Số lần đọc/download: 1655 / 27
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Đi Xem Thiên-Linh-Cái
L
ần này không phải Tân Thinh cũng không phải Bàu Bòn đến chợ Cầu Mống mà là một gánh hát nhỏ không có bảng hiệu, không có những cuộc dọn rạp rình rang trong nhà lồng chợ. Nó chỉ là một chiếc ghe mui nhỏ buộc ở gốc gáo trước cửa tiệm Vạn Thương. Đã 60 năm qua rồi đấy, nhưng buổi chiều hôm ấy còn in lồng lộng trong đầu Trí.
Buổi trưa hôm đó, Trí mua một khúc mía giá nửa xu đi đến mé sông, chỗ chiếc ghe đậu để coi con khỉ ngồi trên mui ghe. Vì có con khỉ mà đám hoc trò đi ngang, thấy ngộ ngộ nên đứa nào cũng ghé lại- Đứa thì ăn chuối xong ném cho nó cái vỏ, đứa lượm trái gáo chín tặng cho nó làm quà. Không để cho nó ăn mà cốt để cho nó chụp coi chơi. Chúng ném chéo nhưng chú khí vẫn vươn lên hoặc nhoài mình chụp được cả.
Trí cũng góp phần biểu diễn cho khỉ ta bằng những cái xác mía. Con khỉ tài thật. Nó không để lọt xuống sông cái thứ nhất, cái thứ hai. Nhưng đến cái thứ ba thì nó ngó lơ không chụp nữa mà ngồi tỉnh bơ và nhóp nhép miệng một cách giận dữ.
- Nó chưởi mày đó! Một tiếng nói bên tai Trí.
Trí nhìn lại. Thì ra chú Vĩnh. Chú cũng đến chọc con khỉ như Trí. Chú bảo:
- Thằng Tôn Hành Giả này coi bộ đói, như mới vừa chui ở chân Ngũ Hành Sơn ra.
Chú lúc nào cũng đem truyện ra áp dụng một cách tự nhiên vào cuộc sống. Chú tiếp:
- Mày không nhớ à? Nó ở dưới đó có được ăn uống như khỉ thường đâu. Vì mắc tội, cho nên Phật tổ sai Sơn Thần Thổ Địa cho nó ăn đá cục và uống nước suối mỗi ngày.
Trí nói:
- Nhớ chớ sao không nhớ, chú! Nhưng tôi không hiểu tại sao nó lại còn sống nhăn không chết chờ Tam Tạng đi qua gỡ lá bùa trên chót núi rồi nó tung lật núi mà chui ra.
Chú Vĩnh cười:
- Tao cũng không biết! Chỉ thấy con khỉ này rồi nhớ Tôn Hành Giả. Mà hổng biết chừng ổng đó.
Trí xước hết lóng mía nhưng không ném cho nó cái xác nào nữa cả. Nếu quả thật nó là Tôn Hành Giả thì mình không nên chọc ghẹo nó như vậy nữa.
Chiều hôm đó tan học, bụng còn tiếc nên dầu không phải dường về, nhưng Trí vẫn tạt qua để xem con khỉ lần nữa. Lần này thì Tôn Hành Giả không ngồi trên mui mà nó chạy lom xom theo chủ lên sân chợ. Lạ hơn nữa, đi được một khúc thì nó nhảy thót lên ngồi trên vai chủ. Nhờ vậy Trí thấy con khỉ mặc áo xanh đỏ và đội nón. Trời ơi, coi lạ lùng hết sức, còn vui hơn cái lúc Tôn Hành Giả loạn thiên cung.
Chợt thấy chú Vĩnh từ đầu chợ đi tới ngoắc, Trí dừng lại. Chú hất hàm:
- Coi hôn?
- Coi gì?
- Gánh hát khỉ kìa, không thấy sao?
Chú là người “văn minh” nhất bọn Trí về mặt coi hát. Gánh nào tới chợ chú cũng coi. Chiêu về, chú đi thật nhanh, cơm nưức xong là quay lại chợ coi tới khuya mới về nhưng sáng vào trường Trí vẫn thấy chú ngồi ở thềm ba trước nhất chớ không trễ học. Mê hát thì mê nhưng học vẫn học đàng hoàng.
Nghe chú hỏi, Trí lắc đầu. Trí không bao giờ được tự do như chú Vĩnh. Tía Trí rất nghiêm, bảo: “xem hát rồi vô lớp ngủ gục không nghe thầy giảng bài được!”. Chú Vĩnh đến, bảo:
- Không phải chỉ có khỉ thôi, còn có Thiên-linh-cái nữa.
- Thiên-linh-cái là gì? Trí nghe lạ tai bèn dừng lại hỏi.
Chí Vĩnh vừa móc trong túi ra một tờ giấy xanh lợt vừa nói:
- Tao cũng không biết, nhưng coi quảng cáo ngộ quá!
Trí cầm tờ giấy nâng lên mắt, đọc: “Gái đồng trinh chết bất đắc kỳ tử được chặt đầu đem về luyện Thiên-linh-cái, biết nói biết cười, biết ca vọng cổ…” Vậy thì mê quá rồi, còn chần chờ gì nữa! Trí nghĩ bụng.
Chú Vĩnh lại tiếp:
- Mỗi màn có 15 phút hà. Xem rồi đi mau về nhà cũng còn sớm.
Cái kiểu chú nói giống y trong bài tập đọc mới vừa học hôm nào:
Xuân đi học trông người hớn hở
Gặp cậu Thu đang ở giữa đàng
Hỏi rằng sao đã vội vàng
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi
Thôi hãy hượm đừng đi anh ạ.
Này con khăng tôi đã sẵn rồi
Cùng nhau ta hãy đánh chơi
Chốc rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa.
Xem trong bài, thì có khác gì trường hợp của Trí và chú Vĩnh hôm nay:
- Tôi chưa có xin phép tía tôi. Ông mà hay được là bị đòn nứt đít.
Nghe Trí từ chối, chú Vĩnh xì một tiếng:
- Chép bài cọp-dê (copier - chép bài người khác) mày có xin phép không? Đây coi như mình cọp-dê một phát, ai biết mà bị đòn. Coi rồi chạy dông một hơi là tới nhà.
Nghe chú Vĩnh nói có lý, Trí bèn ưng chịu. Chú Vĩnh còn hứa cho mượn tiền. Hai xu một cái vé con nít ngồi dưới đất. Tiền đâu phải dễ xin. Nhưng chú Vĩnh lại rộng lượng:
- Chừng nào trả cũng được. Tao không đòi gấp như tiền mày mượn mua đạn bắn cu-li.
- Ừ, coi thì coi.
Thế là hai chú cháu tiến tới sân trò.
Khán giả đã đứng ngồi thành vòng tròn như coi hát Sơn-Đông, trước một cái tăng vải hình bánh ú che kín bốn bề chỉ chừa một cửa nhỏ cho người vô. Chú Vĩnh ri tai và trỏ cái tăng:
- Thiên-linh-cái ở trong đó.
Trí thích quá. Muốn vô ngay để nghe Thiên-linh-cái ca vọng cổ. Tiếng trống và tiếng phèng la nổi lên rộn ràng nghe nôn quá. Trí không còn nhớ gì nữa hết. Trí đưa tay xoè ra trước mặt chú Vĩnh. Chú lấy cái vỏ hộp quẹt cây ra lắc lắc:
- Chắc còn đủ.
Chú lọi ra đưa cho Trí đồng 1 xu và 2 đồng nửa xu ấm hổi, dính phấn lem luốc. Trí chùi lẹ vô quần và chìa ra cho người bán vé đứng ở cửa. Trời ơi hai xu, một ngày quà, hai cái bánh mặn nhưn tôm, hai gói xôi, một cái bánh xèo thơm ngát, hoặc nếu không ăn những món đó thì mua 4 viên đạn đá bắn cu-li, có thể ăn thêm vài ba viên nữa… Nhưng tất cá những thứ hấp dẫn đó đều nhường chỗ cho Thiên-linh-cái ca vọng cổ.
Bên trong đầy nghẹt những người. Học trò cũng đông. Con nít chợ ở trần cũng bộn. Trí cầm cái giấy nhỏ xíu bằng hai ngón tay bước vô. Lần đầu tiên đi coi hát “cọp-dê” chớp nhoáng 15 phút. Ai biết mà bị đòn.
Chú Vĩnh cũng bước vò, tay đẩy lưng Trí, thầm thì:
- Vô ngồi ở gần cửa rạp kia kìa.
Con khỉ mặc áo xanh đỏ đang cỡi chiếc xe đạp con ngã lên ngã xuống. Nó đứng dậy dắt xe phóng tuốt vô buồng. Một cặp hề mặt mày be bét bước ra tiếp màn hát khí. Họ đờn cò, đờn kìm bằng miệng với điệu bộ. Người đờn cò kéo cái chót mũi dài ra kêu ò e í e làm khán giả cười rần rần còn người đờn kìm thì nhắm tít mắt tay khảy lia trên cái bụng phệ mà miệng thì kêu từng tưng hoạ theo.
Hai nuười cứ đờn hồi lâu mới dứt bản. Khán giả càng cười họ càng đờn to lên. Chú Vĩnh thúc cùi chỏ vào hông Trí. Trí không hiểu chú cũng sốt ruột như Trí. Chú bảo: Thiên-linh-cái sắp ca….
Mà thật, đã gần 10 phút qua rồi, ai không sốt ruột. Mất tiền vô đây đâu phải để coi hát khỉ và hề. Bỗng từ trong tăng bước ra một ông đạo sĩ mà Trí thường mường tượng trong những tờ truyện Tàu. Áo quần trắng, râu tóc bạc, tay cầm phất chủ cũng trắng luôn. Đạo sĩ nói:
- Bữa nay bần đạo xuống núi để báo tin cho chư vị tin Hội Long-Hoa sắp tới rồi. Người làm lành được hưởng phước đời đời, kẻ hung dữ phải chịu phạt. Vậy bần đạo đế cho Thiên-linh-cái ra chào chư vị và xin chúc chư vị an khang.
“Chư vị con nít” xì xò chỉ chỏ chớ có biết Hội Long-Hoa là gì. Chúng chỉ chờ nghe Thiên-linh-cái ca vọng cổ mà thôi.
Một trong hai anh hề ra mời khách vô trong lều. Chiếc máy đèn nhỏ chạy xinh xịch. Cái bóng đèn rọi ánh sáng lờ mờ trong lều. Không có sân lchấu. Chỉ có một cái bàn con trên đó đặt một chiếc hộp vuông nhó. Tất cả đều sơn đen.
Vị đạo sĩ lúc nãy lại bước ra, tay cầm phất chúủquơ quơ. Dưới ánh sáng lờ mờ Trí tưởng như ông tiên thật giáng trần. Vị đạo sĩ rung chuông. Reng reng rồi ngưng.
- Thiên-linh-cái cá…ái! - Bất ngờ ông ta kêu to lên:
- Dạ…ạ! - Tiếng đáp lại lảnh lót, lồng lộng làm Trí rởn da gà.
Chiếc hộp đen trên bàn bỗng mở ra. Chư vị khán giả nghểnh cổ nhìn. Trong hộp một chiếc thủ cấp treo lộn ngược, cần cổ bị một lưỡi gươm xuyên qua và miệng nhóp nhép, lộ hàm răng hô.
- Xin chào bà con cô bác. Tiếng nói trong veo thảnh thót. Rõ ràng là tiếng con gái… đồng trinh.
Vị đạo sĩ cắt nghĩa:
- Đó là Thiên-linh-cái chào, bà con có nghe rõ không?
- Có nghe!
Vị đạo sĩ ra lệnh:
- Thiên-linh-cái nói chuyện và kể nguồn gốc của mi cho bà con nghe đi!
- Dạ!…
- Xin mời bà con muốn hỏi gì cứ hỏi. Thiên-linh-cái sẽ trả lời.
- Cô tên gì?
- Dạ em tên Lem.
- Tại sao cô chết?
- Dạ, em bơi xuồng trên Rạch Vọp bị chìm
- Rồi sao cô đến đây được?
- Dạ thầy em đem về nuôi và chở em đi khắp chốn đó đây.
Vị đạo sĩ bảo:
- Bà con hỏi câu khó khó đi.
- Sáu lần ba là mấy?
- Dạ là mười tám.
- Cô biết ca vọng cổ mà bài gì?
- Dạ, bài Thức trót canh gà hay bài Đêm khuya trông chồng cũng được.
Rồi Thiên-linh-cái cất giọng:
- “Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về...
Câu ca vừa dứt thì nắp hộc cũng đóng lại, đèn bật lên sáng choang. Mọi người đứng dậy bước trở lui nhường chỗ cho khách mới bước vào.
Chú Vĩnh đã ra đứng ở cửa chờ Trí. Chú thì thào:
- Thấy ghê quá, tao không dám nhìn.
Thế là hết tiền. Nhưng Trí lấy làm thích thú xem được chuyện lạ đời. Nhưng vì xem “cọp-dê” nên chỉ để bụng không dám khoe với ai.
Về đến gần nhà chú Vĩnh mới than:
- Coi chưa tới đâu, đã hết… chắc tao phải coi lại lần nữa. Lần này tao sẽ hỏi nó.
- Chú hỏi gì.
- Tao hỏi nó sao thầy cắt đầu mà còn sống, còn ca được? Bộ ma sao?
Trí mới vỡ lẽ ra. Ờ, người chết sao còn ca? Mà tiếng ca nghe quen quen như đã nghe ở đâu rồi. Về nhà cơm nước xong, Trí muốn đi tìm thằng Tư Cồ đê hỏi. Nó không sợ ma thì chắc nó không tin những chuyện lạ như vậy. Nhưng thời may, chú Năm đến. Chú Năm là người biết những bí ẩn của ông thầy Tư, đâu để hỏi thử xem chú biết chuyện Thiên-linh-cái không?
Tía Trí đi đá gà ở xa chưa về tới, còn má thì đang ở sân sau, Trí bèn kể cho chú Năm nghe rồi hỏi:
- Có thiệt không chú?
- Thiệt gì! Tụi nó mà con mắt để móc túi thiên hạ đó! Mày không tin sáng mai mày đi học cho sớm. Vô chợ mày thấy con nhỏ nào ốm nhom, cổ cao nhòng, tay đầy thẹo ghẻ ngứa thâm đen ngồi húp cháo lòng heo bên góc nhà lồng thì đó là Thiên-linh-cái đó! Còn thằng đạo sĩ đó là chồng nó.
- Ủa, cháu thấy ông đạo sĩ giống Tiên quá mà!
- Tiên gì! Nó vừa kéo đờn cò rồi vô buồng đeo râu vô là thành đạo sĩ chớ gì.
Chú Năm tiếp:
- “Đạo sĩ” vô tiệm hút rồi lẹo tẹo với mấy tiên cô ở trong đó. Con Thiên-linh-cái bắt được làm rùm cả chợ. Lại còn thiếu tiền hút, ông chủ đòi níu áo nữa chớ Thiên linh gì!
Trí còn cãi rướn lên:
- Cháu nghe Thiên-linh-cái ca nữa chú ơi!
Chú Năm cười ngất:
- Mày lại nhà ông Cụ tao biểu Thiên-linh-cái ca cho mày nghe tối ngày sáng đêm.
Thấy Trí ngơ ngác, chú Năm tiếp:
- Nó quay máy cho cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ ca đó chớ Thiên-linh-cái nào!
- Thiệt vậy sao chú?
- Nói láo làm lếu thì phải y như thiệt chớ để người ta biết láo lếu thì ai mà bỏ tiền ra cho?
Sáng hôm sau Trí đi học thật sớm. Vô chợ, Trí đến ngay góc nhà lồng. Quả thật có người đàn bà vừa húp xong tô cháo đứng dậy trả tiền khoe hai cánh tay đầy thẹo ghẻ. Chỉ có hai bàn chân là rất đẹp. Một cổ chân đeo sợi dây chuyền bạc. Ờ, cái cổ chân Thiên-linh-cái đẹp thật, nhưng nó không có phô ra. Nó chỉ phơi cái hàm răng hô cho người ta xem và tiếng ca của kẻ khác cho người ta nghe. Trí đang tự hỏi bà này có phải là cô bé chết ở Rạch Vọp không, thì có tiếng la lớn.
- Thiên linh cááái!.. - Một đứa con nít chợ gọi xong quay đầu chạy trốn trong đám đông. Người đàn bà kia quay ngoắc lại, lầm bầm câu gì rồi đi thẳng- Đến gần mé sông thì lại la:. Thiên-linh-cái! - Một đứa khác lại kêu to. Lần này Thiên-linh-cái không quay lại nữa. cỏ ta chỉ lầm bầm rồi đi thẳng xuống mé sông bước lên cây đòn dài rồi chun vô ghe.
Tôn Hành Giả đã cởi áo đỏ áo xanh đang ngồi trên mui không tỏ vẻ vui buồn gì hết, chỉ nhóp nhép cái miệng, đố ai biết ông ấy nói gì.