Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2256 / 37
Cập nhật: 2015-09-09 10:15:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
rời ơi! Cay xé họng. Liên kêu lên rồi hít hà thật to.
Lan cười ngất và nhìn chị chảy nước mắt để được cười thêm. Hôm nay hai chị em ăn cơm với mắm sống, vì Liên thích thỉnh thoảng được cái gì gợi nhớ thời thơ ấu của nàng ở tỉnh. Họ dùng ớt hiểm bởi cái cay yếu ớt của ớt sừng trâu không đủ làm báng vị tanh của mắm sống.
Đây là lần đầu từ ngày ở lại với Định sau bữa ăn trong quán Đồng Quê, lần đầu mà Lan dám nhìn ngay mặt chị. Nàng đã không sợ Liên bắt tội đã yêu Định, nhưng ý muốn giấu giếm của Định cũng khiến nàng mặc cảm phần nào.
Mà hễ khi con người bị mặc cảm thì họ nhột nhạt và cứ lo người khác thấy cái gì khác lạ nơi họ, sợ sệt người khác, người khác đó là kẻ có quyền đối với họ.
Chính vì thế mà rồi những chuyện kín đáo nhứt cũng không ai giấu được ai, trừ phi kẻ muốn giấu là một tay thầy đóng kịch hoặc là một người có một bộ thần kinh bằng thép.
Nếu Định không căn dặn đừng cho Liên biết là cô cậu yêu nhau chắc là mười năm nữa, Liên cũng không hề nghi ngờ gì, bởi Lan tự nhiên được trước mặt chị của nàng.
Liên đã thấy được rằng Lan hơi khác trước, ban đầu nàng chưa rõ là cái gì, sau xét kỹ mới hay Lan tránh nhìn nàng, tránh bị nàng nhìn. Tự nhiên nàng nghĩ ngay tới Định.
Nói "tự nhiên" là tự nhiên đối với Liên, chớ thật ra, không tự nhiên chút nào, vì Lan có thể sợ sệt hay xấu hổ vì chuyện khác hay vì chuyện yêu đương đi nữa, thì sao lại với Định mới được chớ? Nàng đã chẳng đề nghị Lan với Định và Định đã chẳng từ chối à?
Nhưng Liên thì cứ thấy rằng nàng nghĩ tới Định là tự nhiên. Sự tự nhiên nầy do trực giác của nàng mách cho, mà cũng do ghen tương bóng gió và vô lý chi phối nữa.
Thừa cái dịp độc nhứt mà hơn ba tuần lễ nay mới xảy ra một lần, Liên vội chụp lấy nó ngay. Mắt nàng ướt mèm lệ cay ớt vậy mà nàng cũng cố nhìn thẳng vào mắt em và đột ngột hỏi:
- Hổm nay em đi thăm anh Định, anh ấy có nhắc tới chị hay không?
Lan bối rối trông thấy và lâu lắm nàng mới đáp được, cố thẳng thắn:
- Có
- Anh ấy nói gì?
- Chỉ hỏi thăm sức khỏe của chị vậy thôi.
Liên không cần hỏi gì thêm mà cũng biết hết rồi. Nếu Lan xấu hổ với Định, trốn hẳn luôn, thì nàng sẽ nín đi, không nhắc tới hắn. Hai điều đó phải đi đôi với nhau.
Đằng nầy, Lan cũng đi thăm Định, mà không hề nói với nàng, nghĩ tới việc mua quà biếu Định hay thêu tặng Định một mớ khăn, đem tặng hắn một chiếc áo len thì vô lý quá.
Lan qua lại với người ơn của gia đình mà không thèm nói tới người ơn đó trong gia đình thì chắc chắn là giữa cô cậu đã có gì với nhau rồi.
Bỗng dưng nàng nghe lòng quặn thắt đau.
Nàng không yêu Định cho tới cái phút mà hắn nhận cho Lan vô buồng hắn với bà mụ. Kể từ phút ấy, nàng nghe lòng nàng khác đi.
Nếu Định si ràng, vị tình nàng và để bị lợi dụng thì nàng đã xem hắn là một thằng ngốc, không hơn kém. Nhưng hắn tỏ ra không thèm vị nể mà hắn lại nhận cái nợ đời ấy thì quả hắn không phải là kẻ tầm thường. Kẻ không tầm thường ấy rồi sau lại, lại từ chối cả hai lối đền ơn thì hắn càng không tầm thường hơn nữa.
Đêm đêm, nàng mong đợi người con trai mà nàng nhớ rõ rằng rất đẹp mã, và ăn nói rất dễ thương, nhưng không hiểu sao hắn lại không bao giờ trở lại vũ trường Eldorado cả.
Bóng sắc của người con trai ấy, buổi đầu nàng bất đếm xỉa tới, bởi nàng đang nát óc vì chuyện gia đạo, và bởi vì nàng đã tới cái tuổi mà lý trí lấn quyền của tình cảm không phải hễ cứ đẹp trai là được nàng yêu đâu.
Nhưng giờ, biết con người ấy thế nào rồi nàng mới cho phép cái mã của hắn làm nàng bâng khuâng.
Mà bâng khuâng thật sự ấy chớ! Liên đã kinh ngạc mà nghe mình nhớ nhung như hồi còn con gái và hình ảnh của Định theo đuổi nàng trong giấc ngủ, trong bữa ăn.
- Cay quá, chị không ăn được nữa!
Liên buông đũa vì lệ nàng đã tuôn ra ràn rụa. Cũng đỡ khổ là kẻ bị cay ớt cũng vừa chảy nước mắt, vừa chảy nước mũi y như là khóc vậy, nên Liên khóc mà không sợ ai biết.
Tuy nhiên Lan vẫn biết, vì Liên bỏ món tráng miệng đi nằm liền, trái hẳn với thường lệ mà sau bữa cơm tối nào hai chị em cũng trò chuyện một hồi, rồi nàng điểm trang để đi làm.
Cô em rất khó chịu, vì cô ta không chánh đáng hóa mối tình của cô được, bởi nhớ ra thì hình như là có gì giữa cô chị và anh nhơn tình. Cái gì đó, không hẳn là tình yêu, nhưng chắc chắn cũng không phải là một cuộc giao thiệp thường. Hơn thế, Định lại không muốn ra mặt yêu cô, đối với Liên.
Như thế, Liên hơi hơi có quyền, và Lan khó mà nói: "Mặc kệ chị ấy chớ, mình có biết đâu là đâu, mình yêu anh Định thì mình cứ yêu".
Ấy, mặc dầu không ai khiển trách ta được về một hành động nào đó, ta cũng không an tâm, bởi riêng đối với ta, ta thấy nó không ổn lắm.
Lan định sẽ nắm đầu nhơn tình của nàng tới đây, sẽ khai thật hết, cho dứt khoát.
Đây là mối tình đầu của nàng, nàng muốn nó được tròn trịa, ít lắm cũng trong buổi ban đầu, để cho hạnh phúc của nàng được toàn bích, không có đám mây mờ nào che phủ lên đó cả.
Nếu phải bị Định bỏ rơi, sáu tháng nữa đây, cũng chẳng sao, miễn trọn mùa yêu đương của họ, nàng được hoàn toàn sung sướng là đủ rồi. Con gái đời bây giờ họ chưa sống mà cũng đã lắm kinh nghiệm về chuyện tình duyên, đó là kinh nghiệm tiểu ri mà những người bạn đã sống, truyền lại cho họ tinh thần cởi mở với nhau. Lan biết được đại khái rằng trong một ngàn cuộc yêu đương không được hợp thức hóa, chỉ có một đám là thọ tới già mà thôi, còn thì nó rả bèng cả, sớm hay muộn, còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác.
Nhưng nàng không cần được Định yêu tới già, hay cũng cần nhưng không sợ hãi bị Định bỏ rơi. Tuy nhiên nàng rất sợ mối tình có thể là ngắn ngủi của nàng không được trọn đẹp. Và chính vì tánh cách phù du có thể có của mối tình của nàng, nên nàng càng muốn cho nó vui vẻ tới mức tối đa ba tháng thật là thần tiên cũng bằng như là mười năm yêu đương in ít, hoặc yêu đương trong xung đột ngấm ngầm với nhau, yêu đương mà bị điều kiện khách quan phá đám.
Lan ngồi bên ghế sa lông một mình mơ hão Định tới chơi. Chị Liên của nàng đang bị chấn động tâm thần thì sự xuất hiện của Định có thể gây nổ bùng. Mà thà là nó nổ bùng rồi nó im lại, còn hơn là cứ phải lo không biết cái gì sẽ xảy ra.
Liên vào buồng với một chiếc khăn ướt. Nàng biết rằng nàng phải khóc lâu lắm, rồi sau đó lại không dám ra ngoài rửa mặt, nên đã nhúng nước một chiếc khăn lông nhỏ, vắt ráo, hầu lau mặt sau một trận khóc mà không ai dè.
Trong lúc trang điểm, nàng cố gắng bình thản, vui tươi để lát nữa nói được với Lan vài tiếng, như không có chuyện gì xảy ra.
Chính nàng cũng muốn tránh mây mờ cho mối tình của Lan. Nàng đã yêu nhưng không được, thì nên để cho Lan trọn hạnh phúc vậy.
Bốn mươi phút đồng hồ sau đó, một cô Liên mà cho đến đỗi người thiếu nữ 17 là Lan cũng phải trầm trồ, đi ra buồng ngoài tươi trẻ, đẹp như một cô dâu ngày cưới, cười nói với em:
- Em coi nhà nhé!
Đó là lời dặn dò lấy lệ, vì nhà nầy không có gì để mất trừ quần áo của hai chị em, mà chị bếp thì rất trung thành, lại cũng chẳng hay bỏ nhà đi đâu. Hơn thế, Liên thừa biết là Lan chỉ đợi nàng ra đi, để cũng ăn mặc tốc hành rồi đi chơi với bạn hữu. Ngày trước, trước tai nạn của Lan thì như vậy đó, giờ Lan đã tởn hay chưa, Liên không rõ.
- Chị đẹp như hoa hậu Saigon! Lan khen.
Liên thèn thẹn sung sướng nhưng, bỗng lại nghe buồn vô hạn vội nói:
- Thôi chị đi đây.
Lúc đợi tắc xi trên vỉa hè, Liên càng buồn hơn. Nàng rất biết rằng nàng đẹp lắm, tuy không thể làm hoa hậu được chỉ vì tuổi tác thôi, nhưng nàng không ngán các hoa hậu chút nào. Nhưng đồng thời nàng cũng biết rằng không còn bao lâu nữa thì sẽ không còn gì thời xuân sắc nầy cả.
Đây là thời mà nàng dễ làm lại cuộc đời nhứt, nhưng lại vẫn cứ cô đơn, và đáng lý gì phải có sẵn một chiếc xe với một người bạn trai ngồi đợi nàng trên đó, nàng lại chịu rục giò mà đợi tắc xi mỗi đêm.
Chắc gương là món mà người đàn bà vào thời kỳ nầy, ưa đàm đạo với nó nhứt, mà đồng thời, mâu thuẫn thay, cũng sợ hãi nó nhứt.
Cuộc đối diện đàm tiếu với gương mỗi đầu hôm, mỗi sớm mai, rất lặng lẽ và chỉ gồm có hai câu ngắn nầy thôi: "Ta đẹp hay không?", và "Ta đẹp trong bao lâu nữa?"
Hai câu trả lời của gương cũng vắn tắt, xẵng lè: "Cô đẹp ghê hồn!" và "Đừng hỏi rồi phải khóc".
Người đàn bà, tuy vậy vẫn chưa ngất đi trước câu thứ nhứt không an ủi chút nào ấy. Nhưng họ cứ lo ngày kia họ sẽ ngã ra mà chết giấc trước câu sau đây, chừng ấy gương được hỏi hai câu mà chỉ đáp bằng một câu thôi: "Cổ cô đã có ngấn, nơi khoé mắt cô đã xuất hiện cái mà người Âu châu gọi là "chơn vịt" và ngày nào đây, coi chừng những sợi tóc bạc tiên phuông?"
Ngày nào những mỹ nhơn sắp về chiều cũng bị một sức mạnh vô hình xô đẩy họ bước tới trước tấm gương rất nhiều bận, và ngày nào họ cũng phải chiến đấu với sức mạnh ma quái ấy vì họ cứ lo câu nói ghê gớm trên đây được thốt ra "Hôm nay".
Liên buồn ghê hồn, vì đêm nay là tối thứ bảy. Ở Saigon, hoàn toàn rảnh rang, không cần phải gìn giữ như hồi còn con gái, mà một người thiếu phụ trẻ đẹp lại không được một người bạn trai mời đi ăn cơm, đi uống nước, đi dạo một vòng, là cả một thảm kịch chớ không phải vừa đâu, đối với nhơn sinh quan thông thường của xã hội ta.
Phương chi sự tủi thân hằng tuần của Liên, đêm nay lại chịu đầy cuộc chấn động tâm tư trước khám phá của nàng thì nàng còn nghe đời vô vị hơn trước không biết bao nhiêu.
Từ sau đêm Lan thoát nạn, Liên cũng vẫn không được gặp Định, trừ cái buổi đi thăm đáp lễ của nàng. Nhưng nàng cứ mong chờ trong một niềm hy vọng thật là mong manh như hơi thở của người hấp hối.
Đêm nay thì không còn gì nữa! Cuộc tán tỉnh giả vờ của người con trai ấy chỉ còn là một kỷ niệm, nhớ nhung, mong đợi của Liên sau đó, chỉ là một giấc mơ con gái và ông hoàng tử đẹp trai không bao giờ xuất hiện ra cả.
Ý! Cái khoảng thời gian mà các hộp đêm mới khai nhạc nó mới chán phèo làm sao chớ! Cũng may là ở đây có ẩn. Nếu chỉ là tiệm nhảy, chính những khách đầu tiên họ cũng nghe họ trơ quá mà đưa cái bản mặt ra một mình giữa một khoảng không mà chỉ sầm uất dân chơi, trông sao lại hẹp té còn giờ thì nó minh mông như sa mạc.
Liên ngồi chơi với cái chơn đèn và chợt nhớ ra hai tiếng "bị" và "được" mà Định đã dùng trong mấy đêm đầu mà hắn tán nàng để làm gì không rõ (mãi cho tới ngày nay cuộc tán tỉnh giả đò của Định cũng cứ còn hoàn toàn bí mật đối với Liên), và thỉnh thoảng thắc mắc lại nổi lên: "hắn tán mình để chi?"
Đêm nay nàng mới thấy là Định rất có lý mà cho rằng "Được" tình phụ, thú vị lắm, và "Được" đau khổ, hay ho lắm.
Đêm nay mặc dầu lòng nàng nặng đau buồn, Liên cũng nghe dễ chịu hơn những đêm trống không trước khi gặp Định. Không có công việc làm mà cứ phải ngồi đó mà nhìn người ta vui chơi, nó chán, nó tủi, nó trống rỗng nó lạt phèo.
Liên cố nhớ lại những giây đồng hồ trước khi Định xuất hiện lần đầu xem nàng đang làm gì. Nàng đang không làm gì cả. Đành vậy. Nhưng nàng ngồi thế nào nhìn vào đâu?
"Phải rồi, như thế nầy", Liên đã nhớ ra. Nàng như ngó mông vào khoảng không, nhưng thật ra thì nàng nhìn một bàn kia mà một cặp đang đối diện, người thiếu nữ thoạt trông cứ ngỡ là Lan. Rồi nàng thấy lại là không phải, nhưng cứ ưa nhìn họ.
Đêm ấy cũng đúng vào giờ nầy đây, sàn gỗ cũng trống không, khách ăn thưa thớt chỉ có khác là nàng không đang nghĩ gì cả.
Liên cố không nghĩ gì cả, nhìn cái bàn đen ấy với cái bộ như là ngó mông vào khoảng không. Nàng muốn tạo lại không khí y hệt như một không khí đêm đó, không khí riêng của nàng chớ không phải không khí của vũ trường với cái mơ hão là Định cũng sẽ xuất hiện ra.
Những dân tộc lâu đời như Ba Tư, Á Rập, Trung Hoa và ta thường tin tưởng rằng thỉnh thoảng có một sự trùng phùng tất cả mọi điều kiện, ở một nơi nào đó, bất cứ vào thời nào, và hễ sự trùng phùng ấy mà xảy ra, thì cái xảy ra ở lần trùng phùng trước, lần nầy nó cũng xảy ra y hệt như vậy.
Đó là giấc mơ nó chỉ tạm ngủ yên nơi ta, ta của thời đại vệ tinh, hỏa tiễn, những khi nào ta không biết làm sao cho chuyện ta ưa thích xảy ra trở lại một lần nữa, thì giấc mơ ấy lại sống dậy.
Liên tâm tâm niệm niệm như học trò tiên thắp hương phép để kêu gọi tôn sư đang ẩn dật trên non cao, và lạ lùng thay, Định xuất hiện.
Liên làm bộ cúi xuống để soạn giấy má, sổ sách gì, tim nàng đập thật mau và thật mạnh, khi nàng thấy bóng dáng một người đàn ông tiến đến quầy nàng.
Hắn đã tới nơi và nàng ngước lên.
Đây là nụ cười khó khăn nhứt trong đời của Liên. Nàng thất vọng, buồn ghê đi, nhưng vẫn phải mỉm cười, vì đây là người quen, không thân, nhưng cũng chẳng thờ ơ y được: đó là nhà doanh thương Nguyễn Văn Mạnh.
Ông Mạnh mặc đồ lớn đi như dự tiệc có áo hẳn hoi ông rất đẹp ơ hơ... nói đẹp trai thì không đúng, vì ông không còn là con trai nữa, còn nói đẹp... già cũng sai, bởi ông cũng chưa già, vả lại, không có từ ngữ đẹp già. Ờ... ờ... ông rất đẹp người và rất chững chạc nhờ bộ đồ lớn, nhờ bộ râu Cờ-lạc-gạp của ông ta.
- Chào người đẹp! Người đẹp mạnh giỏi?
- Ông Mạnh nói thật to và hơi rượu mạnh bay ra nực nồng.
- Chào ông, lâu quá mới gặp lại ông.
- Nhưng tôi thì đêm nào tôi cũng núp sau góc cột để nhìn người đẹp.
Ông Mạnh đã được giới thiệu với Liên cách đây một năm. Lúc ấy ông cũng thấy là Liên đẹp lắm, nhưng ông đang mê cái cô bồ đã cho ông mọc sừng trong chuyến đi Nhựt Bổn của ông, nên ông đeo đuổi Liên, mặc dầu họ đã chạm mặt nhau sau đó năm bảy lần ở đây hoặc ở nơi khác.
Rồi ông quên mất luôn Liên, bởi ông không hề "cô đơn". Có lẽ tuần nầy ông vừa bị một người bồ nào cho trợt vỏ chuối hay sao không rõ, và tình cờ vào đây ông muốn ghé lại bến nầy chăng? Hay ông chỉ đến nói vài ba câu chuyện với người đẹp cho qua một buổi?
- Góc cột nào? Chỗ nầy nhỏ quá, đâu có cột, ông.
- À, đó chỉ là lối nói thôi, người đẹp à! Núp góc cột, nghĩa là tôi biết thân, tôi đứng đàng xa để nhìn lén người đẹp vậy mà!
- Nhưng sao đêm nay ông lại ra mặt?
- Là vì... h... ừm... ừm... thật khó nói quá! Con trăng nó đi vắng mười lăm ngày trong một tháng, rồi cũng phải cho nó mọc lại chớ, không lẽ cô bắt trăng trốn hoài hay sao?
- Rất chánh đáng. Nhưng mọc được mười lăm đêm rồi nó lại lặn nữa?
- À không! Nếu người đẹp ra lịnh cho nó mọc hoài thì nó sẽ mọc hoài.
- Nếu kẻ nầy mà có được cái hân hạnh khó mong, là làm người đẹp đi nữa, thì cũng không thể thay quyền tạo hóa.
- Thay được như thường. Người ta nói: "Đàn bà muốn là trời muốn" kia mà. Cô Liên nè!
- Chi đó ông?
- Dạo nầy cô cũng cứ đi và về bằng tắc xi?
- Vâng.
- Bất tiện lắm nhứt là qua mùa mưa.
- Cũng chẳng có gì mà bất tiện.
- Dầu sao đi xe nhà vẫn hơn chớ!
- Nhưng còn lâu lắm tôi mới sắm nổi xe nhà.
- Hừ, sao cô nói vậy. Đã bảo: "Đàn bà muốn là trời muốn" kia mà! Cô không thích làm ông trời hay sao?
- Không dám phạm thượng như vậy.
- Thì đó cũng chỉ là một lối nói thôi. Cô Liên nè?
- Tôi vẫn ngồi đây, cách ông có một thước dây, ông đâu có cần kêu gọi mãi như vậy.
- Ấy đó là kêu gọi sự chú ý của cô ấy mà! Chiều mai mời cô đi ăn cơn nhé?
- Cám ơn mỹ ý của ông, nhưng xin cho khi khác.
- Bao giờ, thưa cô?
- Chừng nào tôi có hứng.
- À, cái đó thì tôi sẽ mỏi mòn mà chết mất. Biết bao giờ cho người đẹp có hứng! Nhưng không sao, tôi sẽ bền chí, và nếu phải hóa thành đá vọng... ăn cơm, tôi cũng không ngán. Người đẹp ơi, thôi, xin phép nhé, và đêm sau, tôi sẽ trở lại thăm người đẹp.
- Cám ơn ông.
Ông Mạnh trở về bàn của ông mà hai người bạn đồng niên của ông đang đợi chờ kết quả:
- Thế nào?
- Ông Huân hỏi.
- Nó hứa sẽ đi, nhưng chưa biết ngày nào.
- Ông Mạnh đáp xuôi xị.
- Như vậy cũng bằng như ông De Gaulle hứa cho dân ta độc lập, năm 1945. Vậy toa trả tiền đêm nay không còn chối cãi gì được.
Thì ra, đây là một vụ đánh cá. Họ cá với nhau hễ ông Mạnh mời cô thu ngân đi ăn cơm được thì họ trả tiền bữa ăn ấy, bằng ông thất bại ông phải trả bữa rượu nầy.
Chỉ có thế thôi.
Nhưng ông Mạnh không chịu, chỉ có thế thôi. Ông sẽ được Liên, ông mới nghe cho. Và ông tin rằng ông sẽ được. Từ thuở giờ, ông chưa hề muốn cái gì mà không được, nên ông rất tin nơi sức mạnh của đồng tiền.
Ông biết rằng Liên đang rảnh rang, nhưng nếu Liên có chồng đi nữa, ông cũng sẽ được Liên, ông cả tin như vậy. Khi nãy ông thất bại vì ông đánh cá cầu vui, cũng biết rằng mình thua, nhưng cứ đánh, đánh xong, và thua cá, tự ái của ông bị thương. Ông nhìn hai người bạn mà rằng:
- Lẽ cố nhiên là moa trả tiền đêm nay. Nhưng mà cái vụ ăn cơm ấy thì sẽ có. Các toa nên đón mà xem.
- Rất có thể, ông Hạc nói, nhưng mời được ngay mới là tài chớ. Rất có thể, nhưng cũng không chắc được đâu nghen bồ! Ha... ha... ha...
Ông Mạnh cắn môi dưới, sờ những đầu râu ở mép trên, tự thề với mình rằng ông phải được Liên, cho dầu tán gia bại sản cũng phải được.
° ° °
Định vừa trao bì thơ cho thiếm xẩm chủ tiệm sửa tủ sắt thì thiếm ta trao lại ngay cho chàng một mảnh giấy cứng khổ danh thiếp, màu xanh, không có viết chữ hay in chữ gì lên giấy hết.
Đó là giấy gọi chàng lên gặp mặt thượng cấp trực tiếp của chàng.
Chàng hồi hộp ghê lắm, mặc dầu vụ ông ký Paul Nguyễn Trần đã chìm mất từ hơn hai tháng rồi, không biết thằng ở khu nào lãnh đủ, nhưng chắc chắn là nó đã lãnh.
Sự gặp mặt luôn luôn là để nhận chỉ thị tối quan trọng, hoặc nhận cáo trạng nào thuộc loại bức thư cảnh cáo hơn hai tháng trước, nhưng mà với đủ bằng cớ, và liên hệ riêng cho người bị gọi.
Mặc dầu dạo sau nầy chàng túng tiền ghê lắm. Định vẫn chưa làm bậy, cho đến cái áp phe làm mối chàng cũng bỏ đi luôn vì khi nào chàng thử đá động tới vụ ấy thì Lan nó nạt đùa chàng, cấm chàng "nói chơi" như vậy. Nó cho rằng đùa cợt về chuyện xấu xa mãi rồi ngày kia ta đâm ra quen với những ý nghĩ xấu xa và dám làm chuyện xấu xa lắm. Lan có biết đâu rằng chàng đã dám làm rồi.
Với lại coi bộ Lan nó cũng ghen, không thích chàng nhắc đến tên cô Minh, nói đến cô Minh mà chàng đoán là đẹp lắm.
Định nhảy qua không biết bao nhiêu là đống sắt cũ, đi qua khỏi một cái buồng kín bằng ván, chỗ nầy tối om như ở trong hang, mới đến một chơn thang lầu.
Thang lầu bằng gỗ, đã lâu đời lắm rồi nên mới bước lên đó là rung rinh, nghe mà bắt sợ. Lên tới đầu thang, Định dừng bước lại trước một cánh cửa ba nô mới toanh, chắc là mới gắn để ngăn tiếng nói lọt ra ngoài.
Chàng gõ cửa hai tiếng nhặt, rồi hằng năm giây sau đó, gõ thêm tiếng nữa. Một ngọn đèn gắn tại đầu khung cửa cháy lên rồi tắt liền, cho biết rằng chàng vào được.
Định vặn hột xoài, đẩy cửa bước vô, rồi khép kín cửa lại cẩn thận sau lưng chàng.
Căn lầu nầy sâu mười hai thước, và Thiếu tá Bân đặt bàn giấy giữa phòng, cách cửa sổ phía trước non sáu thước, cách cửa ba nô cũng non sáu thước.
Phòng trống trơn, chỉ có cái bàn giấy ấy mà thôi, trên bàn cũng chẳng có gì, trừ máy điện thoại và cặp da của người ngồi sau bàn. Cặp da no nóc để bên mép bàn, tay phải của người ngồi bàn, còn điện thoại thì ở bên tay trái.
Cả cái mặt tiền căn lầu là cửa sổ có chấn song sắt, và cửa sổ được che lại bằng rèm trúc để tự nhiên không sơn màu mè cho bên ngoài, dưới đường, không ai chú ý.
Thiếu tá Bân ngồi đưa lưng ra cửa sổ ấy, đang xem một bức thơ hay một văn kiện gì viết tay trên một tờ giấy nhỏ mà ông cầm, nhưng tay cầm giấy lại nghỉ trên mặt bàn.
Ông ta không ngước lên, ra hiệu cho Định ngồi trên một chiếc ghế Macadi đặt trước bàn viết mà khi nãy Định không thấy.
Thiếu tá Bân trạc ba mươi, nước da ngăm ngăm đen và khá bảnh trai, Định đoán rằng ông ta chỉ là Thiếu tá giả định, và cái tên Bân của ông ta chưa chắc là tên thật bởi ông ta là người miền Nam mà người miền Nam ít khi đặt tên Bân lắm, bởi trong ngôn ngữ miền Nam, Bân không có nghĩa là gì cả.
Ông ta đeo kính trắng và Định lại đoán rằng đó là loại kiếng trung lập, không công phạt, chớ không phải kính cận thị.
Những người quá trẻ tuổi mà giữ chức vị cao rất thích đeo loại kiếng nầy để lấy một bề ngoài đạo mạo, chững chạc khi nào phải chung đụng với ai. Nhưng về nhà hoặc đi chơi họ vội gỡ kính ra liền vì dầu thủy tinh có trong suốt như mắt mèo, kiếng cũng làm mắt họ mệt phần nào.
Định không biết làm gì, ngồi đó mà quan sát thượng cấp của chàng và nghĩ ngợi bâng quơ.
Tờ giấy chỉ to bằng hai bàn tay thôi, có viết chữ nhỏ bao nhiêu cũng đọc hai phút là xong, thế mà Thiếu tá Bân để cả buổi mà nghiền ngẫm nó, làm như là muốn học cho thuộc lòng.
Định đã bắt đầu bực mình. Rồi chàng nổi dóa lên, định nện cho hắn một đấm rồi bỏ cả, ra đi. Nhưng tình cảm cuối cùng của chàng là sợ hãi. Chàng băn khoăn tự hỏi cái gì chờ đợi chàng, lát nữa đây, và sự tiếp khách lạnh lạt như thế nầy có phải chăng là dấu hiệu tiên phong của một trừng phạt nào ghê gớm lắm.
Nhưng sau đó, chàng bình tĩnh lại được như thường, vì chàng chợt nhớ ra rằng đây chỉ là một cái mẹo nhỏ, rất thông dụng để làm giao động tinh thần những kẻ yếu bóng vía, họ phải đợi lâu quá, băn khoăn nhiều rồi tự nhiên đâm hoảng.
Thình lình, Thiếu tá Bân vừa nhét tờ giấy vào túi quần, vừa ngước lên nhìn chàng, rồi mỉm cười hiền lành hỏi:
- Thế nào, mối tình giữa anh và cô Lan đã đi đến đâu rồi?
Định giựt nẩy mình như bất ngờ bị ai tạt nước lạnh vào lưng chàng. Chàng chết lặng đi trong mấy mươi giây, mồ hôi toát ra dầm dề.
Thì ra, chàng đã bị theo dõi, và trên chàng, còn một ban nữa, ban nầy có lẽ chỉ săn sóc đến các nhơn viên mà thôi. Chàng ý thức rằng, yêu Lan không có tội lỗi gì cả, nhưng chàng cũng khủng khiếp vô cùng, không phải vì sự kiện chàng yêu Lan bị người ta khám phá ra, mà chính vì sự kiện chàng đã bị theo dõi. Hẳn người ta còn biết nhiều điều khác nữa.
Cố lấy một giọng bình thản. Định đáp, nhưng tiếng nói của chàng cứ còn run nên:
- Thưa Thiếu tá, vẫn tốt đẹp.
- Hay, vậy chúc cô cậu bách niên giai lão.
Không, thượng cấp của chàng không có mỉa mai chút nào. Và ông ta có vẻ chơn thật lắm.
Nhưng chúc xong, ông ta lại mỉm cười và hỏi, lần nầy thì sự ranh mãnh nghe thấy rõ ràng, nơi khóe mắt, nơi nụ cười, nơi giọng nói của ông ta.
- Còn Thu Mai? Đã bỏ rơi nàng rồi chớ?
Định lại toát mồ hôi lạnh dầm dề. Lần nầy chàng lại mất mật chớ không phải như khi nãy đâu. Chàng yêu Lan hơn hai tháng nay thì có người biết, không đáng ngạc nhiên chút nào. Nhưng lại đi với Thu Mai có một đêm mà vẫn bị ghi vào sổ thì khả kinh cụ không biết bao nhiêu.
Hơn thế, chàng và Thu Mai lại dính líu đến một chuyện phi pháp thì chuyện nầy rắc rối to chớ không còn ai chúc bách niên giai lão cho nữa đâu.
Chàng rợn người lên mà thấy đôi mắt của Thiếu tá Bân nhìn thẳng vào chàng. Mắt chàng muốn chạy trốn, nhưng không được. Chàng đã bị thôi miên vì kinh sợ.
Lâu lắm, Thiếu tá Bân mới nói, bằng một giọng ôn tồn:
- Anh là tay mơ, nhưng tỏ ra khá bản lãnh. Chỉ hơi phiền là anh dùng lanh lợi của anh mà làm nhiều điều không tốt.
Anh có biết hay không, là anh có thể vào tù vì tội tùng đảng, tội giúp phương tiện phá thai?
Định đã bớt sợ vì chuyện ấy đã thành chuyện cổ tích rồi, không còn dấu vết nữa mà đương sự lại không tố cáo chàng, nàng lại còn sống nhăn thì cũng không sợ thân nhân nàng đi kiện, vả lại chính thân nhân của nàng là đồng lõa số một, nếu không nói rằng Liên là kẻ xúi dại.
Thế nên chàng đáp:
- Nếu Thiếu tá biết cả chuyện ấy nữa thì chắc Thiếu tá cũng thừa rõ rằng tôi đã bị lừa.
- Ừ, nhưng trước pháp đình anh khó lòng mà chứng tỏ rằng anh bị lừa.
- Nhưng thưa Thiếu tá, đâu có ai đưa tôi ra pháp đình làm gì?
- Có, có người sẽ đưa anh ra pháp đình khi nào thấy cần đưa.
- Chẳng hạn?
- Chẳng hạn khi nào anh cứng cổ.
- Điều ấy không thể xảy ra.
- Ai biết đâu được. Để xem cái đã.
Định nghe nhẹ cả người. Thì ra cái vụ tùng đảng phá thai, người ta chỉ dùng để làm săng ta chàng mà thôi, nếu cần. Nhưng chắc họ không cần, nên cũng chẳng đáng lo.
Tuy nhiên chàng thấy chàng nên xô ngã con ngáo ộp ấy cho họ mất thế săng ta của họ.
- Tôi thì tôi tuân kỷ luật. Nhưng giả thử ai muốn làm cho tôi tiêu sự nghiệp, thì cũng khó khăn lắm chớ dễ đâu. Không có bằng chứng nào hết.
- Anh đừng tưởng như vậy mà lầm to. Thiếu tá Bân cười lên khanh khách rồi nói như vậy.
Có nhơn chứng rất quan trọng.
- Ai?
- Cái ông bác sĩ đã săn sóc cho Lan.
- Nhưng thưa Thiếu tá, ông ấy dại gì nhận đã làm một việc mà ông ta cũng chỉ bị lừa mà thôi, và chính tôi đã lừa ông ta.
- Ông ấy phải nhận, nhận rằng chính ông ta đã giúp cho bào thai ra do lời yêu cầu của anh. Ông ta thấy rằng không cứu cái bào thai được nữa, nên chỉ còn cái nước cứu người mẹ mà thôi. Như vậy anh sẽ là chánh phạm.
- Tại sao ông ấy nhận láo và nhận điên như vậy, tuy không phạm pháp, nhưng vẫn mang tiếng?
- Là vì nếu không nhận thì ông sẽ vào tù và không hành nghề được nữa suốt đời.
- Về tội gì?
- Tội đã biết một bí mật lớn, nghĩa là không có tội gì cả, anh chỉ phải chết vì đã biết quá nhiều.
Định lại toát mồ hôi dầm dề vì chàng chợt nhớ ra bức ảnh.
Thiếu tá Bân nhìn chàng mà cười hóm hỉnh:
- Anh đã hiểu rồi chớ? Anh là kẻ độc nhứt biết cái vụ chụp ảnh ấy. Thu Mai cũng biết, nhưng không can gì, vì nó là đương sự chánh, nó cố mà giấu nhẹm.
Tôi xin tóm lại. Anh đáng chết, nhưng vẫn được để sống, anh có thể vào tù, nhưng vẫn cứ còn được tự do. Anh có thưởng thức sự khoan hồng của tôi hay không?
Định không thưởng thức chút nào. Chàng thoáng biết rằng chính chàng bị làm săng ta đây, với mục đích nào chưa rõ, nhưng chắc chắn là khổ lắm.
Chàng ngồi đó mà làm thinh, nghĩ lại mà thương cho ông Mân, chắc ông ta đã khổ sở y như chàng bây giờ, lúc ông bị chàng làm săng ta.
Thiếu tá Bân vẫn hiền lành tiếp tục:
- Hình như là anh không tin rằng tội anh có thể bị trừng trị như tôi đã trình bày. Anh cho rằng tôi hù anh. Nhưng tôi nói ra điều nầy thiết thực hơn, chắc anh phải tin rằng tôi có quyền lực đối với anh.
Từ hơn hai tháng nay anh công tác rất lơ là. Anh dùng khoảng tiền ăn chơi để ăn xài riêng với Lan thì còn tiền đâu để vào các hộp đêm.
Vậy tôi làm cho anh mất việc
- mà cái đó thì rất dễ làm, không lẽ anh nói rằng là khó ăn nữa
- và anh mất việc thì giã từ người đẹp vậy.
Định thở dài rồi nói:
- Thiếu tá khỏi phải dài dòng. Thiếu tá muốn gì cứ nói, tôi thi hành ngay. Tôi là kẻ tuân kỷ luật.
- Anh là người khá.
- Thiếu tá Bân khen
- thế nên tôi mới để yên cho anh, cho anh đoái công chuộc tội. Và anh nên biết rằng anh phải đoái công chuộc tội chớ không phải chỉ thi hành mạng lịnh thường đâu nhé.
- Được. Danh từ chẳng ăn thua gì, dầu sao tôi cũng thi hành, vì lẽ nầy hay vì lẽ khác.
- Anh lại lầm. Làm phận sự khác đoái công chuộc tội, và danh từ rất cần thiết chớ không phải để nói văn hoa mà chơi đâu. Đoái công chuộc tội là thi hành những mạng lịnh rất ngặt, làm những sứ mạng rất khó khăn mà các nhơn viên thường có thể từ chối.
- Còn tôi thì không?
- Chớ sao. Bởi anh phải chọn: làm sứ mạng khó khăn, hay vào tù, hoặc chịu chết. Chắc chắn là anh chọn điều kiện thứ nhứt. Chúng tôi chỉ định anh vì, như đã nói, anh tỏ ra có bản lĩnh, anh lại là người không thể từ chối. Cái sứ mạng nầy kẻ nào trót biết mà không nhận làm, kẻ ấy phải chết vì y là một nhơn chứng nguy hiểm. Như vậy, không thể giao phó cho bất kỳ ai, vì họ mà từ chối thì khó lòng mà để yên họ, mà ta lại không nên giết chóc vô ích, nhứt là trong hàng ngũ ta. Phải tiết kiệm nhơn viên cho đến mức tối đa.
Định rợn người lên.
Thiếu tá Bân không dùng đại danh từ "Tôi" nữa, mà nói "Chúng tôi" đã hai ba lần rồi, khiến Định đâm lo ông ta không dám chịu trách nhiệm một mình thì hẳn cái sứ mạng nầy phải lôi thôi lắm.
- Để thưởng công anh. Thiếu tá Bân vừa nói vừa rút từ túi áo sơ mi ra một tấm ngân phiếu, đây là một chiếc séc bốn trăm ngàn đồng cho anh.
Thật ra thì anh chỉ được hưởng lối hai trăm năm mươi ngàn thôi, vì anh sẽ mất căn nhà mà anh đang thuê và sẽ phải sang một căn nhà khác sáu bảy chục ngàn, anh sẽ mất chiếc xe, cũng bảy tám chục ngàn. Sắm lại hai món ấy, anh chỉ còn độ hai trăm rưỡi mà thôi.
- Như vậy cũng quá hậu. Thưa Thiếu tá.
- Định mừng rỡ mà nói như vậy.
- Chớ vội mừng. Khó Khăn lắm đấy nhé. Nhưng tôi chưa nói hết về vụ séc nầy. Anh không được rút tiền ra ngay, mà phải chuyển mục vào ngân hàng. Tôi cố ý dùng séc của ngân hàng mà anh có chương mục để dễ làm nghiệp vụ.
Séc nầy đã "bị gạch", nghĩa là anh chỉ có thể chuyển mục chớ không thể lấy tiền mặt. Hơn thế, sau khi chuyển mục, anh cũng không thể lấy tiền ra ngay để tiêu xài....Tôi phải nắm đằng cái cán, bởi nếu anh rút tiền ra rồi anh trốn luôn để tiêu xài thì mất công tôi tìm kiếm anh, vài tuần mới lôi đầu anh ra được, lôi thôi lắm.
Đây là số tiền ký thác mà chỉ có thể rút ra khi nào có hai chữ ký, chữ ký của anh và của tôi.
Tôi thì không ăn gian anh làm gì, bởi ăn gian anh, tôi cũng chẳng lấy tiền ra được thì chỉ mất tiền tôi thôi, còn bị anh oán nữa. Như vậy bảo đảm chớ?
- Dạ rất là bảo đảm.
- Vậy, ta đã đi gần tới đích rồi, và tôi tha thiết yêu cầu anh nghĩ lại cho kỹ xem anh có cần đoái công chuộc tội hay là không. Tôi yêu cầu anh như vậy là vì cái công tác đặc biệt nầy, anh nghe xong là phải nhận, không nhận anh phải chết ngay khi ra khỏi nhà nầy, mà chúng tôi thì không thích giết chóc.
Định lo đến muốn phát ốm. Đây là việc hệ trọng vô cùng, bởi ông nầy nói toàn chuyện "chết" không mà thôi. Thật là không "dễ ăn" tí nào, như bạn chàng đã xúi dại chàng lúc tiến dẫn cho chàng vào sở.
Nhưng chàng thấy thà là biết ngay cái gì còn đỡ khổ hơn là phải lo sợ, nên yêu cầu:
- Dầu sao, tôi cũng phải liều, vậy xin Thiếu tá nói ngay...
Định chết sững nhìn trừng trừng thượng cấp trực tiếp của chàng mà không thấy gì cả. Đôi mắt chàng hoa lên và hình ảnh mơ hồ của một cái máy chém hiện ra.
Cạnh hình ảnh ấy, thấp thoáng một xe cam nhông bịt bùng đang đậu trước tiệm sửa tủ sắt nầy, bốn nhơn viên đang đợi chàng dưới ấy và chàng mà từ chối thì mật hiệu sẽ hiện ra nơi cửa tiệm và họ đợi chàng để chơn xuống vỉa hè để lượm chàng, chở chàng đi mò tôm, bởi chàng đã trót biết quá nhiều.
Chàng phải chọn, nhưng đi con đường nào rồi cũng... xuống địa phủ cả thì cái vụ séc bốn trăm ngàn của Thiếu tá Bân chỉ là chuyện bịp mà thôi.
Lâu lắm chàng rút khăn ra lau mồ hôi rồi mếu máo nói:
- Thưa Thiếu tá, Thiếu tá có muốn giết em thì làm thinh mà giết, cần gì lại phải đi vòng vo Tam Quốc nãy giờ cho em phải lo sợ, tội nghiệp em quá!
Thiếu tá Bân cười hiền lành mà rằng:
- Không, sao em lại nói như vậy? Lẽ cố nhiên là muốn giết em, anh đã giết từ lâu rồi, nào có khó khăn gì đâu.
Thượng cấp của chàng cũng thay đổi lối xưng hô y như chàng.
Phẫn nộ đến độ cực cùng, Định cố nói to:
-... len lén bắn người mà Thiếu tá oán, có phải là trơn tru hơn không. Còn phận em thì Thiếu tá cứ xử, dàn cảnh rắc rối chi cho rùm beng lên, rồi cũng chỉ đi được tới cái mục đích của Thiếu tá mà thôi, không hơn được một dặm đường nào mà khổ thân em không biết bao nhiêu.
- Em đừng có vội hoảng hốt. Em chưa có kinh nghiệm, không biết gì hết nên mới nói như vậy chớ em mà được anh giải thích cho nghe rồi thì vấn đề giản dị hơn nhiều...
- Thưa chưa, hay nói cho đúng ra em chỉ mới hơi hơi yên lòng về điểm thứ nhứt mà thôi.
- Nghĩa là em cứ tự hỏi đó, vả lại em cũng biết đã vừa đủ rồi. Thế nào? Em còn thắc mắc ngại ngùng gì nữa?
- Khổ quá Thiếu tá.
- Em có hận ông Mạnh từ giây phút mà em nghe em yêu cô Lan?
Định giựt mình đánh thót một cái. Quả thật thượng cấp của chàng là một tay cừ khôi chớ không phải vừa. Quả đúng là chàng có hận ông Mạnh, có cả muốn giết ông ta nữa.
- Nhưng giờ em đã quên được rồi, Thiếu tá ơi!
- Nên cố mà nhớ lại tình cảm của em lúc đó, hẳn em không phải chỉ thù y mấy phút đồng hồ đâu. Em phải thù nhiều ngày, thì có thể nhớ được. Hơn nữa, có thể một phút đồng hồ trước khi bắn y, em sẽ giận y vì một chuyện kia...
- Chuyện gì?
- Nè dạo nầy y đang cua cô Liên, thu ngân viên của vũ trường Eldorado, và đêm nào y cũng la cà trong ấy để chinh phục người đẹp mà đã có lần chính em cũng có tán tỉnh. Có phải không?
- Vâng, quả đúng như vậy.
Mặc dầu đây là một màn của một vở bi kịch. Định cũng nghe buồn cười cho cái ông Mạnh ấy quá. Hẳn ông ta không biết rằng Liên là chị ruột của Lan. Mà Liên cũng không dè ông ta là chính phạm trong tai nạn mà em nàng đã mắc. Nếu ông ta không chầu Diêm chúa kịp lúc, và được Liên thì khi ông ta tới nhà để rước Liên đi đâu đó, không biết ông ta có toát mồ hôi lạnh hay không khi gặp Lan trong nhà của Liên.
Thiếu tá Bân tiếp:
- Dầu sao, em cũng có cảm tình với cô Liên ấy phần nào, và biết đâu, em sẽ không nổi ghen, nổi dóa lên và tự em, em sẽ muốn bắn ông ấy ghê lắm vì hận kia và sự nổi dóa nầy.
- Không, em không có yêu Liên thì không thể ghen được.
- Ai biết đâu. Nhưng hận kia đủ lắm rồi.
- Thật là gượng gạo.
- Không gượng gạo đâu. Thí dụ em không yêu cô Lan đi nữa, nhưng chắc em cũng phải phẫn nộ khi biết chuyện một ông nhà giàu, vung tiền ra để phá hại đời con gái của một thiếu nữ ngây thơ chớ?
- Vâng.
- Vậy thì em có lý do chánh đáng, đối với lương tâm của em, để ra tay.
Em có thấy hay không là anh cũng rất là "con người" như em, không bắt ép em làm một công việc mà em không biết ăn làm sao, nói làm sao với thiện căn của em.
Anh phải hao hơi với em, cũng vì muốn cho em an tâm trước hành động và sau hành động.
Thiếu tá Bân để cho Định nghĩ ngợi trong im lặng kéo dài của chàng. Độ chừng mười lăm phút, chàng hỏi:
- Thưa Thiếu tá, làm thế nào mà em hưởng được trường hợp giảm khinh? Có chắc được hay không, và nếu được em sẽ ngồi tù mấy năm?
Ba câu hỏi, hay một câu gồm ba điểm, nhưng chỉ có điểm chót là quan trọng, đối với chàng. Hai điểm kia chàng sẽ biết rằng thượng cấp của chàng bịp hay nói thật. Điểm chót, giúp chàng cân nhắc cái may mắn được Lan chờ đợi hay không.
Từ đầu chí cuối, hình ảnh người yêu của chàng luôn luôn có mặt trong trí của chàng. Ngoài lo lắng sợ hãi, chàng đau xót ghê gớm lắm mà phải xa Lan yêu quí của chàng, Lan mà chàng định ra mặt để cưới làm vợ, vì chàng đã tìm thấy được "Tình Yêu" rồi. Chàng đã tin tưởng vào "Tình Yêu" mà trước đây chàng chỉ xem là một trò đùa, vì Lan là hiện thân của "Tình Yêu", tình yêu tinh thần, cao nhã, mà chàng nghe cần cho đời sống của chàng.
Thật là oái oăm cho số phận. Đến đúng cái lúc mà anh con trai chuyên môn đùa giỡn với ái tình, bắt đầu yêu thật tình, thì tai họa lại xảy đến.
Thời gian, không thể có một người vợ mong chồng đến thành đá vọng phu nữa đâu mà mong, nếu chàng có thoát được máy chém.
- Như thế nầy, thiếu tá Bân nói, thi hành xong sứ mạng, em sẽ tự đến Cảnh sát cuộc gần nhứt để nạp mình. Trong cuộc điều tra sơ khởi, hay trong cuộc điều tra của biện lý gì em cũng một mực khai một trong hai lối:
l)
Em trả thù cho Lan. Lan không cậy mượn, nhưng em phải làm phận sự con người.
2)
Em ghen vì em yêu Liên và đang chinh phục Liên, thì ông Mạnh ngăn đường của em. Ông ta nhiều ưu thế hơn, vì ông ta là một tay tỷ phú. Hơn thế, em nên cố gắng mà chọc giận cho ông tát tai em trước mặt công chúng, nhứt là trước mặt người đẹp, tòa án rất kể đến chi tiết ấy: một anh con trai đang chinh phục một người đẹp mà bị hạ nhục trước mỹ nhơn, hắn hóa điên là chuyện thường xảy ra và rất được thông cảm, thông cảm không phải để mà tha bổng em đâu, mà để cho em hưởng trường lợp giảm khinh nói trên. Nếu được cái tát tai ấy, em có thể chỉ ngồi tù hai năm thôi,
Cả hai lại làm thinh. Lần nầy, sự im lặng kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ.
- Thế nào? Thiếu tá Bân cố giấu sự sốt ruột của ông ta, nhưng bắt đầu hỏi, em chọn lối khai nào? À, anh cần cho em biết rằng em sẽ được hai nhà luật sư danh tiếng biện hộ, em sẽ được một nhà nhập cảng xe hơi nhà Vinatudo nhập cảng xe hơi hiệu M.T. Benelux nhận em là cuộc chê của hãng, để em tránh khỏi tình trạng vô nghiệp nghệ, không lợi cho em tí nào, trước pháp đình.
- Bây giờ mới thật là chết em, Thiếu tá ơi! Em đã thề non hẹn biển với Lan, thề chơn thật chớ không phải theo lối sở khanh, và em sắp thành hôn với Lan. Nếu em khai là ghen vì yêu Liên, Lan nó sẽ nghĩ sao? Nó có thèm chờ em đâu!
Bằng như mà khai trả thù cho Lan thì tội nghiệp Lan lắm. Đó là bí mật xấu xa trong đời nó, mà nó muốn chôn luôn.
- Anh thấy em nên chọn lối khai thứ nhì, để tránh bêu rêu Lan là một, hai là trong lối thứ nhì, em có thể nói là bị chạm tự ái trước người đẹp, đó là một chi tiết rất lợi cho em, rất đễ cho luật sư khai thác để biện lộ cho em.
- Nhưng lòng Lan sẽ tan nát, nó sẽ đau không biết bao nhiêu mà tưởng rằng em chỉ hưởng nó qua đường thôi.
- Lòng một cô Lan đã bán mình có đáng kể đối với đại cuộc hay không?
Định đỏ mặt, to giọng nói:
- Thiếu tá không biết gì hết về con người. Không phải hễ nhận tiền là bán mình đâu. Lòng nó đã bị thương, đang trầm trọng, chính em vừa trị lành tâm bịnh của nó, em không nỡ cho vết thương của nó làm miệng trở lại.
- Anh xin lỗi em mà đã lỡ lời. Nhưng ở đời ta gặp lắm trường hợp phải hy sinh, ai cũng thế chớ không riêng gì em đâu.
- Nhưng Liên sẽ chối rằng không hề có dính líu tình cảm gì với em hết thì sao?
- Lẽ cố nhiên là cô ấy sẽ chối, hay nói cho đúng sẽ khai sự thật. Nhưng không ai tin cô ta bằng lời cả đâu, tòa án và dân chúng đều nghĩ rằng cô ta lẳng lơ, khuyến khích bất kỳ ai, và em đang đeo đuổi, chớ không tin rằng, em đã bỏ trôi cô ta từ lâu rồi đâu.
Vả, cô ta không có tội gì hết, thì cô ta sẽ không buồn chối cãi cho hăng lắm. Có lẽ sau cuộc điều tra, cô ta sẽ trốn luôn không đi hầu tòa nữa.
Chọn cô Liên, em tránh khỏi cái điểm đã nghiền ngẫm cuộc hạ sát. Nếu trả thù cho Lan, thì em phải toan tính trước, ít lắm là một ngày, điều đó nặng tội lắm em thấy chưa?
- Vâng.
- Nhưng chừng nào em mới phải thi hành sứ mạng?
- Đây là cái séc. Em đi ngay đi cho. Xuống tới đường, sẽ có một chiếc cam nhông bịt bùng...
Định tái mặt, và Thiếu tá Bân hiểm nguy cười nói tiếp:
-...đó là chiếc xe sẽ lượm em, nếu em từ chối. Nhưng em đã nhận thì họ lại đưa em tới một chỗ kia dạy em sử dụng súng lục, một cây súng hệt như cây súng của công an viên sẽ uống rượu với em.
Hôm nay là xong, rồi những ngày sau đó, em sẽ được người tới nhà đưa em đi tập.
- Em tưởng đứng sát nhau thì đâu có thể bắn hụt được.
- Đúng như vậy, nhưng em có thể bắn hết cả sáu viên đạn mà hắn không chết, vì em bắn càng bừa, không biết nhắm chỗ nhược. Em có thể quá xúc động, bắn trật cả sáu viên thì sẽ làm trò cười thiên hạ, mà anh đây cũng sẽ chết với thượng cấp.
Em nên nhớ rằng khó khăn lắm chớ không phải dễ đâu. Người công an viên áo ba túi, tức loại áo mà bên trong còn một cái túi thứ tư nữa. Súng lục y cất trong túi đó, có khóa an toàn, nếu không lúc em giựt súng, em có thể làm chết y.
Như vậy, em phải học mở khóa an toàn ngay từ bây giờ cho tới chiều mới thạo, rồi sau đó vẫn phải dượt lại mỗi ngày..
° ° °
Đó là một ngôi biệt thự hoang phế trên đường đi Thủ Đức. Người đưa chàng tới đó là một trong bốn người hôm qua. Y vừa là huấn luyện viên cho chàng, vừa lái chiếc trắc xông đưa chàng.
Tuy biết rằng chàng là người học bắn thật sự để thi hành một sứ mạng và người huấn luyện viên nầy cũng là một huấn luyện viên thật sự, Định cũng nghe rờn rợn khi xe vào cổng, vẻ hoang vắng hiện ra trước mắt chàng, cứ làm chàng tưởng như người ta đem chàng tới đây để thủ tiêu.
Biệt thự có một sân rất rộng, nhứt là phía sau, được rào kín ba bên bốn bề bằng tôn dựng đứng, cổng sắt cũng được bịt lại bằng tôn và đóng cửa lại thì trong nầy xảy ra chuyện gì, ngoài không thể ai hay biết được.
Quanh đây không có nhà cửa của ai cả, xa lắm mới thấy thấp thoáng một mái lá xám giữa khối lá xanh.
Trong biệt thự có người. Toàn người lạ. Họ có vẻ làm việc. Người huấn luyện viên đậu xe lại bên hông nhà rồi hai người bước xuống đất, một thứ đất bùn lầy nhầy, và cỏ lau mọc rất cao.
Chàng theo ông thầy dạy bắn đi thẳng ra sân sau, rồi tiến sâu vào khối những cây bần, những cây mù u, và cỏ cứ càng xa càng mọc cao hơn cho tới khỏi đầu gối.
- À, giữa cảnh hoang dại ấy, lại có đặt một chiếc bàn con, thứ bàn rẻ tiền, rất nhỏ và rất cũ. Trước bàn, một chiếc ghế đẩu và cạnh đó một hình nộm, một thằng người to bằng hai người thật, bằng tre, độn bẹ chuối.
Người huấn luyện viên ngồi xuống chiếc ghế đẩu, hai tay đặt lên bàn và nói:
- Đây là vũ trường Eldorado và chiếc bàn nầy là chiếc bàn gần cô thu ngân viên nhứt. Sẽ có tổ chức để không ai được ngồi đây cả, đợi tôi với anh đến chiếm mà thôi.
- Té ra anh là...
- Ừ, tôi là người công an viên, bạn của anh. Ngoài đời tôi là công an viên thật. Nhưng tôi cũng giúp việc cho sở ta nữa, một cách không chánh thức...
Chàng thuộc vào loại người thường, tức người sử dụng tay mặt. Mà tay mặt của chàng là phía tay mặt của người bạn công an viên của chàng, khi chàng đứng sau lưng y. Như vậy đứng nơi đó, với tay ra trước ngực y, thò tay vào cổ áo hở của y chỉ có thể lấy được cái gì ở túi trong bên trái của y thôi. Nhưng y lại lại không có túi trong bên trái.
Cây súng cất ở trong túi bên phải, chàng ẹo bàn tay lại thì khó khăn lâu lắc lắm và y đủ thì giờ để chụp tay chàng. Vâng, phản ứng của y phải là như vậy: ngăn kẻ khác sử dụng võ khí của y trong khi y chưa biết kẻ ấy dùng súng để làm gì, mà có lẽ y đã biết rồi nữa bởi nghe bạn y gây lộn, hẳn y phải day lại xem. Y không được phép cho một người thứ nhì dùng súng của y, hơn thế, y biết người thứ nhì ấy dùng vào việc bậy thì y phải ngăn.
Không, không trơn tru chút nào hết và cuộc dàn cảnh do thượng cấp của chàng thảo ra có chỗ hở.
Bây giờ, nếu chàng dùng tay trái, ra tòa sẽ khó khăn về điểm ấy. Tại sao một người thuộc hạng người sử dụng tay mặt lại cướp súng bằng tay trái? Tòa sẽ hỏi thế nếu những người điều tra không biết hỏi thì sẽ trả lời ra sao?
Trong trường hợp tòa án lại quên chi tiết đó thì luật sư bên nguyên cáo cũng sẽ nhớ. Nguy lắm. Hơn thế, cướp súng bằng tay trái xong, phải sang súng qua tay mặt, tức cũng lâu lắc và bạn đủ thì giờ can thiệp.
Thế nên chàng trình bày trở ngại cho bạn chàng nghe, người bạn bất đắc dĩ, nhưng chàng đã quen nhiều. Y suy nghĩ rồi nói:
- Hay là đợi hỏi lại thượng cấp?
- Không cần. Tôi không vội thi hành sứ mạng và công việc càng kéo dài càng có lợi riêng cho tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng ta có thể sửa đổi chi tiết để làm được cho tròn trịa. Nè, anh nghe tôi cãi lộn, anh vừa đứng lên, và day lại để xem chơi, có vô lý hay không?
- Không.
- Như thế thì tôi từ đằng ấy trở về đây cướp súng của anh một cách chớp nhoáng là ổn lắm, vì tay mặt của tôi thò tay vào cổ hở áo của anh thì nó thuận với bên trái của anh, ta đã đối mặt với nhau rồi.
- Ổn lắm.
- Vậy ta làm lại, theo cách sửa đổi ấy.
- Đồng ý.....
- Cái khỉ khô. Anh đã quên mở khóa an toàn.
- À! Hèn chi mà tôi phải tập dượt khó khăn. Tiểu ri khác với thực tế xa quá.
Nói rồi Định mở khóa an toàn đoạn toan trả súng vào túi của người công an viên. Nhưng hắn vội ngăn chàng lại mà rằng:
- Lại vô lý nữa! Súng không khóa anh có thể giết chết tôi. Anh nhớ rằng tim tôi ở ngay sau súng đấy, sơ sẩy là tôi chết ngay lập tức.
Định cười xấu hổ khóa chốt an toàn lại rồi trả súng vào túi trong của người công an viên. Y ngồi trở xuống và Định đi lại trước hình nộm...
- Anh cũng chẳng nên bắn hết vào đầu. Anh chỉ bắn trúng đầu có hai phát, không tin anh xem lại hình nộm thì biết. Nhưng hai phát ấy có thể chỉ đi phớt qua càm. Vài bữa nữa, anh bắn giỏi hơn, nhưng anh sẽ bị xúc động thật, run tay, nên bù qua bỏ lại, anh sẽ không tiến bộ hơn bước nào.
Như vậy phải để dành hai viên, một cho ngực một cho bụng. Anh có thể cũng chẳng giết được hắn bằng hai viên đạn ấy, nhưng bị mổ nhiều nơi quá: đầu, ngực, bụng, hắn phải chết vì đuối sức.
- Hay lắm.
- Để tôi lắp thêm sáu viên đạn mới vào rồi làm lại.
Định tập ba lần như vậy và người huấn luyện viên của chàng tuyên bố là đủ rồi cho hôm nay, có lẽ nắng đã lên cao và hắn lười dang nắng, chớ chàng chẳng những không tiến bộ, mà còn bắn trật thêm một viên đạn ở hai lần sau.
Trước khi ra về, người huấn luyện viên kéo Định lại xem xét hình nộm. Y nói:
- Anh nên ghi nhớ những vết đạn cũ để mai mốt phân biệt nó với đạn mới hầu biết anh bắn có tiến bộ hay không.
Rồi họ ra về.
Trên xe, Định im lặng. Chàng chỉ ừ hữ với người huấn luyện viên lái xe, không nghe, không thấy gì cả hay chỉ thấy một bầu trời ảm đạm, mặc dầu nắng sớm hôm nay rất tốt.
Chàng đã không may bị dính vạt áo vào sợi dây trân của một bộ máy. Trái khế lăn đi, bộ máy khổng lồ, không ai ngưng máy lại được hết và chàng bị lôi cuốn vào bộ máy cho đến một khi kia, cái khi đó là vài hôm nữa đây, chàng bị một trái khế trong đó nghiền nát, rồi bộ máy cứ thản nhiên quay, như không có chuyện gì xảy ra cả, bởi chàng là một hạt cát thật nhỏ, không làm cho máy trục trặc được.
Chỉ có đời sống riêng của chàng là bị trục trặc mà thôi. Nhưng ba bốn năm lao lý thật không đáng kể. Cả một đời sống tình cảm tan nát, đó mới là thảm kịch.
Lan sẽ khóc hay chăng? Chắc chắn Lan sẽ khóc nhiều lắm, nhưng không phải khóc vì người yêu của nàng vào tù mà vì mối tình của nàng ngã lăn ra mà chết, nàng đau khổ vì đã đặt tình yêu lầm chỗ, đã lầm mà yêu một kẻ khốn nạn, hắn hưởng nàng mà chỉ dành trọn tấm lòng hắn cho người khác. Hắn yêu Liên ghê lắm, chớ không phải chỉ cảm tình mà thôi đâu; gây án mạng vì một người, không là chuyện mà một thanh niên khôn ngoan và trầm tĩnh như hắn làm liều vì một điểm tự ái quàng xiên.
Rồi thất chí, Lan sẽ ra sao? Ngày chàng ra khỏi khám, chàng sẽ đi tìm gặp lại một cô Lan còn rảnh rang hay không để chàng phân trần hầu xóa ngộ nhận?
Dầu sao, chàng cũng sẽ bị Lan khinh rẻ suốt mấy năm trường mà chàng đền tội trong Chí Hòa.
Định đã không sợ phải ngồi tù lâu năm nữa, mười năm cũng chẳng sao, mà còn mong cho cứ mười năm, hoặc nhiều hơn nữa. Thời gian sẽ xóa phai tất cả, chàng sẽ quên Lan, Lan sẽ quên chàng, vết thương lòng của cả hai lành hẳn rồi, sau đó, Lan đã làm lại cuộc đời và có lẽ làm lại cuộc đời một cách trễ muộn, nhưng an lòng được mà làm, không còn bận bịu vì một cuộc tình nuốt chẳng vào mà nhả cũng chẳng ra.
Định cứ băn khoăn tự hỏi xem "Tình Yêu" phải là chuyện đáng kể ở dương thế nầy chăng, và có nên coi sự tan nát một mối tình là một tấm thảm kịch hay không.
Lý trí nhủ thầm chàng rằng không. Trải qua bao nhiêu ngàn năm của lịch sử, đã có không biết bao nhiêu cặp trai tài gái sắc ở khắp mọi quốc gia đã đau khổ vì tình, niềm đau khổ mà họ thấy là to lớn lắm, là tất cả vận mạng của loài người đều liên hệ đến niềm đau của họ, mà cho đến người đương thời của họ cũng tan nát cõi lòng trước niềm đau của họ nữa. Nhưng sau đó vài năm, chính họ cũng quên được bằng như mà họ chết đi, người chung quanh họ cũng chỉ còn giữ được lờ mờ một câu chuyện mà họ thấy là đã xa xôi lắm rồi và nhơn loại cứ tiến tới như thường đạp nát tất cả dưới bước chơn của họ. Số phận của những cô Juliette, công chúa Huyền Trân, nàng Mai Phi, nàng Vương Tường, nàng Hạnh Nguyên, cô Kiều tất cả đều đáng thương thật đó, nhưng tuyệt nhiên không ngăn được những người khác yêu rất đậm đà, không ngăn được họ hạnh phúc, và không ngăn bước tiến của loài người chút nào.
Loài người vừa ngậm ngùi trước sự không may của cô Juliette vừa nhảy đầm để mà quên và năm phút sau là họ quên được với người vũ nữ kiều diễm trong tay.
Chỉ có đương sự là đau thật sự và thấy niềm đau của mình là to tát, muốn kêu lên cho thiên hạ ngưng sống để cùng khóc với mình. Nhưng thiên hạ cứ thờ ơ đi qua. Như thế "Tình Yêu" không là chuyện đáng kể chút nào.
Lý trí của Định cứ suy luận như vậy, nhưng lòng chàng không thế nào công nhận quan điểm ấy. Tự nhiên chàng thấy nó nhỏ, như ngày trước, trước khi chàng yêu, hay to như bây giờ mà chàng đã yêu, đã tin nơi "Tình Yêu", tự nhiên như vậy, không luận điệu vững chắc nào thuyết phục lòng chàng được cả.
Định ăn cơm trưa rồi đi bơ vơ cho đến năm giờ chiều mới về nhà để tắm rửa. Xe, chàng để trước nhà và đã cuốc bộ từ công viên nầy đến công viên khác, nơi nào chàng cũng ngồi độ nửa tiếng đồng hồ, chỉ trú chơn rất lâu trong vườn Tao Đàn để nhìn bóng ngã của cây to dưới nắng mà nghĩ đến cái đen tối của cuộc đời chàng.
Chàng không có đi công tác nữa từ ngày gặp Thiếu tá Bân lần cuối cùng, mà cũng chẳng có đi tìm Lan.
Chàng đi bậy trên hè phố, hoặc nằm nhà để nhai mối sầu của chàng một mình.
Trong thành phố có một người thứ nhì cũng nhai một mình mối sầu của nàng. Nhưng nàng được nhớ nhung, được hy vọng mong manh, dễ chịu hơn chàng biết bao. Chàng thì chàng thấy cái gì quanh chàng cũng đã sụp đổ hết cả rồi. Quanh chàng là một khoảng không minh mông và khô cằn.
Chàng đã quan niệm đúng về sự đau buồn. "Được" đau khổ vì tình, thú vị không biết bao nhiêu. Sự trống không nầy mới đáng ghê rợn.
Khi Định mở cửa ra thì chàng thấy sau cánh cửa một tờ giấy tập học trò xếp làm thơ, có lẽ người viết thơ đã nhét thơ qua lá sách cửa cho nó rơi xuống gạch bên trong.
Chàng đoán biết đó là thơ của ai rồi, uể oải mở giấy ra và thấy mấy dòng chữ viết vội vàng sau đây:
Mấy bữa rày sao anh biệt dạng vậy? Bộ gặp con nào rồi đó hả? Chiều nay em sẽ đến để đi ăn cơm với anh, anh trốn luôn thì biết em.
Lan
Định thở dài nhét thơ vào túi quần chỉ khép cửa lại mà không khóa, rồi vào trong sửa soạn để đi tắm.
Sao mà chàng nghe mệt nhọc trong người ghê đi, như là muốn đau ốm gì ấy. Nghị lực hình như cũng rất cần để nâng đỡ sức lực hay sao, mà kể từ phút mà chàng nghe cuộc đời không còn nghĩa nữa, chàng hết muốn cục cựa, hết muốn... ơ... hết cả muốn tắm nữa.
Tắm là một lạc thú lớn của cả những người có lý tưởng thanh cao nữa chớ không riêng gì của những kẻ chỉ biết hưởng thụ những khoái lạc hạ cấp mà thôi. Nhứt là người dân của một xứ nóng, đang giữa mùa nực, trong một thành phố thiếu không khí lại đã dang nắng đi bơ vơ để hứng bụi đường trong rất nhiều giờ, người ấy hẳn phải là kẻ thèm tắm nhứt thế gian.
Vậy mà Định chỉ đi tắm một cách miễn cưỡng mà thôi. Chàng định tối nay sau khi Liên đi sẽ đón Lan và không muốn Lan khó chịu về sự hôi hám của chàng nên bắt buộc phải tắm vậy thôi.
Lúc đầu cổ chàng còn đầy bọt xà bông thì thình lình, chàng nghe Lan nói ngay tại cửa buồng tắm, khiến chàng hết cả hồn vía:
- Tắm mau lên rồi đi ăn cơm!
Lan đã vào nhà lúc chàng xối nước nên chàng không nghe nàng mở cửa, cũng không nghe tiếng giày của nàng nữa.
Định lại vuốt mặt lia lịa để tẩy bọt xà bông ở mũi và miệng rồi mới nói vói ra:
- Lan ơi.
- Dạ!
- Em trở về lấy vài bộ y phục mát và một hoặc hai áo tùy thích em, rồi xin phép với chị Liên đi Vũng Tàu vài hôm.
- Sướng a, nhưng mấy hôm?
- Bữa nay là thứ sáu, em nói sáng thứ hai em về. Nhưng không có đi đâu hết ráo. Em chỉ ở đây với anh mà thôi.
- Cũng tốt, vậy em đi đây nhé.
- Ừ, em đi ngay đi.
° ° °
Thấy Lan trở về sau nửa tiếng đồng hồ ra đi, nói rằng đi ăn cơm với bạn hữu. Liên ngạc nhiên hỏi:
- Sao em? Tụi nó sai hẹn sao?
- Không, nhưng tụi nó rủ đi Cấp. Chị cho em đi, chị nhé?
Lan chỉ xin phép lấy lệ như mọi khi thôi, rồi đi soạn áo quần. Nhưng không hiểu sao người chị đã buông lỏng em trong bao nhiêu năm nay lại nói:
- Đừng đi Lan à!
- Sao vậy chị?
- Đi xe đò hay xe của ai?
- Xe của con Minh, và chính nó lái. An ninh lắm.
Lan nói láo như vậy cho chị an lòng, không dè đã vô tình giúp cớ cho Liên ngăn trở. Liên nói:
- Chính vì vậy mà chị khuyên em đừng đi. Các cô lái xe ẩu lắm. Em không nhớ vụ mấy tháng trước mà mấy cô tiểu thơ đã chạy luôn xuống sông đó hay sao.
- Chị đừng lo. Con Minh nó chỉ mới lấy cái giấy thi đây thôi, nhưng nó đã lái từ năm nó 15 tuổi. Nó lại không còn khỉ, không đùa giỡn lúc lái xe bao giờ.
- Nhưng không, em đừng đi.
- Chị nầy kỳ!
Lan nói vậy, nhưng cứ cho áo quần vào chiếc va ly nhỏ, loại va ly mà các hãng hàng không dân sự biếu hành khách, và các hiệu ta nhại kiểu mẫu, làm bán ra đầy đường.
Liên nhìn em làm công việc ấy bằng đôi mắt thù ghét trông thấy là biết ngay. Từ bao lâu nay, nàng có hơi ghen ghen với em, nhưng rồi tự nhủ mình nên chỉnh đốn tình cảm lại cho nó phải đường, ai may nấy nhờ, ai rủi nấy chịu, nàng chưa được, không hề bị Lan tranh giành với nàng, thì sự ghen tuông của nàng vô lý lắm.
Nhưng khi nãy, sau khi Lan ra đi, ràng tưởng tượng đến cuộc vui của Định và Lan rồi đâm ra ganh tị. Nàng đang ngồi mà tức mình, thì Lan trở về báo một tin còn vui hơn nữa của nó, nhưng càng làm cho nàng tức thêm.
- Tao biểu dẹp đi có nghe không?
Liên đã đổi lối xưng hô, dùng cách ăn nói của những lúc Lan không ngoan, hồi sáu bảy năm trước đây, khiến Lan ngạc nhiên lắm vì từ lâu rồi, nàng đã không còn quen với những tiếng "Mầy", "Tao", của chị nàng nữa.
Liếc nhìn chị, Lan hiểu ngay. Nhưng nàng không còn thương xót, không sợ hãi, cũng chẳng chê cười thầm gì Liên, vì nàng thấy tình cảm của Liên tuy trái, nhưng cũng rất tự nhiên.
Lan đã xong rồi, kéo cái khóa éclair lại, rồi cứ tự nhiên bước đi, Liên nổi xung thiên nói:
- Mầy không nghe lời tao thì đi luôn đi.
Lan dừng bước, day lại nhìn chị rồi hỏi, giọng không khiêu khích, cũng chẳng hàm hơi hướng van lơn nào:
- Chị đuổi em sao?
- Chớ mầy cứng đầu như vậy, tao còn làm sao mà nhìn nhận mầy được.
Lan lặng lẽ trở vào, vội vàng gom hết áo quần, giầy guốc thồn vào ba chiếc va ly cùng loại, nhưng hình thù khác nhau và tên của các hãng hàng không vẽ ở ngoài cũng khác nhau từng chiếc.
Liên thét lên:
- Trời đất quỷ thần ơi, ngó xuống mà coi em tôi! Giờ mầy đi luôn thật đó hả?
Lan không dám đáp lại. Nàng chỉ đợi dịp để mà sổ lồng bay cao thôi, đợi từ lâu rồi, vì nàng thấy rằng không giữ chặt Định thì sợ hắn bỏ rơi, mà nói khéo nhắc nhở hắn hôn nhơn, xem ra hắn không được phấn khởi bao nhiêu.
Nếu nói qua nói lại với Liên, có thể nàng sẽ đuối lý rồi không đi được nữa.
Xong cả rồi, nàng xách cả ba va ly lên và nói:
- Chị ở nhà mạnh giỏi, thỉnh thoảng em sẽ về thăm chị.
Nói rồi, nàng bước lẹ ra ngoài, trong khi Liên ôm mặt rồi ngã lăn trên đi văng mà khóc.
Mười lăm phút sau, tắc xi ngừng lại trước nhà Định, thì chàng ngạc nhiên quá đỗi mà thấy Lan đùm đề như để đi du lịch nơi phương xa.
Chàng chạy ra ngoài để xách va ly cho bạn trong khi Lan trả tiền xe và giây lát sau Lan vào nhà rồi, chàng hỏi:
- Ở có mấy bữa, em mang chi mà nhiều dữ vậy?
- Mấy bữa sao được, em ở luôn tại đây ấy chớ!
Định rụng rời nhìn bạn trân trối, cổ họng nghẹn ngào. Lan cười nói:
- Anh sợ hả? Em vừa lấy thẻ kiểm tra hôm qua tức anh sẽ không mắc tội dụ dỗ gái vị thành niên đâu mà lo. Bằng như mà sợ em kỳ đà, thì đừng sợ mất công. Em quyết đến ở với anh để kỳ đà đó. Anh không làm sao mà đuổi em ra khỏi nhà nầy được trừ phi giết em.
Định vẫn chưa ra khỏi cơn sảng hoàng của chàng, nhưng Lan mặc kệ, cứ xách va ly vào trong, hốt áo quần ra thảy lên giường của Định để soạn lại hầu bỏ vào tủ.
Vừa làm, nàng vừa hỏi lớn:
- Bãi chương trình ăn cơm ngoại ô lại đi, vì em bận soạn quần áo để cất. Lát nữa ta sẽ ăn cơm trong thành phố vậy.
Như một cái xác không hồn, à không, một cái xác mất hết hai phần ba của ba hồn bảy vía, Định thất thểu bước vào trong, đứng lặng nhìn Lan xếp áo.
Lan ngước lên cười hỏi:
- Còn sợ hả? À hình như là anh buồn? Anh có buồn hay không. Nếu anh buồn em đi ngay.
Định bước tới vừa ngồi xuống giường vừa hạ hai tay lên vai bạn lắc đầu nói thật khẽ:
- Em ở lại.
- Nhưng anh sợ hay buồn.
- Không sợ, cũng không buồn.
- Chớ cái gì? Mặt anh không phải là mặt của người vui.
- Không, em không thể nào hiểu đâu!
- Anh nầy thật lạ. Không có cái gì mà em không thể hiểu, vậy mà cứ thỉnh thoảng anh lại đưa ra một luận điệu như vậy để che giấu cái gì, chẳng hạn như anh muốn ta chùn lén đối với chị Liên, bị em hạch sách anh cũng nói rằng em không thể hiểu đâu.
Định hôn lên đầu bạn một cái thật nhẹ, Lan buông công việc kêu lên mấy tiếng ư... ử... thật nhõng nhẽo và thật sung sướng rồi ngã vào người của Định. Định đỡ lấy đầu bạn và Lan nằm ngửa trên tay chàng.
- Anh!
- Gì đó cưng?
- Vậy chớ anh bảo em đến đây làm gì?
- Vậy muốn gần gũi em vài ngày thật trọn vẹn. Anh có định đi Dalat hay Long Hải thật đó, nhưng dạo nầy bận lắm, anh tính đợi ngày nào đó, nhưng... ơ... không thể đợi được nữa.
- Sao lại không đợi được nữa?
Định cố cười cho thật tươi rồi đáp:
- Vì anh nhớ em lắm!
- Mốc xì, anh nói láo vì anh nói vô lý. Anh muốn gặp em bất kỳ lúc nào trong ngày lại không được mà bảo rằng nhớ ghê lắm.
- Gặp vài tiếng đồng hồ là chuyện khác, còn ở chung là chuyện khác. Gặp nhau xong em đi rồi, anh vẫn nhớ như thường.
- Như vậy sao không cho em ở chung luôn như em đã đòi hỏi.
- Em không nhớ là anh đã đồng ý về hôn nhơn à?
- Nhớ! Rồi sao?
- Nếu có hôn nhơn thì tốt hơn nên đợi hôn nhơn rồi hãy sống chung.
- Nhưng em không thèm đợi, mà cũng chẳng cần hôn nhơn. Em nằm vạ luôn đây, kể từ chiều nay, anh sẽ hết cù cưa cú cứa nữa.
Định không cãi, không ngăn. Chàng nghĩ rằng để thủng thẳng rồi thuyết phục Lan, tốt hơn là làm cho nàng nghi nan bằng một lời từ chối quyết liệt ngay bây giờ.
Nỗi khổ tâm của chàng càng ngày càng cứ to lên, vì một mặt chàng không thể kéo dài bất tận thời gian học tập của chàng, mặt khác, Lan sẽ đau hơn biết bao mà bị kẹt tại nhà nầy!
Ở với chị nàng, nàng có thể khóc thầm rồi cố mà quên, không ai hay biết gì cả chớ nàng mà nằm đây, tức đã ly khai gia đình thì khó còn đường về lắm. Mới ra đi có ba bốn hôm, đã phải bơ vơ trên đường đời, vào lúc mới lấy thẻ kiểm tra, có tội nghiệp cho phận gái lắm hay không chớ?
Hơn thế, những người có phận sự điều tra, họ có thể mò tới đây, bắt gặp Lan ở đây, báo chí làm tùm lum lên thì còn tội nghiệp cho nàng hơn nữa.
Bỗng Định hết cả hồn vía vì một ý nghĩ vừa thoáng qua: Nếu cuộc điều tra làm lan rộng ra vì lẽ gì không rõ và nhà chức trách khám phá ra rằng chàng có một cô nhơn tình 17 tuổi thì cái vụ ghen của chàng, ghen vì một người đàn bà 30 tuổi, không còn đứng vững nữa.
Nếu trường hợp không may ấy mà xảy ra tự nhiên chàng phải quơ lối khai thứ nhứt, phủ nhận lời khai trước, pháp luật sẽ tin chàng vì sẽ có đủ bằng cớ, bởi Thiếu tá Bân cũng sẽ biết xoay sở và sẽ yêu cầu vị bác sĩ đêm ấy ra làm sao chứng. Nhưng chàng khó lòng mà mau ra khỏi khám vì điểm có mưu định trước.
Khi nãy Lan mang va ly đến là một sự bất thường và nếu họ làm việc có khoa học họ đã báo cáo chi tiết ấy lên thượng cấp ngay rồi.
Nếu như vậy, họ có thể ra lịnh cho chàng đuổi Lan đi kịp lúc, không thôi sẽ rắc rối vô cùng, nếu sau đó cuộc điều tra lan rộng tới nhà chàng.
Lan sẽ liều mạng thì càng khổ hơn, họ sẽ khiêng nàng đi, và giấu mất nàng để xóa nhơn chứng. Không, không thể để cho Lan liên lụy vào vụ nầy.
Lan nhìn bạn không nháy mắt rồi nhận xét:
- Anh nầy hôm nay lạ thật! Cứ băn hăn bó hó hoài!
Định cố mỉm cười và để bạn không thấy được nụ cười héo hon của chàng, chàng nâng Lan lên và hôn Lan liên tiếp nhiều cái.
- Anh!
- Gì đó em?
- Nói yêu em đi?
- Ừ, anh yêu em chớ sao.
- Yêu tới bao lâu?
- Ngàn năm.
- Thôi đi. Mười năm là đủ lắm rồi.
- Sao em đòi hỏi ít như vậy?
- Vì em rất biết lòng người, nhứt là lòng người đàn ông. Bấy nhiêu đó là tối đa, đòi như vậy, em đã quá tham lam lắm rồi đó.
- Em lầm.
- Anh Định nè!
- Hử?
- Chừng em ba mươi chắc em kém hơn chị Liên bây giờ nhiều lắm!
- Làm sao mà biết trước được chuyện mười năm sau?
- Em biết. Ngay bây giờ, em đã kém chị Liên rồi, chị ấy băm ba, em mười bảy em chỉ hơn chị ấy 14 năm sanh sau đẻ muộn, em tươi trẻ hơn chị ấy, nhưng không đẹp bằng chị ấy...
- Em đẹp lắm chớ!
- Có thể, nhưng "đẹp lắm" không có nghĩa là đẹp bằng chị Liên đâu. Có vài người hiếm hoi giữ được sắc đẹp rất lâu, nhưng đa số đều đúng nhịp theo tuổi tác. Chỉ có vài trường hợp đặc biệt bất thường mà chị Liên là một trường hợp như vậy. À, anh mấy mươi?
- Hăm bốn.
- Anh trẻ hơn chị Liên đến chín tuổi. Nhưng nếu hai người đi chung với nhau người ta vẫn thấy là xứng đôi vừa lứa.
- Té ra em đo tuổi thọ của tình yêu anh bằng nhịp già của em?
- Chớ sao! Trên thực tế thì như vậy, mặc dầu ai có nói theo sách vở gì cũng chỉ có thể là như vậy thôi. Tại sao giữa chị Liên và em anh lại chọn em? Không phải là vì chị Liên già hay sao?
Định chỉ mỉm nụ cười hai ba nghĩa mà thôi, vì chàng nghe rằng Lan cũng có lý.
- Thế nào Lan trở về vấn đề khi nãy mười năm được hay không nè? Chừng đó em hăm bảy, đã bắt đầu già rồi.
- Để rồi em sẽ thấy anh chán em hay em chán anh.
- Ừ, để em rán em chống con mắt coi. Nhìn em đi anh, nhìn thẳng vào mắt em để trao gởi và ghi nhớ lời hẹn ước nầy, hầu khi có một kẻ phụ một kẻ, thì ta lại nhìn nhau để xem ai trốn cái nhìn của ai cho biết.
Định làm y theo ý muốn của Lan, nhưng không phải vì mục đích của nàng. Chàng muốn hình ảnh của gương mặt của Lan in thật đậm vào tâm trí chàng, hình ảnh nầy sẽ là chỗ dựa tinh thần của chàng trong những năm tù tội dài đăng đẳng của chàng.
Với lại chàng nhìn để thương xót một đứa em gái đang bị sự không may chờ đón ngoài cửa, mà nó không hay biết gì hết, cứ ngây thơ yêu đương và yêu đời.
Đôi mắt tinh ranh nầy rồi vài bữa nữa đây sẽ khóc cho đến sưng lên, đôi môi thắm tự nhiên nầy vài hôm nữa sẽ bị chính hai hàm răng đều như hai hàm răng giả nầy cắn đến bầm tím vì hận kẻ mà nàng đặt hết tình yêu vào hắn, thế mà hắn lại làm xằng vì một người phụ nữ khác hơn là nàng.
Nhưng không can gì, ngồi tù hai mươi năm cũng chẳng sao, chỉ tội cho Lan. Nàng có chửa hoang với chàng, sẽ không xấu hổ cho nàng như đã chửa hoang với ông Mạnh.
Nghĩ tới đây, chàng tức sôi gan cho con người tiền bạc đầy ăm ắp các tủ trong nhà ấy, và bỗng thấy rằng quả thật hắn phải đền tội. Thiếu tá Bân là một tay giỏi tâm lý lắm đây. Ông ta không chọn ai khác mà lại chọn chàng vì chỉ có chàng là thấy một "chánh nghĩa" nào trong hành động của mình mà thôi.
Lan nằm ngửa nhìn lên, theo dõi người bạn đang nghĩ ngợi của nàng rồi hỏi:
- Chắc anh có hẹn với ai?
Định giựt mình, cúi xuống cười nói:
- Nếu có hẹn với ai, anh dại gì bảo em mang y phục mát tới đây ở hai ba ngày.
- Chớ sao cứ buồn hoài vậy?
- Không, anh sung sướng lắm, nhưng anh cũng lo lắm.
- Lo gì?
Định nâng bạn lên, hôn vào má bạn một cái và hỏi lại:
- Chắc em đã gây lộn với chị Liên để ra đi?
- Không, em chỉ làm bộ giận thôi.
- Em sẽ về được chớ? Nếu cần về?
- Được, nhưng em không về.
- Hừ, đừng có nói điên.
- Đâu có điên. Em có thái độ đúng theo tình cảm thông thường của con người ấy chớ. Em không về, vì tự ái.
- Liên có thách đố gì em hay không?
- Hơi hơi có. Với lại em phải lập thân chớ? Ăn bám của chị hoài hay sao? Em cũng chẳng đợi chồng để phải dựa vào chị ấy gả chồng cho. Còn lâu lắm. Nhưng sao anh lại hỏi như vậy? "Nếu cần về?" Không bao giờ có việc "Nếu cần về". Anh phải giết em, anh mới thoát được em, chớ đừng có mong đuổi em đi.
Lan nói rồi nắm mũi của Định mà giựt một cái như trẻ con cờ bạc mà ăn thua bằng sự vuốt mũi nhau.
- Em hiểu tầm ruồng. Đâu có phải đợi anh đuổi, em mới cần về.
- Ngoài việc anh đuổi em, em không thấy có trường hợp nào khác. Em hổng thèm hờn mát anh đâu mà mong. Ai dại gì hờn mát để anh dễ đuổi khéo bằng cách chọc giận em.
- Thôi, em xếp cho xong áo quần đi, rồi đi ăn cơm.
- Hông. Anh phải xếp hè!
- Cũng được.
- Rồi phải cất nữa.
- Ừ.
- Nhưng không được xếp bây giờ.
- Sao vậy?
- Tại em thích nằm trên tay anh vầy, lâu thật lâu.
Trong giây phút, Định có ý nghĩ đi trốn, không phải trốn Lan mà cùng trốn với Lan. Nhưng biết trốn nơi nào bây giờ? Trốn nợ, trốn một kẻ thù mà pháp luật truy nã, tức kẻ ấy ít dám xuất đầu lộ diện, mà còn đã khó lắm thay, huống hồ gì là trốn cả một tổ chức đồ sộ, đầy đủ phương tiện, có tay và có tai, có mắt cùng khắp mọi nơi. Mà chàng lại là kẻ nguy hiểm số một, bởi chàng đang ôm giữ một bí mật lớn, cần trừ đi ngay, nếu chàng không hợp tác.
Có lẽ hiện giờ, ngoài đường, đang có ngươi bí mật và kín đáo canh chừng nhà chàng cũng nên trong một chiếc xe cam nhông chở thơm chẳng hạn, nhưng chỉ có một bức tường thơm phía sau mà thôi, còn trong mui là đài quan sát của một nhơn viên.
Quanh đó hai ba người hì hục giả đò thay bánh, sửa máy gì ấy mà hễ chàng ra đi với hành lý thì họ bùm liền, bằng như chàng đi thường, sẽ có xe nhỏ theo dấu.
Định nhìn cái cổ no tròn của Lan và trong giây phút có một ý nghĩ điên cuồng: Chàng sẽ siết cổ Lan kỳ cho đến lúc Lan tắt thở, rồi chàng đi nạp mình.
Chàng sẽ không được hưởng trường hợp giảm khinh nào cả, nhưng chắc chắn là cũng không phải chịu tử hình đâu, vì chàng không có lý do (đối với pháp luật và dân chúng) để giết Lan, thì người ta sẽ giao chàng cho nhà thương điên, mặc dầu chàng không cần giả điên.
Vâng, đúng là chàng không có lý do để giết Lan, nếu chàng không khai tùm lum vụ ông Mạnh (mà chắc chắn là chàng không khai bởi nếu khai, có thể chàng sẽ chết ngay lúc điều tra sơ khởi). Chàng sẽ bịa là chàng ghen, nhưng ghen với ai, chàng nói không được. Người ta tìm mãi cũng không ra chuyện gì và người ta sẽ kết luận rằng chàng mất thăng bằng nơi tâm trí nên giao chàng cho nhà chuyên môn khám nghiệm.
Lan chết, nhưng sẽ khỏi chịu đau khổ ngày nào hết. Nàng chỉ phải đau đớn trong già nửa phút đồng hồ rồi thôi, bằng hơn là khóc bảy ngày, đau ba năm, và mất cả tin tưởng nơi cuộc đời, nơi tình yêu đến suốt đời.
Phần chàng, nhà chuyên môn sẽ do dự không biết mấy năm. Họ biết chàng không điên, nhưng vì lương tâm, họ không dám kết luận vội. Họ cũng thấy chàng không có lý do giết người. Trai giết gái, chỉ có thể là vì ghen mà thôi, bởi Lan không có tiền, không có nữ trang để nói là bị cướp. Nhưng nếu ghen, sao không khai là ghen với ai. Kẻ bị khai có xấu hổ thì xấu chớ chàng đâu có xấu mà phải giấu giùm y, để rồi phải chịu tội một mình.
Nhà chuyên môn sẽ hoài nghi cái biết của họ, và sẽ quan sát dây dưa rồi thì sẽ hay. Từ đây đến đó, sẽ không biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, thế sự thăng trầm, hưng vong triều đại là chuyện thường xảy ra và chàng sẽ khai sự thật sau đó, để lãnh độ 10 năm tù.
Ừ, chàng giết một người để khỏi giết một người sự thật là như thế, sự kiện giết người vẫn còn, nhưng khi dám khai sự thật, chàng sẽ được thông cảm phần nào: Chàng quá yêu Lan nên muốn tránh cho Lan sự đau khổ.
Định nhìn sững cổ của Lan. Cổ của Lan rất no, rất tròn rất trắng. Cổ Lan gợi tình và càng nhìn chàng càng muốn hôn vào đó.
Định nghe trong sách họ nói những kẻ mất thăng bằng tâm trí hễ nhìn một cái cổ như vậy rất muốn chặt, rất muốn siết cái cổ ấy.
Thật là kỳ, phản ứng của người điên! Tại sao lại thích phá hoại cái đẹp? Chàng, chàng chỉ muốn thưởng thức nâng niu, tôn thờ cái đẹp mà thôi. Không, chàng không thể giết Lan, mặc dầu hủy diệt sự sống của nàng, có lợi cho nàng hơn.
Định lại nâng bạn lên, hôn nàng một cái và nói:
- Thôi ta đi ăn cơm nhé! Đã bảy giờ rồi.
- Đỡ em dậy!
Lan đưa hai tay lên để bá lấy cổ Định, níu để cất mình ngồi dậy.
Định tắt đèn lần lần theo bước lùi của họ, đèn nhà sau, đèn buồng ngủ, đèn phòng khách. Khi chàng khóa xong cửa lại từ bên ngoài, xây lưng vào trong thì quả thấy một chiếc xe cam nhông loại mui bằng lá đậu trước nhà chàng phía bên kia đường và hai người thợ máy đang gỡ ca bô lên rọi đèn bấm vào để sửa chữa một chỗ hỏng tưởng tượng nào đó.
Chàng buồn cười ghê lắm, mà nghĩ rằng đàng xa có hai chiếc xe nhỏ, đậu ở hai đầu đường, chắc là xe trắc xông, loại xe dùng để chạy trốn hoặc đuổi bắt rất hiệu lực, hiệu lực hơn cả xe Hoa Kỳ thứ thật mạnh rữa. Hai chiếc xe nhỏ ấy liên lạc với quan sát viên trên chiếc cam nhông nầy bằng V.T.Đ. và một sẽ theo dấu chàng tùy theo hướng đi của chàng.
Cả hai đều trở đuôi lại đây, và chàng rồ máy thì họ cũng rồ máy, chàng ra đi về hướng Nam thì chiếc xe bên trái sẽ đuổi theo, về hướng Bắc thì chiếc xe bên mặt làm phận sự.
Khi Lan lên xe rồi, Định bảo thầm:
- Để mình cho tụi nó tốn xăng chơi.
Nói xong, chàng rồ máy sang số rồi đạp ga, quanh chữ U, nhắm hướng Bắc mà trực chỉ.
Tới trước một ngọn đèn đỏ, chàng phóng luôn, cảnh sát công lộ thổi tu hít rền trời, chàng cứ bất kể.
Định cười ngất, khiến Lan không hiểu gì cả. Chàng chắc chắn rằng chiếc trắc xông rượt theo chàng sanh nghi lắm, vì nếu không toan trốn, chàng chẳng vượt đèn đỏ làm gì. Xe ấy cũng sẽ bất kể đèn đỏ, vọt theo chàng, và tu hít sẽ thổi rền trời chập thứ nhì nữa.
Tới đầu đường Phan Thanh Giản, Định phóng xe qua cầu rồi đạp ga.
Chàng chạy bao nhiêu cây số giờ cũng không thoát được chiếc trắc xông, nhưng cứ chạy cho họ rượt theo chơi cho vui. Tới ngã tư Thị Nghè, chàng phải ngừng lại, rồi bớt tốc độ luôn cho tới khỏi cầu Văn Thánh là cầu lưng lừa nguy hiểm rồi mới đạp thêm ga lần lần.
Trời có trăng, hai bên xa lộ, mặc dầu giữa mùa nắng ếch lại bắt cặp rất đông, day bên tay trái hay tay mặt gì, dòm vào trong xa cũng thấy lố nhố xe hơi, xe xì cút tơ và các loại xe hai bánh khác với lại vô số kể là bóng người.
Chiếc Peugcot chạy vùn vụt, và đôi bạn say tốc độ nên không nói gì với nhau cả.
Định say lúy túy nên chàng có cái ý muốn hơi ngông nầy là cứ chạy hoài chạy hủy với tốc độ tối đa, kỳ cho tới khi nào hết xăng thì thôi. Có lẽ chừng đó chàng đã tới Định Quán rồi cũng nên.
Chiếc trắc xông sẽ đậu lại trước mũi xe chàng vì họ định rằng chàng toan lủi vào rừng. Nhưng chàng sẽ cười lên rồi xin quá giang xe họ để trở về Saigon. Chắc họ sẽ rủa chàng ghê lắm.
Hoặc nếu dọc đường, gặp tai nạn, càng hay. Với tốc độ nầy thì không làm sao mà thoát chết được, nếu xe đụng hay lật.
Nhưng tới ngã ba Tam Hiệp, chàng tỉnh lại nên quay xe để trở về Saigon, và chàng thấy chiếc trắc xông chạy tới từ đàng xa. Họ cố giữ một khoảng cách giữa chàng và họ, thấy bớt tốc độ để quày xe về, họ cũng chạy chậm lại để quay sau chàng.
Trên chuyến về, Định giữ phía bên trong để được chạy chậm thật chậm.
Nhìn trong kiếng chiếu hậu, chàng thấy chiếc trắc xông đèn cốt lẽo đẽo đeo theo chàng như là nghe văng vẳng họ đang rủa chàng trên ấy.
- Em đói lắm không? Định hỏi.
- Cũng vừa đói tới. Đêm nay ăn ngon lắm.
- Ừ, nhưng em nên nhìn cảnh sáng trăng, cũng như ta nhìn nhau khi nãy, để mà nhớ rằng anh nói với em rằng anh yêu em trọn đời, dầu sao đi nữa.
- Dầu sao là thế nào?
- Nói theo văn sáo đời xưa thì là dầu cho vật đổi sao dời, anh cũng cứ yêu em.
- Yêu thì nên chạy mau một chút để cho em ăn.
Lan chỉ vui và chỉ biết vui, vì nàng đâu có thấy đám mây đen kéo đến chơn trời và sắp kéo lên đây. Trong khi đó thì Định cứ muốn để lại một kỷ niệm nơi tâm trí của bạn chàng, mà không thể nói ra lý do cần thiết của kỷ niệm ấy, nên Lan không hoan nghinh đề nghị của chàng bao nhiêu.
Cảnh sáng trăng chỉ thơ mộng trong thời người ta làm quen nhau, trong thời chinh phục, trong đêm tỏ tình, và trong thời trăng mật mà thôi. Họ đã yêu nhau trên hai tháng rồi, đã ngắm hai con trăng tròn, trăng khuyết rồi thì trăng đã hóa xoàng. Còn cái hận biệt ly, Lan đâu có đoán biết được.
Con trăng vĩnh biệt cũng đáng kể lắm, chỉ phiền là sự vĩnh biệt sắp tới, một trong hai người không nên biết, nên một trong hai người không chịu chú ý đến nó.
° ° °
Lan rất ngạc nhiên mà thấy Định ra đi bằng xe của người khác đang đợi chàng trước cửa.
Định giải thích:
- Hai đứa lo chung một công việc, anh cọp xe nó cho đỡ tốn xăng.
Chàng không nói láo chút rào, chỉ khác là cái "công việc" của chàng, Lan ngỡ là công việc làm ăn, chớ đâu có biết rằng chàng đi tập luyện.
Lan căn dặn:
- Trưa ăn cơm ở nhà nhe. Em lười đi ăn ở ngoài vào giấc trưa lắm. Em không thể nấu nướng gì được, bởi chưa sắm gì hết, nhưng em sẽ mua thịt quay bánh hỏi.
- Ừ. Nếu Liên đến thì sao? Hẳn Liên đoán được rằng em đi theo anh.
- Chỉ khi nào có anh ở nhà mới đáng lo, vì anh sẽ muốn chiều ý "người đẹp" của anh.
- Lan tinh nghịch đáp.
- Chị ấy sẽ không buồn thuyết phục em làm gì, ít lắm cũng trong mấy ngày đầu mà chị ấy tin rằng em đang mê anh.
- À, nếu Liên đoán biết thì chắc Liên đoán rằng ta mới yêu nhau, hay chính em tới đây để bắt xác anh.
- Rất có thể là như vậy.
- Thôi, anh đi nghen cưng!
Chàng ôm đầu bạn hôn lên tóc bạn một cái rồi ra khỏi buồng.
Lan cũng sửa soạn để ra đi ăn sáng, vì Định phải điểm tâm riêng với người bạn có xe, nên họ không có đi ăn lót lòng với nhau.
Hôm nay, Lan bắt đầu mua sắm đây, cho một đời sống vợ chồng vĩnh cửu, và trưa nay Định về, thấy sự thực hiện giai đoạn đầu của chương trình, chàng nghẹn cứng nơi cổ họng vì cảm động, vì thương xót.
Nhưng nàng cũng chưa mua gì nhiều được, bởi nàng không có tiền, mà không nỡ mở miệng hỏi tiền của bạn. Thế nên nàng chỉ mang về nhà có tấm náp để trải chiếc bàn ăn nhỏ và một mớ khăn bàn mà thôi.
Vả lại, cũng không vội, vì chuyện trăm năm thì trễ một vài hôm cũng chẳng sao. Thứ bảy, chúa nhựt là hai ngày nghỉ ngơi thân thể và trí óc chớ.
Ừ, hôm nay thứ bảy và chiều nay sẽ có một người buồn teo ruột trong đô thành. Chiều thứ bảy đầu tháng mà một thiếu phụ trẻ đẹp rảnh rang, không phải giữ gìn cho ai, lại không được ai mời đi ăn cơm, đi giải khát cả, huống hồ gì người cô đơn ấy lại vừa mất một đứa em, nó cũng an ủi nàng được phần nào, nếu nó có mặt.
Nó đã đi, mà đi với ai? Với kẻ mà nàng thương nhớ, đợi chờ, nhưng không bao giờ đến với nàng cả. Liên sẽ tưởng tượng rằng Lan với Định đang sóng đôi, đi trên bãi cát dưới ánh trăng và nàng nghe nao nao buồn.
Lan cũng nghe nao nao buồn mà tưởng tượng rằng Liên sẽ tưởng tượng như vậy. Nàng định bụng sẽ về thăm chị chiều thứ hai hay chiều thứ ba gì đây, qua với chị ấy mấy tiếng đồng hồ, cho tới lúc Liên đi làm.
Trưa hôm nay, Định về nhà hồi mười một giờ. Chàng nghe vui dạ ghê lắm mà thấy nhà chàng đã có sanh khí, bụi bặm không còn phủ mặt bàn một lớp dày nữa và gạch được lau bằng vải ướt, sạch những vết bẩn lâu năm, trông cứ như là mát hơn. Nhà bếp chưa có gì cả, nhưng Lan đã mua than đằng tiệm chạp phô chứa đầy cái kho than nhỏ, dưới khuôn bếp.
Lan đang sắp lại áo quần trong tủ, chạy ra bá lấy cổ bạn mà đưa đi xem những dọn dẹp thay đổi nho nhỏ mà nàng thực hiện. Nàng thấy Định vui, nhưng không thấy rằng đồng thời Định cũng đau khổ không biết bao nhiêu.
Lan càng tha thiết sống nơi đây, càng muốn biến căn nhà u trệ nầy ra một cái tổ ấm, chàng càng đau xót trước cho niềm đau sắp tới của bạn chàng.
- Lan!
- Dạ.
- Chắc anh sẽ hạnh phúc lắm mà sống chung với em.
- Em cũng vậy.
- Nhưng anh e rằng chưa phải lúc và ta còn phải qua một thời gian ở riêng.
- Chắc người ấy chưa chịu đi?
- Không có người nào cả.
- Không có thì em ở đây, và em sẽ giành với người ấy nếu người ấy xuất hiện ra. Em giành vì em có quyền. Em có quyền vì anh cứ chối rằng không có ai cả, có quyền vì bị anh gạt gẫm.
Định lại phải bỏ cuộc. Mãi cho đến đêm chúa nhựt chàng mới thấy rằng phải làm cái gì. Người huấn luyện viên của chàng cho chàng hay rằng đã báo cáo với thượng cấp rằng chàng đã sẵn sàng rồi và lịnh xuống chàng phải thi hành sứ mạng vào tối thứ hai.
Ông Mạnh dạo nầy đeo riết cô thu ngân viên nên không đêm nào là ông ta không vào vũ trường, thì thứ hai hay thứ ba gì cũng có mặt ông ta trong đó cả.
Đã bảo rằng đó là "lịnh" thì chàng không thể chần chờ được và đêm nay là đêm cuối cùng của đời bạn đây, thật là cuối cùng trong đời ân ái của họ, vì chàng không tin rằng Lan sẽ chờ đợi chàng suốt mấy năm trường, không phải vì Lan không có nghĩa mà vì ngộ nhận của nàng.
Hai đêm liên tiếp tối thứ bảy và đêm nay họ ăn cơm sang trọng lắm, nhưng ăn rồi về nhà chớ không đi chơi đâu cả.
Định rất ngạc nhiên mà thấy thượng cấp của chàng không bận tâm tới sự có mặt của Lan trong nhà chàng. Đáng lý gì họ phải làm áp lực cho chàng đuổi Lan đi, nhưng chắc họ không nỡ, không nỡ đối với chàng ấy chớ không phải đối với Lan. Chàng chỉ còn có mấy ngày vui trên đời, mà họ cũng là con người. Nhưng họ làm thế là họ sai lầm. Nếu họ làm áp lực, chàng đành phải mạnh miệng với Lan chớ như thế nầy, thật là khó ăn khó nói.
- Lan nè,
- Định chìa tay cho bạn gối đầu, gọi nàng như là nàng đang ở đằng xa. Chiều mai Lan nên về thăm Liên.
- Ừ, em cũng định như vậy.
- Nhưng về với tất cả áo quần, để Liên tưởng em đi Cấp về, xí xóa tất cả, rồi tối mốt hãy về.
- Tại sao phải xí xóa?
- Cho Liên đừng giận em chớ sao.
- Rồi tối mốt em lại ra đi, chị ấy lại ngăn trở.
- Không, anh sẽ rước em, sau khi Liên đi. Em sẽ để lại một bức thơ giã từ, cho nó đẹp.
- Thôi đi, đừng có gạt em. Em tin chắc rằng chiều mai sẽ có một cô đến đây. Như vậy em càng quyết ở lại.
- Khổ lòng cho anh quá, em không hiểu gì cả.
- Không có cái gì mà em không hiểu.
Khi một người đàn bà nghi ngờ và ghen thì ông trời cũng không làm sao mà thuyết phục họ được. Định quên mất cái điểm Lan càng sanh nghi, khi chàng càng nài nỉ, thế nên chàng như đụng đầu vào một bức tường kiên cố đêm nay.
Thôi thì chàng chỉ còn biết yêu bạn nhiều cho thật nhiều và ngày sau nhớ lại những lời lẽ tối nghĩa và có vẻ bâng quơ đêm nay có thể nàng sẽ hiểu.
Lần đầu tiên trong đời ăn no ngủ yên của một con người chỉ biết hưởng thụ, Định trằn trọc suốt đêm. Chàng nhìn Lan ngủ êm, ngủ say dưới ánh đèn chong lờ mờ, mà tội nghiệp cho nàng không biết bao nhiêu. Và chàng đã khóc.
Người con trai nầy mãi cho đến bây giờ mới chợt thấy rằng chung qui cũng chỉ tại chàng làm xằng mới ra cớ sự như vầy. Nếu chàng không ham xe hơi, không ham tiêu xài sung sướng, chàng đâu có phải nhúng tay vào vụ ông Mân và Thu Mai, và ông Bân đâu có làm sao mà làm săng ta chàng được.
Ông ấy đã thẳng thắn mà nói rõ ra rằng chàng bị kẹt không thể từ chối được.
Chàng cứ tưởng là sắm xe chở Lan đi chơi là tạo hạnh phúc cho nàng, nhưng hậu quả là như thế nầy đây. Hạnh phúc không hề do xe hơi gây ra được, chàng đã học bài ở nhà trường như vậy, nhưng không tin, bây giờ mới thật là sáng con mắt ra.
Kẻ có lỗi nầy không hay biết rằng mình là nạn nhơn của đời sống đô thị, chung quanh mình đầy dẫy xa hoa, mình bị quyến rũ nhưng lại thiếu phương tiện. Lan cũng là một nạn nhơn loại ấy năm ngoái, và đang có không biết bao nhiêu ngàn nạn nhơn như vậy, họa hoằn là chỉ những người thật khiêm tốn, thật khôn ngoan, thật mạnh nghị lực mới lánh được những tay vói của con bạch tuộc xa hoa mà thôi.
Chính những công chức mà chàng có phận sự theo dõi cũng là nạn nhơn. Loại nạn nhơn nầy, không ai làm tội được trước khi họ phạm tội, thế nên nhà nước chỉ biết theo dõi kín đáo họ mà thôi, có lẽ để không giao phó cho họ những công việc mà họ có thể hối mại quyền thế, tham lạm công quỹ hoặc nhận hối lộ.
Nhưng không thể không có đô thị. Ai thiếu nghị lực, thiếu căn bản đạo đức thì rán mà chịu vậy.
Lữ Đoàn Mông Đen Lữ Đoàn Mông Đen - Bình Nguyên Lộc Lữ Đoàn Mông Đen