thức tên cướp to béo và tra hỏi nó để biết hướng đi của tàu cướp mà tìm đường tránh. Tên cướp biển lúc đầu còn ngoan cố, sau nghe thấy hai người nói tiếng Việt, chúng biết là lính Việt Minh và nhìn thấy họng súng của chính nó, nó sợ quá mới chịu khai. Tên tướng cướp là người Hoa Kiều tên là Lý Voòng, hiện nay nó đang đi trên chiếc tàu chiến cướp được của Nhật trước đây cùng với vợ nó là con Voòng Cắm, cũng là một tên tướng cướp biển tàn ác. Chúng lệnh cho bọn thằng béo này phải cướp thuyền và đón chúng ở toạ độ này... toạ độ này... Cùng một lúc chúng thả năm toán cướp xuống biển, rồi chờ quay lại dắt những thuyền cướp được về bến. Không hiểu bốn toán cướp kia ra sao, riêng toán của nó thì đã thất bại.
Sau khi nắm được ý định và đường đi của bọn cướp. Đen quyết định phải đi vòng xa chệch toạ độ đón đường của chúng vài độ, tuy có xa hơn, nhưng bảo đảm an toàn.
Quả nhiên con thuyền của anh được thuận buồm xuôi gió, không gặp một khó khăn trở ngại gì trên biển cả. Vào khoảng chiều ngày hôm sau, thuyền của anh đã cập bến ở một làng chài bờ biển phía Nam Khơ Me. Trước sự vui mừng của chủ thuyền, vì không bị mất, không bị hư hỏng và trước sự đau buồn của gia đình thuyền trưởng, những gia đình thuỷ thủ và bà con dân làng.
Tại đây Đen đã được đón tiếp như một người anh hùng, vị cứu tinh của con thuyền và ân nhân của bà con dân làng. Anh tù binh Nguyễn Văn Nam đã tỉnh táo, anh dẫn Đen về với mình, ở nhờ nhà một bà già cô đơn làm nghề bán rau quả trên bãi biển.
Thế là Đen đã từ trại tù này rơi vào trại tù khác - Và bây giờ lại từ làng chài này rơi vào làng chài khác, mà cái ước mơ trở về quê hương, trở về đội ngũ chiến đấu vẫn chưa thực hiện được, và cái ý chí trả thủ vẫn còn xa vời vợi, không biết đến bao giờ hận thù của anh mới được rửa trả, ân tình của anh mới được đáp đền?
Thực ra Đen chưa bao giờ nghĩ đến con đường vòng trở về đất Khơ Me này rồi mới tìm đường về Việt Nam, rồi lần đến Việt Bắc, chà con đường này, tuy là con đường bộ, con đường liền, sao mà xa xôi mờ mịt, không khéo đi hết đời mình vẫn chưa đến nơi, mình sẽ phải chết gục giữa đường, còn mong chi mà trở về chiến đấu, trở về trả thù nữa? Anh đã chuẩn bị một phương án táo bạo hơn, tìm con đường biển để trở về, về thẳng Nam Bộ hay về được Bắc Bộ, Trung Bộ càng tốt. Phải rút ngắn thời gian bằng rút ngắn con đường. Nhưng anh chờ mãi, chờ mãi vẫn chưa có thời cơ. Anh phải đi theo một con tàu buôn vượt đại dương, hoặc chí ít cũng phải đi theo một con tàu chiến, như con tàu đã đưa anh và đoàn tù binh từ cảng Hải Phòng vào đến đảo Côn Lôn. Muốn như vậy mà cứ quanh quẩn ở mấy làng chài hẻo lánh và nhỏ bé này thì không bao giờ có được thời cơ. Anh đã định cóp nhặt dành dụm một số tiền rồi tìm đến một cảng lớn của Malayxia và từ đó sẽ lần ra manh mối trở về.
Nhưng sự việc bất ngờ đã xảy đến, chiếc thuyền bị cướp biển không có người lái, không lẽ anh có thể làm được mà lại không xung phong đảm nhận? Không lẽ để xác người thuyền trưởng đi chôn ở đất khách quê người biết đến bao giờ gia đình họ mới đến thăm mộ được, không lẽ để anh bạn tù binh Việt Nam bị thương không được kịp thời chữa chạy? Và những người thuỷ thủ phải biệt tin với gia đình một thời gian làm họ phải lo lắng? Chính tấm lòng nhân hậu của cụ MaLi và dân làng chài Rêdăng đã thôi thúc anh phải nhận lấy trách nhiệm nặng nề này, và anh đã thực hiện xong, xứng đáng với sự tín nhiệm của cụ MaLi, xứng đáng với công ơn nuôi dưỡng dậy dỗ của Cụ và dân làng.
Và bây giờ hoàn cảnh lại đưa anh đến một bước ngoặt mới, một khó khăn mới. Anh phải tiếp tục như thế nào đây để trở về được nhanh chóng hơn. Chiến trường đang chờ đợi, anh là sỹ quan, anh phải làm sao cho xứng với danh hiệu sỹ quan của mình. Anh không thể như cậu Nam, một chiến sỹ chịu an phận thủ thường, làm ăn kiếm sống mãi ở đất này mà không bao giờ nghĩ đến trở về, mặc dầu con đường trên đất liền, dẫu sao vẫn cảm thấy gần gũi quê hương hơn con đường biển!
Vậy thì anh phải bắt đầu từ đâu? Làm gì đây? Hay lại tiếp tục theo cậu Nam ra khơi kiếm sống, để dành dụm tiền nong, rồi mới tìm cách trở về. Vậy thì phải bao nhiêu tiền mới đủ, anh phải đi làm thuê bao nhiêu lần mới được số tiền ấy? Tối tăm này lại sang mờ mịt khác. Bế tắc này lại dẫn đến vướng mắc khác. Mấy ngày liền, anh nằm nghĩ ngợi và đi lang thang trên bãi biển Khơ Me này mà vẫn chưa tìm ra được một ánh sáng le lói nào. Anh chỉ còn biết lao vào chữa chạy săn sóc cậu Nam chóng lành vết thương mà thôi.
Thời Sôi Nổi Thời Sôi Nổi - Nguyễn Lương Hiền Thời Sôi Nổi