Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi phải đi đâu, làm gì bây giờ? Phải tìm chỗ ngủ qua đêm. Tôi đứng, đưa mắt quan sát trạm cứu hoả và để ý xem có thể lợi dụng lúc người gác ngủ quên, chui vào đâu đấy được không. Tôi bước lên mấy bậc, tìm cách bắt chuyện với ông ta. Lập tức ông ta đứng nghiêm, giơ cao chiếc đao và tỏ ý sẵn sàng nghe tôi. Chiếc đao được giơ cao lên ấy chĩa thẳng lưỡi thép sắc ngọt vào tôi, như đang chém đứt các dây thần kinh của tôi. Tôi tê dại người vì sợ, nỗi sợ khi đứng trước một người có vũ khí, và rồi, như cái máy, tôi từ từ lùi lại. Tôi lặng lẽ lùi xa, xa hơn nữa. Để cứu vãn danh dự, tôi đưa tay lau trán như thể vừa đánh rơi vật gì đó, rồi chuồn thẳng. Ra tới hè phố, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn lên, như quả thật vừa tránh khỏi một mối hiểm hoạ lớn. Tôi rảo bước đi nhanh.
Vừa đói, vừa lạnh, và mỗi lúc một thêm thất vọng, tôi vật vờ đi theo phố Carlơ Juhan. Vừa đi, tôi vừa to tiếng chửi rủa mà không hề sợ người khác có thể nghe thấy. Đến Toà thị chính, cạnh con sư tử bằng đá đầu tiên, tôi chợt nhớ tới một người quen, một hoạ sĩ trẻ tuổi mà có lần ở Tivôli đã được tôi cứu không bị một cái tát vào má. Sau này tôi cũng có tới chơi nhà anh ta. Tôi bật ngón tay một cách vui vẻ rồi đi tới phố Turdensongaten, tìm ngôi nhà có tấm bảng "K.Zahary Bartel" và gõ cửa.
Chính anh hoạ sĩ ra mở cửa cho tôi; người anh ta sặc mùi bia và thuốc lá lợm giọng.
- Chào anh, - tôi nói.
- Chào anh, anh đấy à? Sao anh lại nghĩ tới việc đến thăm tôi vào lúc muộn mằn thế này? Dưới ánh đèn, anh sẽ chẳng nhìn thấy gì được trên tranh tôi đâu! Từ lần gặp anh cuối cùng tới nay tôi có vẽ thêm một bức miêu tả đống rơm và chữa lại mấy bức khác. Mời anh tới vào ban ngày, xem tranh lúc này chỉ là việc vô ích.
- Dù sao, anh cứ cho tôi ngó một tí, - tôi nói. Tôi cũng chẳng nhớ tôi đang nói về bức tranh nào.
- Điều ấy không thể được! - Anh kia đáp. - Anh sẽ chỉ thấy một màu vàng. Vả lại. - anh ta cúi gần tôi và hạ thấp giọng tới mức thì thầm: - Vả lại, hôm nay tôi có khách phụ nữ. Tôi không tiếp anh được.
- À, thế thì là chuyện khác.
Tôi lùi lại, chúc anh ta một đêm tốt lành rồi bỏ đi.
Chỉ còn một lối thoát duy nhất là vào rừng. Chà, giá đất không ẩm ướt thì tốt quá! Tôi vuốt ve chiếc chăn và dần dần quen với ý nghĩ rằng đêm nay tôi sẽ ngủ ngoài trời. Việc tìm chỗ ngủ trong thành phố quá lâu và quá vất vả nên tôi rất mệt, cái gì cũng thấy đáng ghét. Thật dễ chịu khi ta lang thang giữa phố một cách thanh thản, cam chịu số phận và không một ý nghĩ nhỏ trong đầu. Ngang qua trường Đại học, tôi ngước lên thấy đã mười một giờ, và đi về phía ngoại ô. ở Hegđehaughen, tôi dừng lại trước tủ kính một cửa hiệu bán thức ăn. Cạnh một chiếc bánh mì kiểu Pháp có một con mèo đang nằm ngủ, với chiếc bát đựng mỡ lợn và chiếc lọ thuỷ tinh đựng dấm. Tôi đứng nhìn những món ăn ngon lành ấy một chốc, nhưng vì không có tiền, tôi đành quay người đi tiếp. Tôi đi rất chậm, vượt qua bờ rào và đi, đi mãi, hết giờ này đến giờ khác, cuối cùng tới được khu rừng ngoại ô.
Từ đường, tôi rẽ sang bên và ngồi xuống nghỉ. Sau đó tôi dạo quanh tìm cho mình một chỗ thích hợp, bẻ lá, lót thành chiếc giường trên một chiếc gò nhỏ, nơi đất không ẩm lắm. Tôi giở gói, lấy chăn ra. Vì đi đường xa quá mệt, tôi ngã vật ngay xuống đống lá. Tôi trở mình, cọ quậy nhiều lần cho đến khi nằm thấy tiện mới thôi. Một tai tôi vẫn đau, thậm chí còn sưng lên do bị roi quất, thành ra tôi chỉ được nằm nghiêng một bên. Đôi giày được tôi cởi, gói lại bằng tờ giấy xin ở cửa hiệu Sambơ, và đặt dưới đầu làm gối.
Xung quanh tất cả chìm trong bóng tối. Yên tĩnh, thật yên tĩnh. Chỉ tít trên cao có tiếng u u không bao giờ tắt của gió. Tôi nằm yên rất lâu lắng nghe tiếng u u đều đều, buồn bã và kéo dài vô tận ấy, đến mức cảm thấy trong người bồn chồn khó tả...
Tôi nhỏm dậy, nằm xuống rồi lại nhỏm dậy, đi giày, thơ thẩn dạo trong bóng tối, sau đó lại nằm xuống, vật lộn với sự sợ hãi cho đến tận sáng, và mãi khi mặt trời sắp mọc, tôi mới thiếp đi được.
Khi tôi mở mắt, mặt trời đã lên cao. Tôi có cảm giác như đã gần trưa. Tôi xỏ chân vào giày, lấy tờ giấy gói chăn và lên đường quay lại thành phố. Như hôm qua, mặt trời bị mây che khuất, tôi bị lạnh và ướt như con chó hoang. Hai chân tôi tê cứng, mắt chảy nước như bị loá vì chói.
Hoá ra đã ba giờ chiều. Cái đói giày vò tôi mỗi lúc một mạnh, tôi yếu mệt tới mức suýt xỉu. Nhưng tôi cứ đi tiếp, chốc chốc lại cảm thấy buồn nôn. Sau đó, tôi rẽ vào một nhà ăn công cộng, đọc bản thực đơn treo trước cửa, nhún vai một cách kiểu cách như thể trên đời này tôi chẳng ghét gì bằng thịt bò và thịt lợn. Rồi tôi đi về phía ga xe lửa.
Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi đi tiếp, cố không để ý tới việc đầu tôi đang quay cuồng - mỗi lúc một khó chịu hơn, nhưng cuối cùng tôi phải ngồi xuống bên một chiếc cầu thang. Tôi cảm thấy mọi cái trong người tôi bị đảo lộn, và hình như trong óc, một chiếc màng mỏng nào đó đã bị thủng. Hai lần suýt ngất đi, nhưng tôi đã không ngất. Tôi còn nhớ rõ hôm qua tôi bị roi quất vào tai, mãi đến giờ vẫn đau, và khi một người quen đi ngang, tôi đã nhận ra ngay và đứng dậy chào.
Có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Cái cảm giác đau đớn mới mẻ này nghĩa là gì? Không lẽ do tôi nằm ngủ trên đất lạnh? Hay vì tôi chưa ăn sáng? Nói chung không nên sống một cuộc sống khốn cực thế này. Thề có Chúa làm chứng, tôi hoàn toàn không hiểu vì sao tôi phải chịu hình phạt ghê gớm này. Bất chợt tôi nghĩ thậm chí rất đơn giản là tôi có thể trở thành một kẻ lừa đảo. Tôi có thể cầm cố chiếc chăn của Hanx Pauli để lấy một đồng curon, đủ ăn ba bữa thật no, sống thêm được chừng nào hay chừng ấy và chờ vận may khác. Còn về chiếc chăn thì tôi sẽ tìm cách nói dối Pauli. Nghĩ thế, tôi đã đi về phía hiệu cầm đồ, nhưng khi đến nơi, tôi chần chừ lắc đầu và quay lại.
Càng đi, tôi càng thấy vui và tự hài lòng với ý nghĩ rằng tôi đã vượt qua được sự cám dỗ ghê gớm đó. Tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn là một người tử tế, rằng tôi là một ngọn hải đăng sáng rực vươn cao trên mặt biển, và điều này làm tôi rất tự hào. Bán đồ vật của người khác để ăn uống, để lương tâm bị cắn rứt, để phải xấu hổ tự nguyền rủa mình là thằng ăn cắp ư? Không, không bao giờ! Không bao giờ! Tôi, không thể có một ý nghĩ như thế được. Có thể nói rằng tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Đúng thế, người ta không thể buộc tội một người chỉ vì người đó trong giây lát bỗng có những ý nghĩ không tốt thoáng qua, nhất là khi đang đau đầu kinh khủng và mệt suýt chết vì lúc nào cũng phải mang kè kè một chiếc chăn người khác dưới nách.
Sớm hoặc muộn rồi cũng tìm được một lối thoát nào đó! Thực ra, tôi chỉ mới viết thư xin việc gửi ông chủ hiệu ở phố Grenlansleret, chứ đã đến nhà ông ta đâu? Có phải tôi đã suốt ngày gọi điện cho ông ta mà vẫn bị từ chối đâu? Chỉ đơn giản là tôi chưa tới gặp ông ta, và vì vậy chưa biết kết quả. Có thể mọi việc sẽ đâu vào đấy, có thể lần này hạnh phúc sẽ mỉm cười với tôi. Ai biết đấy, hạnh phúc bao giờ cũng đến bất ngờ. Nghĩ thế, tôi quyết định đi ngay tới Grenlansleret.
Cơn sốt cuối cùng làm tôi hầu như kiệt sức. Tôi vừa vất vả lê chân đi, vừa nghĩ tới việc sẽ ăn nói thế nào với ông chủ hiệu kia. Chắc ông ta là một người tốt bụng. Nếu gặp lúc đang vui vẻ, ông ta có thể cho tôi tạm ứng trước một curon tiền công, thậm chí không cần chờ hỏi. Những người như họ thường có những hành động khác đời và đáng yêu.
Đến cổng, tôi nhổ nước bọt vào tay rồi xoa lên đầu gối để chiếc quần đang mặc trông có vẻ tử tế hơn. Sau đó tôi giấu chăn sau một chiếc hòm trong góc tối rồi bước vào cửa hiệu.
Trong hiệu có một người đang ngồi dán những chiếc hộp bằng báo cũ.
- Tôi muốn gặp ông Crixti.
- Chính tôi đây, - người kia đáp.
Thế à! Tôi là người thế này, thế này, tôi đã gửi thư cho ông và muốn biết liệu có hi vọng nào không?
Ông ta nhắc tên tôi mấy lần rồi phá lên cười, hỏi một cách châm biếm:
- Thưa ông, ông có vui lòng xem lại cách ông vẽ con số trong thư không ạ? Ông đã đề năm ông viết thư là 1848.
Ông ta lại cười oang oang.
- Vâng, thế thì rất đáng tiếc, - tôi lúng túng đáp. - Thú thật lúc viết tôi có hơi đãng trí, không chú ý lắm.
- Xin ông biết cho, tôi cần một người không bao giờ nhầm lẫn với các con số, - ông chủ hiệu nói. - Tôi rất lấy làm tiếc, vì nét chữ của ông thật đẹp. Nói chung tôi thích bức thư của ông, nhưng...
Tôi chờ một lúc, khó tin bởi câu vừa rồi là của ông ta.
Ông ta lại quay sang bận bịu với những chiếc hộp bằng báo.
- Vâng, rất tiếc, nhưng xin ông hãy tin rằng những nhầm lẫn như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Vả lại, cũng không thể vì một sai sót nhỏ mà xem tôi là người hoàn toàn không phù hợp với công việc tính toán.
- Tôi không xem ông là người như vậy đâu, - ông ta đáp. - Nhưng lúc ấy tôi xem nó khá quan trọng, nên lập tức đã nhận người khác.
- Nghĩa là ông thuê người khác rồi? - Tôi hỏi.
- Vâng.
- Ôi, lạy Chúa! Và bây giờ ông không thể làm gì cho tôi được ư?
- Hoàn toàn không. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng...
- Chào ông! - Tôi nói.
Tôi bỗng cảm thấy vô cùng tức giận. Vớ vội chiếc chăn trong góc tối, tôi nghiến chặt răng đi ra phố, xô đẩy, chen lấn hết người này đến người khác mà không hề xin lỗi. Khi cuối cùng một ông dừng lại, phê bình tôi nghiêm khắc, tôi liền ngoái đầu nhìn và quát tận tai ông ta một câu vô nghĩa nào đó, giơ nắm đấm sát mũi ông ta rồi đi tiếp, bị chi phối bởi cơn cuồng giận không sao kìm nổi. Ông kia lên tiếng gọi cảnh sát. Lúc ấy tôi rất muốn được đánh nhau với cảnh sát. Tôi cố tình đi chậm chờ cảnh sát đuổi bắt, nhưng chẳng thấy ai.
Thế là bao nhiêu cố gắng tìm việc của tôi đã kết thúc một cách tồi tệ. Tại sao tôi lại viết 1848? Tôi cần con số đáng nguyền rủa ấy làm gì? Bây giờ tôi đã đói đến mức ruột gan đau quặn. Thêm vào đó, hôm nay tôi sẽ chẳng hi vọng tìm được cái cho vào bụng. Cùng với thời gian, tôi thấy tâm hồn và cơ thể tôi trở nên trống rỗng dần. Càng ngày tôi càng để danh dự mình bị xúc phạm. Tôi bắt đầu nói dối mà không hề thấy lương tâm cắn rứt, tôi không trả tiền thuê phòng cho bà chủ đáng thương, thậm chí còn nảy ra cái ý nghĩ đê tiện nhất là ăn cắp chăn người khác - và lần nữa, không hề hối hận, không hề xấu hổ chút nào! Tôi đang bị thối rữa từ bên trong, mọi cái đều mưng mủ. Còn trên kia, trên chín tầng mây, Chúa đang ngồi chăm chú theo dõi tôi để cái chết đến với tôi theo đúng ý Ngài - chậm chạp, từ từ và không sao cưỡng lại nổi. Còn dưới địa ngục thì lũ quỷ dữ đang vò đầu bứt tai cáu giận vì mãi vẫn không thấy tôi phạm một tội lỗi khủng khiếp nào đó để Chúa ném tôi xuống với chúng...
Tôi rảo bước nhanh, hầu như chạy, sau đó đột ngột rẽ trái và một chốc sau đã ở trước mặt một cổng ra vào lộng lẫy, đèn sáng trưng. Lúc ấy tôi đang ở trạng thái giận dữ tột độ, tôi không suy nghĩ, không dừng lại, dù chỉ một phút. Nhưng chiếc cổng lộng lẫy này trong giây lát bỗng ăn sâu vào trí nhớ tôi. Bằng cái nhìn nội tâm, tôi thấy rõ từng chi tiết nhỏ, từng hoa văn trang trí của nó. Tôi chạy vào cổng và nhanh chóng leo lên cầu thang. Đến tầng hai, tôi dừng lại, kéo chuông thật mạnh. Tại sao tôi dừng lại ở tầng hai chứ không phải ở tầng khác? Tại sao tôi lại giật chiếc chuông ở xa cầu thang nhất?
Một bà còn trẻ mặc áo màu xám viền đen ra mở cửa. Bà ta ngạc nhiên nhìn tôi một chốc, lắc đầu nói:
- Không, hôm nay chúng tôi không có gì để cho đâu.
Rồi bà ta tỏ ý muốn đóng cửa.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói