Số lần đọc/download: 6928 / 516
Cập nhật: 2021-09-02 21:34:18 +0700
Chương 5
Ven hóa tranh lựng
Giáo sư Võ Tòng Xuân là một chuyên gia nông học được cả thế giới nể trọng. Công lao của ông với việc phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông cửu long thì không có gì phải bàn. Kể cả sau này ông chuyển sang làm hiệu trưởng trường đại học An Giang, một đại học nhỏ và sinh sau đẻ muộn, nhưng thành quả của nó thật lớn lao với nhiều lứa sinh viên tốt nghiệp có chất lượng rất tốt. Tony đã từng làm việc với đại học An Giang và thật bất ngờ về cơ ngơi của trường, có sân cỏ như đại học ở các nước phương tây, mọi thứ đâu vào đấy, công việc được sắp xếp rõ ràng, khoa học của những người lãnh đạo có tư duy tốt.
Tuy nhiên, trong đời, ông lại có lần há miệng mắc quai. Không riêng ông mà chúng ta, ai cũng ít nhất một lần. Đó là đâu chục năm về trước, ông có viết một bài báo, xem xét bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết theo dương lịch như các nước phương Tây. Lập luận của ông là Tết này thật sự là tết của Trung Quốc, theo nông lịch. Các nước vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã không ăn Tết này nữa. Hàn Quốc chỉ xem là holiday, nghỉ 3 ngày, còn Nhật thì bỏ hẳn, chuyển qua tuần lễ vàng từ Noel đến Tết dương lịch để nghỉ như phương Tây. Giáo sư Xuân còn lập luận là chúng ta nghỉ tết, thật sự là quá dài. Trước tết thì đã mất một tháng với tâm lý đã tháng chạp, lúc đó chúng ta bắt đầu quên dương lịch, toàn tính theo ngày âm, rằng bữa nay là mùng mấy tháng chạp rồi... nên bắt đầu chểnh mảng công việc, chuẩn bị nghỉ Tết. Sau Tết thì với quan niệm còn mùng còn ăn chơi, còn Giêng còn ăn chơi, nên mất coi như hai tháng. Đơn hàng xuất khẩu đi các nước khác sẽ bị thiệt hại, v.v.v… nói chung ông đưa rất nhiều con số mang tính định lượng để làm cho bài viết thuyết phục.
Vừa đăng lên, một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là bị ném đá. Ở Việt Nam, thật khó chấp nhận tư duy mới, hay quan niệm mới. Dù ở nước ngoài, nhưng quan niệm như vậy được xã hội tôn trọng vì công bằng mà nói, quan niệm đó cũng có lý, và có lợi cho cộng đồng, không phải vì lợi ích một nhóm người hay một ngành nghề nào cụ thể. Chỉ là quan niệm cá nhân nên chúng ta có thể phản biện, tranh luận. Tranh luận là nguồn gốc của phát triển. Tuy nhiên, tranh luận phải có phương pháp, tránh công kích cá nhân. Sau bài báo đó, giáo sư chọn giải pháp im lặng. Không đính chính hay tranh luận lại, vì đó là giải pháp tốt nhất sau khi cái gọi là rùm beng.
Ở Việt Nam, cứ ai phát biểu, thuận tai thì không nói gì, trái tai thì ôi thôi nhận đá mệt nghỉ. Bữa thì một ông Việt kiều vốn quen nổ (thông cảm, dù đã là tiến sĩ hay đang đi hạc như Tony, cứ phải nổ mới ra chất Việt kiều),bữa thì một ông “doanh nhân” chủ tịch hiệp hội gì đó nói năng rất quả quyết “chúng ta nên, chúng ta phải”, bữa thì một cô ca sĩ muốn quánh bóng tên tuổi vì lâu rồi hát hẻm ai coi… nhưng tất cả đều có chung một cách là mời phóng viên tới để nghe phát biểu một câu xanh rờn, càng xanh càng tốt, đều có trong kịch bản PR... rồi tung lên mạng. Có một nhóm người, không rõ phe nào, thấy A phát biểu là ủng hộ A, ném đá B, bữa sau B nói A lại, thấy cũng xuôi tai, quay lại ném đá A khí thế. Cứ cầm sẵn hai cục đá trên tay, đọc xong là ném, loạn xạ. Giống con dơi, ngồi coi chim và chuột quánh nhau. Thấy chuột thắng thì nói tao là chuột, coi mặt tao nè, giống chuột hem. Thấy chim thắng thì nói tao là chim, vì tao biết bay...
Tony từng tham gia tranh luận với bạn học trong một cuộc rượu hồi còn sinh viên, đề tài là “Nên ăn sáng trước hay quánh răng trước”. Đề tài thiệt dễ thương. Ban đầu rất vui, sau hồi cay cú, bên này lỡ nói sai một chữ, bên kia chụp lấy, ghi nhớ, triển khai diễn giải khí thế... để phản công lại, bên này cũng không vừa, canh me mày nói sai chữ nào là bắt bí liền, lập tức triển khai ý và dùng lý lẽ, dẫn chứng để quật lại... Bên này đuối lý, bên kia hả hê, sung sướng. Sau đó chuyển qua đưa các bậc phụ huynh vào, rồi sau đó tuyên bố mày vô văn hóa tao có văn hóa, mày vô học tao có học, rồi lôi các bộ phận trong cơ thể cũng đưa ra ném vào mặt nhau, máu dâng lên ngút trời. Cũng may là Tony cũng đã kịp thời dĩ hòa vi quý bằng những câu chuyện hài hước, không là choảng nhau to. Bắt tay làm lành, cuối cùng chân nam đá chân chiêu, cặp kè nghiêng ngả lấy xe ra về, cả bọn kết luận, đề tài của tụi mình vừa tranh luận xong, thống nhất như thế này nhé: Mỹ không nên đánh I rắc.
Ngày 15/04/2013
Hùn hạp làm ăn
Người ta thường nói, người Việt hùn hạp làm ăn chung, thể nào cũng không bền được. Điều này khác hẳn với người Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và cả người Thái, người châu Âu, người Ấn Độ... Có cô bạn làm ở công ty chuyên dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, cô nói các công ty mà ghép 3 chữ như ABC, tức 3 anh A,B,C hùn vốn thành lập, khoảng 10 công ty thì sau 10 năm chỉ còn 1. Tức 90% giải thể, trong đó có thể do kinh doanh tệ quá, và cũng có thể do công ty ăn nên làm ra quá. Cả hai đều phải giải tán. Vì sao nên nông nỗi này?
Không ai biết vì sao. Tất cả đều do suy đoán. Khi làm ăn chung, khó khăn thì không nói gì, thậm chí là rất tốt, hữu hảo. Nhưng khi ăn nên làm ra, ai cũng muốn giành phần hơn, ai cũng nghĩ công lao mình nhiều hơn, nhưng lại chia phần bằng nhau. Tony có anh bạn, học chung lớp cao học. Anh lớn tuổi hơn và là một nhà kinh doanh thành đạt và học cao hiểu rộng, Tony xem như là đại ca. Sau khi rời tập đoàn xây dựng của Nhật với kinh nghiệm về tư vấn xây các tòa cao ốc, anh mở công ty riêng với một anh bạn thân. Lúc khai trương công ty, thấy anh bá vai ôm cổ với anh cổ đông này và nói: “Đây là ông anh của anh, coi như anh em ruột, sống chết có nhau, tụi anh tin tưởng nhau 100%, sẵn sàng hy sinh cho nhau”. Nói rồi nâng ly côm cốp, bia rượu phừng phừng, nom có vẻ yêu nhau tha thiết. Những tưởng lúc đó ai mà nhào tới đánh ông cổ đông này, anh có thể rút gươm ra chiến đấu và có thể tử vì bằng hữu.
Rồi công ty đến nay được 3 năm, làm rất tốt. Năm ngoái nhậu với anh. Anh uống ly bia và trề môi khi nói về cái anh cổ đông đó: “Nó có làm gì đâu, trong khi tao làm chết bỏ luôn, cuối năm chia tiền bằng nhau. Mày thấy có điên không, có đúng không”. Tony hỏi lại thế lúc đầu góp vốn thì sao, có ràng buộc điều lệ thế nào. Ảnh nói là lúc đó nó có tiền, tao có nghề, nên mới hùn lại làm. 50/50. Nó vẫn cứ đi làm việc của nó, vẫn có lương ngon lành, trong khi tao cày thấy mẹ. Anh nói và có vẻ tức tối lắm. Tony hỏi vậy giờ sao, ảnh nói tao sẽ hất nó ra khỏi công ty, yêu cầu nó rút vốn. Công sức là của tao cả mà.
Hôm nọ gặp anh, anh nói: “Tao đang điên tiết. Nó không chịu rút. Nó thấy đang ngon ăn mà. Rồi cũng sẽ phải rút thôi. Tao sẽ làm cho công ty này thua lỗ, thế nào nó cũng rút thôi mày ạ. Anh nói nó ngu lắm, có biết gì đâu. Thế là tao chỉ đạo kế toán tăng chi phí. Vợ con tao đi chơi cũng ghi vào chi phí công tác, tao cất nhà thì hạch toán vào xây chi nhánh, đi Đà Lạt tao cũng đi máy bay, rồi bắt tài xế chạy lên để chở tao đi vòng vòng, rồi tao bay về, tài xế xách xe không chạy về Sài Gòn. Tao suốt ngày tiếp khách... Năm nay lỗ to mày ạ... mày thấy tao có thông minh không?” Nói rồi anh cười đắc thắng, gương mặt toát lên vẻ lanh lợi của một chủ tịch hiệp hội doanh nhân ngành Y quận X.
Đi trên đường về, Tony nghĩ thầm. Thông minh thật sao. Sao một người mình từng ngưỡng mộ, từng rao giảng bao điều hay cho mình lại có suy nghĩ như thế? Thế rồi say quá, ngủ li bì, chẳng suy nghĩ được nhiều, cứ thế thời gian trôi đi. Hôm nay anh gọi điện rủ mình đi hội thảo vào tuần tới, anh nói, tao làm diễn giả mày ạ, mày đi đi cho vui. Tony hỏi hội thảo gì anh, anh nói hội thảo về tính Liên kết để tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp Việt.
Ngày 17/04/2013
Chuyện Tony ở Harvard
Đại hạc Ha Vợt nhé, không phải Ha Vớt như một số người nói đâu nha. Ai nói Ha Vớt, Tony không có hài lòng. Chữ “Vợt” nghe nó có tính chất thể thao, còn Vớt nghe như đậu vớt, vớt vát, trục vớt... Vậy nên ngoài biệt danh Tony Tèo, Tony Phân, có thể nói thêm Tony Ha Vợt. Nghe cường tráng gì đâu.
Chuyện bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2007, giáo sư John Quelch, phó hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Business School (HBS) có đến Việt Nam. Ông này là cây cao bóng cả về lĩnh vực thương hiệu. Ông thích thú với Nha Trang một cách đặc biệt (chắc giống Yersin, vĩ nhân hay thích Nha Trang). Tony cũng có đi tắm bể hôm ấy. Thấy Tây đang bơi thì bu lại rèn luyện tiếng Anh. Tạt nước, lặn, cút, đắp lâu đài cát, búng tay tôm tép... với ổng một hồi mới biết ổng là Prof John Quelch. Bon chen cuối cùng Tony cũng có một cái danh thiếp của ổng. Thế rồi quên béng mất, lúc đó Việt Nam đang sốt mọi thứ, từ đất đến vàng, chứng khoán, làm gì cũng có tiền. Vung tiền ôm hết, Tony trở nên hết sức giàu có. Nghĩ mình đã bước một chân vào giới thượng lưu, chuẩn bị mua siêu xe dzớt Hồ Ngạc Hòa rồi trên tay Cường Đô Loa. Sau đó đâu được hơn năm thì bong bóng xẹp, Tony bị vứt chỏng chơ ra ngoài xã hội, nghèo khổ, rách rưới, tuy gương mặt hãy vẫn còn thanh tú. Bất chấp suy thoái hay khủng hoảng, gương mặt anh ấy vẫn đẹp một cách rạng rỡ... Biệt thự, siêu xe... dần dần bán hết, đến cái nhà trọ cũ kỹ cũng bị bà chủ vứt đồ ra đường, đuổi đi. Trong đống đồ vứt đó, rơi ra cái danh thiếp của giáo sư John Quelch.
Một đêm mưa buồn lạnh lẽo, Tony bèn chong đèn lấy ipad gửi meo cho ổng, nói giờ con rảnh quá hà, cho con qua hạc với. Đâu lúc sau ổng trả lời, nói ừa, qua hạc đi. Mình nói hẻm có tiền. Ổng nói thôi qua hạc miễn phí đi, tiền bạc gì, mày khách sáo quá. Cái mình xách đít qua Ha Vợt hạc.
Khi vác mẹt qua bên đó hạc, thì mới thấy ủa trường này cũng đẹp và nổi tiếng. Chụp hình thôi là chụp hình. Tỷ lệ vô hạc trường HBS là cao nhứt trong hệ thống các trường Ha Vợt, nhưng cũng khoảng 14%. Bên Y hay Luật khó vô hơn. Các danh nhân từ cổ chí kim có nhiều, như ông cựu TT Bush, ông Obama, hay ông tổng thơ ký LHQ bây giờ, cái ông gì người Hàn Quốc quên tên òy. Rồi bảng vàng rồi đây sẽ có Tony Tèo... biết đâu được. Mình có hỏi ủa sao nhận tui vô rồi cấp hạc bổng tàn phần cho tui vậy, ngoài ngoại hình ra, tui có gì khác xuất sắc chăng? Mấy cô phòng đào tạo nói ai biết, thấy có thơ thầy hiệu phó nói nhận mày vô đi, tao tưởng mày bạn của Bạc Qua Qua hay con ông tổng thống cái đảo quốc nào đó chớ. Cuối cùng thì mới biết là một ngày có hàng ngàn thư gửi sang xin hạc, nhưng toàn gửi phòng đào tạo hay bộ phận tuyển sinh, chỉ có mỗi mình là gửi cho hiệu phó. Ổng rảnh quá, đọc thư xong reply luôn. Trong thư, thầy nói mày viết sai chính tả hết trơn nhưng tao đoán ý thì hiểu. Viết dễ thương lắm Tony à. Không biết mày ăn gì mà viết dễ thương quá.
Lúc qua, cô bé làm phòng giáo vụ hỏi mày muốn hạc cái gì. Mình nói đâu đưa menu cho tao lựa. Lựa tới lựa lui một hồi mới chọn được chương trình chuyên tu tại chức văn bằng 2. Nói sẵn tiện cho tao hạc luôn tiến sũy nha, vì tao đang lòm cái tiến sũy ở quê nhà nhưng hạc hẻm nổi vì mấy thầy bên đó đang cãi nhau, bữa bắt định lượng, bữa bắt định tính, hệ Liên Xô và hệ Âu Mỹ đối đầu nhau chan chát. “Làm sao có thể tốt cho cả hai?”. Chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được.
Lúc vào lớp, mình chẳng biết nói gì chỉ cười. Vì nghe có hiểu mẹ gì đâu. Lâu lâu đứng lên phát biểu cả lớp cười bò. Rồi bắt đầu mọi người hâm mộ, nói ủa mày dân châu Á sao ăn nói sáng tạo quá vậy, tao thấy tụi châu Á đứa nào cũng rất là stereotype. Thầy cô cũng bắt đầu hâm mộ, nói thằng này nói chiện nghe vui và dễ thương quá nè. Mỗi lần Tony nói là sinh viên cả lớp im lặng, vì Tony nói là tao phát âm tiếng Anh theo một trường phái riêng, và có sở thích hay nuốt chữ, swallow words, nên tụi mày phải tập trung hết sức, tao không nói lại hai lần như thi Tóp Phô đâu.
Rồi Tony cũng hay dọa nghỉ hạc. Ngày nào cũng mang kẹo dừa xuống phòng hành chính, ép ăn rồi chọc ghẹo mấy chị rồi nói bóng gió xa xôi chuyện nghỉ hạc để trở thành tỷ phú, giống Bill Gate và Mark Zuckerberg, cũng là cựu sinh viên của trường nhưng hẻm có tốt nghiệp được. Nên mấy thầy sợ hãi, bữa nào vào lớp cũng lụm cụm đi điểm danh (mấy thầy trường HBS già lắm),cứ thấy Tony ngồi một góc đang giũa móng tay, thì mới yên tâm giảng dạy. Mấy ổng nói, nếu cho mày nghỉ, thế giới có thể có thêm một tỷ phú nữa, nhưng HBS hết vui. Các bạn người Ecuador hay Chile gì đó cũng nói nếu Tony nghỉ hạc thì họ cũng bỏ hạc về nước. Cái thôi, mình hạc tiếp. Mình hay vì mọi người. Bữa nay thầy Michael Porter nói mới biết, cả trường xưa nay có hàng ngàn sinh viên bỏ hạc, nhưng chỉ có hai tỷ phú, còn nhiêu đi móc bọc nylon hết rầu.
Chu cha, vậy thôi, hạc, hạc.
Hạc, hạc nữa, hạc nữa...