Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
gười ta đã thông báo về sự vắng mặt của Bằng Sơn ngay trước ngày diễn ra chiến dịch do Massu phát động, theo lệnh của tướng Leclerc, về phía đồng bằng sông Mê Kông, theo hướng Mỹ Tho.
Sau này, khi nghĩ lại chuyện ấy, Pierre nhận thấy rằng anh bạn người Việt nhỏ thó đã biến mất theo cách rất kỳ lạ, đổi chỗ ẩn náu liên tục trước khi bị phát hiện. Thực tế thì cậu đã gặp lại cậu ta, luôn đi một mình, ánh mắt lơ đãng hơn, thậm chí dường như còn nói tiếng Pháp với âm sắc đã bị Việt hóa, cố gắng chuồn đi ngay khi cuộc đối thoại mới bắt đầu. Cậu ta không chuyển đơn vị nhưng chẳng ai biết thực sự cậu ta đang làm gì - nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác, một nhiệm vụ của bộ tham mưu...
Hồi đầu, các chàng trai còn để ý, rồi về sau, theo thời gian việc này trở nên khó hơn, lúc nào chẳng có một gã trong số họ nói là “bọn nhà quê” hay “dân đen” và cách gọi như thế cũng chẳng khiến ai thấy chướng tai. Bằng Sơn làm ra vẻ không nghe thấy, phát huy nghệ thuật trở nên vô hình trong khi vẫn đang hiện diện ở đó; với những vụ mưu sát, những người chết, nỗi sợ, người ta cũng lơi là đôi chút, “Mẹ kiếp bọn người Việt! Xin lỗi Bằng Sơn nhé, tớ không có ý nói cậu...” Nhưng một số người có ý nói thế với cậu ta, và không riêng những người khó tính vừa trở lại quân ngũ chỉ mơ được đánh nhau; mà cả những chàng trai trẻ mới đến, có cái nhìn sáng suốt và biết chính xác là phải “quét sạch” lãnh thổ của bọn khủng bố, và thế đấy, họ nhanh chóng học được việc phải ngờ vực tất cả dân da vàng, ngoại trừ những người được đỡ đầu qua bốn thế hệ người Pháp đáng kính - hoặc lâu hơn thế. Chỉ ít lâu sau, họ đã cố kết với những định kiến đáng ghét nhất về xứ thuộc địa này: người da vàng là quỷ lùn xảo quyệt sẽ nắm ngay lấy cái cớ đầu tiên để giết cậu. Thế nên với quá khứ của mình, Bằng Sơn, có thể xuất thân từ gốc Đức như người ta muốn, và đã nhận được chẳng biết bao nhiêu lời tuyên dương, hay thậm chí là cả một tấm mề đay, thì rốt cuộc cho dù thế nào cũng vẫn chỉ là một gã nhà quê và là kẻ cần phải trông chừng.
Với những căn nhà gỗ mộc, bức tường bẩn thỉu và hàng rào dây thép gai, trại lính Drouhet vừa chiếm lại được sau lưng quân Nhật mang một vẻ não nề mà trong cái đêm đang tàn, công việc chuẩn bị cho cuộc ra đi bắt đầu cào xé nỗi buồn ma quái. Những tấm vải bạt bị giật tung khỏi xe sau cơn dông lúc đêm, người ta nghe thấy tiếng động cơ thiết giáp và tiếng xích xe gầm gừ, tiếng lẹt xẹt từ trạm phát sóng radio, tiếng ù ù của những chiếc xe tải GMC và xe haft-track. Ở đằng kia, bóng dáng cao lớn của Massu đang di chuyển, đang ra lệnh. Có một sự tập trung hối hả trong bầu không khí ẩm ướt: có việc gì đó để làm và có người để làm việc ấy.
Hôm trước, cha Blondeau đã giúp họ bớt căng thẳng trước khi điều họ đi thực hiện nhiệm vụ: “Tôi muốn thấy thái độ nghiêm túc, các chàng trai! Không phải những thứ vớ vẩn! Đừng quên các cậu là quân của tướng Leclerc... và chịu trách nhiệm về mặt tinh thần cho mọi người, cùng việc này! Rõ chưa?” Họ gật đầu ra hiệu đã hiểu. Những lời đao to búa lớn không còn khiến người ta nổi da gà nữa. Anh đã biết trước điều mà họ sẽ phải chứng kiến. Họ đã không phản đối.
Khi đi ngược hàng người để trở lại xe tải của mình, dưới tia sáng đầu tiên của buổi bình minh, cậu nghe thấy tiếng thét:
“Bằng Sơn! Hắn đâu rồi, cái đồ súc vật ấy?”
Pierre lập tức cảm thấy một sự chắc chắn, gần như nhẹ bẫng. Nhưng hàng người đã chuyển động, binh đoàn do Dronne dẫn đầu - giữa đêm, biệt đội Ponchardier đã tiến nhanh về Mỹ Tho theo đường sông.
Lái xe cho cậu là một thanh niên nhỏ con, gầy gò luôn miệng lẩm bẩm một mình. Sau khi đã chạy được vài cây số, Pierre đánh bạo hỏi:
“Cậu nói cái gì thế?”
Người kia ngừng lải nhải rồi trả lời mà không quay mặt về phía cậu.
“Tôi đang cầu nguyện. Anh cũng nên làm thế đi. Cái trò này thật điên rồ. Cầu nguyện có thể cứu anh đấy.
- Chắc chắn rồi,” Pierre nói, bỗng nhiên sợ sẽ phải kết thúc cùng các thiên thần vì một kẻ cuồng tưởng hướng tâm về Chúa trời chứ không để ý đến đường sá. Để tự trấn an, cậu nhìn ra cửa sổ xe, làm ra vẻ không biết đến những câu ê a của kẻ sùng đạo.
Đồn điền cao su, đồng lúa, những bụi chuối, vẻ duyên dáng nữ tính của những hàng cau - Pierre vừa mới quen được với vẻ bình dị lạ lẫm của phong cảnh mới thì họ đã gặp ngay phải rắc rối đầu tiên.
Trước mặt họ, con đường bị xẻ thành những rãnh ngang, giống như những phím đàn dương cầm khổng lồ. Trong khi lính công binh đang dùng đến gần cạn chỗ ván gỗ dự trữ, Pierre xuống xe đi tiểu cùng với Carraz. Ánh sáng mặt trời mới mọc màu xám và mặt nước cũng màu xám, từ đó trồi lên những khóm lúa mới cấy - một cái gì đó nhợt nhạt khiến người ta lóa mắt mà ở đó họ chẳng hề nhận thấy một hình bóng sống động nào, một thế giới mênh mông nước nơi cái bóng yếu ớt của ngày mới là một khe hở mà con người có thể len lỏi vào, hay bị hút vào trong, mà không tạo nên một chút khác biệt nào cả. Vài tiếng súng vang lên.
“Phía kia, Carraz hét lên. Nằm xuống!”
Trước khi nhào xuống, Pierre kịp thấy hình ảnh kỳ dị của cậu bạn, khóa quần mở, chim thò ra ngoài, đang xả đạn từ khẩu F-M vào một bụi thấp lè tè. Vài tiếng súng, vài loạt đạn nữa rồi im bặt. Một tiếng khuấy nước. Vẫn khung cảnh màu xám. Những tàu lá xanh đậm của đám dừa rung rinh trong gió. Một trong hai hình ảnh là ảo - nhưng là hình ảnh nào?
Trong khi Carraz đang lặng lẽ chỉnh trang, tiếng rì rầm vọng đến chỗ họ: cách họ mười xe về phía trên có một cậu bị đo ván, Aeberhardt, thượng sĩ - cấp đó thì không phải loại vớ vẩn. Với các chiến dịch Pháp và Đức, cho dù kinh nghiệm chiến trận của bản thân còn non, Pierre cũng đã biết đến khoảng im lặng tiếp nối sau tin về cái chết của cậu bạn này, biết đến phút tưởng niệm dành cho cậu ta, cho dù họ vừa mới quen nhau, một vài hình ảnh lộn xộn về cậu bạn cứ nối tiếp nhau hiện ra, một cảm giác nhẹ nhõm thoảng qua vì phát súng đó chưa phải dành cho mình.
Họ lại rời đi còn người ta đến vào cái ngày mà, giữa những phát súng từ đường hào, từ chiếc cầu ván xếp đã bị sập, một đối thủ giấu mặt (đêm trước, trong lần trinh sát tới gần chiếc tiêm kích Zéro của quân Nhật, người ta không phát hiện bất kỳ chướng ngại vật nào trên đường) đã buộc họ phải đi thong thả, phải lo lắng về lựa chọn của mình mà vẫn chẳng thấy gì.
Trên xe, tay tài xế tiếp tục cầu nguyện nhưng Pierre không còn để tâm đến nữa.
Ngay tại cửa ngõ Gò Công, họ phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên: một người đàn ông bị đóng cọc, móc mắt, mổ bụng và nằm nghiêng trên đường, với một tấm biển quấn vòng quanh cổ.
“Lạy Chúa lòng lành,” một giọng nói cất lên và một người khác thì cười.
“Dường như chúng ta đâu có giải phóng tất cả mọi người,” Carraz nghiến răng nói.
Thỉnh thoảng họ nhìn thấy cái bóng cao lớn của Massu đi ngược lên phía trên hàng ngũ và chỉ bằng một tiếng hô hay một nụ cười, sắp xếp lại tất cả mọi người theo hướng hành quân. Buổi sáng cậu phát một bài báo theo phong cách Massu: về Leclerc quê kệch, với từ ngữ ngắn gọn hơn, không hoa mỹ. Vấn đề là, Pierre nghĩ, khi người ta ngước mắt lên, chuyện lại không giống như trong bài viết.
Hơi nóng ập xuống mà họ không hề nhận thấy và nung họ đến ngạt thở trong bộ quân phục màu xanh lá cây vẫn còn cứng hồ mới tinh nhưng đã bị lũ muỗi len lỏi qua từng kẽ vải nhỏ nhất để cùng xơi bữa thịt tươi sống. Không còn ván gỗ: khi con đường bị cắt ngang cần phải có xẻng, cuốc, san các mép hố thành thoai thoải dốc, lấp đầy các hố. Và sau đó phải đẩy nếu vẫn không qua được và còn một chiếc half-track vẫn bị kẹt lại, con bọ hung sắt mất thăng bằng, phơi bày hết sự yếu đuối tột cùng.
Đến trưa thì cả người họ lấm lem bùn lầy và đẫm mồ hôi, cả cơ thể ngứa ngáy và cậu chỉ có nổi mỗi một nụ cười như nụ cười của kẻ bị tử hình ở Gò Công. Thật tội nghiệp.
Pierre gặp lại Tikhomirov ở sân đình làng Tân An, tại đó họ đã tập hợp được một vài vị chức sắc và một viên xã trưởng đang lẩn trốn. Cuộc tranh luận bắt đầu, trong bầu không khí căng thẳng khi mà không ai chịu bỏ cuộc.
Phiên dịch là một người lai da nâu đậm luôn luôn tỏ vẻ khó chịu, nhất là khi nói tiếng Việt. Lúc đầu, Pierre định thử theo cái trò chơi hấp dẫn này với cả chuỗi liên tiếp những câu hỏi mà không hẳn là hỏi, tiếp theo những câu trả lời cũng không hẳn là trả lời. Chẳng bao lâu sau, cậu thấy ngán ngẩm.
Pierre theo sau Carraz, rồi lũ trẻ theo sau Carraz, và cuộc chơi bắt đầu: một con quỷ đầu trọc lốc và ngực nhẵn thín như đấu sĩ La Mã chơi trò đuổi bắt bọn trẻ giữa những căn nhà tranh và đến tận cái sân sau bỏ hoang nơi lũ gà gầy giơ xương đang chạy nhảy quanh một con lợn đang ngủ, giữa những vũng nước đục ngầu. Lũ gà kêu quang quác, lũ trẻ la hét còn Carraz thì gầm gào. Rốt cuộc cậu ta cũng tóm được hai đứa trong tay, bọn chúng ngó ngoáy, hơn nữa vì quá tin vào trò chơi, chúng sợ rằng cậu ta sẽ cắt cổ và ăn tươi nuốt sống chúng. Khi cậu ta đặt chúng xuống đất rồi lục túi tìm kẹo sô cô la để phân phát, bọn trẻ lập tức xếp hàng nhận phần. Sau đó, bọn trẻ dẫn họ tới một giếng nước rồi lấy nước vào gáo dừa cho họ uống.
“Mày sẽ uống cái thứ bẩn thỉu này à?” Pierre hỏi vì nhớ lại cái chương về vệ sinh trong các bài giảng được phát trên loa phóng thanh của chiến hạm Desaix.
“Mày bảo là tao sẽ uống mà.”
Với chút ngập ngừng, Pierre nhấp môi theo bạn. Nước có vị lờ lợ nhưng không đến nỗi khó chịu lắm.
Bọn trẻ vây quanh Carraz, cậu ta bắt đầu dạy bọn chúng hát bài Chiếc tàu nhỏ, sau mười phút với những trận cười phá lên khiến lời bài hát trở thành gần như: di di di dong.
“Mày thấy đấy, cậu ta nói đầy tự hào, điều mà Gallieni, Lyautey và tám mươi năm khai hóa văn minh không thực hiện được thì chỉ chưa đầy mười lăm phút tao đã làm xong. Lẽ ra nên giao phó đất nước này cho tao.”
Theo bước bọn trẻ, họ phát hiện ra những ngôi nhà đổ nát của một trại trẻ mồ côi, tại đó họ được một nữ tu mắc tật nói lắp tiếp đón, yêu cầu họ ngồi chờ trên chiếc ghế băng gỗ kê trên nền đất nện, trong khi lũ trẻ vừa chạy vòng quanh họ vừa hò hét, thất vọng vì con thú hoang yêu thích của chúng đã mất đi vẻ hứng thú thấy rõ với trò chơi. Người ta mời họ uống nước chanh ấm, rồi dẫn họ đến chỗ một nữ tu có vẻ nghiêm khắc, bà hỏi họ cụt lủn:
“Lính Pháp làm gì ở đây?”
Pierre và Carraz nhìn nhau bối rối. Thở dài một tiếng, Pierre đành lãnh lấy trách nhiệm: cậu làm tốt hơn bạn mấy trò ngoại giao quân sự.
“Thưa xơ, chúng tôi không gây chiến với trại trẻ mồ côi của xơ.
- Vậy thì nói cho tôi biết các ông đang làm gì ở đây?
- Nói thế nào được nhỉ? Chỉ vui đùa với bọn trẻ thôi mà.”
Gương mặt nghiêm khắc của bà xơ giãn ra một chút rồi mỉm cười.
“Đúng là bọn chúng chẳng có nhiều trò vui chơi giải trí. Hơn nữa, chúng cũng chẳng có thứ gì nhiều. Hãy lại đây.”
Họ được dẫn đi một vòng và được yêu cầu ghi chép lại những thứ cần thiết cho một cơ sở thực tế là thiếu thốn đủ thứ, chỉ trừ sự cương quyết của xơ Chantal, nữ tu khám sát của trại trẻ này, người mà ẩn sau nụ cười là một chí khí vững vàng và kiên định.
“Chúng tôi chỉ sống bằng ân huệ của Đức Chúa trời và lòng hảo tâm của con người, bà xơ nói khi từ biệt họ. Tôi phụ trách phần ân huệ, nhưng vì Chúa trời đã gửi các ông đến với chúng tôi nên các ông có thể chăm lo công tác từ thiện...”
Bà xơ nhìn thẳng vào mắt họ và họ đồng thanh hứa sẽ trở lại.
Khi họ quay lại chỗ cũ, một tấm vải bạt đã được căng lên. Tướng Leclerc đã tới và duy nhất chỉ mình ông đứng, sải từng bước dài qua khoảng cách giữa hai hàng ghế cao bằng gỗ tếch, nện cây gậy bịt sắt xuống đất để nhấn mạnh những lời lẽ của mình, tìm kiếm ánh mắt lẩn tránh của những người đối thoại. Nỗi sợ hãi vẫn lẩn khuất đâu đó, nhưng tất cả đều im ắng.
“Chuyện gì đã xảy ra thế? Pierre hỏi Tikhomirov, người vẫn đang im lìm không nhúc nhích.
- Khi đến làng, chủ tướng đã tóm được hai gã đang đùa nghịch đốt một chiếc xe ba gác. Ông đã khiển trách họ...
- Rồi sau đó thì sao?
- Chúng ta đến đây với tư cách những người bạn... Chúng ta sẽ lại ra đi nhưng sẽ sớm quay lại... Những câu tầm phào thường ngày...
- Ai đã nói vậy?
- Chủ tướng.
- Và họ tin à?
- Dù sao họ cũng làm ra vẻ tin.
- Liệu có thể tin tưởng họ được không?”
Đôi mắt xám tro của Tikho gần như nhắm lại và trông anh ta vừa có vẻ của một người phương Đông và vừa có vẻ một người Âu.
“Đó không phải là vấn đề, Garnier ạ. Cậu có thể tin tưởng họ cho đến khi một kẻ kỳ cục đến, cắt vài cái tai và xẻo vài hòn dái của họ để giúp họ thay đổi quan điểm. Họ cố xác định xem liệu chúng ta có tiềm lực nã đạn sau những lời lẽ thân tình hay không.
- Thế thì chúng ta xoay xở ra sao?
- Việc này có thể còn tệ hơn.”
Trên con phố chính, những chủ buôn người Hoa lại bước ra với những chiếc cờ hiệu vẫy vẫy. Họ biểu hiện một vẻ lãnh đạm lạ lùng đối lập hẳn với vẻ lo lắng khiến khuôn mặt những người An Nam dài thuỗn ra và cặp mắt trũng sâu xuống. Chuyện của họ diễn ra trong một khối bong bóng, không bị ảnh hưởng bởi những cơn lốc xoáy này. Với họ, người ta chắc hẳn phải tính bằng thế kỷ: có thể nói rằng lính Pháp sẽ lại ra đi trước cả khi kịp ghi dấu thời điểm đến của mình.
Pierre tiến lại gần Leclerc và kể cho ông nghe chuyện mình vừa chứng kiến.
“Ở đâu?” chủ tướng tỏ vẻ sốt ruột hỏi.
Cậu chỉ cho ông hướng trại trẻ mồ côi.
“Hãy đưa tôi đến.”
Quanh Leclerc, Massu và Repiton Preneuf buông một tiếng thở dài nhưng vẫn đi theo ông.
“Báo chí, báo chí,” Cá Sấu gắt gỏng, đó là biệt danh mà người ta gọi Massu.
Trong sân của trại trẻ mồ côi, xơ Chantal đã tập trung hết bọn trẻ lại thành một nhóm nhỏ, ba hàng theo thứ tự lớn bé. Đám người Pháp đứng im, xúc động, trước khi Leclerc tiến một bước về phía bà xơ, bà kiêu ngạo phớt lờ ông và quay về phía bọn trẻ.
“Hai, ba!”
Chúng hát trôi chảy cả bài Thống chế, chúng tôi đây!(1) mà không một ai dám cắt ngang. Pierre băn khoăn giữa nỗi hổ thẹn và ý muốn phá lên cười, trong khi Leclerc đứng trang nghiêm trước bài ca dành cho thống chế Pétain. Đã từng có những ngày... Leclerc cảm ơn và hứa hẹn tất cả những gì có thể. Rồi đúng lúc nói lời từ biệt, sau khi đảo mắt một vòng quanh bọn trẻ và cảnh nghèo khó bao lấy chúng:
“Bà đã làm thế nào, thưa xơ?
- Tôi duy trì, thưa ngài, tôi duy trì.”
Họ lên đường về và suốt hàng giờ, hàng ngày dài, giữa phong cảnh những đồng lúa, những đồn điền cao su, những đường hào, những ụ cây, những cây cầu bị phá hủy, đám côn trùng len lỏi, vẻ tối tăm trên những khuôn mặt có thể đang diễn tả mối nghi ngờ hay cảm giác nhẹ nhõm, sự thông cảm hay nỗi sợ hãi, nhưng vẫn vô cùng khó hiểu, Pierre có cảm giác như đang lội bì bõm trong đầm lầy, tiêu tốn hết sức lực ở đó mà không có mục đích gì. Ban ngày, họ phải vượt qua những chiếc hố trên những thân dừa đặt chông chênh, qua những đầm nước mênh mông sếnh bùn trên thuyền dỡ hàng, lội qua những con mương sình lầy dính như kẹo cao su; ban đêm họ quây quần quanh ngọn đèn làm bằng vỏ đồ hộp đổ đầy xăng, ăn hành hoa và thịt lợn rỉ mỡ. Họ ngủ trong những chiếc màn màu ka ki, được tiếng kêu của lũ tắc kè ru rín. Chẳng còn gì uống ngoài thứ nước lờ lợ, một thứ trà vô vị, sáng sáng thì một cốc cacao có vị đất. Nằm cạnh Pierre, Carraz đang ngủ và ngáy o o, gương mặt lộ rõ vẻ căng thẳng, sẵn sàng hét lên ngay khi có ai đuổi trên cầu.
Chiến dịch là một thành công về mặt quân sự. Sau sự kiện biệt đội Ponchardier bất ngờ tái chiếm Mỹ Tho, đích thân chủ tướng đã cùng Massu điều chỉnh hoạt động để đảm bảo họ có thể kiểm soát vùng đồng bằng Nam Bộ và từ đó, kiểm soát cả lãnh thổ cho đến giáp Tây Nguyên. Với những phương tiện sẵn có, thể trạng và tinh thần của các đội quân thuộc địa, mọi thứ còn tốt đẹp hơn những gì mà người ta có thể mong chờ. Tướng De Gaulle có thể hài lòng: Nước Pháp đã lại đặt chân đến Đông Dương - tất nhiên rồi!
Mùa đông đã bày ra một không khí êm dịu giả tạo, và trên các con phố Sài Gòn nơi các thiếu nữ trong trang phục áo dài, những cu li kéo xe quần áo rách rưới, những kẻ ăn mày thật giả lẫn lộn, những người già che ô, những người bán hàng rong đủ loại đã tìm lại được vị trí muôn thuở của mình, chẳng phải tốn nhiều công sức mới có thể bằng lòng với những tuyên bố chính thức trong bài thuyết trình khó quên được đô đốc D’Argenlieu kỳ cục trình bày, Cao ủy Cộng hòa (ngày trước người ta gọi là Toàn quyền, nhưng ở thời đại mới, người Pháp mới cần từ ngữ mới), ông ta đặc biệt mến chuộng những phép ẩn dụ về sông nước với những “bọt sóng,” những khó khăn “biển khơi” và những bất ngờ “sóng lừng” giữ một vai trò chủ đạo. Không mấy ngạc nhiên - Carlisle cho Pierre hay - khi người ta đặt biệt danh “tu sĩ hải quân dòng Cácmen” cho thầy tu này, cái biệt danh còn nổi tiếng hơn cái tên tôn giáo “Cha Louis”. Việc ông tranh đua với Leclerc thì ai cũng biết - một Leclerc nhục nhã nên tướng De Gaulle không cho kiêm hai nhiệm vụ vừa lãnh đạo chính trị vừa lãnh đạo quân sự, ai cũng thấy rõ là như vậy. Nhưng đó là quyết định của tướng De Gaulle và, trong suốt sự nghiệp của mình, Leclerc chưa từng trái lệnh ông.
Sàn Vẹt Xanh đã mở cửa trở lại và những người Hoa cẩn trọng đã thương thảo - đến thời điểm này vẫn chưa đạt được kết quả - cho việc mở cửa lại sòng bạc huyền thoại Đại Thế Giới, cùng với hệ thống nhà hàng, gái nhảy và phòng chơi. “Liên minh mới” giữa Pháp và Đông Dương bắt đầu trong không khí của tiền và buôn lậu, bên nào cũng vui mừng khi từng ngày một tìm lại được những hương vị mà chiến tranh và bãi công đã làm cho biến mất: cùng với rượu whisky, bia, sô cô la, niềm lạc quan giả tạo đã quay trở lại.
Tờ Tự do!, trong các số ra hằng tuần, vẫn đăng những tin tức tốt đẹp, những mẩu rao vặt và những tin quảng cáo ở bản địa. Pierre giả dối đưa vào trong nỗi cô đơn đã ghi dấu những năm tháng niên thiếu của mình cái cảm giác chẳng có ai cho cậu hướng tới để thoát ra khỏi những đau khổ và vướng mắc. Quanh cậu, phần lớn mọi người đều có vẻ cóc quan tâm, miễn là họ có cái để ăn và để uống - và ba mũi tiêm nếu họ mắc phải bệnh tật gì. Con người sống như vậy sao? Aragon đã thốt lên như vậy trong một bài thơ đang văng vẳng trong ký ức, hòa nhịp với một chuỗi hoài nghi của cậu.
“Có thể họ có lý, một hôm cậu thổ lộ với Tikho, nhưng tớ không thể sống như thế được. Tớ cần phải biết.
- Rồi cậu cũng sẽ thế cả thôi.
- Tớ cần biết, nói cho cậu hay! Tớ cần gói đồ buổi sáng và dỡ ra buổi tối. Tớ cần thấy có cái gì ở bên trong trước khi đeo nó.
- Mười lăm cân đá hay mười lăm cân tơ, có thay đổi gì về trọng lượng đâu.
- Mười lăm cân cứt thì có đấy.”
Tikho cười.
“Chỉ mỗi ngày đầu tiên, khi cậu phát hiện ra mùi của nó. Còn sau đó, dù thế nào cậu cũng vẫn phải đeo. Đừng phí đời. Hãy tận hưởng đi!”
Pierre sống những cuộc đời khác nhau - rèn luyện văn hóa và chính trị với Tikho, vui chơi với Carraz (“Đừng quên nhé, Garnier, mật khẩu của chúng ta, thứ mà nhờ nhắc lại thường xuyên nó sẽ mở cho chúng ta mọi cánh cửa: CỬNG-CU!”); thậm chí còn có cả một tình bạn mang tính che chở, nồng nhiệt, và gần gũi đến mức phát ghen, mà cấp trên dành cho cậu, đại úy Blondeau; và hàng giờ với Carlisle và các phóng viên báo chí khác, biếng nhác, nản chí, nhưng cậu không thể rời bỏ họ. Phần lớn thời gian, cậu ở trong căn phòng ở Đa Kao, run rẩy vì một cơn sốt hoàn toàn từ bên trong, cùng lúc vừa thèm gái lại vừa muốn ra trận, nhưng chẳng vượt qua được cửa ải nào, chỉ đối mặt với những cái bóng. Những khi ấy, cậu tỉnh dậy, rảo bước rất nhanh qua hẻm về phía đường thông ra phố Paul-Bert, nhảy lên một chiếc xích lô, và với vài đồng bạc cậu để mặc người ta chở đi suốt cả tiếng đồng hồ, đi về hướng nào cũng được. Cậu thường dừng xe tại Chợ Lớn, trước một ki ốt nhạc nơi một số người Hoa đang chơi những điệu nhạc inh tai cùng với những chiếc mặt nạ âu sầu kỳ cục. Hoặc cậu đến một con phố nhỏ dẫn ra gần sông để cạo râu cắt tóc tại một hàng cắt tóc vỉa hè, ở đó người thợ cắt tóc thường chẳng nói một từ tiếng Pháp nào cũng chẳng cố mỉm cười với cậu. Ngồi duỗi dài trên một chiếc ghế bành được nhồi cẩu thả, bọc vải giả da màu đỏ đã bị rạch lỗ chỗ, cậu có thể nhắm mắt lại và để mặc suy nghĩ trôi theo cái cảm giác lưỡi dao cạo lướt qua trên da mặt, không run sợ khi nghĩ rằng cái người không quen biết kia có thể làm theo một mệnh lệnh nào đó mà cắt cổ cậu rồi bỏ mặc lại đây, trên con phố heo hút này, với họng bị cắt đứt và khăn đầy máu.
Khi về đến căn phòng ở Đa Kao, một tối nọ, cậu tìm thấy trong vách ngăn phòng ngủ một bức thư không có phong bì, không đề tên, viết trên một tờ giấy pơ luya mỏng đến mức tưởng chừng nó có thể tuột mất khỏi tay.
Tớ rời bỏ họ, họ thôi, còn cậu tớ không bỏ.
Thế giới ban đêm của chúng ta được chia sẻ cùng những linh hồn xấu xa rình rập và những linh hồn thiện tâm trên thượng ngàn hay dưới thủy cung. Cả hai loại linh hồn ấy đều không nhìn thấy được và cuộc chiến giữa họ là vĩnh cửu. Kẻ hay quên thường phó mặ̣c cho điều phi lý, chẳng cầu nguyện bao giờ, không thấy tĩnh tâm trước bể cảnh, không tôn kính tổ tiên.
Tớ không quên cái ánh sáng đêm hôm đó khi chúng ta tưởng nhớ đến người cha yêu dấu của cậu.
Sự hiện diện của Bằng Sơn đã thế chỗ các linh hồn trong cuộc sống của cậu: ở đâu đó trong lòng cậu khi đêm xuống, cậu ta là một khả năng bí ẩn và đúng hơn là làm yên lòng, cho dù xung quanh là những thế lực có thể gây hại.
Tuy biết sẽ không có câu trả lời nhưng cậu vẫn hỏi chủ nhà xem ai đã để lại lời nhắn. Dĩ nhiên bà ấy không biết và cậu cũng chẳng muốn gặng hỏi. Tikhomirov khẳng định nhìn thấy một cô gái trẻ bí mật lẻn vào nhà lúc chiều tà nhưng Pierre đã cười nhạo anh ta: một cô gái trẻ bí mật lẻn vào nhà, phải vậy không, và tình cờ, mặc bộ áo dài mỏng tang khơi gợi những lạc thú quá mức phải không? Cô nàng không cất lời ru với chất giọng mê hoặc sao? Cho dù không muốn thì hình ảnh cô gái trẻ bí mật vẫn len lỏi vào trong những giấc mơ tình ái của cậu với một sự tinh tế mê hoặc mà những hình ảnh khác không thể có được.
Một buổi sáng, khi chiếc xích lô chở họ vẫn còn chưa rẽ vào góc phố Paul-Bert để đi dọc con đường ven kênh trước khi vào phố Docteur Angier(2), Tikho kêu lên: “Cô ấy kìa!” Pierre chồm dậy. Cậu nói với người đạp xích lô đừng có dừng lại, mà chỉ cố ghi nhớ các đường nét của một cô gái trẻ không đặc biệt xinh đẹp, khuôn mặt hơi dài, đôi mắt tròn. “Cậu không dừng lại à?” Tikho hét lên, còn cậu không thèm trả lời bạn trong khi cô gái mất hút giữa hai hàng cây. Cậu bạn không nài nỉ thêm và họ không nói gì về chuyện đó nữa.
Pierre viết một lèo, không cần suy nghĩ, đánh máy lại rất nhanh, dù chỉ dùng hai ngón tay. Nhờ phẩm chất này, cậu được những “người của Leclerc” khác lôi kéo làm cho một tờ báo song hành, với tờ báo này các bài thuyết giáo được công khai thể hiện tư tưởng hòa bình chủ nghĩa trong khi tờ Tự do! được xem là nơi ca tụng những phẩm chất của người lính và sự vô tư của người Pháp. Các biên tập viên trẻ tuổi đã đặt tên cho tờ báo của họ là Tự do? cứ như nhờ thay đổi dấu chấm câu mà họ đã nghi ngờ chính ý nghĩa của từ ấy. Bên cạnh dấu chấm hỏi có kèm một hình vẽ tục tĩu là một con vịt bị buộc dây, có ý liên hệ rõ ràng tới tờ báo châm biếm họ hàng bên Pháp(3).
Ban đêm, Pierre đánh máy cho họ ở dưới tầng hầm, nằm phía trên phố Catinat, gần như đối diện với hàng rào của Sở Mật thám nơi cậu chưa hề bước chân qua kể từ cuối tháng Chín. Trong khói thuốc và mùi rượu whisky, cậu thích khoảng thời gian nghĩ là mình thuộc tầng lớp tinh hoa sáng suốt, trong đó những người trưởng thành ở tuổi hai mươi lăm đã là lãnh đạo, họ hiểu được sự cần thiết của một nước Việt Nam độc lập và nhờ vào họ, tình hữu nghị với nước Pháp có thể sống sót đến khi kết thúc công cuộc thuộc địa.
“Ui dào, rặt lũ bịp bợm mà thôi,” Tikho làu bàu, như mỗi lần tỏ vẻ khinh khỉnh, anh ta thẳng thừng từ chối tham gia cuộc phiêu lưu.
Một buổi tối, chủ tướng ghé qua trụ sở của tờ báo hòa bình chủ nghĩa, đưa cặp mắt xanh quan sát những người lính trong trang phục lôi thôi lếch thếch đang tản mát quanh đó, hút thuốc, uống rượu, buôn chuyện - và hiếm có người làm việc - trên ba chiếc ghế dài bằng mây đan, trong làn gió hầm hập thổi tới từ một chiếc quạt điện, vừa nói vui vừa chỉ Pierre:
“Mấy cậu kia, họ thì ủng hộ hòa bình. Còn cậu, buổi sáng thì giúp tôi gây chiến, còn buổi tối lại đi ca ngợi hòa bình ư? Hôm nào cậu phải đến giải trình cho tôi hay.”
Một người trong đám bạn nháy mắt với cậu. Leclerc lượm số báo mới nhất của họ lên.
“Pháp, Việt Nam, những hạt giống của tình hữu nghị,” ông đọc to lên.
Ông không nổi giận, mà có vẻ vui thích thì đúng hơn.
“Có thể chúng ta không nhất trí về các phương thức cấy trồng, nhưng tất cả chúng ta đều hướng tới cùng một mùa gặt.”
Không ai dám nói một lời.
“Điều duy nhất không hợp với tờ báo của các cậu và các cậu đều biết và các cậu phải thấy xấu hổ với chính mình, ông nghiêm khắc nói, đó là cái này.”
Ông chỉ cho họ hình con vịt gần với tiêu đề bài báo.
“Chưa từng có ai trói buộc các cậu bao giờ, và cũng sẽ chẳng bao giờ có ai trói buộc các cậu. Nếu các cậu có tham vọng viết sự thật, hãy bắt đầu bằng việc trung thực với chính mình.”
Sau những lời ấy, ông rời đi, để lại họ sững sờ.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước