"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Azit Nêxin
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 33
Cập nhật: 2018-04-21 22:51:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chúng Tôi Muốn Nuôi Người Ở
iệc nuôi người ở tất cả là do vợ tôi. Thực tình tôi hoàn toàn chưa có ý định ấy.
- Người ta nói nhà bà Nhemin tầng trên nuôi người ở rồi đấy. Mà chồng bà ta người xấu như ma, chuyên buôn bán phụ tùng lẻ!... Cái ngữ ấy chẳng thể buôn bán nổi cả chiếc ô tô nguyên, mà chỉ bán từng cái phụ tùng lẻ một.
Ngày nào cũng như ngày nào trong nhà chúng tôi cũng chỉ rặt nói đến chuyện nuôi người ở.
- Cả đến nhà Derizat cũng có người ở? Còn anh thì lúc nào cũng chỉ nói: "Anh sẽ viết thế này! Không, tốt hơn, anh nên viết khác!" Còn mụ hàng xóm Liale, anh nghĩ mà xem, đến nhà ấy cũng mướn được người ở! Chồng mụ ấy giàu lên chẳng qua nhờ có ba cái đinh đóng móng ngựa mà thôi.
- Ừ, đời là thế mà em. Người thì nhờ đóng móng ngựa mà phất lên, người thì nhờ móng ngựa mà thành giàu có, nên người.
- Rồi lại còn nhà... như nhà... gì ấy nhỉ, em quên mất tên rồi! Cái nhà ăn nên làm ra bằng nghề buôn bán cao su phế liệu ấy. Họ có người ở rồi nhé! Nhà Aiphe còn mướn đến hai người ở. Còn cái thân tôi thì suốt ngày giặt giũ, da tay bợt bạt bong đi từng mảng. Trong cái nhà này tôi chả là gì cả, nói không ai nghe. Người bé thì thiếu tôn trọng, người lớn thì không yêu mến.
Bà vợ tôi cứ đay đi đay lại mỗi một điệp khúc:
- Người ở, dù thế nào cũng phải nuôi người ở!
Tôi tuyệt vọng, cắn răng "liều chết" nói:
- Được rồi, được rồi! Em hãy tìm người đi. Tìm được thì ta cũng nuôi.
Thế là tôi được yên thân một thời gian. Vợ tôi hỏi khắp nơi vẫn chưa tìm được người ưng ý. Hôm ấy, buổi tối đến bữa, tôi xuống phòng ăn: bếp lạnh tanh, không có bữa tối.
Vợ tôi bảo:
- Em xin lỗi, mải bận đi tìm người ở, về muộn quá em không kịp nấu ăn. Thôi, không sao, ta uống trà vậy!
Còn khi tôi nói: "Áo anh bẩn rồi" thì vợ tôi đáp "Anh mặc cố nốt hôm nay. Em chưa giặt kịp được đâu".
Phòng ở không ai dọn dẹp, cơm không có người nấu, quần áo không ai giặt. Cả nhà từ lớn chí bé tất cả lao vào tìm người ở.
Tối hôm ấy bước vào nhà, tôi thấy hơi lạ: cả gia đình đang vui như hội.
- Có việc gì thế?
- Nói sẽ chứ anh! Tìm được người rồi!
- Em tìm được người ở rồi à!
- Lạy Chúa, anh nói sẽ thôi, kẻo cô ấy nghe thấy.
- Thì anh có nói điều gì xấu đâu..
- Sao mình lại nói "người ở"? Nhỡ cô ta giận, bỏ đi thì làm thế nào?
- Anh hãy nhớ nhé, không được nói "người ở". Giờ không ai gọi thế nữa mà gọi là "cô bảo mẫu" hay "cô phục vụ".
Nhưng nhà mình có ai cần phải nuôi dạy, bảo ban nữa đâu. Nhờ trời chúng ta đều được ăn học cả rồi. Giờ thì em gọi cô ta vào để "cô phục vụ" của chúng ta ra mắt xem người thế nào.
- Chỉ nhìn không thôi nhớ! Cấm không được nói linh tinh đấy!
Vợ tôi lên tiếng.
- Ơi chị, Aiten!
- Ôi, giời đất, quỷ thần ơi! Sao trên đời lại có người xấu đến thế! Tôi hiểu, tất nhiên là do vợ tôi cố ý chọn người xấu thế là để "chống ghen".
Vợ tôi giới thiệu tôi với người ở:
- Đây là anh Mucxin, chồng tôi.
Cô gái đi lại phía tôi dáng õng ẹo. Tôi hơi bối rối: chả lẽ lại đứng dậy hôn tay cô ta? Nhưng rồi tôi quyết định đưa tay ra bắt tay cô gái.
Cô ta cong môi, uốn éo:
- Rất hân hạnh, tôi là Aiten.
Aiten ăn mặc hoàn toàn như một cô nương chính cống, ấy là chưa muốn nói, còn "sộp" hơn cả cô nương ấy chứ. Người lạ đến nhà dứt khoát sẽ lầm, không biết ai là vợ tôi ai là người ở. Cô Aiten ngồi xuống chiếc ghế bành trước mặt tôi, bắt chân lên nhau.
- Ông có thuốc lá không? Tôi quên mang theo:
Vợ tôi chạy sang phòng bên lấy thuốc lá. Con gái tôi quẹt diêm cho cô ta hút. Còn "cô phục vụ" của chúng tôi thì nhẩn nha tròn môi thả ra những vòng khói thuốc toả ra khắp phòng.
Chúng tôi ngồi câm như hến, chỉ biết trố mắt nhìn cô ta không biết nói gì. May thay cô ta là người đầu tiên phá tan sự im lặng khó chịu ấy:
- Thế nào, chúng ta thoả thuận với nhau đi!
- Vâng, thưa cô nương!
- Ông định đặt bao nhiêu? Nghĩa là ông có thể trả tôi bao nhiêu?
Cả nhà nhìn chằm chằm vào miệng tôi, chờ tôi phát ngôn. Mọi người hồi hộp chỉ sợ tôi đưa ra giá rẻ khiến "cô phục vụ" mếch lòng. Không hiểu liệu mình trả cô ta một trăm lia có ít không nhỉ? Mà ngay cả một trăm lia cũng quá khả năng của chúng tôi rồi. Nếu một tháng tôi viết được mười truyện ngắn thì may mới trả đủ tiền thuê cho cô người ở. Cố gắng cũng có thể viết được ngần ấy truyện nhưng làm sao mà đăng hết được cả mười truyện.
Thấy tôi đắn đo quá lâu, cô ta chủ động:
- Này, anh bạn, cứ thẳng thừng mà phát, có chi mà ngại!
Tôi nói ấp úng.
- Ta sẽ trả cho cô một trăm lia một tháng.
Cả nhà tôi và cô người ở đều "ồ" lên một tiếng:
- Sao, có điều gì xảy ra vậy?
- Bố ơi, trả ngần ấy làm sao được. Bố không đọc báo hay sao? Bây giờ một trăm lia còn không thuê nổi một viên chức đứng đắn nữa là!
Vợ tôi tham gia:
- Anh cứ thử tính mà xem: một thỏi son môi giá mười lia, một hộp phấn là bốn mươi lia.
Cô người ở, xin lỗi, nghĩa là "cô phục vụ" giờ mới lên tiếng:
- Một đôi tất chân loại xoàng mười bốn lia. Mà kiểu gì thì mỗi tháng vẫn cứ đi rách bốn năm đôi là ít.
Tôi vội xỏ chân sâu vào đôi dép đi trong nhà để cô ta khỏi nhìn thấy đôi tất mạng trên chân tôi.
Cô nương Aiten đứng dậy, dõng dạc:
- Xin được cảm phiền, giữa chúng ta chẳng còn gì để nói. Tạm biệt.
Cả nhà tôi thấy thế cùng xúm lại nài nỉ cô ta:
- Lạy chúa, thì cô nương hãy cứ ngồi xuống cái đã, đi đâu mà vội. Mong cô bớt giận làm lành.
- Nhà trước trả tôi bốn trăm lia một tháng, nhưng tôi không màng. Lão chủ già khọm, phát ngán, tôi bỏ đi.
- Ơi này cô nương, tiền của thì Đức Ala ban cho ai người nấy được. Tôi tuy ít tiền nhưng sẽ cố gắng để cô được hài lòng. Tôi là người tốt, tôi sẽ hết lòng vì cô.
- Hãy nghe xem "tôi sẽ hết lòng", trên đầu ông ta "hết cả tóc" mà còn nói muốn làm cho tôi hài lòng!
- Chingiz đâu!... tôi gọi to.
Thằng con trai tôi giống hệt Chingiz khan chạy vào thưa:
- Bố gọi con có việc gì đấy ạ?
- Con ra đây để cô nương ngắm con một lát.
Cô Aiten đưa mắt nhìn Chingiz từ đầu xuống chân, rồi từ chân lên đầu.
- Trông được đấy, - cô Aiten nói. – Thôi được, nể gia đình ông, tôi đồng ý nhận hai trăm. Nhưng tôi muốn lấy tiền đô.
Cô nương lại đưa mắt nhìn Chingiz lần nữa:
- Và cũng vì anh đây thôi! Còn ông là nghề gì? – Cô ta quay sang hỏi tôi.
- Tôi ấy à? Tôi làm nghề viết.
- Nhưng viết gì cơ? Viết đơn từ à?
- Không! Tôi viết truyện ngắn.
- Ô hô! Hay thật đấy, chả lẽ người ta lại sống được bằng truyện ngắn, truyện cổ tích hay sao?
- Thì cũng phải cố mà xoay trở cho đủ chứ biết làm sao.
- Tủ lạnh nhà ông mác gì?
- Hiện giờ chưa có, nhưng chúng tôi dự định sẽ mua. – Vợ tôi thú thật.
- Nhà ông có máy quay đĩa không?
- Nhà tôi có radio kèm máy quay đĩa.
- Nếu không có những đĩa hát yêu thích, tôi không làm ở đây đâu.
- Chúng tôi sẽ mua những đĩa mà cô thích.
- Thế nhà ông có máy giặt không?
- Không.
- Này ông, tôi bảo thật nhé, ông vứt cái nghề cạo giấy ấy đi. Đến mà làm thuê cho nhà buôn giàu có nào đấy còn đàng hoàng hơn nhiều. Này, ít ra cũng có cái máy hút bụi trong nhà chứ?
Vợ tôi nhanh nhảu:
- Ngày mai chúng tôi sẽ mua!
- Ê, các bạn thân mến của tôi, các bạn hãy ra quảng trường Eminhiêru chìa tay ra mà xin bố thí.
Nói rồi cô ta quay sang tôi:
- Thế mà cũng gọi là đàn ông à? Không biết làm gì thì kiếm lấy gánh cam mà đi bán rong chứ?
Tôi thấy nóng người ngồi không yên vì xấu hổ.
- Nhà này có ấm đun nước lắp còi báo không? Tất cả chúng tôi im lặng. Aiten thất vọng ra mặt, cô ta đứng dậy hướng về thằng con tôi nói:
- Này chàng trai đáng mến của tôi ơi, chàng thuộc diện điển trai đấy, nhưng kể cả siêu sao Maclông Branđô ở đây cũng thế thôi, tôi chịu sao nổi cảnh nghèo khổ này.
Sau đó cô ta lại quay về phía tôi:
- Thật đáng thương cho loại đàn ông như ông!- Cô ta chì chiết. – Ông thử nhìn bộ dạng của mình mà xem. Thế mà cũng gọi là com-lê à?
- Còn bà nữa bà thông minh hết sảy! - Cô ta đai giọng. – Người ta định thuê tôi ở! Các người hãy lo ăn lo mặc cho mình được đầy đủ trước đi đã. Rõ chưa, ốc không mang nổi mình ốc lại còn lo cho cọc.
Thôi thì, cô ta nói không còn thiếu những lời lẽ gì xúc phạm gia đình chúng tôi nữa! Cuối cùng cô ta giật mạnh cửa và bước ra ngoài. Chúng tôi không thể nào nhìn vào mắt nhau được nữa. Vợ và con gái tôi oà khóc. Thằng con trai tôi lẩm bẩm chửi rủa mọi thứ trên đời.
- Ngày mai con bỏ học! Nó tuyên bố.
Tôi thì quyết định sẽ tự vẫn.
Nhưng ở đời trong cái rủi lại có cái may. Sau chuyến viếng thăm của cô gái ấy, cả nhà tôi như bừng tỉnh dậy.
Vợ tôi giờ đi làm thuê cho nhà buôn cao su phê thải; con gái tôi giúp việc cho tay buôn phụ tùng ô tô. Thằng con trai tôi làm tạp vụ cho một chủ buôn bông. Còn tôi thì... dù có muốn, cũng chẳng ai thèm thuê làm người ở. Được cái bù lại là cả nhà đều quan tâm chăm chút tôi, như một cựu chiến binh già trong nhà... Và xin nói nhỏ, khoe với các bạn, chúng tôi còn gửi được ít tiền tiết kiệm trong ngân hàng nữa đấy!
Leo Lên Và Tụt Xuống Leo Lên Và Tụt Xuống - Azit Nêxin Leo Lên Và Tụt Xuống