Nguyên tác: Start-Up Nation
Số lần đọc/download: 5297 / 386
Cập nhật: 2015-09-23 12:57:45 +0700
Chương 2: Doanh Nhân Trên Chiến Trường
V
ị chỉ huy tăng thiết giáp Israel từng tham gia cuộc chiến với Syria cũng là giám đốc kỹ thuật giỏi nht thế giới. Giới chỉ huy tăng thiết giáp là bậc thầy triển khai và chỉ đạo chi tiết cao độ. Nhận xét này dựa trên hai mươi năm kinh nghiệm làm việc chung và quan sát họ.
- ERIC SCHMIDT -
Ngày 6 tháng 10 năm 1973, tại thời điểm toàn bộ đất nước Israel đang ngừng mọi hoạt động để ăn mừng ngày lễ linh thiêng nhất theo lịch Do Thái, liên quân Ai Cập và Syria phát động cuộc chiến Yom Kippur tấn công chớp nhoáng vào nhà nước Do Thái. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, quân đội Ai Cập đã xuyên thủng tuyến phòng thủ của Israel dọc kênh đào Suez. Bộ binh Ai Cập cũng tràn vào các ụ xe tăng được Israel chuẩn bị từ trước trong trường hợp bị tấn công, với hàng trăm xe tăng Ai Cập và Syria nhanh chóng tiến sát ngay sau đó.
Đã sáu năm sau chiến thắng vang dội của Israel trong Cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, chiến dịch quân sự chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi đó. Trước cuộc chiến, dường như mọi yếu tố đều chống lại nhà nước Do Thái mới ra đời vỏn vẹn 19 năm; họ đứng trước nguy cơ bị liên quân Ả-rập nghiền nát. Nhưng sau sáu ngày giao chiến, Israel đã đánh bại cùng lúc quân đội Ai Cập, Jordan và Syria và mở rộng biên giới khi giành được cao nguyên Golan, dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Chiến thắng này đã mang đến cho người Israel cảm giác bất khả chiến bại, không một ai nghĩ người Ả-rập dám mạo hiểm khai chiến nữa. Thậm chí, giới quân đội Israel cũng tin rằng nếu người Ả-Rập tấn công lần nữa, họ sẽ vẫn chiến thắng như năm 1967.
Vì vậy vào ngày 6 tháng 10 năm 1973, Israel chưa sẵn sàng cho cuộc chiến này. Tuyến phòng ngự mỏng manh của Israel dọc kênh đào Suez không phải đối thủ của quân Ai Cập áp đảo. Đằng sau tiền tuyến bị phá hủy, Israel chỉ còn đúng ba lữ đoàn xe tăng đứng giữa quân Ai Cập và thủ đô Tel Aviv, trong đó chỉ một lữ đoàn gần tiền tuyến nhất.
Dưới sự chỉ huy của thượng tá Amnon Reshef, lữ đoàn này có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực rộng 120 dặm chỉ với 56 chiếc xe tăng. Trong khi căng thẳng chờ đợi cuộc chạm trán với quân Ai Cập, Reshef bỗng thấy từng chiếc tăng bị trúng đạn. Nhưng lúc đó không hề có bóng dáng xe tăng hoặc vũ khí chống tăng của kẻ thù. Vậy thứ gì đang tiêu diệt lữ đoàn tăng của Amnon Reshef?
Đầu tiên, ông tưởng xe tăng của mình bị dính hỏa lực từ súng phóng lựu, hay còn gọi là súng chống tăng vác vai. Reshef liền ra lệnh cho quân lùi lại một chút để thoát khỏi tầm bắn của súng phóng lựu. Thế nhưng các xe tăng vẫn tiếp tục nổ tung. Lúc này vị thượng tá mới hiểu rằng đơn vị mình đang là mục tiêu của một loại vũ khí vô hình hoàn toàn mới.
Đúng vào lúc đó, tổ lái một xe tăng bị trúng đạn nhưng may mắn thoát chết kể lại với Reshef tuy họ không nhìn thấy gì, nhưng những người bên cạnh có nhìn thấy một tia sáng đỏ chiếu đến xe tăng mục tiêu. Người ta phát hiện nhiều sợi dây bên cạnh đống xác tăng bị bắn cháy. Reshef đã khám phá ra vũ khí bí mật của người Ai Cập: Tên lửa AT-3 Sagger.
Được thiết kế bởi Sergei Pavlovich Nepobedimyi, một người có họ trong tiếng Nga nghĩa là “bất khả chiến bại”, tên lửa Sagger ra đời vào năm 1960. Vũ khí mới này lúc đầu chỉ trang bị cho các nước thuộc khối Warsaw nhưng sau này lại được quân đội Syria và Ai Cập sử dụng trong suốt cuộc chiến Yon Kippur. Sau này, Bộ Quốc phòng Israel thống kê họ đã mất 400 xe tăng tại phòng tuyến phía bắc và nam, cùng 600 chiếc khác bị hư hỏng nặng nhưng đã quay lại chiến trường sau khi được sửa chữa. Trong số 290 xe tăng thuộc sư đoàn thiết giáp Israel ở bán đảo Sinai, có đến 180 chiếc bị phá hủy hoàn toàn ngay trong ngày đầu tiên. Một nửa do đạn súng phóng lựu, nửa còn lại đến từ tên lửa Sagger.
Tên lửa Sagger là loại tên lửa được dẫn hướng bằng dây, và do một người lính nằm sát mặt đất bắn đi. Tầm bắn hiệu quả của Sagger vào khoảng 3 nghìn mét, gấp 10 lần súng phóng lựu, và sức hủy diệt cũng mạnh hơn nhiều[17].
Ngời điều khiển Sagger có thể hoạt động đơn độc và không cần nấp sau chướng ngại vật, các ụ cát đã giúp thực hiện việc này. Anh ta chỉ cần khai hỏa tên lửa bay về vị trí xe tăng, sau đó dùng phím điều khiển để điều khiển chấm đèn đỏ nằm ở đuôi tên lửa. Chừng nào người lính còn nhìn thấy ánh đèn đỏ, sợi dây lúc này vẫn nối với đuôi tên lửa cho phép anh ta điều khiển tên lửa bay tới mục tiêu một cách chính xác từ khoảng cách rất xa[18].
Tình báo Israel đã biết về Sagger từ trước cuộc chiến, thậm chí còn đối đầu trực diện với nó trong các đợt xung đột nhỏ lẻ dọc biên giới Ai Cập trong Cuộc chiến tiêu hao sau năm 1967. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chóp bu của Israel lại cho rằng Sagger cũng chỉ là một loại vũ khí chống tăng khác, không khác mấy so với loại từng sử dụng trong cuộc chiến năm 1967, vốn đã bị quân đội Israel đánh bại. Và cứ thế, Israel không hề chuẩn bị sẵn phương án đối phó với mối đe dọa Sagger.
Reshef và binh lính đã phải tự khám phá xem thứ vũ khí gì đang tấn công họ và làm thế nào đối phó với nó, tất cả diễn ra dưới sức nóng của chiến trường.
Nhóm sĩ quan còn lại của Reshef đã dựa vào báo cáo của quân lính để tìm ra một số nhược điểm của Sagger, như tốc độ bay chậm và bị lệ thuộc vào tầm mắt quan sát liên tục của người điều khiển từ xa. Thế là quân Israel thực hiện chiến thuật mới: Mỗi khi một xe tăng nhìn thấy tia sáng đỏ, tất cả xe tăng lập tức vừa di chuyển theo nhiều hướng ngẫu nhiên, vừa khai hỏa về vị trí của kẻ tấn công ở đằng xa.
Bụi mù bốc lên do chuyển động của xe tăng sẽ che phủ tầm ngắm bắn của kẻ tấn công. Và ngược lại, việc khai hỏa khiến kẻ thù không thể tiếp tục dõi theo ánh đèn đỏ ở đuôi tên lửa.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, chiến thuật này còn được nhiều nước NATO học theo. Không phải bài học lý thuyết được nhai đi nhai lại trong các học viện quân sự, hoặc được in thành các giáo án chiến tranh, chiến thuật mới hoàn toàn là thành quả ứng biến trên chiến trường của quân đội Israel.
Như thông lệ trong quân đội Israel, những chiến lược sáng tạo đều đến từ binh lính ngoài tiền tuyến - cụ thể là các sĩ quan chỉ huy xe tăng và nhóm binh lính của họ. Những người này thấy việc hỏi ý kiến lãnh đạo để giải quyết tình huống đang xảy ra tại chiến trường là không cần thiết. Họ không thấy lạ khi tự đưa ra một sáng kiến chiến thuật và ứng biến ngay trong thời gian thực, hoặc khi đang bay.
Tuy nhiên điều những người lính này đã tiến hành là rất khác thường. Nếu làm việc trong một công ty đa quốc gia hay hoạt động trong bất kỳ đơn vị nào thuộc quân đội nước ngoài, có lẽ họ đã không thực hiện những hoạt động tương tự; hoặc ít nhất cũng không làm một mình. Nói như nhà sử học Michael Oren, từng làm việc trong quân đội Israel với tư cách sĩ quan liên lạc: “Một sĩ quan bậc trung úy trong quân đội Israel có quyền ra quyết định lớn hơn người đồng cấp thuộc bất kỳ quân đội nào trên thế giới”[19].
Điều này, như chúng tôi đã chỉ ra trong văn hóa tập đoàn ở chương trước, cũng tương tự như thế, thậm chí còn lớn hơn trong quân đội Israel. Thông thường, khi nghe đến khái niệm văn hóa quân đội, ai cũng tưởng tượng ra hệ thống thứ bậc nghiêm khắc, sự phục tùng cấp trên vô điều kiện và chấp nhận thực tế rằng mỗi người lính chỉ là răng cưa trong một bánh răng lớn. Nhưng định nghĩa này không đúng với quân đội Israel. Và ở Israel, mọi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Hiện tượng sĩ quan cấp dưới có quyền đưa ra quyết định vượt cấp trong quân đội Israel là kết quả của nhu cầu thực tế cũng như bản chất của lực lượng này. “Quân đội nước nào cũng nhận mình giỏi ứng biến, chẳng hạn như Trung Quốc, Pháp hay Anh. Nhưng hầu hết đều dừng lại ở mức độ lý thuyết. Bạn phải nhìn vào cơ cấu tổ chức (của Israel)[20] mới thấy rõ điều này.” Đó là lời nhận xét của Edward Luttwak, nhà lịch sử quân sự kiêm chiến lưc gia, tác giả của cuốn The Pentagon and the Art of War (tạm dịch: Lầu Năm Góc và Nghệ thuật chiến tranh) và cuốn The Israel Army (tạm dịch: Quân đội Israel).
Để làm rõ hơn ý trên, Luttwak giảng về tỉ lệ chỉ huy và sĩ quan thuộc biên chế quân đội hầu hết các nước trên thế giới, so sánh với mô hình quân đội Israel, nơi có rất ít sĩ quan chỉ huy. “Quân đội Israel đặc biệt thiếu hụt sĩ quan cấp lãnh đạo. Cấp dưới có quá ít chỉ huy để báo cáo. Tất cả đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều sáng kiến hơn đến từ binh lính cấp dưới”, ông nói.
Luttwak chỉ ra rằng quân đội Israel có nhiều trung úy và rất ít đại tá. Trong quân đội Mỹ, cứ năm binh lính thì có một sĩ quan, thì tỉ lệ này ở quân đội Israel là chín trên một. Không lực Israel cũng tương tự, mặc dù có quy mô lớn không quân Pháp và Anh nhưng vẫn có rất ít sĩ quan cấp cao. Không quân Israel hiện nay do hai vị tướng hai sao lãnh đạo, cấp bậc thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của nhiều nước phương Tây.
Việc nước Mỹ lệ thuộc nặng nề vào chỉ huy cấp cao thật ra cũng hợp lý. Suy cho cùng, quân đội Mỹ có quy mô lớn hơn rất nhiều, thường tham chiến xa nhà và phải đối mặt với những thử thách về hậu cần và truyền đạt mệnh lệnh triển khai quân tại nhiều châu lục cùng lúc.
Tuy nhiên, bất chấp việc quân đội mỗi nước có quy mô và cơ cấu tổ chức phù hợp với sứ mệnh của riêng mình, việc quân đội Israel có ít chỉ huy hơn vẫn mang lại nhiều hệ quả tích cực. Chẳng hạn như trường hợp của Gilad Farhi, một thiếu tá 31 tuổi. Anh ta có sự nghiệp khá điển hình: Đi lính từ năm 18 tuổi trong một đơn vị biệt kích, sau đó làm chỉ huy một trung đội và một đại đội bộ binh. Sau đó, anh được bổ nhiệm làm phát ngôn viên của sở chỉ huy phía nam, rồi trở thành phó chỉ huy tiểu đoàn đoàn bộ binh Haruv. Giờ đây anh là chỉ huy một trung đoàn bộ binh mới thành lập.
Nhóm tác giả gặp Gilad Farhi tại một căn cứ ở thung lũng Jordan. Chỉ một ngày sau cuộc phỏng vấn, một nhóm tân binh sẽ đến đơn vị của Farhi. Và bảy tháng tiếp theo, Farhi sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện 650 binh lính, phần lớn vừa học xong trung học; cùng với khoảng 120 sĩ quan, đội trưởng, hạ sĩ quan và nhóm nhân viên hành chính[21].
Theo Farhi, điều thú vị nhất ở đây là các chỉ huy cấp đại đội. “Họ rất thú vị. Những thanh niên này mới 23 tuổi, mỗi người chịu trách nhiệm quản lý 100 lính, 20 sĩ quan và hạ sĩ quan, ba chiếc xe, đồng nghĩa với 120 khẩu súng, súng máy, thuốc nổ, lựu đạn, mìn, v.v... Một trách nhiệm to lớn. Chưa hết, nếu lực lượng khủng bố tấn công khu vực thì chỉ huy đại đội sẽ có trách nhiệm với việc đó.” Farhi đặt ra câu hỏi: “Nói tôi nghe xem, trên thế giới có bao nhiêu thanh niên 23 tuổi phải gánh trên vai áp lực nặng nề đến thế?”
Farhi minh họa một thử thách điển hình mà những chỉ huy 23 tuổi ấy phải đối mặt. Trong chiến dịch quân sự ở thành phố Nablus thuộc Bờ Tây, một binh sĩ trong đại đội của Farhi bị thương và mắc kẹt bên trong căn hộ của một tên khủng bố. Lúc này, người chỉ huy đại đội tại hiện trường có ba thứ: Một chú chó nghiệp vụ, các binh sĩ còn lại và một xe ủi đất.
Người chỉ huy biết nếu phái lính vào trong tòa nhà sẽ có nguy cơ gây thêm thương vong. Nếu anh dùng xe ủi để phá tòa nhà sẽ gây nguy hiểm cho người lính bị thương. Tình huống càng nan giải khi tòa nhà mục tiêu lại có chung bức tường với một trường học của người Palestine, bên trong vẫn còn giáo viên và học sinh. Trên mái trường học, các phóng viên đang ghi lại toàn bộ sự việc, còn tên khủng bố vẫn xả súng vào cả lính Israel lẫn nhóm nhà báo.
Trong suốt vụ đối đầu, vị chỉ huy đại đội đã tự đưa ra mọi quyết định. Farhi đã cố gắng chỉ đạo từ xa nhưng ông biết cần cho cấp dưới của mình tùy cơ ứng biến. “Có hàng ngàn tình huống khó khăn cho người chỉ huy và đây không phải là tình huống trong sách giáo khoa.”
Cuối cùng người lính bị thương cũng được cứu khỏi tòa nhà, nhưng vẫn chưa giải quyết được tên khủng bố. Vị chỉ huy biết rằng các giáo viên trong ngôi trường không dám di tản học sinh mặc dù đang gặp nguy hiểm, vì sợ bị bọn khủng bố kết tội đồng lõa với lính Israel. Anh cũng biết nhóm phóng viên sẽ không chịu rời khỏi mái nhà vì không muốn bỏ lỡ tin tức sốt dẻo. Giải pháp cuối cùng được đưa ra: Dùng lựu đạn hơi cay để xua người khỏi trường học.
Khi biết giáo viên, học sinh và nhóm phóng viên được an toàn, người chỉ huy đại đội bắt đầu dùng xe ủi phá dỡ căn nhà để buộc tên khủng bố ra hàng, rồi dùng chó để khống chế hắn. Bất ngờ, trong lúc phá hủy tòa nhà, một tên khủng bố khác xuất hiện bên cạnh trường học, nhưng liền bị nhóm binh sĩ đứng gác vòng ngoài tiêu diệt.
Toàn bộ chiến dịch kéo dài bốn giờ. “Vị chỉ huy 23 tuổi này đã xử lý mọi việc trong suốt bốn tiếng đồng hồ cho đến khi tôi đến”, Farhi cho biết.
“Sau sự kiện đó, người chỉ huy trở về doanh trại và những người lính trong căn cứ đã phải nhìn anh bằng ánh mắt khác. Bản thân anh cũng trở thành một con người khác, một con người đứng ở tiền tuyến, chịu trách nhiệm cho sinh mạng của binh lính dưới quyền, của các giáo viên và trẻ em Palestine và cả những phóng viên quốc tế - Farhi kể lại. “Cậu ấy không cần chinh phục Đông Âu nhưng đã đề xuất ý tưởng sáng tạo cho tình huống vô cùng phức tạp. Và cậu ấy chỉ mới 23 tuổi.”
Sau đó chúng tôi được nghe câu chuyện về Yossi Klein, một phi công trực thăng 20 tuổi trong cuộc chiến Lebanon năm 2006. Anh được lệnh giải cứu một binh lính bị thương nặng trong chiến trường ở miền Nam Lebanon. Khi đến hiện trường, anh nhận thấy người lính bị thương đang nằm trên một chiếc cáng, nhưng xung quanh có quá nhiều bụi cây rậm rạp không đủ chỗ cho trực thăng hạ cánh hoặc đáp xuống để kéo chiếc cáng lên.
Không có sách vở nào hướng dẫn cách thức đối phó với những tình huống như thế này, nhưng nếu có sách ở đó, nó cũng không gợi ý được những gì Klein đã làm. Anh quyết định dùng đuôi cánh quạt trực thăng để phát quang toàn bộ tán lá của các bụi cây xung quanh. Việc làm này có tính rủi ro rất cao, vì động cơ ở phần đuôi có thể bị hỏng bất kỳ lúc nào và trực thăng sẽ rơi tan xác. Nhưng Klein đã cắt tỉa những bụi rậm đủ để đáp xuống mặt đất và đưa người lính bị thương lên. Người lính được đưa tới bệnh viện ở Israel và được cứu sống.
Khi nói chuyện với các chỉ huy dưới quyền, Farhi hỏi: “Bao nhiêu đồng nghiệp học năm cuối ở trường huấn luyện bay được kiểm tra theo cách như vậy? Làm sao anh có thể đào tạo và làm cho một thanh niên 20 tuổi trở nên chín chắn để gánh vác nhiệm vụ như vậy?”
Mức độ trao quyền hạn vượt cấp trong quân đội Israel thậm chí từng làm lãnh đạo các quốc gia ngạc nhiên. Năm 1974, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Yitzhak Rabin, một nữ sĩ quan thuộc đơn vị tình báo 8200 trong quân đội Israel, cùng đơn vị của người sáng lập ra Fraud Sciences, bị một nhóm khủng bố bắt cóc. Thiếu tướng Aharon Zeevi-Farkash, chỉ huy đơn vị 8200 - đơn vị tương đương với Cục An ninh Quốc gia Mỹ - đã miêu tả lại vẻ kinh ngạc trên gương mặt của thủ tướng Rabin:
“Cô ấy là một trung sĩ, và Rabin yêu cầu liệt kê mọi thông tin mà cô ấy biết, do lo sợ bị khai thác thông tin tuyệt mật. Sau khi đọc xong bản tóm tắt, Rabin đã ra lệnh thực hiện ngay một cuộc điều tra: Làm thế nào một trung sĩ lại biết được quá nhiều bí mật quan trọng của nền an ninh Israel? Tại sao điều này lại xảy ra?” Kể từ khi trở thành Tham mưu trưởng cho quân đội Israel trong Cuộc chiến Sáu ngày, Rabin đã gặp phải nhiều vấn đề khiến ông kinh ngạc.
Farkash tiếp tục câu chuyện: “Thế là tôi nói với ông ấy, thưa ngài Thủ tướng, trường hợp của hạ sĩ quan này không phải cá biệt, và cũng không phải là một sai lầm. Mọi sĩ quan trong đơn vị tình báo 8200 đều nắm được những dữ liệu tối mật này, bởi nếu chúng tôi giới hạn những thông tin này với họ, thì sẽ không đủ nhân lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn khan hiếm sĩ quan.”
Và trên thực tế, điều này vẫn chưa thay đổi, do sự khan hiếm nhân lực không cho phép chúng tôi xây dựng một hệ thống mới[22].
Farkash, giờ đây là chủ một công ty cung cấp giải pháp bảo mật tiên tiến cho các tập đoàn, châm biếm rằng nếu so với các siêu cường trên thế giới, Israel đang thiếu bốn “đại tướng”: Đại tướng lãnh thổ, đại tướng nhân lực, đại tthời gian và đại tướng ngân sách. Trong số đó thì thiếu hụt nhân lực là nghiêm trọng nhất: “Chúng tôi không thể phân bổ nhiều sĩ quan như các quốc gia khác, vì thế các hạ sĩ quan phải làm thay việc đúng ra thuộc cấp bậc trung tá hoặc tương tự như vậy”.
Khan hiếm nhân lực cũng là nguyên nhân góp phần tạo ra một tính chất độc đáo của quân đội Israel: Lực lượng dự bị được xem như xương sống của quân đội.
Ở hầu hết các nước khác, lực lượng dự bị trong quân đội được xây dựng như một bộ phận bổ sung cho quân chính quy - là lực lượng quốc phòng chủ chốt của các quốc gia. Tuy nhiên đối với Israel, do nhỏ bé cả về diện tích lẫn dân số, mà ngay từ đầu ai cũng hiểu là nếu chỉ dựa vào quân chính quy sẽ không bao giờ đủ sức đối đầu với một cuộc tấn công tổng lực từ kẻ thù.
Không lâu sau cuộc chiến giành độc lập năm 1948, lãnh đạo Israel phát minh ra cơ cấu quân đội với quân dự bị là chủ đạo độc nhất vô nhị trên thế giới: Lính dự bị không chỉ là các đơn vị dự bị mà còn được các sĩ quan dự bị chỉ huy. Quân dự bị ở các nước khác có thể có hoặc không được các sỹ quan chính quy chỉ huy nhưng họ sẽ có vài tuần hoặc vài tháng đào tạo trước khi được gửi ra chiến trường. Luttwak nói: “Không quân đội nào dựa vào số lượng lớn binh lính của mình là những người được gửi ra chiến trường chỉ sau hai ngày nhập ngũ...”
Không một ai lúc đó biết được liệu hệ thống này sẽ hoạt động ra sao, do đây là mô hình chưa từng có tiền lệ. Ngay đến bây giờ, cả thế giới cũng chỉ có mỗi Israel sử dụng mô hình này. Như sử gia quân sự Fred Kagan (Mỹ) giải thích: “Đây thực chất là một phương pháp quản lý quân sự tồi tệ, nhưng lại được người Israel vận hành xuất sắc vì họ không còn lựa chọn nào khác”[23].
Chưa hết, mô hình quân đội dự bị của Israel vừa là minh chứng vừa là chất xúc tác cho sự sáng tạo của quốc gia Do Thái. Vì trong quân dự bị Israel, hệ thống thứ bậc bị xóa bỏ khi một tài xế taxi có thể ra lệnh cho các tỉ phú, còn các thanh niên có thể huấn luyện chú, bác của mình; hệ thống quân dự bị cũng giúp củng cố đặc tính hỗn loạn, chống lại phân cấp thứ bậc, vốn có thể tìm thấy trong mọi khía cạnh xã hội Israel, từ phòng tham mưu đến lớp học hay phòng họp của ban giám đốc.
Nati Ron là một luật sư trong đời sống dân sự và là thiếu tá chỉ huy một đơn vị quân dự bị. “Cấp bậc gần như vô nghĩa trong hàng ngũ quân dự bị” ông nói với chúng tôi như thể đây là một đtự nhiên nhất trên thế giới. “Một binh nhì có thể nói với vị tướng trong lúc luyện tập, rằng cách ông đang làm là sai, phải làm như thế này mới đúng”[24].
Amos Goren, một nhà đầu tư mạo hiểm của hãng Apax Partners ở Tel Aviv cũng đồng ý với ý kiến trên. Ông từng là lính chính quy của đội biệt kích trong quân đội Israel suốt năm năm, và tiếp tục tham gia lực lượng dự bị trong 25 năm tiếp theo: “Suốt thời gian phục vụ trong lực lượng dự bị, tôi chưa bao giờ chào bất kỳ ai, trong khi tôi không phải sĩ quan mà mới chỉ là lính trơn”[25].
Luttwak nói về điều này: Trong quá trình hình thành lực lượng dự bị, bầu không khí dân sự giữa các cá nhân sống đời quân đội trong bộ áo lính vẫn được duy trì tối đa”.
Điều này không có nghĩa là binh lính sẵn sàng bất tuân lệnh từ cấp trên. Nhưng Goren giải thích cho chúng tôi hiểu: “Giá trị của binh lính Israel không phụ thuộc vào quân hàm, mà được quyết định bởi năng lực của họ”. Hoặc như Luttwak nói: “Ra lệnh và tuân lệnh là ở trong khí chất của những người đàn ông có nhiệm vụ và sẵn lòng hoàn thành nhiệm vụ, vậy nên phân cấp chỉ huy không quá quan trọng, đặc biệt là khi sự phân cấp này thường xuyên vướng phải sự khác biệt về tuổi tác và địa vị xã hội”.
Khi chúng tôi hỏi Thiếu tướng Farkash tại sao quân đội Israel luôn chống phân cấp và cởi mở với việc binh lính chất vấn các mệnh lệnh của cấp trên, ông cho biết đây không chỉ là bản chất của riêng quân đội Israel, mà còn là của lịch sử và xã hội Israel.
“Tôn giáo của chúng tôi là một cuốn sách mở”, ông nói với giọng phảng phất ngữ điệu châu Âu, gợi nhớ về những năm tháng xa xưa khi ông còn sống ở Transylvania. “Cuốn sách mở” mà ông muốn nói đến chính là cuốn Talmud - tập ghi chép có nội dung phong phú về hàng thế kỷ tranh cãi trong giới giáo sĩ Do Thái về cách thức diễn giải và học tập theo Kinh Thánh - và thái độ luôn đặt câu hỏi đã khắc sâu vào tín ngưỡng của dân tộc này, cũng như đặc tính quốc gia Israel.
Nói như tác giả người Israel, Amos Oz, đạo Do Thái cùng nước Israel đã nuôi dưỡng “một văn hóa tranh cãi và nghi ngờ, một trò chơi bất tận của diễn giải và phản biện, tái diễn giải và phản biện đối lập. Kể từ ngày đầu tồn tại của nền văn minh Do Thái, nền văn minh này được nhận diện bởi tính ưa tranh cãi của mình”[26].
Thực vậy, việc xem nhẹ cp bậc trong quân đội Israel cũng xâm lấn vào đời sống dân sự. Thậm chí nó còn phá vỡ hệ thống tôn ti của xã hội. Giáo sư tôn trọng sinh viên, ông chủ tôn trọng người hầu cao cấp của mình... Luttwak cho biết: “Mỗi người Israel đều có ít nhất một người bạn trong lực lượng quân dự bị”, Ông nhận xét thêm: “Việc cùng ngủ trong lều tạm, ăn chung thực phẩm nhà binh, cùng nhau không tắm trong nhiều ngày đã giúp lính dự bị - xuất thân từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau - trở nên bình đẳng. Israel là quốc gia có sự phân biệt giai cấp mờ nhạt nhất so với hầu hết các nước khác; mô hình quân dự bị đã góp phần duy trì văn hóa này”.
Sự mờ nhạt của phân cấp và cấp bậc, hơn nữa, lại không phải là điển hình trong quân đội của các nước khác. Cựu sĩ quan quân đội dự bị Israel kiêm sử gia Micheal Oren - hiện là đại sứ Israel tại Mỹ - đã miêu tả cảnh tượng thường thấy trong doanh trại quân đội Israel như sau: “Các viên tướng và binh lính ngồi quây quần bên nhau, ai ngồi gần bình cà phê nhất sẽ tự động đi pha cà phê cho những người còn lại. Vì thế việc tướng lĩnh pha cà phê cho cấp dưới, hay ngược lại được mặc định là rất bình thường. Không có quy tắc gì cho những việc như vậy. Nhưng trong quân đội Mỹ thì hoàn toàn khác. Nếu bạn đang ngồi với các đại úy, tất cả sẽ im thin thít khi một thiếu tá bước vào. Rồi tất cả cứng người lại khi một vị đại tá bước vào. Trong quân đội Mỹ, cấp bậc tuyệt đối quan trọng. Binh lính và sĩ quan Mỹ giơ tay chào quân hàm của nhau, chứ không phải người mang quân hàm đó”[27].
Trong quân đội Israel, có nhiều cách cực kỳ độc đáo để thách thức chỉ huy của mình. “Tôi ở trong một đơn vị quân đội mà ở đó chúng tôi đã đá đít sĩ quan của mình” Oren kể lại - “chúng tôi tập hợp lại và bỏ phiếu bãi nhiệm sĩ quan. Cá nhân tôi chứng kiến việc này hai lần. Tôi thực sự thích tay sĩ quan, nhưng lại bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu. Họ đã bỏ phiếu loại tay đại tá.” Khi nhóm chúng tôi hỏi với sự hoài nghi là làm sao việc này lại có thể diễn ra, Oren giải thích: “Anh bước đến và nói: Tôi không muốn anh, anh không tốt”. Ý tôi là, họ gọi mọi người bằng tên thôi, không gọi đầy đủ cả họ. Rồi anh đến gặp một sĩ quan cấp cao hơn tay sĩ quan này và nói: “Hắn ta phải đi chỗ khác”. Đó là sự đánh giá qua năng lực làm việc, chứ không phải dựa trên cấp bậc.
Vị tướng đã về hưu Moshe “Bogey” Yaalon, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội trong cuộc chiến intifada lần thứ hai, k chúng tôi câu chuyện tương tự xảy ra trong cuộc chiến Lebanon lần hai: “Một đơn vị quân dự bị thực hiện một cuộc hành quân tại làng của người Lebanon ở Dabu. Chín binh lính cùng một sĩ quan đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong đó có cả người cháu của tôi. Toán lính sống sót sau đó đã chỉ trích viên chỉ huy tiểu đoàn về sự kém cỏi của anh ta trong quá trình điều hành chiến dịch. Các binh lính cấp đại đội lên gặp chỉ huy cấp lữ đoàn để phàn nàn về chỉ huy cấp tiểu đoàn... Dĩ nhiên, vị lữ đoàn trưởng phải tiến hành điều tra cẩn thận, nhưng cuối cùng viên chỉ huy tiểu đoàn buộc phải từ chức bởi chính quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm của binh lính dưới quyền.”[28]
Yaalon tin rằng tính chất độc áo của quân đội Israel đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của họ: “Ở đây, bí quyết lãnh đạo là niềm tin của binh lính đối với chỉ huy của mình. Nếu không có niềm tin này, binh lính sẽ không bao giờ tuân phục người chỉ huy. Và trong trường hợp vừa nêu, vị chỉ huy tiểu đoàn đã thất bại. Nó có thể là sự thất bại chuyên môn trong trường hợp này, có thể là thất bại về đạo đức trong trường hợp khác. Nhưng dù ở bất kỳ trường hợp nào, người lính cũng phải biết cách chấp nhận và được khuyến khích để bước lên phía trước và nói về nó.”
Nguyên giảng viên Học viện quân sự West Point Fred Kagan tin rằng người Mỹ có thể học hỏi kinh nghiệm từ phía Israel. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Tôi không nghĩ rằng việc một chỉ huy phải thường xuyên lo lắng bị cấp dưới qua mặt là tốt, như cách họ thể hiện trong quân đội Israel”. “Mặt khác, quân đội Mỹ có thể học hỏi từ cách đánh giá 360o trong suốt quá trình xem xét thăng chức cho các sĩ quan. Ngay lúc này trong hệ thống của chúng ta, những quyền lợi đang đến từ một chiều. Để được thăng chức, một sĩ quan phải lấy lòng nhiều sĩ quan cấp cao hơn. Những sĩ quan cấp thấp thì không có cửa.”
Kết luận mà Oren đúc rút từ sự phô diễn của hầu hết các quân đội - và được Fred Kagan gọi là sự bất tuân - thực chất chính là việc quân đội Israel “bao dung hơn nhiều so với quân đội Mỹ”. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, vì quân đội Mỹ được gọi là một đội quân “tình nguyện” (không phải không được trả lương, mà là tự nguyện tham gia), trong khi quân đội Israel được xây dựng dựa trên chế độ cưỡng bách tòng quân.
Tuy nhiên, Oren giải thích, “trong đất nước này có một quy tắc xã hội bất thành văn: Mọi người dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, chừng nào chính phủ và quân đội vẫn chịu trách nhiệm trước nhân dân... Tôi nghĩ quân đội Israel có nhiều điểm tương đồng với quân đội thuộc địa Mỹ năm 1776 hơn là quân đội Mỹ của năm 2008. Nhân thể, George Washington hiểu rằng cấp bậc “Đại tướng” của mình không có nhiều giá trị, mà ông phải thật sự trở thành vị tướng vĩ đại - và điều cơ bản là người dân phải tự nguyện phục vụ”.
Quân đội thuộc địa là ví dụ điển hình cho những điều Oren miêu tả, vì họ gần như ngày nào cũng phải quyết định xem có nên tiếp tục xung phong không. Nhưng đó là một “quân đội của dân”, và quân đội Israel cũng thế. Như Oren miêu tả, giống như quân thuộc địa, quân đội Israel sở hữu một phẩm chất rời rạc, ít kiểu cách nhưng bao dung hơn, bởi binh lính đang chiến đấu vì sự tồn vong của tổ quốc họ, còn hệ thống cấp bậc được tạo ra từ thành phần tiêu biểu của chính những con người mà họ đang bảo vệ.
Thật dễ tưởng tượng làm thế nào mà những binh lính không quan tâm tới cấp bậc sẽ không e sợ khi nói với chỉ huy câu: “Ông đã sai”. Thứ tinh thần chutzpah này, vốn được tôi luyện qua nhiều năm trong quân đội Israel đã cho thấy cái nhìn sâu sắc làm thế nào mà Shvat Shaked có thể giảng cho giám đốc PayPal về sự khác nhau giữa “người tốt và kẻ xấu” trên Internet. Hoặc làm thế nào mà nhóm kỹ sư Israel của Intel không chỉ thực hiện cuộc cách mạng lật đổ kiến trúc cơ bản của sản phẩm của chính công ty mình, mà còn thay đổi cách ngành công nghiệp này đánh giá giá trị. Sự quả quyết hay xấc xược. Tư duy phê phán, độc lập, với sự bất phục tùng. Tầm nhìn sâu rộng hay kiêu ngạo, chọn từ nào phụ thuộc vào quan điểm của bạn, nhưng tựu chung, tất cả đều miêu tả tinh thần khởi nghiệp Israel điển hình của giới doanh nhân.