Số lần đọc/download: 1975 / 14
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:58 +0700
Chương 7
T
uyết Hận đem quân đi rồi, Bàn Văn Tam ngồi nghĩ vơ vẩn mãi, không sao hiểu Tam tự nhiên ngờ vực và lo lắng. Thái độ và những câu Tuyết Hận đã nói khiến ông già đoán thấy một ẩn tình gì mà ông cho có thể làm hỏng việc lớn được. Ông già nóng nảy đứng phắt lên gọi Tựu Nghĩa:
- Nhà ngươi mau điểm cho ta một trăm quân kỵ binh nữa!
Tựu Nghĩa ngạc nhiên nhưng không dám hỏi.
Độ một giờ sau, toán kỵ binh thứ hai đã trực sẵn ở trước cửa nhà ông già Bàn Văn Tam nai nịt gọn gẽ, đeo gươm và cầm một khẩu súng thập tam bước ra.
Đã lâu lắm ông già mới giở món khí giới. Tuổi ông đã nhiều, sức ông đã nhược. Nhưng cơ hội trời đem lại cho ông trả thù xưa này, ông không thể bỏ lỡ được.
Ông kiểm điểm quân sĩ một lượt, dặn Tựu Nghĩa ở nhà coi sóc mọi việc đoạn phốc lên yên dẫn quân đi.
Ông già theo một lối với Tuyết Hận. Ông rẽ lên hướng Bắc rồi lần vào rừng...
Theo ý ông đoán phỏng rất đúng thì khi Tuyết Hận tới nơi, quân Cờ Vàng hẳn đương phá thành. Ông định sẽ đánh thẳng vào sau lưng giặc Cờ Vàng ở phía cổng hậu thành cùng một lúc Tuyết Hận đánh ở lối cổng tiền. Giặc Khách bị đánh hai mặt thể nào cũng thua. Ông sẽ cùng Tuyết Hận vào thành và ngay khi ấy, ông sẽ hạ thủ Ma Vạn Thắng.
- Công việc phục thù, ta không thể giao phó cho một mình Tuyết Hận được.
Câu nói ấy không phải đã tỏ ra rằng Tam ngờ Tuyết Hận nhu nhược. Ông chỉ ngần ngại vì thấy Tuyết Hận đã thốt ra những câu lạ lùng khó hiểu.
Tuy chất phác, ông già cũng đoán có sự gì khác thường. Ông đánh hơi thấy một người đàn bà trong việc rắc rối nọ.
Ông đã từng trải sự đời, ông lại đã qua một thời trai trẻ nên ông hiểu rõ ẩn tình của Tuyết Hận.
"Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoán". Câu nói ấy muôn nghìn thủa vẫn là một câu nói đạt tình đạt lý! Cháu ta chắc hẳn đã vô ý để cho sợi tơ đào vướng cẳng nên mới lúng túng chẳng xong bề nào chứ gì?
Ông biết chắc rằng như thế thì trong việc phục thù báo oán này Tuyết Hận thể nào cũng do dự. Và, biết đâu đấy, mấy giọt nước mắt long lanh trong đôi mắt đẹp biết đâu sẽ chẳng làm cho Tuyết Hận bỏ qua cơ hội, mang lấy cái hận chung thân!
Thế thì bổn phận của ông, cái bổn phận chú cũng như cha, là phải cứu vớt cho cháu ông khỏi bước đường lầm lạc.
Bàn Văn Tam càng nghĩ càng thấy trái tim già sôi nổi, hăng hái. Vả lại, thanh gươm yên ngựa, cái cảnh giang hồ mạo hiểm, bỏ quên bao nhiêu năm hiện giờ đối với ông vẫn còn nhiều thú vị say sưa...
Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trịnh khinh hồng mao
Tiện từ khê khôn tòng chinh chiến
Tây phong minh tiên xuất Vi Kiều 1
Cao hứng, Bàn Văn Tam cất tiếng hát vang một bài tráng sĩ hành làm cho ba quân thêm phấn khởi.
Cảnh vật chung quanh thêm có một vẻ buồn hùng tráng... Trong gió hanh hao hiu hắt thổi những đám lau già xào xạc. Núi rừng chất ngất, thản nhiên chứng kiến những sôi nổi trong lòng người.
Bàn Văn Tam dẫn quân đi gấp. Sáng sớm ngày hôm thứ ba, tướng sĩ đã bắt đầu nghe tiếng súng văng vẳng đằng xa.
Những con ngựa chiến dỏng tai phổng mũi rồi hung hăng bon nước kiệu!
Đoàn chiến sĩ tuốt gươm, cảm thấy máu đào sôi trong huyết quản làm cho mắt ai nấy sáng lên, vẻ mặt cương quyết ra, chân tay ngứa ngáy...
Bàn Văn Tam vòng theo con đường hẻm xuống phương Nam thêm chừng bảy dặm đường nữa thì ra hiệu cho ai nấy xuống ngựa để nghỉ ngơi và ăn uống lấy sức đã.
Tam truyền đem ngựa buộc khuất vào rừng; bỏ con đường đi, thầy trò lần vào bụi ngồi ăn. Tiếng súng nghe rõ mồn một, áng chừng còn độ ba dặm nữa thì tới nơi chinh chiến.
Trời lúc ấy đã quá trưa, ánh nắng đã ngả. Đoàn kỵ binh ăn uống no nê, nghỉ ngơi đã lại sức. Họ nhìn ông già bằng những cặp mắt sáng ngùn ngụt, chỉ chờ một hiệu lệnh là lên yên.
Bỗng, một tiếng nổ vang, trội lên những tiếng sát phạt làm cho ai nấy giật mình ngơ ngác, Bàn Văn Tam đứng phắt dậy, thoăn thoắt leo lên một cây móc lớn mọc chót vót trên đỉnh ngọn gò gần đấy...
Ông già quắc mắt nhìn về phía Nam đỏ dịu. Đoàn dũng sĩ nghển cổ chờ...
Trên cao, ông già vẫn lặng lẽ nhìn một cách chăm chú đoạn ông huýt lên một hồi còi dài.
Quân sĩ chạy ùa lại đàn ngựa, ra hiệu cho những con vật tinh khôn nằm rạp cả xuống, im như chết.
Cùng lúc ấy, chiến sĩ vẳng nghe một tiếng huỳnh huỵch mỗi lúc một gần làm cho mặt đất chuyển động...
Bàn Văn Tam tụt xuống khỏi cây móc khẽ bảo mọi người:
- Giặc sắp trút qua đây. Chúng hình như thua trận. Các ngươi cứ nằm im chờ ta.
Nói đoạn, ông già lẩn vào bụi rậm mất.
Tiếng ngựa phi đông gần mãi lại rồi vụt qua chỗ mọi người nấp như cơn lốc.
Ông già Tam đã quay về.
- Đứng cả dậy!
Tiếng hô chưa dứt, người ngựa đã đứng lên như mọc.
- Toán quân của Hoàng Tất Liệt vừa qua đây. Chúng nó đã bắt được Ma Vạn Thắng và cả con đàn bà khốn nạn. Ta không cần phải chờ tới châu Đại Man nữa hãy theo bọn giặc mà cướp lấy kẻ thù.
Dứt lời, Bàn Văn Tam nhảy lên ngựa.
Đoàn chiến sĩ cũng làm theo đoạn kéo ra đường lộn trở lên hướng Bắc.
Hoàng Tất Liệt kéo quân đi một thôi dài.
Mãi khi mặt trời khuất núi, bọn Cờ Vàng mới cùng nhau dừng lại ở một cái thung lũng hiểm trở mà trong đám giặc, có tên đã biết rõ địa thế. Theo lời tên ấy, Hoàng Tất Liệt đóng quân trong lòng thung, yên chí dù có ai theo cũng không thể biết đâu mà lần được.
Nơi đó là một chân đất phẳng độ hai mẫu ruộng; chung quanh toàn núi đá vây bọc cao vút như thành, lối vào chỉ có một con đường chìm dưới lau sậy. Thực là chỗ hiểm yếu, một người có thể ngăn cản được cả một toán quân không lọt vào nổi.
Quân giặc chọn một cái hang đá nhốt hai vợ chồng Ma Vạn Thắng vào cẩn thận rồi mới hạ trại và bắt đầu thổi cơm ăn...
Anh nào anh ấy xem ý chủ tướng khoan khoái vì thắng trận (tuy nàng Nhạn chưa bị bắt) cũng tỏ vẻ hân hoan. Lại nhân chắc bên địch không dám theo mà dù có theo cũng không biết lối nào tìm nên chắc dạ ăn uống no say hỉ hả.
Cơm rượu xong đâu đấy, chúng liền ngả bàn đèn như sao sa. Rồi, quân hút, tướng hút, vừa hút vừa bàn tán xì xào về trận đánh vừa qua... Anh nào cũng hung hăng khoe tài, khoe giỏi. Cứ nghe chúng thì trên đời không còn toán quân nào khả dĩ đương đầu với chúng được.
Trong lúc ấy, chúng tuyệt nhiên không ngờ tới cái chết đang xồng xộc tiến lại phía sau lưng...
Bàn Văn Tam chờ giặc đi khỏi, lập tức theo sau. Lúc mặt trời vừa lặn thì tuyệt nhiên không thấy bóng tụi Cờ Vàng đâu nữa.
Ông già tìm quanh ngó quẩn một lát đoạn khẽ mỉm cười và lẩm bẩm:
- Phen này thì chúng bay thực bằng chuột sa vào cạm!
Ông đem một đoàn quân chia mười tên mang ngựa vào khu rừng gần đấy buộc. Hai mươi tên phục ngay lối vào thung lũng, chờ hễ giặc có đứa nào thoát ra thì bắn. Sau cùng ông thân dẫn bảy mươi tên trèo lên núi, bao quanh để nã súng và lăn đá xuống thung.
Đêm hôm ấy sau khi mặt trời lặn bỗng có cơn mưa. Mây đen tỏa mù mịt; xa xa thỉnh thoảng lòe một tia chớp nhoáng; sấm chuyển ù ù...
Đoàn dũng sĩ tiến rất chật vật, người nọ phải nắm lấy vạt áo người kia, đi rất thong thả mới khỏi thất lạc nhau và rơi xuống vực.
Họ nhờ có chớp mò mẫm đến đầu canh hai mới lên tới đỉnh núi. Trong khi ấy vì lá cây chuyển động và sấm nổi ù ù nên bọn Cờ Vàng không nghe thấy gì hết...
Bàn Văn Tam cùng bọn dũng sĩ nhìn xuống thấy ánh đèn ở các trại sáng rực liền bày thành thế và lắp đạn.
- Bắn!
Loạt súng thứ nhất nổ.
Trong trại giặc chớp hiện ra cái cảnh hoảng loạn tung tành.
"Roạt"
Súng nổ lần thứ hai.
Tiếng lao xao, hò hét của bọn Cờ Vàng dịu hẳn.
Và, sau chập súng thứ ba, bên dưới chỉ còn lại những tiếng kêu đau đớn và những tiếng rền rĩ của những người hấp hối.
Như một đàn vượn, toán quân Bàn Văn Tam bíu những sợi dây leo chuyển xuống lòng thung.
Một hồi còi nổi lên.
Hai mươi tên đứng chiếm ở cửa thung cũng ùa vào. Họ không dùng súng nữa, dùng toàn mã tấu. Nhưng, quân giặc lúc ấy ngã gần hết nên họ không phải đánh chác khó nhọc gì cả...
Bàn Văn Tam truyền lệnh đập chết những kẻ bị thương, khuân chúng ra ngoài để lấy chỗ đóng tạm đêm ấy và sai đánh đuốc để tìm vợ chồng Ma Vạn Thắng.
Nhờ một tên Cờ Vàng sống sót chỉ đường nên Bàn Văn Tam thấy ngay chỗ giặc để kẻ thù. Biết chúng không thể chạy thoát vào đâu được nên ông già để yên chờ sáng sớm hãy mang đi.
Trong khi ấy thì quân sĩ dọn dẹp các trại đã tạm xong. Hơn hai trăm thây giặc chất thành một đống thịt khổng lồ. Dưới ánh đuốc lập lòe, cảnh tượng thực là khủng khiếp.
Bàn Văn Tam cho gọi toán quân giữ ngựa đến truyền nấu cơm ăn.
Trận đánh dễ như trò đùa, khiến cho ai nấy vui vẻ cùng nhau ăn uống, chuyện vãn mãi đến tờ mờ sáng.
Bàn Văn Tam sai dẫn vợ chồng Ma Vạn Thắng vào.
Suốt đêm, những nỗi lo sợ kế đến nghe tiếng sát phạt ồn ào khiến cho vợ chồng Vạn Thắng không thể sao nhắm mắt được. Hắn đương lo sẽ chết về tay giặc Khách thì tiếng súng nổ, người kêu làm cho hắn đổi ra mừng rỡ, cuống quýt. Hắn biết quân Cờ Vàng bị đánh úp và hy vọng sẽ được thoát thân.
Tiếng nhộn nhịp dần dần im rồi tắt hẳn, làm cho hắn lại phân vân lo ngại. Cánh quân theo bị giặc phá chăng? Hay giặc bị giết cả. Nếu thế người ta phải tìm vợ chồng hắn chứ? Hay có tìm mà không thấy, vợ chồng hắn sẽ bị chôn sống trong hang đá này chăng?
Bấy nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong trí nghĩ của Vạn Thắng.
Hắn nóng lòng sốt ruột, coi mỗi phút qua đi dài như cả một thế kỷ.
Trong khi ấy, thời khắc cứ kế tiếp trôi lạnh lùng đều đặn...
Vạn Thắng và Yến Xuân ôm đầu nghĩ ngợi...
Mấy tiếng chim kêu vui vẻ nhắc cho hai người một cách mỉa mai rằng trời đã sáng.
Vạn Thắng thở dài:
- Sáng rồi! Nào xem số phận ra sao nào!
Bỗng, như để đáp lại sự mong mỏi của Vạn Thắng tiếng quân sĩ hò reo vần tảng đá sang một bên. Ánh sáng ùa vào rồi bốn tên dũng sĩ áo chàm theo ánh sáng vào hang khiêng vợ chồng Vạn Thắng.
Khi bốn tên đã đặt vợ chồng Vạn Thắng xuống trước tấm da gấu trải trên cỏ, trong một trại lợp tranh, Vạn Thắng và Yến Xuân cùng vội ngẩng lên xem kẻ thù mình lúc ấy là ai.
- Bàn Văn Tam!...
Cả hai người cùng kêu rú lên một lượt, sắc mặt nhợt hẳn đi, mắt giương trừng trừng không động. Thấy gươm kề cổ, vợ chồng Vạn Thắng vị tất đã sợ như thế. Bởi chúng cùng yên chí là Tam đã chết rồi. Chúng có cảm tưởng như nhìn thấy một bóng ma hiện bên mồ vắng.
Trước sự khủng khiếp của Vạn Thắng và Yến Xuân, Bàn Văn Tam chỉ tủm tỉm cười.
Ông già chờ kẻ thù qua phút kinh nghi rồi mới thủng thẳng nói:
- Thế nào gian phu dâm phụ đã nhận biết ta là ai chưa?
Vạn Thắng vẫn nhìn Tam trừng trừng trong khi Yến Xuân khẽ cúi đầu nhìn xuống.
- Bay chắc ngạc nhiên lắm vì bay không ngờ ta còn sống và lại gặp bay. Nhưng, lưới trời lồng lộng, kẻ gian ác trốn đi đằng nào cho thoát khỏi. Thế gian to rộng thực mà người ta vẫn gặp nhau như thường!... Vạn Thắng kia, mày xuất thân là một thằng đồ tể, nhờ có anh tao cất nhắc mày mới nên người, thế mà sau này nỡ lấy ơn làm oán, ham chút hư danh dám đương đêm lẻn vào chặt đầu chủ tướng. Mày tưởng là đắc sách lắm nên mới dám vênh cái mặt chó lợn lên nhìn hai vầng nhựt nguyệt, lại toan những việc tranh bá đồ vương. Nhưng, ông trời nào lại dung mày! Còn con đàn bà voi giày kia nữa! Anh tao đối với mày có điều chi tệ bạc mà mày nỡ phụ tình bội nghĩa, giết chồng, giết con để theo thằng đầy tớ bất nghĩa của họ Bàn! Mày làm nhơ nhớp cả thanh danh cha đẻ, cái thanh danh của của Lương Văn Nhị, một bậc thảo dã anh hùng! Mày lại nhẫn tâm dứt bỏ cháu tao trong đống lửa, chẳng kể gì đến mẫu tử tình thâm. Mày thử xem, đến ngay giống sài lang hổ báo cũng không nỡ ăn thịt con nữa là giống người. Mày tự vấn lương tâm mày xem có bằng súc vật không? Cũng may anh tao ở hiền gặp lành nên không đến nỗi tuyệt tự...
Yến Xuân rùng mình, ngẩng đầu lên nhìn em chồng cũ.
- Cháu tao đã được người cứu thoát và đến nay đã thành một bậc thiếu niên trí dũng như cha nó. Chính nó đã cầm quân đánh vào sau lưng toán quân của Hoàng Tất Liệt giải cứu cho thành trì Đại Man...
Vạn Thắng và Yến Xuân cùng kêu:
- A!... Chàng trẻ tuổi đã cứu nàng Nhạn!
Bàn Văn Tam ngạc nhiên:
- Nàng Nhạn nào?
Vạn Thắng đáp:
- Nàng Nhạn là con gái riêng của ta.
Ông già họ Bàn cau lông mày nín lặng.
Ông đã hiểu! Tuyết Hận đã mắc vào bả tình rồi! Ông đoán thực không sai.
- Ngày nay, chúng mày lọt vào tay tao, chúng mày dù chết cũng đừng oán thán gì nữa nhé. Chung quy đều do tự ông trời cả.
Bàn Văn Tam vừa dứt lời thì một tên quân bỗng vào báo.
- Thưa Chúa công, đằng xa về mạn Nam, không biết quân nào phóng ngựa tới đây đông lắm!
- Chỉ quân của cháu ta chứ còn quân nào nữa. Bay ra xem, hễ phải quân của công tử thì gọi vào đây.
Độ nửa giờ sau, lối vào thung lũng trở lên ồn ào, náo nhiệt...
Yến Xuân hoảng hốt nhìn ra ngoài.
Thì, cùng lúc ấy, một viên tướng trẻ tuổi đẹp trai đã tiến vào: Bàn Tuyết Hận.
Vạn Thắng bồi hồi nín lặng trong khi sắc mặt Yến Xuân thay đổi dữ dội, tỏ ra trong lòng rất sôi nổi.
Bàn Văn Tam nói luôn:
- Cháu đi tìm thằng Vạn Thắng phải không?
- Thưa chú, vâng. Dêm qua cháu nghe tiếng súng, không hiểu quân nào với quân nào giao chiến nên phải tạm đóng một chỗ gần đây. Nhưng, cháu thực không ngờ chú ra quân.
Bàn Văn Tam mỉm cười.
- Việc phục thù là việc trọng đại, chú không yên tâm giao cho cháu làm lấy một mình. Chú bắt được kẻ thù đây rồi. Cháu hãy xem cho rõ mặt người đàn bà đã phản chồng, giết con.
Vừa nói, Bàn Văn Tam vừa trỏ Yến Xuân.
Tuyết Hận nhìn mẹ. Lòng chàng bỗng đau như cắt. Mặc dầu người đàn bà ấy đã làm nên tội ác, Tuyết Hận không xót thương cảm động. Chàng nghĩ đến những khi sài đẹn mẹ ấp ủ ở trong lòng...
Tuyết Hận muốn xin Bàn Văn Tam tha thứ hoặc giảm tội cho mẹ chàng, nhưng khi nhìn vẻ mặt lạnh như đá của ông già, chàng đành thở dài ứa nước mắt.
Quân sĩ chung quanh nhìn cái cảnh thương tâm cũng không mấy người cầm lòng được.
Bỗng, Bàn Văm Tam cất giọng sang sảng nói:
- Bây giờ chú cháu ta hãy cùng về động Phù Hiên. Ngày giỗ của thầy cháu sắp tới rồi. Hôm ấy, trước linh vị người oan uổng, ta sẽ bắt gian phu dâm phụ phải đem máu rửa vết máu mà chúng ta đã đổ ra khi xưa.
Đoạn, ông cười khanh khách.
- Hừ, hai mươi năm trời ôm một tấm lòng thù oán. Nào ngờ đâu ngày nay trời đất còn vị ta...
Tiếng cười đã lạnh như băng lại thêm câu nói tỏ một sự quả quyết bất di bất dịch làm hết thảy đều rợn người và cùng im lặng.
- Quân sĩ đâu, làm cơm ăn mau để còn lên đường!
Ba quân được lệnh, tản ra làm mọi việc.
Tuyết Hận ngồi bó gối, thỉnh thoảng liếc nhìn trộm mẹ. Chàng không nói năng, không ăn uống gì cả.
Yến Xuân cũng vậy, cũng nín thít như tượng gỗ. Trong lòng người đàn bà khốn nạn lúc ấy dào dạt những thương đau, hối hận...
Cơm nước xong, Bàn Văn Tam lập tức hạ lệnh kéo quân đi.
Ông già tưởng như trẻ hẳn lại đến mười tuổi.
Sự đắc thắng quá hẳn lòng mong ước của ông.
Biết rằng Tuyết Hận khổ sở lắm, nhưng việc ông phải làm ông cứ làm, không thể nhu nhược được.
Vả lại, ông giận vì cho mối tình của Tuyết Hận là một tội lỗi gớm ghê, mà chỉ cái tuổi trẻ của chàng làm cho chàng còn đáng được tha thứ vài phần. Mối tình ấy, ông tự hứa với lòng sẽ nhổ cho hết rễ, như ta trừ một loài cỏ xấu.
- Yêu một đứa con nhà hạ tiện lại là tử thù của mình, việc ấy chỉ có tuổi trẻ còn mờ quáng mới có thể làm được!
Giữa khu rừng trùng điệp, trên một con đường mòn lồi lõm, đoàn chiến sĩ hát khúc quân hành; gương mặt họ lộ hẳn nét hân hoan thầm lặng.
Tuyết Hận vẫn gò cương ngựa theo sát ông chú chàng. Thỉnh thoảng chàng liếc nhìn mẹ với đôi mắt tràn ngấn lệ, rồi chàng lại liếc nhìn ông già, như ngượng ngùng, sợ hãi.
Gió rừng len theo màn đêm, xuyên qua những bóng đen thấp thoáng, làm lòng chàng càng thêm tê tái.
Những tiếng khua động của rừng đêm âm u, tịch mịch, hòa thành khúc nhạc oái oăm, hỗn loạn...
Ngồi trên lưng ngựa, Tuyết Hận như nửa tỉnh nửa mơ. Đầu óc chàng bị ám ảnh bởi một dĩ vãng đầy nước mắt, mà trong đời chàng không bao giờ phai nhòa được.
Chàng hình dung đến dáng một người cha hiền từ, nhưng đầy nghị lực, bỗng dưng vì sự phản bội tàn nhẫn của mẹ chàng mà nay cha chàng đã hóa ra người thiên cổ.
Ôi! Đau lòng thay!
Bỗng người chàng giật bắn lên như điện giật, đôi má chàng ướt đẫm qua hai hàng lệ lấp lánh dưới trời đêm.
Tuyết Hận như đã trở về với thực tế. Chàng chực nghĩ đến cảnh mẹ chàng sẽ bị hành hình để đền tội ác nơi động Phù Hiên.
Tình mẫu tử đột nhiên sống dậy mãnh liệt trong lòng người trai trẻ. Tuyết Hận ngừng hẳn ngựa lại, đầu chàng gật gật như sắp quyết định một việc gì trọng hệ.
Tuyết Hận ngẩng phắt đầu lên... Trong người chàng vụt thấy bồi hồi, hăng hái, cặp mắt long lanh, vẻ mặt cương quyết...
Chàng đứng dậy, đi quanh trong gian buồng rộng sau cùng khi hé phên cửa nhìn ra ngoài sự vật tan chìm trong sương. Cuộc sống hàng ngày của muôn loài như một cái xác chết gói trong tấm khăn liệm trắng...
Gần xa chung quanh, hết thảy đều im lặng... Không một tiếng gió, không một tiếng chim kêu, thú chạy, trừ cái tiếng suối đổ ồ ồ trong rừng sâu.
Tuyết Hận cảm thấy thời khắc cực kỳ nghiêm trọng... Chàng cần phải thực hành mưu kế ngay lúc này nếu không thì không còn cơ hội nào nữa.
Nhưng làm cách nào bây giờ?
Tuyết Hận vẫn lúng túng như một con thú rừng mắc lưới, giãy giụa trong cái ngục bùng nhùng mà không sao thoát ra được.
"Thì hẵng cứ ra cửa hang rồi tùy cơ ứng biến vậy".
Tuyết Hận quay vào lấy một thanh mã tấu cực sắc rồi lẻn qua phên cửa ra ngoài. Chàng đem khí giới làm gì? Chính Tuyết Hận cũng không có chủ định gì cả.
Không khí lạnh buốt. Từ những tàu lá cây ẩn hình, sương khuya rỏ xuống mặt cỏ nghe thánh thót...
Tuyết Hận đi nhanh về phía cửa hang.
Bọn quan canh vẫn thức, nói chuyện rì rầm dưới ánh đuốc.
Chàng trai trẻ đứng yên sau một bụi cây xem xét kỹ càng địa thế.
Chàng vẫn chưa nghĩ ra được một mẹo gì...
Xa xa, tiếng mõ lại nổi lên, báo nửa canh ba.
Tuyết Hận giật mình, gần sáng rồi, không thể trậm trễ được nữa.
Chàng bò rạp xuống đất, qua chỗ quân canh... Đá sỏi tai mèo làm cho hai bàn tay chàng sây sát rướm máu...
Lần từng bước, Tuyết Hận phải chật vật lâu lắm mới đến được bên tảng đá lấp hang.
Lấy hết sức bình sinh, Tuyết Hận thử cố lay tảng đá, nhưng nặng lắm, không thể nhúc nhích.
Chàng lắc đầu tự nhủ:
- Không được! Trừ khi ta có cái sức khỏe của Hạng Vương mới ăn thua!
Chàng ngồi bệt dưới cỏ ướt, ôm đầu nghĩ ngợi...
Thời khắc vẫn lạnh lùng qua...
Bỗng Tuyết Hận đứng dậy, cầm thanh mã tấu gõ khe khẽ vào quanh cửa hang. Chàng dừng lại một chỗ mà thanh dao sắt không nảy tiếng vang rắn cấc rồi khe khẽ đào: đất ải!
Toàn thân chàng trai trẻ nóng bừng. Chàng run lên vì sung sướng, hai tay nắm chặt thanh đao bới rất khỏe. Đất ướt vung ra như cám cưa bắn cả lên mặt chàng...
Mõ điểm canh tư...
Sương mù về gần sáng mỗi lúc một dày.
Cái lỗ hổng vừa một người chui lọt.
Chàng sờ soạng khe khẽ gọi:
- Mẹ!... Mẹ đâu?...
Vạn Thắng lúc ấy đau và mệt quá ngủ thiếp đi, chỉ Yến Xuân là còn thức.
Từ lúc gặp em chồng và con, mụ chắc mười mươi là phải chết một cách ghê gớm. Nhưng, dù thế, mụ không thấy lo sợ gì cả. Mụ thản nhiên như một người không có sự gì đáng ngại. Tâm hồn mụ đã tê mê rồi. Và, từ chập tối, bị trói gô vứt trong lòng hang đá, mụ nằm yên không cựa quậy, mắt mở trừng trừng như muốn chọc thủng bóng tối bịt bùng. Mụ không hy vọng gì, không tiếc thương gì hết. Trước hai mắt thao láo, chỉ lờ mờ cái hình ảnh một đứa hài nhi kêu khóc trong đống lửa và một cái hình ảnh một chàng thanh niên vũ dũng và xinh đẹp như một vị giai nhân.
Mụ thở dài và mãi sau, trái tim lạnh giá mới lại bùi ngùi cảm thấy cái hối hận và đau đớn của người mẹ đã giết con. Đứa con mà mụ đã lập tâm bỏ chết để đi theo tiếng gọi của dục vọng, đứa con ấy lúc này mụ thấy thương yêu quá. Tình thương dào dạt làm sống lại tấm lòng héo hắt... Hai giọt lệ nóng từ từ đọng lại trong khóe mắt rồi lặng lẽ chảy xuống thái dương...
Bỗng, một tiếng gọi văng vẳng làm cho Yến Xuân rùng mình chuyển động cả thân thể.
"Mẹ!... Mẹ đâu?..."
Mụ thổn thức, mơ hồ như cái tiếng gọi đó là của con thơ giãy giụa trong lửa cháy...
Mụ nhắm nghiền hai mắt lại rồi tiếng thở mạnh nghe rõ mồn một, và sau cùng, một bàn tay giá ngắt nắm phải chân mụ...
Mụ run bần bật, khẽ hỏi:
- Ai?... Ai đấy?...
- Con đây, Tuyết Hận đến cứu mẹ đây!...
Vừa nói, Tuyết Hận vừa lần vừa cắt dây trói cho mẹ. Yến Xuân từ từ ngồi lên, tứ chi đau như dần...
- Con lại để cứu mẹ khỏi chết. Mẹ nên mau mau trốn đi.
Yến Xuân ngơ ngác:
- Ồ!... Con còn thương... người mẹ khốn nạn của con à?... Con không khinh mẹ, không ghét mẹ, không ghê tởm mẹ hay sao?
Tuyết Hận nắm chặt lấy tay Yến Xuân:
- Mẹ!...
- Con hãy ra đi, mặc mẹ! Cái tội ác của mẹ dẫu phải chết trăm nghìn lần cũng chưa đáng đâu, con ạ!
- Mẹ tệ bạc thế nào, đó là việc riêng của mẹ đối với cha con. Mẹ đã cố ý giết con?... Con không thấy điều ấy làm thù oán. Con vẫn sẵn lòng tha thứ cho mẹ. Mẹ đi đi, con không thể nào giương mắt trông thấy mẹ chết một cách khổ sở. Cha con phải kẻ thù chặt mất đầu. Sự đau đớn ấy đã nặng nề cho đời con lắm rồi. Mẹ đi đi, để tránh cho con một khổ cực thứ nhì nữa!...
Yến Xuân ôm ghì lấy Tuyết Hận vào lòng, khóc nức nở; những giọt lệ kế tiếp rơi xuống ướt cả mặt chàng trai trẻ.
- Con ơi!... Mẹ hối lắm, nhưng không sao kịp nữa!... Mẹ có con mà mẹ tự làm cho mẹ thành không con... Trời ơi, mẹ khao khát một câu nói hiếu thảo, một bàn tay vuốt ve, một cái nhìn thương mến cũng chẳng khác chi người khát mong uống, người đói mong ăn các thứ đó, đời mẹ thực không có quyền được hưởng nữa. Nguyên do tự mẹ mà ra hết.
Tuyết Hận giục:
- Thôi mẹ đi ngay đi!... Nói nhiều cũng chẳng ích gì!
Yến Xuân chua chát:
- Phải, nói lắm cũng chẳng ích gì! Sự đã lỡ rồi, cũng như bát nước đã đổ, không sao lại vét lại. Nhưng mẹ xin con cứ để yên cho mẹ chết. Mẹ sống để mà tha cái đau đớn, cái nhục nhã, hối hận và cái nhớ thương một đứa con chẳng bao giờ lại được gần gụi, sống như thế thì cuộc đời gớm ghê gấp mười lần cái chết con ạ.
Tuyết Hận đứng lên, cầm tay mẹ dắt ra ngoài. Chàng thò đầu nghe ngóng một lúc rồi mới lôi mẹ lẩn vào rừng và đưa đi một quãng xa xa...
- Thôi mẹ đi!... Con chúc mẹ bình yên... Còn Vạn Thắng thì con không thể tha được...
Yến Xuân vội giơ tay bịt lấy miệng Tuyết Hận.
- Con, mẹ van con. Trong cái lúc cuối cùng mẹ được gần con này, con chớ nên nhắc đến người ấy nữa. Mẹ khổ sở, thẹn thùng lắm!...
Tuyết Hận thở dài:
- Thôi mẹ đi. Mẹ đi ngay kẻo quân canh biết!...
Chàng nói đoạn vùng bước nhanh trở lại.
Yến Xuân nắm vội lấy vạt áo con.
- Tuyết Hận! Con tha thứ cho mẹ nhé? Và thỉnh thoảng con nên nhớ thương mẹ kẻo tội nghiệp...
Thiếu niên cắm đầu chạy như ma bắt, vừa chạy vừa chùi hai hàng hàng lệ tràn ướt trên gò má...
Về đến phòng riêng, trống ngực chàng còn đập thình thịch và rõ lâu chàng còn lắng tai nghe...
Bên ngoài, cảnh vật vẫn im lặng...
"Bọn quân canh không biết gì cả!".
Tuyết Hận xoa tay đắc chí như một cậu bé con tinh nghịch đánh lừa được người lớn.
Giữa khi ấy thì ở cửa hang, trong bí mật trắng toát của sương mù, năm sáu cái bóng người hiện lên khe khẽ vần tảng đá.
Họ làm việc rất im lặng và nhanh nhẹn. Cửa hang đã hé mở được một lối rộng.
Đám người biến vào phía trong, bật bùi nhùi soi đường đi...
Họ lại gần Ma Vạn Thắng rồi chỉ chớp mắt, bao nhiêu dây trói đã cắt đứt, Ma Vạn Thắng được khiêng ra ngoài lẩn vào rừng.
Một tiếng còi khe khẽ rúc lên...
Một toán dũng sĩ hiện ra với một đàn ngựa chiến...
Họ đã đặt Vạn Thắng lên yên rồi cùng nhau kéo đi.
Một lúc lâu, khi đã xa đồn ải của bọn địch, một tiếng người bỗng nói:
- Cha có còn đau lắm không?
Ma Vạn Thắng đáp:
- À, ra con đến cứu cha!... May quá! Cha đã tưởng mười mươi là phải chết bởi tay Bàn Văn Tam! Thế còn dì con đâu?
- Cái đó con không được biết. Con vừa toan hỏi cha.
Vạn Thắng kinh ngạc:
- Quái lạ! Cả dì con cũng bị trói bỏ vào hang cùng với cha mà lại!
Nàng Nhạn lẩm bẩm:
- Thế thì có người đã đánh tháo cho dì con rồi. Thảo nào lúc thoạt vào hang, con thấy có vết đất còn mới nguyên...
Ma Vạn Thắng lẩm bẩm:
- Ai thế nhỉ?... Chẳng có lẽ...
Thấy cha im lặng, nàng Nhạn cũng không nói nữa... Nàng cúi đầu, vơ vẩn nghĩ đến Bàn Tuyết Hận...
Ngựa đã ra khỏi rừng.
Cả đám đông bắt đầu phóng đi nước đại.
Vạn Thắng mừng được thoát hiểm, ngoảnh đầu về phía động Phù Hiên và cất tiếng cười khanh khách.
- Bàn Văn Tam! Mày đã chắc mẩm hại được ta, mày đã chắc mẩm. Trời giúp mày, nhưng rút lại, ta được thoát nạn! Rồi đây, ta với mày sẽ còn gặp nhau!
Tiếng cười và câu nói khiến nàng Nhạn rùng mình. Nàng đau đớn như bị một nhát dao lạnh đâm trúng tim. Sự thù oán, theo như lời cha nàng vừa nói, sẽ còn dây dưa mãi như cái oan nghiệt. Tuyết Hận với nàng sẽ còn phải đau khổ ngấm ngầm.
Thiếu nữ thở dài, chán nản.
- Nhạn! Con làm thế nào mà đến cứu được cha?
- Thưa cha, đó chẳng qua là một sự may mắn tình cờ chứ con cũng không hy vọng gì có thể thành công được!
- Đầu đuôi thế nào?
- Cha cho phép về tới nhà con hãy nói. Giờ cần phải đi nhanh kẻo họ đuổi!
Cả bọn ra roi quất ngựa.
Nàng Nhạn kiếm cớ ấy để lảng câu chuyện, nàng tự biết không có can đảm nhắc tới tên chàng Tuyết Hận. Nàng không muốn nói đến chàng nữa, sau khi biết rõ chàng có tử thù với nhà nàng.
Nghĩ đến Tuyết Hận, thiếu nữ lại cảm thấy lòng đau như cắt. Nàng không còn hy vọng gì được yêu chàng nữa trong khi lòng nàng yêu say đắm!...
Cuộc đời nàng lúc ấy chỉ có một mục đích: làm cách nào giải được cái oan nghiệt của hai nhà, hết sức tránh những cuộc đổ máu làm cho lòng nàng phải vỡ nát...
Chính vì thế nên sau khi Tuyết Hận lên ngựa đuổi theo bọn Cờ Vàng để mưu cướp lại Vạn Thắng và Yến Xuân, thiếu nữ rất lo lắng, bồn chồn.
Nàng ngồi đứng không yên, chỉ e Tuyết Hận bắt được phụ thân nàng rồi tự tay giết chết.
Ấy chẳng thà cha nàng phải chết bởi Hoàng Tất Liệt!
Nghĩ vậy, thiếu nữ bèn giao thành trì cho ông bác nàng là Ma Toàn Tài đoạn đem mười thủ hạ thân tín đuổi theo Tuyết Hận.
Nếu cha nàng bị Tuyết Hận bắt được, nàng sẽ hết sức van xin cho Vạn Thắng.
Nhưng, sự thể đã xoay khác hẳn.
Vạn Thắng và Yến Xuân đã bị Bàn Văn Tam bắt đem về động.
Nàng Nhạn kinh hãi theo liền.
Nàng cũng biết rằng đã lọt vào tay ông chú Tuyết Hận, phụ thân nàng khó lòng sống được.
Nàng không còn mảy may hy vọng. Đánh nhau để cướp lại thì nàng không đủ sức. Nàng đành cứ theo, định sẽ vì cha, liều thân cầu khẩn với Tuyết Hận.
Tới động Phù Hiên, nàng để ý rình mò, không thấy động tĩnh ra sao cả. Gặp Tuyết Hận cũng chưa gặp được. Nàng bối rối và nóng lòng sốt ruột như người ngồi trên đống than hồng.
Sau cùng, chợt nghe thoảng câu chuyện của bọn quân canh, nàng Nhạn biết được chỗ cha mình bị nhốt. Nàng liền nảy ra cái mưu đánh tháo.
Nàng đương không biết thực hành mưu kế ra sao thì tình cờ nàng gặp Tuyết Hận vào hang tha mẹ.
Dịp đầu may mắn, nàng chờ Tuyết Hận quay về phòng mới sai thủ hạ vào cứu Vạn Thắng ra.
Nàng mặc kệ cho Yến Xuân tự mình tìm lấy lối sống, vì nàng không muốn cho mụ trở lại gia đình nàng nữa.
Nàng tuy chưa rõ đầu đuôi câu chuyện bí mật, song đoán chắc nguyên do là tự người đàn bà lòng dạ khô khan.
Nàng định khi về tới nhà sẽ hỏi cha và nhất định yêu cầu cha nói tường nguyên ủy việc kín xảy ra nó làm cho hai gia đình có cái thù lũy thế...
Tuyết Hận yên chí đã làm xong một việc hợp với lương tâm. Chàng sung sướng như người vừa tháo bỏ được xiềng xích.
Chàng lên giường, chợp đi không biết là bao lâu. Vào khoảng mờ mờ sáng tiếng ồn ào chen lẫn tiếng tù và vỡ lở khiến Tuyết Hận choàng dậy. Chàng đâm bổ ra ngoài, hỏi một tên quân:
- Cái gì thế?
- Bẩm công tử, không hiểu bọn giặc đánh tháo cho vợ chồng Ma Thắng tự lúc nào! Tài nhất là nó nhấc hẳn phiến đá che cửa ra một bên mà tụi quân canh không biết.
Tuyết Hận choáng người, tưởng mình mê sảng...
--------------------------------
1 ... Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm); TMT chú thích.