Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 6
H
ai giai đoạn của cuộc hành quân giải thoát trại Dakto thành công mĩ mãn. Có lẽ tướng Trị là người hân hoan nhất mặc dù viên trung tá Tacelosky cố tình ngăn cản. Ông không ngờ một nhà báo như Davis có thể giúp ông hữu hiệu như vậy. Davis là bạn thân của tướng Hunting và chính anh đã can thiệp kịp thời để ông tướng Mỹ này hiểu rõ tánh cách chánh trị rắc rối do Tacelosky gây ra. Hơn sáu trăm dân làng được di tản an toàn về trung tâm định cư. Tacelosky bỏ về Sài Gòn vì giận dỗi. Việc cứu trợ, tướng Trị phải nhờ tới ông bà mục sư Denman, cũng lại qua sự trung gian của Davis. Có nhiều dấu hiệu căng thẳng về mối bất đồng giữa các nhà quân sự Mỹ thuần tuý và giới cố vấn dân sự. Điển hình là lối giải quyết vụ Dakto qua hai quan điểm khác biệt giữa tướng Hunting và Tacelosky. Davis định về Sài Gòn trước, riêng tôi còn muốn lưu lại ít hôm để thăm thú những buôn ấp gần đó và nhất là mấy trại tị nạn mà nhà báo Mỹ gán cho đó là chỗ đầy đoạ của những con thú. Tôi thì không mấy ngạc nhiên về tình trạng thiếu thốn nơi đây. Cũng tình trạng suy đốn đó mà tôi phải chứng kiến từ mấy tuần trước ở những căn cứ như Chu Lai hay Lệ Mỹ. Tài liệu để viết thiên phóng sự mới về cao nguyên cũng sắp xong và cũng chính lần này tôi lại khám phá ra những khía cạnh phức tạp mới. Chẳng hạn không làm gì có một chủng tộc Thượng đồng nhất, mà là sự cọ xát của hơn ba mươi sắc dân với những căn bản quyền lợi nhiều khi rất mâu thuẫn. Việc đặt để những người Thượng tự quản trị lấy cũng lại gây thêm nhiều khó khăn. Chung sống trong một hoàn cảnh xã hội chậm tiến như Việt Nam, người Thượng vẫn còn ngót một thế kỷ xa cách với thời đại văn minh. Một quốc gia Đông Sơn riêng biệt chỉ là sự nhiễm độc của vài bộ óc non nớt khi giao tiếp với những người lính Mũ Xanh. Cách đây ngót ba mươi năm, một Nam Kỳ tự trị cũng được nhen nhúm khai sinh khi giải đất miền Nam đã bị giẫm nát bởi gót chân của những người lính Pháp. Lịch sử không phải là một sự liên tục như Tacelosky đã nói, đó là sự tái diễn ở trong những hoàn cảnh khác. Ngày cuối cùng tôi được viên thiếu tá Y Ksor mời ăn tối, cùng với tôi có Nay Ry một nhân sĩ Thượng rất trẻ, một trong số những người Thượng hiếm hoi có học thức, xuất thân từ trường Yersin Đà Lạt, tốt nghiệp thủ khoa về các vấn đề cao nguyên tại học viện Quốc gia Hành chánh. Gốc người Djarai, là một nhân vật có uy tín với nhiều phía: chánh phủ, người Mỹ và kể cả phe tranh đấu. Ông cũng đang hoàn thành một cuốn sách nghiên cứu vấn đề thiểu số mà theo ông đã có rất nhiều ngộ nhận từ trước đến nay ở các nhà bác học Pháp và Mỹ. Khi được tôi hỏi về yếu tố chủng tộc chi phối các phong trào nổi dậy, quan niệm của Nay Ry rất rõ rệt:
“Trên thế giới ngày nay không còn một dân tộc nào tự hào rằng mình còn giữ nguyên được sự thuần khiết về huyết thống. Đem yếu tố huyết thống vào cuộc tranh đấu chẳng phải là điều hữu lý. Thí dụ như Hiệp chúng quốc quy tụ gồm bao nhiêu sắc dân, mỗi sắc dân vẫn có thể giữ những tập tục và sinh hoạt cá biệt nhưng họ vẫn có thể hợp nhất để tạo thành một quốc gia hùng mạnh. Với một Âu châu văn minh nhưng phân tán người ta còn cố gắng đi tới một khối thống nhất huống chi một quốc gia quá nhỏ bé như Việt Nam; nếu không tìm được một liên minh trong cộng đồng Á châu để tồn tại thì làm sao đối phó với lục địa của hơn 700 triệu dân Trung Hoa, còn nói chi tới sự xâu xé phân tán.”
Với một thanh niên Thượng, quan niệm như vậy phải được kể là uyên bác. Nay Ry nói nhiều về tương lai của một nền chánh trị toàn cầu mà Việt Nam hay những người tranh đấu cho một quốc gia Đông Sơn không thể tách rời. Thiếu tá Y Ksor cũng góp ý kiến trong việc đi tìm nguyên nhân:
“Ngoài trách nhiệm vì sự lơ là của chánh phủ trong việc cải thiện đời sống đồng bào thiểu số, theo tôi còn phải kể tới chủ đích của người Mỹ. Tôi đã có kinh nghiệm đó từ người Pháp trước đây.”
Y Ksor nhắc lại âm mưu xúi giục của người Pháp với ông trước khi họ xuống tầu rút lui. Nay Ry nắm lấy luận cứ đó và đưa ra một nhận định sắc bén:
“Theo tôi nên tự hỏi trách nhiệm đầu tiên là ở mình. Người ta gán cho Mỹ đủ thứ tội: chia rẽ đảng phái, địa phương, tôn giáo và cụ thể nhất là xúi giục các cuộc nổi loạn của người Thượng ở cao nguyên. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi trách nhiệm về sự yếu kém của mình, nếu chúng ta mạnh và đoàn kết thì Pháp hay Mỹ cũng vậy thôi, bởi vậy tôi phần nào không đồng ý với thái độ cứng rắn của tướng Thuyết đưa đến chỗ bài Mỹ. Không phải bằng cách đó mà chúng ta có thể giải quyết những khó khăn của cao nguyên.”
Y Ksor tỏ vẻ không mấy đồng ý về một thái độ quá lý tưởng của Nay Ry, ông nói bằng một giọng xác định mạnh mẽ:
“Đó chẳng phải là một trách nhiệm tinh thần mà là một vụ nhúng tay trực tiếp, một vụ nhúng tay có vấy máu của những nạn nhân vô tội ở cả hai phía. Một người Mỹ như Tacelosky không thể được chúng ta coi là bạn trong khi hắn có thể hy sinh tất cả dân làng của một buôn ấp cho mưu toan chánh trị của hắn.”
Tuổi trẻ thường lý luận gay gắt vậy mà Nay Ry lại rất ôn hoà trong việc xoa dịu viên Thiếu tá tóc đã ngả hoa râm:
“Sự quá khích chẳng thể đưa chúng ta tới đâu, tại sao chúng ta chỉ nhìn người Mỹ qua khuôn mặt nham nhở của viên trung tá Tacelosky mà không nghĩ tới một nhà báo như Davis, như ông bà mục sư Denman. Theo tôi chúng ta nên thực tế, kế hoạch phát triển cao nguyên hiện tại và trong tương lai chẳng thể thiếu sự góp sức bàn tay người Mỹ.”
Tôi bảo đùa với nhân sĩ Nay Ry:
“Denman là thầy tu còn ông nhà báo Davis đã bị Á châu hoá.”
“Đâu có phải vậy, những năm du học ở Mỹ cho thấy tất cả dân chúng Mỹ chẳng phải là những tên lính Mũ Xanh đang sống phiêu lưu ở đây. Cũng như chẳng phải tất cả những người Thượng chúng tôi đều dễ bị xúi giục và cám dỗ. Chính tôi là một trong những người sáng lập và theo đuổi phong trào tranh đấu, cũng chính tôi đã hết sức phải ngăn cản sự quá đà của họ mặc dù họ gán cho tôi danh nghĩa một tên phản bội đã ra đi. Tôi quan niệm rất ư rõ rệt: tranh đấu cho quyền tiến bộ của người Thượng rất ư là chánh đáng nhưng biến nó thành một phiêu lưu của thù hận là điều không thể nào chấp nhận được. Khôn ngoan như người Pháp rồi cũng phải ra đi, người Mỹ còn cách xa chúng ta cả một đại dương mênh mông, vậy không lý gì người Thượng chúng tôi lại nhẹ dạ chạy theo họ. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng cuối cùng chỉ còn lại những người Kinh mà chúng tôi phải chung sống với để tồn tại và hy vọng tiến bộ.”
Tôi hỏi Nay Ry là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong bản đúc kết nguyện vọng của phe tranh đấu ly khai, ông cho biết:
“Một màu cờ riêng, một quân đội tách biệt, một quốc gia Đông Sơn ly khai: đó chẳng phải là nguyện vọng thiết yếu của đồng bào Thượng. Còn những đòi hỏi khác thì không sai với những đúc kết của Đại hội, chẳng hạn việc xin chánh phủ lập bộ Thượng vụ, số người đại diện xứng đáng trong quốc hội, lập thêm trường học và duy trì việc giảng dạy thổ ngữ, trả lại những đất đai từ trước đến nay bị chiếm hữu, cho phép lập lại toà án phong tục Thượng... Đó là những điều hợp lý và không mấy khó khăn mà chánh phủ có thể thoả mãn ngay để làm yên lòng họ. Đặc tính của người Thượng chất phác, rất dễ tin và cũng rất dễ nghi ngờ, bởi vậy tục ngữ chúng tôi có câu hứa tay mặt phải cho ngay tay trái là nghĩa như vậy.”
Giữa bữa ăn, một người đàn ông Thượng đi vào dẫn theo một vị bô lão. Chính người đàn ông này đã được Y Ksor bảo đảm bằng tất cả cấp bậc của ông với tướng Trị. Thì ra vị trưởng buôn ở Dakto tới để tỏ lòng tri ân ông Thiếu tá vì những quan tâm giúp đỡ trong việc giải thoát dân làng. Tặng vật mà họ đem tới biếu ông là bức hình tượng bằng ngà voi, một bộ nỏ và cung tên tuyệt đẹp. Thiếu tá Y Ksor nhìn sang tôi nói ngay:
“Đó là bổn phận tối thiểu mà ở vị trí tôi có thể làm, còn công ơn là phải nói tới ông nhà báo kia. Đấy ông coi, người Thượng chúng tôi lúc nào cũng chất phác và biết ơn những ai đã giúp đỡ họ. Xin ông vui lòng nhận cho cả hai món quà này và kể như tôi cũng đã có phần tri ân trong đó.”
Đối với người Thượng tôi hiểu rằng không nên có sự khách sáo, tôi vui vẻ nhận và cũng nói thêm về vai trò của nhà báo Davis:
“Tất cả công lao trong vụ này là của ông nhà báo Davis, nhờ mối quen thân với ông tướng Hunting bên An Khê. Tôi chỉ tình cờ nói chuyện những khó khăn với ông ta và không ngờ được sự giúp đỡ sốt sắng đến như thế.”
Y Ksor bày tỏ cảm tưởng đối với lần gặp gỡ nhà báo Davis:
“Đó là nhà báo Mỹ đầu tiên tôi gặp và có ngay cảm tình, chứ như bọn khác đa số xấc xược và hỗn láo chẳng coi ai vào đâu, cả đến những bài báo đầy ác ý của chúng nữa.”
Nay Ry tỏ vẻ am hiểu về báo chí Mỹ hơn, nói:
“Người dân Mỹ hiểu sai về Việt Nam cũng vì vậy. Hệ thống thông tin của họ quá chớp nhoáng, có những nguồn tin của họ truyền đi mà chưa kịp phối kiểm đưa tới những nhận định tai hại, ngay như đó là ở Mỹ: một người da đen bị bắn chết ở Chicago, chỉ năm phút sau toàn nước Mỹ đã biết tin đó và mỗi người tự do suy diễn theo quan điểm riêng của mình. Máy móc và sự tiến bộ đã khiến cho dư luận khắp nơi trên thế giới gần như bị điều kiện hoá kiểu Pavlov. Theo tôi, điều đáng trách là khả năng thông tin và báo chí của Việt Nam, chính chúng ta còn khai thác tin quốc nội qua mấy hãng thông tấn ngoại quốc thì còn trách chi họ nữa. Trong một tờ báo sinh viên mới đây có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ báo chí Việt Nam vì tính cách ỷ lại đó, tôi hoàn toàn đồng ý. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là thế.”
Nay Ry đã gây nơi tôi một ấn tượng mạnh ngay lần gặp gỡ đầu tiên, tôi có ý định sẽ thuyết phục tướng Trị hoặc tướng Thuyết quan niệm đúng vai trò của những thành phần ưu tú Thượng trong các trách vụ tương lai. Viên Thiếu tá xoay qua người đàn ông hỏi thăm:
“Mẹ nó và cháu bé ra sao?”
“Cháu vẫn mạnh, nhà tôi được bác sĩ mổ khỏe rồi, lúc đầu tôi cứ lo mụ ấy chết.”
Thiếu tá Y Ksor quay ra nới với tôi:
“Đấy ông nhà báo coi, ở thời đại văn minh này mà người Thượng vẫn chỉ biết chữa bệnh bằng lá thuốc, đẻ thì đứng vịn vào xà nhà như vợ ông này đây, thai ra mau quá con rớt xuống đất, tử cung cũng theo ra luôn. May mà sanh ở đây chứ như còn ở Dakto thì cả hai mẹ con chết hết rồi còn gì.”
Nay Ry thì lúc nào cũng có thêm những ý kiến mới:
“Vấn đề không phải là cấp cho họ y sĩ và đầy đủ thuốc men, giai đoạn chính là giáo dục sao cho họ tin vào sự hữu ích của tiến bộ và canh tân, muốn thích ứng với hoàn cảnh mới. Thành ra cái khó khởi đầu vẫn là sự cưỡng bách giáo dục quần chúng.”
Nay Ry như một chiến sĩ xã hội đầy nhiệt tình, với vấn đề nào ông cũng có một cái nhìn xa và đi từ căn bản. Khuôn mặt Nay Ry vạm vỡ nhưng có vẻ trí thức, một trí thức khỏe mạnh trong đầy đủ ý nghĩa của danh từ. Buổi nói chuyện kéo dài tới tận đêm khuya với rượu cần xủi tăm và cả thức ăn ngon. Đêm với những vũng nước đọng trắng trên con đường đất đỏ trở về khách sạn. Chất rượu trong máu sưởi ấm cả người, tôi thấy hơi say ở hai chân. Tôi sẽ lên Đà Lạt ngày mai dù không có Nguyện. Tôi vẫn nhờ giữ chỗ ở Đại khách sạn với hy vọng mỏng manh là Nguyện vẫn chờ tôi trên đó.