Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Trên Tuyến Đầu - Chương 1
ôm sau, y hẹn, Mác-tư-nốp đến huyện ủy trước giờ làm việc một chút, nhưng Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na không tới. Khoảng hai giờ, chị gọi điện từ nhà đến cho anh, nói rằng chị đến Bô-ri-xốp-ca xem chồng chị thu xếp công việc ở chỗ mới như thế nào. “Thôi được, chúc chị may mắn, - Mác-tư-nốp nghĩ thầm, cảm thấy tiếc. - Chị ấy không thể ở lại đây được. “Khi anh ấy có quyền thế thì chung sống với anh ấy, chịu nhẫn nhịn, thế mà khi anh ấy thất thế thì lại bỏ anh ấy ư?” - anh nhớ tới lời Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na. -Chị ấy sẽ khóc lóc chán chê rồi sẽ yên tâm, và họ sẽ lại sống như trước”.
Một tuần sau, chính Boóc-dốp đến gặp Mác-tư-nốp ở huyện ủy. Từ hôm trước, Xa-sa Tơ-ru-bi-txưn, người giúp việc bí thư đã cho Mác-tư-nốp biết rằng anh thấy vợ chồng Boóc-dốp ở thành phố: họ đến chuyển đồ đạc về Bô-ri-xốp-ca. Boóc-dốp đến huyện ủy vào cuối buổi chiều, khi Mác-tư-nốp ngồi trong phòng làm việc một mình.
- Chào anh! - anh ta chìa tay cho Mác-tư-nốp, - Sống được chứ?
- Ổn thôi, - Mác-tư-nốp đáp, bắt tay Boóc-dốp và rời khỏi ghế bành, chuyển sang đi-văng. - Mời anh ngồi.
Hai người hút thuốc lá của Boóc-dốp.
- Trước đây anh không hút kia mà, - Mác-tư-nốp nhận xét,
- Trước đây tôi hút thuốc đã lâu năm. Tôi đã bỏ, rồi bây giờ lại bắt đầu hút... anh định ám chỉ cái gì thế? Anh tưởng vì đau buồn mà tôi lại bắt đầu hút thuốc lá phải không?
- Tôi chẳng ám chỉ gì cả. Chẳng qua tôi vẫn nhớ là trước đây anh không hút thuốc...
Boóc-dốp đưa mắt nhìn khắp lượt căn phòng làm việc trước kia của mình. Chẳng có gì thay đổi. Mác-tư-nốp không thuộc loại cán bộ có cương vị cao thường mở đầu hoạt động của mình bằng việc kê lại đồ đạc trong phòng làm việc theo ý riêng.
- Này, ở đây thế nào? - Boóc-dốp nhai nhai đuôi điếu thuốc lá, hỏi. - Những kẻ trước kia nịnh hót tôi bây giờ nói xấu tôi nhiều lắm phải không? - Giọng nói của Boóc-dốp biểu lộ một thái độ bông lơn giả tạo, nó khiến người ta nửa muốn bông đùa, nửa muốn tranh cãi. - Thói thường là thế: khi một người mà người ta vẫn sợ, chuyển đi nơi khác, không còn nắm quyền hành ở đây nữa thì những lời ong tiếng ve. bắt đầu lan ra, người ta bắt đầu rỉ tai nhau: “Đồng chí biết không, hàng năm anh ta ký giấy lấy một nghìn quả trứng ở xí nghiệp nuôi gà!”, “Cơ sở đánh cá vẫn phải đưa cá đến biếu anh ta đấy!”, “Anh ta dùng xe của nhà nước đi săn bắn!”
- Vích-to Xê-mê-nô-vích ạ, - Mác-tư-nốp đáp, - những kẻ nào nói xấu anh sau lưng thì tôi sẽ tống cổ đi. Tôi không tin những kẻ như thế. “Tại sao trước kia ngậm miệng? Hôm nay nói xấu Boóc-dốp, mai kia, nếu tôi bị cách chức thì sẽ lại đặt điều nói xấu tôi chứ gì?” Những kẻ như thế tôi sẽ đuổi thẳng cánh.
- Làm thế là đúng! Bọn nó không phải là chỗ dựa của anh. Hãy dựa vào những người khác, những đảng viên không nịnh nọt bí thư mới, không tìm cách làm cho cấp trên chú ý đến mình.
“Một lời khuyên xác đáng”, - Mác-tư-nốp nghĩ bụng.
Boóc-dốp vẫn như thế: vạm vỡ, đầu húi trọc, vai nở và cổ to mập, anh ta không gầy đi, mặt không có gì đổi khác. Nếu như nước da không vàng xạm thì nom anh ta hoàn toàn khỏe mạnh.
- Tôi đến lấy giấy chuyển công tác, - Boóc-dốp nói, - các anh cấp giấy cho tôi chứ?
- Nếu anh nhất quyết đi thì chúng tôi sẽ cho chuyển, - Mác-tư-nốp đáp. - Nhưng chúng tôi có đẩy anh đi đâu.
- Ở đây chúng tôi cũng sẽ tìm được việc cho anh.
- Sao? Không đẩy đi à? Anh không lấy làm mừng vì tôi đi nơi khác à?.. Nghe nói cả Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na cũng được anh tìm cho một việc khác ở đây phải không? Anh giữ cô ấy hay giữ tôi?..
- Anh ạ, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na làm việc khá, phải để chị ấy đi tôi lấy làm tiếc. - Mác-tư-nốp đáp, cố giữ thái độ bình tĩnh.
Miệng mỉm cười mỉa mai và ngờ vực, Boóc-dốp đưa cặp mắt sầm tối gờm gờm nhìn Mác-tư-nốp nhưng vẫn nói tiếp câu chuyện bằng giọng cợt nhả như thế.
- Thế các anh sẽ giao cho tôi việc gì nào? Chủ nhiệm lò ấp trứng chăng? Điều về phòng cung cấp vật tư nông nghiệp chăng? Ở tận thị trấn Tơ-rô-ít-xcơ thứ hai ấy ư? Cách đây năm ki-lô-mét ư? Xin đa tạ!.. Hãy đặt mình vào địa vị tôi mà xem. Nói thực, chẳng ai muốn đi bộ trên chính những đường phố mà trước đây ta đã từng ngồi xe “Pô-bê-đa” đi lại qua đó. Chẳng thà đến một chỗ khác, đi trên những đường phố khác còn hơn.
- Có lẽ như thế tiện hơn thật, - Mác-tư-nốp đồng ý, - Vì thế chúng tôi mới để anh đi... Đừng để bụng thù oán chúng tôi.
Boóc-dốp rít hai hơi hết điếu thuốc lá, nhả khói cuồn cuộn lên trần, đưa mắt nhìn khắp căn phòng một lần nữa. Anh ta im lặng một lúc lâu, rồi lên tiếng, lần này đã có vẻ nghiêm trang, không còn nụ cười gượng gạo nữa,
- Sớm hay muộn, - anh ta nói cả quyết, - cấp trên sẽ nhớ đến Boóc-dốp! Tôi sẽ lại được gọi đi nhận một công tác lớn! Không thể phung phí cán bộ như thế được, rồi các đồng chí ấy sẽ hiểu!.. Chẳng phải là tôi đã ngồi trong phòng làm việc này bao đêm liền đó sao? Tôi đã đổ ra biết bao công sức ở đây? Chính tại đây, sức khỏe của tôi đã bị hủy hoại!.. Tôi gọi điện về Xô-viết xã; “Tìm tất cả các chủ tịch nông trang và các đội trưởng về đây!”. Lúc ấy là ba giờ đêm, Tôi làm như thế để làm gì? Để mọi người cảm thấy rằng với tay bí thư này thì ban đêm cũng không thể lẩn tránh đi đâu được! Tôi mà không ngủ thì cả huyện cũng không ngủ! Nhà nước cần những cán bộ cương nghị ở các cương vị lãnh đạo!.. Bây giờ ở đây người ta sẽ tha hồ nói xấu tôi. Duy có một điều người ta không thể nói được: người ta không thể bảo tôi là kẻ nhu nhược. Tôi biết làm cho cả huyện phải sợ chứ!..
- Những gì anh có thể làm được, anh đã làm hết sức, - Mác-tư-nốp đồng ý.
Nhưng anh nghĩ thầm: “Giá anh không phải là người cương nghị như thế thì chưa đến nỗi tai hại lắm”.
- Dù sao, những điều viết về tôi trong nghị quyết của thường vụ Tỉnh ủy cũng không đúng, - Boóc-dốp nói tiếp. - “Đàn áp phê bình một cách thô bạo”... Mọi việc không đúng như người ta đã làm rùm beng lên. Ừ, thì tôi có gọi điện báo cho kiểm sát trưởng về tay Mu-khin ấy. Trong cuộc họp đảng viên tích cực, hắn đã gọi tôi là kẻ độc đoán. Nhưng tôi không hề ra lệnh dựng lên một vụ án để truy tố hắn. Chuyện dớ dẩn! Người ta không phạm tội thì cớ gì mà kết tội người ta? Chính kiểm sát trưởng đã có lần nói với tôi: “Phải truy tố Mu-khin về tội vi phạm điều lệ của tập thể sản xuất nông nghiệp: bán cỏ khô cho thợ lái máy kéo từ lúc chưa cắt”. Tôi chỉ hỏi xem tình hình như thế nào, có tiến hành điều tra không?.. Chẳng qua là thời buổi hiện nay nó như thế. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIX, Điều lệ mới. “Đàn áp phê bình là một trọng tội. Kẻ nào bóp nghẹt phê bình...” Cần phải đưa một kẻ nào đó ra khai đao, để răn đe người khác. Tôi đã rơi vào dưới bánh xe của lịch sử.
Mác-tư-nốp cảm thấy chán ngán không thể chịu được. Anh ngáp dài, nhìn đồng hồ treo tường:
- Mười hai giờ rưỡi rồi. Tám giờ sáng mai tôi phải có mặt ở nông trang “Bình minh của chủ nghĩa cộng sản”.
Boóc-dốp đứng lên.
- Vích-to Xê-mê-nô-vích ạ, tôi cứ tưởng rằng trong những ngày qua, anh đã hiểu, đã cảm thấy được một điều gì, - Mác-tư-nốp nói. - Vậy mà anh vẫn nói ẩu. “Thời buổi là như thế”, thời buổi như thế nào nào? Say mê phê bình thành một cái mốt, phải thế không? Và anh trở thành nạn nhân của cái mốt ấy chứ gì? “Tôi đã rơi vào dưới bánh xe lịch sử”. Anh đã bố trí vụ Mu-khin thiếu khôn khéo, tất cả lỗi lầm của anh chỉ có thế thôi ư?.. Thế còn tình hình huyện ta giờ đây như thế nào? Căn cứ vào số liệu báo cáo thì chúng ta được coi là một huyện trung bình, nhưng thực ra là một huyện rất kém cỏi! Tại sao nó lại đến nông nỗi như thế? Chúng tôi sẽ phải tốn bao nhiêu công sức để làm cho nó vươn lên?..
Mác-tư-nốp muốn nói với Boóc-dốp tất cả những điều đã chứa chất trong lòng anh từ ngày anh lên làm bí thư thứ nhất ở đây và cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm chính về tình hình trong huyện... “Ba năm trời anh bóp nghẹt mọi ý nghĩ có sức sống ở đây. Anh không bàn bạc với các ủy viên thường vụ, anh toan biến họ thành những kẻ chạy việc vặt. Anh chế nhạo những kẻ nịnh hót “những kẻ xu nịnh tôi”, - nhưng tại sao anh lại để cho chúng gần anh? Anh giao những cương vị quan trọng cho những kẻ chỉ biết thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, những kẻ thừa hành không biết suy nghĩ. Anh đề bạt và bố trí xung quanh anh những cán bộ giống như anh, cùng kiểu với anh. Anh để lại cho chúng tôi một cái chuồng bò Áp-ghi[10]. Bây giờ thì tha hồ mà dọn!”
Có nhiều điều Mác-tư-nốp muốn nói, nhưng anh nghĩ: “Phí thời giờ vô ích để chứng minh cho người mù biết màu sữa như thế nào!” - anh khoát tay, đến mắc áo lấy áo măng-tô và mũ:
- Anh chẳng hiểu gì cả! Và chưa chắc anh đã hiểu nổi. Mà cũng không thể giải thích cho anh được. Chúng ta nói bằng những thứ tiếng khác nhau.
- Khoan, đừng nổi nóng, - Boóc-dốp cố tạo ra trên mặt một nụ cười vừa độ lượng vừa mỉa mai. - Đừng nổi nóng! Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Ta hãy ngồi lại đây một lát. Tôi sẽ kể cho anh nghe tôi đã bắt đầu công việc từ đâu, tôi đã có những ý định tốt đẹp như thế nào khi tôi đến đây. Tại sao tôi lại không thành công. Tôi có thể phổ biến kinh nghiệm cho anh.
- Xin đủ cả anh cùng với kinh nghiệm của anh!..
Để cho Boóc-dốp đi trước ra cửa, Mác-tư-nốp tắt đèn trong phòng làm việc, lớn tiếng gọi người gác đêm đang ngủ gà ngủ gật ở hành lang cạnh cái bếp lò lửa cháy rừng rực, bảo người đó khóa cửa lại, rồi anh chạy nhanh xuống cầu thang, vượt lên trước Boóc-dốp.
Ngoài đường, tuyết phủ kín mặt đất. Gió lạnh cuốn theo tuyết khô, táp vào mặt Mác-tư-nốp đâm buốt như gai. Anh dựng cổ áo măng-tô lên, kéo thụp chiếc mũ xuống tận trán và trở về nhà, tai vẫn nghe thấy tiếng chân Boóc-dốp đi xa dần về hướng đằng kia.
Họ chia tay nhau ở đấy.
Giữa tháng Giêng thời tiết rất đẹp. Trời rét ngọt, không có gió, buổi sáng có nắng, tuyết phủ một lớp mỏng trên các đường phố.
Tơ-rô-ít-xcơ là một thị trấn nhỏ ở trên một địa thế khá cao, đứng ở đấy có thể phóng tầm mắt ra xa, nhìn thấy các làng mạc xung quanh, những đồng cỏ ngập nước ven sông Xây-mơ, những giải rừng mầu thẫm phía sau những cánh đồng nhấp nhô những ngọn đồi. Hiện nay Tơ-rô-ít-xcơ là một trung tâm huyện bình thường trong một tỉnh nông nghiệp. Tất cả những gì có ở đây, tất cả các cơ quan, xí nghiệp đều phục vụ nông nghiệp, đều làm việc cho các nông trang. Xưa kia, đây là một pháo đài ở vùng biên giới phía Nam nước Nga. Cho đến nay, một số vùng ngoại ô vẫn còn mang tên: trấn Cung thủ, trấn Pháo thủ. Thị trấn tám trăm tuổi, nhưng nom có vẻ là một thị trấn trẻ. Những tòa nhà mới mọc lên ở chỗ những khu nhà bị phá hủy trong chiến tranh, những vườn hoa trên các quảng trường, những cây phong và cây bạch dương non trong công viên cạnh Nhà văn hóa của huyện. Trong thị trấn có nhiều thanh niên: các sinh viên Trường đại học sư phạm. Có điều người ta chưa kịp đổi tên cho Tơ-rô-ít-xcơ, đặt cho nó một cái tên mới đại loại như thành phố Ngũ cốc -trên sông Xây-mơ hay thành phố Lúa mì. Có lẽ vì mùa màng ở đây cũng chưa lấy gì làm khấm khá.
Hôm chủ nhật Mác-tư-nốp dậy muộn, mãi tới mười một giờ rưỡi anh mới ngủ dậy. Hôm trước, gần sáng anh mới ở huyện về. Trên bàn, cạnh cái đĩa đựng món ăn sáng phần cho anh, có ba mẩu giấy. Một giấy của con trai: “Con đi trượt tuyết, hôm nay có cuộc đua lớn, còn lâu con mới về”. Một mẩu giấy của vợ: “Em đến thợ may. Em không muốn đánh thức anh. Nếu anh đi dạo chơi, chúng ta sẽ gặp nhau ở công viên”, một mẩu giấy của bà chị họ trông nom công việc nội trợ cho gia đình anh: “Tôi đi chợ. Trà nguội thì hâm lại trên bếp điện”.
Mác-tư-nốp ăn sáng, rồi mặc quần áo, ra phố, sau khi đã khóa cửa bằng chiếc khóa kiểu Anh. Ban đêm có mưa tuyết nhỏ, tuyết mới trắng mịn như bột phủ kín lớp tuyết cũ, nhìn vào đến lóa mắt. Đến huyện ủy, Mác-tư-nốp không cởi áo ngoài, xem qua những bức điện người thường trực đã nhận được ban đêm, và không vào phòng làm việc. Hôm nay anh muốn nghỉ ngơi, đi tha thẩn trong thành phố cho đầu óc thảnh thơi.
Ở đường phố chính, trên đường tới công viên, gần căn nhà trước kia của Boóc-dốp, có tiếng gọi, nghe quen quen.
- Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích! Anh đi qua đây mà không buồn chào hỏi tôi ư?
Mác-tư-nốp ngoảnh lại nhìn. Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na đứng ở bậc tam cấp. Chị mặc măng-tô lông thú và choàng khăn len màu trắng, đang xỏ chiếc bao tay.
- Tôi không ngờ lại gặp chị ở đây… Chào chị. Chị lại về đấy ư? Về lấy nốt đồ đạc phải không?
- Vâng tôi lại về đây... Anh đi dạo chơi à? Tôi cũng ra ngoài trời thở hít không khí một chút, ở đây trơn quá!
Mác-tư-nốp khoác tay Boóc-dô-va đưa chị xuống bậc tam cấp.
Trên con đường phố dốc dẫn về phía sông Xây-mơ, những chiếc xe trượt nhỏ lao như bay như biến giữa những xe ô-tô và xe tải kéo bằng ngựa, đe dọa làm ngã khách bộ hành đi theo hướng ngược lại, nếu họ sơ ý, Những gã trai đi xe trượt nghiêng hẳn người về một bên, dùng chân làm phanh hãm, cho xe quặt một cái táo tợn ở các góc phố. Mác-tư-nốp giơ nắm tay đe những kẻ vi phạm luật lệ giao thông, khoác tay Boóc-dô-va đưa chị sang phía bên kia đường.
- Tôi đã đến Bô-ri-xốp-ca với anh ấy, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na bắt đầu kể, - bây giờ tôi về ở hẳn đây. Tôi sẽ sống ở đây. Anh không xua đuổi tôi chứ? Căn nhà này tôi với các cháu ở thì rộng quá, xin để Xô-viết thành phố phân nó thành hai căn hộ, đưa thêm người khác đến ở... Anh có hứa sẽ điều tôi về trạm máy kéo phải không? Được, tôi xin đi. Tôi sẽ đến ở hẳn Xê-mi-đu-bốp-ca, dứt khoát từ bỏ căn nhà này của ông bí thư.
- Chị nói đến chuyện nhà cửa làm gì! Chẳng ai bắt chị phải dọn đi, chị cứ ở đây... Giữa anh chị có chuyện gì thế?
- Có chuyện gì ư?..
Trên quảng trường từ phía sau cửa hàng bách hóa, một người đàn bà đi ra, dáng đi nhanh nhẹn. Chị mặc chiếc măng-tô đen có diềm viền da lông thú, đầu đội chiếc mũ chùm nhỏ nhắn bằng da cừu non, chân đi đôi ủng dạ màu trắng xinh xắn. Từ xa chị vẫy tay với Mác-tư-nốp, trỏ về phía công viên, nói to: “Em đến ngay đây!” -rồi chị biến mất trong khung cửa của cửa hàng bách hóa.
- Ai đấy? - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na hỏi.
- Vợ tôi, - Mác-tư-nốp đáp. - Cô ấy đến thợ may. Có lẽ thiếu vải làm những tấm xếp nếp cho áo dài, cô ấy chạy đi mua.
- Vợ anh à?.. Chị ấy đến bao giờ thế?
- Đã mười ngày nay rồi.
Trong công viên đã có những vệt đường mòn. Cây thấp, trồng sát gần nhau, tán lá liền khít, che rợp các lối đi. Mũ của Mác-tư-nốp chạm vào một cành cây. Tuyết rơi lả tả xuống đầu hai người.
- Ta đi vào con đường kia, ở đấy không có cây.
- Giữa anh chị đã xảy ra chuyện gì thế? - Mác-tư-nốp hỏi, khi hai người đã đi lại hai lần qua chỗ chiếc xe tăng đặt trên bệ đài -đài kỷ niệm các chiến sĩ lái xe tăng đã hy sinh khi giải phóng Tơ-rô-ít-xcơ. - Chị bỏ anh ấy rồi ư?
- Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na mỉm cười chua chát, - chính anh ấy làm cho việc quyết định của tôi trở nên dễ dàng. Thế mà tôi lại cứ ngần ngừ, thật là ngốc nghếch. Tôi cứ nghĩ: nếu như ngay cả tôi là vợ anh ấy mà lại ruồng bỏ anh ấy giữa lúc anh ấy gặp khó khăn như thế... nhưng anh ấy vẫn chờ đợi giây phút đó. Cố nhiên, anh ấy không ngờ mình bị cách chức. Nhưng tình thế đã như vậy thì... Ở Bô-ri-xốp-ca anh ấy có một ả nhân tình cũ. Anh ấy tằng tịu với ả từ lúc anh ấy còn làm việc ở đấy kia. Cô ta chưa già, còn trẻ hơn tôi là đằng khác. Cô ta là nhân viên thí nghiệm ở kho thóc. Hồi chúng tôi đã đến ở đây, người ta có nói cho tôi biết: nếu Vích-to Xê-mê-nô-vích gọi điện báo tin anh ấy ngủ đêm tại một làng xa thì nên hiểu là anh đã sang huyện Bô-ri-xốp-ca đến kho thóc kiểm tra chứng từ xem huyện nào đã nộp được nhiều thóc hơn trong năm ngày qua. Trước đây tôi không tin... nhưng bây giờ thì tôi biết rõ rồi. Tôi đến Bô-ri-xốp-ca và phải trú ở khách sạn. Người đàn bà ấy đã đến ở với anh ấy.
- Thì ra là thế đấy!.. Anh ấy vừa đến chỗ tôi, vậy mà không hề nói lấy một lời về tình hình gia đình.
- Thì ở đây anh cũng có nói gì với tôi đâu. Anh ấy giữ kín cho đến ngày hôm qua. Tôi mà biết thế thì tôi sẽ chẳng đến đấy làm gì cho bẽ mặt...
Boóc-dô-va im lặng. Mác-tư-nốp nhìn chị, thấy mắt chị ngấn lệ.
- Đừng buồn! Không có anh ấy, chị cũng chẳng làm sao kia mà.
- Nào tôi có buồn đâu! - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na hăm hở đáp lại. - Tôi ghê tởm!.. Tôi đã hiểu hết rồi! Anh ấy muốn đến với cô nàng kia từ lâu, nhưng không dám bỏ tôi trong lúc còn ở địa vị cao như thế. Tất nhiên rồi! Thiên hạ sẽ chê cười. Tỉnh ủy sẽ biết chuyện, Thế thì còn làm gương cho ai được? Người lãnh đạo phải gương mẫu trong sinh hoạt. Ở đây chính anh ấy vẫn thường giảng bài về gia đình và đạo đức, Bây giờ thì anh ấy chẳng còn gì để mà mất!..
- Không hẳn như thế đâu, - Mác-tư-nốp nói. - Anh ấy vẫn tin chắc rằng mình chỉ bị mất tín nhiệm trong thời gian không lâu. Anh ấy có nói với tôi: “Sớm hay muộn, tôi sẽ lại được gọi đi giữ một cương vị lãnh đạo”. Nếu anh ấy vẫn lăm le leo lên chức bí thư một lần nữa mà lại còn giở trò gì khác làm hại đến thanh danh của mình thì thật là bất lợi... Có lẽ thực tình anh ấy rất yêu người đàn bà ấy chăng?
- Có thể... Nếu vậy thì anh ấy cứ nói thẳng ra là hơn. Không thì té ra tôi lại là người có lỗi. Anh ấy sẽ nói với mọi người: “Cô ấy bội bạc với tôi trước tiên”. Đây là cách bào chữa cho mình.
- Chị mà có lỗi ư? - Mác-tư-nốp dừng lại trên đường.
- Anh nhớ chứ, buổi tối anh đến nhà chúng tôi, tôi có nói: “Thị trấn chúng ta bé tí xíu: hắt hơi ở đâu này, nghe thấy tiếng vọng ở đầu kia dội lại”. Sau đó lập tức có kẻ phi báo với anh ấy. Hồi đó anh ấy không nói gì với tôi, chỉ hỏi: “Mác-tư-nốp đến làm gì?” Tôi nói: “Chính em mời anh ấy đến. Em muốn hỏi chuyện anh ấy xem vì sao hai anh cứ tranh cãi nhau luôn luôn thế?”
- Thật ư?..
- Vâng, hồi ấy anh ấy không ghen, chỉ để bụng chờ dịp. Bây giờ thì anh ấy nhớ lại hết: “Tôi thấy cô với Mác-tư-nốp ý hợp tâm đầu đấy. Tôi vừa ra khỏi nhà là Mác-tư-nốp bước chân đến cửa. Vì vậy tôi phải nghĩ đến người vợ khác thôi”. Anh ấy giở trò ghen tuông như thế đấy!
- Thật là nhảm nhí! -Mác-tư-nốp đỏ mặt, - Thế thì tại sao anh ấy lại làm thinh?.. Anh ấy nói dối đấy thôi, không ghen đâu! Tại sao anh ấy không hề nói gì với tôi? Anh ấy có đến huyện ủy, ngồi trên đi-văng nói chuyện với tôi. Nếu anh ấy ghen thì anh ấy sẽ với lấy cái cặp bìa giấy nện vào đầu tôi chứ. Lại định sắm vai Ô-ten-lô[11] kia đấy!..
Họ đi một lần nữa trên con đường trong công viên, từ chỗ chiếc xe tăng đến cái cổng cuốn ở lối ra.
- Thế con cái thì thế nào? - Mác-tư-nốp hỏi.
- Chúng tôi thỏa thuận với nhau như sau: Nhi-na, con gái người vợ trước của anh ấy ở với anh ấy, còn hai đứa nhỏ thì ở với tôi. Anh ấy cứ nằng nặc đòi tôi để thằng Mi-sa, con trai lớn của chúng tôi cho anh ấy. Anh ấy yêu các con. Tôi không chịu... anh ấy hứa: “Tôi sẽ giúp đỡ cô”. Tôi cần gì sự giúp đỡ của anh ấy? Bản thân tôi không nuôi dạy được các con tôi ư?..
Phía sau có tiếng chân bước nhanh. Một giọng âm vang thốt lên: “Tôi đến được chứ?”
Mác-tư-nốp mỉm cười đáp: “Xin mời!” - và quay lại. Một người đàn bà đến gần, vóc dáng thon thả, mắt đen láy, một mảng tóc xoăn đen nhánh xõa xuống dưới chiếc mũ chùm nhỏ nhắn, chị vui đùa đưa tay lên mũ chào theo kiểu nhà binh, dập hai gót ủng dạ vào nhau, nhưng không hề có tiếng bộp.
- Xin mời: hai người làm quen với nhau đi. Đây là vợ tôi Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na. Còn đây là Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va, tên con gái là Ma-ri-a Grô-mô-va. Trong thư, anh đã kể với em về chị ấy.
Hai người đàn bà nhìn chằm chằm vào mắt nhau, không tháo bao tay, bắt tay nhau.
- Anh và chị ấy vừa đi dạo quanh công viên phải không? - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na nói. - Còn tôi mới đến thành phố này. Chưa xem xét được gì hết. Ta xuống phía bờ sông, chỗ trượt băng đi.
Hôm ấy, Mác-tư-nốp cùng với vợ và Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va đi dạo chơi lâu ở các vùng xung quanh thành phố. Họ đã đến khe Ô-rê-khốp, chỗ những người trượt băng nhảy từ bàn nhún, họ đã đi dọc ngang khắp khu rừng sồi ở bên kia sông, chân giẫm trong tuyết ngập đến đầu gối, họ đã ngồi bên bờ sông Xây-mơ đóng băng, trên đống gỗ súc dùng để xây chiếc cầu mới. Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na hỏi chuyện về vợ Mác-tư-nốp.
- Chiến tranh khiến tôi không học hết đại học được, - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na kể chuyện. - Tôi gần như không thèm bận tâm gì đến chuyện học hành nữa, Nhưng sau, thấy anh ấy say mê văn học, tôi nghĩ: có lẽ anh ấy sẽ lầm đường lạc lối còn ta với con trai ta thì ra sao?.. Tôi lấy những sách giáo khoa cũ) tự học, thi được vào năm thứ hai. Tôi tiếp tục học hết đại học ở Cra-xnô-đa. Nghề chuyên môn của tôi là một nghề thú vị, thanh cao. Trồng vườn và trồng nho. Có điều ở huyện này ít vườn tược. Còn vườn nho thì hoàn toàn không có. Thôi được, ta sẽ gây dựng chứ, đồng chí bí thư? Hay lúc này đồng chí chưa thiết gì đến chuyện trồng nho? Không cần món ngon bổ, miễn sao đủ ăn no bụng thôi chứ gì? Các đồng chí vẫn chưa học được cách trồng lúa mì cho tốt phải không?
- Đừng mắng tôi về chuyện lúa mì vội. Hãy cho tôi một thời gian. Hiện giờ chúng tôi đang chuẩn bị chu đáo cho vụ xuân!.. Khi cô ấy đang học đại học, được biết tôi đã chuyển sang công tác đảng, - Mác-tư-nốp nói với Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na - cô ấy viết cho tôi những lá thư hết sức âu yếm! Đã từ lâu cô ấy ước mong tôi bỏ nghề báo chí. Thế mà mới chân ướt chân ráo đến đây đã phê bình người ta luôn!..
- Này, em chẳng viết cho anh câu gì đặc biệt âu yếm đâu nhé. Em chỉ viết rằng không chỉ riêng trong văn học người ta mới có thể trở thành nghệ sĩ. Chính anh không hiểu được thiên hướng của anh! Anh sáng tác truyện ngắn thì không thể nào đọc nổi, chán ngắt, tẻ hơn cả biên bản. Nhưng đôi khi, lúc hào hứng, anh phát biểu tại cuộc họp về việc trữ thức ăn mùa đông cho gia súc thì nghe thật tuyệt, chẳng khác gì một bản trường ca! Đúng là Véc-ghi-li[12]!
- Ừ thì Véc-ghi-li... Nhưng việc anh say mê văn học có dính líu gì đến chuyện học hành của em! Chính anh đã nài em học cho xong đại học. Anh tiếc, không muốn em bỏ dở giữa chừng. Thêm nữa, chỉ có đồng lương của anh thôi thì chúng ta sống cũng chật vật.
- Chật vật thì đã đành. Còn anh thì thay cho những bản tin gửi đăng báo, anh viết tiểu thuyết. Nhưng chẳng ai in cho. Đã thế, mỗi năm chúng ta chuyển chỗ ở ba lần. Thùng, xô, nồi, niêu, chậu giặt vừa sắm xong lại vứt hết, mua sắm cái mới!..
- Tính cô ấy thế đấy, - Mác-tư-nốp lại chạm vào khuỷu tay Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na. - Bây giờ cô ấy nhớ lại: một năm ba lần chuyển chỗ ở. Nhưng bản chất cô ấy là bản chất của người Di-gan. Cô ấy có thể suốt đời phiêu bạt nay đây mai đó khắp thế gian... Hồi tôi làm thông tín viên đặc trách của tờ báo tỉnh, tôi muốn viết một truyện ngắn: “Vợ người phóng viên”. Chuyện viết về cô ấy. Hồi đó, tôi chết mê chết mệt về cô ấy.
- Được nhé! Thế bây giờ thì không chết mê chết mệt phải không?..
- Em cứ ở Cra-xnô-đa ít lâu nữa là anh sẽ quên hẳn em cho mà xem.
- Đừng hòng, không quên được đâu!..
- Đừng ngắt lời. Anh sẽ kể cho Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nghe về những gian truân của chúng ta... Chúng tôi đến huyện thứ năm hay thứ sáu gì đó. Một chiếc va-li, một chiếc ba-lô, đó là tất cả hành lý của chúng tôi. Cô ấy năn nỉ tôi: “Anh ơi, thôi thì ít ra ở đây ta hãy sống cho yên thân. Phê bình cấp trên nhẹ lời chứ. Tính nết anh thật khó chịu. Bao giờ anh cũng chỉ nhìn thấy cái xấu”. Ban nãy cô ấy bảo tôi không viết các bản tin nữa là nói sai. Tôi vẫn viết. Không thường xuyên, nhưng viết rất mạnh tay. Không phải chỉ trong huyện tôi ở, người ta mới đọc bài của tôi. Sau mỗi bài đều có nghị quyết của thường vụ tỉnh ủy. Đúng hay không đúng, ban kiểm tra có xác nhận hay cải chính, nhưng thế nào cũng có nghị quyết. Cô ấy bảo tôi: “Anh bao giờ cũng chỉ nhìn thấy khuyết điểm. Nhưng chắc là ở đây họ cũng có những thành tích chứ”. Tôi đáp: “Bản thân anh cũng muốn nghỉ ngơi chút ít. Lần này xem chừng chúng ta gặp một huyện khá. Anh đã đến huyện ủy, Ban chấp hành Xô-viết huyện, các đồng chí ở đây đều vui vẻ, niềm nở. Anh đã đến hai nông trang, các nông trang viên sống sung túc”. Cô ấy mừng rỡ! Thế là ổn rồi! Cô ấy bắt đầu quét vôi nhà mới, treo tranh ảnh lên tường., Một tuần, rồi hai tuần. Cô ấy nhận thấy tôi có điều gì buồn phiền, đêm ngủ không yên giấc. “Anh làm sao thế?” - “Chẳng sao cả”. Thêm một tuần nữa. “Sao anh cứ lặng ngắt, chẳng kể lể gì về huyện này cả?” Tôi bảo: “Em này, tìm hiểu kỹ hơn, anh thấy tình hình ở đây không tốt như lúc đầu anh tưởng. Các cán bộ lãnh đạo ở đây là những tay lọc lỗi, biết trưng bày mặt hàng của mình. Những nông trang do một trạm máy kéo kia phục vụ đều là những nông trang giầu có, bao nhiêu khách đến thăm đều được đưa về nơi đó, việc thực hiện mọi kế hoạch đều nhờ vào các nông trang ấy. Còn một trạm máy kéo khác thì chính những người lãnh đạo mỗi năm cũng chỉ ngó đến một lần. Căn bệnh cũ: “lòe bịp”. - “Còn mùa màng thế nào?” -. “Ở một số khu vực, thu hoạch đạt mức kỷ lục, nhưng nhìn chung thì xoàng thôi”. Một tuần nữa trôi qua, tôi kể cho cô ấy nghe tôi đã đến những đâu, đã thấy những gì... Đột nhiên cô ấy vỗ tay xuống gối: “Thế thì anh thì thầm rỉ tai em trong giường làm quái gì kia chứ? Sao anh không viết lên báo đi? Có lẽ các đồng chí trên tỉnh vẫn coi huyện này là huyện tiền tiến đấy nhỉ”. Tôi bảo: “Anh sẽ viết. Anh suy nghĩ, xem xét thêm rồi sẽ viết. Nhưng em đừng treo tranh lên tường làm gì. Kẻo rồi lại phải tháo cất đi cho mà xem”. Ở tòa soạn, người ta coi tôi là một kẻ khó tính, không biết sống hòa hợp với các cán bộ lãnh đạo ở địa phương. “Anh sẽ viết... Em thu xếp hành lý cho vào va-li đi”., - “Em thu xếp thì có lâu la gì? Nghèo kiết xác như chúng ta, sửa soạn hành lý chỉ nháy mắt là xong thôi. Miễn là anh đừng bán lương tâm anh để đổi lấy căn nhà tốt và để sống yên thân!..”
Mác-tư-nốp đặt tay lên vai Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na.
- Cô vợ tôi giỏi lắm!.. Với người vợ như thế này, tôi có thể đi bộ năm vòng quanh trái đất!..
Vợ Mác-tư-nốp cười ròn tan.
- Thế anh có nhớ ở một huyện kia - huyện Xi-dốp-xcơ phải không nhỉ - người ta đã đón chúng ta niềm nở như thế nào không?
- Đúng là huyện Xi-dốp-xcơ. Có điều là không khua chiêng gõ trống thôi. Kể cũng phải! Một phóng viên tờ báo tỉnh về đây ở mà. Một kẻ nguy hiểm!.. Trong các cơ quan thương nghiệp ở đấy, có những tên gian giảo chui vào. Sau đó tôi đã khám phá ra một vụ ăn cắp lớn. Chúng tôi đến nhà ở bằng xe vận tải, vào mùa đông. Vứt đồ đạc xuống xong, tôi để cô ấy ở lại một mình, ra bưu điện gửi tài liệu cần gấp về tòa soạn. Mãi đến khuya tôi mới trở về. Cô ấy ngồi trong căn phòng trống không và khóc. “Có chuyện gì thế?!” - “vắng anh, ở đây đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện! Có chừng hai mươi người đến hỏi thăm sức khỏe anh. Một gã ở thương nghiệp đến, định để lại cho em một giỏ thực phẩm. Một tên khác ở hợp tác xã tiêu dùng: “Anh chị đi đường chắc chưa ăn uống gì? Xin biếu anh chị xơi tạm cho ấm người lên”. Họ chở đến cho chúng ta một xe than bùn, củi sưởi. Em hỏi: “Bao nhiêu tiền?” - “Nói đến tiền nong làm gì, vì quý trọng anh chị, chúng tôi đưa đến để anh chị dùng thôi. Phải chăm sóc con người chứ...” Thế là thế nào? Chúng nó muốn mua chuộc anh chắc? Lũ ngu ngốc, bọn khốn kiếp!..”. Cô ấy ngồi quỳ xệp dưới sàn như một người đàn bà U-dơ-bếch (trong nhà vẫn chưa có đồ đạc gì cả), và khóc tấm tưởi. “Em không chịu đựng nổi, hình như có tên đã bị em cho một cái bợp...” - cô ấy bảo tôi.
Khi từ biệt Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na, Mác-tư-nốp hỏi:
- Thế còn về việc trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca thì sao? Chị đến đây làm việc chứ?.
- Tôi làm việc với Glô-tốp sẽ khó khăn đấy, - Boóc-dô-va nghĩ một lúc rồi đáp. - Ông ấy hơi thủ cựu.
- Nhưng nếu như ta có thể khơi lại ngọn lửa trong tâm hồn đồng chí ấy thì sao?.. Từ năm 1929, đồng chí ấy đã là đảng viên. Đồng chí ấy đã tổ chức những tập đoàn sản xuất nông nghiệp đầu tiên. Giữa lúc nước ta đang ở trong tình thế khó khăn, đồng chí ấy đã gia nhập Đảng; Tại sao bây giờ đồng chí ấy lại trở thành người hay xuê xoa, nhu nhơ như thế? Cần phải tìm hiểu cho kỹ... Tôi sẽ vận động các đồng chí bầu chị làm bí thư Đảng.
- Thôi được, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, nếu được đồng chí giúp đỡ thì tôi sẽ đến đấy làm việc. - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nói. - Có điều, trong mấy năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện nhiều loại máy mới. Cần phải nghiên cứu kỹ những loại máy đó. Nếu tôi không am hiểu máy móc bằng người thợ lái máy kéo thì tôi lãnh đạo họ thế nào được... Những trò trau chuốt móng tay để làm dáng như thế này, tôi muốn vứt ráo cả đi và lại mặc bộ quần áo công nhân. Tôi sẽ cho biết ta có thể tận dụng năng suất máy móc của chúng ta như thế nào!
- Học sử dụng thành thạo máy móc mới đối với chị không phải là việc khó. Nhưng trước hết phải chú ý đến con người.
- Sao, tôi không yêu mến mọi người ư, tôi ở đâu mà ra? Tôi sinh trưởng trong rừng hoang ư?..
- Thôi được, - để chấm dứt câu chuyện, Mác-tư-nốp đưa ra một đề nghị thiết thực. - Sáng mai chị đến thường vụ và ta sẽ bàn thêm. Chị đến huyện ủy vào quãng mười hai giờ.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na không vào nhà ngay, chị đứng một lúc lâu ở góc phố, chỗ ngã tư đường, nhìn theo Mác-tư-nốp và Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na đang đi xa dần, vừa đi vừa chuyện trò sôi nổi...
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện