Số lần đọc/download: 15124 / 295
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Chương 7 -
T
ôi nghĩ bụng: cứ đà này, viết văn có lẽ là nghề sướng nhất. Này nhá: tư tưởng chủ đề đã có cấp trên phát cho. Thậm chí, đến đề cương, cốt truyện cũng do lãnh đạo phát ra cho nữa chứ. Anh chỉ việc triển khai ngôn từ, thêm mắm thêm muối, kéo cho dài cốt truyện ra, một tí thắt nút, một tẹo tình yêu, kết thúc bao giờ cũng là ta thắng địch thua, tập thể bao giờ cũng uốn được cá nhân lầm lạc. Tuy nhiên, lúc đầu cũng cần một chết ngộ nhận nơi độc giả: cái tiêu cực lúc đầu có vẻ dữ lắm, lấn át lầm, song le cuối cùng cái tích cực vẫn thắng, vẫn cứ là xu thế theo công thức bất di bất dịch hiện tượng tuy có mặt này mặt nọ, nhưng tựu trung bản chất tốt.
Căn phòng tôi ở có cửa sổ mở ra vườn tược đẹp mắt. Người phục vụ tôi là cô gái chừng hai mươi mốt hăm hai. Toàn bộ người con gái thuộc loại không đẹp không xấu này tỏa ra một sức sống căng nhựa. Gương mặt nàng tròn tròn, mắt to hai mí, môi mỏng, mũi ngắn nhưng đặc biệt bộ ngực và đôi mông phát triển quá cỡ. Tay và chân nàng to và thô, chứng tỏ thành phần xuất thân cơ bản, không vô sản thì cũng bần cố nông thứ thiệt. Lần đầu tiên nàng xuất hiện trước mắt tôi vào buổi trưa ngày đầu ngồi viết văn theo chỉ thị. Với đôi mắt sáng, nước da bánh mật, quần lĩnh đen, đầu thắt khăn mỏ quạ, áo sơ mi màu gỗ gụ, tóc kẹp sau lưng, có phần bẽn lẽn e lệ.
- Báo cáo đồng chí nhà văn, đây là khẩu phần ăn trưa của đồng chí gồm ba lạng cơm, một đĩa thịt gà luộc, một đĩa thịt lợn kho tàu, một bát canh mướp nấu lòng gà và hai quả chuối ạ.
Tôi cám ơn người con gái phục vụ. Nhìn kỹ mâm cơm, tôi biết mình được cấp trên duyệt cho ăn tiểu chuẩn tiểu táo trong những ngày viết văn phục vụ kịp thời cuộc cách mạng vĩ đại cải cách ruộng đất. Khi tôi ăn cơm xong, toan tự tay bưng xuống nhà ăn nhưng cô phục vụ đã đon đả xách phích nước mới lên thay, vừa dọn chén bát vừa tự giới thiệu:
- Báo cáo đồng chí Trần Hưng, cấp trên giao nhiệm vụ cho em ngoài một số công tác văn phòng, còn làm nhiệm vụ phục vụ nhà văn trong những ngày đồng chí ngồi viết ạ.
Tôi trang nghiêm hỏi lại cho biết:
- Xm lỗi, nữ đồng chí có thể cho tôi biết tên họ được không?
Cô gái ngúng nguẩy như phải bỏng:
- ấy chết, đồng chí có lỗi gì mà xin ạ. Em tên là Lê Thị Mộng Ruộng ạ. Em vừa từ cơ sở về Ban cải cách tỉnh làm văn thư. Đồng chí có lệnh của Thủ trưởng Hoàng Thanh là không phải xuống nhà ăn tập thể. Một ngày ba bữa có em bưng cơm nước lên đúng giờ quy định. Có gì cần, đồng chí cứ bảo em ạ.
Người con gái đi khỏi, để lại phòng tôi cái mùi vị đặc biệt rất khó gọi tên chỉ toát ra từ những cô gái đang tính lấy chồng. Tôi viết như một cái máy, hai tiếng đồng hồ giải lao một lần bằng cách ra vườn đi tha thẩn. Những lúc tôi đi ra ngoài, Ruộng mới ý tứ vào dọn quét lau lại phòng ốc. Tôi đang sống cuộc đời người viết văn hay sống cuộc đời của ông hoàng hả các bạn? Một buổi tối sau hai mươi ngày sống cách biệt với mọi người, chỉ thông qua người con gái phục vụ mà nối với tổ chức. Ruộng tới bảo đồng chí Tràng Giang vừa đi thăm Trung Quốc nửa tháng về, gởi biếu tôi một gói trà Tân Cương hạng nhất. Tôi pha trà, lịch sự mời cô găi phục vụ ngồi uống chơi. Ruộng từ chối mãi mới chịu nhận lời. Thú thực từ hai mươi ngày ngồi viết như bị giam lỏng này, tôi rất muốn được nói chuyện với người khác. Tôi hỏi cô gái về cái tên có vẻ độc đáo ấy. Ruộng vừa cầm chén trà vừa trả lời tôi:
- Thưa đồng chí nhà văn, cha mẹ em suốt một đời nghèo khổ, chỉ mơ một thửa ruộng để cấy cày. Vì vậy khi sinh ra, em được đặt tên là Ruộng. Đến khi đội cải cách ruộng đất về xã, các anh ấy mới thêm cho em một chữ mộng vào đến cho vừa hoa mỹ, vừa ý nghĩa. Lê Thị Mộng Ruộng có nghĩa là tất cả bà con nông dân đều mơ ước có được ngày cải cách ruộng đất này để được cách mạng chia ruộng đất.
Sau buổi nói chuyện đầu tiên với Ruộng, tôi đã có một sơ yếu lý lịch của cô. Bố mẹ Ruộng là cố nông, nghèo nhất làng, quanh năm làm thuê cấy mướn. Khi Ruộng vừa lẫm chẫm tập đi đã phải theo mẹ đi cất vó tép, đi mò cua bắt ốc về bán đong gạo. Ngôi nhà của gia đình cô chỉ là một cái chòi cất tạm bên bãi tha ma. Tháng ba đói năm ất dậu, bố mẹ Ruộng chết đói, bỏ cô lại mồ côi mồ cút lúc mười hai tuổi đầu. Có người nhặt Ruộng về nuôi rồi sau bán lại cho tên địa chủ Háp. Năm 1952, lúc Ruộng mười chín tuổi, tên địa chủ Háp gọi cô lên phòng toan giở trò hãm hiếp. May mắn quá, Ruộng đã vùng chạy thoát vào một đêm tối. Ruộng đi lang thang trong đêm toan nhảy sông tự tử. Chính lúc đó, Ruộng gặp du kích xã và cô tham gia chiến đấu trong đội du kích cho đến cuối năm 1954. Trong cải cách ruộng đất, Ruộng là nhân tố tích cực nhất trong đấu tranh tố khổ với bọn địa chủ xã. Ruộng được học bình dân học vụ ngay khi vào du kích, đến nay cô vừa thi tốt nghiệp cấp một. Ruộng được chia nhà, chia ruộng nhưng phải bán đi để lên tỉnh công tác theo sự điều động của lãnh đạo. Vài hôm sau, tôi lại mời Ruộng ở lại uống trà chơi nói chuyện, vừa để khuây khỏa một ngày ngồi chúi đầu vào bản thảo như con bổ củi đập đầu liên hồi vào gỗ đá, thêm vào đó qua sự kể lể của Ruộng, tôi biết thêm ít tin tức cơ quan và phong trào cải cách ruộng đất ở nông thôn mà tôi đang rất cần vốn sống cho tác phầm. Ruộng biếu tôi chục cam sành bảo là để bồi dưỡng khi viết. Tôi cương quyết không nhận, nhưng khi thấy Ruộng xịu mặt xuống sắp khóc, nên tôi không dám từ chối nữa. Trên đời này, ma quỷ tôi cóc sợ, bom đạn chết chóc coi khinh, chỉ sợ nhất cái món nước mắt đàn bà con gái. Cái của nợ ấy với tôi có khi còn mạnh hơn cả bom nguyên tử. Cô nào bà nào phát hiện ra cái tật này của tôi, cứ oanh tạc vào lòng tôi ít giọt nước mắt là đời tôi có nguy cơ sụp tiệm. Ruộng pha trà, tôi bổ cam. Chúng tôi vừa ăn vừa uống vừa trò chuyện. Cuộc đời Ruộng tội nghiệp quá. Nghe cô ấy kể, tôi sợ mình bị mủi lòng sẽ thể hiện ra một cái gì đại loại như tình cảm an ủi cảm thông, dễ gây hiểu lầm cho đối tượng. Khi Ruộng sắp sửa đứng dậy ra về, tôi hỏi:
- Bây giờ đời đổi mới, đồng chí Ruộng chắc là sung sướng hạnh phúc lắm?
Ruộng ngước mắt nhìn tôi hỏi lại:
- Thế đồng chí bảo em được hạnh phúc gì ạ? - Hạnh phúc gia đình chứ còn gì nữa. Gia đình nào cơ?
- Gia đình đồng chí ấy. Đại loại như chồng con chẳng hạn. Ruộng đột nhiên cúi mặt xuống đất, một bàn chân di di trên đôi guốc nhỏ, trả lời rất bé:
- Đồng chí đừng nghĩ oan cho em. Em làm gì đã có... Ai mà thèm để ý tới em.
Tôi hỏi một câu phải nói là vô duyên thượng hạng:
- Vậy thì ra đồng chí vẫn sống một mình à?
- Chứ còn gì nữa ạ. Ngồi một lúc, Ruộng ngầng mặt lên, tránh nhìn tôi nói:
- Em nào đâu được như đồng chí. Tôi ngứa mồm thanh minh:
- Ơi hay, tôi cũng đã có gì đâu nào.
Ruộng đay nghiến một cách hết sức vô lý:
- Em biết rồi. Bà bác sĩ ngoài Hà nội ấy chứ gì.
Tôi im lặng, lòng đau còn hơn hoạn. Tôi đang lao vào viết truyện như điên cũng cố để quên Oanh. Tôi cần có thời gian để nỗi đau được nguôi ngoai. Nhưng tôi càng cố dứt bỏ hình ảnh Oanh lại càng thương nhớ mối tình ấy đến quằn quại. Thấy mặt tôi buồn như đưa đám, Ruộng nói như dỗi, thái độ thật không bình thường:
- Thôi em xin lỗi về, để đồng chí ngồi nhớ người ta.
Ruộng đi rồi, tôi lặng ngồi nhìn từng trang bản thảo vừa viết toàn thấy giun dế, rắn rết bò loằng ngoằng chứ không phải là những dòng chữ. Vết thương tình yêu của tôi tưởng đã ăn da non, nào ngờ chỉ cần một sợi gió thổi qua, máu lại chảy, lại xót xa đau thắt. Thời gian viết đã đi qua một tháng, chỉ còn một tháng nữa tôi phải nộp một trăm rưởi trang in cho lãnh đạo. Tôi như con lợn được nhốt trong chuồng để vỗ béo, sắp đến ngày phải lên bàn cân để đem ra đấu giá.
Một buổi tối, Ruộng đặt lên bàn viết của tôi một cân bột san trầng tinh, một cân đường phèn cũng trắng gói trong giấy bóng hong hồng:
- Người làng vừa gởi cho em hai cân bột sắn. Em xin biếu đồng chí một cân. Đường phèn này em mua, chả đáng là bao, vì đường của tổ chức bồi dưỡng cho đồng chí hơi đen, uống bột sắn sẽ mất ngon đi.
Tôi giãy nãy lên không nhận. ăn hoài quà cáp của người ta, lấy gì mà trả. Nhưng vừa rồi người ta cho cam thì nhận, tại sao bột san với đường thì chê? Ruộng xịu mặt xuống như sắp khóc:
- Em biết mà. Đồng chí chê của em. Đồng chí đâu thích uống bột sắn với đường phèn của bọn bần cố nông chúng em. Đồng chí quen ăn uống với bọn địa chủ trí thức giả dối rồi mà.
Hệt như người ăn vạ, tự nhiên tự lành, Ruộng khóc hu hu thành tiếng. Tôi sợ hết hồn. Tôi sợ có ai nghe thấy lại quy cho thằng văn nghệ sĩ này đánh đập giai cấp bần cố nông thì bỏ bố. Nước mắt đàn bà con gái là cái món khủng khiếp nhất với tôi. Tôi có thể nhận bất cứ điều kiện nào để cho cô phục vụ lạ lùng đừng khóc nữa. Tôi chép miệng:
- Nín đi. Tôi sẽ nhận hết, tất tần tật, cả đường cả bột sắn, chịu chưa?
Người con gái quệt nước mắt đáp:
- Chịu.
Hơn một tuần sau, tôi vẫn cắm cúi viết, bữa ăn Ruộng vẫn đem cơm lên cho rồi sau đó dọn dẹp lẳng lặng ra về. Một buổi tôi buồn quá, khác gì người bị cấm cung, tôi rất thèm có người ngồi nói chuyện. Cho nên, khi Ruộng mang phích nước sôi lên thay cho tôi, tôi đã mời cô ấy ở lại chơi uống trà. Ruộng từ chối cho có mẽ, nhưng rồi vẫn ngồi xuống trả lời những câu hỏi của tôi về tình hình cơ quan. Khi sắp cạn tuần trà, Ruộng chuyển sang đề tài khác:
Em nghe các thủ trưởng bảo đồng chí Trần Hưng viết văn tuyệt hay. Giá mà em được đồng chí đọc cho nghe một đoạn chắc sướng hơn tiên. Nhưng mà ai lại đi đọc văn chương cho cái con dốt đặc cán mai mới lớp bốn như em.
Tôi trả lời qua quít:
- Đồng chí Ruộng đừng nói thế. Văn của tôi có ra cái gì đâu.
- Em biết là đồng chí nói khiêm tốn thôi.
Tôi im lặng pha bột sắn của Ruộng cho mời Ruộng. ờ, người ta cho mình hết cam sành đến đường rồi bột sắn, mình chẳng có ma gì cho lại. Người ta yêu cầu mình đọc truyện đang viết cho nghe, có mất gì nào, đôi khi còn thêm hứng khởi để viết. Mình cũng cần biết điều, có đi có lại chứ. Tôi đồng ý đọc cho Ruộng nghe mấy đoạn văn mới viết. Ruộng thích chí vỗ tay. Cô đã quen với không khí hội họp tập thể, hơi một tí là vỗ tay vỗ chân, hơi tí là múa tập thể, là hát tập đoàn.
Ruộng ngồi vào cái ghế bên bàn viết, sát cạnh tôi lắng nghe tôi đọc chương đầu của truyện vừa Vượt bão. Tôi đọc được mười trang thì dừng lại nhìn Ruộng. Hai má cô đỏ ửng như chợt mùa rét đã về, mắt long lanh ươn ướt. Cô làm ra vẻ nghẹn ngào khó nói, như thể vừa bị hóc xương vậy. Đoạn Ruộng hắng giọng, thều thào:
- Em cảm động quá đi mất. Nói không phải, chắc đồng chí viết về cuộc đời mình phải không ạ?
- Cũng na ná như vậy. - Ôi chao, đồng chí viết hay quá, tài quá. Tối mai, em xin được nghe một đoạn nữa được không?
Tôi gật đầu. Tối hôm sau, tôi lại đọc mười trang nữa cho Ruộng nghe. Cô lại xúc động rưng rưng, lại sững sờ. Và cái quan trọng là cô khen tôi không tiếc lời. Tối hôm sau nữa, Ruộng mắc họp chi đoàn. Tôi uống hết ba tuần trà ngồi vào bàn nhưng không sao viết được. Ruột gan tôi cồn cào vì nhớ những lời khen. Thiếu nó, những lời khen ấy, tôi thấy cuộc sống mình, những trang văn của mình hẫng đi, méo đi. Lòng tôi buồn buồn. Cho hay không chỉ bọn viết văn viết về trên đời này, mà hết thảy chúng sinh đều ghiền một thứ ma túy ghê gớm là những lời khen ngợi, nịnh hót. Không riêng gì những cô gái đẹp, bọn nhà văn chúng tôi đôi khi cũng bị chết nhăn răng vì những lời khen bịp. Cho đến một buổi tối, khi Ruộng làm xong công vụ toan về thì tôi hỏi:
- Hôm nay đồng chí Ruộng có bận họp hành gì không?
- Em rảnh rỗi lắm ạ.
Chao ôi, những lời khen của Ruộng mới buông ra nửa chừng sao bỏ dở. Tôi hỏi:
- Đồng chí còn muốn nghe đọc truyện nữa không?
- Dạ, muốn lắm, nhưng em sợ.
- Sợ cái gì?
- Sợ làm mất thời gian vàng ngọc của đồng chí.
- Không, thời gian quý là thời gian được đọc bản thảo để nghe đồng chí góp ý.
Tôi đã nói không thật. Chính ra phải nói rằng: Thời gian quý nhất là thời gian được đọc bản thảo truyện vừa đang viết cho cô nghe để cô khen là tuyệt tác. Ruộng vui vẻ ở lại. Cô giúp tôi pha trà. Tôi tiếp tục đọc thêm mười lăm trang nữa. Tôi đọc đoạn nhân vật Hùng, người cán bộ kháng chiến đang quằn quại đấu tranh để thoát khỏi trái tim mình, thoát khỏi tình yêu với đứa con gái nhà địa chủ mà anh đã trót yêu. Tôi đọc truyền cảm. Nhân vật Hùng với tâm trạng tội nghiệp, cô đơn. Anh đang phải đứng ở ngã ba đường. Đầu óc anh của tổ chức, của cách mạng, nhưng trái tim anh oái oăm thay lại đang nằm trong tay của đứa con gái trời đánh con nhà địa chủ xinh như mộng kia. Nó đang dùng bùa ngải của mắt, của môi, của mông, của ngực và tất cả sự đỏng đảnh, lẳng lơ của thứ văn hóa tư sản để dụ dỗ nhân vật Hùng. Trái tim Hùng đang bị bàn tay phù thủy có những móng tay được tô chuốt, được tô sơn của nó bóp nát. Nhưng tổ chức, bằng sự sáng suốt, sự tỉnh thức của cảc nghị quyết và chỉ thị, bằng tập thể đông đúc đang giằng lấy Hùng từ bàn tay của kẻ thù giai cấp xinh đẹp kia. Hùng đang cần bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía bần cố nông, phía đội cải cách ruộng đất. Thật may mắn, một người con gái mồ côi sau nạn đói 1945, phải đi ở cho nhà địa chủ kia, phải làm nữ tì cho cô con gái hắn kia đã dùng tình yêu của giai cấp, của tập thể đến cứu Hùng. Bằng sự chân thành, người con gái đi ở kia đã dần dà lấy bớt những mê hoặc của trái tim Hùng, giúp anh thoát khỏi mê cung. Tuy nhiên, Hùng tỉnh táo dần song anh đã ngất xỉu. Bấy giờ thì cô gái bần cố nông kia tên là Mộng đang ở bên Hùng giúp anh hoàn tất cuộc chiến đấu giai cấp trên mặt trận tình yêu.
Tôi đọc say mê quá đến nỗi quên mất có Ruộng đang ngồi nghe. Khi dừng lại để lấy hơi, tôi thấy có điều gì âm ấm và ươn ướt đang thấm vào vai mình, lưng mình. Tôi chợt quay lại và thấy Ruộng đứng sát sau lưng, đến nỗi hai bầu ngực căng mẩy của cô chỉ cần tôi hơi cựa quậy là động phải. Mặt Ruộng ngây dại, tuôn rơi từng dòng nước mắt xuống vai tôi. Tôi hoảng sợ. Cô đang thương nhân vật Hùng trong truyện của tôi vừa đọc hay chính là cô thương tôi? Hình như cô đã thấy bóng dáng mình trong nhân vật Mộng qua những trang tôi vừa đọc. Những dòng nước mắt và sự xúc động mạnh mẽ của Ruộng như đang thôi miên tôi, khiến tôi như bị co rút lại. Gương mặt của Ruộng làm tôi sợ. Đôi mắt cô như hai thỏi nam châm đang hút tôi vào. Tôi cố chống cự lại. Tôi là nắm rơm đang ở sát bên ngọn lửa. Chỉ cần tôi cựa quậy hay làm bất cứ động tác nào là đời tôi sẽ cháy bùng lên. Tôi hiểu Ruộng đã yêu tôi và có thể tình yêu này là sự bố trí của tổ chức. Tôi đứng lên, lưng chạm vào bộ ngực rắn chắc của cô gái. Cô vẫn đứng bất động như pho tượng. Và cái động tác đứng lên của tôi thật tai hại. Hai chúng tôi đứng sát vào nhau đến mức kiến cũng không thể chui lọt. Rất tự nhiên, Ruộng áp mặt vào vai tôi:
- Em thương Hưng quá, em thương đồng chí anh quá.
Nắm rơm tôi đã bị đốm lửa nhai dần. Đột nhiên, Ruộng dùng hai tay bíu lấy cổ tôi như người chết đuối bám vào cọc. Tôi quên hết mọi sự, quên béng mình là ai và đang làm gì. Tôi đáp ngay lại sự mở đầu của Ruộng bằng cách ôm choàng lấy cái thân thể rắn chắc của người thôn nữ đã được cách mạng hóa. Trời ạ, tôi còn biết làm gì nữa đâu. Ngày xưa ông bà ta khuyên trai gái thụ thụ bất thân không phải là không có lý.
Ruộng cũng ôm choàng lấy tôi, chặt còn hơn cô đang dùng lạt để bó lúa. Rồi cô áp mặt mình vào mặt tôi kêu:
- Anh Hưng.
Tôi chưa kịp trả lời thì đôi môi cô đã lấp đầy đôi môi tôi từ lúc nào. Một lúc thật lâu, chúng tôi mới rời nhau ra. Ruộng hổn hển làm bộ ngực của cô rung lên như địa chấn.
- Em thương đồng chí lắm. Em...
Cô ấp úng một lúc rồi hỏi:
- Đồng chí có thương em không?
Tôi gật đầu. Tôi không còn con đường nào khác. Nếu tôi lắc đầu, có thể Ruộng sẽ ngay lập tức chạy lên báo cáo cấp trên. à, đồng chí không thương người ta sao dám ôm hôn hả? Đồng chí định lợi dụng, định chơi bời con em giai cấp bần cố nông hả? Đồng chí không biết nữ đồng chí Lê Thị Mộng Ruộng là bông hoa đẹp nhất của phong trào cải cách ruộng đất của tỉnh ta hả? Rồi tôi sẽ phải lãnh nhận kỷ luật ghê gớm. Ngày hôm sau, Ruộng diện áo cánh trang, quần lụa đen, đi guốc có sơn bông hoa xanh đỏ, tóc tết hai bím như con gái Tàu, đưa suất ăn sáng cho tôi:
- Anh ơi.
Tôi đáp cộc lốc:
- Ơi
Cô hớn hở đến sát người tôi, mặt vui như Ngô được vàng, choàng hai tay lên vai tôi nói nhỏ:
- Sáng sớm nay, em đã đến gặp đồng chí Hoàng Thanh.
Tôi hỏi:
- Ruộng gặp đồng chí Hoàng Thanh có chuyện gì?
- Để em báo cáo chuyện chúng mình.
- Báo cáo.
- Vâng, em báo cáo rằng hai đứa mình đã thương nhau.
- Ôi, sao nhanh vậy, sao đồng chí không bàn gì với tôi trước đã. Anh đừng gọi em là đồng chí nữa. Tôi đuối lý đành đứng im chịu trận. Tôi không còn đường rút. Tôi và cô ấy đã hôn nhau, có trời chối. Nhanh hơn cả chớp Ruộng đã tranh thủ tối đa báo cáo tổ chức. Tôi đành phải tuân theo chiều gió thổi, lầm lũi đi theo số phận như con chó con đi theo người chủ nó. Thấy tôi buồn buồn, Ruộng tức tối hỏi lại:
- Anh không thích chúng mình xây dựng với nhau à?
Tôi gật đầu. Mất Oanh, tôi có thể nhắm mắt mà gật đầu với bất kỳ người khác phái nào hỏi câu ấy, cần quái gì yêu với chả đương. Ruộng chủ động hôn vào môi tôi cái chụt. Cách hôn hít của cô có vẻ nghề như một cô gái tư sản trí thức đã sành sỏi, chứ không phải là cái hôn vụng về của một cô bần cố nông còn chưa biết chi sự đời.
Hôm sau Ruộng bảo tôi:
- Các đồng chí lãnh đạo cơ quan đã đồng ý cho phép chúng mình yêu nhau anh ạ. Cấp trên rất mừng. Lãnh đạo nhắc anh hãy cứ viết truyện thật của chúng ta vào cuốn sách anh đang viết. Thời gian trôi qua với sự viết lách của tôi, với những tối ôm Ruộng vào lòng hôn hít. Sau mỗi lần vuốt ve âu yếm Ruộng, tôi thấy rất buồn và hối hận. Tôi thấy mình đang phản bội Oanh, mặc dù dưới sức ép của tổ chức, tôi đã phải từ bỏ nàng. Oanh cứ chập chờn trong mọi xó xỉnh, mọi góc tối của tâm hồn và thân xác tôi. Tôi biết rằng tâm hồn tôi mãi mãi thuộc về Oanh. Nhưng thân xác tôi từ nay phải trao gởi vào tay một cô thôn nữ từng là cốt cán của cuộc cải cách ruộng đất này. Tôi biết Ruộng là sứ giả của tổ chức phái tới để dụ tôi ra khỏi tầm ảnh hưởng của Oanh, khiến tôi được vô sản hóa tình yêu của mình. Nhưng con người lạ lùng thay, tổ chức có cái lý của tổ chức, nhưng trái tim lại có cái lý của trái tim. Cho hay trái tim con người là giống bất trị, sẽ rất khó lòng lãnh đạo nổi nó bằng các chỉ thị và nghị quyết. Chỉ có tình yêu mới ra lệnh được trái tim. Hai tháng trôi qua, tôi đã vượt chỉ tiêu viết văn được cấp trên giao theo kế hoạch.
Bản thảo truyện vừa tôi viết ra để minh họa cho cải cách ruộng đất cả thảy được gần hai trăm trang in. Sau khi duyệt, lãnh đạo khen rối rít, chỉ phải sửa chữa đôi ba chỗ cho có vẻ. Bản thảo được lệnh in gấp làm tài liệu tuyên truyền. Tràng Giang, Hoàng Thanh gọi tôi và Ruộng tới để tặng một phần thưởng theo như lời của các xếp: tổ chức đám cưới của hai chúng tôi một cách rầm rộ để tuyên truyền. Đám cưới chúng tôi tổ chức theo đời sống mới, có chào cờ, hát quốc ca, lãnh tụ ca, hát cả hồn tử sĩ, hô khá nhiều khẩu hiệu đả đảo địa chủ thực dân phong kiến và muôn năm lãnh tụ...
Phòng viết của tôi được bố trí là phòng hạnh phúc. Ngày cưới của tôi hay của ai tôi không biết nữa. Đêm động phòng hoa chúc với tôi có cảm giác như phải lên đoạn đầu đài. Tôi phải bị chém đầu mới đúng vì đã phản bội Oanh, đã không có dũng khí đương đầu với hoàn cảnh, giữ lấy tình yêu có một không hai trên cuộc đời mình. Từ đêm nay, tôi phải ngủ chung với một người đàn bà do tổ chức cấp phát và đạo diễn. Tôi chui vào giường ngủ sớm. Ruộng rón rén vào nằm cạnh tôi. Cô hỏi chuyện và tôi trả lời ú ớ. Tôi mệt đến rũ rượi và ngủ biến đi từ lúc nào. Sáng ra mở mắt dậy, tôi thấy Ruộng nằm bên, giả vờ ngáy gỗ.
Đêm hôm sau, lần đầu tiên tôi ân ái với Ruộng nhưng lòng chỉ nghĩ đến Oanh. Ruộng không còn trinh tiết nữa. Sau này tôi tế nhị hỏi, Ruộng đã khai thật về chuyện đó. Rằng chính tay đội trưởng đội cải cách ruộng đất xã, mặc dù đã có vợ, vẫn dụ dỗ lừa đảo cô, đưa cô vào bẫy để cướp đi cái trinh tiết thời con gái. Và để đền bù cho Ruộng, tên Sở Khanh kia tìm cách tiến cử cô lên tỉnh công tác ở đây. Tôi nghĩ mình cũng có khác gì Ruộng đâu. Hai đứa đều là nạn nhân của một bọn lừa đảo núp dưới chiêu bài tổ chức, chiêu bài cách mạng. Tôi chẳng mảy may buồn hay đếm xỉa vì cái sự không còn trinh tiết của vợ, vì tôi đâu có yêu cô ấy. Tuy vậy, tôi rất thương hại Ruộng. Cô ngây thơ, ít học nên dễ sai bảo, để trở thành cuồng tín. Vả lại, có lúc nghĩ ngợi, tôi cũng cảm động vì tình cảm cô dành cho tôi. Một tháng sau, cuốn sách viết theo chỉ thị của tôi được phát hành. Báo chí, đài phát thanh quảng cáo hết lời. Tại thủ đô, Vượt bão của tôi được tái bản với số lượng lớn. Tôi được lăng-xê gần như một hiện tượng. Tôi được mời đi nói chuyện khắp nơi. Tên tôi nổi như cồn. Ruộng hãnh diện lúc nào mặt cũng tươi như hoa, hay cười nói toe toét. Tôi thu được số tiền nhuận bút khá lớn, bí mật chia làm đôi, một nửa đưa cho Ruộng, một nửa gởi về giúp mẹ và em đồng thời gởi cho bố tôi đang bị tù. Bố tôi trong trại cải tạo nghe nói tiền của tôi giúp, cương quyết không nhận. Ông bảo cái thằng tố cha ấy không còn là con ông nữa. Tôi buồn thối ruột. Đáng đời nhà mày Trần Hưng ạ. Chỉ được cái tài giỏi đấu tố bố là không ai bằng thôi. Rồi sau này người ta sẽ nhổ vào mặt mày cho mà xem. Đồ con nhà bất hiếu, bất nhân bất nghĩa vậy mà cũng đòi viết văn với viết vẻ
Sau đó, tôi nhận được một tin dữ. Bác phó Lãm bố của Oanh bị xử bắn tại xã vì tội Việt gian quốc dân đảng chui vào hàng ngũ cộng sản. Nghe nói khi bị bịt mắt trói vào cọc trước mũi súng của dân quân, bác đã hô Việt nam muôn năm át cả tiếng súng bắn vào ngực mình. Khi đầu gục xuống, miệng bác còn hô Hồ chủ tịch muôn năm. Sau khi cha bị xử bắn, Oanh không nhận được bằng bác sĩ dù đã học và thi xong một cách xuất sắc. Tôi cũng nghe nói Oanh bị ốm nặng vì đau đớn, vì mất tinh thần, hết người yêu ruồng rẫy đến tin cha bị bắn. Ngược lại, Ruộng được thăng chức làm phó văn phòng ban cải cách ruộng đất của tỉnh, được kết nạp đảng và lấy được một người nếu không có cải cách, chắc chắn đã thành chồng của một người con gái khác.