Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2102 / 36
Cập nhật: 2015-07-11 21:00:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
– 19 –
Sáng hôm sau, những cánh cửa văn phòng Tổng Nha Cảnh Sát vừa mở, đã có tôi chờ sẵn trong văn phòng của Thiếu tá Trịnh.
Đêm hôm trước tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Cho nên sáng nay tôi cảm thấy mệt mỏi, bực tức, nóng nẩy. Tôi hiểu câu chuyện Ngũ Tử Tư ngày xưa chỉ thức có một đêm suy nghĩ mà sáng hôm sau bạc trắng mái tóc. Tôi hiểu sự tàn phá của những đêm không ngủ và suy nghĩ. Suy nghĩ mà không tìm ra được giải pháp cho vấn đề mà mình suy nghĩ.
Trong những đêm như hôm qua, tôi thấy – trong những phút tôi bỗng dưng trở lại sáng suốt một cách tuyệt vọng − sự mất tích của vợ tôi dần dần đưa tôi vào một tình trạng hoang mang đến cực độ. Tôi bị ám ảnh như người mất hồn. Tôi gần như không còn hiểu có chuyện gì đã xẩy ra với tôi, trong cơn hoang mang, những đồ vật tầm thường, quen thuộc nhất cũng trở thành xa lạ đối với tôi, tất cả mọi người đều có vẻ khả nghi là kẻ thù của tôi.
Tất cả đều như hợp lực làm cho tôi điên cuồng.
Tôi trở nên nóng nẩy, tôi muốn đòi hỏi Thiếu tá Trịnh và người phụ tá của ông là Thượng sĩ Bái phải gấp rút điều tra ra ngay bọn bắt giữ vợ tôi, nếu không, tôi sẽ phát điên. Tôi tin rằng những sự việc xẩy ra tối hôm qua – cái chết của Vân Hà − cảnh sát đã có đủ bằng chứng để tìm ra bọn gian.
Nhưng bực thay, cả hai viên chức cảnh sát này − Thiếu tá Trịnh và Thượng sĩ Bái − đều không đồng ý với tôi. Tôi thấy họ đủng đỉnh, chậm chạp, rị mọ một cách thật là đáng ghét. Tôi phải cố gắng lắm mới không nói thẳng vào mặt Thiếu tá Trịnh một câu nặng nề, bất lịch sự nhưng đúng với sự thật như: “Các ông làm việc tắc trách. Không phải là … vợ các ông bị mất tích nên các ông không cần. Các ông làm việc không có sáng kiến … Người như các ông mà giữ trọng trách bảo vệ xã hội thì tin làm sao được?”
Dường như Thiếu tá Trịnh cũng bực bội không kém gì tôi, tôi nghĩ rằng có lẽ thấy tôi đến quấy ông ngay sáng sớm nên ông càng thêm bực. Người đời thường như thế, ai cũng vậy, khi có người nào làm cho ta trở thành một người vô dụng, không làm nổi việc gì, ta ghét ngay người đó. Vì tôi và vụ vợ tôi mất tích đưa Thiếu tá Trịnh vào một tình trạng khó nói: ông không điều tra gì được hết, nên ông ghét mặt tôi. Sự có mặt của tôi chỉ làm tăng thêm nỗi khó chịu của ông, tôi là một bằng chứng sống về sự bất lực của ông.
Tôi hỏi ông cuộc điều tra của ông đi tới đâu rồi, ông lạnh lùng đáp:
- Trì trệ, đứng yên một chỗ … Không tìm qua được một cái gì mới. Không còn ai đến cho tin về bà Ngọc nữa. Có lẽ tôi lại phải cho đăng báo và chiếu hình bà ấy trên Ti Vi một lần nữa.
- Có gì lạ ở Khách sạn Mỹ Ngọc Cung không ạ? Tôi hỏi.
Thiếu tá Trịnh lắc đầu:
- Chẳng có gì hết. Đúng như lời người chủ khách sạn đã khai: bà Ngọc đi khỏi đó từ tuần trước.
- Thượng sĩ Bái đã trở lại đó điều tra lần thứ hai chưa ạ?
- Đã.
Những tiếng trả lời gọn và cấm cẳn của Thiếu tá Trịnh làm cho cơn giận của tôi nổi lên. Rõ ràng là ông muốn nói cho tôi hiểu qua những lời cấm cẳn và thái độ lạnh nhạt ấy một câu như: “Ông làm phiền tôi. Ông nên đi đi … Tôi không muốn phải nhìn mặt ông nữa”. Ông ta muốn che đậy sự bất lực bằng vẻ lạnh nhạt ấy, nhưng ông ta đâu có thể đuổi tôi đi dễ như vậy được.
Tôi nén giận để nói:
- Theo ông thì bao giờ cuộc điều tra này kết thúc?
Ông ta cười nhạt:
- Cuộc điều tra có thể kết thúc ngay bây giờ. Cảnh sát không phải là vô địch … Những người hành nghề cảnh sát như chúng tôi không phải là thần thánh. Có nhiều vụ cảnh sát cũng đành bó tay chịu thua … Không phải bất cứ vụ nào đưa tới chúng tôi cũng chắc chắn là ra manh mối …
Tôi chắc lòng tự ái của Thiếu tá Trịnh đã bị sứt mẻ nặng khi ông thú nhận sự bất lực của ông. Người như ông là người tự ái ngầm và kiêu căng kín đáo. Nghe ông ta thú nhận như vậy, tôi lại thấy thương hại ông, tôi dịu giọng:
- Tôi có vài sự kiện mới muốn trình với Thiếu tá …
Ông ta lãnh đạm:
- Gì vậy. Ông Tuấn?
Tôi muốn đấm vào mặt ông ta, nhưng sau cùng tôi cũng chế ngự được. Tuy vậy hai tay tôi cũng run lên và tôi phải nắm chặt hai bàn tay lại để cho Thiếu tá Trịnh không thấy là tôi run:
- Chắc Thiếu tá sáng nay có đọc qua những báo cáo về vụ chết người xẩy ra trong đô thành đêm qua?? Trong số có vụ xe lửa cán chết một thiếu phụ trong ga Chí Hòa vào hồi 9 giờ tối qua?
Ông ta gật đầu:
- Có, tôi vừa đọc báo cáo về vụ đó. Một tai nạn.
- Tôi nghĩ rằng đó không phải là một tai nạn … Tôi biết thiếu phụ đó, chính nàng hẹn tôi tới đó để cho tôi biết một chi tiết về vợ tôi … Tôi không biết rõ tên thật của nàng trong thẻ căn cước là gì, tôi chỉ biết rằng nàng có cái tên là Vân Hà và nàng là bạn cũ của vợ tôi … Tôi tin rằng nàng đã bị giết và hóa trang thành một tai nạn để che mắt nhà chức trách.
Ông ta bắt đầu tỏ ra chú ý đến câu chuyện của tôi.
Lẽ ra, tôi phải kể từ đầu, nghĩa là kể tất cả những chuyện Vân Hà đã nói với tôi, nhưng vì thái độ của Thiếu tá Trịnh, tôi giữ lại một phần lớn chi tiết, tôi chỉ cho ông ta nghe đoạn sau cùng.
Tôi kết luận:
- Thiếu tá chắc còn nhớ vụ tai nạn xe hơi năm xưa của vợ tôi ở Sàigòn? Chính ông đã tìm thấy vụ đó trong hồ sơ lưu trữ của Cảnh sát … và chính ông nói cho tôi biết và Thượng sĩ Bái cho tôi biết địa chỉ của cô Vân Hà … Vụ tai nạn xe hơi rồi các ông tìm ra chiếc xe mất trộm đó …
- À … À … tôi nhớ. Nhưng người đi chung xe đó với bà Ngọc là người khác kia mà? Một nữ ca sĩ … Tên cô ta là …
Tôi nhớ rõ vụ này hơn là ông ta, không muốn để cho ông ta phải mất thì giờ mở lại hồ sơ, tôi nói:
- Tên cô ấy ngày đó là Kim Phụng, nữ ca sĩ Kim Phụng. Bây giờ cô ấy đổi tên là Vân Hà … Hai người đó là một …
Thiếu tá Trịnh hỏi gặng:
- Ông có chắc đúng không?
- Tôi đã nói là chính cô ấy hẹn tôi tới đó mà. Cô ấy đã gặp tôi một lần rồi. Sau khi biết địa chỉ của cô ấy, tôi đến địa chỉ đó tìm. Đó là nhà bà già của cổ. Sau đó tôi được gặp cổ. Cổ nói không biết gì về việc vợ tôi về đây. Sau đó, tôi lại được cô ấy hẹn gặp để nói cho biết nhiều chuyện thật quan trọng về vụ vợ tôi mất tích. Cô ấy nói rằng sở dĩ phải hẹn tôi ở một nơi xa như vậy là vì có kẻ theo rõi, rình mò cổ. Tôi tin chắc là cổ bị giết chứ không phải là một tai nạn.
Tôi đã nói rõ đến như thế và sự việc tự nó cũng đã quá rõ ràng nhưng có lẽ vì tự ái, vì không muốn nhận – dù nhận một cách gián tiếp − rằng mình là cảnh sát mà mình lại kém suy luận hơn người không làm nghề cảnh sát như mình, Thiếu tá Trịnh vẫn cứ làm bộ lạnh lùng.
Tôi biết rõ ông ta làm bộ như vậy và thái độ của ông ta càng lúc càng làm cho tôi thêm giận dữ:
- Dù là cô Kim Phụng hay là Vân Hà … như ông nói đó có thật là bị người ám sát đêm qua đi chăng nữa, tôi cũng không thấy vụ đó có liên hệ gì đến vụ mất tích của bà vợ ông. Cô Vân Hà đó … theo như chúng tôi biết … là một người đàn bà không được lương thiện mấy. Nghe nói cô ta có một ông chồng ghen khủng khiếp lắm và cô ta không chịu làm gì để làm cho ông chồng của cổ đừng ghen … Có thể cô ta chết vì ghen … Mỗi cặp vợ chồng có một vấn đề riêng, chúng ta không phải là họ … chúng ta không thể nào biết được tất cả những ẩn tình trong đời họ.
Lời nói của Thiếu tá Trịnh, đối với người nào khác, bất cứ ai khác, cũng là những lời lịch sự, không có gì đáng trách trong những tiếng đó. Nhưng với tôi khác.
Với tôi, đó là những lời sỉ nhục.
Có thể vì tôi có mặc cảm, tôi thấy rõ rằng Thiếu tá Trịnh như muốn nói:
- Ông đừng có xen vào chuyện gia đình của người khác. Gia đình ông có chuyện bê bối thì gia đình người ta cũng vậy.
Tôi đã cố dồn nén bực bội từ lâu rồi …
Đến lúc đó, tôi không còn chịu đựng được nữa. Tôi như một nồi nấu hơi phát nổ, tôi như một cái (rét-so) bị căng quá mức đến bật tung ra …
Bây giờ, giây phút này, khi hồi tưởng lại lúc đó, tôi cảm thấy hổ thẹn.
Tôi la lối như một tên vô giáo dục:
- Các anh ngu lắm … Toàn một lũ ăn hại, đồ bất lực …, không làm được việc gì … Chỉ có việc đi tìm một người đàn bà mà cũng tìm không ra … Còn làm ăn cái gì được …? Các anh không biết nhục … Chỉ biết có lãnh lương …
Thiếu tá Trịnh không nói lại tôi lời nào.
Ông ta cũng chẳng tỏ vẻ gì là giận dữ hoặc bất mãn. Trái lại, ông đối xử với tôi rất đường hoàng. Ông ngồi yên chờ cho cơn giận dữ của tôi dịu đi mới nói:
- Tôi sợ vụ này làm cho thần kinh của ông hơi rối loạn rồi đấy, ông Tuấn ạ … Ông lo nghĩ nhiều quá. Ông bị xúc động quá mạnh. Tôi khuyên ông nên đi bác sĩ. Tôi biết trong lúc này, ông không thể nào quên hết để vào nằm nghỉ ngơi trong một bệnh viện … Nhưng nếu không làm thế tôi sợ ông chẳng còn cách nào khác.
Ông đến bên tôi, dịu dàng đặt tay lên vai tôi và nói êm đềm như một người anh khuyên đứa em trai đang khổ sở:
- Ông phải tin ở chúng tôi. Chúng tôi không xao lãng việc tìm bà Ngọc cho ông đâu. Trái lại nữa là khác, ông cần phải tin rằng nếu có gì có thể làm được để tìm cho ra bà Ngọc nhanh chóng, chúng tôi đã làm và còn sẽ làm nhiều nữa. Song, như ông cũng thấy, đây là một vụ án rắc rối. Tôi nhận với ông là chúng tôi quả có tiến chậm trong vụ này, nhưng những cuộc điều tra của cảnh sát chúng tôi thường như thế. Nhiều khi và gần như là luôn luôn … nó tiến triển rất chậm … Chậm đến nỗi chính chúng tôi cũng phải phát nản … Nhưng khi nó ra manh mối thì sự việc lại mở nút rất nhanh. Chỉ trong đầu hôm sớm mai là xong hết … Vì vậy, ông không nên nóng ruột. Chúng tôi cũng mong tìm ra manh mối vụ này như ông vậy. Ông nên về nghỉ đi. Nghỉ ngơi và chờ chúng tôi. Ngoài lời khuyên này ra, ngay lúc này chúng tôi chẳng có thể làm gì hơn cho ông được. Ông có chửi rủa chúng tôi cũng đến vậy mà thôi.
Tôi mắc cỡ đến nỗi tôi líu ríu ra khỏi Tổng Nha Cảnh Sát mà quên cả chào và cám ơn Thiếu tá Trịnh.
Cuộc nổi giận sáng này của tôi, cộng với hậu quả cái chết của Vân Hà và suốt một đêm trằn trọc làm cho tôi kiệt lực hoàn toàn.
Tôi hoàn toàn kiệt lực và tuyệt vọng đến cùng.
Vì vậy khi gặp lại Huy trong bữa ăn trưa mà chúng ta cùng ăn với nhau đó, tôi chỉ còn có một ý muốn: không nói, không suy nghĩ, không cảm thấy gì hết.
Do đó suốt bữa ăn với Huy buổi trưa hôm đó, Huy đã thấy tôi lầm lỳ không cười nói. Tôi không nói gì với Huy hết về việc tôi hẹn gặp cô Vân Hà ở nhà ga và cô ta bị giết chết bằng cách đẩy cho té nhào vào đầu xe lửa, tôi cũng chẳng nói gì với Huy về vụ tôi đến gặp Thiếu tá Trịnh và chửi ông ta ngay trong văn phòng của ổng.
Còn Huy, Huy thật là tế nhị. Huy hiểu tâm trạng của tôi lúc đó.. Huy biết là tôi cần tĩnh trí và nghỉ ngơi, Huy chỉ nói sơ qua đến những gì đã xẩy ra khi không thể không nói.
Tôi biết rằng Thiếu tá Trịnh đã gọi điện thoại cho Huy sau khi tôi từ văn phòng ông ta ra về, khi Huy bảo tôi:
- Thiếu tá Trịnh thấy anh có vẻ mệt mỏi quá. Ổng muốn tôi giới thiệu với anh một bác sĩ bạn ở đây.
Và Huy nói tiếp:
- Tôi thấy ông ta nói đúng. Anh có vẻ yếu quá … Anh còn nhớ Phan không? Ngày xưa chúng ta vẫn gọi Phan là Phan Mù vì hắn mang kiếng cận thị nặng, bỏ kiếng ra là không còn trông thấy gì mà cứ khoái đá banh với chúng mình đó?? Bây giờ Phan là bác sĩ chuyên khoa thần kinh ở Sàigòn. Hắn vừa du học ở Pháp về, lấy vợ giầu, con nhà đại địa chủ miền Hậu Giang. Gặp lại Tuấn, chắc là Phan mừng lắm. Lâu lâu gặp Phan, hắn vẫn hỏi thăm Tuấn luôn.
Huy chỉ nói thế thôi. Và Huy nói khéo quá đến nỗi tôi chẳng cảm thấy qua một xúc động nhỏ nào. Tôi không hề bực tức vì chuyện tôi bị nghi là điên, loạn trí và bị người ta đẩy đi nhà thương. Trái lại, tôi cảm thấy vui vui vì sắp có dịp gặp lại một người bạn học cũ: Phan Mù, bây giờ là Bác sĩ, mà lại là bác sĩ chuyên khoa thần kinh nữa mới hách chứ.
Trong thâm tâm, tôi thấy Huy và Thiếu tá Trịnh hoàn toàn có lý.
Huy lại còn nói:
- Tuấn nên tin ở Thiếu tá Trịnh. Ông ấy sẽ tìm thấy Ngọc và đem Ngọc yên ổn, bằng an trở về với Tuấn. Con người ấy trông có vẻ hiền lành nhưng thật sự là một người rất cừ khôi. Ông ta không bao giờ chịu thua ai đâu, không bao giờ ông ta chịu bỏ dở một công tác mà ông ta đã nhận làm. Tôi thấy biện pháp hay nhất là chúng ta nên để cho cảnh sát làm công việc của họ. Trong mấy ngày vừa qua, chúng ta đã sôi nổi, làm lung tung lên một cách rất vô ích và trẻ con.
Một lát sau Huy lại nói:
- Nếu tôi ở trường hợp anh, tôi trở về Nam Vang và đi làm lại để bớt suy nghĩ.
Suốt buổi chiều đó tôi ở nhà Huy. Huy cũng ở nhà với tôi. Chúng ta đọc sách nghe nhạc và nói chuyện vãn … Huy nói cho tôi biết là Huy sẽ đi Huế ngày hôm sau để nghiên cứu tại chỗ một vụ án. Vụ án này sẽ ra Tòa trong tuần tới nhưng tới chủ nhật này chúng ta sẽ lại gặp nhau ở Sàigòn.
Một tuần đã qua đi. Cuối tuần này, Huy không đi chơi cuối tuần với những người bạn của Huy như tuần trước.
Việc sẽ gặp lại Huy vào chủ nhật tới làm cho tôi thêm vui.
Chúng ta ăn tối ở nhà Huy. Tuy Huy sống độc thân, nhà Huy có người nấu bếp đàng hoàng và ăn ngon.
Đến 11 giờ đêm, Huy đưa tôi về.
Trời mưa vào buổi tối nhưng giờ đây, trời tạnh, có trăng sáng và thủ đô có những đường phố thật sạch. Mưa như trời tắm cho thành phố. Không khí mát và nhẹ. Chúng ta đi bộ sánh vai nhau trên những hè phố vắng.
Đưa tôi về tới khách sạn Huy mới trở về.
Tôi đứng trên thềm cao nhìn theo Huy. Bóng dáng thanh thanh, lịch sự, lúc nào cũng hào hoa của Huy mỗi lúc một xa tôi. Tôi nhìn theo Huy và thắc mắc về chuyện tại sao Huy chưa có vợ. Người như Huy chắc chắn là phải có nhiều người đẹp yêu mê. Huy có thể cưới làm vợ bất cứ người đẹp nào chưa chồng ở Sàigòn và Sàigòn có thừa người đẹp. Tại sao Huy chưa yêu ai? Người vợ lý tưởng của Huy phải là người đàn bà như thế nào? Từ hôm gặp lại nhau đến giờ, tôi chẳng có thì giờ và tôi cũng không có tâm trí để hỏi Huy về chuyện đó.
………………………..
HUY ơi, đêm đã khuya khi tôi viết những dòng này, tôi không biết tôi có còn gặp lại Huy nữa hay không, nhân đây, tôi mượn chữ thay lời để nói với Huy về những cảm tình thương mến nhất của tôi đối với Huy.
Tôi không có anh em ruột. Người ta thường nói rằng có nhiều người không thương mến anh em ruột thịt của mình bằng thương mến bạn. Tôi không có anh em ruột nên tôi không hiểu rõ về chuyện này đúng hay sai. Tôi chỉ biết rằng tôi thương mến Huy với những tình cảm sâu đậm hơn tình bạn nhiều.
Tôi chưa bao giờ nói với Huy những tình cảm của tôi. Tôi cũng chẳng có dịp nào để bầy tỏ với Huy về tình của tôi. Tôi chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ dám nói những lời này với Huy nếu mai đây chúng ta lại gặp nhau: Huy là người tôi yêu thương nhất đời, sau vợ tôi, sau Ngọc.
– 20 –
Tôi đứng trong một cánh đồng cỏ.
Cỏ có mầu xanh biếc của Ngọc Bích, đây đó những bông hoa mầu đỏ tươi. Trước mặt tôi, ngay dưới chân tôi, chẩy một dòng suối nước trong. Cảnh vật thật đẹp và im lặng. Nhưng sao tôi lại lo sợ, hồi hộp đến thế …? Cái gì đang đe dọa tôi? Cái gì làm tôi sợ hãi …?
Chợt tôi nhìn thấy ở bên bờ suối bên kia một bóng người …
Bóng người đàn bà. Nàng quay lưng lại tôi, tôi nhìn kỹ bóng dáng nàng và thấy đó là một người tôi quen thân. Tôi lớn tiếng gọi nàng. Nàng không nghe tiếng tôi, nàng không quay lại nhưng tôi tin chắc là nếu nàng nghe tiếng tôi, nàng sẽ mừng lắm. Tôi phải làm cách nào cho nàng biết là có tôi ở bờ suối bên này. Tôi gọi lớn nữa, nàng vẫn không nghe tiếng …
Rồi tôi thấy nàng từ từ xa tôi …
Nơi tôi đứng không khí rất trong, trời rất sáng nhưng từ nơi chân trời xa tôi thấy có sương mù giăng giăng và Nàng dần dần trôi về phía đám sương mù ấy. Nàng không đi, tôi thấy rõ là nàng không đi. Như có một sức mạnh nào đó đưa nàng trôi xa tôi. Tôi biết rằng khi nàng đã đi vào vùng sương mù ấy, tôi sẽ không bao giờ còn thấy mặt nàng nữa. Cơn lo âu trong lòng tôi dâng cao. Tôi hiểu rằng tôi lo sợ chính vì người đàn bà đó. Tôi sợ tôi sẽ không còn bao giờ được gặp mặt nàng.
Tôi phải làm sao đuổi theo nàng.
Không gọi được nàng, không làm sao cho nàng nghe được tiếng nói, tôi nhào xuống suối để lội qua bờ bên kia.
Dòng suối nước nhỏ thôi, nước cũng không chảy mạnh, không có sóng nhưng tôi không thể nào lội qua được. Nước tràn vào mắt, miệng tôi, hai chân tôi dính chặt xuống đáy sình. Tuy nhiên tôi cố gắng lội đi, vừa lội tôi vừa kêu lớn: “Ngọc … Ngọc …” nhưng người thiếu phụ vẫn không quay lại. Sau một lúc lâu lắm tôi mới vào được bờ suối bên nàng. Những dây leo chằng chịt không biết từ đâu xuất hiện cuốn chặt lấy tôi, không cho tôi lên bờ. Có lúc tôi kiệt lực và nản chí muốn buông tay cho rơi xuống, cho muốn ra sao thì ra …
Nhưng Ngọc đứng đó, nàng đang ở gần tôi, rất gần, nàng đang chờ tôi. Vì một sự hiểu lầm nào đó nàng chờ tôi ở phía trước mặt nàng trong lúc tôi lại ở sau lưng nàng.
Với một cố gắng phi thường, tôi vượt được lên bờ.
Nhưng Ngọc không còn ở đó nữa …
Đồng cỏ bao la, không một bóng người.
Tôi gọi lớn tên nàng …
Không có tiếng nàng đáp lại. Chắc nàng đã biến mất trong vùng sương mù kia. Tôi đã để nàng đi chỉ vì tôi tới quá chậm. Nàng chờ tôi đã quá lâu … Lỗi tại tôi và những giọt nước mắt đau thương, tuyệt vọng ràn rụa trên má tôi, tôi khóc.
Vừa khóc, tôi vừa đi tìm nàng. Tôi cũng đi vào vùng sương mù … Tôi gần như tuyệt vọng, rồi đột ngột, tôi thấy hiện ra trên cỏ một bóng người nằm đó. Tôi nghĩ đến chuyện nàng mệt mỏi nằm ngủ. Cỏ sạch và thơm quá, nằm trên cỏ này nàng sẽ thơm mùi cỏ tươi và đất mới. Run rẩy vì mừng, tôi đến gần nàng. Tôi ôm chầm lấy nàng, nhưng trời ơi, tôi kinh hoàng rú lên vì tôi ôm trong tay một xác người đàn bà đẫm máu, nát ngấu … Xác Vân Hà …
… Cảm giác kinh dị ấy làm cho tôi ngồi bật dậy …
Tôi ngồi run rẩy trên giường, một lúc sau tôi mới đưa được tay ra để nhận nút mở sáng ngọn đèn ngủ.
Lúc đó là ba giờ sáng. Tôi vừa qua một cơn ác mộng.
Ác mộng làm cho người tôi ướt đẫm mồ hôi …
Tôi gượng dậy và loạng choạng đi vào phòng rửa mặt. Tôi nghiệm thấy mỗi khi gặp ác mộng và thức giấc nửa đêm, tôi phải rửa mặt mới mau tỉnh lại.
Rửa mặt xong, tôi trở lại giường nằm nhìn lên trần nhà.
Ác mộng vẫn còn làm cho tôi hoang mang, sợ hãi khi tiếng chuông điện thoại reo vang …
Ai có thể điện thoại đến cho tôi vào giờ này? Cảnh sát chăng? Từ ngày về Sàigòn đến nay tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại nhiều nhất với Thiếu tá Trịnh, Tổng Nha Cảnh Sát, rồi với Huy và người thứ ba là Vân Hà.
Nhưng Vân Hà đã chết.
Tôi nghĩ ngay đến chuyện có thể đây là người nào đó lầm số điện thoại. Tôi nhấc ống nói để trên mặt bàn ngủ, bên ngọn đèn và hãy còn ngái ngủ, tôi trả lời:
- A lô …??
Giọng nói xa lạ như từ một hành tinh nào khác vang tới tai tôi:
- Ông vẫn thương vợ ông lắm …? Phải không? Vợ ông cần số tiền 250.000 đồng để có thể trở về với ông. Muốn thấy bà vợ ông còn sống trở về với ông, ông hãy lo ngay số tiền đó … 11 giờ đêm mai đem tiền lại Quán Hoành Sơn … khu Lăng Tô dưới chân cầu Tân Thuận … Cầm theo tờ báo Ánh Sáng để nhận diện. Tới nơi gọi uống Rhum Marita và hai con cua lột, hai con bồ câu … Sẽ có người gặp ở đó.
Không để cho tôi kịp hỏi lại một tiếng, kẻ vô danh và bí mật gọi lại cắt ngay điện thoại.
Tôi vội vã gọi ngay điện thoại xuống người giữ máy điện thoại của khách sạn. Cũng như ở các công tư sở có nhiều máy điện thoại, khách sạn này có một đài chung do nhân viên khách sạn giữ. Người ngoài gọi tới hay người bên trong gọi đi đều qua đài chung của khách sạn.
Cô thư ký giữ điện thoại của khách sạn vào giờ này cũng ngái ngủ không kém tôi, tuy nhiên cô ta cũng trả lời tôi với một giọng sốt sắng vừa đủ:
- Cô làm ơn cho tôi biết ai vừa gọi điện thoại tới cho tôi? Có thể nào biết được số máy của người vừa gọi tới cho tôi không cô?
- Thưa … tôi rất tiếc không giúp ông được. Người gọi tới cho ông gọi từ một máy điện thoại công cộng. Có chuyện gì quan trọng lắm không ông?
- Rất quan trọng đối với tôi … Tôi bị … Tôi bị …
Có lẽ cô giữ máy điện thoại của khách sạn đoán biết được tôi muốn nói gì, có thể cô đoán là tôi bị hăm dọa nên nói ngay:
- Nếu ông muốn … chúng tôi có thể tìm ra số máy điện thoại gọi đến cho ông được … Nhưng ông phải chờ đến ngày mai, chúng tôi sẽ nhờ Tổng Đài Điện Thoại của Nha Bưu Điện tìm giúp …
Tuy rối loạn, tôi cũng còn đủ tâm trí để hiểu rằng dù tôi có tìm được ra số máy điện thoại của kẻ vừa gọi đến cho tôi cũng vô ích mà thôi. Kẻ đó không dại gì mà gọi từ một máy điện thoại riêng để cho tôi có thể tìm ra được tông tích Y.
Sàigòn này có thiếu gì máy điện thoại công cộng.
Muốn tìm ra máy điện thoại công cộng đó tôi lại phải nhờ cảnh sát, tức là lại nhờ đến Thiếu tá Trịnh và người phụ tá của ông là Thượng sĩ Bái. Và nhờ hai ông này, tôi lại bắt buộc phải kể hết mọi chuyện. Nếu biết là bọn gian đòi tiền tôi và hẹn giờ, hẹn chỗ gặp tôi, chắc chắn Thiếu tá Trịnh sẽ không để cho tôi im lặng tới nơi hẹn một mình.
Dù tôi có yêu cầu, Thiếu tá Trịnh cũng ngầm cho nhân viên đi theo tôi. Ông không thể biết là có vụ bắt cóc tống tiền mà lại không tìm cách bắt bọn bắt cóc.
Về phần tôi, nếu tôi để cho nhân viên cảnh sát theo rõi tôi tới nơi hẹn đêm mai, bọn gian sẽ biết. Nhân viên cảnh sát có thể kín đáo đến thế nào đi chăng nữa bọn gian cũng biết.
Nếu chúng thấy có cảnh sát theo tôi, chúng sẽ nghĩ rằng tôi âm mưu với cảnh sát tổ chức giăng bẫy bắt chúng, chúng sẽ không dại gì ra mặt và chúng sẽ trừng phạt tôi bằng cách làm cho Ngọc phải đau đớn.
Không. Tôi không thể để cho Thiếu tá Trịnh biết về vụ này.
Suốt từ đó cho tới sáng, tôi không còn chợp mắt được nữa, mặc dầu tôi rất mệt, mệt đến rã rời.
Tôi suy nghĩ nhiều, tôi đưa ra những giải pháp để ứng phó với vụ đêm mai, nhưng tôi không thấy một giải pháp nào có thể áp dụng được.
Tôi chỉ còn một cách là làm theo lời kẻ bí mật: một mình tới nơi hẹn và ngồi đó chờ.
Tôi nhớ lại những lời vắn tắt mà tên gian vừa nói với tôi: 11 giờ đêm mai. Bây giờ đã trở thành đêm nay vì trời đã sáng, một ngày mới đã tới trên Trái Đất, một mình tới Quán Hoành Sơn ở Lăng Tô, dưới bóng cầu Tân Thuận, tay cầm theo tờ báo Ánh Sáng và vào Quán gọi Rhum Marita, hai con cua lột, hai con chim cu.
Ngay sáng sớm tôi đã gọi điện thoại tới văn phòng của Huy, nhưng không may cho tôi là sáng nay, Huy lại đi vắng vì công việc từ sớm.
Huy đi vắng suốt ngày, hôm sau Huy mới trở về Sàigòn.
Tôi không thể gặp Huy để nói chuyện cho Huy hay và nghe lời khuyên của Huy. Tôi bắt buộc phải hành động một mình.
“Định mệnh đã an bài” như vậy.
Việc tìm đủ số 250.000 đồng đối với tôi không phải là một chuyện khó. Ngân Hàng của tôi có Trụ Sở chính ở Sàigòn, tôi chỉ cần tới đó ký một Ngân Phiếu là xong. Số tiền mà bọn gian đòi không phải là một số tiền quá lớn. Tôi chờ đợi bọn gian đòi cả triệu đồng. Số bạc 250.000 đồng quá ít … Đêm nay tôi sẽ một mình tới nơi hẹn, chờ gặp, giao tiền và … mang Ngọc trở về.
Tôi sẽ tìm được vợ tôi một cách dễ dàng, không tốn kém mà cũng chẳng cần nhờ vả đến cảnh sát nói chung và hai ông Thiếu tá Trịnh, Thượng sĩ Bái nói riêng.
Tôi sẽ kết liễu vụ này “bằng bất cứ giá nào”.
Buổi sáng tôi bận tới Ngân Hàng lãnh tiền.
Tôi có tiền gửi ở Ngân Hàng của tôi trên Nam Vang nhưng nhờ tôi là một nhân viên giữ chức vụ khá trong Ngân Hàng, những người trong Ngân Hàng ở Sàigòn đều quen biết tôi – chúng tôi là đồng nghiệp, đồng sở − nên họ vẫn cho lãnh tiền không cần chờ hỏi Ngân Hàng trên Nam Vang. Tuy nhiên người ta cũng gọi điện thoại lên hỏi Phúc. Tôi phải chờ mất hai tiếng đồng hồ. May sao Phúc có mặt tại văn phòng của anh và anh trả lời bảo đảm cho tôi ngay.
Buổi trưa, tôi xách cặp tiền về khách sạn. Tôi ăn qua loa cho xong bữa rồi lên phòng nằm nghỉ. Tôi muốn tôi có đầy đủ khả năng và tinh thần để đối phó với những sự việc xẩy ra đêm nay.
Tôi không trở lại Lăng Tô từ nhiều năm nay, đúng ra là từ năm tôi kết hôn với Ngọc. Nhưng năm trước, vì tình hình chiến tranh bất an, người Saigon không có nơi đi ăn chơi xa. Người Saigon chỉ có thể đi chơi Ô Cấp vào cuối tuần. Đường Sàigòn – Cấp chỉ có “công-voa” của Bình Xuyên mở đường vào sáng thứ bẩy và chiều chủ nhật. Đi chơi trong ngày thường, người ta chỉ có thể đi Thủ Đức và sang Lăng Tô hóng gió.
Lâu rồi tôi không sang đây nhưng khung cảnh khu này vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Mấy quán ăn nhậu nhà sàn làm trồi ra mặt sông vẫn còn nguyên, không thêm bớt. Những buổi chiều nóng bức, người Sàigòn muốn được hưởng chút gió sông mát mẻ đều đưa nhau sang đây.
Quán Hoành Sơn là một cái quán lớn nhất, bàn ghế trông có vẻ sang và món ăn nhiều hơn cả. Tôi tới đó vào lúc 10 giờ. Giờ này đã được kể là muộn với những ông công chức đưa vợ con qua đây chơi. Hôm nay cũng là ngày thường nên thực khách thưa thớt. Chỉ còn có hai cặp nhân tình ngồi nhìn nhau trong hai góc quán.
Như lời dặn, tôi mang theo một tờ báo Ánh Sáng và gọi mở đầu một ly Rhum Marita rồi hai món nhậu. Cả rượu lẫn các thức ăn đều không được tôi chạm đến.
Đến gần 11 giờ đêm, thực khách đi về hết.
Trong quán chỉ còn mình tôi và mấy anh bồi dường như chỉ còn chờ tôi ra về nốt là đóng cửa ngủ.
Tôi mang theo chiếc áo mưa và bọc tiền nằm trong một túi áo. Tôi mang theo khẩu súng lục của tôi. Đó là một khẩu Browning. Tôi mang súng từ Nam Vang về. Với công việc của tôi, tôi được phép có súng phòng thân. Nhưng tôi chưa bắn thử súng lần nào và tôi cũng chẳng biết cách sử dụng súng ra làm sao.
Đêm nay trời không mưa nhưng bầu trời vẫn mờ không trăng, không sao. Vùng bờ sông bên kia tối om. Đúng 11 giờ − tôi nhìn đồng hồ tay mỗi năm phút – tim tôi đập mạnh khi thấy một anh bồi tới gần.
Anh này để tóc dài, ăn bận có vẻ “cao bồi du đãng”, anh ghé sát vào tai tôi và nói bằng cái giọng trại trại của một anh Miên Lai:
- Ông tới đây chờ một người tới … Phải hôn?
Tôi gật đầu.
- Có người nhờ tôi đưa cho ông thư này.
Anh móc túi ra một lá thư mỏng gập tư. Bì thư mầu vàng, rất thường, một loại bì thư người ta có thể mua được dễ dàng ở bất cứ tiệm sách nào.
Tôi hỏi:
- Ai đưa cho chú thư này?
- Một ông khách. Ổng tới đây từ hồi chiều … Ổng dặn tôi hễ thấy ông nào tới đây đêm nay, tay cầm tờ báo Ánh Sáng và gọi rượu Rhum thì đưa … Còn nếu quá 11 giờ đêm mà không thấy có ai như vậy tới thì đốt thư đi.
Tôi chắc kẻ gửi thư có cho anh bồi này tiền. Nhưng sự việc anh ta có quen biết với tên gửi thư hay không, đó là việc tôi chưa cần tìm hiểu lúc này.
Sau khi tôi đã tìm lại được Ngọc rồi, tôi sẽ nói cho Thiếu tá Trịnh biết chuyện anh bồi này nếu ông ta còn muốn biết.
Tôi xé thư ra đọc.
Bên trong phong bì chỉ có một tấm giấy nhỏ.
Trên tấm giấy có những nét vẽ vội, sơ sài và hàng chữ:
MƯỜI HAI GIỜ ĐÊM, NHÀ ĐÁNH DẤU X.
Dưới ánh đèn mờ, những nét vẽ vội họp lại thành một bản đồ, tôi thấy ngay căn nhà mang dấu X, nơi bọn gian hẹn tôi tới đó đêm nay. Nơi đầu bản đồ này là Quán Hoành Sơn tôi đang ngồi và con đường dẫn tới đó. Như vậy là tôi được hẹn tới một nơi khác cũng gần đây. Ngồi đây tôi có thể trông thấy mấy căn nhà đó mờ mờ trong sương đêm. Dường như đó là những căn nhà làm bằng sắt dùng để làm xưởng chữa và chứa những con tầu, thuyền nhưng hiện lúc này thì bỏ hoang.
Tôi đi trên con đường mòn qua bãi cỏ rộng. Tôi tìm thấy dễ dàng căn nhà ven sông. Khu này vắng vẻ quá. Những căn nhà sắt lớn tối om hoang vắng, rùng rợn. Hai túi áo mưa một túi đựng gói bạc lớn, một túi đựng khẩu súng, làm cho hai vai tôi xệ xuống. Tôi không sợ nhưng bây giờ mới là 11 giờ 30, tôi nên đứng chờ bên ngoài hơn là vào trong căn nhà tối ấy.
Tôi tìm được một chiếc thuyền nằm úp và ngồi lên đó, chờ đợi.
Tôi suy nghĩ: Ngọc, vợ tôi, có ở trong căn nhà này hay là người ta sẽ lại mang tôi đi một nơi nào khác …? Tôi không muốn nghĩ là sẽ còn có nhiều lôi thôi trước khi tôi gặp lại vợ tôi. Tôi muốn mọi việc xong ngay trong đêm nay. Người ta đòi tiền, tôi mang tới cho người ta đủ số. Còn có lý do gì nữa để cho người ta làm khó tôi …?
Có thể nào Paul Văn − chắc chắn phải có Paul Văn lẩn quất ở đâu quanh đây − dụ cho tôi tới đây để làm hại cả tôi nữa chăng? Tôi không tin như vậy. Hắn thù Ngọc và trong những ngày vừa qua, hắn đã làm cho Ngọc khổ sở nhiều, hắn đã hả giận. Chắc hắn cũng phải nghi là tôi tới đây với võ khí và tôi có thể liều mạng giết hắn. Tôi sẽ không có tội gì nếu tôi bắn hắn. Cảnh sát sẽ còn phải cám ơn tôi nữa là khác. Hắn có thể ngờ là tôi báo cảnh sát … Nếu cảnh sát vây trọn khu này, hắn chạy đâu cho thoát?
Tôi có thể tin được ở lời nói của tên gian đó được chăng??
Nghĩa là nếu tôi đưa tiền cho Y rồi có gì bảo đảm với tôi là Y sẽ trao vợ tôi lại trả tôi như Y đã hứa không??
Những câu hỏi đó đến với tôi quá muộn.
Đã tới đây rồi dù có chuyện gì xẩy ra đi nữa, tôi cũng phải liều vào đó.
Thế rồi tôi chợt thấy có ánh đèn le lói từ trong căn nhà chiếu ra. Một ánh đèn dầu. Ánh đèn đó cho tôi biết là trong nhà có người.
Tôi nhìn xuống đồng hồ tay. Mặt đồng hồ của tôi có dạ quang nên trời tối mà tôi vẫn nhìn được thấy rõ giờ: Đôi kim đã chạm vào nhau ở con số 12. Tôi bạo dạn đứng dậy đi vào trong căn nhà.
Vừa đặt chân vào căn nhà tôi thấy rõ ngay sự dại dột của tôi. Vì như chỉ được thắp lên để làm mồi cho tôi vào nhà và thấy tôi đặt chân vào là tắt đi, ngọn đèn được đặt ở một góc nào đó tắt phụt đi trước khi tôi kịp trông thấy trong nhà có những gì.
Lẽ ra tôi phải có một cây đèn bấm.
Tôi móc khẩu súng lục trong túi ra, sẵn sàng nổ cò …
Nhưng tôi chẳng trông thấy gì hết.
Tôi kêu lên:
- Có ai đó không?
Không có ai trả lời nhưng tôi nghe thấy có tiếng người thở ở một nơi không xa tôi lắm.
Tôi liều lĩnh đi về phía phát ra tiếng thở đó, chân tôi vướng phải một cây gỗ, hai đầu gối tôi quỵ xuống …
Tôi kêu lên một tiếng và cùng lúc ấy tôi cảm thấy có một vật gì chùm lên mũi và miệng tôi. Một làn hơi mà tôi biết là “chloroforme” xộc vào phổi tôi và tôi ngất đi …
– 21 –
Đầu tôi đau nhức như có búa bổ, mọi vật quay cuồng quanh tôi … Tôi có còn là tôi nữa hay không? Tôi còn sống hay tôi đã chết?? Tôi không còn biết chắc nữa. Tôi chỉ còn có cảm giác là tôi nằm đó trong một khung cảnh đầy bóng tối và quay cuồng … Chết là như thế này sao?? Tôi buồn nôn kinh khủng.
Nhưng trong tôi còn có một tình cảm, một ý nghĩ thì đúng hơn, vẫn còn sống: ý nghĩ của tôi về Ngọc. Ngọc đang ở đâu?? Dần dần, ý nghĩ này đưa tôi trở về với cuộc đời. Đúng ra là đưa tôi về với những cảm giác của cuộc sống: tôi cảm thấy lạnh. Đúng rồi, tôi lạnh, tôi tê buốt tứ chi và cùng với cảm giác lạnh đó, tôi biết là tôi chưa chết. Tôi chắc những người chết không còn cảm giác lạnh lẽo, người chết không còn biết lạnh.
Và tôi đau đớn nhiều.
Tôi không còn chỉ thấy nhức đầu như phút đầu tiên tôi tỉnh lại nữa. Tôi đau rần khắp thân thể. Tay chân tôi cũng đau đến tê dại. Tôi cố cựa quậy nhưng không nổi …
Thính giác trở lại với tôi. Tôi nghe thấy có tiếng động. Phải một lúc sau nữa tôi mới nhận ra là có tiếng nước chẩy.
Và một lúc sau nữa tôi mới nhìn ra vừng sáng mờ vuông kia là khung cửa và ánh sao đêm lấp lánh bên ngoài. Tôi nhớ lại là tôi đang nằm trong căn nhà hoang mà bọn gian đã dụ tôi vào để chụp thuốc mê tôi.
Tôi cố gắng ngồi dậy.
Vừa ngồi được lên, tôi vội nằm xuống ngay vì quanh tôi, mọi vật quay cuồng, đảo lộn một cách khủng khiếp, nhưng tôi chắc chắn một điều: tôi hãy còn sống và dường như tôi chỉ bị đau đớn chứ tứ chi không bị hư hại gì.
Nhức đầu, đói lạnh và ướt nước là những cảm giác trở thành không thể chịu nổi đối với tôi. Tôi đang nằm trên mặt đất lạnh. Tôi phải cố hết sức ra khỏi nơi này.
Tôi cố gắng bò dậy … Tôi loạng choạng đi ra khỏi căn nhà tối và thấy mình đứng ở bên bờ sông. Trí nhớ trở lại với tôi: Ngọc, 12 giờ đêm, số bạc 250.000 đồng … Tôi thò tay vào túi … Đúng như tôi nghĩ: gói bạc trong túi tôi đã mất.
Cả cái ví da của tôi cũng mất.
Tôi mừng khi thấy rằng tôi còn để cuốn sổ Thông Hành của tôi ở khách sạn. Tôi mất nhiều giấy má nhưng tôi chưa đến nỗi mất hết giấy má.
Nhưng còn Ngọc? Chúng đã làm gì vợ tôi?
Việc làm trước hết của tôi là đi báo ngay vụ này với Cảnh sát.
Dấn thân một mình vào cuộc mạo hiểm này, tôi quả là dại dột. Tôi đã làm một việc liều lĩnh vô ích.
Có lẽ trong lúc tôi ngất đi, trời đổ mưa lớn. Căn nhà bọn cướp dụ tôi vào để nấp chờ sẵn và chụp thuốc mê cho tôi ngạt đi bị dột, tôi bị chúng bỏ nằm trên một vũng nước. Giờ đây gió lạnh từ sông rộng về đêm thổi lên làm cho tôi run lên cầm cập. Tôi cần phải về một nơi nào ấm áp, thay quần áo, uống chút rượu mạnh nếu không chắc chắn tôi sẽ bị cảm lạnh, bị đau phổi.
Tôi lần bước đi ra đường cái.
Tôi gắng nhìn đồng hồ. 1 giờ 30 sáng. Tôi đã nằm đó hơn một tiếng đồng hồ.
Vào giờ này, khu Lăng Tô hoàn toàn vắng vẻ. Những quán ăn sáng đèn hồi tối giờ này tối om. Không có một bóng người.
Tuy đau nhừ người, tôi cố gắng lần bước về Khánh Hội.
Tôi vẫn còn một đôi chút may mắn. Từ phía cầu Tân Thuận có ánh đèn pha xe hơi chiếu xuống rồi vài giây sau, một chiếc xe hơi chạy tới sau lưng tôi. Tôi dừng lại dơ tay, xe cũng dừng lại. Có tiếng người đàn ông hỏi tôi:
- Ông đi đâu mà giờ này còn đứng ở đây?
Tôi thều thào:
- Ông làm ơn cho tôi đi nhờ xe về Sàigòn. Tôi ở đường Catinat …
Người chủ xe với tay mở cửa sau và nói:
- Ông lên … tôi đưa ông về.
Tôi leo vào xe và thấy một thiếu phụ − chắc là bà vợ của ông chủ xe − ngồi ở băng trên. Chúng tôi không nói gì với nhau suốt từ đó về tới đường Tự Do. Tới cửa khách sạn, tôi bảo ông dừng xe và cám ơn, tôi xuống xe đi vào khách sạn.
Lên đến phòng, tôi thay y phục − bộ quần áo tôi mặc ướt dầm − tôi uống ly Cognac rót từ chai rượu để sẵn trong phòng và đi tắm nước nóng.
– 22 –
Giờ đây, tôi ngồi trong phòng tôi, ấm áp, suy nghĩ.
Đêm đã khuya lắm – 3 giờ 30 sáng rồi – nhưng tôi không buồn ngủ và tôi cũng không muốn ngủ. Ly rượu mạnh và bồn tắm nước nóng làm cho tôi thấy dễ chịu nhiều.
Thân thể tôi và đầu tôi vẫn còn đau nhức nhưng cảm giác đó đã bớt đi nhiều. Tôi cảm thấy dễ chịu là vì tôi so sánh với sự đau đớn của tôi hồi nãy. Bây giờ tôi nghĩ là tôi lại có đủ sức để làm một cuộc phiêu lưu như cuộc mạo hiểm vừa qua đêm nay nữa, nếu cần.
Tôi vừa gọi điện thoại lại nhà riêng của Huy nhưng không có ai trả lời cả. Tôi đoán là Huy đi vắng và vì bận công việc nên đêm nay Huy không về nhà.
Tôi ngồi đọc lại bản viết của tôi về vụ Ngọc mất tích – tôi đã viết một phần lớn bản viết mà Huy đọc hôm nay, hồi trưa nay, trước khi tôi đi Lăng Tô.
Tôi đọc lại tất cả những sự việc đã xẩy ra từ ngày đầu, từ giây phút Ngọc nhận được điện tín từ Sàigòn gửi lên, báo tin Bà Ngà, mẹ nàng đau nặng cho đến chiều nay. Tôi thêm vào đó những gì đã xẩy ra từ 12 giờ đêm nay, trong căn nhà vắng ở bờ sông. Tôi đọc đi, đọc lại, tôi suy nghĩ và dần dần, tôi bắt đầu hiểu.
Một sự việc nhỏ, thật nhỏ, đã làm cho tôi chú ý …
Trong những vụ rắc rối lớn, giữa những khó hiểu lớn, những sự việc nhỏ nhiều khi rất quan trọng, những sự việc nhỏ, tầm thường nhiều khi có thể giúp ta giải đáp, tìm ra manh mối những vụ rắc rối lớn.
Trong buổi tôi theo Thượng sĩ Bái tới tìm Ngọc trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung trong Chợ Lớn, khi coi cuốn sổ ghi tên khách trọ của khách sạn, tôi để ý thấy dòng chữ NGUYỄN THỊ VÂN − tên giả của bà khách trọ mà tôi biết đích xác là vợ tôi − được viết bằng mực tím, một thứ mực tím đặc biệt.
Tại sao tôi lại chú ý đến chi tiết nhỏ nhặt ấy? Tôi không thể trả lời, tôi không biết tại sao.
Tôi chỉ nhận biết rằng bức họa sơ sài và dòng chữ “MƯỜI HAI GIỜ ĐÊM, NHÀ ĐÁNH DẤU X.” do anh bồi Quán Hoành Sơn trao lại cho tôi hồi 11 giờ đêm nay … cũng được “viết và vẽ bằng mực tím.” Một thứ mực tím giống hệt mầu mực ghi tên Nguyễn Thị Vân tôi nhìn thấy trên trang giấy cuốn sổ nhầu nát của khách sạn Mỹ Ngọc Cung.
Giờ đây, tôi tin chắc đó là cùng một thứ mực.
Như vậy có nghĩa là kẻ viết thư đó ở trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung, hoặc ít nhất kẻ đó cũng đã dùng thứ mực tím của khách sạn đó để viết.
Có thể kẻ viết chính là gã chủ khách sạn mặt bóng nhẫy mà tôi có ác cảm và nghi ngờ là gian manh ngay từ phút đầu, hoặc kẻ viết phải là một người trọ trong khách sạn đó.
Chắc chắn phải như vậy.
Tôi thấy rằng cảnh sát dường như không chú ý nhiều đến chủ nhân khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Thượng sĩ Bái đã bỏ qua không còn theo rõi dấu vết đó nữa.
Ngay hôm tới Mỹ Ngọc Cung gặp tên Tầu Lai, Thượng sĩ Bái và tôi chỉ muốn có một chuyện: tìm dấu vết để lại của người mất tích. Không còn gì khác, chúng tôi hài lòng với hộp đồ trang điểm Ngọc bỏ quên lại. Chúng tôi đều tin chắc là tên chủ nhân đã nói sự thật: tên què đi chân gỗ đã tới mang Ngọc đi.
Biết đâu … “… Tên Tầu Lai chủ khách sạn với tên què đi chân gỗ lại chẳng là một?”
Nếu quả sự thật như vậy, mọi sự rắc rối, bí mật đều không còn rắc rối, bí mật nữa … Vụ này trở thành sáng tỏ như ban ngày.
Gã Tầu Lai tới phi trường gặp vợ tôi. Y đe dọa nàng, bắt nàng phải tới ngụ tại khách sạn Mỹ Ngọc Cung của Y để Y dễ bề kiểm soát nàng. Y giam hãm Ngọc tại đó chờ tôi tới. Nếu cần, Y có thể lại gửi một điện tín khác lên Nam Vang báo cho tôi biết vợ tôi lâm nguy và thúc dục tôi về Sàigòn.
Khi tôi về Sàigòn, Y biết ngay, vì các báo có đăng hình vợ tôi, và màn ảnh TiVi chiếu hình vợ tôi, và Thông Cáo của Tổng Nha Cảnh Sát yêu cầu những ai hay tin, trông thấy bà Như Ngọc ở đâu liên lạc cho cảnh sát biết. Y chờ đợi thêm vài ngày nữa, vì Y thấy không nên liên lạc ngay với tôi khi tôi vừa mới nhờ cảnh sát điều tra.
Cuộc tới thăm khách sạn – do Thượng sĩ Bái và tôi cùng đi – không làm cho Y lo lắng nhiều. Y đã ước đoán được trước là việc ấy thể nào cũng xẩy ra. Y tin là Y có thể đánh lạc hướng được chúng tôi và đúng như Y nghĩ, Y đã thành công.
Y bày ra chuyện có tên què đi chân gỗ tới khách sạn mang Ngọc đi. Khi Bái ngỏ ý muốn đi khám xét khách sạn, Y lo sợ một chút. Nhưng nhờ gian xảo, Y nẩy ngay ra sáng kiến trao lại cho chúng tôi hộp đồ trang điểm của Ngọc. Bái và tôi tới khách sạn với ý nghĩ là sẽ không còn thấy người mất tích ở đó và chỉ có thể tìm được một vài dấu vết gì đó của nàng để lại, khi lấy được hộp trang điểm, Bái và tôi cùng hài lòng, ra về. Chúng tôi quên ngay vai trò của tên Tầu Lai đó.
Bái chỉ đi xem qua khách sạn, anh không thể nào tìm ra được nơi vợ tôi bị giam giữ, cất dấu.
Tôi tin chắc rằng Ngọc vẫn còn ở trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung, ít nhất nàng cũng còn có mặt trong đó khi tôi − chồng nàng, người đi tìm nàng − và Thượng sĩ Bái, nhân viên cảnh sát thuộc Tổng Nha Cảnh Sát, tới nơi.
Tên Tầu Lai chờ thêm hai ngày nữa, rồi Y chờ đêm khuya, tới một phòng điện thoại công cộng, gọi điện thoại đến khách sạn tôi, hẹn nơi gặp tôi cùng số bạc.
Tự nhiên là còn có nhiều điểm tôi chưa thể giải thích rõ ràng được … Như tên Tầu Lai giả làm người què chân và đi chân gỗ bằng cách nào?? Tại sao Y vẫn còn dám dấu vợ tôi trong nhà Y khi Y thấy rõ là cảnh sát có thể đến đó mở cuộc điều tra kỹ lưỡng?? Ngọc bỏ bức thư cầu cứu nhỏ của nàng vào hộp đồ trang điểm lúc nào?? Tại sao nàng lại nhắc đến tên Công Tử Bốp và dặn tôi tới tìm Công Tử Bốp để hỏi thăm về nàng trong lúc anh chàng này đã bị điên từ lâu và không thể hay biết gì những chuyện ngoài đời?
Tuy nhiên, tôi có thể nói chắc rằng bức thư vài dòng và bản họa đồ sơ sài trao cho tôi ở Nhà Hàng Hoành Sơn bên Lăng Tô đã được viết bằng một thứ mực tím mà tôi đã trông thấy viết trên trang sổ ghi tên khách trọ của khách sạn Mỹ Ngọc Cung.
Bây giờ tôi không thể trưng ra bằng cớ ấy, vì bức thư ấy, cùng tất cả giấy tờ tôi mang theo trong người và gói bạc 250.000 đồng, đã bị lấy mất.
Còn một điều bí ẩn nữa mà tôi không giải thích ngay lúc này được: Tại sao gã Tầu Lai – tôi tin chắc kẻ dùng thuốc mê chụp cho tôi mê đi trong căn nhà hoang bên sông đó là Gã Tầu Lai chủ nhân khách sạn Mỹ Ngọc Cung – sau khi làm cho tôi mê đi là lấy hết tiền bạc của tôi, lại không đẩy tôi xuống sông … Nếu tôi chết dưới sông, Huy và Thiếu tá Trịnh, cũng như tất cả mọi người có thể nghĩ rằng tôi vì quá thất vọng, tôi … trong một phút chán đời, yếu đuối, đã nhẩy xuống sông tự vận …
Hoặc nếu Huy và Thiếu tá Trịnh có nghi là tôi bị giết người cũng không tìm đến tên Tầu Lai đó, không ai nghi cho tên Tầu Lai đó là thủ phạm …
Tại sao “nó” lại để cho tôi sống?
“Nó” còn muốn đòi lấy thêm tiền của tôi nữa hay sao?
Nhưng tất cả … tôi thấy có một câu hỏi này quan trọng hơn tất cả: Tại sao vợ tôi, lại sợ hãi tên Tầu Lai đó đến thế??
Y đã dùng những lời đe dọa gì để bắt vợ tôi phải ngoan ngoãn nghe theo Y?
Có hai điều rõ rệt là, một: Ngọc đã nghe theo lời gọi của Y để trở về Sàigòn, hai: nàng nghe lời Y ở yên nơi Y dấu nàng.
Không thể trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ thêm được một điều khác: tên Tầu Lai chủ khách sạn Mỹ Ngọc Cung là thủ hạ của Paul Văn, hoặc chính Y là Paul Văn. Có thể lắm.
Tôi hồi tưởng lại tất cả và đi tới một quyết định: Vợ tôi hiện đang bị giam giữ trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung … Và …
… Tôi phải tới đó giải cứu nàng.
Tôi nên tới đó ngay lúc này. Vì tên Tầu Lai, hoặc tên Paul Văn bất lương lúc này còn tưởng rằng tôi vẫn còn nằm bên bờ sông vắng hoặc tôi vẫn còn bất tỉnh nằm trong một bệnh viện công nào đó của thủ đô, bây giờ tôi tới ngay đó, Y sẽ bị bất ngờ …
Tôi nên tới đó một mình không cần chờ báo cho Thiếu tá Trịnh biết.
Tôi có linh cảm là vụ này sắp kết liễu, tôi muốn tránh sự có mặt của cảnh sát khi tôi gặp lại vợ tôi.
Người Vợ Mất Tích Người Vợ Mất Tích - Hoàng Hải Thủy Người Vợ Mất Tích