Số lần đọc/download: 1655 / 27
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Những Con Thiềm Thừ
T
hằng Tư Cồ bị ba nó xiềng vô giàn rớ như Tôn Hành Giả bị Phật Tổ đè dưới núi Ngũ Hành Sơn. Thật ra ba nó không có trói buộc gì nó hết mà vì nó đi hà rong hà rỗi hết vườn người này qua nhà người khác chọc cho chó sủa mèo kêu rồi bị người ta mắng vốn. Nên mỗi bữa sáng trước khi đi làm mướn, ông bảo nó:
- Mầy phải rớ cho được nửa giạ cá linh rồi hãy đi chơi, nếu không, đòn 10 roi!
Nửa giạ cá linh là một thúng, đâu phải ít. Rớ môt ngày một đêm mới được chớ một ngày thì dầu có phép cũng chịu.
Cái giàn rớ dành cho người lớn còn nó ốm nhom đánh cù đeo cũng không cất nó lên nổi. Tuy vây sau vụ triệt cái bè tống quái, cu cậu bị phạt. Cu cậu biết tội nên cố đái công chuộc tội cho qua.
Miệng rớ chỉ choán một phần ba bề rộng con rạch. nên ghe xuồng qua lại thì bơi chèo tránh qua mé bên kia. Nhờ vậy nên việc làm ăn của nó không trở ngại gì. Mắt nó ngó lom lom hai đầu rạch hễ trông xuồng ghe tới thì gân cổ lên la: “quác” hoặc “cạy” để họ biết dường mà bẻ lái, không đi chui vào rớ, dầm chèo thọc lủng lưới hoặc đụng gãy cánh rớ.
Kìa một chiếc xuồng từ phía ngoài Tân Hương đi vào. Nó vừa cầm chiếc áo quơ quơ miệng vừa la “quác, quác!” nhưng chiếc xuồng cứ đâm sầm vào rớ. Cực chẳng đã nó phải cất rớ lên, miệng lầm bầm: “Bộ đui hay sao?” Rớ mới được nửa chừng bỗng sợi dây duội đứt ngang, cả cái rớ chụp lên chiếc xuồng. Mấy người ngồi trên xuồng la om tỏi và quẫy lia như cá mắc lưới (mà mắc lưới thiệt) suýt chút nữa xuồng chìm chết người phải mắc đền nhơn mạng!
Bỗng người đàn ông dùng cây dầm chọc thủng lưới rồi xé toạc ra để bơi xuồng lướt qua, nhưng không thoát được.
May sao lúc đó anh em thàng Hành thằng He cũng vừa tới. Vắng lâu thằng Tư Cồ, chúng chịu không nổi nên đi tìm. Hai đứa chạy tới rị cất chiếc rớ lên. Chiếc xuồng mới bơi qua được. Chủ xuồng chửi om trời. Thằng Cồ nín thinh không dám ho he một tiếng.
Đến chiều ba nó về, thấy lưới rách một lỗ bằng cái thúng, hỏi ra căn nguyên bèn phết cho cu cậu một trận còn nặng hơn trận kêu bè tống quái.
Thằng Cồ vừa khóc vừa chạy băng qua vườn lạ, không biết vườn của ai, miễn thoát những ngọn roi củi dừa thì thôi. Một chút thằng Hành thằng Hẹ cũng tới. Đủ bộ “bài cào” ba lá, chúng bèn kéo nhau đi. Một chút, chúng dừng lại trong một khu vườn rậm rạp không có ánh nắng mặt trời.
Thường thường người cắm câu cá trê, đi đến đây để đào trùn hổ là loại trùn ở dưới đất, con nào con nấy to bằng ngón tay mình dài cả gang, láng ngời ngũ sắc trông như những con rắn con, ai yếu bóng vía không dám bắt, nhưng nó rất đắc dụng vì thịt nó dai, cá trê rỉa không đứt.
Ngoài loài trùn hổ ra, còn những bụi rậm, cây cao rất tiện cho các loại chim làm ổ mà không sợ ai xâm phạm, nhất là loại chim ục chim mèo, ban ngày tới đây để ngủ chờ đêm đến bay đi bắt mồi.
Thằng Tư Cồ là đứa bạo gan nhất đám, như nó đã từng ngang nhiên vô miễu cây sộp mà không sợ ma. Nhưng lọt vô cái không khí lạnh ngắt này nó nhợn không dám tung hoành.
Nó định tháo trở lại thì bỗng thàng Hành kêu:
- Cồ ơi! tao nghe có tiếng gà mái túc con. Thằng Cồ lắng nghe một chút rồi tự hỏi: “Ai ở trong vườn này?”
Rồi nó vẫy thằng Hành thằng Hẹ cùng đi về phía có tiếng gà. Chẳng bao lâu, ba trự tìm ra một ngôi nhà. Nhà ai? Cũng có sân trước sân sau sâu hẳn hoi và có gà kêu chó sủa như mọi nhà khác. Nhưng thằng Cồ nổi ốc khắp người. Nó dừng lại ở trước sân, không dám bước tới. Những hũ, những tĩn chồng lên nhau ở tứ phía như trận đồ. Rồi những lá bùa vàng bùa đỏ loằng ngoằng chữ gì không ra chữ gì. Những thẻ gỗ sơn vôi trắng toát đóng rải rác ở mép sân.
Một cái mặt quỉ có nanh đặt trên đầu cửa, như ngó thẳng vào ba đứa mà bảo: Tụi bây đến đây là phải chết.
Thằng Cồ hồn bất phụ thể, quay trở lại vừa chạy vừa kêu:
- Chạy tụi bây!
Ba đứa băng rừng lướt bụi bán sống bán chết gần tới nhà thì gặp cu Trí.
- Đi đâu vậy? - Cồ vừa thở hốn hển vừa hỏi.
- Đi mua cá linh của mày.
Thằng Cồ biết thằng công tử bột này đời nào lại đi mua cá bổi của nó, bèn bảo ngay:
- Hôm trước con chuồn chuồn cắn rún nên mày chưa biết lội. Bữa nay tao cho chuồn chuồn trâu cán, mày sẽ lội sông, như rái vậy.
- Thiệt đó! thằng Hành đốc xúi thêm.
- Chuồn chuồn trâu là chuồn chuồn gì?
- Nó cũng là chuồn chuồn nhưng to nên gọi là chuồn chuồn trâu. Cũng như đỉa nhỏ bằng chưn nhang gọi là đỉa mén, đỉa bằng ngón tay gọi là đỉa trâu, mày hiểu chưa?
Trí lớ ngớ không biết có nên cho chuồn chuồn trâu cắn rún hay không thì thằng Tư Cồ lôi di và bảo:
- Tao thấy con chuồn chuồn trâu đậu đàng này.
Rồi cả ba dắt Trí trớ lại trận đồ lúc nãy. Tư Cồ cố tình đủn Trí di trước và đưa tay ra hiệu cho thằng Hành thằng Hẹ đi tít ra xa.
Thằng Cồ tưởng Trí sợ ma, ù té chạy như hôm ở miễu cây sộp, nhưng khi nhìn thấy “trận đồ bát quái”, Trí không tỏ vẻ sợ sệt chút nào, buột miệng nói ngay:
- Đây là nhà của ông thầy Tư.
Tư Cồ lấy làm ngạc nhiên, hỏi:
- Sao mày biết là nhà của thầy Tư?
- Hồi tối này ổng cúng “dưng căn đổ đốt” đàng nhà ông nội tao, tao cũng thấy ổng treo cờ treo phướn như vầy nè.
- Mày đã tới đây lần nào chưa?
- Chưa. Nhưng tao chắc là nhà của ổng. Vì tao nghe chú Năm tao nói ông tao cho ổng ở khống trong khu vườn hoang này của ông tao. Ở dưới lô nhìn lên không thấy nhà cửa gì hết. Có lần tía tao săn được con chồn cáo cộc, nói là ở vườn này.
Nghe Trí kể, cả bọn cũng bớt sợ. Rồi Tư Cồ dắt cả lũ đi chung quanh nhà tìm đường khác trở ra. Bỗng thấy bên hiên nhà có một cái bồ con ví bằng lá chàm. Nghe tiếng rột rẹt, cả bọn dừng lại nghiêng đầu nhìn vào bồ. Chao ôi! những cóc là cóc. Những chú thiềm thừ to tướng, nhỏ xíu đủ lứa, đủ màu, xám, mốc, đỏ sậm đang nhảy lom xom trong bồ chật hẹp. Có những chú ngồi xổm trên lưng bạn và dùng chân bạn mà di chuyển. Nếu có hạn hán, các chú hè nhau nghiến răng một lượt thì ắt trời phải mưa lụt cả trần gian.
- Ông thầy Tư “nuôi” cóc để làm gì vậy?
- Tao không biết! - Trí lắc đầu.
Thằng Hành lém lỉnh đáp:
- Để bữa nào ăn cực, thì ổng bắt cóc ca-ri thay ếch chớ làm gì!
- Da cóc có mủ, ai dám ăn? - Thằng Cồ cãi lại.
- Người ta lột da ăn thịt chớ ai ăn da cha nội!
Bỗng nghe có tiếng ù ù như trốt tới. Bụi cây gì rậm ri gần hiên nhà lắc lư trong khi có tiếng gà kêu quang quác gần đó.
- Ma tụi bây ơi!
Thằng Tư Cồ vừa la vừa chạy. Thằng Hành và thằng Hẹ cũng chạy theo, bỏ Trí đứng lại rnột mình. Nhưng Trí không tỏ vẻ sợ hãi, còn ngoắc bọn Tư Cồ trở lại. Nhưng Tư Cồ lắc đầu. Trí bèn đi tới bảo:
- Đó là cây ngải mọi.
- Sao mày biết? - Tư Cồ gặng hỏi.
- Tao nghe thầy Tư nói với chú Năm tao. Thẩy hứa bữa nào dẫn chú Năm tao tới, thẩy cho cây ngải ăn thịt gà cho chú tao coi!
- Lá…áo. Cây gì ăn thịt gà!
- Thiệt! Ngải mọi ăn gà sống. Thẩy quăng con gà vô bụi cây, nó quay ù ù một lát con gà chi còn bộ lông còn thịt xương thì mất hết. Bởi vậy cây ngải mới linh.
- Linh thì ổng làm cái gì?
- Tao không biết. Tao chỉ nghe ổng nói với chú tao như vậy!
Nghe Trí nói về cây ngải mọi, ba thằng đứng ngẩn người ra và nghĩ tới việc triệt cái bè tống quái hôm nọ cuỗm con heo quay mà bụng càng sợ hãi. Riêng thằng Tư Cồ thì nghĩ thầm: Bà chúa Xứ đã bỏ qua, không đòi cái đuôi… heo.
° ° °
Beng Beng Beng…
Thầy Tư, đầu bịt khăn đỏ, tay gõ cồn, tay bắt ấn trỏ vào mặt con quỉ đang ngồi trên ván gõ, cái đầu cà gục cà gặc.
- Ngươi là ai?
- Hố hố hố. Con quỉ bỗng cười ré lên rợn người mà không đáp - Sư cho ta hồ.
- Xưng tên xưng họ tử tế rồi ta mới cho hồ.
(Hồ là uống rượu, tiếng của ma quỉ lên đồng và pháp sư)
Nhưng con quỉ nhất định đòi hồ rồi mới xưng tên. Thầy Tư lột khăn ấn nẹt nghe rắc rắc trước mật con quỉ. Nó càng phản ứng dữ dội chớ không chịu vâng lời pháp sư. Nó quay ngoắc cái đầu. Hai bắp vế của nó nhấc lên đập xuống nghe bành bạch trên mặt ván, đụng nhằm chiếc khay làm ly nhạo đổ lăn toé rượu ra ngoài.
Nó càng giận dữ, tuyên bố:
- Sư không cho ta hồ, thì ta thăng. Ta thăng đây! (là bay về trời như thăng thiên)
- Khoan khoan ớ này hồn ma bóng quế, hãy hượm ở lại trần gian, đi đâu mà vội?
- Sư cho ta hồ mau lên! - Cái miệng con quỉ móm mém thèm thuồng đòi rượu qua làn khăn đỏ trùm phủ cả đầu nó.
Thầy Tư buộc phải chiều lòng nó. Nếu nó thăng thì thầy còn điều khiển ai?
Thầy Tư bịt lại khăn và cầm nhạo rót rượu ra ly đưa lên miệng con qui.
- Phải dâng hai tay sư! Không ta không nhận.
- Mi là ai mà dám lớn lối với ta?
- Cho ta hồ rồi sẽ biết. - Con quỉ nói xong há mồm ra chờ.
Thầy Tư đổ ly rượu vào mồm con quỉ qua làn vải đỏ. Con quỉ ực xong chép miệng rồi đứng bật dậy cười hằng tràng làm trẻ con sợ ngồi sát vào nhau. Vài đứa bé khóc thét lên.
- Ta là tam Thái-tử Na Tra, con của Lý Thiên Vương, đệ tử của Quan Âm Bồ-Tát bạn của Thái thượng Lão quân đây.
Tam Thái-tử vung tay đi lại trên ván, cái đầu gần đụng nóc nhà, tay dài như tay vượn. Cặp chân gầy nhom dài gấp đôi chân người thường, người ta tưởng đó là con cò có cái đầu người trùm khăn đỏ.
Thầy Tư cúi đầu kính cẩn:
- Ta hữu nhãn vô châu, không nhận ra sứ giả của thiên đình, xin tạ lỗi cùng Tam Thái-tử! Xin mời Thái-tử an tọa rồi ta sẽ hầu chuyện.
Vừa nói thầy Tư vừa rót rượu và đổ liền hai ly vào mồm “Tam Thái-tử” và tiếp:
- Thái-tử đi đường xa mỏi mệt, xin nghỉ ngơi giây phút.
Bà chủ nhà đem ra một cái chén úp trên dĩa để trên ván. Thầy Tư đẩy cái dĩa đến trước mặt Thái-tử rồi nói:. Thái-tử đi đường, chèo mấy sông chống mấy suối mới đến nơi hạ giới này. Vậy gia chủ có chút lễ đền ơn đáp ngãi Thái-tử.
Thái-tử nghiêng đầu xuống nhìn cái chén úp, rồi cười ré lên:
- Đền ơn đáp ngãi ta một trái chuối sống à?
Thầy Tư tỏ vẻ hoảng hốt, cúi đầu. Gia chủ cũng thất kinh hồn vía, thấy Thái-tử nói đúng cái vật đặt bên trong.
Thầy Tư bèn chậm rãi lật cái chén ra. Quá tình, một trái chuối sống xanh lè nằm trên dĩa. Thầy Tư đã bảo Thái-tử “chống suối” cực khổ mà lại! Những người điếc mới không nghe hai tiếng "chống suối”.
Gia chủ thấy Thái-tử linh thiêng như vậy nên xin thầy Tư vào việc ngay không đặt vật nữa.
Lúc bấy giờ thầy Tư mới mở chiếc tráp mây cũ ra đặt lên bàn và thỉnh các ông tướng ra để xếp hàng trên ghế, tựa lưng vào chiếc tráp. Rồi xin phép Tam Thái-tử cho các tướng được dưới quyền điều khiển của Tam Thái-tử.
Thái-tử nhận lời ngay và bảo:
- Cho các tướng hồ rồi ta sẽ ra lệnh.
Thầy Tư rót rượu ra ly, tay cầm tướng, tay nâng ly cho các ngài hồ từng tí một. Càng uống, các tướng càng run tay run chân làm những chiếc lục lạc nhỏ xíu đeo ở chân khua lên rủng rẻng vang trong phòng. Thái-tử thấy thế bèn cười ha hả gât đầu khen:
- Tướng của pháp sư giỏi lắm! Giỏi lắm!
Ba ông tướng gỗ, một ông mặt xanh, một ông mặt đỏ, một ông mặt đen, tay chân run rẩy, thân mình nảy bần bật trên ván ngay trước mặt Thái-tử.
Thái-tử đưa tay nhặt ông tướng mặt đỏ lên. Hai tay ông tướng chòi lia. Lục lạc càng rung to như lạc ngựa. Thái-tử lại nhặt ông mặt đen. Ông này cũng run như ông mặt đỏ. Thầy Tư cầm ông mặt xanh cho hồ tiếp. Bỗng Thái-tử buông hai ông tướng xuống ván xếp tréo hai chân vào nhau rồi nhảy bật lên khỏi ván như con lật đật. Đít Thái-tử xương xẩu nên nảy lên như bóng trên sân cỏ. Đít Thái-tử bật khỏi mặt ván gần nửa gang tay.
Bỗng ông đứng bật lên như lò so, hai tay phủi đít lia, mặt dớn dác ngó quanh:
- Đứa nào chơi chó đẻ vậy bây?
Ông Thái-tử đang linh thiêng bỗng trở nên thô bỉ trong xác tên đồng cò hương. Thầy Tư lẹ mắt trông thấy hai khúc gai vông trên ván. Thì ra trong lúc ông Thái-tử nẩy đít lên, một bàn tay rắn mắt nào đã ném gai vào dó.
Thầy Tư lanh tay nhặt lấy quăng xuống sàn ván phi tang và tiếp tục công việc.
- Mời Thái-tử an tọa.
Thái-tử thôi vò đít và ngồi lại, trong lúc thầy Tư điều khiển các ông tướng. Thầy tiếp tục cho các ngài uống rượu tiếp. Ba ông tướng nhảy lom xom trên ván. Mỗi lần một ông sắp lọt xuống đất thì thầy nhặt lên đưa lên tai nói chuyện. Xong lại buông xuống ván, mặc tình cho ba ông nhào lộn như làm xiếc tự do.
Có lẽ Thái-tử thấy mình vô tích sự, nên nói:
- Sư ạ, cho ta thăng! Cho ta thăng!
Thầy Tư bảo:
- Ta xin đa tạ Tam Thái-tử và xin kính lời về đội ơn Lý Thiên Vương - Nói xong quay ra đám khán giả thanh niên - Mấy chú vô đây giúp tôi một tay.
Hai người đàn ông bước vào. Thầy Tư bảo họ nắm tay nhau căng ra sau lưng Thái-tử thành một cái võng sẵn sàng đỡ lấy ngài.
Thầy Tư nói:
- Các chú nắm tay cho chắc nghe. Khi thăng, Thai tử bật ngửa mạnh lắm đó!
Ròi quay lại nhặt lên một ông tướng run run trước mặt Thái-tử, và lột khăn ấn quất vào mặt Thái-tử, hét to:
- Hô… thăng!
Thái-tử tức thì xuất hồn. Cái xác bật ra sau, đánh bum xuống mặt ván gõ như một cái sọ dừa rụng trên gạch.
Thái-tử đứng bật dậy lột chiếc khăn ném xuống đất và vò đầu lia, than thở:
- Bể cái sọ khỉ của tôi rồi thầy thấy không thầy Tư? I
Thầy Tư nhìn thấy rõ ràng một người đàn ông cõng một đứa con nít chạy ra sân còn một người đàn ông khác thì lẩn ra ngã sau bếp.
Thầy Tư thấy tổ trác mình hai lần trong đêm thì vội vã hoàn tất buổi cúng rồi thu xếp các ông tướng vào tráp mà kiếu từ gia chủ.
Trên đường về, thầy Tư không cần đuốc. Hai người đi trong đêm tối mịt.
- Thái-tử biết ai phá mình không? - Thầy Tư hỏi.
- Thái-tử cái con khỉ! Đồng An thì cứ kêu là Đồng An chớ Thái-tử gì!
Thầy Tư cười không rõ tiếng:
- Ông Đồng ơi! Bữa nay mình xui quá! Để mai tôi mét ông Thôn rầy nó! Cái thằng mắc dịch. Tôi sợ nó phá mà cũng không khỏi. Nó dám phá mấy ông nhạc lễ, ông hương chức thì coi mình có ra gì! 1
Đồng An vừa xoa đầu vừa sờ mông:
- Cái đít còn ê, cái đầu muốn nứt. Biết vầy tôi ở nhà ngủ cho khoẻ mai đi nhổ mạ. Uống được mấy hớp rượu phép của thầy, về già đố khỏi mang bịnh hậu.
- Thôi mà ông đồng! Cả đời mới bị một lần chớ phải bị hoài sao?
- Nó làm được nó làm hoài chớ sao không!
- Kỳ tới, ông đồng có lên, đừng nảy lên cao. Nó không quăng gai vông được! Nhớ không?
Hôm sau thằng Tư Cồ đến nhà rủ Trí đi chơi. Vừa qua khỏi cây cần giọt, nó nói ngay:
- Tao sẽ cho mày coi những con cóc phép của thầy Tư.
Trí sực chớ trong truyện Tam Hạ Nam Đường, trong tuồng "Lưu Đính giải giá Thọ Châu Thành" có hai tên đạo sĩ là Dư Hồng Dư Triệu dùng bùa chú để ếm làm cho Lưu Kim Đính phát điên. Hai tên này cỡi hai con cóc phun ra lửa gọi là Thiềm Thừ rất lợi hại. Bây giờ thầy Tư lại nuôi cả trăm con cóc… phép.
Thằng Tư Cồ dắt Trí và thằng Hành thằng Hẹ dến ngay nhà thầy Tư. Lần này không giống lần trước, đi qua sân thấy không có ai ở nhà, nó xô cửa bước vô. Thấy không có cái ghế nhổ mạ bên trong, nó đoán là thầy Tư đi ruộng.
Nó vô luôn cả trong buồng. Thấy chúng bạn đi chậm, nó ló đầu ra ngoắc lia. Cả bọn vào buồng. Nó chỉ hết mọi phép tắc của thầy Tư. Nó biểu thằng Hành:
- Mày ra ngoài trước giở tấm màn che cái trang lên rồi làm bộ van vái như khách của thầy Tư đi rồi mày sẽ thấy mấy ông tướng nhúc nhích tay chân.
Thằng Hành ra phía trước làm như lời thằng Tu Cồ bảo. Quả thật mấy ông tướng ngồi trên trang giơ tay đá chân lia lịa.
Tư Cồ kêu thằng Hành vô buồng và đưa cho mấy sợi chỉ… xanh, đỏ và đen và bảo:
- Mày giật sợi chỉ nào thì ông tướng mặt màu nấy cử động.
Thằng Hẹ hỏi:
- Nhưng tối hôm qua ổng cầm ông tướng trên tay kia mà!
Thằng Cồ vói tay lên trang lấy xuống một ông, chổng đít lên và rút nút đít, thọc tay vào bụng ông ta và bảo:
- Mày ra bồ bắt vô đây một con cóc.
Thằng Hẹ chạy đi rồi trở vào. Thằng Cồ bảo:
- Mày đút cái đầu nó vô, còn hai tay hai chân thọc ra lỗ!
Xong rồi thằng Cồ nhét nút lại và ném ông tướng xuống đất. Ông tướng nhảy cà tưng, lăn lộn đủ kiểu. Cả bọn cùng cười. Thằng Cồ nói:
- Vì thế thầy Tư cho ông tướng hồ, thì ổng nhảy tưng chớ lạ gì. Càng uống càng nhảy tợn. Đây là khúc cây vông ổng khoét rỗng ruột rồi lấy vải quấn thành quần áo. Cóc ta ngồi giang tay chân bên trong và uống rượu… Tụi bây bắt hai con thiềm thừ nữa vô đây, tao làm cho coi đủ bộ ba xanh đỏ và đen.
Trí bảo:
- Biết vậy đủ rồi. Mình phải dông mau, kẻo ổng về gặp mét mình bị đòn chết.
Cả bọn nghe thế bèn kéo nhau chạy thụt mạng. Ra tới mé sông, thằng Hành và Trí hỏi, Tư Cồ đáp:
- Chú Năm nói cho tao nghe hết trước khi thầy Tư vào đám. Nếu chú sợ phép của thẩy, chú đâu có dám rút tay cho cái “sọ dừa” của ông Đồng nện xuống ván?
Thàng Tư Cồ càng hả hê, nói tía lia:
- Phen này gặp bè tống quái, tụi mình cứ việc triệt vô xơi hết ráo. Chậc! Ba tao đem cho ổng nửa con heo quay, uổng quá. Tao đoán chắc với tụi bây ổng còn một ơ thịt kho trong bếp kia cà.