Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Mark Haddon
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Ace Lê
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 204 / 8
Cập nhật: 2020-01-25 21:18:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Đột Nhập
iữa đêm khuya, tôi bị tỉnh giấc vì cứ nghĩ thầy Kidd đang đứng ở đầu giường, tay cầm con dao cắt bánh mì, ngoác miệng nhăn nhở cười và nói, “Chúc buổi tối tốt lành. Chúc buổi tối tốt lành. Chúc buổi tối tốt lành,” với tia huỳnh quang xanh biển lấp láy trong mắt.
Tôi lục kỹ tủ quần áo. Tôi rà soát gậm giường. Tôi kiểm tra ban công, buồng tắm và đằng sau tràng kỷ. Ấy vậy mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt lại được. Thế nên tôi kiếm một túi bánh bích quy nhân nho khô và xem Chiến tranh giữa các vì sao cho đến khi ai nấy lần lượt thức giấc. Rồi tôi về phòng và gục trán vào máy sưởi trong năm phút.
Tôi bước ra tuyên bố với mọi người rằng tôi bị đau họng cộng thêm tiêu chảy, và rõ ràng để tôi đi học là một ý kiến tồi. Hiển nhiên tôi không thể trốn ở nhà mãi được. Nhưng vào lúc này tôi thấy an toàn hơn cả là cứ nằm đắp chăn trên tràng kỷ mà thưởng thức Đế chế phản công rồi Sự trở lại của Jedi
“Tội nghiệp, tội nghiệp mày quá đi,” Becky thở dài, rõ ràng là đã đọc vị được tôi rồi. “Tao nghĩ phải gọi xe cứu thương đấy, mày thấy sao? Để chị mày lấy máy gọi ngay nhé?”
“Mẹ ơi?” tôi gọi. “Con bị sốt rồi thì phải. Đây. Mẹ sờ trán con này.”
Nhưng mẹ còn đang mải chạy nhoáng nhoàng quanh nhà, vừa tô son vừa quơ lấy mấy tập tài liệu thuyết trình. “Con yêu, bảo bố sờ cho,” bà soi vào mặt kính của lò nướng chỉnh trang lại mái tóc. “Mẹ muộn rồi đây này.”
“Chị mày gọi cho bệnh viện đây nhé,” Becky nhấc điện thoại lên tuyên bố.
“Cư xử cho đúng với tuổi của con đi, cứ làm như mới lên ba lên năm không bằng,” mẹ xen ngang, đưa tay giật lấy ống nghe dập ngay xuống rồi lướt mất hút ra khỏi cửa trong một đám mây sặc sụa nước hoa.
Bố tôi cũng chẳng giúp được gì hơn. “Đi học là quan trọng,” ông bận đồ ngủ, ườn mình trên tràng kỷ xem chương trình ti vi buổi sáng. “Mỗi ngày đều đáng quý. Con cần học thức. Con cần kết quả bài kiểm tra.”
“Nhưng bố ơi, sờ đầu con đi. Nhanh lên.” Trán tôi đang nguội dần. Dí đầu vào máy sưởi quả là khó chịu, và tôi không hề muốn làm việc đó đến lần thứ hai.
“Con cần bằng cấp,” ông ném cho tôi cái nhìn nghiêm nghị của một đấng phụ huynh. “Bằng cấp sẽ giúp cho con không phải bận đồ ngủ nằm trên tràng kỷ xem ti vi buổi sáng trong khi ai nấy đều đi làm.”
“Nhưng...”
“Jimbo” - ông trỏ miếng bánh mì nướng về phía tôi - “con vẫn đi được. Con vẫn nói được. Con chưa bị ho ra máu và xương thì có gãy mất đốt nào đâu. Đi học ngay.”
Tôi định bụng kể cho ông nghe sự thật. Về cái bộ đàm. Về spleeno ken modermill. Cặp mắt robot-bỏ-ống. Nhưng nghe điên bỏ xừ. Cái tôi cần bây giờ đâu phải là những cuộc gặp mặt hàng tuần với bác sĩ tâm lý ở trường.
Tôi bèn đi thay quần áo, rồi khoác cặp xách và thất thểu lết ra thang máy.
o O o
Đến trường rồi, tôi thấy té ra cũng chẳng có gì đáng lo. Chúng tôi đâu có bị nhồi vào thùng xe tải. Chúng tôi cũng đâu có bị những sát thủ bịt mặt đen kẹp cổ trong nhà vệ sinh. Thầy Kidd lịch sự gật đầu chào chúng tôi ngoài hành lang còn cô Pearce thản nhiên giảng về Chiến tranh Boer mà không mảy may chớp mắt lấy một lần.
Đến buổi trưa, tôi tự thuyết phục bản thân là chuyện chẳng có gì cả. Chắc hẳn thầy Kidd đã đeo một loại kính áp tròng kỳ cục nào đó. Hoặc giả chúng tôi đã nhìn thấy đèn màu xanh dương của xe cảnh sát phản chiếu trong mắt thầy. Có thể thầy và cô Pearce đều là thành viên của câu lạc bộ Quốc tế ngữ, hoặc đang cùng chơi một trò đùa khó hiểu nào đó. Là trò gì thì tôi không cần quan tâm. Tôi chỉ muốn quên phắt toàn bộ việc này để không phải sống trong sợ hãi nữa.
Đương nhiên, Charlie còn lâu mới để tôi quên. “Nào nào, Jimbo,” nó nói. “Phi vụ này ly kỳ hết sảy. Cậu nói thử xem đã bao giờ có chuyện gì hay ho thế này xảy đến với bọn mình chưa.”
Câu trả lời là “chưa từng”. Tôi im lặng.
Nó quyết không chùn bước. “Có thể có một lời giải thích lãng xẹt cho chuyện này. Mà cũng có thể không. Biết đâu thầy Kidd và cô Pearce là kẻ cướp ngân hàng nói chuyện bằng mật mã. Biết đâu họ đang buôn lậu ma túy. Biết đâu họ là gián điệp.”
Miệng tôi lẩm bẩm những câu rời rạc.
“Tớ sẽ theo dõi họ,” Charlie nói. “Tớ muốn biết họ làm gì sau giờ tan trường. Tớ muốn biết họ đi những đâu và trò chuyện với những ai. Bởi vì họ đang có âm mưu gì đây. Tớ biết chứ. Và tớ sẽ khám phá xem nó là cái gì. Nào... cậu có tham gia hay không đây?”
“Charlie,” tôi nói, “tớ chỉ cần ngủ một giấc thôi.”
“Cứ tự nhiên.”
o O o
Tôi trở về nhà với một trong những bữa tối kinh điển của bố. Món này có tên là bánh người chăn cừu thì phải, mặc dù khi ăn nó chẳng hề giống cái bánh người chăn cừu nào tôi đã từng nếm qua cả. Tôi nghĩ chắc bố chỉ sắp một đống thịt và khoai tây vào cái đĩa nướng lớn, rồi tấn công nó bằng cái đèn hàn. Nhìn cái bánh cứ như vừa được kéo ra từ căn nhà cháy dở.
Tôi ngoạm một miếng, rồi đầu hàng. Becky ngoạm một miếng, rồi đầu hàng. Mẹ mắng chúng tôi kén cá chọn canh. Rồi bà ngoạm một miếng, lập tức nôn ọe không giấu giếm, và thốt lên một từ mà các bậc phụ huynh thực sự không nên thốt ra trước mặt con cái. Thế là chúng tôi mỗi người đều ăn hai phần lê và bánh trứng sữa để bù vào món chính.
Sau bữa tối, Mặt Rỗ xuất hiện trước cửa nhưng mẹ tuyên bố rằng gã không được phép bước vào nhà nếu không xin lỗi tôi trước. Xin lỗi người khác đâu phải sở trường của gã, vì vậy gã cùng Becky lượn mất tăm trong một cơn cuồng nộ khủng khiếp. Rồi mẹ về phòng ngủ làm việc còn bố và tôi ngồi xem phim Hiểm họa của bóng ma. Cảm giác ngồi cạnh bố thật thích. Cứ như hồi tôi còn nhỏ ấy. Xét một cách toàn diện, tôi thấy mình có hai phụ huynh cũng tốt ra phết. Tuy thỉnh thoảng bố cố tình đầu độc tôi, nhưng ông chưa vác kéo tỉa cây ra tấn công tôi bao giờ cả.
Tôi ngủ gục ngay sau đoạn Darth Maul cố ám sát Qui-Gon Jinn. Chắc hẳn bố đã bế tôi lên giường vì sau đó tôi thấy mình tỉnh dậy sau giấc ngủ dài tám tiếng khá ngon lành và cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
o O o
Ở trường, Charlie có vẻ hơi xa cách tôi. Tôi đã xúc phạm nó khi không muốn dính líu gì đến Giai đoạn Hai của kế hoạch. Nhưng tôi đã quyết rồi. Mấy ngày vừa qua làm tôi thấy căng thẳng lắm rồi. Tôi không muốn bị bắt quả tang đang theo dõi giáo viên. Bụng tôi bảo dạ phải kiên nhẫn lên. Chẳng mấy chốc Charlie sẽ chán ngấy cho mà xem. Hoặc là nó sẽ bị tóm cổ và lôi ra trước mặt bà hiệu trưởng và “ăn” phạt một lô ngày lao động công ích. Dù trường hợp nào xảy ra thì kết quả cũng vẫn giống nhau. Cuộc sống sẽ lại bình yên như cũ.
Chúng tôi gặp nhau ở cổng trường sau giờ tan học, giống như mọi ngày, và tôi mời nó về nhà tôi chơi.
Nó từ chối. “Còn có việc để làm. Còn có người để theo dõi,” nó vừa đáp vừa vỗ vỗ vào túi áo đầy bí hiểm và rảo bước về bến xe buýt.
Vậy nên tôi lững thững một mình đi về phía trung tâm thành phố, ghé vào hiệu sách Waterstone và mua một cuốn 500 Công thức nấu ăn cho người mới học. Tôi còn hào phóng chi tiền gói quà cẩn thận trước khi về nhà.
Bố tôi không biết nên tỏ ra cảm động rớt nước mắt hay tỏ ra tự ái. Tôi bảo rằng cuốn sách đã ngốn cả đống tiền tiêu vặt của tôi, nên tốt nhất là ông nên nghiền ngẫm nó. Tôi nào có muốn bố mẹ ly dị. Và nếu việc này đồng nghĩa với việc bố phải nướng cho được một cái bánh người chăn cừu tử tế, thì ông buộc phải học thôi.
“Cũng giống như lắp mô hình máy bay thôi mà,” tôi động viên. “Bố cứ theo chỉ dẫn mà làm.”
o O o
Tôi đã lầm tưởng về Charlie. Nó vẫn chưa biết chán là gì. Và cũng chưa hề bị bắt. Cứ mỗi lần tôi đụng phải nó là nó nói, “Xin lỗi nhé Jimbo. Đang bận. Không rảnh.”
Còn tôi thì bắt đầu thấy lẻ loi. Và chán ngấy. Lại bực mình nữa.
Nhưng rồi, sáng Chủ nhật, tôi đang ngồi trên bờ tường công viên đối diện với khu chung cư nhà tôi, cố nhớ xem trước khi quen Charlie tôi hay làm những trò gì, và băn khoăn không biết nên gọi điện cho đứa bạn không-phải-thân-nhất nào, thì đột nhiên Charlie hiện hình bên cạnh tôi.
“Chúa ơi, làm tớ thót cả tim.”
Bàn tay không băng bó của nó rút ra từ túi áo một quyển sổ màu cam, ngoài bìa chình ình viết một chữ Spudvetch!.
“Cái gì đấy?”
“Mở ra đi,” Charlie đáp.
Tôi mở nó ra. Là cuốn nhật ký của thầy Kidd. Có điều không phải thầy viết, mà là Charlie.
o O o
Thứ Sáu
16:30 Siêu thị Sainsbury (xúc xích, ngũ cốc ăn liền, dầu gội, sữa, súp lơ, cà rốt và nước cam).
8:00 Xem ti vi trận Arsenal đấu với Everton.
10:00 Đi đổ rác.
o O o
“Hượm đã,” tôi cất lời. “Làm sao cậu biết thầy ấy xem chương trình ti vi nào?”
“Thầy ấy quên kéo rèm cửa,” Charlie nói.
“Ừ, nhưng mà...”
“Tớ nấp trong vườn nhà thầy ấy,” Charlie trả lời. “Hàng rào có một kẽ hở.”
“Cậu điên rồi.”
Tôi quay lại với quyển sổ. Có một tấm bản đồ. Và những bức ảnh nữa.
Nửa sau quyển sổ dành trọn cho cô Pearce. Nhật ký. Bản đồ. Ảnh chụp. Thậm chí còn có cả một bản sao chụp thẻ thư viện của cô. Giống hệt cuốn sổ đặt trên bàn cạnh giường ngủ của một bệnh nhân tâm thần. Chỉ xếp sau mấy hình nộm yểm bùa và mấy món vũ khí tự động. Tôi bắt đầu tự hỏi có phải Charlie đã mất trí rồi không.
“Họ sống như tu sĩ ấy,” nó nói. “Họ không đi quán bar. Không thăm thú bạn bè. Họ chỉ đi mua sắm. Xén cỏ. Rửa ô tô.” Rồi nó nhìn tôi. “Cậu không thấy rất đáng nghi hay sao?”
“Không,” tôi đáp. “Charlie à, nếu họ có một cái lô cốt dưới hầm nhà mới là đáng nghi. Nếu họ đeo râu giả đi khắp nơi mới là đáng nghi. Nếu họ đi tới một nhà kho bỏ hoang, mang theo va li chứa một trăm nghìn bảng mới là đáng nghi.”
Nó bỏ ngoài tai mọi lời tôi nói. “Tớ sẽ phải đột nhập vào một trong hai ngôi nhà. Có khả năng là nhà cô Pearce. Dễ tiếp cận hơn. Tối thứ Năm. Cùng lúc với cuộc họp ban giám hiệu. Tớ phải thám thính cho ra nhẽ.”
“Không,” tôi thốt lên. “Không, không, không, không, không. Cậu có biết nếu bị bắt sẽ thế nào không? Cảnh sát. Bà hiệu trưởng. Rồi bố mẹ cậu...”
Đúng là một ý tưởng ngu ngốc, rồ dại, ngang với tự sát. Và thật khó giải thích tại sao tôi lại quyết định hỗ trợ nó. Tôi đoán là vì rốt cuộc thì Charlie cũng là bạn nối khố của tôi. Tôi thấy nhớ nó quá. Vả lại tôi chẳng có gì hay ho hơn để làm. Toàn những lý do vớ vẩn và sẽ không khi nào được cảnh sát, bà hiệu trưởng hay bố mẹ khoan hồng.
Giờ nhìn lại, tôi mới thấy đó là giây phút bước ngoặt trong cả cuộc đời tôi.
o O o
Tối thứ Năm, chúng tôi nhảy lên xe buýt số 45, dừng ở đường Canning và chui vào công viên sau vườn nhà cô Pearce. Lẽ ra chúng tôi nên chui vào đó khi trời đã tối hẳn, nhưng cô Pearce không bao giờ ra khỏi nhà lúc trời bắt đầu nhá nhem nên chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Đợi khi đám nhóc rời khỏi mấy chiếc đu, chúng tôi mới tới gần hàng rào. Đến lúc này một câu hỏi tối quan trọng hiện ra trong đầu tôi.
“Charlie?”
“Gì?”
“Làm sao mình vào được?”
Nó mỉm cười và rút ra khỏi túi áo một chiếc chìa khóa.
“Cậu ăn cắp chìa khóa nhà cô ấy à?” Tôi không tin nổi.
“Không, Jimbo,” Charlie nói. “Tớ mượn nó đấy. Tuần trước. Lúc ra ngoài cô ấy đặt nó dưới chậu hoa. Tớ bèn mang vào trong thành phố đánh một chìa sơ cua.”
Tôi không biết mình nên tỏ ra nể phục hay sợ hãi nữa. Nhưng gì thì gì, tôi phải công nhận rằng, đột nhập vào nhà người ta qua cửa trước có vẻ vẫn tốt hơn là phá vỡ cửa sổ mà vào.
“Mình không có nhiều thì giờ đâu,” Charlie nói. “Đi thôi.”
o O o
Khi đã ở trong nhà cô Pearce, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu những gì Charlie nói. Căn nhà này không hề bình thường. Trái lại nó rất dị hợm. Một cách ma quái. Như trong phim vậy. Những đồ sứ vẽ hoa văn. Một khay đựng trà. Tạp chí Phát thanh Thời đại. Một chiếc đồng hồ quả lắc bằng bạc nhỏ xíu đặt trên kệ lò sưởi. Một chiếc xe cút kít kẻ ca rô chở đồ đi chợ dựng gần cửa ra vào. Mọi thứ nhìn quả là rất rất đáng nghi.
Chúng tôi mở các ngăn kéo, rà soát tủ quần áo và kiểm tra dưới tràng kỷ. Để kiếm tìm cái gì tôi cũng không biết nữa. Nhưng nếu cứ theo lý trí mà hành động thì nhẽ ra ngay từ đầu chúng tôi đã không nên lẻn vào nhà này rồi.
Cứ mỗi phút trôi qua tim tôi lại như bị bóp nghẹt bởi một bàn tay lạnh cóng, và khi đồng hồ điểm năm giờ chiều, tay tôi bấu vào tay Charlie chặt tới mức để lại cả vết móng tay rõ mồn một.
Trên gác cũng giống dưới nhà, chẳng thám thính được gì đáng kể. Chỉ có mỗi quyển hướng dẫn du lịch đến Scotland. Nhưng đó lại cũng là mẩu chứng cứ duy nhất chứng tỏ sự hiện diện của một con người bằng xương bằng thịt ở nơi đây.
“Nào,” tôi nói. “Ta chuồn thôi.”
“Còn gác xép đã kiểm tra đâu,” Charlie đáp.
“Cậu mất hết cả trí rồi đấy à?” tôi thì thào.
Nó mất trí thật. Mà tôi thì lại không muốn rời khỏi ngôi nhà này một mình. Nếu tôi có bị cô Pearce bắt gặp, chí ít còn có ai đó tòng phạm với mình.
Charlie trèo lên cầu thang, đẩy cái ô vuông nắp gác màu trắng lên và dịch nó qua một bên.
“Charlie, mình xin cậu đấy,” tôi nói. “Thôi đi nào.”
Nhưng Charlie nào có đếm xỉa gì. Nó bám lấy cái mép gác và đu người chui tọt vào bóng tối. Trong chốc lát nó biến mất, rồi lại ló đầu ra. “Giờ đến lượt cậu. Trèo lên thang đi.”
Tôi bèn lật đật trèo và nó cúi người kéo tôi lên. Khi tôi lên đến gác xép, Charlie rút túi sau ra một chiếc đèn pin. Tôi lần mò theo vệt sáng hình bầu dục đang quét trên những thanh xà rầm.
Có một hộp đựng đồ trang trí Giáng sinh. Vài viên gạch lát sàn cũ. Một cái va li rỗng. Và một con nhện to như con chuột lang.
“Chẳng có gì ở đây sất,” tôi nói. “Thôi nào Charlie. Tớ muốn về nhà rồi.”
Nhưng nó còn đang bận dò dẫm tới chỗ lắp cái bình nước nóng, xung quanh vứt ngổn ngang một đống hộp bìa các tông cũ kỹ. Rồi nó mở từng cái một ra để rà soát xem bên trong có gì. Tôi luồn tới bên cạnh, xắn tay giúp nó cho xong việc càng nhanh càng tốt.
Và chính tôi lại là đứa kiếm ra tang vật đó. Một hộp bánh bích quy làm bằng kim loại bị nhồi vào tít trong cái khe phía dưới bể nước. Tôi kéo nó ra, thổi sạch bụi, giơ lên trước ánh đèn pin của Charlie và nạy nắp lên. Bên trong là bảy cái vòng tay đánh bằng đồng thau, một bản đồ Khảo sát Quân nhu của vùng nào đó tại Scotland và một mảnh giấy. Thực ra không phải là giấy. Ít nhất thì tôi cũng chưa nhìn thấy loại giấy này bao giờ. Trông nó giống lá thiếc, có điều mịn và mềm hơn. Nhưng khi mở ra, tôi thấy nó chắc và dai như da thuộc. Bên trên có in:
o O o
Trezzit/Pearce/4300785
Fardal, rifco ba neddrit tonz bis pan-pan a donk bassoo dit venter. Pralio pralio doff nekterim gut vund Coruisk (NG 487196) bagnut leelo ren ropper donk gastro ung dit.
Monta,
Bantid Vantresillion
o O o
“Ta trúng số độc đắc rồi, tình yêu ơi,” Charlie nói.
Và đúng lúc đó, chúng tôi nghe thấy từ bên dưới tiếng cô Pearce mở cửa bước vào nhà.
“Đừng cử động,” Charlie nói.
Nó bước vòng qua tôi và dịch cái ô ván lại đậy ngay ngắn trên mép gác, tự nhốt cả hai đứa trên tầng mái tối om, và trong mấy giây sau tôi thấy như muốn nôn mửa. Mà nôn với mửa lúc này thì giải quyết được gì.
“Charlie,” tôi thều thào. “Cậu làm cái quái gì thế?”
Nó nhón chân rón rén bước vòng qua tôi và lượm lên tờ giấy mà không phải là giấy.
“Charlie?”
“Suỵt!”
Nó rút từ một túi ra quyển sổ da cam Spudvetch! và túi kia là chiếc bút bi. Ngậm đèn pin trong miệng và dùng bàn tay phải băng bó chặn cho quyển sổ mở ra, nó bắt đầu chép lại thông điệp không ai hiểu nổi kia.
Tôi ngồi gục mặt vào hai bàn tay, hít thở sâu và chầm chậm đếm số để bình tĩnh lại. Vô ích. Xuyên qua gác mái, tôi nghe thấy cô Pearce đi đi lại lại, mở mấy cánh cửa ra, xóc ngăn kéo đựng dao dĩa, rồi đổ nước vào trong ấm. Tôi chắc mẩm bọn tôi sẽ bị kẹt trên này tới tận sáng, khi cô rời nhà đến trường. Và tôi nhận ra rằng từ giờ tới sáng kiểu gì tôi cũng sẽ phải đi vệ sinh. Và thể nào tôi cũng bị bắt giam vì đã tè xuyên qua trần phòng ngủ của cô giáo dạy Lịch sử.
“Xong,” Charlie cất sổ vào túi và đút lại mảnh giấy vào hộp bích quy. Nó nhét cái hộp về dưới bể nước và sắp xếp mấy cái hộp lại như cũ. “Giờ ta tẩu thoát được rồi.”
“Chính xác thì ta tẩu thoát kiểu gì đây?” tôi hỏi.
Nó đứng dậy bẻ tay răng rắc, “Chuẩn bị động cơ cho sẵn sàng đi, Jimbo.”
Nói đoạn nó đặt hai tay lên mái nhà, lay lay lắc lắc. Giây lát sau một phiến ngói tách rời ra. Nó tuồn cánh tay qua lỗ thủng và lia mạnh phiến ngói vào màn đêm. Sau một giây im lặng, phiến ngói đáp thẳng vào vườn kính trồng rau làm mấy tấm gương vỡ tan tành.
“Nào,” Charlie nói. “Nghe nhé.”
Chúng tôi chỉ chực đợi tiếng cửa sau mở ra, rồi Charlie giục, “Đi, đi, đi mau.”
Tôi nhấc cái ô ván lên, đẩy qua một bên và chui người xuống thang. Charlie làm theo, rồi đóng nắp gác lại. Ngay khi hai đứa vừa chuẩn bị leo xuống thang thì cô Pearce bước vào phòng. Chúng tôi như hóa thành đá. Cô ấy vẫn chưa nhìn thấy chúng tôi, nhưng kiểu gì vài giây nữa cô cũng sẽ quay đầu lại.
Cô vẫn đứng im đó, mắt chằm chằm nhìn cửa trước như đang theo dõi hoặc nghe ngóng cái gì. Tôi cảm thấy một giọt mồ hôi nặng nhọc chảy xuống sống lưng.
Và rồi cô Pearce làm động tác giống hệt lần thầy Kidd đã làm trong sân chơi, ngay sau khi mắt thầy chuyển màu xanh dương. Bàn tay phải cô thận trọng đặt lên cổ tay trái và đầu ngỏng lên trong vài giây liền. Tuy không nhìn thấy khuôn mặt và đôi mắt của cô nhưng riêng cái điệu bộ đó đủ làm tôi ớn lạnh.
Và rồi mọi thứ trở lại bình thường. Buông thõng hai tay xuống, cô nhặt chùm chìa khóa cạnh điện thoại, với lấy áo khoác treo trên giá, mở cửa trước, bước ra ngoài rồi đóng cửa lại.
Chúng tôi chạy như bay xuống thang, phóng dọc theo hành lang và phi xuyên qua nhà bếp. Chúng tôi mở chốt cửa sau, băng ngang khu vườn và nhảy vọt qua hàng rào, tất cả gói gọn trước cả khi kịp thốt hết câu “Barnal ropper donk.”
Chúng tôi chỉ dừng lại khi đã bỏ xa công viên và chạy thêm được năm sáu con phố nữa, cuối cùng dừng ở một bến xe buýt trên đường cái. Hồn vía tôi đã bay hết lên mây, hơi thở hổn hà hổn hển. Tôi cúi xuống thấy hai bàn tay mình run lẩy bẩy.
“Chúa ơi,” Charlie thốt lên, “thật là trên cả tuyệt vời.”
“Lần sau, Charlie ạ,” tôi đáp, “cậu đi một mình nhé.”
o O o
Về đến nhà, tôi cứ tưởng sẽ bị tra khảo nhừ tử. Nào là tôi đã đi đâu, làm sao lại lâu thế, mà vì sao không báo cáo với ai tiếng nào. Nhưng mẹ đi làm về muộn, Becky đã tót đi chơi với Mặt Rỗ, còn bố bận nấu nướng đến mức nếu tôi có dắt một con bò về nhà cũng chẳng để ý. Tôi quẳng cặp xuống và ngồi vào bàn. Ông múc một thìa súp gì đó từ chiếc chảo đặt trên bếp và cẩn trọng đưa nó tới trước mặt tôi. “Nếm thử xem.”
Tôi húp thử. Và quả thật là rất rất ngon.
“Súp cà chua và cam tươi,” bố giải thích, “với húng quế, kem và một ít rượu cô nhắc.”
“Hết sảy,” tôi đáp. “Giờ thì mẹ kiểu gì cũng không ly dị bố được đâu.”
Bùm Bùm - Mark Haddon Bùm