Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Marina Fiorato
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Qua Tấm Gương Soi
hạc vẫn tiếp tục chơi.
Nora ngồi bên trong nhà thờ Santa Maria della Pietà và cố nghĩ ra một từ chỉ cái mình đang cảm thấy. Bị mê hoặc? Gợi lại kiểu cách thời xa xưa quá. Bị bùa mê? Không. Từ này có vẻ hàm ý một sự đánh bẫy bởi một lực lượng thâm hiểm.
Nhưng không ai làm điều này với mình cả. Mình đã tự nguyện đến đây.
Cô liếc sang trái rồi sang phải, nhìn những đám bạn xa lạ. Nhà thờ đông kín. Người bên cạnh, một mệnh phụ Ý sang trọng, ngồi sát cô đến độ cánh tay áo đỏ của bà vắt qua cánh tay của Nora. Nhưng Nora không cảm thấy phiền. Tất cả họ có mặt ở đấy bởi cùng một lý do, ràng buộc cùng nhau. Tất cả - từ đó đây rồi; mê mẩn – vì âm nhạc.
Antoni Vivaldi. Nora biết kiểu vắn tắt về đời ông - một linh mục tóc hoe đỏ, bị hen suyễn, dạy trẻ mồ côi, viết tổ khúc Bốn Mùa. Nhưng ông chưa hề thực sự làm xao động cảm thức âm nhạc của cô mãi cho đến phút này. Cô đã thấy ông quá khuôn sáo đối với tính thời trang sinh viên mỹ thuật của mình – âm nhạc chơi trong thang máy và siêu thị, lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Nhưng ở đây, dưới ánh nến ấm áp, cô được nghe Vivaldi do năm nhạc công chơi, ngay tại ngôi nhà thờ nơi ông viết tác phẩm này, lần đầu tiên diễn tập cùng mấy cô bé mồ côi của ông. Tất cả các nhạc công đều là người Ý trẻ, trông chăm chỉ. Tất cả đều vô cùng điêu luyện. Những nhạc công có niềm đam mê cũng như sự xuất sắc về kỹ thuật. Họ không cố thoả mãn cảm giác của du khách bằng cách mặc trang phục xưa. Họ để âm nhạc tự nói. Và nơi đây, Nora nghe thấy tổ khúc Bốn Mùa như thể là lần đầu tiên.
Ồ, cô biết rằng chính nhà thờ này đã thay đổi. Cô đã đọc được trong tập sách hướng dẫn mỏng là mặt tiền phong cách kiến trúc Palladis 1 đã có vào cuối thế kỷ mười tám, được xây thêm sau cái chết của bậc thầy, nhưng cô thấy như thể vị linh mục đang ở đây. Cô nhìn vào những khoảng tối lung linh ánh nến bên kia mấy cây cột, nơi dân địa phương đang đứng say sưa nghe nhạc, và trông chờ một cách vô lý tháy đầu tóc đỏ của ông ở giữa họ.
Khi Nora tới Venice, cô thấy như được tháo dây buộc thuyền. Như thể cô được thả trôi, được thả dây ở bến cảng, trôi đây đó trên những con đường giao thông du lịch không ngớt. Cuốn theo đám đông, chìm trong cái mớ hỗn độn mọi thứ tiếng nước ngoài, hay một toán học trò Pháp đi hàng đôi màu sắc sặc sỡ. Tha thẩn, bàng hoàng, quá San Marco thì cô đã tới trước mặt tiền nổi tiếng của Thư viện Sansoviniana ở Broglio. Nora sụp qua những cánh cổng chính của nó như kiểu một người đâm bổ vào Phòng Cấp cứu tìm sự chăm sóc y tế cần thiết. Cô không muốn hành xử như một khách du lịch, và cảm thấy một sức cưỡng mạnh mẽ lại nhóm họ. Cái đẹp cô thấy khắp nơi gần như khiến cô tin vào Thượng đế. Nó đương nhiên khiến cô tin vào Venice. Nhưng thành phố đã làm thân xác cô choáng váng gần mức cô bắt đầu cảm thấy sợ nó. Cô cần tìm ra một mỏ neo, để cảm thấy mình có thể thuộc về nơi này như một người bản xứ. Ở đây, trong thư viện này, cô sẽ tìm Corradino. Những câu chữ ân cần, hữu hình, những dòng văn xuôi dữ kiện thực tế, rải rác cùng những ngày tháng sẽ là những kinh độ và vĩ độ đưa cô về bến bình yên. Ở đây, ông sẽ đón cô như một người thân tại phi trường. Để ông dẫn cháu đi xem quanh, ông sẽ nói. Cháu thuộc về nơi này. Cháu là con cháu trong gia đình.
Người gác cổng tại khách sạn của cô, một người đàn ông tốt bụng, kiểu chú bác, đã nhận ra trạng thái tinh thần của cô theo cách một người chẳng lạ gì về tác động của thành phố mình. Chính ông là người đã gợi ý Thư viện này như một nơi phù hợp để tìm hiểu về tổ tiên của cô và về nơi cô có thể chiêm ngưỡng công trình của ông ấy quanh thành phố. Câu trả lời ngắn gọn Thưa cô, ông nói, là "gần như bất cứ nơi đâu". Nora vui mừng vì ông thấy quen thuộc với cái tên Corradino Manin. Ông nói về ông ấy như về một chỗ quen biết chén chú chén anh thân thuộc, Còn về chuyện thăm quan cái gì trong chính thành phố thì lời khuyên của ông lại đơn giản. Ông huơ bàn tay cởi mở. "Faccia soltanto una passeggiata, Signorina. Soltanto una passeggiata." Cứ đi, chỉ đi thôi.
Dĩ nhiên ông nói đúng. Từ khách sạn dễ chịu của mình ở Castello, cô lang thang trong các calle, mất dấu thời gian và phương huớng, và cũng chẳng hề để tâm. Tất cả mọi thứ ở đây đều đẹp, ngay cả cái đã suy tàn. Những ngôi nhà mục nát đứng cạnh những toà lâu đài lộng lẫy, chen vào giữa vẻ huy hoàng hai bên, những tầng thấp hơn cho thấy dấu thủy triều xói mòn, nơi con phá đang ăn tươi nuốt sống chúng. Khối nhà đổi màu đổ sụp vào kênh như một chiếc bánh quy những trong rượu Marsala 2, nhưng điều này dường như chỉ thêm vào nét quyến rũ của chúng mà thôi. Như thể chúng hân hoan khuất phục trước thủy triều - một sự nhai nuốt, một sự nhai nuốt tận tuỵ được khát khao. Nora thơ thẩn trên những cây cầu, như bị mê hoặc bởi một sợi dây phơi đồ giăng từ cửa sổ này qua cửa sổ kia qua một khúc kênh hẹp, hay bởi một tốp mấy cậu bé lôi thôi lếch thếch đang đá bóng trên quảng trường vắng. Cũng như cô đã bị mê hoặc bởi những hoạ tiết hình mảng Maroc tinh tế nơi các ô cửa sổ.
Nora cưỡng lại ý nghĩ định hướng cho mình. Ở London, đời sống của cô đã được vạch sẵn, được cắm biển chỉ đường và đánh dấu. Cô đã không bị lạc, lạc đúng nghĩa, trong nhiều năm. Cô biết chính xác làm sao để đi quanh thủ đô của mình, được sự trợ giúp, nếu cần, của từng đoàn bản đồ tuyến xe điện ngầm được mã hoá bằng màu sắc hay là cái A đến Z ấy. Stephen luôn là một mỏ thông tin, đã bảo cô là khi vẽ bản đồ tuyến xe điện ngầm, nhà thiết kế đã cố ý giữ cho khoảng cách giữa các trạm không đổi, dù trên thực tế chúng khác nhau xa. Đây là một cố gắng nhằm làm cho công dân thủ đô cảm thấy an toàn, để chấp nhận cách vận tải dưới lòng đất kì lạ này; để cảm thấy mình có thể di chuyển qua các cung phần tư được phân giới rõ ràng khác thường trong thành phố dễ dàng và an toàn.
Nhưng ở Venice này, mong muốn được ngẫu hứng của Nora được chính thành phố giúp sức. Cô có một tấm bản đồ ở mặt sau tập sách hướng dẫn của khách sạn – nó vô tích sự. Chỉ có hai hướng được ghi nơi mấy bức tường ở các calle trên tấm biển chỉ đường màu vàng xưa cũ – San Marco, và Rialto 3. Nhưng, như hình chữ S của Kênh Lớn chỉ ra, hai nơi này thường ở cùng một hướng. Cô thậm chí đã tới một quảng trường mà ở đó một bức tường mang hai tấm biển màu vàng chỉ San Marco. Mỗi cái có một mũi tên, mỗi mũi tên chỉ về một hướng.
Mình là Alice. Đây là các phương hướng do Mèo Cheshire vẽ.
Hình ảnh về cuộc sống của cô qua Gương Soi đã trở nên mạnh mẽ hơn nữa, khi mà, vì mặt trời đã bắt đầu lặn, cô cho là mình thực sự phải đến được San Marco. Nhưng khi cô thử đi theo mấy tấm biển, chúng dụ hoặc cô đi mỗi lúc một xa hơn, cuối cùng bỏ cô lại tại cái vòm trắng của cầu Rialto.
Nora dừng chân uống một tách cafe lấy sức dưới chân cầu. Cô nhìn từng đoàn du khách đi qua, háo hứng muốn biết thêm thông tin như những thương nhân ngày xưa, nắm chặt các sổ hướng dẫn và sách của Shakespeare. Cô thầm tách mình ra khỏi những đám đông ấy.
Mình không phải là du khách. Mình có mặt ở đây là để ở lại, để sống.
Đời sống của cô đã được đóng gói và cất trong mấy thùng hàng lưu kho tại các xưởng đóng tàu vô duyên ở Mestre gần đó, chờ trên đất liền, đã được thanh toán hết cho một tháng - thời gian cô cho phép mình kiếm một căn hộ và một giấy phép làm việc.
Cô nhìn theo những chiếc vaporetto 4 bình bịch đi qua, và nghĩ đến cha. Khi một con tàu kín người dừng lại tại trạm dừng Rialto, cô nhìn một thanh niên mặc bộ áo liền quần màu xanh thường lệ nhảy phóc lên bến, cuộn sợi dây chão rồi kéo thuyển vào nơi buộc của nó một cách dễ dàng nhờ thực hành lâu năm.
Cha mình.
Ý niệm xa lạ đối với cô. Ý nghĩ mẹ cô làm điều gì đó tự do như đến đây và vừa phải lòng vừa có thai, cũng xa lạ đối với cô. Cô thôi không nghĩ đến mẹ mình nữa. Cô không muốn thừa nhận là bà đã ở đây đầu tiên. Cô muốn đây phải là cuộc phiêu lưu của cô. "Mình không phải là mẹ mình," cô nói to. Tức thì, người phục vụ xuất hiện bên cùi chỏ cô, vẻ thắc mắc thân tình. Cô lắc đầu, mỉm cười; trả tiền, cho tiền nước, rồi đi.
Lần này, cô mượn chiến thuật của Nữ hoàng Đỏ trong Gương Soi. Cô đi về hướng ngược lại tấm biển chỉ San Marco. Và chẳng mấy chốc, cô không nghi ngờ gì nữa khi thấy mình bước vào cái mà Napoleon đã gọi một cách bất xứng, là "phòng khách đẹp nhất châu Âu".
Mặt trời đang xuống dần, những cái bóng khổng lồ. Tháp chuông lừng lững trên quảng trường như một cột đồng hồ khổng lồ. những dãy hành lang ngoài chứa những vòm ánh sáng thuông dài. Nora nhìn ngây người, kinh ngạc trước những mái vòm bằng đồng sang trọng của Basilia - sự trang hoàng như thế, vẻ huy hoàng như thế, một kho tàng cướp bóc từ phương Đông. Ở đây, Rome và Constantinople đã giao phối để sinh ra con quái vật lưng gù xa lạ và dị thường này. Một sinh vật hoàn toàn mới lạ, một con rồng với những cuộn và vây để chở che thành phố của cô. Và một cách tương phản, cái bánh cưới tuyệt trần Dinh Tổng trấn, thầm lặng và đồng nhất, phủ lớp kem hoạ tiết hình mảng bằng đá trắng. Chỉ ở nơi đây, cái đồng hồ Orologio được chế tạo cho người khổng lồ, nơi những con thú bằng vàng trong cung hoàng đạo đi xoay quanh trên mặt của nó thay cho những chữ số, mới dường như tương xứng và phù hợp. Nora thấy cần phải ngồi xuống. Đầu óc cô quay cuồng. Cô mở cuốn sổ hướng dẫn. Nhưng những con chữ chẳng có nghĩa gì cả. Chúng lũ lượt hiện ra trước mắt cô. Những dữ kiện đen trắng là một sự bất xứng khi được đặt trước vẻ đẹp lỗng lẫy muôn màu này. Hơn nữa, cô đã tự tách mình khỏi những khách du lịch ở Rialto và không muốn trở lại với bọn họ. Sổ hướng dẫn chặt trong tay, mắt nhấp nháy từ trang sách qua khu di tích như một nhân viên phát thanh bản tin ở đài vụng về đang vật lộn giữa bản thảo và máy quay.
Sao không ai báo trước cho mình chuyện này.
Cô đã đượoc bạn bè, các giảng viên mỹ thuật, và cả mẹ cô nữa khuyên đến đây từ nhiều năm rồi. Không ai tin được là cô, với tư cách là một nghệ sỹ, một người mang nửa dòng máu Venice, lại chưa từng đến đây. Khoảng khắc sáng tỏ. Cô biết trước kia mình chưa từng đến đây vì mẹ cô. Elinor đã có cuộc phiêu lưu Venice, và đã bị tổn thương ghê gớm. Venice đã ném trả bà, thấy bà bất xứng. Nora không muốn đến đây và so sánh, tìm vọng âm của câu chuyện ấy, ở vào hoàn cảnh của mẹ. Cô muốn có những khám phá của riêng mình về nước Ý – Florence, Ravenna, Urbino. Tất cả những người bênh vực Venice ấy trong số bạn bè đã bảo cô rằng nó là một nơi trên thế giới sống xứng với sự quảng cáo rầm rộ. Tất cả họ đều đã nói với cô.
Nhưng những người cô buộc tội về sự chuẩn bị ít ỏi của mình là các hoạ sĩ, các nhà văn.
Canaletto 5, sao ông lại không mô tả cho tương xứng nơi này? Sao ông, với tất cả sự tài nghệ bậc thầy của mình, không thể mô tả điều này cho tôi? Sao ông chỉ phác hoạ, không nắm bắt những chi tết ở cái đẹp này? Turner 6, sao ông không nắm bắt được mặt trời chảy máu xuống phá như tôi đang thấy lúc này đây? Henry James 7, sao ông đã không chuẩn bị cho tôi thấy cảnh nảy? Evelyn Waugh 8, những đoạn văn ca ngợi của ông chỉ là sự xúc phạm lợm giọng khi đối diện với cái thực. Thomas Mann 9, sao để sót nhiều đến vậy? Nicholas Roeg 10, ngay cả với ống kính và phim của mình, sao cả ông nữa cũng không thể cho tôi hay?
Cô gái ở mấy phòng tiếp tân lớn trong Thư viện giải thích cho Nora bằng thứ tiếng Anh chính xác và hoàn hảo là rất tiếc cô không được vào khu vực trong cùng của toà nhà. Tuy nhiên, khách không có thẻ thư viện vẫn được phép sử dụng bộ phận tra cứu. Nora xuất trình hộ chiếu và nhìn cô gái viết một cái thẻ đọc trong ngày với chữ viết tay tròn trịa rõ ràng, rồi đi theo cô ta, náo nức, qua mấy khung cửa đôi bên trái cửa chính thì thấm lời chào khép lại sau lưng. Những cuốn sách đợi chờ trong không khí tĩnh lặng và ngột ngạt, bụi và da ấm chào mừng Nora với sự quen thuộc những ngày sinh viên của cô. Một ông già là bầu bạn duy nhất của cô. Ông ngước lên, gật đầu, rồi cụp đôi mắt sáng xuống văn bản. Cô gái giải thích vắn tắt về các catalogue rồi biến mất.
Nora bắt đầu cuộc tìm kiếm giữa các thẻ ngả màu vàng ố trong các catalogue. "Manin" cho ra một số lượng mục từ gây bối rối, nhưng cô nhanh chóng nhận ra là hầu hết chúng đều liên quan đến một vị Tổng trấn – Lodovico, hay Daniele, một luật sư cách mạng đã kháng chiến chống sự xâm lược của Áo năm 1848. Mặt trời đi qua những ô cửa sổ lớn trước khi cô tìm ra rất nhiều dấu chỉ dẫn đoạn tham khảo cho Corrado Manin, và lôi từ một giá sách đằng xa xuống một cuốn sách khổng lồ như một loại để trang trí mấy bàn cafe trên thế giới. Hình chụp ở đó không được ưa và chẳng được ngó ngàng hết năm này sang năm khác. Ngồi ở một bàn bọc da, cô đọc lướt qua các trang sách và sững sờ. Ngay cả hình chụp những năm 60 đã phai màu cũng không làm suy giảm gì nhiều cái cô nhìn thấy ở đấy. Hết trang này sang trang khác, cái đẹp, vẻ tinh tế và vẻ đường bệ thuần tuý, tác phẩm khiến cô vùi đầu vào hai bàn tay, khiến cụ già phải liếc nhìn cô ái ngại.!!!Mình đến đây để tìm một người họ hàng dân thành phố này để cho mình một quyền gia nhập Venice, và thay vào đó mình lại tìm thấy một Bậc thầy - một Leonardo, một Michelangelo.
Nora cảm thấy sự thấp kém, sự bất xứng và niềm tự hào trong chừng mực như nhau. Mắt cô cuối cùng dừng lại ở đèn chùm với vẻ đẹp lạ thường và đọc câu chú thích bên dưới. "Candelabro – La Chiesa di Santa Maria della Pietà, Venezia" 11. Trí nhớ nhắc cô – cô đã thấy, dán trên những bức tường ấm của thành phố, một tờ quảng cáo nói rằng đêm nay chứng kiến sự khởi đầu của một loạt các buổi hoà nhạc Venice trong khung cảnh nguyên thuỷ của chúng. Nhà thờ Pietà có tên trong danh sách. Nora vội trả cuốn sách lại chỗ cũ và bước ra ngoài sáng, rẽ ngay đến Văn phòng Thông tin Du lịch bên trong Casino da Caffe. Cô mua tấm vé xem hoà nhạc và đi về phía San Zaccaria, dừng lại để ăn một đĩa mì ống mà cô đã vừa ăn vừa ngắm mặt trời tan trong phá.
Giờ đây, bên trong nhà thờ Pietà, cô biết mình đã có một lựa chọn đúng cho đêm đầu tiên. Ban ngày là một sự soi rạng, một sự tác động dồn dập lên các giác quan của cô đến mức cô cần thời gian để chỉ ngồi, để bị ép buộc phải tĩnh lặng trong vài giờ. Cô ngồi, để âm nhạc lẻn vào tai, và cố sắp xếp lại những ý nghĩ.
Từ lúc tới sân bay Marco Polo, cô đã thấy mắt tự chủ. Khi chiếc xuồng máy vứt cô và va li của cô qua phá đến Venice, cô đã thấy bị dập vùi, về thể xác bởi gió, và về tinh thần là bởi những gì cô đã trải qua.
Từ khi thức dậy lúc rạng sáng, cô đã ở trong trạng thái xuất hần, tự động đi qua các bước đã được lặp đi lặp lại nhiều khi ra nước ngoài – taxi đến phi trường, gửi hành lý. cảm giác nhẹ nhàng và sự ra đi không trở lại, khi mà, không còn cồng kềnh túi xách, cô tha thẩn khắp các cửa hiệu ở sân bay, thảy đầy những thứ cô không cần. Ở hiệu sách cô mua một cuốn tiểu thuyết có bản tranh của Canaletto trên bìa, và nghĩ thật lạ lùng là, đến trưa, cô có thể dạo bước trong chính những khu vực mà ông đã vẽ. Cô để cuốn sách xuống – cô không cần sự tưởng tượng. Cô đang bước vào hiện thực Venice của riêng mình. Trên chuyến bay, cô vẫn còn thấy tự chủ được. Cô đón nhận với lời cảm ơn thức ăn và nước uống, cuốn tạp chí biếu của mình, chăm chú lắng nghe các hướng dẫn an toàn. Nhưng ngay khi máy bay đáp xuống, Nora bắt đầu cảm thấy sự chơ vơ mới mẻ, nhưng không khó chịu này. Cô nhận ra rằng trong những giấc mơ phù phiếm buồn cười của mình, cô đã tưởng tượng chiếc máy bay hạ cánh xuống quảng trường Thánh Mark, trên một đường băng vị lai nào đó. Nhưng thực tế lại cũng gần kỳ lạ như vậy – Marco Polo dường như thực sự ở trên nước, một phi trường đảo, bốn bề là biển. Cô cũng chưa nghĩ kỹ giai đoạn kế tiếp, nhưng giờ thì nhận ra là mình sẽ bắt một chiếc tàu đến Venice. Dĩ nhiên. Khi người tài xế đỡ cô lên chiếc xuống chòng chành, cô đã so sánh kinh nghiệm này với chiếc taxi đen và người tài xế khu đông London vui tính đã chở cô đến sân bay Heathrow lúc sáu giờ.
Còn có gì khác nữa mà cô chưa nhận ra. Chiếc xuồng chẳng mấy chốc tới một vùng đất liền và bắt đầu hình bích dọc một con kênh hẹp. Nora biết ngay đây chưa phải là Venice, nhưng lại nghe thấy một hoà âm xa xăm kỳ lạ, như âm vang tiếng chuông chìm dần, gọi cô. Như thể đọc được ý nghĩ của cô, người tài xế vung ngón cái về phía những toà nhà xưa cũ và la to một tiếng cộc lộc át tiếng gió: "Murano".
Murano. Quê hương của Thủy tinh. Nơi làm việc của tổ tiên cô. Cô thấy ngạc nhiên đến choáng váng khi đi ngang khu đất đầy những xưởng thuỷ tinh. Cũng những xưởng thủy tinh ấy, ở cùng những nơi ấy, cất giữ cũng những kỹ xảo mà họ đã có hàng bao thế kỷ. Cô biết là ngày mai mình sẽ trở lại, để hỏi thăm về công việc.
Thay vì cảm thấy sợ kế hoạch điên rồ của mình, cô bỗng cảm thấy điều gì thật chắc chắn. Điều này là thật, và cô sắp sửa thực hiện nó. Từ định mệnh xuất hiện trong đầu cô. Một từ ngu ngốc, lãng mạn, nhưng một khi đã ở đấy thì không rời xa nữa. Cô nắm chặt trái tim thủy tinh trên cổ và chợt thấy màu mè. Cô muốn làm một kiểu cử chỉ nào đó. Cô bắt đầu tháo bím tóc ra, và để vầng tóc bay trong gió. Cô có ý muốn chào Murano, nhưng biết rằng, thật ra, cử chỉ là dành cho Stephen.
Cô tiếc cái bốc đồng khi đến khách sạn, cố chải mớ tóc rối cho ra một cái kiểu nó đó trong cái gương mô giả rococo trong phòng tắm. Cô trông rất khác so với lúc cô soi trong gương nhà vào bốn giờ sáng. Cô ngắm cái tôi Venice của mình trong gương soi xứ Venice. Tóc cô rối bù, má cô ửng hồng vì gió biển, mắt cô long lanh cái ánh sáng của kẻ cuồng tín. Trái tim thuỷ tinh là thứ duy nhất kiên định, khi nó vẫn còn nằm trên cổ cô. Co nghĩ mình trông như một mớ luộm thuộm – có chút điên rồ nữa là khác, nhưng đồng thời, khá xinh đẹp.
Ai đó cũng đã nghĩ như thế.
Anh ngồi đối diện cô bên kia lỗi đi trong nhà thờ. Có lẽ khoảng ba mươi, bề ngoài cực kì chăm chút như hầu hết đàn ông Ý, cao vì hai chân anh đút vướng víu sau ghế dài. Và gương mặt anh – cô chưa kịp nhận ra thì ý nghĩ đã thành hình trong đầu.
Anh ta giống như từ trong tranh bước ra.
Tức thì, cô nhớ lại câu chuyện của mẹ cô, hoảng kinh vì những ý nghĩ của họ ngân lên một kiểu qua khoảng cách thời gian ba mươi năm. Cô quay đi. Nhưng đã nghĩ điều đó rồi, cô không thể rút lại được nữa. Cô nhìn lần nữa và anh vẫn còn nhìn cô. Hai má cô nóng bừng và cô quả quyết ngoảnh đi lần nữa.
Tiếng nhạc làm dịu ngọt những ý nghĩ của cô và Nora dán mắt vào cái mình đã đến để xem. Cái đèn chúm trang trí bằng thuỷ tinh thật lớn treo cao trên đầu cô, hiện ra từ trong bóng tối trần nhà như một cây pha lê dốc ngược. Vô số giọt châu buông xuống từ những cành trang trí trông mảnh mai lạ thường đến nỗi chúng phải khó khăn lắm mới đỡ được những giọt châu của mình. Nora cố dõi theo từng nhánh thủy tinh, xem nó cong và uốn ra sao, nhưng mỗi lần như thế cô lại mất dấu vì phần thiết kế tinh khôn hơn cô. Mỗi giọt châu pha lê dường như bắt ánh nến và giữ chúng lại bên trong sự toàn mỹ của lăng kính. Cô có thể nghe thấy, văng vẳng trong đầu nốt vọng âm cô đã nghe trước đó khi ngang qua Murano, nhưng trong tích tắc đã nhận ra nốt này là có thật, hữu hình. Chính thuỷ tinh đang hót thánh thót. Âm sắc của những sợi dây và sự rung động của chúng khiến từng cành và giọt pha lê ngân lên cái đối âm gần như không thể nhận thấy của riêng mình. Nora nhìn vào tập sách mỏng tìm thông tin về phép lạ mà ông tổ của cô đã chế tác. Chẳng có gì ở đấy cả, nhưng Nora tự mỉm cười một mình vì cái cô đã biết.
Nó đã ở đây khi ông còn sống, Antonio Vivaldi à.
Hồi ấy, cũng như bây giờ, ông nghe chính tác phẩm của mình vọng lại ông trong sự hoà âm pha lê này. Thực ra, nó đã ở đây trước cả khi ông ra đời nữa. Và nó được làm bởi Corradino Manin.
Chú thích
1 Andrea Palladio (1508 - 1580): kiến trúc sư người Ý.
2 Rượu Marsala được sản xuất trong vùng quanh thành phố Marsala, ở Sicily, Ý.
3 Cầu Rialto.
4 Tàu chạy bằng hơi nước, phà.
5 Giovannio Antonio Canal (1697 -1768): hoạ sĩ người Ý.
6 Joseph Mallord William Turner (1775 -1851): hoạ sĩ người Anh.
7 Henry James (1843 - 1916): tác giả và nhà phê bình văn học người Mỹ.
8 Arthur Evelyn St. Jonh Waugh (1903 - 1966) nhà văn người Anh.
9 Paul Thomas Mann (1875- 1955) nhà văn Đức đạt giả Nobel văn học năm 1929, được coi là nhà văn lớn nhất ở Đức thế kỷ 20.
10 Nicolas Jack Roeg, đạo diễm phim và là nhà điện ảnh người Anh.
11 Đèn chùm - Nhà thờ Santa Maria della Pietà, Venice.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano