Số lần đọc/download: 4614 / 104
Cập nhật: 2014-12-04 16:11:14 +0700
Chương 6
S
áng hôm sau Golyadkin tỉnh giấc lúc 8 giờ. Ngay lập tức những chuyện kỳ cục xảy ra hôm qua và cái đêm man rợ, quái gở với những cuộc phiên lưu khó tin nổi, lại trở về trong trí chàng với từng chi tiết. Mọi cái xấu xa khó tưởng tượng của kẻ thù, nhất là trong keo chót, làm lòng Gotyadkin tê tái. Nhưng cũng có vẻ kỳ quái, khó hiểu và vô lý, không thể tin được là đã xảy ra thật sự. Chàng đã muốn coi đó như một ảo giác mộng mị, một mê muội nhất thời, hoặc một sự què quặt của lý trí, nếu không trải qua cái kinh nghiệm chua cay đã cho chàng biết sự thù ghét của cừu nhân có thể đưa chàng đến đâu khi chàng cố gắng trả thù thái độ khinh thường danh dự và coi rẻ tự ái chàng. Mình mẩy mỏi nhừ, đầu óc hoang mang, lưng đau như dần và lỗ mũi nghẹt cứng, chừng ấy đã chứng thật việc chạy trốn quá lâu trong đêm qua của chàng, thừa nhận mọi việc đã xảy ra trong cuộc phiêu lưu hồi đêm. Tuy vậy, Golyadkin cũng đã biết là có gì bịa đặt ra, và có bàn tay ai đó nhúng vào. Nhưng ai? Golyadkin suy nghĩ và quyết định giữ im lặng trong lúc này, không phản kháng. "Chúng có thể chỉ dọa dẫm thôi" chàng nghĩ "nhưng khi thấy mình không hề có phản ứng, thấy mình cam chịu, chúng sẽ tự chịu thua. Chúng sẽ phải thú nhận trước tiên".
Golyadkin nằm dài trên giường nghĩ ngợi, chân tay chàng mỏi nhừ, và chàng đợi Petrushka xuất hiện như mọi ngày. Chàng chờ cả 15 phút, lắng nghe Petrushka lục đục, vội vàng với cái ấm nước sau vách, nhưng vẫn không dám gọi. Chúng ta còn có thể nói được là Golyadkin sợ phải gặp mặt Petrushka.
Golyadkin nghĩ thầm:
- "Chỉ trời biết thằng cà chớn đó đang nghĩ gì. Nó không nói nhưng nó đã thấy hết".
Rồi cánh cửa khẽ kêu và Petrushka xuất hiện bưng khay nước. Golyadkin liếc nó, tự hỏi liệu Petrushka có nhắc lại những gì nó đã chứng kiến không. Nhưng Petrushka vẫn không hề nói. Nói thật trông nó còn có vẻ lầm lì, rầu rĩ và bực dọc hơn bao giờ, như bất mãn chuyện gì, và không hề nhìn chủ đang vì thế mà nóng nảy. Đặt khay điểm tâm lên bàn xong, Petrushka bước ra, vẫn không hề hé miệng.
Golyadkin uống trà, càu nhàu:
- Nó biết, nó biết hết, thằng vô tích sự.
Nhưng dầu Petrushka còn vào phòng nhiều lần khác để làm này nọ, Golyadkin vẫn không dám hỏi nó những gì chàng đang muốn biết.
Chàng đang lo lắng, và không muốn đến sở chút nào. Chàng có linh tính là ở đấy cũng có gì không ổn. Chàng nghĩ: "Nếu đến đó, mình lại sẽ vướng vào những chuyện không hay. Khôn hơn là nên rán đợi. Để ở đó họ làm gì thì làm, nhưng mình thì mình nên đợi cho hết ngày, để phục hồi và lấy sức, để suy nghĩ chín chắn hơn, chờ cơ hội rồi ung dung trở lại".
Golyadkin vừa nghĩ vừa hút thuốc liên miên, không biết thì giờ đang trôi nhanh. Khi nhìn lên đồng hồ chàng thấy đã 9 giờ 30.
- "Dù sao cũng trễ giờ đi làm rồi". Chàng quyết định "và nhất là mình đang thấy muốn bệnh đây. Chắc rồi, không có gì nghi ngờ nữa, có ai dám nói là tôi, không bệnh không? Mình ngại gì? Cứ để họ đến, rồi để họ gởi bác sĩ đến. Mỏi lưng, ho, nhảy mũi, không thể nào ra khỏi nhà trong thời tiết thế này. Dám bệnh quá mà chết lắm. Số tử lúc này lên cao rồi".
Lý luận như vậy, Golyadkin thành công trong việc làm êm nỗi ngần ngại trong lòng, và nếu bị Andrei Filipovich khiển trách vì tội bỏ bê công việc cũng an ủi được chàng. Nói chung, Golyadkin có thói quen riêng để biện minh cho mình với lối cãi cối cãi chầy như là đã không có cách nào làm khác hơn những gì đã làm, và nhờ vậy lương tâm chàng thấy yên ổn. Đã xoa dịu được lương tâm, chàng lấy điếu nhồi thuốc, phì phà. Nhưng đang hút ung dung như vậy, chàng bỗng nhảy khỏi ghế, đặt ống điếu xuống, rửa mặt, cạo râu, khoác áo vào cùng mọi thứ còn lại, vơ vài giấy tờ vội vàng đi đến sở.
Vào trong sở rồi, Golyadkin bước nhẹ đến phòng của mình, run lên vì lo lắng, ngồi xuống chờ đọi cái không hay xảy ra - một sự chờ đợi dầu mơ hồ và kín đáo nhưng không có gì hào hứng cả. Chàng rón rén ngồi xuống kế bàn thư ký trưởng Anton Antonovich Setochkin. Rồi không nhìn chung quanh, không để bất cứ điều gì làm phân tán sự chăm chú của mình, Golyadkin chúi mũi vào đống giấy tờ trước mặt. Chàng tránh gây động chạm với họ hoặc làm mất thanh danh mình bởi những câu hỏi hớ hênh, những giỡn cợt, những câu bóng gió về cuộc vui đêm qua, chàng còn tự ngăn cấm những giao thiệp bè bạn với các đồng sự, chẳng hạn hỏi thăm sức khỏe người nào. Nhưng chàng cũng thấy làm vậy lâu không được. Nỗi lo có gì dính líu đến mình mà mình chưa hay khiến chàng băn khoăn hơn cả chính việc đó. Và đó là lý do vì sao chàng, dầu đã quyết định không để tâm đến những gì đang xảy ra, và xa cách mọi sự, vẫn cứ liếc ngang, liếc dọc, cố đoán vẻ mặt của các đồng sự xem có chuyện gì vừa xảy đến mà còn giấu chàng không. Chàng tin chắc những điều xảy ra hôm qua thế nào cũng liên hệ với những gì đang xảy ra quanh chàng. Và rốt cuộc lo quá chàng đâm ra mong mọi sự đến phứt cho rồi dù phải ra sao, dù có kết thúc trong thảm họa đi nữa... Nhưng ở đây định mệnh không buông chàng. Trước khi chàng xếp đặt ý tưởng rõ ràng như vậy, mọi nghi ngại của chàng bị đánh tan bất ngờ và kỳ lạ.
Cửa phòng kế bên phát lên tiếng đẩy nhẹ và thận trọng, cho thấy người sắp bước vào chỉ là một nhân viên cấp nhỏ. Một gương mặt quen thuộc với Golyadkin bước vào và rụt rè đi đến bàn người hùng của chúng ta đang ngồi. Golyadkin không ngẩng đầu lên nhưng vừa thoáng thấy người mới vào, chàng đã biết tất cả về hắn, cho tới chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chàng thấy xấu hổ và cố chúi đầu vào mớ sổ sách như con đà điểu giấu đầu trong cát nóng trốn người đi săn. Người mới vào cúi chào Andrei Filipovich, và vị trưởng phòng nói với giọng tử tế của cấp trên đối với những cộng sự viên mới:
- Ngồi đây - Andrei Filipovich chỉ vào bàn của Anton Antonovich - ngay đây, kể ông Golyadkin, Chúng tôi sẽ có việc cho ông ngay.
Andrei Filipovich dứt câu với điệu bộ oai quyền, rồi lại cắm cúi vào chồng giấy tờ trước mặt.
Golyadkin ngẩng mặt nhìn lên, và nếu chàng không ngã xỉu chỉ vì đã linh cảm môt việc thế này sẽ xảy ra, và đã đoán được ai sẽ là người... Phản ứng đầu tiên của Golyadkin là quay mình thật nhanh để xem có ai xầm xì giỡn cợt gì chàng, có ai té ngửa vì sợ không. Nhưng trước sự kinh ngạc của chàng, chàng không thấy dấu hiệu nào như vậy. Thái độ các đồng sự làm chàng sửng sốt. Chàng không hiểu nổi và thấy sợ cái êm ả kỳ lạ đó. Sự thật sờ sờ ra đó, thật quái gở, kinh khủng, khó mà lãnh đạm được. Dĩ nhiên những ý nghĩ này chỉ lóe lên trong trí Golyadkin và chàng ngồi đó mà tưởng như ngồi trên lửa Chàng có lý do. Người ngồi trước chàng là sự xấu hổ, sự nhục nhã kinh hoàng, là ác mộng đêm qua của chàng.
Tóm lại, đó chính là Golyadkin, nhưng không phải một Golyadkin đang ngồi trên ghế, há hốc, tay cầm bút tê cóng, không phải một Golyadkin phụ tá của thư ký trưởng trong sở và tự trộn lẫn vào đám đông không muốn bị để ý, cũng không phải một Golyadkin với cái vẻ "đừng làm phiền tôi, tôi sẽ không làm phiền bạn" hoặc "đừng làm phiền tôi bởi tôi không hề làm phiền bạn". Không, đây là một Golyadkin khác, khác hẳn, nhưng đồng thời cũng là một người hoàn toàn giống hệt Golyadkin trên - cũng cao, cũng to con như vậy, cũng áo quần đó với miếng vá đó - tóm lại, không có gì có thể giống hơn cho tới nỗi nếu đứng gần nhau, không ai có thể bảo đâu là Golyadkin thật, ai cũ, ai mới, ai thiệt và ai giả.
Người hùng của chúng ta đang ở trong tình trạng của kẻ bị ai chơi nghịch lấy gương chiếu ánh nắng vào. Chàng nghĩ thầm:
- "Cái gì đây? Mình mơ hay thực? Đây là sự thật hay còn là đêm qua kéo dài? Nhưng sao có thể như vậy được? Ai mướn tên mới này? Chắc mình đang mơ, đang bị ảo tưởng!..".
Chàng tự véo mình, mơ hồ tưởng như đang véo ai... Không, không phải mơ, nhưng là như vậy. Golyadkin toát mồ hôi, có cảm tưởng như điều gì chưa từng xảy ra và chưa từng nghe nói đang xảy ra cho chàng và trong cái bất hạnh tột cùng, đó là một việc xấu hổ, khiếm nhã, và chàng thấy rõ cái bất lợi khi phải là kẻ đầu tiên chịu đựng một kinh nghiệm lố bịch như vậy. Chàng còn bắt đầu tự hỏi mình có đang hiện hữu không, và dầu đã chuần bị, đã muốn những nỗi nghi ngại của mình được dàn xếp cách này hay cách khác, những gì đang xảy ra cũng không gì khác hơn một sự lo lắng đợi chờ. Chàng bị đè nặng, quay cuồng trong lo âu. Có lúc chàng hoàn toàn mất trí nhớ và khả năng suy luận. Những lúc đó chàng đưa viết trên mặt giấy như cái máy. Không tin mình, chàng cố đọc lại những gì mình viết, nhưng cũng không hiểu mình đọc cái gì.
Cuối cùng, chàng Golyadkin kia tự nãy giờ ngồi im bỗng đứng dậy bước ra khỏi phòng bằng cửa dẫn đến phòng khác. Golyadkin nhìn quanh. Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng ngòi bút đưa trên giấy và tiếng nói chuyện nhỏ gần bàn Andrei Filipovich phía bên kia phòng. Golyadkin liếc Anton Antonovich, và vì vẻ mặt chàng nói lên tâm trạng của chàng, người thư ký trưởng tốt bụng đặt bút xuống ân cần thăm hỏi sức khỏe chàng.
- Nhờ trời, tôi khỏe lắm, Anton Antonovich ạ - Golyadkin ấp úng - Tôi khỏe lắm - Chàng nói thêm, còn chưa tin tưởng người thư ký trưởng.
- Tôi lại thấy coi bộ anh không khỏe. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Lúc này đang có bịnh cúm.
- Vâng, Anton Antonovich, tôi biết lúc này mùa cảm cúm. Nhưng tôi không để ý điều đó - Golyadkin thành khẩn nhìn ông già - Tôi không biết nói làm sao với ông, tôi muốn nói là tôi không biết bắt đầu làm sao, Anton Antonovich...
- Chuyện gì thế? Tôi không kịp theo dõi anh... Anh thấy điều gì khó khăn cứ nói tôi rõ.
Anton Antonovich cũng thấy khó diễn tả khi thấy mắt Golyadkin ngấn lệ.
- Tôi nói là... ông thấy không, có người thư ký mới.
- Sao? Tôi chưa hiểu?
- Tôi muốn nói là có người mới vào làm sở này.
- À, đó là người trùng tên với anh. Rồi sao?
Golyadkin la lên:
- Ông nói sao?
- Tôi nói là người đó trùng tên với anh, tên anh ta cũng là Golyadkin. Chắc là anh em của anh?
- Không, Anton Antonovich. Tôi...
- Ồ, tôi chắc thế nào cũng bà con với anh mà. Giống như người cùng nhà.
Golyadkin bàng hoàng. Trong một lúc chàng không biết nói sao. Làm thế nào bây giờ trước cái chuyện đáng ghét bất ngờ này, trước cái trùng hợp kỳ khôi có thể làm sửng sốt một kẻ ít để ý nhất? Làm sao Anton Antonovich có thể nói chỉ là sự tương tự gia đình trong khi Golyadkin thấy như chính chàng trong gương?
Anton Antonovich nói:
- Yakov Petrovich, nếu anh nghe tôi, anh nên đi khám nơi bác sĩ. Tôi không tin anh khỏe khoắn lắm. Nhất là cặp mắt của anh... trông lạ lắm, anh biết không?
- Không, tôi khỏe như thường, bảo đảm với ông như vậy. Anton Antonovich, tôi chỉ muốn hỏi ông vài điều về người thư ký đó.
- Anh muốn hỏi gì?
- Ông không thấy hắn có gì đặc biệt sao? Có thể làm ông không ngờ đươc.
- Chẳng hạn?
- Chẳng hạn việc y giống hệt tôi. Ông đã nói là tương tợ họ hàng. Ông ngẫu nhiên nói vậy. Nhưng Anton Antonovich này, có những cặp sinh đôi giống nhau như đúc, như hai giọt nước, không thể bảo họ là riêng rẽ được. Tôi đang nghĩ đến điều đó.
- Vâng - Anton Antonovich nói sau một lúc suy nghĩ như vừa khám phá ra sự thật - anh đã nói đến một điểm- sự giống nhau như hệt, và anh có lý khi anh nói là khó mà phân biệt được các anh - Ông ta mở mắt lớn hơn - Anh biết không, Yakov Petrovich, đó là cái giống khó tin, lạ lùng. Tôi muốn nói là anh ta y hệt anh. Tôi định hỏi anh về anh ta, Yakov Petrovich ạ. Lúc đầu tôi chưa nhận ra sự giống nhau đó. Thật một chuyện kỳ lạ thực sự. Có phải anh không là người sinh trưởng ở đây không, Yakov Petrovich?
- Không, thưa ông.
- Anh ta cũng vậy. Có lẽ hai anh gốc cùng một nơi. Xin hỏi, mẹ anh sống ở đâu nhiều nhất?
- Anton Antonovich, ông nói là anh ta không phải người vùng này?
- Đúng vậy, không phải. Thật rất lạ - Anton Antonovich thân mật tiếp tục - có nhiều chuyện có thể khiến ta lấy làm lạ dù đã biết nhiều chuyện lạ mà không lưu tâm. Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ không quá lo việc đó lắm đâu. Những việc như thế vẫn hay có. Bà dì của tôi cũng vậy, trước khi chết bà ta thấy một kẻ giống hệt mình...
- Không, tôi... xin lỗi đã ngắt lời... tôi đang cố tìm hiểu xem vì sao người thư ký đó có tại đây?
- À, anh ta được bổ thay Semyon Ivanovich vừa mất. Có chỗ trống và thế là anh ta có việc. Thật tội nghiệp Semyon Ivanovich, để lại ba đứa con nheo nhóc. Vợ ông ta đến khóc lóc với ngài Bộ trưởng. Nghe đâu bà ta đã có một số vốn nhỏ.
- Không, Anton Antonovich, tôi muốn biết chuyện khác.
- Anh nói sao? À, nhưng sao việc đó làm anh bận tâm dữ vậy? Tôi khuyên anh đừng bối rối như thế. Nói cho cùng đó chỉ là một chuyện nhất thời và dầu sao cũng chẳng phải chuyện của anh. Đó là ý Chúa, phàn nàn mãi sẽ mang tội. Anh có thể thấy sự khôn ngoan của Người trong đó. Tôi thì lúc nào cũng không cho đó là lỗi của anh. Có biết bao chuyện lạ trên thế giới. Tạo Hóa rất rộng lượng, anh sẽ không bị quy trách nhiệm đâu. Ví dụ hai người - anh vừa gọi thế nào nhỉ - à, cặp sinh đôi người Thái đó, lưng dính liền nhau. Vậy thì họ phải có cách sống với nhau, ăn ngủ với nhau. Theo tôi biết họ kiếm được rất nhiều tiền.
- Đợi chút đã, Anton Antonovich...
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Nhưng đã sao? Tin tôi đi, đâu có gì phải bấn lên thế? Có gì đâu? Anh ta cũng chỉ là một viên chức nhà nước, một người coi bộ tháo vát. Anh ta nói tên là Golyadkin, không phải người ở đây, và đã từng làm thư ký cho chính phủ. Anh ta đã gặp ngài Bộ trưởng.
- Ngài Bộ trưởng nói gì?
- Không có chi đặc biệt. Tôi biết là anh ta trả lời thỏa đáng mọi câu hỏi, đưa lý do xin việc - không có phương tiện sống, anh ta quyết tìm một chỗ làm và rất quan tâm đến sự "làm việc dưới quyền của ngài, thưa ngài Bộ trưởng". Và anh ta nói chuyện đứng đắn, nói đầy đủ. Tỏ ra là một người khôn khéo. Dĩ nhiên là anh ta đến có giới thiệu. Nếu không làm sao được thu dụng?
- Ai giới thiệu anh ta? Tôi muốn nói là ai đã nhúng tay vào cái việc nhục nhã đó?
- Tôi biết anh ta được giới thiệu rất đàng hoàng. Ngài Bộ trưởng đã cười với Andrei Filipovich về chuyện đó.
- Cười với Andrei Filipovich?
- Vâng, dầu Andrei Filipovich chỉ cười mỉm nói là nếu anh ta chu tất công việc thì không có lý do gì phản đối.
- Rồi sao nữa? Ông làm tôi vững bụng một chút. Tiếp tục đi, Anton Antonovich.
- Tôi lại không hiểu nổi anh... Đâu có gì rắc rối lắm. Việc rất giản dị và như tôi đã nói là chẳng có gì mà anh phải cuống cuồng lên như thế, chẳng có gì mà phải...
- Tôi muốn hỏi ông, Anton Antonovich à, có phải ngài Bộ trưởng không nói gì khác, chẳng hạn không nói gì đến tôi, hả?
- Chắc rồi! À, có... Không có gì cả. Anh khỏi lo. Dĩ nhiên mới thấy ai cũng lấy làm lạ... Lấy ví dụ tôi, tôi ít khi nhận ra điều gì từ đầu. Thật tôi cũng không hiểu sao tôi lại không nhận thấy thế trước khi anh nhắc tôi. Nhưng yên chí là ngài Bộ trưởng không nói gì, không một chữ nữa.
Anton Antonovich đứng dậy.
- Vậy thì, Anton Antonovich, tôi...
- Tôi xin lỗi. Nãy giờ nói chuyện về mấy thứ vẩn vơ đó quên cả phải làm một vài chuyện quan trọng. Tôi phải đi xem đây.
Có tiếng Andrei Filipovich gọi:
- Anton Antonovich, ngài Bộ trưởng đang hỏi ông.
- Đợi chút, tôi tới ngay - Anton Antonovich đáp lớn, vơ một chồng hồ sơ, vội vã bước qua Andrei Filipovich tiến vào văn phòng vị Bộ trưởng.
- "Chuyện gì vậy?".
Golyadkin nghĩ thầm "Họ đang làm trò gì chắc. Mình biết rồi, thì gió thổi như vậy... Cũng không đến nỗi nào. Mọi sự còn có vẻ thuận lợi nữa". Chàng nói thầm, khoan khoái xoa tay và vui sướng quên cả cái cảm giác khó chịu do chiếc ghế gây ra "Vậy việc của ta sẽ là một việc rất thường, sẽ xong cả. Chả có ai xì xầm, mấy tên ba xạo ngồi đó có chuyện riêng phải lo. Thật tốt hết sức! Đối với người tử tế, mình vẫn luôn luôn mến và kính trọng... Nhưng phải nói là mình cũng không tin gì Anton Antonovich lắm. Đầu ông ta bạc rồi, già quá ông ta đâm ra lẩn thẩn. Nhưng cái quan trọng, vẻ vang nhất là ngài Bộ trưởng không nói gì, như vậy chắc là không biết gì. Tốt lắm, mình thích thế. Chỉ có điều tại sao Andrei Filipovich lại phải chêm cái cười như vậy? Ông ta tính gì đây? Đồ hèn! Tại sao cứ mãi xía vô chuyện mình? Tại sao cứ chọt vào chuyện kẻ khác như con mèo đen vậy? Chỉ hại người ta thôi...".
Golyadkin lại nhìn quanh, hy vọng tràn trề dầu vẫn còn một nỗi e dè mơ hồ. Bây giờ chàng còn muốn sấn tới bên các nhân viên khác, nói chuyện khi ra về hoặc lân la với họ trong lúc làm, và bảo họ, hay bóng gió cho họ rằng: các ông thấy chưa, như vậy đó, giống nhau như đúc, một trường hợp khó tin như định mệnh muốn gạt gẫm vậy. Nghĩa là dầu coi mọi sự như một trò đùa vẫn lường xem tầm nguy hiểm thế nào, "bởi vì dưới mặt nước êm ả có thể có ông thần dữ" người hùng kết luận.
Sự thật, Golyadkin không giữ mãi ý định lân la với các nhân viên khác, chàng đổi ý rất lẹ. Chàng cho rằng như vậy là đi quá xa "Đó là tật của mình". Chàng vỗ trán "hễ vui quá thì lại quá đà. Golyadkin, mầy bộp chộp quá. Hãy đợi xem".
Lòng chàng đầy hy vọng, tưởng như được sống lại. Chàng nghĩ "Đừng bận trí. Mình làm như vừa cất được gánh nặng ngàn cân không bằng. Nhưng giải pháp thật giản dị. Như chuyện ngụ ngôn của Krylov. Muốn mở hộp chỉ cần bật nắp, dễ quá, trong chuyện ngụ ngôn đâu có gì rắc rối như vậy. Chuyện ngụ ngôn thật ý nghĩa, Krylov thật khôn ngoan biết chừng nào. Đúng là một nhà thơ ngụ ngôn vĩ đại! Chúc người thư ký đó may mắn. Cứ để hắn làm trong sở này, nếu hắn không xía vào chuyện người và không hại ai thì hắn cũng sẽ được lòng mình".
Thời gian trôi qua, lúc Golyadkin nghĩ đến đó thì đã bốn giờ. Sở đóng cửa. Andrei Filipovich cầm lấy nón và mọi người theo thói quen cũng làm thế. Golyadkin nhàn nhã rời khỏi sở sau cùng, sau khi mỗi người đi mỗi ngả. Trên đường về chàng thấy như đang ở trên Thiên đàng. Chàng quyết định đi vòng thêm một khoảng trên đường đến đại lộ Nevsky. Chàng tự nhủ "Cuộc đời là đây. Một chuỗi biến cố bất ngờ. Và thời tiết dễ chịu, sáng sủa tuy hơi lạnh, chẳng bao lâu sẽ có tuyết mà trượt xe. Khí lạnh thật thích hợp cho dân Nga vì dân Nga rất chịu tuyết lạnh. Mình thích người Nga vì vậy mình cũng thích những bông tuyết đầu tiên rơi xuống đất, vào đúng cái lúc để đi săn thỏ rừng như mấy người thợ săn bảo thế. Thật tuyệt. Không có gì phải bận trí hết".
Đó là cách Golyadkin biểu lộ nỗi vui được sống, dầu vẫn còn điều gì đó khiến chàng không yên, điều gì không hẳn là lo sợ nhưng vẫn làm tim chàng đập mạnh đến nỗi chàng không biết làm sao để bớt được cái đè nặng đó.
"Khôn hơn là nên đợi trước khi mừng. Nhưng có ăn thua gì đâu? Được rồi, thử xem. Bạn trẻ ơi, nghĩ lại đi. Trước hết, đây là người giống hệt bạn, giống hệt như đúc. Rồi sao? Mình có khóc vì anh ta giống mình không? Có được gì đâu? Cần quái gì. Mình cứ vui đường mình. Được rồi, cứ để hắn làm trong sở. Nhưng cũng kỳ, rồi lại sẽ có chuyện như anh em Thái Lan nọ... Nhưng anh em đó có ăn nhập gì? Họ sinh đôi, nhưng còn bao nhiêu người có những cái kỳ cục khác? Chẳng hạn ai cũng biết danh tướng Suvorov thích cục tác như gà. Nhưng ông ta làm thế vì chính trị, vì chỉ huy quân sĩ. Nhưng chỉ huy quân đội sao phải làm vậy? Mình chỉ nên lo việc mình, đừng động đến ai bởi chính nhờ cái ngay thẳng đó mình khinh bỉ kẻ thù. Mình chẳng hề âm mưu này nọ và hãnh diện về việc đó. Mình trong sạch, thẳng thắn, vui vẻ, rộng lượng".
Thình lình dòng tư tưởng của Golyadkin bỗng ngưng ngang. Chàng lại run lên và thậm chí còn nhắm mắt trong một giây, hy vọng điều làm chàng sợ hãi chỉ là một ảo tưởng. Rồi chàng mở mắt, lo lắng liếc bên phải. Không, không phải là ảo tưởng.
Đi bên cạnh Golyadkin bằng những bước ngắn, nhanh nhẹn là người đồng sự mới của chàng. Y mỉm cười nhìn Golyadkin, như đang chờ dịp nói chuyện với chàng. Nhưng cuộc nói chuyện vẫn chưa bắt đầu. Cả hai đi như vậy chừng 50 thước, với một Golyadkin cố giấu mặt trong cổ áo và nón sùm sụp, mà lúc nào cũng khổ sở tưởng như áo và nón của người bên cạnh cũng vừa được lột ra từ mình và đầu Golyadkin.
Cuối cùng, người hùng của chúng ta mở miệng mà không nhìn người nọ:
- Thưa ông, tôi không nghĩ là mình cùng về một đường. Còn có thể nói chắc vậy - Sau một lúc, chàng tiếp - Và sau hết tôi nghĩ là tôi đã nói rõ rồi - Chàng kết luận một cách cương quyết.
Bạn đồng hành của Golyadkin rốt cuộc đành nói:
- Tôi muốn... tôi nghĩ ông rộng lòng tha lỗi... Tôi không biết nói với ai bây giờ... Phần tôi - hy vọng ông bỏ qua cái dai dẳng của tôi - tôi còn có cảm tưởng là sáng nay ông có thiện cảm với tôi. Còn tôi, tôi thấy mến ông đặc biệt...
Đến đây, Golyadkin thầm mong người đi bên mình lọt xuống đất.
- Yakov Petrovich, tôi dám mong ông khoan dung nghe tôi nói...
- Chúng ta... ở đây... không, hãy đến nhà tôi - Golyadkin quyết định - Từ đây chúng ta sẽ qua đại lộ Nevsky. Sẽ thuận tiện hơn rồi đi con đường hẹp đó... Đúng rồi, như vậy tốt hơn.
- Tốt lắm, hãy đi con đường hẹp đó.
Người đồng hành của Golyadkin nói giọng ngại ngùng như muốn tỏ ra là mình không có quyền chọn lựa. Phần Golyadkin, chàng hoàn toàn hoang mang không biết việc gì đang xảy ra. Thật tình chàng vẫn chưa hết kinh ngạc.