Số lần đọc/download: 1882 / 31
Cập nhật: 2016-05-05 19:45:30 +0700
Chương 5: Lý Lẽ Của Người Phước Sơn
N
gười Phước Sơn đã nhiều phen nổi dậy đánh Pháp và Nam triều hồi trước Cách mạng tháng Tám. Một chiếc máy bay quân sự của Pháp rơi xuống núi. Đồng bào cà-doạt tháo lấy được một đại liên, một súng lục, mấy cây súng trường, mừng lắm, tin rằng trời cho súng đánh Tây. Tập mãi rồi bắn được súng. Họ rào làng, cắm chông, dựng một chòi canh thật cao và đặt đại liên trên ấy. Kèm theo đó là các lễ cúng liên miên, cầu cho đạn bắn không thủng da.
Pháp nghe tin, đưa đến một trung đội lính. Đồng bào đánh giặc theo kiểu hào hiệp, đợi coi địch có bắn mình mới bắn lại, mình không làm xấu trước. Loạt đạn đầu tiên quật nhào cả nhóm đại liên trên chòi. Pháp phá cổng vào làng. Anh chỉ huy cuộc nổi dậy cầm súng lục hình như cũng đợi xem nó có bắn mình không, bị giết luôn.
Đến đây dân làng mới chống cự bằng súng trường và ná tên. Pháp chết một, bị thương ba tên, giết dân tới hơn ba chục rồi rút. Những người sống sót đánh trâu cõng của đi xuyên rừng núi suốt nửa tháng đến ở vùng khác, Pháp gọi không về. Các làng chung quanh đang rục rịch nổi dậy, thấy thế phải tạm ngừng.
Ít lâu sau, một thầy cúng Thượng bỗng tung ra tin: ai uống nước ngâm đồng xu thì đạn bắn không lủng. Các làng đổ tới mua, có nơi đổi trâu lấy nước thần. Uống xong họ kéo nhau đi đánh, vẫn chết cả loạt. Phong trào "Nước xu" tắt luôn.
Tới gần Cách mạng tháng Tám, Việt Minh huyện Quế Sơn cho người lên kêu gọi lập du kích, sắm dáo gươm tên ná. Lần này toàn dân thắng, người Thượng cũng thắng, mừng không kể xiết.
Ở vùng Phước Sơn có thằng Dầu, còn gọi là Đốc Đeo. Hắn được Pháp cử làm đốc man, cai quản vùng tây huyện Quế Sơn, rất hung bạo và tham của, thù ghét Việt Minh ra mặt.
Cách mạng mới thành công, thằng Dầu xuống vùng kinh ở vạn Phước Sơn coi thử, về nói các làng: "Mỗi người phải nộp cho Việt Minh năm ang gạo, một mặt đồng la, mười cánh ná cỡ một sải, ai thiếu thì lấy đầu!". Đồng bào hoảng hốt trước cái lệnh quái gở ấy. Hỏi đám thương lái, họ nói không đúng vậy đâu. Đồng bào biết thằng Dầu muốn vét của, cử anh Nung và mấy người nữa xuống huyện Quế Sơn kêu kiện. Việt Minh cho cán bộ về các làng nói điều tốt đẹp, dân rất mừng mà Dầu rất tức.
Nhân có một số Quốc dân đảng núp bóng đạo Cao đài ở Quế Sơn rục rịch cướp lại chính quyền, Dầu cũng rèn nhiều gươm để nổi loạn.
Anh Nung đi dự lễ ra mắt ủy ban trở về, ghé vào một nhà thấy có bó chè to, chủ nhà nói của ông Dầu gửi.
Anh nghi, hỏi xin vài lá, sờ thử thấy có lưỡi gươm giấu bên trong. Lưỡi guơm Cà-doạt mỏng và rộng bản như mã tấu, cắm cán dài chùng hai gang, cuối cán có đốc nhọn lắp mũi sắt, khi phạt chéo có thể chém sả một người làm đôi. Nung cho người em đi báo chính quyền gấp. Ủy ban gọi thằng Dầu đến hỏi, hắn chối quanh một lát rồi nổi khùng: "Tao rèn gươm để lấy đầu tụi bây đó. Lấy một lưỡi này tao rèn một trăm lưỡi khác!". Thợ rèn được gọi đến, bảo ông Dầu thuê rèn và đã nhận tám lưỡi gươm.
Ủy ban huyện bắt Dầu về giáo dục một tháng, hắn vẫn bướng, phải đưa về giam tại Tam Kỳ, cả bốn tháng rưỡi. Được lệnh tha về, hắn còn hằn học nhưng sợ oai chính quyền ta, không dám làm gì. Dân làng nhân dịp ấy mới tố cáo tất cả những vụ cướp giật của Dầu khi làm đốc man: bắt nộp trâu, heo, quế, bắt phát rẫy trỉa rẫy không công, nhất là chiếm một nà 1 lớn của làng làm của riêng. Ủy ban xử kiện, buộc hắn phải trả nợ cho làng.
Hắn căm tức nhưng đành chịu nhịn, về sau còn nhận vào Liên Việt lấy lệ.
Sau đình chiến 1954, cán bộ ta đến giảng giải cho Dầu, hắn đáp: "Tôi hiểu hết rồi, đã biết nói tôi cũng không làm việc cho địch, các ông lo dạy dỗ bọn ngu dốt trong làng kia". Cán bộ ta cả tin, ở trong núi vẫn liên lạc đều với hắn. Đợi khi ngụy quyền xem chừng đã vững, Dầu lén gọi lính địch lên rình sẵn, mời hai cán bộ người Kinh đến ăn uống, nửa chừng lính ập vào bắt gọn. Hắn chỉ cho lính bắt luôn anh Nung và mấy người nữa, giải về quận.
Vào nhà tù anh Nung cãi không ngớt' "ông Dầu nuôi người Kinh rồi ông Dầu bắt, tôi không dính dáng chi hết". Địch buộc nhóm tù Thượng đánh hai cán bộ Kinh, họ cãi lại: "Kinh lên dạy chữ, không hại ai. Phép dân tộc tôi cấm đánh ngươi mô không thù oán".
Ngày nào họ cũng kêu đói, đòi ăn ba bữa có thịt rừng, thịt nước. Địch chưa dám làm dữ, sau 20 ngày phải thả các anh về.
Nhờ có công bắt cán bộ, thằng Dầu được Mỹ-Diệm cử làm "miền phó miền Thượng du quận Quế sơn", tức là khu vục huyện Phước Sơn. Hắn ra mặt dẫn lính đi lùng cán bộ. Hắn lại chiếm đất nà của làng, bắt dân làm rẫy không công, buộc phải giao tất cả quế, thuốc, mây làm ra trong vùng để hắn đứng giữa bán cho thương lái ăn lời. Ai vay tiền vay trâu cũng phải lễ tạ để được hắn chứng nhận.
Hồi ấy ta chưa chủ trương diệt bọn gian ác. Đồng bào 20 làng Thượng trong vùng căm giận đòi giết Dầu, cán bộ ta khuyên nên kiện lật đổ hắn. Ta cho nhiều đoàn đại biểu liên tiếp xuống kiện với ngụy quyền quận, bị lính cản vẫn cố vào đưa đơn cho bằng được, nói rất hăng.
Quận phải hẹn ngày xử kiện ở vạn Phước Sơn. Đồng bằng còn đang rối, địch không dám gây sự với dân Thượng ngay.
Đúng ngày, địch cho một trung đội đến gác nhà họp.
Bảy mươi đại biểu của hai chục làng Thượng kéo tới, dáo gươm sáng quắc. Lính buộc để vũ khí bên ngoài, họ không chịu "Phép người Thượng đi đâu cũng mang gươm dáo, không giết ai hết".
Tên quận trưởng cho Dầu lên nói, đồng bào la hét đuổi xuống, dọa đâm. Từng đại biểu lên kể tội Dầu, người nói thẳng tiếng Kinh, người nói tiếng dân tộc và được dịch lại. Anh Dê, một cơ sở của ta, đúng ra dịch rất hay, uốn nắn những ý lệch và nhấn mạnh thêm các lý lẽ đúng.
Đồng bào Kinh đến nghe xử kiện cũng tắm tắc khen anh Dê "hùng hồn như ông Nê-ru ở Liên hợp quốc", rất phục Cách mạng khéo dạy người Thượng, bởi tất cả đều đoán biết Đảng ta lãnh đạo vụ này.
Một chị lên vạch thằng Dầu nhét khăn vào miệng hiếp chị nhiều lần. Ông già nói hắn lấy chiêng của ông đánh thử và xách đi luôn. Ngay việc hắn hại cán bộ cách mạng cũng đưa ra tố, chỉ nói là giết người vô tội. Bọn lính địch nghe một hồi đều lắc đầu ghê tởm Dầu, nói nhỏ với đồng bào: "Cứ làm tới tới đi, đừng sợ chi hết!".
Quận trưởng nhiều lần cố bênh Dầu mà đuối lý, lại sợ dân nổi loạn, đến giữa buổi phải chịu cách chức hắn.
Đồng bào đòi giao hắn cho dân để đâm trừ nợ. Quận bí kế, hẹn bỏ tù, đồng bào đòi tù vài ba chục năm. Rốt lại, quận trưởng tuyên án tù bốn tháng.
Tiếp đó, buộc địch trả sông núi cho người Thượng.
Theo lệ cũ, những người đánh cá hay lấy mây tre gỗ trong khu vục làng nào đều phải hàng năm góp tiền mua trâu trả cho làng ấy. Ngụy quyền đặt ra thuế nhập lâm, mỗi người một lần đi rừng phải nộp 5 đồng không trả xu nào cho làng. Đồng bào Thượng chống thứ thuế mới này, bắt địch làm theo tục xưa. Đồng bào Kinh cũng chống thuế để đỡ bị địch lục soát và đòi hối lộ, họ biết Đảng ta lãnh đạo người Thượng đòi quyền chứ không cố ý đòi tiền. Cãi khá lâu rồi địch chịu lui: ai đánh cá lấy gỗ vùng Thượng sẽ phải trả thuế bằng trâu cho các làng. Chúng mới hứa miệng thế thôi.
Gay go nhất là lúc cử miền trưởng và miền phó mới. Bàn với nhau ở nhà, cán bộ ta chỉ đạo phải kiên quyết không cho đặt tề cấp miền. Dằng co với địch mãi đến chiều không xong. Cơ sở lẻn ra rừng hỏi cán bộ, ta quyết định đồng ý cử vì chưa đến lúc xóa hẳn được bộ máy tề.
Đồng bào bầu miền trưởng là ông Quản Nhơn, một ông già Kinh lương thiện lên làm ăn vùng Thượng đã lâu năm, và một đồng chí cơ sở Thưởng cao tuổi làm miền phó.
Tuy vậy, sau vụ kiện đồng bào và cán bộ đều kém vui. Đồng bào nghĩ Đảng biểu xóa tề mà không xóa được là dở. Cán bộ họp kiểm điểm, thấy ta bộc lộ lực lượng, khiêu khích địch mà lại không đạt yêu cầu đề ra là chống lập tề vùng núi. Về sau, qua trao đổi nhiều lần và nhiều cấp Đảng bộ mới đánh giá lại cuộc đấu tranh ấy là thắng lợi lớn, đúng phương châm do Trung ương đề ra là "có lý, có lợi, có chừng mực".
Thằng Dầu đổ nhưng còn bướng. Khi tên tỉnh trưởng Quảng Nam nghe tin chộn rộn, lên thị sát vùng tây Quế Sơn hắn cứ nghênh ngang đến dự hội đâm trâu và nói với tỉnh trưởng: "Vùng này theo Cộng sản hết". Cả đám hội ầm ầm lên: "Mời tỉnh trưởng tới làng tôi coi, hễ có Cộng sản thì cứ giết, không có Cộng sản thì chúng tôi đâm thằng Dầu!". Bọn ngụy quyền chán ngấy thằng tay sai hay gây sự, phải bỏ tù hẳn bốn tháng như đã hứa, rồi thải hắn luôn. Sau hắn ốm chết không ai để ý.
Hai làng Gia Ngân và Trà Nô tiếp tục đi kiện dấn tới đòi ngụy quyền thực sự bỏ thuế nhập lâm và trả tiền thuế lại cho dân. Đuối lý, chúng phải mua tại chỗ ba con trâu của thương lái, giao đồng bào dắt về. ���
Được đà thắng lợi, đồng bào huyện Phước Sơn trong những năm 1954-59 đen tối nhất vẫn lên xuống hợp pháp hoàn toàn nhưng không nộp xu thuế nào cho địch, không để chúng bắt một ai đi lính, nắm chắc được cả mâm tề.
Năm 1959 Mỹ - Diễm mở "chiến dịch Thượng du vận", đưa lính về tận các làng, người Thượng cãi thắng được hết. Cán bộ ta vẫn bám sát cơ sở, chỉ đạo từng cuộc đấu lý gay go...
Lý lẽ của người Thượng đang trải qua một lần thử thách rất lớn: sau khi nổi dậy chém lính địch, còn có thể trở lại sống hợp pháp với địch nữa hay không? Cho đến năm 1961 này, Đảng bộ huyện Phước Sơn chưa có câu trả lời dứt khoát. Chân lý không bao giờ đến gọn gàng như quả thị rớt bị bà già trong truyện xưa.
Huyện Trà Bồng Ở Quảng Ngãi vùng lên đánh địch từ tháng 8-1959, ghi trang đầu trong tập lịch sử đấu tranh võ trang chống Mỹ của Liên khu 5. Mỹ-Diệm định giập tắt mầm chống đối từ trong trứng, ra tay khủng bố rất ác các dân tộc vùng núi. Trong "chiến dịch cộng đồng kiến thiết" đầu năm 1960 tại Phước Sơn, chúng cấm dân ở rẫy, buộc về tập trung hết trong làng, thu sạch gươm dáo ná tên, nghi ai là bắt đi thủ tiêu luôn. Nhiều gia đình bỏ chạy vào núi, bị địch cướp lúa và đồ đạc, đốt nhà, bắt đánh cả họ hàng. Đồng bào bàn uất ức: nó không chịu nghe lý lẽ, nó giết hết dân, làm sao đây? Xóm ông Tía thuộc làng Trà Nô nổi dậy trước tiên.
Một buổi sáng đồng bào mài rựa đi phát rẫy, lính chặn không cho đi. Đó là giọt nước làm tràn cốc căm giận. Đồng bào nhào tới chém chết sạch sáu lính địch, lấy năm súng, rùng rùng dời làng vào núi sâu 2. Các xóm khác và làng khác thấy vậy cũng bỏ làng cũ rút đi xa. Địch tung quân càn quét mạnh, sục núi ráo riết. Mặc kệ nó.
Làng Gia Ngân đốt sạch nhà ở, xuống đốt luôn cơ quan của địch, lập căn cứ đầy chông thò chống địch.
Cán bộ ta thấy thời cơ chưa thích hợp, khuyên đồng bào trở về sống hợp pháp. Địch chẳng kể hợp pháp hay không, cứ làm dữ bắt đánh hàng loạt, chặt đầu một người ở hợp pháp trong làng. Ba đại diện xã 3 thực sự là tề đấy, xuống quận kêu kiện bị bắt giam luôn cả ba trong hai tháng.
Ta viết nhiều thư gửi ngụy quyền và dán dọc những con đường địch càn quét: "Nhân dân chúng tôi không muốn đánh quốc gia, nhưng lính quốc gia lên phá hại quá quắt buộc chúng tôi phải chống". Người Thượng chưa nổ súng bao nhiêu, địch đã chết liên tiếp 35 tên và bị thương rất nhiều vì chông thò. Trong thế bí, chúng viết thư trả lời: nếu dân trở về ở với quốc gia thì sẽ thả ba ông đại diện xã và những người bị bắt khác. Rồi chúng buộc lòng phải thả thật. Máy bay rải truyền đơn gọi dân quay lại vùng đất đã bỏ.
Đồng bào nghe lời cán bộ trở về làng cũ, nhưng vẫn chưa hết lo ngại, nghe tin địch lên lại chạy vào núi. Địch cố dồn dân ra ở ven sông để kiểm soát, đồng bào nói dối là quay vào nơi cũ cõng lúa, biến mất sạch. Cứ ú tim tìm bắt như vậy khá lâu.
Hồi ấy ta chưa có vùng căn cứ rộng lớn, vùng Thượng nổi dậy bị hoàn toàn cô lập, đời sống gặp vô vàn khó khăn vì chưa kịp chuẩn bị gì cả. Lâu nay chỉ ham kiếm vòng, chiêng, ché, nay lại thiếu muối, vải, rựa, không khác mấy so với đồng bào Kor khởi nghĩa ở Trà Bồng. Đảng bộ Phước Son chủ trương giữ thế hợp pháp cho dân. Hợp pháp để mở thêm mũi tiến công chính trị, phóng thêm quả đấm thứ hai, chứ không phải chỉ mua muối. Đồng bào buồn chảy nước mắt, bảo nhau "Đảng biểu về làng cũ để giữ con đường cán bộ lên xuống, làm rẫy nuôi anh em, phải về thôi. Về chịu đòn cũng là làm cách mạng!".
Họ chưa hiểu hết phương châm của Đảng, vẫn cứ về.
Địch dỗ ngọt, xoa dịu đôi chút, lại cố truy cho ra người của ta gài trong số dân làng trở về. Anh Nghêm, cơ sở về sống hợp pháp, đã làm đúng lời hứa "về chịu đòn cũng là làm cách mạng".
Hai người dân bị tra tấn không chịu nổi, khai ra anh Nghêm. Địch tìm, anh không trốn, cứ để cho bắt. Địch đánh rất ác, bảo nộp súng, cờ, ảnh, tài liệu Đảng. Chị vợ nhắc anh bằng tiếng Thượng trước mặt địch: "Đảng bày anh làm chi mấy năm nay, bây giờ cứ rứa mà làm. Hễ khai thì không còn vợ chồng chi nữa!". Anh chịu tra suốt bảy ngày đêm nát người, không khai. Vào tù, bị giam chung với hai người đã khai, anh giảng giải hơn thiệt cho họ hàng ngày, họ khóc hối lỗi. Trong tám lần đưa anh ra tra điện, địch đều cho hai người kia xem mà khiếp, nhưng cả ba đều vững. Địch bắt hai người khai đánh Nghêm, họ nói: "Cùng giống nòi không đánh được".
Khi lính địch đưa Nghêm đi chỗ vắng định thủ tiêu, anh giật dây chạy, bị đạn bắn theo rách thịt bên cổ. Chạy thoát xa anh tự cởi trói, nhai cỏ đá dịt vào cổ cầm máu, băng rừng suốt từ vùng thấp lên vùng cao hơn hai ngày đêm, trong bụng chỉ một mối lo: "Chẳng biết Đảng có hiểu mình không, hay là tưởng mình khai không cho công tác nữa. Đúng rứa thì mình về làm việc xóm làng cũng được!" Ta cho người đón vợ con anh lên vùng cao, tạm ở làng khác.
Địch không lần ra đầu mối cơ sở, phải thả số bị giam về để gọi dân ra hàng. Hai người khai bị bà con trong làng họp phê bình một trận rồi thôi, lại sống chung như xưa.
Giữa những ngày chông chênh như thế, bộ đội tỉnh Quảng Nam đánh diệt đồn quận ly Hiệp Đức vào đêm 19-10-1960, đánh tiếp nhiều trận nữa trên vùng núi, phá vỡ toang hàng rào đồn bót bao vây các làng Thượng. Địch rút bỏ một loạt cứ điểm khác. Vùng giải phóng rừng núi mở rộng thênh thang, các căn cứ nối liền với nhau. Vùng Thượng không còn bị cô lập nữa.
Đến nay toàn huyện Phước Sơn đều bất hợp pháp cả chỉ trừ hai làng bị dồn chưa phá ra được. Vấn đề đưa dân ra hợp pháp đang được bàn cãi. Nếu làm được, lý lẽ của người Thượng chắc chắn sẽ sắc bén hơn nhiều sau bấy nhiêu lần tôi luyện! Cán bộ ta luôn luôn nhắc một điều: lòng trung thành lạ lùng của người Thượng đối với Đảng. Chẳng kể sướng hay cực, chiến hay hòa, sống với địch hay rút vào núi, hễ cái gì của Đảng đều tốt, của địch đều xấu cả.
Bởi họ nhớ bọn thống trị ngày xưa quá tàn tệ với "mọi", cho nên người Thượng ghi nhận chi li những việc tốt mà Đảng đã làm cho họ. Nhớ thù để trả thù, nhớ ơn để đền ơn, cả ơn lẫn thù đều rạch ròi quyết liệt.
Hãy nói một việc thôi. Trước cách mạng, mỗi năm mất mùa rẫy người Thượng hay xuống núi làm thuê, chỉ được trả mỗi ngày công vài lon bắp hay một vốc khoai với nhúm muối cầm hơi. Chính phủ Cụ Hồ vừa lập đã định giá ngay mỗi ngày công ít nhất là hai ang 4 khoai khô hay một ang bắp hột khô. Người Thượng ngạc nhiên.
"Lạ, cán bộ Kinh không bênh người Kinh mà đi bênh người Thượng!". Lúc thiếu rìu rựa, đang năn nỉ thương lái đổi đắt, cán bộ đã cõng các thứ ấy lên tận làng để cho không hoặc đổi rất rẻ. Cùng với những việc làm cao quý khác cán bộ của Đảng được dân coi là người bao giờ cũng tốt bụng nếu chưa phải bao giờ cũng đúng.
Người Thượng không biết nuốt lời. Vùng giáp ranh có câu thời cũ truyền lại: "Nói như mọi thắt gút". Họ thắt một gút để ghi dấu một lời hứa. Một anh cơ sở Thượng tính nết rất lầm lì, chỉ hứa gọn với cán bộ: "Cắt cổ tôi cũng không khai. Khai với địch làm chi?". Về sau lộ, bị địch cứa cổ lần đầu anh không khai, sau chúng nổi điên chặt đầu anh đem cắm cọc.
Em nhỏ Cà-doạt nghe nói địch bắt được người cách mạng thường đem dìm xuống nước, nghĩ. "Mình phải tập thử, hễ chịu được thì làm cách mạng được". Em lặn xuống suối một lúc, trồi lên: "Chưa ăn thua". Em buộc đá vào chân, lặn, một lát lại đạp chân ngoi lên: "Tại mình cột hòn đá nhẹ quá". Em tự trói chân vào khối đá to kềnh, ôm đá nhảy xuống chỗ sâu, khi ngột thì không sao lên được nữa. Một cán bộ đi qua lặn xuống cứu em sống. Tất nhiên là em làm cách mạng được! Khi Mỹ-Diệm mới đến, một số cán bộ ta lo lắng.
"Đồng bào Thượng chịu khổ từ xưa, nay địch dỗ dành mua chuộc e rằng dễ mắc mồ". Quả thật địch cố vung tiền của ra mua đấy, nhưng người Thượng không chịu bán lương tâm.
Địch gọi dân đến phát gạo. Dân không đến. Chúng đưa lính đi lùa dân tới, buộc cõng gạo về chia nhau. Đồng bào nấu thử gạo phát, bắt lính ăn trước: "Sợ các ông bỏ thuốc độc giết dân tôi". Bọn lính bàn với nhau: "Lỡ họ trúng gió đau bụng chết, lại bắt mình trả đầu thì khốn".
Chúng ăn nồi cơm ấy, dặn đồng bào đợi lính đi khỏi làng hãy nấu gạo phát, khiến bà con càng nghi ghê gớm. Hôm sau một bà nấu ăn thử, tình cờ trúng bao gạo có mùi dầu máy. Bà ăn xong chảy nước dãi không ngớt, cố nôn ọe ra, kêu làng: "Đừng ai ăn gạo tụi nó, tao bị say rồi đây!" Mỹ-Diệm phát thuốc tây bắt phải lấy. Đồng bào nhận về nhưng không uống: "Thuốc Cụ Hồ kia mới lành bệnh!".
Thêm vài người uống lầm thuốc bị ngộ độc, dân càng gờm, đem thuốc cho cán bộ ta cả. Khi họ ốm, cán bộ dùng thuốc ấy chữa lành bệnh, nói là thuốc của địch dạo nọ, họ quyết không tin.
Tới đồng tiền của Mỹ-Diệm cũng không nhử được họ, tuy họ rất quen mua bán bằng tiền. Một đại diện xã suốt năm không đi lĩnh lương, cán bộ bảo đi vẫn cứ lần lữa mãi. Tên quận trưởng muốn ăn bớt, cho bốn lính lên bắt về quận lăn dấu tay, đưa ô-tô về tỉnh truy lĩnh, chia cho đại diện mười ngàn đồng. ông này không thèm nhận, chỉ rút một tờ 500 đồng ra quán uống chầu rượu rồi về, nói với cán bộ: "ăn thứ gì của nó cũng mắc cổ hết, còn mang tội với Cụ Hồ nữa!".
Thêm một tin cuối cùng nữa dành cho tôi: một tiểu đội trưởng du kích người Kinh ở vạn Phước Sơn mà tôi quen hồi chống Pháp, về sau làm gián điệp cho Mỹ-Diệm, thường lên rình mò vùng Thượng. Bỗng dưng hắn biến mất. Địch đi tìm, gia đình hắn tìm, không thấy tăm hơi đâu cả. Cán bộ ta hỏi, đảng viên Thượng cũng như đồng bào đều nói lơ lửng:. "Đi rừng đi núi, làm sao khỏi có lần trượt chân...". Cho đến nay huyện ủy Phước Sơn cũng chỉ đoán là hắn bị một đồng bào khử. Rừng núi lặng lẽ nuốt chửng thêm một tên phản bội...
Chú thích
1.Bãi đất ven sông.
2.Về cuộc khởi nghiã ở xóm ông Tía, tôi được đọc một tài liệu đánh máy tỉ mỉ của Ban Tổng kết chiến tranh nhân dân quân khu 5, cho nên chỉ phác qua vài nét ở đây.
3.Đứng đầu bộ máy ngụy quyền xã.
4.Một ang, tùy từng vùng, bằng 24 lon (ống sữa bò) hoặc 30 lon.