Số lần đọc/download: 1174 / 20
Cập nhật: 2015-07-02 16:12:48 +0700
Chương 5
T
ôi tới Wylie vào một buổi sáng sớm khi nhận được điện thoại của anh ta. Tôi cảm thấy trong người khoan khoái, mới mẻ. Tôi chọn mặc một bộ đồ kỵ mã, để làm bộ như mình đã ra đi phi ngựa từ lúc mới sớm tinh sương. Tôi nói với Wylie:
- Hôm nay mà bắt gặp xe của Stahr ở đâu là tôi lăn vào bánh xe chận lại.
Wylie hỏi:
- Cô có biết xe đó thuộc loại gì không? Đó là một thiếc xe tốt nhứt Mort Fleisbacker đã bán cho Stahr, Đừng làm vậy tội cho chiếc xe lắm.
- Anh mà biết gì tâm trạng kẻ đang yêu. Anh đã có vợ giấu ở chỗ khác rồi, tôi biết thừa.
- Đó là chuyện đã qua, không nên nhắc tới. Nhưng cô nắm con tẩy lớn quá, hỏi làm sao tôi không ham cho được? Có bao giờ cô tự hỏi nếu không phải con gái của tỷ phú Brady, thì thử hỏi liệu có được mấy người để ý tới cô?
Thực ra trong thâm tâm không bao giờ tôi có tư tưởng ỷ vào cái thế mạnh gia đình giàu có của mình để tìm chồng. Có người thường cho thế là khôn: bạn dựa vào thế lực gia đình để có quyền lựa một người chồng theo ý muốn. Ngược lại, người nào lấy được bạn cũng là có phước lắm, vì họ đã lấy được một số tiền lớn như thể trúng lô độc đắc vậy. Vấn đề thiệt là đơn giản.
Nhưng khi xe bắt đầu chạy về hướng Laurel Canyon ý nghĩ của tôi bắt đầu xoay chuyển. Tôi với tay mở ra-dô trên xe, bản nhạc “Rộn ràng trong tim ta” vang lên. Tôi cảm thấy không thể nào tin ở những tính toán như trên của thiên hạ. Tuy không có nhan sắc nguyệt thẹn, hoa nhường, nhưng bộ mã tôi cũng thuộc loại khá đấy chứ. Tôi biết mặt mình hơi tròn quá, nước da không được hồng hào lắm, xem tựa như người “yêu” quá nhiều. Nhưng bù lại tôi có cặp giò thiệt đẹp và ngực cũng không cần mặc xú chiêng. Tuy không được no tròn lắm, nhưng hạng người cỡ Wylie thì còn đòi hỏi gì hơn nữa? Tôi hỏi anh ta:
- Anh nghĩ gì khi thấy tôi tới vào lúc sáng sớm như thế này?
- Đối với một người làm ăn bận rộn ở Hollywood này, cô tới họ sớm như vậy là khôn lắm. Vì lúc đó, cô là người đầu tiên trong ngày họ được gặp. Lần sau cô có thể tới vào lúc bốn giờ sáng.
- Đúng vậy. Sau một đêm ngủ một vì ban ngày phải gặp gỡ quá nhiều người, tuy có những người trông không tệ lắm. Tôi sẽ tới giờ đó để vặn nút cho óc họ bắt đầu làm việc trở lại.
- Tôi thấy hơi ớn. Có vẻ ồn ào quá.
- Anh kêu tôi tới có chuyện gì đây? Đừng đi quá trớn nghe.
- Tôi yêu cô, và yêu tiền của cô. Nhưng tôi yêu cô hơn. Hy vọng rằng Ba cô sẽ nâng tôi lên hàng phụ tá giám đốc.
- Cuối năm nay tôi sẽ lấy một sinh viên học giỏi con nhà giàu ở Southampton và sẽ về sinh sống ở đó.
Tôi đổi đài để tìm nghe bản nhạc Đi hay bản Mất là hai bản hát thịnh hành nhất trong năm. Âm nhạc lúc nào cũng có tác dụng làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn. Hồi còn nhỏ không lúc nào tôi thấy những cơn buồn như thế này. Hồi đó luôn luôn có nhiều bản nhạc rất hay khiến tôi say mê như bản “Trời xanh” qua tiếng hát của Goodman, hay bản “Ngày xong” với giọng ca của Whiteman. Ngoài ra còn rất nhiều ban nhạc khác. Nhưng bây giờ thì chẳng cần kén chọn, tôi thích bất cứ bản nhạc nào, ngoại trừ cái bài lẩm cẩm “Hỡi cô gái nhỏ, hãy chăm chỉ một ngày” mà thỉnh thoảng Ba tôi thường hát lên.
Hai bản “Mất” và “Đi” nghe buồn quá, không hợp với lúc vui vẻ này. Tôi vặn đài khác và bắt được bản “Yêu người Yêu cảnh”. Đây chính là bài tủ của tôi. Xe đi lên đồi, tôi nhìn lại phía sau, không khí trong vắt, bầu trời sáng sủa, tôi có thể nhìn rõ lá cây trên đỉnh ngọn Sunset cách đó ba kí lô mét. Không khí trong lành buổi sáng đã khiến người tôi cảm thấy lâng lâng, khoan khoái. Tôi cất tiếng hát theo: “Xinh xinh cảnh sắc... nao nao lòng em”. Wylie hỏi:
- Bộ cô sắp hát cho ông Stahr nghe đấy hẳn? Chừng nào hát thì nhớ thêm dùm tôi một câu “Wylie rất xứng đáng lên chức phụ tá giám đốc” nhé.
- Không bao giờ, bài hát riêng sẽ chỉ có tôi và Stahr thưởng thức. Stahr sẽ nhìn tôi và nhủ thầm: “Ồ, chưa bao giờ thấy con nhỏ xinh như hôm nay”.
Wylie thản nhiên:
- Hồi này thiên hạ không nựng nhau bằng những câu như thế. Kiểu đó xưa rồi.
Rồi chàng sẽ tiếp: “Bé Cecilia của anh”, giống như đêm hôm động đất chàng đã nói với tôi: “Em đã thành đàn bà hồi nào mà anh không nhận ra kìa”.
- Cô khỏi cần làm mấy trò con nít đó. Cứ đứng yên cũng ăn tiền rồi.
- Dĩ nhiên tôi sẽ đứng đó. Chàng sẽ tới ôm hôn tôi, làm như thế chàng là một đứa bé không cần để ý tới...
Wylie thở dài:
- Đó đúng là đoạn đối thoại tôi đang viết và phải nộp cho ông ta ngày mai.
- Rồi chàng sẽ ngồi xuống, hai tay ôm mặt nói: “Anh không bao giờ nghĩ tới bé như thế này”.
- Thôi, đủ rồi, đừng làm mất thì giờ thêm. Sáng nay tôi còn phải đi làm.
- Rồi chàng sẽ tiếp: đã từ lâu anh ao ước được như thế này.
Wylie làm bộ rùng mình:
- Hãy đi thẳng vào việc cho rồi. Hút lấy máu của hắn, máu của tên tài phiệt. Nếu phải truyền lại máu đó vào người, tôi thấy cũng ớn quá.
- Rồi chàng sẽ lên tiếng...
Wylie cắt ngang câu nói:
- Biết rồi. Thôi im đi cho tôi nhờ. Điều tôi cần biết là cô sẽ trả lời hắn ta như thế nào?
- Rồi sẽ có một người nào đó từ ngoài bước vào hỏi chàng...
- Và cô vội vàng nhảy xuống khỏi cái giường tuyển lựa tài tử của hắn, mặc vội quần áo vào.
- Anh muốn tôi xuống xe đi về không đây?
Chúng tôi đang ở khu đồi Beverly với những hàng thông xanh cao đem từ đảo Hawaii về trông thật thơ mộng. Hollywood thực là một thành phố phân chia giai cấp rõ rệt hơn đâu hết. Cứ nhìn vào từng khu gia cư là biết thành phần nào ở đó. Đây là khu sang trọng của các viên giám đốc. Các chuyên viên kỹ thuật thì ở những khu nhà trệt phía xa xa. Khu biệt thự này trông thật là thơ mộng, không thua bất cứ thắng cảnh nào ở Mỹ quốc.
Tiếng hát từ ra-dô vọng ra: “Ai hỏi em về chữ yêu đương... Mỗi chân tình là mỗi chân tình”.
Tim tôi rộn ràng. Lửa tình dậy dâng trong khóe mắt. Mặc dầu không hoàn toàn tự tin sẽ thành công, tôi cũng vẫn muốn chạy thẳng tới ôm hôn chàng, làm như thế chàng đã một lần đi qua đời tôi. Hay tôi sẽ không dám làm thế, tôi chỉ đứng đó và lí nhí một lời chào hỏi ngắn ngủi không diễn tả nổi ý muốn của mình.
Nhưng trái với dự đoán của tôi, chàng chỉ đứng yên sẽ mỉm cười nhìn tôi. Trông chàng không có vẻ gì là bối rối. Chàng thản nhiên một cách gần như lạnh lùng, hai tay vẫn để trong túi quần.
Tôi hỏi Wylie:
- Tối nay anh đi bum với tôi không.
- Bum nào?
- Bọn soạn giả mở đàng nhà lão Đại sứ.
Wylie có vẻ suy nghĩ một lát rồi trả lời:
- Có lẽ không đi cùng được. Tôi tới trễ, vì còn mắc coi chiếu thử một phim ở rạp Glendale.
Ôi! Mộng và thực thường khác nhau lắm vậy thay! Vậy thì tôi lại sống trong mộng: Chàng không đứng nhìn tôi nữa, mà đi lại bàn, ngồi xuống ghế. Tôi tiến lại, áp đầu trên mặt bàn giấy cạnh điện thoại và ngước mắt nhìn chàng. Cặp mắt đen láy của chàng âu yếm nhìn lại tôi, nhưng chàng không có một cử động nào khác. Đối với đàn ông thỉnh thoảng cũng có những lúc họ coi đàn bà không ra gì cả. Tất cả mọi cố gắng khiêu khích của tôi chỉ khiến chàng nói được một câu:
- Cecilia, sao cháu không lấy chồng cho rồi?
Rất có thể chàng sắp sửa đề cập tới thằng cha Robby nào đó và bắt đầu nói những câu mai mối. Tôi hỏi chàng:
- Người con gái phải làm gì để người mình yêu chú ý tới mình?
- Thì cứ nói thẳng với người đó là mình yêu họ.
- Hay là cháu làm bộ xua đuổi người ta.
- Có thể. - Chàng vừa nói vừa mỉm cười.
- Nhưng đố chú biết hiện bây giờ người đó có ở đây không?...
Chàng trả lời một cách bất ngờ:
- Chú muốn cưới cháu quá. Nhiều lúc chú cảm thấy cô đơn kinh khủng. Nhưng chú già quá rồi, không còn làm ăn gì được.
Tôi đi vòng qua bàn, tới đứng sát bên cạnh chàng:
- Anh sẽ làm ăn với em.
Chàng nhìn tôi với đầy vẻ ngạc nhiên. Đây chính là lần đầu chàng được biết rằng tôi đã muốn đến độ kinh khủng rồi.
Chàng có vẻ khổ sở:
- Không được đâu cháu. Đối với chú ngoài điện ảnh ra không còn gì đáng kể cả... Ý chú muốn nói là chú không còn thì giờ đâu để...
- Anh không thể yêu em được sao?
Một lần nữa, câu trả lời của chàng lại đi ra ngoài sự tưởng tượng của tôi:
- Chú cháu mình biết nhau từ lâu, nhưng thực không bao giờ chú nghĩ tới chuyện này. Chú nghe người ta nói cháu và Wylie sắp sửa cưới nhau mà?
- Và anh không có phản ứng gì hết?
- Có chứ. Chú sắp nói chuyên đó với cháu. Hãy chờ vài năm cho hắn nguội đã.
Câu chuyện ngưng ngang ở đây khi cô Doolan từ ngoài đi vào với bảng ghi chú trên tay. Sự thực xảy ra đúng như trong giấc mơ tôi đã thấy. Duy có điều khác là chính Stahr đã ấn một nút chuông bí mật để kêu cô ta vào.
Thế rồi tôi chợt tỉnh giấc mơ. Không thấy Stahr đâu, nhưng chỉ có một tấm hình của chàng tôi đang cầm trong tay. Đôi mắt trong hình đăm đăm nhìn tôi, một cái nhìn tế nhị thông cảm, rồi bỗng dưng tối sầm lại dưới hàng lông mày rậm như chất chứa hàng ngàn kế hoạch, cạm bẫy.
Gương mặt đó hình như không bao giờ để lộ ra những cơn thịnh nộ, giận dỗi thường tình, mà chỉ có sự yên lặng tự tin sâu xa, hình như đang xếp đặt những toan tính trong trận chiến lâu dài của chính mình bày ra. Khuôn mặt chàng thiệt bô trai, bô hơn tất cả những hình tài tử. Hình của chàng chính là tấm ảnh quý nhất đối với tôi, và từng được tôi cất giữ kín đáo trong hộc tủ cá nhân có khóa tại trường.
Đó là chuyện tôi đã kể cho Wylie nghe. Và khi một người con gái nói chuyện với một người đàn ông về một người đàn ông khác: đó chính là lúc họ đang yêu.
* * * * *
Tôi nhận ra nàng từ lúc Stahr chưa tới. Nàng không hẳn là một người đẹp, vì thực ra ở Hollywood này không nhan sắc cá nhân nào có thể nổi bật lên trên sắc đẹp nhà nghề của những nữ minh tinh. Tuy nhiên nước da trắng hồng hào đặc biệt của nàng hình như tỏa ra một sức hấp dẫn, khiến người ta phải nhìn lại nàng lần nữa và tự hỏi: “Con nhỏ nào lạ vậy kìa?”
Nàng ngồi ở một bàn khuất sau cây cột lớn. Gần đó hình dáng của một nữ minh tinh đã về chiều sắp hết thời tự nhiên trở nên bối cảnh khiến cho nàng nổi bật lên. Cô minh tinh nửa mùa này thỉnh thoảng lại lăng xăng nhảy với một vài kép cù lần, mặt cứ nghệt ra như mặt bù nhìn coi dưa. Nhìn cử chỉ lăng xăng của cô ta, tự nhiên tôi nhớ đến những lần đầu tiên đi dự dạ hội với Má. Bà đã bắt tôi đi liền mấy bản với một thanh niên, để được nổi bật giữa vùng ánh sáng của đèn rọi. Cô minh tinh nửa mùa bắt chuyện với dăm ba người nào đó, và tôi cũng bị lôi cuốn vào câu chuyện của nhóm bè bạn xung quanh nên hết còn chú ý tới cô ta.
Trong sự nhận xét của tôi và Wylie, tất cả mọi người trong buổi dạ hội này hình như đều tới đây với mục đích tìm kiếm một cái gì. Wylie nói nhỏ vào tai tôi:
- Cô mà cứ giữ mãi cái điệu bộ đăm chiêu thì chỉ tổ cho thiên hạ ghét. Ở chỗ này, muốn giữ tư cách, muốn tỏ ra tự trọng, không gì hơn là cứ làm ra bộ vui tươi, cười cười, nói nói giống như những nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway ấy. Bề ngoài xơn xớt nói cười, nhưng trong bụng nhiều khi họ đang ghét nhau cay đắng và đang nghĩ cách hạ nhau đấy.
Nhận xét của Wylie có lẽ đúng. Kể từ những năm 1933 trở đi, người giàu càng ngày càng trở nên cô độc, họ chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình.
Tôi đã nhìn thấy Stahr bước lên những bậc thềm, rồi đứng lại ở bậc chót, hai tay đút trong túi quần, mắt dớn dác nhìn xung quanh. Lúc này đã khá khuya, những ngọn đèn hình như có vẻ lu dần, mặc đầu lúc nào nó cũng vẫn thế. Sàn nhảy đã vắng người, ngoại trừ một gã lưng đeo tấm bảng quảng cáo đang múa may, quay cuồng. Những năm trước đây thì vào giờ này của một cuộc dạ hội, thường có nhiều kẻ say sưa ăn nói lảm nhảm. Nhưng bây giờ thói quen đó không còn. Cô minh tinh nửa mùa hình như đang nhìn qua vai anh kép của cô ta để tìm những kẻ say sưa đó. Tôi nhìn theo lúc cô ta đi trở lại chỗ ngồi, và...... tôi ngạc nhiên bất chợt thấy Stahr đang nói chuyện với nàng, với người con gái có nước da đặc biệt đó. Họ mỉm cười, nhìn nhau âu yếm như đang sống trong một thế giới mới.
* * * * *
Trước đó mấy phút, lúc đang đứng ở bậc thềm chót ngoài cửa, Stahr quả thực không nghĩ tới chuyện có thể gặp nàng ở đây. Xem cuốn phim chiếu ra mắt hồi tối đã làm chàng thất vọng, sau đó Stahr đã gây với Borwitz ngay trước cửa rạp và bây giờ chàng đang cảm thấy hối hận. Chàng đã tiến lại chỗ nhóm bạn của Brady đang ngồi, vì chợt thấy Kathleen ở đó. Nàng ngồi giữa chiếc bàn dài trải khăn trắng muốt.
Cảnh vật xung quanh hình như thay đổi hẳn khi chàng tiến lại gần nàng. Mọi người đều dạt ra xung quanh, ở bàn chỉ còn lại một mình nàng và chiếc bàn như thể dài thêm ra mãi để biến thành một thiên tòa cho nàng ngự trị. Hai người nhìn nhau và mỉm cười với nhau. Chiếc bàn nàng đang ngồi như chợt biến đi nơi khác: nàng và Stahr nhẹ dìu nhau trong điệu luân vũ. Khi ôm sát nàng vào người, Stahr cảm thấy như mắt chàng hoa lên, thân hình nàng chợt trở nên mờ ảo. Thường thường cái sọ của người đàn bà nhắc nhở cho người đàn ông ý thức về sự hiện hữu của họ. Nhưng đối với nàng, Stahr không cảm thấy điều đó. Họ say sưa dìu nhau trong tiếng nhạc. Họ đưa nhau qua tấm gương, đi sang một phòng nhảy khác, ở đó có những bộ mặt khá, nhưng họ cũng chẳng thèm chú ý tới. Stahr thì thầm bên tai nàng:
- Sao em không cho anh biết tên?
- Kathleen.
- Kathleen. - Chàng nhắc lại.
- Chắc anh đang nghĩ đến số điện thoại của em. Em phải nói ngay là em không có điện thoại.
- Sao em không tới phim trường thăm anh?
- Không được anh à. Nhất định không thể được.
- Lý do? Em đã có chồng?
- Chưa.
- Em còn độc thân?
- Không hẳn. Nhưng có thể như thế.
- Em có đi với hắn ở đây không?
- Không. Sao anh tò mò thế?
Nói xong nàng chợt cười lớn. Nhưng rồi nàng có cảm tưởng Stahr đã đi sâu vào đời nàng, không cần đếm xỉa đến những chuyện xảy ra xung quanh. Mắt nàng như một biển tình, mời gọi Stahr lặn ngụp trong đó. Hình như chính nàng đã nhận ra điều đó, nên vội vã bảo Stahr với giọng sợ sệt:
- Thôi đi anh. Em đã hứa nhảy bản này với người khác.
- Anh không muốn để vuột em. Tại sao chúng mình không đi ăn với nhau?
- Không được, anh à.
Giọng nàng trở nên rung động, nhẹ nhàng, khiến cho người nghe biết ngay rằng điều nàng bảo không được chính là được. Cánh cửa tuy đã khép lại, nhưng vẫn còn hở một khe đủ để cho bạn lách vào, nhưng phải làm cho nhanh.
- Thôi anh à. - Nàng nói lớn và sau đó nàng chợt buông vai Stahr, ngừng nhảy, đứng im nhìn chàng mỉm cười.
- Gần anh, em thấy như muốn nghẹt thở.
Nàng xoay người, vén đuôi áo, bước trở qua phòng bên.
Stahr đi theo tới lúc nàng trở về chỗ ngồi ở bàn cũ. Trước khi rời nhau, nàng còn nói:
- Cảm ơn nhiều, chúc anh ngon giấc đêm nay.
Sau đó nàng đi nhanh như người chạy trốn.
Stahr cũng quay trở về chỗ dành riêng cho chàng. Tại đây chàng gặp đủ những bộ mặt làm ăn thuộc đủ mọi giới: tư bản, kỹ nghệ, quý phái. Họ đang hăng hái nói về chuyện ngựa. Trong đó Marc là người nói hăng nhất. Stahr nghĩ thầm, xưa kia đã có thời dân Do Thái thờ thần Ngựa. Lúc đó chắc dân Cô-zắc ngồi trên lưng ngựa, và người Do Thái đứng dưới nên ngày nay họ thường coi ngựa là tiêu biểu cho sự thịnh vượng, giàu có, quyền thế. Stahr ngồi yên, làm bộ chăm chú nghe và đôi khi gật đầu nếu có người hỏi tới ý kiến của chàng. Nhưng mắt Stahr luôn luôn kín đáo theo dõi chiếc bàn khuất sau cây cột lớn. Nếu không có tình cảm sâu đậm, mãnh liệt nảy nở giữa chàng và nàng, thì Stahr vẫn nghi ngờ đây là một cuộc âm mưu của bàn tay nào đó để đưa chàng vào cái bẫy mỹ nhân kế. Chính sự lẩn trốn của nàng đã đánh tan mọi nghi ngờ của chàng. Và giờ đây, một lần nữa, nàng lại đang tìm cách thoát khỏi tay chàng. Nhìn cử chỉ của những người ngồi ở bàn nàng, Stahr biết họ đang từ biệt chia tay nhau. Nàng cũng vừa đứng lên, rời khỏi bàn.
Wylie đùa một cách ranh mãnh:
- Rồi, thế là nàng Cám ra đi. Hoàng tử có muốn đi tìm nàng thì cứ việc đem chiếc hài đã lượm được tới tiệm giày Rê-gơ ở số 812, Đại lộ Phía Nam là tìm ra tung tích của nàng ngay.
Stahr đi theo nàng dọc theo hành lang ra tới cửa, tại đây một mệnh phụ trọng tuổi đứng trên bục cao xung quanh căng giấy để chào quan khách. Stahr thì thầm bên tai nàng:
- Em giận anh nên bỏ về hay sao?
- Đâu có, đằng nào rồi em cũng phải về chứ, ở mãi đây sao?
Sau đó nàng đổi sang giọng mỉa mai:
- Nhảy với anh mà họ bàn tán, làm như em vừa được nhảy với một ông Hoàng không bằng. Một người yêu cầu được vẽ ảnh em, và một người khác muốn được gặp em ngày mai.
- Anh cũng muốn được gặp em ngày mai. Nhưng có điều khác là anh muốn hơn họ rất nhiều.
Nàng nói với giọng hơi mệt mỏi:
- Bộ anh nhất định như thế sao? Em đã chán đất Anh vì ở đó đàn ông cứ nhất định làm theo ý muốn riêng của họ. Em cứ tưởng rằng ở đây có phần khác. Bây giờ chắc anh đã thông cảm tại sao em không thể chiều ý anh?
- Thường thì như vậy. Nhưng trong trường hợp nay, anh đã cảm thấy điên mất rồi, anh không còn là người bình thường nữa. Bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải gặp lại em và nói chuyện với em, mong em hiểu cho lòng anh.
Nàng có vẻ lưỡng lự:
- Anh mà điên sao được, anh không thể làm như vậy. Nhưng anh nhất định muốn gặp em để làm gì?
- Để làm gì? Chính anh cũng không biết nữa.
- Vậy để em nói nhé, anh muốn chiếm em, muốn đưa em nhốt trong nhà mộng của anh.
Stahr trả lời sau một giây ngẫm nghĩ:
- Anh đã quên được em... cho tới khi anh bước qua cánh cửa này.
- Có thể đầu óc anh muốn quên em. Nhưng ngay từ hôm đầu chúng mình gặp nhau, em đã chắc chắn anh không thể nào quên được em...
Nàng chợt im lặng. Gần đó một người đàn ông và một người đàn bà tham dự dạ tiệc đang nói những lời chia tay nhau: “Anh cho gởi lời hỏi thăm chị với các cháu nhé. Nói dùm tôi nhớ chị ấy ghê lắm đó”. Người đàn ông trả lời: “Chị cũng cho tôi gởi lời thăm anh ấy và các cháu nhé”. Những câu nói như thế Stahr không thể nào thốt lên được. Đi gần tới chỗ thang máy chàng mới nghĩ được câu nói:
- Có thể em đã nói đúng.
- Ồ, anh nhận có thế sao?
- Anh không nhận gì cả. Nhưng đó chính là chuyện do em tạo ra... bằng cách đi đứng, cử chỉ, lời nói của em trong lúc này, khiến anh không thể nào quên em.
Chàng cảm thấy nàng đã có vẻ mềm lòng và đặt nhiều hy vọng:
- Ngày mai Chủ nhật, thường thì anh cũng bận lắm. Nhưng nếu em muốn đi chơi đâu hay gặp ai ở Hollywood này, anh sẽ đưa em đi.
Thang máy đã ngừng và cánh cửa mở ra, nhưng nàng không vào và nói với Stahr:
- Sao anh khiêm nhượng thế. Lúc nào cũng chỉ thấy anh nói tới chuyện đưa em đi chơi và thăm phim trường. Thế có bao giờ anh cảm thấy cô đơn không?
- Ngày mai anh sẽ cảm thấy cô đơn nhiều nhất.
- Ôi, thiệt là tội nghiệp cho anh! Tội nghiệp cho con người hùng, con người có biết bao minh tinh quỳ dưới chân, nhưng anh lại đi chọn em!
Chàng mỉm cười. Chàng để cho minh được tự do đón nhận sự sung sướng do những lời nói của nàng đem lại. Thang máy đã trở lên lại. Nàng bấm nút cho thang ngừng và bảo Stahr:
- Em là một người đàn bà yếu đuối. Nếu em nhận lời gặp anh ngày mai thì rồi ra, liệu anh có để cho em sống yên thân không? Không, chắc là không. Anh sẽ đưa em vào những cơn lốc phiêu lưu dữ nhiều lành ít. Không, đa tạ tấm thạnh tình của anh, nhưng em nói: không thể được.
Nàng bước vào thang máy. Stahr bước theo, rồi họ mỉm cười nhìn nhau. Hai người đi xuống tầng lầu ba. Họ nhìn xuống dưới nhà thấy một đám đông hiếu kỳ lố nhố chờ coi mặt các tài tử, đang bị cảnh sát chận lại. Kathleen sẽ rùng mình, nói với Stahr:
- Em thấy ớn quá. Hồi nãy đi lên đây, em thấy hình như đám đông đó nhìn em một cách tức giận vì em không phải là một tài tử nổi tiếng.
- Để anh sẽ đưa em xuống lối riêng, không gặp họ.
Stahr dẫn nàng đi quanh co một hồi qua những cửa tiệm, cuối cùng họ ra tới chỗ đậu xe với không khí mát lạnh của buổi tối. Cả hai đều cảm thấy người nhẹ nhõm, rũ sạch không khí ồn ào, mỏi mệt của buổi dạ hội. Stahr chỉ cho nàng một dãy nhà trệt ở phía bên kia con đường:
- Hồi xưa có nhiều tài tử sống ở khu này.
- Thế bây giờ thì sao?
- Bây giờ phim trường dọn ra vùng quê và họ cũng đi theo. Tuy nhiên, mỗi khi trở lại đây anh vẫn thấy thích thú.
Có một điều không nói cho nàng biết là xưa kia, vợ chàng, Minna, cũng ở một căn nhà phía bên kia đường cùng với mẹ nàng. Bất chợt Kathleen hỏi chàng:
- Năm nay anh bao nhiêu rồi?
- Anh cũng không nhớ đến tuổi tác của minh, hình như ba mươi lăm thì phải.
- Hồi nãy em nghe người ta nói với nhau trong bữa tiệc là anh sắp thôi hoạt động.
- Anh sẽ thôi khi nào sáu chục tuổi. - Chàng gằn giọng - Sao, ngày mai em có đi với anh không?
- Anh đón em ở đâu?
Chàng suy nghĩ và thấy không thể tìm ra một nơi hẹn nào thích hợp. Một nhà hàng, một dạ tiệc, một hồ tắm, tại nhà một người bạn. Tất cả đều không có vẻ thích hợp với nàng. Stahr đoán thầm có thể nàng là em hay con gái của một nhân vật tai mắt nào đó nên không muốn xuất đầu lộ diện ở những nơi công cộng. Cuối cùng chàng đưa ý kiến ngày mai cứ đến đón nàng rồi sẽ quyết định sau xem nên đi đâu. Nàng trả lời:
- Khỏi, mai anh cứ đón em ở ngay chỗ này được rồi.
Chàng gật đầu và chỉ lên mái hiên chỗ hai người đang đứng.
Chàng mở cửa xe cho nàng ngồi vào sau tay lái. Đó là một chiếc xe cũ nếu mua lại ở tiệm thì chỉ độ tám chục đô. Stahr đứng nhìn theo xe nàng từ từ lăn bánh. Ở phía cổng bin-đinh có tiếng hoan hô khi một tài tử xuất hiện. Stahr lưỡng lự không biết có nên chường mặt ra hay không.
* * * * *
Sau đây là đoạn do chính Cecilia kể. Vào khoảng ba giờ sáng Stahr mới trở lại và mời tôi nhảy một bản. Chàng hỏi, như thể vừa mới trông thấy tôi:
- Sao, vui chớ Cecilia? Chú mắc bàn chuyện với một người khách lâu quá.
Chàng có vẻ giấu diếm một cách thận trọng câu chuyện chàng đi với Kathleen. Chính thái độ đó cũng là một điều bí mạt tôi không hiểu nổi. Stahr nói tiếp với một vẻ rất ngây thơ:
- Chú phải lái xe đưa ông ta đi một vòng. Phố xá nhiều chỗ thay đổi quá mà mình chẳng để ý tới gì cả.
- Vậy sao chú?
- Đúng vậy, có nhiều con đường thay đổi hoàn toàn đến nỗi chú không nhận ra được nữa. Nhiều chỗ trông tựa như một thành phố mới mọc lên.
Ngừng một lát rồi chàng lại tiếp:
- Thực chú cũng không biết nó đã thay đổi tới độ nào.
Tôi hỏi liều:
- Người khách vừa rồi chú nói chuyện là ai vậy?
Chàng trả lời hàm hồ:
- Ồ, một ông bạn cũ. Một người chú quen biết từ lâu lắm.
Trong lúc Stahr vắng mặt ở buổi dạ hội, tôi đã sai Wylie đi làm một cuộc điều tra cấp tốc xem nàng là ai. Anh ta đã tới hỏi thăm tin tức một nữ minh tinh về chiều. Cô này sốt sắng mời anh ta ngồi và nói năng lăng xăng, nhưng cô ta cũng không biết nàng là ai. Có thể nàng là bạn của một người bạn của một người nào đó. Có khi ngay cả người đã dẫn nàng tới đây cũng không biết gì về nàng.
Tôi và Stahr tiếp tục nhảy trong âm thanh thánh thót của bản nhạc I’m on a see saw. Nhảy lúc này thực là thoải mái. Sàn nhảy trống trơn và tôi cũng như Stahr đều cảm thấy cô đơn lạ, cô đơn hơn lúc nàng còn có mặt nơi đây. Người con gái đó ra đi hình như mang theo cả buổi tối của chúng tôi đi theo nàng, bỏ lại căn phòng trống trải, vô tri này. Giờ đây kể như không còn gì nữa hết. Tôi đang nhảy với một người đầu óc để tận đâu và người đó nói với tôi toàn những chuyện bâng quơ vô vị.
* * * * *
Trưa hôm sau họ gặp nhau, và điều lạ là tự nhiên cả hai cùng cảm thấy xa lạ, lạnh nhạt như thể họ mới quen nhau ở một xứ khác. Nàng trông không còn phải là cô gái mà chàng đã ôm trong tay ở cuộc khiêu vũ tối qua nữa. Hôm nay nàng đội chiếc nón hai màu xanh hồng có thắt nơ. Nàng đang đi ở khu đất trống bên kia, và chợt ngừng lại nhìn kiếm Stahr. Chàng bận bộ đồ màu nâu, thắt cà vạt đen. Chàng cảm thấy có vẻ ngượng nghịu, không được thoải mái như lúc mặc đồ làm việc thường. Nàng thấy Stahr trông không giống lúc mặc đồ dạ hội tối qua. Gương mặt, tiếng nói của chàng cũng không giống lần đầu tiên gặp nàng trong bóng tối trước cửa nhà.
Nhưng Stahr đã nhận ra nàng, chàng không thể nào lầm khuôn mặt rạng rỡ của nàng đặc biệt giống khuôn mặt Minna, và cả màu tóc nhạt gợn sóng cũng thế. Chàng muốn ôm nhẹ nàng trong một cử chỉ quen thuộc, và chỉ một thoáng nhận xét chàng đã có thể biết được từ cổ cho tới xương sống của nàng cũng như quần áo nàng đang mặc trong người. Nàng nói nhỏ như thể thì thầm bên tai Stahr:
- Bộ anh đứng chờ ở đây suốt đêm hôm qua sao?
- Anh chưa hề nhúc nhích từ hôm qua tới giờ!
Một lần nữa, cả hai lại thấy lúng túng, chẳng biết đưa nhau đi đâu bây giờ. Nàng đưa ý kiến:
- Em muốn đi uống trà. Anh xem có nơi nào người ta không nhận ra chúng mình không?
- Em cứ làm như chúng ta là những người mang tai, mang tiếng phải lẩn tránh vậy.
- Chớ còn gì nữa. - Nàng vừa nói vừa cười.
- Vậy thì ra bãi biển. Có lần anh ra đó và bị những con hải cẩu đuổi muốn chết.
- Rồi hải cẩu pha trà được không chớ?
- Biết đâu. Chúng đã được huấn luyện. Nhưng không chắc chúng làm nổi, có điều chắc là chúng không nói bép xép. Mà việc quái gì em cứ phải lẩn trốn vậy?
Sau một lát suy nghĩ, nàng trả lời nhỏ nhẹ.
- Có thể em lo cho tương lai. Nhưng biết đâu đó chỉ là một chuyện lo lắng không đâu.
Lúc Stahr bắt đầu cho xe chạy, nàng chỉ chiếc xe cũ kỹ của mình hỏi chàng:
- Xe để đây liệu có an toàn không anh?
- Không chắc. Hồi nãy anh thấy mấy tên lạ mặt râu quai nón rình rập gần đây.
Kathleen nhìn chàng, vẻ lo lắng:
- Thiệt không anh?
Stahr mỉm cười. Nàng nói tiếp:
- Lúc nào em cũng tin anh. Em thấy anh rất vui vẻ tế nhị, vậy mà sao có nhiều người lại sợ anh?
Nàng chợt nhận thấy những nét lo lắng, mỏi mệt trên gương mặt chàng:
- Công việc anh vất vả lắm sao? Có thiệt Chúa nhật nào anh cũng làm việc không?
- Không. Hồi xưa, lúc anh có nhà cửa đàng hoàng mỗi Chủ nhật có bạn bè tới thăm chơi thì anh thường chơi ten-nít và tắm với họ. Đã lâu lắm anh không đi bơi lại.
- Tại sao vậy? Bơi tốt lắm, bây giờ ai cũng đi bơi hết.
- Bỏ lâu không bơi, hình như bây giờ anh thấy chân nhỏ lại. Hồi nhỏ anh chơi thể thao nhiều và thỉnh thoảng chơi banh ở ngay bãi biển này. Sân chơi banh của anh ở đây đã bị một cơn bão cuốn đi mất tiêu từ hồi nào.
- Người anh cũng có vẻ dân xì-po lắm đấy chứ.
Chàng lắc đầu:
- Không phải. Bây giờ anh chỉ còn biết vui với công việc. Việc làm của anh rất dễ bị say mê.
- Anh thích nghề điện ảnh này từ lâu lắm rồi sao?
- Không, hồi xưa anh chỉ muốn trở thành một người trưởng phòng kế toán. Đó là người biết mọi chuyện, cái gì để ở chỗ nào.
Nàng mỉm cười:
- Bây giờ thì anh đã làm hơn thế nhiều.
- Em lầm. Hiện giờ anh cũng vẫn là một người trưởng phòng kế toán. Nếu trời có ban cho anh một cái tài gì, thì đây chính là tài của anh. Là một người trưởng phòng kế toán, nên anh có thể biết bất cứ vật gì ở chỗ nào mà mọi người không biết. Em cũng nên tập lấy thói quen để biết tại sao cái đó lại như thế, nó ở chỗ nào, chỗ của nó có phải ở đó không? Khi anh biết được như thế, thì họ bắt đầu giao công việc cho anh. Công việc càng nhiều thì càng trở nên cầu kỳ, và có nhiều cái phải nhớ. Chẳng bao lâu anh đã có một xâu chìa khóa để tìm bất cứ vật gì ở đâu. Xâu chìa khóa đó, nếu anh phải trả lại cho họ, họ sẽ không biết chìa nào dùng để mở khóa nào.
Xe ngừng lại ở đèn đỏ. Một em bé bán báo vừa chạy vừa la lớn: “Chú chuột Míc ki đã bị giết. Randoff khai chiến với nước Tàu”. Nàng bảo Stahr:
- Mua tờ báo anh.
Lúc xe bắt đầu chạy lại, nàng nắn vành nón lên và dùng hai bàn tay xoa mặt. Thấy Stahr để ý nhìn, nàng mỉm cười.
Stahr nhận thấy ở nàng một sự tỉnh táo và bình tĩnh. Đó là những đức tính cần thiết nhất trong giai đoạn này. Ở California này hiện nay đang có một không khí chán nản, mỏi mệt lan tràn khắp nơi. Hàng ngày người ta thấy có những thiếu niên nam nữ đầu óc rã rời lang thang đây đó vô mục đích. Không bù lại có nhiều người ở miền Đông đang phải chiến đấu với thời tiết một cách tuyệt vọng, vậy mà họ vẫn giữ vững tinh thần. Chính Stahr cũng nhận thấy những nỗ lực cầm cự để giữ vững tinh thần lúc này tự nhiên trở nên khó khăn, và chàng cũng không hiểu lý do tại đâu. Nhưng chàng biết chắc rằng ở những nơi khác, nghị lực và sức phấn đấu lại đang dâng lên một cách mãnh liệt.
Bây giờ họ đã cảm thấy thân mật. Nàng không có một hành động thừa thãi nào. Mọi cử chỉ của nàng đều có mục đích bảo vệ và làm gia tăng sắc đẹp của mình, phô bày sắc đẹp đó ra khỏi những chỗ bị che giấu bằng cách này hay cách khác. Chàng ngắm nghía, nhận xét nàng giống như lúc thu hình vậy. Stahr nhận thấy nàng rất tự nhiên, không có vẻ gì cố ý, gò bó. Dáng điệu nàng rất khoan thai, không có gì bối rối. Trong kho ngôn từ riêng của chàng, Stahr cho rằng người nàng tiềm ẩn sự cân bằng, tế nhị và cân đối, nàng rất ngoan.
Xe chạy tới Santa Monica, nơi đây có những dãy nhà của tài tử ở chơ vơ ngoài hòn đảo nhỏ Coney. Chàng quẹo xe chạy xuống sườn đồi dốc giữa mặt biển và trời xanh bao la trải rộng. Xe chạy dọc theo bãi biển, gần tới bãi tắm với những lượn cát vàng khi rộng, khi hẹp. Chàng chỉ tay về phía trước:
- Ở tuốt mé biển đàng kia, anh mới xây một biệt thự, anh cũng chưa biết để làm gì nữa.
- Để cho em.
- Rất có thể.
- Em nghĩ nếu anh xây cho em một biệt thự lớn trước khi anh nhìn thấy mặt em thì mới thực là điều tuyệt.
- Biệt thự này không lớn lắm đâu, và cũng chưa xong mái nữa. Anh không biết em thích kiểu mái như thế nào.
- Chúng mình không cần làm mái. Họ nói ở đây không bao giờ mưa mà anh...
Nàng chợt ngưng ngang câu nói như thể sợ nhớ tới một chuyện gì.
Nàng tiếp:
- Em nhớ tới một chuyện đã qua.
- Sao? Một căn nhà không mái khác à?
- Vâng. Một căn nhà không mái khác.
- Ở đó có vui không?
- Không. Đã lâu lắm. Em ở đó với một người, anh ta cố giữ em. Em muốn bỏ đi. Cuối cùng anh ta giữ không nổi, và em thoát.
Chàng lắng nghe những lời nói của nàng, cân nhắc từng câu nhưng không phê phán. Nét mặt nàng không có gì thay đổi dưới vành nón rộng xanh hồng. Có lẽ năm nay nàng chừng hai mươi lăm. Ở tuổi này nếu nàng chưa yêu hoặc chưa được yêu thì thật uổng.
Nàng bảo Stahr:
- Nếu chúng mình chung sống với nhau, chúng mình sẽ phải có con. Nhưng anh chưa thể có con chừng nào nhà còn chưa có mái.
Đúng vậy. Bây giờ chàng đã biết ít nhiều về đời nàng. Không còn như tối hôm qua nữa, lúc đó họ chỉ nói những chuyện bâng quơ. Đúng như trong sách vở đã dạy: “Chúng ta không biết gì về con gái hết. Chúng ta không cần biết nhiều. Nhưng chúng ta phải biết một ít”. Lai lịch của nàng giờ đây đã lờ mờ hiện ra, dù sao thì cũng rõ rệt hơn lúc chàng mới thấy nàng trên đầu pho tượng thần Siva, bồng bềnh giữa dòng nước lụt chan hòa ánh trăng.
Họ tới một nhà hàng vắng khách vì nhiều xe bị cấm vào khu này ngày Chủ nhật. Từ trên xe bước xuống, một con hải cẩu chạy lại kêu lên nho nhỏ như nhận ra Stahr. Chủ của nó kể chuyện rằng chú hải cẩu này khi đi xe nhất định không bao giờ chịu ngồi ở băng sau, mà cứ đòi ngồi trên trốc đầu xe hoặc phía sau xe. Rõ ràng là loài người đang làm nô lệ cho loài hải cẩu mà không nhận ra.
Kathleen nói:
- Em muốn đi coi ngôi nhà mới của anh. Em không đi uống trà nữa đâu.
Nàng uống một chai Coca rồi họ lại lên xe tiếp tục đi khoảng mười lăm cây số nữa dưới ánh nắng gay gắt. Xe chạy xuống một vùng đất thấp ở bờ biển và đây chính là nơi đang xây cất căn nhà của Stahr.
Những đợt sóng thi nhau đánh vào các ghềnh đá, nước bắn lên tung tỏa cả chỗ xe đậu. Máy trộn hồ, gỗ, đá còn để ngổn ngang cả, trông giống như một vết thương trong bức tranh vẽ cảnh bờ biển. Hai người đi dọc theo hàng rào cao bao bọc xung quanh ngôi nhà.
Nàng nhìn những ngọn đồi cằn cỗi ở phía sau, và có vẻ thất vọng vì ánh nắng chói chang, gay gắt. Stahr nhìn theo nàng và lên tiếng:
- Em đừng tìm kiếm những cái mà ở đây không có. Em cứ tưởng tượng như mình đang đứng trước một quả cầu có vẽ bản đồ. Hồi còn nhỏ anh luôn ao ước có một quả cầu như thế.
- Để anh có cảm tưởng rằng trái đất đang quay phải không? - Nàng hỏi Stahr sau một phút suy nghĩ.
Stahr gật đầu:
- Đúng. Và lúc nào cũng có cảm tưởng chỗ mình đang đứng sắp trở thành ban đêm hoặc ban ngày.
Hai người đi dưới những giàn cây còn bắc xung quanh tường. Phòng khách chính đã được trang bị đầy đủ với cả những kệ sách xung quanh, màn ảnh và giá đặt máy chiếu phim. Cửa phía sau phòng khách trông ra khu đất vừa mới được trồng cỏ. Ở đó nàng lấy làm ngạc nhiên thấy có kê hai bàn pinh-pông và nhiều chiếc ghế bọc da. Stahr giải thích:
- Tuần trước anh có tổ chức một bữa cơm trưa ở đây, mặc dầu nhà chưa làm xong. Cỏ với mấy thứ đồ đó mới được đưa tới cả.
- Cỏ thiệt hả anh. - Nàng vừa hỏi vừa cười.
- Thiệt chứ.
Phía xa khỏi bồn cỏ là địa điểm đang đào để làm hồ tắm, hiện thời thì các loại chim biển tới ngự trị, chúng bay túa lên khi thấy hai người tới. Nàng hỏi:
- Anh tính sống ở đây một mình, không bóng dáng đàn bà thiệt sao?
- Có thể. Anh là người ưa phát họa chương trình, nhưng hiện thời thì chưa có dự tính gì. Có lẽ đây là nơi thích hợp để đọc chuyện phim. Còn ngoài ra, phim trường mới thiệt là nhà anh.
- Em nghe nói những người làm ăn thường sống như vậy.
Stahr chợt nhận thấy giọng nói của nàng có vẻ lên mặt dạy đời:
- Người ta sanh ra mỗi người đều có số mệnh khác nhau. Nhiều người cứ bảo anh phải làm gì kẻo rồi ít nữa sẽ trơ trọi một mình trong tuổi già khi không thể làm việc được nữa. Nhưng anh nghĩ vấn đề đâu có đơn giản như vậy.
Một trận gió nổi lên. Họ cảm thấy đã tới lúc nên quay trở về. Vô tình, Stahr móc chìa khóa xe ở túi quần ra cầm quay quay trong tay. Chợt hai người người nghe tiếng chuông điện thoại vang lên từ đâu đó. Không phải ở trong nhà mà có lẽ từ ngoài sân cỏ. Hai người chạy ra vườn, nhớn nhác tìm kiếm giống như hai đứa trẻ chơi trò ẩn núp. Cuối cùng họ tìm thấy máy điện thoại ở trong một cái hộc nhỏ, gắn sâu vào tường cạnh sân ten-nít. Tiếng chuông reo đứt đoạn tự nhiên gây cho họ một cảm giác ngờ vực. Stahr tỏ vẻ lưỡng lự:
- Hay là kệ cho nó reo, đừng trả lời.
- Em không làm vậy trừ khi em biết người ở đầu dây bên kia là ai.
- Một là điện thoại của người khác, hai là họ đoán bậy mình ở đây. - Nói xong Stahr nhắc máy lên.
- Alô... Từ xa gọi tới, vâng, ở đâu? Vâng, tôi là Stahr đang nghe đây.
Nét mặt Stahr thay đổi một cách rõ rệt. Chàng có vẻ xúc động lắm. Đã lâu lắm, hàng chục năm nay, bây giờ mới có một lần chàng để lộ cảm xúc ra ngoài mặt như vậy và nàng là người may mắn được trông thấy. Không phải Stahr không muốn để lộ cảm xúc của mình, nhưng chàng thấy những lúc như thế có vẻ trẻ con quá. Chàng quay ra nói vội với nàng:
- Tổng thống.
- Ông chủ công ty của anh hay sao?
- Không. Tổng thống Hoa Kỳ.
Thấy nàng đang để ý nhận xét mình, Stahr cố làm ra vẻ tự nhiên, coi thường, nhưng giọng nói của chàng vẫn hơi run:
- Được rồi, tôi sẽ giữ máy chờ đây.
Sau khi trả lời trong điện thoại, chàng quay ra nói với nàng:
- Trước đây anh đã có nói chuyện với ông ta.
Nàng chăm chú theo dõi. Stahr mỉm cười và nháy mắt với nàng để tỏ ra trong lúc quan trọng bận rộn nhất chàng cũng vẫn không quên nàng.
Stahr nói vào máy:
- Alô!
Chàng lắng nghe một lát, rồi lại lên tiếng:
- Alô!
Chàng hơi nhăn mặt, nhưng vẫn nói với giọng lịch sự:
- Xin Ngài vui lòng nói lớn một chút.
Sau đó Stahr hỏi nhanh:
- Ai? Sao?
Nàng nhận rõ những nét bực tức hiện ra trên mặt chàng, Stahr lên tiếng:
- Tôi không muốn nói với hắn. Không!
Rồi chàng quay qua nói với nàng:
- Chuyện quái đảng ngoài sức tưởng tượng, một người rừng muốn nói chuyện với anh.
Stahr nghe người ở đầu dây kia giải thích một hồi, rồi chàng nhắc lại:
- Thôi đi, Lew à. Ai mà biết nói gì với người rừng bây giờ?
Chàng dùng ngón tay làm hiệu, ngoắc Kathleen lại gần, để ống nghe vào gần tai cho nàng nghe thấy những tiếng thở hổn hển và gầm gừ. Người ở đầu dây bên kia lên tiếng:
- Stahr à, đây là người rừng thiệt chớ không phải giả đâu. Hắn giống hệt với người rừng mà ông McKinley đã tìm ra vậy đó. Ông Horace Wiekersham hiện có mặt ở đây và ông ta có cả cuốn phim của người rừng của McKinley để mình nhận xét...
Stahr có vẻ sốt ruột:
- Hồi xưa mình cũng đã cho một con đười ươi đóng phim và... Gilbert đã bị nó cắn mất một mảng thịt... Thôi, được rồi, anh để cho hắn nói thử coi.
Sau đó Stahr lấy giọng chậm rãi như khi nói với một đứa trẻ:
- Alô, ông người rừng có nghe tôi nói không?
Chàng biến đổi sắc mặt và quay qua nói với Kathleen:
- Nó nói “Alô” em ạ.
- Anh thử hỏi tên là gì xem nó nói sao.
- Alô, người rừng! Trời đất quỷ thần, gì vậy? Anh có biết tên anh là gì không?... Hình như nó không biết... Này, Lew đấy à? Thôi đi nhá, chúng ta không sản xuất loại phim Kinh-Kong đâu. Không, trong phim Đười ươi tóc dài mình cũng không cần đến người rừng... Không. Không có nói gì đến vần đề đười ươi hay người rừng trong đó cả... đó chỉ là đặt cái tựa vậy mà... Đười ươi ở đây là tên đặt cho một nhà trinh thám đó. Ừ,... ừ. Thôi, cúp nghe.
Stahr đã bực bội với Lew, vì lúc trước chàng lầm tưởng đó là điện thoại Tổng thống kêu tới. Nghĩ lại thái độ và cử chỉ của mình Stahr cảm thấy ngượng với Kathleen.
Nhưng ngược lại, tuy ái ngại cho chàng, nhưng nhờ đó nàng cảm thấy mến Stahr hơn và tỏ vẻ vui thích vì chuyện người rừng vừa rồi.
* * * * *
Hai người ra về lúc xế trưa. Họ lái xe dọc theo bờ biển với mặt trời đuổi theo ở phía sau. Nhìn lại bóng dáng căn nhà xa xa, họ cảm thấy nó có vẻ dễ thương hơn trước. Ngôi nhà hình như đã được sưởi ấm nhờ cuộc thăm viếng vừa rồi. Ánh nắng gay gắt trở nên dễ chịu hơn, khi họ biết rằng mình không nhất thiết bị giam hãm ở đây như trường hợp những người bị cô lập trên cung trăng. Từ một khúc quanh ở bờ biển, hai người nhìn về phía chân trời ở đàng sau ngôi nhà chưa có hình thù nào nhất định. Những áng mây màu hồng khiến căn nhà thân mật lạ lùng với một tương lai đầy hứa hẹn.
Xe chạy qua bãi tắm Malibu, hai người cảm thấy họ đang đi trở về gần với xã hội văn minh hơn khi nhìn những chiếc thuyền đánh cá, những dãy xe hơi đậu ngổn ngang trên các sườn đồi gần bãi biển, trông chẳng khác nào những con kiếng đang bò. Mặt biển nhấp nhô hàng ngàng chiếc đầu đen rải rác khắp nơi.
Càng ngày những vật dụng của khách tắm biển càng hiện ra nhiều hơn. Nào là dù, nệm, khăn lông, giỏ quần áo, lò nấu ăn... Thôi thì đủ thứ xiềng xích con người tạm thời tháo bỏ ngổn ngang trên bãi cát. Người ta tới đây lặn hụp, nhúng chân, tay vào những bồn nước thiên nhiên của trái đất này, những mong gọt bỏ được phần nào đớn đau cuộc thế. Riêng Stahr, đã từ lâu chàng cảm thấy biển không còn phải của mình, và chàng cũng quên không còn biết xử dụng làm sao nữa.
Stahr cho xe chạy vào một con đường quẹo lên sườn đồi, bỏ lại lũ người ngổn ngang ở bãi biển. Từ đây bắt đầu là ngoại ô thành phò. Chàng ngừng xe đổ thêm xăng. Đứng tựa vào sườn xe, Stahr có vẻ hơi bồn chồn:
- Chúng ta đi kiếm cơm ăn thôi chứ?
- Cứ việc theo chương trình của anh.
- Không, chiều nay anh chẳng có việc gì làm và cũng không biết đi đâu.
Chàng nói vậy và biết rằng nàng cũng không hơn gì mình. Quả nhiên nàng đồng ý ngay:
- Anh có muốn ăn cơm trong tiệm tạp hóa phía bên kia đường không?
- Em thích vậy sao?
- Em thích như vậy, vì trong đó có một vẻ thâm u, lạ lùng đặc biệt.
Họ đưa nhau vào tiệm tạp hóa có bán đồ ăn, ngồi lên hai chiếc đôn cao ở một quầy ăn trong góc tiệm, kêu thức ăn. Hai người ăn ngon lành trong bầu không khí thân mật, và kể từ giờ phút này họ cảm thấy sợ sự cô đơn. Họ cùng ngửi thấy đủ thứ mùi vị của các thứ hàng trong tiệm, và nhận thấy ở cô bồi bàn hình như có một không khí bí mật bao quanh với bộ tóc nhuộm đen đã bạc màu. Lúc họ đứng lên thì trong dĩa của mỗi người chỉ còn sót lại có vài lát khoai chiên.
Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Lúc này có mỉm cười chắc chàng cũng chả trông thấy được. Nàng lên tiếng:
- Cảm ơn anh nhiều, hôm nay em được hưởng một cuộc đi chơi thiệt là vui.
Gần tới nhà nàng, xe bắt đầu lên dốc, tiếng động cơ kêu lớn hơn, ánh sáng của những căn nhà trệt bắt đầu hiện ra. Màu sắc và âm thanh đó như báo cho hai người biết đã tới lúc chia tay, cuộc vui hầu tàn. Stahr bật đèn xe và cảm thấy hơi đau ở bao tử. Bỗng nhiên chàng buột miệng:
- Hay chúng ta đi ra bãi nữa đi.
Nàng nói nhanh như thể đã đoán trước được ý định của chàng:
- Thôi anh à. Em sẽ viết cho anh một lá thơ để nói rõ hơn về trường hợp của em. Anh làm việc vất vả quá, cần nghỉ ngơi đôi chút, và nên lập gia đình trở lại. Dù sao cảm tình của em đối với anh vẫn nguyên vẹn như hôm nay.
Chàng phản đối:
- Thôi, anh xin em, đừng nói những chuyện đó. Hôm nay chúng ta hãy sống trọn vẹn cho nhau và chỉ biết có hai đứa mình. Anh muốn được gần em để nói về chuyện của chúng mình nhiều hơn.
Nhưng nếu muốn được gần nhau nữa thì nhất định chàng phải vào phòng của nàng, vì xe đã gần tới trước cửa nhà và nàng đang lắc đầu lia lịa.
- Em có việc phải đi bây giờ. Em đã quên không nói cho anh hay trước.
- Anh biết em không đi đâu hết. Nhưng thôi, chả sao.
Chàng đi theo nàng tới trước bậc cửa, đứng ngay ở chỗ vết chân mà chàng đã đứng trong đêm trước, trong khi nàng mò tay trong ví tìm chìa khóa cửa.
- Thấy chưa em?
- Đây rồi.
Nàng đã bước vào trong nhưng còn đứng lại ở cửa nhìn lại chàng. Nàng nghiêng hẳn đầu ra ngoài, ngó bên phải, bên trái cố nhìn rõ mặt chàng trong đêm tối. Thình lình chàng nắm lấy bàn tay nàng kéo lên miệng đặt vào đó một cái hôn. Rồi chàng ôm lấy vai nàng và kéo vào đêm tối. Cằm chàng rà nhẹ trên má nàng. Nàng sẽ kêu “Ơ”, nhưng rồi nàng nhắm mắt lại, để mặc cho những cảm giác diễn tiến. Bàn tay nàng nắm chặt chiếc chìa khóa đang cầm. Nàng lại kêu lên se sẽ: “Ơ”, rồi đột nhiên khoảng cách đêm tối giữa chàng và nàng tự nhiên biến mất. Nàng cảm thấy mình vừa hòa tan vào một thế giới khác.
Lúc hai người đã rời nhau, nàng sẽ lắc đầu không phải để phủ nhận cảm giác vừa qua, nhưng hình như nàng lấy làm ngạc nhiên. Tình cảm của nàng luôn luôn như vậy, sự việc xảy ra là do chính hành động của nàng tạo nên, nhưng rồi nàng lại muốn lìa xa tình cảm đó: một việc làm còn nặng nề và khó khăn hơn gắp bội. Nàng không thể trách chàng, vì người đàn ông bao giờ cũng đầy thèm muốn, và chính nàng đã bằng lòng. Nàng đã chỉ chiều theo ý của chàng, tuy nhiên nàng cảm thấy mình không có quyền dự phần vào sự thèm muốn đó. Lần này nàng đã thất bại, nhưng sau này liệu sẽ còn bao nhiêu lần thất bại khác nữa. Nếu bây giờ nàng đi vào đóng cửa lại cũng chưa hẳn là một sự chiến thắng. Nhưng đó chỉ là một sự trở về với con số không nàng không có gì hết.
Nàng nói sẽ:
- Em thiệt không muốn có chuyện như vậy. Em không bao giờ có ý như thế.
- Cho anh vào chứ?
- Í, không, không anh à!
- Vậy thì ra xe, chúng ta đi nữa.
Nàng cảm thấy như người sắp chết đuối vớt được phao. Nàng đồng ý ngay, nàng muốn chạy trốn khỏi nơi đây, và có cảm tưởng sự trốn chạy này là giai đoạn chót của cuộc phiêu lưu. Nàng lờ mờ cảm thấy như thế, và muốn đi ngay như tội nhân rời khỏi phim trường. Lúc xe bắt đầu chạy, hai người cảm thấy những cơn gió mát vuốt ve bên má và dần dần trở nên tỉnh táo. Bây giờ nàng đã phân biệt được đen, trắng rõ ràng. Nàng lên tiếng trước:
- Em muốn trở lại căn nhà ngoài bãi biển.
- Tới đó sao?
- Vâng. Lúc này em chỉ muốn ngồi trên xe đi đâu cũng được.
* * * * *
Lúc hai người trở lại bãi tắm Santa Monica bầu trời đã tối sẫm, một cơn mưa nhẹ hạt kéo tới. Stahr ngừng xe bên đường, kéo mui lên và bảo Kathleen: “Bây giờ thì nhà có mái rồi em nhé”.
Hai cây gạt nước quay đều đều như chiếc đồng hồ quả lắc. Nhiều xe ướt đẫm lũ lượt từ bãi biển chạy ngược trở về thành phố. Đi một quãng nữa, chàng lọt vào vùng sương mù. Không còn trông thấy lề đường đâu nữa. Đèn pha của những chiếc xe ngược chiều trông như thể những ngọn đèn để yên một chỗ, cho tới khi chúng lóe sáng lên vụt qua xe mình mới hết.
Hai người cảm thấy nhẹ nhõm. Hình như họ đã trút bớt gánh nặng lại phía sau. Vài cơn gió lạnh lọt qua khe kính vào trong xe mát rượi. Kathleen âm thầm bỏ nón ra để ở băng sau và chậm rãi làm gọn lại mái tóc. Stahr chăm chú theo dõi cử chỉ của nàng và khi bắt gặp, nàng chỉ mỉm cười.
Nhà hàng có con hải cẩu tinh khôn chỉ còn lờ mờ một ít ánh sáng ở phía trước. Stahr quay bớt kính xuống, ngó ra ngoài để nhìn đường. Một lúc sau, xe ra khỏi vùng sương mù, con đường dẫn tới ngôi nhà chàng hiện ra rõ dưới ánh trăng nhạt. Ngoài mặt biển vẫn còn những chấm sáng.
Trời tối, căn nhà trông như có vẻ nhỏ lại. Ánh đèn mờ mờ ở cổng hiện ra. Hai người lom khom đi qua những chướng ngại gỗ, đá ngổn ngang vào tới trong nhà. Họ vào căn phòng độc nhất vừa làm xong hãy còn đầy mùi mạt cưa, gỗ mới khắp nơi. Stahr ôm nàng trong tay, mặt hai người gần kề và họ nhìn thấy rõ hai con mắt của nhau trong bóng tối lờ mờ. Nàng chợt nói sẽ:
- Chờ một chút nữa anh.
Tại sao nàng lại cần một phút chờ đợi như thế? Để nàng suy nghĩ lại những việc đã qua và hoàn cảnh hiện tại. Suy nghĩ để làm gì nàng cũng không biết, nhưng chắc chắn một phút đó không thể khiến nàng đủ sức ngừng lại ở đây được. Chiếc áo mưa của Stahr đã tụt xuống sàn nhà, và nàng thấy chàng hơi run run.
Ngay lúc đó nàng cảm thấy cánh tay chàng đang ôm nàng nới lỏng ra. Nàng vội vàng nói những lời khuyến khích và kéo ghì đầu chàng xuống ngực mình, hai đầu gối nàng sẽ chuyển động để trút bỏ một cái gì đó, nàng vẫn đứng, một tay ôm chàng và đá vật đó ra gần chiếc áo mưa. Lúc này Stahr không còn run nữa, chàng ôm nàng, rồi họ cùng quỳ xuống và lăn lộn trên chiếc áo mưa.
* * * * *
Sau đó họ cùng nằm im lặng, không ai nói gì. Chàng cảm thấy tự nhiên thương mến nàng vô tả, và ôm ghì nàng thật chặt đến nỗi một chiếc nút áo bị đứt bung ra. Tiềng kêu của chiếc nút áo bị đứt đưa họ trở về với thực tại. Chàng nắm tay nàng:
- Để anh đỡ em dậy.
- Không. Kệ em.
Nàng nằm trong đêm tối với đầu óc vơ vẩn, mơ hồ, tưởng rằng chàng là một kẻ xuất sắc không bao giờ thấm mệt, nhưng sau cùng rồi nàng cũng để cho chàng dìu lên... Khi nàng trở lại, căn phòng đã được bật sáng bởi một bóng đèn duy nhất giấu trong tường. Chàng nói:
- Đây là hệ thống ánh sáng một bóng đèn. Anh tắt đi nhé.
- Không, em thích để vậy, em muốn nhìn rõ anh.
Hai người ngồi trên một băng ghế dài gần cửa sổ với đế giày của mỗi người chạm vào nhau. Nàng lên tiếng:
- Trông anh có vẻ suy tư.
- Em cũng vậy.
- Anh lấy làm lạ lắm sao?
- Chuyện gì?
- Chuyện chúng mình vừa rồi. Có bao giờ anh nghĩ hay muốn rằng mình là một, nhưng rồi cuối cùng vẫn là hai.
- Anh thấy mình rất gần gũi nhau.
- Em cũng vậy.
- Cám ơn em.
- Cám ơn anh.
Rồi cả hai cùng cườí.
- Có phải đêm rồi anh cũng muốn vậy không?
- Anh không rõ lắm.
- Em không biết tới bao giờ đàn ông mới thoát được chuyện đó. Có lúc thì họ dửng dưng. Có lúc thì làm như chết đến nơi nếu không có chuyện đó.
Đó là một cái vòng lẩn quẩn và chàng cảm thấy mến nàng hơn vì những nhận xét tế nhị của nàng. Đuổi bắt để nhận diện lại quá khứ chính là điều sở thích say mê của chàng.
Nàng lên tiếng nối theo ý tưởng của chàng:
- Em ở tệ với Edna quá.
- Nàng là ai?
- Đó chính là người mà anh đã lầm với em. Anh đã điện thoại cho cô ta. Cô ta ở bên kia đường, trước cửa nhà em. Bây giờ thì chị ấy dọn đi Sancta rồi.
- Bộ cô ta làm đó hay sao mà dọn tới khu đó?
- Cũng gần như vậy.
- Kỳ thiệt.
- Chị ấy có đời sống bình thường y như những người khác. Em đâu có biết chị ấy làm nghề đó. Mãi tới lúc dọn đi chị ấy mới cho em hay.
Chàng thấy nàng rùng mình và vội vàng lấy chiếc áo măng-tô khoác lên vai nàng, rồi mở tủ lôi ra một đống nệm và gối. Có cả một hộp nến trong tủ. Chàng thắp nến để chung quanh và cắm lò sưởi điện.
- Tại sao Edna lại có vẻ sợ anh?
- Vì anh là một ông chủ hãng. Chắc nàng hay bạn của nàng đã từng gặp những chuyện ghê gớm với mấy ông chủ hãng như anh. Tội nghiệp!
- Tại sao em lại quen nàng ta?
- Cô ấy sang nhà em chơi. Chắc cô ta tưởng rằng em cũng thuộc loại lang bang. Cô ta cố làm quen với em, lâu rồi hai đứa thành bạn với nhau.
Nàng đứng lên để chàng trải nệm lên chiếc băng:
- Em vô dụng quá. Còn gì sửa soạn nữa không anh?
- Có gì đâu, em cứ ngồi yên đi cho ấm một chút.
Stahr quàng tay ôm ngang lưng nàng. Họ ngồi im lặng một lát rồi nàng tên tiếng:
- Edna đã cho em biết vì sao lúc đầu anh đi kiếm em.
- Cô ta nói gì với em?
- Cô ấy bảo tại vì em giống Minna. Có nhiều người cũng đã từng nói với em như vậy.
Chàng nghiêng người khỏi nàng và gật đầu. Nàng cầm bàn tay chàng để lên má nàng:
- Có phải em giống nàng ở chỗ này không, đây nữa phải không?
- Đúng. Thiệt là kỳ lạ, em trông giống nàng còn hơn cả chính hình ảnh của nàng trên màn ảnh nữa.
Nàng đứng lên, nói sang chuyện khác và làm một cử động như thể nàng vừa cảm thấy sợ sệt điều gì. Nàng tiến tới mở tủ, đứng lúi húi một lát và khi quay ra nàng mặc một chiếc yếm làm bếp nhỏ. Nàng nhìn quanh phòng một lát và phê bình:
- Chúng mình mới dọn tới, dĩ nhiên nó phải bừa bộn.
Rồi nàng mở cửa đi ra hành lang, đem vào hai chiếc ghế, lấy khăn lau khô. Chàng chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nàng và sợ rằng thình lình nàng có thể tan biến đi mất. Chàng đã nhìn nhiều thiếu nữ trong các phim trắc nghiệm tuyển chọn tài tử, và thấy rằng sắc đẹp của họ mỗi lúc một biến mất đi lần lần, và cuối cùng chỉ còn là những cử động nghèo nàn giống rhư một pho tượng biết đi với cử chỉ máy móc của một hình nhân múa rối làm bằng giấy. Ở Kathleen, chàng nhận thấy những nét mềm mại tự nhiên, nhưng sự mềm mại đó lại hầu như một ảo giác rất dễ dàng tan biến. Nàng lên tiếng khiến tư tưởng Stahr bị cắt ngang:
- Hết mưa rồi anh à. Hôm em mới tới, trời mưa một trận kinh khủng, tiếng nước đổ xuống nghe như tiếng vó câu của hàng ngàn con ngựa đang chạy.
Chàng cười:
- Rồi em sẽ thấy thích những trận mưa như thế, nhất là khi em có ý định ở lại đây. Sao, em có tính ở lại không? Bây giờ nói cho anh nghe được chưa, gì mà có vẻ bí mật quá?
Nàng lắc đầu:
- Chưa phải lúc, mà cũng không có gì đáng nói.
- Không thì lại đây với anh vậy.
Nàng đi lại đứng gần chàng. Stahr cọ má vào chiếc yếm làm bếp của nàng và cảm thấy những sợi vải mềm mại.
- Anh không được khỏe lắm.
- Khỏe về chuyện này hả?
Nàng nói nhanh:
- Không phải vậy. Ý em muốn nói là anh làm việc nhiều quá.
- Đừng giở giọng mẹ con.
- Thôi, em hổng thèm nói nữa. Vậy anh muốn em làm gì bây giờ?
Stahr nghĩ thầm: anh muốn em là một cô gái chịu chơi. Nhiều lúc chàng chỉ muốn cho cuộc đời trở nên tan vỡ hết. Nếu quả thực là chàng sắp chết như lời của hai ông bác sĩ đã nói, thì trước khi chết một thời gian chàng muốn rằng mình không phải là ông Stahr tỷ phú, giàu có nữa. Nhưng chàng muốn trở thành một thanh niên thuộc loại nghèo mà ham, lang thang theo đuổi những mối tình tuyệt vọng, những bóng dáng giai nhân, nhưng không có gì để tặng cho người đẹp cả. Phải, chàng đã chán cảnh giàu có, và chỉ muốn trở thành một thiếu niên vô danh đi lang thang trên đường phố tối.
Kathleen sẽ lên tiếng:
- Anh cởi dùm em cái yếm làm bếp ra với.
- À.
- Liệu còn ai đi ngoài bãi không anh. Em muốn đem nến ra cắm ở bên ngoài.
- Thôi, đừng em.
* * * * *
Nàng nằm nghiêng người trên mặt nệm trắng nhìn chàng:
- Em có cảm tưởng như mình là thần Vệ Nữ.
- Tại sao em nghĩ vậy?
- Anh thử nhìn em coi, không giống là gì?
- Ừ, em cho là giống thì nó giống.
- Có nhiều lúc em cảm thấy thiệt sung sướng, và thấy anh thiệt dễ thương.
- Em có vẻ biết nhiều chuyện.
- Anh nói sao em không hiểu.
- Qua cử chỉ và ngôn ngữ của em, anh thấy em là người hiểu biết nhiều.
- Nếu nói về học vấn thì chưa bao giờ em đặt chân tới trường Đại học. Nhưng người đàn ông mà em đã có nói với anh, hắn có ý định giáo dục em. Hắn bắt em đọc đủ mọi loại sách, kể cả các sách về triết học và hội họa. Em nghĩ rằng có lẽ hắn giữ em ở lại là vì muốn giáo dục em.
- Em đã đọc những tác giả nào?
- Em chẳng nhớ quái gì. Bây giờ thì em quên hết và sau này chắc chả bao giờ em gặp ai như hắn nữa.
Suhr có vẻ cảm động:
- Em nên cố nhớ, không được quên, vì học vấn là điều đáng quý.
- Em đâu còn phải là học sinh.
- Em có thể nhớ để dạy lại cho con cái sau này.
- Thiệt sao?
- Đúng vậy. Vì còn nhỏ không được học, nên bây giờ muốn biết điều gì anh cứ phải chạy đi hỏi lung tung. Anh hay hỏi những nhà văn, nhà thơ say sưa, vì họ không bao giờ tiếc lời nói cả.
- Được, em sẽ cố nhớ để dạy cho con. Nhưng nhiều lắm, làm sao nhớ hết. Mình càng học càng thấy nhiều chuyện khác chưa biết. Đúng là càng học càng thấy dốt. Nếu hắn mà không điên điên, khùng khùng thì có lẽ hắn cũng làm được nhiều việc lắm.
- À, vâng, em đã yêu với tất cả sự bồng bột.
Nàng mơ màng nhìn qua cửa sổ và tiếp:
- Này anh, ngoài bãi có ánh đèn, chúng ta thử ra xem.
Chàng nhảy vội xuống đất:
- Hả, có lẽ cá găm xuất hiện.
- Cái gì anh?
- Hồi chiều anh thấy các báo có loan tin tối nay cá găm xuất hiện mà.
Chàng chạy vội ra ngoài xe. Nàng nghe tiếng mở cửa xe và sau đó chàng trở vào với tờ báo trên tay:
- Mười giờ mười sáu phút. Tức là còn năm phút nữa.
- Nguyệt thực hay là gì vậy anh?
- Không, giờ cá xuất hiện ở bãi. Em bỏ giày, vớ ra đi với anh.
Ngoài bãi bầu trời trong xanh dưới trăng sáng. Thủy triều bắt đầu dâng. Hàng đàn cá găm đông đảo chờ sẵn ngoài khơi. Đúng mười giờ mười sáu phút, chúng theo nước dâng, tràn vào bãi biển phơi mình trắng xóa trên bãi cát, bơi lượn xung quanh chân người. Chúng bơi từng hai con, ba con một hay có khi từng đàn cả chục con. Một người da đen hăm hở nhặt từng con bỏ vào hai chiếc sọt lớn. Anh ta lượm mỏi tay, chẳng mấy lúc đã đầy sọt. Anh ta cười với Stahr:
- Giá có vài sọt nữa cũng chứa không hết.
- Cá này anh đem đi bán ở đâu?
- Đem lên Malibu. Nhưng hình như những người làm điện ảnh không thích ăn cá mấy.
- Đi xa quá như vậy mà bán được bao nhiêu tiền, có bỏ công không?
- Nhân tiện tôi đi chơi luôn và mua mấy tờ báo về đọc. Tuy sống bằng cá, nhưng tôi chỉ có một cái thú là đọc báo.
Những lượn sóng bắt đầu vỗ vào bãi và kéo theo cá ra khơi, để lại bãi cát vàng trơ trọi như trước. Anh da đen hỏi Stahr:
- Ông làm gì?
- Điện ảnh.
- Ồ, tôi chưa bước chân vào rạp chiếu bóng bao giờ.
- Tại sao vậy?
- Tôi thấy nó chẳng ích lợi gì. Tôi cấm luôn cả mấy đứa nhỏ không cho đi coi xi-nê bao giờ.
Stahr nhìn anh ta, và Kathleen nhìn Stahr. Nàng nói:
- Cũng có phim hay chớ.
Một đợt sóng mạnh chạy vào bờ, nước bắn lên tung tóe khiến anh ta không nghe được câu nói của nàng. Nàng muốn thay đổi quan niệm của anh ta đối với điện ảnh, nên nhắc lại lần nữa, nhưng anh ta tỏ vẻ lãnh đạm. Stahr hỏi:
- Những người da đen khác có thích điện ảnh không?
- Họ chả hiểu những cuốn phim đó muốn nói cái gì. Mỗi tuần mỗi đổi phim khác, chẳng có một vấn đề gì nhất định, chắc chắn.
Có lẽ chỉ có những cá găm trắng phau kia là chắc chắn nhất. Đã nửa tiếng rồi, chúng vẫn còn tiếp tục tiến vào từ ngoài khơi. Gã da đen gánh hai thúng cá đầy lên khỏi bãi, tiến vào đường cái, không hề biết rằng quan niệm của anh ta có thể khiến kỹ nghệ điện ảnh phải lung lay.
Stahr và Kathleen cũng trở về. Nàng nghĩ không biết làm sao cho bớt lạnh. Gió lúc này đã thổi mạnh. Từng đợt sóng thi nhau đập vào bờ, bột trắng bắn tung tóe. Nàng lên tiếng:
- Tội nghiệp mấy anh cột nhà cháy, mấy ảnh chả biết điện ảnh là cái gì cả.
- Đừng trách họ. Họ có loại điện ảnh riêng của họ.
Về tới phòng, Kathleen đi giày vớ vào ngồi trước lò sưởi:
- Em cảm thấy thích California hơn. Có lẽ tính em hơi lang bang, không được nết na lắm.
- Không hẳn như vậy.
- Anh biết không như vậy?
- Gần em anh thấy vui.
Nàng thở dài một tiếng sẽ và đứng lên, rất sẽ nên Stahr không nghe thấy.
- Anh không thể để mất em. Dầu em nghĩ thế nào về anh. Nhưng chắc em cũng đã thấy tình anh đối với em như thế nào rồi...
Chàng ngừng lại một lát, hình như không chắc chẳn lắm về lời nói của mình:
- Em là người đàn bà đẹp say đắm, mà không biết đã từ bao giờ anh chưa từng gặp. Anh không thể không nhìn em suốt ngày. Đôi mắt em khiến cho cả thế giới này khi nhìn thấy phải thở dài...
Nàng vừa cười vừa kêu lớn:
- Thôi anh đi, cho em xin! Anh làm em về nhà có lẽ phải đứng trước gương soi cả tuần lễ xem thử mắt mình như thế nào. Đối với một cô gái ở nước Anh thì em kể là có hàm răng khá.
- Răng em rất đẹp.
- Nhưng so với các cô minh tinh điện ảnh ở Hollywood này thì em chưa đáng xách dép cho họ....
- Em không được nói vậy. Nhận xét của anh rất chính chắn.
Nàng đứng lặng thinh, nhìn mình, rồi nhìn chàng, rồi lại nhìn mình. Hình như nàng muốn nói điều gì nhưng lại thôi không nói nữa. Cuối cùng nàng thốt nhanh:
- Thôi, đi anh!
* * * * *
Họ lái xe trở lại con đường cũ. Ngày hôm nay như thể là bốn lần họ đi qua con đường này, và mỗi lần đều cảm thấy mình là một con người khác. Vui buồn, háo hức, tò mò, thèm muốn, tất cả hình như đã lùi vào quá khứ. Bây giờ là lúc trở về với con người thực của chính mình, với tất cả tương lai, dĩ vãng của mình và công việc ngày mai bày ra trước mắt. Chàng bảo nàng ngồi sát lại phía mình. Nàng làm theo, nhưng cũng không cảm thấy gần nhau hơn. Sự thân mật trước đây mấy tiếng đồng hồ không còn để lại dư âm gì cả. Mấy lần chàng đã định lên tiếng mời nàng về nhà ngủ với mình, nhưng lại thôi, vì sợ nàng biết mình là con người quá cô đơn. Lúc xe bắt đầu lên dốc chạy về hướng nhà nàng, Kathleen đưa tay lại phía sau rờ tìm một vật gì đó ở nệm xe.
- Em kiếm gì vậy?
- Có lẽ nó rớt ra ngoài rồi. - Nàng vừa trả lời vừa mò tìm trong xắc tay.
- Mà cái gì vậy em?
- Một bao thơ.
- Quan trọng không?
- Không.
Lúc tới nhà, Stahr bật đèn trong xe, và nàng lật cả nệm xe lên kiếm cũng không thấy. Nàng bảo Stahr:
- Thôi, không sao đâu anh. Chắc rớt ra ngoài xe mắt rồi. À, địa chỉ thực sự hiện tại của anh bây giờ là chỗ nào?
- Bel-air. Không có số nhà.
- Bel-air là ở đâu?
- Một khu đang mở mang gần Santa Monica. Nhưng mà em cứ kiếm anh ở phim trường tiện hơn.
- Vâng, được rồi. Thôi, em về, cảm ơn ông Stahr nhiều.
Chàng nhắc lại, một cách ngạc nhiên:
- Ông Stahr?
- Cám ơn anh, chúc anh ngon giấc đêm nay. Vậy được chưa?
Chàng cảm thấy như bị đẩy xa khỏi nàng thêm chút nữa.
- Tùy em.
Stahr cảm thấy không chịu được không khí ngăn cách giữa hai người. Chàng nhái theo điệu bộ nàng hay làm, nghiêng đầu bên này, bên kia nhìn nàng và nói không thành tiếng: “Em biết chuyện gì sẽ tới với anh không?” Nàng thở dài và để chàng ôm mình trong vòng tay, và trong giây lát cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về chàng. Trước khi tình thế thay đổi, Stahr thì thầm lời tạm biệt bên tai nàng và quay trở ra xe.
Lái xe vòng trở xuống đồi, Stahr cảm thấy một bản họp tấu lạ lùng, mãnh liệt, chỗ sai, chỗ đúng nổi lên trong lòng lần đầu tiên. Chủ đề có lẽ đã hiện ra, nhưng nhạc sĩ mới bắt tay sáng tác nên chưa nhận thấy ngay. Hòa tấu khúc trong lòng chàng có thể lẫn lộn với tiếng còi xe đủ loại trên mặt lộ kia. Cũng có lúc lại thâm trầm như tiếng trống đổ đều trong đêm trăng. Chàng lắng nghe thứ âm nhạc vừa mới bắt đầu nổi lên đó, thứ nhạc chàng cảm thấy thích nhưng không hiểu nổi.
Bên cạnh những âm thanh là hình ảnh người da đen với hai thúng cá trắng phau cũng hiện lên. Có thể giờ này anh ta đang ngồi ở nhà đợi Stahr, hay chờ chàng trong phim trường. Anh ta đã bảo cấm không cho con cái đi xem chiếu bóng. Thực là một thành kiến sai lầm cần phải gột bỏ bằng cách này hay cách khác. Một phim, hai phim, nhiều phim, một thập niên điện ảnh sẽ phải phá bỏ được thành kiến đó. Từ lúc nghe anh ta nói, Stahr đã quyết định loại bỏ bốn phim trong chương trình sản xuất, trong đó có một cuốn vừa bắt đầu tbực hiện tuần này. Đó là những cuốn phim khó hiểu. Stahr suy nghĩ lại những lời nói của anh da đen và thấy chúng vô giá trị. Chàng lấy lại một phim trước đây đã quăng trả cho bọn chó sói Brady, Marcus và đồng bọn để tính chuyện khác. Quyết định làm lại cuốn phim này là vì người da đen.
Stahr vừa lái xe về tới nhà là đèn trước cửa đã bật sáng, và người Phi Luật Tân giúp việc cho chàng tới đem xe vào ga ra. Trong thư phòng, Stahr thấy tờ giấy ghi một dọc tên những người đã gọi điện thoại tới:
“La Borwitz
Marcus
Harlow
Reinmund
Reinmund
Fairbanks
Brady
Colman
Skouras
Fleishacker,” vân vân...
Người giúp việc Phi Luật Tân đem vào cho chàng một bao thơ:
- Thưa cậu cháu thấy nó rớt ra ngoài xe.
- Cảm ơn bác, tôi đang kiếm từ nãy tới giờ.
- Thưa, tối nay cậu có coi phim không ạ?
- Không, cảm ơn bác, bác cứ việc đi ngủ đi.
Stahr cầm bức thơ lên và ngạc nhiên nhận thấy đề gởi cho chính chàng. Chàng tính bóc ra coi, nhưng chợt nhớ lại nàng đã tìm kiếm bức thơ trên xe và có ý muốn thu hồi lại. Giá nhà nàng có điện thoại thì chàng có thể gọi tới để hỏi cho rõ trước khi đọc. Chàng cầm bức thơ trong tay, nó đã được viết lúc trước khi hai người đi chơi với nhau và chàng có thể cho rằng những điều nàng viết trong thơ hiện không còn giá trị nữa. Bức thơ lúc này chỉ còn là một kỷ vật đánh dấu những cảm tình của nàng đối với chàng trong một lúc nào đó.
Dù sao Stahr cũng không muốn đọc bức thơ trước khi chưa hỏi lại nàng. Chàng ngồi vào bàn trước một chồng chuyện phim và cầm tập trên cùng để xuống đùi. Chàng lấy làm hãnh diện vì đã tự chủ được mình; không xé bức thơ ra điều đó chứng tỏ đầu óc chàng luôn luôn sáng suốt. Với Minna trước kia cũng thế, chàng không bao giờ bị mất bình tĩnh, kể cả lúc mới gặp nhau trong một mối tình hết sức thơ mộng, vương giả. Tình nàng đối với chàng luôn luôn tha thiết cho tới lúc chết. Và điều xảy ra ngoài ý muốn, khiến chàng ngạc nhiên là lòng trìu mến đã đưa chàng tới chỗ yêu nàng và yêu luôn cả sự chết. Chàng cảm thấy nàng quá cô đơn trong cõi chết và muốn cùng đi với nàng tới nơi đó.
Nhưng nếu nói chuyện “mê dại vì gái” thì chưa bao giờ chàng bị mắc vào cái tật ấy cả. Chính đứa em của chàng mới là loại người dại gái, hắn đã bị hết bà này tới bà khác, rồi bà khác nữa làm cho tả tơi như chiếc mền rách. Nhưng Stahr thì không, ngay từ lúc còn trai trẻ mới lớn lên, chàng cũng chỉ yêu có một lần, chưa bao giờ đến bận thứ hai, giống như người chỉ uống thứ rượu có một lần rồi thôi. Trí óc chàng đổ dồn vào những cuộc phiêu lưu khác ích lại hơn là những phút mua vui qua cảm giác mạnh. Giống như những nhân vật xuất sắc khác, chàng học được tính lạnh lùng bình thản ghê gớm. Vào khoảng mười một mười hai tuổi, chàng đã biết từ chối không bao giờ chấp nhận những điều dối trá, lừa đảo, sai lầm, nhục nhã, những điều mà loại người như chàng thường xử dụng. Nhờ đó Stahr đã không trở thành một tên vô loại, nhưng chàng đã học được lòng nhân từ, vị tha, kiên nhẫn, cảm tình.
Bác người làm Phi Luật Tân đem tới cho chàng một khay trên có nước lọc, trái cây, hạt dẻ. Stahr lật mở tập chuyện phim đầu tiên và bắt đầu đọc. Chàng đọc luôn trong ba tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng ngừng lại để sửa chữa. Thỉnh thoảng chàng ngừng đọc, nhìn lên, mỉm cười với những ý tưởng sung sướng mơ hồ không phải do chuyện phim tạo ra. Mỗi lần cảm thấy như thế chàng lại để một phút suy nghĩ tìm ra nguyên nhân. Và chàng biết rằng niềm hạnh phúc đó chính là do những ý nghĩ về Kathleen, và chàng lại nhìn lá thơ - có một cái thơ để trước mặt cũng thấy vui vui.
Đã ba giờ sáng, đường gân máu ở mu bàn tay chàng bắt đầu giật giật và chàng biết đã tới lúc nên đi nghỉ. Kathleen giờ này chắc đã chìm sâu trong giấc ngủ mệt mỏi, đôi khi nàng trằn trọc nghĩ tới một người lạ đã gây cho nàng những cảm giác mạnh, người đó không ai khác hơn là chàng, đã sống cạnh nàng trong ít giờ ngắn ngủi vừa qua. Stahr thầm nghĩ nên mở lá thơ ra xem thử coi nàng nói những gì.
* * * * *
“Anh Stahr mến,
Em viết thơ này nửa giờ trước khi tới nơi hẹn với anh. Khi nào chia tay, em sẽ trao thơ cho anh. Em muốn báo cho anh biết em sắp lập gia đình trong một ngày gần đây, và không thể tới thăm anh được nữa.
Đáng lẽ em phải cho anh biết từ đêm hôm qua, nhưng thái độ anh có vẻ bất cần và không muốn biết tới điều đó. Chiều nay trong cuộc đi chơi vui vẻ này, nếu em đem chuyện đó ra nói chắc sẽ làm anh mất vui, và em không muốn thế. Bây giờ thì anh phải nghe em nói sự thực, đằng nào cũng một lần. Em phải nói để anh thấy rằng em cũng chỉ là một cô gái tầm thường như những cô gái khác. Một con bạn tới thăm em tối hôm qua và nó bảo em như thế. Cô ta nói mọi người đều tầm thường cả, ngoài anh ra. Em nghĩ rằng cô ta đã nói như vậy, thì anh nên cho cô ta một việc làm nếu có thể được.
Em rất sung sướng nếu có được rất nhiều cô gái đẹp như vậy vây xung quanh... Em không muốn nói hết câu nhưng chắc anh cũng đã hiểu. Và có thể em sẽ gặp anh trễ, nếu em không thể đi ngay bây giờ.
Chúc anh mọi sự như ý
Kathleen Moore”
* * * * *
Cảm giác đầu tiên của Stahr sau khi đọc xong lá thơ hầu như là một sự sợ hãi, nhưng sau đó chàng tự nhủ lời lẽ trong thơ đã hết giá trị bởi vì chính nàng đã có ý định lấy lại. Nhưng sau đó chàng nghĩ lại hai tiếng “Ông Stahr” mà nàng đã thốt ra lúc chia tay, đồng thời nàng còn hỏi địa chỉ của chàng. Biết đâu giờ này nàng đã viết xong một lá thơ khác, cũng với những lời lẽ tương tự như bức thơ này. Chàng cảm thấy bực tức một cách phi lý khi không thấy nàng nói đến những chuyện xảy ra trong cuộc đi chơi vừa rồi. Chàng đọc lại lá thơ lần nữa, nhưng vẫn không tìm ra được sự giải đoán nào khác. Tuy nhiên, lúc chia tay trước cửa nhà, chàng nhận thấy nàng đã có thái độ dứt khoát rồi. Nàng đã cố tình làm như thế không hề có cuộc đi chơi với chàng vừa rồi, không hề có bóng dáng người đàn ông nào khác trong ý thức nàng. Nhưng lúc này chàng không thể tin như vậy. Hình ảnh tất cả cuộc phiêu lưu lúc chiều chợt hiện lên rõ rệt khi chàng hồi tưởng lại. Chiếc xe, ngọn đồi, cái nón nàng đội và ngay cả bức thơ nữa, bay lên tứ tung chẳng khác gì những mẩu giấy vụn trong đống xà bần trước cửa nhà. Và rồi, hình ảnh Kathleen ra đi với những cử chỉ quen thuộc của nàng như lúc nàng hơi nghiêng đầu nhìn vật gì, thân hình mạnh mẽ, rắn chắc và hai bàn chân trần của nàng nổi bật trên mặt cát mịn. Bầu trời xám bạc, mưa gió âm u chợt nổi lên cuốn sạch cả đàn cá trắng trên bãi. Chỉ có một ngày mà mọi cái đều đã biến mất hết, không còn gì, ngoài chồng chuyện phim trên bàn.
Chàng bỏ lên lầu, những bậc thang đầu tiên khiến chàng nhớ tới cái chết của Minna hiện về chập chờn, và chàng phải cố gắng quên đi một cách khổ sở. Từng bậc, từng bậc, chàng đi lên cho tới hết cầu thang. Sàn gác trống trải vây chung quanh, với những cánh cửa không người bên trong. Trong phòng chàng, Stahr lặng lẽ cởi bỏ cà vạt, giày, vớ. Lúc này mọi sự hầu như đã tắt hẳn, ngoại trừ một hình ảnh còn sót lại, đó là chiếc xe hơi của khách sạn. Stahr để đồng hồ báo thức mười giờ.
* * * *
Cecilia trở lại kể tiếp. Tôi thiết tưởng trong vấn đề này tôi nên quay trở lại nhận xét, mô tả chính những hành động của mình có lẽ là hay hơn cả. Những hành động của mình lúc này đã khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Nhưng ai mà chả sượng sùng khi muốn kể lại những câu chuyện hay.
Hôm đó tôi nhờ Wylie tới bàn Martha Dodd, để hỏi thăm về lai lịch của cô gái lạ, nhưng anh ta chẳng biết thêm được gì cả. Đột nhiên tôi chú ý tới cô ta một cách ghê gớm trong suốt cả cuộc đời. Tôi đoán chừng - và không sai - thế nào Martha Dodd cũng phải biết về cô gái đó. Thực là chuyện vô lý nếu có người ngồi chung một bàn với mình được mọi người chiêm ngưỡng bái phục đến độ muốn trao vương miện cho, mà mình lại không biết đến tên tuổi của họ.
Tôi vừa mới quen biết Martha Dodd qua một vài câu chuyện, nên không tiện hỏi thẳng cô ta về người con gái đó. Nhưng sáng hôm sau là thứ Hai, tôi đã tới phim trường và đi kiếm Jane Meloney.
Jane Meloney là bạn từ lâu. Tôi thường nghĩ tới nàng giống như một đứa trẻ nghĩ đến những người thân thích trong gia đình. Nàng là soạn giả, nhưng tôi mới có quan niệm cho rằng soạn giả thì cũng chẳng hơn gì thơ ký. Có khác chăng là ở chỗ mấy nàng này thường hay léng phéng đến mấy tiệc trà và được mời đi ăn nhiều hơn. Ngoài ra, khi nói về họ người ta cũng thường coi như mấy cô thơ ký. Tuy nhiên có một số soạn giả kịch trường từ Miền Đông tới ở ít lâu rồi lại ra đi thì được mọi người kính trọng ra mặt. Nhưng nếu có người nào định ở lì không chịu ra đi, thì lần lần rồi cũng lại bị hạ xuống ngang hàng với giai cấp cổ trắng.
Phòng làm việc của Jane ở tòa nhà dành riêng cho bọn văn sĩ già. Họ ngồi làm việc từng hàng ổ mỗi khu vực khác nhau. Đó là bọn văn nhân già yếu nhưng còn gân guốc, bị bỏ sót lại từ những ngày xa xưa, nhưng hàng ngày vẫn còn cố rên lên khừ khự với cái giọng của những tên văn nô cô độc, những tên ăn mày không bị gậy. Người ta kể chuyện rằng một hôm có ông giám đốc mới tới, ông ta xuống thăm bọn này làm việc và sau đó lên hỏi ở văn phòng xem những người đó là ai. Văn phòng cho biết họ được coi như những soạn giả. Ông giám đốc nói:
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi đứng coi cả mười phút mà thấy hai người trong bọn không hề viết một hàng nào.
Jane đang ngồi trước máy chữ, lúc đó đã gần tới giờ nghỉ ăn cơm trưa. Tôi nói thẳng với nàng rằng tôi đang gặp phải một địch thủ lợi hại, một con thuộc loại ngựa đen mà ngay cả tên tuổi tôi cũng chưa biết. Jane nói:
- À, chuyện đó hình như chị có nghe ai đó nhắc tới.
Tôi biết thừa, ai đó chính là Ned Sollinger, cháu của Jane hiện là tùy phái trong văn phòng Stahr. Trước đây nàng gởi hắn lên Nữu Ước học ở trường thuốc. Nhưng sau khi bị một cô gái cho leo cây, hắn đã cắt bộ phận kín của một cái xác phụ nữ gởi cho cô gái và bỏ về đây làm lại cuộc đời bắt đầu từ nấc thang thấp nhất và hiện thời hắn cũng vẫn còn lẹt đẹt ở cái chân tùy phái đó. Tôi hỏi Jane:
- Chị nghe nói gì?
- Hình như đêm động đất nàng té xuống cái hố phía sau phim trường và bị chìm. Stahr đã nhảy xuống cứu nàng lên. Có người thì nói nàng đã nhảy khỏi ban công từ trên lầu xuống đất và bị gẫy tay.
- Nàng là ai?
- À, đấy lại là chuyện khác, cũng hay lắm.
Chuông điện thoại reo. Tôi nóng lòng chờ đợi trong khi nàng nói chuyện lòng thòng rất lâu với Joe Reinmund. Hắn ta hình như muốn tìm biết qua đường dây điện thoại xem nàng có thuộc hạng ngon lành không, hay là xem thử nàng đã từng viết chuyện phim nào bao giờ chưa. Nàng đã được nhắc nhở nhiều kể từ hôm nàng có mặt trên sân khấu trong lúc Griffith phát minh ra lối thu hình gần! Trong lúc nói chuyện thỉnh thoảng nàng lại rên lên se sẽ, vặn vẹo mình mẩy, nhăn mặt trước ống nói và áp ống nghe vào gần ve áo để tiếng nói chỉ phát ra một cách yếu ớt, đồng thời nàng vẫn nói chuyện với tôi:
- Sao, ngoài những buổi hẹn với em, ông ta còn đi ăn mảnh ở chỗ khác nữa à?... Ông ta hay hỏi chị mỗi câu hỏi như thế này đến hàng chục lần... Rồi, thế là xong bản dự thảo thời biểu làm việc chị phải gởi cho ông ấy...
Và nàng lại quay nói vào điện thoại:
- Không, nếu cái đó đưa tới Monroe thì không phải của tôi làm đâu. Tôi muốn đi cho tới cùng.
Nàng lại nhắm mắt lại và rên se sẽ:
- Rồi bây giờ ông ta lại tuyển lựa nữa... tuyển lựa luôn cả những vai phụ... Hắn chọn Buddy Ebson... Trời đất, ông ta muốn nói tới Donald Crisp... ông ta để cuốn sách chỉ dẫn tuyển lựa trên đùi, tôi có thể nghe cả tiếng lật sách soàn soạt... Sáng nay ông ta đóng vai nhân vật quan trọng, ông ta là một ông Stahr thứ hai... Ấy, lạy Chúa, tôi còn hai cảnh nữa phải viết trước khi đi ăn cơm trưa.
Sau cùng Reinmund cúp hay là bị ai ngắt ngang ở đầu dây bên kia chả biết. Người làm ở Câu lạc bộ đem cơm trưa tới cho Jane và đem cho tôi một chai Coca Cola, vì mùa hè đó tôi cữ không ăn cơm trưa. Jane đánh máy một câu trước khi ăn. Tôi rất chú ý tới cách viết của nàng. Một hôm tôi thấy nàng và một soạn giả trẻ khác lấy một câu chuyện trong tạp chí “The Saturday Evening Post”, thay đổi nhân vật và cốt chuyện đi rồi họ bắt đầu viết. Họ viết từng hàng một cứ dòng sau trả lời dòng trước giống như một người ráng hết sức mình để làm một việc gì cho có vẻ hay ho, hoặc ra vẻ can đảm, quý phái. Tôi muốn được thưởng thức câu chuyện đó trên màn ảnh, nhưng không thấy.
Tôi thấy nàng thật dễ thương, tựa như một món đồ chơi cũ kỹ rẻ tiền. Mỗi tuần nàng kiếm được ba ngàn đô-la, nhưng ông chồng nàng đã đem uống rượu sạch cả và còn đánh nàng chết lên, chết xuống. Ấy vậy mà bây giờ tôi phải bám vào nàng để có thể xoay quanh, chống lại tình địch. Tôi gạn hỏi:
- Chị không biết tên con nhỏ đó sao?
- À... phải rồi, ông ta có gọi điện thoại cho nàng, nhưng sau đó cho cô thơ ký Katy Doolan biết là bị lộn tên gì đó.
- Hình như ông ấy tìm ra rồi. Chị có quen Martha Dodd không?
- Có phải con nhỏ hay ồn ào, lắm chuyện đó không?
Giọng nói của nàng lên cao dần như người đóng kịch trên sân khấu.
- Chị mời cô ta đi ăn cơm với mình mai được không?
- Ồ, nó thiếu gì đồ ăn mà mình phải mời. Có một gã Mễ Tây Cơ...
Tôi phải giải thích với Jane rằng mình mời không phải thương gì cô ta, nhưng mình có mục đích khác. Nàng đồng ý và nhắc điện thoại gọi cho Martha Dodd.
* * * * *
Trưa hôm sau chúng tôi đi ăn ở tiệm Bev Brown Derby. Đó là một tiệm thưa khách với không khí trầm lặng, chậm chạp. Thực khách tới ăn ở đây có một số khách quen cố định, và trông người nào cũng hình như muốn ngủ cả. Vào buổi trưa, tiệm có vẻ bừng lên đôi chút. Mấy người đàn bà làm một màn trình diễn lâu vào khoảng năm phút đầu bữa ăn. Nhưng cả ba chúng tôi đều dửng dưng không chú ý tới. Tôi thì nóng lòng chỉ muốn hỏi ngay những điều tò mò cần biết. Marth Dodd là một cô gái ở đồng ruộng mới tới đây. Nàng chẳng hiểu gì cả và chỉ biết mở thiệt to đôi mắt nhìn mọi chuyện. Nàng vẫn cho rằng cuộc đời ở đồng ruộng mà nàng đã sống mới là cuộc sống thực sự, còn những ngày ở đây chẳng qua là một sự chờ đợi dài. Nàng nói:
- Vào năm 1928 nhà em có ba mươi mẫu đất, một sân rộng với phong cảnh tuyệt đẹp và cả hồ tắm nữa. Mùa xuân nào em cũng ở giữa rừng hoa cúc dại mọc cao tới đầu.
Tôi cắt đứt câu chuyện bằng cách bảo nàng tới gặp Ba. Đây là một hành động để chuộc lỗi với nàng, đồng thời che đậy sự dụng tâm lợi dụng khác của tôi. Ở Hollywood này không ai nhị tâm, quanh co như vậy, muốn gì cứ việc nói thẳng ra, bằng không thì rồi thiên hạ cũng biết và sẽ coi bạn chẳng còn ra gì. Sự vòng vo chỉ làm cho bạn mất thì giờ thấy rõ.
Chúng tôi chia tay với Jane ở cổng phim trường, nàng có vẻ nhờm chán cho sự hèn nhát của tôi. Martha thì như mở cờ trong bụng vì hy vọng sắp kiếm được việc làm, một hy vọng không lớn lắm vì đã bảy năm trời bị mọi chỗ từ chối, nhưng lúc này nàng âm thầm chấp nhận một sự nôn nóng trong hy vọng, và tôi sẽ hết sức nói với Ba. Họ không bao giờ thi ân cho những người đi kiếm một việc làm cố định như Martha, vì họ tiếc không muốn bỏ ra những số tiền lớn trong một lúc. Nhưng họ để cho người ta đi lang thang, sống lây lất với những số tiền nhỏ kiếm được nhờ làm những công việc lặt vặt. Như thế chẳng thà kiếm tàu chở họ ra khỏi thành phố lại còn có phần nhân đạo hơn. Riêng tôi trong vụ hè đó, Ba tôi đã rất hãnh diện đi khoe cùng khắp là tôi kiếm được đủ tiền mua các đồ nữ trang đắt tiền. Và Bennington, Chúa ơi, tội nghiệp, anh chàng quý phái. Tôi bảo đảm với anh ta rằng mình vẫn sống rất bình thường, mặc áo may-ô, ăn thịt gà thường lệ, và giấu biệt không hề nói tới những bộ quần áo xếch xy, diêm dúa. Tuy nhiên chính Ba đã lo cho anh ta tốt nghiệp đại học. Ông thường nói một cách sung sướng: “Con sẽ có đầy đủ mọi thứ hết”. Phải, tôi nghĩ thầm, trong những cái ông chuẩn bị cho tôi có cả hai năm theo học ở Florence tại một trường mà tôi phải cố gắng hết sức mới còn là người giữ được trinh duy nhất trong trường và cuộc tập sự tại Boston, Massachusetts. Tôi thực đã trở thành một bông hoa mắc tiền trong giới thượng lưu quý phái.
Vì vậy tôi chắc chắn thế nào Ba tôi cũng vì tôi mà làm một cái gì đó cho Martha Dodd, và chúng tôi mạnh dạn tiến vào văn phòng của ổng. Tôi lại còn có mộng lớn là kiếm việc làm cho cả chàng cao bồi Johnny Swanson nữa, rồi lại còn cả Evelyn Brent, và một số các bạn hữu khác. Ba là người rất có duyên, và nhiều thiện cảm, ngoại trừ một lần tôi gặp ông bất ngờ ở New York, lần đó có một cái gì khiến tôi có cảm tưởng ổng không đáng làm cha mình. Dù sao ổng cũng vẫn là ba của tôi, vì tôi ổng có thể làm bất cứ việc gì trên cõi đời này.
Trước khi vào phòng Ba tôi, chúng tôi đi qua phòng ngoài của hai cô thơ ký và nhận thấy chỉ có một mình Rosemary Schmiel đang nghe điện thoại ở bàn giấy của cô Birdy Peter. Rosemary ra hiệu khoát tay bảo chúng tôi ngồi chờ nhưng tôi đã có chủ kiến riêng và bảo Martha cứ việc đi theo tôi, rồi tôi ấn nút chuông ở phía dưới bàn giấy Rosemary và mở cửa phòng Ba tôi tiến vào. Rosemary gọi giật lại:
- Ba cô mắc đi họp... À, không họp, nhưng tôi cần phải...
Cô ta nói được đến đây thì tôi đã đi qua một phòng nhỏ ngăn cách giữa phòng thơ ký và văn phòng làm việc của Ba tôi; qua một lần cửa nữa và thấy Ba mồ hôi nhễ nhại, mặc có mỗi một chiếc áo sơ-mi trần, đang cố gắng mở một cánh cửa sổ. Hôm đó trời nóng, nhưng không đến nỗi nóng quá như vậy, và tôi tưởng rằng ông bị đau. Nhưng Ba tôi trả lời:
- Không, Ba không sao cả. Có chuyện gì vậy?
Tôi liền đem tất cả câu chuyện trình bày về trường hợp kiếm việc của Martha và những người cùng hoàn cảnh như cô ta. Họ cứ phải đi lui, đi tới văn phòng của ông mãi để xin việc hoài. Tại sao không cho họ một việc làm thường xuyên, chắc chắn. Ông có vẻ cảm động khi nghe tôi nói và luôn luôn gật đầu đồng ý. Tôi cảm thấy gần gũi với ổng hơn lúc nào hết. Tôi tiến đến ôm hôn vào má ổng. Mồ hôi ông vã ra ướt đẫm cả áo sơ-mi và người hơi run run. Tôi nói:
- Ba không được khỏe lắm. Hay là có chuyện gì bực mình?
- Không, Ba vẫn khỏe.
- Vậy thì chuyện gì?
- Chà, cái thằng khốn nạn Monroe, thằng lỏi con, nó kiếm chuyện với Ba hoài.
Tôi hỏi lại với giọng lạnh lùng:
- Chuyện gì xảy ra?
- Thằng oắt con, lúc nào hắn cũng ngồi lù lù như ông cố đạo rồi chỉ tay ra lệnh, sẽ làm cái này, sẽ bỏ cái kia. Ba bực muốn điên lên rồi, Ba không thể nói được nữa. Đi ra ngoài với Ba một lát.
- Người Ba như thế này mà đi đâu?
- Đi ra, Ba kể cho con nghe. Ba đừ, nhưng hắn cũng hết ăn uống nổi.
- Ba đi chải đầu và sửa lại quần áo đi. Con muốn Ba nói chuyên với Martha Dodd một lát.
- Ngay ở đây bây giờ sao? Ba có bao giờ trốn cô ta dâu!
- Thì ở ngoài kia vậy. Ba đi rửa mặt và thay cái sơ-mi khác đi.
Với một dáng điệu thất vọng ra mặt, ông đi vào phòng tắm được thiết trí sát ngay văn phòng. Không khí trong phòng oi bức lạ, hình như căn phòng đã được đóng kín cửa cả tiếng đồng hồ vậy. Tôi nghĩ có lẽ tại vậy mà Ba tôi bị đau nên đi mở thêm hai chiếc cửa sổ nữa ra.
Tiếng Ba tôi vọng ra từ trong phòng tắm:
- Con ra trước đi, một lát Ba ra liền bây giờ.
- Ba liệu xử đẹp với nàng. Nhưng đừng có tỏ vẻ thương hại đấy.
Làm như thể tiếng của Martha vậy, tôi vừa chợt nghe có tiếng người rên se sẽ ở đâu đây ngay trong phòng này. Tôi nín thở, và hồi hộp lắng nghe. Tiếng rên lại nổi lên, rồi nghe rõ ràng không phải từ trong phòng tắm vọng ra, cũng không phải từ phòng ngoài đưa vào. Nhưng nó phát ra từ một cái tủ đứng kê ngay phía trước mặt tôi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại can đảm đến như vậy. Tôi chạy ngay lại, mở phăng cánh tủ ra, cô thơ ký Birdy Peters của Ba tôi trần truồng như nhộng từ trong tủ té lăn ra ngoài, y như thể một xác chết trong xi-nê. Cùng ùa ra theo với nàng là một làn hơi nghẹt thở, tù túng từ trong tủ kín. Nàng ta nằm ngay đơ trên lối đi trong phòng, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, một tay hãy còn cầm cái áo, hay cái quần gì đó và ngay lúc ấy thì Ba tôi từ trong phòng tắm chạy ra. Tôi cảm thấy ổng đứng ở đàng sau, và không cần quay lại tôi cũng có thể tưởng tượng được nét mặt ổng, vì tôi đã từng làm ổng ngạc nhiên trước đây ở New York. Tôi nói nhanh:
- Mặc đồ vào. Mặc đồ cho cô ta!
Vừa nói tôi vừa vớ một miếng vải ở chiếc đi-văng gần đó ném cho cô ta.
Tôi ra khỏi văn phòng. Nhìn thấy nét mặt của tôi, Rosemary Schmiel tỏ vẻ sửng sốt. Sau đó không bao giờ tôi găp lại cô ta và cả Birdy Peters. Vừa đi ra ngoài, Martha vừa hỏi: “Chuyên gì vậy chị?”. Thấy tôi không nói gì, nàng tiếp: “Như thế là chị đã hết sức giúp em rồi, mà không được thì thôi, tại có lẽ mình tới không nhầm lúc. Để em đưa chị lại thăm một con bạn rất đẹp của em, con nhỏ mà tối hôm đó đã nhảy với Stahr và ngồi chung bàn với em đó, chị có thấy không?”
Thế là nàng đã thỏa mãn ý nguyện của tôi. Duy có điều là nhờ ở sự việc tôi đã bới nước cống trong gia đình lên để ngửi.
* * * * *
Tôi không còn nhớ nhiều về việc tới nhà Kathleen. Một trong những lý do là vì hôm đó nàng đã đi vắng. Cửa không khóa, Martha vừa đẩy vào, vừa gọi một cách rất thân mật: “Kathleen”. Căn phòng trông có vẻ trơ trọi, giống như những phòng ở khách sạn. Cũng có bình bông, nhưng hình như loại bông mua ở chợ, chớ không phải loại bông được người khác gởi tới tặng. Martha tìm thấy trên bàn một miếng giấy viết “Xin để địa chỉ lại. Tôi đi kiếm việc. Mai trở về”.
Martha đọc đi đọc lại mảnh giấy, nhưng hình như không phải nàng viết cho Stahr. Căn nhà mà chủ đi khỏi sao có vẻ vắng lặng thiệt. Không phải có ý nghi ngờ nàng ẩn núp đâu đây, nhưng tôi cũng để ý quan sát một lượt xem có gì giá trị không. Chỉ thấy vẻ im vắng. Một con ruồi từ đâu bay tới đậu trên nền nhà, không buồn để ý tới chúng tôi, trong khi cơn gió thổi bay một góc chiếc màn cửa. Martha lên tiếng:
- Không biết con nhỏ đi kiếm việc gì? Hôm Chủ nhật nó còn đi chơi với Stahr mà.
Nhưng tôi không còn để ý gì nữa, và chợt cảm thấy mộr cái gì kinh khủng rình rập đâu đây - máu của nhà tư bản, tôi nghĩ tới một cách ghê sợ. Thình lình tôi hốt hoảng kéo Martha ra ngoài sân. Nhưng không kịp nữa, tôi cảm thấy mặt mũi tối tăm, trước mắt toàn một màu đen ghê gớm, và chợt nhớ lại thân hình trần truồng của cô thơ ký. Tôi thường có những ý nghĩ tốt đẹp về thân hình của mình, cho rằng nó có những đường cong rất mỹ thuật. Tôi thật không thể nào tưởng tượng nổi có người lại đem nhốt mình trần truồng kín mít trong một cái hộc ở tường giữa lúc đang làm việc ban ngày ban mặt.
* * * * *
Stahr mỉm cười, nhìn Boxley:
- Nếu có ghé qua tiệm thuốc, làm ơn xin dùm cái đơn thuốc với nhá.
- Có cần đến dược sĩ điều chế không?
- À, nếu có gặp dược sĩ thì xin dùm toa thuốc cho một người đang bị đau nặng.
- Nặng lắm không?
- Nặng lắm. Và sau đó, nhớ rằng những gì bạn đã nhìn thấy qua cửa sổ khiến bạn khoái tỷ, chăm chú theo dõi, có thể quay thành phim được đấy nhé.
- Bộ anh muốn nói tới vụ án mạng ngoài cửa sổ hả?
Stahr mỉm cười:
- Đó là tại bạn nghĩ vậy. Có thể tôi chỉ muốn nói tới chuyện con nhện giăng tơ trên ô kính cửa thì sao?
- Dĩ nhiên. Tôi thấy hết mà, yên trí.
- Bạn thấy thì mặc kệ bạn, không liên quan gì đến tụi này đâu nghe. Chuyện ổ nhện thì bạn dòm một mình trong khi vụ án mạng thì lại định đổ lên đầu tụi tui là không được đâu.
- Có lẽ tôi nên rút là vừa. Đã ba tuần lễ rồi, chẳng làm dược việc mẹ gì. Bao nhiêu ý kiến đưa ra, bọn soạn giả chẳng ai chịu viết cả.
- Tôi cần bạn ở lại, vì bạn biết nhiều chuyện khác ngoài vấn đề làm phim...
Boxley nói lớn:
- Mấy chuyện đó nhức óc thấy mẹ. Bạn không có quyền để tình trạng này...
Boxley chợt nghĩ lại. Anh ta biết Stahr hiện là người lèo lái con thuyền của công ty. Chàng đang đợi cơn gió dữ qua đi, chuẩn bị lại thuyền bè cho chuyến vượt biển với những kế hoạch khéo léo. Bằng không thì cả công ty sẽ sụp đổ và biến thành một đồng đất đá ngổn ngang, trong đó có thể tìm thấy cả những hòn cẩm thạch quý giá từng được gọt dũa để trang hoàng nơi các đền đài trong quá khứ. Boxley lên tiếng:
- Tôi mong anh sẽ bắt tay xúc tiến ngay chương trình thực hiện ào ạt.
- Phải chờ có đủ điều kiện làm việc. Thí dụ bây giờ anh là họa sĩ tài ba như Rubens chẳng hạn, nhưng lúc anh đang thích vẽ chân dung của Đức Jésus mà tôi lại bắt anh đi vẽ bọn trọc phú như Bill Brady, hay tôi, hay Gary Cooper, hay Marcus thì thử hỏi anh có lòng dạ nào mà vẻ không? Vấn đề điều kiện cho việc thực hiện hằng loạt của chúng ta bây giờ là phải tìm được những câu chuyện hay truyền tụng trong dân chúng. Sau đó chúng ta mới đem thi vị hóa, làm cho nó trở nên huy hoàng, lộng lẫy, rồi trả lại cho họ xem. Và sau đó là địa, phải chi địa thật nhiều, bạn có không, Boxley?
Boxley thầm nghĩ: tối nay thế nào mình cũng ngồi với Wylie ở quán Troc để tán dóc về việc làm và thái độ của Stahr. Nhưng dù sao thì Boxley cũng là người đã từng đọc Lord Chanwood và anh ta phải công nhận rằng trường hợp của Stahr hiện tại cũng giống như hoàn cảnh Tổng thống Lincoln trước kia, một mình với hai bàn tay đơn độc mà phải chiến đấu trong một trận chiến có nhiều mặt trận. Chính Stahr là người đã đưa điện ảnh tới chỗ phát triển mạnh mẽ trong vòng mười năm qua. Ngày nay nội dung của những cuốn phim thuộc “loại A” đã trở nên phong phú, xúc tích hơn cả những gì đang diễn ra trên sân khấu kịch trường. Lincoln dù sao cũng còn là một ông tướng hay nếu muốn có thể trở thành người thường, ngược lại Stahr chỉ là một nghệ sĩ.
Stahr lên tiếng:
- Tụi mình xuống chỗ thằng La Borwitz một chút coi. Chắc nó đang đói địa đây.
La Borwitz và hai soạn giả nữa cùng với một cô thơ ký tốc ký và một ông giám thị đang ngồi bí xị không biết viết tiếp ra làm sao. Stahr biết họ ngồi như vậy đã từ mấy tiếng đồng hồ rồi. La Borwitz rụt rè lên tiếng:
- Có nhiều nhân vật quá, không biết phải làm sao bây giờ!
Stahr khịt mũi se sẽ:
- Đứng. Nhiều nhân vật chính là chỗ dụng ý của cuốn phim.
Nói xong, Stahr móc trong túi ra một đồng năm mươi xu, ngẩng nhìn ngọn đèn treo lủng lẳng giữa phòng và liệng lên, mọi người nghe một tiếng keng, đồng bạc đã rơi vào cái dĩa đựng ngọn đèn. Chàng nhìn những đồng bạc lẻ đang cầm trong tay và chọn một đồng hai mươi lăm xu.
La Borwitz nhìn Stahr một cách bi quan. Việc dựng lên nhiều nhân vật trong cuốn phim này chính là sáng kiến đắc ý của Stahr. Bây giờ sáng kiến đó đang trở thành chuyện xây lâu đài trên bãi cát. La Borwitz thừa lúc mọi người đứng quay lưng về phía mình, anh ta co hai bàn tay vung mạnh lên cao khỏi đầu, thật cao đến độ hai bàn tay như lìa khỏi cổ tay bay lên, và anh ta lại bắt lấy, ráp vào khi nó đang rơi xuống. Sau động tác đó, anh ta cảm thấy trong người dễ chịu hơn.
Một anh soạn giả đã lấy ra mấy đồng bạc cắc cầm trong tay, và sau đó luật chơi được công bố ngay: Phải ném đồng bạc qua những sợi dây treo đèn, làm sao cho nó không chạm vào sợi dây mà lại rơi vào trúng dĩa đựng đèn là ăn, và tất cả những người khác phải chung tiền.
Cuộc chơi kéo dài sôi nổi khoảng nửa tiếng. Chỉ có một mình Boxley không chơi, anh ta ngồi chúi mũi vào tập chuyện phim, cô thơ ký ngồi đếm từng ván một. Cô ta làm một con toán nhẩm và thấy khoảng thời gian bốn người chơi như vậy công ty vẫn phải trả cho họ số tiền tới sáu, bảy trăm đô la. Cuối cùng La Borwitz ăn được tất cả năm đô-la rưỡi, và một người lao công đem thang tới, trèo lên lấy số tiền trong dĩa đèn xuống.
Đột nhiên Boxley lên tiếng:
- Các anh viết cái gì mà tôi đọc chỉ thấy loạn xà ngầu lên, như món gà tây nhồi nhân thập cẩm vậy.
- Anh nói sao?
- Đây không phải là chuyện phim.
Mọi người nhìn về phía Stahr và chàng cố giấu một nụ cười.
La Borwitz nói lớn:
- Vậy thì ở đây chỉ còn có mình bạn là tổ sư điện ảnh thôi, chớ còn ai nữa đâu!
Boxley trả lời thẳng thắn:
- Rất nhiều câu nói hay ho, nhưng không có dịp thuận tiện thích hợp để nói lên. Không phải phim, mà cũng chẳng ra tiểu thuyết. Thiệt tình tôi không biết mô tả làm sao, nhưng quả thực có cái gì không ổn. Đọc lên không thấy gây được một xức cảm nào cả.
Những bản thảo này cũng không hơn gì những bản họ đã đưa cho anh ta đọc cách đây ba tuần lễ. Stahr quay đi và sẽ liếc mắt quan sát từng người. Boxley nói tiếp:
- Không cần bỏ bớt nhân vật. Phải thêm vào nữa là đàng khác. Đó chính là chủ ý của cuốn phim, tôi cũng nhận thấy như vậy.
Hai anh soạn giả:
- Chủ ý của cuốn phim là thế.
La Borwitz nói theo:
- Đúng, đó là chủ ý cuốn phim.
Sự chú ý của những người xung quanh gợi ý cho Boxley:
- Chúng ta để mỗi nhân vật tự nhìn vảo bộ mặt của họ ở một vị trí khác. Thí dụ: viên cảnh sát sắp sửa bắt tên ăn trộm thì anh ta chợt nhận thấy mặt của tên trộm giống anh ta quá. Chúng ta nên có lối xây dựng tương tự như vậy. Có thể gọi đó là đặt mình vào địa vị của người khác.
Thình lình họ bị lôi cuốn vào công việc làm, giống như chú mèo đang chơi vòng, ngửi thấy hơi chuột liền đeo cả vòng ở cổ chạy đi bắt. Có thể ngày mai họ sẽ lại vất bỏ những gì đã viết ra hôm nay, nhưng dù sao sinh lực đã đến với họ trong giây lát. Trò chơi liệng tiền cũng có tác dụng của nó chẳng thua gì sự suy nghĩ của Boxley. Stahr là người đã tạo ra bầu không khí lôi cuốn họ vào sự làm việc hào hứng như vậy. Chàng không dám tự nhận mình là tài xế của cỗ xe, nhưng chàng có những hành động, cảm tưởng và đôi khi cả dáng điệu nửa giống như một đứa trẻ lăng xăng bày hết trò chơi này đến trò chơi khác.
Stahr lặng lẽ ra khỏi phòng, chàng không muốn khua động làm họ mất hứng. Lúc đi qua Boxley, chàng chạm nhẹ tay vào vai anh ta một cái, cử chỉ đó có giá trị thắm thiết như một cái hôn vậy.
* * * * *
Bác sĩ Baer ngồi chờ trong phòng làm việc của Stahr. Cạnh ông ta là một người da đen đang lúi húi với cái máy vẽ đồ biểu nhịp đập của tim to bằng cái va-li lớn. Stahr gọi đùa đó là cái máy khám phá nói dối. Chàng cởi áo ra để trần tới thắt lưng, và cuộc khám sức khỏe hàng tuần bắt đầu.
- Anh thấy trong người thế nào?
- À, như thường.
- Có thấy khó chịu chỗ này không? Ngủ được không?
- Không. Chỉ được chừng năm tiếng. Dù có vào giường sớm cũng nằm không chớ không ngủ được.
- Uống mấy viên thuốc ngủ tôi đã cho đó.
- Mấy viên thuốc màu vàng uống vào thấy choáng váng.
- Vậy uống hai viên đỏ.
- Thì lại thấy ác mộng.
- Một vàng, một đỏ. Uống viên vàng trước thử xem sao?
- Tôi hả? Tôi thì đã có tôi lo săn sóc cho chính mình được rồi.
- Giỡn hoài, sao nhiều đêm tôi thấy anh thức suốt đêm.
- Thì hôm sau tôi ngủ bù.
Sau đó chừng mươi phút, Baer cho biết:
- Có vẻ tốt. Áp suất máu lên tới năm.
- Vậy là tốt hả?
- Tốt! Tối nay tôi sẽ coi lại biểu đồ nhịp tim. Chừng nào thì anh có thể đi nghỉ ít lâu?
- À để chừng nào công việc thư thư một chút mới được. Chừng năm sáu tuần nữa may ra.
Baer nhìn Stahr với con mắt đầy cảm tình, mối thiện cảm đó đã nảy nở trong thời gian Baer săn sóc sức khỏe cho chàng từ ba năm nay. Ông ta nói:
- Hồi cách đây mấy năm anh khỏe hơn bây giờ nhiều.
- Yên trí, tôi sẽ khỏe trở lại.
Baer nghĩ thầm: Không, chàng sẽ không bao giờ khỏe trở lại được. Hồi Minna còn sống, nàng thường bắt chàng nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng từ ngày nàng chết đi tới giờ, Baer đã cố gắng để ý tìm xem ai là người thân thiết nhất của Stahr để có thể thay thế Minna, săn sóc cho chàng, nhưng tìm không ra. Cứ tình trạng này thì Stahr không thể nào sống lâu thêm được. Trong vòng sáu tháng nữa, cái chết của Stahr sẽ được định đoạt dứt khoát. Có nghiên cứu biểu đồ nhịp tim cũng vô ích. Ai có thể thuyết phục được một người như Stahr, ăn rồi nằm nghỉ chơi không trong sáu tháng trời bây giờ? Làm vậy có lẽ chàng sẽ còn mau chết hơn. Chàng vẫn làm bộ nói mạnh, nhưng không thể che giấu tình trạng kiệt quệ của sức khỏe đã rõ rệt lắm rồi. Lao động là liều thuốc bổ, nhưng cũng có thể trở thành liều độc dược đối với sức khỏe con người. Trường hợp của Stahr, công việc đã thôi thúc quá độ khiến chàng không thể vui hưởng những giây lát nghỉ ngơi thoải mái được nữa. Đó là lối sống phản thiên nhiên, Baer biết vậy nhưng không thể làm gì hơn. Ông ta không dám có ý nghĩ chữa bệnh cho con bệnh nữa, mà chỉ còn cố giữ sao cho bệnh nhân sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Baer nói:
- Anh ráng lo giữ sức khỏe.
Rồi hai người trao đổi với nhau một cái nhìn. Không biết Stahr có hiểu ý nghĩa trong cái nhìn đó không. Rất có thể chàng đã biết, nhưng có điều không biết rõ chuyện đó sắp tới vào ngày, giờ nào? Stahr nói:
- Dĩ nhiên. Như thế tôi khỏi còn trách ai được nữa.
Người da đen đã thu dọn xong các dụng cụ. Baer đứng lên:
- Tuần tới nghe.
- O. K. tuần tới.
Cánh cửa vừa khép, Stahr ấn nút máy nội thoại. Tiếng cô thơ ký Doolan lập tức vang lên:
- Thưa, ông có quen ai là Kathleen Moore không ạ?
- Cô nói sao?
- Thưa, có cô Kathleen Moore đang chờ ở điện thoại. Cô ta nói là ông dặn cô ta kêu lại.
Nét mặt Stahr thoáng vẻ giận. Đã năm ngày trôi qua, không biết có còn gì nữa không.
- Cô ấy còn chờ đó không?
- Dạ, còn.
- Rồi, để cô ta nói.
Trong giây lát, Stahr nghe tiếng nàng sát bên tai. Chàng hỏi với giọng trầm, nhưng chắc chắn:
- Sao, em lấy chồng rồi chớ?
- Không, chưa.
Trí nhớ chàng hiện lên hình ảnh nàng. Stahr ngồi xuống ghế và có cảm tưởng nàng tựa vào bàn, cúi xuống nói vào tai chàng. Stahr lên tiếng, giọng chàng bình tĩnh, thản nhiên nhưng hơi khó khăn:
- Em kêu anh có chuyện gì không?
- Anh thấy lá thơ rồi phải không?
- Đúng. Ngay đêm hôm đó.
- Em muốn nói với anh về chuyện đó.
Dần dần chàng cảm thấy mình bị đối xử một cách tàn nhẫn.
- Em định nói gì nữa?
- Em tính viết cho anh một lá thơ khác, nhưng lại thôi.
- Anh cũng biết vậy.
Cả hai cùng im lặng.
Nàng chợt lên tiếng:
- Ồ, vui lên chớ. Stahr chớ đâu phải một kẻ tầm thường mà có vẻ yếu quá vậy?
Chàng nói có vẻ hơi dằn giọng:
- Anh cảm thấy bị đối xử hơi tàn nhẫn. Không biết em còn gọi cho anh để làm gì. Ít ra cũng để cho anh có một cảm tưởng đẹp về em.
- Em không thể tưởng tượng hôm nay anh có vẻ xìu quá vậy. Chắc anh sắp sửa chúc em may mắn và cúp đấy hẳn?
Đột nhiên nàng cười và tiếp:
- Có phải anh định nói vậy không? Em chỉ sợ anh cúp bất tử.
Chàng nói một cách thẳng thắn:
- Anh không ngờ em còn gọi lại.
Nhưng hình như nàng không để ý câu nói của chàng, nàng cười lớn. Tiếng cười của đàn bà và con nít luôn luôn là những tiếng kêu biểu lộ sự vui thú. Rồi nàng hỏi:
- Anh có biết tình cảnh em lúc này không? Em có cảm tưởng như bị một con sâu lông lá, nóng hổi rơi ngay vào mồm trong một mùa dịch sâu ở Luân Đôn.
- Anh xin lỗi.
Nàng năn nỉ:
- Em cần gặp anh. Em không thể nói hết ở đây được.
- Anh bận lắm. Tối nay có buổi chiều phim ra mắt ở Glendale.
- Có phải anh định mời em đấy không?
- Anh đi với George Boxley, một văn sĩ người Anh. Em có muốn đi cùng không?
Nói xong, Stahr chợt cảm thấy ngạc nhiên về chính lời của mình.
- Như thế làm sao mình nói chuyện được?
Chàng đang định nói thì cô thơ ký cúp để chàng có thể nói chuyện với ông giám đốc thu hình. Đây là chỉ thị từ trước tới giờ vẫn vậy. Stahr nói vội “Chờ” và tay chàng ấn vào nút máy. Giọng Kathleen đầy tin tưởng:
- Mười một giờ được không anh?
Ý tưởng lái xe đi lòng vòng khiến chàng cảm thấy không ổn. Giá chàng có thể nghĩ ra được một câu gì đó để từ chối thì chàng đã nói ngay. Nhưng Stahr không muốn làm một con sâu mà nàng vừa nhắc tới. Đột nhiên chàng thấy không có thái độ rõ rệt và chỉ còn cảm thấy dù sao thì ngày hôm nay như thế cũng là đầy đủ rồi. Tối nay chàng có quyền... một trò chơi lại được bắt đầu, chuyển tiếp hay sẽ đi tới tận cùng.
* * * * *
Chàng gõ cửa, nghe tiếng nàng trả lời bên trong và đứng chờ dưới bóng hiên. Phía dưới sườn đồi vang lên tiếng kêu của một chiếc máy xén cỏ. Một người nào đó xén cỏ vào giữa nửa đêm. Trăng sáng vằng vặc, chàng nhìn thấy rõ ông ta, đang đứng cầm hai càng của máy nghỉ một lát trước khi đẩy ngang qua mảnh vườn cách chỗ chàng đang đứng chừng ba, bốn chục thước. Xa xa, không khí nửa đêm giữa mùa hè có vẻ rộn rã... với những mối tình yêu quàng, yêu vội, những mãnh lực thúc đẩy con người nhúng tay vào tội ác. Người ta không còn hy vọng gì nhiều ở mùa hè nên ráng sống chụp giựt với những gì đang có sẵn, còn nếu chưa có thì phải ráng làm sao cho có.
Sau cùng nàng từ trong nhà đi ra, với nét mặt rất vui vẻ, khác hẳn hôm trước. Nàng mặc váy và cốn lên một chút trong lúc đi xuống chỗ đậu xe. Thái độ vui tươi, sung sướng, can đảm, nhí nhảnh của nàng khiến Stahr nghĩ tới một bài hát có tựa đề “Cột chặt thắt lưng. Ta cùng lên đường, cưng ơi”. Hôm nay Stahr đi chiếc xe limousine có tài xế lái. Giữa tài xế và chỗ Stahr ngồi có kính ngăn và màn che kín. Không khí kín đáo, ấm cúng trong xe khiến hai người cảm thấy thân mật ngay, nhất là khi xe quẹo khiến họ ngả vào nhau trong bóng tối thì sự xa lạ đã hoàn toàn tan biến mất. Chàng cảm thấy vô cùng thoải mái sung sướng trong cuộc đi chơi hôm nay. Nếu chàng biết trước được giờ chết thì sẽ không chịu chết vào lúc này.
Chuyện dĩ vãng được nàng làm sống trở lại. Nàng có thái độ bình tĩnh, hai mắt long lanh, rực sáng nhìn xoáy vào cõi xa xôi một cách sống động, đưa Stahr tới những miền xa xôi, những nhân vật mà nàng đã gặp. Câu chuyện lúc đầu có vẻ hơi mơ hồ, với “người đàn ông đó”, tức là người nàng đã yêu và đã sống với anh ta. Rồi tới “một người Mỹ” là người đã cứu nàng khi nàng sắp chết đuối vì gặp chỗ cát lún khi tắm biển.
- Người Mỹ đó tên gì?
- Ồ, tên với tuổi, có gì quan trọng đâu mà anh phải hỏi cẩn thận. Dĩ nhiên cái tên đó không thể nào so với tên Stahr, một người giàu có được. Trước đây người đó ở Luân Đôn, nhưng bây giờ anh ta và nàng sắp sửa tới sinh sống ở thành phố này. Anh ta đang lo ly dị với người vợ cũ. Không phải vì nàng, nhưng việc đó đã xảy ra từ trước.
Stahr lại hỏi:
- Nhưng còn người đàn ông đầu tiên thì sao? Trường hợp nào em quen với anh ta?
À, thoạt đầu là một sự giúp đỡ, thi ân. Ở vào cái tuổi từ mười sáu tới hai mươi mốt, mọi chuyện đều vì miếng ăn, do miếng ăn mà ra cả. Ngày nàng bị gọi ra tòa cùng với người dì ghẻ, cả hai chỉ còn trong túi có một hào, họ phải mua hai chiếc bánh sáu xu ăn cho khỏi bị xỉu.
Ít tháng sau thì người dì ghẻ chết và nàng phải nghĩ cách bán thân để kiếm cho ra một hào khác, nhưng lúc đó nàng quá yếu ớt, không còn đủ sức bò ra tới đường phố. Đường phố ở Luân Đôn lúc nào cũng hầu như rất ồn ào.
- Vậy họ hàng không còn ai sao?
Cũng có những người ở tận miền Ái Nhĩ Lan, họ gởi bơ tới cho nàng. Rồi còn cháo gà nữa. Một ông cậu tới thăm nàng, khi nàng đã ăn no ông ta giở trò ba mươi lăm. Nàng không phản đối và sau đó ông ta lén giấu vợ cho nàng năm mươi Anh kim.
Stahr lại hỏi:
- Thế em không làm gì sao?
- Có chứ. Một hồi em đã làm cho hãng buôn xe hơi. Em đã bán được một chiếc xe.
- Sao em không kiếm một việc làm chắc chắn?
- Khó quá anh à. Hình như mọi người có cảm tưởng rằng những người như em là loại người chỉ chuyên môn đi cướp việc làm của người khác. Có lần em bị một mụ đàn bà đánh khi em tới định xin làm bồi phòng cho một khách sạn.
- Tại sao em lại bị ra tòa?
- Đó là chuyện xui xẻo do dì ghẻ em gây ra. Em đâu còn ai. Ba em bị một tên da đen giết chết lúc người mới hai mươi mốt tuổi, khi đó em còn chưa biết gì. Người có viết để lại cho em một tác phẩm, đó là cuốn “Lời nguyên cuối cùng”. Anh có bao giờ đọc cuốn đó chưa?
- Anh ít đọc sách.
- Em hy vọng anh sẽ mua tác phẩm đó và quay thành phim. Cuốn sách đó không dài lắm, và hàng năm nhà xuất bản vẫn trả cho em mười hào Anh tiền bản quyển.
Rồi nàng gặp “Hắn”. Hắn đưa nàng đi chu du khắp nơi, hầu hết những chỗ đã được chàng thâu vào phim. Có những thành phố chàng chưa hề nghe nói đã được nàng nhắc nhở vì đã từng sống ở đó. Sau đó hắn đổ đốn, say sưa li bì và ngủ cả với con người làm. Hắn mê cô này và tìm cách đẩy nàng đi với những người bạn của hắn. Nhưng họ cố gắng hàn gắn mối tình giữa nàng và hắn. Mọi người khuyên nàng đã thương hắn thì nên thương cho trót, cho tới cùng. Họ cố gắng thuyết phục nàng bằng đủ mọi cách. Nhưng nàng đã gặp người Mỹ này và bỏ đi luôn.
- Đáng lẽ em phải đi từ trước.
- Phải, nhưng anh thấy đâu có dễ dàng gì. Em đã phải chạy trốn một ông Vua.
Chàng có vẻ thất vọng hoàn toàn. Nàng cố gắng tạo một không khí phấn khởi. Những ý tưởng mơ hồ thoáng qua khiến chàng cảm thấy nghi ngờ mọi cái.
Nàng tiếp:
- Dĩ nhiên Vua đây không phải là Hoàng đế nước Anh, nhưng chỉ là một gã thất nghiệp. Ở Luân Đôn người ta quen gọi thế. - Nàng vừa nói vừa cười. - Ở Luân Đôn có rất nhiều vua.
Nàng ngừng một lát như thể suy nghĩ và nói tiếp với giọng gần như thách thức:
- Hắn cũng hấp dẫn lắm, cho tới lúc hắn bắt đầu sinh chứng và say sưa.
- Hắn là vua nghề gì?
Nàng trả lời và Stahr cố gắng nhớ lại một khuôn mặt nào đó trong cuốn phim thời sự cũ.
Nàng nói tiếp:
- Hắn học rất nhiều. Hắn có thể dạy học bất cứ môn gì. Nhưng cũng giống như một ông Vua, hắn không thích làm việc nhiều, hay ít ra là không bằng anh. Không ai làm việc dữ như anh cả.
Lần này Stahr cười sau khi nghe xong.
- Những người đó hình như luôn luôn lo sợ họ sẽ trở thành lỗi thời. Họ bỏ rất nhiều thì giờ vào việc lo chải chuốt, theo thời. Chẳng hạn có người cố gắng vào cán bộ nghiệp đoàn. Người thì lo cắt những bài tường thuật thể thao trong báo chí mỗi khi có những trận đấu bán kết hay chung kết giải quần vợt. Đi đâu họ cũng ôm khư khư những bài báo đó để tỏ ra ta đây là người theo sát thời sự. Em đã thấy rất nhiều lần như vậy.
Xe của hai người chạy qua công viên Griffith, qua phim trường Burbank nằm chìm trong đêm tối, qua phim trường và đang trên đường đi Pasadena với đầy các bảng hiệu nê-ông của những lữ quán bên đường. Chàng muốn nàng hết sức, nhưng đêm đã quá khuya, vả lại cuộc đi chơi hôm nay như thế kể ra cũng là đầy đủ thú vị lắm rồi. Tay trong tay, nàng ngả đầu vào vai chàng thủ thỉ: “Trời, anh dễ thương quá, em chỉ muốn được ở mãi bên anh”.
Nhưng đầu óc nàng không hoàn toàn thuộc về chàng như cuộc đi chơi chiều Chủ nhật hôm nào. Dư âm của những khích động trong cuộc phiêu lưu nàng vừa kể đã khiến nàng trở nên thẫn thờ, buồn khổ. Chàng không dằn được tính tò mò và bâng khuâng tự hỏi không biết nàng có chịu nói thêm về chuyện người tình Mỹ của nàng không.
- Em quen người Mỹ này từ bao lâu?
- À, chừng năm sáu tháng gì đó. Tụi này gặp nhau thường và thông cảm với nhau. Anh ta hay nói: “Bây giờ thì sóng gió kể như đã qua hết rồi”.
- Vậy tại sao em còn kèu anh làm gì?
Nàng ngập ngừng:
- Em muốn gặp anh thêm một lần. Hơn nữa - đáng lẽ hôm nay anh ấy về tới, nhưng đêm qua em nhận được điện tín anh ấy cho biết sẽ ở lại thêm một tuần nữa. Em muốn có bạn để nói chuyện, dù sao thì anh cũng vẫn là một người bạn.
Chàng cảm thấy muốn nàng kinh khủng. Nhưng với một phần sự sáng suốt còn lại, chàng nghĩ thầm: chắc em muốn biết mình có thương em hay không. Nếu biết chắc là mình có ý định lấy em thì lúc đó em sẽ tính đến chuyện cho anh chàng kia rơi. Nhưng em sẽ không nghĩ tới chuyện đó chừng nào mình còn chưa dứt khoát lập trường. Chàng hỏi:
- Em có yêu người Mỹ này không?
- À, có chứ. Anh ấy đã cứu vớt đời em. Và đã đi nửa vòng thế giới vì em. Em phải nhớ tới điều đó.
- Nhưng em có yêu anh ta không?
- À, có. Em yêu anh ấy.
Những tiếng “À, có” cho chàng biết rằng nàng không yêu anh ta, nhưng thực ra là nàng yêu chàng. Chàng ôm nàng trong tay, gắn chặt môi mình vào môi nàng một lúc lâu và cảm thấy ấm áp. Tiếng nàng thì thào:
- Đêm nay, đừng anh.
- À.
Xe chạy qua cây “cầu tự vận” với một đường dây xích mới được chăng ngang trên cao dọc theo lan can cầu để ngăn không cho người ta nhảy xuống sông. Nàng nhìn sợi dây, cười:
- Ngu gì mà đi tự tử. Người Anh không bao giờ chịu chết nếu họ chưa thực hiện được điều họ muốn.
Xe chạy vòng quanh một khách sạn và trở lại đường cũ. Đêm nay, một đêm tối trời, không trăng. Sự thèm muốn háo hức đã qua, hai người cùng ngồi im, không ai nói gì nữa. Câu chuyện về những ông vua thất nghiệp nàng kể khiến chàng nhớ lại hình ảnh thoáng qua của con đương phố chánh ở Erie, Pensylvania với lối đi lát sỏi trắng như những viên ngọc. Hồi đó chàng mới mười lăm tuổi. Trên đường có một tiệm ăn với những con tôm hùm bày trong tủ kính, một cái hang hình con ốc với cỏ dại xanh um và ánh sáng chan hòa phía trên, nhưng bên dưới, sau bức màn cửa màu đỏ là những bộ mặt lạ lùng, bí mật ngôi trầm tư trong tiếng vĩ cầm réo rắt. Đó là lúc chàng sắp sửa đi New York. Người con gái này tối nay đã đưa chàng trở về dĩ vãng với hình ảnh của những con tôm hùm, những con cá tươi ướp đá. Nàng giống như một con búp bê xinh đẹp. Minna không bao giờ giống một con búp bê xinh như nàng.
Nàng nhìn chàng và ánh mắt như thầm hỏi: “Liệu em có lấy người Mỹ này hay không?”. Chàng không trả lời. Sau đó một lát chàng lên tiếng:
- Chúng mình kiếm chỗ nào đi chơi cuối tuần này.
- Anh tính bàn chuyên ngày mai sao chớ?
- Anh sợ bàn tới.
- Vậy thì mai em sẽ cho anh biết.
- Cho anh biết ngay đêm nay đi. Anh sợ...
Nàng cười:
- Sợ lại tìm thấy lá thơ nữa trong xe à? Không có nữa đâu, em đã nói với anh hầu như hết mọi chuyện rồi còn gì.
- Hầu như.
- Vâng. Chỉ còn lại vài chi tiết nhỏ.
Những chi tiết đó là gì? Có lẽ ngày mai nàng sẽ nói hết. Chàng không tin đó là những chi tiết quan trọng, chàng không muốn tin như thế. Chắc chả còn vụ lăng nhăng nào khác nữa, ngoài ba năm chung sống lửng lơ chân trong, chân ngoài với anh chàng vua thất nghiệp kia của nàng.
- Cười lên anh. Em đã học được thói quen cười lên để quên đi mọi chuyên.
Chàng không cười:
- Tại sao hắn không cưới em. Nếu hắn cưới em thì bây giờ em đã trở thành một bà Simpson nào đó chẳng hạn, chớ đâu còn...
- Ồ, hắn đã lấy vợ rồi. Hắn đâu có lãng mạn.
Nàng chợt ngưng ngang câu nói, và Stahr hỏi tiếp:
- Thế còn anh thì sao?
Nàng ầm ừ một cách miễn cưỡng:
- Anh có một phần. Trong anh có tới ba, bốn con người khác nhau, về những con người đó đều lần lượt xuất đầu lộ diên. Đó là đặc điểm của người Mỹ.
Chàng mỉm cười:
- Em đừng vì thế mà bắt đầu tin tưởng quá nhiều ở người Mỹ. Họ để lộ bộ mặt ra đấy, nhưng rồi thay đổi đấy, nhanh lắm.
Nàng có vẻ nghĩ ngợi:
- Vậy sao anh?
- Họ thay đổi liền, rất nhanh, và không gì làm họ quay trở lại được nữa.
- Anh làm em lo quá. Từ trước tới giờ em vẫn có cảm tưởng người Mỹ là cái gì an ninh, bảo đảm lắm.
Đột nhiên nàng có vẻ cô đơn quá, và chàng nắm lấy tay nàng:
- Mai mình đi đâu? Hay là đi chơi núi. Mai có rất nhiều việc phải làm, nhưng anh cóc cần. Nếu chúng ta đi lúc bốn giờ chỉ độ xế trưa là tới rồi.
- Em không dám chắc chắn lắm. Đôi khi em thấy thật là khó nghĩ. Dù sao em cũng là một thiếu nữ tới California với mục đích làm lại cuộc đời.
Ngay lúc này chàng có thể bảo nàng: “Em đã làm lại cuộc đời rồi. Đây là cuộc sống mới của chúng mình”. Vì chàng cảm thấy không muốn xa nàng nữa. Nhưng một con người lớn, không mơ mộng đã nổi lên, ngăn cản không cho chàng nói như vậy, nên để đến mai hãy hay. Nàng vẫn nhìn chàng với đôi mắt bâng khuâng. Nàng nghiêng đầu với một dáng điệu đặc biệt và nhìn đi, nhìn lại từ trán tới cằm chàng.... Dịp may của anh đã tới đó, Stahr. Tốt hơn anh nên đem nàng đi ngay bây giờ. Nàng là người của đời anh nàng thuộc về anh. Nàng là cứu tinh của anh và sẽ giúp anh tìm lại cuộc sống. Nàng sẽ săn sóc anh, khiến anh trở nên mạnh mẽ để thực hiện điều đó. Nhưng anh phải lấy nàng ngay từ giờ phút này. Hãy nói lên, và hãy cùng nàng ra đi chung sống trong hạnh phúc. Anh cũng như nàng, đâu có ai biết: ngoài xa xăm kia, người Mỹ đó đã thay đổi chương trình. Lúc này tàu anh ta đang đi ngang vùng Albuquerque; tàu chạy rất đúng giờ, chỉ sáng mai là anh ta có mặt nơi đây.... Tài xế quẹo xe, tiến về phía nhà Kathleen trên đồi. Trời tối, nhưng không khí có vẻ ấm áp. Tuy chỉ đi quanh quẩn trong thành phố một lát, nhưng khi trở về tới đây tự nhiên Stahr cảm thấy mừng rỡ. Chiếc xe này, căn nhà ngoài bãi biển, khoảng đường dài hai người vừa đi qua với những nhà cửa mở mang san sát, tất cả đều như chào đón chàng. Sườn đồi phía trước như bừng sáng, trong lòng chàng những âm thanh reo mừng nổi lên rộn rã.
Lúc chia tay, đột nhiên Stahr lại cảm thấy không thể nào sống xa nàng, về tuổi tác, hai người chỉ chênh lệch nhau có mười năm, nhưng chàng cảm thấy nóng lòng, sốt ruột giống như tâm trạng của một ông già khi yêu cô gái mười sáu, mười bảy, yêu quàng, yêu vội để còn chạy trốn thời gian. Tiếng tích tắc của đồng hồ vang lên cùng với tiếng tim đập trong lòng chàng, như thúc đẩy chàng đuổi theo nàng, đi vào trong nhà và nói: “Mình sẽ sống trọn đời bên nhau, em”.
Kathleen ở trong tình trạng lưỡng lự, một lớp băng giá màu hồng bạc đang đợi mùa Xuân tới để tan theo. Là người Âu châu, nàng luôn luôn có vẻ khiêm nhượng bề ngoài để che giấu sức mạnh bên trong, nhưng lòng tự trọng cao độ không thể cho phép nàng đi xa hơn nữa. Nàng không bao giờ có ảo tưởng trong việc nhận định tình cảm của người đàn ông.
Stanr:
- Ngày mai mình đi chơi núi.
Hàng ngàn người đang chờ đợi ở sự phán đoán, cân nhắc của chàng lúc này. Bạn có thể đột nhiên trở nên bạc nhược, mất hết những khả năng từng giúp bạn trong nhiều chục năm trời nay.
Sáng hôm sau là thứ Bảy, chàng bận rất nhiều công việc. Lúc hai giờ, sau khi đi ăn cơm trưa về, chàng thấy một chồng điện tín để trên bàn: một tàu của công ty bị chìm ngoài khơi Arctic; một tài tử bị ô nhục; một văn sĩ bị đưa ra tòa vì một triệu đô-la; người Do Thái bị chết thảm dưới đáy biển. Bức điện tín sau cùng chàng đọc thấy:
Em lấy chồng trưa nay. Chào anh. Ghim theo bức điện chánh còn có một bức phụ. Gởi trả lời qua hệ thống Liên hiệp Điện tín Miền Tây.