Số lần đọc/download: 1511 / 24
Cập nhật: 2015-05-07 08:49:22 +0700
Chương 6 - Đốm Đèn Báo Động
T
in tức quan trọng do tôi đem về đã khiến Trí và Khiết ngây người bối rối. Nhỏ Khiết xoắn hai bàn tay vào nhau:
- Trời ơi! Biết thế tôi đừng bỏ mặc chú Bình-Be và thím bà Chúa thì có phải chú thím ấy đỡ lo không.
Trí cũng băn khoăn không kém. Anh đưa mắt ngó Khiết đăm đăm, lo lắng vô cùng khi thấy thằng nhỏ hoang mang đến mức đó. Một lúc sau, không chịu đựng nổi nữa, Khiết nói gần như khóc:
- Thôi! Tôi về với chú Bình-Be nghe!
Trí đứng phắt lên:
- Điên à? Khiết điên rồi hả Khiết? Khiết bỏ về là mọi sự hỏng hết đấy! Tụi này cần phải được rảnh tay để hành động chứ! Mà muốn được rảnh tay thì Khiết phải ở một chỗ an toàn, tức là ở đây, Khiết thấy rõ chưa? Chúng mình, giờ đây chỉ còn mỗi cách cuối cùng là tìm bằng được bức mật thư của ba Khiết mới mong tố cáo các việc làm ám muội bất nhân của tên Tể được. Đến mai, tôi sẽ tiếp tục lục soát trong cái rương này, và chúng mình phải chịu khó ở yên trong nhà chờ đến chiều coi tin tức của chú Bình-Be và bà Chúa ra sao đã. Bây giờ đừng có dại mà lang bang mò đến nhà Mai Điên. Nguy lắm! Để Khiết phải lo lắng hoang mang, tôi cũng buồn quá, nhưng không thể làm gì khác hơn được. Cứ bình tĩnh, nằm nghỉ đi, nghe Khiết!
Qua điện thoại, trên bàn làm việc của Trí lại có tiếng của ông Bích-Tâm gọi chúng tôi xuống ăn cơm. Sau khi căn dặn Khiết đừng có vén "ri-đô", Trí quay ra trèo xuống. Tôi cũng vội vã nối gót anh.
Bữa cơm thật ngon, lại có bánh bông lan phết kem ăn tráng miệng nữa. Phải công nhận bà Năm Rằng tính nết tuy có phần nào rắc rối, nhưng tài làm bếp của bà thì đúng là nhất rồi.
Ăn xong, Trí và tôi chỉ nóng ruột lên phòng Thí Nghiệm chơi với Khiết cho nó đỡ buồn. Rủi quá, bữa đó không hiểu sao, ông Bích-Tâm xưa nay vẫn nổi tiếng là chỉ mở miệng nói những khi nào cần thiết, lại hứng trí kể chuyện "ơn đền oán trả" trong tác phẩm trứ danh "Kích-Tôn-Sơn Bá Tước". Câu chuyện hay thật, nhưng hai anh em chẳng còn tâm trí nào để theo dõi. Liếc nhìn đồng hồ tay: tám giờ tối. Bỗng chuông điện thoại reo vang, may quá! Ông Bích-Tâm đứng dậy tới bên bàn, nhấc ống nghe. Trí liếc nhanh mắt cho tôi. Hai anh em quay lại xin phép má Trí để lên phòng Thí Nghiệm.
- Được rồi! Má cho phép. Hai anh em đi đi. Nhưng liệu mà đi ngủ sớm đó, nghe. Các con có vẻ mệt mỏi lắm rồi đấy!
Trí và tôi mừng rỡ quay ra. Trí nói to:
- Ê, Chiêm! Ra ngoài chờ tôi một lát. Tôi uống miếng nước đã.
Và hạ thấp giọng, anh tiếp:
- Chờ tôi tại cửa sổ dưới bếp!
Tôi liếc nhanh mắt dòm chừng bà Năm Rằng. Bà Nữ tướng quản gia này đang ngồi nhận xét, phê bình với má Trí các việc làm kỳ quái của Trí tại gian gác tầng trên gian nhà kho. Bà Bích-Tâm im lặng ngồi nghe, miệng mỉm cười âu yếm. Từ lâu, bà đã biết cái tật kỹ càng khó tính nhưng lại rất chu đáo trung thành của vị nữ quản gia này. Nụ cười trìu mến khoan dung của má Trí khiến chúng tôi yên dạ.
Nhanh như con sóc, nhẩy nhẹ mấy bước, tôi đã tới bên cửa sổ nhà bếp. Chẳng hiểu Trí bảo tôi đứng chờ ở đó làm gì. Mãi sau mới hiểu ý định của anh. Thì ra anh nhờ tôi tiếp một tay trong việc lấy đồ ăn cho Khiết. Trí chuyền qua ô cửa sổ và tôi đỡ ngay lấy một chiếc đĩa tây trên có nửa chiếc bánh bông lan và một chiếc bánh kem ngọt lừ còn nguyên cả cái.
Tiếng Trí thì thầm trong bóng tối:
- Cầm chắc nghe, Chiêm! Mau lên!
Dứt lời, đã thấy anh nhẩy nhẹ qua cửa sổ sáp tới bên tôi.
Khiết đói bụng nên ăn ngon miệng lắm. Ông Nghị cũng đậu trên cành "ngồi" dự tiệc. Ông ngốn từng miếng bánh bông lan bự, cái đầu nghiêng ngả, đôi mắt nhấp nháy tinh ranh không để đâu hết. Chưa hết! Nuốt xong một phần bánh to, "ông" lại ngoắc mỏ đòi "hút xì gà". Vẫn cái giọng khàn khàn như người ngạt mũi.
Trí loay hoay với cái rương đồ của Khiết. Anh nhẹ tay nhấc ra từng món đưa lên mắt nhận xét thật kỹ, mẩu giây kẽm trên tay không ngớt cậy từng cái khe. Kết quả vẫn là con số "không" buồn nản.
Vừa đậy xong nắp rương, chợt nghe chuông điện thoaị reo. Lại tiếng the thé của bà Năm gọi ra lệnh cho hai anh em, Trí và tôi mau xuống đi ngủ.
Trí:
- Vâng, vâng, dì năm, chúng cháu xuống liền dây!
Tưởng thế là yên chuyện, nào ngờ, tiếng bà nữ tướng nghe còn khiếp hơn:
- Này, Chính! Còn nửa cái bánh bông lan và nguyên cái bánh kem dì Năm để trong trạn đâu? Hay đứa nào đã ăn rồi thì cũng nói cho dì biết chứ!
- Dạ, đâu có, dì Năm!
- A, thế thì lạ quá nhỉ?... Nguy quá! Vậy có lẽ mấy thằng ranh nào bên hàng xóm tinh nghịch chạy qua vườn, lẻn vào lấy ăn đây! Hừ! Cái này... cái này, phải báo cho Cảnh Sát để họ truy cho ra mới được. Tức quá!
Trí nháy mắt cho Khiết:
- Thôi mà, dì Năm! Chắc có tay nào đói bụng, kiến bò dữ quá, vớ được bánh của dì Năm đang ngon lành đánh chén đó dì Năm. Thôi, có đáng gì, dì Năm bỏ qua đi nghe, dì Năm!
Dứt lời anh gác ống nghe, rồi nhìn Khiết:
- Thôi, tụi này phải xuống đi ngủ, nghe Khiết! Và Khiết ăn xong cũng liệu đi nằm cho khỏe. Cái giường tốt và êm lắm đó!
Khiết ngơ ngác nhìn quanh, miệng lẩm bẩm:
- Giường? Giường nào nhỉ? Có thấy cái giường nào đâu kìa?
Không nói một tiếng, Trí tiến lại bàn giấy anh vẫn ngồi làm việc hàng ngày, đưa tay xoay xoay một cái núm gì trên mặt bàn mà chúng tôi cứ đinh đinh là lọ mực. Trước hai cặp mắt ngạc nhiên quá sức của Khiết và của tôi, một mảng vách gỗ trong phòng Thí Nghiệm chợt nhúc nhích rồi nhẹ nhàng lật xuống, hai bên có hai sợi giây cao su lớn kềm chắc chắn. Một lỗ hổng lộ ra trông như cái đáy hộp khổng lồ có nệm mút bọc vải trắng tinh. Đúng là một chiếc giường con, kiểu giường ngủ xinh xinh ta thường thấy trên các toa xe lửa hạng nhì và hạng nhất chạy đường Saigon-Đalat.
Trí mỉm cười nhìn Khiết, tay không ngớt ấn và xoay mấy cái nút nhỏ trên mặt bàn:
- Khiết có thể yên trí! Ngoài cái giường nằm rất êm kia, còn cả một hệ thống báo động rất tối tân để đề phòng kẻ gian nữa. Hệ thống báo động này hoạt động nhờ mấy đường giây kẽm nhỏ như sợi tóc tôi bố trí sẵn chung quanh căn kho dưới nhà. Địch lẻn vào, vô tình chạm đến những đường giây thép bí mật đó sẽ tác động vào một cái chuông nhỏ ở đầu giường Khiết, đồng thời khiến bóng đèn con trên mặt bàn này nhấp nháy báo động liên hồi. Khiết đã hiểu chưa nào?
Tiếng nói chú bé mồ côi vẫn còn run:
- Hiểu... hiểu rồi! Nhưng liệu tên Đồ-Tể đã dò ra chỗ trốn của tôi chưa và có thể y mò tới đây đêm nay không?
Trí thẳng thắn nói ngay. Và lời nói thẳng của anh, trấn an Khiết đâu chẳng thấy, trái hẳn thế, càng khiến Khiết toát mồ hôi lạnh:
- Cũng chưa biết được. Hãng của tụi này thường hay gặp nhiều chuyện bất ngờ, tùy cơ ứng biến, lắm phen nên cũng đã quen rồi. Cần dặn Khiết một điều là nếu có dấu hiệu báo nguy thì chớ có hoảng hốt, nằm đâu cứ việc nằm đó, yên trí. Tôi cũng có một cái đèn báo động trên phòng ngủ nhà trên. Có động dụng gì là tôi biết ngay, chạy xuống với Khiết liền.
Trí dứt lời, cùng tôi khép cửa gian phòng Thí Nghiệm xong, leo cầu thang, trèo xuống, để Khiết ở lại. Sắc diện nó lộ vẻ lo lắng trông tội nghiệp vô cùng.
-Không sao đâu, CT3! Mệt quá rồi cậu chàng cũng phải lăn ra ngủ khò mà, lo gì!
Liếc nhìn quanh, tôi thấy nét mặt "xếp" vẫn vô cùng bình tĩnh thản nhiên. Vào tới phòng ngủ, sau khi kéo kín màn gió, anh cắm giây điện nối liền hệ thống báo động dưới phòng Thí Nghiệm truyền vào đằng sau cái radio cũ nhưng rất xinh đặt trên bàn ngủ.
Trí kéo chăn lên tận cổ:
- Thôi được! Có sự gì xẩy ra tại nhà Mai Điên, ngày mai sẽ biết, CT3! Mình mong sao ngày mai, khi đến nhà Mai Điên đưa báo, CT3 không đến nỗi bị gặp tại đó... toàn xác chết nghe!
Dứt lời, Trí vói tay tắt đèn.
Sáng hôm sau, Trí lại tiếp tục lục lọi trong cái rương đồ của Khiết. Nhưng coi bộ cũng không có gì hứa hẹn cho lắm. Anh lại cẩn thận hỏi ý kiến Khiết trước khi đục mấy lỗ, trước khi soi thủng hai quai tay cầm và tháo rời hẳn cái đầu hề riễu ra. Kết quả: hai quai xách rỗng không, cái đầu hề riễu chỉ là một cục đồng tròn đặc, nặng chình chịch. Không một kẽ hở, không một khe nẹp nào khiến có thể hy vọng là nơi cất dấu bức thư bí mật được.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, trời đã xế chiều, tới giờ tôi đưa báo. Năm giờ rưỡi, ở Thủ Đức về, xe đạp bon thẳng hướng nhà Mai-Điên, trong lòng tôi khắc khoải chẳng yên, chỉ lo đã xẩy ra sự gì ghê gớm. Bốn bề vắng vẻ quạnh hiu. Trong trang hai tờ báo tôi đã ghi sẵn bản tin tức để thông báo cho ông Bình-Be: "Nhiệt độ bình thường. Không sốt".
Vừa xuống xe đạp, tôi đã cảm thấy ngay có một đám lông gì mềm mềm ướt sát cổ chân. Thì ra là con chó Lát-Si. Ngay lúc đó, lại nghe tiếng người gọi lớn:
- Lát-Si. Về đây! Về!
Bóng dáng ai như ông Bình-Be xuất hiện tại một góc sân nhà. Có phải ông Bình-Be đó không? Ồ, sao trông ông lạ quá khiến tôi không nhận ra được nữa chứ. Một miếng băng trắng lù lù nằm che kín gần hết cái trán rộng, một con mắt sưng húp đỏ au. Ông Bình-Be, nhìn kỹ thì đúng là ông thật rồi, hất đầu ra hiệu cho tôi. Đoạn cúi nhanh xuống bồng con Lát-Si lên tay, ông quay quả bước vào trong nhà mất hút. Trong đầu óc sôi sục của tôi, nổi lên nhiều câu hỏi không lời giải đáp.
Tên Đồ-Tể đã mò tới đây? Và cả tên Dậu ghẻ? Liệng tờ nhật báo Chuông Vàng xuống bậc cửa, tôi đưa tay lật nhanh tấm xơ dừa chùi chân. Bản tin tức đã ngoan ngoãn nằm đó từ bao giờ. Quay ra, quơ tay dắt xe đạp, tôi rảo bước tiến ra ngoài lối đi. Một tiếng động khẽ từ phía trong nhà khiến tôi quay nhanh đầu ngó lại. Bà chúa Huyền-Trân tha thuớt lướt qua ô cửa sổ. Có thế chứ! May quá, hai vợ chồng ông Hề chưa người nào bị hại cả.
Nhảy phóc lên xe, đạp vun vút. Mấy phút sau, những căn nhà ở đầu khu Ba Chuông đã hiện ra. Thở một hơi dài thoải mái, tôi giở bản tin tức do ông Bình-Be viết:
"Khách đã tới thăm - Chúng tôi đã chơi trò hú tim - Khách không tìm ra - Bỏ về thất vọng - Họ sẽ tới nữa".
Vậy là rõ ràng quá rồi. Khỏi cần Trí giảng nghĩa, Khiết và tôi cũng đã hiểu ông Bình-Be cấp báo tin tức gì rồi. Khiết mặt buồn xo, lẩm bẩm:
- Không lẽ tụi mình cứ ngồi chết dí ở đây, không cựa quậy gì hết sao? Hai tên Đồ-Tể, Dậu ghẻ thế nào cũng còn trở lại. Và lần này nhất định tụi nó phải tra khảo chú Bình-Be và thím "bà Chúa" ghê gớm lắm chứ chẳng không đâu. Nguy quá!
Trí gật đầu:
- Đúng như thế! Cho nên, việc cần gấp là phải tìm ra bằng được bức mật thư của ba Khiết để lại. Tôi tìm kỹ lắm rồi đó. Chắc chắn không có trong chiếc rương đó đâu. Chúng mình thử đoán coi nó ở đâu đây chứ?
Không ai có ý kiến gì. Trí cũng lặng im, cau cau vầng trán rộng. Tôi biết anh lại đang suy nghĩ, tìm cách phân tích và tổng hợp, phương pháp lý luận anh vẫn thường dùng trong những trường hợp khó khăn. Thế rồi, suốt buổi chiều hôm đó, ba đứa tôi đều trầm ngâm suy tưởng. Không khí có vẻ nặng nề khó thở vô cùng. Do đó, đến giờ đi ngủ, tôi khoan thai thở ra như người trút được một gánh nặng.
Ngả lưng xuống giường, tôi díp mắt chìm vào một giấc ngủ thật ngon... Đột nhiên, trong cơn mơ, tôi thấy rõ ràng bị một đàn ong đông lắm đuổi đốt. Muôn ngàn cánh ong vỗ vù vù, vè vè, khiến tôi giật mình mở mắt... Trên bàn đêm của Trí, chiếc radio nhỏ xinh, như một tổ ong, phát ra tiếng sè sè, đồng thời một bóng điện nhỏ chớp nháy liên hồi. Trong gian phòng tối đen, nghe tiếng kẹt giường, tôi ngoảnh sang, đã thấy Trí ngồi dậy tự bao giờ.
Tôi lắp bắp:
- Cái... cái gì vậy, Trí?
Trí quát khẽ:
- Dậy, dậy ngay, Chiêm! Mau lên! Báo động! Báo động! Có kẻ gian lẻn vào nhà kho dưới Phòng Thí Nghiệm rồi. Dậy mau!
Tôi cứng người, ngồi im như tượng gỗ. Trí đã đứng cạnh giường, mặc quần áo rất nhanh. Thoáng thấy tôi vẫn bất động, anh khẽ la, giọng bực bội:
- Ủa, Chiêm! Kỳ không! Còn đợi gì nữa chứ?
Tôi giật thót mình, quơ vội cái quần tây xanh, mặc đại vào, quay ngược phía trước ra đằng sau, cứ thế cài thắt lưng, chạy theo Trí. Anh đã nhẩy tới gần cửa sổ. Sau khi lôi một chiếc thang dây vẫn giấu trong thùng sữa để dưới gầm giường ra. Trí gài móc sắt đầu thang dây vào một cái khoen bắt dính nơi khuôn cửa sổ từ hồi nào, rồi liệng cuốn dây ra ngoài không khí. Quay nhìn tôi, anh nói nhanh:
- Kiếm cái gì làm khí giới, Chiêm! Theo tôi! Lẹ lên!
Liếc mắt nhìn tay anh, đã thấy anh cầm chắc một chiếc đèn "pin". Tôi biết rõ chiếc đèn này đã được anh chế biến, làm thêm một nút bấm hình vuông. Bấm nút hình tròn: đèn sáng lóe trong đêm tối. Nhưng nếu bấm cái nút hình vuông, coi chừng đó! Địch thủ xớ rớ đứng đúng đạo đạn ắt sẽ "xơi" ngay một tia hạt tiêu bột vào mắt mũi là hết đường chạy. Hứng chí, tôi quơ nhanh một thanh gỗ, a! Đúng là cái dùi đục, đồ nghề thợ mộc của Trí bỏ quên gần cửa sổ. Có khí giới trong tay, trong lòng tôi cảm thấy hết cả run sợ, hăng hái theo anh trèo xuống thang dây. Trong nháy mắt, hai anh em đã đặt chân trên mặt sân. Trí để một ngón tay lên miệng ra dấu cho tôi im lặng.
Bốn bề vắng vẻ tĩnh mịch. Bóng đêm bao phủ chập chùng. Gió luồn trong tàng cây rú thét rùng rợn. Từ chỗ đứng, hai anh em trông khá rõ khuôn cửa nhà kho đựng dụng cụ làm vườn nhà Trí. Nhưng kế đó lại là bóng đêm đen đặc. Đỗ-văn-Tể, Dậu ghẻ có thể ẩn trong đó cùng với một tiểu đội đồng bọn nữa mà tinh mắt đến đâu cũng không thể nhìn thấy được.
Cửa sổ trên Phòng Thí Nghiệm tối om. Khiết đã nghe lời tôi và Trí, không để đèn sáng. Chắc giây phút này, thằng nhỏ đang run rẩy đứng chết sững giữa sàn gác đợi chờ chúng tôi cứu viện.
Trí đứng dựa vào tường suy nghĩ. Tôi im lặng, cố tránh không gây tiếng động để trí óc anh được rảnh rang. Tôi vẫn biết chung quanh nhà kho, đêm nào Trí cũng căng một hệ thống dây kẽm nhỏ để phòng kẻ gian. Những sợi giây kẽm đó bị chạm đến sẽ tác động lên mấy cái bóng đèn ngầm báo hiệu là có kẻ gian đột nhập. Thế thôi! Còn kẻ gian đột nhập lối nào, đằng sau, phía trước hay phía hai đầu hồi nhà thì... chịu, không thể biết được.
Sau một cái tắc lưỡi, tôi nghe rõ ràng tiếng Trí:
- Thây kệ, tụi mình lao tới nghe, Chiêm!
Tiếng nói vừa dứt, bên hông tôi đã bị cùi chỏ anh hích nhẹ một cái. Thế là hai anh em cúi lom khom, lách nhẹ sau những lùm cây trong vườn, nhắm hướng cửa nhà kho tiến tới. Trí lao đi thật lẹ, còn tôi, thật khổ vì cái quần mặc ngược, cử động hết sức khó khăn. Nhưng vẫn bám sát được anh không rời nửa bước. Tới cửa nhà kho, hai anh em nằm áp bụng xuống mặt đất, im lặng đợi chờ và... xả hơi.
Mấy phút sau, không nghe tiếng gì khác lạ. Trí nhỏm đứng lên, rón rén đi men theo vách tường nhà kho. Cứ hai ba bước, anh lại dừng chân nghe ngóng, đôi mắt nhìn trừng trừng như muốn soi thủng bóng đêm.
Tôi lại bám riết lấy anh như bóng theo hình, thần kinh căng thẳng, tai vểnh lên, tóc gáy dựng đứng tưởng chừng như lúc nào cũng có thể bị xơi dùi cui của tên Dậu ghẻ vậy.
Phút sau, chúng tôi đã mò tới lối bí mật để vào gian nhà kho. Trí đưa tay rờ chân vách gỗ. Anh đẩy một cái then bí mật. Một mảnh ván vừa người đi lọt nhích sang một bên. Anh bước vào gian nhà kho tối đen như mực. Tôi vừa dợm bước định theo vào chợt một vật gì lạnh và ẩm lướt sát ngay vào mắt cá chân. Lúc khác, chắc tôi đã thét lên một tiếng rồi. Nhưng giây phút này, sợ hãi làm tôi cứng lưỡi, miệng há hốc nhưng hét chẳng ra hơi.
Như người máy, đầu tôi cúi nhanh xuống... Thì ra... là con Lát-Si! Con chó khôn ngoan đang hỉnh mũi, đôi mắt sáng xanh trong đêm tối, chớp chớp, cái đuôi lông xù phe phẩy như có ý đợi chờ. Nó đã nhận ra tôi là bạn của tiểu chủ nó.
Tôi khẽ gọi trí:
- Coi này, "Sếp"!
Trí quay ngoắc lại, chiếc đèn bấm chĩa thẳng, ngón tay cái của anh nằm sẵn trên cái nút... vuông, sẵn sàng nhả đạn. Nhận ra con Lát-Si, anh trợn mắt ngạc nhiên. Chưa đầy phút sau, anh đã cười vui lên tiếng:
- Chắc con nỡm này lò mò đến đây, đụng vào hệ thống giây kẽm báo động của tụi mình đây. Chúng mình cứ đi thử một vòng coi lại, nhưng chắc không còn gì đáng lo nữa đâu, Chiêm!
Quả nhiên, không có gì khác lạ. Hai anh em bước vào trong nhà kho. Trí đưa tay đẩy một cái chốt ngầm dưới chân cột; lập tức cái cầu thang nhỏ bên trên đầu tự động tụt xuống, đồng thời sàn gác lộ ra một lỗ vuông vừa người chui lọt.
Đúng như chúng tôi dự đoán, Khiết đang ngơ ngẩn đứng giữa phòng chân tay run rẩy, mặt mũi tái xanh. Trí vội vàng thuật sơ lại sự việc xẩy ra và ra lệnh cho tất cả quay về đi ngủ lại để khỏi bị người trong nhà hỏi han lôi thôi... Chưa ai kịp thi hành, tôi đã nhanh chân tiến lại gần bên cửa sổ. Có lẽ tôi vẫn nơm nớp e ngại Đỗ-văn-Tể hoặc Dậu ghẻ bây giờ mới mò đến và đang rình rập đâu đây. Đưa nhanh bàn tay, tôi khẽ nhấc một góc màn gió, loáng tia mắt nhìn xuống bóng đêm trong vườn.
Mọi vật đều tối đen. Ngoài tiếng gió hú trong tàng cây, tiếng lá rơi đụng mặt đất kêu xào xạc, không còn gì khác lạ. Đột nhiên, phía cửa sổ nhà trên có ánh sáng lóe lên. Bất giác, tôi khẽ la:
- Trí! Trên phòng ba má Trí bật đèn kìa!
Hai anh em không nói không rằng, tụt cầu thang chạy như bay ra khỏi căn nhà kho.
Để con chó Lát-Si ở lại với Khiết, chúng tôi leo thang dây, trèo vào phòng ngủ. Trí quay ra kéo thang dây lên, cuộn gọn lại nhét vào thùng sữa. anh tụt nhanh đôi giày vải. Tôi cũng cuống quýt làm theo.
Co chân nhẩy nhanh lên giường, phút sau, hai anh em đã ngoan ngoãn nằm im trên nệm, chăn đắp lên đến tận mang tai, đàng hoàng lắm.
Vừa đặt đầu lên gối êm, đã nghe ngoài hàng ba có tiếng chân người bước, rồi tiếng bà Bích-Tâm, má Trí:
- Chính, Chiêm ngủ chưa thế hả, hai anh em? Vừa rồi có cái gì vậy?
Hai đứa nín thinh không dám trả lời. Tôi nằm thật im, ti hí mắt nhìn ra. Cánh cửa khẽ kêu "clíc" một tiếng: bà Bích-Tâm nhẹ bước đi vào. Tiếng ngáy của Trí nổi lên đều đều. Tấm chăn mỏng nhô lên xẹp xuống khiến người nhìn yên trí là anh đã ngủ say lắm.
Lại có tiếng khép cửa, rồi có tiếng dép bước xa dần.
Ba phút sau, Trí đã nhổm dậy bật đèn sáng, cởi bộ quần áo ngoài. Tôi lẳng lặng làm theo anh, trong lòng mừng khấp khởi khi giải thoát được cái quần tây xanh mặc ngược. Hai đứa buồn ngủ díp cả mắt lại chẳng còn muốn nói chuyện nữa.
Trước khi tắt đèn, Trí bỗng bảo tôi:
- Chiêm à! Chuyện báo động lầm đêm nay khiến mình thấy rằng cần phải tiến hành công việc thật gấp đó Chiêm. Lần này tên Đồ-Tể chưa tới, nhưng lần sau... có thể lắm. Việc cần là phải khám phá, tìm cho ra cái giấy bí mật đó ngay. Thôi được! Để sáng mai tôi sẽ cho Chiêm biết chương trình hoạt động của chúng mình. Bây giờ nhắm mắt ngủ kỹ cho khỏe cái đã, nghe Chiêm!