Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Chương 6
K
hi từ buồng tắm bước ra, tôi nghe thấy tiếng kêu la và tiếp đó, tiếng thủy tinh bị đập vỡ dưới nhà Giôn. Tôi vội vàng mặc quần áo chạy xuống. Tôi gõ cửa. Mãi lâu sau Giôn mới ra mở cửa. Người anh đẫm mồ hôi và thở gấp.
- Chào Phụng. Xin lỗi Phụng. Phụng vào nhà đi.
- Có chuyện gì xảy ra vậy Giôn? - Tôi bước vào và hỏi.
Giôn không nói, chỉ lắc đầu cười chua chát. Anh mở tủ lạnh lấy một hộp 7 up đưa tôi.
- Phụng uống đi!
Tôi từ chối và đứng dậy lặng lẽ nhặt những mảnh thủy tinh vỡ. Sau đó tôi thu xếp đồ đạc cho anh. Anh ngồi im lặng nhìn tôi. Sau khi dọn dẹp xong “chiến trường” của anh, tôi lặng lẽ đến ngồi đối diện anh:
- Có chuyện vì vậy Giôn?
- Con Túc...
- À, con Túc đâu rồi? - Tôi chợt nhớ đến con Túc. Mọi lần đến nhà anh, con Túc đều chạy ra đón tôi. Tôi đưa mắt nhìn. Con Túc đang ngồi lấm lét ở góc nhà sau một chậu hoa lớn.
- Nó làm phiền gì anh đấy, Giôn?
- Nó không hiểu nổi tôi. Có những lúc nó thật ngu dốt. Đầu óc tôi đau đớn, kinh hoàng mà nó không hiểu nổi. Tôi gào lên hỏi nó rằng, tại sao tôi lại thế, tại sao nước Mỹ lại thế, tại sao lại giết những đứa trẻ, những người nông dân hiền lành như thế? Tại sao nó không trả lời tôi? Tại sao nó im lặng? Thật khủng khiếp. Lạy Chúa! Chúa đừng phạt linh hồn tôi mãi. Cả đêm qua tôi không ngủ được. Thế mà nó, con Túc, một con chó mà tôi yêu thương và chiều chuộng, tôi chưa bao giờ chiếm đoạt sự bình đẳng của nó trong gia đình này, nó lại không hiểu tôi, không trả lời tôi...
- Giôn, anh bình tĩnh lại đi. Nó hiểu anh lắm chứ, nhưng nó không nói được ngôn ngữ của con người. Hãy thông cảm cho nó - Tôi cầm tay Giôn an ủi - Hãy thông cảm cho nó, anh nhìn kìa, nó đang khóc đấy, nó đang khóc vì anh đấy, Giôn ạ.
Miệng Giôn chợt méo đi. Anh khóc không thành tiếng. Anh đi lại nơi con Túc nằm. Anh quỳ xuống trước nó:
- Tu... u... úc - Anh gọi con chó trong tiếng khóc - Hãy tha lỗi cho tao. Tu... u... úc.
Rồi anh ôm lấy con Túc khóc nức nở. Con chó nhắm mắt rên ư ử. Hai khóe mắt nó ướt đẫm. Sau khi thôi khóc, anh bước lại ngồi trước mặt tôi:
- Xin lỗi Phụng - Anh nói và cười ngượng nghịu - Weekend này Phụng có chương trình đi đâu không?
- Tôi đợi chương trình của anh đấy, anh hứa đưa tôi đi chơi bao lần rồi mà chưa làm.
- Tôi xin lỗi Phụng, thứ bảy này tôi đưa Phụng đến thăm Giêm. Giêm tuyệt vời lắm.
- Ôi thích quá! - Tôi reo lên. - Thật nhé. Cả Túc đi nữa chứ!
Giôn cười gật gật đầu. Gần sáng tôi mới trở về phòng mình. Trước khi ra khỏi phòng Giôn, tôi kiễng chân hôn vào trán anh và nói: “Chúc ngủ ngon”. Giôn sững sờ nhìn tôi im lặng.
o O o
Buổi sáng thứ bảy tuyệt đẹp. Nắng vàng và gió mát. Trên đường đến nhà Giêm, Giôn huýt sáo một bản nhạc thật vui. Anh nói sau cái đêm tôi đến nhà anh, anh ngủ rất ngon lành.
Giêm đón chúng tôi tận cửa ngôi biệt thự của anh. Anh cười sung sướng như một đứa trẻ. Anh ôm lấy vai tôi:
- Ô kê, ô kê, Miss Vietnam! (Hoa hậu Việt Nam) Thật là hạnh phúc với chúng tôi quá.
Vợ Giêm là người phụ nữ gốc Ý. Chị có một mái tóc tuyệt đẹp. Óng vàng và mềm như tơ. Chị ôm hôn tôi và Giôn.
- Chúng tôi nghe Giôn nói nhiều về Phụng. Hôm nay mới gặp, tuyệt quá.
Vợ chồng Giêm dẫn chúng tôi ra vườn sau ngôi biệt thự của họ. Một khu vườn lý tưởng.
- Thế nào, Phụng, cuộc sống ở đây đối với chị ra sao?
- Rất tốt - Tôi cười và nói - Rất tốt vì có Giôn, và những người như vợ chồng anh.
- Ôi, thật là Việt Nam - Anh kêu lên và quay về phía vợ - Morisa, em cho bọn anh uống gì đi chứ?
- Ôi, em xin lỗi, vui quá quên cả lễ tân.
- Đến thăm nhà tôi, Phụng có thích không?
- Mấy ai đã được đến thăm một nhà nghị sĩ Bang.
- Ô, tôi không bao giờ là nghị sĩ ở nhà cả. Tôi là một cựu binh. Một người bạn tốt, với cái tên hết sức nổi tiếng trong những năm 60. Phụng có biết không, đó là thời gian chúng tôi từ chiến trường Việt Nam trở về. Và cái cụm danh từ “Giôn - Giêm” nổi tiếng khắp nước Mỹ. Chúng tôi là những anh hùng của nước Mỹ. Những anh hùng thua trận thảm hại trước những cô gái Việt Nam tóc dài.
- Tôi cũng thua họ còn nói gì đến đấng mày râu - Tôi nói.
- Đúng rồi, đúng rồi. Và xin tiết lộ bí mật là tôi yêu những người cộng sản Việt Nam trong chiến tranh. Nhưng xin nhớ, là cộng sản Việt Nam thôi nhé.
- Thế là tôi không được ngài nghị sĩ yêu rồi. Tôi đã ở phía chống lại cộng sản.
- Tôi tin Phụng là người Việt Nam chân chính.
- Ngoài công việc của một nghị sĩ, anh có tham gia làm gì nữa không?
- Tôi viết hồi ký về chiến tranh Việt Nam khi tôi còn là một người lính đóng ở phía Tây Đà Nẵng. Mỗi khi rẽ vào khúc ngoặt của con đường để bắt đầu cuộc tuần tra, tôi hoảng sợ. Ở khúc ngoặt con đường ấy chứa đựng một điều hết sức kinh hoàng và bí ẩn. Lúc nào đi qua rồi, tôi cũng ngoái lại để xem có gì xuất hiện ở đó không. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, nhất định thế, Phụng ạ, để đi lại trên khúc ngoặt ấy xem nó còn chứa đựng những bí ẩn gì.
- Đúng như thế. Cả tôi cũng phải trở lại Việt Nam - Giôn nói đầy xúc động.
- Anh Giêm này, tại sao anh chị lại để cho Giôn vẫn sống độc thân như thế?
- Chúng tôi hò hét cũng nhiều đấy. Nhưng anh ta thích cưới một cô gái Việt Nam - Giêm nói và nháy mắt nhìn tôi tinh nghịch.
Cả tôi và Giôn chợt đỏ mặt. Giôn kêu lên:
- Giêm tiết lộ bí mật của tôi mất rồi.
- Anh nghĩ thế nào về cộng đồng người Việt ở Mỹ, tôi muốn anh phát biểu theo cái nhìn của một nghị sĩ - Tôi hỏi Giêm.
- Đó là một bộ phận xã hội quan trọng của nước Mỹ. Đa số người Việt ở đây đã được mang quốc tịch Mỹ. Họ là công dân Mỹ, những công dân mang trong suy nghĩ của mình một truyền thống văn hóa lâu đời, điều đó làm mềm đi những vận động xã hội nước Mỹ. Nó bổ sung những phẩm chất tốt đẹp cho đạo đức xã hội Mỹ. Phụng thấy đấy, ước mơ và mục đích của người Việt Nam đã tiêu chuẩn hóa ước mơ và mục đích của bao người Mỹ. Ước mơ và mục đích của người Mỹ là sự nghiệp cá nhân của mỗi con người, nhưng với người Việt Nam, là sự nghiệp của gia đình và cộng đồng. Đấy cũng là một câu trả lời gián tiếp vì sao người Mỹ lại thất bại trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng hiện nay người Mỹ không phải không thấy bị làm phiền bởi sự có mặt của những người Việt Nam trên đất nước mình. Tôi nói vậy, Phụng thông cảm và hiểu đúng nhé.
- Tôi đang cần nghe anh cơ mà. Anh nói rất đúng, Giêm ạ.
- Cái phiền nhất là sự căm thù của họ với cộng sản - Giêm nói tiếp - Sự căm thù ấy làm ảnh hưởng đến, hay nói đúng hơn, nó làm tăng cái gọi là “Hội chứng Việt Nam”. Nó chắc chắn là một cản trở cho việc bình thường hóa quan hệ với một quốc gia sau chiến tranh. Theo báo cáo của Cục Điều tra Bang, thì hiện nay có rất nhiều các tổ chức, các mặt trận chống cộng.
- Tôi không nghĩ là nhiều - Tôi ngắt lời Giêm.
- Nhiều thật, nhưng có những tổ chức rất nhỏ, không hề có một khoản tài chính gọi là đáng kể. Tại sao lại nhiều như thế, đây không phải là các công ty thương mại hay dịch vụ.
- Chính phủ Mỹ đánh giá những tổ chức này như thế nào?
- Chúng ta phải nhớ là, những người cầm đầu các tổ chức này đều là các vị lãnh đạo và tướng lĩnh của chính quyền ông Thiệu. Họ là “bạn” của chính phủ Mỹ, họ cùng chung số phận cay đắng của chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Lúc này họ cần chính phủ Mỹ và ngược lại, tất nhiên.
- Nhưng ở Mỹ làm gì có cộng sản mà họ chống? - Tôi hỏi.
- Có chứ, có Đảng Cộng sản Mỹ.
- Tôi muốn nói Việt cộng.
- Cũng có. Nhưng theo chủ trương của các mặt trận này thì họ sẽ trở về Việt Nam để đánh đuổi cộng sản.
- Anh có tin là có một “Chiến thắng mùa Xuân 85 hay 95” gì đó cho những người Việt di tản chúng tôi không?
- Phụng đang mong đợi nó hả? - Giêm hỏi.
- Tôi đang hỏi anh cơ mà.
- Tôi nói thật nhé, các bạn đừng mong đợi. Khi thấy những tổ chức chống cộng kêu gào như thế, tôi buồn cười lắm. Lẽ ra họ phải hiểu hơn chúng tôi về điều này. Họ là những người học sử Việt Nam đầy đủ chứ không phải tôi và Giôn.
- Thế nhưng chúng tôi vẫn làm - Tôi nói với giọng hùng hồn - Cộng sản đã tiến hành chiến tranh ba mươi năm. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành sự nghiệp tiêu diệt cộng sản ba mươi năm.
- Thời gian không giải quyết được vấn đề gì. Phụng là một nhà báo rất sắc sảo, tôi tin tự Phụng phân tích được vấn đề.
Trong lúc tôi đang kéo Giêm vào cuộc tranh luận lý thú mà tôi quan tâm thì có chuông báo khách. Morisa từ nãy vẫn ngồi im lặng nghe chúng tôi, vội đứng dậy ra mở cổng. Chị reo lên:
- Giêm, Thích Nhất Hạnh đến này.
Chúng tôi cùng đứng dậy chào khách. Đó là một nhà sư người Huế. Giêm giới thiệu chúng tôi với nhau. Nhà sư chắp tay trước ngực chào tôi. Tôi chào lại ông bằng lối nhà Phật.
- Tôi không ngờ hôm nay lại gặp cô Phụng ở đây. Tôi có đọc những bài báo của cô. Tinh thần những điều cô viết giống như tinh thần của đạo Phật.
- Xin cám ơn thày rất nhiều. Tôi luôn luôn được nghe anh Giôn nói về thày. Tôi có biết thày trụ trì ở đây, nhưng chưa đến chào thày được. Mong thày xá tội.
- Cám ơn cô Phụng.
- Thưa thày - Giôn nói - Chúng tôi đang bàn luận với nhau về những tổ chức chống cộng.
- Mô Phật - Thích Nhất Hạnh chắp tay trước ngực, mắt nhắm lại - Đó là nỗi buồn của tôi. Chiến tranh là hành động của ma quỷ.
- Nghĩa là thày chống lại những tổ chức chống cộng của người Việt di tản chúng ta.
- Đó là những tổ chức của những kẻ chưa đọc sách Phật. Họ tiến hành sát nhân như cô biết rồi đấy. Thật khủng khiếp.
- Nghĩa là thày ủng hộ cộng sản? - Tôi hỏi dồn dập.
- Tôi ủng hộ cái thiện, chống cái ác.
- Theo thày, cộng sản thiện hay ác? - Tôi lại hỏi.
- Xin miễn dùng chữ cộng sản. Vì dùng chữ đó, mọi người Việt tị nạn chúng ta không quen với thói quen tốt - Nhà sư nói - Tôi chỉ nói những người Việt Nam đang ở trên đất Việt Nam đã làm điều thiện.
- Thế còn sự chết chóc? - Tôi hỏi.
- Đó là sự hy sinh vinh quang để chiến thắng ma quỷ.
- Ha... ha... ha - Giêm ngửa người ra ghế cười rất lâu - Thế nào cô Phụng, một nhà sư, một người bạn của chúng ta không tồi chứ?
- Rất cám ơn thày. Nhưng thày có biết là họ sẽ khủng bố những người không ủng hộ họ không?
- Tôi biết. Nhưng tôi chiến đấu cho cái thiện.
- Có lẽ Phụng cũng biết những hoạt động của nhà sư Thích Nhất Hạnh trong thời gian qua - Giêm nói - Ông đã gay gắt chống lại hành động khủng bố người Việt của các tổ chức này. Và luôn luôn bị đe dọa. Chính tôi rất lo cho tính mạng của nhà sư.
- Đúng như thế - Thích Nhất Hạnh nói - Nhưng tôi luôn bình tâm. Tôi tin vào tấm lòng trong sạch của tôi và của chúng sinh.
- Tôi cũng tin như thế - Giôn nói.
Buổi trưa, tất cả chúng tôi dùng bữa tại gia đình Giêm. Morisa nấu một món ăn Mỹ, một món Ý và một món ăn Việt cổ truyền. Chị sung sướng nhìn chúng tôi ăn. Vào giữa bữa ăn, tôi hỏi đùa Morisa:
- Người hầu của bà nghị sĩ đi đâu mà bà phải tự tay nấu ăn như vậy?
- Chúng tôi không có người hầu. Tôi làm nội trợ kiêm “thư ký” cho anh ấy khi anh làm việc ở nhà.
- Tôi đùa chị đấy - Tôi nói và cười - Khi mới gặp chị, thì tôi thầm kêu lên: “Ông nghị sĩ Giêm là người đàn ông thông minh nhất nước Mỹ”.
- Sao lại thế - Morisa hỏi tôi.
- Vì anh Giêm đã phát hiện ra chị và “tóm” chị luôn.
- Cô Phụng còn thông minh hơn tôi nhiều. Vì tôi phải mất hai năm để phát hiện ra Morisa. Còn Phụng chỉ mất có hai phút.
Tất cả cười rộ lên vui vẻ.
- Ô kê! Phụng - Giêm vỗ vai tôi.
- Ô kê! - Tôi gật đầu tinh nghịch.
Buổi chiều, nhà sư mời chúng tôi đến thăm chùa nơi ông trụ trì. Đó là một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thị trấn Orange, yên tĩnh và thâm nghiêm.
- Tôi ở luôn đây - Nhà sư nói - Hàng ngày tôi đọc sách kinh và ngồi thiền. Mới tuần trước có một nhóm người đột nhập vào phòng tôi đêm khuya. Họ yêu cầu tôi phải dừng mọi hoạt động ủng hộ cộng sản. Tôi nói với họ, tôi không có một người quen thân nào là cộng sản. Tôi chỉ làm điều thiện. Tôi không nghĩ đến cái chết của tôi. Nhưng tôi buồn khủng khiếp về những người Việt Nam ở Mỹ, rất nhiều trong số họ phàm tục và độc ác.
Chúng tôi ở lại thăm cảnh chùa và bàn về sách Phật. Buổi chiều, Thích Nhất Hạnh mời chúng tôi dùng cơm chay. Bữa cơm chay làm tôi đau xót nhớ mẹ. Mẹ tôi thường đi chùa. Mẹ tôi không ý thức ăn chay, nhưng những món ăn của mẹ giản dị như cơm chay nhà chùa. Bao nhiêu năm rồi tôi phải sống xa mẹ tôi.
Đấy là nỗi buồn đau lớn nhất luôn giày xé cõi lòng tôi.
Trước khi ra về, tôi đốt một nén hương và cầu khấn cho mẹ tôi ở quê hương được mạnh khỏe. Tôi tin tôi sẽ được trở về gặp mẹ tôi.
o O o
Khoảng tám giờ tối chúng tôi về đến nhà. Giôn mời tôi bách bộ. Chúng tôi đi dọc theo một dãy phố vắng. Giôn kể cho tôi nghe những kỷ niệm đẹp của anh ở nơi này khi anh còn là một sinh viên Luật. Khi đi dạo tôi phát hiện có hai người Việt Nam đi theo chúng tôi. Tôi nghi ngờ. Vì dãy phố chúng tôi đi dạo là nơi không có người Việt Nam ở.
- Chúng ta đi ăn phở Việt Nam đi Giôn - Tôi chợt đề nghị.
- Phụng đói phải không? - Giôn hỏi.
- Không. Tự nhiên tôi thấy mùi phở ở đâu đây. Quyến rũ lắm. Anh có thích không?
- Có. Tôi cũng rất thích. Mình đi taxi nhé.
Chúng tôi đi bộ ra đầu phố bắt taxi đến khu phố ăn uống của người Việt Nam.
Mặc dù ở Mỹ có đầy đủ các loại gia vị để nấu phở, nhưng tôi vẫn thấy nó không thể mang đủ hương vị như phở tôi từng ăn ở Hà Nội. Tôi vừa ăn vừa im lặng nhớ đến những quán phở nghèo Hà Nội, nhưng vô cùng đầm ấm và dân dã, với một chút mưa bay, với một chút gió ngoại ô, với một bếp than đỏ. Đôi mắt tôi chợt cay sè và ứa lệ.
- Phụng ăn nhiều ớt quá phải không? - Giôn hỏi.
Tôi không biết khi ăn anh vẫn lặng lẽ nhìn tôi. Tôi không trả lời, chỉ khẽ gật đầu.
Trong chiếc cầu thang máy sang trọng lên tầng tôi ở, chợt Giôn cầm lấy tay tôi. Rồi anh bấm nút dừng thang máy.
Tôi hiểu anh định nói gì. Tôi im lặng nhìn anh.
- Phụng - Anh nói, giọng run bắn - Tôi yêu Phụng. Đừng trách tôi. Tôi sợ quá. Chiến tranh. Nếu không có Phụng và Giêm, tôi chết mất.
- Phụng hiểu... Phụng hiểu...
Tôi nói. Tôi biết anh yêu tôi. Anh là một người trong sáng và đau khổ. Anh có tâm hồn đẹp biết chừng nào, bởi thế chiến tranh Việt Nam đã làm anh quá đau khổ. Anh quằn quại trong kỷ niệm chiến tranh. Anh có giết một người Việt Nam nào trong chiến tranh không? Tôi không biết. Dù có, anh vẫn là người trong sáng và nhân hậu biết nhường nào.
- Phụng có bao giờ nhớ tôi không?
Tôi gật đầu.
- Phụng có yêu tôi không?
Tôi không trả lời và khóc. Anh hoảng hốt khi thấy tôi khóc.
- Tôi... tôi xin lỗi Phụng. Tôi là một kẻ điên.
- Đừng nói thế, Giôn. Nếu tôi phải cám ơn một người Mỹ, thì đó là anh. Hãy hiểu cho tôi.
Có tiếng người đập cửa gọi thang máy ở tầng nào đó. Giôn bấm nút. Tôi thấy chóng mặt.
Tôi trở về phòng mệt mỏi. Tôi nằm trong bóng tối rất lâu. Sau đó tôi ngồi bật dậy viết thư cho Hùng:
“Hùng ơi!
Thế là chúng ta phải xa nhau quá lâu rồi. Nhiều lúc em thấy em không hình dung ra khuôn mặt của anh nữa. Em chỉ thấy trái tim đau buốt khi nhớ về anh. Em tin anh đã đi qua cuộc chiến tranh và về với mẹ. Nhưng sao đêm nào em mơ gặp anh, em cũng thấy anh rách tướp và đỏ rực. Có lúc nào anh nhớ về em với những ý nghĩ tốt đẹp không, khi anh biết rằng em đã “bỏ chạy” khỏi Tổ quốc mình. Em đã mang đến cho anh nỗi đau đớn vô cùng, mặc dù giữa chúng ta chưa là vợ chồng trong pháp luật. Anh ơi! Anh có trách em chiều ấy không? Buổi chiều anh đặt em trên thảm lá khô rừng Trường Sơn. Anh nói với em, anh muốn có một đứa con. Em đã không thực hiện ước mơ ấy cho anh. Em cũng muốn có một đứa con với anh. Em khao khát điều đó vô cùng. Hãy tha thứ cho em, đừng trách em mà tội nghiệp. Những ngày xa nhau này, em yêu anh hơn bao giờ hết. Em đang bên anh đây. Anh hãy nằm xuống bên em đi. Em sẽ có một đứa con cho anh...”.
Viết đến đó tôi gục đầu xuống và khóc. Rồi tôi đốt lá thư. Những lúc nhớ anh quá, tôi viết thư cho anh. Những lá thư không bao giờ được gửi.
Những đêm như thế, không bao giờ tôi nhắm mắt được. Và Tổ quốc lúc đó trong tôi là một tình yêu đau đớn. Những lúc trong buồng tắm. Trước gương soi, tôi hoảng hốt ngắm nhìn cơ thể tôi. Nước mắt chảy ròng ròng trên da thịt tôi. Tôi đã yêu Hùng, tôi đã gìn giữ phần da thịt trinh trắng của tôi để chờ anh. Thế mà thời gian cứ lạnh giá trôi đi. Thời gian tàn phá tuổi ngọc ngà trên da thịt tôi. Những lúc ấy tôi chỉ biết khóc, dẫu rằng trái tim tôi mãi mãi đập về anh.